Đời ảo - Chương 03
Đời ảo
Chương 03
Ngày đăng 29-12-2015
Tổng cộng 27 hồi
Đánh giá 8.9/10 với 23846 lượt xem
au mười ngày mệt lử nghe các kỹ sư và dân tiếp thị sản phẩm chuyên về điện thoại cầm tay Lucid dạy kèm và truyền thụ, đầu tôi bị tọng đầy đủ mọi loại thông tin vô dụng. Tôi được cho một “văn phòng” nhỏ xíu trước là phòng vật tư trong khu điều hành, nhưng tôi hầu như chẳng bao giờ đến đó. Tôi đi làm đầy đủ, không gây chút xíu rắc rối nào cho ai. Tôi không biết mình còn có thể tiếp tục như vậy mà không bỏ cuộc tới bao giờ, nhưng hình ảnh cái giường tầng ở nhà tù Marion đã cho tôi động lực.
Rồi một buổi sáng, tôi được gọi tới một phòng làm việc cách văn phòng của Nicholas Wyatt hai cánh cửa xuôi xuống hành lang khu điều hành. Tên ở tấm biển đồng trên cửa là JUDITH BOLTON. Văn phòng này hoàn toàn trắng - thảm trắng, nội thất đều bọc trắng, phiến đá cẩm thạch trắng làm bàn, thậm chí hoa cũng màu trắng.
Trên chiếc ghế trường kỷ da màu trắng, Nicholas Wyatt ngồi cạnh một người phụ nữ hấp dẫn, trông khoảng bốn mươi, cô nàng đang tán gẫu thân mật, chạm vào cánh tay lão và cười đùa. Tóc màu đồng đỏ; chân dài vắt chéo, một cơ thể mảnh dẻ mà hẳn cô nàng phải vất vả để có được, mặc bộ vét màu xanh hải quân. Mắt xanh, môi trái tim bóng loáng, lông mày cong lên khiêu khích. Chắc chắn cô ta đã từng đẹp ngất ngây, nhưng giờ đã có phần già dặn hơn.
Tôi nhận ra trước đây mình đã thấy cô ta rồi, khoảng đầu tuần trước ở bên cạnh Wyatt khi lão tới thăm chóng vánh các buổi đào tạo của tôi với nhân viên tiếp thị và các kỹ sư. Cô ta dường như lần nào cũng thì thầm vào tai lão, quan sát tôi nhưng chúng tôi chưa bao giờ được giới thiệu, và tôi luôn tự hỏi đó là ai.
Không đứng dậy khỏi trường kỷ, cô ta đưa tay ra khi tôi tới gần - những ngón tay dài, móng sơn màu đỏ - và bắt tay tôi chặt, không hề hờ hững.
“Judith Bolton.”
“Adam Cassidy.”
“Anh tới muộn,” Judith nói.
“Tôi bị lạc đường,” tôi nói, cố làm chuyện nhẹ đi.
Cô ta lắc đầu, cười mím môi. “Anh có vấn đề với việc đúng hẹn. Tôi không bao giờ muốn thấy anh tới muộn nữa, rõ chưa?”
Tôi cười đáp trả, cũng kiểu nụ cười với bọn cớm khi bọn họ hỏi liệu tôi có biết tôi đang phóng nhanh thế nào không. Quý cô này khó nhằn đây. “Chắc chắn rồi.” Tôi ngồi xuống ghế đối diện cô ta.
Wyatt thích thú quan sát cuộc trao đổi. “Judith là một trong những tay chơi đáng giá nhất tao có,” lão nói. “ ‘Huấn luyện viên điều hành’ của tao. Là cố vấn của tao, là nhà thôi miên Svengali của chú mày đấy. Tao khuyên chú mày nên nghe từng lời cô ta nói. Tao vẫn nghe đấy.” Lão đứng dậy cáo lui. Cô nàng hơi vẫy tay chào khi lão đi ra.
Bạn sẽ không nhận ra tôi được nữa đâu. Tôi đã thành người khác rồi. Không còn chiếc xe Bondomobile nữa: giờ tôi lái con Audi A6 màu bạc công ty cho mượn. Tôi cũng có cả tủ quần áo mới. Một nhân viên hành chính của Wyatt, nàng tóc đen ấy, cô nàng hóa ra trước là người mẫu ở Công ty Tây Ấn của Anh, một chiều kia đã dẫn tôi đi mua quần áo ở một cửa hàng rất đắt đỏ mà trước đây tôi mới chỉ từ bên ngoài nhìn vào. Cô ta bảo đây là chỗ mình mua đồ cho Nick Wyatt. Cô ta chọn vài bộ com lê, áo sơ mi, cà vạt và giày, rồi tính hết vào chiếc thẻ Amex của công ty. Thậm chí cô ta còn mua cả thứ mà cô ta gọi là “vớ dài”, nghĩa là mấy đôi tất ấy. Và đồ mua chẳng phải mấy thứ tạp nham hiệu Structure tôi thường mặc, đây là hiệu Armani, Ermenegildo Zegna. Chúng toát lên cái vẻ như được những bà góa người Ý khâu tay trong khi nghe mấy vở opera của Verdi.
Cô ta muốn tóc mai dài - mà cô ta gọi là “ria quai” - phải biến đi. Và không còn đầu tóc lởm chởm như vừa từ giường dậy nữa. Cô ta dẫn tôi tới một hiệu làm đầu hào nhoáng và tôi bước ra như người mẫu của hãng Ralph Lauren, chỉ có cái là không khêu gợi bằng. Tôi kinh hoảng khi nghĩ tới lần tới tôi và Seth gặp nhau. Tôi biết nó sẽ nhai đi nhai lại chuyện này mãi thôi.
Bọn họ chế ra một câu chuyện để lấp liếm. Bạn đồng nghiệp và sếp cũ ở đội Thiết bị định tuyến của Bộ phận Kinh doanh được thông báo là tôi “chuyển công tác”. Có tin đồn lan ra rằng tôi bị điều tới Siberia vì quản lý bộ phận đã quá mệt mỏi với thái độ của tôi. Lại có tin đồn khác là vị phó chủ tịch cao cấp nào đó của Wyatt thích một bản ghi nhớ tôi viết và có “cảm tình với thái độ của tôi”, và tôi được giao nhiều trọng trách hơn chứ chẳng ít đi tẹo nào. Không ai biết sự thật. Tất cả những gì mọi người biết là đột nhiên một ngày kia tôi biến mất khỏi lô làm việc của mình.
