Một Hai Ba Những cái chết bí ẩn - Chương 03

Một Hai Ba Những cái chết bí ẩn - Chương 03

NĂM, SÁU, TÔI NHẶT NHỮNG KHÚC CỦI

Ngày đăng
Tổng cộng 10 hồi
Đánh giá 8.1/10 với 12876 lượt xem

Hai mươi bốn giờ sau, Japp gọi Poirot qua điện thoại. Giọng ông cay đắng.
- Thất bại liên tục - ông nói.
- Sao vậy?
- Thực sự Morley đã tự tử. Chúng tôi biết nguyên nhân rồi.
- Tại sao?
- Người ta vừa chuyển cho tôi biên bản khám nghiệm xác Amberiotis. Tôi không rành về các biệt ngữ y học. Nói nôm na, ông ấy đã chết vì tiêm ađrênalin và procain quá liều. Quả tim của ông ta không chịu đựng nổi, và chiều hôm qua, khi cái lão tội nghiệp ấy nói rằng ông ấy cảm thấy không dễ chịu, ông ta không nói dối đâu. Thế là tất cả mọi việc đều được giải thích. Thuốc gây tê mà các nha sĩ dùng để gây tê cục bộ có chất nền là ađrênalin và procain. Morley đã nhầm liều lượng thuốc. Sau khi Amberiotis đi rồi, ông ta mới nhận ra và vì sợ tai tiếng, ông ta đã tự sát!
- Với một khẩu súng lục mà người ta không biết?
- Khẩu súng đó có thể ông ta đã có từ lâu nhưng không ai biết. Ai cũng có bí mật. Nếu tôi nói với ông điều mà đôi khi người ta giấu nhau, ông sẽ sửng sốt.
- Đúng thế - Poirot thừa nhận.
- Dù thế nào đi nữa - Japp nói tiếp - việc này đã được gác lại. Tất cả đều được giải thích một cách lôgic.
- Ông bạn thân mến - Poirot đáp lại - tôi sẽ không giấu ông rằng sự giải thích này còn xa mới làm cho tôi thỏa mãn hoàn toàn. Đành rằng đã có những người bệnh phản ứng một cách bất ngờ đối với việc gây tê cục bộ ấy, và một số trường hợp, ađrênalin trộn với procain có thể sinh ra những tác dụng độc hại. Vấn đề khí chất. Nhưng nha sĩ và bác sĩ nói chung không cắn rứt lương tâm nghề nghiệp đến mức tự sát khi xảy ra một tai nạn nào đó cho người bệnh của họ.
- Đồng ý - Japp nói - Song, chúng ta hãy phân biệt. Khi chất gây tê được dừng với liều lượng bình thường, người ta không thể chê trách gì người thầy thuốc cả. Thầy thuốc không thể dự kiến phản ứng đặc biệt của người bệnh của mình. Nhưng, trong trường hợp mà chúng ta quan tâm, trách nhiệm nghề nghiệp là rõ ràng. Tôi chưa có những con số, bởi vì những sự phân tích định lượng ấy kéo dài thời gian vô tận, nhưng tôi có thể khẳng định với ông rằng, liều lượng là rất cao so với bình thường. Morley đã phạm một lỗi lớn!
- Nhưng - Poirot phản đối - đấy chỉ là một sự lầm lẫn, chứ không phải là một tội ác.
- Đúng! Nhưng có những sự lầm lẫn làm anh sạt nghiệp. Về mặt nghề nghiệp, Morley đã bị mất danh giá. Không ai lại tin vào một nha sĩ có thể tiêm cho mình một liều thuốc độc chết người, tuy rằng cho phép mọi người có một lúc đãng trí.
- Tôi thừa nhận rằng một sự lầm lẫn kiểu ấy là tai hại kinh khủng.
- Hãy nhớ rằng những sự việc ấy thường xảy ra. Những bác sĩ, những dược sĩ trong nhiều năm đã không bao giờ lầm lẫn, rồi một hôm, trong một giây vô ý và thế là thảm hoạ. Và họ phải chịu lấy những hậu quả. Morley là một người nhạy cảm. Khi xảy ra một vụ như vậy, một bác sĩ thường có một dược sĩ hoặc một y tá cùng chịu trách nhiệm. Nhưng Morley, lại chỉ có một mình.
Poirot vẫn chưa chịu.
- Ông không tin rằng - ông nói - ông ấy đã để lại một lá thư nào đó? Đấy chỉ để giải thích sự nhầm lẫn của ông và tuyên bố rằng ông ta không muốn sống sau khi đã giết người một cách không chủ ý? Theo tôi, hình như ông ấy có thể viết vội cho chị ông một lá thư...
- Nếu mọi sự việc đã xảy ra như tôi tưởng tượng - Japp trả lời - thông thường thì ông ta không làm gì cả. Bỗng chốc, ông ta ý thức được điều đã xảy ra. Ông ta mất bình tĩnh và không nghĩ ngợi gì nữa, ông ta đã tự sát.
Poirot nín lặng, Japp tiếp tục.
- Tôi biết ông lắm, ông bạn thân mến ơi! Khi ông đã khăng khăng ở trong đầu rằng ông đang đứng trước một vụ giết ngừời, thì ông không chịu bỏ ý kiến đó đâu. Và đây phải là một vụ giết người. Tôi thừa nhận rằng lần này, chính tôi đã ném ông lên con đường chiến tranh. Tôi đã nhầm, tôi xin nhận lỗi một cách kính cẩn.
- Tôi vẫn cứ tin rằng còn có một cách giải thích khác - Poirot nói.
- Còn có nhiều cách nữa, tôi không nghi ngờ gì về điều đó - Japp đáp lại - và tôi đã nghĩ đến nhiều cách. Nhưng theo tôi, tất cả đều tỏ ra là quái dị. Người ta có thể giải thích rằng Amberiotis đã giết Morley, khi trở về nhà, hối hận ông đã tự tử. Nếu ông tin điều đó, là có thể, còn tôi tôi hết sức không đồng ý với ý kiến ấy. Sở cảnh sát đã cho tôi một số thông tin về Amberiotis. Rất lý thú. Đấy là một ông chủ khách sạn nhỏ, người Hy Lạp. Sau khi đã làm một ít chính trị ở trong nước, ông ta bắt đầu làm tình báo cho Đức và Pháp. Nghề này đã không làm cho ông ta phất lên nhanh chóng như ý muốn và người ta giả định rằng ông ta đã thử làm nghề tống tiền. Nhìn chung, đó là một người khá xấu tính. Năm ngoái, ở Ấn Độ người ta đồn rằng ông ta đã moi được một số tiền lớn cửa một ông hoàng bản xứ. Nhưng chẳng ai chứng minh được vì lão này rất láu cá. Nếu ông muốn một giả thuyết khác thì tôi còn một cái dự trữ đây. Bằng cách này hoặc cách khác Amberiotis nắm được bí mật của Morley và doạ phát giác ông ấy. Vì vậy, khi gặp thời cơ Morley đã phụt vào hàm răng một liều lượng lớn ađrênalin và procain. Ông ta chắc rằng cái chết của kẻ thù sẽ được coi là một biến cố bất hạnh. Amberiotis đi rồi, ông hối hận và tự tử. Đấy cũng là một giả thuyết có thể, tuy rằng, đối với tôi, rất khó khăn để thấy Morley trong vai một kẻ giết người. Đối với tôi, tôi xin nhắc lại, sự giải thích duy nhất chấp nhận được là sự giải thích mà tôi đã nói với ông. Morley bị công việc dồn dập đã phạm một sai lầm. Chính trong ý nghĩa đó, mà chúng ta kết luận. Tôi đã nói vụ này với ông cảnh sát trưởng và dứt khoát...
- Rất tốt - Poirot nói với một tiếng thở dài - Rất tốt...
- Tôi hiểu tình cảm của ông - Japp kết luận nhã nhặn - Nhưng ông không có thể có một vụ ám sát hay trong tất cả mọi lần. Tôi xin nói với ông: "Mong sẽ lại gặp nhau”. Và tôi xin lỗi thêm khi nhắc lại một câu cổ điển: "Thứ lỗi cho tôi đã quấy rầy ông". Kính chào, ông Poirot thân mến.
Rồi ông ta dập máy.
II
Hercule Poirot đang ngồi trước bàn giấy, một bàn giấy hiện đại. Về mặt trang bị, Poirot thích hiện đại, vì ông thích những đường nét thanh nhã và gọn gàng của chúng hơn là những đường cong cổ xưa, dù chúng duyên dáng đến mấy. Trước mặt ông có một tờ giấy hình vuông, trên đó, dưới những đề mục cách biệt rõ ràng, ông đã có một số lời ghi.
Trước hết là lời ghi:
Amberiotis. Tình báo. Tại sao ông ta ở Anh năm ngoái. Ở Ấn Độ trong thời gian biến loạn và sôi sục. Có lẽ là một người cách mạng.
Có một khoảng trống, rồi đến một lời ghi khác.
Frank Carter? Morley không nhớ rõ ông ta lắm. Vừa bỏ việc. Vì sao?
Rồi tới một cái tên, kèm theo một dấu hỏi:
Hower Raikes ?
Cuối cùng, một câu giữa ngoặc kép:
"Nhưng thật ngớ ngẩn!"
Poirot suy nghĩ. Bên ngoài, trên cửa sổ, một con chim đang đậu, mỏ ngậm một cành cây dừng để làm tổ. Poirot cũng vậy, ông giống như một con chim, với cái đầu to hình quả trứng.
Ông để một khoảng trắng trên trang giấy và viết dưới hàng cuối cùng:
Ông Barnes?
Rồi, dưới nữa:
Bàn giấy của ông Morley? Những dấu vết trên thảm. Những khả năng.
Ông nhìn kỹ hàng cuối cùng này một lúc rồi đứng dậy, bảo người đưa can và mũ cho ông và ra đi.
III
Bốn mươi lăm phút sau, Hercule Poirot ra khỏi ga tàu điện ngầm ở Ealing Broadway và đi bộ tới số 88 đường Castle Gardens.
Đấy là một ngôi nhà nhỏ, ở cách biệt với các ngôi nhà khác, phân cách với đường phố bằng một đám vườn giữ gìn rất đẹp mà Poirot ngắm nghía với một sự vừa ý hết mức.
- Đấy ít nhất là có một sự cân xứng hoàn hảo - ông rì rầm một mình.
Ông Barnes đang ở nhà. Ông gặp ngay Poirot trong một phòng ăn nhỏ, nơi mà người thám tử được đưa vào.
Đấy là một người có tầm vóc dưới trung bình, gần như hói hoàn toàn, và hai con mắt hấp háy sau bộ kính mắt to. Ông cầm ở tay tấm danh thiếp của Poirot mà chị hầu buồng đã đưa cho ông.
- Ông Poirot - ông nói với giọng lanh lảnh - tôi rất hân hạnh được ông tới thăm.
Nhà thám tử xin lỗi.
- Tôi xin lỗi vì đã đến đây một cách sỗ sàng...
