Thám tử rời sân khẩu - Chương 20 (hết)
Thám tử rời sân khẩu
Chương 20 (hết)
Ngày đăng 19-12-2015
Tổng cộng 20 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 19987 lượt xem
Ghi chú của đại úy Arthur Hastings
Bốn tháng sau cái chết của Hercule Poirot một văn phòng luật gia mời tôi đến gặp tại trụ sở. Tại đây, họ làm theo yêu cầu của khách hàng của họ, trao cho tôi một phong bì kín, bên trong có văn bản mà tôi chép lại sau đây:
Văn bản của Hercule Poirot
Bạn thân mến, khi anh đọc những dòng này, tôi đã mất được bốn tháng. Tôi chần chừ không muốn viết, nhưng sau lại thấy cần phải nói cho ai đó biết sự thật về những gì xảy ra ở Styles. Chắc rằng đến lúc đọc bài này, anh đã đặt ra đủ các loại giả thuyết một cách chật vật hòng đi đến kết quả.
Song xin nói để anh biết rằng lẽ ra anh đã sớm tìm ra sự thật, vì tôi đã cố ý cung cấp những dấu hiệu để dẫn anh tới đó. Nếu anh chưa tìm ra được, ấy là tại vì bản chất anh quá tin người, trước sau anh vẫn vậy!
Ít nhất anh cũng phải biết ai đã giết Norton chứ, dù là còn tù mù về cái chết của Barbara Franklin.
Nhưng hãy nói từ đầu. Tôi mời anh đến Styles, nói là tôi cần anh. Đó là sự thực. Tôi bảo anh phải là tai, là mắt cho tôi. Đó cũng là sự thực, nhưng có lẽ không hẳn theo nghĩa mà anh hiểu. Anh phải nhìn thấy những gì tôi muốn anh nhìn, nghe thấy những gì tôi muốn anh nghe.
Anh phàn nàn về chuyện tôi không nói thật hết với anh khi trình bày vụ việc. Đúng, tôi không chịu nói rõ lai lịch tên X. Nhưng tôi phải làm thế, mặc dù ở đây cũng vậy, lý do tôi viện ra với anh không phải là lý do thực. Lý do thực, rồi anh sẽ hiểu ngay bây giờ.
Tôi đã chuyển cho anh bản tóm tắt năm vụ án khác nhau. Tôi đã nêu bật nhận xét rằng trong mỗi vụ án đó, người bị kết án hoặc bị nghi ngờ dường như không phải thủ phạm thực. Tôi lại nêu rõ một điều quan trọng nữa, trong mỗi vụ, X đã có mặt tại chỗ hoặc ở quanh quẩn đâu đó. Anh đã vội suy diễn ngay ra một điều, trớ trêu thay, vừa đúng vừa sai. Anh nghĩ X là người đã trực tiếp phạm các tội ác đó.
Nhưng bạn ơi, hoàn cảnh xảy ra là trong mỗi vụ, duy nhất chỉ có người bị kết tội mới có cơ hội làm việc đó. Như vậy, sẽ giải thích sự có mặt của X như thế nào? Trừ phi là người có dính dáng đến cảnh sát hoặc là một nhóm người quyền chức sa đọa, rất khó cho một người nào lại dính liên tiếp đến năm vụ án khác nhau. Điều đó không thể xảy ra anh hiểu không? Không ai lại đến gặp anh mà nói: "Tôi trực tiếp quen biết năm kẻ giết người". Không, không thể có như vậy. Thực ra, chúng ta đứng trước một hiện tượng xúc tác kỳ cục. Phản ứng giữa hai chất chỉ xảy ra khi có mặt chất thứ ba, chất này có vẻ như không đóng vai trò gì và không hề bị biến đổi. Tình hình là như thế: khi X có mặt, là án mạng xảy ra, nhưng X không mó tay trực tiếp.
Đây là một tình hình kỳ lạ, hoàn toàn bất bình thường. Và tôi hiểu ra là vào cuối đời, mình đã gặp một hung thủ tạm gọi là "hoàn hảo" hắn đã thực thi một kỹ thuật tinh vi làm cho hắn không bao giờ có thể bị vạch mặt.
Kỹ thuật đó là đáng ngạc nhên, nhưng không mới. Đã có những trường hợp tương tự. Và đây là một chỉ dẫn đầu tiên tôi để lại cho anh. Vở kịch Othello. Trong kịch này, có một điển hình như hệt X. Đúng, Iago là tên giết người hoàn hảo. Cái chết của Desdémone, của Cassio rồi của cả Othello nữa, là những tội ác của Iago do hắn trù liệu. Vậy mà không ai chịu nghi ngờ hắn. Lẽ ra hắn còn được "tại ngoại" mãi, cho đến khi người đồng hương vĩ đại của anh - thi hào Shekaspeare - phải dùng đến một biện pháp thô thiển nhất, là đưa chiếc khăn tay ra mới lật mặt được hắn.
Phải, án mạng được nâng lên thành nghệ thuật hoàn hảo. Không có một lời kích động trực tiếp nào. Iago còn khéo léo ngăn mọi người chớ dùng bạo lực và gieo mối nghi ngờ vào lòng người khác rồi lại làm bộ gân cổ bác bỏ!
Cách làm ấy ta lại thấy trong màn ba tuyệt vời của vở John Fergueson, trong đó chàng ngố Clutie John kích động người khác giết người mà hắn không ưa. Kiểu gợi ý về tâm lý đó là một công trình tuyệt hảo.
Anh Hastings, anh cần hiểu điều này: mỗi người chúng ta đều là một hung thủ tiềm ẩn. Trong mỗi chúng ta thỉnh thoảng lại nỗi lên sự muốn giết nhưng không nhất thiết kèm theo sự dám giết. Đã bao lần ta nghe thấy người này người kia nói: "Mụ ấy làm tôi tức lộn ruột, muốn giết mụ ngay lập tức!" - "Tôi sẽ giết nếu nó dám nói thế!" - "Tôi ấy à, tôi sẽ bẻ gẫy cổ hắn!"
