Phái Viên Mật - Chương 04

Phái Viên Mật - Chương 04

Phái Viên Mật
Chương 04

Ngày đăng
Tổng cộng 17 hồi
Đánh giá 9.5/10 với 14783 lượt xem

Những chiếc xe điện đầu tiên chạy về hướng Kingsway. Đoàn xe tải từ ngoại ô tiến vào các chợ nội thành trên công trường Bloemsbury đầy những thân cây trụi lá. Một con mèo thong thả trở về sau khi đã thám thính dãy mái nhà hàng xóm. D thấy thành phố chẳng được phòng thủ tí nào mà vẫn nguyên vẹn một cách lạ lùng. Thiên hạ chẳng có ai xếp hàng, chẳng có dấu vết chiến tranh nào... ngoài anh.
Anh tha căn bệnh trên người, dạo qua dãy hàng quán hãy còn đóng cửa: một quầy thuốc lá, một sạp báo. Anh cho tay vào túi: cái ví đã biến mất. Cũng chẳng sao. Trong ấy chỉ có ít tiền, một quyển sổ con chép những bài thơ anh thích, một bức thư do một tạp chí Pháp gởi cho anh sau những bài viết về "Khúc tráng ca Roland..." Bọn kia tha hồ mà suy đoán để tìm mật mã. Chả có gì cả. Cái sự hoài nghi cũng như lòng tin tưởng của con người quả là vô tận.
Anh đã tới nơi chỉ định, 35, Bloemsbury. Anh hơi ngạc nhiên thấy đây la một khách sạn, một khách sạn loại rẻ tiền. Cửa mở toang, dấu hiệu rõ nét của loại khách sạn này ở khắp các thành phố Âu Châu. Anh đưa mắt nhìn phong cảnh chung quanh. Anh mang máng nhớ ra khu này... Phố sá vẫn giữ lại cái hào quang đa cảm thời anh còn là sinh viên ở British Museum, thời kỳ của sự uyên bác, của thanh bình và lời lẽ hào hoa.
Anh bước vào, nhận chuông. Đâu đó đồng hồ điểm sáu giờ. Một gương mặt gầy ốm, xanh xao thò ra quan sát: Một cô bé độ mười bốn tuổi.
- Hình như ở đây có một phòng dành cho ông D, tức là tôi...
- À, có - Cô bé trả lời - Chúng tôi chờ ông suốt tối qua. Cô sửa lại cái nơ trên chiếc tạp dề, mắt còn ngái ngủ.
- Cô đưa chìa khoá cho tôi, tôi lên một mình.
Cô bé nhìn gương mặt của ông khách và cô hốt hoảng. D sẽ sàng nói:
- Đêm qua xe tôi bị tai nạn dọc đường.
- Buồng số 47. Tít trên lầu 4. Để cháu đưa ông lên.
- Khỏi phải mất công cô ạ.
- Ồ. Không mất công gì đâu. Khách hàng vãng lai ở đây ra vào suốt đêm. Cái đó mới mệt.
Cô có cái ngây thơ của một cô bé từ nhỏ suốt ngày đã phải gần gũi cái xấu.
Cho tới lầu hai, vẫn còn một tấm thảm. Phía bên trên, bậc gỗ lộ trần. Một cánh cửa bỗng mở và một ông khách Ấn độ mặc bộ đồ ngủ sặc sỡ nhìn ra bằng đôi mắt nặng nề buồn bã.
Cô bé đi trước D, bước chân mệt mỏi, đôi tất thủng gót, bàn chân thò ra ngoài chiếc giày rách. Nhiều tuổi hơn chút nữa, cô sẽ hoá thành người luộm thuộm, ở tuổi này trông chỉ thấy buồn.
- Có thư từ gì cho tôi không? Anh hỏi.
- Hôm qua một người tới đây. Ông ta có để thư lại. (Cô dùng chìa khoá mở cửa) thư để trên lavabô.
Buồng hẹp. Một cái giường sắt, một cái bàn trải vải nhựa, một ghế bành mây, một tấm khăn trải giường bằng vải xanh đã phai màu nhưng sạch, mỏng như tơ nhện.
- Ông có cần nước nóng không? Cô bé hỏi, giọng nghe buồn hiu.
- Không, không. Cô khỏi nhọc lòng.
- Ông dùng chi? Thường thường khách ở đây điểm tâm bằng trứng luộc hoặc cá thu hun khói.
- Sáng nay tôi không ăn gì. Chỉ thèm ngủ thôi.
- Ông có cần cháu đánh thức không?
- Không cần, leo lên mệt lắm, cô ạ. Tôi quen thức dậy một mình. Đừng lo ngại gì cho tôi cả.
