Đời ảo - Chương 02
Đời ảo
Chương 02
Ngày đăng 29-12-2015
Tổng cộng 27 hồi
Đánh giá 8.4/10 với 23974 lượt xem
Nicholas Wyatt là một lão đáng sợ. Trước đây tôi chưa bao giờ gặp lão, nhưng tôi đã thấy lão trên ti vi, trên kênh CNBC, trên website của tập đoàn và trong những thông điệp ghi hình lão. Tôi thậm chí còn thoáng thấy lão vài lần, tận mắt, trong ba năm tôi làm việc ở cái công ty mà lão đã sáng lập ra. Nhìn gần Wyatt trông còn đáng sợ hơn nữa. Da rám nắng, tóc đen như xi giày, được vuốt keo và chải thẳng về sau. Răng đều tăm táp và trắng như ở Vegas.
Lão năm mươi sáu tuổi, nhưng trông không giống như vậy, cho dù ở tuổi năm mươi sáu người ta thường nhìn như thế nào đi nữa. Dù sao thì lão chắc chắn trông không giống bố tôi ở tuổi năm mươi sáu, một ông già trọc đầu bụng phệ thậm chí ngay cả khi sung sức nhất. Đây là một dạng năm mươi sáu tuổi khác.
Tôi mù tịt không biết tại sao lão lại ở đây. Tổng Giám đốc điều hành công ty có thể lấy thứ gì ra để đe dọa tôi mà Meacham còn chưa viện tới? Chết vì hàng nghìn vết giấy cứa? Bị lợn rừng nuốt sống?
Tôi thoáng bí mật mơ mộng rằng lão sẽ đập tay chúc mừng tôi, khen tôi vì thực hiện một nghĩa cử cao đẹp, bảo rằng mình thích tinh thần và sự gan dạ đó. Nhưng giấc mơ ban ngày bé nhỏ teo tóp lại cũng nhanh như khi nó vụt xuất hiện trong cái đầu tuyệt vọng của tôi. Nicholas Wyatt không phải là mấy ông tu sĩ chơi bóng rổ. Lão là đồ khốn không biết khoan dung.
Tôi đã nghe nhiều chuyện. Tôi biết nếu biết suy nghĩ thì bạn sẽ khác vào lòng là phải tránh mặt Wyatt. Bạn sẽ cúi đầu xuống, cố không khiến lão chú ý. Wyatt khét tiếng với những cơn cáu giận, thịnh nộ và những trận to tiếng. Mọi người nói lão từng đuổi người ngay lập tức, gọi nhân viên an ninh thu dọn bàn của họ và tống cổ họ ra khỏi tòa nhà. Trong những cuộc họp ban chấp hành, lão luôn lựa ra một người để làm bẽ mặt cả buổi. Bạn không đem tin xấu tới gặp Wyatt, và bạn không làm lão lãng phí dù chỉ nửa giây. Nếu bạn xui xẻo tới mức phải làm bài thuyết trình Power Point nào đó cho Wyatt nghe, bạn sẽ diễn đi diễn lại cho tới khi nó hoàn hảo, nhưng nếu có dù chỉ một tí sơ suất trong bài thuyết trình, lão sẽ ngắt lời bạn và hét lên: “Không thể tin nổi!”
Người khác bảo Wyatt dẻo dai hơn nhiều so với thời trai trẻ, nhưng so với mức nào chứ? Tính Wyatt ganh đua dữ dội, vừa chơi cử tạ vừa chơi thể thao ba môn phối hợp. Những người làm ở phòng tập thể dục của tập đoàn bảo lão luôn thách thức những gã đô vật đáng gờm theo kiểu mặt đối mặt. Wyatt chẳng bao giờ thua, và khi đối phương bỏ cuộc, lão sẽ chế giễu, “Muốn tao tiếp tục chứ?” Họ bảo lão có cơ thể của nam diễn viên Arnold Schwarzenegger, giống như cái bao cao su màu nâu tọng đầy quả óc chó.
Lão không chỉ hiếu thắng điên rồ, mà với lão thắng lợi còn chưa ngọt ngào nếu chưa nhạo báng kẻ thua cuộc, ở một bữa tiệc Giáng sinh toàn công ty, Wyatt từng viết tên đối thủ lớn của mình, Hệ thống Trion, lên chai rượu rồi đập nó vào tường trong hàng đống tiếng cổ vũ và huýt gió say mèm.
Lão lãnh đạo một tập hợp toàn các con đực. Bọn lính thân cận đều mặc như lão, với những bộ com lê bảy nghìn đô la hiệu Armani, Prada, Brioni, Kiton hay những nhà thiết kế khác mà tôi thậm chí chưa từng nghe tới. Và họ chịu đựng những trò cặn bã đó vì họ được đền bù hậu hĩnh tới ghê tởm. Câu chuyện đùa về lão mà bây giờ ai cũng biết: Sự khác biệt giữa Chúa và Nicholas Wyatt là gì? Chúa không nghĩ mình là Nicholas Wyatt.
