Z28 - Bản án tử hình - Chương 01

Z28 - Bản án tử hình - Chương 01

Giòng sông nhuộm máu

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 9.7/10 với 12625 lượt xem

Lời chú thích: Tác giả xin trân trọng nhắc lại rằng mặc dầu dựa vào thực tế địa lý và thời sự, bộ truyện gán điệp này chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Nếu có sự trùng hợp hoặc gần gặn nào với sự việc xảy ra, đó chỉ là ngẫu nhiên, ngoài trách nhiệm của người viết
* * *
Trời mưa như trút nước.
Ngoại trừ cầu Hiền Lương là còn sáng đèn, toàn khu vực sát vĩ tuyến 17 đều chìm trong bóng đêm dày đặc. Dường như nước mắt của hàng triệu người xa vợ, xa chồng, xa con cái, xa cha mẹ, xa quê hương đã kết tụ thành mưa trên sông Bến Hải, nên trời mưa mãi mưa hoài, mưa suốt từ sáng đến chiều, rồi mưa suốt từ chiều đến nửa đêm.
Lê Tùng lấy ống tay áo chùi mắt để nhìn rõ con đường gồ ghề, uốn khúc như con rắn hổ mang giữa những cánh đồng ngập nước. Mắt chàng bỗng đỏ hoe vì bị làn vải kaki cọ sát thật mạnh, khiến chàng sực nhớ ra bộ áo màu vàng dày cộm của chàng đã ướt sũng.
Bộ áo kaki một tuần chưa giặt bị thấm đầy nước của Lê Tùng trở nên nặng chình chịch như đeo quả tạ trên mình. Công việc chàng làm đêm nay cũng nặng chình chịch như quả tạ ngàn cân đè lên đôi vai mảnh khảnh của chàng.
Lê Tùng vội lái sang bên để khỏi lọt xuống ruộng nước. Hai ngọn đèn pha sáng quắc của chiếc xe zeep không mang số không đủ sức xuyên thủng màn mưa, màn đêm và màn sương. Vốn là đệ tử của thần tốc độ, Lê Tùng thường phóng nhanh trên trăm cây số một giờ, ngay cả trên những con đường quanh co, và lòi lỏm. Đêm nay, chàng chỉ được chạy số một, mỗi giờ không quá 15 cây số.
Lê Tùng cúi xuống cổ tay nhìn đồng hồ lăn tinh: 3 giờ sáng. Trời, 3 giờ sáng là giờ sung sướng nhất của giống đực và giống cái đa tình. Trong thời gian ở Sài Gòn, 3 giờ sáng là giờ Lê Tùng trịnh trọng bỏ ba cục đá của tủ lạnh vào cái ly pha lê, rót vào nửa chai coca xủi bọt trước khi pha trộn với một đốt ngón tay bacađi (1)
Chàng uống nhiều rượu rhum (rum) khác nhau trong cuộc đời gián điệp bẩy nổi ba chìm, song chưa thấy thứ nào đậm đà bằng bacađi, người đàn ông thức đêm không cảm thấy buồn ngủ, men say bốc lên từ từ, nhẹ nhàng làm cho tứ chi đê mê như hít một gờram bạch phiến.
Chàng lại có thói quen không bao giờ uống Bacadi một mình: đêm nào chàng cũng có một người đàn bà đầy nhựa yêu đương bên cạnh. Song đêm nay, một đêm đầy mưa, và đầy gió lạnh, chàng một mình một xe oằn oại dọc bờ sông Bến Hải. Không có đàn bà đẹp. Không có rượu bacadi. Không có mùi nước hoa thơm thơm, trong tầm tay, để tắt, toàn căn phòng gắn máy điều hòa khí hậu biến thành thế giời thiên thai.
Bất giác, Lê Tùng thở dài.
Chàng nhớ đến người đàn ông lực lưỡng, tóc cắt ngắn, mấy sợi quăn quăn lòa sòa trên vầng trán rộng; loé ra tia mắt sáng như chứa chất thép.
Người ấy là Văn Bình, tức Z.28. Trước khi Lê Tùng trèo lên phi cơ quân sự vô danh, bay ra Quảng Trị, giáp tuyến? Văn Bình kêu chàng vào phòng. Lệ thường, người ra lệnh cho chàng là ông Hoàng, tổng giám đốc. Song ông Hoàng đi ngoại quốc vắng, Văn Bình thay thế. Lê Tùng thích được làm việc với ông Hoàng hơn với Văn Bình. Ông Hoàng còn mỉm cười, còn vỗ bàn tay gầy gò vào vai chàng, còn Văn Bình thì đứng sững giữa phòng, nét mặt nghiêm nghị:
- Chào anh Lê Tùng. Hân hạnh được gặp anh. Như anh đã biết, đây là một công tác quan trọng. Đêm nay, Z.307 sẽ trở về. lần này, 307 sẽ mang theo một số tin tức và tài liệu tối mật và tối hệ. Anh được phái đi đón vì anh là cấp trên trực tiếp của 307, cũng như của các điệp viên do Sở gài đặt từ Quảng Bình đến Thanh Hóa. Trong quá khứ, anh đi đón nhiều lần nên quen đường.
