Ông cố vấn - Chương 12

Ông cố vấn - Chương 12

NGỌN LỬA

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 8.2/10 với 83912 lượt xem

Mối quan hệ đồng minh giữa chế độ Diệm với Mỹ mấy năm qua trở nên căng thẳng theo lời những nhà cầm quyền Mỹ là do Diệm không dân chủ, độc tài, dùng gia đình trị. Ai cũng biết đây chỉ là cái vỏ đạo lý. Về thực chất, Mỹ cần một chính quyền tay sai chống Cộng hữu hiệu ở Đông Nam Á. Nếu Diệm làm được vai trò này, dù y là một tên bạo chúa, Mỹ cũng sẽ làm ngơ.
Diệm và Nhu hiểu khá rõ điều đó.
Trong năm 1962, tuy phải đối phó với những vấn đề nội bộ phức tạp, Nhu vẫn dồn hết sức để chống Cộng. Vì Mỹ muốn tạo áp lực với Diệm nên viện trợ quân sự Mỹ năm 1962 chỉ bằng nửa năm 1961. Tuy vậy, với những phương tiện, vũ khí, trang bị đã có, quân ngụy vẫn đủ sức mở hàng ngàn cuộc tiến công vào vùng giải phóng. Có những chiến dịch chúng huy động từ 11 đến 15 tiểu đoàn. Lực lượng vũ trang ta ở miền Nam lúc này, phần lớn là những người dân đứng lên trong phong trào đồng khởi, lúc đầu đánh địch bằng trống, mõ, gậy tầm vông; nay có thêm những súng đạn cướp được của địch. Sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam còn bị hạn chế nhiều do những điều khoản của Hiệp định Genève.
Từ tháng 2-1962, Mỹ đã tổ chức Bộ chỉ huy yểm trợ quân sự cho Việt Nam[1] thay cho nhóm viện trợ quân sự Mỹ trước đây, đứng đầu là tướng 4 sao Paul Harkin. Mỹ đã đưa cố vấn quân sự tới tiểu đoàn bộ binh và đại đội những đơn vị chuyên môn của quân ngụy. Mỹ trực tiếp chi viện cho quân ngụy về hỏa lực, cơ động và hậu cần. Với những máy bay trực thăng và xe bọc thép do Mỹ viện trợ, quân ngụy bắt đầu tiến hành chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”. Những trận đánh của bộ binh ngụy thường kết hợp với đổ bộ bằng đường không từ những máy bay trực thăng do phi công Mỹ lái.
Cuối năm 1962, Nhu triển khai “quốc sách ấp chiến lược” trên toàn miền và xây dựng được khoảng 3.700 ấp chiến lược. Kế hoạch ấp chiến lược của Nhu cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đẩy những chiến sĩ giải phóng ra khỏi những vùng căn cứ.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kịp thời phát động một phong trào đấu tranh phá ấp chiến lược trên toàn miền. Gần 20 triệu lượt người đã tham gia vào cuộc đã tranh này dưới nhiều hình thức. Quân và dân ta đã tiến công phá hàng ngàn ấp chiến lược. Ta phá, địch xây lại, ta lại phá. Trong năm 1962, ta đã phá hoàn toàn trên 300 ấp chiến lược và biến một phần ba số đó thành những làng chiến dấu. Bộ dội giải phóng cũng mở hàng ngàn trận đánh, tiêu diệt trên 100 đồn bót, bắn rơi hơn 60 máy bay dịch, phần lớn là trực thăng.
Cuộc đấu tranh vũ trang của ta phát triển mạnh, nhưng những cố gắng chiến tranh mới của địch cũng gây cho ta rất nhiều khó khăn.
Mở đầu năm 1963, ngày 2 tháng Giêng, một tiếng sét giáng xuống đầu chế độ Diệm.
Quân ngụy được tin có khoảng 200 chiến sĩ Quân giải phóng đóng trong một ấp nhỏ, đã được xây dựng thành làng chiến đấu. Chúng tập trung 2000 quân với máy bay trực thăng, trọng pháo, chiến xa, xe lội nước và tàu chiến quyết tâm giành một thắng lợi vang dội để gây thanh thế. Nhưng trận đánh đã thất bại hoàn toàn. Trên 400 lính, có cả quân Mỹ bị tiêu diệt, 19 trực thăng bị bắn rơi và 3 xe bọc thép bị phá hủy. Cái ấp nhỏ những mấy ai biết đến, đã đi vào lịch sử chiến tranh của nhân dân ta với tên “trận Ấp Bắc”.
Diệm và Nhu rất rầu lòng vì thất bại này. Những thiệt hại của quân ngụy trong trận Ấp Bác không quá lớn, nhưng đây lại là sự thất bại của chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận, đã được các cố vấn Mỹ coi như những lá chủ bài để quyết định chiến trường. Thất bại của quân ngụy ở Ấp Bắc còn báo hiệu sự phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt. Nhu biết là nó sẽ lại khơi bùng lên ngọn lửa chống anh em mình thời gian qua đã lụi đi, nhưng than hồng vẫn còn cháy đỏ.
Phản ứng của giới cầm quyền Mỹ với trận Ấp Bắc khá đặc biệt. Mansfield, lãnh tụ đảng Dân chủ đang cầm quyền, khi nghe tin đã thốt lên: “Ấp chiến lược và gia đình trị là mồ chôn Diệm, tất cả là do tại Nhu!”. Thượng nghị sĩ Jackson, cầm đầu đảng Cộng hòa, nói: “Sự ủng hộ Diệm nên được chấm dứt càng sớm càng tốt!”. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, em ruột của tổng thống Mỹ, cũng nói: “ Muốn chiến thắng cộng sản cần phải có những thay đổi sâu rộng từ căn bản. Vợ chồng Nhu và Cẩn cần rời khỏi chính trường hay xuất ngoại ít lâu”. Joseph Buttinger, chủ tịch Hội những người Mỹ bạn của Việt Nam, lặp lại ý kiến này. Và đây chắc cũng chính là ý kiến của tổng thống Mỹ Kennedy.
Nhu tiến hành những biện pháp an ninh ráo riết, thúc giục tổ chức sớm phiên tòa quân sự, xét xử những người cầm đầu vụ đảo chính ngày 11 tháng 11, để kịp thời răn đe những kẻ toan “đục nước béo cò”. Nhu khiển trách những tướng tá có liên quan tới thất bại ở Ấp Bắc. Điều Nhu chưa biết là nhiều cuộc hành binh càn quét lớn của quân ngụy đã không lọt khỏi mắt lưới điệp viên của ta, lúc này đã cắm rễ khá sâu trong bộ máy chính quyền và quân đội.
