Xác chết dưới nước - Chương 14
Xác chết dưới nước
Chương 14
Ngày đăng 15-10-2017
Tổng cộng 16 hồi
Đánh giá 9.1/10 với 11088 lượt xem
Đêm hôm đó tôi phải về nhà để lấy quần áo và hộ chiếu ở trong két sắt. Tôi gói đồ bằng đôi bàn tay run rẩy trong lúc chờ đợi máy nhắn tin. Cứ cách một tiếng Fielding lại gọi một lần để cập nhật thông tin và giải tỏa nỗi lo lắng. Các thi thể ở Old Point vẫn nằm nguyên ở chỗ họ bị bắn và chúng tôi không biết có bao nhiêu công nhân vẫn bị giam giữ ở bên trong.
Tôi ngủ không yên giấc trong sự bảo vệ của chiếc xe cảnh sát đỗ bên kia đường, và tôi tỉnh dậy khi chuông đồng hồ đánh thức vào lúc năm giờ sáng. Tiếng rưỡi sau, một chiếc máy bay Learjet đã đợi sẵn ở sân bay Triệu Phú, hạt Henrico, nơi những thương gia giàu có nhất trong vùng đậu trực thăng ở đó. Tôi và Wesley chào hỏi nhau lịch sự nhưng thận trọng, chỉ riêng việc chúng tôi bay ra nước ngoài cùng nhau như thế này cũng đã dễ gặp rắc rối. Nhưng theo kế hoạch thì anh sẽ đến thăm đại sứ quán ở đó trước khi tôi được gợi ý đi London, và thiếu tướng Sessions thì không hay biết gì về quá khứ của chúng tôi. Hoặc chí ít thì đó cũng là do tôi cố tình nghĩ như thế về một tình huống nằm ngoài khả năng của mình.
- Em không định tin vào những lý do của anh đâu. - Tôi nói với Wesley khi chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh giống như một chiếc xe đua mọc cánh vậy - Thế còn cái này thì sao? - Tôi ngắm mọi thứ xung quanh - Trên Cục dùng Learjet từ khi nào vậy, hay là cả Pentagon cũng sắp xếp chuyện này?
- Chúng ta có thể sử dụng bất cứ thứ gì mà chúng ta cần. - Anh nói - CP & L cũng sẵn sàng tung ra mọi nguồn lực để giúp chúng ta giải quyết vụ khủng hoảng này. Chiếc Learjet là của họ.
Chiếc máy bay màu trắng này bóng lộn lên, ghế ngồi được bọc da màu xanh cô ban và giả vân gỗ. Nhưng động cơ kêu ầm ĩ, vì thế chúng tôi không thể nói nhỏ được.
- Anh không thấy lo khi sử dụng trang thiết bị của họ à?
- Họ cũng không vui về những chuyện này như chúng ta thôi. Chúng ta biết rõ là trừ một, hai phần tử ra thì CP & L không đáng trách. Thực tế thì công ty và nhân viên của họ là những nạn nhân bị tổn hại nặng nề nhất.
Anh nhìn về phía buồng lái với hai phi công dáng dấp rất chuẩn trong bộ com lê và nói thêm :
- Ngoài ra những phi công này đều là người của Lực lượng Giải cứu Con tin. Và bọn anh đã kiểm tra toàn bộ vấn đề kỹ thuật trước khi cất cánh. Đừng lo lắng. Đặc biệt là khi anh lại đi cùng em. - Anh nhìn tôi - Anh nhắc lại, những gì đang diễn ra bây giờ chỉ là thao tác thôi. Quả bóng đã được chuyền sang bên Lực lượng Giải cứu Con tin rồi. Anh sẽ chỉ được gọi khi những kẻ khủng bố bắt đầu liên lạc với chúng ta, lúc đó chí ít ta cũng có thể xác định được danh tính của chúng. Nhưng anh không nghĩ rằng chuyện đó có thể chóng vánh trong một vài ngày.
- Làm sao anh có thể khẳng định được điều đó? - Tôi rót cà phê.
Anh cầm cốc cà phê từ tay tôi và những ngón tay chúng tôi chạm vào nhau.
- Anh biết bởi vì giờ bọn chúng còn đang bận. Chúng muốn lấy đi một số thứ và không thể một sớm một chiều mà lấy hết được.
- Lò phản ứng đã bị đóng chưa?
- Theo như phía nhà máy điện cho biết thì những tên khủng bố đóng lò phản ứng ngay sau khi chiếm được nhà máy. Vì thế họ biết chúng muốn gì và chúng đang vào việc.
- Bọn chúng có hai mươi người.
- Đó là con số ước lượng những tên khủng bố giả danh có mặt trong cuộc hội thảo được sắp xếp tại phòng điều khiển. Nhưng giờ thì không biết chúng có bao nhiêu người.
- Cuộc hội thảo này được lên lịch từ ngày nào?
- Phía công ty nói ban đầu nó được lên lịch từ đầu tháng Mười hai đến cuối tháng Hai.
- Vậy là họ đã đẩy lịch lên. - Tôi không ngạc nhiên khi biết những việc đã xảy ra.
- Phải. Lịch đã được thay đổi hai ngày trước khi Eddings bị giết.
- Có vẻ như chúng đang liều mạng, Benton ạ.
- Và có lẽ thiếu thận trọng và không được chuẩn bị tốt. Điều này vừa tốt hơn, vừa tệ hơn đối với chúng ta.
- Thế còn các con tin thì sao? Liệu chúng có thả hết bọn họ không, theo kinh nghiệm của anh?
- Anh không biết. - Anh nhìn ra ngoài cửa sổ, nét mặt đanh lại trong ánh sáng nhàn nhạt.
- Lạy Chúa, nếu chúng cố gắng lấy hết nhiên liệu ra, sẽ có một thảm họa quốc gia nhãn tiền đây. Em cũng không hiểu chúng nghĩ thế nào mà lấy những thứ đó ra được. Mỗi bộ phận đó có lẽ nặng đến vài tấn và có thể bị nhiễm phóng xạ, sẽ gây tử vong tức thì ngay lập tức nếu anh lại gần. Thế chúng mang ra khỏi Old Point như thế nào chứ?
- Nhà máy có kênh đào bao quanh với mục đích làm mát lò phản ứng. Và gần đó, ở sông James, bọn anh đã để ý thấy có một chiếc xà lan mà chắc chắn là của chúng.
Tôi nhớ có lần Marino nhắc đến những chiếc xà lan vận chuyển các thùng hàng lớn đến khu Tân Phục Quốc Do Thái.
- Chúng ta có thể chiếm được nó không?
- Không, chúng ta không thể lấy xà lan, tàu ngầm hay bất cứ cái gì bây giờ cho đến khi những con tin được thả. - Anh nhấp một ngụm cà phê, và phía chân trời kia đang ngả sang màu vàng nhạt.
