Z28 - Bản án tử hình - Chương 04
VŨNG BÙN SA ĐỌA
Ngày đăng 24-10-2017
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 8.3/10 với 12645 lượt xem
Thời gian tàn nhẫn trôi qua...
Đối với Lê Tùng, thời gian đã chứa đầy tính cách tàn nhẫn, vì mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày chàng sa vào vòng đau khổ và sa đọa.
Lê Tùng bị đuổi khỏi Sở Mật vụ đã được 4 tháng. 4 tháng trời dài dằn dặc như 4 năm. Việc thứ nhất sau khi mất việc là hút thuốc phiện và uống rượu cho đến lúc say mềm. Chàng ngủ luôn hai ngày.
Tỉnh dậy, chàng đi lang thang ngoài đường. Rồi hút thuốc phiện. Rồi uống rượu. Những đồ đạc đáng giá do chàng mua sắm ở ngoại quốc trong thời gian phục vụ ông Hoàng lần lượt rủ nhau vào tiệm cầm đồ ở đường Phạm ngũ Lão và một tiệm khác của Ấn kiều ở đường Tôn thất Thiệp.
Đêm nay là đêm thứ 126 của cuộc đời thất nghiệp.
Lê Tùng lồm cồm đứng dậy trong bóng tối chập chờn từ ngoài tràn vào. Dáng điệu quen thuộc, chàng mở nước rửa mặt cho khỏi cay mắt vì chàng ngủ li bì từ rạng sáng đến giờ. Không một giọt nào ra khỏi vòi nước.
Chàng văng ra một tiếng tục tằn. Song chàng sực nhớ ra nguyên nhân: vòi nước đã khô rang từ hai ngày nay. Từ hai ngày nay, ông chủ bin-đinh đã ra lệnh cho nhân viên cắt nước vào phòng Lê Tùng. Hắn tuyên bố chỉ mở nước lại khi chàng thanh toán các số tiền còn thiếu.
Trời ơi, chàng còn thiếu quá nhiều tiền. Nửa năm tiền phòng, 5.000 một tháng, vị chi 30.000 đồng, chưa kể tiền điện, tiền nước. Chàng lại mắc nợ ông chủ thêm 20.000 nữa. Sau khi mất việc, chàng gặp ông chủ bin-đinh, ngỏ ý mượn tiền. Tưởng chàng còn làm trong Sở Mật vụ, hắn đưa ngay cho chàng. Trước kia, chàng vẫn giật tiền như vậy, và lần nào chàng cũng trả lại sòng phẳng, không thêm kèm theo một vài món quà xứng đáng.
50.000 bạc đối với một nhân viên trung cấp của Sở Mật vụ là một số tiền không lấy gì làm to. Nhiều chuyến công tác thành công, Lê Tùng được ông Hoàng tặng cả trăm ngàn. Nhưng trong lúc này, đó là số tiền khổng lồ. Nếu chỉ kiếm tiền ăn không thôi, cũng đã chật vật, vì chàng quen sung sướng, huống chi chàng còn đèo bồng thêm bệnh nghiện thuốc phiện và nghiện rượu rum Tây phương nữa.
Tiền ăn, tiền hút kiếm chưa ra. Lê Tùng khó hy vọng có tiền trả 50.000 bạc nợ. Mắt chàng long lên sòng sọc khi nghĩ đến lão chủ phì nộn, nhăn mặt ra lệnh cho nhân viên khóa nước, song chỉ một phút sau, chàng nhún vai, vẻ mặt hiền lành như người tiểu chức về hưu, cam chịu số phận túng thiếu của mình.
Ngọn đèn điện duy nhất trong phòng được vặn lên. Đèn tường, đèn trần sáng như sao sa, đã bị tháo gỡ. Nơi đặt cái máy lạnh Westinghouse một ngựa rưỡi tối tân đã trống không, và được bịt bằng miền cạc tông dầy. Lỗ cắm điện cho cái quạt đứng Marelli màu vàng, mạ kền sáng loáng cũng bị nhổ từ lâu, và cái quạt sang trọng đã đến ở đợ trong tiệm cầm đồ. Sợ Lê Tùng đun nước, và nấu nướng trong phòng, lão chủ đã cúp hết điện, chỉ để lại một ngọn duy nhất. Và ngọn này cũng bị đe dọa cắt nốt...
Lê Tùng thở dài...
Chàng không ngờ tấm thân nam nhi vùng vẫy như chàng lại sa vào hoàn cảnh điêu đứng như hiện nay. Liếc nhìn quanh phòng, chàng muốn ứa nước mắt.
Cái bàn bốn ghế bằng gỗ trắng lót phọc mi ca vàng nhạt, dùng làm nơi ăn uống đã biến mất nhường chỗ cho chiếc ghế đẩu tàn tật. Bốn cái chân bịt đồng còn in trên nền gạch hoa màu xanh, đánh thức trong lòng chàng một kỷ niệm xa xưa.
Lê Tùng sắm bộ bàn ăn này trên mười ngàn đồng. Mặt bàn có thể lật lại, một bên phọc mi ca dùng làm bàn ăn, bên kia lợp nỉ xanh dùng làm bàn đánh mà chược. Nhiều lần chàng ngồi xoa mà chược suốt đêm với những người đàn bà mặc áo hở ngực, da trắng như tuyết. Có đêm mãi ngắm thân hình lõa lồ, Lê Tùng thua bạc vạn. Song chàng không hề tiếc tiền, vì chàng kiếm được quá nhiều tiền. Vì mỗi đêm, mọi người lục tục ra về, một thiếu phụ lả lơi thường ở lại trong phòng với chàng.
Chàng cũng bán luôn bộ sa lông lót nhung xanh trắng, hãng đồ gỗ Anh đào đóng riêng cho chàng với giá 45.000 đồng. Trong căn phòng lộng lẫy, chỉ còn lại cái bàn viết, và cái giường thấp, di vật của cuộc sống sung túc.
Hồi có nhiều tiền, Lê Tùng thích sống vô trật tự. Áo quần thay ra, chàng vất khắp nơi, chờ một tuần hai lần thợ giặt đến lấy. Ít khi chàng về phòng nên đồ đạc trở nên mốc meo. Chàng chỉ về phòng để ngả lưng, để xoa mà chược và nhất là để ôm ấp đàn bà.
Giờ đây, vô kỷ luật trở thành hỗn loạn. Không có tiền trả thợ ủi, chàng đành giặt ở nhà. Lệ thường, một tuần hoặc nửa tháng chàng tổng vệ sinh một lần, mang hết quần áo vào buồng tắm tẩy uế một lượt, giặt xong, phơi la liệt khắp nơi. Nhưng nước bị cắt, Lê Tùng không có nước rửa mặt, xúc miệng, chứ đừng nói là giặt giũ nữa.
Buồn rầu, chàng ngồi xuống giường. Cái nệm dày trên một tất đã chứng kiến bao đêm yêu thương đằm thắm vẫn ở lại với chàng, duy khác một điều tấm ga trắng muốt đã chuyển sang màu cháo lòng, đầy vết bẩn đen sì, và nhàu nát, sặc mùi mồ hôi. Cái nệm vẫn nhún nhảy êm ái, song chàng không còn thoải mái như xưa.
Chàng bỗng nhớ ra, từ đêm qua chưa có miếng cơm nào vào bụng. Cho tay vào túi, chàng rút ra tờ bạc vo tròn như hòn bi: đó là tờ năm trăm cuối cùng của một nhân viên trung cấp Sở Mật vụ, người từng tiêu pha như nước không bao giờ cần đếm.
Lê Tùng khoát cái áo sơ mi cao bồi màu sẫm vào thân thể gầy guộc, hất mớ tóc dài chưa cắt lòa xòa xuống trán, rồi từ từ ra cửa. Cái áo ngắn màu sẫm này, chàng thường mặc mỗi lần đi công tác ban đêm, màu áo lẫn lộn với màu bóng tối, để hành động dễ dàng. Thời oanh liệt với khẩu súng nòng thép xanh biếc, với con dao mỏng dính sắc như nước, đã xa rồi, xa rồi, không trở lại nữa.
Ra đến thang máy, Lê Tùng gặp viên quản lý của bin-đinh. Thấy chàng, hắn quay mặt ra chỗ khác. Chàng gọi giật lại:
- Này, ông quản lý. Không có nước, bẩn thỉu quá.
Viên quản lý nghiêm sắc mặt
- Lệnh của ông chù. Tôi chỉ là kẻ thừa hành. Mở nước cho ông dùng, tôi sẽ bị đuổi việc. Tôi thương ông lắm, nhưng tôi còn phải thương vợ, thương con nữa. Chắc ông đã biết là tôi có sáu đứa con, đứa lớn nhất lên 10, đứa nhỏ nhất mới đẻ. Ông thất nghiệp thì được, còn tôi thì chết.
Lê Tùng cười gượng:
- Ông cứ mở nước đi, mai tôi trả tiền.
- Ông hứa mấy chục lần mai rồi. Tôi nể ông nên bị ông chủ mắng tưới hột sen vào mặt. Thôi, ông bằng lòng vậy. Khi nào ông xoay ra tiền, tôi sẽ mở cho ông. Lạ nhỉ, ông là người có tài, tại sao kiếm việc không được.
Không đáp, Lê Tùng lùi lủi xuống cầu thang. Lời nói của viên quản lý như mũi nhọn đâm vào tim chàng.
