Đinh hương trầm cổ - Chương 03

Đinh hương trầm cổ - Chương 03

VÉN MÀN BÍ MẬT

Ngày đăng
Tổng cộng 6 hồi
Đánh giá 8.1/10 với 5329 lượt xem

Trong tiếng vỗ tay ầm ĩ, thằng Sửu cố sức dùng tay đi qua xà lượt thứ tư. Đám thanh niên nhóm anh Khánh có người hít hà tán thưởng.
- Chú nhóc này khá lắm! Nó đã lập được kỷ lục bằng anh em mình rồi đó.
Khi thằng Sửu đen buông mình xuống, anh Khánh bước tới vỗ vai nó khen ngợi:
- Khá lắm em trai. Có dịp đến đây chơi với mấy anh. Em mà chịu khó luyện tập, sau này trở thành tay điền kinh có hạng đó.
Ngọc sún và thằng Tý đứng ngập trong đám đông cũng vui lây. Như vậy là tụi nó cũng thơm lây cái tài của bạn mình. Anh Khánh bộ đội dùng tay đi qua xà được bốn lượt, sắc mặt không đổi. Còn thằng Sửu đen thuộc loại “gà bới cứt heo” cũng theo qua bốn lượt, mặc dù mệt lử… Nhưng dù vậy nó cũng chứng minh được một điều, “đừng xem thường sức trẻ mới lớn”…
Trong đám đông chợt có người lên tiếng:
- Tôi cũng muốn thử sức thử xem…
Mọi người quay ra nhìn. Rồi có ai đó lên tiếng:
- Dữ ác! Lâu rồi mới thấy chàng rể may mắn tới thăm anh em. Cưới vợ rồi, coi chừng mất phong độ đó anh bạn.
Tiếng xì xào bắt đầu nổi lên râm ran:
- Anh Út rể ông Sáu đó. Từ lúc sa hủ nếp, hôm nay mới tới thăm anh em mình. Cẩn thận chàng rể nhà giàu, thể thao mà bỏ lâu sẽ mất phong độ đấy nhé!
Không nói không rằng, anh Út nhảy lên xà trông rất nhẹ nhàng. Người anh rất dẻo, lắc lư theo từng động tác nhịp nhàng khi vượt qua lượt thứ ba trên thanh xà bằng sắt ống. Tiếng vỗ tay khích lệ bắt đầu vang lên khi anh Út bắt đầu lượt thứ tư…
Thằng Sửu đen kinh ngạc khi nhìn anh Út lướt đôi tay trên thanh xà. Anh Út làm rể nhà ông Sáu tức là chung xóm với nó. Thế mà cả nó và thằng Tý không biết anh chơi thể thao giỏi như vậy. Nó quay đầu nhìn qua thằng Tý, rồi bắt gặp ánh mắt kinh ngạc không kém từ bạn…
Trong tiếng vỗ tay ầm ĩ, anh Khánh bước lại vỗ vai chàng rể may mắn.
- Lâu ngày vẫn thế. Vẫn không thay đổi. Tốt lắm, anh bạn…
Đám đông vừa tản ra, thằng Tý níu vội tay thằng Sửu đen. Không ngờ lúc quýnh quáng lại vớ nhằm tay của Ngọc sún.
- Vì nữa đây? Định lợi dụng hả!
- Xin lỗi! Nhằm lẫn thôi mà…
Thằng Sửu đen nhìn hai đứa, há miệng định cười, nhưng chợt nhớ đến mục đích của chuyến đi liền chết lặng cả người. Nó thì thào nói nhỏ:
- Như vậy… như vậy chỉ ba người có khả năng vượt xà bốn lượt thôi. Người bị tình nghi trong vụ này không lẽ là…
Thằng Tý còng ngoác miệng cười to:
- Là mày, chứ ai vào đây! Anh Khánh là đảng viên của xã, lý lịch trong sáng. Anh Út là rể đông sàng của ông Sáu. Không lẽ chàng rể lại đi ăn cắp của nhạc gia. Chỉ còn mày là đáng nghi nhất thôi!
Thằng Sửu tức quá quát luôn:
- Nghi cái đầu mày! Tao còn chưa nói hết kia mà. Khi tất cả đều hợp lý, tức là người ta có bằng chứng ngoại phạm để thực hiện hành vi tội ác. Những kẻ thông minh bao giờ cũng tạo vỏ bọc an toàn trước khi đánh cắp cái đỉnh hương trầm…
Nhìn thằng Sửu thao thao nói, mồn thằng Tý cứ ngoác ra.