- Sau đó thì kịch bản hay nhất là chúng sẽ lấy đi bất cứ thứ gì chúng muốn và bỏ đi mà không giết thêm ai nữa. - Tôi phỏng đoán mặc dù không nghĩ điều đó có thể xảy ra.
- Không. Kịch bản hay nhất là chúng ta phải ngăn chúng lại. Chúng ta không thể để một cái xà lan đẩy vật liệu nhiễm phóng xạ cứ thế tự do trên những dòng sông Virginia hay ra ngoài biển. Lúc đó thì chúng ta làm gì được chứ, đe dọa sẽ làm đắm nó ư? Ngoài ra, anh đoán rằng chúng sẽ mang những con tin đi theo. - Anh ngừng lại rồi tiếp tục - Cuối cùng chúng sẽ giết tất cả bọn họ.
Tôi không thể không tưởng tượng ra những con người tội nghiệp giờ này đang trong tình trạng tột cùng sợ hãi và mỗi hơi thở đều căng ra đến từng tế bào. Tôi biết tất cả những biểu hiện cả về thể chất lẫn tinh thần của nỗi sợ hãi, và những hình ảnh này đang thiêu đốt tôi. Tôi cảm thấy trong lòng dậy lên nỗi căm hận đối với những kẻ tự xưng Tân Phục Quốc Do Thái. Bàn tay tôi siết chặt lại. Wesley nhìn những đốt tay trắng bợt để trên tay dựa và nghĩ rằng tôi mắc bệnh sợ bay.
- Chỉ một vài phút nữa thôi. - Anh nói - Chúng ta đang bắt đầu hạ cánh rồi.
Chúng tôi hạ cánh ở sân bay Kennedy. Một chiếc xe buýt con thoi đã đợi sẵn trên đường băng. Lại có hai người mặc com lê khác lái nó, và tôi không hỏi Wesley về họ vì tôi đã biết rồi. Một trong hai người hộ tống chúng tôi đến sảnh vào của hãng Hàng không Anh, đơn vị có nhã ý hợp tác với Cục, hay có lẽ là với Pentagon, bằng cách dành sẵn hai chỗ trên chuyến bay Concorde tiếp theo đến London. Ở quầy đăng ký, chúng tôi bí mật trình thẻ và nói rằng chúng tôi không mang theo súng. Tay đặc nhiệm được giao nhiệm vụ bảo vệ cho sự an toàn của chúng tôi đi theo đến tận phòng chờ. Và khi đưa mắt tìm, tôi thấy anh ta đang chúi đầu vào một đống báo nước ngoài.
Tôi và Wesley tìm được một chỗ ngồi trước ô cửa kính nhìn ra đường băng, nơi chiếc máy bay siêu thanh đậu sẵn như một con diệc trắng khổng lồ đang được nạp nhiên liệu thông qua một đường ống dày gắn vào bên sườn của nó. Máy bay Concorde trông giống tên lửa hơn bất cứ chiếc máy bay thương mại nào mà tôi nhìn thấy, và rõ ràng là hầu hết hành khách chẳng còn mấy ấn tượng với nó nữa. Họ đang tự phục vụ bánh ngọt và hoa quả, và một số khác còn tự pha cocktail Bloody Marys.
Wesley và tôi nói chuyện rất ít và luôn luôn quan sát đám đông trong khi giương tờ báo lên giống hành vi của các gián điệp hay một kẻ đang bị truy nã. Tôi có thể chắc chắn rằng Wesley đặc biệt để ý đến những người Trung Đông có mặt ở sân bay trong khi tôi lại cảnh giác hơn với những kẻ trông giống chúng tôi, bởi vì tôi nhớ lại hôm đối mặt với Joel Hand tại phiên tòa và thấy rõ rằng hắn ta rất hấp dẫn và phong độ. Nếu như giờ hắn có ngồi ngay cạnh tôi và nếu như tôi không biết hắn thì rất có thể sẽ nghĩ rằng hắn ngồi ở sảnh này còn hợp lý hơn cả chúng tôi nữa.
- Em đang nghĩ gì đấy? - Wesley hạ thấp tờ báo xuống.
- Em không biết. - Tôi cảm thấy bị kích động - Nói cho em biết, chỉ có chúng ta ở đây thôi hay cả các đồng nghiệp của anh nữa?
Đôi mắt của anh thoáng một nụ cười.
- Em không thấy có gì đáng cười ở đây cả.
- Thế ra em vẫn nghĩ các đặc nhiệm đang quanh quẩn ở đây à.
- Em đoán cái người mặc com lê đi theo chúng ta đến đây là nhân viên đặc biệt của hãng Hàng không Anh.
- Để anh trả lời câu hỏi của em theo cách này vậy. Nếu chúng ta không ở đây một mình, Kay ạ, thì anh cũng sẽ không nói cho em biết đâu.
Chúng tôi nhìn nhau trong một lúc lâu hơn. Chúng tôi chưa bao giờ ra nước ngoài cùng nhau và lúc này dường như không phải là thời điểm để bắt đầu. Anh mặc một chiếc áo vét xanh tím than, màu đậm đến nỗi gần như ngả sang đen, áo sơ mi trắng và cà vạt như thường lệ. Tôi cũng mặc màu sẫm trang trọng, và cả hai chúng tôi đều đeo kính. Tôi nghĩ chúng tôi trông giống như các thành viên của một công ty luật, và theo như tôi để ý những người phụ nữ khác trong sảnh thì thấy rõ ràng rằng mình trông không giống như một bà vợ lắm. Tiếng giấy kêu sột soạt khi anh gấp tờ Thời báo London lại và nhìn đồng hồ.
- Anh nghĩ là người ta đang gọi chúng ta. - Anh nói và đứng dậy khi chuyến bay số 2 được gọi một lần nữa.
Chiếc Concorde chứa được một trăm người trong hai khoang với hai dãy hai chỗ ngồi. Nội thất bên trong lạnh lẽo với ghế ngồi bọc da xám và thảm trải màu ghi. Những ô cửa sổ quá nhỏ để có thể quan sát được bên ngoài. Các chiêu đãi viên đều là người Anh và hành vi lịch sự một cách điển hình. Và nếu họ biết chúng tôi là hai hành khách đến từ lượng FBI hải quân, hay là CIA chẳng hạn thì chắc chắn họ chẳng biểu lộ cảm xúc gì. Mối quan tâm duy nhất của họ dường như chỉ là xem chúng tôi muốn uống gì và tôi gọi rượu whiskey.
- Hơi sớm quá phải không? - Wesley nói.
- Ở London thì không. Ở đó chậm hơn năm tiếng mà.
- Cảm ơn. Anh sẽ chỉnh lại đồng hồ. - Anh nói khô khốc như thể cả đời chưa đi đâu bao giờ - Cho một bia. - Anh nói với cô chiêu đãi viên.