Các phe phái chống đối được CIA nuôi dưỡng, còn tạm nằm im trước sự chèo chống, đối phó chặt chẽ của Nhu, đã không bỏ qua cơ hội này...
2.
Sáng ngày 7-5-1963[2] tại Huế, tổng giám mục Ngô Đình Thục đi viếng nhà thờ La Vang trở về. Dọc đường, ngồi trong xe ô tô, đức cha thấy cờ Phật tung bay rợp trời thành phố Huế.
Đức cha xẵng giọng:
- Ai cho phép treo cờ thế ni?
Người lái xe đáp:
- Trình Đức cha, bữa ni là ngày Phật Đản.
- Phật Đản cũng không được phép! Cờ tôn giáo phải treo có nơi có chốn. Nhà dân chỉ được phép treo quốc kỳ. Ở châu Âu, toàn dân theo đạo Thiên chúa, người ta đâu có treo cờ Vatican!
Ngô Đình Thục rất muốn đưa đạo Thiên chúa thành quốc đạo, trở về xứ Huế, cha nhiều lúc không vui, vì 90% dân cố đô đều theo đạo Phật. Khi đó cha còn chưa biết ngày 6 vừa qua, Phủ tổng thống đã có điện cho các nơi cấm dân chúng treo cờ tôn giáo.
Sáng sớm ngày 7, tỉnh trưởng Thừa Thiên lật đật tới Phú Cam trình ông Cậu về bức công điện cấm treo cờ tôn giáo của Phủ tổng thống mới tới chiều hôm trước. Văn phòng cố vấn không nhận được bức điện này. Bức điện chỉ tới tòa đại biểu và tỉnh đường Thừa Thiên.
Tỉnh trưởng nói:
- Dân chúng xôn xao lắm. Nhà nào cũng đã treo cờ. Ông Cậu cho cách giải quyết thế nào?
Cẩn ngồi thừ người, rồi hỏi:
- Các thầy bên chùa Từ Đàm biết chưa?
- Dân chúng còn biết thì các thầy phải biết. Nhân viên ở tỉnh đường hầu hết đều là người theo đạo Phật.
Tỉnh trưởng còn chưa biết trong lúc y ngồi đây, cảnh sát theo tinh thần bức điện của Phủ tổng thống, đã đi một số nơi đòi hạ cờ, có nơi gặp sự phản ứng mạnh của đồng bào, cảnh sát đã tự tay kéo cờ xuống rồi ném vào nhà.
Để tập họp thêm lực lượng, từ lâu Cần đã kết thân với những người lãnh đạo Phật giáo miền Trung ở ngay tại Huế như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh... Điều này làm Ngô Đình Thục bực bội, và trở thành mối bất hòa lớn giữa hai người.
Cẩn xem kỹ bức điện, rồi lẩm bẩm:
- Lạ thiệt! Lạ thiệt!... Nếu định mần sao không mần từ trước, ngày 6 mới điện! Lịnh cấm treo cờ tôn giáo, nhưng người ta sẽ nghĩ là cấm treo cờ Phật trong ngày Phật Đản.
Cuối cùng Cẩn quyết định:
- Hỏi vô Phủ tổng thống, có đúng là lịnh như rứa không. Nếư đúng, thì xin hoãn thi hành một đôi ngày. Đồng bào đã trót treo cờ rồi thì cứ để đó như mọi năm, không đụng vô...
Ngô Đình Thục về tới Tòa tổng giám mục, mới biết Phủ tổng thống đã có lệnh cấm treo cờ. Thục lập tức cho gọi Hồ Đắc Khương, đại biểu chính phủ ở miền Trung.
Khi được hỏi, Khương trình bày lại ý kiến của ông Cậu.
Thục đỏ mặt nói:
- Lịnh của tổng thống mà không thi hành, rứa còn chi là phép nước! Anh về nói với ông Cậu như vậy.
- Trình Đức cha, sáng nay cảnh sát đã tới một số nơi đề nghị cất cờ, đồng bào phản ứng rất mạnh. Tình hình ngoài phố rất găng. Ông Cậu đang xin ý kiến của Phủ tổng thống. Nếu bắt hạ cờ, nhất định Phật tử sẽ biểu tình.
- Mấy thằng tỉnh trưởng, trưởng ty ăn hại à? Lực lượng cảnh sát, an ninh, dã chiến, vùng chiến thuật để mô? Mới có tí rứa không mần được thì mần cái chi? Cứ chạy theo mấy thầy trọc đầu, có ngày mất nước. Anh cứ về nói với ông Út ý kiến của tui.
Hồ Đắc Khương sợ hãi quay về tìm Cẩn. Cẩn cũng đang lo lắng, vì văn phòng của Cẩn báo cáo, trong Phật tử lan truyền tin cảnh sát xé cờ Phật, đồng bào rất phấn nộ, cho là chính quyền sắp ra tay đàn áp. Cẩn đã ra lệnh cho tỉnh trưởng phải dùng xe thông tin thông báo ngay với đồng bào là không có gì thay đổi, cứ treo cờ như mọi năm.
Khương nói lại với Cẩn những ý kiến của Thục.
Cẩn rầu rĩ:
- Làm như rứa, tui còn mặt mũi nào với mấy thầy bên Từ Đàm.
Hồi lâu, Cẩn nói:
- Vì miềng còn xin hỏi lại ý kiến Phủ tổng thống, cứ tạm để như rứa đã. Thầy ra ngoài đó, cố thu xếp mọi chuyện cho êm đẹp...
Xẩm tối ngày hôm đó, khá đông đồng bào theo đạo Phật do những thượng tọa, đại đức dẫn đầu, kéo tới tỉnh đường phản đối lệnh cấm treo cờ và hành vi xé cờ của cảnh sát, để chuẩn bị cho cuộc rước kiệu và làm lễ Phật Đản ở chùa Từ Đàm vào ngày hôm sau. Chỉ tới khi tỉnh trưởng đồng ý dùng xe thông tin gắn máy phóng thanh với những Phật tử ngồi trên, đi thông báo khắp thành phố lễ Phật Đản sẽ tiến hành bình thường trong ngày mai, các nhà sư và Phật tử mới chịu giải tán.
Suốt ngày 8, lễ Phật Đản tiến hành không xảy ra chuyện gì, trừ bài thuyết giảng của thượng tọa Thích Trí Quang trong buổi lễ, tố cáo sự kỳ thị và bất bình đẳng của chính quyền đối với tôn giáo. Cẩn ngồi nhà cho người theo dõi, rất buồn phiền vì bài thuyết pháp của thầy Trí Quang, biết rằng nay mai sẽ phải gánh chịu những búa rìu của hai ông anh, nhưng cũng tạm yên tâm vì ngày lễ Phật Đản đã trôi qua êm ả.
