Sáu tội ác không có hung thủ - Chương 11

Sáu tội ác không có hung thủ - Chương 11

Sáu tội ác không có hung thủ
Chương 11

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 9.6/10 với 12490 lượt xem

Chúng tôi ngồi yên vài phút không động đậy. Brunei tựa lưng vào cửa như sợ ngã. Prosper, mồm há hốc, hai cánh tay buông thõng và tôi, dở đứng dở ngồi, trong một tư thế rất kỳ cục, phát điên vì lo lắng, dù vậy vẫn không dám hỏi.
Tiếng chuông reo làm chúng tôi định thần lại. Prosper chạy ra tiền sảnh. Chúng tôi nghe tiếng anh ta mở cửa.
- Ông chủ anh có nhà không ? một giọng run run hỏi.
Đấy là Roland Charasse.
Vượt lên trên anh hầu già, anh ta lao vào phòng khách. Anh ta bồn chồn đến nỗi không nhận ra thái độ kỳ lạ của chúng tôi. Thậm chí anh ta cũng chẳng chìa tay ra cho chúng tôi. Anh ta rút trong túi ra một cái phong bì.
- Các anh nhìn xem !
Brunei giật lấy cái phong bì nhưng chưa mở nó ra ngay. Như bị thôi miên, anh nhìn nét chữ trên phong bì. Tôi lại gần anh.
Địa chỉ là của Roland Charasse. Chữ viết bắt chước kiểu chữ in. Và tôi nghĩ ngay đó là phương pháp cổ điển để giả dạng chữ viết.
- Đọc đi, đọc nhanh lên ! Roland kêu to. Tôi vừa nhận được nó khi ở bệnh viện về.
Rất chậm rãi, Brunei mở phong bì ra. Bức thư gồm những dòng viết ngoệch ngoạc để làm chữ biến dạng, khó nhận ra.
Đến lượt mi rồi đó, Roland Charasse. Ngươi biết sức mạnh của ta, vậy hãy cam chịu đi. Nó sẽ xảy ra vào đêm nay đấy. Cái chết của ngươi sẽ khép kín vòng tròn lại. Không bao giờ ta để cho ai nói đến ta. Không bao giờ có người nào biết được... Làm sao mà biết được vì tất cả sẽ chấm dứt...
Lá thư không có chữ ký.
Tôi nhìn Roland. Anh ta đột nhiên trở nên rất bình thản, cứ như việc chúng tôi đọc bức thư cũng đủ giải thoát cho anh nỗi lo lắng. Thậm chí tôi thấy trên mặt anh ta sự thanh thản mà tôi không còn trông thấy ở anh từ khi cuộc phiêu lưu đáng sợ này bắt đầu.
- Các anh thấy đấy, hắn viết là tôi phải biến đi, cả tôi nữa - anh ta nói nhẹ nhàng và rất giản dị, anh ta nói thêm bằng giọng không biểu lộ chút thái quá nào - Quan trọng gì nữa, vì tất cả sẽ kết thúc ! Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thắng hắn được ! Cái chết có gì là ghê gớm vì cái chết là tận cùng... Tận cùng !
Tôi định ngắt lòi anh ta, nhưng anh ta không cho tôi làm thế và nói thêm rất nhanh.
- Hắn ta không nói dối đâu nhưng hắn cần gì phải viết. Hắn có thể giết tôi như những người khác mà không báo trước. Lời cảnh báo của hắn chỉ có một mục đích duy nhất: làm cho mọi ngưòi biết rằng tôi sẽ là người cuối cùng. Các anh hiểu chưa ?
Roland đã đoán ra câu hỏi của tôi và câu trả lời của anh ta có vẻ hoàn toàn có lý.
Nhưng cần gì, lý do gì bằng vì một người như vậy không thể hành động mà không có lý do chính đáng - hung thủ phải công bố rằng nạn nhân thứ sáu này là người cuối cùng, rằng tội ác thứ sáu này đánh dấu điểm dừng của hành động đáng sợ của hắn ?
Đột nhiên tôi thấy chói ở tim như kiểu bị choáng.
- A ! Tôi thật ngu ngốc, tôi kêu lên dù không muốn.