- Bây giờ chúng ta đang ở đúng múi giờ nên sẽ dễ uống hơn. - Tôi cố kìm chế sự cáu kỉnh trong giọng nói.
Anh quay sang và bắt gặp ánh mắt tôi.
- Em có vẻ tức giận.
- Đó là lý do tại sao anh lại làm công việc lưu trữ hồ sơ, bởi vì anh có thể nhìn ngay ra những điều như vậy.
Anh kín đáo nhìn ra xung quanh, nhưng chúng tôi ngồi ngay sau vách ngăn và không có ai ở dãy ghế bên kia. Tôi cũng hầu như không để ý xem có ai ngồi ở đằng sau không nữa.
- Chúng ta có thể nói chuyện một cách dễ chịu hơn được không? - Anh hỏi nhỏ.
- Không dễ chịu được Benton ạ, khi mà anh luôn chỉ muốn nói chuyện sau khi mọi sự đã hai năm rõ mười rồi.
- Anh không chắc anh hiểu ý em. Anh nghĩ có sự hiểu lầm nào đó ở đây.
Tôi định đưa ra một ví dụ.
- Tất cả mọi người đều biết về vụ ly dị của anh, trừ em. Lucy kể cho em hay vì nó nghe được chuyện đó từ những đồng nghiệp khác. Em thì chỉ muốn một lần được anh chia sẻ trong suốt mối quan hệ của chúng ta.
- Lạy Chúa, anh chỉ mong em không quá buồn như vậy.
- Cái mà anh đang nghĩ không bằng một nửa nỗi buồn của em đâu.
- Anh không kể bởi vì anh không muốn quyết định của anh bị ảnh hưởng bởi em.
Chúng tôi nói chuyện rất khẽ, cùng cúi về phía trước nên hai vai chạm nhau. Bất kể đang ở trong tình huống quan trọng đến thế nào, tôi đều nhận ra mọi cử động của anh và những cú va chạm lên tôi. Tôi ngửi thấy mùi chiếc áo khoác bằng len và cả mùi nước hoa mà anh hay dùng.
- Em không thể xen vào bất cứ quyết định nào về cuộc hôn nhân của anh được. - Anh vẫn tiếp tục khi đồ uống được mang đến - Anh biết em hiểu điều đó.
Lúc này cơ thể tôi không quen với rượu whiskey và tác dụng của nó trở nên nhanh và mạnh. Tôi nhanh chóng cảm thấy được thư giãn, và tôi nhắm mắt lại trong tiếng ầm ĩ khi máy bay cất cánh, chao nghiêng và lao vào không gian. Kể từ lúc đó, thế giới ở bên dưới chẳng còn gì nữa cả, nếu như tôi có thể nhìn thấy gì qua cửa sổ thì đó chỉ là một đường chân trời mờ ảo. Âm thanh của động cơ rất ồn khiến chúng tôi cần phải tiếp tục ngồi sát vào nhau để nói chuyện.
- Anh biết mình cảm thấy thế nào về em. - Wesley nói - Anh biết điều đó từ lâu rồi.
- Anh không có quyền. Anh không bao giờ có quyền.
- Thế còn em thì sao? Em có quyền làm những gì mà em đã làm không, Kay? Hay chỉ có một mình anh?
- Ít nhất thì em cũng không kết hôn hoặc đi lại với bất cứ ai. - Tôi nói - Nhưng không, lẽ ra em không nên như thế.
Anh vẫn uống bia và chẳng ai trong chúng tôi quan tâm đến bánh mì nướng và trứng cá muối. Chúng tôi ngồi yên lặng, lướt qua mấy tờ tạp chí và nhật báo chuyên ngành như hầu hết những người khác trong khoang. Tôi để ý những người đi trên chuyến bay này cũng không nói chuyện với nhau nhiều, và tôi kết luận rằng sự giàu có và nổi tiếng, hoặc dòng dõi hoàng gia cũng thật là nhàm chán.
- Anh đoán là chúng ta đã giải quyết xong vấn đề đó. - Wesley lại bắt đầu, nghiêng người sát hơn khi tôi bắt đầu với món măng tây.
- Vấn đề gì kia? - Tôi đặt dĩa xuống bởi vì tôi thuận tay trái mà anh lại cũng bắt đầu ăn.
- Em biết rồi mà. Những gì chúng ta nên và không nên làm.
Anh vuốt ve lên ngực tôi và rồi cứ để nguyên đó như thể tất cả những gì chúng tôi đã nói trước đây đều trở thành vô nghĩa.
- Ừ. - Tôi nói.
- Ừ? - Giọng anh có vẻ tò mò - Em nói ừ cái gì?
- Ừ cái điều anh vừa nói ấy. - Mỗi hơi thở, tôi lại nhích vào anh thêm một chút - Về việc giải quyết vấn đề ấy.
- Đó sẽ là những gì chúng ta phải làm. - Anh đồng ý.
- Dĩ nhiên chúng ta sẽ làm thế. - Tôi nói, hoàn toàn không nhớ rằng chúng tôi đã thỏa thuận những gì - Còn một điều nữa, nếu anh ly dị và nếu chúng ta muốn tiếp tục với nhau thì sẽ bắt đầu lại từ đầu.
- Chắc chắn rồi, ý kiến hoàn hảo.
- Còn bây giờ, chúng ta là đồng nghiệp và bạn bè.
- Đó chính xác là những gì anh muốn.
Sáu giờ ba mươi phút, chúng tôi ngồi trên xe đi dọc theo đường Park Lane. Cả hai chúng tôi im lặng trên băng ghế sau của chiếc Rover. Người lái là một sĩ quan của Phòng cảnh sát thành phố. Trong bóng tối, tôi quan sát ánh đèn London loang loáng trôi qua, cảm thấy mất phương hướng giữa một thành phố sống động. Công viên Hyde ngập chìm trong bóng tối với những ngọn đèn mờ ảo chạy dọc các lối đi quanh co.
Căn hộ mà chúng tôi sẽ nghỉ lại rất gần khách sạn Dorehester. Những người Pakistan vây xung quanh khu khách sạn cổ kính khổng lồ để bảo vệ sự an toàn cho chuyến viếng thăm của Thủ tướng nước họ. Cảnh sát chống bạo động và chó nghiệp vụ tập trung đông đảo nhưng người lái xe của chúng tôi dường như không quan tâm đến điều đó.
- Có một người gác cổng. - Anh ta nói khi đậu xe trước một tòa nhà cao tầng trông khá mới - Chỉ cần đi vào và trình thẻ. Ông ta sẽ đưa các vị đến chỗ ở. Các vị có cần tôi xách giúp túi không?
Wesley mở cửa.
- Cảm ơn. Chúng tôi có thể tự làm được.