Lúc 7 giờ 30 tối, Phật tử ùn ùn kéo về đài phát thanh Huế để nghe chương trình đặc biệt về lễ Phật Đản. Những người lãnh đạo Phật giáo yêu cầu cho phát thanh bài thuyết giảng của thầy Trí Quang, không được xếp trong chương trình. Quản đốc Đài phát thanh không chấp nhận. Những nhà sư trẻ xông vào trong đài đấu tranh. Cuộc đấu tranh giằng co mỗi lúc một sôi động. Quản đốc báo cáo với tỉnh đường và ty cảnh sát. Đài phát thanh sắp bị chiếm.
Chính quyền tại Thừa Thiên đã có chuẩn bị. Viên thiếu tá phó tỉnh trưởng, phụ trách nội an, cầm đầu một đại đội thiết giáp, một đại đội cơ giới, ba đại đội bộ binh và một số hiến binh quân cảnh, tiến vào giải tỏa đài phát thanh. Đồng bào phẫn nộ, la ó phản đối, gọi tên của viên thiếu tá phó tỉnh trưởng mặc áo giáp đứng trên xe chỉ huy thóa mạ, và dùng gạch đá ném bọn binh lính tới đàn áp. Viên thiếu tá ra lệnh dùng súng và lựu đạn hơi để giải tán đám đông. Tiếng súng và lựu đạn nổ vang, trong đó có một tiếng nổ cực mạnh. Kết quả 8 người chết và 14 người bị thương. Một số người chết không toàn thây, thân hình bay đi mỗi nơi một mảnh.
Vụ Phật giáo năm 1963 chỉ mới bắt đầu.
3.
Dương Văn Hiếu từ Huế vào, tới nhà tìm Hai Long.
Trước đó, Hiếu không bao giờ đến nhà Hai Long. Anh đã giữ đúng lời hứa, thỉnh thoảng lại gặp hắn để “chia sẻ” một số tin tức. Có điều, anh nhờ hắn báo cáo với ông Cậu. Có điều, anh bảo hắn cứ nói là tin của mình thu lượm được. Hiếu hết sức cảm ơn. Hắn không còn vẻ gượng gạo, và đã vui mừng thực sự mỗi lần gặp anh.
Thái độ Hiếu hớt hải:
- Phiền cho ông Cậu quá anh Hai ơi... Đức cha rất giận ông Cậu vì vụ Phật giáo. E rằng ông cố vấn và tổng thống cũng sẽ hiểu lầm ông Cậu.
- Ông Út vừa qua hơi mạnh tay! - Hai Long nói.
- Tôi ra đó cả tuần, thấy oan ông Út anh à. Chính Đức cha mới muốn làm mạnh, còn cậu Út thì chỉ muốn mọi chuyện sao cho êm thấm thôi. Cái sai của cậu Út chỉ ở chỗ, tổng thống cấm treo cờ, mà cậu Út lại cứ để cho dân treo cờ. Nhưng nếu bữa đó cấm treo cờ, thì tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều.
- Báo chí đều đăng hình xe xích dằn qua đám biểu tình đó thôi?
- Chuyện đó có, nhưng sự thật lại khác. Tôi đã gặp ông thiếu tá phó tỉnh trưởng, gặp nhiều anh em cảnh sát, hiến binh tham gia vụ đó, mọi người đều nói khi có một tiếng nổ lớn rồi, có nhiều người chết rồi, thì thiếu tá mới ra lệnh bắn và ném lựu đạn, vì tưởng là có Việt Cộng xen vô đám đông. Mà anh em nó đều bắn chỉ thiên và ném lựu đạn vào chỗ trống chứ đâu có nhầm người! Tòi đã vào nhà thương coi, các bác sĩ nói những người bị nạn đều là do một sức ép rất mạnh, không một ai bị trúng đạn hoặc mảnh đạn. Mà lựu đạn hơi MK.3 thì chỉ có tiếng nổ lớn chứ làm sao chết được người!
- Vậy tiếng nổ từ đâu ra?
- Có người nói là do Việt Cộng...
- Chính quyền cũng đã tuyên bố như vậy nhưng chính bà con ở Huế đã phản đối.
- Tôi cũng nghĩ không phải là Việt Cộng, mà có lẽ “xịa” anh Hai ạ... Ra ngoài đó, thấy có nhiêu chuyện. Tối mùng 7, trong một cuộc gặp mặt thân mật tại một gia đình ở Huế, phó lãnh sự Mỹ Johnson đã phê phán chính quyền Việt Nam cộng hòa là một chính quyền Thiên chúa giáo, nếu tổng thống không chịu liên hiệp để cho Phật giáo tham chính, thì Phật giáo sẽ đứng dậy đấu tranh! Trong những cuộc biểu tình của sinh viên, người ta thấy cả phó lãnh sự Mỹ đi theo. Còn những bức hình tối hôm đó là do ai chụp và phát đi quốc tế rất nhanh? Không phải là Phật tử, mà lại do một người nước ngoài rất thân với tòa lãnh sự Mỹ!
- Bây giờ cậu Út định tính sao?
- Cậu chỉ muốn lo với các thầy và những gia đình nạn nhân cho êm thấm... Tôi chạy tới tìm anh bữa nay, đề nghị anh gần tổng thống và ông cố vấn, anh lựa lời nói các ngài thông cảm vớt cậu Út. Các ngài đều đang giận, cậu Út và bọn tôi có nói gì lúc này các ngài cũng không tin.
- Cảm ơn anh đã cho tôi rõ chuyện này. Anh tiếp tục theo dõi sát tình hình ngoài đó, có gì mới cho tôi biết sớm. Tôi sẽ vào gặp ông cố vấn chính trị hôm nay...
Những điều Hiếu nói thực hư chưa rõ, nhưng Hai Long thấy cần phải cho Nhu biết ngay.
Nhu gặp Hai Long với vẻ tư tự, đăm chiêu, khác hẳn mọi khi. Vụ Phật giáo ở Huế đã tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.
Hai Long hỏi ngay:
- Chuyện vừa rồi ở Huế, ông cố vấn đã tính cách chi giải quyết?
- Việc này để tổng thống giải quyết. Tổng thống làm có hỏi ai đâu!