Có phải tôi vừa quên một sự thật: Brunei đã biết, sự thật quá mới mẻ và vì đã đi quá lâu trong bóng tối, tuyệt vọng vì chẳng bao giờ giải đáp được điều bí ẩn, tôi vẫn chưa thấy quen được.
Hiện tượng của trí nhớ này xảy ra thường xuyên nhưng lần này sự quên khuấy quá lớn làm tôi muốn bật cười.
Bởi vì Brunei biết, Roland sẽ được cứu thoát... và chính cái chết của tên sát nhân sẽ khép lại vòng tròn.
Tôi nhận thấy là Brunei chưa thốt ra một lời nào. Tôi quay lại phía anh.
Tôi nghĩ là vào thời điểm đó ánh mắt tôi hẳn rực lên một cách kỳ lạ. Tôi cảm thấy một hơi nóng nồng nàn lan lên má, hai thái dương giật giật. Brunei trông vẫn ủ rũ như khi tôi trông thấy anh lúc trước. Không có biểu hiện nào trong cặp mắt anh ngoài nỗi buồn và sự khiếp đảm mà tôi đã thấy khi tôi trông thấy anh đi ra khỏi phòng làm việc.
Làm sao lại có thể như vậy ? Làm sao mà Brunei, người đã biết, lại không chia sẻ niềm vui sướng đột ngột của tôi ?
Tôi định kêu lên với Roland: Anh thoát rồi. Nhưng tôi lại lặng im.
Người bạn bất hạnh của chúng tôi nhìn chằm chằm vào Brunei. Anh ta dường như đang đợi lời nói từ đôi môi Brunei như chờ lời sấm truyền.
Nhưng Brunei vẫn im lặng.
Tôi thấy thương cho nỗi tuyệt vọng của Roland. Mặc kệ Brunei có giận hay không, tôi hỏi dồn:
- Thế nào ? Chúng ta làm gì đây ?
Không có tiếng trả lời.
- Cái chúng ta đã làm hôm qua - cuối cùng anh nói. Chúng ta phải hết sức thận trọng. Chúng ta còn dám gì hơn được nữa ?
- Tất nhiên rồi, chúng ta phải hết sức thận trọng... Roland đồng tình, rồi nói giọng rất khẽ, gần như không nghe rõ, anh ta nói tiếp,... chỉ là hình thức thôi !
Chỉ là hình thức thôi !
Anh bạn bất hạnh cam chịu đến nỗi bị khuất phục bởi sự bất khả chiến bại của đối thủ, không chỉ từ chối chiến đấu mà thậm chí cũng không phòng vệ nữa hay sao ?
Tôi hoảng hốt nhìn Brunei. Chỉ cần một lời là anh có thể an ủi Roland. Vậy mà, không chỉ anh ta không nói lời đó, mà anh ta có vẻ còn như muốn tước đi của kẻ bất hạnh kia sự ảo tưởng mong manh.
Nỗi bi quan quá thể đó đối với tôi như một sự phát hiện.
Chắc chắn là Brunei đã biết, Roland thoát rồi. Nếu như Brunei không nói gì bởi vì theo kế hoạch của anh, Roland phải tin là anh ta đã bị kết án. Tại sao vậy ? Đơn giản thôi Brunei lo rằng nếu Roland được báo trước thì anh ta sẽ không thể giả vờ được, không thể đánh lừa tên giết người, kẻ rõ ràng có khả năng dò xét chúng tôi, sống trong bóng của chúng tôi. Đánh lừa Roland là đánh lừa tên giết người.
Tin vào sức mạnh của hắn, vào sự tinh khôn cửa hắn, kẻ lạ mặt đã đánh mất sự thận trọng, hắn đã báo trước tội ác của hắn. Không một giây nào hắn nghĩ rằng một trong các đối thủ của hắn có thể phát hiện ra phương pháp của hắn. Tin chắc là không thể bị hạ gục, hắn sẽ thua. Và Roland sẽ có vai trò của con mồi, là con dê mà người đi săn tặng cho con hổ... Nhưng lần này thì người đi săn chỉ nhằm mục đích lôi kéo con thú dữ vồ mồi.