Nếu có ai đó chịu khó nhìn kỹ sơ đồ tổ chức trên website của tập đoàn, hẳn họ sẽ thấy giờ chức tôi là Giám đốc Dự án Đặc biệt, Văn phòng Tổng Giám đốc Điều hành.
Chuỗi dấu vết đang được tạo ra cả trên giấy tờ và cả bằng điện tử.
Judith quay lại tôi, tiếp tục nói như thể Wyatt chưa bao giờ ở đây vậy. “Nếu anh được Trion nhận, anh phải đến làm sớm bốn mươi lăm phút. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng không được uống rượu trong bữa trưa hoặc sau khi tan sở. Không giờ vui vẻ, không tiệc tùng cocktail, không ‘đàn đúm’ với ‘bạn’ đồng nghiệp. Không hội hè gì hết. Nếu anh phải đi dự tiệc liên quan tới công việc, hãy uống soda.”
“Chị nói cứ như thể tôi ở trong hội Những Người Nghiện Rượu Giấu Tên vậy.”
“Say xỉn là dấu hiệu của sự yếu kém.”
“Vậy thì chắc là hút thuốc cũng vậy rồi.”
“Sai,” Judith nói. “Nó là một thói quen bẩn thỉu và ghê tởm, và nó thể hiện sự thiếu khả năng kiểm soát bản thân, nhưng cũng có những điểm cần cân nhắc khác. Loanh quanh ở khu vực hút thuốc là cách tuyệt vời để gây ảnh hưởng, tạo quan hệ với những người ở các bộ phận khác và thu được những tin tức hữu ích. Giờ thì về cách bắt tay.” Cô ta lắc đầu. “Anh làm hỏng rồi. Quyết định tuyển dụng được tạo nên ngay trong năm giây đầu - lúc bắt tay. Ai bảo anh khác đi là nói dối thôi. Anh nhận được việc nhờ cái bắt tay và rồi phần còn lại của buổi phỏng vấn là cuộc chiến để giữ được nó, để không bị mất nó. Vì tôi là phụ nữ nên anh nhẹ tay. Đừng làm như vậy. Hãy chắc chắn, mạnh bạo, và giữ...”
Tôi cười ranh mãnh, cắt ngang: “Người phụ nữ cuối cùng bảo tôi thế...” Tôi để ý thấy cô ta bị ngắt lời giữa chừng. “Xin lỗi.”
Giờ nghiêng đầu sang bên như mèo con, cô ta cười. “Cảm ơn.” Rồi dừng một chút. “Hãy giữ tay lâu hơn khoảng một hai giây. Nhìn thẳng vào mắt tôi và cười. Đặt toàn tâm ý vào tôi. Nào, thử lại.”
Tôi đứng dậy, bắt tay lại Judith Bolton.
“Tốt hơn rồi,” cô ta nói. “Anh có tài bẩm sinh. Người ta gặp anh sẽ nghĩ là: ở tay này có cái gì đó mình thích, mình không biết đó là cái gì. Anh có tài đó.” Cô ta nhìn tôi ước lượng. “Anh từng bị gẫy mũi phải không?”
Tôi gật đầu.
“Để đoán xem nào: chơi bóng bầu dục hả?”
“Thực ra là khúc côn cầu.”
“Dễ thương nhỉ. Anh là vận động viên chứ, Adam?”
“Đã từng thôi.” Tôi ngồi xuống.
Judith rướn người về phía tôi, tỳ cằm lên mu bàn tay, thăm dò. “Tôi đoán vậy. Nó thể hiện trong cách anh đi, tư thế của anh. Tôi thích như thế. Nhưng anh không đồng bộ.”
“Sao cơ?”
“Anh phải đồng bộ. Phản chiếu y hệt. Tôi rướn về phía trước, anh cũng làm như vậy. Tôi ngả người, anh cũng ngả người. Tôi vắt chéo chân, anh cũng vắt chéo chân. Nhìn tôi nghiêng đầu và làm giống vậy. Thậm chí đồng bộ cả nhịp thở với tôi. Tinh tế thôi, đừng lộ liễu quá. Đây là cách anh kết nối với người khác ở mức tiềm thức, khiến họ thấy thoải mái với anh. Người ta thích những ai giống mình. Hiểu chứ?”
Tôi cười thân thiện, hay dù sao thì ít nhất tôi cũng nghĩ đó là thân thiện.
“Và một điều nữa.” Cô ta rướn người còn gần hơn tới khi mặt chỉ cách tôi vài phân, rồi thì thầm. “Anh dùng nhiều nước hoa cạo râu quá đấy.”
Mặt tôi đỏ bừng xấu hổ.
“Thử đoán nhé: hiệu Drakkar Noir.” Judith không chờ tôi trả lời vì biết mình đã đoán đúng. “Rất trung học. Tôi cá là nó khiến lũ con gái ở đội cổ vũ thấy mềm cả gối.”
Sau này tôi biết được Judith Bolton là ai. Cô ta là một phó giám đốc cấp cao vào Hãng Viễn thông Wyatt, vài năm trước với vai trò người tư vấn đắc lực của công ty McKinsey, giờ là cố vấn riêng cho Nicholas Wyatt về những vấn đề nhân sự nhạy cảm, “giải quyết xung đột” tại những nấc thang cao nhất của tập đoàn, và những vấn đề tâm lý chiến nào đó trong các cuộc làm ăn, đàm phán hay thâu tóm. Cô ta có bằng Tiến sĩ về tâm lý học hành vi, và vì vậy mà vẫn được gọi là Tiến sĩ Bolton. Dù gọi Judith là “huấn luyện viên điều hành” hay là “nhà chiến lược về thuật lãnh đạo” thì cô ta cũng giống như một huấn luyện viên Olympic riêng của Wyatt. Cô ta khuyên lão ai có tố chất điều hành, ai không, ai nên bị đuổi việc, ai đang có mưu đồ sau lưng lão. Mắt cô ta như tia X-quang nhìn thấu sự bất trung. Không nghi ngờ gì nữa, hẳn Wyatt đã giành lấy cô ta từ McKinsey với mức lương cao tới lố bịch, ở đây cô ta có quyền lực và vị thế vững vàng đến nỗi có thể phản bác thẳng mặt Wyatt, nói với lão những điều khó chịu mà lão sẽ không chấp nhận bất cứ ai khác nói với mình.