Thông thường, những việc có liên quan tới chính trị, Diệm đều hỏi ý kiến Nhu. Nhưng thỉnh thoảng, Diệm vẫn có những việc làm tùy hứng. Khi đó, Diệm không hỏi ý kiến ai. Ý muốn cấm treo cờ tôn giáo nảy ra trong những giây phút như vậy. Diệm cho gọi đổng lý văn phòng Phủ tổng thống, ra lệnh miệng. Đổng lý văn phòng đâu phải là người dám hỏi lại, vội vã thảo điện gửi đi cho kịp thời, thế là xong. Ở những trường hợp này, Nhu đành im lặng.
Biến cố xảy ra ở miền Trung khiến Diệm bối rối, không biết giải quyết ra sao. Nhưng vì khi quyết định không hỏi ý Nhu, nên Diệm không tiện trao đổi với Nhu mà chỉ gọi bộ trưởng Bộ nội vụ lên, bảo lo thu xếp cho ổn thỏa. Nhu thấy vậy cũng thản nhiên đứng ngoài, coi như không phải việc của mình.
Hai Long nói:
- Vừa qua, phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ giải thích thảm họa ở Huế là do Việt Cộng gây ra, không ổn. Phật tử ở Huế và các nơi càng phản ứng mạnh, vì đã làm sai mà không dám chịu trách nhiệm còn đổ vấy. Tôi lo tình hình sẽ phát triển xấu. Giới Phật giáo xưa nay vốn ôn hòa, chẳng hề có xích mích với chính quyền, giờ bỗng dưng lại hoạt động có chuẩn bị, có tổ chức để tấn công vào chính quyền là do đâu? Ông Cậu ở miền Trung từ trước tới giờ, vốn được tiếng là quan hệ tốt với Phật giáo. Những hiện tượng mới này rất cần được suy nghĩ để sớm rút ra kết luận.
Nhu chăm chú nhìn anh rồi hỏi:
- Theo ý anh, vụ Phật giáo bỗng bùng lên là do đâu?
Hai Long kể lại những điều Dương Văn Hiếu đã nói. Nhu ngồi nghe, mắt mỗi lúc càng long lanh.
Hai Long nói thêm:
- Những chuyện này, ông cố vấn nên gọi Hiếu vào, trực tiếp nghe y báo cáo, và cũng nên cử người ra Huế kiểm tra thực hư... Tôi linh cảm ngày từ đầu, là có bàn tay của Mỹ, nếu đúng, thì không thể để mặc tổng thống một mình đối phó...
4.
Tại Huế, dưới áp lực của Ngô Đình Thục, chính quyền ở tỉnh tiếp tục sử dụng sức mạnh. Chùa Từ Đàm, trung tâm của phong trào Phật giáo miền Trung, bị cảnh sát vũ trang dựng hàng rào dây thép gai bao vây, cấm cả người ra, người vào. Chúng cắt nguồn tiếp tế lương thực, và cắt luôn nguồn điện, nguồn nước. Ở một số chùa, các nhà sư tuyệt thực để phản đối. Sinh viên Huế vào cuộc, biểu tình. Cảnh sát được lệnh đàn áp. Lần này không có người chết, nhưng số người bị thương cũng lên tới hàng chục.
Trong khi Diệm vẫn còn lúng túng sắp xếp người vào một ủy ban liên bộ, thay mặt chính phủ tiến hành đàm phán với ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo, Nhu vẫn đứng ngoài lề; thì Lệ Xuân lại như mọi lần, có ngay những phản ứng cấp thời. Ngày 5 tháng 6, Lệ Xuân nhân danh chủ tịch phong trào Phụ nữ liên đới, triệu tập hội nghị ban chấp hành và đưa ra một bản thông cáo đề cập tới tình hình Phật giáo. Bản thông cáo do chính Lệ Xuân thảo, với lời mở đầu: “Xét rằng, toàn dân Việt Nam dầu thuộc tôn giáo nào vẫn tôn trọng giáo lý đạo Phật và luôn luôn tôn kính Đức Phật tổ, một bậc đại thánh hiền. Vì lẽ đó, một số người Việt đã tự nhận mình là Phật tử, mặc dù đa số không theo môn phái nào, mà chỉ thành tâm và hồn nhiên thi hành đức từ bi”. Nhân danh phụ nữ Việt Nam, bản thông báo “thành khẩn yêu cầu những vị tăng ni chân chánh tránh tuyệt thực với dụng ý công kích đả phá, vì như vậy tức là phản lại giáo lý của Đức Phật đã dạy, nên kiềm chế những đòi hỏi của thể xác như sự đói bằng cách không thỏa mãn nó để đạt đến Niết bàn”, yêu cầu quý vị tăng ni “giữ thái độ bình tĩnh trước hành động của những kẻ núp sau bóng từ bi để gây rối loạn, lột mặt nạ của những kẻ có hành động phá hoại nhằm mục đích làm giảm uy tín của Phật giáo và khuynh đảo quốc gia do sự xúi giục của ngoại bang”, và “yêu cầu chính phủ ra lệnh trục xuất những người ngoại quốc gây rối”.
Lúc đầu, Diệm không đồng ý cho phổ biến bản thông cáo. Trước những lời thuyết gia của Lệ Xuân, Diệm đồng ý cho phổ biến trong phạm vi hẹp. Nhưng khi bản thông cáo xuất hiện, thì tất cả các báo chí đều đăng lại. Giới Phật giáo phản ứng mạnh mẽ. Các tăng ni coi đây là những lời thóa mạ, xúc phạm nặng nề của bà em dâu tổng thống.
Năm ngày sau, tại một nơi đông người ở Sài Gòn, ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng, diễn ra vụ tự thiêu đầu tiên. Một nhà sư cao tuổi, thượng tọa Thích Quảng Đức, thanh thản bước xuống khỏi xe ô tô, ngồi chắp tay, chân xếp bằng theo kiểu nhà Phật, để một nhà sư khác mặc áo cà sa vàng đổ xăng vào người và châm lửa. Ngọn lửa bùng cháy, ngùn ngụt bốc cao từ cây đuốc sống, trong lúc nhà sư vẫn ngồi tĩnh tọa như Đức Phật trên tòa sen, giữa những tiếng tụng kinh râm ran hòa với tiếng khóc nức nở của đệ tử đứng vây quanh. Bức ảnh thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền đàn áp Phật giáo được phát đi gây sự chấn động không riêng trong nước mà còn khắp nhiều miền trên thế giới. Hơn 70 vạn Phật tử và người dân Sài Gòn đi theo đám tang của nhà sư.
Ngay chiều hôm đó, Diệm đưa ra lời hiệu triệu quốc dân: “Sự hòa giải đang tiến hành tốt đẹp thì, sớm nay, do sự tuyên truyền quá khích che giấu sự thật, gây sự hoài nghi về thiện chí của chính phủ, khiến một số người bị đầu độc gây một vụ án mạng oan uổng làm tôi rất đau lòng”.