Phải, đúng rồi. Chỉ có thể như vậy thôi. Và bây giờ khi tôi đã tìm ra, tôi tự hỏi làm sao tôi có thể nghi ngờ bạn tôi lâu đến thế ! Tôi thật đáng xấu hổ.
Đúng lúc đó, có tiếng chuông reo. Tôi nhận ra ngay tiếng bước chân của thanh tra Girard.
Khi Roland quay về phía người mới đến, tôi nghiêng mình về phía tai của Brunei và thì thầm vẻ chắc chắn.
- Roland thoát rồi phải không ?
Không buồn nhìn tôi, rất nhanh, Brunei trả lời:
- Anh ta tiêu rồi.
Girard đọc lá thư. Rồi chúng tôi bàn bạc cách đối phó.
Thanh tra đưa ra giả thiết giống như Roland: mục đích của tên giết người khi viết thư hẳn là không chỉ muốn tra tấn nạn nhân mà còn muốn cho anh ta biết là vụ giết ngưòi thứ sáu là vụ cuối cùng.
Nhưng sao lại thế ? Thì chẳng ai trong chúng tôi phát hiện ra. Tôi không định nói đến Brunei người chỉ tham gia vào cuộc thảo luận bằng những lời nhát gừng.
- Dù sao thì, Girard nói, gã này đã quá tự tin - cái này thì chúng ta đã biết vì hắn nghĩ là anh sẽ không giữ kín nội dung lá thư. Hắn nghĩ là hắn có thể thắng mọi biện pháp bảo vệ mà chúng ta có thể sử dụng, hắn tiên lượng rằng biện pháp của hắn sẽ thành công dù trong hoàn cảnh nào.
- Thế hắn không đúng à ? Roland mệt mỏi hỏi. Các anh biết các sự kiện hôm qua rồi đấy. Mọi sự đề phòng chẳng đã được chuẩn bị đó sao ?
- Vẫn còn một nhân tố không thể bỏ qua - đến lượt tôi nói. Là lần này nạn nhân đã được báo trước, điểm đó khác với các trường hợp trước. Tôi nghĩ là chính hắn đã gây khó cho mình.
Brunei nhìn tôi soi mói. Tôi chợt thấy ngượng và im bặt.
Cuộc thảo luận của chúng tôi thật kỳ lạ. Một nhân chứng không biết trước có thể nghĩ rằng nạn nhân tiếp theo, mà số phận chúng tôi đang định đoạt một cách bình tĩnh, có mặt trong số chúng tôi; hơn nữa hẳn đấy chính là người đang thảo luận một cách bình tĩnh nhất.
Và điều đó hẳn là bằng chứng rõ ràng nhất rằng mặc dù nói vậy, chúng tôi không sợ lời đe doạ của hung thủ.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn nghe thấy những lời tiên đoán của Brunei: Anh ta tiêu rồi.
Sao lại thế ? Chúng tôi, người không biết biện pháp của tên giết người, Girard, Roland - mà sự cam chịu không đến nỗi như vẻ bên ngoài - và tôi, chúng tôi không chấp nhận ý nghĩ là sẽ có một tội ác mới, vậy mà Brunei, người đã biết, người biết biện pháp của hung thủ lại nói: Anh ta tiêu rồi.
Thế nếu cái thư này là một sự đùa cợt ngớ ngẩn, việc làm của một thằng điên thì sao ? Girard hỏi không chắc chắn lắm. Sau đó anh nói tiếp ngay:
- Tóm lại phải quyết định thôi. Phải không ? Chúng ta đến đồn cảnh sát và huy động tất cẫ mọi người vào cuộc...
Roland xua tay.
- Không, Girard, vì hiển nhiên là hung thủ đã thấy trước các biện pháp ngoại lệ. Biết đâu chính lá thư này là một cách để huy động các biện pháp đó !
Brunei gật đầu đồng ý !
- Hơn nữa, Roland nói tiếp, cứ cho là hắn không thể hành động đêm nay, tôi không thể sống cả đời trong sự canh gác được và với lời đe doạ treo lơ lửng trên đầu.
- Thế thì sao ? Girard bực bội hỏi.
- Thế thì thế này, tôi đi về nhà tôi ở phố Guynemer, tôi đi nằm, tôi đợi - Roland lưõng lự một giây rồi nói tiếp - Tất nhiên là chúng ta sẽ rất thận trọng, các anh đi với tôi và canh chừng các lối ra.
