Máu loang chùa tháp - Chương 02
Đàn bà vạn tuế
Ngày đăng 18-01-2016
Tổng cộng 7 hồi
Đánh giá 8.8/10 với 9452 lượt xem
Bóng tối câm đặc phủ kín căn phòng khách sạn.
Lệ Yên ngồi rất lâu trướcgương, song mắt lại nhìn đâu đâu. Dường như nàng sợ bật đèn, và nhìn vào gương sẽ thấy mí mắt thâm quầng, gò má hốc hác, đôi vai gầy guộc và bộ ngực nhão nhoét của người đàn bà xa lạ, mà nàng không dám tin là nàng.
Lệ Yên đã khác trước quá nhiều. Tiếng chía khóa tra vào ổ rỏn rẻn ở phòng bên làm nàng thở dài não ruột. Trong 12 tháng trường ròng rã, nàng đã nghe tiếng kêu rỏn rẻn này hàng trăm lần. Đúng ra, nàng đã đếm được 730 lần. Mỗi ngày, nàng nghe hai lần, buổi sáng và buổi tối. Một năm 365 ngày, vị chi 730 lần…
Đột nhiên, nàng buột miệng :
-Chúa ơi !
Ban đêm thủ đô Nam vang vắng lặng một cách lạ lùng. Nàng có cảm tưởng là tiếng kêu lẻ loi của nàng đã vang dội khắp thành phố rầu rĩ và heo hút. Chuỗi ký ức đầy máu và nước mắt rộn rã kéo qua trí nàng. Những việc đau buồn xảy ra từ nhiều tháng nay bỗng nổi bật lên, và tuần tự diễn ra qua cặp mắt đỏ hoe đòi ngủ và khóc nhiều của nàng.
Hai năm trước, Lệ Yên là thư ký của tòa tổng lãnh sự Việt Nam tại Tân Đề li. Thật ra, với hai năm đại học Y khoa và bằng cấp ngoại ngữ Anh-Đức, nàng không thể làm nghề thư ký, lãnh lương ba cọc ba đồng. Chức vụ thư ký tầm thường chỉ là tấm bình phong hành nghề tình báo. Vì nàng là nhân viên tình báo của ông Hoàng.
Một trong các nhiệm vụ quan trọng của Lệ Yên là tiếp nhận báo cáo của điệp viên Việt Nam hoạt động ở hậu địch, bên kia giải núi Hy mã lạp sơn. Nói theo từ ngữ điệp báo, nàng là “hộp thư“. Theo nguyên tắc, “hộp thư“ chỉ có bổn phận chuyển tài liệu về trung ương, không được tìm hiểu nội dung. Trong những tháng đầu tiên, nàng tuân theo lệnh ông Hoàng răm rắp.
Nhưng một biến cố ghê gớm xảy ra.
Biến cố này xuất hiện dưới bộ mã hào hoa của một điệp viên RU. Lệ Yên là con đầu của một gia đình đông con, và toàn là con gái. Năm em của nàng lần lượt lên xe hoa về nhà chồng, riêng nàng vẫn phòng không gối chiếc. Đã 32 tuổi, nàng không còn trẻ nữa. Nàng cũng không thể chờ đợi thêm nữa. Cho nên Lệ Yên bị sa ngã dễ dàng.
Trừ phi là tưọng đá mới khỏi rơi vào cạm bẫy. Vì Lệ Yên không phải là đàn bà đẹp. Bảo nàng xấu không đúng, song trên người nàng không có nét nào đặc sắc, ngoại trừ bộ ngực tròn trịa và nảy nở. Tân Đề li là một thành phố rất nhiều nắng và bụi, và rất ít đàn ông, nhất là đàn ông đa tình, phong nhã và cường tráng.
Cơ quan RU đã tung vào Tân Đề li một thanh niên 26 tuổi, khôi ngô như tài tử màn ảnh. Lệ Yên biến thành con người máy trong vòng tay khỏe mạnh của gã điệp viên RU. Một số báo cáo từ nội địa Tây Tạng gửi về cho ông Hoàng bị Lệ Yên mù quáng trao cho RU chụp lại.
Kết quả là một tiểu tổ tình báo của ông Hoàng bị phá vỡ. Một người bạn thân của Lệ Yên bị thiệt mạng. Do may mắn, ông Hoàng phăng ra sự phản bội của nàng. Và nàng bị triệu hồi.
Từ trường bay, nàng được đưa thẳng vào nhà giam. Sau nhiều tuần lễ thẩm vấn, nàng bị tống giam thật thụ vào khám Thủ Đức, chờ ngày ra tòa án quân sự. Nếu ra tòa, nàng sẽ bị tử hình hoặc ít ra là chung thân khổ sai. Trong những ngày bị giam, nàng mất ăn mất ngủ, thân thể võ vàng vì hối hận. Nàng hối hận vì đã phản bội tổ quốc một cách xấu xa.
