Đời ảo - Chương 01

Đời ảo - Chương 01

Dàn xếp

Ngày đăng
Tổng cộng 27 hồi
Đánh giá 9.7/10 với 23975 lượt xem

Trong cơn bốc đồng, Adam Cassisy - một nhân viên kinh doanh làng nhàng - đã quyết định đóng vai người anh hùng trong bóng tối. Vinh quang đó tan nhanh như bong bóng xà phòng, nhưng hậu quả của nó đã khiến cuộc đời anh đổi thay vĩnh viễn. Bất đắc dĩ trở thành gián điệp kinh tế, miễn cưỡng lao đầu vào giữa một mê cung rối ren đầy cạm bẫy được che đậy bởi những lớp gấm nhung, Adam đành nhắm mắt đưa chân cho dù mọi con đường, mọi lối rẽ dường như đều đưa anh đến kết cục thê thảm. Làm con mồi đứng chơi vơi giữa sợi dây mỏng manh treo trên bờ vực, hai đầu dây là hai con thú dữ đang hằm hè chỉ chực ăn sống nuốt tươi nhau, Adam đã phải vận dụng toàn bộ trí thông minh, sự nhanh nhạy, khả năng ứng biến và cả tính bất cần để điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với cuộc đời ảo phong lưu đầy rẫy hiểm nguy.
Nhưng cuộc đời anh phải chăng hư ảo đúng như anh vẫn tưởng, và trên thương trường khốc liệt, đâu là con mồi, đâu là kẻ đi săn, đâu kẻ thắng, đâu người thua, đâu mưu đồ, đâu sự thực, đâu hư ảo thật, đâu hư ảo vờ?
Giới thiệu tác giả:
Joseph Finder sinh 6/10/1958 tại Chicago, bang Illinois. Ông là nhà văn Mỹ nổi tiếng với các tiểu thuyết ly kỳ viết về những cuộc chiến khốc liệt trên thương trường. Hồi nhỏ ông từng sống một thời gian ở Afghanistan và Philippines trước khi theo gia đình quay về Mỹ. Ông từng học chuyên ngành văn hóa Nga tại đại học Yale, nhận học vị thạc sĩ của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Nga thuộc Harvard và sau đó giảng dạy tại Harvard. Ông từng được tuyển mộ vào Cục tình báo CIA nhưng rồi quyết định từ bỏ ước mơ làm điệp viên vì niềm đam mê viết lách. Ông đã viết hơn mười cuốn tiểu thuyết, tham gia sáng lập Hội Nhà văn viết truyện ly kỳ quốc tế, là thành viên Hội Cựu nhân viên tình báo. Ông hiện sống ở Boston, Massachusetts cùng vợ Michelle và con gái Emma.
Đời ảo (cả định dạng bìa cứng lẫn bìa mềm) đã được xếp vào danh sách bestseller của tờ The New York Times.
Lời khen tặng dành cho Đời Ảo:
“Một câu chuyện tuyệt vời… Không thể rời mắt.”
- USA Today
“Những pha hành động thót tim xứng đáng được đưa vào trong các bộ phim gián điệp xuất sắc nhất… Siết chặt cổ họng độc giả theo đúng cách Mật mã Da Vinci từng làm.”
- New York Daily News
“Nhanh, thú vị, và đậm tính thời sự.”
- Toronro Globe and Mail
Cuốn sách này dành cho Henry: anh trai và cố vấn, và cũng như mọi khi, dành cho hai người phụ nữ trong cuộc đời tôi: vợ tôi, Michele và con gái tôi, Emma.
Cho tới khi mọi chuyện xảy ra, tôi không hề tin vào lời người xưa rằng bạn nên cẩn thận với điều mình mong ước, bởi bạn có thể sẽ toại nguyện.
Giờ tôi tin rồi.
Giờ tôi tin vào tất cả những câu tục ngữ răn dạy đó. Tôi tin rằng kiêu ngạo dẫn tới thất bại. Tôi tin rằng lá rụng về cội, rằng họa vô đơn chí, rằng chớ thấy sáng mà ngỡ là vàng, rằng cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Trời ạ, cứ kể thêm đi. Tôi tin hết.
Tôi có thể nói với bạn rằng mọi chuyện bắt đầu từ một hành động hào phóng, nhưng như thế không phải lắm. Là một hành động ngu xuẩn thì đúng hơn. Cứ gọi nó là tiếng cầu cứu. Có lẽ giống việc giơ ngón tay giữa lên hơn. Dù là gì đi nữa thì đó cũng là lỗi của tôi. Tôi nửa nghĩ rằng mình sẽ thoát vụ này, nửa chờ mình sẽ bị đuổi việc. Phải nói rằng khi nhìn lại cách mọi việc bắt đầu, tôi tự thấy sửng sốt trước sự kiêu căng ngu xuẩn của mình. Tôi không phủ nhận mình đáng bị như vậy. Chỉ là không như những gì tôi mong đợi - nhưng ai lại mong đợi những điều như thế này chứ?
Tất cả những gì tôi làm là gọi vài cuộc điện thoại. Mạo nhận làm Phó Chủ tịch ban Sự kiện tập đoàn và gọi tới nhà tổ chức sự kiện ngoài trời lừng danh đã tổ chức tất cả các buổi tiệc tùng của hãng Viễn thông Wyatt. Tôi bảo họ chỉ cần tổ chức hệt như vụ giải thưởng Người bán hàng của năm mà họ vừa làm tuần trước là được. (Dĩ nhiên tôi không biết nó xa xỉ tới cỡ nào.) Tôi đưa họ tất cả những số liệu giải ngân chính xác, đồng ý chuyển tiền trước. Mọi chuyện dễ dàng đến kinh ngạc.