- Mày học cái này ở đâu vậy? Nghe “trí thức” quá!
Ngọc sún đứng cạnh bên liền “xí” một cái rõ to:
- Trí ngủ thì có. Nói bằng cái mồm thì ai làm chẳng được. Sửu có giỏi thì dùng phương pháp loại trừ xem ai là người đáng nghi nhất?
Tý còng lẩm bẩm điều gì trong miệng một lúc rồi lên tiếng:
- Muốn biết ai đáng nghi thì phải rình thôi!
Sửu đen ngước mắt nhìn nó:
- Rình lúc nào?
- Buổi tối.
Ngọc sún vừa nghe liền la oai oái:
- Chơi gì kỳ vậy. Muốn loại người ta hả?
Thằng Tý còng cười hi hí:
- Đâu ai loại Ngọc… đâu. Cứ việc xách chiếu gối xuống nhà mẹ Sửu làm dâu vài bữa thì biết hết hà.
Cái mặt thằng Sửu đen bỗng chốc ửng đỏ. Nhưng xem ra mặt nó cũng chưa bằng Ngọc sún. Cả hai đứa đều tức giận la lớn.
- Ê! Muốn chết hả?
Hai đứa đồng múa tay ra bộ, nhưng thằng Tý còng đã chạy mất tiêu rồi…
Buổi chiều đó, Ngọc sún về rồi thằng Tý lại chạy sang nhà thằng Sửu. Hai đứa nó bàn luận hồi lâu mà vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu…
Thằng Tý thấy việc này quá khó nên bàn lui:
- Hay mình dừng lại đi. Có khi kẻ gian đã đem cái đỉnh hương đồng đi xa năm nẳm rồi…
- Không thể nào. Cái làng này chỉ có mỗi một đường đi. Cái đỉnh hương trầm cũng không phải nhỏ. Nếu mang ra khỏi làng rất dễ bị phát giác. Với lại vụ án đã được công an huyện thụ lý, nếu di chuyển không hợp lý tất sẽ bại lộ. Nhất định người lấy cắp đang nằm im, chờ thời cơ mang ra khỏi làng khi mọi sự lắng xuống. Tao nghĩ… hay mình rà soát lại xem còn chi tiết nào bị bỏ qua không. Qua đoạn phim thu được từ con diều… thì cái cửa sổ…
Thằng Tý vừa nghe nhắc đến con diều liền sáng mắt lên:
- Ê! Tao nhớ ra chuyện này rồi…
Thằng Sửu đen ngước mắt chờ đợi...
- Đâu phải ai cũng nghĩ ra việc sử dụng diều để quan sát cửa sổ căn nhà. Như vậy, ngoài tao với mày, người hiểu rõ mấy cái cửa sổ đó là…
Mắt thằng Sửu đen sáng rực. Nó bật miệng cùng một lúc với thằng Tý còng.
- Anh Út!
Có chút gì bâng khuâng trong ánh mắt hai chú nhóc.
- Nhưng không lẽ…
- Cuộc điều tra chưa kết thúc, ai cũng có thể là kẻ tình nghi. Đó là nguyên tắc phá án của các thám tử đại tài.
Thằng Tý trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp:
- Tao nghe nói, hôm xảy ra vụ mất trộm chỉ có ông bà Sáu ở nhà. Những người còn lại thì đi dự giỗ. Không biết… không biết… anh Út có đi không nữa?
Thằng Sửu chợt lóe lên một ý nghĩ:
- Việc này rất dễ biết. Cứ giao cho Ngọc sún điều tra là ra ngay. Nghe đâu chị Lụa, con ông Sáu, hay ra chợ mua hàng tại nhà nhỏ Ngọc mà…
- Thế thì hay quá - Thằng Tý reo lên vui mừng - Nhất cử lưỡng tiện. Mình vừa nắm được thông tin, vừa thoát khỏi cái con nhỏ lắm chuyện rắc rối…
Hôm sau Ngọc sún được giao nhiệm vụ điều tra, xem ngày cái đỉnh hương trầm bị đánh cắp, anh Út đang làm gì.