Chúng tôi ra khỏi xe và đi vào khu vực lễ tân. Một người đàn ông đứng tuổi trông nhanh nhẹn và thân thiện mỉm cười chào chúng tôi từ sau chiếc bàn bóng loáng.
- Ồ, tôi đang mong các vị đây. - Ông ta đứng dậy và xách túi của chúng tôi - Theo tôi ra thang máy nhé.
Chúng tôi đi thang máy lên tầng năm. Ông ta chỉ cho chúng tôi một căn hộ có ba phòng ngủ với những cửa sổ rất to, nội thất sáng màu và được thiết kế theo âm hưởng châu Phi. Phòng của tôi khá tiện nghi, với bồn tắm điển hình kiểu Anh, đủ rộng để ngâm mình. Đồ gỗ Victoria với sàn nhà trải thảm dệt Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi bước lại phía cửa sổ và vặn to máy tản nhiệt. Tôi tắt đèn rồi nhìn xuống dòng xe cộ tấp nập bên dưới và những hàng cây tối đen ở công viên đang xào xạc trong gió. Phòng của Wesley ở cuối hành lang và tôi không hay biết anh bước vào mãi cho đến khi anh cất tiếng.
- Kay? - Anh đứng đợi ở gần cửa ra vào và tôi nghe thấy tiếng đá lanh canh trong ly - Những người sống ở đây đều có rượu whiskey ngon. Anh được thông báo là chúng ta phải tự phục vụ.
Anh bước vào và để chiếc ly trên bậu cửa.
- Có phải anh đang muốn chuốc cho em say không? - Tôi hỏi.
- Ngày xưa thì chả bao giờ cần thế.
Anh đứng cạnh tôi. Chúng tôi uống rượu, dựa sát vào nhau và cùng nhìn ra ngoài. Một hồi lâu chúng tôi chỉ nói những câu nhỏ nhẹ, rồi anh chạm vào tóc tôi, hôn lên tai rồi lên má. Tôi cũng ôm lấy anh, và tình yêu của chúng tôi sâu nặng hơn cả những nụ hôn và sự mơn trớn.
- Anh nhớ em quá. - Anh thì thầm trong lúc cởi quần áo.
Chúng tôi làm tình bởi vì không thể chịu đựng thêm được nữa. Đó là lời bào chữa duy nhất của chúng tôi mà sẽ chẳng có tòa án nào biết được. Sự xa cách trước đó quá khó khăn, vì thế chúng tôi thèm khát nhau cả đêm. Mãi gần sáng tôi mới ngủ thiếp đi, và khi thức dậy thì thấy anh không có ở đấy, cứ như thể tất cả chỉ là một giấc mơ. Tôi nằm trong chiếc chăn lông vịt, những hình ảnh trôi chậm chạp và ngân nga trong tâm trí. Những ánh đèn nhảy múa dưới mi mắt và tôi thấy người mình lâng lâng, như thể tôi lại trở về là một đứa con gái nhỏ và cha tôi không chết vì một căn bệnh mà tôi hoàn toàn xa lạ.
Tôi chưa bao giờ quên ông. Tôi cho rằng sự gắn bó với tất cả những người đàn ông đều gợi lại trong tôi nỗi buồn khi ông ra đi. Giống như một vũ điệu mà tôi cứ trôi đi trong nó rồi sau đó phát hiện ra mình lặng lẽ trong một gian phòng trống không với cuộc đời ẩn dật. Tôi nhận ra tôi và Lucy giống nhau đến thế nào. Chúng tôi đều phải yêu thương trong bí mật và không thể nói lên nỗi đau của mình.
Tôi mặc quần áo vào và bước ra ngoài phòng khách, nhìn thấy Wesley đang ngồi uống cà phê và nhìn ra bầu trời u ám. Anh mặc áo vét và thắt cà vạt, trông không có vẻ gì là mệt mỏi.
- Có cà phê đấy. Anh mang cho em nhé?
- Cảm ơn, để em tự lấy. - Tôi bước vào bếp - Anh dậy lâu chưa?
- Được một lúc rồi.
Anh đã pha cà phê rất đặc và điều này nhắc tôi rằng có quá nhiều chi tiết hàng ngày về anh mà tôi không biết. Chúng tôi không nấu ăn cùng nhau, không đi nghỉ hay chơi thể thao nhưng tôi biết rằng cả hai đều thích quá nhiều thứ giống nhau. Tôi đi vào phòng khách và đặt tách cà phê trên bậu cửa sổ bởi vì tôi muốn nhìn ra ngoài công viên.
- Em thế nào? - Anh nhìn tôi.
- Em khỏe. Còn anh?
- Trông em không khỏe đâu.
- Anh thừa biết rằng câu ấy chỉ là nói chơi thôi.
- Trông em như thiếu ngủ ấy. Ý anh là vậy.
- Thì hầu như em có ngủ đâu, tại anh đấy.
Anh mỉm cười.
- Tại điều đó và cả tại đi máy bay nữa.
- Cái điều anh gây ra tệ hơn, đặc nhiệm Wesley ạ.
Giờ thì đường phố đã tấp nập và những tiếng còi xe trở nên chói tai. Trong ánh sáng ban sớm lành lạnh, người ta đi bộ vội vã dọc vỉa hè, và một vài người thì chạy bộ. Wesley đứng dậy.
- Chúng ta phải đi sớm thôi. - Anh cọ vào gáy tôi rồi hôn - Chúng ta cần kiếm cái gì đó để ăn. Sẽ là một ngày dài đấy.
- Benton, em không thích sống thế này đâu. - Tôi nói khi anh đóng cửa.
Chúng tôi lại đi dọc theo đường Park Lane, ngang qua khách sạn Dorchester, thấy mấy người Pakistan vẫn giữ nguyên vị trí như hôm qua. Sau đó chúng tôi rẽ vào đường Mount đến South Audley, ở đó có một nhà hàng nhỏ đã mở cửa có tên là Richoux. Trong có bánh Pháp nhập khẩu và những hộp sôcôla đẹp đến nỗi có thể trưng bày một cách nghệ thuật. Những người trong nhà hàng đều mặc trang phục công sở và ngồi đọc báo bên những chiếc bàn nhỏ. Tôi uống nước cam tươi và giờ mới cảm thấy đói. Cô phục vụ người Philippines có vẻ bối rối khi thấy Wesley chỉ gọi bánh mỳ nướng trong khi tôi yêu cầu thịt muối với trứng, nấm và cà chua.
- Chị có muốn ăn chung không? - Cô ta hỏi.
- Không, cảm ơn. - Tôi cười.
