Ông cố vấn - Chương 13
CUỘC HỌP GIA ĐÌNH
Ngày đăng 10-03-2016
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 9.8/10 với 83929 lượt xem
Nhu dẫn Hai Long vào phòng làm việc riêng của mình.
Lần đầu, anh lọt vào căn phòng này. Nó giống như một thư viện. Rất nhiều giá sách. Phần lớn là sách tiếng Pháp và tiếng Anh được xếp ngăn nắp. Một chiếc tủ lớn chia thành nhiều ô đều nhau, đánh dấu từ A đến Z, cánh cửa đều có khóa. Đây là tủ lưu trữ những tài liệu mật. Giữa nhà là một cái bàn lớn. Trên bàn để nhiều cặp hồ sơ. Dưới ngọn đèn bàn có chao xanh là một đống công văn giấy tờ. Cái gạt tàn thuốc lá đầy ắp tro và những mẩu thuốc lá.
Người Hai Long gai lên. Những điều anh cần biết đều tập trung trong căn phòng này. Mọi quyết định quan trọng của chế độ Diệm hình thành ở đây; từ việc thủ tiêu một nhân vật trong phe đối lập đến những kế hoạch, quốc sách lớn, đến những hiệp định bí mật với nước ngoài. Đây là thế giới riêng của Nhu, không ai được xâm phạm.
Nhu trỏ chiếc ghế độc nhất trước bàn làm việc mời Hai Long ngồi.
Y ngả người trên ghế bành, vuốt ngược tóc lên, vỗ vỗ tay vào trán mấy cái như để lấy lại sự ổn định, cân bằng trong đầu óc. Những nếp nhăn chạy dài trên vầng trán rộng ưu tư. Nhu có vẻ mệt mỏi sau nhiều ngày làm việc căng thẳng. Từ sau ngày nổ ra vụ Phật giáo, Nhu buộc phải thay đổi thói quen ẩn dật, thích đứng ở hậu trường giật dây, bắt đầu xuất hiện trước mọi người, nhảy vào những cuộc họp các tướng lĩnh, những cuộc họp về an ninh và những hội nghị đông người, làm nhiều việc mà y thấy không thể phó thác cho ai khác.
Nhu nhìn đống giấy tờ trên bàn, làm một động tác quen thuộc xoa xoa hai bàn tay vào nhau, lấy những ngón tay nọ vuốt những ngón tay kia rồi nói:
- Cả đêm đọc bao nhiêu báo cáo, bao nhiêu nguồn tin, mà rút lại chẳng thấy gì! Báo cáo nào cũng dày cộm chẳng khác gì bản luận án. Những diễn biến mới trong nội bộ Phật giáo, nhóm Caravelle, trí thức, quân đội, học sinh sinh viên... đều không rõ. Tổng hợp không được, thì phân tích làm sao được! Thế này là thế nào?... Nhiều việc quá, thì giờ không đủ. Tôi muốn nhờ anh đọc và tổng hợp giúp.
Hai Long không vồ vập, im lặng để tỏ ra nhận lời. Trong bụng mừng run, chỉ sợ Nhu lại thay đổi ý kiến. Trung tâm vừa yêu cầu anh phải báo cáo sớm tình hình mới nhất về “Ấp chiến lược - Tình hình chính trị, quân sự - Ý đồ của Nhu”. Từ nay anh sẽ cung cấp không chỉ những điều đã trao đổi trực tiếp với người cầm đầu chính quyền ngụy mà cả những văn bản gốc. Sau Nhu, anh sẽ trở thành người chủ thứ hai của căn phòng này.
Nhu thở dài:
- Tin Bắc Việt vài tháng nay chẳng có gì! Mấy réseaux[1] có tin intéressant[2] thì nay mất liên lạc. Giao cho thằg Đường ném người ra ngoài đó thì biệt tăm. Thằng Hiếu vừa báo cáo mấy thằng biệt kích xin ở chỗ cha Hoàng tung ra ngoài Bắc, nay lại thấy thấp thoáng xuất hiện ở Bình An, Hố Nai. Chắc là bọn chúng đào ngũ, không hiểu làm cách nào mà mò vô tới đây? Chúng nó vừa thoát chết trở về, chả lẽ bắt bỏ tù sao?... Bây giờ còn suy nghĩ gì để tiếp tục hoạt động biệt kích! Miền Trung mấy ngày qua tạm yên. Sài Gòn thì rối rắm, khó nắm. Tổng thống trước kia vẫn thường xuyên đọc báo cáo. Gần đây, ông cụ chuyển cả cho mình. Đọc không xuể, nhờ Hoàng Long đọc, tóm lược giúp, đánh dấu những chỗ quan trọng. Nếu có ý kiến riêng thì ghi vô. Mỗi tuần một vài buổi, tới đây giúp mình.
- Công việc anh đã ủy thác, tôi xin cố gắng. Cũng may, Đức cha đi Roma, tôi có thư thả hơn trước.
- Rất tốt! Bây giờ qua chuyện khác. Tối nay, anh có bận việc gì không?
- Tôi chưa có chương trình gì.
- Bảy giờ tối, mời anh đến. Đức cha Thục trưa nay vô để đi Roma như Đức cha Lê. Sẽ có cuộc họp trong gia đình, mời anh cùng dự với chúng tôi.
- Dạ...
Nhu ngồi đăm chiêu, chốc chốc lại thoa vuốt những ngón tay. Hai Long nhìn lên giá sách, vờ đọc những tên sách in ở gáy. Chỉ ngày mai thôi, anh sẽ xâm nhập vào cái kho tàng bí mật này. Trung tâm đang rất cần bản sao những tài liệu quan trọng. Anh đã thực sự có những điều kiện lý tưởng để tiến hành công tác.