Nằm trong lao thất, sau nhiều đêm suy nghĩ, nàng quyết viết thư về cho ông Hoàng tình nguyện nhận một công tác Dịch thủy. Ngày xưa Kinh Kha qua sông Dịch thủy để không bao giờ về nữa. Dịch thủy là một mật ngữ được ông Hoàng dùng để chỉ một công tác cảm tử, người ra đi ít có hy vọng trở về.
Nàng còn nhớ rõ một đoạn trong bức thư viết bằng bút nguyên tử màu đỏ tươi :
“… Trong một phút cuồng dại và xuẩn động, tôi đã bỏ quên lời thề. Giờ đây hối hận đã muộn. Theo nguyên tắc, tội của tôi phải được trả giá bằng án tử hình. Tuy nhiên tôi nhận thấy có thể làm được một cái gì hữu ích để chuộc lỗi với tổ quốc trước khi chết. Tôi thỉnh cầu ông giao cho tôi một công tác Dịch thủy…
Hơn ai hết, ông tổng giám đốc đã biết là tôi không thể trốn theo địch…”
Ba tháng sau, nàng đang nghỉ trưa trong phòng giam thì giám thị tới. Nàng được dẫn lên văn phòng quản đốc.
Tại đó, đã có một ông già. Ông Hoàng, tổng giám đốc Mật Vụ.
Nàng run rẩy, chắp tay vái lia lịa :
-Đội ơn ông, ông đã giúp tôi cơ hội chuộc tội. Tôi tin là ông chấp thuận lá đơn thỉnh nguyện của tôi. Tôi xin hứa với ông là tôi không mong trở về vì lương tâm tôi luôn luôn cắn rứt, oan hồn bạn tôi luôn luôn dày vò tôi. Thưa ông, tôi được biết là Sở thường tuyển mộ những người tình nguyện cảm tử, cũng như phi công Thần phong của Nhật. Thưa ông…
Ông Hoàng lẳng lặng gạt tàn xì gà, không nói nửa lời, cặp mắt bâng khuâng sau làn kính cận thị dày cộm.
Lệ Yên vén áo ngồi xuống ghế.
Lát sau, ông Hoàng nhìn thẳng vào mặt nàng, giọng hiền từ :
-Cô lầm rồi. Ban Dịch thủy của Sở không giống như đội Kamikaze của không quân Thiên hoàng trong đại chiến thứ hai. Nhiều nhân viên của ban Dịch thủy đã trở về nguyên vẹn. Từ ngày được thành lập tới nay, tỉ lệ hy sinh của ban Dịch thủy chỉ mới đến 45 phần trăm.
45 phần trăm là một con số rất ít. Trước đại chiến thứ hai, tỉ lệ hy sinh của điệp viên quốc xã lên đến 95 phần trăm. Trong thế chiến, cứ 3 điệp viên đồng minh được cử vào vùng địch thì chỉ có 1 trở về, nghĩa là hy sinh 66 phần trăm.
Là nhân viên hành động, cô thừa biết cũng như ký giấy đua tài với thần Chết vậy. Tuy nhiên, tôi đặt ra ban Dịch thủy là để phân biệt giữa nguy hiểm nhiều và nguy hiểm ít. Thành thật mà nói thì nhân viên Dịch thủy dễ thiệt mạng hơn nhân viên các ban khác. Mặc dầu mọi nhân viên đều ký giấy cam kết tuân lệnh tôi, bảo đi đâu cũng không được từ chối, tôi vẫn mong muốn trong công tác hiểm nghèo đặc biệt có sự xung phong. Ai bằng lòng làm đơn xin, tôi mới cử đi. Bây giờ, tôi muốn nói đến trường hợp của cô…
Ông tổng giám đốc lại nín thinh. Chuông điện thoại trên bàn reo vang. Cánh cửa ở góc phòng hé mở, một sĩ quan cấp tá ló đầu vào, thấy ông Hoàng lại thụt ra. Chờ căn phòng trở lại im lặng hoàn toàn, ông Hoàng mới nói tiếp, vẫn bằng giọng đều đều thường lệ :
-Tôi báo cho cô biết là hồ sơ của cô đã được ban Pháp chế của Sở nghiên cứu. Mặc dầu cô đã làm hư một tiểu tổ quan trọng của Sở khiến một số nhân viên ưu tú bị thiệt mạng, trường hợp cô vẫn được hưởng sự giảm khinh vì trong quá khứ cô đã hoàn tất nhiều công tác nguy hiểm đáng khen, và cũng vì cô xuất thân từ một gia đình gương mẫu, đã hy sinh cho đất nước. Và cũng vì một số nhân viên cao cấp của Sở yêu cầu tôi can thiệp…
Đành rằng nghề điệp báo chỉ được phép dại một lần, lần đầu cũng là lần cuối trong đời, tôi nhận thấy cô không đáng tội. Hầu hết nữ điệp viên từ đông sang tây đều bị ái tình khuất phục. Dầu sao, cô cũng là đàn bà… đàn bà với thiên bẩm mềm yếu, đa cảm và nông nổi… Vì vậy, tôi đã đích thân can thiệp với tòa án. Hôm nay, tôi rất vui mừng được báo tin rằng hồ sơ của cô ở Tân Đề li đã được xếp lại. Thủ tục giấy tờ xong xuôi, cô sẽ được phóng thích vô điều kiện.