Tưởng cần nhắc thêm là ở bờ Bắc, địch canh phòng rất cẩn mật. Địch có thể giết 307. Địch cũng có thể giết anh. Anh đừng quên là xe zeep anh lái dọc bờ Nam là xe zeep tư nhân, không đeo bảng số. Trong người, anh cũng không được mang theo một giấy tờ căn cước nào hết. Tôi đã liên lạc với cơ quan an ninh để rút lính ra khỏi khu vực mà anh sẽ gặp 307 đêm nay. Anh nhớ rõ rồi chứ?
- Thưa, nhớ.
Người đàn ông đẹp trai, và cường tráng đập nhẹ vào vai Lê Tùng. Chàng vẫn thích được vỗ vai, nhưng khi Văn Bình đụng vào người, chàng vội rụt lại, mặt nhăn nhó. Ông Hoàng vỗ vai êm ái bao nhiêu, thì Văn Bình vỗ vai đau nhức bấy nhiêu. Chàng bỗng nhớ ra Văn Bình là một võ sư đệ tứ đẵng Nhu đạo, vô địch quyền Anh, và có bàn tay cứng như sắt nguội. Tuy gia nhập tổ chức của ông Hoàng đã lâu, và leo lên tới chức R(2) Lê Tùng vẫn chưa bằng một móng tay của văn Bình. Lê Tùng giỏi võ, song tài ba của chàng chỉ có thể đánh ngã một đám anh chị, hoặc hạ sát một điệp viên của địch.
Thấy chàng nhăn nhó, Văn Bình ngó sững, vẻ mặt kinh ngạc. Lê Tùng xoa vai:
- Anh khoẻ quá. Tôi tưởng như xương vai tôi bị gẫy.
- Xin lỗi anh.
Vừa lái xe, Lê Tùng vừa xoa lại chỗ vai bị đau. Trời vẫn mưa như trầm như trút. Một lằn chớp xẹt ngang nền trời tối thui. Trong một phần trăm tích tắc đồng hồ, Lê Tùng thoáng thấy giòng sông Bến Hải và vùng phi chiến rộng mênh mang.
Chạy được một quãng nữa, Lê Tùng tắt đèn. Bắt đầu từ đoạn này, chàng phải lái mò trong đêm khuya mù mịt. Đành rằng chàng có một thứ kính riêng có thể nhìn xuyên qua màn tối (3), chàng vẫn thấy lờ mờ. Nếu tay lái non, chàng có thể đâm sầm xuống ruộng. Chàng không sợ tai nạn. Và trong đời dọ thám tai nạn xảy ra như cơm bữa. Chàng chỉ sợ không đến địa điểm AQ- 19 đúng giờ, đúng phút đã hẹn.
Lê Tùng lại coi đồng hồ lần nữa.
3g15
Chàng đậu xe, tắt máy, mở bản đồ, đặt trên vô lăng. Dưới ánh sáng lờ mờ của táp lô (tableau), chàng nhận ra điểm AG – 19 được ghi bằng dấu chì đỏ trên bản đồ bằng ni lông, không thấm nước. Còn 5 phút nữa đến nơi. Miệng khô đắng, chàng cảm thấy thèm thuốc lá. Chàng có thể che đầu thuốc trong lòng bàn tay, song chàng không thể bật lửa. Lính gác trên bờ Bắc có thể phăng ra chàng.
Dạo này, dọc bờ sông họ đều trí súng đại liên.
Đêm đêm, họ thường bắn vu vơ xuống bờ Nam, không biết để khỏi buồn ngủ, để bớt sợ ma, hay để rượt theo một bóng người can đảm dám vượt vĩ tuyến 17.
AQ- 19 là một trong những điểm cạn nhất trên sông Bến Hải. Ông Hoàng đã nghiên cứu kỹ càng: trừ những ngày đầu tháng và giữa tháng có con nước, AQ – 19 lúc nào cũng cạn, cạn nhất là ban đêm từ 3 đến 4 giờ sáng.
Những giọt mưa lạnh buốt hắt vào mặt Lê Tùng. Cái áo tơi và cái dù chàng đã vô ý bỏ quên ở Quảng Trị. Trong người chàng chỉ còn một chỗ không bị ướt; đó là dưới nách trái, nơi chàng đeo khẩu súng Ruger (4) nóng 22. Trong phòng hẹp, khẩu Ruger là một võ khí kiến hiệu, không kềnh càng mà bắn chính xác, song giữa đồng không mông quạnh; đối diện những khẩu liên thanh ba càng, nó trở thành một món đồ chơi cho trẻ con.
Tuy nhiên, Lê Tùng vẫn mang súng lục bên mình để khỏi cảm thấy lẻ loi. Bao da cừu đựng súng đã được chàng đánh xi láng bóng, chàng đụng nhẹ vào là khẩu Ruger thân yêu tuột vào gan bàn tay, và trong vòng 10 thước Lê Tùng có thể bắn trúng một chai nước ngọt. So sánh với tài bách bộ xuyên dương của Văn Bình, chàng chỉ là đệ tử, nhưng dầu sao chàng vẫn dư sức đối phó với bọn điệp viên của địch.
Lê Tùng nâng cặp kính hồng ngoại tuến lên ngang mày. Mưa vẫn xối xuống ào ào. Tiếng côn trùng rỉ rả hòa với tiếng mưa rơi tạo cho đêm cuối đông ở giáp tuyến một quang cảnh buồn tênh. Chàng đâm oán ông Hoàng, oán cái nghề tình báo phải gió, vào lúc thiên hạ ngủ say với mỹ nhân thì mình phải thức, và lăn vào chỗ chết.