Ông chủ của Bữa ăn Huy hoàng bảo tôi rằng ông ta chưa bao giờ tổ chức vụ gì trên sân xếp dỡ của công ty, và điều này là sự “thách thức về trang trí”, nhưng tôi biết ông ta sẽ không thể quay lưng lại với tờ séc lớn của hãng Viễn thông Wyatt.
Không hiểu sao tôi ngờ rằng Bữa ăn Huy hoàng cũng chưa từng tổ chức bữa tiệc nghỉ hưu nào cho một Phó Quản đốc.
Tôi nghĩ đó mới là điều thực sự khiến Wyatt nổi giận. Trả tiền cho tiệc về hưu của Jonesie - một lão công nhân xếp dỡ, Lạy Chúa! - là vi phạm trật tự tự nhiên. Thay vì thế, nếu tôi đem tiền đi trả cho một chiếc Ferrari 360 Modena mui trần, Nicholas Wyatt hẳn đã hiểu được. Ông ta hẳn sẽ nhìn nhận sự tham lam của tôi như bằng chứng về những thói phàm cả hai cùng có, như say mê rượu, hay “đĩ điếm” như cách ông ta vẫn gọi đàn bà.
Nếu biết trước chuyện này sẽ kết thúc như thế nào, liệu tôi có làm không? Chết tiệt, không.
Dù sao thì tôi cũng phải nói là nó khá tuyệt. Tôi muốn nói về việc bữa tiệc của Jonesie đã được trả từ quỹ dành riêng cho những hoạt động “ngoài lề” của Chủ tịch Hội đồng Quản trị và các Phó Chủ tịch cấp cao ở khu nghỉ mát Guanahani trên đảo St. Barthélemy và cho những thứ đại loại thế.
Tôi cũng thích được nhìn cảnh những gã bốc dỡ cuối cùng cũng được nếm mùi lối sống của đám lãnh đạo. Hầu hết vợ chồng bọn họ, những người thấy Tiệc Tôm ở quán Tôm Hùm Đỏ hay món Sườn Barbie ở quán nướng Hoang Dã đã khá là phung phí rồi, chẳng biết phải làm gì với mấy món kỳ lạ, như trứng cá osetra muối và thịt lưng bê Provencal. Nhưng họ ngốn ngấu lườn bò tẩm bột, sườn cừu, tôm hùm nướng kèm với mì ravioli. Mấy hình điêu khắc bằng băng rất được chú ý. Rượu sâm banh Dom Perignon rót tới tấp, và bia Budweiser còn ào ạt hơn. (Tôi gọi thứ này rất đúng, vì thường các buổi chiều thứ Sáu, trong khi tôi vừa hút thuốc vừa loanh quanh trong khu bốc dỡ, sẽ có ai đó, thường là Jonesie hay đốc công Jimmy Connolly mang tới cả bom Budweiser lạnh để ăn mừng vì một tuần nữa đã kết thúc.)
Jonesie vui cả tối. Đó là người đàn ông luống tuổi với khuôn mặt ngượng nghịu dãi dầu sương gió có thể khiến người khác vừa mới gặp đã thấy thích ngay. Vợ ông, Esther, bốn mươi hai tuổi, mới nhìn thì có vẻ khó gần, nhưng hóa ra lại nhảy giỏi không ngờ. Tôi đã thuê cả một nhóm nhảy Reggae Jamaica tuyệt vời, và ai cũng tham gia, thậm chí cả những người không ai ngờ là sẽ nhảy.
Dĩ nhiên chuyện này xảy ra sau cuộc suy thoái lớn của ngành công nghệ, các công ty ở khắp mọi nơi sa thải nhân sự và ban hành chính sách “tiết kiệm”, có nghĩa là bạn phải tự trả tiền cho thứ cà phê dở tệ, không còn Coca-cola miễn phí trong phòng giải lao, và đại loại như vậy. Vào một chiều thứ Sáu, Jonesie bị cho thôi việc, mất vài giờ để ký giấy tờ ở phòng Nhân sự và sẽ ở nhà cả quãng đời còn lại, không còn tiệc tùng, không còn gì cả. Trong lúc ấy, ban điều hành của hãng Viễn thông Wyatt đang chuẩn bị bay tới đảo St. Bart bằng máy bay riêng hiệu Learjet, phang vợ hay bồ bọn họ ở biệt thự riêng, thoa đẫm dầu dừa lên những ngấn bụng và bàn chính sách tiết kiệm quy mô công ty trong bữa sáng tự chọn xa xỉ có cả đu đủ và lưỡi chim ruồi. Jonesie và bạn bè ông không dò hỏi nhiều lắm về chuyện ai đã trả tiền. Nhưng nó vẫn khiến tôi thầm cảm thấy sung sướng ít nhiều.
Cho tới khoảng một giờ ba mươi sáng, hẳn là tiếng ghi ta điện và tiếng la ó của vài thanh niên say mèm đã khơi dậy sự tò mò của một nhân viên an ninh, rõ ràng là mới được thuê (tiền lương thì tệ hại, tốc độ thay người thì nhanh không tin nổi), gã này không biết ai trong chúng tôi và không hề có ý định nhẹ tay cho bất cứ ai.
Hắn béo lùn với khuôn mặt hồng hào, giông giống chú lợn hoạt hình Porky, chỉ khoảng ba mươi tuổi. Hắn cứ nắm chặt lấy máy bộ đàm như thể nó là khẩu Glock mà nói: “Chuyện quái gì thế này?”
