Rình rập - Chương 06

Rình rập - Chương 06

Rình rập
Chương 06

Ngày đăng
Tổng cộng 31 hồi
Đánh giá 9/10 với 28194 lượt xem

Ăn sáng xong, ông Jonathan cẩn thận rửa chén bát, cái chảo chiên trứng và quét dọn căn bếp. Bà Emily, vợ ông, vốn sống ngăn nắp vì thế, sau bao năm chung sống, ông Jonathan đã có thói quen ưa thích sự tươm tất, sạch sẽ. Giờ đây, tuy sống một mình, ông vẫn không bừa bãi. Ông ghi nhận những tắc trách của chị người làm và mỗi chiều thứ sáu, khi chị người làm đã về nghỉ cuối tuần, ông mang các lọ, keo, hũ ra lau chùi và đánh bóng lại mớ bàn ghế mà chị ta thường lưu lại mớ sáp đánh bóng.
Hồi còn ở New York, vợ chồng ông ngụ tại Sutton Place, góc Phố 55. Căn hộ của họ ở tầng thứ mười bảy, nhìn ra dòng sông East River. Dạo đó, hai ông bà vẫn thường ra bao lơn để ngắm ánh đèn trên những chiếc cầu bắt qua dòng sông và nói về cảnh quang của hồ Maushop, về Cape và cuộc sống của họ khi nghỉ hưu.
Hồi đó, ông đã trêu bà :
- Em sẽ không còn có Bertha để lau dọn nhà cửa nữa đâu.
- Dĩ nhiên - Bà Emily đáp - Bertha lúc ấy hẳn cũng đã nghỉ hưu. Dẫu sao chăng nữa thì chúng ta cũng cần có người đến giúp việc mỗi tuần một lần. Thôi, hãy nói chuyện của anh đi. Anh có hối tiếc khi không còn tài xế lái xe?
Lúc đó, ông Jonathan đã nói rằng ông sẽ mua một chiếc xe đạp. Và ông nói tiếp :
- Ngay bây giờ anh cũng có thể sắm một chiếc xe đạp vậy, nhưng ngại rằng một số thân chủ của anh sẽ phản ứng khi thấy một luật sư như anh mà mỗi ngày đạp xe đến văn phòng.
- Theo em thì anh nên bắt tay vào công việc viết lách. Em tiếc rằng anh đã bỏ qua chuyện đó từ nhiều năm rồi.
- Nếu anh mà viết văn nữa thì em làm sao xài tiền cho hết? Em là cái máy xài tiền của anh mà!
- Tất cả chỉ lỗi tại anh. Anh không ngừng thôi thúc em tiêu pha đồng tiền của anh.
- Anh muốn như vậy. Anh không than trách gì cả. Anh đã có quá nhiều may mắn.
Jonathan thầm nghĩ, phải chi vợ chồng ông có thể chung sống vài năm trong ngôi nhà này... Ông thở dài rồi móc cái khăn lau chén vào chỗ cũ. Sáng nay, ông chợt buồn khi trông thấy Nancy Eldredge và hai đứa con của nàng sau khung cửa sổ. Điều đó có thể là do thời tiết quá ảm đạm hoặc là vì những dấu hiệu đầu tiên của một mùa đông lê thê đã sớm đến. Chẳng hiểu sao nữa, nhưng ông cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Có điều gì đó đang dằn vặt ông. Một thứ bứt rứt tương tự như cái cảm giác mà đôi khi ông đã gặp khi nghiên cứu một hồ sơ với những sự việc không ăn nhập nhau.
“Ta làm việc thôi”, Jonathan nhủ thầm, ông nôn nóng muốn viết xong phần dẫn nhập của chương nói về vụ án Harmon.
“Theo lẽ ta nên nghỉ hưu sớm”, ông thầm nghĩ khi từ tốn bước đến bàn giấy. Thật ra, hoàn cảnh đã cuối cùng đưa đẩy ông đến chỗ nghỉ hưu. Sau khi Emily qua đời, ông đã bán căn hộ ở New York, xin từ chức, cho bà Bertha một số tiền dưỡng già, và lui về ngôi nhà này, nơi trước đây vợ chồng ông đã chọn. Với thời gian, nỗi tuyệt vọng của ông vơi dần và nhớ thương cũng nguôi ngoai đôi chút.