- Hoàng Long này!... - Như bứt anh ra khỏi những suy nghĩ - Mình đang trù liệu một biện pháp cơ bản để dẹp yên chuyện Phật giáo.
- Dạ...
- Sẽ bắt hết những tên gây rối - Nhu chém ngang hai bàn tay với một động tác dứt khoát - Giữ cả lại để xét xử. Không thể để chúng cứ ngang nhiên lộng hành. Ý anh sao?
- Sứ quán Mỹ và Mắc-vi[3] đối với tổng thống gần đây ra sao?
- Harkin tốt. Con người Lodge, ta dã biết. Nhưng y chưa tỏ thái độ.
- Điều cần chú ý là thái độ của Nhà Trắng.
- Vì thái độ của Nhà Trắng nên mình mới phải dùng biện pháp này. Mình sẽ trù liệu cả trường hợp xấu nhất.
- Còn giới quân nhân?
- Sẽ có biện pháp riêng với giới quân nhân. Ở Bình An và Phát Diệm có xuất hiện nhân vật nào mới không?
- Có viên đại tá Mỹ tên là Conein, mới đến thăm cha Hoàng.
- Hắn nói chuyện chi? - Nhu hấp tấp hỏi.
- Hắn có vẻ thận trọng, chưa bộc lộ gì. Hắn chỉ thăm dò cha Hoàng về khả năng xảy ra đảo chính.
- Anh cần đặc biệt chú ý tên này, Lucien Conein. Trước đây hắn là nhân viên của OSS[4]. Giờ hắn là đại tá làm việc cho CIA. Hắn đã có những lời phát biểu không thiện chí. Tôi đã chỉ thị cho Hiếu, Tung bám sát. Anh em đặt biệt danh cho hắn là La Pointe[5].
Cánh cửa chợt mở. Lệ Xuân xuất hiện.
- Tôi vào được không?
- Không được. - Nhu mỉm cười - Đàn bà không tham gia vào chuyện quốc gia.
- Lại chuyện đảo chính! Thấy mặt ông là thấy đảo chính.
Lệ Xuân lấy ngón tay quệt dài trên má Hai Long khi đi ngang qua anh.
Bà cố vấn buông một câu chửi thề: “Tiên sư cha thằng Mỹ!”.
Lệ Xuân quay sang nói với chồng:
- Hiếu và Tung đang đợi anh ở phòng khách.
- Em ngồi tiếp Hoàng Long một lát.
Như đứng dậy, nhường ghế cho vợ và đi ra ngoài.
2.
- Đức cha Lê đi chưa? - Lệ Xuân hỏi Hai Long.
- Đức cha đi ngày hôm qua.
- Trưa nay, Đức cha Thục cũng vô để đi họp ở Roma. Vatican cho các tổng giám mục di tản sớm, sợ các ngài chết chẹt!
Lệ Xuân cười, hàm răng đều và nhỏ hiện lên giữa đôi môi tô son đỏ tím, ướt át, cặp mắt lấp lánh vẻ chế giễu. Từ ngày xảy ra vụ Phật giáo, hai anh em Diệm - Nhu đều lộ vẻ lo âu căng thẳng, sắc diện biến đổi; riêng Lệ Xuân, tuy có cáu giận nhiều hơn, nhưng bề ngoài vẫn bình thường, tỏ ra rất tự tin.
Lệ Xuân thủng thỉnh nói tiếp:
- Tối nay họp Polit Bureau gia đình. Anh Thanh Long nói có cả anh. Sẽ có nhiều quyết định trọng đại đấy!
- Tôi đâu dám có ý kiến về những vấn đề lớn của quốc gia. Nếu Đức cha và tổng thống hỏi điều gì thì biết đâu nói đó.
- Trong nhà này, mọi người đều phải theo ý kiến anh Hồng Long. Cuộc họp tối nay sẽ quyết định cả số phận vợ chồng tôi. Anh Bạch Long đang muốn đưa ông Nhu và tôi đi biệt xứ một thời gian cho đỡ áp lực.
- Nếu vậy lấy ai lo liệu mọi việc cho tổng thống! Họ đòi tách anh Thanh Long và chị ra chính là để hạ tổng thống một cách dễ dàng hơn. Chị có sau lưng một triệu đoàn viên phụ nữ. Anh Thanh Long có cả triệu thanh niên. Anh chị đều đi cả, tổng thống lấy đâu ra lực lượng?
- Tôi cũng biết như vậy... Nhưng để đó rồi tối nay, anh em nhà chú bàn với nhau. - Lệ Xuân chuyển sang gọi Hai Long bằng “chú” rất ngọt.
- Đức cha Lê trước khi đi đã trao nhiệm vụ cho tôi hết lòng phò trợ tổng thống. Nếu là điều phải, được hỏi ý kiến lẽ nào tôi không nói?
- Tôi nói thực với chú nhé!... Tôi chán tất cả cha cố, sư sãi rồi. Thấy mặt là không xin thứ nọ cũng vòi thứ kia... Cha Hoàng nhà chú nhận ô tô, xin tiền xây nhà trường, nhưng chưa chừng lúc nào lại xỉa dao găm vào lưng vợ chồng tôi! Tôi nói thế chú đừng giận. Bây giờ tôi hỏi chú câu này...
Lệ Xuân nhìn Hai Long với cặp mắt ranh mãnh. Cặp mắt đó làm anh cảm thấy e ngại.
- Chú có phải là Cộng sản không?