Chuyện này đối với nhỏ Ngọc không mấy khó, bởi chị Lụa cứ hai ba hôm lại ra chợ mua hàng. Và ngay buổi chiều hôm đó Ngọc sún đã có thông tin…
“Buổi sáng trước hôm cái đỉnh hương trầm bị mất cắp, con cháu nhà ông Sáu chuẩn bị về quê ngoại ăn giỗ. Nhưng vừa ra đến cửa thì anh Út nhận được một cuộc điện thoại của người thân. Nội dung cuộc điện thoại thông báo về tình hình sức khỏe của hai cụ thân sinh không được tốt. Quá quen thuộc những chuyện như thế, chị Lụa kêu mọi người cứ lên đường. “Hai người đó lúc nào mà chẳng thế! Sức khỏe thì không bao giờ tốt, nhưng khi ngồi sòng đánh bạc lại dẻo dai vô cùng. Lại còn cái tật ham mê số đề. Cứ hết tiền lại gọi con trai về cho. Phải cái ông chồng của chị là người tốt, thấy cha mẹ túng thiếu lại không đành. Cứ như thế này thì có ngày tan gia bại sản với hai người ấy…” Và lúc mọi người lên đường, người duy nhất vắng mặt trong chuyến đi đó lại là chàng rể may mắn…”
Cả thằng Tý và thằng Sửu đều mừng rơn như bắt được của báu. Như vậy tụi nó đã nắm được khe hở trong vấn đề. Việc còn lại là xác minh xem anh Út đã làm gì vào ngày hôm ấy…
Nhưng mọi việc xảy ra đã quá tuần. Nếu muốn điều tra chi tiết thật là khó. Hai thằng tính tới tính lui, không gì bằng phải đích thân “phục kích” xem hành động của chàng rể ông Sáu ra sao…
Tối hôm đó với thông tin nhỏ Ngọc cung cấp, hai thằng nhóc biết được anh Út đã về bên nhà mình. Nhà ba má anh ở xóm dưới, chung một làng với anh Khánh bộ đội. Vì vậy hai thằng nhóc tranh thủ đi sớm, bởi thằng Tý cho rằng, không làm như vậy mấy con chó thấy người lạ càng sủa tợn…
Mùa Vu Lan đã gần kề. Trăng non lung linh trên đỉnh đầu. Thằng Tý và thằng Sửu sóng vai nhau đi loanh quanh bên bờ sông chờ cho ánh đèn tắt hết. Lúc hai đứa quay lại căn nhà anh Út thì cửa nẻo nhà nào cũng im lìm. Thằng Tý kéo tay thằng Sửu đen đến bên đống rơm, cách hè nhà anh Út khá xa. Từ chỗ này tụi nó vẫn có thể quan sát cái sân trước nhà mà không làm cho ai chú ý.
Thằng Sửu thấy bạn thông thạo địa hình, tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Mày ít khi xuống đây, sao rành đường đi nước bước quá vậy?
- Chuyện nhỏ! Khu này trước đây tao hay xuống để bắn chim. Hôm nào rảnh, tao dẫn mày đi một chuyến thì thông thạo ngay thôi mà…
Thằng Tý còn định nói gì nữa thì thằng Sửu suỵt khẽ.
Cái cánh cửa nhà anh Út mở nhẹ, kêu lên một tiếng nho nhỏ. Sau đó một bóng người lách qua nhẹ nhàng. Cái bóng dong dỏng của anh Út nhằm hướng cánh đồng đi miết…
Thằng Sửu ngó thằng Tý còng ra hiệu. Bàn tay nó như đè vật gì xuống mặt đất đến mấy lần.
- Mày định nói: Từ từ đi theo, chứ gì?
Thằng Sửu phát hoảng bịt mồm nó lại ngay, chỉ sợ không kịp, người đi trước sẽ phát giác.
- Không sao đâu thằng quỷ! Ngược gió thế này, người đi phía trước không thể nào nghe thấy được.
Lúc này thằng Sửu đen mới chú ý hướng gió. Trong bụng nó cũng nể cái tài nhận định của thằng Tý còng.
- Mày tinh ý đáo để, nào kém…
- Sherlock Holmes.
Thằng Sửu đen nhìn nó khinh khỉnh:
- Nghe mắc ói quá!
Tý còng nhìn thằng Sửu đen, cười hềnh hệch:
- Mày cho tao “lên hương” một chút không được sao?
