Z28 - Bắc Kinh 72 giờ nghẹt thở - Chương 04
THÀNH PHỐ KARACHI, PAKTÍTĂNG
Ngày đăng 24-10-2017
Tổng cộng 11 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 13788 lượt xem
Gã đại tá Tình báo Sở đóng cửa xe đoạn nói:
-Tôi là Chou. Nhiệm vụ của tôi là hộ tống giáo lãnh đến Bắc kinh.
Văn Bình hỏi:
-Thế đã lấy vé máy bay chưa?
Hắn nhúnvai:
-Rồi. Từ Luân đôn, mình sẽ bay thẳng đến Karachi. Và từ Karachi lên phi cơ của công ty hàng không Đại Hồi đi Bắc kinh. Dọc đường, tôi sẽ luôn luôn ở bên giáo lãnh.
Văn Bình ngắt lời:
-Tôi không thích được gọi là giáo lãnh. Xin ông dùng danh từ nào thân mật hơn.
Hắn cười:
-Vâng, tôi thành thật xin lỗi. Người Trung hoa chúng tôi vốn trọng chức tước. Ông cũng là người Trung hoa, nhưng chắc lập nghiệp lâu năm ở hải ngoại nên muốn sự giản dị. Nếu ông cho phép, bắt đầu từ giờ phút này chúng ta sẽ dùng tiếng mẹ đẻ để bàn bạc với nhau.
Hắn chỉ xin phép lấy lệ vì Văn Bình chưa tỏ thái độ gì, hắn đã tuôn ra 1 tràng tiếng Tàu. Đối với Văn Bình thì tiếng Tàu là 1 trong những ngoại ngữ chàng nói thông thạo nên chàng không phản đối. Xe phóng nhanh như đang ở trên vòng đua. Đại tá Chou vẫn đội mũ phớt xập xuống trán và đeo cặp kiếng đen sì. Tuy vậy, Văn Bình vẫn có thể quan sát được dung mạo hắn. Hắn trạc 30, da trắng, miệng đẹp, cử chỉ lịch sự chứng tỏ đã sống ở Tây phương 1 thời gian dài, và là sĩ quan tình báo có học thức. Thoạt nhìn hắn, ai cũng lầm hắn là dân ăn diện vì tuy hắn mặc âu phục màu sẫm nhưng đó lại là bộ nỉ đắt tiền. Hàng nỉ đã đắt tiền, lối may cắt còn đắt tiền hơn. Áo vét được xẻ 2 miếng sau lưng, ve nhỏ xíu, vai mỏng và chật, nghĩa là may đúng mốt trong năm. Tuy nhiên, Văn Bình lại thấy sự ăn diện kín đáo của hắn có vẻ giả tạo. Trong đời, có lẽ hắn mặc quân phục nhiều hơn thường phục, hắn là sĩ quan chuyên nghiệp điệp báo, căn cứ vào 2 bàn tay lớn, cứng, ngón tay vuông, bàn tay có thể giết người không cần khí giới, bàn tay đã từng được luyện tập atémi, nhu đạo hoặc săm bô sô viết.
Thành phố Luân đôn náo nhiệt lùi dần trong sương mù ban đêm lành lạnh. Văn Bình bỗng nhớ Luân đôn 1 cách da diết như thể nhớ mối tình xác thịt đầu tiên. Chàng không thể quên được những cái xiêm ngắn nhất thế giới và những cô gái khoe đùi dài nhất thế giới vì mini-jupe được khai sinh ở Luân đôn. Chàng không thể quên được những câu lạc bộ dạ lạc ở Sôhô trong đó vũ nữ nhảy múa hoàn toàn trần truồng, hoàn toàn là vì luật kiểm duyệt sân khấu đã được bãi bỏ ( sướng nhé, chẳng bù với Sàigòn ), và những sòng bạc công khai ( 1.000 sòng cả thảy ) đua nhau mọc lên như nấm sau khi đạo luật tự do … sát phạt được ban hành năm 1969. Luân đôn … Luân đôn … Văn Bình không thể quên được nhà hàng trên tháp cao 160 thước, nhà hàng quay tròn, mỗi giờ được 3 vòng, thực khách có thể quan sát mọi khu vực trong thành phố. Ngồi trong tiệm ăn cao vòi vọi này, chàng cảm thấy lâng lâng. Bỗng Chou quay mặt về phía chàng:
-Ông có hay về thăm nhà không?
Văn Bình giật mình. Ông tổng giám đốc MI-6 không cho chàng biết Rô-bơn sinh trưởng ở đâu, họ hàng nội ngoại của hắn còn ở đất Tàu hay không, và nếu còn thì hiện ở đâu, gồm những ai, ông M. cũng không nói. Chàng chỉ biết từ ngày Mao trạch Đông nắm quyền sinh sát tại Hoa lục, giáo lãnh Rô-bơn chưa hề đặt chân về Bắc kinh. Chàng bèn lắc đầu:
-Không.
-Ông không thích về, hay là không được phép về?
-Có lẽ đại tá quên tôi là người Tàu nhưng lại mang quốc tịch Anh. Vả lại, tôi còn công tác tín ngưỡng.
-Người ta nói với tôi rằng ông rất giỏi khoa thôi miên.
-Cũng thường thôi.
-Ông khiêm tốn quá. Nghe nói ông có cặp mắt nhìn thấu tâm can thiên hạ, và đặc biệt là bàn tay ông. Bàn tay xoa nắn của ông phát ra 1 luồng nhân điện có thể chữa khòi chứng bệnh sinh lý bất trị của phụ nữ, phải không ông Rô-bơn ?