3 g30 …
Qua ống kính hồng ngoại, chàng chỉ thấy một lùm cây to lớn và một dãy nhà đen sì ở đàng xa. Dãy nhà này là một trong nhiều trạm gác của địch trên bờ Bắc. ban đêm, binh sĩ Bắc Việt chui xuống hầm, chĩa họng đại liên về phía Nam. Z.307 phải là kẻ quyền biến và can trường mới vượt qua nổi hàng rào đạn thép của địch. Trong quá khứ, 307 đã vượt qua sông, gặp Lê Tùng 5 lần, lần nào cũng mỹ mãn.
Nhưng lần này …
Lê Tùng không muốn nghĩ thêm nữa. Gián điệp là một nghề lạ lùng, 9 lần thành công, song lần thứ 10 có thể thất bại nghĩa là chết. Z.307 đã vượt tuyến 5 chuyến thành công. Chuyến thứ 6 và cũng là chuyến sau cùng trước khi 307 đổi công tác có thể cũng là chuyến sau cùng của cuộc đời.
Gặp 307 xong, Lê Tùng sẽ trở về Sài Gòn làm tờ trình cho Văn Bình, và như ông Hoàng đã hứa, chàng sẽ được đổi sang Nhật, làm R. dưới danh nghĩa đệ nhị tham vụ sứ quán tại Đông Kinh. Chà! Còn gì thú bằng ở Đông Kinh, với những phòng tắm hơi nước, những hộp đêm thần tiên, những hằng nga bằng xương, bằng thịt …
Bỗng một tiếng sét long trời lở đất nổi lên. Bàng hoàng, Lê Tùng dựa vào xe zeep, mắt chàng vẫn không rời ống kính quan sát. Lê Tùng bàng hoàng không phải vì nghe tiếng sét bất thần mà vì qua ống nhòm chàng vửa thấy một cảnh tưởng làm chàng dựng tóc gáy. Bất giác, chàng nắm lấy chuôi súng.
Cơn mưa dữ dội đã bắt đầu tạnh.
* * *
Nhìn bề ngoài mưa tầm tã, Trần Hiệp lo ngại bản bạn:
- Mưa thế này, các anh đi tuần sao được?
Thiếu tá Phan Lộ tợp một ngụm rượu, giọng lè nhè:
- Kệ xác bọn lính.
Dưới ánh đèn nê ông sáng xanh, Trần Hiệp nhìn kỹ nét mặt lờ đờ của thiếu tá Lộ, chỉ huy một đội tuần cảnh bí mật dọc bờ Bắc sông Bến Hải. Lộ là bạn cùng học với chàng. Trong những năm ở Trung học, hai người đều ngồi một bàn. Ra đời, Lộ gia nhập quân đội, còn Hiệp làm báo. Trần Hiệp là phóng viên đặc biệt của nhật báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của Trung ương đảng Lao động.
Phan Lộ là bợm rượu, song đã bắt đầu ngấm say sau một chai mạc ten (Martell). Lộ dễ say vì lâu ngày không uống, trời lại mưa dầm và gây gấy lạnh, làm hắn nhớ quê hương, và nhớ đàn bà, Lộ cầm ly martell cuối cùng, đưa lên miệng:
- Hà, hà, ngon quá! Chúc anh thượng lộ bình an.
Nghe bạn nói. Trần Hiệp tái mặt. tại sao thiếu tá Lộ chúc chàng thượng lộ bình an? hắn biết đêm nay chàng vượt tuyến đến AQ – 19 để gặp nhân viên của ông Hoàng chăng?
Không có lẽ. Từ lâu, thiếu tá Lộ coi chàng như ruột thịt. Lần nào tới vùng giáp tuyến lấy tin cho tòa soạn báo Nhân Dân. Trần Hiệp cũng mò đến trạm gác bí mật của thiếu tá Lộ. Lộ là ông trời con ở vùng Bắc bến Hải vì lẽ hắn là cộng sự viên thân cận của đại tá Bùi Vinh, một trong những con hùm xám tình báo. Bề ngoài, Phan Lộ là thiếu tá quân đội, không có một nhiệm vụ rõ rệt nào ở vùng giáp tuyến, nhưng bên trong Lộ là người chịu trách nhiệm ngăn ngừa các vụ vượt tuyến.
Trần Hiệp ngồi xuống một bên. Mắt Phan Lộ lim dim như bị dán lại bằng keo, miệng hắn nồng nặc mùi rượu mạnh. Rồi hắn gục đầu xuống bàn.
Trần Hiệp im lặng như pho tượng. Ngoài sân, mưa vẫn đổ ào ào. Chàng nghe rõ tiếng gió xoáy qua những bụi dâm bụt xơ xác, và thổi tốc những viên ngói cũ. Trần Hiệp thở dài một tiếng rồi trở mình ra cửa.
Chàng đã mang rượu cho Phan Lộ uống nhiều lần và lần nào hắn cũng say bí tỉ. Mỗi lần chuốc rượu cho bạn, Trần Hiệp không quên bỏ vào một viên thuốc mê đặc biệt. Uống vào với rượu, nó sẽ làm đương sự ngủ say trong hai tiếng đồng hồ, và khi tỉnh giấc không hề mệt mỏi.