Hai Long lạnh người. Trong gia đình họ Ngô, anh vẫn thấy người đàn bà này là đáng sợ. Cẩn đa nghi nhưng có lúc lại cả tin, Nhu thâm trầm nhưng ít biết thực tế cuộc đời thật, Thục dễ tin những lời phỉnh nịnh, Diệm hoàn toàn tin những người trong gia đình mình, đánh lừa Diệm không khó. Với Nhu, anh nói thoải mái những lời về đức tin của một “con chiên ngoan đạo”. Nhưng với Lệ Xuân, anh cảm thấy khó nói những điều đó. Cặp mắt đen có đuôi xấc xược và cười cợt kia, lúc nào cũng như muốn lật tẩy nhưng trò giả nhân giả nghĩa: “Tôi biết tỏng ra rồi!”.
- Tại sao chị lại hỏi tôi như vậy?
Hai Long nhìn Lệ Xuân với vẻ mặt thực thà và nụ cười ngây thơ. Cái vẻ ngoài được tập luyện khá công phu đã trở thành một phản ứng tự nhiên ở anh khi gặp trường hợp khó ứng xử. Câu hỏi lại để kéo thêm chút thời gian suy nghĩ. Hay Lệ Xuân đã biết điều gì đó về anh? Nếu Lệ Xuân biết thì Nhu cũng biết. Hay Nhu rất cao tay, biết mình là Cộng sản vẫn cứ dùng, vì lúc này y đang cần anh? Lưỡi hái mát lạnh của tử thần như đã kề sau gáy...
Lệ Xuân vẫn nhìn xoáy vào mặt Hai Long với vẻ truy tìm.
- Tôi nghĩ vậy, vì tôi thấy chú sống rất khắc kỷ. Ngoài những người Cộng sản ra, không ai sống như chú!
- Nhiều người bảo tôi sống lập dị... - Hai I.ong nén một tiếng thở dài nhẹ nhõm, nói lảng.
- Tôi không nghĩ như vậy. Vì người sống lập dị cũng có mục đích riêng của họ. Ít nhất, họ muốn làm ra khác chung quanh để được mọi người chú ý. Nhưng tôi tìm không ra mục đích của chú... Có phải anh Thanh Long đã mời chú làm cố vấn chính trị, đặc trách vấn đề tôn giáo và theo dõi phe phái đối lập?
- Anh có hỏi ý kiến tôi. Nhưng tôi thấy cứ làm phụ tá của Đức cha Lê thì giúp ích cho quốc gia được nhiều hơn.
Lệ Xuân bỏ qua lời giải thích nói tiếp:
- Tôi biết gia đình chú 5 người, ở một cái bếp có 10 mét vuông. Chú hàng ngày phải chở từng sọt rau ra chợ cho thím ấy. Nhưng sao chú không hề nhận chút trợ cấp nào của chúng tôi?... Tôi chỉ cần nói một tiếng là gia đình chú không còn phải túng thiếu. Cũng có lúc tôi nghĩ chú bắt chước Đức cha Lê, đi hàng hai để đợi thời. Nhưng trong lúc đợi thời, người ta vấn phải sống. Các cha cố đều làm áp phe. Tại sao chú cứ cam chịu túng thiếu? Để làm gì? Những xe chở khách ở đô thành đều nằm trong tay tôi. Tôi có thể nhượng cho chú một vài chiếc, cho chú mượn một ít vốn để chạy xe, nếu chú thấy không cần xin thì chú cứ trích lãi trả dần.
- Cảm ơn chị đã chú ý đến hoàn cảnh gia đình tôi và có ý định giúp đỡ. Nhưng hiện nay, cũng không đến nỗi quá khó khăn như ngày tôi mới ở Huế về. Hàng tháng, tôi đã có thêm tiền dạy học, nên gia đình đỡ thiếu thốn. Tôi chỉ mong làm một người giáo dân tốt bằng cách đóng góp một cái gì đó cho giáo hội, cho quốc gia. Tôi đang tiếp tục hoàn thành một công trình nghiên cứu, và ước mơ của tôi là được bảo vệ thành công bản luận án tại Roma. Đấy là niềm say mê chính của tôi. Tôi muốn toàn tâm lo cho việc đạo, nhưng việc đạo lại gắn liền với việc đời, nên gần đây bị cuốn hút quá nhiều vào việc đời.
- Nếu chú là Cộng sản thì lúc này cũng hay! - Lệ Xuân vẫn chưa dứt khỏi ý nghĩ đó - Khi nó bức bách mình quá thì có lẽ mình phải đi với Cộng sản!
- Chị có những ý nghĩ táo bạo.
- Ở vào địa vị chúng tôi, chú cũng sẽ nghĩ như vậy... Này, tôi hỏi chú...
Hai Long lại giật mình. Cách suy nghĩ tự do và rất thực dụng của người đàn bà này khá nguy hiểm với anh. Anh đón chờ câu hỏi mới của Lệ Xuân với bộ mặt “hiền lành” và nụ cười “thật thà”.
- Nghe nói chú lấy một cô vợ nhà quê phải không?
- Vâng... Vợ tôi người nông thôn. Hai gia đình ở gần nhau. Chúng tôi quen biết nhau từ ngày còn nhỏ.
- Có xinh không?
Hai Long nhoẻn miệng cười tránh câu trả lời.
Nhu đã hiện ra trước của từ lúc y đi vẫn để ngỏ, ngơ ngác không hiểu giữa hai người đang có chuyện gì vui.
Lệ Xuân đứng lên, trả lại chỗ cho chồng.
- Hoàng Long lấy một cô vợ nhà quê anh Nhu ạ. Chú ấy vẫn suốt đời trung thành. Thảo nào Đức cha nức nở khen là trung hậu, thánh thiện.