Văn Bình có cảm giác như bị hàng chục mũi kim đâm vào da thịt. Chàng chưa kịp đáp thì đại tá Chou đã nói tiếp:
-Ông biết không? Tôi là con người vô thần, nghĩa là chỉ tin vào vào sức mạnh vật chất, không tin vào sức mạnh siêu hình mà chủ nghĩa mác xít gọi là dị đoan mê tín. Cho nên hồi hoạt động ở Pháp, tôi đã đích thân tiếp xúc với Noyès để tìm hiểu sự thật. Ông quen Noyès chứ
J.L. Noyès từng được mệnh danh là «con người có đôi tay vàng», đặc tính của hai bàn tay này là áp vào đâu bệnh tật biến đi đến đấy. Noyès nổi tiếng như sóng cồn ở Pháp quốc, thân chủ gồm nhiều nhà vô địch thể thao. Trẹo chân tay, bong gân, gẫy xương, những tai nạn mà y khoa Tây phương bắt bệnh nhân phải nằm lì trên giường 1 thời gian dài, Noyès chỉ chữa trong vòng 5, 10 phút bằng cách xoa bàn tay kỳ diệu trên chỗ đau là khỏi ngay. Thậm chí ông còn chữa được bệnh nội thương khó khăn như thận hư, hoặc thác loạn thần kinh. Nhữngcon ngựa đua danh tiếng thế giới cũng là thân chủ của ông. Văn Bình đã luyện phép xoa bóp huyệt của võ Thiếu lâm và thuật hồi sinh kuatsu của nhu đạo, lại có tính hiếu kỳ cầu tiến nên không thể không đến thăm Noyès. Chính Noyès đã điều trị cho chàng khi chàng gẫy xương chân trong khi trượt tuyết liều lĩnh ở miền đông nam nước Pháp ( J.L. Noyès hiện còn sống, và hành nghề tại Ba lê ). Đối với chàng, Noyès không phải là bạn song cũng không phải là người lạ. Tuy nhiên, chàng không dám trả lời dứt khoát. Có thể đại tá Chou lân la trò chuyện để kiểm chứng xem chàng có thật là giáo lãnh Rô-bơn hay không. Biết đâu chàng có 1 vài cử chỉ hớ hênh làm hắn ngờ vực. Chàng bèn ừ hữ:
-Có lẽ quen sơ.
Đại tá Chou cười vui vẻ:
-Thoạt đầu, tôi không tin nhưng sau khi được Noyès vuốt xương sống 1 lát, tôi phải hay đổi tư tưởng. Không giấu gì ông, tôi uống quá nhiều rượu mạnh, lại thức rất khuya nên mắc bệnh đau xương sống. Mỗi khi thời tiết rục rịch biến chuyển là xương sống tôi kêu rào rạo như sắp bị gẫy nát. Khi ấy, tôi chỉ còn nằm dài trên giường, rên rỉ. Tôi đã gõ cửa hàng chục thầy thuốc ở Bắc kinh cũng như ở Luân đôn, toàn thể đều nói là tê thấp kinh niên khó thể chữa khỏi. Nhưng Noyès đã chữa hết sau 3 lần thoa bóp. Tôi khâm phục Noyès từ đó. Sở dĩ tôi nhắc đến Noyès vì tôi nghe nói ông có đôi tay kỳ diệu hơn Noyès nhiều. Cho nên chính phủ tôi đã không quản tốn kém và khó khăn, ra lệnh cho tôi mời ông kỳ được về Bắc kinh.
Văn Bình chêm vào 1 câu nói vô thưởng vô phạt:
-Ông yên tâm. Tôi hết sức cố gắng để xứng đáng sự trông cậy và biệt đãi của chính phủ Trung quốc.
Xe hơi không quẹo vào đường đi phi trường mà lại tiếp tục phóng thẳng, tốc độ mỗi lúc 1 gia tăng. Văn Bình hỏi đại tá Chou:
-Ông lái đến phi trường nào?
Chou đáp:
-Vâng, tôi sắp sửa giải thích thì ông đã hỏi. Theo thỏa thuận chung, ông sẽ đáp phi cơ thương mãi của công ty BOAC đi Karachi, thông hành, chiếu khán, vé phi cơ đều đầy đủ. Nhưng vì lý do an ninh, vào giờ cót có sự thay đổi.
-Thay đổi như thế nào?
-Phụ tá của tôi đã gọi điện thoại cho văn phòng BOAC báo tin trước giờ phi cơ cất cánh là ông bận việc.
-Nghĩa là hủy vé bay Luân đôn – Karachi
-Vâng.
-Vậy bao giờ mới lên đường? Tôi cần nhắc lại với ông là tôi chỉ có thể vắng mặt ở Luân đôn từ 5 đến 7 ngày là tối đa.
-Tôi nhớ lắm. Vì vậy, tôi mới bố trí cho ông lên đường ngay bây giờ.
-Ngay bây giờ? Ông nói tôi chẳng hiểu gì cả. Phụ tá của ông đã hủy vé máy bay thì làm cách nào để đi ngay bây giờ được?
-Hủy vé máy bay của công ty BOAC, nhưng ta lại đáp máy bay của công ty khác. Ta sẽ không đi chung, mà là đi riêng, hoàn toàn riêng. Cách đây 60 dặm về phía bắc có 1 phi trường tư nhân, 1 phi cơ nhỏ do tôi thuê sẵn đang chờ chúng ta ở đó.
-Trời ơi, từ Luân đôn qua Karachi đường dài trên mấy ngàn dặm mà dùng phi cơ nhỏ thì thế kỷ nào mới bay đến nơi?
-Không. Phi cơ nhỏ chỉ chở chúng ta đến eo biển, từ đó chúng ta sẽ lên 1 chuyến phản lực cơ thương mãi đi Karachi.
Đại tá Chou phóng xe nhanh hơn. Mặc dầu tốc độ gần 150 cây số mà hắn vẫn giữ vẻ mặt bình thản, thoải mái, dựa lưng thẳng vào ghế, chốc chốc lại quay nhìn Văn Bình, miệng điểm nụ cười. Văn Bình biết hắn là đối thủ có thực tài và rất nguy hiểm. Chàng bèn lắc đầu:
-Điều kiện căn bản của sự hợp tác nghiêm chỉnh và lâu dài là 2 bên phải tôn trọng thỏa thuận chung. Ông đã đồng ý cho tôi đáp chuyến bay BOAC, giờ đây lại muốn tôi dùng phi cơ nhỏ, như vậy tôi không thể chấp nhận được.