Nhưng lúc đó, ý của ta thật rõ ràng: muốn giết cho chết. Nhưng ta không làm việc ấy, vì lý trí ta không đồng tình với tình cảm. Ở trẻ nhỏ cái máy hãm lý trí ấy có khi không hiệu quả. Tôi biết một thằng bé bực mình với con mèo, thốt lên: "Nằm im, không tao đập cho một cái vào đầu chết tươi!". Nói rồi làm thật. Để sau đó mới hoảng hồn vì con mèo đẵ chết. Vì thật ra, thằng bé rất yêu con vật ấy.
Tóm lại trong mỗi chúng ta đều có một tên hung thủ nằm ngủ. Và nghệ thuật của X không phải chỉ gợi lên ý muốn mà còn thủ tiêu sự kháng cự của lý trí. Nghệ thuật đó được rèn giũa trải qua thực tế lâu dài. Hắn biết dùng một từ chính xác, một câu nói thích hợp, giọng nói tính toán làm sao để gây áp lực liên tục lên một điểm yếu! Trong khi đó, nạn nhân không ngờ vực chút nào. Đây không phải là thôi miên; thôi miên chưa chắc đã ăn. Nó là một cái gì lắc léo hơn, đáng sợ hơn: sự tập hợp tất cả sức lực của một con người để mở rộng một khe hở chứ không bịt nó lại.
Anh phải biết điều đó chứ, vì nó đã xảy ra với anh. Có thể anh đã bắt đầu hiểu ý nghĩ một số nhận xét của tôi mà anh cho là lạ. Khi tôi nói có một vụ án sắp xảy ra không phải lúc nào tôi cũng ám chỉ một vụ giống nhau. Tôi nói rằng tôi đến Styles nhằm một mục đích nhất định, vì ở đó sắp xảy ra án mạng. Và anh đã hết sức ngạc nhiên thấy tôi đoán chắc như thế. Nhưng sở dĩ tôi chắc như vậy, vì vụ án mạng đó sẽ do tôi tiến hành.
Phải, kỳ lạ thật, anh nhỉ. Và kinh khủng nữa. Tôi là người phản đối tội ác, người luôn luôn tôn trọng cuộc sống con người, thế mà tôi lại kết thúc sự nghiệp của mình bằng gây ra án mạng! Hay bởi tôi quá đạo đức giả, quá ý thức về sự ngay thẳng của mình mà cuối cùng phải đứng trước sự lựa chọn sinh tử đó. Vì, anh Hastings ơi, bao giờ cũng có mặt phải, mặt trái. Nhiệm vụ của đời tôi là cứu người bị oan, ngăn ngừa tội phạm và tôi chỉ có thể làm được việc đó bằng một cách duy nhất. Vì - anh chớ quên điều này - X không thể bị pháp luật trừng trị. Hắn có chỗ trú an toàn. Tôi không nghĩ ra cách nào khác khác để đánh bại hắn, buộc hắn vĩnh viễn không thể tác oai tác quái.
Song tôi vẫn do dự. Biết rõ cần làm gì, nhưng chưa dám quyết làm. Giống như Hamlet, tôi cứ trì hoãn mãi giờ phán xét cuối cùng. Thế là xảy ra một mưu toan khác, định làm hại bà Luttrell.
Tôi nóng chờ xem anh, vốn thính nhạy với sự thật hiển nhiên, lần này có hiểu ra không. Và anh đã hiểu: phản ứng đầu tiên của anh là nghi cho Norton, dù rất mơ hồ. Anh đã đoán đúng: Norton chính là người chúng ta tìm. Không có bằng chứng gì để xác minh giả thuyết đó, trừ một nhận xét dụt dè của anh rằng hắn là con người vô vị. Song lúc đó chính là lúc anh đã tới gần sự thật.
Tôi đã nghiên cứu kỹ lai lịch của hắn. Hắn là con của một bà mẹ độc đoán và áp chế, nên không lúc nào hắn có dịp tự khẳng định hoặc áp đặt tính cách của mình cho ai. Hắn bị tật nhẹ ở chân, nên ngay lúc đi học không tham gia tích cực được vào các trò chơi của bạn học.
Một điều có ý nghĩ mà anh kể lại với tôi là hắn bị bạn bè chế nhạo vì buồn nôn khi nhìn con thỏ bị lột da. Tôi cho rằng chuyện ấy đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng hắn. Hắn sợ máu và bạo lực, nên bị "kém thớ". Trong tiềm thức, hắn chờ dịp để tự khẳng định, báo thù lại bằng cách tỏ ra táo bạo, thậm chí tàn ác.
Tôi hình dung hắn sớm nhận ra mình có khả năng gây ảnh hưởng tới người khác. Hắn biết bình tĩnh lắng nghe, gợi được cảm tình, mọi người không chú ý hắn lắm, song không ghét bỏ. Hắn nhận ra là nếu dùng những lời thích hợp và nhấn vào đúng chỗ, thì rất dễ gây ảnh hưởng tới người khác. Chỉ cần hiểu họ, nắm được ý nghĩ của họ,lường trước những phản ứng và những ý nghĩ âm ỉ của họ.
Anh có thấy không, một sự khám phá như vậy làm cho hắn có cảm giác như thế nào về quyền lực của mình! Hắn là Stephen Norton, người vừa được yêu mến vừa bị coi thường, nay có khả năng thúc đẩy người khác làm những việc họ không muốn làm hoặc tưởng là không muốn làm.