Lệ Xuân cười khanh khách rồi đi ra.
Nhu cũng mỉm cười vui lây cái vui của người vợ trẻ.
3.
Nụ cười đã biến mất trên môi Nhu khi Lệ Xuân đi khỏi. Vẻ mặt Nhu trở lại đăm chiêu. Nhu đốt một điếu thuốc.
- Biện pháp mạnh như đã nói ban nãy, anh thấy thế nào? Chắc ăn không?
- Ông cố vấn đã tính toán kỹ, tôi tin kết quả sẽ như ý muốn. Tôi cũng thấy cần chấm dứt tình trạng nhùng nhằng, dọa dễm, bắt bí nhau.
- Nếu ta tìm hậu thuễn ở Pháp, nó có bắt chẹt mình không? Đức cha Lê liệu có giúp không?
- Đức cha Lê không mong muốn gì hơn. Ông cố vấn yêu cầu hòa hoãn với Pháp một, Đức cha sẽ làm mười. Mà Đức cha làm thì chắc sẽ có kết quả. Nhưng cũng phải xem chiến thuật của ta có thích ứng với ý đồ của Pháp không? Qua tùng bước, sẽ kiểm nghiệm. Hai năm qua, ông cố vấn quá dè dặt với Pháp. Gần đây, cha François qua là để mở đường cho ông cố vấn đi nhanh tới đích, nhưng ông cố vấn vẫn ngập ngừng làm cho cha cụt hứng và thất vọng.
- Mình ngại Pháp bắt bí.
- Nhưng thời gian không còn nhiều. Ta phải gấp bước.
- Theo ý anh, cần làm gì cho nhanh hơn?
- Anh muốn gì, Pháp sẽ đáp ứng ngay. Việc cần làm là phải có tín hiệu sớm. Một thuận lợi, Đức cha Lê đã có mặt ở Roma.
- Ta sẽ tỏ ngay cho họ biết qua đại sứ Pháp ở Sài Gòn. Càng nhanh càng tốt!
- Tôi cần lưu ý ông cố vấn, còn Mỹ? Mỹ sẽ cố vượt nhanh trước ta.
- Anh muốn nói họ sẽ lật đổ ta trước?
- Những nguồn tin đáng tin cậy đều tập trung vào chỗ chính phủ Mỹ muốn loại trừ ông cố vấn để đi tới việc làm tiếp theo, lật đổ tổng thống. Nếu thấy có dấu hiệu ta muốn đi tìm một sự yểm trợ mới để chống lại họ, họ sẽ cố thúc đẩy quá trình đảo chính nổ ra sớm hơn. Ngòi nổ đã sẵn rồi.
- Dẹp yên Phật giáo là rút được ngòi nổ.
- Chưa hẳn như vậy. Trước đây chưa có những vụ lộn xộn Phật giáo, đảo chính vẫn cứ nổ ra. Lực lượng đảo chính là lực lượng quân sự của ta được Mỹ khuyến khích, xúi giục thực hiện ý đồ của Mỹ. Nguy hiểm nhất là bọn thân Mỹ nắm những lực lượng nằm ngay ở Sài Gòn và vùng chung quanh. Phải loại trừ bọn này mới dập tắt được âm mưu đảo chính. Ông cố vấn cần tập trung ngay những lực lượng mạnh nhất, tin cậy nhất ở chung quanh Sài Gòn, để kịp thời cứu trợ nếu nổ ra đảo chính.
- Bỏ nông thôn ư? Thế còn quốc sách “ ấp chiến lược”? Như vậy là mình lại tự mâu thuẫn với mình.
- Không thể cùng một lúc đuổi bắt hai con thỏ! Ai đang ngăn chặn ta bảo vệ ấp chiến lược? Chính là Mỹ. Phần lớn đô thị đang ở trong tình trạng mất ổn định. Ấp chiến lược có thể nay mất cái này, mai lập cái khác. Tranh chấp với Cộng sản ở vùng nông thôn, xa đô thị là chuyện còn nhùng nhằng và lâu dài. Nhưng nếu để đảo chính nổ ra ở Sài Gòn là đe dọa sự tồn tại của chế độ. Một câu hỏi cần được giải đáp ngay: “Ta sẽ chết trước vì Cộng sản ở nông thôn hay vì Mỹ ở Sài Gòn và các đô thị? Cộng sản hay Mỹ sẽ xuống tay hạ ta trước?”.
Nhu mím chặt môi, ngón tay trỏ trong bàn tay cầm điếu thuốc lá đặt từ lâu trên cái gạt tàn, cứ vỗ vỗ mãi vào đầu điếu thuốc lá đã tắt ngấm.
- Hòa hoãn với Cộng sản, anh tính sao? - Nhu đột ngột hỏi.
Hai Long lặng thinh. Anh đã nghe ý kiến này ở miệng Lệ Xuân.
Nhu lại nói tiếp:
- Tôi đã tính đến nước cờ ấy, chỉ e sự chống đối mạnh là ở phía Đức cha Lê.
- Còn ý kiến của tổng thống?
- Nếu Mỹ cứ tiếp tục gây sức ép thêm nữa, thì chỉ còn lối thoát này. Tôi tin là tổng thống cũng phải chấp nhận.
- Thái độ của Đức cha Lê từ trước đến nay vẫn là chống liên hiệp với Cộng sản, chống hòa hoãn với Cộng sản. Nhưng Đức cha có lập trường và có thành kiến với Cộng sản là chuyện của Đức cha. Đây là vấn đề mất còn của chế độ. Người làm chính trị phải quyền biến, không thể cứng nhắc, cố chấp. Nhưng...
