Thám tử rời sân khẩu - Chương 07

Thám tử rời sân khẩu - Chương 07

Thám tử rời sân khẩu
Chương 07

Ngày đăng
Tổng cộng 20 hồi
Đánh giá 8.8/10 với 19985 lượt xem

Khi kể về những ngày ở Styles, khó trách khỏi tôi nói một cách lan man, rời rạc. Hồi tưởng lại thời ở đó, tôi nhớ nhất một số câu chuyện, lời nói ý nhiều có ý nghĩa.
Trước hết, tôi nhận thấy rõ là Poirot rất yếu về thể chất. Song, hình như tôi nói rồi, trí óc vẫn hoạt động một cách nhanh nhạy và sáng suốt. Nhưng thân thể thì tàn rồi, gầy ốm và hiểu ngay mình phải đóng vai trò tích cực hơn bình thường. Tôi phải là tai, là mắt của ông bạn.
Mỗi khi trời đẹp, Curtiss lại đưa chủ xuống dưới nhà, đặt sẵn ghế ở đó. Rồi đẩy ông ra vườn, thời tiết không thuận lợi, thì đưa ông xuống phòng khách. Dù ở đâu, sẽ có người đến bắt chuyện cùng ông, nhưng tất nhiên ông không thể chủ động chọn người đối thoại mình muốn.
Sau hôm tôi đến, Franklin đưa tôi đến một cái xưởng cũ ngoài vườn, mà ông ta đã sửa soạn làm nơi nghiên cứu khoa học. Xin nói ngay là tôi không thể hiểu biết về chuyên môn, do đo khi kể về chuyện nghiên cứu của bác sĩ Franklin, có thể tôi sẽ dùng những thuật ngữ không chuẩn, làm các nhà chuyên môn chê cười. Theo con mắt trần tục của mình, tôi hiểu là Franklin thí nghiệm chiết xuất các chất an-ca-lô-ít trong quả đậu Calabar, đặc biệt là chất physostigmine, còn gọi là êxerin. Một lần nói chuyện với bác sĩ và Poirot, Judith cố giải thích cho tôi hiểu, nhưng lại toàn dùng những từ kỹ thuật. Nó kể ra các chất an-ca-lô-ít nào là physostigmine, nào là cabarin, génesérine, và cuối cùng là một chất tên gọi rất khó đọc, nghe mà chẳng hiểu gì. Tôi hỏi nghiên cứu này mang lợi gì cho nhân loại. Hình như các nhà khoa học rất ghét câu hỏi loại này, nên Judith nhìn tôi một cách khinh thị và tiếp tục lao và giải thích một cách dài dòng, rắm rối. Tôi chỉ ghi nhận lại rằng một số bộ lạc xa xôi châu Phi có sự miễn dịch kỳ lạ với một căn bệnh cũng kỳ lạ không kém - có thể chết người - gọi là "gioocđanít" theo tên của bác sĩ Jordan, người đầu tiên phát hiện ra nó. Đó là một căn bệnh nhiệt đới hiếm thấy, mà gần đây hai, ba người da trắng đã mắc, và tỏ ra rất nguy hiểm.
Tôi buột miệng nhận xét giá nghiên cứu thứ thuộc nào khắc phục hậu quả của bệnh quai bị thì thiết thực hơn, làm con gái tôi càng bực. Nó lên mặt đáp, mục đích của khoa học không phải để phục vụ những việc vặt mà là để mở rộng tầm hiểu biết.
Judith chỉ tôi xem vài mảnh thí nghiệm qua kính hiển vi xem những bức ảnh chụp những người bản xứ Tây Phi, xem con chuột bị tiêm thuốc đang đờ đẫn trong lồng. Sau những chuyện ấy, tôi vội phải ra ngoài để hít thở chút không khí trong lành.
Như đã nói, tôi đặc biệt chú ý đến câu chuyện trao đổi giữa Franklin và Poirot... Ông bác sĩ nói:
- Ông hiểu không, chuyện này thực ra thuộc lĩnh vực của ông hơn của tôi. Cây đậu Calabar nghe nói có khả năng phát hiện ai có tội, ai vô tội. Ít nhất thì các bộ lạc châu Phi tin như vậy. Khi cần họ bỏ hạt đậu vào mồm nhai để chứng tỏ họ vô tội, nếu có tội sẽ bị nó vật chết.
