Z28 - Bản án tử hình - Chương 08

Z28 - Bản án tử hình - Chương 08

Tấn trò phản bội

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 9.6/10 với 12628 lượt xem

Chu Nghị ném tờ báo xuống bàn, cất tiếng chào Lê Tùng:
- Đêm qua, anh ngủ ngon chứ?
Lê Tùng ngồi xuống ghế:
- Dễ chịu lắm.
- Anh bằng lòng Cẩm Phượng không? Nếu không, tôi sẽ đổi người khác.
- Cám ơn anh. Nàng được rồi.
Chu Nghị cười hô hố:
- Tôi nghe nói đêm qua anh thức đến gần 4 giờ. Anh ở đây một tuần thì có lẽ gày đét như con mắm. Để tôi dặn cô Phượng mua sâm cho anh anh. Sâm Cao ly tốt lắm, tha hồ thức đêm.
Ngừng một phút, hắn tiếp:
- Nào, chúng ta bắt tay vào việc. Trung ương vừa ra chỉ thị cho tôi chấp thuận các đề nghị của anh về tiền bạc và thời gian lưu trú. Anh sẽ lưu lại đây một tuần, sau đó, anh muốn đi đâu tùy ý. Mua thông hành giả rất dễ, chỉ cần 100 Mỹ kim là có thứ thông hành hảo hạng. Một vài lãnh sự ở đây sẵn sàng cung cấp thông hành thật trăm phần trăm với giá tiền từ 150 đến 200 Mỹ kim.
- Điều này tôi đã biết. Tôi chỉ quan tâm đến thể thức trả tiền.
- Vào giờ này số tiền tương đương với 7 triệu rưỡi Việt Nam đã được gửi vào ngân hàng. Tổng hạt ở Thụy Sĩ, theo điều kiện anh đưa ra. 1 triệu có thể rút ra trước, còn 6 triệu rưỡi, 8 ngày sau. Anh còn điểm nào phản đối nữa không?
- Không.
- Như vậy, ta ngồi vào bàn giấy được rồi. Nhưng trước hết, tồi cần ra một vài chỉ thị cho Cẩm Phượng.
Chu NGị vỗ tay ba cái. Cô gái khiêu gợi hiện ra như hồ ly tinh. Hắn ra lệnh:
- Phiền cô cho một phích cà phê đen. Cô bỏ điện thoại xuống bàn để để không ai kêu được nữa. Cô lại dặn mấy đứa dưiớ nhà khóa cổng, không tiếp ai hết và tăng gia canh phòng trong vườn.
Rồi quay về phía Lê Tùng:
- Trước hết, yêu cầu anh thuật lại tiểu sử. Nguyên tắc làm việc của chúng ta như sau: mới đầu, anh đưa ra những nét sơ lược, tôi sẽ nghiên cứu và đặt ra các câu hỏi chi tiết.
- Vâng, tôi xin bắt đầu. Tôi sinh ngày 8 -8- 1939 tại huyện Thanh chương, tỉnh Nghệ an. Tôi đậu bằng tiểu học ở trường huyện rồi xuống thị xã Vinh, theo chương trình Trung học. Năm 14 tuổi, tôi gia nhập lực lượng xung kích của Quốc dân Đảng Nghệ an, rồi làm nhân viên giao lien cho đến ngày hiệp định Giơ –neo được ký kết.
Gia đình tôi di cư vào Nam năm 1951. Cha tôi là công chức, mẹ tôi là con của một điền chủ có nhiều ruộng đất ở vùng Nam dân, Thanh chương. Ông tôi bị đấu tố mà chết. Cha mẹ tôi trốn kịp nên không bị bắt. vào Sài Gòn, tôi đậu tú tài toàn phần năm 1957, và vào Văn khoa đại học. Học đến năm thứ hai, tôi bỏ trường, gia nhập tổ chức của ông Hoàng.
- Gia nhập năm nào?
- Năm 1959.
- Anh được huấn luyện chuyên môn ở đâu?
- Về kỷ thuật căn bản, tôi được huấn luyện ngay tại Sài gòn. Nhân viên văn phòng được huấn luyện tại trường cảnh sát, trong những lớp riêng. Nhân viên hành động được huấn luyện một cách bí mật. Có hai trình độ A, cho nhân viên mới, giáo sư là sĩ quan tình báo do quân đội biệt phái sang, mỗi giáo sư phụ trách một học viên, trình độ B, cho nhân viên đã hành nghề được 18 tháng và lập được thành tích tốt. Lớp huấn luyện bổ túc này do giáo sư ngoại quốc đảm trách, phần nhiều là nhân viên cảnh sát Mỹ FBI, trung ương tình báo Mỹ CIA, và các cơ quan tình báo, phản gián Anh quốc M15, M16 … Sự huấn luyện rập theo phương pháp của Đức, nghĩa là học viên học riêng, mỗi học viên có một giáo sư riêng, và trong trường hợp nhiều học viên phải học chung - mỗi lớp tối đa là 5 người – thì giáo sư và học viên phải đeo mặt nạ, và mang tên giả, lý lịch giả.
- Còn về huấn luyện trung cấp?
- Sau 3 năm, nhân viên mới được mang số Z. Chẳng hạn số hiệu của Tống Văn Bình, điệp viên số một của ông Hoàng là Z.28. Nhân viên mới vào chì được mang số Y. Lên đến trình độ trên, nhân viên được mang số YS. Khi nào tốt nghiệp lớp trung cấp mới được mang số Z. Lớp này kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Như vậy có nghĩa là muốn lên chức Z, phải có 4 năm phục vụ tốt.
- Cách thức, chương trình, địa điểm huấn luyện?
- Hầu hết đều được huấn luyện ở đảo Xung thẳng, Hạ uy di hoặc tại các trường điệp báo ở Fort Halabird và Minnesota bên Hoa kỳ. Tôi lập được thành tích xuất sắc nên năm 1961 được gởi sang Mỹ và 6 tháng sau tốt nghiệp thủ khoa. Năm 1962, tôi được cử làm R. (1) Và được thả dù xuống phía Bắc vĩ tuyến 17.
- Tôi cần biết rõ ngày, tháng.
- Nghị định thăng chức R. cho tôi được ký ngày 12 – 11- 1962. Và tôi nhảy dù xuống phủ Quý châu, Nghệ an, đêm 24 – 12 – 1962, giữa đêm Giáng Sinh, trời rét như cắt ruột. Một nhân viên đặc biệt của ông Hoàng đợi tôi ở dưới.
- Thong thả. Tôi muốn trở lại vấn đề huấn luyện. Phiền anh cho tôi biết tên các giáo sư dạy trong trường.
- Ở Sài gòn, giáo sư đều mang tên giả, Ất, Giáp, Bính, Đinh, theo con giáp. Học sinh thì đeo số.
- Có phải tính từ 1,2,3 trở đi không?
- Không. Con số được đặt lung tung, không theo nguyên tắc nào nhất định. Chẳng hạn, tôi mang số 17, trong khi một nhân viên khác của Sở cùng được kết nạp, và nhập trường một ngày lại mang số 285.
- Còn giáo sư ở các trường điệp báo Mỹ?
Họ cũng mang tên giả, tính theo tên tháng và tên ngày. Chẳng hạn, March là tháng 3, June, tháng 6, Sunday là chủ nhật, Tuesday là thứ ba, thì trong trường có những giáo sư được gọi là thầy March, thầy June, Thầy Sunday? thầy Tuesday.
- Có phụ nữ không?
- Tôi không được huấn luyện chung với phụ nữ. Ông Hoàng có một ban nữ, gọi là Biệt vụ, gồm toàn đàn bà tuyệt đẹp.
- Ngày mai, ta sẽ đề cập tới tổ chức của ban Biệt vụ. Giờ đây, mời anh tiếp tục. Ai đón anh dưới đất ở Quý châu?
- Tôi không biết tên thật. Gặp tôi, y tự xưng là Dị, số hiệu YS – 74.
- Nghĩa là mới hoạt động trong tổ chức của ông Hoàng được 18 tháng.
- Vâng, Từ 18 tháng đến 3 năm thì mang hiệu YS.
- Sau đó, anh đi đâu?
- YS 74 đưa tôi xuyên rừng về Phủ Diễn Châu rồi ra Cầu Giát. Cầu Giát ở giữa thị xã Thanh hóa và thị xã Vinh là một trong các căn cứ đổ bộ của điệp viên đáp tàu ngầm từ vĩ tuyến 17 tới. Trong những ngày đầu tiên, tôi đặt trụ sở tại Cầu Giát.
- Với YS.74 làm phụ tá?
- Không. Y quay lại Quý châu. Phụ tá của tôi ở Cầu Giát là YS.32.
- Còn tên hắn?
- Tôi không biết. Thường ngày tôi gọi là «chú tư»
- Rồi sao nữa?