Đại tá Chou cướp lời:
-Xin ông bình tĩnh nghe tôi giải thích. Thật ra tôi chưa được hân hạnh thảo luận và cam kết trực tiếp với ông, mà chỉ có nhiệm vụ thi hành những điều mà chính phủ tôi đã cam kết. Cô Anna cho biết ông là người giàu lòng thông cảm, tuy vậy tôi cũng nhờ nàng thông báo sự thay đổi giờ chót này với ông, nhưng nàng lại nói không kịp.
Té ra người đẹp 95-60-95 phân ở 3 vòng đo hấp dẫn kia là Anna. Anna là cái tên dễ đọc và khá đẹp. Gã đại tá Tình báo Sở đã có may mắn hơn chàng vì hắn được nàng hôn, lại còn biết cả tên nàng nữa. Anna … Anna … nghe hắn nhắc đến cái tên thơm tho này, Văn Bình lại tức lộn ruột. Tại sao nàng không báo tin cho chàng ? Chàng giả vờ thở dài thật lớn, át cả tiếng động cơ Jaguar, cốt cho đại tá Chou nghe, rồi hỏi lớn :
-Ông có thể cho biết lý do chương trình đáp máy bay bị thay đổi vào giờ chót không ?
Hắn cười tự nhiên :
-Ông không hỏi thì tôi cũng xin nói. Và ngoài nhiệm vụ hộ tống ông an toàn, tôi còn có nhiệm vụ tạo điều kiện cho ông tin cậy chúng tôi nữa. Lần này rồi còn lần khác, phải không ông ? Sở dĩ chúng tôi thay đổi chương trình là vì trong danh sách hành khách đáp phi cơ BOAC từ Luân đôn đi Karachi đêm nay có 1 nhân viên MI-6 cao cấp. Nhân viên này là trưởng ban Ngoại vụ. Thế tất y có vệ sĩ đi theo. Dọc đường, y sẽ được MI-6 lưu tâm đến. Tôi không tin là MI-6 theo dõi ông vì thật ra ông chẳng làm việc gì phi pháp. Nhưng vì thói quen ngề nghiệp, tôi không thể đưa ông lên chuyến phi cơ thương mại BOAC. Thuê phi cơ riêng đắt gấp 4, 5 lần mua vé thường vậy mà chúng tôi vẫn bỏ tiền ra thuê. Điều này chứng tỏ chúng tôi luôn luôn đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu. Sau khi tôi giải thích, tôi tin là ông không còn thắc mắc.
Văn Bình cười lạt :
-Tôi bắt đầu hiểu rồi.
Câu nói của chàng có ý nghĩa hàm súc hơn nhiều. Hiểu ở đây không phải chỉ hiểu những lời giải bày của đại tá Chou, mà là hiểu rõ thâm tâm của ông tổng giám đốc MI-6. Nếu ông muốn chàng đi Karachi, tại sao ông lại phái viên trưởng ban Ngoại vụ qua Viễn đông trên cùng chuyến với chàng ? Rõ ràng là ông đánh đòn gió để đại tá Chou chùn lại và thay đổi kế hoạch. Đại tá Chou phải huy động tổ chức Tình báo Sở tại Anh quốc để thuê máy bay riêng đưa riêng đưa Rô-bơn từ Luân đôn đến lục địa Âu châu. Thành ra, 1 mũi tên bắn 2 con chim, ông M. đã khôn ngoan lợi dụng cuộc Á du của chàng để khám phá ra đường dây hoạt động bí mật của Tình báo Sở. Đáo để thật ! Ông tổng giám đốc MI-6 định qua mặt ông Hoàng, và qua mặt điệp viên Z.28 nữa sao ? Chàng không biết rõ lần này MI-6 trả công cho Sở Mật Vụ của ông Hoàng bao nhiêu tiền, song chắc chắn là chỉ xì ra 1 món tiền ít ỏi. MI-6 vẫn khét tiếng là xi măng cốt sắt trong làng điệp báo thế giới, song dầu xi măng cốt sắt đến đâu, ông M. cũng vẫn phải trả thêm. Khi trở về Sàigòn, chàng sẽ yêu cầu ông Hoàng gởi điện sang Luân đôn đòi 1 phụ phí 20 phần trăm, cộng vào số tiền hứa trả. Dĩ nhiên ông Hoàng nể tình bạn cố tri với ông M. nên sẽ dĩ hòa vi quý. Nhưng chàng đã có cách. Trong trường hợp ông Hoàng chịu lép, chàng sẽ đích thân giáp mặt ông M. Chàng chỉ nói 1 câu, 1 câu thật ngắn, là ông M. sẽ bằng lòng thanh toán phụ phí. Chàng đòi 20 phần trăm, chứ nếu đi 40 phần trăm ông M. cũng phải cắn răng móc túi lấy cuốn chi phếu. Câu nói bắt bí của chàng như sau :
-Thưa ông, Tình báo Sở mất hàng triệu đôla và hàng 5, 6 năm mới lập xong đường dây từ Âu sang Á. Ông chẳng mất đôla nào mà vẫn biết được hết. Tôi không dám nài kéo nhưng nếu ông không trả phụ phí, tôi đành phải thất lễ ông mà …
Chàng sẽ bỏ lửng câu nói. Nghệ thuật bắt bí thượng cấp nằm ở chỗ đó. Ông M. rán sành ra mỡ, nói bóng gió ông sẽ giả vờ không hiểu để rồi chấp thuận, chứ nếu nói sàn sạt ông sẽ trở nên cứng rắn vì bị chạm tự ái. Ông M. thừa biết rằng 1 điệp viên lăn lộn, già dặn như chàng có thể kiếm hàng triệu đôla như chơi bằng cách tiết lộ về đường dây liên lạc của Tình báo Sở cho KGB, GRU sô viết, CIA. Hoặc chàng bán thẳng cho Tình báo Sở để chơi ông M. 1 vố cho biết thân. Trong nghề điệp báo, vỏ quít dày luôn luôn đi đôi với móng tay nhọn. Ngay giữa đồng minh thân thiết, người ta vẫn rình rập cơ hội để bóp chẹt nhau.
