Đinh hương trầm cổ - Chương 04
CÁI BƯNG NỔNG
Ngày đăng 28-12-2015
Tổng cộng 6 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 5325 lượt xem
Mấy ngày hôm nay Thằng Tư ngố bận việc túi bụi. Nó nhớ lại lời nói thằng Tý mà mừng rơn trong lòng. Riêng thằng Sửu đen lại nói chắc như đóng đinh:
- Mày cứ việc ngày ngày trông chừng anh Út, xem đi đâu, làm gì. Nhớ là chỉ lén xem thôi đó! Để ảnh mà bắt gặp lại dời kho báu, chẳng chịu chia cho tụi mình. Lúc được của, tao chia cho mày nhiều nhất.
Thằng Tý đứng cạnh bên cười toe toét, nói đế vào:
- Mày canh ban ngày. Buổi tối là phần tụi tao. Nếu như thành công, tao nhất định đòi cho mày một cái áo có đầy chim cò, cực đẹp…
Đấy! Đấy chính là lý do mà nó đội nắng, đứng sau các lùm cây trâm bầu, mặc cho kiến vàng cắn. Thằng Tư tự nhủ: “Để mấy con kiến cắn chút xíu có nhằm nhò gì. Cái cốt lõi là được cái áo cơ! Mà được cái áo, đúng là mấy con kiến trở nên nhỏ xíu…”
Thằng Tư làm nhiệm vụ đúng hai ngày thì nhớ ra một việc. “Sao mình ngố thế! Tụi nó bắt mình canh ban ngày, còn buổi tối chúng nó làm gì mình đâu được biết. Vậy, có khi nào tìm được kho báu, hai thằng nó giấu mất, không chia cho mình?”
Nghĩ vậy, thằng Tư tự đề cho mình một nhiệm vụ nữa là đi rình thằng Tý và thằng Sửu, xem chúng nó làm gì lúc tối trời kia…
Buổi chiều hôm ấy thằng Tý lại chạy sang nhà thằng Sửu để thống nhất kế hoạch “phục kích bắt quả tang”. Hai đứa nó quyết định đêm nay phải thu được kết quả tốt, khi thông tin từ Ngọc sún cho hay: “anh Út lại về bên nhà”…
Từ lúc chạng vạng, hai thằng đã trang bị bộ đồ tối màu như ninja. Mặt thì dùng lọ nghẹ kéo mấy đường như lính thủy đánh bộ. Sau đó hai thằng chờ trời tối hẳn mới lên đường xuống xóm dưới. Trước khi đi thằng Tý còn với tay lấy một cái nón lá mang theo. Nó nói với thằng Sửu là để phòng khi có việc cần…
Cái đống rơm hôm nào lại trở thành tổng hành dinh của hai thằng nhóc. Hai đứa nó rút mình sâu vào đụn rơm, chỉ chừa đôi mắt sáng quắc hướng về cái sân trước nhà anh Út.
Trời khuya dần. Sương bắt đầu tỏa lên các ngọn cây. Cái cánh cửa trước mắt tụi nó vẫn im lìm không chịu mở ra.
Thằng Sửu cựa mình thì thào:
- Hôm nay chắc không xong rồi. Hay tụi mình về đi, hôm khác lại xuống…
Tý còng vừa muốn gật đầu đồng ý thì vội ra hiệu cho thằng Sửu cúi thấp xuống. Nó vừa phát hiện cái bóng của anh Út lướt nhẹ ra phía sau nhà. Hai đứa chưa dám đi theo liền, chờ một lúc rồi mới khẽ khàng men theo…
Lần này anh Út đi ra ruộng, nhưng hướng đi không giống lần trước. Thằng Tý phát hiện ra chòm dừa nước trước mặt, nên thì thào với thằng Sửu:
- Hình như anh ấy đi ra hướng cái “bưng nổng”…
Ở làng tụi nó có một nơi đất trũng thấp, mọc rất nhiều dừa nước xung quanh. Ở giữa nơi này nổi lên một gò đất, nên mọi người cứ gọi là cái “bưng nổng”. Vì được mấy con kênh chảy qua nên dừa nước ở đây mọc rất tươi tốt. Chúng nó nhảy mãi ra, rồi sau đó trở thành rừng lúc nào không hay. Dừa mọc san sát, đan ken vào nhau, đến độ không còn ai nghĩ đến chuyện bước vào nơi đây. Địa danh này sau đó trở thành lãnh địa của lũ thòi lòi và hàng đàn cua còng nối nhau đi kiếm ăn…
Vừa ra khỏi chân vườn, thằng Sửu chợt quay ngoắt lại phía sau. Nó thoáng thấy một bóng người cúi xuống sau một gốc dừa. Trời ơi! Lại là thằng Tư ngố. Nó mà đi theo thì mọi việc lại hỏng bét…
Thằng Sửu chưa biết giải quyết ra sao thì thằng Tý bỗng xách chiếc nón lá chạy lại một bụi lùn cạnh bên. Nó úp cái nón xuống đất rồi nói vừa đủ cho thằng Sửu nghe.