Cô bé say sưa nói:
- Được phục vụ những người có học, thích thật. Ở đây toàn loại khách qua đường. Ông hiểu loại gì chứ? Hoặc là đám Ấn độ. Cô nhìn ông với một tình cảm vừa mới nảy sinh: Khép nép, sùng bái. Cô ở cái tuổi mà bị chinh phục ngay bằng lời nói.
- Ông không có va li sao?
- Không.
- Cũng may mà ông được người giới thiệu. Ở đây, người ta không cho khách đi tay không thuê buồng, nhất là đi một mình.
Hai chiếc phong bì dằn dưới cái ly súc miệng trên bàn vệ sinh. Chiếc thứ nhất đựng một tờ giấy viết thư có tiêu đề: Trung tâm ngôn ngữ Liên quốc gia Entrenationo.
"Giá biểu cho ba mươi ba học Entrenationo là sáu ghinê. Bài giảng thử dành cho ông ngày mai, 16, vào hồi tám giờ bốn mươi lăm. Chúng tôi tin chắc, sau bài này, ông sẽ tiếp tục nốt chương trình. Nếu giờ quy định không tiện đối với ông, xin báo cho biết bằng điện thoại, chúng tôi sẽ chọn cho ông giờ khác".
Bức thư kia do cô thư ký của Huân tước Benditch gởi tới, khẳng định giờ gặp gỡ vào buổi trưa ngày kia.
- Chốc nữa tôi phải đi ngay - Anh nói - Tôi chợp mắt một chút.
- Ông có cần túi chườm nước nóng không?
- Không cần. Tốt lắm rồi.
Cô bé ngần ngừ ngoài cửa:
- Có một cái đồng hồ ga đấy. Ông biết cách dùng không? Bỏ xu vào...
Luân đôn chả có gì thay đổi! Anh nhớ tiếng máy đếm kêu tích tắc và cái thói ham xu của nó. Một đêm dài thuở nào, anh đã vét hết túi và nàng vét xắc nhặt những đồng xu cuối cùng bỏ vào máy đếm, đêm lạnh làm sao! Anh chợt nhớ rằng bây giờ đây, kỷ niệm của hai năm đau đớn đang chờ ở ngoài đường để vồ lấy anh.
- Có, có, anh trả lời nhanh, tôi biết, cảm ơn cô.
Cô bé nuốt chửng những lời cảm ơn một cách say sưa: đây là một tôn ông. Cô sẽ sàng khép cánh cửa và anh cảm thấy một con én, dù sao, cũng có thể làm ra được mùa xuân.
Anh tụt giày, chẳng kịp rửa những vết máu trên mặt, nằm dài ra trên giường và ngủ ngay lập tức. Anh mơ thấy mình đang đi dọc một con sông đẹp, cạnh một cụ già điệu bộ rất quý tộc. Anh hỏi ý kiến ông cụ về bản trường ca Roland. Hai người tranh luận bằng giọng cung kính. Bên kia bờ sông là những dãy nhà cao tầng giống như khu Rockefeller ở New York. Một dàn nhạc chơi những bản náo động. Anh mở bừng mắt nhìn đồng hồ: vừa đúng tám giờ mười lăm.
Anh ngồi dậy, rồi đi rửa mặt đánh răng. Gãy mất mấy cái răng hàm. Dường như cuộc đời kiên quyết làm cho anh ngày càng bớt giống tấm ảnh trong tờ hộ chiếu. Nhưng may quá, mặt anh không đến nỗi tím bầm xây xước như anh tưởng.
Anh bước xuống nhà dưới. Có mùi cá nướng phảng phất. Cô bé bê đĩa trứng va vào anh.
- Ồ, xin lỗi ông! Cô nói.
Anh đưa tay giữ cô lại:
- Cô tên gì?
- Else.
- Nghe đây Else. Tôi đã khóa cửa phòng. Cô trông chừng, không cho ai vào phòng tôi nhé.
- Không ai vào đâu ạ.
- Cô giữ chiếc chìa khóa này, Else.
- Cháu sẽ trông chừng. Cháu sẽ không cho ai vào đâu.
Hai quả trứng lăn lóc trên cái đĩa. Cô bé hau háu nhìn anh đi khuất.
Trung tâm Entrenationo nằm trên lầu ba một ngôi nhà ở đường Oxford, anh bước vào một thang máy cũ kỹ. Lầu ba. Một dãy hành lang dài gió lùa hun hút. Một tấm biển nhỏ: Trung tâm Entrenationo. Phòng chỉ dẫn. Anh đẩy cửa. Một cái quầy tiếp tân hẹp. Một người đàn bà đứng tuổi, mặc áo săng đai màu xám đang ngồi đan len. Anh tự giới thiệu:
- Tôi tên là D. Tôi tới để học bài đầu tiên.