Nick Wyatt ngủ ba tiếng mỗi đêm, dường như chẳng ăn gì khác ngoài PowerBars trong bữa sáng và bữa trưa, là thứ lò phản ứng hạt nhân hừng hực năng lượng, và suốt ngày toát mồ hôi đầm đìa. Người ta gọi Wyatt là “Kẻ hủy diệt”. Lão điều hành bằng sự sợ hãi và không bao giờ quên tí sơ sót nào. Khi một người bạn cũ bị đuổi việc khỏi vị trí tổng giám đốc điều hành của công ty công nghệ lớn nào đó, lão gửi tặng một vòng hoa hồng đen - các trợ lý luôn biết phải tìm hoa hồng đen ở đâu. Câu nói nổi tiếng của Wyatt, điều lão lặp đi lặp lại nhiều tới mức nó nên được khắc vào đá granit trên cửa chính hay làm thành trình bảo vệ màn hình trên máy tính để bàn của mọi người: “Dĩ nhiên tôi hoang tưởng. Tôi muốn ai làm việc cho mình cũng phải hoang tưởng. Thành công đòi hỏi sự hoang tưởng.”
Tôi theo Wyatt xuống hành lang, rời văn phòng An ninh Tập đoàn tới phòng điều hành của lão, và thật khó để theo kịp - lão đi bộ rất nhanh. Tôi gần như phải chạy. Meacham đi đằng sau tôi, vung vẩy cặp hồ sơ bìa da đen như đang vung gậy. Khi chúng tôi đi tới khu vực điều hành, tường chuyển từ màu trắng đắp trang trí thạch cao sang màu gụ; thảm trở nên mềm và có tuyết dày. Chúng tôi đã tới văn phòng, hang ổ của lão. Cặp nhân viên hành chính rất đồng bộ của lão ngước lên và nhìn lão tươi cười rạng rỡ khi chúng tôi nối nhau đi qua. Một cô tóc vàng. Một cô tóc đen. Lão bảo “Linda, Yvette” như thể chú thích cho họ. Tôi không ngạc nhiên khi thấy họ đều đẹp như người mẫu - ở đây cái gì cũng cao cấp, như tường, thảm và đồ đạc. Tôi tự hỏi liệu mô tả nghề nghiệp của họ có kèm theo những trách nhiệm ngoài nghiệp vụ thư ký không, như thổi kèn chẳng hạn. Dù sao thì đó cũng là lời đồn thôi.
Văn phòng Wyatt rộng mênh mông. Cả một làng Bosnia có thể sống ở đó. Hai bức tường toàn là kính từ sàn tới trần, và cảnh thành phố thì không thể tin nổi. Hai bức tường còn lại làm bằng gỗ sậm màu đắt tiền, phủ đầy những thứ đóng khung, bìa tạp chí có mặt mũi lão trên đó, Fortune, Forbes, Tuần báo Kinh doanh. Tôi trợn tròn mắt nhìn khi vừa đi vừa chạy qua bức ảnh lão và vài người khác chụp với cố Công nương Diana. Rồi ảnh lão chụp cùng cả hai bố con nhà George Bush.
Lão dẫn chúng tôi ra “nhóm đàm luận” với một đám những ghế và trường kỷ da trông như của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. Lão ngồi lún vào một đầu cái trường kỷ lớn.
Đầu tôi ong ong. Tôi mất phương hướng và đang chìm trong một thế giới khác. Tôi không tưởng tượng nổi tại sao mình lại ở đây trong văn phòng của Nicholas Wyatt. Có lẽ lão đã từng là một trong những thằng nhóc thích dùng nhíp giật từng cái chân côn trùng ra, rồi đốt chúng chết bằng kính lúp.
“Vậy mày đã bày ra được trò lừa gạt tinh vi ra phết,” lão lên tiếng. “Ấn tượng đấy.”
Tôi cười, cúi đầu khiêm tốn. Thậm chí không thể nghĩ tới chuyện phủ nhận. Tạ ơn Chúa, tôi nghĩ thầm. Có vẻ như chúng tôi đang chuẩn bị đập tay chúc mừng cho lòng gan dạ.
“Nhưng không ai chơi tao mà thoát được, có lẽ bây giờ mày đã biết. Không một thằng khốn nào hết.”
Lão đã lôi cái nhíp và kính lúp ra.