- Tao bắt được nó rồi! Mày giữa đó, chờ tao đi lấy dây chuối buộc lại…
Thằng Sửu còn chưa hiểu việc gì, đã nghe tiếng thằng Tư ngố vang lên:
- Bắt được con gì thế? Cho tao xem với.
Sửu đen đã lờ mờ đoán được ý định của thằng Tý. Nó cười khẽ:
- Là con chồn. Tý, mày đi lấy dây mau lên…
Thằng Tư ngố chen vào giành phần:
- Hai đứa bây đi lấy dây đi. Để tao giữ nó cho.
- Mày không làm được đâu. Sổng mất thì tiếc lắm!
Giọng thằng Tư ngố đầy quyết tâm:
- Được, được. Tao làm được mà…
Thằng Tý nheo mắt ngó thằng Sửu mà cười:
- Mày làm sẩy, tụi tao bắt đền đó nha.
- Ừ! Thì đền. Mất tao đền cho.
Thằng Tý kéo vội thằng Sửu nhằm hướng cái bóng của anh Út chạy miết. Như vậy là tụi nó đã thoát được sự đeo bám của thằng Tư ngố một cách êm ru bà rù…
Anh Út đi đến cái bưng nổng thì mất dạng, dù thằng Tý và thằng Sửu đã hết sức chạy theo. Lúc này xung quanh toàn dừa nước, cây nào cũng giống cây nào, làm sao tìm được dấu. Chán nản hai đứa đành kéo nhau trở lại chỗ thằng Tư ngố. Mặc dù trời tối, hai thằng vẫn thấy cái bóng thằng Tư loay hoay bên cái nón lá…
- Mày làm sẩy mất nó rồi chứ gì?
- Hổng dám đâu. Từ nãy giờ tao có dám lơi tay đâu. Tụi bây xem, quần tao ướt hết rồi nè!
Thằng Tý còng kinh ngạc thốt lên:
- Trời đất! Quần mày sao lại bị ướt?
Thằng Tư ngố bây giờ mới mếu máo:
- Tại tao mắc đái, lại sợ sẩy mất con chồn nên phải “tè” đại chứ sao…
Thằng Sửu nghe đến đây liền ôm đầu kêu trời.
- Vậy là chốc nữa tụi tao lại phải hong quần cho mày nữa sao…!
Tý còng bước lại nhặt cái nón lên, miệng cười tủm tỉm:
- Thôi đi về. Đằng nào mày cũng để sẩy nó mất rồi!
Câu nói này khiến thằng Tư tức tối mãi. Nó một mực cương quyết và thề thốt đến cùng là mình không hề hở tay từ lúc nãy cho tới bây giờ…
Tối đó thằng Tư khăng khăng đòi ngủ lại nhà thằng Sửu. Nó mượn được cái quần có lắm hoa văn của bạn nên nhất định không chịu về. Tụi nó ở chung một xóm, nên việc ngủ lại nhà nhau là bình thường, không sợ người nhà đi tìm kiếm, la lối chi hết. Thằng Sửu đen biết vậy nên chấp nhận luôn…
Ngày hôm sau thằng Sửu rủ thằng Tý trở lại cái bưng nổng. Nó nghĩ mãi từ đêm, anh Út nếu đi vào bưng nổng thì không thể xóa hết được dấu. Nếu lội dưới bùn thế nào cũng để lại dấu chân. Còn như ảnh chuyền bập dừa để đi, vẫn có cách tìm ra được. Những cái bập dừa bị vạt xéo để lấy tàu, lâu ngày nước mưa làm đầu mục dần. Nếu leo lên đó mà đi, đầu bập dừa sẽ giập gãy, vẫn còn dấu vết cho người ta theo được. Chính vì vậy sáng ngày nó đã hăm hở kéo thằng Tý ra hiện trường để lần tìm manh mối. Nhưng khi đứng trước một rừng dừa nước trải rộng, mới biết việc này không dễ chút nào. Loay hoay một lúc tụi nó mới tìm thấy dấu chân trên mấy đầu bập dừa, nhưng vết chân lúc quẹo phải, lúc quanh trái, sau đó thì mất hút…
Thằng Tý, chân đứng trên bập dừa, mắt nhìn quanh quất hồi lâu rồi thở dài:
- Như thế này thật khó lần ra dấu! Nếu như anh Út dùng tay để chuyền theo cành, mình đành chịu thua…
- Mày đừng nản chí! Cái gì cũng có chỗ sơ hở của nó. Nếu chuyền tay… cũng phải đu theo tàu. Như vậy, thế nào lá dừa cũng bị giập đâu đó…
Nó nói đến đây, mắt liền dáo dác nhìn quanh. Thấp thoáng trong dãy dừa xanh, có nhiều chiếc lá bị gãy gục, đu đưa theo gió…
- Nó kia rồi! Biết ngay mà…
Thằng Sửu chuyển người, băng vào rừng dừa nước. Dưới chân nó từng đàn thòi lòi hốt hoảng kéo nhau bỏ chạy. Mấy con cua, con còng đang bò trên các bãi cạn, thấy động liền chạy nấp vào các hang hốc gần đấy.