Và cuộc sống quen thuộc của tôi đã chấm dứt.
2
Tin nhắn thoại đã đợi sẵn khi tôi tới chỗ làm, vẫn muộn như thường lệ.
Thật ra là thậm chí còn muộn hơn thường lệ. Người tôi nôn nao, đầu nhức như búa bổ và tim đập quá nhanh do cốc cà phê rẻ tiền to đùng tôi đã nốc trên xe điện ngầm. Một làn sóng a xít trào lên trong dạ dày tôi. Tôi đã định báo ốm, nhưng giọng nói sáng suốt nhỏ bé trong đầu tôi bảo rằng sau những chuyện đêm qua, khôn ngoan hơn cả là chường mặt tới công ty và sẵn sàng chịu trận.
Vấn đề là tôi hoàn toàn nghĩ mình sẽ bị đuổi việc - gần như là chờ đợi điều đó, cũng như khi ta vừa sợ hãi vừa mong đợi được khoan cái răng sâu. Khi tôi ra khỏi thang máy và đi nửa dặm qua bốn mươi lô làm việc để tới chỗ của mình, tôi thấy những cái đầu ngẩng lên, dáng như chó sói, để liếc nhìn tôi. Tôi đã nổi tiếng, chuyện lộ ra rồi. Chắc chắn e-mail đang bay tá lả.
Mắt tôi ngầu đỏ, tóc rối tung, trông tôi giống như điểm dịch vụ công cộng biết đi HÃY NÓI KHÔNG.
Màn hình LCD nhỏ của chiếc điện thoại IP hiện dòng chữ, “Bạn có mười một tin nhắn thoại.” Tôi bật loa và lướt qua chúng. Chỉ cần nghe những tin nhắn, điên rồ có, chân thành có, nịnh bợ có, cũng làm tôi tăng nhãn áp. Tôi lôi lọ Advil từ đáy ngăn kéo dưới cùng ra và nuốt khan hai viên. Thế là đã sáu viên Advil sáng nay, vượt quá mức tối đa được phép. Vậy chuyện gì có thể xảy ra với tôi? Chết vì quá liều thuốc chống viêm không steroid ngay trước khi bị đuổi việc?
Tôi là quản lý sơ cấp của dòng sản phẩm thiết bị định tuyến trong Bộ phận Kinh doanh. Bạn không muốn nghe giải nghĩa đâu, nó buồn tẻ đến mức tê liệt cả đầu óc. Suốt ngày tôi phải nghe những cụm từ như “dịch vụ mô phỏng mạch băng thông rộng”, “thiết bị truy cập tích hợp”, “mạng xương sống ATM”, “giao thức đường hầm bảo mật IP”, và tôi thề tôi chẳng biết một nửa trong số chúng nghĩa là gì.
Tin nhắn từ một gã thuộc bộ phận Bán hàng tên Griffin, thường gọi tôi là “ông lớn”, khoe khoang mình đã bán được mấy chục thiết bị định tuyến do tôi quản lý bằng cách cam đoan với khách hàng rằng họ sẽ có thêm tính năng đặc biệt - giao thức phát đa phương cho truyền hình trực tiếp - mà hắn biết quá rõ rằng còn khuya mới có. Nhưng nếu tính năng đó được thêm vào sản phẩm trước hạn giao hàng, có thể trong hai tuần tới chăng, thì tốt quá. Phải rồi, cứ mơ đi.
Sau đó năm phút là cuộc gọi tiếp theo từ sếp của Griffin để “kiểm tra tiến độ về giao thức phát đa phương chúng tôi nghe nói các anh đang thực hiện”, cứ như thể tôi là người làm mấy việc kỹ thuật ấy vậy.
Và một giọng gãy gọn, đầy quyền lực của người có tên là Arnold Meacham, cho biết mình là Giám đốc An ninh Tập đoàn và mời tôi “ghé qua” văn phòng ngay khi tôi đến.
Ngoài chức vụ ra thì tôi không biết tí gì về thằng cha Arnold Meacham này. Tôi chưa bao giờ nghe tên hắn. Tôi thậm chí còn không biết phòng An ninh Tập đoàn nằm ở đâu.
Thật buồn cười: khi tôi nghe tin nhắn, tim tôi không đập nhanh như bạn chắc phải nghĩ đâu. Thực ra nó còn chậm lại ấy chứ, cứ như là cơ thể tôi biết đã đến lúc rồi. Thật sự là có thứ gì đó rất Thiền đang diễn ra, sự bình thản nội tại vì nhận ra rằng dù sao cũng chẳng làm gì được. Tôi gần như còn tận hưởng giây phút ấy.
Trong vài phút, tôi trân trối nhìn ván tường lô của mình, vải Avora sần màu than giống như lớp phủ sàn trong căn hộ của bố tôi. Tôi để mặt ván tường trống, không có dấu hiệu nào của con người - không ảnh vợ và con cái (dễ thôi, vì tôi chưa có), không truyện tranh trào phúng công sở Dilbert, không thứ gì khéo léo hay lộ liễu thể hiện rằng tôi miễn cưỡng làm ở đây, vì với tôi nói miễn cưỡng vẫn còn là nhẹ. Tôi có một giá sách đựng cuốn hướng dẫn tra cứu về giao thức định tuyến và bốn cặp bìa đen dày cộp đựng “thư viện tính năng” cho thiết bị định tuyến MG-50K. Tôi sẽ không luyến tiếc lô làm việc này đâu.