Hai Long tỏ vẻ đắn đo cân nhắc.
Nhu lại nói:
- Ngay từ khi nhận rõ thấy Mỹ muốn can thiệp sâu vào chủ quyền của ta, tôi đã có ý nghĩ xây dựng thật nhanh kế hoạch ấp chiến lược để ngăn chặn Cộng sản, đập tan bọn phá rối nội bộ và đẩy mạnh xây dựng kinh tế, bảo đảm một Việt Nam cộng hòa an bình thịnh vượng; khi đó ta sẽ nhận lời hiệp thương với Cộng sản Bắc Việt. Có thể bắt đầu bằng những quan hệ bình thường giữa hai miền. Nếu ta mạnh thì Bắc Việt không thể cộng sản hóa Việt Nam cộng hòa, mà trái lại, ta có thể dân chủ hóa thể chế ở Bắc Việt. Chừng đó, Mỹ không thể tùy tiện làm áp lực với ta. Nhưng hiện nay, mọi kế hoạch đều tiến triển chậm chạp vì Mỹ cản đường, không giúp ta tự lực tự cường, mà chỉ muốn can thiệp sâu vào những vấn đề nội bộ của ta. Vì vậy, việc đáng lẽ làm sau, giờ lại phải làm trước để kịp đối phó với sức ép của Mỹ.
- Tôi đã hiểu ý của anh... Trong tình hình bây giờ, cần thận trọng. Ta nên ngầm dựa vào Pháp và cứ ngầm tập trung đối phó với Mỹ để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ta chưa đả động gì tới Cộng sản Bắc Việt, vì nếu làm ồn ào vấn đề hòa giải với Cộng sản, Mỹ cảm thấy nguy, sẽ tập trung phá ta ngay. Nếu ta đã chủ trương hòa hoãn với Cộng sản, dù ta không công bố, Cộng sản cũng thừa thông minh để hiểu ngay, và họ sẽ ngầm đáp lại, vì ta biết Cộng sản trước sau đều coi Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất. Muốn hòa hoãn với Cộng sản thì tùy nơi, tùy lúc, tiến hành theo chiến thuật của ông cố vấn, tôi không lạm bàn và cũng không phản đối, miễn là không để Cộng sản lật ta. Hiện nay Cộng sản chỉ mới có lực lượng lật đổ ta ở từng ấp chiến lược, từng xã, nhưng chưa có lực lượng lật đổ chế độ ở Sài Gòn. Mất ấp chiến lược, tổng thống và ông cố vấn vẫn tồn tại, nhưng nếu mất dinh Gia Long là mất hết!
- Nhất trí! “Toi” rất tỉnh táo. Nhưng chuyện vừa rồi là entre nous[6].
Mặt Nhu vui lên. Nhu nhìn đồng hồ, nói tiếp:
- Từ mai, “toa” đến làm việc ở phòng này. Tối nay lại nhé! Mình phải ra sân bay để đón Đức cha.
4.
Dương Văn Hiếu tới nhà thờ Bình An đón Hai Long. Hắn vẫn chưa quen với bộ đồ lớn màu trắng oai vệ, cử chỉ thiếu vẻ tự nhiên.
Từ ngày về phủ tổng thống làm giám đốc cảnh sát đặc biệt, Hiếu càng vì nể Hai Long hơn. Hắn đã biết mối quan hệ mật thiết giữa Hai Long với Nhu. Hiếu được lĩnh nhiệm vụ mới này là do Cẩn tiến cử. Cẩn muốn ngoài Hai Long còn có một người thân tín thứ hai của mình ở kề cận với Nhu, trong khi Nhu lại không biết điều đó. Chỉ cần một câu nói của Hai Long là không biết số phận hắn ra sao. Hắn vẫn tiếp tục khẩn nài Hai Long chia sẻ cho hắn một ít tin tức. Không ai giàu có hơn Hai Long về mặt này. Trong sự kết giao với Hai Long, hắn không yên tâm, vì hắn đã là người có chức vị nhưng vẫn phải đến gặp Hai Long với tư thế của một kẻ cầu cạnh. Ngược lại, Hai Long không nhờ vả hắn bất cứ điều gì. Trong con người này có cái gì đó mà hắn chưa nắm được. Hắn phải cố tìm cho ra. Chừng nào hắn còn chưa nắm được nhược điểm của Hai Long, thì hắn còn phải phụ thuộc vào anh ta và bị anh ta khống chế. Hai Long cũng biết rất rõ Hiếu là một con dao hai lưỡi, hắn luôn luôn tìm cách gần anh để nhờ vả, nhưng cũng để theo dõi anh. Ngô Đình Nhu tuy rất tin anh, nhưng vẫn cho người bám sát anh, như vẫn thường xuyên chú ý đến Cẩn. Đó là một nguyên tắc bất di bất dịch của Nhu.
Hiếu nói:
- Tối nay anh gặp Đức cha thế nào cũng có trao đổi về chuyện ông Út.
- Ông Út có chuyện chi?
- Đức cha không bằng lòng về quan hệ của ông Út đối với Phật giáo Huế. Nếu Đức cha nói tới chuyện này, anh cũng lựa lời đỡ cho ông Út. Chúng mình đều là người của ông Út tiến cử.
- Anh nói phải quá! Giáo dân Phát Diệm chúng tôi mong gì hơn sự hòa hợp giữa Đức cha và các ông, các bà trong gia đình tổng thống.
Hai Long không muốn để hắn buộc chặt anh cũng như hắn với Cẩn.
