Sáu ngày của Condor - Chương 01

Sáu ngày của Condor - Chương 01

Sáu ngày của Condor
Chương 01

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 10/10 với 16470 lượt xem

James Grady là nhà văn tiến bộ Mỹ. Ông sinh năm 1949 tại một thị trấn nhỏ thuộc bang Montana.
Ngày nhỏ sống tại quê nhà. Sau khi tốt nghiệp đại học Montana, J. Grady trở thành nhà báo. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học, ông đã say mê tìm hiểu các môn khoa học xã hội – chính trị và sử học. Tuy rất có năng khiếu về văn chương, nhưng J. Grady vẫn không dám sống bằng nghề cầm bút, vì ông vốn biết chắc mười mươi rằng “phàm đã là nhà văn thì khó lòng được sống một cuộc đời no đủ”. Bởi thế, J. Grady xin vào làm trợ lý các vấn đề lập pháp tại Uỷ ban soạn thảo hiến pháp bang Montana. Tiếp đó, suốt nhiều năm liền ông đã làm qua đủ mọi nghề: khi thì công nhân, khi thì chuyên gia bài trừ tệ nạn phạm pháp trong trẻ em, khi thì phóng viên báo chí.
Cuộc sống của ông cứ tiếp tục trôi qua như thế cho mãi đến năm 1974, năm J. Grady công bố cuốn truyện đầu tay, làm chấn động dư luận: “Sáu ngày của Condor”(1) (trong những lần tái bản sau này được đổi tên thành “Ba ngày của Condor”). Cuốn tiểu thuyết đã đem lại cho tác giả danh tiếng ấy lập tức được đạo diễn Mỹ có tên tuổi là Sydney Pollack đưa lên màn ảnh và càng làm xôn xao dư luận.
Năm 1975, J. Grady cho ra mắt bạn đọc thiên tiểu thuyết thứ hai: “Cái bóng của Thần Ưng”. Nhân vật chính ở đây vẫn là anh chàng Ronald Malcolm quen thuộc mà một nhà phê bình đã từng tặng cho danh hiệu là “gã điệp viên đáng mến và hấp dẫn nhất, nhưng đồng thời cũng lại là tên điệp viên khó gặp và phi hiện thức nhất trong lịch sử tồn tại của cơ quan CIA”.
Ngay cả khi tác phẩm đầu tay đã có tiếng vang rộng khắp, J. Grady vẫn còn nấn ná khá lâu mãi tại quốc hội Mỹ với chức vụ trợ lý của một hạ nghị sĩ. Còn hiện thời, J. Grady đang làm thư ký riêng cho một nhà báo Mỹ lừng danh. Ông chỉ sáng tác truyện trinh thám những khi rỗi việc. Các cốt truyện trong sáng tác của ông thường xây dựng trên chất hiện thực. Những gì được hư cấu hoàn toàn không phải nhằm mục đích “thêm nhưn thêm nhị” mà chỉ là phương tiện để gắn kết các biến cố thực lại với nhau cho bố cục tác phẩm được cân xứng, thật hài hoà.
Năm 1980, tác phẩm thứ ba của J. Grady ra đời: “Bắt lấy ngọn gió lành”. Mùa xuân năm 1981, lại một tiểu thuyết hấp dẫn nữa của nhà văn, thiên truyện thứ tư ra mắt bạn đọc: “Kẻ trốn chạy ngoài phố”.
Những biến cố trong “Sáu ngày của Condor” bắt đầu từ việc một nhân viên trong một tiểu ban của CIA (gọi là “Hội Văn Sử”) phát hiện ra một vụ gian lận về chứng từ, sổ sách, và muốn làm “sáng tỏ”, anh bèn viết một tờ trình ngắn gởi lên cấp trên. Tờ trình rơi vào tay một “ông lớn” ở Tổng hành dinh CIA.
Nhân vật này cho thi hành “những biện pháp khẩn cấp nhằm huỷ diệt hết tất cả các “khoản” cùng những hồ sơ lưu trữ có liên quan đến công việc, lẫn những nhân viên của cái tiểu ban có dính đến câu chuyện nêu trong “tờ trình”.