Đại tá Chou thắng gấp. Văn Bình giả vờ mất thăng bằng và ngã vào vai hắn. Xe đã đến phi trường : 1 phi trường nhỏ xíu như chiếc khăn tay nằm sau lưng 1 trang trại lớn. Phi trường bỏ túi này không phải của các công ty hàng không thương mãi, mà chắc là của 1 nhân viên xa gần liên hệ với Tình báo Sở. Đại tá Chou đưa chàng đến trường bay bí mật, nghĩa là giáo lãnh Rô-bơn có đi mà không có về. Văn Bình bỗng toát bồ hôi. Chính ông tổng giám đốc MI-6 đầu têu ra việc này. Ông M. không muốn cho chàng đáp phi cơ BOAC. Ông M. muốn chàng dùng bộ máy giao liên đặc biệt của Tình báo Sở mặc dầu ông thừa biết sau đó chàng sẽ bị thủ tiêu. Chàng cố lắc đầu xua đuổi sự nghi ngờ ra khỏi đầu óc. Ông M. cũng tiên đoán là Tình báo Sở không tha Rô-bơn. Nghề gián điệp là nghề vô tình cảm. Vả lại, chàng là lính đánh thuê, người ta trả lương cho chàng để chàng lao đầu vào cái chết.
Đèn phi đạo sáng rực. Phi cơ tư nhân cất cánh ban đêm là chuyện thường. Đại tá Chou lái xe hơi đến bên hông 1 phi cơ sơn trắng nhỏ xíu thì đậu lại. Loại phi cơ du lịch này chỉ đủ xăng bay ba, bốn trăm cây số. Tuy nhỏ, nhẹ và bay rất thấp, nó lại an toàn, có lẽ an toàn hơn cả phản lực cơ tân tiến nữa. Nó an toàn vì có thể đáp xuống bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Văn Bình vốn mê loại phi cơ du lịch tí hon này. Chán cái cảnh xe hơi nối đuôi thành hàng dài trên xa lộ Biên Hòa chàng đã tậu 1 tiểu phi cơ 3 chỗ ngồi để lái thẳng từ Sàigòn ra Cấp. Văn Bình đinh ninh hoa tiêu của phi cơ ra đón, nhưng sau khi đại tá Chou mở cửa xe, bước xuống sân bay xi măng chàng vẫn không thấy ai. Hắn bảo chàng :
-Mời ông lên trước.
Chàng giả vờ băn khoăn :
-Phi công đâu ?
Đại tá Chou cười :
-Loại taxi bé nhỏ này không cần đến phi công, ai cũng lái được, chỉ học 1 vài buổi là biết. Ông đừng ngại, phi cơ chiến đấu, phi cơ thương mãi tôi còn điều khiển được dễ dàng, huống hồ cái taxi hạng bét này.
Gió thổi phần phật. Đại tá Chou ngồi trước cần lái, khoan thai buộc lưng ghế cho chàng. Thấy chàng run lẩy bẩy, hắn đề nghị :
-Tôi có mang sẵn huýt ky. Ông dùng 1 ly là hết lạnh ngay.
Thật ra, chàng run lạnh giả vờ. trời lạnh Bắc cực hà hơi là đọng lại thành băng chàng cũng chưa run, phương chi đêm lạnh Luân đôn chưa xuống đến không độ, quần áo chàng mặc cũng khá ấm áp. Giả vờ như vậy lại hên cho chàng vì chàng đang khát khô cuống họng. Những ly rượu huýt ky uống hồi tối đã tiêu hóa hết trong bao tử bọc thép của chàng. Vì vậy đại tá Chou vừa khui chai, rót ra ly giấy, Văn Bình đã cầm lấy nốc 1 hơi.
Chàng chìa ly xin thêm, song hắn từ chối :
-Theo tôi, 1 ly đã đủ. Đi phi cơ không nên uống nhiều rượu.
-Chẳng sao cả vì tôi là con sâu rượu. Tôi uống rượu như thể uống nước lạnh
Đại tá Chou vẫn cương quyết từ chối :
-Tôi là người có kinh nghiệm, ông nên nghe tôi. Vả lại, tôi có bổn phận hộ tống ông đến nơi đến chốn. Uống nhiều có hại, ông hiểu chưa ? Đến nơi, ông muốn uống cả hầm rượu cũng có. Nhưng bây giờ thì …
Hắn ngưng bặt. Phi cơ từ từ bay lên không trung. Đại tá Chou ném chai huýt ky còn non nửa qua cửa sổ phi cơ. Chàng nhận thấy hắn không uống ngụm nào. Trong 1 giây đồng hồ, chàng chợt hiểu. Trời ơi, chàng ngu quá ! Bệnh nghiện huýt ky đã mang lại cho chàng 1 hậu quả tai hại. Chàng dự định bắt bí ông tổng giám đốc MI-6, đòi thêm 20% phụ phí nhưng dự định mà chàng tưởng khôn ngoan này đã trở thành vô ích vì chàng chỉ có thể bắt bí nếu được biết rõ lộ trình giao liên của quốc tế Tình báo Sở từ Luân đôn về Bắc kinh. Đại tá Chou và Tình báo Sở không ngu như chàng nghĩ. Chính chàng mới ngu vì chàng đã tự ý há miệng thật lớn để lãnh thuốc mê của đại tá Chou.
Tác động của ly rượu pha hóa chất bắt đầu phát hiện trong cơ thể Văn Bình. Đại tá Chou cho chàng uống thuốc ngủ hay thuốc tê liệt châu thân ? Chàng cảm thấy cồn cào ruột gan như người nhịn đói nhiều ngày vừa hớp nước lạnh. Dường như trong bao tử chàng có 1 vật tròn nằng nặng mỗi lúc 1 to dần. cục tròn này đè mạnh xuống gan và lá lách làm chàng mệt mỏi. Tuy vậy chàng vẫn còn tỉnh. Chàng cố vận công vào đan điền để chống lại cơn mê. Qua đuôi mắt, chàng thấy đại tá đang liếc nhìn chàng. Hắn hỏi chàng, giọng nhẹ nhàng :
-Ông buồn ngủ ư ?