Thật vậy, chàng là người có tài, rất có tài. Về võ thuật, chàng thua Văn Bình, song đã ăn đứt hàng trăm người khác. Về văn hóa, chàng đậu Tú Tài toàn phần và học nhiều khóa bổ túc đặc biệt của Sở Mật vụ. Chàng đã theo học lớp huấn luyện tình báo, phản gián, phá hoại ở đảo Xung Thằng, và ở Fort Bragg bên Mỹ, và tốt nghiệp ưu hạng. Với một số vốn võ thuật và văn hóa như thế, chàng có thể kiếm được việc dễ dàng.
Nhưng trên thực tế, chàng kiếm việc rất khó. Bóng ma của Văn Bình luôn theo chàng từng bước. Ông Hoàng khoan dung đối với chàng, song Văn Bình lại tỏ ra quá khắc nghiệt, kèm theo sự thù vặt. Lê Tùng nộp đơn xin việc ở đâu, một bàn tay vô hình đã gạt ra. Lê Tùng dư biết bàn tay vô hình này của ai. Sở Mật vụ đã cố tình xô chàng vào cảnh thất nghiệp cùng tận.
Giọt mưa man mát chạm vào da mặt Lê Tùng.
Trời lấm tấm mưa mà chàng không biết. Chàng không để ý tới những chiếc xe chạy vội vã, xe hơi bóp kèn hoặc mở pha chói lòa, xe xích lô máy che cánh gà kín mít phóng như bay trên đường nhựa làm nước bắn tung tóe. Chàng cũng không để ý tới những khách bộ hành trương dù lên, hoặc ba chân bốn cẳng núp mưa dưới mái hiên.
Trên vỉa hè vắng tanh, Lê Tùng bách bộ một mình.
Mưa đã rơi nặng hạt. Chàng vẫn thọc tay vào túi quần, gương mặt đăm chiêu, lê đôi giày há mõm trên con đường quen thuộc, đi ngược từ đại lộ Trần hưng Đạo về chợ Bến thành.
Khi còn làm việc trong Sở Mật vụ, Lê Tùng ít có cơ hội được đi bộ một mình. Chàng bận tíu tít suốt ngày, phải tranh thủ từng phút trong thời khóa biểu, nên mỗi khi ra đường là nhảy vội lên xe. Những ngày nghỉ, chàng mới được lang thang trên đại lộ Lê lợi.
Tuy nhiên, chàng phải luôn luôn thận trọng. Phần việc của chàng là điều khiển một nhóm điệp viên quan hệ tại phía bắc vĩ tuyến 17, nên chàng sợ bị địch theo dõi và ám sát. Lúc nào chàng cũng kè kè khẩu súng 9 ly bên mình, một viên đạn nằm sẵn trong nòng, chỉ cần kéo khóa an toàn xuống, đụng vào cò là súng nổ.
Giờ đây, chàng thèm đi xe cũng không được. Chàng không còn tiền đi xe nữa. Túi quần vẫn cồm cộm: song đó là chiếc mùi soa cáu bẩn cuộn tròn lại như trái bóng bàn, và gói thuốc lá nhàu nát.
Cặp mắt lặng lẻ của Lê Tùng bỗng quắc lên một cách dữ tợn. Tư tưởng sát nhân vừa thức dậy trong đầu chàng. Chàng thù ghét Văn Bình ghê gớm. Văn Bình đã hạ nhục chàng. Vì Văn Bình mà chàng mất việc, và lăn xuống vũng bùn sa đọa.
Trời mưa lất phất một lát rồi tạnh. Đường phố trở lại đông nghẹt.
Qua khỏi bùng binh, Lê Tùng rảo chân qua đường, tiến về phía nhà hàng Thanh Bạch. Bụng đói meo, chàng định ăn một đĩa cơm chiều, và uống một chút rượu mạnh.
Chàng cho tay vào túi lần nữa để kiểm lại số tiền còn lại: vẫn tờ bạc trăm duy nhất, tờ bạc trăm cuối cùng. Chàng đã bán hết đồ đạc. Ngày mai, chàng không còn gì để bán nữa.
Một chiếc Fiat mui trần, mui trắng đậu sát vỉa hè nhà hàng Olympia, đèn nê-ông đỏ rực. Nửa năm trước, chàng thường la cà vào Olympia uống rượu, nhảy đầm và tán tỉnh các vũ nữ đẹp nhất nhì Sài gòn hoa lệ. Giờ đây, với trăm bạc còn lại, chàng không đủ trả tiền nửa ly uýt-ky.
Mặc dầu đèn sáng, và chàng đứng gần chiếc Fiat, chàng cố hy vọng cái chàng vừa thấy là mộng mị. Chàng không thể tin đó là sự thật. Nhưng sự thật đã hiện ra quá phũ phàng. Huệ Lan... Huệ Lan thân yêu của chàng đang từ trên xe bước xuống. Tài xế xe Fiat là một thanh niên khôi ngô, mặc âu phục mỡ gà và thắc cà-vạt vàng.
Hằn mở rộng cửa xe cho nàng xuống, rồi dắt tay nàng vào Olympia.
Máu ghen chàng sôi lên, song chàng cố dằn xuống. Đã lâu, chàng không gặp Huệ Lan. Nàng không phải người yêu hoặc vợ đính hôn của chàng. Hồi chàng còn ở Sở, nàng yêu chàng tha thiết. Nàng đã đoạn tuyệt với chàng sau khi thấy Thu Hồ lõa lồ trong phòng chàng. Riêng chàng, chàng vẫn yêu Huệ Lan.
Lê Tùng buột miệng:
- Huệ Lan.
Nàng quay lại. Thanh niên đi cùng với nàng cũng quay lại. Nhận ra chàng, Huệ Lan sa sầm nét mặt. Dưới đèn nê-ông, Huệ Lan đẹp bội thường. Nàng đẹp hơn xưa nhiều. Vẻ đẹp của nàng được tăng thêm nhờ bộ áo đầm sang trọng và bộ trang sức đắt tiền. Trên ngực nàng, lóe sáng sợi dây nhận hột xoàn.
Thanh niên hùng hổ sấn tới:
- Ông hỏi gì?
Huệ Lan can ngăn:
- Đừng anh.
Tay chân Lê Tùng run lên. Mắt chàng nảy đom đóm như vừa bị đấm vào mặt. Nếu thanh niên kia phóng ra một qua đìa-rét, chàng sẽ ngã lăn xuống vỉa hè. Sức lực chiến trận trong người Lê Tùng đã biến đâu mất. Những đêm rượu chè be bét, kèm theo nỗi lo thất nghiệp làm chàng yếu đuối như sên.
Thanh niên giơ tay toan đánh, nhưng Huệ Lan đã hét lên:
- Đừng anh.
Nàng nắm lấy tay thanh niên, giọng run lẩy bẩy:
- Đừng anh. Đó là Lê Tùng, bạn cùng Sở ngày trước của em.
Thanh niên hất hàm:
- Tôi bảo anh biết. Nàng là vợ tôi. Tôi không thích người lạ réo tên vợ tôi ngoài đường. Cái hạng đàn ông bấm ra thuốc phiện và rượu đế như anh lại càng không được phép gọi vợ tôi để làm quen nữa.
Huệ Lan thở dài:
- Tội nghiệp. Lê Tùng nghèo quá, ốm quá.
Lê Tùng trố mắt nhìn cặp vợ chồng trẻ nói với nhau. Chàng muốn phân bua, nhưng tiếng nói của chàng mắc cứng trong cổ họng.
Thanh niên nhún vai móc cái ví da dày cộm ra hỏi vợ:
- Cho hắn ít tiền nhé?
Huệ Lan không đáp. Lê Tùng nổi tức, định khạc nhổ vào mặt gã đàn ông coi chàng như rác. Nhưng tờ năm trăm màu nâu mới tinh đã tiết ra một ma lực ghê gớm, bắt chàng đứng sững.
Thanh niên lấy hai tờ năm trăm cuộn tròn lại, đút vào túi áo trên của Lê Tùng:
- Này, cầm tạm một ngàn mà tiêu. Lần sau, chớ gọi tên xin tiền nữa, nghe không? Mã người khẳng khiu, nghiện ngập như anh, tôi chỉ đụng nhẹ một cái là vỡ sọ. Thôi đi mau cho rảnh mắt.
Như cái máy, Lê Tùng cúi đầu đi thẳng. Tiếng hát cha cha cha ầm ỉ từ rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi vẳng ra không làm chàng dừng lại như thường lệ. Bình sinh chàng thích nghe nhạc giật gân. Lòng chàng tê tái như vừa đánh mất một cái gì vô giá.
Thật vậy, chàng đã đánh mất danh dự con người. Chàng đã ngửa tay nhận tiền do chồng của Huệ Lan bố thí. Từ một điệp viên trung cấp ưu tú, bao phen vào sinh ra tử. Lê Tùng trở thành một kẻ hành khất vô liêm sỉ. Thôi hết, Huệ Lan đã khinh chàng. Chàng muốn ném ngàn bạc vào mặt gã đàn ông hợm đời, song mệnh lệnh của thần rượu và của nàng phù dung đã ép buộc chàng phải nhận.
Lê Tùng móc túi, lấy hai tờ bạc ra ngắm nghía. Ngón tay chàng chạm vào giấy bạc kêu xoàn xoạc vui tai. Một ngàn bạc trong lúc này là số tiền rất lớn đối với chàng.
