Lưới điện tử thần - Chương 29
Lưới điện tử thần
Chương 29
Ngày đăng 13-11-2017
Tổng cộng 87 hồi
Đánh giá 9.1/10 với 91477 lượt xem
Bao nhiêu là kim loại. Ngóc ngách nào cũng thấy kim loại.
Ron Pulaski liếc đồng hồ đeo tay: mười một giờ sáng. Hai tiếng trước một vụ tấn công nữa.
Kim loại… mang tính dẫn điện tuyệt vời, và có thể được đấu nối với những sợi dây chạy tới một trong những nguồn điện nằm rất khuất nẻo dưới tầng hầm của tòa chung cư tồi tàn cậu ta đang đứng.
Được trang bị lệnh khám xét, đội tác chiến FBI và đội Phản ứng nhanh Sở Cảnh sát New York phát hiện ra rằng Galt đã vắng mặt - tất cả mọi người đều thất vọng, nhưng không ai ngạc nhiên. Pulaski sau đó xua hết mật vụ với cảnh sát ra. Và giờ đây cậu ta đang nghiên cứu căn hộ lờ mờ tối, căn hộ tầng hầm trong tòa nhà cũ kỹ xập xệ xây bằng đá cát kết màu nâu ở khu Bờ Đông Hạ. Cậu ta cùng ba sĩ quan tác chiến đã kiểm tra xung quanh căn hộ - chỉ bốn người, theo yêu cầu của Rhyme, để hạn chế tối đa việc gây ảnh hưởng đến hiện trường.
Nhóm kiểm tra lúc bấy giờ đã ra ngoài hết và Pulaski đang một mình xem xét cái chốn chật chội này. Và trông thấy rất nhiều chi tiết kim loại có thể được bố trí, như cách hộp ắc-quy đã được bố trí trong trạm điện - cái bẫy suýt giết chết Amelia.
Đồng thời hiện lên hình ảnh những mảnh kim loại tròn bắn tứ tung trên vỉa hè, những vết sẹo găm trong tường bê tông và thân thể anh thanh niên Luis Martin tội nghiệp. Cậu ta nhớ lại một hình ảnh khác nữa, hình ảnh thậm chí còn đem đến nỗi lo lắng lớn hơn: Ánh mắt Sachs trông kinh hãi. Nó chưa bao giờ có biểu hiện ấy. Nếu cái bẫy điện khốn kiếp này có thể làm cho cô phải hoảng sợ…
Đêm hôm qua, sau khi Jenny, vợ mình, đã đi ngủ, Ron Pulaski đã lên mạng tìm hiểu hết mức có thể về điện. Lincoln Rhyme từng bảo cậu ta rằng nếu hiểu được cái gì đó, người ta đỡ e sợ nó hơn. Có kiến thức, người ta có thể kiểm soát được tình hình. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng đối với điện. Càng tìm hiểu, cậu ta càng cảm thấy bất an. Cậu ta có thể nắm bắt khái niệm cơ bản, tuy nhiên cậu ta cứ bị ám ảnh bởi thực tế là nó quá vô hình. Người ta không bao giờ biết chính xác nó đang hiện diện ở chỗ nào. Giống như con rắn độc trong một căn phòng tối.
Rồi Pulaski rũ những ý nghĩ đó ra khỏi dầu óc. Lincoln Rhyme đã tin tưởng giao hiện trường này cho cậu ta. Vậy hãy bắt tay vào việc. Trên đường lái xe tới đây, cậu ta đã gọi hỏi xem Rhyme có muốn giữ liên lạc qua radio và video, theo sát bước chân cậu ta trong quá trình khám nghiệm hiện trường như thi thoảng vẫn làm cùng Amelia hay không.
Rhyme nói, “Tôi bận, cậu tân binh. Nếu tới lúc này cậu vẫn chưa xử lý được một hiện trường thì không có mảy may hy vọng gì cho cậu đâu.”
Cách.
Thái độ này sẽ khiến hầu hết mọi người cảm thấy bị xúc phạm, nhưng nó đã đặt nụ cười tươi lên khuôn mặt Pulaski và cậu ta muốn gọi cho người anh em sinh đôi, cũng là đồng nghiệp ở Đồn cảnh sát số Sáu, thuật lại sự việc vừa xong. Tất nhiên, cậu ta không vội thực hiện, mà để dành tới lúc hai anh em ra phố uống bia cuối tuần này.
Vậy là, một mình, cậu ta bắt đầu cuộc khám nghiệm, đeo đôi găng tay dài vào.