Thế là ngay đêm hôm đó, nhân viên viết tờ trình bị thủ tiêu tại nhà. Và sáng hôm sau thì toàn bộ người của tiểu ban bị giết một cách thảm khốc, trừ mỗi một mình anh chàng Malcolm, vì sáng hôm đó đi vắng, nên thoát chết. Trở về trụ sở và chứng kiến cảnh giết chóc tàn khốc nọ, Malcolm với biệt danh Thần Ưng (Condor), đã dùng điện thoại báo động.
Báo động! Báo động khẩn cấp! Phong toả ngay căn cứ!... Và từ đó bắt đầu cuộc săn lùng, cuộc đấu trí, chung quanh cái trục là Malcolm, “người hùng” trong một tình thế bắt buộc, như anh thú nhận: “không có con đường nào khác”. Cả hai phía; phía “chính thống” và phía “buôn lậu ma tuý” đều lùng sục Malcolm, bởi vì anh là người nắm được đầu mối của cái tấn kịch khủng khiếp. Malcolm, cái anh chàng “thư lại” ấy, bỗng chốc phải đối phó với hàng trăm tình huống gay cấn – và tình huống cũng đã buộc anh phải hành động mưu trí, sáng tạo để thoát chết và để khám phá ra bọn thủ phạm vụ án. Vấn đề là trong khi hành động như thế, Malcolm cũng dần dần hiểu ra một điều cơ bản là cả hai phía săn lùng anh cùng có chung một bản chất: “Maronic là đứa giết người thuê. Malcolm bỗng nhớ lại giọng nói của những nhân viên nhà nghề ở đầu đường dây “Báo động”, những người cũng y hệt như Maronic vậy. “Không”, anh nghĩ bụng, - cuộc săn lùng từ trước đến giờ chỉ nhằm vào mỗi một mình mình. Vấn đề đặt ra chỉ có thế này họ chống lại mình, họ hại mình” (chương Thứ ba (đêm) – Thứ tư (Rạng sáng)).
Thông qua toàn bộ câu chuyện, J. Grady cũng phơi bày được một bộ mặt bản chất của xã hội Mỹ: đó là một xã hội với những tội ác kinh điển, thường trực, một xã hội đầy dẫy bọn buôn lậu, bọn găng-xtơ thích máu, mà đối với chúng việc giết người “chỉ là công việc làm ăn, không hơn không kém” và “họ không xúc động mảy may nào về những hậu quả do họ gây nên”.
Điều đáng chú ý nữa là cái bọn tội phạm ấy lại chính là những nhân vật có cỡ nằm ngay trong nội bộ CIA. Đúng hơn, một số nhân vật có cỡ trong CIA đã móc ngoặc với bọn găng xtơ, làm ăn phi pháp và gây tội ác. Và việc chúng khử cả một tiểu ban của CIA một cách lạnh lùng, tàn bạo… để bịt đầu mối, đã nói lên cái bản chất của những con người trong cái công cụ đáng nguyền rủa ấy của nước Mỹ.
Qua cuốn tiểu thuyết, nội tình của CIA, cái mặt trái của tổ chức cồng kềnh này, đã bị phơi trần. Nó có nội gián. Nó mọt ruỗng từ bên trong. Nó kém hiệu lực mặc dù hùng hổ. Đứng trước sự khủng hoảng, nó đối phó lúng túng. Cái gì sẽ xảy ra nếu không có anh chàng Malcolm? Nhân vật “ông già hiền hậu” chỉ là nhân vật tỉnh táo gần như duy nhất, trong trường hợp ấy cũng sẽ chẳng làm nên chuyện gì. Còn Malcolm? Anh là “người hùng” trong một tình thế bắt buộc, như anh thú nhận: “không có con đường nào khác”.
Cái kết thúc phần nào “có hậu”của cuốn truyện, tuy không hẳn đã phản ảnh chân xác lô-gich của xã hội Mỹ, nhưng cái kết thúc ấy cùng với phần nào cái chất lương thiện trong con người bình thường Malcolm, biểu tượng của khát vọng về lẽ phải và lòng nhân đạo của nhân dân Mỹ, đã đem lại cho người đọc cảm tình và hy vọng. Đó là một tích cực đáng nói của cuốn truyện này

Chương sau