Khoảng mười giờ sáng, chúng tôi tiếp tục đi từ South Audley đến Đại sứ quán Mỹ ở khu vực quảng trường Grosvenor. Đó là một tòa nhà bằng đá granite xây theo kiến trúc của những năm 50, được bảo vệ bởi một con chim ưng bằng đồng tạc trên mái nhà. An ninh thắt chặt, bảo vệ ở khắp mọi nơi. Chúng tôi trình hộ chiếu, thư giới thiệu rồi bị chụp ảnh. Cuối cùng được hộ tống lên tầng hai để gặp tùy viên hợp pháp cao cấp của FBI tại Anh. Đứng từ căn phòng đúng góc tòa nhà của Chuck Olson có thể nhìn thấy một dãy dài những người đang đợi lấy Visa và thẻ xanh. Ông tùy viên dáng người chắc nịch trong bộ com lê tối màu và mái tóc cắt tỉa gọn gàng cũng bạc trắng như của Wesley.
- Rất hân hạnh. - Ông ta bắt tay chúng tôi - Xin mời ngồi. Có vị nào muốn uống cà phê không?
Tôi và Wesley chọn chỗ ngồi trên chiếc đi-văng cạnh chiếc bàn gọn ghẽ chỉ vài tập tài liệu. Chiếc bảng trên đầu Olson có vài hình vẽ mà tôi đoán là tác phẩm của con ông ta, trên nữa thì treo huy hiệu của Bộ Tư pháp. Nhìn thêm những giá sách và giấy khen các loại thì có thể thấy rằng chủ nhân của căn phòng giản dị này là một người bận rộn.
- Chuck! - Wesley bắt đầu - Tôi chắc rằng anh đã biết tiến sĩ Scarpetta là bác sĩ tư vấn pháp y của chúng tôi, và mặc dù chị ấy đang có rất nhiều việc cần giải quyết ở Virginia, nhưng vẫn phải đến đây.
- Lạy Chúa tôi. - Olson chỉ thốt lên được có thế, vì nếu như có một thảm họa hạt nhân ở Anh hay một quốc gia nào đó ở châu Âu, thì việc tôi được điều đến đây không gì khác ngoài xử lý các tử thi.
- Vì thế liệu anh có thể đưa ra một bức tranh toàn cảnh để chúng tôi hình dung được không. - Wesley nói.
- Ồ, rất dễ hiểu. - Olson nói - Khoảng một phần ba lưới điện ở Anh quốc là từ các nhà máy hạt nhân. Chúng tôi cũng đang lo lắng về một vụ khủng bố tương tự và chưa biết rằng liệu đã có nhà máy nào bị chính những tên khủng bố này lên kế hoạch hay chưa.
- Nhưng nhóm Tân Phục Quốc Do Thái có nguồn gốc từ Virginia. - Tôi nói - Anh đang nói rằng bọn chúng có mạng lưới quốc tế chăng?
- Bọn chúng không phải là lực lượng chỉ đạo trong vụ này. - Ông ta nói - Bọn chúng không phải là những người muốn có plutoni.
- Vậy thì là ai? - Tôi hỏi.
- Phía Libya.
- Tôi nghĩ thế giới đã biết điều này rồi. - Tôi đáp lời.
- Ồ, giờ thì chuyện đó đã xảy ra rồi. - Wesley nói - Và nó đang xảy ra ở Old Point đấy thôi.
- Như quý vị đã biết, - Olson tiếp tục - Qaddafi đã muốn có vũ khí hạt nhân từ lâu rồi nhưng mọi nỗ lực đều bị cản trở. Nhưng có vẻ như hắn đã tìm ra cách. Hắn đã tìm ra nhóm Tân Phục Quốc Do Thái ở Virginia, và chắc chắn ở đây hắn cũng cấu kết với những nhóm cực đoan như thế. Có rất nhiều người Ả Rập ở đây.
- Làm thế nào mà anh biết chính xác là Libya? - Tôi hỏi.
Lần này thì Wesley đáp lời :
- Lý do là vì chúng tôi đã xem rất nhiều bản ghi các cuộc đàm thoại của Joel Hand mà chủ yếu là đến từ Tripoli và Benghazi trong vòng hai năm qua.
- Nhưng anh lại không biết được rằng Qaddafi đang nỗ lực làm gì ở London này.
- Những gì chúng ta sợ chính là chúng sẽ tấn công ta ở điểm nào. London chính là điểm xuất phát của cả châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Đông. Đây là một trung tâm tài chính khổng lồ. Cái việc Libya ăn trộm lửa từ nước Mỹ không có nghĩa nước Mỹ là mục tiêu chủ đạo của chúng.
- Lửa ư? - Tôi hỏi.
- Giống như trong chuyện thần thoại về thần Prometheus ấy mà. Lửa là mật mã để chúng tôi ám chỉ plutoni.
- Tôi hiểu rồi. - Tôi nói - Những gì mà ông nói kinh khủng quá. Hãy cho tôi biết tôi cần phải làm gì.
- Chúng ta cần phải tìm ra đầu não của vụ này, cả mục đích của những sự việc đang diễn ra và những chuyện có thể xảy ra sau đó. - Olson nói. - Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm hiểu tâm lý bọn khủng bố, và điều này rõ ràng là nhiệm vụ của Wesley. Nhiệm vụ của chị là lấy thông tin. Tôi biết chị có một đồng nghiệp rất quan trọng ở đây.
- Chúng tôi chỉ dám hy vọng thôi. - Tôi nói - Nhưng tôi cũng đang định liên lạc với ông ta.
- Thế còn về vấn đề an ninh thì sao? - Wesley hỏi - Chúng ta có cần phải cho người đi cùng cô ấy không?
Olson nhìn tôi một cách kỳ quặc như thể đang đánh giá sức mạnh của tôi, như thể tôi không phải là tôi mà là một vật thể hay một võ sĩ chuẩn bị bước vào cuộc thi đấu.
- Không! - Ông ta nói - Tôi nghĩ ở đây cô ấy sẽ tuyệt đối an toàn, trừ phi anh biết trước chuyện gì đó.
- Tôi không chắc đâu. - Wesley cũng nhìn sang tôi - Có lẽ chúng ta nên cử ai đó đi với cô ấy.
- Hoàn toàn không cần thiết. Không ai biết tôi đang ở London cả. - Tôi nói - Mà tiến sĩ Mant thì miễn cưỡng gặp chúng ta, nếu không muốn nói là sợ chết, vì thế anh ta tất nhiên sẽ không cởi mở nếu thấy có ai đó đi cùng với tôi. Khi đó mục đích của chuyến đi này sẽ thất bại.
- Được. - Wesley miễn cưỡng nói - Miễn là chúng tôi biết rõ em đang ở đâu, và chúng ta cần gặp nhau ở đây tối thiểu là bốn tiếng trước khi lên máy bay.
- Tôi sẽ gọi cho các anh nếu như tôi gặp rắc rối. - Tôi nói - Các anh vẫn ở đây chứ?
- Nếu chúng tôi không có mặt ở đây thì thư ký của tôi sẽ báo cho cô biết chúng tôi đang ở đâu.