Lệ Yên lắp bắp :
-Thưa, tôi được trả tự do ư ?
Ông Hoàng gật đầu, mặt vui vẻ :
-Phải. Chậm lắm là một tuần nữa.
Lệ Yên chắp tay trên đùi, giọng buồn bã :
-Sống một năm trong lao thất, tôi đã hiểu rõ giá trị của tự do. Từ một năm nay, tôi hy vọng được tự do, không phải tự do hoàn toàn mà là tự do hạn chế, tự do nhìn cả bầu trời rộng rãi, tự do nhìn con sông dài, tự do nhìn xe cộ chạy trên đường phố. Vì thưa ông, ở trong này, mảnh trời nhìn qua chấn song sắt rất nhỏ bé, phạm nhân chỉ nghe tiếng xe cộ mà không bao giờ nhìn thấy. Tôi sinh trưởng ở một xứ có nhiều sông mà không bao giờ thấy lại.
Chờ ngày phóng thích, nhiều phạm nhân đã lấy than, hoặc phấn, ghi từng ngày lên tường. Hàng tháng, họ mất ăn, mất ngủ, đợi ngày được tự do ăn, tự do ngủ, và ôm người thân yêu vào lòng. Nhưng thưa ông, từ lúc vào phòng này, từ lúc được hầu chuyện ông, tôi không còn hiểu tự do theo nghĩa chật hẹp ấy nữa.
Ông đã cứu tôi chết đi sống lại, ơn ấy ngàn đời cũng không trả hết. Song tôi không dám nhận ơn ông. Tôi không muốn được phóng thích. Tôi muốn…
Lệ Yên òa khóc như đứa trẻ.
Nàng là người đàn bà không bao giờ khóc trước mặt người lạ, nhất là trước ông Hoàng. Song một mãnh lực kỳ lạ đã bắt nàng khóc nức nở.
Ông Hoàng đứng dậy, tiến lại bên nàng :
-Cô đang cảm xúc mạnh, nên về nghỉ một lát. Thôi chào cô và chúc cô may mắn.
Nàng vụt đứng dậy theo, giọng cương quyết :
-Thưa ông, tôi muốn xin ông một điều.
Ông Hoàng từ từ lau kính cận thị :
-Tôi hiểu rồi. Tôi biết cô muốn gia nhập ban Dịch thủy. Song tôi cần nói rõ cho cô biết là việc này không dính dáng đến việc gác bỏ hồ sơ. Tôi muốn nhân viên của tôi là những người tình nguyện. Tôi không muốn dùng tự do làm phương tiện “săng ta“ bắt cô phải nghe theo.
Nàng thở dài chua chát :
-Thưa ông, tôi đã nghĩ kỹ. Tôi chĩ chịu nhận tự do nếu được thu nhận vào ban Dịch thủy.
Ông Hoàng lắc đầu :
-Nếu vậy, chẳng bao giờ cô toại nguyện. Tôi thẳng thắn bác đơn của cô. Thấy cô chưa đáng tội, tôi can thiệp cho cô, thế thôi. Còn cô muốn nhập ban Dịch thủy lại là chuyện khác.
Mắt Lệ Yên sáng rực :
-Thưa, nghĩa là ông bằng lòng thu nhận ?
-Cái đó còn tùy. Sau khi được phóng thích, nếu cô còn muốn mạo hiểm, muốn giúp ích cho quốc gia, thì đến tôi. Tôi sẽ sẵn sàng tiếp cô và cứu xét lời yêu cầu của cô…
Thế rồi ông Hoàng ra ngoài. Còn lại một mình trong gian phòng trống trơn, Lệ Yên lại ngồi khóc nức nở.
Như lời ông Hoàng, một tuần sau Lệ Yên được trả tự do. Ra khỏi khám, nàng không về qua nhà mà đi thẳng lên trụ sở Mật Vụ. Và ông Hoàng phái nàng lên Nam vang.
Lệ Yên có mặt tại xứ Chùa Tháp vừa đúng ba ngày. Ngày cũng như đêm, lời dặn của ông tổng giám đốc vẫn văng vẳng bên tai nàng :
-Cô đã học lớp huấn luyện về chất nổ tất biết vụ Stephan. Trên thế giới, chưa ai gỡ mìn giỏi bằng Stephan. Song rốt cuộc, y bị thiệt mạng vì một trái lựu đạn tầm thường (1). Làm nhân viên điệp báo, nhất là nhân viên trong ban Dịch thủy, cũng như chuyên gia tháo ngòi nổ Stephan. Thật vậy, trong chuyến đi Nam vang này, cô sẽ gặp nguy hiểm hàng ngày, song tôi chưa thể đoán trước thành công hay thất bại. Năm 1957, Stephan đã tử thương sau 8.000 lần gỡ ngòi mìn. Dầu sao, đây mới là công tác thứ tư của cô từ ngày cô gia nhập ngành điệp báo hoạt động…
Lệ Yên định nhờ ông Hoàng một việc, song lại nín thinh. Nàng cảm thấy không được quyền phiền nhiễu ông tổng giám đốc nữa. Nàng quyết lập công chuộc tội.