Tôi hình dung hắn bắt đầu đem cái sở trường đó ra thực hành, rồi lâu dần thành quen, thích thú với việc thông qua nguời khác để gây ra những hành vi bạo lực, những việc mà hắn không tự làm được vì thiếu sức mạnh thể chất.
Và cái trò quỷ đó cứ lên mãi thành niềm đam mê, không làm không được. Như một thứ ma túy, nghiện rồi không thể bỏ. Norton con người vốn bản tính hiền lành, trở thành tên bạo sát dấu mặt. Giống như người nghiện, hắn phải có suất tiêm chích hằng ngày, luôn tìm hết nạn nhân này tới nạn nhân khác. Tôi tin là con nhiều vụ khác, ngoài năm vụ mà ta đã biết. Và trong mỗi vụ, hắn đều có vai trò giống nhau. Hắn quen biết Etherington; hắn đã ở suốt mùa hè ở cái làng Riggs ở,thỉnh thoảng uống rượu với anh này ở quán. Trong một chuyến du ngoạn, hắn làm quen với Freda Clay và làm như nói chuyện bâng quơ, đã gợi ý cho cô ta thấy nếu bà cô chết đi thì nhất cử lưỡng tiện: chẳng những bà già được giải thoát, mà cô sẽ được sống ung dung, thoải mái. Hắn cũng là bạn của Litchfield, và gợi cho Margaret thấy nếu giải thoát được cho các em gái, cô sẽ là người hùng. Tôi tin là, không ai trong số những người đó sẽ giết người, nếu không bị Norton tác động.
Bây giờ ta trở lại những sự kiện ở Styles. Tôi đã theo dõi Norton một thời gian. Và khi hắn làm quen với Franklin, tôi thấy ngay mối nguy. Với Norton, vợ chồng Franklin mở ra những khả năng rất thú vị, có thể nói là đủ các loại khả năng. Bây giờ thì chắc anh đã hiểu điều mà bất cứ người nào đầu óc bình thường phải hiểu ngay, đó là Franklin và con gái anh yêu nhau. Cử chỉ bất thường của bác sĩ, cái cách ông ta không bao giờ nhìn thẳng vào Judith, bỏ qua mọi kiểu đối xử xã giao với Judith, tất cả những cái đó phải cho anh thấy là ông ta yêu con gái anh. Nhưng đó là một người có nghị lực và thẳng thắn. Có thể ăn nói hơi cục cằn, nhưng có những nguyên tắc nhất định. Theo ông, người chồng phải chung thủy với người vợ mình đã chọn.
Về phía Judith nó mê tít ông bác sĩ. Tôi tưởng anh đã biết chuyện ấy rồi, và Judith cũng tưởng thế, cái hôm anh gặp nó trong vườn hồng. Do đó nó với cáu kỉnh. Tính cách như nó không chịu để ai thương hại, thậm chí thông cảm.
Rồi Judith hiểu là anh tưởng nó yêu Allerton, và nó không cần đính chính, cứ để mặc cho khỏi gây lôi thôi. Nó chấp chới với Allerton như để tìm trong đó một niềm an ủi tuyệt vọng, mặc dù biết Allerton là loại người nào. Nó chỉ đùa cợt thế thôi, chứ không hàm ý tình cảm gì.
Tất nhiên Norton hiểu tất cả, hắn dự kiến khai thác tình hình đó. Tôi cho là hắn đã tìm cách ảnh hưởng đến Franklin, nhưng thất bại. Bác sĩ là loại người duy nhất không chịu tác động gì từ phía Norton. Ông có trí óc cực kỳ tỉnh táo. Hơn nữa, niềm đam mê lớn nhất đời ông là công việc.
Với Judith, Norton thành công hơn bằng cách khéo léo khích cái lý thuyết về những cuộc đời vô dụng. Judith thành thật tin vào thuyết này, và hắn tỏ ra cực kỳ gian manh, làm bộ chủ trương thuyết trái lại và nói khích Judith, cho là cô ta không đủ táo bạo để đưa lý thuyết vào thực hành. "Đó là loại lý thuyết ta hay có lúc trẻ, nhưng không bao giờ dám thực hiện". Cách nói ấy mang tính kích động thô thiển, ấy vậy mà có khi hiệu quả. Bọn trẻ ấy mà, chúng còn non nớt quá!
Nếu bà Barbara vô dụng bị loại trừ, con đường với Franklin và Judith sẽ rộng mở. Điều ấy không được nói toạc ra, người ta còn bản rằng lý thuyết này không ám chỉ trường hợp cá nhân nào, vì nếu Judith biết là có ám chỉ, nó sẽ phản ứng quyết liệt.
Nhưng với một môn đệ của tội ác như Norton thì một vụ là chưa đủ. Hắn đã tìm ra một chỗ nữa để thử tài, đó là vợ chồng Luttrell.
Ta hãy quay trở lại trước nữa. Hastings, anh có nhớ ván bài anh tham gia tối hôm mới đến. Sau ván bài, Norton đã nói mấy câu rất to khiến anh lo là ông đại úy nghe thấy. Nhưng đó là hắn cố tình muốn vậy: Luttrell phải nghe thấy! Norton không bỏ lỡ cơ hội nào để bình phẩm tính cách bà Luttrell, cố tình nhấn mạnh một cách tự nhiên. Và cuối cùng ý đồ của hắn đã thành kết quả. Việc ấy xảy ra ngay trước mũi anh, mà anh không hay biết. Nền móng của sự việc đã được sắp đặt sẵn: sự áp bức quá đáng của bà vợ, sự xấu hổ, bực bõ của ông chồng...