Chàng gật đầu :
-Phải. Ông hại tôi. Ông lừa tôi uống thuốc mê.
Đại tá Chou cười :
-bây giờ ông mới biết ư ? Muộn rồi, ông ạ. Trong 60 giây đồng hồ, ông sẽ mê man. Ông giỏi khoa thôi miên nên thuốc ngấm chậm. Nếu là người khác thì mới uống thuốc đã buồn ngủ liền.
-Tại sao ông lại làm vậy ?
-Để bảo vệ an ninh cho ông. Xin ông tha lỗi.
Mí mắt Văn Bình đang ríu lại. Nếu chàng vận hết chân khí để kháng độc thì còn lâu chàng mới bất tỉnh hoàn toàn. Nhưng Rô-bơn chì là 1 chuyên viên thôi miên y khoa, chàng không thể để lộ cho hắn biết chân tướng võ sĩ am tường nội ngoại công của chàng. Chàng đành phó mặc cho thuốc mê hoành hành. Hai bên tai chàng, những tiếng rè rè kỳ lạ cất lên. Mí mắt chàng đã nhắm lại. Chàng duỗi dài cánh tay, ngả lưng ra sau. Văn Bình từ từ đi vào giấc ngủ hóa học.
Khi chàng tỉnh dậy thì thấy đang nằm trên giường. Đại tá Chou ngồi bên nhưng đồ phục sức của hắn đã thay đổi toàn diện. Hắn không còn đội mũ phớt xùm xụp nữa mà để đầu trần, tóc cắt thật sát như tóc khoá sinh quân trường, vầng trán vuông, rộng và nở ra ngoài làm hắn khôi ngô hẳn lên. Khuôn mặt điển trai được gia tăng nhờ cặp kiếng đen sì choán 1 diện tích lớn trên mặt. Tuy nhiên, Văn Bình lại khám phá ra hắn có cặp mắt hung bạo. Chàng chợt hiểu tại sao đại tá Chou đeo kiếng đen ban đêm. Không phải vì hắn muốn làm ra vẻ bí hiểm mà chính vì hắn không muốn thiên hạ nhìn rõ đôi mắt quái gở. Thật vậy, trán hắn đẹp và sáng mà mắt lại thuộc loại xung sát nghĩa là mắt lớn quá khổ, tròng đen lấn át tròng trắng, với nhiều tia máu đỏ li ti chạy dọc ngang trên tròng mắt. Chân mày hắn ngắn ngủn, tụ thành 1 cục, đuôi lệch không đều đặn như thể con sâu róm nằm vắt vẻo trên con mắt 1 mí. Chân mày này tướng số Tàu gọi là chân mày la hán. Kẻ có mắt xung sát và chân mày la hán thường sống cô độc, không vợ, không con, không gia đình thân thích. Tính tình vô cùng dữ tợn, giết người không gớm tay và tham dâm vô độ. Đời sống luôn luôn gắn liền với gái đẹp và thú vui trác táng.
Mày la hán, mắt xung sát là con nhà võ song là con nhà võ yểu mệnh. Tuy hắn mỉm cười thân mật Văn Bình vẫn cảm thấy lạnh giá như bên ngoài có tuyết. Hắn kéo cái mền ra khỏi người chàng và hỏi :
-Ông hết mệt rồi chứ ?
Văn Bình ngồi phắt dậy, nắm lấy ve áo đại tá Chou :
-Đây là đâu ?
Hắn vẫn cười :
-Karachi, thủ đô Pakíttăng.
-Nghĩa là tôi đã mê man dọc đường từ Luân đôn đến Karachi ?
-Phải.
Đối với Văn Bình, Karachi không phải là thành phố xa lạ. Chàng đã ghé xuống nhiều lần. Pakíttăng ở sát nách Ấn độ và cũng nghèo xơ nghèo xác như Ấn độ song chàng lại thích Ấn độ hơn, cho dẫu Ấn độ là 1 trong những nơi khó tìm rượu huýt ky ngon và rẻ nhất thế giới. Nguyên nhân chính của sự lựa chọn này là đàn bà. Thật vậy, thủ đô Karachi gồm hơn 1 triệu dân mà không có lấy 1 xóm yên hoa ra hồn. Nghệ thuật dạ lạc đã bị luật lệ và tôn giáo ngăn chặn triệt để, song nếu được thả lỏng cũng còn bở hơi tai mới theo kịp được Sàigòn. Văn Bình từng lục lạo khắp hang cùng ngõ hẻm mà không tìm ra được 1 người đẹp xứng đáng. Hầu hết đều phảng phất cái bẩn thỉu của thành phố. Muốn giải sầu, du khách phải gõ cửa các động đào nhập cảng ( chị em ta ở Sàigòn hãnh diện nhé ).
Chàng không thương yêu thủ đô Karachi nhưng lại nhớ đến rất nhiều. Có lẽ chàng nhớ đến thành phố hôi hám và xấu xí này hơn cả các thành phố thơm tho và đẹp đẽ khác trên cõi Á châu nữa. vì thành phố này đã lưu lại trên cánh tay chàng 1 kỷ niệm đẫm máu, 1 kỷ niệm hằn sâu thành vết thẹo dài 8 phân tây, rộng 1 phân tây. Chàng không thể nào quên được, sau này phải tiếp da bằng phương pháp giải phẫu thẩm mỹ mới xóa bỏ được hết. Hơn 15 năm về trước, Văn Bình đặt chân lần thứ nhất xuống thủ đô Karachi. Hồi ấy, chàng đã hoạt động điệp báo nhưng còn là tay mơ, chưa già dặn kinh nghiệm và võ nghệ như ngày nay. Tuy nhiên, về khoản hiếu sắc có lẽ chàng khao khát mạnh mẽ hơn và lều lĩnh hơn. Chính vì sự khao khát của tuổi trẻ, và cũng vì chưa am hiểu phong tục của Hồi giáo nên Văn Bình suýt mất mạng, hoặc ít ra cũng suýt trở thành tàn phế vĩnh viễn.