- Và thế là họ trúng độc chết!
- Không phải tất cả. Ấy đó là điều làm chúng tôi phải chú ý.
- Tôi nghe cứ như là trò phù thủy.
- Thực ra, có hai loại đậu Calabar nhưng giống nhau như đúc, rất khó phân biệt. Cả hai loại đều chứa chất physostigmine và génesérine. Nhưng trong thí nghiệm, có thể tách riêng - tôi tin như vậy - một chất ancalôít khác có tác dụng vô hiệu hóa các chất kia. Hơn nữa, một số bộ lạc thường xuyên ăn loại đậu thứ hai trong các dịp lễ hội bí ẩn, và họ không bao giờ mắc bệnh gióocđanít. Đó là một điểm cực kỳ quan trọng. Khó khăn là chất ancalôít rất không ổn định. Tuy nhiên, tôi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy còn phải dày công nghiên cứu nữa. Nhất định tôi phải làm bằng được...
Đột nhiên ông ngừng nói, mỉm cười:
- Xin lỗi vì toàn nói chuyện chuyên môn. Có lẽ tại tôi say mê quá...
Poirot mơ màng nói:
- Đúng rồi, nếu tôi phân biệt được người vô tội và có tội dễ như các bộ lạc châu Phi thì nghề của tôi sẽ trở thành trò trẻ. A! Nếu có một chất thật sự có đặc tính như cây đậu calabar như người ta đồn!
- Dù thế nào cũng chưa hết khó khăn. Vì nói cho cùng, thế nào là có tội? Thế nào là vô tội?
Tôi chen vào:
- Thiết tưởng việc đó có gì phải bàn cãi?
Bác sĩ quay sang phía tôi:
- Ác là gì? Thiện là gì? Mỗi thời, mỗi nơi quan niệm một khác. Cái có thể xác định, có lẽ chỉ là cảm giác có tội hay không có tội. Mà thực tế, cảm giác ấy chẳng có giá trị.
- Tôi không hiểu ý ông.
- Ông bạn ơi, ta hãy thử tưởng tượng một người tự cho mình cái quyền thiên liêng được giết... một tên cho vay nặng lãi chẳng hạn, hay bất cứ một kẻ xấu xa nào khác, bị mọi người căm ghét. Người đó sẽ làm một việc mà theo ông là tội ác, nhưng anh ta lại cho là một hành động hoàn toàn chính đáng, không tội lỗi gì hết.
- Tuy nhiên, tôi cho rằng khi đã giết người, thì ai cũng phải có cảm giác phạm tội.
- Hừm! Bác sĩ Franklin đáp, xin nói thật với ông rằng trên đời này, có hàng đống người mà tôi đây, tôi muốn giết. Và không phải vì thế mà sau đó tôi bị lương tâm cắn rứt. Theo tôi, có tới chín mươi phần trăm nhân loại cần phải biến đi, để cho những người còn lại sống tốt hơn.
Ông ta đứng dậy, vừa huýt sao vừa đi ra. Tôi sững sờ nhìn theo. Tiếng cười khẽ của Poirot khiến tôi trở về thực tại.
- Thế này thì kinh khủng quá. Hy vọng ông bác sĩ này không đem lý thuyết của ông ta ra thực hành.
- Nhưng nếu ông ta cứ làm?
Phần 2
Sau một lát do dự, tôi quyết định đi gặp Judith để dò hỏi về chuyện Allerton. Tôi sốt ruột xem nó phản ứng ra sao. Tôi biết con gái tôi là một đứa lành mạnh, biết tự chủ, không đến nỗi bị một người như Allerton mê hoặc.
Tôi đề cập vấn đề này chỉ nhằm được yên tâm, khẳng định thêm sự đánh giá của tôi. Tiếc thay không đạt kết quả mong muốn, vì tôi ăn nói hơi vụng. Không gì làm bọn trẻ tự ái hơn lời khuyên của người lớn. Mặc dù tôi đã cố nói bằng giọng vui vẻ, vô tư, nhưng Judith phản ứng ngay lập tức:
- Có phải ba định răn đe con tránh xa chú sói độc ác?