- Ông không có lỗi - ông Barnes trả lời - ông đã làm đúng và chọn đúng giờ. Bảy giờ kém mười lăm, vào lúc này trong ngày, đấy là lúc hầu như chắc chắn gặp mọi người ở nhà.
Ông chỉ vào ghế và mời:
- Mời ông ngồi, ông Poirot. Chúng ta có nhiều việc cần phải nói với nhau. Tôi tưởng tượng đấy là vấn đề ở số nhà 58 đường Hoàng hậu Charlotte?
- Ông nói đúng - Poirot nói - Nhưng tôi có thể hỏi ông là cái gì đã làm cho ông giả thiết đấy là vụ ấy?
- Ông Poirot thân mến, tôi từ giã Bộ nội vụ đã khá lâu rồi nhưng tôi chưa hoàn toàn bị han gỉ. Có những vụ không cần phải công khai và tốt hơn là không nên gọi cảnh sát. Thu hút sự chú ý vào chúng là vô ích.
- Ông cho phép tôi đặt một câu hỏi khác được không? Tại sao ông cho rằng vụ ấy không cần công khai?
- Tôi nhầm ư? À, thật đáng tiếc quá!
Cúi xuống phía trước, và lắc nhẹ cái kính mà ông vừa bỏ xuống, ông Barnes nói thêm:
- Khi là vấn đề tình báo, ông Poirot, thì không phải con cá nhỏ là thú vị. Cần phải mắc câu, đấy là những con cá lớn. Nhưng, muốn đi tới đó, cần phải hết sức chú ý là đừng làm khiếp sợ con cá bé?.
- Theo tôi, ông Barnes - Poirot nói một cách thành thực - hình như ông biết nhiều việc mà tôi không biết.
- Tôi không biết gì hết - ông Barnes đáp lại - Tôi coi trọng một số sự kiện nhỏ, chỉ có thế.
- Như những sự kiện gì?
- Chẳng hạn, như sự hiện diện của ông Amberiotis ở nhà ông Morley. Ông quên rằng tôi ngồi trước mặt ông ta, trong phòng đợi, trong một hoặc hai phút. Ông ta không biết tôi. Tôi luôn luôn thuộc vào số người không được chú ý. Đôi khi là có ích. Nhưng, tôi, tôi biết ông ta... và tôi hoàn toàn đoán được điều mà ông ta tới làm.
- Như là?
Hai mắt của ông Barnes hấp háy theo một nhịp điệu nhanh hơn.
- Ông xem, ông Poirot - ông nói - những người Anh chúng tôi, chúng tôi là những người cực kỳ chán ngán. Chúng tôi là nhưng người bảo thủ đến tận xương tủy. Chúng tôi càu nhàu phản kháng, nhưng thực ra chúng tôi không có một ý muốn nào cả để thay đổi những thể chế này bằng những thể chế khác mới hơn. Chúng tôi rất gắn bó với hệ thống dân chủ của chúng tôi và đấy là điều làm cho những người quấy rối ở nước ngoài bực mình, mà nước chúng tôi quan tâm. Điều làm cho họ ngao ngán, là chúng tôi có - và hầu như là đặc biệt ở châu Âu vào lúc này - nền tài chính vững vàng! Nếu chúng tồn tại càng lâu, thì đối với họ sẽ không có gì để làm ở nước Anh cả… và vì vậy sẽ rất lý thú đối với họ là trừ khử đi những con người như Alistair Blunt!
Ông Barnes lấy lại hơi và tiếp tục:
- Blunt thuộc vào những con người trả được nợ của họ, và sống không xâm phạm vào vốn của họ và như thế, họ có thực nhiều tiền hoặc họ kiếm được rất ít tiền. Và ông ta cho rằng ngân sách của một quốc gia cũng như ngân sách của một tư nhân. Ông chống lại những cuộc phiêu lưu có hậu quả tai hại, những cuộc thí nghiệm không tưởng... và vì thế có người đã quyết định ông ta phải biến mất.
- A! - Poirot nói.
Ông Barnes tiếp tục:
- Tôi biết vấn đề. Trong số đó có những người rất tốt, mơ ước có một xã hội tốt hơn, và có những người khác xấu hơn nhiều, những người này thực tế là những kẻ vô lại thường thường là từ xa đến. Cả hai loại đều gặp nhau trên nhiều điểm và đặc biệt trên điểm này: "Blunt phải biến mất". Đấy bởi vì ông ta là một trong những cột trụ vững chắc cho trật tự cũ này mà cần phải quét sạch. Đâu là sự thật? Tôi không biết. Trước khi phá hoại, không cần bảo đảm rằng người ta có thể xây dựng lại và làm tốt hơn sao? Sự việc đáng được tranh luận, nhưng trong lúc này, không phải chúng ta quan tâm đến cuộc bàn cãi. Chúng ta không bận tâm đến những lý thuyết trừu tượng, mà những sự kiện... Nếu người ta phá hủy nền móng, thì cái nhà sẽ đổ sụp...
Ông cúi xuống phía Poirot và nói thêm, giọng hạ xuống:
- Vì vậy, họ muốn có Blunt. Điều đó, tôi biết và tôi tin chắc rằng sáng hôm qua, họ đã gần thực hiện được. Tôi có thể nhầm, nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên về điều đó. Đã có những tiền lệ.
Về vấn đề này, ông đã kể ba tên: tên một bộ trưởng Bộ Tài chính, mà chính sách là đặc biệt thích hợp; tên một nhà công nghiệp lớn mà người ta khâm phục nhãn quan rộng rãi của ông; cuối cùng tên một người đầu cơ chính trị kẻ được quần chúng nghe theo. Người thứ nhất đã chết trên bàn mổ, người thứ hai đã chết vì bệnh do chạy chữa quá muộn, người thứ ba đã bị ôtô dằn chết.
- Trong cả ba trường hợp, người ta đã tiến hành một cách dễ dàng - ông Barnes tiếp tục - Đối với ông bộ trưởng Tài chính, bác sĩ gây tê đã phạm một lỗi lầm nhỏ. Những việc ấy thường xẩy ra. Trong trường hợp thứ hai, bác sĩ điều trị, không phải là chuyên gia, đã nhầm trong khi chẩn đoán. Và trong trường hợp thứ ba, là vấn đề một bà mẹ hốt hoảng chạy như bay đến đầu giường người con bị ốm. Luật sư đã làm cho những vị hội thẩm phải khóc, những vị này đã phải xử cho bà ấy trắng án, không tranh luận.
Sau một lúc im lặng, ông nói tiếp:
- Tất cả điều đó đã tỏ ra không nghi cho ai cả và tất cả điều đó đến nay đã bị lãng quên, nhưng điều sẽ làm cho ông thích thú là biết được các vị anh hùng trong ba cuộc phiêu lưu đó đã trở nên cái gì. Người thứ nhất, bác sĩ gây tê, hiện nay có một phòng thí nghiệm nghiên cứu rất tráng lệ mà muốn thiết lập, ông ta đã phải tốn nhiều tiền. Người thứ hai đã nghỉ hưu, ông ta sống trên bờ biển, trong một ngôi nhà đẹp thuộc về ông, và có một chiếc thuyền du lịch. Còn bà kia, các con cái của bà được học hành tốt và trong kỳ nghỉ, chúng về nông thôn sống trong một cơ ngơi đẹp đẽ do bà mẹ mua tậu...
Lắc đầu, ông nói thêm:
- Trong tất cả các nghề nghiệp, luôn luôn người ta tìm thấy một con người dễ gần với sự cám dỗ. Hoàn cảnh đã không muốn ông Morley là con người đó.
- Theo ông, đấy là sự giải thích về cái chết của ông ấy?
- Tôi tin là như thế - ông Barnes trả lời - Một người như Blunt không dễ tiếp xúc và đụng tới. Ông ta được canh giữ, bảo vệ. Tai nạn ôtô thì rất bấp bênh và luôn luôn không thành công. Nhưng một con người thực tế không được bảo vệ là khi ông ta ngồi vào chiếc ghế bành của một nha sĩ. Theo tôi, Morley đã không muốn thuận theo. Và vì ông ấy biết quá nhiều về việc đó, họ đã thủ tiêu ông.
- "Họ" là ai?
- Những người đứng đầu tổ chức đứng sau các sự kiện mà tôi vừa báo cáo với ông. Tất nhiên, chỉ có một người thi hành. Tôi có thể liều đưa ra một giả thiết và đấy sẽ chỉ là một giả thiết và tôi có thể nhầm.
- Reilly? - Poirot lặng lẽ nói.
- Quả thế, chính là ông ấy mà tất nhiên ta phải nghĩ tới - ông Barnes nói.
- Tôi không tin rằng người ta đã yêu cầu chính bản thân ông Morley làm điều đó. Tôi cho là, đến phút cuối cùng, với một cái cớ nào đó, nêu ra một sự khó ở nào đó, chẳng hạn, ông ta phải yêu cầu ông Blunt để cho người cộng tác của ông chữa cho. Reilly tham dự vào và người ta sẽ nói đến một sự bất trắc tai hại. Nhà nha sĩ trẻ tuổi bị truy tố đúng theo lẽ, sẽ tỏ ra khổ sở lắm và hối hận nhiều đến mức chỉ bị kết tội nhẹ và người ta sẽ thấy ông ta một thời gian sau đó từ bỏ khoa răng, và sống ở đâu đó bằng những món lợi tức dễ chịu. Ông chớ tưởng rằng tôi đang viết tiểu thuyết đăng từng kỳ, những việc ấy sẽ xảy ra.
- Tôi biết điều đó - Poirot nói.
Ông bạn Barnes đặt bàn tay lên trên một cuốn sách bìa màu sẫm, để ở trên bàn.
- Tôi đã đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám - ông lại nói - Đó là những chuyện mạo hiểm quái dị, nhưng có điều lý thú để nhận xét là chúng không khác thường hơn những câu chuyện trinh thám xác thực. Ở đời có những người phụ nữ nguy hiểm có bộ mặt đáng yêu, có những người đàn ông đáng sợ nói với giọng đậm đặc ngoại quốc, có những băng quốc tế và những ông sếp mà người ta không nghi ngờ uy lực. Nếu một số những câu chuyện thực mà tôi biết được in ấn thì tôi tin chắc rằng không ai muốn tin cả.
- Trong lý thuyết của ông - Poirot hỏi - vai trò của Amberiotis là gì ?
- Tôi không biết - ông Bames thú nhận - Có lẽ ông ta được dùng để làm bung xung. Ông ta thường chơi trò hai mặt và có thể là người ta muốn kết liễu ông ta vào dịp này. Đây là ý kiến của tôi.
- Cứ cho là ông đúng - Poirot nói - thì bây giờ cái gì sắp xảy ra?