Anh hãy thử nhớ chính xác mà xem. Norton kêu khát. Hẳn là hắn biết bà Luttrell đang ở quanh đó và chắc chắn sẽ ra mặt. Ông đại tá đáp ứng ngay, tỏ rõ bản chất chủ nhà rộng rãi của mình. Ông xin đãi một chầu rượu và vào tìm chai. Các anh đều ngồi gần cửa sổ. Bà Luttrell bước vào phòng ăn, thế là xảy ra cuộc cãi vã, chì chiết. Luttrell biết là mọi người nghe thấy hết. Ông ta trở vào. Lẽ ra mọi người phải tìm cách xoa dịu sự việc. Hoặc Boyd Carrington, hoặc chính anh, Hastings có thể làm điều đó. Nhưng Norton đã cướp lời, và khéo léo đổ thêm dầu vào lửa. Hắn nói trở lại về ván bài - làm Luttrell cảm thấy mình bị lấn át - rồi nói chuyện tai nạn đi săn. Thế rồi, cái ông Boyd Carrington đần độn vô tình mắc bẫy, lao ngay vào kể chuyện tên cận vụ giết ông anh của mình. Câu chuyện đó, chính Norton đã để cho Boyd, hắn biết rằng Boyd sẽ kể lại như là của chính mình vào lúc nào có người khéo gợi. Thành ra gợi ý cuối cùng không phải do Norton nói ra!
Vậy là mọi thứ đã được dọc sẵn. Và điểm bùng nổ đã tới. Bị sỉ nhục trước mặt mọi người, nghĩ rằng ai nấy đều cho mình là thiếu dũng khí chống lại, ông Luttrell nghĩ cách để thoát ra. Thì đấy - có ngay những chuyện tai nạn đi săn, chuyện anh lính giết anh ruột. Rồi bất thần đằng cuối vườn, sau lùm cây, thấp thoáng cái đầu của bà vợ... không sợ gì cả... coi như tai nạn... Ta phải tỏ cho họ biết ta là ai... cho bà ấy chết cho xong!
Nhưng bà ấy không chết. Tôi cho là, lúc bóp cò, ông ta đã bắn trượt bởi trong thâm tâm, ông muốn bắn trượt. Lập tức ý tưởng phản ứng tan ra mây khói. Bởi vì dù thế nào, ông ta vẫn yêu vợ.
Đó là một trong những vụ án mạng mà Norton đã dự liệu không thành. Nhưng còn âm mưu tiếp theo! Hastings biết không, lần này hắn nhằm vào anh đó! Hãy nhớ lại đi, ông bạn thật thà ạ. Norton đã thấy ra tất cả các điểm yếu của anh, và cả những tính tốt của anh là ngay thẳng và đạo đức.
Allerton thuộc loại người mà anh căm ghét và e ngại một cách tự nhiên, như cólinh tính. Và những điều anh nghĩ về hắn, biết về hắn, đều đúng. Norton liền kể anh nghe một câu chuyện khác - chuyện này có thực, theo như tôi biết - về một con gái bị Allerton tình phụ.
Chuyện đó ngay lập tức gây ấn tượng mạnh với anh. Allerton đúng là thằng tồi, thằng đểu chuyên quyến rũ, cưỡng bức con gái, dồn họ đến chỗ phải tự vẫn. Mặt khác, Allerton gợi ý Boyd Carrington nói chuyện với anh về Judith. Và anh cảm thấy cần nói chuyện nghiêm chỉnh với con gái. Và, như anh đã lường trước, nó cãi lại, nói rằng việc đời nó, nó lo. Anh càng cuống.
Giờ anh hãy bình tĩnh xem xét Norton đã lợi dụng những gì ở anh: tình yêu con gái, ý thức trách nhiệm của người cha... anh tự nhủ: "Ta phải hành động ngay, kẻo hối không kịp". Anh lại nghĩ đến vợ, thấy không thể lẩn tránh trách nhiệm trông nom con cái mà người vợ yêu quý đã để lại. Còn có cả sự ghen tuông tự nhiên và vô lối của phần lớn các ông bố khi có kẻ địch cướp con gái mình. Thấy chưa, Norton đã nhấn vào những phím đàn nhạy cảm, đúng là một nhạc trưởng bậc thầy. Và anh cứ thế lao vào.
Hastings, anh có tật cả tin vào bề ngoài của sự vật. Chẳng suy nghĩ gì, anh tin ngay là Allerton hẹn gặp Judith hôm sau ở London. Nhưng anh không nhìn thấy Judith, không nghe Judith nói. Vậy mà sáng sớm hôm sau, anh vẫn còn tin như thế, và tỏ ý mừng là Judith đã đổi ý.
Song nếu anh chịu khó xem xét, anh sẽ thấy ngay là Judith không hề có ý định đi đâu hôm đó. Và anh cũng bỏ qua không thấy một sự việc nhỏ khác; có một người định đi hôm đó, nhưng không đi được, nên tỏ ra vô cùng bực dọc. Đó là cô Craven y tá. Đúng thế! Allerton không chỉ tán tình một phụ nữ. Quan hệ giữa hắn và cô Craven đã tiến triển khá xa, xa hơn nhiều so với việc hắn lơ mơ tí chút với Judith. Và người hắn hẹn gặp ở London chính là cô ta!
Một mẹo nữa của Norton. Anh trông thấy Allerton hôn Judith, Norton liền thúc anh đi vòng quanh góc nhà, vì hắn biết Allerton hẹn hò cô Craven gần nhà kính. Sau khi làm bộ níu anh lại, Norton để anh đi. Nhưng hắn đi theo anh. Hắn hiểu câu nói mà anh vừa nghe được từ miệng Allerton góp thêm thuận lợi vào kế hoạch của hắn. Cho nên hắn vội kéo anh đi nhanh để anh không kịp nhận ra rằng người phụ nữ ở đó không phải là Judith.
Đúng là mưu mẹo bậc thầy! Phản ứng của anh là tức thời: anh quyết giết Allerton. May thay, anh có một người bạn trí óc còn minh mẫn. Và không chỉ trí óc mà thôi, như anh sắp thấy đây. Ngay ở đầu bản viết này, tôi đã nói anh không tìm ra sự thật, vì tính anh dễ tin quá. Ai nói gì, anh tin ngay. Tôi, tôi nói gì, là anh tin.