- Không, Judith con, không phải thế.
- Ba không ưa thiếu tá Alleton?
- Đúng là không ưa. Và ba muốn tin rằng con cũng nghĩ như ba.
- Tại sao?
- tại vì... hắn không hợp với con.
- Vậy theo ba, người thế nào thì hợp?
Judith có tài làm tôi cụt hứng. Nó nói tiếp:
- Tất nhiên ba không ưa. Con lại ưa. Con thấy anh ấy hay hay.
- Ồ! Hay hay à.
- Và rất hấp dẫn nữa. Bất cứ phụ nữ nào cũng nghĩ như con. Còn với con mắt nhìn của đàn ông, thì có thể khác.
- Không hẳn vậy.
Rồi tôi lỡ miệng nói thêm:
- Tối hôm nọ, con đi với hắn quá khuya...
Tôi không kịp nói hết, bão tố nổ ra liền.
- Ba, ba quá ngờ nghệch. Ba không chịu hiểu rằng ở tuổi con, con thừa sức để quyết định? Ba không có quyền can thiệp vào việc con làm, con chọn ai làm bạn. Con cái thường khổ cứ bị bố mẹ nhúng mũi vào việc của mình. Con rất quý ba, nhưng con đã trưởng thành, đời con là thuộc về con.
Không thể đáp lại gì, tôi quay gót với cảm giác đã dại dột đổ đầu vào lửa. Một lát sau, còn đang suy nghĩ vẩn vơ thì tôi nghhe cô Craven gọi với giọng tinh quái:
- Đại úy Hastings, ông đang nghĩ gì thế?
Tôi mừng vì có dịp đỡ phải suy tư, quay ngoắt lại. Cô Craven quả là người đàn bà đẹp. Có lẽ cô cố làm ra vẻ tinh nghịch, bông đùa, chứ rõ ràng cô là người thông minh, dễ gần.
Cô vừa đưa người ốm đến ngồi ở một chỗ nắng ấm, gần cái phòng thí nghiệm tạm của bác sĩ Franklin. Tôi hỏi:
- Bà ấy quan tâm đến công việc nghiên cứu của chồng?
Cô y tá lắc đầu vẻ coi thường:
- Ồ, những nghiên cứu ấy, bà làm sao hiểu được. Bà ấy vốn đã không thông minh lắm, mà việc của bác sĩ thì chỉ có người chuyên môn y khoa mới hiểu. Ông ấy thì cực kỳ thông minh, có thể nói xuất sắc. Tội nghiệp!
- Cô thuơng hại ông ấy?
- Phải. Biết bao người phải lấy vợ không phù hợp!
- Cô cho là trường hợp bác sĩ Franklin cũng vậy?
- Ông không thấy sao? Họ chẳng có điểm nào chung.
- Nhưng xem ra ông quý bà lắm. Chăm từng ly từng tí.
Cô ý tá bật cười một cách mà tôi cho là hơi hỗn:
- Bà ấy cố tình để làm ra như vậy.
- Cô cho là bà ấy... lợi dụng sự yếu đau của mình?
Cô Craven lại cười:
- Rất khó mà trách được bà điều gì về mặt đó. Bà ấy muốn gì được nấy. Một số phụ nữ là như thế, rất tinh ranh khéo léo. Ai không làm vừa lòng, là ngửa cổ, lim dim đôi mắt làm ra vẻ thảm hại. Bà Franklin thuộc loại ấy. Đêm không chịu ngủ và sáng ra bơ phờ, ủ dột.
- Nhưng bà ấy đau ốm thật chứ?
Cô Craven liếc mắt nhìn tôi một cách lạ lùng, nói buông thõng:
- Vâng, ốm thật!
Rồi cô lái sang chuyện khác, hỏi có phải hồi đại chiến thứ nhất, tôi đã từng ở Styles.
- Đúng, tôi đáp.