Girard bùng lên:
- Canh chừng các lối ra mà anh gọi là không bỏ qua một biện pháp cẩn trọng nào à ? Canh chừng các lối ra như ở Ville-d’Avray. Nhưng điều đó chẳng được tích sự gì, như chính anh nói lúc nãy ấy. Thế nào, Brunei ?
- Ý kiến của tôi giống như của Roland. Dự định của anh ta là có lý.
Thanh tra há hốc mồm một giây, rồi kêu lên.
- Thật là điên rồ ! Và hùng hổ quay lại phía tôi - Ý kiến của anh ?
Ý kiến của tôi ư ? Girard nói đúng, không cần phải hỏi nữa. Rõ ràng là nếu không có các vụ trước thì câu trả lời của tôi sẽ khác. Tôi biết căn hộ của Roland: không có gì lắt léo và chúng tôi là bốn người đàn ông quả quyết. Tuy vậy đã xảy ra chuyện ở phố Greuze, ở Mans, ở Ville-d'Avray...
Một lần nữa Brunei nhìn chòng chọc vào tôi như thôi miên.
Tôi nghĩ: Girard có lý. Girard có lý.
Tôi muốn nói, muốn kêu lên... Nhưng tôi không thể, cứ như là trong mơ... Cái nhìn của Brunei...
Tôi khó khăn nuốt nước bọt.
- Tôi cũng thấy là Roland có lý.
Chúng tôi ăn tối và lúc 10 giờ chúng tôi đi tới phố Guynemer. Chúng tôi đỉ bộ một đoạn đường.
Brunei và Roland đi đầu, im lặng. Chúng tôi đi đằng sau họ, Girard và tôi. Tôi nghe thấy thanh tra nói:
- Các anh nhận ra chứ ? Nếu như hung thủ giữ lời thì ba chúng ta sẽ ân hận biết bao.
Girard vừa nói ra đúng những điều tôi nghĩ. Nhưng tôi sẽ trả lời gì đây ? Tôi vẫn còn cảm thấy cái nhìn nghiêm khắc của Brunei đè nặng lên mình. Tôi hèn nhát im lặng.
- Dù sao cũng nên sử dụng các biện pháp cẩn trọng, Girard lại nói. Nào, ông Charasse hãy đi với tôi. Tôi sẽ tập hợp một tá người của đội đặc nhiệm. Anh ấy sẽ ở giữa chúng tôi. Và tôi thề rằng...
Tôi ngắt lời anh ta:
- Nếu như các biện pháp như vậy có thể ngăn cản hắn thì hung thủ đã không báo trước cho chúng ta.
Tôi có cảm giác như giọng nói của tôi đầy giả tạo. Thanh tra lẩm bẩm gì đó.
Tôi thở phào khi thấy Brunei gọi taxi !
- Tôi hy vọng là Armand đã đi ngủ, Roland nói khi chúng tôi đi đến hàng rào khu Luxembourg. Tôi không muốn làm cho chàng trai trung hậu đó hốt hoảng.
- Như thế thật đáng tiếc, Girard chế nhạo.
Anh giúp việc tận tuỵ vẫn đợi ông chủ về.
Chúng tôi thấy anh ta ngồi ngủ gật trong chiếc ghế sô pha.
Thanh tra Girard có vẻ vui mừng vì ngẫu nhiên có một trợ thủ mới, không chờ ý kiến của chúng tôi, mà đã kể cho anh hầu biết mọi sự.
Việc đọc lá thư đưa Armand vào một trạng thái sững sờ và xúc động sâu xa. Tuy nhiên nỗi lo lắng của anh ta không kéo dài. Anh ta quay lại nhìn ông chủ, mắt bình thản.
- Tóm lại, thưa ông chủ, những lời doạ nạt này thật nực cười. Tên khốn nạn này sẽ không thể chui qua trần nhà hoặc sàn nhà được, vậy nếu chúng ta coi chừng cả các cửa ra vào...
Đấy hẳn là những lời của lý trí và nỗi lo sợ của chúng tôi dù có chính đáng đến mấy cũng là quá chủ quan.
Chúng tôi đi sang phòng của Roland.