Và nàng đã nắm được đầu mối. Một đầu mối vô cùng quan trọng. Đêm nay nàng phải báo cáo với ông Hoàng.
Bóng tối câm đặc phủ kín căn phòng khách sạn.
Trời mùa hạ ở Nam vang nóng bức một cách lạ lùng. Tuy nhiên, Lệ Yên cảm thấy lạnh. Một hơi lạnh ghê gớm từ trong lòng tỏa ra, hòa hợp với hơi lạnh thần bí bên ngoài.
Hơi lạnh này là linh tính báo hiệu nguy hiểm. Nàng vùng đứng dậy song không kịp nữa. Nàng chỉ nghe những tiếng bụp bụp nho nhỏ. Trong chớp mắt, nàng có cảm giác là một trái bom lớn đang nổ vang trong phòng, nghiến thân thể nàng ra thành nhiều mảnh vụn.
Hồn nàng từ từ thoát ra khỏi xác, chơi vơi trên tầng không. Thế là hết. Điệp viên Lệ Yên của ông Hoàng đã bị hạ sát bằng đạn độc dược xy a nuya (2).
***
Văn phòng ông Hoàng chìm trong bóng tối câm đặc.
Nhưng chỉ một phút sau, ánh sáng được phục hồi. Một ngọn đèn bí mật gắn trong tường tỏa ra những tia vàng soi mói.
Văn Bình đứng sừng sững giữa phòng như thiên thần, khẩu súng lục bá phát bá trúng nằm gọn trong tay không biết từ lúc nào. Ông Hoàng lẳng lặng ngồi dậy, phủi lại bộ y phục dính bụi, đoạn dựng cái ghế bành bị lật đổ lên ngồi. Dường như vụ nổ ghê gớm không làm ông bận tâm.
Nhìn họng súng đen ngòm của Văn Bình, ông tổng giám đốc mỉm cười :
-Anh yên tâm. Không sao đâu.
Cất khẩu Luger quen thuộc vào túi, Văn Bình hỏi :
-Thưa, có lẽ bom nổ ?
Ông Hoàng nhún vai :
-Dĩ nhiên.
-Trời ơi, người ta mưu sát ông mà ông điềm nhiên được ư ?
-Tôi đã dự tính kỹ càng rồi. Làm nghề như tôi thì bị mưu sát bằng chất nổ là thường. Họ không ngờ rằng những bức tường xiêu vẹo của tòa nhà mỏng manh này được bọc thép dầy, đạn bắn không thủng. Trừ phi bom 500 ký rơi đúng giữa nhà mới hy vọng làm tôi bị thương. Gần đây, họ tìm cách giết tôi ráo riết vì mấy tháng nữa Sở sẽ dọn lên tòa nhà đồ sộ ở đại lộ Nguyễn Huệ. Trụ sở mới này được xây cất kiên cố như tổng hành doanh CIA ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, tôi còn có trụ sở gần Tân sơn nhất. Tuần sau tôi sẽ về đấy ở tạm.
Cửa mở tung. Lê Diệp và Nguyên Hương bước vào. Ông Hoàng xua tay :
-Tôi đang bận.
Lê Diệp đeo khẩu tiểu liên lên vai :
-Thưa, họ cho nổ bằng mìn định hướng. May không ai chết. Chỉ có 3 vệ sĩ bị thương nhẹ.
Dường như không nghe tiếng Lê Diệp nói, ông Hoàng ngoảnh ra phía Văn Bình :
-Nào, ta bắt đầu vào việc. Lần này, anh sẽ đi Cao Miên.
Văn Bình hừ một tiếng rồi phản đối :
-Tôi chán ngấy Nam vang lắm rồi, xin ông…
-Anh sẽ không chán ngấy nữa đâu.
Ông tổng giám đốc rút trong ô kéo ra một cặp bìa dày màu đen, trên đề 4 chữ màu trắng : Kế hoạch Xúc xắc. Ông lấy ra một phong bì màu vàng, đưa cho Văn Bình :
-Đó. Anh mở đọc sẽ biết.
Văn Bình mở phong bì, kéo ra ba mảnh báo cắt còn thơm mùi mực. Mảnh thứ nhất cắt trong một nhật báo Pháp ngữ xuất bản tại Nam vang. Nội dung như sau :
“Một thương gia người Việt bị hạ sát. Hung thủ vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.
Đường Phsar Dék đêm qua là sân khấu của một vụ án mạng rùng rợn. Nạn nhân là Trần Phương, thương gia người Việt trên 30 tuổi, từ Sàigòn lên Nam vang từ nửa tháng nay.
Nội vụ diễn ra như phim chiếu bóng.
Hồi 2g14 đêm qua, cảnh sát viên Oumin đi tuần thường lệ qua đường Phsar Dék, tới một khoảng tối gần khiêu vũ trường Dạ Lạc, đột nhiên đụng phải một xác người nằm sóng sượt trên vỉa hè.