Đột nhiên, một giọt lệ từ khóe mắt trào ra. Chàng đứng dậy nghiến răng, xé tan 2 tờ bạc. Chàng xé làm 8 mảnh, làm 16 mảnh, rồi chưa hả giận, chàng xé lần nữa thành 32 mảnh. Chàng vất xuống đường, mảnh vụn bay tung tóe.
Trong óc chàng vừa nổi lên một quyết định ghê gớm. Chàng đã tới góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ lúc nào không biết. Hồi nhiều tiền, chàng thường vào tiệm Quán Tre trong khu thương mại Tax để ăn trứng gà 11 ngày, và ngắm những cô gái mặc quần din bó sát mông ưỡn ẹo đi vào hành lang. Khi ra về, chàng thường dừng lại tủ bán thuốc lá ngoại quốc trước tiệm bách hóa Linh Nam để mua xì gà. Chàng mua quen đến nỗi cô bán hàng bán chịu và dành sẵn thuốc ngon cho chàng. Mỗi lần chàng từ quán bán hoa đi tới, cô hàng thuốc đã reo lên:
- Kìa ông. Cháu có thứ xì gà tốt lắm.
Và lần nào chàng cũng chất một túi đầy xì gà. Tối nay, chàng từ từ bước qua tiệm Linh nam. Chắc diện mạo của chàng thay đổi nhiều nên cô hàng thuốc không nhận ra và chào hỏi đon đả. Hoặc giả đã nhận ra chàng nhưng tảng lờ không biết, vì khuôn mặt tiều tụy và bộ quần áo tã nát của chàng đã tố cáo với thiên hạ chàng thất nghiệp đã lâu.
Lê Tùng thở dài, rẽ sang phải.
Vỉa hè chật như nêm. Đi qua một sạp bán dao kéo, chàng đứng phắt lại.
Chàng nhìn đống dao nhọn bày trên hè, đôi mắt tóe lửa. Chàng cầm một con dao lên, mân mê cái lưỡi mỏng dính và sắc bén, hỏi bâng quơ:
- Bao nhiêu?
Người bán hàng đáp:
- Trăm hai.
Trong túi chàng chỉ có một trăm, đúng một trăm. Chàng nói:
- Một trăm, bán không?
- Tôi nói đúng giá. Biết ông mặc cả, tôi đã nói thách trăm rưỡi.
Lê Tùng nín lặng. Người bán hàng nói tiếp:
- Tôi mới bắt đầu bán, xin ông mở hàng giùm. Ông trả thêm một tiếng nữa.
Lê Tùng khoác tay:
- Một trăm. Không bán thì thôi.
- Bớt ông mười đồng. Giá nhất định trăm mốt.
Lê Tùng nhún vai:
- Thú thật với ông, tôi chỉ còn đúng một trăm. Nếu có tiền lẻ, tôi đã trả thêm mười đồng.
Người bán hàng ngẫm nghĩ một phút:
- Thôi, bán mở hàng cho ông vậy. Dao này sắc lắm, ông có thể dùng vào nhiều việc. Lần sau, ông nhớ lại mua thêm giùm tôi.
Lê Tùng lẳng lặng nhìn người bán gói con dao vào tờ giấy báo.
Đúng, con dao thái thịt này có thể dùng vào nhiều việc. Song người bán dao không ngờ được chàng dùng nó vào một việc đặc biệt, hoàn toàn đặc biệt.
Trăm bạc cuối cùng được lấy ra khỏi túi, Lê Tùng có cảm tưởng như chàng vừa cởi bỏ quần áo trở thành trần truồng trước đám đông hiếu kỳ chen nhau trên đường Nguyễn Huệ đông nghẹt và ồn ào. Không một xu dính túi tại một thành phố có nhiều thú vui khác thường như Sài gòn, chàng sẽ chẳng làm được gì. Nhất định chàng phải tìm ra tiền.
Lê Tùng rẽ vào đường Tôn thất Thiệp. Chàng định đi thẳng, song lại ngần ngừ tiến về phía rạp chiếu bóng thường trực Nam Việt, ăn thông ra đại lộ Hàm Nghi. Cuối đường, bên tay phải, có một tiệm cơm thố bình dân, cơm dẻo như nếp, ăn với thịt bò xào cải làn và cua hấp thì ngon tuyệt.
Xế cửa tiệm ăn Tàu này là nhiều căn nhà lầu, cũng do người Tàu ở. Lê Tùng biết rõ một căn gần tiệm bán tủ sắt. Trong nhà chỉ có một đôi vợ chồng trẻ. Vào giờ này, vợ còn bán hàng ở đại lộ Hàm Nghi, còn chồng ngồi nhà đếm tiền.
Lê Tùng bước từ từ qua cửa. Như thường lệ, cánh cửa luôn luôn đóng kín. Đóng kín, nhưng không khóa.
Chàng nhìn chung quanh. Những tiệm ăn trước mặt đều chật cứng. Hai xe bán nước mía và cháo cá trên lề đường cũng không còn ghế trống. Thiên hạ đang bận ăn uống và trò chuyện. Không ai quan tâm đến một người đàn ông tiều tụy, cắp con dao dưới nách, sắp sửa thực hiện một kế hoạch xấu xa.
Dáng điệu tự nhiên, Lê Tùng xô cửa bước vào. Rồi chàng đóng lại, gài then cẩn thận.
Chủ nhân - một Hoa kiều trạc 40, mặt bầu bĩnh, mặc áo thun hở cổ - đang cúi đầu xuống bàn, nghe động, vội ngẩng lên. Trong nhà chỉ có một ngọn đèn. Ngọn đèn sáng quắc đặt trên bàn.
Thấy người lạ, người chủ cao giọng hỏi:
- Ông hỏi ai?
Lê Tùng tiến sát bàn, rũ tờ báo, lấy con dao ra hươi một vòng:
- Ngồi yên, không đứt họng.
Người Tàu run cầm cập:
- Trời ơi. Anh đừng chém tôi tội nghiệp.
Giọng Lê Tùng sắc lẻm:
- Bao nhiêu tiền, anh đưa cho tôi.
Chủ nhà van vỉ:
- Chỉ có ba chục ngàn. Tiền bán hàng của vợ tôi. Ông lấy thì vợ tôi giết tôi chết.
Suýt nữa, Lê Tùng phì cười. Gã Tàu sợ vợ, chỉ nghĩ đến vẻ mặt tam bành của sư tử Hà đông, mà quên mất con dao sáng loáng. Lê Tùng kề lưỡi dao vào cổ hắn:
- Tiền đâu, đưa ra.
Nạn nhân lắp bắp:
- Để cả trên bàn.
Lê Tùng vơ đống bạc hỗn độn nhét vào túi. Gã chủ lấm lét nhìn chàng.
Lê Tùng quắc mắt:
- Còn nữa? Mày giấu ở đâu?
- Thưa, chỉ có ngần ấy thôi.
Lê Tùng ấn lưỡi dao vào da nạn nhân. Hắn run lên, mặt tái như gà cắt tiết:
- Ông tha cho tôi, tôi xin nộp.
Hắn kéo hộc bàn ra. Lê Tùng thấy một xấp bạc hai trăm mới đếm. Chàng phỏng chừng số tiền trong ngăn kéo trên năm chục ngàn. Chàng bỏ luôn vào túi. Hai túi quần chàng phồng lên làm chàng vướng chân.
Chàng định ra cửa thì bên ngoài có tiếng kêu:
- Mở cửa.
Tiếng kêu của người đàn bà: người vợ từ cửa hàng về nhà. Nhanh như cắt, Lê Tùng vung tay trái ra quạt vào màng tang gã chủ một phát atémi. Hắn ngã lộn xuống đất.
Tiếng ghế và cây thịt bổ lỏng chỏng lọt vào tai người vợ ngoài cửa. Người vợ đập:
- Gì thế? Mở cửa mau lên.
Lê Tùng rút then, cánh cửa bật vào trong nhà, thiếu phụ suýt ngã. Thiếu phụ tuôn ra một tràng tiếng Phúc Kiến để tỏ sự giận dữ. Đến khi nhận ra người lạ, thiếu phụ ré lên. Lê Tùng đã giáng một cái tát kinh hồn vào má. Thiếu phụ khuỵu xuống bất tỉnh.
Lê Tùng ung dung bước ra ngoài.
Chàng bước rảo ra đại lộ Hàm nghi. Thấy tắc-xi, chàng trèo lên, dặn lái về chợ Tân định.
Lâu lắm, chàng chưa quay lại sòng bạc.
Mụ đàn bà đĩ thõa chuyên mở cửa không còn nữa. Chủ sòng thân chinh đưa chàng lân lầu nhì. Hắn mời chàng hút thuốc, giọng thân mật:
- Mấy tháng nay không gặp anh, tưởng anh bỏ bọn tôi rồi. À, trông anh gầy gò và thiểu não quá.
Lê Tùng rít hơi thuốc thơm:
- Tôi vừa đau một trận thập tử nhất sinh xong. Phải vào nhà thương Đồn đất đúng ba tháng. May mà thoát chết.
- Anh đau gì?
- Gan. Hình như bị sạn.
- Anh hên đấy. Một ông khách chuyên đánh lớn cũng bị đau gan. Vào Grall để mổ, té ra bị ung thư. Trong vòng hai tháng là chết.