Đoạn đường đất dẫn ra cánh đồng thoáng dần. Một lúc thì hai bên trống hoác, khiến hai thằng nhóc không dám theo sát người đi phía trước. Cuối cùng hai đứa quyết định bước xuống ruộng lúa, tránh trường hợp kẻ ấy quay lại và phát hiện ra. Nước dưới chân xăm xắp, khiến bước chân hai thằng kêu ọt ẹt, ót ét, nghe thật buồn tẻ…
Bỗng nhiên hai đứa đứng lại, cùng lắng nghe xung quanh. Đâu đây văng vẳng tiếng bước chân của ai, cũng giống như tiếng chân tụi nó… Thấp thoáng trong ánh trăng, ruộng lúa sau lưng như có một con chó chạy theo bọn chúng… Không phải chó! Chó thì không thể nào lớn như thế?...
Thằng Tý nắm lấy tay thằng Sửu với nỗi sợ hãi vừa hiện ra. Cánh tay nó hơi run rẩy khi thấy cái bóng nửa đen, nửa trắng đang tiến tới gần…
Thằng Sửu bỗng nhiên vùng tay ra khỏi bạn.
- Ê! Thằng nào đó? Tao không có giỡn đâu nghe…
Nó vừa nói vừa bước tới với dáng vẻ hùng dũng hiếm thấy…
Cái bóng bỗng thụt lùi, rồi bỏ chạy. Nó chạy như chó mà không phải chó. Nhưng nói là người… sao lại chạy bằng bốn chân…
Thằng Sửu vừa đuổi theo, vừa tức giận vì bị đùa dai. Nó chuẩn bị phi người lên xuất một cước thì cái bóng bỗng đứng lên cười ha hả.
- Là tao đây mà. Tụi bây bị té đái rồi hả?
Thằng Tý và thằng Sửu cùng thốt lên kinh ngạc:
- Trời đất! Là thằng Tư ngố…
- Mày đi theo tụi tao làm gì dzậy? Suýt chút nữa là bị “ăn đá” rồi đó con…
Thằng Tư ngố bây giờ đã đứng dậy, lộ trong ánh trăng vóc người đầm đậm vốn có của mình.
Nó cười khoe hai hàm răng trắng nhởn:
- Mày đá chưa chắc đã trúng. Mà đá trúng chưa chắc đã đau. Đau chưa chắc đã…
- Cho mày chết luôn nè!
Thằng Sửu vừa nói, vừa đá vào đít thằng Tư ngố một cái rõ mạnh.
- Ui da! Mày làm thiệt hả. Tao đi méc má mày đó…
Vừa nghe đến đây thằng Sửu liền hoảng kinh:
- Thôi! Thôi! Cho tao xin lỗi. Mày bị sao… mà bỗng nhiên theo tụi tao làm gì?
Thằng Tư ngố chưng hửng ngó thằng Sửu:
- Hai đứa bây có cấm tao đi theo đâu? Tao có chân mà…
Thằng Tý còng khoái chí cười to:
- Xem ra hôm nay bị nó ám rồi! Ê! Sao mày không về nhà học bài đi…
- Tao học rồi. Mùa hè phải đi chơi chứ bộ. Ờ mà đang vào hè, mày bảo học bài gì cơ?
Sửu đen nhìn thằng Tư ngố, nhăn nhó:
- Tụi tao đang đi bắt trộm. Mày đi theo làm hỏng hết việc thì sao?
Thằng Tư ngố lắc đầu nguầy nguậy:
- Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại thành…
Thằng Tý còng gắt luôn:
- Thành ra… đi về… Buổi tối này hỏng hết rồi Sửu ơi!
Lúc này bóng người phía trước đã đi khá xa. Cũng may ánh trăng khá sáng nên còn trông thấy được.
Thằng Sửu nóng ruột, xua thằng Tư như xua tà:
- Mày về đi. Một lúc nữa tụi tao về lại dẫn đi chơi.
- Tao không về. Tao muốn đi với tụi bây hà.
Mặc cho thằng Tý và thằng Sửu cùng nài nỉ, thằng Tư ngố một mực đòi đi theo cho bằng được.
Hết cách, thằng Sửu đen đành xuống giọng:
- Tao cho mày đi theo. Nhưng không được hỏi, không được nói gì cả nghe.