“Vậy chuyện của mày là như thế nào? Mày đã làm quản lý vòng đời sản phẩm ở đây ba năm, kết quả công việc thì tệ hại, suốt thời gian ở đây mày chưa bao giờ được tăng lương hay thăng chức, làm việc thì chiếu lệ qua loa đại khái. Không hẳn là có tham vọng lắm nhỉ?” Lão nói nhanh, khiến tôi càng căng thẳng hơn.
Tôi lại cười. “Tôi nghĩ là không. Tôi có những ưu tiên khác.”
“Như là?”
Tôi do dự. Lão đã tóm được tôi. Tôi nhún vai.
“Ai cũng phải đam mê một thứ gì đó, không thì đếch bằng cục phân. Mày rõ ràng không đam mê công việc, vậy mày đam mê thứ gì?”
Tôi gần như không bao giờ hết thứ để nói, nhưng lúc này tôi không nghĩ ra được điều gì sáng suốt cả. Meacham cũng đang quan sát tôi, một nụ cười kinh tởm và tàn ác trên khuôn mặc sắc như dao của hắn. Tôi nghĩ mình biết trong công ty, trong đơn vị kinh doanh của mình có những người luôn tính toán làm sao để có được ba mươi giây với Wyatt, trong thang máy hay trong buổi giới thiệu sản phẩm, đại loại thế. Thậm chí họ còn chuẩn bị cả “bài hùng biện trong thang máy[2]”. Giờ đây tôi ở trong văn phòng của ông lớn thế mà tôi câm lặng như một con ma nơ canh.
“Lúc rỗi rãi mày làm diễn viên hay sao?”
Tôi lắc đầu.
“Ờ, dù sao thì mày cũng khá. Một thằng diễn viên Marlon Brando chết tiệt điển hình. Có thể mày tệ hại khi làm quảng bá thiết bị định tuyến cho khách hàng doanh nghiệp, nhưng mày lại là thằng nghệ sĩ nhảm nhí khốn nạn tầm cỡ Olympic.”
“Nếu đó là lời khen thì tôi xin cảm ơn, thưa sếp.”
“Tao nghe nói mày vẽ một bức rõ xịn về Nick Wyatt - thật không? Hãy xem nào.”
Tôi đỏ mặt và lắc đầu.
“Dù sau thì điểm mấu chốt là mày đã trộm tiền của tao và mày nghĩ mày sẽ trốn thoát được.”
Tôi tỏ vẻ kinh hoảng. “Không thưa sếp, tôi không nghĩ mình sẽ ‘trốn thoát được’.”
“Thôi cho tao xin. Tao không cần cuộc trình diễn nào nữa. Chú mày đã cho tao thấy ngay từ lời chào rồi.” Lão phẩy tay như hoàng đế La Mã và Meacham đưa cho lão một cặp hồ sơ. Lão liếc nhìn nó. “Điểm năng khiếu của mày thuộc nhóm dẫn đầu. Mày theo chuyên ngành kỹ thuật ở đại học, ngành nào vậy?”
“Ngành điện.”
“Mày muốn trở thành kỹ sư khi lớn lên?”
“Bố tôi muốn tôi học ngành nào chắc chắn kiếm được việc. Còn tôi thì muốn làm người chơi ghi ta chính cho ban nhạc Rock Pearl Jam.”
“Thành công chứ?”
“Không,” tôi thừa nhận.
Ông ta cười hờ. “Chú mày học đại học mất tới năm năm. Có chuyện gì vậy?”
“Tôi bị đuổi một năm.”
“Trung thực đáng khen đấy. Ít ra thì mày cũng không lôi cái trò ‘năm đầu du học’ nhảm nhí ra. Có chuyện gì vậy?”
“Tôi làm trò ngu ngốc. Tôi bị một kỳ học rất là tệ hại, thế nên tôi hack vào hệ thống máy tính của trường đặng sửa học bạ của mình, cả của đứa bạn cùng phòng nữa.”
“Ra lần này là trò xưa rồi.” Lão nhìn đồng hồ, liếc sang Meacham rồi quay lại tôi. “Tao có ý này cho mày, Adam.” Tôi không thích lão gọi thẳng tên tôi. Nó làm tôi sởn cả gai ốc. “Một ý rất hay. Thực ra phải gọi là lời mời cực kỳ hào phóng thì đúng hơn.”
“Cảm ơn sếp.” Tôi không biết lão đang nói về chuyện gì, nhưng tôi biết nó sẽ chẳng tốt đẹp hay hào phóng gì đâu.