Trần Hiệp lay vai bạn. Thiếu tá Lộ vẫn ngáy o o. Nét mặt hiền khô của Trần Hiệp bỗng đanh lại. Trước mặt chàng còn đúng 120 phút. Chàng tha hồ hoạt động. Phan Lộ có thói quen ngủ một mình, trong phòng đóng kín, thuộc viên không được đánh thức. Hồi tối, hắn đã gọi bí thư tới dặn đêm nay hắn có hẹn với một người đàn bà trong xóm rồi uống rượu say với Trần Hiệp. Phan Lộ vào làng mãi đến quá nửa đêm mới về, một góc chai rượu đế đã làm hắn chân nam đá chân xiêu chưa cần tới rượu mạc-ten pha thuốc mê của Trần Hiệp nữa.
Trần Hiệp đứng dậy, tắt đèn. Căn phòng chìm vào bóng tối đen ngòm.
Chàng đứng một hồi, nghe động tĩnh. Biết chắc Phan Lộ đã ngủ mê mệt. Trần Hiệp ung dung ra ngoài, khóa trái cửa phòng. Bọn lính của Lộ nằm ở nhà dưới. Vào giờ này, trung đội thám báo của Lộ đã ngáy như sấm rồi. Ngoại trừ những nhân viên thám báo dọc bờ sông. Tuy nhiên, Trần Hiệp đã nghiên cứu chu đáo bản đồ vị trí. Chàng thuộc lòng từng nơi đặt vọng gác, và các ổ đại liên. Chàng còn biết giờ nào binh sĩ Bắc việt đi tuần qua địa điểm AQ-19, và chẳng may chàng gặp họ, chàng phải nói khẩu hiệu nào.
Những tin tức quan trọng này, Trần Hiệp chẳng phải tìm đâu xa: chàng có thể lấy trong phòng giấy của Thiếu tá Phan Lộ.
Hành danh của Thiếu tá Lộ là một khu nhà trệt mới cất bằng gạch lốc và mái tôn, nằm chơ vơ giữa đồng, gồm một căn lớn ở giữa, và nhiều căn phụ ở chung quanh.
Trần Hiệp không ra hiên, băng qua cột cờ tối om, biến vào bụi dâm bụt ngoài sân rộng, mà dùng chìa khóa giả mở một phòng giấy kế cận. Quen với bóng tối, và đồ đạc bày biện, Trần Hiệp đi rất êm, không hề va đụng.
Chàng mở cửa sổ nhảy ra ngoài. Phía sau cửa sổ không có chấn song là một giao thông hào ngoằn ngoèo hình chữ chi - nơi nhân viên văn phòng ẩn núp máy bay oanh tạc. Hào này ăn ngầm qua ga-ra, xuyên dưới hàng rào kẽm gai ra ngoài. Và từ đó, giao thông hào dẫn tới các vị trí canh gác dọc tuyến.
Trần Hiệp đã dùng đường này nhiều lần. Đúng hơn, đã dùng hai lần. Tuy nhiên, những lần trước trời mưa không to hoặc chỉ mưa nhẹ hạt. Tuy giao thông hào ăn ngầm dưới đất, nước mưa cũng ngấm xuống làm cho lối đi lầy lội.
Chắc lưỡi, Trần Hiệp nhảy xuống hầm. Chàng mon men đi trong bóng tối.
Cách ba thước, giao thông hào lại rẽ sang phải hoặc sang trái, làm đường đi dài thêm. Mặc dù có nhiều ống thông hơi, không khí dưới hầm vẫn sặc mùi ẩm mốc, khiến Trần Hiệp nghẹt thở. Chàng rút đèn bấm ra soi đường. Đàn chuột đen sì thấy động kéo nhau chạy bán sống bán chết. Một con đuôi dài, mắt xanh lè hốt hoảng đâm vào giày chàng. Chàng sực nhớ đi giày ban, đế kếp, tiện lợi cho những công tác trong thành phố, song bất tiện trong giao thông hào, và trên con đường đầy bụi giáp tuyến.
Trần Hiệp dừng lại. Chàng đã vượt qua hàng rào kẽm gai.
Chàng trèo lên một bậc thang trong hầm. Đầu chàng đụng một tấm cửa bằng tôn dày. Chàng mở chốt bên trong và đẩy nắp hầm bật lên. Mưa tuôn vào như thác. Trần Hiệp vội sập cửa hầm xuống.
Tuy chàng mặc áo tơi, che kính người và đầu, mưa vẫn lọt vào da thịt chàng. Đôi giày ban đã ướt sũng. Chàng có tính cẩn thận, ít quên, không hiểu sao đêm nay chàng lại quên mang dép xe hơi. Lát nữa, từ tuyến về, chàng phải cởi hết quần áo, vắt kiệt nước, rồi nhét xuống đáy ba-lô, lấy quần áo khô ra mặc, trèo lên giường cạnh Thiếu ta Phan Lộ, kéo một giấc tới sáng.
Mưa vẫn tiếp tục rơi nặng hạt. Một cơn gió lạnh từ sông Bến Hải thổi lại. Trần Hiệp nhớ ra hôm nay là hai mươi ba tháng chạp. Tháng thiếu, chỉ còn 6 ngày nữa. 6 ngày nữa đến Tết. Chàng phải biếu ông Hoàng một món quá Tết đáng tiền : như cuộn phim chụp tài liệu mật hiện chàng giấu trong người.