Hôm ấy, như thường lệ, chàng la cà sau bữa cơm tối vào 1 nơi mua vui ở gần ngoại ô thành phố. Dưới ánh đèn lờ mờ, giữa đám đàn ông mắt đỏ ngàu thèm muốn và hung hãn, thanh niên đẹp trai Văn Bình đã lọt vào cặp mắt khá quyến rũ của 1 cô gái đôi mươi. Đang ngồi ăn 1 mình, chàng héo lánh đến bàn nàng, gạ ăn chung với nàng, và dĩ nhiên là nàng không phản đối. Bọn thanh niên trong tiệm cũng kéo đến, ngồi quây lấy chàng. Cậy giỏi võ, Văn Bình đối xử bằng thái độ kẻ cả. Chàng dùng tay trái rót nước ngọt để mời họ. Karachi là thành phố theo đạo Hồi nên việc uống rượu được coi là cấm kị, vì vậy chàng đành uống nước ngọt hầu tôn trọng nếp sống bản xứ. Song còn 1 điều vô cùng quan hệ mà du khách có bổn phận tôn trọng chàng lại không biết. Mãi đến khi bị ăn lưỡi dao bén vào bắp tay mới biết đã muộn. Chàng mời họ thấy họ không uống, nét mặt lại có vẻ bất bình nên mời thêm. Chàng mời lần nữa, lần này không những gã đàn ông ngồi bên bất bình, mà cả bọn đều bất bình. Và không những họ bất bình trên nét mặt, họ còn xô ghế đứng dậy, dáng điệu hùng hùng hổ hổ nữa.
Chàng chưa hiểu tại sao thì 1 nhát dao đã chém vào cánh tay chàng. Cũng may hung thủ không phải là kẻ dùng dao chuyên nghiệp, và cũng may lưỡi dao chém nghiêng, nếu không điệp viên Z.28 đã thành người cụt tay và có thể mất mạng ( và giờ đây, Người Thứ Tám đã hết đề tài để viết hầu bạn đọc ). Vết thương làm máu tuôn ra như suối. Cả bọn bỏ chạy tán loạn. Chàng hăng tiết đuổi theo nhưng mọi người trong nhà tìm cách cản chàng lại. Phản ứng của họ khiến chàng sửng sốt. Chàng không làm điều gì thất lễ. Theo nguyên tắc trọng khách cũng như nguyên tắc giúp đỡ người bị tai nạn, họ phải cấp báo nhân viên an ninh, chặn bắt hung thủ, hoặc ít ra cũng săn sóc chàng và đưa chàng vào bệnh viện băng bó. Nhưng đêm ấy, họ chẳng thèm để ý đến chàng. Trong chốc lát, toàn thể khách ăn uống trong nhà hàng đều rủ nhau rút ra ngoài. Cô gái liếc mắt đưa tình với chàng cũng bỏ chàng 1 cách giận hờn, pha lẫn khinh miệt. Chủ nhà lại đuổi chàng quầy quậy. Chàng đành thở dài, rút khăn tay cột vết dao chém., rồi ra xe tự lực lái bằng 1 tay đến nhà thương.
Sau khi được rịt thuốc và trở về lữ quán, thuật lại câu chuyện kỳ lạ với 1 người bạn đã sống lâu ở Pakíttăng chàng mới phăng ra sự thật. Té ra câu chuyện chẳng có gì là lạ. Pakíttăng là quốc gia Hồi giáo mà dân Hồi giáo có vốn có 1 số tục lệ đặc biệt. Khi ăn uống, tín đồ Hồi giáo chỉ dùng bàn tay phải, không bao giờ dùng bàn tay trái. Vì bàn tay trái đối với họ là bàn tay bẩn thỉu, chỉ được dùng để thực hiện công tác vệ sinh thân thể. Chàng mời bọn đàn ông mê gái uống nước bằng tay trái nên gây ra ngộ nhận. Họ tưởng là chàng chế riễu đạo Hồi. mời 1 lần, mời 2 lần, họ còn có thể tha thứ được, chứ mời đến lần thứ ba thì họ chịu đựng không nổi nữa.
Từ đấy, mỗi khi đến 1 xứ lạ nào chàng cũng dò hỏi cẩn thận tập quán địa phương. Đạo Hồi có mấy trăm triệu tín đồ : toàn cõi Trung Đông, ngoại trừ Do thái, đều theo đạo Hồi, ngoại trừ đảo Chypre nơi đạo Hồi chỉ chiếm thiểu số, ngoại trừ 1 nửa Libăng dân số chiếm nửa tín đồ đạo Hồi, nửa tín đồ Thiên chúa giáo.
-Ông dùng cà phê nhé ?
Câu hỏi của đại tá Chou làm Văn Bình choàng tỉnh mộng. Không đợi chàng gật đầu, hắn đã le te bưng tách cà phê nóng hổi lại và đưa cho chàng bằng tay phải. Chàng nhận thấy hắn đưa tách cà phê cho chàng bằng tay phải. Vừa đưa, hắn vừa giải thích, giọng thân mật :
-Ông biết không người Pakíttăng theo đạo Hồi, mà theo đạo Hồi thì tay trái là tay phàm tục, tay bất xứng. Nếu ông dùng tay trái mời họ ăn uống thì chắc chắn bị ăn đòn.
Văn Bình đặt tách cà phê xuống bàn đêm không uống :
-Ông đã bị ăn đòn lần nào chưa ?
Đại tá Choucười :
-Rồi.
Song nói tiếp :
-Cà phê ngon tuyệt, sao không ông uống cha ấm bụng ?
Thấy chàng ngần ngừ, hắn vội phân bua :
-Nảo đảm với ông không có thuốc ngủ đâu.