Căn hộ của Galt tồi tàn, buồn bã, rõ ràng là chỗ trú ngụ cho một kẻ độc thân chẳng đoái hoài gì đến môi trường xung quanh. Chật chội, tối tăm, ẩm mốc. Thức ăn thứ tươi thứ ôi, có thứ sắp sửa ôi. Quần áo chất đống. Cuộc khám nghiệm tức thì này, như Rhyme đã nhấn mạnh với Pulaski, không nhằm mục đích thu thập bằng chứng để đưa ra tòa, mà nhằm phát hiện địa điểm Galt sẽ có thể thực hiện một vụ tấn công nữa và mối liên hệ, nếu có, với Rahman, cũng như với Công lý cho…
Lúc này, cậu ta đang nhanh nhẹn lục soát chiếc bàn làm việc bị mọt ăn đến lung lay, chiếc tủ hồ sơ xiêu vẹo và các hộp đựng giấy tờ, tài liệu, để tìm kiếm mối liên quan tới các nhà trọ, khách sạn, các căn hộ khác, nơi ở của bạn bè, các nhà nghỉ mùa hè và mùa đông.
Một tấm bản đồ với dấu X to màu đỏ, kèm theo ghi chú: Tấn công chỗ này! Nhưng, tất nhiên, không có gì rõ ràng. Thực tế, hầu như không có một chút gì hữu ích. Không sổ ghi địa chỉ, không thư từ. Nhật ký cuộc gọi, cả đến lẫn đi, trên điện thoại đều đã bị xóa và, nhấn phím GỌI LẠI, Pulaski nghe thấy giọng nói điện tử hỏi cậu ta cần số máy ở thành phố nào, bang nào. Galt đem theo laptop, ở nhà không có máy tính nào khác.
Pulaski tìm thấy giấy và phong bì tương tự loại được sử dụng cho bức thư yêu sách. Một tá bút nữa. Cậu ta thu thập những thứ này, bỏ vào túi đựng chứng cứ.
Sau khi không phát hiện thêm thứ gì hữu ích nữa, Pulaski bắt đầu tiến hành rà soát theo ô bàn cờ, đặt số, chụp ảnh. Và thu thập dấu vết.
Cậu ta di chuyển nhanh nhẹn hết mức có thể, tuy, như vốn vẫn hay xảy ra, phải vật lộn cùng nỗi sợ hãi cứ luôn luôn đeo bám. Tâm trạng sợ rằng mình lại bị thương khiến cậu ta trở nên rụt rè và chùn bước. Nhưng nó cũng dẫn đến một nỗi sợ khác: sợ nếu không nỗ lực một trăm phần trăm, cậu ta sẽ không xứng đáng với những gì mà mọi người chờ đợi. Cậu ta sẽ đem tới nỗi thất vọng cho vợ, anh trai và Amelia Sachs.
Cả Lincoln Rhyme nữa.
Nhưng thật khó khăn để rũ bỏ nỗi sợ hãi.
Hai bàn tay Pulaski bắt đầu run run, hơi thở gấp gáp, và cậu ta giật nảy mình khi nghe một tiếng cót két
Giữ bình tĩnh, nhớ đến giọng thì thầm an ủi của vợ, “Anh không sao, anh không sao, anh không sao…”
Pulaski bắt đầu lại. Cậu ta xác định được vị trí một phòng để đồ phía sau và sắp sửa mở nó. Nhưng cậu ta lại chú ý tới quả đấm kim loại. Cậu ta đang đứng trên lớp vải sơn nhưng không biết như thế đã đủ an toàn chưa. Cậu ta cũng quá sợ chẳng dám kéo cánh cửa thậm chí bằng bàn tay đeo găng cao su của nhân viên khám nghiệm hiện trường. Cậu ta nhặt miếng rửa bát cao su và dùng nó lót lấy quả đấm. Rồi mở phòng để đồ.
Bên trong phòng cất những chứng cứ chắc chắn cho thấy Ray Galt là thủ phạm: một chiếc cưa bị mẻ lưỡi. Cả kéo cắt bu lông. Pulaski biết công việc của cậu ta ở đây chỉ là rà soát và thu thập chứng cứ, nhưng cậu ta không đừng được việc rút từ túi áo ra chiếc kính lúp nhỏ, xem xét cái kéo, để ý thấy lưỡi kéo có chỗ khía hình chữ V, nó có lẽ đã để lại dấu vết riêng biệt trên tấm lưới sắt mà cậu ta lấy về từ hiện trường trạm điện gần điểm đỗ xe buýt. Cậu ta bỏ tang chứng vào túi, gắn nhãn. Trong một chiếc tủ nhỏ khác, cậu ta phát hiện ra đôi giày cao cổ hiệu Albertson-Fenwick, cỡ mười một.