Hơn nữa, đâu phải tôi sắp bị bắn; tôi cho rằng tôi đã bị bắn rồi. Giờ chỉ còn lại việc vứt xác và lau sạch máu. Tôi nhớ hồi ở trường cao đẳng đã có lần tôi đọc về máy chém trong lịch sử Pháp và cách mà một tên đao phủ, cũng là bác sĩ nội khoa, thử làm một thí nghiệm khủng khiếp (tôi nghĩ là bạn sẽ sốc đấy). Vài giây sau khi đầu bị chặt đứt, hắn quan sát mắt và môi co giật cho tới khi mi mắt khép lại và mọi thứ ngừng hẳn. Rồi hắn gọi to tên người chết, và đôi mắt trên cái đầu đã đứt lìa bật mở trân trối nhìn người hành quyết. Vài giây sau, mắt lại nhắm lại, rồi ông bác sĩ gọi tên lần nữa, và đôi mắt lại mở trừng trừng. Dễ thương chưa. Vậy là ba mươi giây sau khi lìa khỏi cổ, đầu vẫn có phản ứng. Tôi cũng cảm thấy như vậy. Lưỡi dao chém xuống rồi, và họ đang gọi tên tôi.
Tôi nhấc điện thoại gọi tới văn phòng của Arnold Meacham, bảo trợ lý của hắn rằng tôi đang đến, và hỏi đường tới đó.
Cổ họng khô khốc nên tôi dừng ở phòng giải lao để lấy một cốc soda trước-thì-miễn-phí-giờ-thì-nửa-đô. Phòng giải lao ở tít phía sau, giữa tầng, gần khu thang máy, và khi tôi bước vào, trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê kỳ quặc, một vài đôi cùng là đồng nghiệp nhìn thấy tôi và vội quay đi bối rối.
Tôi nhìn các chai soda lấm tấm nước và quyết định không chọn Diet Pepsi như mọi khi - tôi thực sự không cần thêm cafein lúc này - mà lôi ra một chai Sprite. Tôi không bỏ tiền vào bình để thể hiện thái độ chống đối. Chà, cho chúng nó biết tay. Tôi mở nắp và hướng về thang máy.
Tôi ghét công việc của mình, thực sự ghê tởm nó, và vì vậy ý nghĩ sắp mất việc không hẳn làm tôi suy sụp lắm. Mặt khác, cũng không hẳn là tôi có quỹ ủy thác và chắc chắn là tôi vẫn cần tiền chứ. Điểm cốt yếu là đó, không phải sao? Tôi chuyển về đây chủ yếu là để giúp trả chi phí y tế cho bố tôi - bố tôi, người coi tôi là đồ bỏ đi. Ở Manhattan làm nghề pha chế rượu, thu nhập của tôi chỉ bằng một nửa nhưng sống tốt hơn. Chúng ta đang nói tới Manhattan đấy! Còn ở đây tôi sống trong căn hộ nhỏ, tồi tàn như cái ổ chuột trên phố Pearl luôn sặc mùi tắc nghẽn giao thông, với những ô cửa sổ rung lách cách khi xe tải rầm rầm chạy qua vào năm giờ sáng. Phải công nhận là tôi có thể đi bù khú với bạn bè vài đêm một tuần, nhưng thường thì thế nào tôi cũng phải tiêu kịch trần hạn mức tín dụng trong tài khoản chi phiếu khoảng một tuần trước khi tờ chi phiếu trả lương thần kỳ hiện ra vào ngày mười lăm hàng tháng.
Nói như thế không có nghĩa là tôi làm việc cật lực. Chỉ làng nhàng thôi. Tôi làm đủ số giờ cần thiết tối thiểu, đi muộn và về sớm, nhưng tôi làm được việc. Các con số thể hiện thành tích của tôi không tốt lắm - tôi là “người đóng góp nòng cốt”, nhóm hai, chỉ một bậc trên “người đóng góp thấp nhất” khi mà bạn nên bắt đầu gói ghém đồ đạc là vừa.
Tôi vào thang máy, nhìn xuống những thứ mình đang mặc - quần jean đen và áo polo xám, giày đế mềm - và ước gì mình đeo cà vạt.
3
Khi làm cho một tập đoàn lớn, bạn sẽ không bao giờ biết được mình nên tin điều gì. Luôn luôn là kiểu nói chuyện cứng rắn hùng hổ phát sợ. Lúc nào họ cũng bảo bạn phải “dập tắt sự cạnh tranh”, “làm cú xuyên tim”, Họ bảo bạn rằng: “giết hoặc bị giết”, “nuốt hay là bị nuốt”, rằng phải “nhai gọn đối thủ”, “tự săn tự tiêu” rồi là “ngốn ngấu sức trẻ đi”.
Bạn là một kĩ sư phần mềm, là người quản lý sản phẩm hay phụ tá kinh doanh, nhưng rồi một thời gian sau, bạn bắt đầu nghĩ rằng không biết làm thế nào mà mình đã bị kẹt giữa một trong những bộ tộc thổ dân ở Papua New Guinea, những kẻ xuyên nanh lợn lòi qua mũi và đeo quả bầu trên chim. Và thực tế là nếu bạn gửi thư điện tử cho thằng bạn ở bộ phận Công nghệ Thông tin để kể một câu chuyện cười thô tục, châm biếm về chính trị, rồi cậu ta lại gửi cho vài gã khác cách mình vài lô, bạn có thể sẽ bị nhốt cả tuần trong phòng họp của bộ phận Nhân sự, đẫm mồ hôi và mệt nhoài nghe đào tạo về sự đa dạng. Chôm một cái kẹp giấy là bạn sẽ bị cái thước đời nham nhở đánh cho ngay.