Ông Barnes gãi đầu, nhưng trả lời không chút ngập ngừng:
- Họ sẽ trở lại. Blunt tất nhiên là được bảo vệ, những người bảo vệ của ông sẽ tăng cường cảnh giác. Ông ta không phải sợ một người có vũ khí xuất hiện từ một lùm cây hoặc một sự tấn công nào đó ở một góc phố. Kẻ thù của ông thuộc một lực lượng khác. Ông ta phải coi chừng những người không gợi cho ông một chút ngờ vực, những người bạn, những người ở cũ, dược sĩ đang chuẩn bị cho ông một thứ xi-rô, người bán rượu vang porto cho ông… Ông không thể biết được điều mà mọi người đều có thể làm để bảo đảm một lợi tức nhỏ hàng năm là hơn nghìn livre.
- Có bấy nhiêu thôi?
- Có lẽ hơn.
Im lặng.
- Tôi đã nghĩ đến Reilly từ lúc đầu - Poirot nói.
- Bởi vì ông ta là người Ailen và ở Ailen có nhiều tổ chức cách mạng?
- Không phải vì như thế, nhưng vì ở trên chiếc thảm ở phòng của Morley có những dấu vết hình như kéo của một xác chết. Nếu Morley đã bị một người bệnh của ông ấy giết chết, thì sự việc đã xảy ra ngay tại phòng ông ấy và người ta không phải di chuyển xác chết. Vì vậy mà tôi nghĩ ngay rằng ông ta không bị giết ở trong phòng đó, mà ở phòng bên cạnh. Điều đó khiến ta tin rằng ông ta đã bị giết bởi một người quen.
- Lập luận đúng - ông Barnes nhận xét.
Poirot đứng dậy.
- Tôi xin thành thực cảm ơn ông - ông nói để từ biệt - Tôi có cảm tưởng rằng điều mà ông đã nói với tôi sẽ rất bổ ích.
Trước khi về nhà, Poirot dừng lại ở khách sạn Glengowrie Court.
Sáng hôm sau, ông gọi điện thoại cho Japp.
- Chào ông hạn thân mến - ông nói - Cuộc điều tra tiến hành vào hôm nay?
- Vâng, ông có tham dự không?
- Không chắc.
- Tôi hình dung là nó chả có ích lợi gì cả.
- Ông có định đưa cô Sainsbury Seale ra làm chứng không?
- Có phải cô Mabelle đáng yêu, hai L, E, có thể gọi là Mabel, B, E, L như mọi người không? Các bà, các cô là hay lòe tôi lắm. Không, tôi không gọi cô ấy ra tòa đâu, không cần!
- Cô ấy có liên hệ với ông không?
- Không? Tại sao?
- Tôi băn khoăn chỉ có thế thôi. Bởi vì cô Sainsbury Seale đã rời khách sạn Glengowrie Court từ chiều hôm kia, vào trước giờ ăn cơm tối, và từ đó không thấy cô ta trở lại.
- Ông nói cái gì? Cô ấy đã chuồn rồi à?
- Đấy là một lời giải thích có thể thực đấy.
- Nhưng tại sao? Đấy là một người đàn bà rất tốt mà người ta không có gì để chê trách cả. Tôi đã hỏi những tin tức về vấn đề của cô ta bằng điện tín - trước khi biết nguyên nhân cái chết của Amberiotis vì nếu không, tôi không bao giờ phải vất vả như thế, và Calcutta đã trả lời cho tôi chiều hôm qua. Không có gì để nói lại cả. Tất cả những điều mà cô ta đã kể cho ông là thực. Có lẽ cô ta đã lướt qua hơi nhanh về lịch sử cuộc hôn nhân của cô, nhưng không nghiêm trọng. Cô ta đã lấy một sinh viên theo đạo Hindu, và cô thấy được rằng anh ấy đã có không ít mối liên hệ khác. Lúc đó, cô ta lấy lại tên con gái của mình và chú tâm vào những việc từ thiện. Rất được các giáo sĩ coi trọng, cô ta bắt đầu dạy những bài đọc và đúng là cô ta đã tham gia vào việc thành lập một nhà hát của những diễn viên không chuyên. Tóm lại đó là một người đàn bà đáng sợ nhưng người ta không thể giải thích rằng cô ấy đã đóng một vai trò nào đó trong vụ giết người. Bây giờ ông lại nói rằng cô ấy đã đi rồi. Thế thì, tôi không hiểu ông nữa.
Japp im lặng vài giây, rồi nói tiếp:
- Có lẽ cô ta đã chán ngấy cái khách sạn ấy? Nếu ở vị trí cô ấy, tôi đã không phải chờ lâu đến thế để chuyển chỗ ở.
- Hành lý của cô ta vẫn ở đấy - Poirot trả lời - Cô ta không mang theo gì cả.
Japp tuôn ra một lời rủa.
- Cô ta đi vào lúc mấy giờ? - Ông ta hỏi sau đó.
- Vào bảy giờ kém mười lăm.
- Những người của khách sạn nghĩ gì về việc đó?
- Việc đó làm cho họ họ phiền. Bà giám đốc tỏ ra khó chịu.
- Tại sao họ không báo cho cảnh sát?
- Nhưng, ông bạn ơi, bởi vì có thể xảy ra trường hợp một bà đi ngủ đêm ở một chỗ khác kể cả khi điều đó tỏ ra khó tin, và khi trở về bà ta sẽ tức giận nếu được biết rằng người ta đã báo cảnh sát và chuyện này. Bà Harrison - giám đốc khách sạn Glengowrie Court đã gọi điện thoại tới bệnh viện, sợ có xảy ra tai nạn. Bà ta chuẩn bị gọi cảnh sát khi tôi đến và bà ấy đã tiếp đón tôi như tiếp đón chúa Giê-su. Tôi đã nói với bà ấy rằng tôi sẽ chịu trách nhiệm tất cả và chuyện này chỉ có tôi và một sĩ quan cảnh sát nữa biết.
- Ông nghĩ tới tôi chăng?
- Đúng thế.
Japp lẩm bẩm những lời cảm ơn mỉa mai.
- Đồng ý - cuối cùng ông nói - Sau cuộc điều tra tôi sẽ gặp ông ở Glengowrie Court
V
- Cuối cùng - Japp nói với giọng bực bội cáu gắt, trong khi họ chờ đợi bà giám đốc - quỷ quái làm sao mà bà ấy lại cũng biến mất?
- Ông cho đấy là điều lạ lùng chăng? - Poirot nói.
Họ không có thì giờ để trao đổi thêm. Bà Harrison, giám đốc và chủ khách sạn Glengowrie Court tới gặp họ.
Bà Harrison gần như khóc và câu hỏi đầu tiên của Japp đã mở ra một trận mưa thác đổ bằng lời nói thực sự. Người đàn bà tử tế rất lo lắng. Điều gì đã xảy ra cho cô Sainsbury Seale? Bà ta đã dự tính đến tất cả giả thuyết mất trí, sự se mình bất thình lình, sự xuất huyết, tai nạn ôtô, bị trấn lột bởi bàn tay có vũ khí v.v...
Bà Harrison ngừng lại để thở và kết luận:
- Một người đàn bà dễ thương lắm!... và hình như sống hạnh phúc lắm với chúng tôi.
Theo yêu cầu của Japp, bà dẫn hai người vào trong buồng mà người biến mất đã ở. Ở đấy, tất cả điều sạch sẽ và ngăn nắp, từ những bộ quần áo treo trong tủ, cho đến chiếc áo lót ban đêm, xếp ở dưới gối. Ở trong một cái góc, có hai cái hòm rất bình thường và xếp thẳng hàng dưới một cái bàn trang điểm, rất nhiều giày dép; những đôi giầy đi rất vững, hai đôi bốt tin cao gót, đánh vécni, những đôi giày dạ hội bằng xatanh đen, có thế nói là chưa xỏ chân vào, và một đôi hài. Poirot nhận thấy rằng những đôi giày dạ hội có cỡ bé hơn nhiều, từ đấy người ta có thể suy diễn hoặc là cô Sainsbury Seale có chai ở ngón chân, hoặc là cô chú ý đến vẻ lịch sự của bàn chân nhỏ. Về vấn đề này, ông tự hỏi xem cô cóo thì giờ để khâu lại cái vòng vào chiếc giày trước khi đi ra? Ông hi vọng rằng có, vì sự cẩu thả về quần áo luôn luôn là khó chịu đối với cô.
Japp xem xét các lá thư tìm thấy trong tủ bàn giấy.
Poirot mở một cái ngăn kéo của tủ com-mốt; nhận thấy nó đầy quần áo lót và kín đáo đóng nó lại, vừa tự nhận xét rằng cô Sainsbury Seale hình như có sở thích về hàng len. Ông mở một cái ngăn kéo khác, nó đựng bít tất.
- Ông có tìm thấy cái gì không, Poirot? - Japp hỏi.
Poirot, vẻ sầu não ngắm kỹ một đôi tất:
- Không - ông nói - Đây là loại hai, bằng tơ nhân tạo, giá có thể là: hai siling mười một!
- Ông tự coi là một người bán đấu giá chăng?
Mỉm cười, Japp nói thêm:
- Ở đây, cũng chả có gì hơn! Hai lá thư từ Ấn độ tới, hai hoặc ba chiếc biên lai của các tổ chức từ thiện, không có bóng một chiếc hóa đơn. Cô Sainsbury Seale rõ ràng là một người rất...
- Nhưng - Poirot nhận xét - là một người ăn mặc rất tồi.
- Tất nhiên - Japp tuyên bố - vì cô ấy không coi điều đó là quan trọng gì cả.
Ông ghi một cái địa chỉ, lấy ở một lá thư cũ gởi cách đây hai tháng.
- Có lẽ những người này sẽ có thể nói với chúng ta về cô ấy - ông nói - Họ ở Hampstead và hình như biết khá rõ cô ta.
Hai người còn biết thêm, tất nhiên là từ miệng bà Harrison, rằng không có gì tỏ ra khác thường trong thái độ của cô Sainsbury Seale, tối hôm cô biến mất và hình như cô ta có ý định trở về, vì khi qua phòng lớn, cô đã nói với bà bạn, bà Bolitho rằng sau bữa ăn tối, cô ta sẽ chỉ cho bà sự thành công mà cô đã nói với bà. Hơn nữa, theo quy định ở khách sạn Glengowrie Court, nếu không ăn cơm thì phải báo trước nhưng cô Sainsbury Seale không nói gì cả, điều đó có nghĩa là cô ta định trở về ăn cơm bữa tối, phục vụ vào khoảng giữa bảy giờ rưỡi và tám giờ rưỡi. Nhưng người ta đã không thấy cô. Cô đã đi theo đường Cromwell và đã biến mất.
Rời khách sạn Glengowrie Court, Japp và Poirot đi tới Hampstead, theo địa chỉ mà thanh tra ghi lại.
Gia đình Adams sống với đàn con đông ở trong một biệt thự nhỏ, xinh xắn, và đấy là những con người đáng yêu. Họ biết rõ cô Sainsbury Seale ở Ấn Độ, họ không ngớt lời khen ngợi cô, nhưng họ đã không gặp cô một tháng nay, đúng là từ dịp nghỉ lễ Phục sinh. Vào lúc đó, cô ta ở trong một khách sạn tại quảng trường Russell.
Poirot ghi lại địa chỉ cùng với địa chỉ của một gia đình bạn hữu của Sainsbury Seale ở Streatham.