Ánh đèn nê-ông sáng quắc chiếu vào bộ mặt xanh tái của Lê Tùng làm chàng xanh tái thêm. Chủ sòng hỏi:
- Anh còn mệt phải không? Để tôi bảo con nhỏ tiêm cho anh vài điếu.
Lê Tùng lắc đầu lia lịa:
- Chơi xong đã mới hút. Hôm nay có nhiều tay cừ không?
- Cũng khá đông. Tuy nhiên, không ai dám chơi lớn như anh lần trước. Xin báo anh biết là tôi không dám đánh to nữa đâu. Năm ngàn là nhiều nhất.
Không khí quen thuộc của sòng xốc đĩa làm Lê Tùng cảm thấy khỏe hẳn. Chàng đỡ lấy chai rượu rum nhập cảng của chủ sòng, thong thả rót vào ly, uống liên miên. Bụng rỗng không, hơi men khiến chàng say say. Chủ sòng chợt hỏi:
- Nếu anh chịu dùng đồ nguội, xin mời sang phòng bên. Tôi có nhiều xăng-uých gà ngon lắm.
Lê Tùng xô cửa, căn phòng xinh xắn này chàng đã vào nhiều lần. Một cái tủ lạnh đồ sộ đứng sững ở góc. Chủ sòng mở tủ lạnh nói:
- Mời anh tự nhiên. Để tôi kêu con nhỏ ra tiếp anh.
Chủ sòng ra ngoài. Hai phúc sau, một thiếu nữ trạc 18 ỏn ẻn bước vào. Thoạt trông, Lê Tùng biết là gái điếm, hạng gái điếm mới vào nghề, trang điểm nhẹ nhàng để đàn ông lầm tưởng là nữ sinh trung học, hoặc con nhà tử tế trốn nhà kiếm tiền đi xi nê.
Thiếu nữ mặc áo may-ô bằng sợi màu hồng, quần din chật chội, và đi giày ban thấp lè tè. Nàng tôi môi bằng loại son nhạt, làn phấn đánh trên mặt rất khéo, người thiếu kinh nghiệm ngỡ là da nàng.
Nàng nhoẻn miệng cười:
- Chào anh.
Vẻ mặt gầy ốm của Lê Tùng gây ra sự ngạc nhiên đối với thiếu nữ. Nàng buột miệng:
- Trời! Anh ốm quá.
Lê Tùng cười:
- Anh vừa ở bệnh viện ra.
- Vậy anh còn sức lực đâu ở lại đây đêm nay với em?
- Anh có hứa ở lại với em đâu?
- Em không tin. Em xấu lắm phải không anh?
Lê Tùng nói dối:
- Không. Em đẹp lắm.
Nàng kéo ghế ngồi xuống:
- Sao anh chưa vào trong phòng?
- Anh còn phải đánh bạc.
- Thế nào anh cũng được.
- Anh sẽ biếu em một nửa.
Thiếu nữ cười to:
- Thôi anh đừng nói phiệu nữa.
Lê Tùng nhai ngấu nghiến hai miếng xăng-uých. Chàng chiêu một ngụm rượu rum rồi đứng dậy:
- Em đợi anh một lát.
Thiếu nữ ỏng ẹo:
- Đứa nào nói láo Trời phạt.
Đang cười bỗng Lê Tùng nghiêm mặt:
- Chủ sòng sợ tôi đại thắng nên cho cô cản tôi phải không?
Thiếu nữ giật mình:
- Ồ, cái anh này nói bậy.
Lê Tùng kéo nàng sát người, cho hai ngón tay vào cổ áo thun, đẩy cho cổ áo rộng hoác ra rồi nhìn vào trong. Cô gái giẫy nãy, gỡ ra khỏi tay chàng. Chàng cười rú lên:
- Tưởng thật, té ra cao su, chán chết.
Cô gái véo chàng gần chảy máu:
- Cao su kệ tôi.
Lê Tùng nhún vai, khệnh khạng đi ra ngoài. Ánh đèn nê-ông làm chàng chói mắt. Chủ sòng nheo mắt nhìn chàng:
- Xong rồi à?
Chàng gật đầu:
- Rồi.
- Tốt không?
Lê Tùng đáp nhát gừng:
- Tốt.
Tiếng nói của gã xóc cái vang rần:
- Hai sấp, hai ngửa... Chẵn.
Lê Tùng hỏi chủ sòng:
- Mấy chẵn rồi?
Hắn đáp:
- Rền luôn 6 tiếng.
Lê Tùng móc đống bạc trong túi ra, để trên bàn. Từ nãy đến giờ, chàng chưa kịp đếm. Bây giờ, chàng mới biết là nhiều. Số tiền ăn cướp của vợ chồng người Tàu không phải 7, 8 chục ngàn, mà là trên hai trăm ngàn.
Chàng liếc nhìn quanh chiếu: con bạc phần đông là đàn bà. Lê Tùng không thấy những bộ mặt quen thuộc. Chỗ Thu Hồ thường ngồi đã bị một thiếu phụ béo ụt ịt chiếm. Thiếu phụ xếp bằng tròn trên chiếu, ống quần vén lên gần đầu gối, để lộ hai bắp chân trắng bủng, lớn bằng cái lưng của gã đàn ông khẳng khiu ngồi bên. Trông ngực và bụng thiếu phụ, Lê Tùng muốn ọe mửa. Toàn mỡ là mỡ, bụng thiếu phụ phưỡn ra như bụng khách trú bán mì ở Chợ Lớn, còn cái được nhà thơ nước Việt đặt tên mỹ miều là hai trái tuyết lê thì đồ sộ như hai quả banh lông, lúc la lúc lắc một cách nặng nề như muốn đè bẹp anh chàng gầy gò kế cận.
Thấy chàng nhìn chăm chăm, thiếu phụ mím miệng cười (trời ơi, cái miệng rộng hoác như khay trầu, lởm chởm những cái răng nhọn hoắc vĩ đại), nói giọng ồ ồ:
- Chào ông Lê Tùng. Ông còn nhớ tôi không?
Chết rồi, thiếu phụ đã biết tên chàng, thiếu phụ là người quen của chàng. Chàng cố moi trí nhớ, song á phiện và rượu rum đã làm óc chàng đặc sệt lại. Thiếu phụ cười nói ồm oàm:
- Gớm, đàn ông chóng quên thật! Tôi là bà chủ bin-đinh đường Trần hưng Đạo ấy mà!
Lê Tùng toát mồ hôi. Nếu thiếu phụ nhắc đến chuyện cắt nước, cắt điện, và thiếu tiền nhà, tiền nợ thì nguy to. Gã chủ sòng sẽ không bao giờ cho chàng chơi xốc đĩa nữa. Nhưng thiếu phụ chỉ cười hô hố, rồi hích người đàn ông ốm o xa ra:
- Ông Lê Tùng, ngồi xuống đây với tôi cho vui.
Chàng ngồi bệt xuống, giọng thân mật:
- Xin lỗi bà. Tôi uống rượu nên óc lú lấp hết.
- Hừ. Tôi già và xấu nên ông mới quên tên, chứ nếu là thiếu nữ hơ hớ xem...
- Bà cứ dậy.
- Tôi nói thật đấy. Gặp ông may quá. Ông nhà tôi mang mấy con mèo đến bin-đinh, ông biết không?
- Không.
- Đừng giấu. Tôi biết hết.
- Vậy bà còn hỏi tôi làm gì?
- Tôi biết hắn cho gái ở trong bin-đinh, song không biết ở phòng nào. Thằng quản lý ăn tiền lút mồm, lút miệng nên đã che đậy cho hắn. Tôi bắt được thì xé xác ra.
Rồi hạ thấp giọng:
- Ông bạn giúp tôi đi. Tôi sẽ đền ơn.
Lê Tùng cũng đáp nhỏ vào tai thiếu phụ:
- Bà đền ơn gì?
- Gì cũng được. Ông đòi gì tôi cũng chiều. Bao nhiêu tiền, tôi cũng đưa. Hoặc ông muốn...
Lê Tùng lạnh người không dám nghe thêm nữa, nhưng thiếu phụ cứ thì thì thầm:
- Ông muốn không? Lâu lắm, tôi không thèm nhìn mặt lão già ấy nữa.
Một ý nghĩ hiện ra trong óc Lê Tùng. Chàng hỏi:
- Bà đánh đến mấy giờ?
- Tôi ấy à. Nếu cần, đánh đến sáng.
- Bà không sợ ông ấy rầy la ư?
- Dám. Hắn sợ tôi như cọp.
Gã xóc cái nói lớn:
- Mời quý vị rút tay ra. Ông Lê Tùng đặt chưa?
Lê Tùng ném đống giấy bạc to tướng xuống chiếu:
- Lẻ.
Thiếu phụ xuýt xoa:
- Ông đánh lớn quá.
Lê Tùng nhăn mặt:
- Tôi hết tiền rồi. Chỉ đánh một lần thôi. Thua thì nhẵn túi.
- Tôi sẽ cho ông vay.
- Sợ lắm. Tôi sợ không có tiền trả.
- Ông chiều tôi, rồi không trả cũng được.
Khí lạnh dâng lên đầy người. Lê Tùng run cầm cập. Nghĩ đến lúc phải ôm đống thịt kinh khủng này vào lòng để kiếm tiền, chàng cảm thấy bàng hoàng, tay chân rời rã.
Gã xóc cái hô to:
- Bốn ngửa. Chẵn.