“Tao muốn cho mày biết một điều là tao sẽ phủ nhận điều tao sắp nói đây. Thực ra thì tao sẽ không chỉ phủ nhận nó đâu, tao sẽ kiện mày tội bôi nhọ danh dự cá nhân nếu mày nhắc lại, mày hiểu chứ? Tao sẽ nghiền nát mày ra.” Dù lão đang nói về việc gì thì lão cũng làm được hết. Lão là tỷ phú, là người giàu thứ ba hay thứ tư ở Mỹ, đã từng đứng thứ hai trước khi giá cổ phiếu của chúng tôi sụt giảm. Lão muốn trở thành người giàu nhất - đang nhắm tới chỗ của Bill Gates - nhưng điều đó chắc khó mà xảy ra được.
Tim tôi đập thình thịch. “Chắc chắn rồi.”
“Mày rõ hoàn cảnh của mày chưa? Sau cánh cửa số một, mày chắc chắn có ít nhất hai mươi năm trong tù, chắc chắn bỏ mẹ lên được. Vậy hoặc là chọn nó, hoặc là chấp nhận bất cứ thứ gì khác đằng sau tấm màn. Mày muốn chơi trò ‘Hãy cùng thương lượng’ chứ?”
Tôi nuốt nước bọt. “Dĩ nhiên.”
“Tao sẽ nói cho mày biết đằng sau tấm màn có gì, Adam. Đó là một tương lai rất tốt đẹp cho gã ngành kỹ thuật khôn khéo như mày, chỉ có điều chú mày phải chơi theo luật. Luật của tao.”
Mặt tôi nóng như bị kim châm.
“Tao muốn mày đảm nhận một dự án đặc biệt cho tao.”
Tôi gật đầu.
“Tao muốn mày kiếm việc ở Trion.”
“Ở... Hệ thống Trion?” Tôi không hiểu.
“Về quảng bá sản phẩm mới. Chúng có vài chỗ đang để ngỏ ở những vị trí chiến lược trong công ty.”
“Họ sẽ không bao giờ thuê tôi.”
“Phải, mày nói đúng, họ sẽ không bao giờ thuê mày. Không phải thằng bỏ đi lười nhác như mày. Nhưng nếu là ngôi sao của Wyatt, một tâm điểm trẻ trung sáng giá chuẩn bị vụt lên như sao băng, họ sẽ thuê mày trong một phần nghìn giây.”
“Tôi không hiểu ý Giám đốc.”
“Một kẻ ma lanh đường phố như mày ấy hả? Hẳn mày vừa mất vài ba điểm IQ rồi. Thôi nào, thằng ngu. Lucid, đó là con đẻ của mày, phải không?”
Lão đang nói về sản phẩm đầu tàu của hãng Viễn thông Wyatt, máy PDA tích hợp mọi chức năng, kiểu như con Palm Pilot dùng thuốc kích thích vậy. Một món đồ chơi phi thường. Tôi chẳng liên quan gì tới nó. Tôi thậm chí còn không có cái nào.
“Họ sẽ không bao giờ tin điều đó,” tôi nói.
“Nghe này, Adam. Tao đã ra những quyết định kinh doanh quan trọng nhất dựa vào cảm tính, và cảm tính của tao đang bảo rằng mày có sự trơ tráo, sự tinh ranh và tài năng để làm điều đó. Mày vào cuộc hay không đây?”
“Giám đốc muốn tôi báo cáo lại, phải vậy không?”
Ánh mắt lão dồn vào tôi sắt đá. “Không chỉ thế. Tao muốn mày thu thập thông tin.”
“Giống như là gián điệp. Tình báo hay đại loại thế.”
Lão mở bàn tay ra như thể nói, mày là thằng ngu hay sao thế? “Mày muốn gọi nó là gì cũng được. Có mấy thứ, ừm, sở hữu trí tuệ đáng giá của bọn Trion mà tao muốn có trong tay, và hệ thống an ninh khốn kiếp của chúng gần như không thể chọc thủng được. Phải có tay trong ở Trion mới lấy được thứ tao muốn, mà không phải bất cứ tên tay trong nào cũng được. Phải là một tay chơi xịn. Hoặc thuê một thằng, hoặc mua một thằng, hoặc đưa một thằng vào bằng cửa chính, ở đây chúng ta có một anh chàng tinh ranh, dễ coi, phương án tối ưu - tao nghĩ bọn tao đã ngắm khá chuẩn rồi.”
“Và nếu tôi bị bắt?”
“Mày sẽ không bị bắt đâu.” Wyatt nói.
“Nhưng nếu tôi bị...?”
“Nếu mày làm tốt việc của mình,” Meacham nói, “Mày sẽ không thể bị bắt được. Và nếu mà mày làm hỏng việc thế nào đó và bị bại lộ - chà, vẫn còn bọn tao ở đây bảo vệ chú mày mà.”
Tôi nghi ngờ điều đó biết chừng nào. “Họ sẽ cảnh giác tuyệt đối.”