- Có hai cửa ra vào và một cửa sổ, ba lối ra phải coi chừng, Brunei nói.
- Giống như ở Ville-d’Avray, Girard thô bạo nói thêm nhưng không làm ảnh hưởng gì đến sự lạc quan của Armand - và trầm giọng xuống, anh ta nói tiếp - Nếu các anh muốn, tôi sẽ canh cửa sổ. Tôi sẽ đi đến đứng trên vỉa hè trước mặt. Đồng thời tôi sẽ để mắt đến những người đi và đến.
Chúng tôi đều hiểu suy nghĩ của bạn chúng tôi. Tất nhiên không phải vì sợ hãi mà anh ấy rời chỗ này. Girard đã nhiều lần tỏ ra rất can đảm. Thế nhưng viên thanh tra có cấp trên. Anh ta muốn tránh một phần trách nhiệm. Nếu như việc đó xảy ra thì ít nhất anh ấy cũng không có mặt trong căn hộ.
- Được thôi, Brunei đồng tình.
Liệu có phải là ảo giác không khi tôi thấy hình như nét mặt anh bạn tôi dịu đi một chút và lại còn nhẹ nhõm nữa.
Chậm chạp, thanh tra đưa mắt nhìn căn phòng cứ như anh ta chưa nhìn thấy nó bao giờ. Một cái giường, hai cái ghế phô tơi, một cái tủ thấp, một cái tủ áo; các vật dụng đơn giản nhưng phản ánh sở thích tinh tế của chủ nhân. Căn phòng không có lò sưởi.
Với cái bĩu môi như muốn nói: Tôi làm việc này thật ngốc nghếch ! Girard mở cửa tủ, nhìn xuống gầm giường.
Rồi anh ta mở cửa sổ, đóng cửa chớp rồi đóng cửa sổ lại.
Tôi nhìn trần nhà trắng bóng, tường nhà dán giấy hồng vẽ trang nhã, sàn nhà đánh xi.
Girard xem xét các cửa ra vào. Một cửa dẫn vào phòng làm việc, cửa kia vào phòng khách. Cái cửa sau có hai cánh - chi tiết quan trọng mà chúng ta sẽ thấy về sau.
Cái bĩu môi của viên thanh tra càng kéo dài hơn. Tôi thấy như anh ta xấu hổ vì cuộc xét nghiệm kỳ cục này.
... Rồi chúng tôi để tất cả năm thứ đồ đạc ra giữa phòng. Rất nhanh, sự im lặng trở nên thật ngượng ngùng.
- Tôi đi đây, cuối cùng Girard nói giọng vô cảm.
Rất nhanh, mắt không nhìn lên, anh ta xiết tay chúng tôi, rồi đi ra xa. Nhưng khi vừa bước chân qua ngưỡng cửa, anh ta đột ngột quay ngoắt lại, vẻ mặt anh ta thật tuyệt vọng.
- Không ! Không thể được. Tôi không thể bỏ các anh.
- Đi đi, Girard, Brunei nói.
Giọng nói vừa cương quyết lại vừa buồn.
Girard cúi đầu xuống và quay lưng đi ra. Vài giây sau, chúng tôi nghe thấy tiếng cửa xe đóng sầm lại.
Sắp 11 giờ.
Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng ba gian phòng: phòng ăn, phòng khách, phòng làm việc trong căn hộ của Roland. Tôi muốn tự mình đóng cửa ra vào trước mắt các bạn tôi và tôi đã cài chốt lại. Rồi chúng tôi đi vào phòng ngủ.
Roland để lên cái tủ nhỏ tẩu thuốc và một gói thuốc lá. Và anh ta đẩy cái tủ lại gần chiếc ghế phô tơi.
- Ông chủ không đi ngủ là sai đấy, Armand người rõ ràng là không tin vào nguy hiểm đang đe dọa ông chủ mình nói: Ngày mai ông chủ sẽ mỏi mệt đấy !
- Ngày mai !... Roland thì thầm.
Sự cam chịu đó làm tôi bực bội và cả tuyệt vọng nữa. Tôi cũng sửng sốt bởi sự thụ động của Brunei. Anh ta còn đợi gì để chặn đứng kế hoạch này ? Để ra lệnh cho chúng tôi ?