- Rất hân hạnh. Người đàn bà đặt cuộn len xuống bàn, nở một nụ cười xã giao. Mời ông vào trong này. Tiến sĩ Bellows thường nói chuyện với những học viên tới học buổi đầu.
Bà đứng dậy, tới mở một cánh cửa phía trong. D theo bà bước vào. Tiến sĩ Bellows ngồi đàng sau một cái bàn to. Ông đứng dậy đưa hai tay ra đón D và nói một câu gì như thể "Me trong joyass" (Rất vui mừng).
- Câu đầu tiên của Entrenationo bao giờ cũng là một lời chào hữu nghị, thưa ông.
- Rất hân hạnh. D trả lời bằng tiếng Anh.
- Ông sẽ học bài đầu tiên với giáo sư K, người nước ông. Ở đây chúng tôi thu xếp để cho các học viên học với người đồng hương, như vậy dễ gây được cảm tình và dễ học hơn... Ông sẽ thấy, giáo sư K rất giỏi và rất khéo...
- Tôi tin như vậy.
- Nhưng trước hết, chúng tôi muốn trình bày với học viên những điều cốt yếu. Ông ta vẫn cầm tay D, nhẹ nhàng đưa tới một một cái ghế bành da. Chúng tôi hy vọng rằng mỗi học viên mới sẽ được thu hút về đây bằng tình yêu...
- Tình yêu?
- Tình yêu nhân loại. Cái ý muốn trao đổi ý kiến với... tất cả mọi người. Toàn bộ những hận thù, những cuộc chiến tranh chúng ta đọc tin tức trên báo ngày nay... chỉ là vì loài người không hiểu nhau... Nếu chúng ta cùng nói chung một thứ tiếng...
- Tôi nghĩ đấy là một nhiệm vụ cao quý...
- Chúng tôi chưa làm được mấy... Đã ba mươi năm rồi, tôi sáng tác ra và hoàn thiện Entrenationo... - Tiến sĩ Bellows từ từ đứng dậy - Giáo sư K đang chờ ông...
D cũng đứng lên. Một cái đồng hồ đâu đó điểm chín tiếng.
- La, hora sonar. Giờ đã điểm. Tiến sĩ Bellows mỉm cười, cầm tay D - Tôi có thể hy vọng nói chuyện thêm với ông một lần nào đó không...?
- Tất nhiên, thưa ông.
Ở ngoài cửa, Tiến sĩ Bellows giữ D lại thêm một chút:
- Ở đây có lệ chỉ nói với nhau bằng Entrenationo, ông nên tập ngay từ đầu... Nói rồi ông nhã nhặn bước vào trong, khép cửa lại.
Người đàn bà mặc săng đai mỉm cười.
- Tiến sĩ Bellows, con người tuyệt vời, ông nhỉ!
- Ông ta có nhiều mơ ước lớn.
- Phải như vậy, ông thấy không, chứ còn đời bây giờ...
Bà đứng lên, đưa anh ra tới cầu thang máy.
- Phòng học trên lầu bốn. Ông lên đi. Giáo sư K đợi ông đấy.
Thang máy ken két chuyển động. Anh tự hỏi không biết K là người như thế nào. Chắc ông ta không thuộc về cái thế giới hủy hoại mình vừa sống đêm qua. Căn nhà này hẳn là của phe ta.
Có thể K đeo kính gọng thép, ăn mặc xềnh xoàng như bất cứ một giáo sư sinh ngữ nào ở các trung tâm thương mại. Ông ta nhìn D chào:
- Bona matina. Buổi sáng tốt lành.
- Bona matina.
K đưa anh sang một căn phòng rộng, ngăn ra làm 4 ô. Anh ngờ ngợ, sợ có một sự lầm lẫn nào đó, sợ mất thì giờ, nhưng họ biết tên, biết địa chỉ của anh cơ mà! Hay lại là L? Không lẽ. Anh không ghi gì trên giấy tờ trong chiếc ví cả.
K mở máy sưởi. Tiếng xe cộ dưới đường vọng lên khe khẽ. Trên tường treo một bức tranh trẻ con, ông bố tay cầm một khẩu súng săn, bà mẹ, một cây dù. Một bé trai chơi vòng. Đàng sau là rừng, núi, một con sông. Bên vách đối diện, một cái đồng hồ có hai kim.
K gõ ngón tay xuống bàn nói: "Tablo" rồi ngồi từ từ xuống ghế và nói: "Essehgo" D nói theo và ngồi xuống. K chỉ lên mặt đồng hồ: "El Time es... nuevo" D hiểu là chín giờ. K móc trong túi ra một chồng hộp nhỏ, nói: "Ăttentio" chú ý.