- Ừ! Tao không nói đâu. Yên tâm đi mà…
Bộ ba tranh thủ ánh sáng của trăng, chạy một mạch theo cái bóng phía trước. Đến bây giờ thằng Tý mới nhận ra con đường đất mà tụi nó đang đi. Đây là con đường chênh chếch hướng về làng tụi nó. Từ đây đi tới một đoạn sẽ đụng một con kênh. Bờ bên kia con kênh sẽ dẫn đến xóm tụi nó không xa lắm. Nơi này có một hàng còng, buổi chiều chim về ngủ rất đông. Toàn là se sẻ cả thôi! Cứt của chúng rơi đầy trên nền đất mọc đầy cỏ chát. Những tối buồn, tụi nhỏ trong xóm hay rủ nhau ra đây để bắn chim. Chúng nó dùng đèn pin để rọi và dùng ná thun để bắn. Có hôm chim về nhiều quá, bắn riết cũng mỏi tay, chúng nó giành nhau dùng tay để chộp, rồi cười inh ỏi…
Thằng Tý và thằng Sửu còn một thú vui ở nơi này là đu tàu dừa. Bờ kênh cách nhau bốn mét, có nhiều tàu dừa đung đưa. Muốn qua kênh không phải bị ướt, hai đứa nó chạy lấy đà rồi đu tàu dừa nhảy qua bên kia. Trò chơi lâu ngày thành thiện nghệ, trong xóm hai đứa nó nổi tiếng nhảy xa nhất…
Anh Út đã đi vào một căn chòi có ánh sáng heo hắt của ngọn đuốc mù u. Bên ngoài ba thằng nhóc ép sát vào nhau dưới một lùm cỏ lác rậm rịt. Trong chòi khi ẩn khi hiện một khuôn mặt lạ hoắc, thằng Tý và thằng Sửu chưa thấy bao giờ. Tiếng nói từ bên trong vẳng ra khi được, khi mất, trong tiếng gió rít của đồng nội…
Thằng Tý bỏ lại hai đứa bạn, bò sát hơn vào vách căn căn chòi để nghe cho rõ…
Thằng Tư ngố thấy vậy bắt chước bò theo, nhưng thằng Sửu ngăn lại. Nó chỉ sợ thằng Tư bất cẩn làm lộ cả bọn…
Gió bỗng nhiên đổi chiều, rồi thuần hướng. Lúc này thằng Sửu bắt đầu nghe được cuộc nói chuyện bên trong…
- Chú mày tính sao cho lẹ đi. Số nợ của ông bà già thiếu tao đến hôm nay đã lớn. Mặc dù thương cho gia cảnh của chú, tôi cũng không thể gánh vác lâu hơn được. Mấy năm rồi hai người già cứ bám theo tôi để hỏi mượn tiền. Không cho thì không được. Còn cho… mà mãi không thấy trả, cũng đâu có được…
Tiếng anh Út ra vẻ bực tức:
- Anh đừng có ra vẻ đạo đức với gia đình tôi. Tiền mà anh cho mượn có lãi suất cao ngất. Mới có một năm mà nợ mẹ đẻ nợ con, không sao trả hết. Chỉ tại ba má tôi say mê cờ bạc mới ra cảnh này… Cùng đường, tôi mới nghe theo anh làm… chuyện đó…
- Chú mày nghe lời tao, vừa trả được nợ, vừa được của…
- Bởi số tiền nợ ấy, anh mới ép được tôi… Sự việc nếu đổ bể thì…
Tiếng cười khả ố của gã đàn ông cất cao.
- Làm sao ai biết được. Kế hoạch của anh mày đưa ra rất kín kẽ, không ai có thể phát giác được. Chú mày cứ giấu cho kín vật đó… chờ lúc mọi việc lắng xuống, tao sẽ dẫn người tới mua…
Thằng Sửu vừa trở mình để nhìn cho rõ mặt của người đàn ông, nhưng thằng Tư ngố bỗng giật nảy người rồi bất thần hét lên:
- Oái!
Cả bọn hoảng kinh hồn vía cùng phóng người bỏ chạy thục mạng…
Hai bóng người trong chòi đồng chạy ra quát lớn:
- Ai đó? Đứng lại!
Tiếng la khiến tụi nhóc càng kinh hoàng chạy nhanh hơn. Thằng Tư ngố đậm người nên bước chạy ục ịch, bị tuộc lại phía sau. Đằng sau lại có người đang đuổi theo mỗi lúc một nhanh…
Túng quá thằng Tý hét lớn:
- Ma! Ma… Có ma!