- Ở Cầu Giát được 3 tháng, tôi lên đường đi sầm sơn. Cuối năm 1963, tôi có mặt tại Hà nội.
- Ngày nào anh được triệu về Sài gòn?
- Tháng 2 – 1964, tôi về thẳng Sài gòn bằng đưòng biển.
- Bằng tiềm thủy đĩnh?
- Vâng. Ngoài khơi Sầm sơn, gần Hòn Nẹ.
- Tại sao bị gọi về?
- Theo nguyên tắc, giám đốc trú sứ chỉ ở lại 2 năm ở miền Bắc mà thôi.
- Ai thay anh?
- Tôi không biết. Vì không có lễ bàn giao. Tuy nhiên, sau này tôi được tin người thay tôi là Z.96 từ Sài gòn ra Bắc bằng máy bay như tôi, và đáp xuống Hòa Bình.
- Rồi anh được cử làm tùy viên kinh tế tòa đại sứ Nam Việt tại Vạn tượng?
- Vâng, sau khi nghỉ phép 3 tháng. Tháng 6 – 1964, tôi đến vạn tượng. Nhưng gần nửa năm sau, tôi được lệnh hồi hương khẩn cấp. Và tháng 12 – 1964, tôi lại ra Bắc Việt lần nữa.
- Tại sao anh mất chức tùy viên sứ quán?
- mất chức không đúng. Tôi được tái nhiệm giám đốc trú sứ lại phía Bắc vĩ tuyến 17 vì 2 lý do: thứ nhất, nhân viên thay tôi là Z.96 đã bị tử thương trong một cuộc rượt bắt ở Hà nội, trong số nhân viên ở Sài gòn phụ trách miền Bắc, lại không có ai am hiểu tình hình bằng tôi, thứ nhì: tôi trở lại Hà nội do sự đòi hỏi của nghề nghiệp. Nói rõ hơn, vì tôi bắt liên lạc được với một yếu nhân trong chính quyền Bắc việt, trong thời gian tôi ở Vạn tượng.
Chu Nghị ngừng tay viết: Lê Tùng nhận thấy hắn ghi bằng tốc ký riêng, tuy nhiên chỉ ghi những đoạn quan trọng. Chắc chắn lời khai của chàng đã được thu vào băng nhựa, và Chu Nghị chỉ ghi để sau này hỏi thêm chi tiết.
Hắn rót cho chàng một ly bacađi đầy ấp:
- Mời anh. Tôi muốn hỏi một câu tò mò, tại sao anh hoạt động gần 2 năm tại phía Bắc vĩ tuyến 17 mà không bị bắt?
- Đại tá Abel của GRU hoạt động 9 năm trên đất Mỹ mới bị bắt thì sao?
- Mỹ khác Bắc việt. Hoạt động ở Mỹ dễ hơn vì chế độ kiềm soát không chặt chẻ. Tư nhân được quyền đi lại khắp nơi, và vào bất cứ giờ nào. Tư nhân lại được phép xử dụng tự do các dụng cụ truyền tin vô tuyến điện. Những sự việc này hoàn toàn bị cấm đoán trong các nước xã hội chủ nghĩa.
- Phương ngôn có câu «Nồi nào, vung nấy», hoạt động sau bức màn sắt, tuy khó mà dễ. Chúng tôi mang theo một loại máy truyền tin đặc biệt, không phương pháp nào khám phá nổi. Nếu tôi không lầm, nhân viên GRU và KGB cũng được trang bị bằng loại máy này. Về phương diện giao diện, và thu thập tin tức, chúng tôi cũng hoạt động giống các anh. Khôn thì sống, dại thỉ chết. Tôi thoát chết vì khôn hơn Phản gián. Ngoài ra, tôi còn gặp hên nữa.
- Liệu anh khôn hơn ông Hoàng không?
- Rồi anh coi. Tuần tới, tôi sẽ tan ra như khói, biến vào bống tối. Tuy nhiên, nếu anh không thành thật …
- Khổ quá, tôi nói mãi mà anh không tin. Tôi chẳng dại gì thất hứa, vì như vậy từ nay trở đi không ai chịu về với tôi nữa.
- Nói đùa đấy. Trừ phi anh điên … Vả lại tôi sẽ băm anh nát ra. Tôi không phải là đứa gà mờ, hẳn anh đã biết.
Chu Nghị cười:
- Ít khi tôi gặp người can đảm và sinh pha trò như anh. Nào, mời anh cạn chén rượu. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Xin anh cho biết anh đã liên lạc được với yếu nhân Bắc việt nào ở Vạn tượng?
Lê Tùng đáp:
- Trước hết, tôi cần giải thích tại sao tôi được cử đi Lào quốc. Vì Lào Quốc ở sát Bắc việt. Bản tâm của ông Hoàng là bổ nhiệm nhân viên trước kia hoạt động tình báo ở Hà nội làm tùy viên và tham vụ sứ quán tại những quốc gia lân cận Bắc việt. Chẳng hạn, Lào quốc, Miến điện, Cao miên, Hồng kông, Tích lan, Ấn độ, Ai cập, nghĩa là những nơi mà Bắc việt đặt đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự.
Thường lệ, nhân viên tình báo Bắc việc đều có mặt trong các tòa đại diện này, phần hiều là giữ chức vụ quan trọng. Sứ mạng của tôi, cũng như của những nhân viên khác được ông Hoàng cử đi, là tìm mọi cách móc nối với nhân viên Bắc Việt để lấy tin tức, tài liệu, hoặc thuyết phục họ qui thuận.
Trú sứ do tôi điều khiển tại Vạn tượng gồm 3 người: 2 đàn ông và 1 phụ nữ.
- Tên là gì?
- Người đàn bà là Quỳnh Thái. Mọi nữ nhân viên của ban Biệt vụ đều mang chữ Quỳnh trước. Còn 2 người đàn ông là Phi Sơn và Tấn Lạc.
- Quỳnh Thái thiệt mạng rồi phải không?
- Phải. Trong một chuyến giao liên gần Cánh đồng Chum, nàng bị lừa lọt ổ phục kích và bị giết. Nàng bắt tình được với một trung tá trong bộ đội trung lập ly khai đồn trú ở Khang Khay, thủ đô của phe Lào cộng. Nhờ viên trung ta si tình này, chúng tôi tóm được nhiều tài liệu quan trọng. Thái độ khác thường của y bị nhóm ly khai nghi ngờ, và một ban điều tra của tòa đại sứ Bắc Việt được gửi đến Khang Khay, bí mật theo dõi. Rốt cuộc, cả Quỳnh Thái lẫn viên trung tá đều trúng đạn tử thương. Kể ra, nàng không đến nỗi mất mạng, chẳng qua viên sĩ quan si tình rút sung bênh vực nàng, chống lại nhân viên Phản gián cộng sản.
- Tên viên trung tá là gì?
- Trung tá Đươn. Người Lào. Sinh sống lâu năm ở Việt Nam, nói tiếng Việt rất sõi.
- Còn Phi Sơn và Tấn Lạc?
- Phi Sơn là phụ tá hành động của tôi. Tấn Lạc chỉ có nhiệm vụ hành chính. Cô Thái bị giết ngày 14 - 8 - 1961, thì một tuần sau Phi Sơn nhận được một tài liệu, rút trong hồ sơ của tòa đại sứ Bắc Việt, tường thuật đầy đủ chi tiết của vụ phục kích đẫm máu …
- À …
- Tưởng anh đã biết là thủ đô Lào quốc chỉ có một rạp chớp bóng đủ tiện nghi ở gần Chợ mới. Chiều thứ bẩy nào chúng tôi cũng đi xem. Tôi còn nhớ đó là ngày 20 – 8. Rạp vừa thay phim mới, phim trinh thám nổi tiếng. Lẽ ra tôi đi xem, song vào giờ chót, có công điện hỏa tốc từ Sài gòn lên, nên Phi Sơn phải đi một mình. Y mượn xe tôi vì không có xe riêng. Xe của tôi là một chiếc Mercedes 220 SE, loại xe thông thường ở Vạn tượng. Phi Sơn khóa xe cẩn thận rồi vào rạp. Vãn hát, y ra về thì thấy trên đệm xe phía trước một gói thuốc lá Benson. Loại thuốc lá này rất ngon, có thể được coi là ngon nhất thế giới, ở Vạn tượng bán rất rẻ, độ 20 kíp một gói. Hồi ở Vạn tượng, tôi chuyên hút thuốc Benson. Nhưng Phi Sơn lại ghét thuốc lá một cách kinh khủng.
Y đinh ninh là gói thuốc tôi để quên nên không mở ra. Khi về sứ quán, y đưa gói thuốc, tôi lắc đầu, y mới biết là của người lạ bỏ vào. Người lạ đã mở cửa xe bằng chìa khóa riêng để bỏ gói thuốc, thế tất bên trong có cái gì quan trọng. Tưởng chất nổ, tôi phải mở rất thận trọng. Té ra bên trong là một cuộn phim.