Ờ khách sạn tại quảng trường Russell họ không được biết gì cả, ở đây người ta chỉ nhớ rằng cô Sainsbury Seale là một bà không làm ồn và đã sống lâu dài ở Ấn Độ, và họ cũng không biết gì hơn ở Streatham, nơi đây những người bạn của cô ta đã không thấy cô Sainsbury Seale từ tháng hai.
Sau khi đến hỏi các bệnh viện, họ tin chắc rằng phải gạt bỏ giả thuyết về tai nạn, Japp và Poirot phải đồng ý rằng chắc chắn cô Sainsbury Seale đã biến mất. Hình như cô ta đã tan biến trong không khí.
VI
Sáng hôm sau, Hercule Poirot xuất hiện ở khách sạn Holborn Palace và yêu cầu gặp ông Howard Raikes.
Để khỏi ngạc nhiên, ông giả dụ rằng ông Howard Raikes cũng đã biến mất, nhưng không phải thế. Ông Howard Raikes vẫn đang lưu trú ở đây, còn bây giờ, ông ta đang ăn sáng.
Sự xuất hiện của Poirot hình như chỉ tạo cho ông Raikes một sự thích thú rất vừa phải. Trong cái nhìn của ông ta có một sự thù địch được thú nhận. Trong khi nhìn chòng chọc vào ông khách không mời mà tới, ông ta hỏi Poirot bằng một giọng kiêu kỳ “điều mà ông này muốn ở ông" .
Nhưng mà Poirot lấy một cái ghế và ngồi xuống.
- Ông cho phép?
Ông Raikes, với một sự mỉa mai vô duyên, đã mời nhà thám tử “làm như ở nhà mình" . Mỉm cười, Poirot dựa vào sự cho phép và ngồi thoải mái trước mặt ông Raikes.
- Cuối cùng - Raikes nói - ông muốn gì ở tôi?
- Ông còn nhớ tôi không, ông Raikes?
- Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ gặp ông cả.
- Nhầm rồi - Poirot đáp lại - Cách đây hơn ba hôm, chúng ta đã ngồi cách nhau vài bước, trong cùng một căn phòng, ít nhất trong năm phút.
- Tôi không nhớ nữa.
- Trong phòng đợi của một nha sĩ.
Những từ cuối cùng tỏ ra có một ấn tượng nào đó đối với người đàn ông. Ông ta bình tĩnh lại ngay, nhưng thái độ có thay đổi. Ông ta từ bỏ những lời hỗn láo để tỏ ra thận trọng và khôn ngoan.
- Thế thì bây giờ phải làm gì nào? - Ông ta nói.
Poirot nhìn ông ta. Có lẽ ông đã đi quá xa khi tuyên bố rằng người thanh niên này có vẻ mặt của một kẻ giết người, nhưng ông chắc chắn rằng Raikes có vẻ nguy hiểm.
Trong khuôn mặt hốc hác, ông chú ý nhất là cái hàm to, bạnh, và đôi con mắt là mắt của một kẻ cuồng tín hoặc một kẻ cuồng tưởng. Con người đó ăn mặc xấu xí và ăn ngấu nghiến.
"Mặc kệ ý nghĩ của hắn, ông nghĩ, nhưng đấy là một con chó sói đói".
Bằng giọng chói tai, Raikes lại hỏi:
- Cuối cùng, tôi có thể biết ý nghĩa của cuộc viếng thăm này không?
- Nó là khó chịu đối với ông?
- Tôi cũng không biết ông là ai!
- Ông thứ lỗi cho tôi.
Poirot rút ví từ túi mình ra và đưa qua bàn tấm danh thiếp của mình cho Raikes. Ông này nhìn qua và trả lại cho nhà thám tử. Trong cái nhìn của ông, có nhiều sự giận dữ và thù địch hơn là sự sợ hãi.
- Như vậy ông là Hercule Poirot - ông ta nói - Tôi đã nghe nói về ông...
- Tôi khá được nhiều người biết đến - Poirot nhận xét với sự khiêm tốn thường ngày.
- Ông là một cảnh sát - Raikes tiếp tục - theo mẫu tốn kém, một trong số những người được gọi đến khi người ta không cần biết đến sự tốn kém, miễn là cứu được tính mạng mình.
- Nếu ông không uống cà phê đi, thì nó sẽ nguội mất - Poirot nói.
Ông nói nhẹ nhàng nhưng bằng giọng tự tin.
Raikes nhìn kỹ ông với một sự sững sờ nào đó.
- Cà phê ở xứ này rất tồi - Poirot nói thêm - vậy nếu không uống nóng, thì không thể uống được.
Raikes đồng ý và nói tiếp:
- Cuối cùng, ông muốn đi tới đâu? Ông đến làm gì ở đây?
Poirot nhún vai:
- Tôi muốn thăm ông.
- Thực không?
Ông Raikes đặt cùi tay lên bàn.
- Nếu ông đến đây để kiếm tiền bạc, ông Poirot, thì ông đã nhầm địa chỉ. Những người mà tôi làm việc cùng không thể bán. Điều mà ông muốn, ông hãy đi tìm lại người trả tiền cho ông.
Poirot thốt ra một tiếng thở dài...
- Cho đến bây giờ, không ai trả tiền cho tôi cả.
- Ông đừng kể chuyện láo cho tôi nữa.
- Có thể ông không tin tôi, nhưng đó là sự thật. Thời giờ của tôi là quý giá, nhưng trong lúc này, tôi tiêu phí nó không có ý kiến trái lại. Chúng ta hãy nói rằng đấy là để thỏa mãn tính hiếu kỳ tự nhiên của tôi...
- Và chắc chắn cũng là để "thỏa mãn tính hiếu kỳ tự nhiên của ông" mà hôm kia ông đã có mặt tại nhà ông nha sĩ đáng ghét ấy phải không?
Poirot lắc đâu.
- Hình như ông quên rằng khi mà người ta ở trong phòng đợi của một nha sĩ, đấy có thể là người ta cần chữa răng. Đấy là trường hợp của tôi.
- Thực thế à? Ông đến để khám?
- Tôi thừa nhận điều đó.
- Này! Ông Poirot, ông tha lỗi cho tôi, nhưng tôi không tin ông!
- Tùy ông - Poirot trả lời - Nhưng thế thì, tôi có thể hỏi ông điều mà chính ông làm ở trong cái phòng chờ ấy không?
Ông Raikes cười khẩy.
- Tôi đến chữa răng như ông.
- Ông đau sao?
- Ông đã nói điều đó.
- Thế nhưng, ông đã đi về không gặp nha sĩ.
- Rồi sao nữa? Điều đó có quan hệ đến tôi?
Có một sự im lặng mà Raikes phá vỡ để nói bằng một giọng đã mất hết mọi sự mỉa mai:
- Ông không tin rằng chúng ta đã nói để không nói gì hết? Ông ở đấy để bảo đảm sự bảo vệ ông khách lớn của ông. Đã không xảy ra điều gì cho ông ấy. Thế thì ông phàn nàn gì nữa? Ông Alistair Blunt thân mến của ông đang khỏe mạnh. Ông không có gì chống tôi. Thế thì…?
- Ông dã đi đâu, khi ông đột ngột đi ra khỏi phòng đợi?
- Tôi đã rời ngôi nhà.
- A!
Poirot nhìn lên trần nhà.
- Nhưng - ông nói - không ai thấy ông đi ra cả.
- Có quan trọng gì?
- Có thể có đấy. Ông chớ quên rằng có ai đó đã chết trong cái nhà ấy, một lát sau.
- Ông muốn nói về nha sĩ?
- Đúng vậy.
Raikes nhìn vào mắt Poirot.
- Ông muốn kết tội tôi đã giết ông ấy? - Ông ta nói - Đây là ý định của ông? Này! Tốt nhất là từ bỏ đi! Tôi vừa đọc báo tường thuật cuộc điều tra tiến hành hôm qua. Cái lão đáng thương ấy tự tử, vì ông ta đã phạm một lỗi lầm nghề nghiệp kéo theo cái chết của một trong những người bệnh của ông ta.
Poirot tỏ ra không nghe thấy.
- Ông có thể chứng minh rằng ông đã đi ra khỏi ngôi nhà vào giờ mà ông định không? - Ông hỏi - Có ai có thể nói rằng ông đã ở đâu vào khoảng giữa mười hai giờ trưa và một giờ chiều không?
Raikes nhìn chằm chằm vào mắt của Poirot.
- Ông nhất thiết muốn rằng đấy là tôi? Blunt ở đấy, hẳn là thế!
Poirot thốt ra một tiếng thở dài bực mình.
- Ông thứ lỗi cho tôi - ông nói - nhưng điều đó tỏ ra là một sự ám ảnh ông. Tại sao ông luôn luôn nhắc đến Alistair Blunt? Tôi không làm việc cho ông ta, và tôi không bao giờ làm việc cho ông ta. Điều mà tôi quan tâm, không phải là ông Blunt và sự an toàn của ông ta, mà là cái chết của một con người trung thực, làm tốt công việc trong nghề nghiệp mà ông ta đã chọn.
Raikes lắc đầu.
- Tôi lấy làm tiếc - ông ta trả lời - nhưng tôi không tin ông. Ông có đồng ý hay không thì tùy nhưng ông là một cảnh sát làm việc cho Blunt, và thế là đủ rồi.
Nét mặt ông ta đanh lại và cúi xuống bàn, ông ta nói thêm:
- Dù thế nào đi nữa, ông nên nhớ rằng ông sẽ không cứu được ông ta đâu. Ông ta sẽ phải biến mất. Ông ta và tất cả cái mà ông ta đại diện. Chúng ta đi tới một trật tự mới, gạt bỏ tất cả những nhà tài chính biến chất ấy, tất cả những chủ ngân hàng ấy, những ngườ hình như đã dệt một mạng lưới nhện không rõ trên quả đất. Họ phải được quét dọn đi. Cá nhân tôi không có gì chống Blunt cả, trừ phi ông ta là hiện thân của mẫu những con người mà tôi ghét. Đấy là một con người tầm thường, nhưng người ta chỉ có thể thắng được với đinamit. Ông ta thuộc vào số người hay nói: "Anh không có quyền đựng vào trật tự đã được thiết lập” Thực không?... Này, chúng ta sẽ thấy điều đó. Trong cái xã hội mà chúng ta muốn, không còn chỗ nữa cho những người như Blunt, cho những cá nhân sống trong sự tôn thờ một quá khứ mà chứng ta ghét. Họ còn hàng lô ở nước Anh, họ là những kẻ cổ hủ ù lì, biểu tượng lụ khụ của một thời đại đã qua đi. Chúng ta sẽ thủ tiêu họ và chúng ta sẽ tạo lập một thế giới mới. Ông hiểu chứ, một thế giới mới!
Poirot đứng dậy.
- Ông Raikes - ông nói - tôi thấy rằng ông là một người lý tưởng chủ nghĩa.
- Rồi sao nữa?
- Và bằng tư cách có thể ông ít bận tâm đến cái chết của một nha sĩ đáng thương.