Tý còng nhìn thấy cảnh tượng vui nhộn, bật cười hinh hích.
- Mày đang cười họ hàng nhà mình đó hả? Toàn là còng gió cả thôi mà…
Sửu đen miệng nói, nhưng tay vẫn liên tục chuyền theo các tàu dừa, đi càng lúc càng sâu vào trong…
Sâu trong rừng dừa xuất hiện cái nổng đất mọc đầy cỏ dại. Đến đây thì cuộc phiêu lưu của thằng Tý và thằng Sửu kết thúc. Nhìn khắp xung quanh chẳng có điều gì khả nghi, chẳng có gì mách bảo cái đỉnh hương trầm được giấu ở đây. Gió đồng sâu cất cao khúc hát rì rào muôn thuở của mình, như nói với hai chú nhóc về sự sâu kín, vắng lặng của một vùng đất đã lâu rồi không ai bước tới…
Cực kỳ thất vọng, thằng Tý nhìn bạn như dò hỏi. Không lẽ tụi nó đã nghi oan cho anh Út, khi nghi ngờ cái đỉnh hương đồng được giấu tại đây. Thật ra câu chuyện trong buổi tối hôm ấy, chưa thật sự rõ ràng. Chưa có gì cụ thể trong câu nói của người đàn ông lạ, khi nhắc đến khoản tiền nợ, và thái độ bất bình khiến anh Út trở thành kẻ đáng nghi trong vụ án lạ kỳ…
Lúc đến đây cả thằng Tý và thằng Sửu đều nghĩ, nếu như tụi nó tìm được cái đỉnh hương đồng là vụ án đã kết thúc. Người đàn ông lạ chính là kẻ chủ mưu khi dùng số tiền cha mẹ anh Út đã nợ, ép anh thực hiện ý định đánh cắp đỉnh hương trầm. Và theo như cuộc nói chuyện mà tụi nó rình nghe được, cái đỉnh hương đồng nhất định còn giấu quanh đây.
- Tao thấy, có khi nào mình lạc hướng rồi không? Anh Út rõ ràng đã đến đây, nhưng biết đâu là đi bắt cá bống hay đùa giỡn với cua còng thì sao?
Thằng Sửu lập tức cự lại:
- Không ai đi bắt cá bống như mày nghĩ đâu! Bắt cá bống mà giống như đi tìm kho báu không bằng…
- Mày đa nghi, coi chừng thành Tào Tháo, ghép tội oan cho người tốt đó nghe!
Thằng Sửu đen đứng chết lặng, trong khi thằng Tý vẫn thao thao cái lý luận của mình.
- Hay là… mình chuyển hướng theo dõi người đàn ông lạ xem sao? Ông ta là ai, đến đây làm gì, nào ai biết? Có khi ông ta mượn cớ cho vay tiền, tìm hiểu điều gì về nhà ông Sáu thì sao…
Thằng Sửu bây giờ mới thở dài:
- Mày nói cũng có lý. Thôi mình quay về vậy!