Nhưng liệu anh ta sẽ ra lệnh gì ? Rõ ràng là khôn ngoan nhất nếu chúng tôi đứng cạnh Roland. Tên giết người không thể hạ gục anh ấy ngay bên cạnh chúng tôi mà không bị chúng tôi trông thấy, và chúng tôi cũng tìm mọi cách để bảo vệ anh. Trừ phi có sự yểm bùa...
Để khỏi cảm thấy thời gian trôi chậm quá, tôi quay lại phía Armand và hỏi bằng giọng cố làm ra thản nhiên.
- Các anh có biết chơi bài Brigde không ?
Cứ như không nghe thấy lời nói đó, Brunei đi sang phòng khách.
- Tôi sẽ canh gác ở đó - anh quay lại phía tôi - Còn bạn thì đi sang phòng làm việc với Armand.
Tôi cảm thấy mọi sự phản đối đều vô ích. Tôi gật đầu. Và im lặng lại bao trùm. Sự im lặng thật khó chịu đựng. Bất cứ cái gì cũng dễ chịu hơn sự canh gác sầu thảm này. Và chắc RoIland cũng cảm thấy như vậy, chợt anh lên tiếng.
- Chúng ta phải tách ra thôi các bạn. Chả cần ngồi cùng nhau làm gì.
Anh định giơ tay ra cho chúng tôi, nhưng đột nhiên khựng lại, dường như anh sợ rằng lời chào tạm biệt này sẽ đem lại sự bất hạnh cho anh.
- Chả cần tạm biệt nhau đâu... vì rằng chúng ta có xa nhau đâu, anh nói với nụ cười gượng gạo.
Không nói một lời nào, Brunei đi về phía phòng
Trước mặt tôi, vườn Luxembourg ngập tràn ánh trăng. Một vệt cắt lớn chia khu vườn xanh đến kỳ ảo ra: Con đường dẫn đến phố Soufflot. Và bên này hàng rào là một vệt màu ghi xanh: di tích Massenet. Ở bên kia hàng rào, trên bờ đá, có bóng một thân hình nằm dài.
“Một gã đánh xe”, hẳn các khách qua lại nghĩ vậy.
Một cảnh sát đưòng phố lại gần gã đánh xe và vỗ vào vai. Anh ta nhỏm dậy và nói vài câu với người cảnh sát. Anh kia chịu ngay. Anh đi nhanh ra xa sau khi đưa ngón tay lên vành mũ như muốn chào... Và thanh tra Girard lại nằm duỗi dài.
Tôi quay về phía cánh cửa và dán mắt ưu tư vào vệt sáng.
Tại sao Brunei lại bắt chúng tôi rời căn phòng ? Tại sao anh ta lại muốn Roland ở một mình ? Kế hoạch bí mật của anh ta là gì ?
... 11 giờ rưỡi... nửa đêm ... mười hai rưỡi...
Armand đứng bất động cạnh giá sách. Nếu không có tiếng anh ta thở phì phò thì tôi đã quên sự có mặt của anh ta. Tôi đi lại không ngừng từ cửa ra vào đến cửa sổ. Di tích Massenet ... thanh tra Girard đang nằm dài... vệt sáng dưới cửa...
Rất nhiều lần, những người thuê nhà về muộn bấm chuông cửa tòa nhà. Tôi nghe thấy tiếng chân họ lên cầu thang. Tôi thậm chí còn thấy hồi hộp khi nghe thấy tiếng chân bước chậm chậm dần và gần như dừng lại trên tầng hai. Người thuê nhà hẳn đang tìm chìa khóa. Rồi anh ta lại đi tiếp.
Chuyến ô tô buýt cuối cùng đi Porte des Lilas làm rung cả cửa kính. Tiếng chuông báo một giờ vang lên ở trường trung học Montaigne... Di tích Massenet... thanh tra Girard... vệt sáng... di tích...
... Trong phòng, có tiếng bước chân vội vã... Hai tiếng kêu: “Lại đây với tôi !... Cứu với!... Một tiếng súng nổ.
Tiếng động, tiếng kêu này tôi đã đợi từ ba tiếng đồng hồ. Súng lăm lăm trong tay, tôi lao vào cánh cửa, xoay quả đấm.