“Giờ thì, bài đầu tiên của chúng ta là học cách tham gia phỏng vấn xin việc,” Judith nói.
“Tôi được tuyển vào đây kia mà,” tôi lí nhí.
“Chúng ta đang chơi ở một sân hoàn toàn mới, Adam,” cô ta cười. “Anh là hàng xịn, và anh phải phỏng vấn như hàng xịn, ai đó ở Trion phải lăn lóc để giành được anh từ chúng tôi. Anh có thích làm ở Wyatt không?”
Tôi nhìn cô ta, cảm thấy thật ngu ngốc. “Thì tôi đang cố rời khỏi đây, chẳng phải sao?”
Judith đảo mắt, thở sâu. “Không. Anh phải nói theo hướng tích cực.” Cô ta nghiêng đầu sang bên và bắt chước giọng tôi giống đến ngạc nhiên. “Tôi rất thích! Rất hứng thú! Các bạn đồng nghiệp đều rất tuyệt!” Giọng bắt chước giống đến mức tôi thấy kỳ quái; cứ như thể là bạn đang nghe giọng mình trong cuốn băng thu ở máy trả lời tự động vậy.
“Vậy tại sao tôi lại tới phỏng vấn ở Trion?”
“Cơ hội, Adam ạ. Chẳng có vấn đề gì với công việc của anh ở Wyatt cả. Anh không bực tức. Anh chỉ đi bước hợp logic tiếp theo trong sự nghiệp của mình, và ở Trion có nhiều cơ hội để làm những việc lớn lao và tốt đẹp hơn. Điểm yếu lớn nhất của anh là gì, Adam?”
Tôi nghĩ một giây. “Không có gì cả, thật vậy,” tôi nói. “Không bao giờ thừa nhận điểm yếu.”
Judith cau có. “Ôi, vì Chúa. Họ sẽ nghĩ anh nếu không ảo tưởng thì cũng ngu xuẩn.”
“Đó là câu hỏi đánh lừa.”
“Dĩ nhiên đó là câu hỏi đánh lừa. Phỏng vấn xin việc là một bãi mìn, anh bạn ạ. Anh phải ‘thừa nhận’ yếu điểm, nhưng anh không bao giờ được nói thứ gì làm giảm giá trị mình. Vì vậy anh sẽ thú nhận mình là người chồng quá chung thủy, người cha quá thương con.” Cô ta lại nói bằng giọng-bắt-chước-Adam: “Đôi khi tôi quá quen một ứng dụng phần mềm đến mức không tìm hiểu những chương trình khác. Hay là: Thỉnh thoảng khi bị những việc lặt vặt gây phiền phức, tôi thường không nói ra, vì tôi cho là phần lớn mọi chuyện rồi sẽ qua hết. Anh phàn nàn quá ít! Hoặc thế này thì sao: Tôi có xu hướng thực sự bị hút chặt vào một dự án, vì thế thỉnh thoảng tôi bỏ ra hàng giờ, rất nhiều giờ đồng hồ cho nó, vì tôi thích làm việc, làm việc một cách hiệu quả. Có lẽ tôi bỏ công ra nhiều hơn cần thiết. Hiểu chứ? Họ sẽ nhỏ nước miếng, Adam.”
Tôi gật đầu cười. Ôi trời, tôi đã vướng vào chuyện gì thế này?
“Sai lầm lớn nhất anh phạm phải khi làm việc là gì?”
“Rõ ràng là tôi phải thừa nhận cái gì đó,” tôi lo lắng.
“Anh học nhanh đấy,” cô ta đáp khô khan.
“Có lẽ là tôi đã nhận quá nhiều việc cùng lúc, và tôi...”
“… Và anh làm hỏng chuyện? Vậy anh không hiểu nổi mình bất tài đến mức độ nào? Tôi không nghĩ thế. Anh sẽ nói, ‘Ồ, cũng không có gì lớn lắm. Có lần tôi đang làm một bản báo cáo lớn cho sếp và tôi quên không sao lưu dữ liệu, và máy tính bị hỏng, tôi mất hết cả. Tôi phải thức tới ba giờ sáng, cày lại mọi thứ từ đầu. Chà, đúng là tôi đã được một bài học - luôn luôn sao lưu dữ liệu.’ Hiểu chưa? Sai lầm lớn nhất anh mắc không phải do lỗi của anh, hơn nữa anh kéo lại được mọi chuyện.”
“Tôi hiểu rồi.” Tôi thấy cổ áo sơ mi quá chật, và tôi muốn ra khỏi chỗ đó.
“Anh có tài bẩm sinh, Adam,” cô ta nói. “Rồi anh sẽ ổn thôi.”
8
Tối trước buổi phỏng vấn đầu tiên ở Trion, tôi tới thăm bố. Tuần nào tôi cũng đi ít nhất một lần, thỉnh thoảng nhiều hơn, tùy xem ông có gọi và bảo tôi tới không, ông gọi nhiều, một phần là vì ông thấy cô đơn (Mẹ tôi đã mất sáu năm trước) và một phần vì ông bị steroid làm hoang tưởng và tin rằng những người chăm sóc mình đang cố giết mình. Vì vậy mà các cuộc gọi của ông chẳng bao giờ thân thiện, chẳng bao giờ rôm rả; luôn luôn là phàn nàn, cường điệu hóa và buộc tội. Vài viên thuốc giảm đau biến mất, ông nói, và ông tin là y tá Caryn đã chôm chỉa nó. Ô xy do công ty ô xy cung cấp có chất lượng tệ hại. Y tá Rhonda cứ vấp mãi vào ống thở và giật những cái ống nhỏ, ống thông ra khỏi mũi ông, suýt thì giật đứt cả tai.