Nạn nhân tắt thở từ nhiều giờ trước vì hai phát đạn, một xuyên qua màng tang bên phải, chạy ra phía trước làm bắn tung chất óc, một vào ngực, cách tim 2 phân. Được cấp báo, nhà chức trách đã đến tận nơi làm biên bản và mở cuộc điều tra.
Nạn nhân mặc sơ mi ngắn tay, đeo đồng hồ Uy le ở tay trái. Nhà chức trách tìm thấy hai vỏ đạn 9 li gần thi thể nạn nhân. Hung thủ đã bắn gần nạn nhân từ 15 đến 20 phân tây vì quanh vết thương còn đen sạm thuốc súng loang lổ.
Luật y khám nghiệm cho biết nạn nhân bị giết vào khoảng 12 giờ đêm, căn cứ vào thức ăn còn đọng trong ruột.
Trong người nạn nhân, ngoài giấy tờ căn cước và một số lớn tiền riel, người ta còn tìm thấy một cái mù soa hồng tẩm nước hoa, chắc của một người đàn bà tầm thường vì là nước hoa rẻ tiền. Một nguồn tin thành thạo tiết lộ rằng nạn nhân còn mang trong bóp phơi một số lớn ngoại tệ gồm đồng kíp Lào và đô la Mỹ.
Căn cứ vào số tiền nhập lậu này, người ta tin rằng Trần Phương không phải là một thương gia đứng đắn, có lẽ chuyên nghề chợ đen hơn là kinh doanh lương thiện. Vì tiền nong còn nguyên nên nhà chức trách cho đây là một vụ thanh toán giữa giới buôn lậu quốc tế. Cũng có giả thuyết cho đây là thanh toán ái tình. Theo lời khai của Tim Dong, bồi phòng lữ quán Melody, nơi Trần Phương trú ngụ, nạn nhân thường tiếp đàn bà rất khuya, và bạn gái của nạn nhân đều là vũ nữ thành tích bất hảo.
Hiện cuộc điều tra đang tiến hành ráo riết. Được tin thêm, bản báo sẽ đang tiếp…”
Văn Bình buông mảnh báo xuống bàn, vẻ mặt thản nhiên. Trong đời, chàng đã đọc hàng trăm mẩu tin ám sát tương tự. Nhân viên điệp báo bị đối phương hạ sát rồi quăng xác trên vỉa hè là chuyện quá thông thường, chàng nghe mãi nhàm tai. Vốn thích những sinh hoạt sống động, Văn Bình có cảm tưởng cái được ông Hoàng mệnh danh long trọng là Kế hoạch Xúc xắc thật ra chỉ là một chuyến điều tra buồn như trấu cắn. Việc dễ dàng, việc tẻ ngắt, xin ông tổng giám đốc giao cho người khác.
Dường như đọc được tư tưởng của chàng, ông Hoàng đặt điếu xì gà vào đĩa đựng tàn, giọng ý nhị :
-Anh đừng tưởng đây là một chuyến đổi gió. Nhân viên trong Sở hàng trăm người, việc tầm thường tôi đã không triệu anh về. Điệp báo là nghề của những người có giác quan thứ sáu. Tôi có linh tính là cái chết của Trần Phương là đầu mối của một vụ quan trọng.
-Trần Phương là điệp viên hành động ?
-Đúng hơn, Trần Phương là nhân viên trong ban tập sự XX. Từ ít lâu nay, tôi bắt chước chương trình thực tập của CIA cho nhân viên tập sự xuất ngoại. Chương trình JOT của CIA (3) chỉ được thu hẹp trong một số tiẻu bang Mỹ, nghĩa là trên đất nhà, nên sự thực tập còn thiếu tính chất sống động. Tôi lại cho nhân viên XX ra nước ngoài thực tập. Vì vậy, Trần Phương được phái lên Nam vang.
-Hừ, nếu Trần Phương là nhân viên XX thì tôi lạy cả tơi lẫn nón. Mấy ông bà tập sự này nhiều chuyện lắm. Không khéo Trần Phương bị hạ sát vì buôn lậu hoặc vì tình cũng nên.
-Hắn không có một đồng kíp nào khi rời Sàigòn. Về đô la thì chỉ có 2 tấm xéc du lịch thế thôi. Trước khi lên đường, hắn đã được lục soát cẩn thận. Mục đích của cuộc lục soat không phải để tìm ngoại tệ mà là đảm bảo cho Trần Phương không để sót giấy tờ quan trọng nào trong người.
-Hoàng kim hắc thế nhân tâm, có thể hắn lợi dụng cơ hội để buôn lậu.
-Tôi không tin. Hắn không thể dính líu vào hoạt động buôn lậu ngoại tệ. Vả lại, dầu hắn muốn cũng khó vì giá bạc ở Nam vang xấp xỉ với giá bạc ở Sàigòn.
-Nhưng còn tiền kíp ?
-Kíp là một thứ tiền ít có giá trị hối đoái quốc tế. Đồng bạc kíp lại đang bị phá giá.