Song tìm ra sự thật, đâu có khó với anh. Tôi đã đuổi George đi. Tại sao? Thay bằng một anh hầu ít từng trải hơn, và rõ ràng kém thông minh hơn. Tại sao? Tôi vốn là người rất chăm lo súc khỏe, tôi không để bác sĩ nào theo dõi, và từ chối không chịu để bác sĩ nào khám như anh khẩn khoản yêu cầu. Tại sao?
Bây giờ thì anh hiểu tại sao tôi cần anh đến Styles chứ? Tôi cần có một người tin như đinh đóng cột tất cả những gì tôi nói. Tôi nói đi dưỡng bệnh ở Ai Cập về, sức khỏe vẫn tồi như trước. Anh tin. Thựa ra là sai: tôi trở về Anh khá hơn rất nhiều. Chịu khó để ý một chút, anh sẽ thấy ngay. Nhưng không, anh đã tin. Sở dĩ tôi chia tay với George, là vì nếu nó ở lại, tôi không thể nói dối với nó rằng chân tôi bị liệt. Hastings, anh hiểu chưa? Tôi giả vờ bị tật, đánh lừa tất cả mọi người, kể cả Curtiss, thực ra tôi vẫn đi lại được. Hơi tập tễnh môt chút.
Rồi đến cái tối đáng nhớ đó, tôi nghe tiếng chân anh lên gác, chần chừ một lát rồi lẻn vào phòng Allerton. Tôi cảnh giác ngay, vì đang rất lo cho tâm trạng của anh. Curtiss đang xuống ăn dưới nhà, tôi có một mình. Không bỏ phí một giây, tôi ra khỏi phòng, băng qua hành lang. Tôi nghe tiếng anh làm gì trong buồng tắm của Allerton, và phải dùng cái cách mà anh thường phản đối - quỳ xuống nhìn qua lỗ khóa. May quá, chìa không có trong ổ. Và tôi nhìn thấy anh. Anh mó máy mấy cái lọ, và tôi hiểu ngay anh đang mưu đồ gì.
Phải hành động ngay. Tôi trở về phòng mình chuẩn bị các thứ. Lúc Curtiss lên, tôi sai hắn sang tìm anh. Anh vừa vào vừa ngáp, nói là đau đầu. Tôi liền gây chuyện rối tinh, yêu cầu anh phải uống thuốc. Để cho xong chuyện, anh đồng ý uống một tách sôcôla thật ngọt. Anh uống một ngụm hết, vì đang vội về. Có điều là, tôi cũng biết dùng những viên thuốc ngủ!
Về phòng, anh đã ngủ ngồi trên ghế. Sáng hôm sau thức dậy, trí óc anh tỉnh táo trở lại, bây giờ anh mới phát hoảng vì chuyện tày đình định làm. Thế là anh thoát hiểm, vì không thể nào lặp lại việc ấy lần thứ hai khi người ta đã lấy lại lý trí.
Nhưng điều ấy đã làm tôi, tôi phải quyết định. Vì tất cả những gì tôi biết về những người khác không áp dụng với anh. Anh không phải kẻ giết người, thế mà suýt nữa bị kết tội giết người, vụ giết này do người thứ ba chủ trương, nhưng hắn hoàn toàn vô tội trước pháp luật. Anh người trung thực, thật thà, tận tụy, đáng kính như thế, mà cũng suýt nhúng tay vào tội ác!
Vậy tôi phải hành động ngay. Tôi biết mình không còn nhiều thời gian nữa, nhưng xét cho cùng, như thế lại tốt. Vì cái mệt nhất, ấn tượng nhất trong một vụ án mạng là tác động của nó đối với hung thủ. Mọi việc dẫn đến chỗ là tôi, Hercule Poirot tự thấy mình như một người được Thượng Đế chỉ định để trừng phạt những người khác. May thay, điều đó sẽ không xảy ra, vì đã đến lúc tôi cũng sắp phải ra đi. Nhưng tôi sợ Norton lại thàng công nữa cái trò ma quái của hắn khi nhằm vào một người thân của cả anh và tôi. Đó là con gái anh.
Và bây giờ, ta nói đến cái chết của Barbara Franklin. Dù anh nghĩ thế nào mặc anh, tôi cho là anh chưa lúc nào ngờ tới sự thật. Vì Hastings ơi, chính anh đã giết Barbara. Phải, chính anh. Vì thực ra, còn một khía cạnh khác của hình tam giác một khía cạnh mà tới lúc đó, tôi chưa quan tâm đúng mức. Cả anh cả tôi đều không phát hiện hành tung của Norton theo hướng đó. Song tôi tin rằng hắn đều đã thực hiện cả.
Anh có bao giờ tự hỏi, tại sao bà Franklin lại muốn đến ở Styles? Nơi này đâu phải là chỗ thích hợp với bà. Bà thích tiện nghi, thích ăn ngon, thích chơi bời giao thiệp... ở Styles làm gì có những thứ đó. Nhưng bà lại cố đòi đến nghỉ hè tại đây. Đó là, như tôi đã nói, còn một cạnh khác của hình tam giác: Boyd Carrington.
Bà Franklin là một phụ nữ bị vỡ mộng, đó là nguyên nhân khiến bà bi tâm thần. Bà ôm nhiều tham vọng về bậc thang xã hội và về tài chính. Bà lấy bác sĩ Franklin hy vọng ông có tương lại, sự nghiệp xán lạn. Ông đúng là người xuất sắc theo kiểu ông, nhưng không như vợ mơ ước. Ông có tài, nhưng chẳng bao giờ được báo chí nói đến, chẳng bao giờ có nổi một phòng khám bệnh tư ở phố Harley. Ông chỉ được dăm bảy đồng nghiệp biết tiếng, và đăng các công trình khoa học của mình trên những tạp chí thông thái không mấy người đọc. Và ông sẽ không bao giờ giàu có.