“Về điều gì?” Wyatt nói. “Trong ngành này lúc nào người ta chả nhảy việc. Tài năng lớn luôn được săn lùng. Lại là món hời dễ kiếm. Mày vừa làm cú thắng lớn ở Wyatt, có thể mày không được trọng vọng như mày nghĩ, mày đang mong mỏi được giao nhiều trách nhiệm hơn, tìm cơ hội tốt hơn, kiếm nhiều tiền hơn - những trò vớ vẩn thường thấy thôi.”
“Họ sẽ nhìn thấu ruột gan tôi ngay.”
“Nếu mày làm tốt việc của mày thì không,” Wyatt nói. “Mày sẽ phải học tiếp thị sản phẩm, mày phải trở nên giỏi tới mức lỗi lạc, mày phải làm việc cật lực hơn bất cứ lúc nào trong cả cuộc đời lầm lỗi của mày. Phải chổng mông lên mà làm. Chỉ một tay chơi ngoại hạng mới lấy được thứ tao muốn. Cứ thử cái trò qua loa đại khái của mày ở Trion đi, rồi mày sẽ hoặc bị bắn bỏ hoặc bị đẩy ra ngoài, và rồi cuộc thử nghiệm nho nhỏ của chúng ta sẽ kết thúc. Và mày sẽ nhận được cửa số một.”
“Tôi tưởng mấy gã làm về sản phẩm mới đều phải có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh chứ?”
“Ôi dào, Goddard nghĩ mấy thứ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh là đồ vớ vẩn - một trong số ít những điều tao và hắn đồng tình. Hắn làm gì có cái bằng đó. Hắn nghĩ rằng như thế là giới hạn. Mà nói về giới hạn...” Lão búng tay, Meacham liền trao cho lão thứ gì đó, một hộp kim loại nhỏ, trông quen thuộc. Một hộp kẹo Altoids. Lão mở ra. Bên trong là vài viên thuốc màu trắng trông giống aspirin nhưng không phải là aspirin. Chắc chắn là quen thuộc. “Mày phải bỏ thứ rác rưởi này, thuốc lắc hay bất cứ cái tên nào mày thích.” Tôi để hộp Altoids trên bàn cà phê ở nhà mình. Tôi tự hỏi khi nào và làm thế nào mà họ lấy được nó, nhưng tôi choáng váng tới nỗi không tức giận nổi. Lão thả chiếc hộp vào cái thùng rác đen nhỏ bằng da ở gần trường kỷ. Nó kêu thịch một cái. “Cá cược, rượu chè và mấy thứ rác rưởi khác cũng phải như vậy. Chú mày phải gọn ghẽ và đáng tin cậy, cậu em.”
Đó có vẻ chỉ là vấn đề nhỏ nhất. “Và nếu tôi không được thuê thì sao?”
“Cửa số một.” Lão cười ghê rợn. “Và đừng có mang theo giày chơi gôn làm gì. Hãy mang dầu bôi trơn K-Y ấy.”
“Kể cả nếu như tôi đã cố hết sức?”
“Việc của mày là không được làm hỏng việc. Với những thứ bọn tao sắp cho mày và với huấn luyện viên như tao, mày sẽ không thể bào chữa được.”
“Còn tiền thì thế nào?”
“Tiền thì thế nào á? Tao biết thế quái nào được? Nhưng tin tao đi, nó sẽ hơn nhiều so với con số mày nhận được ở đây. Dẫu thế nào thì cũng phải sáu con số.” Tôi cố gắng không để họ thấy mình nuốt nước bọt quá lộ liễu.
“Cộng cả tiền lương của tôi ở đây nữa.”
Lão quay khuôn mặt căng láng về phía tôi và trợn trừng mắt. Ánh mắt lão chẳng biểu hiện gì cả. Lão già dùng thuốc chống nhăn Botox phải không nhỉ? Tôi tự hỏi. “Mày đang đùa tao đấy à.”
“Tôi sắp phải chịu rủi ro lớn mà.”
“Xin lỗi? Tao mới là người chịu rủi ro. Mày chỉ là cái hộp đen chết tiệt, một dấu chấm hỏi to đùng thôi.”
“Nếu thực sự nghĩ thế thì sếp đã không bảo tôi làm chuyện này.”
Lão quay sang Meacham. “Tao không tin nổi, thằng khốn này.”
Meacham nhìn như vừa nuốt phải phân. “Thằng khốn kiếp,” hắn nói. “Có lẽ tao nên nhấc điện thoại lên ngay bây giờ.”
Wyatt đường bệ đưa tay lên. “Không sao. Nó can đảm đấy. Tao thích can đảm. Mày được thuê, mày làm tốt việc, mày được khoắng cả hai món. Nhưng nếu mày làm hỏng chuyện...”