- Xin lỗi ông, dường như có một sự nhầm lẫn nào chăng?
K thản nhiên chồng những chiếc hộp lên và đếm:
- Una, da, trea, kwara, vif...
- Có người đã thu xếp việc này chăng, D hỏi.
- Đúng. Tôi có nhận được chỉ thị. D nói khẽ bằng tiếng Anh.
- Que son la? K trỏ chồng hộp và tự trả lời: La son castes. Ông ta lại hạ giọng: Đêm qua ông làm gì?
- Tôi tìm cách tới Luân đôn.
- Tàu biển chậm có hai giờ mà sao ông không tới kịp đêm qua.
- Tôi nhỡ tàu hỏa, phải đi nhờ xe một người đàn bà, xe nổ lốp. Tôi phải vào ăn tối trong một cái quán bên đường. L ở đó.
- Hắn có nói gì với ông không?
- Hắn viết mấy chữ, đề nghị tôi nhận hai ngàn lirve.
Mắt K sáng lên, không biết vì ngạc nhiên hay vì thèm muốn.
- Rồi ông làm gì?
- Không làm gì cả, tất nhiên.
K gỡ kính ra lau.
- Người đàn bà có biết L không?
- Tôi nghĩ là có biết.
- Sau đó, còn chuyện gì nữa?
Bỗng nhiên , K trỏ bức tranh nói:
- La es un famil. Un famil gentil bono ( Một gia đình tốT và tử tế)
Cửa mở. Tiến sĩ Bellows thò đầu vào.
- Excellente, excellente.( tốt, tốt). Ông mỉm cười khép cửa lại.
- Tiếp tục, K nói.
D thuật lại câu chuyện, K hỏi:
- Tên đại úy Currie cũng là người của chúng sao?
- Tôi không nghĩ thế.
- Chuyện của ông thật lạ lùng.
D tự cho phép mình tự mỉm cười.
- Tôi thấy chuyện đó là tự nhiên. Ông nhìn mặt tôi đây. Lúc ra đi đâu đến nỗI thế này.
- Đề nghị tặng ông món tiền ấy ... Hắn có nói để làm gì không?
- Không.
D chợt nhận ra có lẽ người này không biết rõ lắm về công việc của anh ở Luân đôn. Anh không ngạc nhiên về chuyện người ta cữ anh làm nhiệm vụ rồi lại cắt người theo dõi. Trong cuộc chiến này, sự ngờ vực. Người yếu đuối thì cố ra sức đóng vai nhân vật người ta giao cho mình đóng. D có cảm giác anh chàng này thuộc loại yếu đuối.
- Tôi sẽ báo cáo là ông đã tới, chuyện tới chậm có lý do, D nghĩ: bị một con nguời như thế này kiểm soát thì chán quá. hắn hỏi:
- Bao giờ thì ông xong việc?
- Trong một vài hôm.
- Người ta cho tôi biết đêm thứ hai ông phải rời Luân đôn.
- Có thể.
- Gặp trở ngại gì ông cứ cho biết.
- Vâng.
Anh bắt tay K bước xuống đường. Anh đi chầm chậm thưởng thức cái cảm giác thanh bình gần như hư ảo ở đây. Tủ kính đầy hàng hóa, không có những ngôi nhà sụp đổ, đàn bà vô ra quán cà phê ... Anh đứng lại trước một hiệu sách. dân đây có thời giờ đọc. Nhiều sách mới. Có một quyển nhan đề: Một bà mệnh phụ dưới triều Edouard. Một quyển khác: Dưới thời Saa fari. Ảnh một người đàn ông đội mũ cối thuộc địa đứng trên xác một con sư tử. Đất nước lạ lùng! Anh âu yếm nghĩ. Anh lại lững thững bước. Anh để ý thấy những người đi đường ăn mặc rất sang. Ánh nắng mùa đông dịu dàng và dãy xe ca sơn màu rực rỡ đỗ dọc đại lộ Oxferd. Mục tiêu ngon mắt, đối với máy bay địch! Chúng thường đến vào giờ này. Nhưng bầu trời hôm nay trống rỗng hoặc gần như vậy. Một chiếc máy bay nhỏ xíu lượn vòng, nhào lộn trên nền trời trong, khói phun thành dòng chữ: "Hãy sưởi ấm bằng rượu Ove".
Anh đã tới Bloemsbury. Anh nghĩ mình vừa qua một buổi sáng rất êm ả; cái thị tứ cần mẫn trong hòa bình này đã chữa khỏi cho anh căn bệnh chiến tranh. Anh bước vào khách sạn.

Chương trước Chương sau