Tôi đi xuống sảnh chỗ có đài phun nước và bức tượng đồng của Lincoln nổi bật bên bức tượng sắp hàng chân dung các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Những người chịu trách nhiệm an ninh kiểm tra hộ chiếu của những vị khách đến thăm một cách sát sao. Họ để tôi đi qua với bộ mặt giám sát lạnh lẽo khiến tôi cảm thấy ánh mắt của họ theo ra đến tận cửa. Trong không khí ẩm lạnh của buổi sáng, tôi gọi một chiếc taxi và đưa cho người tài xế địa chỉ nằm không quá xa quảng trường Eaton, mạn Belgravia.
Bà cụ Mant sống ở khu Ebury Mews, trong một tòa nhà ba tầng được chia thành các căn hộ nhỏ. Tòa nhà xây bằng xi măng với ống khói màu đỏ chọc thẳng trên tấm lợp mái nhà nhiều màu. Những ô cửa sổ trồng đầy hoa thủy tiên, nghệ tây và trường xuân.
Tôi theo cầu thang lên tầng hai và gõ cửa. Tiếng trả lời bên trong không phải là của phó phòng giám định pháp y. Người đàn bà dáng vẻ đoan trang nhìn tôi bối rối không kém.
- Xin lỗi. - Tôi lên tiếng - Hình như căn hộ này đã được sang tên rồi.
- Không, xin lỗi, nhà này không bán. - Bà ta nói chắc chắn.
- Tôi đang tìm Philip Mant. Chắc là tôi nhầm...
- À, Philip là em trai tôi. - Bà ta cười dễ chịu - Cậu ấy vừa đi làm. Chị đến không đúng lúc rồi.
- Đi làm?
- Ồ phải. Cậu ấy luôn đi làm vào khoảng giờ này để tránh kẹt xe mà. Nhưng tôi không nghĩ là tránh được. - Rồi bà ta ngần ngại khi đột nhiên nhận ra người lạ trước mặt - Tôi có thể bảo với cậu ấy là ai đến được không?
- Bác sĩ Kay Scarpetta. Tôi cần gặp anh ấy có việc gấp.
- Tại sao lại không chứ. - Người đàn bà vừa có vẻ hài lòng vừa ngạc nhiên - Tôi đã nghe cậu ấy kể nhiều về chị. Em tôi rất quý chị và chắc chắn cậu ấy sẽ rất vui khi nghe tin chị đến. Cơn gió nào mang chị đến London thế này?
- Tôi không bao giờ bỏ lỡ cơ hội được ghé thăm nơi này. Không biết làm thế nào để tìm anh ấy bây giờ nhỉ?
- À thế này, chị đến nhà xác công cộng Wesminster ở đường Horseferry nhé.
- Vâng, tôi sẽ rất vui được gặp anh ấy.
Tôi không chắc mình đang nói gì nhưng người đàn bà có vẻ hài lòng.
- Đừng báo trước cho anh ấy là tôi đến nhé. - Tôi tiếp tục - Tôi muốn gây sự bất ngờ.
- Ừ, hay lắm. Chắc chắn cậu ấy sẽ rất bất ngờ.
Tôi gọi một chiếc taxi và cứ nghĩ mãi về việc có nên tin vào chuyện này được không. Cho dù lý do của Mant là gì đi chăng nữa thì tôi không thể không cảm thấy băn khoăn đôi chút.
- Bà đến tòa án Coroner ạ? - Người lái xe hỏi tôi - Đây rồi này. - Anh ta chỉ một tòa nhà bằng gạch khá đẹp.
- Không, tôi đến nhà xác.
- Thì cũng đến rồi đây. Chị nên đi bộ vào trong chứ đừng bắt xe chở vào nữa. - Anh ta cất giọng cười khàn khàn.
Tôi rút tiền ra trả trong lúc anh ta đỗ xe trước một tòa nhà nhỏ nhắn theo tiêu chuẩn của London. Tòa nhà xây bằng gạch và đá granite với một bức tường chân mái lạ mắt chạy dọc xung quanh. Dãy hàng rào bao bằng sắt được sơn màu đồng và chạm trổ cầu kỳ. Căn cứ theo ngày tháng ghi trên tấm biển ngoài cửa thì nhà xác này đã hơn trăm tuổi, và tôi thoáng nghĩ đến việc tiến hành giám định pháp y hồi đó kinh khủng đến thế nào. Sẽ có vài nhân chứng kể chuyện và tôi băn khoăn liệu thời đó người ta có nói dối ít hơn không.
Bộ phận lễ tân ở nhà xác nhỏ hẹp nhưng được sắp xếp một cách khoa học và đẹp mắt giống như bất cứ tiền sảnh nào của một doanh nghiệp bình thường. Cánh cửa mở dẫn tới một hành lang, và vì không thấy ai nên tôi cứ tiến thẳng, đúng lúc đó thì một phụ nữ từ trong phòng đi ra, hai tay ôm một đống sách to.
- Xin lỗi. - Cô ta hơi giật mình - Chị không được phép vào trong.
- Tôi đang tìm bác sĩ Mant.
Cô gái mặc một chiếc váy dài và áo len bó, giọng nói như người Scotland.
- Liệu tôi có thể nói với ông ấy là ai đang chờ được không? - Cô ta hỏi lịch sự.
Tôi chìa thẻ ra.
- Ồ, tôi biết rồi. Ông ấy đang mong chị đấy.
- Tôi không nghĩ thế đâu. - Tôi nói.
- Vậy ư? - Cô gái chuyển những quyển sách sang tay kia và trông có vẻ bối rối.
- Anh ấy là đồng sự của tôi ở bên Mỹ. - Tôi nói - Tôi đang muốn gây một bất ngờ nho nhỏ, vì thế liệu tôi có thể tự đi tìm anh ấy được không?
- Vâng ạ, chị vào phòng nhiễm độc nhé. Chị cứ đi theo lối này và sẽ thấy khu để đồ ngay bên trái phòng chứa xác. Mọi thứ chị cần đều ở đó, sau đó, rẽ trái lần nữa đi qua mấy cánh cửa nữa là đến. Đã rõ chưa ạ? - Cô gái mỉm cười.
- Cảm ơn.
Tôi tìm đến phòng để đồ và bắt đầu xỏ giày, đeo găng tay, khẩu trang và mặc áo choàng để tránh bắt mùi vào quần áo. Tôi đi ngang qua căn phòng lát đá hoa có sáu chiếc bàn làm bằng thép không gỉ và những chiếc tủ đông lạnh trắng lóa. Các bác sĩ mặc áo xanh có vẻ như sẽ bận rộn suốt cả buổi sáng ở nhà xác Westminster này. Tất cả ngước nhìn tôi khi thấy có người đi qua. Cuối cùng tôi cũng thấy người phó của mình trong đôi ủng cao su cao cổ, đang đứng trên bục để phẫu thuật một thi thể đã bị phân hủy trầm trọng mà tôi đoán là ở dưới nước đã lâu. Mùi hôi thật kinh khủng.