Hiếu chuyển qua chuyện khác:
- Ông cố vấn trao cho tôi nhiệm vụ bám sát La Poăng[7]. Lão này luồn như rắn. Hắn hay tới Bình An. Tôi muốn nhờ anh tiếp tay cho tôi một chút được không?
- Đó là những việc tôi vẫn thường giúp anh.
- Tôi muốn chuyển cho anh máy ảnh và máy ghi âm của Đài Loan cung cấp cho ta, rất hiện đại, chỉ bằng cái cúc áo, nhờ anh ghi lại cho các cuộc tiếp xúc. Ông Nhu nói phải có những bằng chứng. Khi cần, ta sẽ lật mặt CIA trước công luận.
- Tôi hoàn toàn không biết sử dụng, cũng chưa nhìn thấy những thứ này bao giờ!
- Máy móc rất hiện đại, nhưng sử dụng lại rất đơn giản... Phải nhờ anh, vì chúng tôi không có điều kiện gần gũi Conien như anh. Anh ghi cho cả những cuộc tiếp xúc giữa Conien và cha Hoàng.
- Anh quên cha chánh xứ là cha đỡ đầu của tôi? Tôi không phải là mật vụ của ông cố vấn để theo dõi cha!
Hai Long làm mặt giận.
Hiếu luống cuống:
- Tôi..., tôi diễn đạt ý không rõ. Anh thứ lỗi cho. Tôi cần lời lẽ của Conien để làm bằng chứng, chứ có đâu dám nhờ anh theo dõi cha chánh xứ!
- Chắc anh vẫn thường xuyên theo dõi cả tôi? – Hai Long không buông tha - Thảo nào ông bà Nhu biết nhà tôi ở mấy thước vuông, hằng ngày tôi chở hàng ra chợ Thị Nghè cho vợ như thế nào, và khi vào thư viện tôi đọc những cuốn sách gì!...
Hiếu cầm lấy hai cánh tay Hai Long:
- Xin anh đừng giận, tôi về cảnh sát đặc biệt mới hơn một tháng mà? Trước đây là bọn thằng Tung nó làm. Đó là chuyện nguyên tắc. Chúng nó có nhiệm vụ bảo vệ anh mà! Còn anh em mình thì có chuyện chi? Tôi không bao giờ bảo lính tráng đi theo dõi anh. Biết nhau quá mà! Anh đừng giận oan tôi. Tôi phải dựa vào anh để làm việc. Ông cố vấn tin tôi một thì tin anh mười. Việc tối nhờ anh là nhiệm vụ ông cố vấn trao mà chúng tôi không làm nổi. Có tin cậy nhau hết mức mới dám thưa với anh.
Cặp môi mỏng của hắn dẻo kẹo. Những bắp thịt đôi bên quai hàm luôn luôn chuyển động.
Thấy chỉ cần chừng ấy là đủ, Hai Long nói:
- Chuyện đó sẽ trả lời anh sau. Thú thật tôi rất ghét làm những việc không đàng hoàng.
Hiếu không nói gì thêm, vội mời anh lên xe.
5.
Ba anh em Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đã có mặt trong buồng của tổng thống. Chắc Thục và Nhu vừa mới tới, nên cả ba người còn đứng giữa nhà. Thục nổi bật lên với chiếc áo choàng bằng nỉ đen và cây thánh giá vàng lấp lánh trước ngực.
Hai Long chạy tới hôn nhẫn của Đức tổng giám mục.
Thục vuốt tóc Hai Long, vỗ nhẹ lên vai:
- Bây chừ mới biết kẻ trọc người thanh hỉ? Mỗi lần thay áo, mang áo của con là cha lại nhớ tới con. Ngoan đạo lắm hỉ? Có cầu nguyện nhiều cho tổng thống không?
Hai Long đáp:
- Dạ, điều này con không dám thưa trình với Đức cha, xin để ông cố vấn thưa giùm con.
Nhu nói:
- Suy nghĩ tới nay, không ai trong số người phò trợ cho tổng thống mà em so bằng Hoàng Long.
Thục lại vỗ vai Hai Long thêm mấy cái, và nhìn anh mỉm cười.
Diệm nói:
- Cách đây hai bữa, Hoàng Long đưa Đức cha Lê vô thăm em. Đức cha Lê cáo biệt để sang Roma.
Thục nói:
- Chú thuật lại lần nữa, tính coi lành dữ ra răng?
- Như em đã thưa, Đức cha quả quyết rằng người Mỹ nhất định loại chú Nhu ra ngoài Phủ tổng thống, trong trường hợp đó, thím Nhu cũng đi theo. Nếu ta không chấp thuận, họ sẽ hạ bệ luôn cả tổng thống Việt Nam cộng hòa! Đức cha Lê đã chào vĩnh biệt em, và tin rằng khi cha trở về sẽ không còn gặp em tại đây.
Mặt Thục đỏ bừng, mắt sáng lên, hất hàm về phía Hai Long:
- Việc này răng, Hoàng Long?
- Trình Đức cha, Đức cha Lê quả quyết như vậy. Con được diện kiến Đức khâm sai và cha François mới ở Pháp qua, cũng đều một nhận định. Tổng thống còn thì ông cố vấn Ngô Đình Nhu phải ra đi dứt khoát. Áp lực của họ quyết liệt lắm. Con nghĩ, họ nhắm ông bà cố vấn ngày nay là để nhắm tổng thống ngày mai. Nếu ông bà cố vấn đều đi, còn ai là người phò trợ tổng thống? Lúc đó, họ sẽ mặc sức bày ra mọi chuyện đẩy tổng thống tới chỗ phải từ chức.