Lê Tùng ngây người nhìn 4 đồng tiền trắng xóa nằm tênh hênh trên cái đĩa sứ. Thế là hết. Chàng nhúng vào tội ác, lấy tiền đánh bạc, hy vọng làm giàu. Hy vọng của chàng đã tan ra thành mây khói.
Thiếu phụ béo mập nhìn chàng bằng cặp mắt ái ngại:
- Ông thua rồi.
Lê Tùng thở dài:
- Vâng, thua sạch rồi.
- Ông cần vay bao nhiêu?
Tư tưởng liêm sỉ thức dậy dồn dập trong lòng Lê Tùng. Chàng đang cần tiền, rất nhiều tiền, song không thể vay tiền của thiếu phụ ở tuổi hồi xuân ghê gớm này. Chàng lắc đầu:
- Cảm ơn. Tôi không vay.
Thiếu phụ sững sốt:
- Ông lấy tiền đâu mà đánh?
Lê Tùng xua tay:
- Tôi không đánh nữa.
Đột nhiên, chàng nhìn 4 đồng tiền trên đĩa lần nữa. Một ý nghĩ thoáng qua óc. Chàng hất hàm bảo gã xóc cái:
- Phiền anh cho tôi xem cái đĩa.
Chàng đoán không sai: đó là đĩa giả. Loại đĩa đặc biệt này, bọn bất lương thường dùng để bịp. Người xóc cái có thể sai khiến đồng tiền trên đĩa lật ngửa hay sấp. Lê Tùng trợn mắt:
- Các anh gian lận.
Chủ sòng đánh thật mạnh vào tay chàng, cái đĩa sứ rơi xuống đất vỡ tan tành. Hắn nắm cổ áo chàng, giọng giận dữ:
- Nếu anh cần tiền, tôi sẽ đưa cho, đừng giở thói côn đồ cả vú lấp miệng em ra ở đây. Sòng bạc của tôi hoạt động từ hai năm nay rất đứng đắn và tín nhiệm. Anh còn vu khống nữa, tôi sẽ cho một bài học.
Lê Tùng cười nhạt:
- Anh cố ý làm vỡ cái đĩa, nhưng mảnh sứ vẫn còn, tôi có thể chấp vá lại và minh chứng rằng anh gian lận.
Con bạc đứng dậy lố nhố. Một người đàn ông nói lớn:
- Thảo nào tôi thua sạt nghiệp. Anh phải trả tiền cho tôi, bằng không tôi báo cảnh sát.
Gã chủ buông tay Lê Tùng ra, lùi một bước, cho tay vào túi:
- Tôi không có thời giờ cãi lộn với các anh. Ai không ưng chơi nữa thì xuống nhà, tôi sẽ bố thí cho ít tiền. Muốn báo cảnh sát, tôi không cấm. Song muốn giữ thân thể nguyên vẹn cho vợ con nhờ thì đừng làm tàng.
Người đàn ông to tiếng bỗng nín bặt, vẻ sợ sệt hiện rõ trên mặt. Gã chủ gằn giọng với Lê Tùng:
- Còn anh nữa. Sức anh chỉ chịu đựng được một nhát dao là mất mạng. Anh bằng lòng ngậm miệng lại chưa?
Lê Tùng đáp từ từ:
- Lưỡi dao của anh, tôi coi là muỗi tép. Anh tổ chức cờ bạc gian lận, anh phải hoàn lại tiền. Nhược bằng anh không trả, tôi đã có cách.
Gã chủ rút lưỡi dao sáng loáng ra. Lê Tùng sấn tới. Lão chủ đâm tréo và tim chàng. Chàng né người sang bên, mũi dao kéo rách một mảng áo. Lê Tùng co chân đá vào bụng gã chủ. Hắn gạt bàn chân chàng ra, rồi nhảy vào người chàng, con dao đảo một vòng.
Lê Tùng phải ưỡn người ra sau để tránh. Lưỡi dao hớt qua tóc chàng. Thoát hiểm, chàng vung hai tay lên, con dao rơi xuống đất kêu choang một tiếng. Gã chủ phi thân lại nhặt, nhưng Lê Tùng phóng ngọn độc cước vào mặt làm hắn ngã nhào. Chưa hả giận, chàng còn dựng đứng hắn dậy đấm tới tấp vào mũi, vào miệng, máu chảy chan hòa, đến khi hắn mềm nhũn như bún mới chịu buông ra.
Bỗng có tiếng người la lên:
- Cảnh sát.
Lê Tùng chạy ra ban-công. Chàng đụng một cảnh sát viên mặc đồng phục vừa từ mái nhà tuột xuống. Hai công an viên khác từ thang gác chạy lên, trong tay cầm súng lăm lăm. Căn phòng nhốn nháo như ong vỡ tổ.
Một người cảnh sát ra lệnh:
- Tất cả đứng yên. Ai bỏ chạy sẽ bắn.
Mọi người đều riu ríu tuân lệnh. Nghĩ đến lúc bị đưa lên phòng thẩm vấn, rồi còng tay chở ra dự thẩm, Lê Tùng không thể tuân lệnh. Còn nước, còn tát, nếu chàng triệt hạ được người cảnh sát ngoài ban-công, chàng có hy vọng thoát thân. Trèo mái, nhảy tường là môn sở trường của chàng. Hồi còn là khóa sinh trường huấn luyện gián điệp của Sở, chàng đã trèo mái nhảy tường thoăn thoắt như vượn.
Lê Tùng đâm đầu ra cửa. Người cảnh sát chắn lại:
- Đứng yên.
Lê Tùng húc vào người y, y ngã bắn vào tường. Lê Tùng ra đến ban-công. Chàng không ngờ bên ngoài còn một cảnh sát viên khác đứng gác. Chàng ôm lấy y, dùng nhu đạo quật ngã. Nhưng người cảnh sát vừa té đã lồm cồm bò dậy, rút súng ra khỏi vỏ, giọng chát chúa:
- Đứng yên. Nhúc nhích là bắn.
Họng súng cách Lê Tùng ba thước. Trong khoảng ngắn này, người cảnh sát không thể bắn trật ra ngoài. Chàng đành đứng yên.
Năm phút sau, toàn thể con bạc bị giải ra xe. Riêng Lê Tùng được ngồi ở băng trước, cạnh một cảnh sát viên lực lưỡng, ngón tay hườm sẵn trên có súng. Chiếc xe sơn xanh bít bùng phóng về Ty cảnh sát quốc gia quận Nhất.
Bị can Lê Tùng, 6 tháng tù ở...
Lê Tùng thản nhiên nghe tòa án tuyên phạt 6 tháng tù về tội hành hung nhân viên công lực. Chàng đã ngập xuống vũng bùn sa đọa, mùi bùn tanh hôi dính khắp người: bắt bớ, ra tòa, tù tội đối với chàng chỉ là những diễn biến tất nhiên của cuộc đời bên lề xã hội.
Lê Tùng rời vành móng ngựa, đưa tay cho người cảnh sát còng lại, dẫn ra phòng đợi nhỏ hẹp sau tòa án, nét mặt vô cùng bình thản.
Chàng không còn nhớ đây là tòa án Sài gòn. Chàng cũng không nhìn thấy đám đông ký giả và nhiếp ảnh viên lẽo đẽo đi theo. Họ chặn Lê Tùng lại để phỏng vấn:
- Yêu cầu ông cho biết cảm tưởng sau khi bị tòa kêu 6 tháng tù ở.
- Có phải ông là cựu nhân viên Sở Mật vụ không?
- Tại sao ông không làm dưới quyền ông Hoàng nữa? Có phải vì một chuyến công tác ở phía bắc vĩ tuyến 17 bị thất bại không?
Lê Tùng quay lại. Tách một tiếng nhẹ, khuôn mặt còm cỏi xanh xao của chàng đã được thu vào phim nhựa. Chiều nay, hàng vạn tấm hình của chàng sẽ được trương lên mặt báo.
Ký giả vừa hỏi chàng là một thanh niên lùn mập, con mắt lanh lợi, vẻ mặt khả ái. Lê Tùng hất hàm hỏi:
- Ai bảo anh như thế?
Y đáp:
- À, theo tin tức riêng của tòa soạn.
- Yêu cầu anh bỏ câu hỏi ấy.
- Bằng lòng. Nhưng anh cần cho chúng tôi biết: có phải vì anh thất bại nên ông Hoàng trục xuất khỏi Sở không?
- Tôi không thể trả lời.
- Chúng tôi sẽ viết điều này lên báo.
- Một lần nữa, tôi khuyên nhủ các anh: đó là bí mật quốc phòng. Tôi nhìn nhận anh nói đúng. 3 nhân viên dưới quyền tôi bị thiệt mạng một cách khó hiểu trong vòng 1 tháng tại Miền Bắc nên tôi bị ông Hoàng khiển trách, và hạ tầng công tác. Từ đó tôi bị lôi cuốn vào vòng rượu chè, cờ bạc... Tuy nhiên, theo nội quy tôi không được phép nhìn nhận là cựu nhân viên Sở Mật vụ. Tôi có thể bị đưa ra Tòa lần nữa, và lần này chắc ngồi tù lâu hơn. Hồi nãy, chắc anh đã nghe tôi khai trước Tòa, Quan tòa hỏi tôi làm nghề nghiệp gì thì tôi trả lời làm nhân viên khế ước của Nha Thuế vụ.
- Tôi hiểu rồi. Thành thật cảm ơn anh.