Diệm cố gắng thúc đẩy ủy ban liên bộ đàm phán với ủy ban liên phái Phật giáo nhanh chóng đi tới một sự thỏa thuận để làm dịu tình hình. Ngày 6 tháng 6, bản thông cáo chung giữa đôi bên được ký kết. Kết quả cuộc đàm phán khá tốt đẹp. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam ký khán bên dưới. Khi ủy ban liên bộ đưa trình tổng thống để báo cáo và lấy chữ ký, Diệm chỉ phân vân không biết mình nên ký vào đâu. Một quốc trưởng không thể đứng ngang hàng với một hòa thượng! Trước băn khoăn của Diệm, bộ trưởng Bộ nội vụ và Nhu đang có mặt ở văn phòng Phủ tổng thống, cũng không biết nên giải quyết thế nào. Cuối cùng, Diệm bảo:
- Cho mời bà Nhu xem bà ấy có ý kiến nào không.
Được hỏi ý kiến, Lệ Xuân nói:
- Có gì đâu mà khó khăn! Hai bên đã ký cả rồi, ông cụ Tịnh Khiết cũng đã ký khán, thì tổng thống ký ở ngoài lề như là bút phê vậy.
Bản thông cáo dược phổ biến tức thời và rộng rãi khắp nơi. Nhưng cuộc đấu tranh của Phật giáo không phải vì vậy mà lắng xuống. Hơn một trăm tăng ni biểu tình trước tòa đại sứ Mỹ, yêu cầu chính phủ Mỹ và các nước tự do phải dùng áp lực với chính quyền Việt Nam cộng hòa thực thi đúng đắn bản thông cáo. Và sau đó, một số tăng ni lại kéo về chùa Xá Lợi mở đầu một cuộc tuyệt thực...
5.
Vụ tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức đã tác động nhiều tới Diệm. Diệm trở nên thẫn thờ, lầm lỳ và nhiều khi lộ rõ sự bối rối. Nhu không thể cứ đứng ngoài cuộc, phải nhảy vào để chèo chống.
Bọn mật vụ của Nhu và của Cần đã thu được nhiều bằng chứng lãnh sự quán của Mỹ ở Huế thường xuyên liên hệ với các thầy ở chùa Từ Đàm, CIA của Mỹ ở Sài Gòn luôn luôn đi lại chùa Xá Lợi. Nhu không chủ trương nhân nhượng.
Chính quyền Việt Nam cộng hòa ra lệnh trục xuất bác sĩ Eric Wuff, người đã cung cấp những bức ảnh về cuộc đàn áp trong ngày Phật Đản tại Huế, mà Nhu khẳng định là một gián điệp đôi của CIA. Để răn đe những kẻ đang âm mưu chống đối, Nhu thúc đẩy mở phiên tòa quân sự xét xử những người tham gia vào vụ đảo chính tháng 11-1960, đã bị giam giữ gần ba năm qua.
Phiên tòa quân sự mở vào ngày 5 tháng 7, xét xử 19 quân nhân và 34 nhân sĩ bị can. Sang ngày thứ hai, Nguyễn Tường Tam, tức nhà văn Nhất Linh, một bị can, uống thuốc độc tự tử. Phiên tòa kết thúc ngày 12, với hai án tử hình rơi vào hai nhân vật tại đào. Ủy ban Liên phái đã nhanh chóng vận động giới trí thức và sinh viên biến đám tang nhà văn Nhất Linh thành một cuộc biểu dương lực lượng đông đảo chống chế độ Diệm.
Ngày 15 tháng 7, Nolting, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gợi ý Diệm lên Đài phát thanh tuyên bố nhân nhượng với Phật tử để làm dịu sự phẫn nộ của quần chúng. Diệm từ chối.
Năm nhà sư, cả nam lẫn nữ, ở Sài Gòn và những thành phố khác tiếp tục theo nhau tự thiêu. Những nhà sư tuyên bố sẽ tự thiêu để phản đối chính quyền Diệm đã lên đến con số hàng chục.
Tình hình trở nên nguy hiểm. Nhu khuyên Diệm tạm thời nhân nhượng làm dịu bớt tình hình, chuẩn bị một biện pháp đối phó mạnh hơn. Diệm buộc phải tới Đài phát thanh Sài Gòn đọc một bản tuyên bố ngắn bằng giọng Huế, hứa sẽ giải quyết vấn đề Phật giáo như “một chuyện trong gia đình”.
Cũng do có vụ nhà văn Nhất Linh tự tử, phiên tòa quân sự đặc biệt nhóm họp lần thứ hai tại Sài Gòn, đã tuyên bố tha bổng cho nhóm 18 nhân sĩ tụ tập tại khách sạn Caravelle đòi hỏi chính quyền phải tiến hành cải cách chính trị. Trong nhóm này có cả Trần Văn Đỗ, chú ruột của Lệ Xuân.
Theo lời khuyên của Nhu, Diệm cử linh mục Cao Văn Luận, viện trưởng viện đại học Huế, qua Mỹ giải thích với đảng Dân chủ cầm quyền và một số trường đại học có quan hệ với chế độ Diệm, vì sao chính quyền Sài Gòn đã phải dùng sức mạnh để giải quyết vụ Phật giáo.
Mansfield nói với Luận: “Trước năm 1960, dư luận Mỹ rất có thiện cảm với tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-11-1961 báo chí bắt đầu chỉ trích chế độ Diệm là độc tài, là gia đình trị, là Công giáo trị, không được quần chúng ủng hộ, không đoàn kết được quần chúng, đẩy những phần tử quốc gia tới bước đường cùng phải chống lại bằng bạo lực, ngả theo phía bên kia (Mansfield muốn nói đến Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam). Tổng thống Ngô Đình Diệm nên thay đổi đường lối, nếu không, rất có thể Mỹ bỏ rơi Diệm!”. Tại trường đại học Michigan, Wesley Fishel, người của CIA đã nhắm Diệm từ năm 1950, nói thẳng với Luận: “Tổng thống Diệm cần phải thay đổi nhân sự, loại Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn, thay đổi đường lối chính trị; nếu không thế, tất Mỹ sẽ phải loại trừ Diệm khỏi sân khấu chính trị Việt Nam, và có thể xem xét biện pháp thủ tiêu”.
Ngô Đình Nhu nhờ Hai Long đến Tòa Khâm sứ Tòa thánh Vatican ở Sài Gòn thăm dò thái độ.
Hai Long gặp Khâm sứ Brini. Anh đã đi lại Tòa Khâm sứ nhiều lần. Lần đầu anh được cha Hoàng đưa tới trực tiếp giới thiệu nên Khâm sứ rất tin.