Thục lắc đầu, môi mím lại, rồi nói:
- Vô lý!... Chi mà vô lý! Không thể như thế được. Mỹ không có lý nào lại hạ tổng thống lúc ni. Ai nói rứa là không biết chi hết. Ngô Đình Diệm vẫn cứ là tổng thống. Ngô Đình Nhu vẫn cứ là cố vấn. Tổng thống còn, cố vấn phải còn. Chú Diệm, chú Nhu phải còn, phải sống cùng nhau...
Thục hướng về phía Nhu:
- Anh còn thì chú phải cùng với anh, anh không thể bỏ chú! Dứt khoát như rứa mới đặng.
Nhu cung kính cúi đầu.
Thục quay lại phía Hai Long:
- Hoàng Long nghĩ rằng Đức cha Lê có ủng hộ tổng thống không?
- Trình Đức cha, Đức cha Lê và chúng con đối với tổng thống trước sau thủy chung như nhất. Năm 1945, 1946 thế nào, bây giờ vẫn thế. Chế độ đang có cơ lâm nguy. Nội bộ có khó khăn. Nhưng nguy hiểm lớn hiện nay là từ ngoài đem tới. Tình thế rất xấu. Nhưng tài trí con người, khí tiết con người phi thường có thể đảo ngược lại tình thế cũng nhiều. Sau lưng tổng thống còn hiến pháp, còn chúng con, còn dân nữa! Đức cha Lê đã dặn dò chúng con: “Tổng thống còn thì hết lòng ủng hộ tổng thống. Tổng thống có thế nào thì trả thù cho tổng thống”.
Thục và Diệm nhìn nhau, cùng gật đầu, bộ mặt như đều nở ra, nhưng liền sau đó lại đanh lại. Thục chắp tay sau lưng, lững thững ra khỏi phòng. Diệm cũng làm theo anh, chắp tay sau lưng, lững thững đi theo. Nhu và Hai Long hiểu hai người muốn trao đổi riêng trước khi phát biểu những quyết định trong cuộc họp.
Nhu kéo Hai Long lại ngồi ở xa-lông. Y móc trong túi ra bao Bastos, rút một điếu rồi chìa cho Hai Long. Hai người ngồi im lặng hút thuốc chờ Thục và Diệm quay vào.
Người lão bộc mặc bộ quần áo bà ba xứ Huế khom lưng bước vào, lặng lẽ pha trà.
- Con kính mời hai ông dùng trà.
Nhu lơ đãng gật đầu.
Ông lão cúi đầu kính cẩn đi ra.
Hai Long liếc nhìn Nhu. Mặt mũi y xanh xao, môi thâm lại. Trong cái đầu kia chất chứa trăm mưu nghìn kế. Từ khi có chế độ này, Nhu đã suy nghĩ, đã chèo chống, đã làm tất cả và chịu trách nhiệm về tất cả những việc đã làm của chế độ. Nhu có trong đầu những ý nghĩ mà hai anh không hề biết tới, những suy nghĩ phức tạp mà y không thể trao đổi hết với những người trong gia đình. Có thể cả ý đồ một ngày kia y sẽ thay thế Diệm nếu thấy Diệm không còn khả năng đảm đương quyền lực. Nhưng tối nay, trong gia đình, Nhu sẽ phải ngoan ngoãn vâng theo ý các anh, dù đó chỉ là những quyết định rất thiển cận.
Tiếng quả lắc đồng hồ vang lên trong căn phòng im lặng như tiếng bánh xe thời gian đang đưa con tàu chạy gấp trên con dường dài vô tận.
6.
Thục và Diệm từ phía ngoài đi nào, vẻ mặt đều nặng nề. Diệm hất tay đẩy sập cánh cửa.
Nhu và Hai Long đứng dậy, chờ hai người ngồi yên trên ghế rồi mới ngồi xuống.
Thục cất cao giọng nói rè rè đầy uy quyền:
- Tôi và chú tổng thống vừa trao đổi mọi mặt tình hình, đi tới kết luận như ri. Ở Việt Nam cộng hòa ni, mình là chủ, Mỹ không có quyền quyết định giữ ai, bỏ ai. Ta có hiến pháp của ta. Chú Diệm cứ làm tổng thống, chú Nhu cứ giữ cố vấn. Sau này, chú Nhu có làm thủ tướng hay không, rồi ta sẽ bàn, chiếc thế thủ tướng để trống đó, không cho mấy thằng Caravelle tầm bậy xen vô. Người Mỹ vẫn còn coi trọng chú Diệm, họ gây áp lực với chú Nhu, vì họ không hiểu hoàn cảnh Việt Nam. Tôi qua Vatican ít ngày, sẽ tranh thủ qua Mỹ, nói chuyện làm cho họ thông cảm với ta, và hiểu chú Nhu hơn. Chưa có điều chi đáng lo ngại. Rứa được chưa?
- Dạ... - Diệm và Nhu đồng thanh đáp.
- Chừ nói tiếp. Biện pháp chú Nhu đã tính với Phật giáo, cũng không còn lối nào khác, cứ biện pháp ấy mà tiến hành. Làm cho tốt cho gọn, tình hình Phật giáo có thể yên. Vụ Phật giáo ở Huế, bé xé ra to là tại Hắc Long. Tôi đã nhắc Út Cẩn nhiều lần, không được kết thân với hòa thượng, sư sãi. Nhưng Hắc Long không nghe, muốn có nhiều người ủng hộ mình để gây thanh thế. Bọn kiêu tăng ở Huế dám chống lại lệnh của tỉnh trưởng, không chịu hạ cờ Phật vì có lời của Út Cẩn: “Người ta đã trót thì cho treo nốt ngày ni, ngày mốt sẽ hay!”. Rứa là nối giáo cho giặc! Không tôn trọng lệnh của tổng thống, không nghe theo mệnh lệnh chính quyền mới sinh rối loạn. Cẩn quá dốt nát, không chịu học hành, lại không vâng lời người trên, giờ phải cách chức Cẩn, bỏ luôn văn phòng cố vấn miền Trung, tập trung quyền lực vô tổng thống, vô cố vấn chính trị... Cử cha Cao Văn Luận đi sứ sang Mỹ, không thuyết khách được chi, về còn lấy lời CIA để dung dọa ta, chắc là người của CIA mà ta chưa biết, phải cất chức khỏi Đại học Huế.