- Phim Minox?
- Không, Phim 24X36 thường dùng cho máy ảnh tài tử. Cuộc phim này được bỏ nguyên trong hộp nhôm, bên ngoài để chữ «món quà sơ kiến». Mở ra và đem rửa, chúng tôi giật mình. Bản tài liệu về vụ phục kích cô Thái gần cánh đồng Chum gồm 28 trang đánh máy được chụp lại, đầy đủ. Nhìn dấu tối mật, tôi mừng rú lên. Những giòng chữ «K – 25» để ở góc trên, bên trái, chứng tỏ tài liệu này từ sứ quán Bắc Việt ra. Vì K-25 là bí hiệu của trú sứ tình báo trong tòa đại sứ Bắc Việt ở thủ đô Ai lao.
- Anh có báo cáo cho ông đại sứ không?
- Không. Trong các sứ quán cộng sản, ông đại sứ thường không liên quan đến hoạt động tình báo, nhưng lại là nhân vật cao cấp nhất của đảng đoàn, nên mọi việc, từ nhỏ đến lớn, đều được phúc trình lên. Trái lại, trong sứ quán của chúng tôi, ông đại sứ là viên chức ngoại giao chuyên nghiệp, chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm với ông Hoàng, và ông Hoàng chỉ chịu trách nhiệm với thủ tướng. Ông đại sứ Việt Nam đinh ninh tôi là tham vụ kinh tế, không biết tôi là giám đốc trú sứ gián điệp của ông Hoàng. Sau khi thảo luận với Phi Sơn, tôi gửi thư về trình ông Hoàng, và ông Hoàng ra lệnh cho tôi tiếp tục.
- Khi nào anh nhận được cuộn phim thứ hai?
- Đúng một tuần sau. Cũng vào tối thứ Bảy, trước rạp xi-nê. Lần này, tôi để sẵn một cái hộp cạc tông, đựng 500 đô la Mỹ.
- Chà, món tiền quá nhiều, thảo nào thiên hạ tối mắt!
- Anh dám trả tôi gần 10 triệu bạc thì 500 đô la Mỹ, vị chi 80 ngàn bạc Việt Nam đâu phải là nhiều! Cùng với số bạc, tôi kèm thêm một tờ giấy viết mấy chữ “cảm ơn, xin tiếp tục”. Xem chiếu bóng ra, tôi không thấy gói bạc nữa, và thay vào đó là gói thuốc lá Benson màu vàng óng ánh quen thuộc. Mở ra lại một cuộn phim.Cuộn này dài hơn, và chụp một tài liệu quan trọng hơn. Tài liệu liên quan đến mối liên lạc giữa tòa đại sứ Bắc Việt và các phần tử trung lập thiên tả sinh sống tại Vạn Tượng. Không giấu gì anh, tài liệu này trị giá 20.000 đô la. Vì nó giúp chúng tôi khám phá ra tổ chức địa hạ quân của cộng sản ở thủ đô Lào. Tôi đề nghị với Sài Gòn xin 10.000 đô la, và ông Hoàng đã chấp thuận.
- Trừ phi là tiền mã, ông Hoàng mới dám xuất ra 10.000 đô la để mua một cuộn phim, dầu là tài liệu tối mật.
- Hừ, chỉ có KGB mới in bạc giả, còn chúng tôi bao giờ cũng trả tiền thật.
- Tôi cấm anh đả kích KGB.
- Là nhân viên tình báo chuyên nghiệp mà anh cũng mắc bệnh mẹ hát con khen hay à? Bệnh này rất nguy hại, nhiều người đã mất mạng vì nó.
- Anh đừng dạy luân lý nữa.
- Vậy, anh cũng đừng lên mặt thầy đời với tôi.
- Lạ nhỉ! Anh bị ông Hoàng ghét bỏ, và anh đã về với tôi. Không lẽ anh lại bênh vực ông Hoàng.
- Tôi bỏ ông Hoàng, đồng ý, song điều này không có nghĩa là anh được quyền nói xấu một cách vô cớ. Mặt khác, tôi chưa phải là thuộc viên của anh. Tôi bán hang, anh bỏ tiền ra mua, thế thôi, giữa chúng ta không có mối liên quan tha thiết nào hết.
- Vâng. Tôi rút lại lời phê bình lúc nãy.- Cảm ơn anh. Tôi xin nói tiếp. Ông Hoàng chấp thuận cho tôi dung 10.000 đô la, tuy nhiên món tiền này được trả làm hai kỳ, mỗi kỹ 5.000. Ngoài ra, ông Hoàng còn ra lệnh dứt khoát: trú sứ Vạn Tượng phải tìm ra căn cước của kẻ bán tài liệu, và móc nối thường trực.
Nhận được chỉ thị, tôi bèn mở cuộc điều tra về các nhân viên trong sứ quán Bắc Việt. Sứ quán này gồm 30 nhân viên nam nữ, cư ngụ tại một tòa nhà lớn trên đường từ thành phố đến phi trường Vạt Chai. Cuộc điều tra này kéo dài 2 tuần lễ mà chưa có kết quả. Tối thứ bảy sau, tôi cũng đi xem xi-nê, song khi trở ra không nhận được tài liệu. Tôi đoán được ngay lý do vì Phi Sơn núp trong một tiệm ăn kế cận để canh chừng xe hơi.
Một tuần nữa trôi qua. Tôi dự tiếp tân tại sứ quán Pháp, và khi ra về nhận được một bức thư ngắn trong xe, vẻn vẹn mấy chữ: yêu cầu dừng theo dõi. Nếu thỏa thuận, hãy vẽ một vòng tròn bằng phấn màu đỏ vào sau xe Mercédes trong buổi sang ngày 15-9, từ 7 giờ đến 10 giờ.
Nhờ chi tiết này, tôi đã khám phá ra căn cước của người lạ. Vì buổi sáng 1-9 có một cuộc diễn binh ở Vạn Tượng, đặt dưới quyền chủ tọa của hoàng than thủ tướng, với sự tham dự của nhân viên ngoại giao đoàn. Từ 6 rưỡi đến 10 rưỡi, tôi phải có mặt trên khan đài danh dự. Dĩ nhiên, tại đó cũng có mặt phái đoàn Bắc Việt. Một nữ nhân viên sứ quán được tôi giao nhiệm vụ chụp hình khán đài danh dự, đặc biệt khu vực dành riêng cho ngoại giao đoàn Trung cộng và Bắc Việt.Nhân viên sứ quán Bắc Việt đến sau tôi nửa giờ, khi buổi lễ đã bắt đầu. Đậu xe xong, họ đi vòng phía sau đến khán đài. Và một người đã về trước khi cuộc diễu binh chấm dứt 10 phút. Người này là Trần Hiệp, thong tin viên của báo Nhân dân tại Vạn Tượng.
Vì chưa biết chắc Trần Hiệp là người bán tài liệu – có thể là một tài xế Bắc Việt đậu xe tại khu danh dự - tôi phải dung phương pháp chụp hình lén lút để thử lại đáp số. Tài liệu thường được bỏ vào xe ban đêm, nên tôi dùng phim hồng ngoại tuyến. Bằng va li ngoại giao, ông Hoàng gửi lên cho tôi một cái máy ảnh đặc biệt, lắp dưới táp-lô, ống ảnh ở gần vô lăng. Hễ cửa xe được mở ra, máy ảnh sẽ chụp tự động.
Tối hôm ấy, tôi lại nhận được một cuộn phim, và người lạ đã lấy 5.000 đô la.
Và tôi đã phăng ra con người bí mật là Trần Hiệp.
- Tôi muốn hỏi anh một chi tiết kỹ thuật: loại máy ảnh đặc biệt này ông Hoàng mua ở đâu?
- Tôi không biết.
- Loại gì? Minox B, Minolta 16-E, Minolta 16-P, Mamiya 16, Edixa 16 hay là Echo 8? (I)
- Những loại này rất rẻ tiền, Đắt nhất Minox B, độ 150 đô la, rẻ nhất là Minolta, 27 đô la. Máy ảnh tôi dùng đêm ấy là Gami-16 gần 300 đô la một cái. Máy Gami chụp nhạy hơn và rõ nét hơn trong bóng tối. Nó dùng phim 6 li, chụp được 30 lần, và có ống kính đặc biệt 4X và 8X, làm hình lớn lên 4 và 8 lần.
- Chạy bằng pin hay ắc qui xe hơi?
- Bằng bình điện trong xe.
- Cảm ơn anh. Phiền anh tiếp tục nói về Trần Hiệp.
- Khát quá. Xin anh một ly giải khát.
- Rượu nhé?