Hai Long nói:
- Trình Khâm sứ, bữa nay con gặp người nhân danh một đệ tử trung thành của Đức cha Lê, trong tình hình hết sức rối ren hiện nay, con có ý nguyện hy sinh tất thảy để bảo vệ giáo hội và sẵn sàng tuân theo lời dạy của Khâm sứ và Giáo hoàng La Mã.
Brini gật đầu, rồi bảo:
- Thầy hãy kể cặn kẽ về tình hình ở Huế, về thái độ của tổng thống Diệm, ông cố vấn Nhu và những tin tức có liên quan đến chế độ hiện thời.
Hai Long biết mọi chuyện đều không qua mắt tòa Khâm sứ, nên báo cáo lại một số điều anh đã biết.
Brini chăm chú lắng nghe, cuối cùng nói:
- Tổng giám mục Ngô Đình Thục có trách nhiệm lớn về vụ này. Hậu quả sẽ rất bi thảm cho chế độ Diệm. Giáo hội Việt Nam phải đứng ngoài mới tránh khỏi vạ lây... Đức cha Lê có trao cho thầy nhiệm vụ đi lại dinh tổng thống, phải nhớ giữ mình...
Khi Hai Long ra cửa Tòa Khâm thì gặp linh mục François thuộc dòng Thừa sai, mới từ Pháp qua Nam Vang, vì có vụ Phật giáo nên được phái đi tiếp sang Sài Gòn tìm hiểu tình hình. De Jaegher đã giới thiệu Hai Long với François khi linh mục đến dinh Gia Long xin gặp Diệm.
Hai Long hỏi:
- Con vừa vào xin ý kiến của Khâm sứ Tòa thánh về thái độ đối với vụ Phật giáo. Cha đã gặp tổng thống, ý kiến của tổng thống thế nào?
François nhăn mặt:
- Cha không thể nào khuyến cáo tổng thống hòa giải với Phật giáo, vì ông cố vấn Ngô Đình Nhu có đủ bằng chứng về việc Mỹ dùng Phật giáo để làm áp lực với ông Nhu. Ông Nhu luôn luôn nhắc tự lực tự cường, không cần đến viện trợ Mỹ. Mối bất hòa giữa hai ông Diệm, Nhu và Mỹ rất sâu đậm và sự rạn nứt không tài nào hàn gắn được...
Cùng thời gian này, linh mục Cao Văn Luận từ Mỹ về báo cáo với Diệm, Nhu về chuyến công cán. Luận thuật lại những cuộc tiếp xúc với những nhân vật Mỹ. Nghe xong cả Diệm, Nhu đều nổi nóng. Khi Luận ra về, Diệm nói:
- Không thể dùng ông này. Ổng đi có giúp được mình cái chi? Có khi còn nói xấu mình để lấy lòng Mỹ!
Nhu nói:
- Ta lầm nên cử cha Luận. Có lẽ CIA đã nắm ổng.
Diệm, Nhu đã gần như chính thức đương đầu với Mỹ.
6.
Đầu tháng 8, đại sứ Mỹ Nolting, người có cảm tình với Diệm được gọi về nước. Sang thay là Henry Cabot Lodge. Khác với nhiều người Mỹ khác, Cabot Lodge có thái độ dè dặt, mềm mỏng của một nhà ngoại giao kiểu Pháp. Trong buổi tiếp kiến với Diệm, y nhẹ nhàng khêu gợi:
- Thưa tổng thống, không biết có một điều gì mà tổng thống nghĩ là thuộc phạm vi tổng thống có thể làm được, lại có thể tác động đến dư luận Hoa Kỳ một cách thuận lợi hay không?
Diệm nhìn Cabot Lodge giây lát, rồi không trả lời, chuyển sang vấn đề khác.
Cùng vào thời gian này, Mỹ tuyên bố ngừng viện trợ cho Sài Gòn 12 triệu dollar để mua thực phẩm và máy móc như đã thỏa thuận trước. Đồng thời, Mỹ cắt khoản viện trợ cho lực lượng đặc biệt bảo vệ Phủ tổng thống do dại tá Lê Quang Tung chỉ huy. Nhu đang cố gắng trang bị tốt cho lực lượng này những vũ khí hiện đại, làm nòng cốt chống lại những cuộc đảo chính.
Mồng 4 tháng 8 là ngày hàng năm của lực lượng phụ nữ bán quân sự. Lệ Xuân cùng với con gái lớn là Lệ Thủy đến dự lễ. Lệ Thủy còn ít tuổi nhưng đã cao lớn hơn mẹ, giống cả mẹ lẫn bố, mặc áo quân phục nữ cổ xẻ rộng, vai trái có dây tua, đeo xanh-tuya-rông, đầu đội ca lô, tay mang găng trắng, chân đi ghệt trắng như những nữ binh khác.
Lệ Xuân là lãnh tụ của phong trào Phụ nữ liên đới miền Nam, đã vận động trang bị vũ khí và huấn luyện quân sự cho một số đoàn viên trẻ, giống như chồng đã làm đối với lực lượng Thanh niên cộng hòa.
Đứng trước cuộc mít tinh đông đảo với nhiều cô gái mặc đồng phục, mang súng ngắn, Lệ Xuân một lần nữa lớn tiếng gay gắt lên án cuộc đấu tranh của Phật giáo, chế giễu sư sãi, gọi những vụ tự thiêu là “trò vô nhân đạo”. Lệ Xuân đề nghị cuộc mít tinh đồng thanh kiến nghị lên chính phủ của tổng thống Ngô Đình Diệm, phải thẳng tay trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo để gây xáo trộn xã hội...
Lệ Xuân rất thống nhất với chồng là không thể hòa giải với Phật giáo, vì nếu hòa giải, các sư sãi tưởng mình yếu sẽ càng lấn tới, phải dùng những biện pháp mạnh mà dẹp đi! “Mấy anh trọc đầu, sức mấy mà lật đổ chính quyền! Nhưng nếu dung túng cứ để phá rối kéo dài, Mỹ sẽ sử dụng ngay lá bài Phật giáo gây áp lực với chế độ, phải đập tan đi trước khi Mỹ kịp nhúng sâu vào!”. Đi tới dâu, Lệ Xuân cũng lặp lại luận điệu này. Không phải Nhu không chịu ảnh hưởng ít nhiều của vợ.
Trần Văn Chương, bố đẻ của Lệ Xuân, đã bảo con gái có thái độ xấc xược, thiếu lễ độ đối với các sư sãi. Chương theo đạo Phật. Lệ Xuân từ khi lấy chồng đã bỏ đạo Phật chuyển sang đạo Thiên chúa. Cho là bố không nắm được tình hình, Lệ Xuân cãi lại với những lời lẽ châm biếm. Giữa hai cha con bắt đầu có sự rạn nứt.