Dĩ nhiên vấn đề là tôi đã gây ra một chuyện nghiêm trọng hơn một chút so với chuyện đi cướp tủ đồ văn phòng phẩm.
Họ bắt tôi đợi ở phòng ngoài nửa tiếng trời, rồi bốn nhăm phút, nhưng cảm giác còn lâu hơn thế. Không có gì để đọc - chỉ có cuốn Quản lý an ninh, đại loại thế. Nhân viên lễ tân để kiểu đầu bát úp với tóc màu vàng tro, những xoáy vàng vọt của người hút thuốc dưới mắt. Cô ta trả lời điện thoại, gõ bàn phím và cứ thỉnh thoảng lại ngầm liếc nhìn tôi, giống như kiểu bạn vừa cố liếc nhìn vụ tai nạn xe hơi rùng rợn, vừa cố nhìn đường.
Tôi ngồi đó lâu tới nỗi sự tự tin trong mình bắt đầu dao động. Chắc vấn đề nằm ở đó. Tờ chi phiếu lương hàng tháng bắt đầu tỏ ra là ý tưởng sáng suốt. Có lẽ thách thức cũng không phải là hay. Có khi tôi phải thật quy lụy thôi. Mà có lẽ đã quá cả mức đó rồi.
Arnold Meacham không đứng dậy khi cô tiếp tân dẫn tôi vào. Hắn ngồi sau cái bàn lớn màu đen trông như đá granit bóng loáng. Người này khoảng bốn mươi tuổi, gầy, người to ngang, dáng như hình nhân đất sét Gumby với cái đầu vuông vắn, mũi cao mảnh, môi mỏng dính. Tóc nâu bắt đầu ngả bạc. Hắn mặc áo cộc tay xanh dương hai lớp và đeo cà vạt sọc xanh như trưởng câu lạc bộ du thuyền. Hắn trừng mắt nhìn tôi qua cặp kính gọng sắt quá khổ kiểu phi công. Dễ thấy tay này hoàn toàn không có máu đùa. Ngồi trên ghế bên phải bàn là một phụ nữ hơn tôi vài tuổi, chắc đang ghi chép. Văn phòng lớn và rộng, có nhiều chứng chỉ đóng khung treo trên tường. Ở phía cuối, một cánh cửa mở hé dẫn tới phòng họp tối tăm.
“Vậy anh là Adam Cassidy.” Cách hắn nói toát lên vẻ chính xác và khó tính. “Tiệc tàn rồi hả, anh bạn?” Rồi hắn nhếch mép cười.
Ôi Chúa ơi. Thế này không ổn rồi. “Vâng, sếp gọi tôi có việc gì ạ?” tôi hỏi, cố tỏ ra lúng túng và lo lắng.
“Có chuyện gì à? Sao ta không bắt đầu bằng việc nói thật nhỉ? Đó là điều anh làm được cho tôi.” Giọng hắn có chút dấu vết tiếng miền Nam.
Thường thì ai cũng ưa thích tôi. Tôi rất giỏi trong việc gây thiện cảm - ông thầy toán đang tức tối, khách hàng của công ty với đơn đặt hàng bị chậm sáu tuần, và còn nhiều nữa. Nhưng tôi thấy ngay đây không phải là lúc làm như Dale Carnegie[1]. Cơ may cứu vãn được công việc ghê tởm này mỗi lúc một nhỏ dần đi.
“Chắc chắn rồi.” tôi nói. “Sự thật về cái gì?”
Hắn khịt mũi thích thú. “Về sự kiện vừa tổ chức tối qua thì thế nào nhỉ?”
Tôi dừng lại ngẫm nghĩ rồi nói: “Sếp đang nói về bữa tiệc nghỉ hưu nho nhỏ đó à?” Tôi không biết họ biết được bao nhiêu, vì tôi đã che đậy dấu vết tiền khá cẩn thận. Tôi phải cẩn trọng với những gì mình nói. Người phụ nữ cầm quyển sổ, người mảnh khảnh, mái tóc quăn màu đỏ và mắt to màu xanh lá cây, có lẽ ở đây làm nhân chứng. “Chuyện đó sẽ khích lệ tinh thần anh em rất nhiều,” tôi nói thêm. “Sếp cứ tin tôi, nó sẽ có tác dụng kỳ diệu với năng suất của các phòng ban.”
Đôi môi mỏng dính cong lên. “ ‘Khích lệ tinh thần’ à. Dấu tay anh nhan nhản trên ngân quỹ cho vụ ‘khích lệ tinh thần’ đó.”
“Ngân quỹ?”
“Ồ, thôi làm trò đi, Cassidy.”
“E là tôi chưa hiểu ý sếp.”
“Anh nghĩ tôi ngu à?” Giữa chúng tôi là cái bàn giả granit sừng sững rộng gần hai mét, vậy mà tôi vẫn cảm thấy nước bọt hắn bắn ra.
“Tôi cho là... không, thưa sếp.” Ánh cười xuất hiện trên khóe miệng tôi. Tôi không ngừng được: Tự hào vì mình cao tay quá mà. Sai lầm lớn rồi.
Khuôn mặt nhợt nhạt của Meacham đỏ ửng lên. “Anh nghĩ buồn cười lắm hả, hack cơ sở dữ liệu thuộc sở hữu của công ty để lấy số liệu chi tiêu mật? Anh nghĩ thế là tiêu khiển, là khôn ngoan hả? Như thế không đáng gì phải không?”
“Không, thưa sếp...”
“Cục cứt dối trá, thằng khốn nạn, chuyện đó chẳng khác gì ăn cắp ví bà già trên xe điện ngầm.”