Giờ này, vợ con chàng đã ngủ say. Gia đình chàng ở Khâm thiên - không phải Khâm thiên của trống phách ả đầu của thời xa xưa, mà là Khâm thiên lao động - trong một ngôi nhà lợp mái phi-bờ-rô, trời nóng thì đổ mồ hôi suốt ngày, trời lạnh thì buốt đến xương tủy.
Vợ chàng là một thiếu phụ hiền lành, không hề biết đến công việc bí mật của chồng. Chàng có hai đứa con trai, đứa lớn mới chập chững tập đi, đứa nhỏ còn đỏ hỏn, cặp mắt đen láy ngơ ngác trong lòng mẹ, suốt ngày ngậm vú. Vợ chàng đã ngủ say dưới cái mền bông dày, kỷ niệm của thuở vàng son. Mặc dù là phóng viên đặc biệt của báo Nhân Dân, báo của Đảng, chàng vẫn nghèo rớt mồng tơi. Chàng được đưa vào tòa soạn báo Nhân Dân nhờ những thành tích trong Đảng Lao động.
Chàng gia nhập Đảng Lao động theo chỉ thị của ông Hoàng. Khi Sở rút vào Nam, chàng xung phong ở lại hoạt động trong hậu địch. Ông Hoàng ra lệnh cho chàng lập gia đình cho nhà cầm quyền khỏi ngờ vực. Ông Hoàng lại vận động cho chàng được thu nạp vào tòa báo Nhân Dân. Với tư cách đặc phái viên báo Đảng, Trần Hiệp ung dung đáp xe hơi quốc doanh vào tận vùng giáp tuyến.
Mưa lạnh tạt vào mặt chàng.
Chàng hăm hở bước trên con đường nhỏ giữa hai thửa ruộng ngập nước.
Trần Hiệp đã đến bờ sông. Núp sau một bụi cây, chàng nhìn tứ phía. Trời vẫn tối mò.
Qua tiếng mưa rào rào, chàng nghe rõ tiếng nước chảy trong lòng sông. Chàng tưởng như tiếng sông Bến hải là tiếng tim đập trong ngực chàng. Thật vậy, mỗi lần đến vùng giáp tuyến, ngắm ngọn cờ vàng ba sọc đỏ phấp phới trên bờ Nam, Trần Hiệp lại rộn ràng trong dạ. Chàng liên tưởng tới thành phố Sài Gòn phồn thịnh, tới trụ sở kín đáo của ông Hoàng, tới những người đàn bà xinh xắn chàng gặp hồi còn là con gái.
Trần Hiệp không vội vàng, vì chàng biết địa điểm này không có người gác. Vọng gác gần nhất ở xa một trăm thước.
3g30.
Đội lính tuần lưu động vừa đi qua. Trong 10 phút, họ sẽ trở lại. Khi ấy, chàng đã vượt qua sông.
Ngồi trong bóng tối, chàng lặng lẽ cởi quần áo. Cuộn phim quý giá được cất trong một ống thuốc átpirin bằng nhôm, may vào trong xì-líp. Chàng ướm lưỡi dao sắc như nước vào trong gan bàn tay. Nếu lính tuần bắt được, Trần Hiệp phải dùng dao. Mũi dao nhọn hoắc đâm tới tim, rút ra không dính một giọt máu. Nhược bằng không hạ sát được lính tuần, chàng phải quay ngược mũi dao vào ngực. Vì chàng cảm thấy không có đủ bản lĩnh chịu đựng cuộc tra tấn tàn bạo của công an.
Trần Hiệp lom khom đứng dậy. Chàng nhìn đồng hồ tay lần nữa. Gió lạnh vẫn rít lên vù vù. Dòng sông quanh co chìm trong màn đêm đầy sương và đầy mưa rét mướt.
Bỗng Trần Hiệp cười lên một tiếng ngắn. Chàng sực nhớ đến Thiếu tá Phan Lộ đang ngủ mê mệt trong trụ sở, không biết đã bị đánh lừa.
Trần Hiệp không thể ngờ được chính chàng mới là kẻ bị lừa. Chàng vừa ra khỏi phòng, đóng cửa lại, Phan Lộ đã hết ngáy o o, mở tròn hai mắt, nhìn trong bóng tối. Phan Lộ lắng nghe tiếng chân Trần Hiệp khuất dần xuống giao thông hào, rồi từ từ ngồi dậy.
Chờ đúng năm phút, Phan Lộ mở cửa đi ra. Một bóng đen đã chực sẵn ngoài hiên. Phan Lộ hỏi:
- Nó đi chưa?
- Thưa rồi.
- Dặn anh em bố trí chu đáo chưa?
- Thưa rồi.
Thiếu tá Phan Lộ đội mưa, tất tả xuống dãy nhà dưới. Bên ngọc đèn nhỏ được che cho ánh sáng khỏi lọt ra ngoài, một toán người mặc đồ đen, đeo tiểu liên và dao găm, đang ngồi hút thuốc. Thấy Phan Lộ, cả bọn nghiêm chỉnh đứng dậy.
Chẳng nói, chẳng rằng, Phan Lộ giật cái máy vô tuyến xách tay mà một viên thượng sĩ đang cầm. Trong máy có tiếng rè rè. Rồi tiếng báo cáo:
- Thưa, nó sắp vượt qua rồi.