Nhưng rồi Boyd Carrington từ phương Đông về, lại mới được phong tước hiệu, thừa kế một dinh cơ đồ sộ và gia tài lớn. Ông ta vẫn giữ trong lòng tình cảm thắm thiết với cô gái mười bảy tuổi hồi xưa, mà ông suýt hỏi làm vợ. Ông ta định nghỉ tại Styles - trong khi chờ công việc trùng tu dinh thự Knatton hoàng thành - và gợi ý mới vợ chồng Franklin cùng tới nghỉ. Barbara đồng ý ngay.
Hiển nhiên là dưới mắt người đàn ông giàu có và tráng kiện này, bà Franklin vẫn còn đầy xuân sắc và hấp dẫn. Song ông thuộc người của thế hệ trước, không thể xui bà ly dị chồng. John Franklin cũng không chấp nhận ly hôn. Nhưng nếu ông ta chết đi, Barbara Franklin có thể trở thành phu nhân Boyd Carrington hạnh phúc xiết bao.
Và tôi hình dung Norton đã nhìn thấy ở bà một công cụ dễ sai khiến.
Bây giờ ngẫm lại, sao mà mọi việc rõ ràng quá. Hãy nhớ lại bà Franklin luôn tỏ ra mình gắn bó như thế nào với chồng, còn tô đậm thêm, nói muốn chết để khỏi là gánh nặng cho chồng. Sau đó bà lại dùng chiến thuật khác: giả bộ lo lắng rằng chồng sẽ tự lấy thân mình làm thí nghiệm với các chất độc.
Phải, lẽ ra ta phải thấy rõ! Bà ta chuẩn bị tư tưởng để mọi người thấy Franklin chết vì chất physostigmine. Ồ! Không có ai đầu độc ông ấy đâu! Chỉ là thí nghiệm khoa học. Ông ấy dại dột ống thử chất ancalôít đó, rồi tử nạn.
Nhưng rồi, dồn dập có diễn biến. Chính anh cho tôi biết bà Franklin rất không bằng lòng thấy lúc họ đi Knatton về, Boyd Carrington để cho cô Craven xem tướng tay. Cô y tá này còn trẻ và khá hấp dẫn, rất khéo làm duyên với đàn ông. Cô đã thử bắt tình với bác sĩ Franklin, nhưng không xong. Vì thế cô ta ghen ghét với Judith. Cô ta lại bắt tình với Allerton, dù biết anh này là người không đúng đắn. Và cuối cùng cô ta xoay sang để ý đến Boyd Carrington, ông này còn đẹp mã lắm. Mà ông ta thì có lẽ sẵn sàng xiêu lòng, vì anh thấy rồi đấy, ông đã từng khen cô y tá là người tươi tắn, đáng yêu.
Vì thế bà Barbara sinh lo và quyết định ra tay sớm.
Hastings anh biết không, tôi cảm thấy cây đậu calabar thật là đáng nể. Lần này, nó đã thực sự phát huy quyền lực: tránh người vô tội, đánh kẻ ác tâm.
Tối hôm đó, bà Franklin mời mọi người lên uống cà phê trong phòng mình, và bà ta đã chuẩn bị sẵn thuốc độc. Theo lời anh nói lại, tách của bà đặt ngay cạnh bà, còn tách ông chồng đặt phía bên kia tủ sách nhỏ.
Rồi có chuyện ra xem sao đổi ngôi. Mọi người đổ xô ra ban công. Mình anh ở lại, lúi húi điền ô chữ và ngẫm nghĩ. Và anh xoay cái tủ sách để tìm một câu viết của Shakespeare.
Mọi người trở vào. Bà Franklin uống tách cà phê lẽ ra dành cho chồng, còn chồng lại uống tách của bà Barbara.
Tôi đã hiểu ngay chuyện gì đã xả ra, nhưng không thể chứng minh. Song nếu người ta cho bà Franklin chết không phải do tự tử, thì mọi nghi ngờ sẽ tập trung vào Franklin và Judith. Nghĩa là vào hai người hoàn toàn vô can.
Vì thế tôi nghĩ mình có quyền bịa ra chuyện trông thấy bà Frankin cầm lọ trong tay và nhắc lại những lời bà thường than vãn - dù là vờ vĩnh - muốn chết cho xong.
Có lẽ tôi là người duy nhất làm thế được, vì tôi được tiếng là có kinh nghiệm về hình sự, lời chứng của tôi nhất định có sức nặng. Tôi nói là tự tử, mọi người chấp nhận ngay và tỏ vẻ hài lòng. Nhưng, trời ơi, anh không hề nghi vấn gì vì mối hiểm nguy thực sự. Tôi chết đi rồi, anh còn suy nghĩ đến nó nữa không, như con rắn độc thỉnh thoảng ngóc đầu dậy và ton hót: "Hay Judith đã làm việc đó...".
Có thể lắm. Vì vậy tôi quyết định phải viết ra. Cần phải để cho anh biết rõ sự thật.
Có một ngưới khác không hài lòng về kết luận tự tử; đó là Norton. Vì hắn cảm thấy bị lấy mất "thành tích". Như tôi đã giải thích bên trên, hắn là một tên bạo sát, muốn hưởng tất cả lạc thú của sự kinh hoàng, ngờ vực, khiếp sợ mà vụ giết người gây ra. Đằng này không thế. Vụ giết người mà hắn dự tính đã xoay chuyển một cách thảm hại, không theo ý hắn.