Thằng Sửu ra về mà trong lòng còn tấm tức. Nó không nói cho thằng Tý biết nhưng trong lòng đã chuẩn bị một phương án cho riêng mình…
Tối đó thằng Sửu than đau bụng nên thoái thác không ra chơi với thằng Tý. Nó đợi thằng Tý còng về rồi mới âm thầm chuẩn bị một cuộc thám hiểm cho riêng mình. Nó tin rằng cái “bưng nổng” nhất định có liên quan đến vụ án. Nếu không như vậy anh Út đang đêm ra đấy để làm gì? Còn nữa, thái độ của chàng rể ông Sáu rất khả nghi, cứ lén lén lúc lúc như sợ ai bắt gặp không bằng…
Hôm nay không có trăng, thằng Sửu phải mò mẫm trong bóng đêm để ra “bưng nổng”. Nó vốn dạn dĩ vì hay một mình đi soi khi trời đổ mưa lớn. Những lúc như vậy cá và ếch ra rất nhiều. Bỏ công một buổi tối có khi bằng mấy hôm đi chợ…
Đứng trước rừng dừa nước tối đen, nó thầm nghĩ: “Nếu như anh Út có giấu cái đỉnh hương trầm ở đây thì nhất định thường hay lai vãng. Không ai bỏ của ở một nơi như thế này mà không thấp thỏm trong lòng...”
Đang phân vân chưa biết tính thế nào, thằng Sửu chợt thấy ánh đèn pin lấp loáng trong rừng dừa. Từ trong ấy vang lên tiếng nói của hai người đàn ông. Nhìn quanh nó hơi thất vọng, ngoài bóng dừa tối om, không có một cành cây ngọn cỏ nào để ẩn mình được. Hết cách Sửu đen quyết định rất nhanh. Nó lập tức trèo lên đầu các bập dừa rồi tiến vào trong. Như vậy người bên trong muốn phát hiện ra nó còn khó hơn nhìn sao trời. Thân dừa đan khít vào nhau, ban ngày nhìn không quá 5 thước thì trong bóng tối càng khó bị phát hiện…
Tiếng nói lúc này nghe đã rõ hơn. Trong đó có một giọng nói mà vừa nghe qua thằng Sửu đã biết của ai. Giọng còn lại nghe lạ hoắc, không phải tiếng của anh Út như nó thầm suy đoán…
Tiếng nói lúc to lúc nhỏ, nhưng thằng Sửu vẫn nghe được khá rõ ràng…
- Mày nghĩ sao mà lại giấu của ở một nơi như thế này?
- Nghĩ gì anh! Tối đó vừa ra được đến đây liền chạm phải chàng rể của ông Sáu. Không biết nó ra đây để làm gì? Không sớm cũng không muộn, vừa lúc em định giấu cái đó thì nghe tiếng nó hỏi “ai đó?” Hoảng quá em ném luôn thứ đó vào đây, rồi chạy biến…
- Nó ra đây để bắt cá bống dừa. Má thằng Út ưa thứ đó nên nó chiều. Cái thằng coi vậy mà cũng khó sai khiến. Tao phải tra hỏi mãi mới biết được căn nhà của ông Sáu có cửa sổ thông gió trên mái. Nói nó, cứ lấy của hồi môn của cô vợ bán trả nợ, sau đó đổ tội cho lũ trộm đã vào nhà lấy mất là xong việc. Thế mà nó cứ chần chừ mãi…
- Hôm đó anh nói thằng Út đã đi về quê vợ ăn giỗ. Sao buổi tối lại chạm mặt nó ở đây?
- Tao biết, tối đó căn nhà chỉ có hai người, cũng do nó nói. Không ngờ đến giờ cuối, bà già thằng Út lại gọi về, mới xảy ra việc đáng tiếc…
Tiếng người mà thằng Sửu nghĩ mãi không ra, lại than thở:
- Em thấy, nó cũng đang nghi điều gì, cứ bám cái “bưng nổng” này mãi… Hôm rồi nó có ra đây, loanh quanh một lúc mới chịu bỏ về. Không biết thằng đó có con cháu gì không? Lúc đi ra, có mấy thằng nhóc lẽo đẽo theo sau…
Vừa nghe đến đây thằng Sửu phát hoảng. Không ngờ tụi nó theo dõi anh Út, lại bị người khác phát hiện mà không hay…
Tiếng người đàn ông mà nó đã gặp, lại vang lên:
- Sao kỳ vậy? Hôm tao hẹn gặp nó, cũng có mấy thằng nhóc bám theo. Coi chừng nghe, lộ tẩy là cả đám đi đời hết đó!