Lê Tùng bước vào căn phòng hình chữ nhật, nhìn ra đường Nguyễn trung Trực. Chàng bị còng chung với một dân anh chị vừa lãnh 3 năm tù.
Hắn chìa thuốc là mời chàng. Thuốc Lucky thơm ngon này, từ lâu chàng chưa được hút. Từ đêm chàng được giải về cảnh sát quận Nhất, rồi từ quận Nhất về lao thất công an tư pháp ở đường Võ Tánh, trước khi vào khám Chí Hòa, chàng không hề nhận được của bạn bè một gói thuốc lá.
Thật ra, Lê Tùng không có bạn thân. Các bạn của chàng đều là nhân viên Sở Mật vụ. Trong bao năm phục vụ dưới quyền ông Hoàng, quá bận bịu chàng không còn thời giờ giao lưu với người ngoài Sở nữa. Ngoại trừ những bạn chơi bời, tình cờ quen nhau bên ly rượu rum, hoặc trên sàn nhảy giữa đám vũ nữ đa tình.
Theo nội quy, nhân viên của Sở không được phép lui tới nhà Lê Tùng sau khi chàng bị đuổi. Bị kêu án 6 tháng tù, thì chàng đã ở được hơn 5 tháng, nghĩa là chỉ còn 3 tuần lễ nữa chàng sẽ được tự do. 5 tháng trong lao thất đối với chàng dài hơn 5 năm - mặc dầu người nào hoạt động gián điệp cũng được huấn luyện để làm quen với cuộc sống tù tội - vì không bạn bè thân thích đến thăm, không một món quà nhỏ được gởi vào.
Gã anh chị cười thân mật, châm lửa vào điếu thuốc cho chàng. Mùi thơm của thuốc Lucky thấm vào thớ phổi làm Lê Tùng khoan khoái.
Thân nhân đổ xô đến cánh cửa sắt, mang theo những giỏ đồ ăn nặng trĩu. Họ chào hỏi nhau rối rít. Một đứa trẻ lên 5 đấm vào cửa sắt gấp, gọi to giọng vui vẻ:
- Ba.
Kèm theo tiếng người mẹ:
- Anh Hai con kêu anh kìa.
Người chồng trạc bốn mươi, khuôn mặt tiều tụy vì lo nghĩ, đứng dậy đưa bàn tay không bị còng lên vẫy vợ và con. Lê Tùng thấy giọt lệ long lanh trên mắt đỏ quạch của hắn. Thấy thế, người vợ òa khóc rồi kể lể:
- Anh ơi! Khổ mẹ con em lắm, anh ơi!
Người cảnh sát suỵt nho nhỏ:
- Đừng khóc.
Một thiếu phụ khác còn trẻ măng - chỉ độ 16 tuổi là cùng - tóc buông lơi, mặt non choẹt, đánh phấn vội vàng nên chỗ đen chỗ trắng, bế đứa con nhỏ đỏ hỏn mới đẻ, tì vào cửa sắt, gọi vào trong:
- Này anh, con anh đây này...
Người đàn ông đối diện Lê Tùng điềm nhiên nhai kẹo cao su, không để ý đến lời nói của vợ. Thiếu phụ đứng sát vào cửa, giọng van vỉ:
- Tại sao anh không cười với con một tiếng?
- Em bồng nó về đi.
- Thì anh cười một tiếng cho em vui lòng.
- Anh chỉ cười khi có bằng chứng nó là con của anh.
- Trời ơi, không là con của anh, nó còn là con của ai?
Gã đàn ông quắc mắt:
- Tôi đi tù đúng 10 tháng rồi. Vắng chồng, cô lang chạ với người khác. Tôi bằng lòng cho cô lấy hắn. Coi chừng, khi về tôi sẽ giết cô.
Người cảnh sát suỵt to hơn:
- Bà con cô bác nói nhỏ một chút. Đừng làm tôi bị rầy đấy.
Quang cảnh hỉ, nộ, ai, lạc giữa phạm nhân và gia đình như một màn kịch làm Lê Tùng đỡ buồn. Tâm hồn chàng phiền muộn và đơn chiếc lạ lùng. Chàng mong được một người đàn bà - bất cứ người ấy là ai - đến thăm chàng, và mang cho chàng một điếu Basto xanh, hoặc một cái kẹo. Chàng thấy tiếc nuối những ngày đã qua: có tiền nong, có địa vị, có điều kiện mà chàng không chịu lập gia đình. Đến khi sắp sa vào vòng trụy lạc, chàng hứa hôn với Huệ Lan thì Thu Hồ quái ác đến nằm chềnh ềnh trên giường chàng, khuy áo ở ngực tuột băng, để lộ bộ ngực trắng hếu. Oan cho chàng... vì đêm ấy chàng chưa hề mó đến thân thể Thu Hồ...
Bỗng mắt chàng hoa lên.
Một dáng người quen thuộc hiện ra sau cửa sắt. Nàng mặc đồ đen, bộ đồ đen ảm đạm của những buổi đưa đám. Cặp kính mát to tướng nằm ngang trên mắt. Không một vết phấn, không một làn son trên khuôn mặt thùy mị.
Thấy chàng, nàng buột miệng:
- Lê Tùng.
Chàng vụt đứng dậy:
- Huệ Lan.
Gặp nàng bằng xương, bằng thịt hẳn hòi, Lê Tùng vẫn tưởng gặp nàng trong mộng.
Người cảnh sát mở còng cho chàng, giọng thân mật:
- Cho ông ra nói chuyện 5 phút.
Lê Tùng hấp tấp tiến lại cửa sắt, Huệ Lan đưa bàn tay cho chàng nắm lấy. Nàng nghẹn ngào:
- Tình cờ em mới biết anh ra tòa hôm nay.
- Em có biết anh bị bắt không?
- Không. Sao khi anh bị tống giam ba tháng, em mới hay tin. Song em không được phép vào thăm.
- Chồng em ngăn cấm phải không?
- Không, Văn Bình. Văn Bình nói rằng ông Hoàng ra nghiêm lệnh, không cho nhân viên quen anh được gởi đồ, hoặc vào thăm anh trong khám Chí Hòa.
- Tại sao hôm nay em đến?
- Sáng nay, em gặp Quỳnh Bích ở câu lạc bộ. Nàng cho em biết anh chuẩn bị giải ra Tòa. Em vội đến tìm anh ngay. Nghe nói anh bị sáu tháng. Anh cũng sắp ra rồi, em mừng quá.
- Khi chưa gặp em, anh muốn ra tù càng sớm càng hay. Giờ đây, anh không muốn nữa. Anh thích ngồi tù mãi, vì ra ngoài anh sẽ đau khổ hơn là ở trong tù.
- Anh đừng nói nhảm.
- Huệ Lan em, anh nói thật đấy. Anh hết can đảm chống chọi rồi. Anh đã để mất danh dự làm người, giờ đây anh lại để mất người yêu, người anh yêu nhất đời, có lẽ anh phải tự tử.
- Anh sắp về, chúng mình sắp đoàn tụ với nhau, nếu anh tự tử thì em cũng chết.
Giọng Lê Tùng chứa đầy sửng sốt:
- Em không sợ chồng à?
Huệ Lan đáp qua nước mắt:
- Anh ấy chưa phải là chồng em. Giận em, anh bỏ đi với một thiếu phụ làng chơi. Giận anh, em cũng đã hứa hôn với một người đàn ông giàu có. Chung quy vì chúng mình không hiểu nhau.
- Anh thề rằng cô ta chỉ ngủ nhờ phòng anh, chứ anh không làm gì hết. Nếu anh nói sai, anh sẽ bị trời tru, đất diệt.
- Em tin anh rồi. Vả lại, em đã nghĩ kỹ, cho dẫu anh phụ em,, em vẫn yêu anh như thường. Em còn nhớ mãi cái đêm trên đường Lê Lợi, trước nhà hàng Olympia.
- Chồng chưa cưới của em cố tình hạ nhục anh.
- Em biết. Lẽ ra em phải có thái độ ngay khi ấy. Song em không có can đảm. Có lẽ cũng vì chưa hết giận anh, chưa hết ghen với người đàn bà lang bạt nằm trên giường anh. Nhưng đêm ấy, em đã thức tới sáng, và quyết định thoái hôn.
- Em lầm rồi. Lấy người ấy, em sẽ sống một cuộc đời bảo đảm, hoàn toàn bảo đảm. Còn anh...
- Không giấu anh. Người ấy là chủ một công ty xuất nhập cảng lớn nhất nhì Sài gòn. Song tiền bạc không mang lại hạnh phúc. Em chỉ cần yêu. Em chỉ cần tình yêu của anh.
- Anh là thằng tù. Mai kia được tha, anh vẫn thất nghiệp như thường. Với một hồ sơ có tiền án, anh sẽ không tài nào kiếm được việc làm. Huống chi, anh lại bị ông Hoàng ghét bỏ nữa.
- Am sẽ van xin ông Hoàng.
- Không được đâu. Ông Hoàng sẽ bác bỏ, và có thể ông Hoàng còn khiển trách em nữa. Việc em đến thăm anh hôm nay đã là một hành động vô kỷ luật rồi. Huệ Lan ơi, em về đi, đừng lưu luyến anh nữa. Anh đã phạm nhiều tội ác, em đừng bắt anh phạm thêm một tội ác tày trời nữa: tội làm em đau khổ vật chất và tinh thần.