Cô hạ giọng khẽ nói:
- Và hồi đó có một vụ án mạng, phải không? Nghe đâu là một bà già. Một cô gia nhân ở đây nói với tôi thế. Lúc ấy ông có mặt không?
- Có. Tôi có mặt.
Cô hơi rùng mình:
- Thế là rõ.
- Rõ... rõ cái gì?
Cô lườm tôi:
- Ông không cảm thấy không khí nơi này à? Tôi thì thấy. Có cái gì khang khác.
Tôi đứng lặng suy nghĩ. Cô Craven nói đúng chăng?
- Có lần tôi đã ở một nơi xảy ra án mạng - cô nói tiếp - và không thể nào quên. Đó là một bênh nhân của tôi. Tôi đã bị thẩm vấn, phải ra làm nhân chứng, rất mệt mỏi, hoang mang. Mới trẻ tuổi mà đã trải qua lần rắc rối ấy, thật là khổ.
- Tôi hiểu. Tôi cũng biết...
Tôi im bặt vì nhìn thấy Boyd Carrington đang rẽ qua góc nhà, đi ra. Như mọi khi, tính cách mạnh mẽ, sự sung mãn của anh ta như xua tan mọi ám khí, mọi lo sợ mơ hồ.
- Chào cô Craven! Chào ông Hastings! Thế bà Franklin đâu?
- Chào ngài William, cô Craven đáp. Bà Franklin đang ở cuối vườn, dưới gốc cây sồi, gần phòng thí nghiệm.
- và chắc chồng bà ấy đang làm việc trong đó?
- Phải, với cô Hastings.
- Khổ cho cô gái! Buổi sáng đẹp trời thế này mà phải giam mình trong phòng để nghiên nghiên cứu cứu. Ông Hastings, ông phải có ý kiến chứ.
Cô y tá vội nói ngay:
- Ồ! Nhưng cô Hastings có khổ đâu, rất vui là đằng khác. Cô ấy thích thế, vả lại tôi chắc bác sĩ rầt cần có cô giúp.
- Lại cái ông ấy nữa! Boyd Carrington hướng về phía tôi, nói. Tôi mà có cô trợ lý trẻ đẹp như con gái ông, thì tôi chỉ ngắm cô ấy chứ không ngắm chuột bạch.
Judith chắc chắn rất ghét lối đùa giỡn đó, nhưng cô Craven lại cười thích thú.
- Ồ ngài William! Cô nói. Ngài không nên nói vậy. Ngài thì chúng tôi biết ngài sẽ xử sự thế nào trong trường hợp này. Chứ còn ông Franklin là người rất nghiêm túc... chỉ say mê nghiên cứu.
- Dù sao bà vợ cũng tìm được chỗ tốt để ngồi canh chừng. Bà ấy chắc phải ghen. - Boyd Carrington vẫn giọng cười cợt.
- Ngài có vẻ biết nhiều chuyện - cô y tá nói, rồi có vẻ tiếc rẻ: nhưng có lẽ đến lúc tôi phải về pha sữa cho bà Franklin.
Cô bước đi thong thả, Boyd Carrington dõi nhìn theo.
- Đẹp gái lắm. Tóc tuyệt vời, răng trắng bóng. Thế mà suốt ngày phải trông người ốm. Người cỡ ấy xứng đáng có số phận tốt hơn.
- ồ, rồi nay mai cô sẽ lấy chồng.
- Hy vọng như vậy.
Boyd thở dài, và tôi nảy ra ý nghĩ ông tưởng nhớ tới người vợ đã mất. Bỗng ông ta nói sang chuyện khác:
- Tôi đi Knatton để kiểm tra họ sửa sang ra sao. Ông muốn đi cùng không?
- Rất vui lòng. Nhưng để tôi lên xem ông Poirot cần gì tôi không. Poirot đang ngồi dưới hàng hiên. Ông khuyến khích tôi đi cùng Boyd:
- Anh cứ đi đi! Nghe nói đó là một dinh thự rất đẹp.
- Tôi cũng muốn đi xem. Nhưng ngại bỏ ông lại một mình...
- Anh cứ đi đi! Ngài William tốt bụng đấy, phải không?
- Rất tốt! - Tôi hào hứng trả lời.