Điện thoại của Pulaski reo chuông lanh lảnh, làm cậu ta giật nảy mình. Màn hình hiện tên Lincoln Rhyme. Pulaski trả lời ngay lập tức, “Lincoln, tôi…”
“Cậu phát hiện được gì về các chỗ hắn có thể nương náu chưa, cậu tân binh? Xe cộ mà hắn có lẽ đã thuê mướn? Bạn bè mà hắn có lẽ đang ở cùng? Phát hiện được gì về những địa điểm tấn công chưa?
“Chưa, hắn dọn dẹp nơi này khá sạch sẽ. Tuy nhiên, tôi tìm thấy các dụng cụ và đôi giày. Dứt khoát là của hắn.”
“Tôi muốn có các địa điểm. Các địa chỉ.”
“Rõ, thưa sếp. Tôi…”
Cách.
Pulaski đóng điện thoại và thận trọng bỏ vào túi các chứng cứ cậu ta đã phát hiện ra cho tới lúc bấy giờ. Rồi cậu ta tiến hành rà soát khắp căn hộ lần thứ hai, bao gồm tủ lạnh, tất cả các phòng để đồ, những hộp giấy đựng thức ăn lớn đủ để giấu gì đó.
Nhưng không có gì…
Lúc bấy giờ, nỗi thất vọng thay thế sự sợ hãi. Pulaski đã phát hiện được bằng chứng cho thấy Galt là kẻ tấn công, ngoài ra chẳng phát hiện được gì khác. Gã có thể đang lẩn lút chỗ nào, mục tiêu của gã ra sao. Rồi Pulaski dừng ánh mắt lại lần nữa ở chiếc bàn làm việc. Cậu ta nhìn vào chiếc máy in rẻ tiền. Phía trên cùng, ánh đèn màu vàng đang nhấp nháy. Cậu ta tiến đến gần. Dòng thông báo: Kẹt giấy.
Galt đã đang in cái gì?
Chàng cảnh sát thận trọng nhấc nắp máy in, nhìn săm soi vào bên trong. Cậu ta có thể trông thấy búi giấy.
Cậu ta cũng có thể trông thấy dòng cảnh báo: Nguy hiểm! Có thể bị giật! Ngắt nguồn điện trước khi gỡ giấy kẹt hoặc sửa chữa!
Biết đâu có các trang khác nữa đang đợi được in, biết đâu có thông tin gì đó hữu ích. Thậm chí có thể là chìa khóa. Nhưng nếu ngắt nguồn điện máy in, các trang đang đợi được in sẽ bị xóa khỏi bộ nhớ.
Pulaski bắt đầu thận trọng vươn tay ra. Rồi cậu ta lại hình dung đến những mảnh kim loại nóng chảy.
Năm ngàn độ…
Mẹ kiếp. Amelia đã dặn cậu ta đừng mang trên người bất cứ thứ gì làm bằng kim loại khi đến gần nguồn điện. Cậu ta đã quên khuấy mất. Cái chấn thương đầu chết tiệt! Tại sao cậu ta không suy nghĩ rõ ràng được chứ? Cậu ta tháo đồng hồ. Bỏ vào túi áo. Jesus, lạy Chúa tôi, như thế sẽ có tác dụng gì? Cậu ta đặt chiếc Seiko lên bàn, cách xa máy in.
Thử thò tay ra lần nữa, nhưng nỗi sợ hãi lại xâm chiếm. Pulaski phát điên với chính bản thân mình vì cứ lưỡng lự.
“Mẹ kiếp.” Cậu ta lầm bầm, và quay lại bếp. Cậu ta tìm thấy những chiếc găng tay cao su to tướng màu hồng hiệu Playtex. Cậu ta vừa xỏ găng tay vào vừa nhìn xung quanh để chắc chắn rằng không có mật vụ FBI hay cảnh sát Phản ứng nhanh nào đang chứng kiến hình ảnh lố bịch này, rồi bước trở về chỗ máy in.
Pulaski mở hộp đựng dụng cụ thu thập chứng cứ và lựa chọn dụng cụ phù hợp nhất để gỡ giấy kẹt cho máy in tiếp tục làm việc: chiếc nhíp. Nó, tất nhiên, làm bằng kim loại, chính xác là tấm vé kết nối tuyệt vời với bất cứ sợi dây điện trần nào mà Galt đã bố trí ở bên trong.
Cậu ta đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của mình, nằm cách đấy gần hai mét. Chưa đầy một tiếng rưỡi nữa sẽ tới thời điểm ấn định vụ tấn công tiếp theo.
Ron Pulaski cúi người về phía trước, từ từ đưa chiếc nhíp vào giữa hai sợi dây điện rất dày.