Cửa vẫn đóng im ỉm.
Cánh cửa mà tôi chỉ khép lại sau lưng khi tôi rời căn phòng nay lại khóa trái. Có người đã quay chìa khóa trong ổ.
Trong phòng có tiếng động inh tai. Tôi hiểu là Brunei vừa phá cửa phía anh ta, nó cũng đã bị chốt lại.
Armand kêu thét lên không còn ra tiếng người và lại gần tôi. Tôi đẩy anh ta ra và lùi lại sát tường rồi lao lên, vai đưa ra phía trước, đâm sầm vào cánh cửa.
Tôi phải làm ba lần, cuối cùng cái chốt phải rời ra và tôi phóng vào phòng.
Brunei đang cúi mình ở giữa phòng. Dưới chân anh Roland nằm dài, hai tay ôm tim ấn chặt. Cơn đau và nỗi sợ hãi làm nét mặt anh ta rúm ró. Một đám bọt nhỏ đọng trên khóe miệng anh ta.
Tôi có cảm giác như đất sụt dưới chân.
Với cái nhìn kinh ngạc, tôi đưa mắt khắp phòng. Hai chiếc ghế phô tơi, cái tủ áo, tủ thấp, trần nhà trắng bong, giấy tường hồng, cửa sổ vẫn đóng.
Chả có vẻ gì lộn xộn. Ngoài mấy cái cửa vào bị phá, căn phòng vẫn y hệt như khi chúng tôi rời đi. Chả có dấu vết nhỏ nào của kẻ đột nhập. Vả lại, chả thể nào đột nhập được.
... Và Roland hấp hối, một viên đạn xuyên vào tim.
Armand đi sau tôi vào phòng.
- Ông chủ ơi ! ... Ông chủ ơi ! ... Anh ta rên rỉ một cách tuyệt vọng.
Nhưng gần như ngay lập tức sự thương xót nhường chỗ cho một tình cảm khác mạnh hơn: sự sợ hãi, một sự kinh khiếp lên tới đỉnh điểm và anh hầu gần như gục xuống.
Như tất cả những người chưa trải qua các cuộc phiêu lưu mạo hiểm, Armand không thể tin vào cách giải thích chính thức, vào “truyền thuyết về một hung thủ vô hình”, thế mà bỗng nhiên anh nhận thức được sự thật anh ta đã phát hiện ra sức mạnh ma quỷ của kẻ tội phạm.
Hai tay duỗi ra như đẩy xa một đối thủ vô hình, anh hầu lùi lại vài bước. Ánh mắt anh ta tối lại, và với tiếng kêu cuổi cùng tắc nghẹn trong cổ, anh ta ngả về phía sau lên một chiếc ghế phô tơi và nằm bất động.
Tôi lại gần Brunei và quỳ gối xuống, hay nói đúng hơn là tôi sụp xuống cạnh anh. Bạn tôi luồn cánh tay dưới gáy nạn nhân và nâng nhẹ anh ta lên. Mặt anh cúi sát mặt Roland như cố tìm ra một dấu hiệu cuốỉ cùng, nghe lời cuối cùng.
Tôi cũng dán mắt vào mặt người sắp chết, nhìn vào cặp mắt “đã nhìn thấy”, vào cặp môi có thể cho tôi biết chìa khóa của điều bí ẩn đáng sợ và cái chết sắp bịt nó lại.
“Nhưng Brunei cũng biết, tôi tự nhủ. Brunei lại không cứu được anh ta...”
Một ý nghĩ đau đớn xuyên qua óc tôi. Roland, người đã biết điều bí ẩn, có hiểu là Brunei cũng đã biết sự thật, sự thật mà anh ta phải trả giá bằng mạng sống của mình ?
Như để trả lời cho tôi, người hấp hối đưa mắt nhìn Brunei trong cái nhìn tôi chỉ thấy sự gắn bó, sự yêu mến vô bờ.
Ôi ! Ánh mắt bối rối trong đó Roland như muốn gửi lại tất cả những suy nghĩ cuối cùng của anh ! Cặp môi của kẻ bất hạnh hé mở. Anh ta nói ư ? Giọng nói khẽ đến nỗi tôi không thể nghe thấy.