Phan Lộ dõng dạc ra lệnh:
- Hành động mau lên. Cẩn thận, nó đánh dao rất giỏi. Phải bắt sống cho kỳ được.
Phan Lộ khoan thai ngồi xuống ghế, bắt chân chữ ngũ. Bên ngoài mưa bắt đầu ngớt hột.
Do bờ sông, Trần Hiệp cười thầm khi thấy trời mưa bớt hẳn. Chàng bò thật nhanh qua hàng rào kẽm gai, cẩn thận tránh những nơi chôn mìn. Loại mìn đặc biệt này, đụng vào là nổ tung, xác tan ra từng mảnh.
Bỗng chàng giật mình, nằm ép xuống nền đất lầy lội. Chàng vừa thoáng thấy một bóng đen đang bò gần nơi chàng núp. Lộ rồi, chàng đành phải liều. Rút lưỡi dao đeo ở thắt lưng ra, chành nín hơi thở, chuẩn bị phóng tới.
Nhưng một kềm sắt đã ôm cứng lấy tay chàng. Chàng vùng lên thật mạnh. Kẻ ôm chàng bị xô ngã. Song một bóng đen đã nhảy lên người chàng. Chàng vung dao ra.
Ối! Một tiếng thảm thiết. Trong bóng tối lặng lẽ, chàng nghe rõ tiếng máu tuôn ra ồng ộc. Trần Hiệp vùng đứng dậy. Một tiếng quát nổi lên:
- Trần Hiệp, bỏ dao xuống.
À ra, địch đã biết cả tên chàng! Không thể nhảy xuống nước, tông sang bờ nam được, chàng đành lùi dần, lùi dần. Tiếng quát dấm dẳng vẫn tiếp:
- Trần Hiệp, dừng kháng cự vô ích. Anh bị vây bốn mặt rồi.
Chàng chợt nhớ đến Lê Tùng đang chờ chàng ở bờ nam. Mưa đêm đã tạnh. Một đám mây trắng lóe lên trên nền trời đen thui. Cuộc đời xông pha trong lòng địch của chàng đến đây là hết. Tuy nhiên, chàng có bổn phận báo tin cho Lê Tùng biết.
Chàng cho tay vào túi xì-líp lấy ra một cây pháo nhỏ. Đây là một loại hỏa châu đặc biệt, bấm vào là bay vụt lên không, tỏa ra như pháp bông màu đỏ. Chàng sẽ dùng hỏa châu báo cho Lê Tùng biết chàng bị bắt.
- Trần Hiệp, giơ tay lên.
Trước khi giơ tay, Trần Hiệp bấm nút hỏa châu. Một vùng trời đột nhiên sáng rực. Hai bóng đen xán lại, chàng khoa dao đáng ngã. Nhưng hai bóng khác đã vọt tới. Chàng bị khóa tay, và lôi xềnh xệch xuống giao thông hào.
Từ bờ nam nhìn lên, Lê Tùng thấy rõ cuộc vật lộn vô vọng của Trần Hiệp. Trái pháo sáng bùng lên, rồi tắt, quang cảnh lại chìm trong đêm khuya vắng lạnh.
Lê Tùng rùng mình như bị cảm. Như người mất hồn, chàng trèo lên xe díp. Vừa khi ấy, các ổ đại liên bên bớ bắc bắn xả vào xe chàng. Nhanh như tên, Lê Tùng lái xe vào con đường đất đỏ ngập nước. Mặt chàng ướt sũng. Chàng không biết là nước mưa hay nước mắt nữa.
***
Ánh đèn chói làm Trần Hiệp quáng mắt. Chàng đứng sững trên ngưỡng cửa. Một công an viên xô chàng ngã chúi xuống. Một tên khác đạp vào mặt chàng kèm theo tiếng chửi rủa:
- Đồ chó săn.
Trần Hiệp nắm lấy chân hắn kéo mạnh. Hắn ngã xuống bên chàng. Chàng giáng một quả thoi sơn vào giữa miệng. Chàng định đánh nữa song đồng bọn đã giữ tay chàng lại. Thiếu tá Phan Lộ ăn mặc chỉnh tề, ngồi giữa nhà ung dung hút thuốc, dường như không quan tâm đến vụ đánh lộn. Trần Hiệp bị trói chặt bằng dây dù vào chấn song cửa sổ. Lằn dây nhỏ xíu ăn sâu vào da thịt chàng.
Phan Lộ cười nửa miệng:
- Hân hạnh chào anh, Z.307. Anh không ngờ tôi uống hết ly rượu pha thuốc mê mà vẫn tỉnh phải không?
Trần Hiệp trừng mắt nhìn hắn.
- Trước kia, ta là bạn, giờ là kẻ thù. Phải, tôi không ngờ. Anh đã khôn ngoan hơn tôi. Lúc bước chân vào nghề này, tôi đã biết trước có ngày bị bắt. Anh có may mắn hơn tôi. Tôi là kẻ chiến bại, anh muốn làm gì tôi, tùy ý. Tôi chỉ tiếc là không có thời giờ đâm mũi dao vào cổ họng.
- Anh chết sao được. Anh cần phải sống. Sống để trả lời những điều tôi hỏi.