Tuy nhiên hắn tính được ngay cách để đền bù. Và hắn lại bắt đầu ton hót, lắt léo. Mấy hôm trước, hắn đã làm bộ nhìn thấy điều gì bất thường qua ống nhòm. Lúc đó hắn định để anh tưởng là Allerton và Judith trong tư thế thân mật nào đó. Nhưng do không nói rõ hắn có thể sử dụng sự việc đó theo cách khác. Ví dụ, hắn sẽ nói đã trông thấy Franklin cặp kè với Judith. Như vậy sẽ chiếu thêm ánh sáng mới - rất thú vị - lên cái chết của Barbara và gây nghi ngờ rằng bà này chết không phải vì tự tử.
Vì thế, tôi quyết định ra tay ngay lập tức. Tôi nhờ anh bảo Norton đến gặp tôi tối hôm đó.
Bây giờ tôi sẽ kể chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi. Hẳn Norton khấp khởi sẽ nói những gì hắn muốn để đánh lừa tôi. Tôi không để hắn kịp nói. Tôi nói toạc không vòng vo, những gì tôi biết về hắn và hành động của hắn. Hắn không chối điều nào. Hắn bình thản ngồi trên ghế, mỉm cười một cách mãn nguyện thách thức. Rồi hắn hỏi tôi định làm gì? Tôi đốp chát trả lởi luôn là tôi muốn chặn tay hắn lại, trừng trị hắn.
- A! Hắn ngạo nghễ. Bằng lưỡi dao hay bằng thuốc độc?
Lúc đó, chúng tôi đang chuẩn bị uống sôcôla. Hắn vốn nghiện món này mà.
- Cách đơn giản nhất, là một chén thuốc độc.
Và tôi đưa hắn tách sôcôla vừa rót. Hắn nói:
- Nếu vậy, tôi muốn uống tách kia cơ, tách của ông, được không?
- Không sao, tôi đáp.
Quả là không sao thật. Như đã nói, tôi cũng hay dùng thuốc ngủ. Nhưng vì từ lâu tối nào cũng dùng, nên cơ thể tôi đã quen, liều đối với tôi không nghĩ lý gì, vẫn làm Norton ngủ mệt. Tôi đã cho thuốc ngủ vào liễn sôcôla, cả hai chúng tôi cùng uống. Tách của Norton sau đó sẽ có tác dụng, còn tác dụng rất ít đối với tôi, nhất là sau đó tôi lại uống một thuốc khác để trung hòa.
Chúng ta sắp tới chương cuối. Khi Norton đã thiếp đi, tôi đặt hắn lên xe lăn của tôi, đẩy sát vào góc cửa sổ, phủ rèm che. Rồi Curtiss đến, giúp tôi lên giường. Chung quanh yên tĩnh rồi, tôi nhỏm dậy, đẩy Norton về phòng của hắn. Bây giờ chỉ còn trông vào tai mắt của ông bạn hastings nữa là xong.
Chắc anh không để ý, tôi đã mang tóc giả từ nhiều năm nay. Và anh càng không biết nữa, là râu mép của tôi cũng giả. (Ngay George cũng không biết việc này). Thật vậy, ngay sau khi mượn Curtiss, tôi đã cố tình vô ý làm cháy râu, và cho thay bằng râu giả y hệt.
Tôi liền khoác bộ áo ngủ của Norton, bộ áo này màu sắc đặc biệt không lẫn vào đâu được. Tôi làm cho tóc bù xù lên giống Norton, đi dọc hành lang, đến gõ cửa phòng anh. Đúng như tôi dự đoán, anh mở cửa nhìn ra ngoài, mắt còn ngái ngủ. Và anh nhìn thấy Norton từ phòng tắm đi ra, tập tễnh băng qua hành lang để về phòng. Cửa đóng rồi, anh còn nghe tiếng chìa khóa xoay trong ổ.
Tôi liền cởi bỏ bộ áo, mặc lại cho Norton đang ngủ. Sau đó tôi bê hắn lên giường trừng phạt hắn bằng khẩu súng nhỏ tôi có từ khi ở nước ngoài. Từ khi đến Styles tôi đã cất giấu cẩn thận, trừ hai hai lần tôi biết Norton đang đi chơi xa, tôi mang súng cố tình đặt hớ hênh trên bàn của hắn, để cô hầu phòng nhìn thấy mà khai sau này.
Tồi tôi bỏ chìa khóa vào túi Norton, lấy lại xe lăn, khóa cửa lại bằng chiếc khóa thứ hai mà tôi đã cho làm từ trước.
Từ lúc ấy tôi lo thảo văn bản này dành cho anh. Tôi mệt lắm rồi: bao cố gắng nỗ lực đã làm tôi kiệt sức, và chắc chẳng còn bao lâu nữa tôi sẽ...
Tuy nhiên, còn một số chi tiết nữa tôi cần nói rõ.
Các vụ giết người do Norton chủ trương là những tội ác hoàn hảo, còn vụ giết người của tôi không được như thế.
Cách dễ nhất, tốt nhất để thủ tiêu Norton là làm công khai, ví dụ gây ra một vụ tai nạn với khẩu súng của tôi. Lúc đó tôi sẽ giả bộ hốt hoảng, tiếc nuối, và mọi người sẽ bình phẩm: "Ông già thật lẩm cẩm, không nhớ là súng đã lên đạn."
Tôi không muốn làm như vậy, và xin giải thích lý do.
Bởi vì tôi muốn "chơi đẹp" như trong thể thao.
Đúng, anh không đọc nhầm đâu. Lúc này tôi đang làm tất cả nhưng việc mà anh đã trách tôi không chịu làm. Tôi đang nói toẹt ra với anh. Thực ra anh đã có đủ các quân bài chủ trong tay để khám phá sự thật. Nếu còn chưa rõ, tôi xin kể sau đây những chỉ dẫn mà tôi đã để lại cho anh.