Cặp mắt dán chặt vào mắt của Brunei, hai giọt nước mắt to tướng lăn xuống.
Rất nhẹ nhàng, bộ ngực thôi phập phồng. Cái miệng vẫn hé mở.
... Nhưng vì những giọt nước mắt tiếp tục lăn xuống má nên tôi chưa biết ngay.
Brunei ôm cái xác trong tay nhưng rất nhanh anh quay mặt đi và tôi thấy hai vai anh rung lên.
Rất lâu, tôi ngồi quỳ gối, hai tay buông thõng, rã rời. Cuốỉ cùng tôi đứng dậy và đi như cái máy về phía cửa sổ. Tôi mở cửa kính, đẩy cửa chớp ra.
Girard nhảy phắt lên khi nhìn thấy tôi. Tôi ra hiệu gọi anh ta rồi đi mở cửa ra vào. Tôi lại quay vào phòng.
Mặt anh bạn bất hạnh của chúng tôi biến đổi hoàn toàn. Dấu vết của sự sợ hãi và đau đớn biến mất. Nét mặt dịu đi và trẻ ra, vầng trán không còn một nếp nhăn trở nên trong sáng ! Cái miệng hé mở như cười.
- Cái chết đã đưa lại cho chúng tôi anh bạn Roland ngày xưa.,
Girard nhìn cái xác, nhìn hai cái cửa bị phá rồi lại gần Brunei. Nhưng nét mặt của bạn tôi có vẻ gì đấy thật đáng sợ đến nỗi viên thanh tra e ngại quay mặt đi. Anh ta khẽ hỏi tôi:
- Thế nào ?
Bằng vài lời tôi tóm tắt thảm kịch. Nói xong tôi thêm vào như cái máy:
- Hẳn anh cũng chả nhận thấy điều gì từ chỗ cửa anh phải không ?
- Đúng vậy.
Giọng nói cố giấu một cơn giận dữ kìm nén, và tôi đọc trên mặt viên thanh tra lời trách móc mà anh không nỡ nói ra.
Girard cúi xuống cái xác, nhìn vết thương:
- Viên đạn được bắn rất gần, anh ta nói: áo bị xém cháy.
Rồi anh bò lổm ngổm quanh phòng. Khi anh đứng lên thì không một phân vuông nào bị bỏ qua. Anh lại xem xét tường, mở tủ.
- Tôi tự hỏi tại sao tôi lại mất thời gian, anh ta càu nhàu nhưng vẫn tiếp tục công việc. Từ lâu lắm rồi tôi đã mất tham vọng hiểu được vụ này.
Nếu hung thủ không nói dối thì cơn ác mộng đã chấm dứt, tôi ngượng ngùng nói.
Girard như điên dại chồm lên.
- Thế còn chưa đủ à ?
Chậm chạp Brunei quay về phía anh ta. Brunei lau mắt, lau trán lấm tấm mồ hôi. Và anh lảo đảo đến gần chúng tôi.
- Girard, làm ơn giúp tôi được không ?
Thanh tra ngước mắt lên ngạc nhiên nhìn anh.
- Hãy báo cho ông cảnh sát trưởng, hãy làm những gì cần thiết, Brunei nói tiếp: ngày mai tôi sẽ đến gặp ông ấy, còn đêm nay tôi không đủ sức, tôi ốm rồi.
Brunei dường như không đứng vững, anh lảo đảo. Mặt anh biến dạng, đôi tay run rẩy. Chưa bao giò Girard và tôi có thể tưởng tượng rằng con người bằng thép ấy có thể rơi vào tình trạng như thế này.
Tôi biết cái hình ảnh thảm thương này - hình ảnh của André Brunei thất bại làm cho viên thanh tra xúc động đến mức nào. Anh ta xiết chặt tay bạn tôi và nói bằng giọng rõ ràng là anh đã quên hết oán hận:
- Cứ tin ở tôi, anh bạn... Cứ đi đi... Đừng nhụt chí. Đứng quên anh là André Brunei.
- Cảm ơn Girard tốt bụng.
Brunei luồn tay vào dưới cánh tay tôi. Tôi có cảm giác là anh tựa vào tôi.
- Đi nào, anh bạn nhỏ.

Chương trước Chương sau