- Đừng nhọc công vô ích. Tôi không khai đâu. Đánh đập, tra điện, nhổ móng tay, dí thuốc lá cháy vào thịt chỉ có thể làm tôi bất tỉnh, song không thể bắt tôi phải nói. Vả lại, như anh đã biết, tôi cũng chẳng biết gì mà nói.
Thiếu tá Phan Lộ vẫn cười nhạt:
- Hừ, anh can đảm ghê! Tôi thành thật khen ngợi anh. Bây giờ, tôi yêu cầu anh trả lời, nếu anh bướng bỉnh, anh đừng trách. Dầu sao chúng ta là bạn, bạn thân từ nhỏ.
- Nhưng mỗi người theo một lý tưởng khác nhau.
- Ồ, anh nóng nảy quá! Biết đâu chúng ta chẳng thỏa thuận được với nhau.
- Tôi đã nói rồi. Anh đừng ép buộc nữa.
Phan Lộ nghiêm sắc mặt:
- Trần Hiệp. Ai trao cuộn phim cho anh?
Trần Hiệp lặng thinh. Phan Lộ hỏi lại:
- Anh không khai, tôi cũng biết. Đêm nay, anh có hẹn với Lê Tùng trên bờ nam. Anh có nhiệm vụ trao cho Lê Tùng một cuộn phim quan trọng giấu trong ống thuốc nhức đầu átpirin. Lúc nãy trên bờ sông, anh đã nhanh tay ném đi, song nhân viên tôi đã nhặt lại được. Cuộn phim này, Z.345 đã đưa cho anh. Z.345 là ai?
- Tôi không biết.
- Z.345 dặn anh nói lại với Lê Tùng những gì?
- Tôi không biết Z.345 là ai.
- Hừ, anh không biết Z.345 là ai, nhưng chắc anh biết rõ Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trần Bằng và Trần Đại.
Toàn thân Trần Hiệp như bị muôn ngàn mũi kim chích vào đau nhói. Nguyễn Thị Ngọc Hoa là vợ chàng, vợ thân yêu của chàng. Trần Bằng và Trần Đại là hai đứa con mũm mĩm của chàng. Chàng hình dung ra một căn phòng nhỏ ở vùng Khâm Thiên, dùng làm nơi tiếp khách, nơi ăn và nơi ngủ của tiểu gia đình chàng. Ngọc Hoa là một thiếu phụ thùy mị, suốt năm ở trong nhà lo đan áo len cho chồng, mỗi đêm trước khi chồng đi ngủ không quên bưng tới một ly nước trà xanh đậm, thay cho cà phê phin mà vợ chồng không có tiền mua. Nàng yêu chàng từ lâu, từ hồi chang đăng những bài thơ đầu tiên trên báo, song nàng không nói. Rồi hai người lấy nhau, chàng không xoay ra tiền sắm áo cưới cô dâu, và của hồi môn của nàng chỉ là một tấm lòng trinh bạch, thờ chồng, nuôi con, ngoài ra không biết gì khác.
Ngọc Hoa tưởng chàng là nhà phóng viên nghèo, hăng say với nghề nghiệp và không quan tâm đến chính trị, mặc dầu chàng là Đảng viên Lao động. Nàng không ngờ được Trần Hiệp vào Đảng Cộng sản để che giấu hoạt động tình báo.
Trần Hiệp có thể hy sinh tất cả cho vợ và hai con. Bởi vậy, chàng tái mặt khi nghe Thiếu tá Phan Lộ nhắc đến tên Ngọc Hoa, Trần Bằng và Trần Đại. Chàng nói, giọng run run:
- Vợ tôi, con tôi, có dính dáng gì đến việc tôi làm mà anh lôi họ vào?
Phan Lộ cười rít lên:
- Không, tôi không muốn nói là vợ con anh dính dáng. Tôi chỉ nhắc cho anh hiểu. Nếu anh cứng đầu không khai, bắt buộc tôi phải hành hạ vợ con anh.
- Trời ơi!
- La Trời làm gì! Ở đây chỉ có anh và tôi. Trời không cứu nổi anh đâu. Tôi cho anh một phút để cân nhắc điều hơn lẽ thiệt. Trong trường hợp anh từ chối, tôi sẽ gọi điện thoại về Hà Nội, yêu cầu công an bắt vợ con anh, đem tra tấn. Nếu cần, sẽ tra tấn trước mặt anh.
- Tôi không dè, anh là kẻ lòng lang dạ thú.
- Thóa mạ nhau làm gì. Tôi đã nghe quen những lời chửi rủa nặng hơn thế nhiều. Thế nào, Trần Hiệp? Ai trao cuộn phim cho anh? Z.345 là ai? Z.345 dặn anh nói với Lê Tùng những gì?
Hình ảnh thân yêu của vợ con lại hiện lên trong trí. Chàng suýt thét lên khi nghĩ đến lúc vợ chàng bị còng tay, xiềng chân, nằm còng queo trong xó xà lim, đợi giờ lên phòng tra tấn, mặc dầu nàng vô tội. Chắc nàng phải chết. Hai đứa con vắng mẹ sẽ bị tống vào cô nhi viện. Gia đình chàng bị tan nát.
Song nếu chàng chết trong lúc này, vợ chàng, con chàng sẽ được sống yên ổn. Ý định quyên sinh lại lởn vởn trong đầu chàng. Chàng cảm thấy nếu không tự vẫn bây giờ sẽ chẳng bao giờ tự vẫn được nữa.