Nói đoạn hắn cười hề hề, nhưng Văn Bình không cười. Chàng nghiêm mặt :
-Ông là người lật lọng. Tôi là thày thuốc, không thiếu gì thân chủ ở Âu châu. Vì nể người trung gian, và cũng tình đồng hương tôi mới nhận lời về tận Bắc kinh chữa bệnh. Tuy làm hợp đồng bằng miệng nhưng chính phủ ông đã long trọng cam kết là không được đơn phương thay đổi các điều khoản về di chuyển, vậy mà …
Giọng đại tá Chou vẫn ôn tồn :
-Ông lầm rồi. Cá nhân có thể nuốt lời hứa song 1 chính phủ không thể nuốt lời hứa. Trong hợp đồng có 1 khoản quan trọng ấy là chính phủ tôi phải làm bất cứ điều gì để bảo vệ an ninh cho ông. Tôi không thể để nhân viên MI-6 gặp ông trên máy bay. May mà hắn xuống Karachi, chứ nếu đi thẳng đến Quảng châu thì có lẽ cho đến phút này ông vẫn còn mê man. Lúc đó, chúng tôi bắt buộc phải đưa ông vào Hoa lục bằng 1 con đường an toàn khác.
Văn Bình nín lặng. Đại tá Chou đinh ninh sự nín lặng của chàng có ý nghĩ phục thiện. Thật ra sự nín lặng này bắt nguồn từ 1 lý do khác. Chàng không dám hỏi thêm vì ông M. không đá động tới bản hợp đồng giữa Rô-bơn và quốc tế Tình báo Sở. Tại sao ông M. giấu chàng ? Tại sao ông M. sai nhân viên đáp máy bay đến Karachi ? Tại sao nhân viên này chỉ đến Karachi thôi ?
Đại tá Chou lại mời chàng uống cà phê lần nữa. Miễn cưỡng chàng phải chiều hắn. Hắn không thể biết rằng chàng từ chối hồi nãy chẳng phải vì sợ thuốc mê mà vì chàng vốn ghét cà phê, dẫu là cà phê điểm tâm buổi sáng. Nếu hắn đưa ra 1 chai huýt ky thượng hạng thì chàng đã vồ lấy, bất cần là bên trong có độc dược hay không. Vì chàng thừa biết Tình báo Sở đang cưng chàng như cưng trứng. Nếu có giết chàng, họ phải chờ đến khi xong việc. Và đến khi ấy, chàng đã cao bay xa chạy.
Đại tá Chou nhìn đồng hồ tay :
-Đã đến giờ. mời ông ra sân bay.
Xuống nhà dưới, không cần coi bảng tên khách sạn Văn Bình đã biết đây là Palace, khách sạn lớn nhất trong thành phố. Dường như ngày trước, các tiểu vương bản xứ ngụ tại đây nên phòng nào phòng nấy đều rộng mênh mông. Chàng trèo lên chiếc xe Rolls Royce màu cà rem sẫm, có tài xế lái. Pakíttăng là xứ thân Trung cộng có khác, đại tá Chou hoạt động nghênh ngang như trên đất nhà. Chốc chốc hắn lại nhìn đồng hồ nên Văn Bình đoán là hắn có hẹn. Có lẽ hắn đang chờ 1 nhân viên khác đến hộ tống chàng từ Karachi tới Hoa lục. Tuy hắn nói là cùng đi với chàng đến tận Bắc kinh song chàng không tin.
Chàng đoán trúng răm rắp. Xe chạy được 1 quãng thì dừng lại. Đại tá Chou mở cửa xe sửa soạn bước xuống. Chàng giả vờ băn khoăn :
-Chưa đến phi trường sao ông lại xuống ?
Chou lắc đầu :
-Tôi chỉ được phép đưa ông tới đây thôi. Xin ông tha lỗi cho. Mãi đến trước giờ lên đường, cấp trên mới cho biết. Chẳng qua vì vấn đề an ninh.
Văn Bình dò hỏi 1 cách khôn ngoan :
-Ông sợ gặp lại gã yếu nhân tình báo Anh chứ gì ?
Vô tình hắn mắc mưu chàng. Hắn đáp ngay, giọng vui vẻ cởi mở :
-Vâng, ông nói đúng. Tôi được tin hắn ở lại Karachi, nhưng biết đâu hắn có thể thay đổi lộ trình vào phút chót. Hắn đã quen mặt tôi suốt từ …
Nhận thấy lỡ miệng, hắn vội im bặt, nhưng Văn Bình đã hiểu. Chắc hắn định nói “suốt từ Âu châu về đến đây”. Có lẽ chàng bị bỏ gọn trong 1 cái rương lớn chứa hàng hóa trên chuyến bay thương mãi về Karachi.
Đại tá Chou đổi đề tài 1 cách lúng túng :
-Từ đây ra đến phi trường, tài xế của tôi sẽ lo liệu đầy đủ, ông khỏi phải lo lắng gì.
-Còn từ phi trường đến Hoa lục ?
-Chuyến phi cơ này của công ty hàng không Pakistan Air Lines chỉ bay đến Quảng châu. Ông sẽ đi 1 mình. Giấy tờ của ông đã có sẵn. Nói là đi 1 mình, nhưng trên máy bay vẫn có 1 nhân viên thân tín của chính phủ tôi luôn luôn săn sóc ông kín đáo. Ông không biết mặt người ấy, song người ấy lại biết mặt ông.
Đại tá Chou nhảy xuống lề đường. Trong giây phút hắn đã biến dạng vào màn sương hoàng hôn. Buổi chiều tha hương buồn, buổi chiều ở Karachi còn buồn hơn nữa vì người cũng như vật đều bẩn thỉu, chậm chạp và lười biếng.