- Em đã lớn rồi, em không còn là đứa trẻ. Em có toàn quyền lựa chọn người em yêu. Em yêu anh, ông Hoàng không có quyền cấm đoán. Nhược bằng...
- Em định từ chức ư?
- Vâng, nếu ông Hoàng cấm đoán, em sẽ xin thôi.
- Rồi em sẽ bị ghi vào sổ đen như anh. Chúng mình sẽ đói rét. Rồi anh sẽ làm bậy lần nữa, và lần này là đi Côn Đảo.
- Anh yếm thế lắm. Em không tin cuộc đời chúng mình sẽ đen tối như anh nghĩ đâu. Thôi, em về đây. Em đã mang một giỏ bánh kẹo và quần áo cho anh.
Lê Tùng ứa nước mắt. Mùi da thịt thơm thơm của Huệ Lan còn phảng phất bên cửa sắt. Chàng phải nghiến răng cho nước mắt khỏi trào xuống.
Huệ Lan đi rồi, Lê Tùng vẫn tưởng nàng đứng trước mặt. Tiếng còng sắt rỏn rẻn lôi chàng trở về thực tại. Thở dài, chàng trèo lên xe bít bùng. Hồi sáng, trên đường từ Chí Hòa ra Tòa án, chàng dán mắt vào cửa lưới nhìn quang cảnh quen thuộc của thủ đô Sài gòn.
Lúc ấy Lê Tùng mới nhận thấy những cử chỉ trước kia chàng cho là vô nghĩa đã trở thành vô cùng quý giá. Thật vậy, những cử chỉ quá tầm thường như bách bộ trên vỉa hè, dí mũi vào tủ kính, dừng lại ngắm những cô gái có cái mông tròn trịa và bộ ngực đồ sộ, Lê Tùng cho là một đặc quyền phi thường. Giờ đây, chàng mới hiểu được giá trị của cuộc sống tự do.
Lê Tùng thở dài.
***
Thế là Lê Tùng được tự do.
Chàng quay lại lần nữa, nhìn căn phòng giam trong công an tư pháp, một tòa nhà lẻ loi quét vôi vàng, bên ngoài trông như cái hộp. Bốn giãy nhà lầu vây quanh một cái sân hình vuông. Toàn song sắt và song sắt.
Lao xá công an tư pháp trong Tổng nha Cảnh sát đường Võ Tánh là nơi giam giữ những can cứu chưa bị tống giam thiệt thụ vào khám Chí Hòa. Đó còn là nơi tạm giam những phạm nhân hết hạn tù, sắp được phóng thích.
Lê Tùng về đây đã được hai ngày. Suốt ngày, chàng nằm dài trên giường xi măng, nhìn qua song sắt. Cạnh nhà lao là trụ sở Ủy hội Quốc tế. Tiếng động cơ xe hơi, và tiếng vui đùa của trẻ con vẳng lên rõ mồn một.
- Ông Lê Tùng.
- Tôi đây.
- Mời ông sửa soạn. Xong rồi...
Không khí mát mẽ bên ngoài tràn ngập phổi chàng. Chàng đã có cảm giác này khi được đưa từ khám Chí Hòa về đường Võ Tánh để chờ phóng thích. Từ lâu, chàng hằng mong cái lúc được trả về đời sống loài người, song đến khi được tự do, chàng lại tiếc nuối những ngày ở trong lao thất.
Chàng không thể quên được cầu thang trong khám Chí Hòa sơn nhiều màu sặc sỡ, sân chơi bóng chuyền với những toán cầu thủ bay bướm, cột cờ cao chót vót vang dậy tiếng kèn, những khu giam giữ phạm nhân ngoảnh mặt vào cái sân bát giác. Chàng cũng không thể quên được những đêm nằm cô đơn trong trại B của Tổng nha Cảnh sát, gồm những căn phòng nhỏ xíu thắp đèn nê-ông, đối diện bức tường trắng toát, nghe nữ can cứu ca vọng cổ giọng não nùng thối ruột.
Thế là Lê Tùng được tự do.
Con đường Võ Tánh ngập tràn ánh nắng. Trong thời gian bị giam, chàng mất dần ý niệm ngày giờ, đến khi được tự do bách bộ ngoài đường, chàng mới sực nhớ là xế chiều. Vào giờ này, Huệ Lan đang uống cà phê trong câu lạc bộ.
Chàng vẫy tắc-xi. Khi chàng đóng cửa xe, tài xế ngó chàng vẻ mặt ngạc nhiên. Có lẽ tài xế đến bộ râu nham nhở hàng tháng không cạo của chàng. Từ ba tuần nay, chàng chưa cạo râu. Mớ tóc được cắt bằng kéo trong khám đã bò xuống gáy, sắp biến thành búi to, trông rậm rì hơn tóc quái kiệt Trần văn Trạch.
Chiếc áo sơ mi trắng giặt bằng nước phèn đã ngã sang màu hung hung bẩn thỉu. Khuy măng-sét bị gãy, chàng đành xắn tay áo, để lộ cổ tay khẳng khiu, xanh mướt. Chàng xách nơi tay một cái va li nhỏ, đựng lơ thơ hai bộ đồ ngủ. Cái va li và quần áo ngủ do Huệ Lan mua cho chàng ở chợ Bến Thành, và nàng thân chinh mang vào khám.
Còn nửa tháng Lê Tùng hết hạn tù, Huệ Lan vào Chí Hòa thăm chàng. Chàng nhớ rõ buổi sáng thứ sáu trời âm u như muốn mưa, gió lạnh quạt nhè nhẹ qua hành lang nhà giam dài thăm thẳm. Gặp chàng ở phòng <<nuôi>>, Huệ Lan ứa nước mắt.
Nàng nói, giọng xúc động:
- Tội nghiệp, anh gầy quá!
Lê Tùng gượng cười:
- Có lẽ lâu ngày không ra nắng nên anh hơi xanh đấy thôi. Hôm qua, anh vừa cân xong, anh lên được một ký rưỡi.
Nàng vén áo ngồi xuống ghế. Lê Tùng đối diện nàng. Nàng đặt bàn tay thon nhỏ lên tay chàng:
- Anh đừng nói dối em nữa. Đàn bà chúng em có linh tính rất bén nhạy. Bữa trước, gặp anh ngoài Tòa, em không thấy anh gầy bằng hôm nay. Anh lo về em phải không? Anh sắp được tha rồi, em sẽ có một số tiền lớn, chúng mình chung sống với nhau cho đến ngày anh xin được việc làm.
- Ai đưa tiền cho em?
Huệ Lan nhăn nhó:
- Trời, anh còn nghi em nữa ư? Thầy mẹ em bán ruộng ở nhà quê chia cho các con. Em được ba trăm ngàn.
- Không, anh đâu dám nghi em. Anh hỏi cho biết đấy thôi. Mấy tuần nay, anh đã suy nghĩ nhiều. Anh không thể ăn bám vào em được.
- Anh là người em yêu. Anh lại là người chồng tương lai của em. Vợ không giúp chồng được sao?
- Anh cũng yêu em lắm. Nhưng cũng chính vì yêu em, anh không muốn làm em khổ.
- Bậy nào. Hôm ở Tòa, anh cũng nói bậy như thế. Em khóc cả đêm, gần cạn nước mắt.
Hai người ngồi yên nhìn nhau. Rồi nàng nói:
- Em sẽ chờ anh ngoài cửa khám ngày anh ra.
Lê Tùng lắc đầu:
- Anh không muốn. Để anh tới nhà em, tiện hơn. Anh phải về qua phòng trọ, thanh toán tiền nong với ông chủ.
Chàng đã nói dối. Trong túi chàng không cỏn một đồng xu nhỏ. Suốt trong mấy tháng tù tội, chàng không có nỗi trăm bạc để mua thuốc lá. Huệ Lan không ngờ được chàng túng quẫn đến thế. Nhiều lần, nàng vào thăm và đưa tiền thì chàng gạt đi:
- Ồ, anh đang còn tiền. Vả lại, ăn uống trong này rất khá.
Ngây thơ tưởng thật, nàng căn dặn:
- Anh ráng ăn nhiều đồ bổ cho lại người.
Lê Tùng gượng cười, gật đầu. Tuy Huệ Lan là nhân viên của Sở Mật vụ, nàng vẫn chưa hiểu được đời sống trong khám. Nàng đinh ninh Lê Tùng được hút thuốc lá thơm, uống rượu rum nhập cảng, ăn bánh mì phết bơ mỗi sáng, bít tết khoai ráng và súp hành buổi trưa như ở ngoài.
Nhờ những người bạn mới quen trong tù, Lê Tùng vơi được phần nào đau khổ. Hàng ngày, chàng được phì phèo điếu Basto thân mật, và ăn đồ tươi. Bữa rời Chí Hòa, chàng lại có tiền về xe. Nhận tờ bạc hai chục của bạn - những người bạn từ khắp nơi trong xứ đến, vẻ mặt đôn hậu, mặt dầu 5, 10 năm tù đè nặng trên vai - Lê Tùng ứa mắt. Không có hai chục này, chàng phải đi bộ. Tờ hai chục đối với chàng cò quý hơn xấp năm trăm hồi còn ở ngoài.
Xe tắc xi bóp kèn inh ỏi. Chuỗi kỷ niệm đang dồn dập trong óc bỗng đứt quãng. Lê Tùng bàng hoàng; tia nắng xế chiều gay gắt chiếu qua cửa xe, vờn lên mái tóc đã bạc non nữa của người tài xế.