“Tôi biết rồi. Cửa số một. Để tôi nghĩ kỹ đã, mai tôi sẽ trả lời.”
Wyatt há hốc miệng, mắt ngây ra. Lão ngừng lời, rồi nói tiếp lạnh lùng. “Tao cho mày tới chín giờ sáng mai. Đó là lúc Chưởng lý Hoa Kỳ tới văn phòng này.”
“Tao khuyên mày đừng hé nửa lời với bất cứ ai về chuyện này, kể cả bạn bè hay bố mày, bất cứ ai,” Meacham đế vào. “Nếu không mày không biết mình sẽ bị xử thế nào đâu.”
“Tôi hiểu,” tôi trả lời. “Không phải đe dọa tôi.”
“Ồ, đấy không phải là đe dọa.” Nicholas Wyatt nói. “Đấy là lời hứa đấy.”
5
Xem ra chẳng còn lý do nào để quay lại làm việc, vì vậy tôi về nhà. Thật lạ khi ở trên xe điện ngầm vào một giờ chiều với các cụ già, học sinh, bà mẹ và trẻ con. Đầu tôi vẫn quay cuồng và tôi thấy buồn nôn.
Căn hộ của tôi ở cách trạm dừng xe điện ngầm mười phút đi bộ. Ngày hôm nay sáng sủa, vui tươi tới kỳ quặc.
Áo tôi vẫn ẩm và bốc mùi mồ hôi hôi hám kinh tởm. Vài đứa con gái mặc áo rộng lùng thùng xỏ đầy khuyên đang lôi xềnh xệch lũ nhóc bằng một sợi dây thừng dài. Bọn nhóc ré lên. Mấy gã da đen cởi trần chơi bóng rổ trên sân chơi rải nhựa đường sau hàng rào mắt lưới. Gạch trên vỉa hè gập ghềnh và tôi suýt thì vấp té, rồi tôi cảm thấy dưới đế giày mình trơn kinh tởm, tôi giẫm phải phân chó rồi. Hình ảnh biểu trưng hoàn hảo.
Cổng vào căn hộ nồng nặc mùi nước đái, hoặc của mèo hoặc của gã lang thang nào đó. Thư vẫn chưa tới. Chiếc chìa khóa kêu xủng xoảng khi tôi mở ba ổ khóa trên cánh cửa căn hộ. Bà lão phòng bên kia hành lang hé mở cửa trong phạm vi của xích an toàn, rồi đóng sập lại; bà già quá thấp không với tới lỗ nhòm ra. Tôi vẫy chào bà thân thiện.
Căn phòng tối mù dù mành che đang mở rộng. Không khí ngột ngạt, bốc mùi thuốc lá để lâu. Vì căn hộ ở ngang với phố, tôi không thể mở cửa sổ ban ngày để xua nó ra.
Đồ đạc của tôi khá thảm hại: một cái trường kỷ kiêm giường ngủ choán chỗ trong phòng, nó màu lục nhạt, sọc ô vuông, lưng cao, thấm đầy bia, chỉ vàng dệt ngang dọc. Đối diện với nó là chiếc ti vi mười chín inch hiệu Sanyo đã mất điều khiển từ xa. Một cái tủ sách cao hẹp bằng gỗ thông chưa bào nhẵn đứng đơn độc trong góc. Tôi ngồi phịch xuống trường kỷ và một đám mây bụi bốc lên không. Thanh thép dưới nệm ghế làm mông tôi ê ẩm. Tôi nghĩ tới cái ghế trường kỷ bằng da màu đen của Nicholas Wyatt và tự hỏi liệu lão đã bao giờ sống ở nơi rác rưởi như thế này chưa. Người ta vẫn bảo lão lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng tôi không tin; tôi không tưởng tượng nổi lão lại từng sống ở nơi ổ chuột thế này. Tôi tìm thấy bật lửa hiệu Bic dưới bàn cà phê lắp kính, châm một điếu thuốc và nhìn sang đống hóa đơn trên bàn. Tôi thậm chí không mở phong bì ra nữa. Tôi có hai thẻ MasterCard và ba thẻ Visa, tất cả đều có số dư tài khoản tệ hại, và tôi chỉ xoay xở vừa đủ cho những khoản chi trả tối thiểu nhất.
Dĩ nhiên tôi đã quyết định xong.
6
“Mày bị tóm cổ không?”