Tài xế bỗng rồ máy cho xe phóng nhanh rồi quẹo sang bên trái. Hắn quay lưng lại nên chàng không thấy rõ mặt, nhưng chỉ thoáng nhìn 1 bên chàng cũng biết hắn là thuộc cấp chứ không phải là nhân viên quan trọng như đại tá Chou. Da mặt hắn sần sùi như vỏ cam sành chứng tỏ hắn là con nhà hạ tiện. Mặt hắn bạnh ra, đầu lại nhọn hoắt, không cân đối nhau. Văn Bình bỗng cảm thấy thương hại hắn vì không cần coi đường chỉ tay, coi tướng chàng cũng đoán biết hắn sẽ chết bất đắc kỳ tử. Thật vậy, mặt lớn, đầu nhọn là đặc điểm của kẻ bị chết bất đắc kỳ tử. Đại tá Chou cũng thuộc hạng đoản mệnh vì chân mày la hán, cặp mắt xung sát, cho nên Văn Bình bỗng thương hại lây quốc tế Tình báo Sở và các nhân viên hành động của họ đều là những kẻ đoản mệnh.
Khi xe đến phi trường thì trời đã tối. Chuyến bay Quảng châu chỉ có rất ít hành khách, phần đông là người Tàu. Thủ tục cảnh sát và quan thuế được tiến hành nhanh chóng, gần như qua quýt khiến chàng có ý nghĩ là đại tá Chou đã gởi gấm chàng từ trước.
Các nữ tiếp viên phi hành Pakíttăng chẳng có nét nào đặc biệt. Họ không đeo mạng che mặt, đồng phục của họ đã được tân tiến hóa với cái quần dài bó ống màu xanh nước biển khả ái song chàng không thấy khả ái gì hết. có lẽ vì nước da họ không được trắng, và thân thể họ thẳng tuột từ đầu đến chân, không có lấy 1 đường cong hấp dẫn. Hai cô ả đứng dưới chân thang không cười với chàng như các nữ tiếp viên phi hành thường cười tình với hành khách ở khắp nơi trên thế giới nên chàng cũng chẳng buồn chào hỏi.
Chiếc phi cơ 6 máy rộng thênh thang mà hành khách chỉ vỏn vẹn có 10 mạng. Máy bay trên quãng đường này thường vắng. Tuy vậy chàng vẫn không cho là vắng vì từ Vọng các đến Ngưỡng quang nhiều khi chỉ có 2, 3 hành khách trên chuyến bay đầy đủ tiện nghi có thể chứa được 60, 70 người. Theo thói quen, cửa phi cơ vừa đóng lại là chàng đã ngủ say. Nhưng lần này chàng phải chật vật lắm mới ngủ được. một phần vì phi hành đoàn cất cánh vụng về khiến chàng mỏi mệt, phần khác vì cái mùi khó chịu theo chàng từ lữ quán đến sân bay, bám chặt lấy quần áo và da thịt chàng. Đó không phải là mùi hôi hám mặc dầu thành phố Karachi chẳng lấy gì thơm tho, Sàigòn nổi tiếng không thơm tho nhưng xét kỹ vẫn còn thơm tho gấp Karachi cả chục lần. Mùi này không phải là mùi vị đàn bà vì từ lúc đến, đến lúc đi chàng chưa hề ra khỏi giường ngủ chứ đừng nói là cặp kè với giai nhân bản xứ nữa.
Chàng cảm thấy nghèn nghẹt nơi cuống họng. Để được dễ chịu, chàng đứng dậy vặn người kêu rắc 1 tiếng. Đối với người Tây phương thì cử chỉ của chàng có vẻ khiếm nhã. Nhưng đối với người Tàu, 1 dân tộc nổi danh từ cổ chí kim trên thế giới về tài vô địch nhổ vặt, nhổ vung vít, nhổ bừa bãi bất cứ nơi đâu thì chàng có khiếm nhã hơn thế nữa trên máy bay, họ vẫn thản nhiên như không.
10 hành khách ngồi phía sau chàng đều mặc đồ đen. Tuy quần áo của họ được may bằng nỉ dầy, họ vẫn không giấu được những bắp thịt ắn chắc chứng tỏ họ đều là dân giỏi võ. Đại tá Chou nói là trong số các hành khách có 1 nhân viên Tình báo Sở tháp tùng chàng. Nhân viên này là ai ?H thuộc đủ hạng tuổi, già có, trẻ có, trung niên có, khuôn mặt cũng khác nhau : kẻ mặt vuông, người mặt tròn, kẻ mặt nhọn, người mặt méo, mỗi người 1 vẻ vậy mà Văn Bình lại thấy họ giống nhau như khuôn đúc.
Giống nhau nhiều nhất là y phục. toàn thể đều mặc 1 màu đen ảm đạm, 1 hàng nỉ cứng đét. Toàn thể đều mặc 1 kiểu cổ áo đứng, áo đính 4 túi, kiểu áo vét cán bộ do Mao trạch Đông sáng chế. Toàn thể đều mặc quần ống chân voi rộng thùng thình tưởng như bỏ cột đình vào cũng lọt. Thứ đến mái tóc. Toàn thể đều cắt tóc ngắn khiến chàng liên tưởng đến 1 nhóm tân binh quân dịch. Cử chỉ của họ cũng giống nhau lạ lùng. Họ không cười, không liếc ngang dọc, không bâng khuâng nhìn qua ô cửa, cũng không khệnh khạng hút thuốc. Toàn thể đều ngồi ngay ngắn trong ghế.
Nhìn họ, Văn Bình đâm sợ. Chàng sắp sửa phải đối đầu với 700 triệu con người cũng hà tiện cử chỉ, hà tiện ngôn ngữ như họ. Chàng sẽ lưu lại 72 giờ ở Bắc kinh. 72 giờ mà chàng có cảm tưởng là 72 tháng, 72 năm dài đằng đẵng.
Bỗng dưng chàng nghĩ đến những nhân vật chính trong điệp vụ "Người Yêu" mà chàng có bổn phận hoàn tất. Tướng Kan-Yeh, phó tổng giám đốc, đặc trách Hậu cần quốc tế Tình báo Sở. Kim-My, cô gái đôi mươi mắc bệnh lạnh lùng. Và Soe-Fuk, nữ điệp viên của MI-6.