- Thực tế nó có tầm quan trọng như thế nào nhỉ? - Ông Raikes thốt ra với giọng đầy khinh miệt.
- Nó không quan trọng đối với ông, nhưng nó quan trọng đối với tôi - Poirot trả lời nhẹ nhàng - Đấy đúng là sự khác nhau giữa ông và tôi.
Khi Poirot trở về nhà, George báo cho ông biết là có một bà đang chờ ông.
- Hình như bà ấy hơi sốt ruột - George nói thêm - Bà ấy không cho biết tên.
Poirot thử đoán xem bà là ai, nhưng ông đã nhầm trong sự dự đoán của mình. Quả thế, ông không tưởng tượng được là có cô Gladys Nevill, cựu thư ký - trợ lý của ông Morley quá cố ở trong phòng khách.
Cô này đứng dậy khi ông vào:
- Ông Poirot thân mến - cô nói, rất sôi sục - tôi lấy làm tiếc là đã đến làm phiền ông và tôi đã do dự lâu trước khi đến đây. Tôi biết rằng thì giờ của ông rất quý báu và ông có nhiều việc phải làm, nhưng tôi khổ lắm...
Poirot đã có kinh nghiệm đối với người Anh. Ông mời một chén trà. Cô Nevill đã phản ứng như ông chờ đợi:
- Ông rất lịch sự, ông Poirot. Mới bước vào buổi chiều, nhưng người ta luôn luôn có thể uống một chén trà được rồi phải không?
Poirot, người cho rằng người ta luôn luôn có thể nhịn uống trà, đã dứt khoát nói dối, và vài phút sau đó, nhờ tài khéo léo của George trung thành, ông đã phục vụ người nữ khách một chén trà đầu tiên. Ngay lập tức và cũng như Poirot đã tính đến, cô Nevill - với hiệu quả tốt của chén trà ngon - đã lấy lại một chút bình tĩnh và thăng bằng.
- Ông Poirot - cô nói - tôi xin lỗi là đã quấy rầy ông. Vì vấn đề cuộc điều tra mà tôi đến tìm ông - nó đã làm cho tôi thất vọng kinh khủng!
Poirot nói nhẹ nhàng rằng trái lại đã làm cho ông ngạc nhiên.
- Tôi không phải đến đó để khai - cô Nevill nói tiếp - nhưng bởi vì, theo tôi, hình như người nào đó phải đi theo cô Morley. Có ông Reilly đấy, nhưng cô Morley không thích ông này lắm. Như vậy, tôi cho rằng, nhiệm vụ của tôi là đi với cô ấy.
- Cô đã hành động rất đúng!
- Điều đó là hoàn toàn tự nhiên. Tôi đã làm việc nhiều năm với cô Morley và cái chết buồn thảm của ông ấy là một sự thử thách đau đớn đối với tôi. Tôi nói thêm rằng cuộc điều tra đã không dàn xếp được gì cả.
- Điều đó không làm cho tôi ngạc nhiên một chút nào.
Cô Nevill nghiêng về phía Poirot.
- Ông Poirot, ông biết rằng cảnh sát nhầm hoàn toàn không?
- Thế nào?
- Các sự việc không thể đã xảy ra như ông mong ước. Không thể tin rằng ông Morley đã nhầm trong liều lượng thuốc gây tê để bơm vào hàm răng của một người bệnh.
- Cô tin thế à?
- Tôi tin chắc điều đó. Có lúc những người bệnh chịu đựng kém thuốc tê, nhưng đó là do khí chất của họ, phần nhiều là vì họ đau tim. Nhưng một sự nhầm lẫn trong liều lượng, ngay cả thuốc gây tê, là một việc hầu như không thể có. Người thầy thuốc hành nghề quen đến mức không cần chú ý đến điều mà mình làm. Như một cái máy, gần như không nhận thức được điều đó, ông ta sẽ lấy vào chiếc ống tiêm một khối lượng chính xác thuốc tê mà ông cần.
Poirot gật đầu.
- Tôi đã nghĩ tới điều đó, ông nói.
Cô Nevill tiếp tục:
- Đối với nha sĩ, liều lượng không thay đổi bao giờ. Dược sĩ có thể phạm sai lầm, vì những chế phẩm của ông luôn luôn khác nhau, bác sĩ có thể nhầm khi kê đơn thuốc. Đối với nha sĩ, đấy là việc khác hẳn.
- Cô đã không yêu cầu làm những lời khai ấy trước tòa? - Poirot nói.
Gladys Nevill ngập ngừng một chút trưdrc khi trả lời.
- Không - cuối cùng cô nói - Vì người ta có thể giải thích sai lời khai của tôi. Tôi biết rằng ông Morley không có thể giết một trong những người bệnh của ông. Nếu tôi nói điều đó ra, có phải là người ta đã không kết luận rằng ông ta đã cố ý phạm sai lầm không?
- Rất đúng - Poirot nói.
- Vì vậy mà tôi đến tìm ông, ông Poirot, cảnh sát chính thức có nguy cơ không hiểu, và cần ai đó biết rằng các sự việc không xảy ra như người ta nói.
- Cô có lý - Poirot nói - Điều bất hạnh là việc đó không gây hứng thú cho ai cả.
Cô nhìn ông, ngơ ngác.
- Tôi muốn rằng - ông nói tiếp - cô nói về bức điện tín mà cô đã nhận được, bức điện đã gọi cô ra khỏi London hôm ấy.
- Poirot - cô nói - Đấy là một câu chuyện hết sức lạ thường. Không những người đã gửi bức điện cho tôi biết rõ tôi, mà còn biết cô tôi, và biết cô tôi ở đâu nữa.
- Vậy thì có phải do một trong những người bạn của cô gửi không?
- Tôi không thấy một người nào mà tôi có thể buộc tội một cách có lý.
- Thế thì sao?
Câu hỏi làm cô gái ngượng nghịu rõ ràng.
- Lúc đầu, khi tôi hiểu rằng ông Morley đã tự tử, tôi tự hỏi, có phải là chính ông ấy đã gửi cho tôi bức điện ấy? - Cuối cùng cô nói.
- Không phải vì cô là cô, nhưng chỉ vì ông ấy muốn ở một mình chăng?
- Vâng. Chỉ nghĩ kỹ lại, thì tôi thấy rằng giả thiết là điên rồ, ngay cả khi ông ấy có ý định tự tử thực sự, tôi chỉ biết nghĩ, Frank, anh ta - như ông biết, đấy là một người bạn của tôi - trước hết đã đặt vào trong đầu một ý nghĩ hoàn toàn phi lý. Đối với anh ta, chính tôi đã cho gửi bức điện ấy cho tôi để đi chơi với một người nào khác. Đúng là như thế.
- Có một “người nào khác” à?
Cô Nevill đỏ mặt.
- Chắc chắn là không! Có điều là Frank đã thay đổi nhiều trong thời gian gần đây. Anh ấy trở nên hay cằn nhằn và hay ghen tuông. Chắc chắn là vi anh ấy đã mất việc làm và chưa thể tìm được một công việc khác!... Đối với một người đàn ông, không có gì khó chịu bằng là thất nghiệp, và tôi đã lo lắng nhiều cho Frank trong thời gian vừa qua.
- Anh ta bị phật ý, tôi tin là như vậy, khi thấy cô vắng mặt ngày hôm đó.
- Vâng... và điều đó dễ hiểu. Anh ấy đến thông báo cho tôi biết là anh ấy đã tìm được một chỗ làm... một chỗ làm tuyệt vời mà mỗi tuần kiếm được mười livre. Anh ấy không thể chờ đợi được, anh ấy muốn cho tôi biết ngay cái tin vui đó và tôi cũng tin rằng anh ấy không tức giận khi cho ông Morley biết tin ấy. Anh ấy rất phật ý rằng ông Morley không nghĩ tốt về mình và hơn nữa anh ấy còn tin rằng ông chủ của tôi muốn tách tôi ra khỏi anh ấy.
- Anh ta hiểu nhầm?
- Vâng... Hay đúng hơn là có và không. Dĩ nhiên, Frank đã làm ở nhiều chỗ nhưng không giữ được chỗ nào cả vì người ta cho là anh hơi thiếu nghiêm túc. Nhưng anh ấy đã biết sửa chữa. Tôi tin nhiều vào ảnh hưởng mà người ta có thể tác động đến người khác. Khi một người đàn ông có cảm tưởng rằng một người đàn bà tin vào anh ta, thì anh ta thử tỏ ra xứng đáng với người đàn bà đó. Ông không tin sao?
Poirot nén một nụ cười, nhưng tránh không tranh luận. Những câu chuyện đó, ông đã nghe ở miệng hàng trăm người đàn bà, như Gladys. Tất cả đều tin, với một sự lạc quan không chữa được, vào quyền lực cứu thế của tình yêu. Ông cho rằng họ không nhầm lẫn trong tỉ lệ một phần nghìn lần.
- Tôi muốn gặp người bạn trai của cô - ông nói.
- Tôi sẽ rất hân hạnh được giới thiệu anh ấy với ông - cô nói mạnh mẽ - nhưng hiện tại anh ấy chỉ được rảnh vào ngày chủ nhật. Trong cả tuần, anh ấy làm việc ở ngoài London.
- Công việc mới của anh ấy là gì?... Chính xác là anh ấy làm gì?
- Chính xác thì tôi không biết. Anh ấy làm thư ký, tôi tin là như vậy. Anh ấy thuộc vào một bộ. Tôi viết thư theo địa chỉ của anh ấy ở London và người ta sẽ gửi tiếp cho anh ấy.
- Cô không thấy điều đó là lạ sao?
- Trước đây, điều đó đã làm cho tôi ngạc nhiên, nhưng Frank đã bảo đảm với tôi rằng đấy là hoàn toàn bình thường...
Poirot suy nghĩ một lúc rồi ông nói:
- Ngày mai là ngày chủ nhật? Cả hai người các bạn có vui lòng đến ăn trưa với tôi ở Logan không? Tôi muốn nói câu chuyện buồn thảm ấy với cả hai người.
- Rất vui lòng, ông Poirot. Điều đó sẽ làm cho hai chúng tôi hết sức vui lòng.
VIII
Frank Carter là một thanh niên có tầm vóc trung bình, mặc quần áo rẻ tiền nhưng lịch sự. Anh ta diễn đạt khá dễ dàng. Anh ta có hai con mắt rất gần nhau và hay vặn mình một cách lạ lùng ở trên ghế ngồi khi một câu hỏi làm anh ta lúng túng.
Anh ta dè chừng Poirot, tỏ ra rất ác cảm với ông.
- Ông Poirot, tôi không biết - anh ta tuyên bố - từ đầu rằng chúng tôi được mời ăn trưa với ông. Gladys không nói gì với tôi cả.
Poirot mỉm cười.
- Cô ấy không có lỗi. Chúng tôi đã dàn xếp việc ấy hôm qua. Cái chết của ông Morley làm cô ấy bận tâm nhiều và tôi đã nói với cô ấy rằng có lẽ chúng ta sẽ nói với nhau về vấn đề đó...