- Cổ họng tôi bị khô đét. Giá có ly nước cam thì hay quá.
- Để tôi gọi cô Phượng.
Chú thích:
1- R. tức directeur- resident là chức vụ cao cấp trong ngành điệp báo. Chức R, tức giám đốc trú sứ, được phụ trách một khu vực hoặc một quốc gia ở hải ngoại. Chẳng hạn đại tá Sô viết Albert là giám đốc trú sứ ở Hoa Kỳ(I) – Đây là loại máy ảnh nhỏ thông dụng trong nghề tình báo.
Một phút sau, Cẩm Phượng ưỡn ẹo đứng trên ngưỡng cửa. Nàng nhoẻn miệng cười với Lê Tùng.
Giọng nàng ỏn ẻn:
- Anh dùng cam vắt nhé?
Lê Tùng đơ người:
- Vâng.
Chu Nghị phê bình:
- Cẩm Phượng chỉ có cái eo đẹp, còn mặt thì tầm thường. Tối nay, tôi sẽ đưa đến phòng anh một cô bé đẹp gấp hai.
- Sau này chắc anh làm chủ nhà chứa.
- Bây giờ, tôi đang làm nghề này. Nghề cung cấp gái đẹp cho giới thượng lưu ở Hồng Kông.
- Sướng thật! Món nào ngon, anh đã nếm trước.
- Không đâu. Anh lầm to rồi. Không tin, anh hỏi Cẩm Phượng. Tôi làm nghề cung cấp gái đẹp, song lại rất ghét gái đẹp. Nói chung, tôi rất ghét đàn bà.
- Nguyên nhân?
- Tôi không thích, thế thôi. Có lẽ vì nhìn quá phát ngấy. Ngấy muốn lộn mửa.
Cẩm Phượng bưng khay giải khát vào. Nàng lại cười với Lê Tùng lần nữa.
Lê Tùng không cười lại. Chàng nhớ lại đêm mưa gió lạnh lùng trên bờ sông Bến Hải. Chỉ còn tuần lễ nữa là Tết Nguyên Đán. Trời tối như hũ nút. Như thường lệ, chàng đợi Trần Hiệp trên bờ nam, ở địa điểm AQ-19. Trần Hiệp, mang số hiệu 307, là nhân viên tình báo của ông Hoàng ở phía bắc vĩ tuyến 17.
Vượt sông Bến Hải là công việc cơm bữa của nhân viên tình báo. Trần Hiệp biết rõ họa đồ phòng thủ của Cộng sản dọc bờ bắc nên chàng qua sông như đi chợ. Hơn nữa, Hiệp lại là bạn thân của thiếu tá Phan Lộ, chỉ huy phản gián giáp tuyến.
Thế mà đêm ấy Trần Hiệp bị bắt. Bị bắt trong khi sửa soạn sang sông gặp Lê Tùng. Bị bắt vì nội phản. Vì địch đã biết trước. Hoạt động với Trần Hiệp đã lâu, chàng không quên được nếp sống giản dị, say sưa với nghề nghiệp của người thanh niên khả ái và nhũn nhặn ấy. Hiệp là nhân viên của ông Hoàng trước hiệp định Giơ neo. Sauk hi Sở rút vào Nam, Hiệp ở lại Hà Nội, núp sau một chức vụ quan trọng trong thành bộ đảng Lao động, chờ cơ hội hoạt động tình báo.
Theo kế hoạch, chàng sẽ liên lạc với trú sứ ẩn tế của Sở tại Hà Nội, khi có cơ hội hoạt động. Chàng được thu dụng làm phóng viên báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của trung ương đảng Lao động. Chàng thu thập được nhiều tin tức, song không thể gửi cho ông Hoàng vì bị mất liên lạc với trú sứ ẩn tế. Nhân viên giao liên của trú sứ đã bị tử thương trong một chuyến công tác dọc bờ biển.
Trần Hiệp được phái qua Lào để làm phóng sự về tình hình chiến sự và chính trị. Và chàng đã tìm cách liên lạc với Lê Tùng.
Chu Nghị hỏi:
- Trần Hiệp có chân trong tổ chức của ông Hoàng từ 1950 phải không?
Lê Tùng đáp:
- Phải. Cuối năm 1950. Sau khi biết chắc căn cước của người bán tài liệu, tôi liền phúc trình về Sài Gòn.
- Chỉ thị của ông Hoàng về việc tiếp xúc với Trần Hiệp ra sao?
- Tôi luôn luôn để trong xe một cuốn Tuyển tập Mao Trạch Đông, do nhà Văn học ở Hà Nội xuất bản, bìa gáy da màu đỏ, bên trong găm một cái khăn tay màu vàng rơm. Trên mù soa mật lệnh liên lạc được viết bằng mực bí mật. Theo mật lệnh này, Trần Hiệp phải gặp tôi đúng 3 ngày, sau khi nhận được, tại công trường xế cửa phòng Thông tin Vạn Tượng, vào lúc 8 giờ tối. Và Hiệp đã y hẹn.
- Những tài liệu gửi cho ông Hoàng, Trần Hiệp đã lấy ở đâu?
- Trong tủ sắt của tòa đại sứ Bắc Việt.- Ai lấy? Trần Hiệp phải không?
- Không, Hiệp kết nạp được viên đệ nhị tham vụ.
- Tên hắn là gì?
- Hồ Vân, Đảng viên trung kiên của đảng Cộng sản Đông dương. Từng thụ huấn tại Mạc Tư Khoa, tốt nghiệp trường Ngoại ngữ Tình báo Sô Viết.
- Tại sao hắn phản?
- Vì chán ghét chế độ cộng sản một phần, phần khác vì tiền. Qua trung gian của Trần Hiệp, tôi đã trả trên 20.000 đô la cho Hồ Vân. Và tôi đã nhận được 10 cuộn phim cả thảy. Nhờ thế tôi đã phăng ra toàn bộ tổ chức tình báo của tòa đại sứ Bắc Việt trên đất Lào. Một phái đoàn đặc biệt được gửi từ Sài Gòn lên, lần lượt hạ sát những chuyên viên do thám cao cấp của Bắc Việt. Đại sứ Lê Văn Hiến mở cuộc điều tra, song không tìm ra manh mối. Trong khi đó, tham vụ Hồ Vân được triệu hồi.
- Hắn bị ngờ vực ư?
- Không. Vì lẽ giản di, hắn có họ gần với Lê Thị Xuyến, vợ đại sứ Lê Văn Hiến, và là ủy viên trung ương Đảng. Đại sứ Lê Văn Hiến tin cậy hắn triệt để, và còn ủy cho hắn điều tra nội vụ.
- Trời!
- Hồ Vân bị gọi về vì y mắc bệnh đau gan nặng. Có lẽ vì trác táng quá nhiều. Sợ bị ung thư gan, hắn xin về Hà Nội điều trị. Để bảo vệ an ninh cho hắn, ông Hoàng đã lập kế ly gián, đổ tội cho một nhân viên của ban Mật mã trong tòa đại sứ Bắc Việt, Trần Hiệp bí mật giết người này, rồi ngụy trang vụ ám sát thành tự sát, kèm theo một tờ thú tội. Kế hoạch ly gián hoàn toàn thành công.
Hồ Vân chữa bệnh tại nhà thương Bạch Mai từ tháng 11-1964 đến tháng 3-1965 mới bình phục. Để tiếp tục móc nối với Hồ Vân, tôi được phái lần nữa ra Hà Nội, điều khiển trú sứ ẩn tế ở đó. Nhưng…
- Hắn bị bắt?
- Không. Hắn không bị bắt. Tôi hoạt động với hắn được đúng 3 tháng. Hầu hết các tài liệu mật của Bộ ngoại giao Hà Nội đều được chuyển cho tôi và gửi về Sài Gòn. Đột nhiên, hắn từ trần vì bệnh đau tim.
- Bệnh đau tim? Anh chắc không?
- Sau khi hắn chết, tôi hỏi người nhà, và họ cho biết là hắn đang ngồi trên ghế thì gục xuống tắt thở. Nhật báo Thời Mới cũng loan tin trong mục phân ưu là Hồ Vân thất lộc vì bệnh tim.
Cặp mắt của Chu Nghị bỗng quắc lên một cách dữ tợn. Hắn gập cuốn sổ tay lại, đứng lên, giọng cộc lốc:
- Hôm nay, tạm xong. Hẹn anh đến sáng mai.
Lê Tùng hỏi:
- Tôi ra phố chơi được không?
- Được. Song phải có nhân viên của tôi đi theo. Vả lại, lát nữa anh phải đến lấy phòng tại lữ quán. Tôi đã làm sẵn thông hành giả cho anh, ngân hàng Tổng hạt ở Thụy Sĩ sẽ chuyển tiền về lữ quán. Tôi đã giữ phòng trước cho anh tại lữ quán Quốc tế (I).