Có người nói đến tai Diệm về cuộc mít tinh ngày 4 tháng 8. Diệm cho gọi Lệ Xuân vào phòng:
- Bữa nọ họp phụ nữ, thím nói những chi?
Nhìn vẻ mặt nghiêm khắc của anh chồng, Lệ Xuân nhướn cao cặp lông mày đen nhánh, không chút sợ hãi đáp lại:
- Em chỉ nói ý kiến chung của giới phụ nữ, là cần kiến nghị lên chính phủ, phải thẳng tay trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo gây xáo trộn xã hội.
- Người ta kể cho tôi, thím nhục mạ sư sãi rất nhiều. Thím có biết miền Nam có bao nhiêu tín đồ Phật giáo không? Đụng đến sư sãi của họ cũng như đụng đến cha cố của giáo dân. Tôi đã nhiều lần dặn thím khi nói chuyện trước đám đông không dược khinh xuất, tại sao thím vẫn không nghe? Bao nhiêu mũi tên đang nhắm vào chú Nhu. Thím nói năng như rứa giải quyết được cái chi? Hay là lửa cháy đổ dầu thêm?
- Em có ngu dại đâu đến mức đổ thêm dầu vào lửa! Đáng lẽ ra em phải vạch mặt thằng Mỹ, nhưng em đã tự kiềm chế. Em có nói các sư sãi một vài điều là để tát vào mặt thằng Mỹ đểu cáng!
- Tôi yêu cầu thím từ nay tới khi giải quyết xong vụ Phật giáo, thím không được xuất hiện nói năng gì trước đám đông. Người ta chống tôi một thì chống chú ấy mười. Thím có biết bao nhiêu người, kể cả Mỹ, đều nói chỉ cần đưa vợ chồng thím đi xuất ngoại là tôi sẽ yên không?
- Em biết. Người ta chĩa mũi nhọn vào vợ chồng em chính là đánh vào chế độ, vì vợ chồng em là những người kiên quyết bảo vệ chế độ, bảo vệ anh.
- Tôi đang tính để cho yên tình hình có lẽ cũng phải đưa vợ chồng thím đi xa một thời gian. Tôi rất phiền lòng vì thím. Từ nay, thím đi đâu, định nói chi, phải có ý kiến của tôi... Lúc mô cũng “lộng ngôn”!
Diệm bất thần đập mạnh tay xuống bàn quát:
- Nhớ đó! Thím ra đi.
Lệ Xuân nhanh chân rút lui vì thấy mặt anh chồng bắt đầu tím lại. Khi cơn giận lên đột ngột, Lệ Xuân biết nếu mình còn nán lại nói thêm một đôi câu, Diệm có thể cầm bất cứ vật gì trên bàn ném thẳng vào mặt mình...
7.
Hai Long đến Tòa Khâm sứ Tòa thánh Vatican ở Sài Gòn thì Khâm sứ Brini đã về Roma. Bí thư của Khâm sứ, linh mục De Nittis vừa ở Roma sang, ra tiếp anh.
De Nittis nói:
- Khâm sứ có dặn tôi nên dành nhiều thời giờ tiếp thầy vì những chuyện của thầy rất có ích cho giáo hội, thầy rất trung thực, khiêm tốn, có kiến thức rộng và săn sàng tử vì đạo.
- Con tự xác định bổn phận một con chiên đã hết lòng vì Chúa, thì phải luôn luôn tới trình và xin ý kiến Khâm sứ của Tòa thánh về những vấn đề có liên quan đến giáo hội.
Hai Long cung cấp cho De Nittis một ít tình hình. Anh đã biết mỗi tin tức mới muốn thu lượm được đều phải đánh đổi bằng những tin tức mới khác mà anh phải có đem theo.
De Nittis nói:
- Vợ chồng ông Nhu rất tinh. Người Mỹ không đứng ngoài vụ Phật giáo. Họ sẽ triệt để sử dụng sự rối ren để đạt được những yêu cầu riêng của họ. Và họ đã làm rồi! Ông Diệm, ông Nhu không dễ đương đầu! Tôi đã truyền đạt khuyến cáo của Giáo hoàng Paul VI cho hàng giám mục Việt Nam, là giáo hội Việt Nam không được dính líu vào vụ tranh chấp giữa ông Diệm và Phật giáo, vì nếu không có vụ Phật giáo thì Mỹ vẫn còn nhiều biện pháp khác để loại trừ ông Diệm và ông Nhu. Họ phải gạt ông Diệm một phần vì ông đã trở nên quá cứng đầu, nhưng phần chủ yếu là vì ông không chống Cộng hữu hiệu như họ tưởng.
- Nhưng ngoài ông Diệm ra, họ đã nhìn thấy ai có thể làm tốt việc đó chưa?
De Nittis chằm chằm nhìn anh rồi nhún vai không đáp.
Trung tuần tháng 8, Hai Long vừa tới nhà thờ Phát Diệm thì thấy cha Lê từ trong phòng khách bước vội ra:
- Cha đang mong gặp con!
Cha Lê nói với Hai Long bằng một giọng âu yếm hiếm có. Vẻ mặt cha hơi khác lạ, như có điều gì phải suy nghĩ, không ra vui cũng không ra buồn.
Cha Lê cầm tay anh đi vào nhà. Lần này cha Lê không hỏi câu hỏi đã trở thành quen thuộc: “Ở đó ra sao?”.
Cha Lê ngồi im lặng trên chiếc ghế bành khiến Hai Long phải lên tiếng trước:
- Thưa, Đức cha cần gặp con chắc có việc gấp ạ?
- Việc không gấp với con mà chỉ gấp với cha...
- Thưa Đức cha có việc chi?
- Cha con ta sắp phải xa nhau một thời gian.
- Đức cha có đi đâu xa?
- Xa. Cha sang Roma để họp Hội đồng giám mục.
- Thời gian Đức cha họp chắc không lâu?
- Chưa biết - Cha Lê nhếch mép cười, cặp mắt nheo nheo - Cũng có thể rất lâu... Cha có những điều phải dặn dò con.
Hai Long ngồi thần người một lát.
- Cha nói làm con hết sức bối rối. Tình hình đang rất phức tạp.