Frank Carter, không quan tâm một chút nào về tập tục cả, đã cắt ngang lời nhà thám tử.
- Cho đến nay, tôi đã chán ngấy về cái chết của Morley. Gladys, em không thể nghĩ đến chuyện khác sao? Theo anh biết, ông ta không lỗi lạc lắm đâu.
- Frank này - cô la lên - Sao anh lại nói vậy? Đấy là một con người rất tử tế! Không phải ông ấy đã để lại cho em một trăm livre sao? Em đã nhận được thư chiều ngày hôm qua.
- Có thể thế - anh thanh niên đáp lại với thái độ khó chịu - Ông ta chỉ làm bổn phận của mình. Ông ta đã bắt em làm việc quá nặng. Và ai bỏ túi tất cả lợi nhuận? Ông Morley, tất nhiên!
- Ông ấy trả cho em rất nhiều tiền.
- Đấy không phải ý kiến của anh. Cô Gladys bé bỏng ơi, em khiêm tốn quá đấy và vì lẽ đó mà người ta bóc lột em. Anh đã đánh giá ông Morley từ ngày đầu tiên và vì lẽ đó mà ông ta đã làm tất cả mọi cái có thể làm được để em đuổi cổ anh đi.
- Ông ta không biết...
- Ông ta biết rất rõ!... Và nếu ông ta không chết, thì anh sẽ mắng cho ông ta một mẻ.
Poirot cho rằng đã đến lúc phải can thiệp.
- Đấy chắc chắn là những lời mà anh có ý định nói với ông ta khi anh đi đến đấy, hôm mà ông ấy chết phải không? - Ông hỏi.
Frank Carter nhìn chòng chọc vào nhà thám tử vẻ điên tiết.
- Ai bảo ông rằng tôi đã tới nhà ông ấy?
- Không đúng hay sao?
- Đấy là quyền của tôi. Tôi muốn gặp cô Nevill.
- Và người ta đã trả lời cho anh là cô ấy vắng mặt.
- Đúng, và điều đó, theo tôi, tỏ ra là khá mờ ám. Vì lẽ đó mà tôi đã nói với cái tay có tóc hung ở cửa vào, là tôi chờ để gặp ông Morley. Đã từ lâu ông ta đã làm mọi điều để khích Gladys chống lại tôi. Tôi dự định nói với ông ta rằng tôi không còn là một gã thất nghiệp đáng thương nữa, rằng tôi đã có việc làm thú vị và đối với Gladys, đã bắt đầu đến lúc chào từ biệt ông ta và chăm lo sắm quần áo về nhà chồng.
- Nhưng, rốt cuộc, anh đã không nói với ông ấy tất cả những điều đó hay sao?
- Không! Tôi đã chán ngấy việc chờ đợi ở trong cái hầm mộ của ông ta và tôi đã đi ra.
- Vào lúc mấy giờ?
- Tôi không nhớ nữa.
- Anh đã đến vào lúc mấy giờ?
- Tôi không biết. Hẳn là quá trưa một chút.
- Và anh ở lại đấy bao lâu? Nửa giờ?... Nhiều... hay ít hơn?
- Tôi không biết gì cả, tôi đã nói rồi. Tôi không phải là những chàng trai luôn ngó vào đồng hồ.
- Có người nào đó ở trong phòng đợi khi anh ở đấy không?
- Khi tôi vào, có một lão người to có da láng như bôi đầu. Sau khi ông ta đi rồi, tôi còn lại một mình.
- Thế thì, anh đã phải đi khỏi nhà trước lúc mười hai giờ rưỡi trưa, vì vào giờ đó, có một bà tới.
- Có thể là như thế. Cái loại hầm ấy cuối cùng đã làm cho tôi phát cáu lên.
Poirot nhìn Frank Carter và suy nghĩ. Theo ông hình như những câu chuyện của anh thanh niên là thiếu thành thực. Song bằng giọng hữu nghị hơn, ông tiếp tục câu chuyện.
- Cô Nevill đã nói với tôi rằng anh có may mắn là đã tìm được một việc làm tốt?
- Nó được trả giá không tồi.
- Mười livre một tuần, tôi đoán?
- Đúng thế! Tạm được, phải không? Và điều đó chứng minh rằng tôi có thể bảo vệ tôi, khi tôi muốn.
Anh ta tỏ vẻ vênh váo.
- Công việc có vất vả quá không? - Poirot hỏi.
- Không đến nỗi.
- Thú vị không?
- Rất thú vị. Nhưng, người ta nói "nghề nghiệp", tôi rất tò mò muốn biết những nhà thám tử tư xoay xở như thế nào. Tôi hình dung rằng họ ít khi đóng vai Sherlock Holmes và họ quan tâm nhất là những vụ ly hôn?
- Đấy là những vụ mà tôi luôn luôn từ chối - Poirot nói.
- Thực à? Thế thì ông sống như thế nào?
- Tôi tự sắp xếp anh bạn thân mến ơi, tôi tự sắp xếp.
- Ông Poirot - Gladys nhã nhặn nói - ông đứng trên đỉnh cao của cái thang. Ông, ông là hạng thám tử mà những vị tai to mặt lớn trên quả đất phải nhờ đến: Vua, bộ trưởng bộ Nội vụ, các bà quận chúa...
Poirot ngoảnh về phía cô gái trẻ.
- Cô tâng bốc tôi - ông rì rầm.
Ông mỉm cười và giọng ông không tin chắc lắm.
Poirot đi bộ về nhà. Ông tư lự. Về đến nhà, ông gọi điện thoại cho Japp.
- Thứ lỗi cho tôi đã quấy rầy ông, ông bạn thân mến - ông nói - và tôi muốn biết ông đã tìm thấy bất kỳ điều gì chưa về bức điện mà Gladys Nevill nhận được.
- Cái vụ đó vẫn tiếp tục làm cho ông quan tâm? Này, bởi vì điều đó làm cho ông lo lắng, ông nên biết rằng có một bức điện! Việc hai người đã được sắp xếp. Bà cô sống ở Richbourne trong vùng Somerset. Bức điện đã được đánh đi từ Richbarne, là một vùng ngoại ô của London như ông biết.
- Rất rõ, điều đó rất rõ - Poirot nói - Nếu cô Nevill xem bức điện để biết nó được đánh đi từ đâu, thì chữ “Richbarne” khá giống “Richbourne" để thuyết phục cô là từ Somerset đến...
Sau một lúc im lặng, ông nói thêm.
- Japp, ông có biết điều mà tôi đang nghĩ không?
- Không.
- Này, tôi đang tự nói với mình rằng cái vụ đó do một kẻ rất thông minh điều khiển.
- Hercule Poirot muốn đấy là một vụ giết người, vậy thì đấy là một vụ giết người.
- Ông giải thích bức điện ấy như thế nào ?
- Một sự trùng hợp. Người nào đó đã muốn sai khiến cô gái trẻ...
- Tại sao?
- Ông Poirot thân mến, những việc đó không giải thích được, một kẻ lừa phỉnh làm để chơi đùa. Nếu ông muốn chúng ta hãy nói rằng hắn bị thiệt hại về sự lệch lạc của óc hài hước...
- Dù thế nào đi nữa, rất lạ là người đó đã chọn đúng, để làm một chuyện lạ cho cô Nevill vào hôm mà Morley sắp phạm một sai lầm mà ông đã biết.
- Tôi không nói - Japp xác định - rằng có một mối quan hệ giữa nhân đến quả. Đấy bởi vì cô Nevill đi vắng, Morley thì bị công việc thúc bách, và chính vì bị thúc bách mà ông ta phạm sai lầm!
- Tôi không tin điều đó - Poirot nói.
- Tôi nghi ngờ điều đó. Nhưng ông hãy xem lập luận của ông đưa ông đi đến đâu? Nếu với một ý đồ xác định mà người ta muốn tống cô Nevill đi xa, đấy hẳn là Morley đã gửi bức điện. Do đấy mà ông ta đã cố ý giết Amberiotis và không phải vì tai nạn.
Poirot im lặng, Japp nằn nì.
- Thế thì, Poirot, ông nghĩ gì về việc đó?
- Tôi nói rằng - ông trả lời - có thể là Amberiotis không phải do Morley giết.
- Không thể được. Không ai đến thăm ông ấy ở Savoy cả. Ông ta ăn trưa ở trong phòng mình và các bác sĩ đã khẳng định: Không có một vết thuốc độc nào ở trong dạ dày. Nó không phải bị nuốt qua miệng, mà được tiêm vào. Thế thì? Không, Poirot, cái vụ này là rõ ràng...
- Đấy là điều mà người ta muốn làm cho chúng ta tin.
- Ông cảnh sát trưởng bằng lòng như vậy.
- Và ông ấy không yêu cầu có những sự giải thích nữa về sự biến mất của cô Sainsbury Seale sao?
- Điều đó là một việc khác. Cuộc điều tra đang tiếp tục. Người đàn bà ấy phải ở đâu đó. Người ta không thể biến mất như thế được...
- Người ta bảo rằng có đấy.
- Chết hay là sống, cô ta ở đâu đó. Và theo tôi, cô ấy không chết.
- Tại sao không?
- Bởi vì chúng tôi đã không tìm thấy thi thể cô.
- Tất cả mọi xác thịt được thu về nhanh đến thế à?
- Chắc ông muốn ám chỉ rằng cô ấy đã bị ám sát và một ngày nào đó, chúng tôi sẽ phát hiện ra cô, ở sâu trong một công trường đá, bị băm nhỏ như thịt làm patê?
- Ông bạn thân mến, tôi không nói bóng gió gì cả. Chỉ có điều là theo tôi, hình như trong thực tế có những người biến mất mà người ta không tìm thấy dấu vết.
- Đấy là rất hiếm. Có nhiều người đàn bà biến mất, đồng ý, nhưng cuối cùng hầu như luôn luôn, chúng tôi tóm lại được họ. Chín mươi phần trăm là vấn đề tình cũ. Họ ở đâu đó với một người đàn ông. Tôi không tin rằng đấy là trường hợp của cô Mabelle, hai L, E của chúng ta.
- Người ta biết đâu được - Poirot thận trọng nói - Song tôi đồng ý với ông rằng diều đó ít có khả năng xảy ra. Dù thế nào đi nữa, ông có chắc rằng một ngày nào đó, ông sẽ tìm ra cô ta không?
- Tuyệt đối chắc. Dấu hiệu nhận dạng của cô ta được công bố trên báo chí và phổ biến trên đài phát thanh.
- Tất nhiên, điều đó có thể cho một cái gì...
- Chớ có lo lắng, ông bạn ơi - Japp kết luận - Chúng tôi sẽ lại tìm thấy cô ta cho ông, người đẹp của ông, với những bộ quần áo lót đẹp bằng len và tất cả, và tất cả…
Poirot đặt ống nghe.
° ° °
George, rón rén đi vào theo thói quen, đặt lên trên chiếc bàn nhỏ một chai sô-cô-la tỏa hơi và một đĩa gatô ngọt.
- George - ông nói - anh thấy tôi rất bối rối.