Seth Marcus, bạn chí cốt của tôi từ thời trung học, làm nghề pha chế rượu ba đêm một tuần ở một dạng quán bar bình dân cho đám thanh niên thời thượng có tên là Mèo Hoang. Ban ngày cậu ta làm trợ lý luật sư tại một công ty luật ở khu trung tâm. Seth bảo mình cần tiền, nhưng tôi đoán chắc cậu ta bí mật đứng quầy để giữ chút phong cách, để mình không biến thành hạng mọt công sở mà cả hai chúng tôi đều thích chế nhạo.
“Tóm cổ vì chuyện gì?” Tôi đã kể cho Seth bao nhiêu? Tôi đã nói với cậu ta về cuộc gọi của Meacham, tên giám đốc an ninh chưa? Tôi hy vọng là chưa. Bây giờ tôi không thể kể cho cậu ta bất cứ điều chết tiệt nào về cái gọng kìm họ đã kẹp tôi.
“Bữa tiệc lớn của mày.” Ồn quá, tôi không nghe rõ Seth nói, và ai đó ở cuối đầu bên kia quầy rượu đang huýt sáo với hai ngón tay trong miệng, tiếng to đến chói tai. “Thằng đó huýt sáo với tao? Như tao là con chó chết dẫm?” Cậu ta lờ gã vừa huýt sáo đi.
Tôi lắc đầu.
“Thế là mày thoát được hả? Mày làm được chuyện đó thật, kinh ngạc quá. Tao lấy cho mày thứ gì để ăn mừng nhỉ?”
“Brooklyn Brown?”
Seth lắc đầu. “Không.”
“Newcastle? Guinness?”
“Bia tươi thì sao? Họ không theo dõi thứ đó.”
Tôi nhún vai. “Được thôi.”
Cậu ta lấy cho tôi một ly vàng hươm đầy bọt: rõ ràng là dân mới vào việc. Nó trào ra cả mặt gỗ sứt sẹo của quầy. Seth cao, tóc sậm màu, dễ nhìn - một thỏi nam châm hút gái thật sự - với chỏm râu dê nực cười và một cái khuyên tai. Cậu ta mang nửa dòng máu Do Thái nhưng lại muốn làm dân da đen. Cậu ta chơi và hát trong một ban nhạc tên là Slither, tôi đã nghe họ chơi vài lần rồi; họ không khá lắm, nhưng Seth nói rất hăng về chuyện “ký được hợp đồng”. Cậu ta làm cả chục chuyện xấu xa một lúc chỉ để không phải thừa nhận mình là dân lao động.
Seth là gã duy nhất tôi biết còn cay độc hơn tôi. Có lẽ đó là lý do chúng tôi trở thành bạn. Lý do đó cộng với việc cậu ta chẳng thèm quan tâm tới chuyện bố tôi, dù cậu ấy từng chơi trong đội bóng đá trường trung học được Frank Cassidy huấn luyện (và hành hạ). Hồi lớp bảy chúng tôi học cùng lớp và ưa nhau ngay vì cả hai đều hay bị lão Pasquale dạy toán lôi ra làm trò cười. Lên lớp chín, tôi rời khỏi trường công lập để tới học ở Bartholomew Browning & Knightley, ngôi trường tư thục hoành tráng nơi bố tôi vừa được nhận làm huấn luyện viên bóng bầu dục và khúc côn cầu, và nhờ vậy tôi được miễn học phí. Trong hai năm liền tôi ít gặp Seth, cho tới khi bố bị đuổi việc vì làm gẫy hai xương cánh tay phải và một xương cánh tay trái của một đứa nhóc. Mẹ tên nhóc đó là trưởng ban giám thị của trường Bartholomew Browning. Vậy là vòi nước miễn học phí bị khóa lại, và tôi quay về trường công lập. Bố cũng được tuyển vào đó, sau vụ trường Bartholomew Browning.
Hồi trung học, chúng tôi cùng làm ở một trạm ngoài Vịnh, rồi Seth phát chán với sự trì trệ và tới tiệm bánh rán Dunkin để làm bánh rán cả đêm. Trong vài mùa hè, tôi và Seth lau cửa kính cho một công ty đã xây nhiều tòa nhà chọc trời ở khu trung tâm, cho tới lúc chúng tôi nhận ra treo lơ lửng trên dây ở tầng hai mươi bảy thực ra chẳng hay ho như tưởng tượng. Không những việc đó buồn chán mà còn đáng sợ kinh khiếp, thật là một sự kết hợp tồi tệ. Có lẽ có vài người cho rằng treo lơ lửng bên rìa tòa nhà, cách mặt đất cả trăm mét là một kiểu thể thao mạo hiểm, nhưng với tôi nó giống việc cố gắng tự tử một cách chậm rãi hơn.
Tiếng huýt sáo to lên. Mọi người quay nhìn kẻ huýt sáo, một gã mập đầu hói mặc com lê, vài người cười khúc khích.