Ra phòng ngoài, Lê Tùng gặp hai gã đàn ông mặc sơ mi bỏ ngoài quần. Nhìn lưng chúng cồm cộm, chàng biết chúng đeo sung. Chàng quay về phía Chu Nghị:
- Yêu cầu anh minh xác: tôi là đồng minh hay là tù nhân của anh?
Chu Nghị nhìn chàng, vẻ ngạc nhiên:
- Anh hỏi lạ. Tôi coi anh là thượng khách. Tại sao anh lại có ý nghĩ là tù nhân của tôi?
Lê Tùng buông thong:
- Hừ, nếu không là tù nhân, tại sao nhân viên của anh lại đeo súng trong áo?
Mặt Chu Nghị tỏ ra ngượng ngập:
- Họ đeo súng để bảo vệ an ninh cho anh.
- Cám ơn., Tôi không phải là cô gái dậy thì, sợ cao bồi chọc ghẹo dọc đường.
- Biết đâu người ta chẳng tìm cách hạ sát anh!
- Đồng ý. Nhưng tôi không tin hai chú bị thịt, giá áo túi cơm này đủ tài làm vệ sĩ.
Một tên trợn mắt:
- Phiền anh giữ miệng. Bản tính tôi rất nóng nảy.
Lê Tùng cười khẩy:
- Tôi cũng vậy. Hạng người dài lưng tốn vải như anh chỉ ăn một quả đấm là xụm xương.
Hắn nhảy xổ lại. Chu Nghị gạt ra:
- Đừng thất lễ với khách.
Lê Tùng cười khanh khách:
- Không sao. Xin phép anh Chu Nghị cho tôi được múa may vài phút cho khỏi ngứa ngáy.
Vừa nói, chàng vừa đấm dứ một cái. Tên vệ sĩ né sang bên, giáng bàn tay kếch sù xuống. Hắn đã mắc mưu chàng như đứa trẻ. Chờ bàn tay của hắn gần chạm vai, chàng nghiêng người tóm lấy, giật lui thật mạnh. Hắn húc đầu vào tường, rồi nằm quay lơ trên nền nhà. Tên thứ hai hùng hổ xông vào. Lê Tùng khoèo chân nhẹ nhàng như đùa bỡn, hắn chổng bốn vó lên trời. Chu Nghị vỗ tay khen ngợi:
- Anh giỏi thật. Đáng tiếc anh không là nhân viên của tôi.
Lê Tùng nghiêm mặt:
- Anh thừa hiểu tôi không bao giờ làm nhân viên cho anh. Nhân tiện, cũng báo anh rõ, tôi không thích đi cặp kè với hai của nợ này. Nếu anh muốn, anh cứ cho chúng theo sau. Còn tôi, tôi chỉ bằng lòng đi với Cẩm Phượng.
Chu Nghị gượng cười:
- Vâng, tôi chiều ý anh. Cẩm Phượng sẽ lái xe đưa anh xuống lữ quán. Còn hai vệ sĩ đi xe khác.
Cẩm Phượng run rẩy bước ra, thân thể tròn lẳn trong cái áo dài Tàu bằng tơ tằm, may sát vào thịt. Phục sức khêu gợi đến thế là cùng! Nàng cầm tay chàng, cử chỉ thân mật như vợ với chồng:
- Mời anh ra xe với em.
Xe của Cẩm Phượng là một chiếc Moretti nhỏ xíu, mui trần, sơn màu mát tích dịu mắt. Nàng buộc cái băng đô lên đầu cho khỏi bay tóc rồi lái ra khỏi ga-ra. Chiếc Mercedes của hai vệ sĩ lừ lừ chạy theo. Chàng ngồi sát vào người nàng, gợi chuyện:
- Cô Phượng ơi!
Nàng phá lên cười:
- Anh muốn gì, cứ nói đi. Em không ngờ một người như anh lại tán gái một cách văn vẻ như thế!
- Tôi cũng không ngờ. Không ngờ một người như cô lại làm đầu bếp và con sen cho Chu Nghị.
Bản tâm của chàng là chọc tức Cẩm Phượng. Song nàng vẫn thản nhiên:
- Tài xế của tùy viên quân sự Xô Viết tại Hoa Thịnh Đốn là một trung tá. Một sĩ quan KGB đã đóng vai gác cửa. Cho nên, em làm con sen không phải là chuyện lạ.
- Em là thuộc viên của Chu Nghị?
- Không.
- Hay em là thượng cấp?
- Cũng không.
- Em bí mật ghê.
- Dĩ nhiên. Anh cũng đừng hỏi tò mò nữa. Vì em không trả lời đâu. Cũng như anh, em được huấn luyện trong trường tình báo và em ở trong nghề đã lâu. Nếu anh cần an ủi, em xin sẵn sang. Luôn luôn sẵn sang. Vả lại, được thương yêu một thanh niên đẹp trai và lịch thiệp như anh là điều hân hạnh.
- Giả sử anh là một lão già khọm khẹm và thô bỉ?
- Nhiệm vụ mà anh. Tuy nhiên, em được quyền lựa chọn. Trong quá khứ, em đã thẳng tay từ chối nhiều lần. Lần này, vừa nghe Chu Nghị yêu cầu, em nhận lời liền. Và em muốn kéo dài thời kỳ hạnh phúc này mãi.
Cẩm Phượng lái qua đại lộ Carnarvon. Đột nhiên, Lê Tùng nói:
- Em cho anh xuống một chút.
- Anh đi đâu? Chu Nghị dặn đưa anh đến lữ quán Quốc tế kia mà…
- Anh muốn vào Trung tâm Ngọc Thạch (1) mua tặng em cái nhẫn.
- Sợ Chu Nghị phàn nàn. Thôi, tuần sau xong việc mua cũng được.
- Mặc kệ Chu Nghị. Người đàn ông văn minh không thể quên được cảm tình đặc biệt của em đêm qua.
Cẩm Phượng lặng thinh. Lê Tùng xuống xe. Chiếc Mercedes đậu xịch phía sau. Hai tên vệ sĩ kèm sát Lê Tùng. Chàng thản nhiên tiến lại quầy hàng. Chàng chăm chú quan sát người bán hàng: mắt đeo kính râm Nylor gọng vàng, giây ni lông, miệng ngậm tẩu Falcon - loại tẩu cán sắt – màu nâu, mặc sơ mi ngắn tay kiểu Mỹ màu đỏ ca rô, cổ áo gài 2 nút.
Người bán hàng cũng chăm chú quan sát chàng: sơ mi dài trắng, xắn tay, để lộ ở cổ tay trái một cái đồng hồ Seiko của Nhật tự động, đeo ngược, bàn tay phải để lên mặt kính, ở móng tay cái có một vết đen, trên miệng phì phèo điếu Benson mới đốt, và cũng ngược đầu. Hắn hỏi chàng:
- Ngài mua gì?
Chàng đáp:
- Tôi muốn tìm một cái nhẫn.
- Hạt soàn hay ngọc thạch?
- Hạt soàn. Từ 5 đến 7 li.
- Vâng. Xin ông đợi một phút.
Hai tên vệ sĩ đứng sát Lê Tùng, mặt lầm lầm. Cẩm Phượng rút thuốc lá ra hút. Người bán bày ba cái hộp nhung đỏ lên bàn. Lê Tùng cầm cái nhẫn ở giữa lên coi trước. Chàng nheo mắt, lấy kính lúp soi cẩn thận. Xong xuôi, chàng soi cái bên trái. Rồi chàng đặt xuống, nhún vai:
- Cái nào cũng bị than.
Người bán xoa tay:
- Vâng. Chúng tôi chưa cắt kịp. Xin ông cho địa chỉ, tối nay chúng tôi mang lại tận khách sạn.
Cẩm Phượng nói:
- Thôi, cám ơn ông, khi khác chúng tôi sẽ quay lại.
Lê Tùng chào người bán, rồi quay ra. Đến cửa, chàng nhác thấy một con bướm vàng tây, nạm ngọc thạch tuyệt đẹp. Chàng hỏi giá. 95 đô la Mỹ. Lê Tùng lại két, xỉa tờ trăm mỹ kim, trong khi người bán gói cái hộp xin xắn, kính cẩn đưa tận tay cho Cẩm Phượng.
Trèo lên xe, Lê Tùng khoan khoái lạ thường. Công việc khó khan nhất của chàng trong thời gian lưu lại Hồng Kông đã hoàn tất. Chàng vừa thông tin được với ông Hoàng. Người bán hàng phục sức kì dị này là nhân viên của Sở, có nhiệm vụ chờ chàng. Trong khi hai tên vệ sĩ hối hả nổ máy, người bán hàng tiến ra ngoài, nhìn số xe. Một phút sau, y quay vào trong nhà, gọi điện thoại.