- Bác sĩ Mant. - Tôi gọi.
Anh quay lại và cảm giác như không biết tôi là ai hay là anh đang ở đâu nữa. Trông anh có vẻ như sốc nặng.
- Bác sĩ Scarpetta? Lạy Chúa tôi, sao lại có chuyện này chứ? - Anh nặng nề bước xuống bục, bởi lẽ thân hình cũng không nhỏ nhắn gì - Tôi bất ngờ quá. Tôi không biết phải nói gì nữa. - Anh lắp bắp, và đôi mắt thì ánh lên nỗi sợ hãi.
- Tôi cũng bất ngờ. - Tôi đáp bằng giọng chẳng vui vẻ gì.
- Tôi tưởng tượng được chị bất ngờ thế nào rồi. Đi thôi. Không nên đứng đây nói chuyện với cái xác chết trôi đáng sợ này. Thi thể này được tìm thấy trên sông Thames chiều hôm qua. Có vẻ như anh ta đã bị đâm trước đó nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm thấy danh tính của nạn nhân. Chúng ta nên đi ra sảnh thôi. - Anh có vẻ căng thẳng.
Philip Mant là một quý ông đứng tuổi lịch lãm với mái tóc trắng dày, lông mày rậm trên đôi mắt xám tinh anh và người ta không thể không yêu quý anh. Anh dẫn tôi ra khu phòng tắm để khử trùng bàn chân, tháo bỏ găng tay, khẩu trang và ném vào thùng rác. Sau đó chúng tôi đi lên sảnh, chỗ cửa hậu nhìn ra bãi đỗ xe. Cũng như mọi thứ khác ở London, màu xám đơn điệu trong căn phòng này cũng có lịch sử lâu đời của nó.
- Chị có muốn uống chút gì đó không? - Anh ta hỏi khi rút bao thuốc lá Players ra - Tôi biết chị không hút thuốc nữa nên sẽ không mời đâu.
- Tôi không cần gì cả trừ một vài câu trả lời của anh.
Bàn tay anh hơi run lên khi đánh que diêm.
- Bác sĩ Mant, nhân danh Chúa, anh ở đây làm gì thế? - Tôi bắt đầu - Anh về London chỉ vì gia đình anh có người mất thôi chứ.
- Đúng thế, một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
- Sự trùng hợp ngẫu nhiên? Ý anh là gì thế?
- Bác sĩ Scarpetta, tôi đang định đi thì mẹ tôi đột ngột qua đời và điều này khiến tôi dễ lựa chọn hơn.
- Thế nghĩa là anh không có ý định quay trở lại. - Tôi hỏi, tự nhiên thấy lòng day dứt.
- Tôi rất xin lỗi, nhưng không, tôi không quay lại đâu. - Anh gẩy tàn thuốc.
- Ít ra thì anh cũng phải nói với tôi để tôi đi tìm người thay thế chứ. Tôi đã cố liên lạc với anh mấy lần.
- Tôi không nói với chị và không gọi bởi vì tôi không muốn chúng biết.
- Chúng? - Câu hỏi của tôi như treo trong không gian - Chính xác thì anh đang nhắc đến ai, bác sĩ Mant?
Anh có vẻ rất căng thẳng khi hút thuốc, chân bắt chéo, và bụng phập phồng lồi lên cả thắt lưng.
- Tôi không biết chúng là ai, nhưng tất nhiên chúng biết chúng ta là ai. Điều đó khiến tôi lo sợ. Tôi có thể nói chính xác chuyện này bắt đầu từ khi nào. Hôm đó là ngày 13 tháng Mười, không biết chị có nhớ vụ này hay không.
Tôi không hiểu anh đang nói gì nữa.
- Bên Hải quân đã làm giám định pháp y vì có một xác chết ở bãi tàu Norfolk.
- Có phải cái người đã vô tình đâm vào bãi tàu cạn không? - Tôi mơ hồ nhớ lại.
- Chính đấy.
- Anh nói đúng. Đó là vụ bên Hải quân làm, không phải chúng ta. - Tôi bắt đầu đoán xem anh định nói những gì - Nói cho tôi biết chúng ta liên quan gì đến vụ đó?
- Chị thấy đấy, đội cứu hộ đã nhầm lẫn. - Anh tiếp tục - Thay vì vận chuyển xác chết đến bệnh viện Hải quân Portsmouth thì họ lại mang đến phòng của tôi và thằng nhóc Danny không biết điều đó. Nó cứ thế lấy máu, làm xét nghiệm, rồi ghi chép đủ thứ và trong quá trình làm việc đã phát hiện ra một thứ rất bất thường trong số những vật dụng cá nhân của người đã chết.
Tôi nhận ra rằng Mant vẫn chưa biết chuyện về Danny.
- Nạn nhân mang theo một chiếc túi vải. - Anh tiếp tục - Và đội cứu hộ đặt luôn nó lên thi thể rồi bọc tất cả lại bằng một tấm vải. Trông rất tệ, và tôi nghĩ rằng nếu không có điều đó thì chúng ta đã không có đầu mối.
- Đầu mối về cái gì?
- Cái anh chàng đã chết đó có một cuốn giáo lý tà ác mà sau tôi tìm hiểu thì thấy nó liên quan đến một giáo phái. Đó là hội Tân Phục Quốc Do Thái. Điều kinh khủng là quyển sách đó miêu tả chi tiết những vụ tra tấn, giết người vô cùng rùng rợn. Đối với tôi thì đó là một sự khủng bố tinh thần đáng sợ.
- Có phải nó có tên là Cuốn giáo lý của Hand không? - Tôi hỏi.
- Đúng thế. - Anh nhướng mắt.
- Nó được bọc da đen?
- Tôi nhớ là như vậy. Và cái tên in trên cuốn sách cũng kỳ quặc đến nỗi tôi biết chắc không phải là tên của người đã chết. Shapiro thì phải.
- Dwain Shapiro.
- Đúng rồi, thì ra chị cũng đã biết về chuyện này.
- Tôi biết về cuốn giáo lý nhưng không biết tại sao cái người đó lại có cuốn sách ấy. Bởi vì tất nhiên tên anh ta không phải là Dwain Shapiro.
Anh ngừng lại, xoa mặt.
- Tôi nghĩ tên anh ta là Catlett.
- Chắc hắn ta là kẻ đã giết Dwain Shapiro. - Tôi nói - Đó là lý do tại sao hắn lại có cuốn giáo lý.
Mant tỏ vẻ không hiểu.
- Khi tôi nhận ra có một sự nhầm lẫn ở đây, tôi đã bảo Danny chuyển tử thi đến Porthsmouth. Và tất nhiên toàn bộ các vật dụng cá nhân của con người tội nghiệp đó cũng được chuyển đi cùng anh ta.