- Em đã nói với anh là phải cẩn thận. Lúc này vào làng hay bị người ta dòm ngó lắm. Không phải người địa phương, ai nhìn cũng tỏ ra nghi kỵ…
- Mày biết, thì tìm vật đó mau lên. Được nó, tao đưa tiền, rồi dông tuốt luốt…
- Em cũng biết vậy. Nhưng khổ nỗi cái bưng này quá rộng, tìm mãi vẫn chưa thấy. Cũng may ở đây ít có người lui tới, không thôi lại dọn cỗ cho người ăn…
- Đừng nói xúi quẩy. Của đó đáng mấy chục… Mà thôi… thằng Út nói chờ mấy hôm nữa thì bán số vàng để trả nợ cho tao. Lúc ấy tao sẽ đưa cho mày chút ít… Nghĩ lại thằng đó cũng khôn ngoan, lựa lúc nhà xảy ra mất trộm rồi hùa vào để lấy số nữ trang của cô vợ luôn…
Có tiếng cười khẽ:
- Nó không làm cũng đâu có được với anh. Anh đẩy người ta vào ngõ cụt mà còn ở đó cười...
Thằng Sửu thấy chân phải hơi mỏi khi đứng quá lâu trên đầu bập dừa. Nó nhè nhẹ chuyển trọng tâm qua trái để đứng cho vững hơn. Không ngờ lúc đổi bộ, đầu bập dừa chịu không nỗi vỡ bục ra, tàu lá dừa trên tay nó rung lên nghe lạc xạc. Hoảng quá nó tuột luôn xuống mấy khe bẹ dừa trơn tuột, có mấy chiếc lá do bị ngập nước, dính đầy bùn, quấn lên người nghe lạnh tanh…
Tiếng quát giận dữ của hai người đàn ông cùng vang lên:
- Đứa nào đó? Ra đi.
Ánh đèn pin quét qua hướng thằng Sửu đang run lên vì sợ hãi…
Bất chợt có tiếng ầm ầm vang lên. Mấy thân dừa nước xung quanh đồng rung lên như gặp gió lớn. Tiếng nói hốt hoảng của hai gã đàn ông lúc này đã hướng ra ngoài.
- Có hai thằng nhóc. Rượt theo bắt nó lại. Trời ơi! Chúng nó nghe hết rồi. Đừng để tụi nó thoát…
Thằng Sửu hồn xiêu phách lạc, chết lặng hồi lâu mới hay chân mình vừa dẫm lên vật gì đó giống như một cái chậu. Nó lặng lẽ dùng tay mò mẫm một lúc rồi chợt hiểu ra…
Khi thằng Sửu về đến nhà đã thấy thằng Tý còng và thằng Tư ngố đang đứng trông ngóng. Tụi nó có vẻ nóng lòng khi cứ hướng mắt ra cánh đồng…
- Mày không sao chứ? Lúc nghe tiếng quát, tao điếng cả người. Trời ạ! Một thân một mình mà mày dám ra “bưng nổng” ư? Không có thằng Tư ngố nói cho tao biết là mày tiêu rồi đó!
- Tao cảm ơn tụi bây vì mấy cục đất lúc nãy. Không có kế dương đông kích tây thì tao bị phát hiện rồi.
Thằng Tý còng cười khì mà hơi thở vẫn còn gấp gáp.
- Tụi tao chạy hụt cả hơi mới thoát khỏi hai thằng cha đó. Không biết gã kia là ai mà chạy nhanh ghê. Tao chạy ra bờ kênh, còn thằng Tư ngố chạy thẳng về đây. Nó vừa chạy vừa la làng inh ỏi. Riêng tao phóng thẳng ra bờ kênh rồi nhảy đại qua… Eo ơi! Bình thường có bắt tao cũng không làm được. Bờ kênh rộng bốn mét, thế mà tao vẫn vượt qua ngọt xớt hè…
Thằng Sửu đen chợt cười lớn:
- Bình thường mày nhảy xa được bốn mét tư kia mà!
- Trời đất! Đó là nhảy trên bãi cát, chứ đâu phải bờ kênh. Mày có ngon, ngày mai nhảy thử…
Nghe đến đây thằng Sửu lè lưỡi:
- Tao đầu hàng. Mày vượt kỷ lục ở xóm này rồi đó… Nhưng còn một điều… tụi mình đang lập một kỷ lục khó có ai đạt được…
- Kỷ lục gì dzậy?
Thằng Sửu nghe hỏi chỉ lẳng lặng mỉm cười không nói…