Tôi cố tỏ ra đang kiềm chế, nhưng tôi có thể thấy cuộc nói chuyện này sẽ dẫn tới đâu và có vẻ làm vậy cũng vô vọng.
“Anh trộm bảy mươi tám nghìn đô la từ quỹ Sự Kiện của Tập đoàn để làm bữa tiệc mắc dịch cho bọn bạn ở khu xếp dỡ?”
Tôi nuốt nước bọt một cách khó nhọc. Mẹ nó. Bảy mươi tám nghìn đô la? Tôi biết vụ đó khá hoành tráng, nhưng không hiểu nổi nó hoành tráng tới mức nào.
“Người này cũng cùng một giuộc với anh?”
“Sếp nói ai? Tôi nghĩ có lẽ sếp nhầm lẫn...”
“ ‘Jonesie’? Lão già đó, tên trên cái bánh?”
“Jonesie không dính dáng gì tới chuyện này,” tôi phản pháo.
Meacham dựa ra sau, trông đắc thắng vì cuối cùng cũng đã nắm được thóp tôi.
“Nếu sếp muốn đuổi việc tôi thì cứ việc, nhưng Jonesie hoàn toàn vô tội.”
“Đuổi việc cậu?” Meacham trông như thể tôi vừa nói bằng tiếng Serbia-Croatia vậy. “Cậu nghĩ tôi đang nhắc tới chuyện đuổi việc cậu à? Cậu khôn lắm mà, cậu giỏi vi tính và toán như thế, hẳn cậu phải biết làm tính cộng chứ? Vậy chắc cậu sẽ cộng được mấy con số này. Biển thủ két là năm năm tù và hai trăm năm mươi nghìn đô la tiền phạt. Lừa đảo qua điện tín và thư là thêm năm năm tù nữa, nhưng khoan đã - nếu vụ lừa gạt ảnh hưởng tới một tổ chức tài chính - và may mắn quá, cậu đã lừa được cả ngân hàng của chúng tôi và ngân hàng bên nhận, đúng ngày may mắn nhỉ, thằng khốn - như thế cộng lại là ba mươi năm tù và một triệu đô la tiền phạt. Cậu vẫn hiểu được đấy chứ? Thế nào rồi nhỉ, ba mươi lăm năm tù? Và chúng ta còn chưa nhắc tới tội giả mạo và tội về vi tính, thu thập thông tin trong máy tính bảo mật để lấy cắp dữ liệu, mấy thứ đó sẽ cho cậu thêm từ một đến hai mươi năm trong tù và thêm tiền phạt nữa. Vậy giờ chúng ta có gì rồi nhỉ, bốn mươi, năm mươi, năm mươi lăm năm trong tù? Giờ cậu mới hai mươi sáu tuổi, để xem nào, cậu sẽ tám mươi mốt tuổi khi được thả.”
Tôi bắt đầu toát mồ hôi hột dưới áo polo, thấy lạnh run và ướt sũng. Chân tôi run lẩy bẩy. “Nhưng,” tôi cất tiếng khàn khàn, rồi hắng giọng. “Bảy mươi tám nghìn đô la chỉ là con số làm tròn đối với một tập đoàn ba mươi tỷ đô la.”
“Tôi nghĩ cậu nên câm cái miệng khốn của mình lại đi,” Meacham nhỏ nhẹ. “Chúng tôi đã bàn với các luật sư, họ tự tin rằng họ sẽ quy được tội biển thủ trước tòa. Hơn nữa, cậu rõ ràng đã ở thế có thể lấn tới, và chúng tôi tin đó chỉ là một phần trong âm mưu lừa đảo hãng Viễn thông Wyatt, một phần của chuỗi thụt két và biển thủ. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng.” Lần đầu tiên hắn quay sang người phụ nữ đang lặng lẽ ghi chép. “Ngừng ghi đi.” Hắn quay lại tôi. “Chưởng lý Hoa Kỳ từng là bạn cùng phòng hồi đại học với cố vấn pháp luật của bọn tao, Cassidy, và tao cam đoan rằng ông ấy muốn kết án mày mức nặng nhất có thể đấy. Hơn nữa, mày có thể không để ý nhưng văn phòng biện lý quận đang tổ chức chiến dịch chống tội phạm cổ cồn trắng và họ đang tìm ai đó để làm gương. Họ muốn một vụ điển hình, Cassidy ạ.”
Tôi trân trối nhìn hắn. Đầu lại đau nhức. Tôi cảm thấy dòng mồ hôi bên trong áo chảy từ nách xuống tới thắt lưng.
“Cả bang này, cả chính quyền liên bang đều đứng về phía bọn tao. Bọn tao đã tóm được mày, đơn giản thế thôi. Vấn đề bây giờ chỉ là bọn tao sẽ dần mày đến mức nào, hủy hoại mày đến đâu. Và cũng đừng mường tượng rằng mình sẽ tới câu lạc bộ tư hạng sang nào đó. Thằng trai ngon lành như mày, mày sẽ bị đè ra giường đâu đó trong nhà tù liên bang Marion. Lúc ra mày sẽ là một lão già chẳng còn răng. Và phòng trường hợp mày không cập nhật thông tin về hệ thống luật hình sự của chúng ta, tao nói thêm là đến mức liên bang thì không còn chuyện ân xá nữa. Đời mày thay đổi từ đây. Mày tiêu rồi, nhóc.” Hắn nhìn người phụ nữ cầm quyển sổ. “Giờ chúng ta tiếp tục ghi biên bản. Chúng ta hãy nghe xem cậu có gì để nói, và tốt nhất là nói hay vào.”