Bảo rằng khó giữ chân người chăm sóc ông là đã nói giảm nhẹ tới mức khôi hài. Hiếm khi có ai ở lại được quá vài tuần. Francis X. Cassidy là người nóng tính, đã luôn như vậy theo trí nhớ của tôi, và càng già và ốm yếu thì càng dễ nổi khùng hơn. Ông luôn hút vài bao thuốc mỗi ngày và ho khan ầm ĩ, luôn luôn bị viêm phế quản. Vì vậy không ai ngạc nhiên khi ông bị chẩn đoán mắc khí thũng. Ông còn mong gì chứ? Ông đã không sao thổi tắt nến trên bánh sinh nhật của mình nhiều năm trời rồi. Giờ bệnh khí thũng đã tới lúc mà người ta gọi là giai đoạn cuối, có nghĩa là ông có thể đi trong vài tuần, vài tháng, cũng có thể là cả mười năm. Không ai đoán trước được.
Thật không may việc lo chăm sóc ông lại tới tay tôi, đứa con duy nhất, ông vẫn sống trong căn hộ tầng-một-cộng-tầng-hầm trong khu nhà ba tầng mà tôi đã lớn lên, và ông chưa thay đổi bất cứ điều gì kể từ khi mẹ tôi mất - vẫn cái tủ lạnh vàng hươm chẳng bao giờ chạy bình thường, vẫn cái ghế trường kỷ sệ xuống cả một bên, vẫn những tấm rèm cửa viền đăng ten đã ố vàng theo thời gian, ông không tiết kiệm được tí tiền nào và lương hưu thì thảm hại; ông chỉ vừa đủ trả chi phí thuốc men cho mình. Điều đó có nghĩa là một phần lương của tôi phải dùng để trả tiền thuê nhà, tiền lương cho người trợ giúp y tế, gì gì nữa. Tôi chẳng bao giờ hy vọng được cảm ơn, và chưa bao giờ nhận được lời cảm ơn nào. Dù có cả triệu năm nữa thì ông cũng sẽ không hỏi xin tiền tôi. Chúng tôi giả bộ như ông ấy đang sống nhờ vào một cái quỹ ủy thác hay đại loại thế.
Khi tôi đến, ông đang ngồi trên chiếc ghế bành hiệu Barcalounger ông thích nhất trước cái ti vi to tướng, thú vui chủ yếu của ông. Nó giúp ông có cái gì đó trong thực tế để mà phàn nàn. Ống thở cắm vào mũi (giờ thì ông phải thở ô xy cả ngày), ông đang xem phim quảng cáo trên truyền hình cáp.
“Chào bố,” tôi lên tiếng.
Trong khoảng một phút, ông không nhìn lên - bị chương trình quảng cáo hút hồn, cứ như thể đó là cảnh tắm vòi sen trong phim Tâm thần hoảng loạn[3] vậy. Ông gầy đi, dù ngực vẫn thùng phi, và đầu húi cua đã bạc trắng. Khi nhìn lên tôi, ông bảo: “Con chó cái đó định thôi, mày biết chứ?”
“Con chó cái” mà ông nói là nhân viên hỗ trợ chăm sóc y tế tại nhà mới nhất của ông, một phụ nữ tuổi chừng năm mươi người Ai len có gương mặt nhăn nhó ủ rũ và mái tóc đỏ chói tên là Maureen. Bà ta lê bước qua phòng khách, như thể chọn đúng lúc để vào - bà bị đau hông - rổ quần áo nhựa đầy nhóc áo phông trắng và quần đùi gấp gọn ghẽ, mấy thứ đồ chủ đạo trong tủ quần áo của bố tôi. Điều ngạc nhiên duy nhất trong chuyện bà nghỉ việc chỉ là bà quyết định điều đó quá lâu mà thôi. Bố tôi có cái chuông cửa không dây hiệu Radio Shack trên bàn nhỏ cạnh ghế Barcalounger, ông dùng nó để gọi Maureen bất cứ khi nào ông cần, và điều đó cũng chẳng khác gì luôn luôn. Bình ô xy của ông không hoạt động, hay mấy cái ống thông đang làm mũi ông khô khốc, hay ông cần giúp ra phòng tắm để đi tiểu. Thỉnh thoảng Maureen đưa bố tôi ra ngoài “đi dạo” trên chiếc xe lăn gắn động cơ để ông có thể tuần tra quanh khu mua sắm và phàn nàn về bọn “du côn” và bắt nạt bà hơn nữa. Ông buộc tội bà tìm cách đầu độc mình. Điều đó sẽ khiến người bình thường phải hóa điên, mà Maureen thì vốn đã dễ xúc động rồi.
“Sao ông không bảo cậu ấy ông gọi tôi như thế nào?” bà nói, đặt đồ giặt xuống ghế dài.
“Ôi, vì Chúa,” ông nói, lời ngắn, câu cụt lủn, vì ông lúc nào cũng thiếu hơi. “Mày bỏ thuốc chống đông vào cà phê của tao. Tao nếm thấy rồi. Cái đó gọi là giết người già, mày thấy đó. Kiểu giết người mờ ám.”
“Nếu tôi muốn giết ông thì tôi sẽ dùng thứ tốt hơn là thuốc chống đông đấy,” bà gắt trả miếng. Giọng bà vẫn đậm chất Ai len dù đã sống ở đây ngoài hai chục năm. Ông vô cớ buộc tội người chăm sóc mình muốn giết mình. Nếu họ có làm thế thật thì ai trách họ được chứ? “Ông ta gọi tôi bằng từ - bằng từ tôi thậm chí không nhắc lại nổi.”
“Lạy Chúa chết dẫm, tao gọi mụ ta là con đĩ. Với mụ thì đó còn là từ lịch sự đấy. Mụ hành hung tao. Tao ngồi chết dí ở đây cắm đầy những cái ống hơi mắc dịch, và con chó cái này còn tát tao nữa.”
“Tôi giật điếu thuốc ra khỏi tay ông ấy,” Maureen nói. “Ông ấy định lén hút thuốc khi tôi đi xuống dưới nhà giặt đồ. Cứ như thể tôi không ngửi thấy khắp nhà ấy.” Bà nhìn tôi, một con mắt hướng ra xa. “Ông ấy không được phép hút thuốc! Tôi thậm chí không biết ông ấy giấu thuốc ở đâu - ông giấu chúng ở đâu đó, tôi biết mà!”