Trong khi Thục nói, cả gian phòng im phăng phắc. Dường như không ai dám thở mạnh.
Diệm như bị lây giọng nói đầy uy quyền của anh, nhân lúc Thục ngừng lời, cũng lên tiếng dõng dạc như một quan tòa:
- Kiến nghị của phong trào liên đới phụ nữ của thím Nhu lên án những phần tử phản loạn làm tay sai cho ngoại bang, phá rối an ninh, trật tự xã hội, và đồng thanh ủng hộ chính phủ là một hành động hợp pháp, hợp hiến. Có những phong trào hoạt động như vậy càng nhiều càng đáng khích lệ, nhưng phải tuân theo luật pháp. Hành động sai trật với hiến pháp, với pháp luật hiện hành lúc này đều gây thêm rối loạn trật tự xã hội.
Diệm đã thay đổi nhận xét về những việc làm của Lệ Xuân sau khi trao đổi ý kiến với Thục. Thục vốn quý cô em dâu khéo đón ý, khéo chiều chuộng mình. Thục còn quý Lệ Xuân vì Lệ Xuân đã sinh được hai con trai để nối dõi tông đường. Trong sáu anh em trai nhà họ Ngô, chỉ có vợ chồng Nhu sinh được hai con trai.
Nhu ngồi cúi mặt, không nhìn Diệm, mắt bỗng chớp chớp, miệng hơi nhếch một nụ cười nửa như cay đắng, nửa như châm biếm.
Thục tiếp lời Diệm với vẻ bao dung:
- Thím Nhu nói năng còn câu được câu chăng, chú Diệm phê phán cũng phải. Nhưng đàn bà như vậy là can trường, là có lập trường dứt khoát, không giống Út Cẩn. Thím Nhu còn làm được nhiều việc tốt cho chế độ. Tháng 9 tới, cho thím ấy đi dự cuộc họp các nghị sĩ ở Belgrade[8], sẽ nói cho mọi người trên thế giới nghe về tình hình Việt Nam. Sau đó, thím ấy qua Mỹ, nói cho người Mỹ biết rõ sự thật. Người Mỹ rất tôn trọng phụ nữ. Thím Nhu có nhiều khả năng làm cho quốc tế thông cảm với lập trường chính phủ Việt Nam cộng hòa.
Hai Long rụt rè:
- Thưa Đức cha, con muốn mạo muội góp một ý kiến.
Thục nhìn Hai Long với cái nhìn thương yêu, khuyến khích:
- Đã coi Hoàng Long như người trong nhà, có điều chi cứ nói.
- Những quyết định của Đức cha và tổng thống rất sáng suốt. Riêng trường hợp cậu Út, nếu cứ để lại Huế, e Phật tử dựa vào lòng thương của cậu Út mà làm càn. Nhưng con vẫn xin Đức cha và tổng thống coi lại, có nên trao cho cậu Út một chức vụ chỉ ở Sài Gòn. Con nghĩ là cậu Út còn làm dược nhiều việc hữu ích cho chế độ.
- Hoàng Long rất nhân hậu - Thục khen – nhưng đã là việc nước không thể nể tình. Quân pháp vô thân. Dòng họ này đang chấp chính. Không nghiêm với người trong nhà, thì không giữ dược phép nước. Công việc của Út Càn, sẽ xét sau.
Hai Long biết trước lời mình sẽ không chuyển được quyết định của Thục đổi với Cẩn. Thục cần làm như vậy để trút mọi tội lỗi trong việc châm ngòi cho những rối ren về Phật giáo xuống đầu cậu Út. Phong trào cách mạng miền Trung đã bớt được một tên hung thần.
Thục đứng lên. Mọi người cùng đứng lên theo.
Thục đưa mắt nhìn từng người, rồi nói:
- Cha đi lần này lòng dạ ngổn ngang. Nhưng dòng họ Ngô nhà ta rất tốt phước. Cha tin rằng cũng giống như mọi lần, sẽ tai qua nạn khỏi, mọi sự rồi lại tốt lành.
Thục chụm hai bàn tay lại, rồi dang rộng hai cánh tay như khi làm lễ tại nhà thờ. Đức cha ngước mắt nhìn lên trần nhà như nhìn vào một cõi xa xăm vô tận để tìm một nguồn động viên an ủi tinh thần.
- Xin Chúa phù hộ chúng con!
- Cầu Chúa che chở cho chúng con! - Hai Long nói tiếp theo Đức cha.
Chuông đồng hồ điểm những tiếng ngân nga.
Mọi người đều đứng im chờ dứt tiếng chuông như lúc nghe tiếng chuông nhà thờ đang đổ hồi.
---
[1] mạng lưới
[2] hay
[3] MACV: Military Assistance Command, Vietnam
[4] Office of Strategic Services: Cục tình báo chiến lược, cơ quan tình báo quân đội Mỹ, tiền thân của CIA.
[5] Mũi nhọn
[6] nói riêng giữa chúng ta
[7] La Pointe, tức Lucien Conien
[8] Thủ đô Nam Tư