-Thưa, còn cái khăn hồng nữa ?
-Đúng thế. Trần Phương khó thể bị giết vì tình vì hơn ai hết, tôi biết hắn không thích đàn bà.
-Lạ nhỉ ?
-Tôi không muốn nói nhiều, anh tự tìm hiểu thì hơn. Chắc phải có lý do quan trọng nào người ta mới ngụy trang vụ án mạng nghề nghiệp thành thanh toán buôn lậu hoặc ái tình.
-Trần Phương là nhân viên tập sự, tôi không tin đối phương sợ hắn đến mức phải hạ sát tàn nhẫn.
-Tôi cũng nghĩ như anh. Trần Phương đi Nam vang để tập quen với không khí hoạt động bên ấy. Ngoài ra, không được giao một công tác nào. Như thường lệ, hắn liên lạc với tôi hàng ngày bằng đIện đài. Đột nhiên, hắn báo cáo là vừa phăng ra một đầu mối quan trọng.
-Một kế hoạch của địch ?
-Thú thật với anh, tôi chưa biết gì cả. Mỗi đêm, hắn liên lạc vô tuyến với tôi vào lúc 2g15. Nếu lỡ hẹn, hắn phải tiếp tục vào lúc 3g25. Đêm ấy, hắn chuyển cho tôi một bức điện ngắn nói là có chuyện quan trọng, và hẹn đến 3g25 sẽ trình thêm chi tiết. Nhưng đến 3g25, điện đài của hắn im bặt. Nhân viên của Sở chờ hắn suốt đêm. Tôi bèn sai phái một nhân viên khác lên Nam vang tiếp tay cho Trần Phương. Nhân viên tên Đoàn Lượng.
-Song Trần Phương đã chết trước khi Đoàn Lượng có mặt ?
-Đúng. Phi cơ vừa cất cánh ở Tân sơn nhất thì tôi được tin Trần Phương thiệt mạng.
-Đoàn Lượng khám phá ra đầu mối nào chưa ?
-Chưa.
-Ồ, tôi không thích làm việc với một nhân viên tập sự. Nêế ông muốn tôi cất công lên xứ Chùa Tháp thì phải kéo anh chàng giá túi áo cơm Đoàn Lượng về Sàigòn.
-Đoàn Lượng không thể về được nữa.
-Bị giết ?
-Phải, bị giết.
-Cũng như Trần Phương, bị bắn chết dọc đường, và có ngoại tệ, khăn mù soa hồng trong bóp phơi ?
-Hơi khác hơn. Lần này, là tai nạn xe hơi.
Nói đoạn ông Hoàng đưa cho Văn Bình mảnh báo cắt thứ hai vứt trên bàn. Đó là một mẩu tin ngắn vô nghĩa đăng trên một tờ báo Miên :
«Lại một vụ lái xe ẩu. Một khách bộ hành bị cán chết trên đại lộ Khemarak Phoumin. Chiếc xe sát nhân đã trốn trong đêm tối.
Hồi nửa đêm qua, một người Việt tên là Đoàn Lượng, từ Sàigòn lên, đã bị cán tử thương trên rukhak vithei Khemarak Phoumin. Nạn nhân bị càng xe húc nát ngực, và bánh xe nghiến vỡ sọ, chết tại chỗ không kịp trối.
Su khi tai nạn chết người, tài xế đã tắt đèn, xả ga trốn mất. cảnh sát viên Phan Sít huýt còi bắt xe ngừng lại người vô hiệu. Chiếc xe sát nhân sơn màu đen, hiệu Chevrolet, đời 50-51.
Căn cứ vào miệng và quần áo sặc sụa hơi rượu, người ta cho rằng nạn nhân Đoàn Lượng say rượu, đang đi loạng choạng giữa đường thì ngộ nạn. Nhưng cũng có thể nạn nhân bị tài xế say rượu hoặc non tay lái cán chết. Cuộc điều tra đang tiếp diễn. »
Văn Bình chắt lưỡi :
-Hừ, cuộc điều tra đang tiếp diễn ! Theo tôi, đến thế kỷ thứ 21 họ cũng không tìm ra kết quả.
Ông Hoàng đẩy chai huýt ky mới khui lại gần Văn Bình :
-Chính thề. Từ xưa đến nay, công an Nam vang vẫn được tiếng là chậm như rùa. Vả lại, nếu Trần Phương và Đoàn Lượng bị địch sát hại thì họ khó thể tìm ra bằng cớ. Hoặc họ tìm ra nữa thì cũng chẳng đi tới đâu. Vì chế độ của ông hoàng Sihanúc không mấy thân thiện với Sàigòn.
-Hoặc biết đâu trong nội vụ có bàn tay của Phản Gián Miên ?
-Vì thế, phải cần tới anh. Theo nguyên tắc, có lửa mới có khói, nhưng trong vụ này, chúng ta chưa thấy gì hết. Trần Phương và Đoàn Lượng là nhân viên tập sự không đáng cho đối phương bố trí hạ sát. Trừ phi Phương và Lượng khám phá ra một bí mật ghê gớm.