Bố tôi cười đắc thắng nhưng không nói gì.
“Mà sao tôi lại phải quan tâm chứ?” bà nói cay đắng. “Đây là ngày cuối cùng của tôi. Tôi hết chịu nổi rồi.”
Đám khán giả thuê trong đoạn phim quảng cáo há hốc miệng và vỗ tay nhiệt liệt.
“Làm như tao để ý ấy,” bố tôi nói. “Con mụ này chẳng làm gì cả. Nhìn đám bụi quanh chỗ này xem. Con chó cái này thì đã làm cái gì chứ?”
Maureen nhấc giỏ đồ giặt lên. “Đáng lẽ ra tôi nên bỏ từ tháng trước. Đáng lẽ ra tôi không nên nhận công việc này.” Bà rời khỏi phòng với kiểu đi kỳ cục như ngựa què chạy nước kiệu nhỏ.
“Đáng lẽ ra tao nên đuổi cổ mụ ngay lúc trông thấy,” bố tôi lầm bầm. “Tao biết là mụ cùng một giuộc với bọn giết người già mà.” Ông mím môi lại mà thở như thể đang hít vào bằng ống hút.
Tôi không biết giờ mình sẽ làm gì. Ông không thể ở một mình được - ông không thể vào phòng tắm mà không có người giúp. Ông cự tuyệt tới nhà an dưỡng; bảo rằng thà tự tử còn hơn.
Tôi đặt tay mình lên tay trái ông, bàn tay với ngón tay trỏ được nối với một máy hiển thị sáng đỏ, tôi nghĩ nó được gọi là máy đo ô xy dạng xung. Con số điện tử trên màn hình báo 88%. Tôi nói, “Chúng ta sẽ kiếm được ai đó, đừng lo bố ạ.”
Ông nhấc tay lên, hất tay tôi ra. “Mà mụ là loại y tá quái quỷ nào vậy?” ông nói. “Mụ không thèm quan tâm tới ai cả.” Rồi ông ho một tràng dài, khạc nhổ vào cái khăn mùi xoa vo viên lôi ra từ đâu đó trên ghế. “Tao không hiểu vì cái quái gì mà mày không chuyển lại về đây. Mày có cái mẹ gì để làm chứ? Mày chỉ có cái công việc chẳng đi đến đâu cả.”
Tôi lắc đầu và nhẹ nhàng nói, “Con không thể, bố ạ. Con còn phải trả nợ hồi sinh viên.” Tôi không muốn nói là cũng phải có người kiếm tiền để trả cho những người hỗ trợ luôn luôn đòi nghỉ việc.
“Học đại học tốt quá đấy nhỉ,” ông nói. “Tất cả chỉ là lãng phí tiền. Bỏ thời gian đi chè chén với đám bạn mày, lẽ ra tao không cần phải tốn hai mươi nghìn đô mỗi năm chỉ để mày chảy thây ra đấy. Cái đó thì mày làm ở đây cũng được.”
Tôi cười để ông biết là tôi không thấy khó chịu. Tôi không biết có phải do steroid, dòng prednisone ông uống để giữ khí quản luôn mở mà ông thành người khó chịu như vậy không, hay đó vốn là bản chất tự nhiên. “Mẹ mày, mong bà ấy yên nghỉ, mẹ mày chiều mày hư rồi. Biến mày thành thằng ẻo lả béo phị.” Ông hớp vào một ít không khí. “Mày đang lãng phí cuộc đời đấy. Mẹ, lúc chết tiệt nào thì mày mới kiếm được việc cho ra việc chứ hả?”
Bố rất giỏi đánh trúng đích. Một cơn khó chịu tràn qua tôi. Không thể nào coi những lời ông nói là nghiêm túc được, bạn sẽ phát rồ mất. Ông có tính khí nóng nảy như một con chó canh gác ở bãi phế liệu. Tôi luôn nghĩ sự tức giận của ông như bệnh dại - ông không kiểm soát được, vì vậy mà không thể trách ông. Ông chưa bao giờ kiểm soát được cơn giận của mình. Khi tôi còn là thằng nhóc, quá nhỏ không đỡ lại được, chỉ cần bị chọc tức một chút thôi là ông có thể tháo phắt thắt lưng da mà dần tôi nhừ tử. Ngay khi vừa đánh xong, ông luôn luôn lẩm bẩm, “Xem mày bắt tao phải làm gì này?”
“Con đang giải quyết chuyện đó,” tôi nói.
“Họ ngửi được mùi kẻ thua cuộc cách cả dặm, biết không.”
“Bố nói ai?”
“Các công ty ấy. Chẳng ai muốn một kẻ thua cuộc. Ai cũng muốn có được người chiến thắng. Mày đi lấy cho tao một chai cô ca đi?”
Đó là câu cửa miệng của ông, nó bắt nguồn từ những ngày ông còn làm huấn luyện viên - rằng tôi là “kẻ thua cuộc”, rằng chỉ thắng cuộc mới có ý nghĩa, rằng về nhì cũng là thua. Đã từng có lúc kiểu nói đó làm tôi tức tối. Nhưng giờ thì tôi đã quen; tôi thậm chí bỏ ngoài tai.
Tôi vào bếp, nghĩ xem giờ chúng tôi sẽ làm gì. Bố tôi cần trợ giúp cả ngày, chuyện đó không có gì bàn cãi. Nhưng sẽ không cơ sở nào gửi bất cứ ai tới nữa. Lúc đầu chúng tôi có y tá thực sự từ bệnh viện, họ làm ca ngoài giờ để kiếm tiền. Khi ông đã hành hạ hết lượt bọn họ, chúng tôi cố xoay xở tìm được một loạt những người chỉ vừa vặn đủ điều kiện vì đã qua khóa huấn luyện hai tuần để lấy chứng chỉ hỗ trợ y tá. Rồi thì nhận bất cứ ma nào chúng tôi tìm được qua quảng cáo trên báo.