- Thực à, thưa ông? Tôi ngao ngán về điều đó.
Poirot tự rót một tách sô-cô-la. Ông khuấy cái thìa rất lâu trong món ăn lỏng như kem này mà không nói một lời nào. George, ân cần và kính cẩn, không nhúc nhích. Có nhiều lúc, Hercule Poirot đã tranh luận những cuộc điều tra của ông với người hầu phòng mà ý kiến có lúc rất quý đối với ông. Một số dấu hiệu có thể tuột khỏi một người đầy tớ kém thông minh, và George đã nhận thấy rằng một trong những thời cơ ấy đã tới gần.
- George - Poirot nói - tôi nghĩ rằng anh đã biết tin về cái chết của ông nha sĩ của tôi?
- Ông Morley phải không, thưa ông? Vâng, thưa ông. Rất đáng buồn, thưa ông, ông ta tự bắn một viên đạn súng lục vào mình phải không?
- Đó là dư luận chung. Ông ta không tự tử, ông ta đã bị giết!
- Vâng, thưa ông.
- Và nếu người ta đã giết ông ấy, vấn đề là, phải biết ai đã giết.
- Rất đúng, thưa ông.
- George, tôi nói thêm rằng số người có thể giết ông ấy là hạn chế. Chỉ có thể phạm tội là những người đã ở trong ngôi nhà vào lúc ông ta chết hoặc những người đã có thể có mặt ở đấy.
- Nhất định, thưa ông.
- Những người đó là: một bà nấu bếp và một bà hầu phòng, hai người đầy tớ tận tụy mà tôi sẽ gạt ra không chút do dự; một bà chị yêu ông ta mà tôi tưởng tượng là giết em, vì thừa kế em, lý do tài chính mà chúng ta không thể tự cho phép bỏ qua; một người cộng tác thông minh, năng nổ, đã hành động vì một lý do mà chúng ta không biết; một người phục vụ khá đần độn, trong óc nhét đầy chuyện tiểu thuyết trinh thám; và cuối cùng, một người Hy lạp có tiền sử khá nghi ngờ.
George húng hắng ho.
- Với những người nước ngoài này, thưa ông...
- Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, George. Anh chàng Hy lạp là một tội phạm đã được chỉ rõ. Có điều là người ấy cũng đã chết, chắc là bị Morley giết, mà chúng ta không thể nói rằng ông này đã cố ý giết anh kia hoặc đấy là kết quả của một sự nhầm lẫn tai hại.
- Thưa ông, có thể là hai người đã giết lẫn nhau. Người ta có thể giả thiết rằng, mặc dù không biết ý định của nhau, họ có những ý định giết người, người này giết người kia, và họ đã thực hiện.
Hercule Poirot đồng ý bằng một chuỗi những tiếng càu nhàu nhỏ.
- Rất khéo léo, George ạ - ông nói tiếp sau đó - Nha sĩ ám sát người hào hoa tội nghiệp ngồi ở trong ghế bành mà ông không nhận thấy rằng vào cùng lúc đó nạn nhân của ông ta cũng rút súng lục từ túi ra để giết ông vào lúc gần nhất. Các sự việc có thể xảy ra như vậy, nhưng giả thuyết này không hấp dẫn tôi. Vả lại, danh sách những người tình nghi của chúng ta chưa kết thúc. Còn có hai người có thể có mặt ở trong nhà vào thời gian đấy. Người ta đã thấy những người bệnh đến trước ông Amberiotis đã đi ra, chỉ trừ một người, một người Mỹ trẻ, đã rời phòng đi ra vào lúc mười hai giờ kém hai mươi, nhưng không ai thấy anh ta đi ra khỏi nhà cả. Vậy thì chúng ta phải xếp anh ta vào số những người có thể cũng phải có tên trong danh sách. Một anh chàng Frank Carter nào đó, anh ta không phải là người bệnh, nhưng anh ta đến sau mười hai giờ một chút với hi vọng gặp ông Morley. Anh này cũng thế, không ai thấy anh ta rút lui cả. Đấy là những sự kiện, anh George. Anh nghĩ gì về những sự kiện đó?
- Thưa ông, tội ác đã xảy ra vào lúc mấy giờ?
- Vào khoảng giữa mười hai giờ và mười hai giờ hai lăm, nếu tội phạm là ông Amberiotis. Nếu tội phạm là người nào khác, thì sau mười hai giờ hai lăm, vì nếu sớm hơn, thì ông Amberiotis đã thấy xác chết.
George suy nghĩ, Poirot nhìn anh ta khích lệ.
- Thế thì sao, George ?
- Một ý nghĩ chợt loé lên trong tôi, thưa ông...
- Thế à?
- Thưa ông, đấy là việc ông cần phải tìm một nha sĩ khác.
- George - Poirot la lên - anh xuất sắc hơn ngày thường lắm! Đúng thế, đấy là một điều hiển nhiên mà tôi chưa nhận thấy.
George phấn khởi, rời căn phòng.
Poirot uống từng ngụm nhỏ nước sô-cô-la, vừa suy nghĩ tới những sự kiện mà ông vừa kiểm lại kỹ càng. Vụ này có vẻ thuận lợi như ông vừa tóm tắt trên những nét lớn. Kẻ giết người, dù động cơ như thế nào, nhất thiết phải là một trong những người mà ông đã nói đến.
Đề xuất ấy vừa được trình bày ra, Poirot nhận thấy ngay bản danh sách của ông không đầy đủ: ông đã quên mất một tên.
Tất nhiên, chưa hẳn là tên của kẻ giết người.
Nhưng con người đó đã có mặt ở trong ngôi nhà vào lúc giết người, ông ta phải được ghi vào danh sách.
Dưới tất cả tên của những người khác, Poirot viết tên của ông Barnes vào.
X
- Thưa ông - George nói - có một bà yêu cầu nói chuyện với ông ở điện thoại.
Vài ngày trước đây, Hercule Poirot đã nhầm khi thử đoán tên của một bà đến thăm ông. Lần này, ông dự đoán đúng: giọng nói đập vào tai ông chính là giọng của người mà ông đang đợi.
- Ông Hercule Poirot đấy phải không?
- Chính tôi đây.
- Jane Olivera, cháu gái ông Alistair Blunt đây.
- Kính chào cô, cô Olivera.
- Ông có thể đến nhà chú tôi không? Theo tôi, ở đấy, ông sẽ biết được nhiều việc lý thú.
- Có thể được. Giờ nào thì thích hợp với cô?
- Sáu giờ rưỡi được không?
- Hãy tin ở tôi.
- Tôi hy vọng rằng tôi đã không quấy rầy ông trong công việc.
- Không đâu, cô Olivera ạ. Tôi đang chờ điện thoại của cô.
Hercule Poirot mỉm cười bỏ máy xuống. Ông tự hỏi Jane Olivera đã tưởng tượng ra cái cớ gì để thuyết phục Alistair Blunt triệu ông đến nhà.
Ngay khi ông đến, người ta đưa ông vào trong một thư viện rộng có cửa sổ nhìn ra sông Tamise. Ngồi trước bàn giấy, Alistair Blunt đang lơ đễnh chơi với con dao rọc giấy. Ông ta có vẻ mệt nhoài của một người đàn ông bị các bà vợ "của ông ta" quấy rầy. Jane Olivera đứng ở gần lò sưởi với một người đàn hà đứng tuổi, nhỏ và béo, người đã tuyên bố ầm ĩ rằng người ta không thể "không chú ý đến ý kiến của bà ta về vấn đề đó", khi Poirot vào.
Alistair Blunt đã trả lời bà rằng bà rất có lý và đứng dậy để tiếp Poirot.
- Vì bây giờ sắp đến vấn đề về tất cả những sự xấu xa - người đàn bà tử tế nói thêm - nên tôi tin là tôi phải rút lui.
- Thưa mẹ, ở vị trí mẹ, đấy là đều con sẽ làm - Jane Olivera nói.
Theo lời khuyên của con gái, bà Olivera ra khỏi căn phòng, vẻ oai vệ, không tỏ ra nhận thấy sự có mặt của Poirot.
- Ông Poirot - Alistair Blunt nói - ông đã chịu phiền thật là quý quá. Cô Olivera, tôi chắc là ông biết? Chính cô ta đã đề nghị tôi ra hiệu cho ông...
- Đấy là vấn đề về người đàn bà đã biến mất ấy - Jane Olivera giải thích - Cô ấy có cái tên khó nói quá, Seale.
- Cô Sansbury Seale.
- Đúng đấy! Vì là cái tên kiêu kỳ, nên người ta không thể làm hơn được.
- Chúng ta hãy bỏ qua đi! Thưa chú, ai nói đây, chú hay là cháu?
- Theo chú, đấy là cháu.
Jane Olivera lại ngoảnh về phía Poirot.
- Ông Poirot - cô nói - có thể là điều mà tôi sắp kể với ông không quan trọng, nhưng theo tôi, ông cũng cần phải biết nó.
- Tôi xin nghe cô.
- Lần cuối cùng mà chúng tôi đến chỗ nha sĩ… không phải là ngày hôm kia, mà cách đây đã ba tháng, tôi đã đi cùng chú tôi. Ông đi bằng chiếc xe Rolls, chiếc xe này sau đó phải đưa tôi đến nhà một người bạn ở công viên Nhiếp chính rồi trở lại đón ông. Chiếc xe dừng trước số nhà 58 đường Hoàng hậu Charlotte, chú tôi xuống xe và đúng lúc đó có một bà từ trong nhà đi ra, một bà rất trẻ, với mái tóc luộm thuộm và thuộc loại nghệ sĩ. Bà ta lao thẳng vào chú tôi và bằng giọng trịch thượng bé nhỏ, bà ta bảo ông: "A! Ông Blunt! Tôi chắc rằng ông không nhớ tôi nữa!" Tất nhiên tôi nhìn thẳng ngay vào mặt của chú tôi, biết rằng bà ấy không nhầm và chú tôi không nhớ đã gặp bà ấy.
Alistair Blunt thốt ra một tiếng thở dài.
- Có nhiều người bắt chuyện với tôi bằng cái câu lấy cớ ấy.
- Chú tôi chờ - Jane Olivera nói tiếp - phần sau với nét mặt mà tôi biết rất rõ, một vẻ cả tin lịch sự không thể đánh lừa một đứa bé ba tuổi. Với một sự thiếu hoàn toàn tự tin, ông tuyên bố ông nhớ rõ bà ta. Bà này tiếp tục nói "Tôi là người bạn lớn của bà vợ yêu quý của ông!".
- Thực tế, bà ta có biết bà nhà không? - Poirot hỏi.
- Thực rất khó nói - Blunt trả lời - Sự việc mà bà ấy quan tâm đến các hội Truyền giáo ở Zenana làm cho tôi tin rằng, nếu bà ta biết vợ tôi, thì đấy là lúc mà chúng tôi ở Ấn Độ, cách đây đã hàng chục năm. Dù sao đi nữa, bà ta không thể là người bạn lớn của Rebecca được. Nếu không, tôi cũng đã biết bà ta. Chắc chắn là bà ta đã gặp nhà tôi trong một phòng tiếp nào đó.