-Thưa, tôi đi ngay bây giờ ?
-Đi ngay. Một nữ nhân viên đang chờ anh tại Nam vang. Anh còn nhớ cô Lệ Yên ở tòa Tổng lãnh sự Tân Đề li không ?
-Thưa nhớ. Nếu tôi không lầm, Lệ Yên đang nằm khám chờ ngày ra tòa lãnh án.
-Không, nàng đã được phóng thích. Do tôi can thiệp.
-Trời; ông định dùng nàng làm mồi ư ?
-Anh đã hiểu được nội tâm tôi. Tôi dùng Lệ Yên để thử lại bài toán. Nàng sẽ ra mặt hoạt động, còn anh núp trong bóng tối, đến khi nắm được đầu đuôi mới xuất đầu lộ diện.
-Nhưng…
Văn Bình ngừng bặt. Chuông điện thoại reo vang. Cầm lên nghe, ông Hoàng bỗng cau mặt.
Giọng ông trở nên nghiêm trọng :
-Chắc không ?
Trong điện thoại vẳng ra giọng nói chắc nịch :
-Thưa chắc.
Quay lại, ông Hoàng dằn từng tiếng một :
-Lệ Yên bị giết rồi.
Văn Bình đứng dậy :
-Ba nhân viên của Sở bị giết trong vòng nửa tháng. Như vậy kể cũng hơi nhiều.
-Có thể địch giết nhân viên tập sự để nhử mồi ta. Họ biết tôi sẽ cử anh lên. Thú thật là tôi không muốn xa anh. Anh cần sống vì chúng ta còn rất nhiều việc quan trọng phải làm trong tương lai gần.
-Thưa, tôi lên Nam vang bằng phương tiện gì ?
-Anh không đáp máy bay như Trần Phương, Đoàn Lượng và Lệ Yên mà đi đường bộ. Xe hàng Đức Lịch sắp khởi hành trong vòng một giờ.
Đưa tận tay Văn Bình một cái phong bì lớn, ông tổng giám đốc tiếp :
-Đây vé xe hàng, và giấy tờ tùy thân, sổ thông hành cũng như dấu chiếu khán đều thật trăm phần trăm. Tên Phạm Hùng trong căn cưóc cũng là thật. Phạm Hùng bằng xương bằng thịt đang còn sống…
Văn Bình chắt lưỡi :
-Hân hạnh. Lần này, được đội tên phó Thủ tướng Bắc Việt.
Mặt đang nghiêm nghị, ông tổng giám đốc trỏ nên vui vẻ :
-Không. Phạm Hùng ở đây không phải là phó Thủ tướng Bắc Việt; mà là một thương gia tầm thường ở Đà Nẵng. Mọi lần, anh cải trang làm ký giả, y sĩ, nhà khoa học, lần này… tôi rất tiếc phải yêu cầu anh đội lốt lái buôn bò…
-Trời ơi, bộ mã tôi buôn bò sao được ?
-Anh ráng tập làm nghề này cho quen. Bò dạo này hiếm, nhiều nhà buôn đổ xô lên xứ Chùa Tháp vì trên ấy rẻ và dễ mua hơn. Anh mang căn cước lái buôn bò sẽ không sợ đối phương để ý. Ngoài ra, tôi cần lưu ý anh về địa chỉ Phạm Hùng…Trong trường hợp đối phương nghi ngờ, họ sẽ nhờ đồng lõa ở đây điều tra ngầm. Tôi biết họ có một nhân viên ở Đà Nẵng. Nhân viên này là nhị trùng, tuyệt đối trung thành với ta nên anh khỏi lo.
-Thưa, tại sao tôi đi xe đò ?
-Hầu hết nhà buôn đều dùng xe đò. Vả lại, tôi được tin đối phương có tai mắt ở phi trường. Như thường lệ, anh có hai căn cước. Nếu vì lý do nào đó căn cước nhà buôn không dùng được, anh sẽ lấy căn cước một tên anh chị trốn lên Nam vang hoạt động. Tiểu sử hai người này, anh sẽ đọc kỹ và học thuộc trên đường ra bến xe. Về tiền…
-Thưa, tôi sẽ cố gắng dè xẻn.
-Cám ơn anh đã hiểu rõ ý tôi. Song tôi sợ anh chưa hiểu biết hết nên cần giải thích thêm. Trong quá khứ, anh thường được hoàn toàn tự do về vấn đề chi phí, chưa bao giờ tôi thắc mắc về cách tiêu tiền của anh. Tuy đôi khi anh vung bạc vạn trong một bữa ăn, tôi cũng cho là hợp lý vì sự thành công của anh đáng giá gấp vạn, gấp triệu lần như vậy. Vả lại, anh có quyền tiêu xài riêng, anh đã mang lại cho Sở những món tiền khổng lồ. Nhưng lần này, Sở bị kẹt.
-Thưa, tôi sẽ tiếp xúc với ai ?
-Z.100. Một nữ nhân viên trong ban XX.