Tôi nuốt khan, miệng khô khốc. Mắt tôi hoa lên nhìn thấy toàn chớp trắng. Lão ta hoàn toàn nghiêm túc.
Hồi ở trường trung học và đại học, tôi bị chặn lại khá nhiều lần vì phóng quá tốc độ. Và tôi khét tiếng là bậc thầy trong việc thoát vé phạt. Bí quyết là phải khiến bọn cớm cảm nhận được sự đau khổ của mình. Đó là cuộc chiến tâm lý. Chính vì vậy mà chúng đeo kính râm phản chiếu để bạn không nhìn được vào mắt chúng khi bạn van nài. Cớm thì cũng là con người thôi. Tôi thường giữ một vài cuốn giáo trình thi hành pháp luật ở ghế trước và bảo họ tôi đang học để trở thành sĩ quan cảnh sát và tôi rất hy vọng vé phạt này sẽ không làm ảnh hưởng tới cơ hội của mình. Hoặc tôi giơ lên cho họ xem đơn thuốc và bảo tôi đang gấp vì tôi phải mua thuốc động kinh cho mẹ càng sớm càng tốt. Về cơ bản thì tôi đã học được rằng nếu bạn định bắt đầu câu chuyện, bạn phải đi đến cùng; bạn phải toàn tâm toàn ý với nó.
Giờ chuyện đã vượt quá xa khỏi mục tiêu chỉ là cứu vãn việc làm. Tôi không thể xua đi hình ảnh về cái giường đó ở nhà tù liên bang Marion. Tôi sợ vãi tè.
Vậy là tuy không tự hào lắm về việc mình phải làm, nhưng bạn thấy đấy, tôi không còn cách nào khác. Hoặc tôi rút ruột rút gan thêu dệt câu chuyện hay nhất cho thằng cha an ninh ghê rợn này, hoặc tôi sẽ biến thành con chó cái của gã nào đó trong tù.
Tôi hít một hơi thật sâu. “Nghe này,” tôi nói. “Tôi sẽ trao đổi thẳng thắn với sếp.”
“Cũng đến lúc rồi đó.”
“Chuyện là như thế này. Jonesie - vâng, Jonesie bị ung thư.”
Meacham cười tự mãn và ngả người vào ghế như thể đang nói: Mua vui cho tao đi.
Tôi thở dài, nhai nhai bên trong má như thể tôi đang tiết lộ điều gì đó tôi thực sự không muốn. “Ung thư tuyến tụy. Không thể phẫu thuật được.”
Meacham chăm chăm nhìn tôi, mặt lạnh như tiền.
“Ông ấy được chẩn đoán ba tuần trước. Tôi muốn nói là không làm được gì nữa - ông ấy đang chết dần. Và như sếp biết, Jonesie - à vâng, sếp không biết ông ấy, nhưng ông luôn tỏ ra can đảm. Ông bảo bác sĩ chuyên khoa ung thư, ‘Thế là tôi ngừng chăn gối được rồi à?’ Tôi cười buồn bã. “Jonesie là như thế đấy.”
Người phụ nữ ghi chép ngừng một lúc, trông có vẻ thực sự bị tác động, rồi cô ta lại tiếp tục ghi chép.
Meacham liếm môi. Tôi lay động được lão rồi chứ? Tôi không thể biết chắc, Tôi phải khuếch đại lên, thực sự dốc sức vào đó,
“Sếp chẳng có lý gì để phải biết những chuyện này,” tôi nói tiếp. “Ý tôi là Jonesie cũng không hẳn quan trọng lắm ở đây. Ông ấy không phải là Phó Chủ tịch hay gì cả, chỉ là một ông công nhân bốc dỡ thôi. Nhưng ông ấy quan trọng với tôi, vì…” Tôi nhắm mắt lại vài giây, hít thật sâu. “Quả thực tôi không bao giờ muốn nói cho ai biết điều này, nó như một bí mật giữa tôi và ông, nhưng, Jonesie là bố tôi.”
Ghế của Meacham chầm chậm rướn về phía trước. Giờ thì hắn chú ý rồi.
“Họ thì đúng là khác thật - mẹ tôi đổi tên tôi theo họ của bà khi bà bỏ ông ấy vào khoảng hai mươi năm trước và đưa tôi đi theo. Hồi ấy tôi chỉ là thằng nhóc, tôi cũng không biết gì hơn. Nhưng bố tôi, ông ấy...” Tôi cắn môi dưới. Giờ thì mắt tôi ngấn nước. “Ông vẫn giúp đỡ tôi và mẹ, làm một lúc hai, có khi ba việc. Không bao giờ đòi hỏi điều gì. Mẹ không hề muốn ông gặp tôi, nhưng vào Giáng sinh...” Một hơi thở sâu, gần như là tiếng nấc. “Giáng sinh nào bố cũng ghé qua nhà, đôi khi ông phải bấm chuông cả tiếng đồng hồ ngoài cửa trong tiết trời rét buốt rồi mẹ tôi mới cho ông vào. Luôn luôn có quà cho tôi, thứ gì đó lớn và đắt tiền mà ông ấy khó khăn lắm mới mua được. Sau này, khi mẹ tôi bảo tiền lương của y tá không đủ cho tôi đi học đại học, bố bắt đầu gửi tiền tới. Ông... ông nói ông muốn tôi được sống cuộc đời mà ông không có cơ hội. Mẹ chưa bao giờ dành cho ông chút tôn trọng nào, và bà cũng tiêm nhiễm để tôi căm ghét ông ấy, sếp hiểu chứ? Vậy nên tôi thậm chí chưa từng cảm ơn ông. Tôi thậm chí còn không mời ông tới dự lễ tốt nghiệp, vì tôi biết mẹ sẽ không vui nếu có ông ở đó, vậy mà ông vẫn tới. Tôi thấy ông quanh quẩn ở đó, mặc bộ com lê cũ xấu xí - tôi chưa bao giờ thấy ông mặc com lê hay đeo cà vạt cả, có lẽ ông đã xin được nó ở tổ chức từ thiện Đội quân Cứu tế, vì ông thực sự mong được thấy tôi tốt nghiệp đại học và ông không muốn làm xấu mặt tôi.”