Maureen đã sắp xếp cái tủ lạnh hiệu Kenmore màu vàng hươm gọn tới mức cứ như nó thuộc về một phòng thí nghiệm của chính phủ. Dãy lon cô ca đứng thẳng hàng, lon này sau lon kia trên cái giá bằng dây kim loại mà bà đã điều chỉnh cao vừa tầm. Thậm chí cốc trong tủ cũng sáng loáng thay vì đục và cáu bẩn như thường lệ. Tôi lấy đá đầy hai cốc và rót mỗi cốc một lon. Tôi sẽ phải ngồi lại với Maureen, thay mặt bố xin lỗi, van vỉ và nài nỉ, mua chuộc bà ta nếu cần thiết. Ít nhất thì cũng làm bà ở lại cho tới khi tôi tìm được người thay thế. Có lẽ tôi có thể đánh vào ý thức về trách nhiệm của bà với người già, dù tôi đoán là nó đã bị xói mòn phần lớn bởi tính cáu gắt của bố tôi rồi. Thật sự thì tôi đã hết nước. Nếu làm hỏng buổi phỏng vấn ngày mai, tôi sẽ có tất cả thời gian trên thế giới này, nhưng tôi sẽ ở sau song sắt ở đâu đó tại Illinois. Thế sẽ chẳng thay đổi được gì.
Tôi cầm cốc bước ra, đá kêu leng keng theo mỗi bước đi. Đoạn phim quảng cáo vẫn đang tiếp tục. Mấy thứ đó đã kéo dài được bao lâu rồi? Ai mà xem chúng chứ? Nghĩa là ngoại trừ bố tôi ra.
“Bố ạ, đừng lo lắng gì cả,” tôi bảo, nhưng ông đã thiếp đi rồi.
Tôi đứng trước mặt ông vài giây, nhìn xem ông còn thở không. Ông vẫn còn thở. Cằm tì lên ngực, đầu ngoẹo một góc trông rất buồn cười. Khí ô xy tạo thành âm huýt khe khẽ. Đâu đó dưới tầng hầm, Maureen đang khua khoắng các thứ loảng xoảng, có lẽ là đang diễn tập lại lời kết của mình. Tôi đặt hai ly cô ca xuống chiếc bàn nhỏ đầy thuốc men và điều khiển từ xa.
Rồi tôi rướn người hôn lên cái trán lấm bẩn đỏ ửng của ông già. “Sẽ tìm được ai đó thôi,” tôi nói nhỏ.
9
Trụ sở chính của Hệ thống Trion trông giống như Lầu Năm Góc phủ crôm mài. Mỗi một trong năm mặt là một “cánh” nhà bảy tầng. Nó đã được một kiến trúc sư nổi tiếng nào đó thiết kẽ. Bên dưới là nhà để xe đày những chiếc BMW và Range Rovers, và rất nhiều VW, và đại loại như thế, nhưng không có ô giữ trước nào, theo như mắt tôi thấy.
Tôi nêu tên mình cho “đại sứ tiền sảnh” của Cánh B, cái tên hoa mỹ mà họ đặt cho nhân viên tiễp tân. Cô ta in ra một miếng dán đánh mã có ghi KHÁCH. Tôi dán nó lên túi áo ngực bộ com lê Armani xám của mình và ngồi ở sảnh chờ người phụ nữ có tên là Stephanie đến đón.
Đó là trợ tá cho Phó Giám đốc Nhân sự, Tom Lundgren. Tôi cố tĩnh tâm, thư giãn, thoải mái đầu óc. Tôi tự nhắc mình là không thể mong được vụ sắp đặt nào tốt hơn thế này nữa. Trion đang tìm người lấp chỗ trống cho vị trí quản lý tiếp thị sản phẩm - một người đột ngột bỏ đi mất, và tôi đã được đo ni đóng giày cho công việc đó, được thiết kế theo di truyền học, được tái bản theo kỹ thuật số. Trong vài tuần gần đây, một số tay săn đầu người được lựa chọn và được cho biết về anh chàng trẻ tuổi đáng kinh ngạc ở Wyatt đã chín sẵn chỉ còn chờ hái. Quả mọng treo cành thấp. Tin lan truyền một cách ngẫu nhiên, lúc ở hội nghị công nghiệp, khi qua lời đồn đại. Tôi bắt đầu nhận được đủ loại cuộc gọi từ các nhà tuyển dụng trong hộp thư thoại.
Thêm nữa tôi đã nhọc công tìm hiểu về Hệ thống Trion. Tôi biết nó là một gã khổng lồ trong lĩnh vực thiết bị điện tử tiêu dùng được sáng lập vào đầu những năm 70 dưới bàn tay của Augustine Goddard huyền thoại, tên thường gọi là Jock chứ không phải Gus. Ông ta gần như là một hình tượng được sùng bái. Goddard tốt nghiệp từ trường Công nghệ Cal, phục vụ trong hải quân, từng làm việc ở hãng Fairchild Semiconductor, rồi Lockheed, và sáng chế ra một công nghệ đột phá nào đó về sản xuất đèn hình ti vi màu. Ông ta được nhiều người coi là thiên tài, nhưng không giống như những thiên tài kiểu bạo chúa sáng lập nên các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ, ông ta rõ ràng không tệ hại như thế. Người ta thích ông ta, trung thành với ông ta khủng khiếp. Ông ta giống như một hình tượng vừa xa vời, vừa gần gũi như cha mẹ. Chỉ thoáng nhìn thấy Jock Goddard trong những dịp hiếm hoi người ta cũng gọi là “chứng kiến”, cứ như thể ông ta là vật thể bay không xác định vậy.
Dù Trion không còn chế tạo đèn hình ti vi màu nữa, đèn hình Goddard đã được bán bản quyền cho Sony và Mitsubishi, cũng như tất cả những công ty Nhật Bản sản xuất ti vi bán vào thị trường Mỹ. Sau này, Trion chuyển hướng sang truyền thông điện tử - lấy thiết bị truyền tín hiệu Goddard làm bệ phóng. Bây giờ Trion làm ra điện thoại di động và máy nhắn tin, linh kiện máy tính, máy in laser màu, thiết bị hỗ trợ điện tử cá nhân và đại loại như thế.
Một phụ nữ rắn rỏi với tóc nâu uốn quăn xuất hiện ở cửa vào sảnh chờ. “Chắc anh là Adam.”
Tôi dành cho chị ta một cái bắt tay chắc chắn và dễ chịu. “Rất vui được gặp chị.”