Người ở đầu dây nghe y nói, không đặt câu hỏi, cũng không ngắt quãng. Y nói xong, người này mới cất tiếng:
- Cảm ơn. Tôi đã biết xe của ai rồi. Anh không cần bố trí rượt theo nữa.
Cẩm Phượng cười vang như đứa trẻ. Lê Tùng nhẹ hôn vào má nàng. Trời Hồng Kông trong và cao như ở bãi biển Nha Trang một ngày mùa hè rực nắng.
* * *
9 giờ sáng hôm sau. Khác lần trước, Chu Nghị giữ vẻ mặt lầm lì khi bắt tay Lê Tùng. Cùng đi với hắn là một người đàn ông đeo kính đen to tướng, cằm vuông, tay xách cặp da, mặc com lê chỉnh tề. Vào phòng, người lạ ngồi xuống ghế.
Chu Nghị nói:
- Giới thiệu với anh đây là một đặc phái viên từ Trung ương tới.
Không cần đợi Lê Tùng đáp, người lạ mở cặp lấy một xấp giấy đánh máy đặt lên bàn, rồi nói giọng đều đều:
- Tôi đã nghiên cứu lời khai của anh. Sở dĩ tôi đến đây là để hỏi thêm một vài chi tiết. Những lời anh nói hôm qua đã chứng tỏ sự thành thật của anh.
Lê Tùng cướp lời:
- Ăn cây nào, rào cây ấy vẫn là phương châm hành động của tôi. Các anh thỏa thuận trả giá cao, tất tôi phải cố gắng bán những món hàng thật tốt.
Người lạ mặt, giọng nghiêm nghị:
- Anh hiểu được thế thì còn gì bằng. Tuy nhiên, anh chỉ mới thành thật một nửa.
- Hừ, tôi không muốn ai ngờ vực thiện chí của tôi.
- Tôi cũng không thích những lời bào chữa liều lĩnh. Lời khai của anh đã được ghi lại, không thiếu một dấu chấm, phết. Anh đã khai nhiều chi tiết, song những chi tiết này đều vô dụng, hoàn toàn vô dụng. Tôi hy vọng đây không phải là sự cố ý.
- Dẫn chứng?
- Không thiếu gì. Lời khai của anh hoàn toàn vô dụng vì anh chỉ nói đến những điều chúng tôi đã biết và những người đã chết. Về vụ nhảy dù xuống Quỳ Châu, anh nói được YS. 74 đón dưới đất, và YS. 82 phụ tá tại Cầu Giát, tôi đã phối kiểm với Trung ương, và được biết hai người này đã thiệt mạng. Anh có ba nhân viên nòng cốt ở Vạn Tượng là cô Quỳnh Thái, Phi Sơn và Tấn Lạc thì Quỳnh Thái chết rồi, Phi Sơn bị triệu về Sài Gòn, Tấn Lạc từ chức.
Làm nghề này, đã vào rồi, ra không được nữa, trừ phi là nhân viên cấp dưới, hoặc bị trục xuất, như anh chẳng hạn. Tấn Lạc là nhân viên cấp dưới, sẽ chẳng giúp chúng tôi được gì. Trần Hiệp cũng bị giết. Nghĩa là anh nói sao, chúng tôi phải tin vậy, không có phương pháp nào xác định là sai hay đúng.
- Hoài nghi nhau thì thôi. Tôi sẵn sang trả lại tiền.
- Tôi không ngờ vực anh. Song ở vào địa vị tôi, anh cũng phải đặt ra nghi vấn. Vả lại, chúng tôi cần anh cung cấp một vài tin tức đặc biệt, ngoài các tin tức chúng tôi đã có. Chẳng hạn về trường hợp tham vụ sứ quán Hồ Vân. Theo hồ sơ của sở Phản gián, y không chết vì bệnh tim mà là bị ám sát. Hồ Vân bị ám sát để bảo toàn bí mật. Trong thời gian ở Hà Nội anh gặp y mấy lần?
- Hai lần.
- Còn Trần Hiệp?
- Tôi gặp Trần Hiệp ba lần.
- Chúng cung cấp cho anh những tài liệu gì?
- Tài liệu liên quan đến bộ Ngoại giao, tổ chức tâm lý chiến, bộ Quốc phòng và các phiên nhóm mật của ủy ban Trung ương Đảng.
- Cảm ơn anh đã nói thật. Hồ Vân là nhân viên ngoại giao. Trần Hiệp tòng sự tại tòa soạn Nhân Dân, thì tài liệu của chúng chỉ có thể liên quan đến bộ Ngoại giao và tâm lý chiến. Tại sao chúng có tài liệu liên quan đến Bộ Quốc phòng và ủy ban Trung ương Đảng.
- Tôi hỏi thì họ trả lời là móc nối được một số viên chức của Bộ Quốc phòng và ủy ban Trung ương.
- Các viên chức này là ai?
- Hồ Vân không cho tôi biết. Theo sự cam kết bằng miệng, tôi không được quyền hỏi y về xuất xứ của các tin tức. Sau đó, y từ trần.
- Ông Hoàng có ra lệnh cho anh tìm hiểu xuất xứ tin tức hay không?
- Không.
- Tại sao anh không hỏi Trần Hiệp?
- Y hoạt động riêng, không nằm trong hệ thống của tôi. Tôi chỉ có nhiệm vụ chuyển giao tài liệu và tin tức do y thu thật về Sài Gòn mà thôi.
Người lạ mặt cười nhạt:
- Ông Hoàng không ra lệnh cho anh căn vặn Hồ Vân và Trần Hiệp vì lẽ giản dị ông ta đã biết rõ. Và chúng tôi cũng muốn biết rõ ai đã trao tài liệu cho Vân và Hiệp. Anh đoán được ai không?
Lê Tùng đáp:
- Việc này ngoài phạm vi của tôi.
Người lạ mặt nín lặng, đưa ngón tay ra hiệu cho Chu Nghị lên tiếng.
- Anh về Sài Gòn khi nào?
Lê Tùng đáp:
- Tháng 6-1965.
- Tại sao anh về?
- Dường như tôi bị lộ. Nhận được chỉ thị hỏa tốc của ông Hoàng, tôi phải lên đường ngay.
- Bị lộ như thế nào?
- Hồi ở Bắc Việt, tôi đội lốt thiếu tá quân đội, có đủ giấy tờ cần thiết, và đi lại tự do. Tôi không lưu lại nơi nào lâu, một tuần ở Hà Nội, một tuần ở Thanh Hóa, một tuần ở Vinh. Đêm ấy, tôi đi bộ đến chợ Hôm để gặp một nhân viên liên lạc. Giờ hẹn được định là 9 giờ. Từ ga xe điện Bờ Hồ xuống chợ Hôm, tôi biết là bị theo, tôi bèn đổi xe lên Cầu Giấy, nhưng vẫn bị bám sát. Tôi đành phải bỏ cuộc hẹn, và sáng sớm trốn vào Thanh Hóa. 4 ngày sau, tôi quay lại Hà Nội thì được tin nhân viên liên lạc của tôi đã bị bắt. Người này chỉ biết tôi, không biết nhân viên nào khác trong tổ chức, nên tôi phải trốn vào Nam để bảo vệ tổ chức.
- Đêm bị bắt ở vĩ tuyến 17, Trần Hiệp vượt song Bến Hải làm gì?
- Để trao những tài liệu về hệ thống bố phòng tại Liên khu IV, bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
- Nghĩa là khu vực Cựu kim sơn.
Lê Tùng chột dạ. Nếu không giàu nghị lực, chàng đã giật mình, tái mặt. Vì Cựu kim sơn là danh từ bí mật chỉ Liên khu IV. Biết được danh từ này, đối phương không nhiều thì ít đã phăng ra hệ thống điệp báo của ông Hoàng ở phía Bắc cầu Hiền Lương, ngăn đôi hai miền Nam, Bắc. Chàng gắng đáp bình thản:
- Vâng. Cựu kim sơn. Sau khi về Sài Gòn, tôi được phụ trách hệ thống Cựu kim sơn.
- Tại sao Trần Hiệp bị bắt?
- Ông Hoàng cho biết có nội phản.
- Z309 bị bắn chết trong khi vượt sông Bến Hải cũng vì nội phản?
- Vâng. Điều này làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Z 309 là thanh tra công an, có uy tín và thế lực tại Liên khu IV, lại là người đồng hương và bạn thân của chủ tịch Ủy ban Hành chánh liên khu. Về hoạt động đoàn thể, y đã trèo lên tới cấp tỉnh ủy, và chủ tịch phân hội Việt Sô hữu nghị, hội Đoàn kết Á Phi.