Anh biết, vì tôi đã nói với anh là Norton đến đây sau tôi. Anh biết vì tôi đã nói với anh rằng sau khi tôi đến Styles chìa khóa phòng tôi bị mất và tôi phải làm một chìa khác.
Vì vậy, khi anh tự hỏi: "Ai có thể giết Norton? Ai có thể đi ra khỏi một phòng đã khóa từ bên trong?" thì câu trả lời là như sau:
- Là Hercule Poirot, vì hắn có chiếc chìa khóa thứ hai của một trong hai phòng.
Bây giờ tôi nói về người anh trông thấy ngoài hành lang. Tôi đã hỏi anh có chắc là Norton không. Anh tỏ vẻ ngạc nhiên về câu hỏi ấy và hỏi tôi chẳng nhẽ tôi cho là người khác. Tôi đã trả lời đúng sự thật; đó không hề là ý định của tôi (tất nhiên, vì tôi đã phải thi thố nhiều mẹo để làm anh tưởng đó là Norton). Tiếp đó tôi đã nêu vần đề vóc dáng và đưa ra nhận xét rằng tất cả những người ở Styles đều cao hơn hắn. Nhưng có một người thấp hơn đó là Hercule Poirot. Song muốn cao hơn hai ba phân thì quá dễ: chỉ cần độn thêm đế vào giầy.
Anh cũng hoàn toàn cho rằng tôi không thể đi lại một mình. Nhưng tại sao? Chỉ tại tôi bảo anh như thế. Cuối cùng, tôi đã cho George về, và để lại chỉ dẫn cuối cùng: "Hãy đi gặp George".
Othello và Clutie John nói lên rằng tên X bí mật ấy không ai khác ngoài Norton.
Vậy ai là người có thể giết Norton? Chỉ là Hercule Poirot!
Chỉ cần anh thoáng ngờ vực như vậy là mọi mảnh sẽ khớp lại với nhau: những điều tôi đã nói và làm, cả những điều tôi dè dặt chưa nói, lời các bác sĩ Ai Cập và bác sĩ London nói là tôi không đi lại được, lời George nói là tôi mang tóc giả, và việc tôi đi tập tễnh hơn cả Norton. Tất cả chi tiết đó lẽ ra phải làm anh hiểu.
Cuối cùng, có phát súng tôi bắn: đây là điểm yếu duy nhất của tôi. Tôi thừa biết rằng đáng lẽ phải áp nòng súng vào thái dương Norton. Nhưng tôi khó chấp nhận sự mất cân xứng ấy, cho nên tôi nhắm vào đúng giữa trán.
Ôi, chỉ riêng việc đó đủ để làm anh thấy ra sự thật.
Nhưng biết đâu anh đã chẳng ngờ ngợ thế rồi. Biết đâu anh đã chẳng biết rõ sự thật trước đọc những dòng này. Song... tôi lại nghĩ là chưa. Bởi vì anh thật thà quá, dễ tin quá, bởi vì bản chất anh quá tốt.
Tôi còn nói gì nữa đây? Franklin và Judith - tôi chắc rồi anh sẽ thấy - biết rõ sự thật, nhưng họ không nói với anh đâu. Họ sẽ không giàu có, trước mắt phải lo đối mặt với muỗi và sốt rét, nhưng mỗi người chúng ta đều có những ý kiến riêng về cách quyết định về mình, phải không nào?
Thế còn anh, anh Hastings cô đơn, tội nghiệp? Tim tôi đau quặn mỗi khi nghĩ tới anh. Một lần cuối, anh có muốn nghe lời khuyên của Poirot này không? Nếu muốn thì sau khi đọc hết những dòng này, hãy đáp xe lửa - hoặc xe hàng, xe hơi - đi gặp Elizabeth Cole tức Elizabeth Litchfield. Đọc cho cô ấy nghe văn bản này, giải thích cho cô ấy rằng, nếu là anh, anh cũng sẽ làm như Margaret chị cô. Tiếc rằng chị cô ấy không có một người như Poirot để bảo vệ. Nói tất cả cho Elizabeth để cô ấy rũ bỏ hết những ác mộng ám ảnh cô suốt bấy lâu nay. Làm cho cô ấy hiểu là bố cô không chết vì tay con gái lớn, mà là do ông bạn quý hóa của gia đình: Stephen Norton. Vì thật là không công bằng một phụ nữ còn trẻ, đẹp như cô ấy lại không muốn sống chỉ vì nghĩ mình là người có số mệnh đen đủi. Không phải vậy. Hãy nói thế nhé, anh bạn, anh vẫn còn dư sức hấp dẫn với phụ nữ...
Thôi, tôi không còn gì để nói. Tôi không biết việc tôi làm có chính đáng hay không. Thực sự không biết. Trong thâm tâm tôi nghĩ là một người không có quyền làm thay pháp luật. Nhưng mặt khác, tôi cũng là một phần của pháp luật. Hồi trẻ, lúc còn phục vụ ở Sở Cảnh sát Bỉ, tôi đã bắn hạ một tên tội phạm, hắn đứng trên mái nhà bắn xuống người qua đường. Trong trường hợp khẩn cấp chí nguy, tôi đã cứu được nhiều mạng người khác...
Thôi, vĩnh biệt anh bạn. Tôi đã vứt bỏ những ống thuốc trợ tim trước nay vẫn giữ trong tầm tay đề phòng trường hợp nguy cấp. Tôi muốn buông xuôi, phó mặc đời mình cho Chúa. Mong Người hãy trừng phạt - hay cứu vớt - thật nhanh.
Chúng ta sẽ không cùng nhau sát cánh nữa. Anh nhớ không, vụ án đầu tiên mà chúng ta cùng hợp tác để phá, diễn ra tại đây. Và cũng lại ở đây, là vụ án cuối cùng...
Ôi, cái thời tươi đẹp!...