“Tôi là Stephanie,” chị nói. “Trợ lý của Tom Lundgren.” Chị dẫn tôi vào thang máy và lên tầng sáu. Chúng tôi nói chuyện phiếm với nhau. Tôi cố tỏ ra nhiệt tình nhưng không lóng ngóng, và chị ta có vẻ không tập trung lắm. Tầng sáu là khu làm việc chia lô điển hình, các khoang kéo dài đến hút tầm nhìn, rộng bạt ngàn. Lối tôi được dẫn đi như một mê cung; dù có thả vụn bánh mì đánh dấu tôi cũng không thể tìm được lối ra thang máy. Tất cả mọi thứ ở đây đều theo chuẩn của một tập đoàn, trừ cái màn hình máy tính tôi đi qua, trên đó trình bảo vệ màn hình hiển thị hình ảnh ba chiều là đầu của Jock Goddard đang cười nhăn nhở và quay mòng mòng như Linda Blair trong phim Quỷ ám. Cứ thử làm thế ở Wyatt xem, ý tôi là với cái đầu của Nick Wyatt ấy, thể gì bọn đầu gấu đánh thuê của tập đoàn Wyatt cũng sẽ đập vỡ đầu gối bạn.
Chúng tôi đến một phòng họp có tấm biển trên cửa ghi STUDEBAKER.
“Studebaker à?” tôi lên tiếng.
“Phải, tất cả các phòng họp đều được đặt tên theo các loại ô tô kinh điển của Mỹ. Mustang, Thunderbird, Corvette, Camaro. Jock thích ô tô Mỹ.” Chị nói từ Jock hơi khang khác, như thể nó được đóng trong ngoặc kép, dường như ám chỉ rằng chị không thực sự thân tới mức gọi thẳng tên Tổng Giám đốc Điều hành, nhưng đó là cách ai cũng gọi ông ta. “Tôi lấy gì cho anh uống được nhỉ?”
Judith Bolton bảo tôi luôn luôn trả lời có, bởi người ta thích bày tỏ thiện ý, và tất cả mọi người, thậm chí cả nhân viên hành chính, sẽ có phản hồi lại về cách nghĩ của họ đối với tôi. “Cô ca, Pepsi, gì cũng được,” tôi nói. Tôi không muốn tỏ ra quá kiểu cách. “Cảm ơn chị.”
Tôi ngồi xuống một phía bàn, chọn mặt đối diện với cửa ra vào chứ không phải đầu bàn. Vài phút sau, một gã chắc nịch mặc quần ka ki và áo chơi gôn màu xanh hải quân có đính lô gô Trion vụt vào phòng. Tom Lundgen: Tôi lập tức nhận ra hắn nhờ hồ sơ mà Tiến sĩ Bolton chuẩn bị cho mình. Phó giám đốc Bộ phận Truyền thông Nhân sự. Bốn mươi ba tuổi, năm đứa con và phát cuồng với môn đánh gôn. Stephanie đi ngay sau hắn, mang theo một lon Cô ca và một chai nước Aquafina.
Hắn bắt tay tôi rất chặt. “Adam, tôi là Tom Lundgren.”
“Rất vui được gặp ông.”
“Rất vui được gặp anh. Tôi đã nghe nhiều điều hay về anh.”
Tôi cười, nhún vai khiêm tốn. Lundgren thậm chí không đeo cà vạt, tôi nghĩ thầm, và tôi thì giống như trưởng ban tang lễ vậy. Judith Bolton đã cảnh báo là điều đó có thể xảy ra, nhưng lại bảo thà mặc quá trang trọng cho buổi phỏng vấn còn hơn mặc quá xuề xòa. Đại thể là dấu hiệu tôn trọng.
Hắn ngồi xuống bên cạnh, quay lại đối diện với tôi. Stephanie nhẹ nhàng khép cửa lại khi đi ra.
“Tôi đoán làm ở Wyatt hẳn căng thẳng lắm nhỉ?” Hắn có môi mỏng dính và điệu cười thoắt ẩn thoắt hiện. Da mặt thô nháp, đỏ ửng, như thể là hắn hoặc đã chơi gôn quá nhiều, hoặc bị rối loạn da mãn tính gì đó. Hắn ta ngồi rung chân phải. Gã đàn ông đó là một bầu năng lượng căng tràn, một trung tâm sức mạnh; hắn dường như đã hấp thụ quá nhiều cafein và buộc tôi phải nói nhanh. Rồi tôi nhớ ra hắn là người theo dòng đạo Mormon và không uống cà phê. Tôi sẽ ghét phải gặp hắn sau một chầu cà phê lắm. Có khi hắn ta sẽ bắn vào quỹ đạo ngoài ngân hà mất.
“Tôi thích căng thẳng như thế.”
“Tôi mừng là anh nói vậy. ở đây chúng tôi cũng thế.” Nụ cười của hắn lại lóe lên rồi tắt. “Tôi nghĩ ở đây nhiều người nhóm A[4] hơn bất cứ nơi nào khác. Ai cũng có tốc độ đồng hồ nhanh hơn.” Hắn vặn nắp chai nước và uống một ngụm. “Tôi luôn nói Trion là nơi làm việc rất tốt - khi anh đi nghỉ mát. Anh có thể trả lời thư điện tử, thư thoại và làm xong đủ loại việc, nhưng chà, anh phải trả giá để nghỉ ngơi. Anh quay lại và hộp thư thoại đầy ắp, anh bị nghiền nát như quả nho luôn.”
Tôi gật đầu, cười đồng tình. Thậm chí cả những gã làm về tiếp thị ở một tập đoàn công nghệ cao cũng thích nói chuyện như dân kỹ sư, vì vậy tôi đáp lời. “Giống nhau rồi,” tôi nói. “Anh chỉ có ngần đó vòng xoay, anh phải quyết định dùng vòng xoay của mình vào việc gì.” Tôi đang bắt chước ngôn ngữ điệu bộ của hắn, gần như nhái lại, nhưng hắn dường như không để ý.
“Rõ ràng là thế rồi. Những ngày này chúng tôi không hẳn trong đợt tuyển dụng - chẳng nơi nào đang tuyển cả. Nhưng một trong các quản lý sản phẩm mới của chúng tôi đột nhiên chuyển chỗ.”