- Theo tôi - Jane Olivera nói - bà ta chưa bao giờ gặp thím tôi. Có điều là bà ấy cần có một cái cớ để nói chuyện với chú...
- Rất có thể!
Trong giọng nói có nhiều sự độ lượng.
- Dù thế nào đi nữa - Jane Olivera nói tiếp - cháu thấy rằng cách thử làm quen với chú ấy là rất đặc biệt.
Blunt nhún vai.
- Bà ta muốn tiền quyên góp của chú, chỉ có thế.
- Bà ấy có trở lại nài xin sau đó không? - Poirot hỏi.
- Không - Blunt nói - Tôi không nghe nói đến bà ta nữa, và ngay cả tên của bà, tôi cũng đã quên khi Jane phát hiện thấy nó trên một bờ báo hàng ngày.
Jane Olivera kết luận không tin chắc lắm.
- Dù sao, ông Poirot, tôi nghĩ rằng đấy là một việc nhỏ mà ông cần phải biết.
Poirot đứng dậy.
- Tôi cảm ơn cô, cô Olivera, và tôi xin về. Bởi vì tôi biết ông rất bận, ông Blunt.
- Để tôi dẫn ông đi - Jane nói.
Hercule Poirot nhếch mép mỉm cười.
Họ song song đi xuống cầu thang. Đến tầng trệt, Jane Olivera mời Poirot vào trong một căn phòng nhỏ nhìn ra phòng lớn.
Khép cửa xong, cô ta nhìn vào ông và nói:
- Hồi nãy, ông muốn nói gì khi ông tuyên bố rằng ông chờ một cú điện thoại của tôi?
Poirot xòe hai bàn tay ra, dơ gân bàn tay lên.
- Đơn giản thôi, điều mà tôi nói - ông trả lời với một nụ cười - Tôi chờ một cú điện thoại của cô... và nó đến!
- Ông đã biết rằng tôi gọi điện thoại cho ông là vấn đê của bà Sainsbury Seale ấy sao?
Poirot lắc đầu.
- Điều đó, đấy chỉ là một cái cớ - ông giải thích - Nếu cần cô sẽ tìm thấy một cái khác.
- Nhưng tại cái quái gì mà ông đã có ý định gọi điện thoại cho tôi.
- Đề nghị cô nói cho tôi biết, điều chỉ dẫn nhỏ có liên quan đến bà Sainsbury Seale, tại sao cô lại lại cung cấp cho tôi mà không phải cho sở cảnh sát, như đấy là một điều tất nhiên?
- Rất tốt, thưa ông, rất tốt! Ông biết chính xác như thế nào?
- Tôi biết rằng - Poirot trả lời - cô quan tâm đến tôi từ khi cô biết rằng ngày hôm kia, tôi đã tới thăm một người nào đó ở khách sạn Holborn Palace.
Cô ta nhìn ông với một trạng thái sững sờ thực sự. Cô ta đã đổi sắc mặt. Chưa bao giờ Poirot tin rằng một màu da nâu như vậy đã trở nên xanh mét đi.
- Cô mời tôi đến đây - ông nói tiếp, rất bình tĩnh - bởi vì cô muốn biết điều mà tôi có ở trong bụng. Xin cô thứ lỗi cho tôi cách diễn đạt. Điều mà cô muốn biết, đấy là điều mà tôi biết về ông Howard Raikes.
- Tôi không biết ông nói về ai cả.
Bỏ qua điều khẳng định, thốt ra không có hi vọng lớn ấy, Poirot tiếp tục:
- Tôi sẽ tránh cho cô cái khó khăn để đặt ra cho tôi những câu hỏi khéo léo mà chắc chắn cô đã nghĩ tới. Tôi sẽ nói với cô điều mà tôi biết hoặc đúng hơn, điều mà tôi đã đoán được. Lần đầu tiên tôi đến đây với thanh tra Japp, cô đã ngạc nhiên về việc gặp chúng tôi... và rất lo lắng. Ngay sau đó cô đã nghĩ tới cái gì đó đã xảy đến cho chú cô. Tại sao?
- Trời ơi, bởi vì ông thuộc về những người mà các sự việc có thể xảy đến. Một hôm sau một vụ vay mượn ở vùng Ban căng mà tôi không biết vụ nào, ông đã nhận một quả bom qua bưu điện. Và chú tôi thường thấy những lá thư đe dọa trong thư tín của ông.
- Thanh tra trưởng Japp lúc đó đã nói với cô rằng - Poirot lại nói - một nha sĩ, ông Morley đã bị giết. Cô còn nhớ câu trả lời của cô không? Cô đã nói: "Nhưng thật là ngớ ngẩn!".
Cô ta cắn môi.
- Tôi nói thế à? - Cô ta nói - Đây chính là sự suy nghĩ ngớ ngẩn!
- Đối với tôi nó tỏ ra lạ lùng hơn là ngớ ngẩn. Nó để lộ ra rằng cô biết cuộc sống cửa ông Morley và cô chờ đợi một điều gì đó xảy ra, không phải cho ông ta nhưng hẳn là ở nhà ông ta...
- Ông thích kể những câu chuyện phải không?
Poirot không chú ý, tiếp tục:
- Cái điều gì ấy phải xảy ra ở trong nhà Morley, cô chờ đợi nó, hoặc đúng hơn, cô sợ nó. Khi thấy chúng tôi, cô đã sợ rằng có điều gì đó xảy ra cho chú cô. Vậy thì cô đã biết điều gì đó mà chúng tôi không biết. Tôi đã kiểm tra lại kỹ càng những người đến vào sáng hôm ấy ở số 58 đường Hoàng hậu Charlotte, tôi phát hiện ra ngay lúc đầu con người duy nhất mà cô có thể quan hệ một cách phải lẽ: đấy là người Mỹ trẻ mà chúng ta vừa nói tới ngay vừa rồi, ông Howard Raikes.
- Hay như một tiểu phẩm! Tôi sốt ruột chờ đợi hồi tiếp theo.
- Tôi đã đi gặp ông Howard Raikes. Đấy là một con ngừơi phải có một sự hấp dẫn nào đó và nguy hiểm...
Ông không nói nữa. Ông chú ý nhìn khuôn mặt của cô gái. Cô ta mơ mộng. Sau một lát, cô mỉm cười.
- Tôi chịu thua - cô nói - Ông Poirot, ông đã thắng. Tôi sợ đến chết được, thực đấy!
Bây giờ cô nghiêm túc nói:
- Ông Poirot, tôi sắp nói với ông một số sự việc mà tôi thích chính tôi kể cho ông, vì tôi nhận thức được rằng cuối cùng ông sẽ phát hiện ra chúng.
Người đàn ông ấy, cái anh Howard Raikes ấy, tôi yêu anh ấy. Mẹ tôi đã đưa tôi đến châu Âu, ít ra đấy cũng là một trong những lý do lưu trú của chúng tôi, một số lý do khác mà bà hy vọng là biết chú tôi sẽ để lại cho tôi tài sản của ông. Bà ngoại tôi là chị của Rebecca Arnholt và tôi chỉ là cháu gái của Alistair Blunt, nhưng ông chú tôi không có bà con gần. Thế là tôi rất thực thà với ông, ông Poirot, mẹ tôi là như vậy. Chúng tôi rất giàu - giàu kinh khủng, theo cách nói của Howard - nhưng tài sản của chúng tôi không đáng gì bên cạnh tài sản của ông chú tôi và mẹ tôi xem tôi là người thừa kế duy nhất của ông ấy.
Cô im lặng một lúc, suy nghĩ. Rồi cô lại nói.
- Làm thế nào để làm cho ông hiểu? Howard ghét những ý niệm mà tôi được nuôi dạy ở trong đó, và muốn tiêu diệt chúng. Và đôi khi tôi cũng nghĩ như anh ấy. Tôi thích ông chú Alistair của tôi lắm, nhưng có những lúc, ông làm cho tôi bực tức. Ông ấy rất tư sản, rất khôn ngoan, rất Ăng lê. Có lúc tôi tự bảo rằng ông thuộc những con người làm cản trở sự tiến bộ, những con người nhất thiết phải biến đi nếu người ta muốn có thể làm một điều gì đó.
- Hình như ông Raikes đã chuyển đổi cho cô những ý kiến của ông ta?
- Có và không! Howard đi xa hơn hầu hết mọi người. Nhưng nhiều người đồng ý với anh ấy về một điểm nào đó, nhiều người cho rằng người ta có thể toan tính một điều gì đó với chú Alistair và những người cùng hạng với ông, nếu những người này đồng ý... Nhưng họ sẽ không bao giờ muốn. Họ khôn ngoan ngồi trong ghế hành của họ, họ lắc đầu và họ nói: "Chúng tôi không thể mạo hiểm điều đó" hoặc: "Về mặt kinh tế, điều đó không đứng vững" hoặc: "Chúng tôi phải tính đến trách nhiệm của chúng tôi" hoặc: "Không nên quên những bài học của Lịch sử"... Thế mà, đấy đúng là điều phải làm. Lịch sử, đấy là quá khứ. Người ta thấy nó bằng cách ngoảnh lại phía sau. Và chính là phải nhìn về phía trước.
- Rất bổ ích, điều mà người ta thấy.
Với giọng trách móc, cô ta trả lời.
- Ông nói như chú Alistair.
- Đấy có lẽ là vì tôi đã già - ông nói.
Một sự yên lặng tiếp theo. Rồi bằng một giọng rất khác, giọng hơi cụt ngủn mà ông dùng để hỏi, Poirot hỏi tại sao Howard Raikes đã nhất định phải có một cuộc hẹn gặp vào sáng hôm ấy ở nhà ông Morley.
- Đấy là ý kiến của tôi - Jane Olivera tuyên bố - tôi muốn anh ấy. Chú Alistair và tôi đã không có cách nào khác. Anh ấy nói về ông chú tôi những điều độc ác lắm và bất công lắm. Anh ấy đã nói về chú tôi với một sự căm ghét đến mức mà tôi muốn làm một cái gì đó. Tôi tin chắc rằng tình cảm của anh ấy sẽ thay đổi, nếu anh ấy gặp chú tôi, dù chỉ là một lần. Anh ấy không phát hiện ra rằng chú Alistair là một người tử tế, giản dị như tất cả mọi người, nhã nhặn, dễ mến. Thế mà, tổ chức một cuộc gặp ở nơi khác, là không có thể được vì mẹ tôi sẽ làm hỏng hết...
- Và - Poirot hỏi - chính bởi vì cô sắp xếp cuộc gặp gỡ ấy mà cô đã sợ?
- Vâng - cô rì rầm, vừa cúi đầu xuống - Bởi vì, đôi khi Howard dễ bị kích thích. Anh... anh...
Poirot tiếp lời.
- Anh ta tán thành hành động trực tiếp. Khi người ta muốn phá hoại, tiêu diệt, hủy diệt...
Cô ngắt lời ông bằng một tiếng thét:
- Đừng nói nữa, ông Poirot, tôi van xin ông.

Chương trước Chương sau