Mắt Meacham thật sự bắt đầu ngân ngấn. Người phụ nữ đã ngừng ghi chép và chỉ nhìn tôi, cố chớp mắt để không rơi lệ.
Tôi được đà lấn tới. Meacham xứng đáng để tôi trổ mọi tài nghệ, và hắn đang nuốt lấy từng lời. “Khi tôi bắt đầu làm việc ở hãng Wyatt này, tôi không ngờ rằng mình lại thấy bố làm việc ở cái khu bốc dỡ chết tiệt đó. Việc đó như thể một tai nạn quá lớn. Mẹ tôi mất vài năm trước, và giờ tôi ở đây, nối lại quan hệ với bố, con người ngọt ngào và tuyệt vời chưa bao giờ yêu cầu tôi điều gì, không bao giờ đòi hỏi gì, lao lực làm việc đến kiệt quệ, giúp đỡ đứa con vô ơn trời đánh mà ông chẳng mấy khi được gặp. Cứ như thể là số phận vậy, sếp thấy không? Và rồi khi ông nhận được tin đó, rằng ông bị ung thư tuyến tụy không thể phẫu thuật, rồi ông bắt đầu bảo muốn tự tử trước khi bị bệnh ung thư hạ gục, ý tôi là...”
Người phụ nữ ghi chép với tay lấy khăn giấy Kleenex và hỉ mũi. Giờ cô ta quắc mắc nhìn Arnold Meacham. Hắn ta rụt người lại.
Tôi thì thầm. “Tôi phải cho ông ấy biết ông có ý nghĩa như thế nào với tôi - với tất cả mọi người. Tôi nghĩ đó có lẽ là kiểu quỹ Biến-ước-mơ-thành-hiện-thực của riêng mình. Tôi nói với ông - tôi nói với ông là mình đã thắng cú ăn ba ở trường đua, tôi không muốn ông biết chuyện rồi lo lắng hay gì cả. Sếp hãy tin tôi, tôi biết chuyện mình làm là sai trái, hoàn toàn sai trái. Tôi sai cả trăm ngàn lần. Tôi không nói nhảm với sếp đâu. Nhưng có lẽ theo một phạm vi nhỏ bé nào đó, nó cũng có phần đúng.” Người phụ nữ lại với lấy cái khăn giấy khác và nhìn Meacham như thể hắn là đồ cặn bã nhất quả đất. Meacham cúi gằm xuống, đỏ mặt và không dám nhìn vào mắt tôi. Tôi đang làm chính mình cũng phải ớn lạnh.
Rồi tôi nghe thấy tiếng cửa mở và tiếng gì đó như vỗ tay từ khoảng tối cuối văn phòng. Tiếng vỗ tay chậm và vang.
Đó là Nicholas Wyatt, người sáng lập và là Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn Viễn thông Wyatt. Ông ta vừa vỗ tay vừa bước đến, cười to. “Cuộc trình diễn tuyệt vời,” ông ta nói. “Cực kỳ tuyệt vời.”
Tôi nhìn lên, giật mình rồi buồn bã lắc đầu. Wyatt có dáng cao lớn, khoảng hai mét, có vóc người đô vật. Càng tới gần ông ta trông càng to lớn, và tới khi chỉ còn đứng cách tôi chừng một thước, Wyatt trông to lớn như Trời vậy. Wyatt vẫn có tiếng là sành ăn mặc và cũng đúng, ông ta đang mặc com lê xám trông như của hãng Armani với sọc thẳng mờ. Ông ta không chỉ nắm quyền lực, ông ta toát ra quyền lực.
“Anh Cassidy, tôi hỏi anh một câu nhé.”
Tôi không biết phải làm gì, vì vậy tôi đứng lên chìa tay ta cho ông ta.
Wyatt không bắt tay tôi. “Jonesie tên thánh là gì?”
Tôi do dự một nhịp quá dài. “Al,” cuối cùng tôi cũng trả lời.
“Al? Trong cái tên nào?”
“Al - Alan,” tôi nói. “Albert. Chó thật.”
Meacham trân trối nhìn tôi.
“Tiểu tiết, Cassidy,” Wyatt nói. “Bao giờ chúng cũng sẽ lật tẩy anh. Nhưng tôi cũng phải nói là anh đã làm tôi cảm động - đúng là như vậy đây. Đoạn về bộ đồ của Đội quân Cứu tế đúng là đã tác động tới chỗ này.” Ông ta gõ nắm tay lên ngực mình. “Phi thường đó.”
Tôi cười gượng, thực sự cảm thấy như một thứ công cụ. “Ông đây bảo tôi phải nói cho hay mà.”
Wyatt cười. “Anh đúng là một thanh niên vô cùng tài năng, Cassidy. Một nàng Seherazat chết dẫm. Và tôi nghĩ ta có chuyện phải bàn.”
Chú thích
[1] Nhà thuyết trình Mỹ, tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm.

Chương sau