Cách hai tháng một lần, y được chính quyền khu cử đi thanh tra các đơn vị công an nhân dân đồn trú tại vùng giáp tuyến. Đêm ấy, y dự liên hoan tại trụ sở công an, rồi lấy xe dip nói là đi tuần một vòng dọc bờ song. Y vẫn đi tuần như vậy là thường. Đến chỗ hẹn, y đậu xe, sửa soạn băng qua song. Vào giờ ấy, nước sông chỉ mấp mé đầu gối. Y mới xa bờ được 3 thước thì bị một tràng tiểu liên quét gục.
- Còn vụ Cửa Tùng?
- Vụ này xảy ra đúng một tuần sau khi Z 309 bị hạ sát trên sông Bến Hải. Z 308 là một nhân viên trong đội công an duyên hải. Chức vụ chính thức của y rất lợi cho chúng tôi vì y đã cung cấp họa đồ bờ biển Liên khu IV, và nhất là hệ thống phòng vệ duyên hải của nhà cầm quyền Bắc Việt. Nhờ Z 308, ông Hoàng đã có thể chở người nhái bằng tàu ngầm đến ngoài khơi Sầm Sơn, Du Xuyên, Bến Thủy, Cầu Giát, và Cửa Tùng, thả họ lên bờ phá hoại.
Z 308 điện vào cho ông Hoàng, báo cáo là đã bị lộ. Tôi được lệnh đến đón y ngoài khơi Cửa Tùng trên một tiềm thủy dĩnh xì gà. Theo chương trình, 308 phải chèo thuyền khỏi bãi biển nửa cây số để xuống tàu ngầm. Chờ y mãi không thấy tăm hơi, tôi đành bơi xuồng cao su vào bãi cát.
- Rồi lọt vào ổ phục kích.
- Vâng. Suýt nữa tôi mất mạng. Một toán công an duyên hải đã chờ tôi trong rừng phi lao. Nhờ trời tối, tôi thoát được ra khơi, tuy nhiên một thiếu úy hải quân làm vệ sĩ cho tôi đã bị trọng thương.
- Z 308 bị bắt hay bị giết?
- Bị giết.
- Kỳ quặc thật? Theo nguyên tắc nghề nghiệp, phải bắt sống, không bao giờ bắn chết điệp viên của địch. Vì phải bắt sống để khai thác tin tức. Đằng này, toàn thể đều bị giết. Anh có cho lạ không?
- Theo tôi, sở dĩ họ bị giết vì đã kháng cự lại quyết liệt. Trần Hiệp lợi dụng một phút lơ đễnh của công an để tự sát. 309 đã bắn vào nhân viên tuần phòng trên bờ bắc song Bến Hải, 308 cũng vật lộng với công an duyên hải gần 10 phút trước khi bị bắt.
Chu Nghị từ tốn nâng ly rượu lên môi. Người lạ mặt đứng dậy ra lệnh:
- Tôi đi đây. Anh tiếp tục hỏi về công tác tài chính H-4, chiều nay cho tôi biết kết quả.
Chu Nghị đưa người lạ mặt ra cửa. Người lạ mặt đi thẳng, thái độ lạnh lung, pha vẻ hợm hĩnh, không cáo từ Lê Tùng, cũng như không bắt tay Chu Nghị.
Chờ Chu Nghị ngồi xuống, Lê Tùng phê bình:
- Anh chàng này phách lối quá! Nếu không nể anh, tôi đã nhổ nước bọt vào mặt hắn.
Chu Nghị buột miệng:
- Sao anh dám đả kích đại tá?
- Hắn là đại tá? Đại tá nào?
Chu Nghị tái mặt:
- Lẽ ra tôi không được quyền tiết lộ. Tuy nhiên, tôi không nói thì trước sau anh cũng biết. Đó là đại tá Tú, phụ tá cho Bùi Vinh. Đã hoạt động tại Bắc Việt, anh phải biết Bùi Vinh.
- Vâng, Bùi Vinh là cánh tay phải của Phan Thiện, con hùm xám phản gián ở phía Bắc vĩ tuyến 17. Tuy đại tá Tú là phụ tá của Bùi Vinh, tôi vẫn không ngửi hắn được. Trong nghề tình báo này, chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào. Vả lại, tôi rất ghét những kẻ lên giọng cha chú.
- Thôi, đồng chí. Bớt giận làm lành. Mấy ngày nữa, anh sẽ khỏi phải thấy mặt tôi và mặt đại tá Tú. Với 10 triệu bạc, anh tha hồ tiêu xài.
Nhìn đồng hồ, Chu Nghị giật mình:
- Chết rồi. Đã 12 giờ trưa. Chúng ta chỉ còn một giờ nữa thôi. Phiền anh nói về tổ chức H-4
Lê Tùng nói:
- Sở H-4 trong Tổng nha Mật vụ chuyên về tài chính. Đúng ra, nó là H-4869, và chia làm 4 ban: ban H-4, ban H-8, và ban H-69. Ban H-69 phụ trách quản trị và kinh tài, ban H-8 phụ trách nghiên cứu kỹ thuât. Còn ban H-4 do tôi điều khiển, phụ trách chuyển ngân cho nhân viên ở hải ngoại.
- Anh được cử làm trưởng ban H-4 khi nào?
- Ngay sau khi Trần Hiệp thiệt mạng tại bờ sông Bến Hải. Tôi bị Văn Bình, đại diện ông Hoàng, khiển trách nặng nề. Tôi bị mất chức R. và giáng xuống làm trưởng ban H-4. Ban này gồm toàn nhân viên già, sắp đến tuổi hưu trí, và một số phụ nữ trông coi sổ sách.
- Nó được liệt vào hạng tối mật không?
- Trên nguyên tắc, mọi cơ quan trong tổng nha Mật vụ đều được coi là bí mật. Ban H-4 không có gì là bí mật cả.
- Tại sao trong văn phòng có đến 6 cái tủ sắt lớn?
- Để chứa hồ sơ chuyển ngân.
- Thể thức gửi tiền ra sao?
- Như anh đã biết, ông Hoàng có nhiều nhân viên rải rác trên khắp thế giới, đặc biệt tại Đông Nam Á. Số tiền hàng tháng gửi ra ngoại quốc lên tới hàng trăm triệu bạc Việt Nam. Thường thường, chúng tôi dùng đô la Mỹ làm bản vị. Tiền lương cho nhân viên ẩn tế đều được trả bằng mỹ kim.
Ông Hoàng có trương mục tại hầu hết các ngân hàng ở Sài Gòn, thường là ngân hàng do người ngoại quốc điều khiển. Vì vậy, chúng tôi không giao dịch với nhà băng Việt Nam như Công thương Ngân hàng, Việt nam Thương tín… vân vân. sợ nghiệp vụ tình báo bị bại lộ. Mặt khác khi cần chuyển tiền, chúng tôi giao dịch với các ngân hàng nhỏ.
- Chẳng hạn?
- Chi nhánh của Ngân hàng Vọng các, và Ngân hàng Đông kinh tại Sài Gòn.
- Ai ra lệnh chuyển ngân?
- Về lương tháng hoặc công tác phí của các trú sứ ở hải ngoại, thì ban H-69 phụ trách quản trị và kinh tài quyết định. Còn những món tiền đặc biệt phải do văn phòng riêng của ông Hoàng ra lệnh. Trên nguyên tắc cô Nguyên Hương, bí thư của ông Hoàng, gửi công văn xuống ban H-69 và ban này ra lệnh cho tôi làm chi phiếu. Tôi đích thân liên lạc với sở Hối đoái. Theo lệnh của phủ Thủ tướng, tất cả những nghiệp vụ chuyển ngân do tôi yêu cầu đều được thực hiện ngay, không cần điều tra. Chẳng hạn, H-69 yêu cầu tôi gửi 10.000 đô la qua Vọng các, tôi liền nhờ Ngân hàng Vọng các ở Sài Gòn làm trung gian, sau khi được sở Hối đoái cho phép.
- Cô Huệ Lan giữ phần hành gì trong H-4?
- Tiếp nhận công văn, và sửa soạn chi phiếu. Tôi đích thân ký vào chi phiếu và mang ra ngân hàng.
- Chúng ta đang tới điểm quan trọng nhất: anh đích thân ký chi phiếu trả tiền, tất phải biết tên người nhận tiền. Phiền anh cho biết những người này là ai?
- Tôi chỉ biết phần nào. Phần nhiều các chi phiếu đều để trống chỗ ghi tên người thụ hưởng. Chi phiếu được chuyển lên phòng cô Nguyễn Hương, và trên ấy sẽ điền tên người nhận vào.
- Anh nói là biết được một số. Lát nữa, xin anh viết lên giấy.
- Vâng. Tuy nhiên, tôi sợ anh không sử dụng được. Vì toàn thể đều là tên giả.
- Không sao. Chúng tôi đã có phương pháp phối kiểm. Trong thời gian anh tòng sự tại ban H-4, anh được lệnh thực hiện mấy vụ chuyển ngân đặc biệt?