- Rất phức tạp! - Cha Lê nhắc lại - Nhưng chế độ Diệm thì sắp kết thúc rồi. Cha biết tháng này Hội đồng giám mục chưa họp. Vatican gọi cha đi sớm là không muốn cha dính vào đại họa sẽ xảy ra. Người Mỹ sắp liquider[3] Diệm, Nhu. Gần đây, cha bắt đầu có chút cảm tình với gia đình họ Ngô. Nhưng khi họ hiểu được lẽ phải, muốn tìm ta để cầu một lối thoát thì đã quá muộn! Lực lượng Phát Diệm ta sẽ không còn bị o ép như trước. Nhưng tình hình đang xấu đi vì Mặt trận Giải phóng ngày càng mạnh. Kế hoạch ấp chiến lược cha Hoàng và cha đã tính từ đầu là sẽ thất bại, nhưng không ngờ thất bại nhanh như vậy!... Vừa qua, con đã mất nhiều công sức để nối lại mối dây đã đứt giữa Phát Diệm với gia đình họ Ngô... Sở dĩ cha vẫn lững lờ vì từ lâu cha cảm thấy việc con làm cuối cùng sẽ vô ích. Thuyền đang đắm, ta không thể chết chìm cùng với họ...
- Đức cha cho biết con phải làm gì trong thời gian tới?
- Con hãy thưa lui tới Phủ tổng thống. Cha đã bàn kỹ với cha Hoàng. Cha chánh xứ rất yêu con. Con tiếp tục giúp cha như trước kia, chăm lo đời sống giáo dân, chăm lo dạy dỗ con em giáo dân...
Cha Lê ngập ngừng rồi lặng thinh.
- Con vẫn nghĩ là sớm muộn Đức cha cũng trở về?
- Cha rất mong như vậy. Người già bao giờ cũng muốn sống ở quê hương. Nếu không được ở Phát Diệm thì cũng ở đây, một Phát Diệm thứ hai tại miền Nam, sống giữa các con. Cha cảm thấy cơn “hồng thủy” đang đến gần, cha sẽ khó có dịp quay lại.
Mắt Hai Long rơm rớm lệ.
- Cha chỉ dặn con một điều: dốc lòng thờ phụng Chúa, nhưng trong tình hình ở ta, không thể đi hàng một, vì ta phải bơi giữa nhiều dòng nước, luôn luôn phải lựa chiều mà chuyển dòng, đừng bơi ngược nước để chịu chết chìm! Phải đi hàng hai, hàng ba. Chỉ có đức tin là không bao giờ thay đổi...
Lời nói chân thành và đượm buồn của cha Lê giống như những lời trăng trối. Nước mắt Hai Long ứa ra. Người ta không thể nặn ra những giọt nước mắt. Cảm xúc hay lây. Trước mắt anh lúc này không phải là một thầy tu bán nước khét tiếng chống Cộng, mà là một ông già gần đất xa trời sắp phải vĩnh biệt quê hương, đang có những tình cảm cha con đối với anh, tuy đó chỉ là sự lầm lẫn.
- Con báo với tổng thống, cha muốn gặp để cáo biệt. Cha không gặp ai nếu không có lời mời, nhưng lần này chính cha yêu cầu... Cha con ta chưa chia tay nhau bây giờ. Tối mai cha muốn gặp cha Hoàng và con trong một bữa cơm tiễn biệt...
Và Hai Long lần đầu nhìn thấy những giọt lệ long lanh đọng trên cặp mằt già nua của Đức cha.
8.
Cuộc gặp gỡ chia tay giữa cha Lê và Diệm diễn ra giống như cuộc gặp gỡ giữa một người đang thành đạt và một kẻ đang thất bại. Đức cha Lê cao lớn, mạnh khỏe, tươi sáng. Diệm bé nhỏ, lọm khọm, xanh xao, tối tăm.
Diệm nói:
- Gia đình họ Ngô một lần nữa lại chịu ơn Đức cha. Tôi đã ngẫm những lời khuyến cáo của Đức cha, được thầy phụ tá chuyển cho phủ tổng thống, đều rất sâu sắc và rất đúng. Nhưng cũng xin thưa với Đức cha: nhà họ Ngô giấy rách phải giữ lấy lề. Đức cha qua Tòa thánh, với uy tín của Người, dù có ở xa cũng sẽ giúp đỡ được rất nhiều cho gia đình họ Ngô.
Cha Lê nói:
- Xin cụ hãy xét kỹ lại, người Mỹ đòi cụ phải cải cách chính trị, mở rộng chính phủ, đòi loại trừ ông bà cố vấn, cụ nên tính làm một đôi việc cho đẹp lòng họ.
- Thưa Đức cha, tôi suy nghĩ rồi, không thể nào làm vừa lòng Mỹ được, như tôi đã nói với Đức cha. Họ không hiểu gì về Việt Nam cộng hòa. Nhưng họ lại muốn buộc ta làm theo ý của họ. Họ tưởng làm như vậy, họ và ta sẽ thắng. Nhưng họ có biết đâu làm như vậy tình hình càng nát và thất bại là không thể tránh khỏi. Nếu họ quyết lật đổ đồng minh của họ thì cùng với sai lầm, họ lại chồng thêm một tội ác.
- Phàm con người ta sinh ra đã mang tội tổ tông, người Mỹ có mắc thêm tội lỗi cũng là lẽ thường tình. Nhưng cụ còn rất cần cho đất nước.
- Người Mỹ đang phản bội đồng minh của họ. Tôi nghĩ vì quyền lợi của họ, lẽ ra Mỹ phải ủng hộ tôi nhiều hơn nữa, thay vì bội ước mà âm mưu lật đổ tôi. Là nguyên thủ quốc gia, tôi không còn lựa chọn cách nào hơn là bảo vệ chủ quyền và danh dự...
Cha Lê trầm ngâm rồi nói:
- Tôi đến chào cụ trước khi sang Roma, chào cụ... lần cuối cùng, khi tôi trở về chắc không còn cụ nữa!
- Xin đa tạ Đức cha.
Cha Lê cáo biệt đứng lên. Diệm đưa cả hai tay nắm chặt lấy tay cha Lê. Cha Lê bỗng quay lại vỗ vai Hai Long nói:
- Tổng thống còn thì phù trợ! Tổng thống không còn thì trả thù cho tổng thống!
- Dạ... - Hai Long đáp.
Đây là một ý kiến hoàn toàn mới của cha Lê. Lúc này chắc là cha Lê rất thành thật.
Khi tiễn cha Lê ra về, Diệm tỏ vẻ lưu luyến và xúc động:
- Một lần nữa, tôi chân thành cảm tạ Đức cha. Xin Đức cha cầu nguyện cho tôi.
---
[1] MACV: Military Assistance Command, Vietnam
[2] tức ngày 14 tháng 4 âm lịch. Lễ Phật Đản kéo dài trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 4 âm lịch.
[3] loại trừ

Chương trước Chương sau