Poirot cười mỉm:
- Tôi biết là anh thích anh ta mà.
Phần 3
Chuyến đi thật là thú. Trời đẹp đã đành nhưng gần gụi Boyd Carrington cũng rất vui. Ông ta có sức hút riêng, có kinh nghiệm nhiều mặt nên chuyện trò với ông ta không chán. Ông kể nhiều mẩu chuyện về cái thời ông cai trị ở Ấn Độ, cho tôi biết những tục lệ kỳ quặc của một số bộ lạc miền Đông châu Phi. Tôi mải vui gần như quên hết nỗi lo về Judith và những điều mà Poirot đang ấp ủ.
Cái cách ông ta nói về bạn tôi cũng dễ nghe. Ông rất kính nể Poirot, tôi trọng nghề nghiệp và nhân cách Poirot. Dù tay Poirot đã yếu nhiều, Boyd Carrington không tỏ vẻ thương hại, mà nghĩ rằng một cuộc đời như Poirot là có giá trị từ chính nó, và Poirot có thể hài lòng, lấy làm hãnh diện. Boyd nói thêm:
- Vả lại, tôi chắc trí óc ông vẫn minh mẫn hơn bao giờ hết.
- Vâng, vẫn minh mẫn - tôi xác nhận.
- Nghĩ rằng người yếu về thể chất cũng yếu luôn về trí tuệ là sai lầm. Và nói dại, tôi không bao giờ dám phạm tội gì trước mũi Hercule Poirot. Ngay cả bây giờ.
Tôi cười đáp:
- Đúng, ông sẽ bị Poirot lật tẩy ngay.
- Vả lại, tôi đâu có bản lĩnh của tội phạm. Tôi sẽ không thể lên nổi một kế hoạch hành động, vì thiếu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ cần thiết. Nếu tôi giết ai thì là không có chủ định, chỉ do bột phát nhất thời.
- Thành ra lại càng khó điều tra làm sáng tỏ.
- Không hẳn thế. Có khi tôi để lại hàng tá dấu vết xung quanh. Lạy Chúa, tôi không có thiên hướng về tội phạm. Loại người mà tôi cần thấy phải thủ tiêu, ấy là bọn đe doa tống tiền. Bọn ấy phải bị trừ khử không thương tiếc, ông nghĩ thế nào?
Tôi đáp đồng ý với ông ta về cơ bản.
Chúng tôi bắt đầu xem xét các công trình đang làm, thì một anh kiến trúc trẻ đến gặp.
Dinh thự Knatton xây từ thời Tudor chỉ có một bên cánh là xây thêm về sau, và vào năm 1940, sửa thêm hai phòng tắm cổ lỗ.
Boyd Carrington cho biết bác ông là người ẩn dật yếm thế, suốt đời chỉ sử dụng có một góc nhà. Cũng có là cho hai người cháu đến nghỉ hè ở Knatton. Ông lão không lấy vợ và ăn tiêu dè sẻn, nên gờ đây, trả xong thuế thừa kế, ngài huân tước đứng đầu cả một tài sản kết sù.
- Ông bác tôi thật là người cô đơn, Boyd Carrington thở dài kết kuận.
Tôi lặng yên không nói, vì chính tôi cũng thuộc loại người cô đơn. Từ khi người vợ thân yêu mất, tôi luôn cảm thấy mình chỉ là một nửa con người. Một lát sau, tôi dụt dè nói lên cảm nghĩ của mình, Boyd Carrington đáp từ tốn:
- Tôi thông cảm với ông. Nhưng ông còn đã có cái mà tôi không hề có.
ông ta ngừng một lát, rồi kể vắn tắt nổi đau khổ của mình. Vợ ông là người tuyệt trần, duyên dáng, song nặng căn di truyền. Hầu như mọi người trong gia đình đều chết vì rượu, và vợ ông cũng không thoát khỏi định mệnh. Chưa đầy một năm sau ngày cưới, nàng mắc chứng nghiện rượu rồi chết. ông không chê trách nàng, vì hiểu nàng khó cưỡng nổi gánh nặng di truyền. Sau khi vợ mất, ông chịu cảnh sống cô đơn, và đã một lần bất hạnh, nên không nghĩ đến việc tục huyền.