Mắt chàng long lên sòng sọc, tia máu bắn ra. Dường như đọc được tư tưởng của Trần Hiệp, Thiếu tá Phan Lộ lùi lại một bước. Trần Hiệp vùng vẫy, sợi dây ni-lông càng ăn sâu thêm vào thịt. Tuyệt vọng, thè lưỡi cắn mạnh một cái.
Cái lưỡi bị cắt làm hai, máu tuôn ra như suối. Phan Lộ vội vã mở trói và kêu người lấy thuốc cầm máu. Nhanh như cắt, Trần Hiệp giật lưỡi dao ở lưng Phan Lộ, rồi đâm thẳng vào tim. Chàng ngã xuống, lưỡi dao ngập đến cán. Chàng tắt thở một cách êm dịu.
Bên ngoài, trận mưa đã hết. Bầu trời trở lại quang đãng. Xa xa vẳng lại tiếng rì rầm của dòng sông Bến Hải.
***
Lê Tùng dựa lưng vào vách phi cơ cố ngủ, mà không tài nào ngủ được. Hể chàng nhắm mắt, Trần Hiệp lại ngồi xuống bên, vỗ vai chàng, giọng thiểu não:
- Vĩnh biệt Lê Tùng. Vĩnh biệt anh em. Vĩnh biệt ông Hoàng. Tôi bị bắt có lẽ vì nội phản. Nội phản... Một nhân viên của ta đã bán tôi cho địch. Vĩnh biệt... Nội phản...
Lê Tùng thét lên:
- Nội phản... Trời ơi!
Chàng mở tròn mắt. Hai quân nhân nghỉ phép cùng đi chuyến phi cơ riêng nhìn chàng, dáng điệu ngạc nhiên. Trần Hiệp không phải là điệp viên duy nhất của chàng ở phía bắc vĩ tuyến 17 bị sa lưới địch. Chàng đã mất ba người. Ba người gan dạ. Mất ba người trong vòng ba tuần lễ.
Tuần trước, chàng được Z.308 suốt đêm ngoài khơi Cửa Tùng. Tàu ngầm xì gà phải lặn xuống đáy biển, còn chàng chèo xuồng cao su vào sát bờ, cùng một vệ sĩ và khẩu súng máy bén nhạy. Đúng giờ đã định 308 vẫn biệt tăm. Sợ tàu tuần tiểu duyên hải của địch bắt gặp, hạm trưởng không thể cho tiềm thủy đĩnh nổi lên mãi. Muốn cứu 308, Lê Tùng phải vào tận bãi cát.
Giờ hẹn là 3g45'.
Lê Tùng núp sau rặng phi lao đến 4g30'.
Biết tàu ngầm không thể đợi tới sáng. Chàng đành xuống ca-nô ra khơi.
Khi ấy, cuộc tấn công bất ngờ xảy ra. Chiếc xuồng vừa được thả xuống nước, một loạt tiểu liên nổ chát chúa. Người vệ sĩ bị trúng đạn vào đùi, ngã chúi, khẩu súng văng xuống cát. Lê Tùng phải dìu hắn lên, và nhờ bóng tối đã thoát ra khơi.
Z-308 không đến chỗ hẹn vì bị bắt trước đó 5 phút.
Một tuần trước đêm Z-308 mất tích ở Cửa Tùng, một điệp viên khác của Lê Tùng, Z-309, bị bắn chết trong lúc bơi qua sông Bến hải. Lê Tùng nhìn 309 quằn quại trên bờ bắc mà không thể nào can thiệp. Đêm ấy, trăng rằm sáng quắc, quang cảnh vĩ tuyến 17 nên thơ lạ lùng. Không còn gì thi vị bằng khoát tay người đẹp - một người đàn bà đẹp dung mạo và đẹp thân thể - tản bộ trên bờ sông, đầm đìa ánh sáng thần diệu. Song Lê Tùng không có thời giờ nghĩ đến thi ca và ái tình. Chàng lại lủi thủi lên xe díp phóng về phía nam một mình.
Cho đến đêm nay...
Trần Hiệp bị bắt, 30 giây đồng hồ trước khi băng qua sông. Tại sao? Dĩ nhiên là có nội phản. Nhưng nội phản là ai?
Lê Tùng thở dài, rít một hơi thuốc lá. Nghĩ đến khuôn mặt lạnh lùng của Văn Bình, chàng rợn người.
Chiếc máy bay quân sự hạ cánh xuống phi trường Biên hòa. Trời đã sáng rõ.
Chú thích:
(1) Bacađi là một thứ rượu rhum chế tại Cuba. Dân chơi ở Tây bán cầu rất khoái bacadi uống với coca cola. Các bạn của Z.28 thử uống bacadi xem!
(2) Theo từ ngữ dọ thám R tức Resident là người đứng đầu một cơ sở lấy tin ở nước ngoài. Tiếng Mỹ là Resident, tiếng Pháp là résident, còn tiếng Nga là rezident (khu lấy tin gọi là rezidentura)
(3) Đó là loại kính có hồng ngoại tuyến (rayons infra – rouges) cơ quan an ninh tân tiến thường dùng để nhìn qua màn đêm trong các cuộc rượt bắt kẻ tình nghi.
(4) Đó là khẩu Ruger Mark1, một loại súng ngắn của Hoa Kỳ rất tốt.

Chương sau