- Ba vụ cả thảy. Mỗi vụ cách nhau chừng 4, 5 tuần lễ. Và mỗi vụ được gọi bằng tên riêng. Theo thứ tự, đó là vụ Thái Phiên, vụ Phan Đình Phùng và vụ Lê Quí Đôn.
- Chuyển ngân đi đâu?
- Vụ Thái Phiên chuyển ngân qua Vạn Tượng, Phan Đình Phùng qua Hồng kông, còn Lê Quí Đôn qua Nam Van.
- Gửi cho ai?
- Việc chuyển ngân được thực hiện theo thể thức như sau: tiền được chuyển cho tôi, dĩ nhiên tôi đội tên giả. Tôi thân chinh đến tận nơi, gặp giám đốc ngân hàng và nói là tôi ủy quyền cho một người khác. Khi nào người này mang giấy tờ căn cước đến, thì ngân hàng sẽ cho rút tiền ra.
- Ở Vạn Tượng, tên giả của anh là gì?
- Mita, quốc tịch Phi luật tân.
- Còn người được ủy quyền?
- Nêlô, cũng quốc tịch Phi luật tân. Y là nhân viên bí mật của ông Hoàng. Tôi không biết tên thật, cũng như tướng mạo của y. Tôi chỉ biết y từ nước ngoài đến Vạn Tượng bằng thông hành thật, đến nơi, y lại ngân hàng, xuất trình thông hành giả để lãnh tiền.
- Kẻ lãnh tiền ở Hồng Kông và Nam vang cũng là Nêlô hay là người khác?
- Thú thật với anh, tôi hoàn toàn không biết. Việc chuyển tiền ở Hồng Kông và Nam vang khác hơn. Tại đó, tôi đích thân lãnh tiền rồi mướn tủ sắt trong nhà băng, bỏ vào. Nhân viên bí mật của ông Hoàng đến sau, mở tủ sắt ra lấy tiền.
- Theo chỗ tôi biết, muốn thuê tủ sắt trong ngân hàng, phải làm đơn, kẽm chữ ký và ảnh. Về phần anh, không nói làm gì, song còn người kia? Y phải nộp ảnh cho ngân hàng, và như vậy ta chỉ cần phái người đến ngân hàng là phăng ra.
- Sự việc không quá giản dị như anh tưởng. Cả tôi lẫn người ấy đều không nộp ảnh mà chỉ lưu lại mẫu chữ ký, và giấy thông hành.
- Kẻ rút tiền tại Hồng Kông là ai?
- Sambái , quốc tịch Cao mien.
- Tại Nam vang?
- Phumê. quốc tịch Ai lao.
- Tại sao không gửi tiền bằng va li ngoại giao cho tòa đại sứ hoặc lãnh sự rồi giao cho giám đốc trú sứ thanh toán?
- Thể thức này rất nguy hiểm. Thứ nhất, ông Hoàng sợ giám đốc trú sứ tại Vạn Tượng, Hồng Kông và Nam Vang bị nhận diện mỗi khi đến lãnh tiền tại ngân hàng. Thứ hai, ông Hoàng không muốn giám đốc trú sứ biết mặt và truy ra tong tích của nhân viên bí mật. Thứ ba, chúng tôi không có đại diện ngoại giao, hoặc lãnh sự tại Nam Vang. Thứ tư, chúng tôi vửa trả tiền bằng đô la Mỹ, vừa bằng kim cương. Về tiền, có thể chuyển ngân được, nhưng còn kim cương, tôi phải đích thân mang đi.
- Anh giấu vào đâu?
- Tôi bỏ vào bót phơi, chẳng cần giấu. Vì lẽ tôi dùng thông hành ngoại giao.
- Những món tiền và hạt soàn ở Vạn Tượng, Hồng Kông, Nam Vang đã được lấy khỏi ngân hàng chưa?
- Tôi không biết. Vì tôi chỉ đến các nhà băng này một lần mà thôi. Lần sau, nếu cần chuyển ngân, tôi phải qua ngân hàng khác.
- Theo ý anh, Nê lô, Sam bát, Phu mê là ba người hay một người?
- Tôi không thể nào biết được. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng đó chỉ là một người.
- Và người này ở trong vùng cộng sản.
- Tôi cũng nghĩ như anh, song tôi không đưa ra được bằng cớ cụ thể nào.
- Nếu tôi không lầm, kẻ nhận tiền và hạt soàn là một nhân viên cao cấp ở Bắc Việt hoặc Trung Hoa. Tiền và hạt soàn được cất trong ngân hàng để khi nào y trốn đi, có thể rút ra sử dụng. Toàn thể các cơ quan tình báo trên thế giới đều theo thể thức trả tiền này. Song còn vấn đề thông hành giả? Nếu y sinh sống ở Bắc Việt hoặc Trung Hoa, tôi không tin là y dám giữ thông hành giả trong người. Chẳng may bại lộ, y có thể bị tử hình.
- Tôi không hoàn toàn đồng ý với anh. Hầu hết nhân viên của ông Hoàng hoạt động tại phía Bắc vĩ tuyến 17 đều có ít nhất hai thông hành, thông hành thật do nhà chức trách địa phuong cấp, và thông hành giả do Sài Gòn làm ra. Khi gặp biến, đương sự sẽ dùng thông hành giả để vượt biên giới hoặc rút vào nơi an toàn.
- Anh đã chuyển ngân bao nhiên?
- Qua Vạn Tượng, 12.000 đô la. Hồng Kông, 15.000 đô la. Nam Vang, 18.000 đô la. Tổng cộng 45.000 đô la trong vòng 3 tháng.
- Anh tới Vạn Tượng ngày nào?
- Không nhớ rõ. Dường như vào thượng tuần tháng 8.
- Cố nhớ lại đi. Vì chúng tôi cần biết ngày tháng đích xác để phối kiểm lại.
Lê Tùng bóp trán suy nghĩ. Một tia sáng lóe ra trong óc, chàng bật lên.
- Nhớ ra rồi. Ngày 14-8. Bằng phi cơ hàng không Việt Nam.
- Ngụ tại khách sạn nào?
- Vieng Vila y, ở đường Nokeo Koumane.
- Ngày nào đến ngân hàng?
- Sàng 15. Đúng 8g30, tôi có mặt tại ngân hàng Đông Kinh. Tôi giả làm Mita, nhà báo Phi luật tân.
- Còn Nê lô?
- Y đội lốt thương gia.
- Ngày nào anh đến Hồng Kông?
- 4 tuần sau. Vào ngày 10-9. Ngụ tại lữ quán Vanda, số 3 đường College Road, 9 giờ sáng hôm sau, tôi đến ngân hàng Anh quốc. Tôi được ông Hoàng cho ở lại Hồng Kông 2 tuần rồi về Sài Gòn, sửa soạn qua Cao miên. Tôi có mặt ở Nam Vang ngày 4-10.
Chu Nghị đứng dậy:
- Cảm ơn anh. Tạm đủ rồi.
Lê Tùng hỏi:
- Mấy giờ mai chúng ta gặp nhau?
- Anh hỏi làm gì?
- Để hú hóa một đêm cho sướng.
- Hừ, chết anh cũng không chừa tật mê gái.
- Đàn bà đối với tôi là món ăn cần thiết. Cũng như mỗi đêm anh phải uống tách cà phê đen. Sáng mai, tôi dậy trưa được không?
- Sáng mai, có lẽ tôi không đến.
- Anh còn đợi lệnh Trung ương?
- Phải. Đợi nhân viên ở Trung ương nghiên cứu xong bản khai của anh.
- Và sau đó tôi vù.
- Dĩ nhiên. Nghe anh nói tôi thèm rệu nước miếng.
- Vậy anh móc nối với trú sứ CIA ở đây, kiếm chút tiền còm. Tôi tin rằng ít ra CIA phải trả anh một trăm ngàn mỹ kim.
- Tôi không ưa những kẻ nói bậy.
- Tính tôi lại khoái nói đùa.
Chu Nghị bước ra phòng ngoài. Hai vệ sĩ đã chực sẵn. Hắn dõng dạc:
- Các chú trông nom cho ông khách được đầy đủ tiện nghi. Cần gì phải lo liệu ngay. Tuy nhiên, ông khách không được đi đâu hết. Cho phép các chú dùng sung nếu ông khách cứng đầu.
Lê Tùng vẫn ngồi điềm nhiên trong ghế, hai chân gác nghênh ngang lên bàn. Chàng không thèm quan tâm đến lời dặn hách dịch của Chu Nghị. Vì chàng đang nghĩ tới đàn bà.
Chú thích:
(I) – International Hotel, 33 đại lộ Cameron, Kowloon.
(2) Hongkong Jade Center.

Chương trước Chương sau