Thằng Tư ngố đang è ạch, vừa nghe có ma thì chạy thục mạng. Chỉ trong chốc lát nó bỏ xa cả thằng Tý lẫn thằng Sửu…
Ba thằng cứ nhằm hướng hàng dừa ngoài bờ kênh mà chạy. Đến nơi, thằng Tý và thằng Sửu cùng phóng người đu lên hai cái tàu dừa, uốn người lấy đà rồi nhảy qua bên kia. Hai thằng vừa lấy được thăng bằng thì nghe “ầm” một tiếng. Thằng Tư ngố sợ quá nên phóng đại theo, nhưng không thạo cách đu tàu dừa nên đã rớt xuống kênh, ướt hết cả người. Nó lóp ngóp bò lên bờ, rồi không nói không rằng bỏ chạy mất biến…
Lúc thằng Tý và thằng Sửu về đến nhà thì thấy thằng Tư đứng xớ rớ ở gốc đống rơm. Thấy hai thằng, nó thì thào:
- Nó còn rượt theo nữa không?
- Ai rượt theo?
- Thì con ma mà hồi nãy mày la đó!
Thằng Tý nghe đến đây liền cười khì:
- Nó chạy không lại nên bỏ cuộc rồi…
Thằng Sửu nhớ lại chuyện lúc nãy, bực bội nói:
- Tao đã dặn trước là không được hỏi, không được nói gì cả kia mà…
Thằng Tư ngố vò cái đầu còn bươm nước, nói:
- Thì tao đâu có nói, đâu có hỏi, chỉ la thôi mà…
- Tự nhiên, khi không lại la lên…
- Có con gì nó chui vô quần tao ấy!...
Thằng Sửu nhìn thằng Tý ngán ngẩm. Nếu như tụi nó không có cách gì ngăn thằng Tư ngố, thì từ đây về sau khó lòng làm việc gì trót lọt bởi kẻ trái tính trái nết này…
Rồi khi nhìn thằng Tư lạnh run với thân hình còn mượt nước, hai thằng lại thấy không đành nên phải tìm đồ cho nó thay. Sau đó tụi nó lấy rơm đốt lên, hong đồ cho thằng Tư.
Thằng Tý có chuyện gì như muốn nói, nhưng thằng Sửu suỵt khẽ, rồi nhìn thằng Tư ngố. Nó không muốn thằng Tý nói ra vào lúc này, để thằng Tư ngố nghe được lại xì ra um sùm thì nguy.
Như vậy tụi nó đã xác định được những kẻ liên quan trong vụ án đỉnh hương trầm. Việc còn lại là tìm hiểu hành tung kẻ lạ mặt trong căn chòi ngoài ruộng…
Hai đứa đang miên man nghĩ ngợi thì nghe thằng Tư ngố lẩm bẩm nói một mình:
- Không thể nào sai được. Đúng rồi! Đúng rồi…
Thằng Sửu ngỡ ngàng nhìn thằng Tư:
- Mày nói đúng, là đúng chuyện gì vậy?
- Tao nhớ mặt thằng cha lúc nãy rồi. Không biết hắn quen ai ở đây, mà hơn tháng nay cứ chạy ra, chạy vào cái làng này. Tao khoái cái áo của cha đó lắm, có nhiều chim cò thật mê li. Còn chiếc xe thì khỏi nói, hiệu “xì bo” kia mà…
Tim thằng Tý và thằng Sửu như ngừng đập. Tụi nó nằm mơ cũng không tưởng thằng Tư lại biết cái gã đó.
- Mày biết thằng cha đó thật à?
- Tao biết thằng chả làm gì? Chỉ nhớ cái áo chim cò thôi! Mà lúc nhớ đến cái áo chim cò lại nhớ câu hỏi thăm của chả về cái chòi ông Tám. Ông ta nói, muốn làm từ thiện giúp đỡ một gia đình không may, bị cháy mấy lần. Và ổng còn cho kẹo tao nữa đó…
- Đúng là dụ con nít.
Thằng Tư cười hinh hích
- Ông ta dụ sao được tao. Tao đâu có khoái kẹo! Chỉ thích cái áo chim cò thôi. Mặc cái áo ấy chắc hách lắm đó…
- …!

Chương trước Chương sau