Lại đàn bà… Văn Bình định reo lên “vạn tuế đàn bà“để khôi hài với ông tổng giám đốc, song phải nín thinh vì ông Hoàng đã tiếp :
-Cái khổ của tôi là trong giai đoạn này chỉ có thể dùng nhân viên tập sự XX trên đất Cao Miên. Song anh yên tâm, Z.100 là người có bản lãnh khá già dặn.
-Nàng già hay trẻ, thưa ông ?
-Hừ, mục đích của anh chỉ cần biết đàn bà già hay trẻ mà thôi. Lên đến nơi, anh sẽ biết. Nhưng anh coi chừng đấy. Đàn bà vốn là gai độc. Gai độc lần này sẽ độc hơn nhiều lần trước. Nhân tiện, tôi muốn dặn thêm anh điều này nữa… một điều ít khi tôi nói vì tôi biết anh là điệp viên thương thặng.
Bang giao giữa ta với ông hoàng Sihanúc không tốt đẹp lắm đâu. Một chuyện nhò bé có thể bị họ xé to với ẩn ý phản tuyên truyêề. Trong lúc này, chúng ta hoạt động như người làm xiệc trên giây kẽm, sơ ý một chút là mất thăng bằng, và mất thăng bằng là té gãy xương. Sở Mật Vụ là một cơ quan ma, không được chính quyền nhìn nhận…
-Và Z.28 cũng vậy.
-Đúng. Anh sẽ phải hoạt động một mình, không thể nhờ tòa tổng lãnh sự. Còn nếu chẳng may… Song tôi không tin là đối phương triệt hạ được anh. Miễn hồ anh thận trọng trong khi giao du với phụ nữ. Xong rồi, anh còn hỏi điều nào nữa không ?
Sửa soạn đứng dậy, bắt tay ông tổng giám đốc, Văn Bình sực nhớ danh từ rí rỏm được dùng đặt tên cho công tác chàng sắp thi hành “kế hoạch xúc xắc”. Chàng bèn mỉm cười tủm tỉm :
-Thưa, tại sao ông lại mệnh danh chuyến đi này là “xúc xắc” ?
Ông Hoàng cũng tủm tỉm cười lại :
-Vì nhiều lý do. Xúc xắc vì hầu hết nhân viên liên hệ đến công tác này đề thuộc ban XX, xúc xắc, ví như nữ nhân viên XX Kiều Nga đã bày ra trò chơi xúc xắc để lừa gạt anh ở Huế.
Song lý do quan trọng nhất là do xuất xứ của môn chơi xúc xắc. Như anh đã hiểu xúc xắc là môn chơi có từ thượng cổ. Có thể coi xúc xắc là môn chơi cũ xưa nhất trên thế giới. Dưới thế gian này, anh có biết môn giải trí nào được Thượng đế đặt ra trước tiên, và ở đâu cũng có hay không ?
Văn Bình thở phào :
-Thưa, đàn bà…
Ông Hoàng từ từ đứng dậy :
-Phải, đàn bà… đàn bà đẹp. Đàn bà đẹp đã làm hàng trăm bậc vĩ nhân từ đông sang tây bị lụy.
-Thưa, tôi không phải là vĩ nhân…
-Nhưng anh là phần tử xuất sắc trong làng điệp báo quốc tế. Phen này, anh sẽ gặp đàn bà. Rất nhiều đàn bà. Cuộc chơi xúc xắc nói dối với Kiều Nga ở Huế là một phương pháp trắc nghiệm. Kết quả là anh bị dêrô. Một con dêrô vĩ đại. Anh đã sa bẫy Kiều Nga. Tôi hy vọng con số dêrô này sẽ giúp anh tỉnh táo hơn nữa.
Mặt Văn Bình xa xầm. Biết chàng ngượng ngùng, ông Hoàng quay lưng lại giả vờ nhìn lên tấm bản đồ thế giới đồ sộ treo trên tường.
Cánh cửa điện từ từ đóng lại.
Nguyên Hương, cô bí thư trưởng duyên dáng, hay hờn mát, đã biến từ bao giờ, nhường chỗ cho một hộ vệ viên cao lớn, lì lợm của ông tổng giám đốc.
Điệp viên Z.28 thản nhiên mở cửa, trèo lên xe, rú ga phóng một mạch.
Chú thích:
(1) kỷ lục tháo gỡ ngòi bom được Werner Stephan phá rong thời gian 12 năm từ 1915 đến 1957 tại Tây Bá linh. Sau khi tháo gỡ 8.000 trái bom không bị hề hấn, Stephan bị tử thương ngày 17-8-1958 vì một trái lựu đạn nhỏ nổ tại Grunewald.
(2) loại súng bắn bằng đạn xy a nuya đã được điệp viên KGB xử dụng tại Âu châu. Xin xem hình khẩu súng đặc biệt này trong “Bạn muốn thành Gián điệp?” đã phát hành, cũng của Người Thứ Tám.
(3) JOT là Junior Office Training, chương trình huấn luyện nhân viên điệp báo trung cấp của CIA (Central Intelligence Agency).