- Có một mình, tôi thấy yên tâm hơn - ông nói. Ông thấy không, nhìn bề ngoài thì vậy, chứ do nỗi bất hạnh ấy làm tôi già đi nhiều.
Ngừng một lát, ông nói tiếp:
- Sự thực thì, có một lần, tôi cũng có ý định... nhưng cô gái đó quá trẻ, tôi không nỡ buộc chân cô vào một người đã chán chường như tôi. Tôi quá nhiều tuổi so với nàng... nàng còn như trẻ thơ... xinh đẹp... và trong trắng...
- Thì cứ để cô ấy quyết định xem sao? Tôi nói.
- Không nên, mặc dù tôi nghĩ nàng cũng thích tôi. Nhưng, như tôi nói, nàng quá trẻ! Tôi vẫn hình dung như cái hôm tôi gặp lần cuối, đầu nghiêng nghiêng, mắt nhìn tôi... vẻ bỡ ngỡ, bàn tay thon mảnh.
Một lần nữa, ông lại ngừng bặt. Lời nói ông gợi lên trong tôi hình ảnh thân thuộc mơ hồ, không hiểu tại sao. Rồi giọng ông lại cất lên:
- Bây giờ, tôi mới thấy mình ngu dại, để lỡ mất cơ hội. Để lúc này tôi chỉ có một mình với tòa nhà mênh mông này, không bóng dáng một người phụ nữ.
- Cô ấy về sau ra sao? - Tôi hỏi.
- Ồ... đã lấy chồng, tất nhiên. Còn tôi vẫn kéo dài cuộc đời đơn độc. Quen rồi... nhưng mời ông đi thăm vườn. Không được chăm sóc chu đáo, nhưng vẫn còn đẹp.
Chúng tôi đi vòng quanh nhà. Knatton quả thực là một dinh cơ rất đẹp, hèn gì mà chủ nó lấy làm hãnh diện. Mặt khác, Boyd Carrington rất quen biết xóm giềng và những người khác trong vùng, mặc dù chắc phải có nhiều người mới đến. Ông đã quen đại tá Luttrell từ nhiều năm trước, và tỏ ý hy vọng việc làm ăn của đại tá ở Styles sẽ có lãi. Ông kể:
- Khổ cho ông Toby Luttrell lâm vào cảnh túng quẫn. Một người tốt, một quân nhân tốt. Bắn rất giỏi, đã từng đi săn ở châu Phi. Ôi, cái thời tươi đẹp! lúc đó ông ta đã lấy vợ nhưng - may thay! Không mang vợ đi theo, hồi ấy bà còn đẹp lắm. Tuy nhiên, bà ấy thuộc loại lắm mồm. Kỳ thay, một ông chồng mà phải chịu đựng vợ đến thế. Trước đây, quân lính đứng trước mặt ông ta phải rung như cầy sấy, nghiêm lắm. Thế mà bây giờ chính ông ta lại run cầm cập trước vợ. Song phải nói rằng bà ta có đầu óc. Người làm ra tiền ở Styles này, là bà. Ông chồng thì không thạo làm ăn.
- Đôi lúc cũng hơi phiền - tôi nhận xét - là cái tính băm bổ của bà, lúc nào cũng như muốn vồ lấy người ta.
Boys Carrington tỏ vẻ thích thú:
- Ông đã bao giờ chơi bài với bà ta chưa?
- Ồ, rồi!
- Nói chung, tôi tránh chơi bài với đàn bà. Ông nên làm theo tôi.
Tôi kể tối hôm mới đến, tôi và Norton có chơi bài với vợ chồng Luttrell, và cản thấy khó chịu. Boyd nói:
- Norton, thì tốt. Phải cái tính trầm trầm. Suốt ngày ngắm chim, nhưng anh ta bảo chưa hề giết con chim nào. Phần tôi, chả hiểu thú vị gì cái việc cứ thơ thẩn trong rừng, giơ ống nhòm xem chim.
Lúc đó tôi chưa biết cái trò tiêu khiển vô hại đó của Norton sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các sự việc về sau.

Chương trước Chương sau