Tôi lại gật đầu.
“Con Lucid đúng là thiên tài đấy - đã cứu nguy cho Wyatt khỏi một quý ảm đạm. Nó là con cưng của anh hả?”
“Là đội của tôi thì đúng hơn. Tôi chỉ là một phần trong đội thôi. Không điều hành vụ đó.”
Hắn có vẻ thích thế. “Dù gì thì theo những gì tôi nghe được, anh cũng là một nhân vật chủ chốt.”
“Tôi không dám nói vậy. Tôi làm việc chăm chỉ và thích những gì mình làm, và tôi gặp đúng chỗ đúng thời thôi.”
“Anh khiêm tốn quá.”
“Có lẽ,” tôi cười. Hắn cắn câu, thực sự là ngấu nghiến những khiêm tốn và thẳng thắn giả tạo đó.
“Anh làm thế nào vậy? Có bí quyết gì không?”
Tôi bặm môi thở ra một hơi, như thể đang nhớ lại chuyện chạy đua ma ra tông vậy. Tôi lắc đầu. “Không có bí quyết gì. Đó là công việc nhóm. Những con người đồng tâm và có động lực.”
“Cụ thể hơn xem nào.”
“Thú thực thì mục đích cơ bản ban đầu là để đè chết máy Palm.” Tôi đang nói về con PDA không dây của Wyatt, con đã thắng được dòng Palm Pilot. “Trong những cuộc họp lên ý tưởng đầu tiên, chúng tôi hợp được một nhóm đa chức năng - kỹ sư, dân tiếp thị, những tay ID trong nội bộ, một công ty ID bên ngoài.” ID là từ chuyên ngành cho thiết kế công nghiệp. Tôi đang nhồi câu trả lời cho hắn; tôi đã thuộc lòng nó. “Chúng tôi xem bản nghiên cứu thị trường, tìm ra khiếm khuyết trong sản phẩm của Trion, trong máy Palm, Handspring, Blackberry.”
“Và khiếm khuyết ở sản phẩm của chúng tôi là gì?”
“Tốc độ. Mạng không dây dở tệ, nhưng chắc ông cũng biết điều đó rồi.” Đây là một cú thúc được tính toán cẩn thận. Judith tải về cho tôi một vài nhận xét thẳng thắn mà Lundgren đã nói ở những hội thảo công nghiệp trong đó hắn ta cũng thừa nhận như vậy. Hắn nghiêm khắc phê bình những thành quả của Trion bất cứ khi nào chúng không đạt yêu cầu. Sự thẳng thừng của tôi là nước mạo hiểm được tính toán kỹ của Judith. Dựa trên đánh giá về phong cách quản lý của hắn, Judith kết luận rằng hắn ghét cay ghét đắng thói xu nịnh và có thói quen thẳng thắn.
“Chính xác,” hắn nói và nở nụ cười một mi li giây.
“Dù sao thì chúng tôi cũng xét qua rất nhiều tình huống. Một bà mẹ suốt ngày quanh quẩn với con cái thực sự muốn gì, rồi người điều hành công ty hay quản đốc công trình xây dựng nữa? Chúng tôi trao đổi về bộ tính năng, tiêu chuẩn vỏ máy, tất cả những chuyện như thế. Các cuộc thảo luận khá tự do. Ý tưởng của tôi là thiết kế thanh nhã kết hợp với sự đơn giản.”
“Tôi nghĩ có lẽ các anh đã thiên quá mức về mặt thiết kế mà hy sinh tính năng chăng,” Lundgren chen vào.
“Ý anh là gì?”
“Thiếu đèn chụp flash. Điểm yếu nghiêm trọng duy nhất trong sản phẩm mà tôi thấy.”
Một cú ném xa, và tôi lao tới đánh. “Tôi hoàn toàn đồng ý.” Nhìn xem, tôi đã chuẩn bị đầy những câu chuyện về những thành công “của tôi” và những thất bại giả tạo mà tôi diễn khéo léo tới mức chúng có thể trở thành thắng lợi trên chiến trường. “Sai sót thảm hại. Đó rõ ràng là tính năng lớn nhất bị vứt bỏ - nó có trong ý niệm sản phẩm ban đầu, nhưng nó khiến tiêu chuẩn vỏ máy vượt quá phạm vi chúng tôi muốn, vì vậy nửa chừng thì nó bị bỏ mất.” Nếm đòn đi.
“Bên anh có định làm gì về chuyện đó ở thế hệ máy tiếp theo không?”
Tôi lắc đầu. “Xin lỗi, tôi không thể nói được. Đó là độc quyền của hãng Viễn thông Wyatt. Đây không phải chỉ là việc tuân thủ pháp luật, nó còn là chuyện đạo đức với tôi - khi anh đã giao ước thì anh phải giữ lời. Nếu như thế có vấn đề thì...”
Hắn dành cho tôi một nụ cười có vẻ tán thưởng và thật lòng. Dễ như bỡn. “Hoàn toàn không thành vấn đề. Tôi tôn trọng điều đó. Bất cứ ai làm lộ thông tin của người từng thuê mình cũng có thể làm điều đó với tôi.”
Tôi để ý thấy cụm từ “người từng thuê mình”: Lundgren đã hoàn toàn ưng tôi rồi, hắn ta vừa lộ ra điều đó.
Hắn lôi máy nhắn tin ra kiểm tra nhanh. Hắn đã nhận được khoảng chục tin trong khi chúng tôi nói chuyện, để ở chế độ rung. “Tôi không định làm mất thêm thời gian của anh nữa, Adam. Tôi muốn anh gặp Nora.”
Chú thích
[3] Cảnh tắm dưới vòi hoa sen của Janet Leigh trong phim Psycho - Tâm thần hoảng loạn được bình chọn là cảnh chết trong phim hay nhất mọi thời đại, theo một cuộc bình bầu của các nhà phê bình được công bố trên tạp chí điện ảnh Total.
[4] Một học thuyết tâm lý chia con người thành Nhóm A và Nhóm B, trong đó Nhóm A được mô tả là thiếu kiên nhẫn, có nhận thức tốt về thời gian, rất có tính cạnh tranh, nhiều tham vọng, mạnh mẽ và ít nghỉ ngơi.