- Nhưng Danny vẫn giữ quyển sách. - Tôi nói.
- Tôi e là vậy. - Anh nhoài lên trước để gẩy tàn thuốc vào chiếc gạt tàn trên bàn uống nước.
- Tại sao cậu ta lại làm vậy nhỉ?
- Tôi tình cờ bước vào phòng của nó, phát hiện ra cuốn sách mới vặn hỏi. Nó giải thích rằng vì cuốn sách có tên khác ở trên bìa nên chưa chắc đã phải là một phần của hiện trường. Có lẽ cái cặp là của người khác. - Anh ngừng lại - Chị thấy đấy, cậu ta là nhân viên mới vào và tôi chỉ nghĩ đơn giản đây là lỗi nhỏ thôi.
- Anh có thấy tay nhà báo nào gọi điện hoặc quanh quẩn ở văn phòng trong thời gian đó không? Hay có người nào đó hỏi thăm về nạn nhân đã chết ở bãi tàu chẳng hạn?
- Có đấy, một ông Eddings xuất hiện. Tôi nhớ rất rõ bởi vì anh ta rất quan tâm đến việc tìm ra mọi chi tiết, chính điều này làm tôi hơi bối rối. Vì theo như tôi biết, sau đó anh ta lại chẳng viết gì về chuyện đấy cả.
- Liệu Danny có tiết lộ điều gì với Eddings không?
Mant có vẻ đăm chiêu.
- Tôi đã nhìn thấy hai người nói chuyện với nhau. Nhưng cậu Danny trẻ tuổi chắc chắn hiểu rằng tốt hơn hết là không đưa ra bất kỳ một lời bình luận nào.
- Biết đâu cậu ta lại chẳng đã đưa cho Eddings quyển sách vì nghĩ rằng Eddings đang viết về những người Tân Phục Quốc Do Thái?
- Thực sự là tôi không biết. Tôi chưa nhìn thấy cuốn sách thêm một lần nào nữa và nghĩ rằng Danny đã trả nó về cho phía Hải quân. Tự nhiên tôi lại nhớ cậu bé này. Nhân tiện thì cậu ta bây giờ thế nào? Cái đầu gối của nó khá hơn chưa? Tôi vẫn gọi nó là Thằng Lò Cò đấy. - Anh cười.
Nhưng tôi không trả lời câu hỏi hay thậm chí là mỉm cười.
- Nói xem chuyện gì xảy ra sau đó nào? Điều gì đã làm anh sợ?
- Toàn những chuyện kỳ quặc. Vô cùng mệt mỏi. Tôi cảm thấy mình bị theo dõi. Rồi cô giám sát phòng của tôi ấy, chị có nhớ không, đột ngột bỏ việc mà không một lời giải thích. Và một hôm khi tôi đi ra bãi đậu xe thì thấy có máu dính đầy trên cửa kính ô tô. Tôi đã mang đi xét nghiệm và thấy đó là máu của lò mổ, kiểu máu bò ấy.
- Tôi đoán là anh đã gặp thám tử Roche? - Tôi hỏi.
- Không may là tôi chẳng thích thằng cha đó chút nào.
- Hắn có khai thác thông tin từ anh không?
- Hắn ghé qua, tất nhiên không phải vì chuyện giám định pháp y. Hắn chẳng có bụng dạ nào cho những chuyện đó đâu.
- Thế hắn muốn biết điều gì?
- Ồ, về cái xác chết mà nãy giờ chúng ta đang nói đến ấy. Hắn ta cứ hỏi về điều đó.
- Thế hắn có hỏi về những vật dụng cá nhân của nạn nhân không? Về cái túi vải đã vô tình đi theo cái xác đến phòng giải phẫu ấy?
Mant cố nhớ lại.
- Giờ chị hỏi tôi mới nhớ ra, đúng là hắn có hỏi về cái túi vải và tôi đã giới thiệu Danny cho hắn, tôi nhớ là như vậy.
- Chắc chắn Danny không bao giờ đưa nó cho hắn ta rồi. - Tôi nói - Hoặc chí ít thì cũng không đưa quyển sách, bởi vì sau đó cuốn sách vẫn xuất hiện.
Tôi không nói với anh cuốn sách đã xuất hiện như thế nào vì không muốn làm anh buồn.
- Cái cuốn giáo lý đẫm máu ấy chắc là phải cực kỳ quan trọng đối với kẻ nào đó. - Anh trầm ngâm.
Tôi dừng lại khi anh châm thêm điếu thuốc nữa, sau đó mới nói :
- Tại sao anh không kể cho tôi chuyện này? Tại sao anh chỉ biết trốn chạy mà không nói một lời?
- Nói thực là tôi không muốn chị bị lôi kéo vào vụ này. Hơn nữa chuyện đó nghe có vẻ hoang đường. - Anh ngừng lại và qua nét mặt anh thì tôi có thể khẳng định rằng anh đã đoán biết được về những sự việc tồi tệ đã xảy ra kể từ khi anh ta rời khỏi Virginia - Bác sĩ Scarpetta, tôi không còn trẻ nữa. Tôi chỉ muốn làm công việc của mình một cách yên bình lâu hơn chút nữa trước khi nghỉ hưu.
Tôi không muốn trách cứ anh thêm nữa, bởi vì tôi hiểu những việc anh đã làm. Thẳng thắn mà nói thì tôi không thể trách anh mà nên vui mừng vì anh đã ra đi mới phải, vì chỉ như thế anh mới bảo vệ được mạng sống của mình. Nực cười thay là anh lại chẳng nắm được thông tin gì quan trọng cả, và nếu như anh bị giết thì đó sẽ là một cái chết vô lý giống như Danny vậy.
Sau đó tôi mới kể sự thật. Hình ảnh chiếc đệm bọc đầu gối đỏ bầm như máu, và lá cây, rác rưởi bám đầy trên mái tóc đẫm máu vụt quay trở lại. Tôi nhớ nụ cười sáng bừng của Danny và sẽ không bao giờ có thể quên chiếc túi giấy nhỏ màu trắng cậu mang ra khỏi quán cà phê, nơi có con chó sủa đến tận nửa đêm. Trong trí nhớ của mình, tôi sẽ luôn nhìn thấy ánh mắt buồn bã và sợ hãi khi cậu giúp tôi phẫu thuật thi thể của Ted Eddings, người mà bây giờ tôi mới nhận ra là cậu đã quen biết từ trước. Hai con người rất trẻ này đã vô tình cùng đưa nhau đến cái chết thảm.
- Lạy Chúa. Thằng bé tội nghiệp. - Mant chỉ nói được có vậy.
Anh lấy chiếc khăn tay chậm lên mắt, và khi tôi đã đi rồi, anh vẫn còn khóc.