Lê Tùng sực nhớ chàng không còn trẻ nữa. Trong tóc chàng thấp thoáng nhiều sợi bạc. Những đêm nằm trong tù, chàng được bạn kể lại cái thú được gối vào đùi đàn bà và nhổ tóc bạc. Nếu người đàn bà này là vợ, thì cái thú bao hàm tính chất đậm đà, tha thiết. Còn là nhân tình thì những tư tưởng thèm muốn ghê gớm bùng dậy trong lòng người đàn ông. Một bạn tù đứng tuổi cho Lê Tùng biết được vợ hoặc nhân tình nhổ tóc không gây ra sự say sưa bằng được con nhổ tóc.
Thật vậy, người cha nằm dài trên giường đọc báo, đứa con mũm mĩm quỳ dưới đất, những ngón tay nhỏ nhoi, xinh xắn luồn trong tóc cha nhổ một cách từ tốn, nhẹ nhàng, vừa nhổ vừa đếm, vừa phá lên cười khanh khách khi thấy tóc bạc quá dài, hoặc nhổ lầm sợi đen. Trong lòng người cha từ từ dâng lên những tình cảm trong trẻo và đẹp đẽ, không bợn nhục dục bẩn thỉu như lúc đụng chạm da thịt đàn bà.
Bỗng tài xế quay đầu lại:
- Đến Trần hưng Đạo rồi. Ông xuống ở đâu?
Câu hỏi của tài xế như thùng nước đá dội vào người Lê Tùng. Chàng biết về đâu bây giờ? Căn phòng của chàng trong bin-đinh đã được trả lại cho chủ sau ngày chàng bị bắt. Khi nhân viên an ninh giải chàng về phòng để khám xét, chàng bắt gặp nụ cười khoái trá trên môi lão chủ phì nộn và đểu cáng.
Hắn giả vờ chào chàng:
- Kìa, ông Lê Tùng. Khổ quá. Thôi, chẳng qua ông gặp vận xui. Ít tháng nữa, ông sẽ được tự do.
Ngừng một phút, hắn nói tiếp:
- Lẽ ra, tôi đòi ông thanh toán số tiền còn thiếu. Số tiền nợ này không ít ỏi gì, hẳn ông còn nhớ. Vì ông gặp nạn, tôi sẵn lòng châm chước cho ông. Khi nào có, ông sẽ thanh toán cũng được. Và tôi xin báo với ông là tôi lấy lại phòng cho ngoại kiều thuê.
Lê Tùng muốn nhổ vào bộ mặt nhầy nhụa của hắn, kèm theo một câu nói mát mẽ:
- Cảm ơn lòng tốt của ông. Tôi đã thưa với bà, và bà bằng lòng cho tôi giữ lại căn phòng cho đến khi được tự do.
Song chàng lặng thinh. Chàng không muốn lão chủ béo mập phải xây xẩm mặt mày, dựa lưng vào tường lau mồ hôi khi nghe tin vợ hắn điều đình với chàng. Điều đình một đêm ân ái đổi lấy số tiền nợ.
Hình ảnh lão chủ phì nộn vừa hiện trong trí chàng. Dầu muốn hay không, chàng cũng trở lại bin-đinh cũ. Chàng nói với tài xế:
- Ông chạy thêm một quãng nữa. Tôi xuống ở trước cây xăng.
Tài xế giảm bớt ga, luồn chiếc tắc xi 4 ngựa nhỏ bé vào giữa một đoàn công xa đồ sộ.
Mắt Lê Tùng đột nhiên để ý đến cái gói nhỏ dưới chân. Chàng nhặt lên, mở ra. Suýt nữa chàng nghẹt thở.
Bên trong toàn bạc 500, bạc 500 mới toanh, găm lại cận thận thành xấp 20 tờ. Chàng đếm được năm xấp, nghĩa là 50.000 đồng.
50.000 đồng Trời cho trong xe tắc xi! Chắc là một ngườ khách vừa xuống đã bỏ quên trên ghế, rồi tuột xuống chân. Bản chất nhân viên tình báo vùng dậy trong lòng, Lê Tùng ra lệnh cho tài xế:
- Này, ông cứ lái thẳng vào Chợ Lớn.
Không hỏi lại, tài xế rú ga phóng nhanh. Đến ngã tư đèn đỏ Tổng đốc Phương, Lê Tùng yêu cầu tài xế đậu lại. Chàng rút một tờ 500, yêu cầu tài xế thối tiền lẻ.
Công-tơ chỉ 50 đồng. Tài xế chậm rãi thò tay vào hộc táp lô lấy tiền. Lê Tùng đút 450 đồng vào túi. Chờ tắc xi chạy khuất, chàng rẽ vào tiệm tạp hóa mua quần áo. Xong xuôi, chàng vào hiệu hớt tóc. Chàng cần vạc mái tóc và bộ râu phiến loạn trước khi trở về Sài gòn ban đêm, trước khi trở về với Huệ Lan và mối tình đẹp đẽ của nàng.
Sẫm tối, Lê Tùng đã biến thành người khác. Những ngày nằm khám làm da chàng trắng trẻo, trông như sinh viên. Mùi nước hoa thơm ngát khiến chàng ngây ngất.
Chàng bách bộ một quãng, rồi rẽ vào một bin-đinh đang xây cất. Giờ này thợ thuyền đã về. Đường phố bắt đầu lên đèn. Trông trước, trông sau không thấy ai, chàng nép vào góc tưởng thay quần áo. Làn vải ngoại hóa mơn man da thịt chàng. Lúc nãy, chàng đã chọn một cái áo sơ mi kiểu Mỹ màu đỏ, ô vuông, ngắn tay, bỏ ngoài quần tuyệt đẹp, và một cái quần tẹt-gan màu <<be>>, màu thanh lịch của dân ăn chơi thủ đô. Đôi giày của chàng bằng da lộn mềm mại, nổi bật trên đôi tất ni-lông mới màu tím, sọc đỏ vàng.
Thay xong, Lê Tùng lững thững ra ngoài. Với bộ mã sang trọng, chàng có thể giáp mặt lão chủ được rồi. Chàng gọi tắc xi đi ngược về đại lộ Trần hưng Đạo. Chàng xuống xe cách bin-đinh một quãng ngắn.
Vào đến cửa, chàng gặp viên quản lý. Hắn há hốc miệng, nhìn chàng bằng cặp mắt ngạc nhiên:
- Ông Lê... Tùng.
Chàng phì cười:
- Phải, tôi là Lê Tùng bằng xương bằng thịt hẳn hòi, đâu phải ma hiện về mà ông hoảng sợ. Thế nào, ông chủ có đây không?
Viên quản lý đã hoàn hồn:
- Thưa, ông chủ đi Cấp vắng rồi.
- Thế thì thôi. Yêu cầu ông đưa chìa khóa cho tôi lên phòng.
Viên quản lý trố mắt:
- Phòng ông đã có người thuê.
- Thì tôi lấy phòng khác.
- Không còn phòng nào trống cả.
Lê Tùng gằn từng tiếng:
- Tôi nói trước cho ông biết, nếu tôi tìm được phòng nào trống, tôi sẽ không tha đâu. Hẳn ông đã biết tôi nói là làm. Tôi đã ở tù một lần về tội đánh lính. Tôi sẵn sàng ở tù lần nữa về tội giết người.
- Trời ơi, ông giết tôi!
- Phải, tôi sắp sửa giết ông.
Viên quản lý run lập cập:
- Thưa,... không dám giấu ông, đang còn hai phòng trên lầu tư. Tuy nhiên,...
Lê Tùng gạt ngang:
- Ông sợ tôi không trả tiền chứ gì? Bao nhiêu tiền một tháng.
- Thưa, bốn ngàn.
Lê Tùng ném xuống bàn một xấp bạc, giọng kiêu hãnh:
- Đây là mười hai ngàn. Tiền phòng ba tháng.
- Thưa, còn tiền thiếu nữa.
- Bao nhiêu?
- 30.000 tiền phòng. 20.000 tiền nợ ông chủ. Vị cho 50.000.
Lê Tùng xỉa thêm một xấp nữa:
- Trả 20.000 tiền nợ trước, còn tiền phòng thanh toán sau. Bằng lòng chưa?
Mặt viên quản lý sáng lên. Hắn vội vã lượm tiền bỏ vào túi áo trên, mắt lấm lét, sợ chàng đòi lại.
- Phòng số mấy? - Lê Tùng hỏi.
Viên quản lý giọng cung kính:
- 417. Thưa, phòng này hẹp hơn phòng ông ở dạo nọ, nhưng xinh xắn hơn. Phiền là không gắn máy lạnh.
- Được. Tôi sẽ gắn sau.
- Để tôi đưa ông lên.
- Không cần. Chìa khóa đâu? Tôi lên một mình cũng được.
5 phút sau. Lê Tùng xô cửa phòng 417 bước vào. Một sự may mắn lạ lùng đã giúp chàng đủ tiền thuê phòng, trả nợ và tiêu pha. Lê Tùng mĩm cười một mình. Đèn được bật lên, chàng cảm thấy lòng nao nao. Chàng vừa tìm lại không khí quen thuộc của những ngày sống tự do. Dáng điệu xúc động, chàng ngồi xuống đệm. Cái đệm dày một tất nhún nhảy, khiến chàng liên tưởng đến bộ mông tròn trịa của đàn bà.
Rồi chàng liên tưởng đến Huệ Lan.