“Tao sắp nổi điên lên mất,” Seth nói.
“Đừng,” tôi nói, nhưng quá muộn, cậu ta đã đi ra đầu kia quầy rượu. Tôi lôi một điếu thuốc ra châm trong khi nhìn cậu ta rướn người qua quầy, quắc mắt nhìn tên huýt sáo, trông như thể sắp tóm lấy ve áo gã nhưng dừng lại kịp. Cậu ta nói gì đó. Xung quanh tên huýt sáo rộ lên tiếng cười. Rồi Seth quay lại chỗ tôi, trông bình tĩnh và thoải mái. Cậu ta ngừng bước để nói chuyện với hai cô em xinh đẹp - một em tóc vàng, em kia tóc nâu, rồi ném lại cho họ một nụ cười.
“Đó. Tao không tin là mày vẫn hút thuốc,” Seth nói với tôi. “Thật ngu xuẩn, khi bố mày đã bị như vậy.” Cậu ta lấy một điếu từ gói của tôi, châm lửa, hít một hơi rồi đặt nó xuống gạt tàn.
“Cảm ơn vì mày không cảm ơn tao chuyện không hút thuốc,” tôi nói. “Còn mày thì có lý do gì?”
Seth thở ra qua lỗ mũi. “Tao thích làm nhiều việc cùng lúc. Mà ung thư không di truyền trong họ nhà tao. Chỉ có chứng điên thôi.”
“Ông ấy không bị ung thư.”
“Khí thũng. Cái mẹ gì cũng được. Ông già thế nào rồi?”
“Ổn.” Tôi nhún vai. Tôi không muốn đề cập tới chuyện đó, Seth cũng vậy.
“Trời ạ, một trong hai con nhỏ đó muốn một ly Cosmopolitan, đứa còn lại muốn thứ gì đó thật lạnh. Rõ là ghét.”
“Sao vậy?”
“Quá mất công, rồi bọn nó sẽ chỉ boa tao 25 xu. Tao đã rút ra là đàn bà chẳng bao giờ boa. Chúa ạ, chỉ cần bật nắp hai chai Buds, mày đã kiếm được vài đô rồi. Đồ uống lạnh cơ đấy!” Cậu ta lắc đầu. “Ôi dào.”
Seth quay đi vài phút, khua khoắng loảng xoảng vài thứ, máy trộn rú lên. Rồi cậu ta mang cho bọn con gái đồ uống cùng với một trong các điệu cười sát gái của mình. Bọn nó sẽ chẳng boa cho cậu ta xu nào. Cả hai đều quay sang nhìn tôi và mỉm cười.
Khi Seth quay lại, cậu ta hỏi: “Mày định làm gì sau đây?”
“Sau đây?” Đã gần mười giờ và tôi phải gặp một kỹ sư của Wyatt vào bảy giờ rưỡi sáng. Sẽ có vài ngày đào tạo với hắn, một nhân vật chủ chốt của dự án Lucid, rồi thêm vài ngày nữa với tay quản lý tiếp thị sản phẩm mới, và còn những buổi đều đặn với một vị “huấn luyện viên điều hành”. Họ đã vạch ra một lịch trình hà khắc. Trại huấn luyện cho bọn liếm gót, tôi nghĩ như thế đấy. Không còn nhởn nhơ, tới làm lúc chín hay mười giờ. Nhưng tôi không thể nói với Seth; tôi không thể kể cho ai cả.
“Một giờ là tao xong việc,” cậu ta nói. “Hai con bé đó mời tao chút nữa tới quán Lượn Đêm. Tao bảo bọn nó là tao có bạn. Bọn nó vừa nghía mày đấy, bọn nó đồng ý rồi.”
“Chịu,” tôi đáp.
“Hả?”
“Phải đi làm sớm. Đúng giờ, rất đúng giờ.”
Seth nhìn hoảng hốt và không thể tin nổi. “Cái gì? Có chuyện gì thế?”
“Công việc đang căng lắm. Mai phải dậy sớm. Dự án lớn.”
“Mày đùa đúng không?”
“Rất tiếc là không. Chẳng phải là mày cũng cần đi làm sớm sao?”
“Mày đang trở thành một kẻ trong số Bọn Chúng đấy à? Lũ người pod vô cảm ấy?”
Tôi nhe răng cười. “Đến lúc phải lớn lên rồi. Không chơi mấy trò trẻ con được nữa.”
Seth ra chiều ghê tởm lắm. “Anh bạn, có tuổi thơ hạnh phúc không bao giờ là quá muộn cả.”
Chú thích
[2] Nghệ thuật mô tả sản phẩm nhanh chỉ trong hơn trăm từ và trình bày với thời gian tương đương như một chuyến thang máy.