Giờ đây, viết cuốn sách này là cả một đam mê đầy hấp dẫn đối với ông. Ngay khi đề tài vừa hình thành trong tâm trí, ông đã mời Kevin Parks, người bạn cố tri và đồng thời cũng là một trong những nhà điều tra độc lập làm việc nghiêm túc nhất, đến nghỉ cuối tuần tại Cape để ông có thể trình bày cái dự kiến của mình. Jonathan đã chọn mười vụ trọng án có vấn đề, khiến phải tranh luận. Ông đã nhờ Kevin tập hợp tất cả những tư liệu có liên quan đến các trọng án đó: biên bản, lời khai nhân chứng, các bài báo, hình ảnh, những câu chuyện bên lề pháp đình v.v... Jonathan chủ tâm nghiên cứu kỹ từng hồ sơ trước khi phân tích và đưa ra kết luận về vụ án - hoặc đồng ý với phán quyết của tòa, hoặc không đồng ý, căn cứ trên những lý lẽ mà ông nêu ra. Tác phẩm này của ông có tên: Phán quyết và Nghi vấn.
Jonathan đã hoàn tất ba chương của cuốn sách. Chương thứ nhất có tựa “Vụ Án Sam Sheppard” mà theo quan điểm của ông thì bị cáo hoàn toàn vô tội. Có quá nhiều thiếu sót trong điều tra và thiếu quá nhiều chứng cứ. Jonathan chia sẻ quan điểm của hội thẩm Dorothy Kilgallen khi phán rằng Sam Sheppard can tội ngoại tình chứ không sát nhân.
Chương thứ hai là “Vụ Án Cappolino”. Ở chương này, ý kiến của Jonathan là Marge Farger cũng đáng bị kết án như người tình của cô ta.
Và chương thứ ba, mà Jonathan vừa kết thúc, đề cập đến “Vụ án Edgar Smith”. Theo ông, Edgar Smith là kẻ phạm pháp, nhưng giờ đây y cũng đáng để được ân xá. Ở thời buổi này, mười bốn năm ngồi tù xem như đã là một án chung thân, hơn nữa, khi phải cải tạo trong một trại giam khủng khiếp như Death Row, hẳn Edgar Smith đã biết ăn năn hối cải.
Jonathan ngồi vào bàn giấy và cầm lấy chồng hồ sơ dày cộm với bìa cứng có ghi: Vụ Án Harmon. Ở tạp đầu tiên, Kevin có ghim một mẩu giấy:
“Gởi anh Jonathan. Theo tôi nghĩ thì anh sẽ vất vả và đồng thời cũng thú vị khi nghiên cứu vụ án này. Bị cáo tỏ ra là một mục tiêu khá tốt cho những lời buộc tội; ngay cả người chồng của bị cáo cũng không tiếc lời lên án cô ta trước tòa. Nếu một ngày nào đó người ta tìm ra nhân chứng chủ yếu của vụ này - hiện đã mất tích - và đưa ra xử lại, thì tốt nhất bị cáo nên có những chứng cứ vững chắc hơn là những gì mà cô đã nêu trong phiên tòa trước đây. Hiện nay, tôi không rõ bị cáo đang ở đâu. Văn phòng biện lý biết điều đó, nhưng tôi không thể cạy miệng họ. Có lẽ bị cáo hiện sống tại một nơi nào đó ở Miền Đông... đó là tất cả những gì mà tôi có thể biết”.
Với đôi chút hồi hộp, Jonathan mở tạp hồ sơ. Ông biết rằng trong bước đầu, ông không thể nêu ra một ý kiến nào ngoài những giả thuyết, trước khi tập hợp đầy đủ các thông tin. Tuy vậy, ông còn nhớ, khoảng sáu, bảy năm về trước, vụ án này đã khơi dậy trong ông những thắc mắc, nghi vấn. Ông nhớ đã nêu ra những thắc mắc khi đọc lời khai của các nhân chứng... Đó cũng là những nghi vấn mà giờ đây ông muốn tìm hiểu. Trước đây, ông có cảm tưởng Nancy Harmon đã không nói hết những gì mà cô ấy biết về vụ mất tích của các con cô.
Cầm lấy mớ tài liệu trong tạp hồ sơ, Jonathan cẩn thận trải chúng lên mặt bàn rộng lớn. Có cả hình chụp Nancy Harmon khi ra trước tòa. Trông cô nàng thật nhí nhảnh với mái tóc dài chấm lưng. Theo hồ sơ lưu trữ thì năm ấy nàng hai mươi lăm tuổi. Nhưng, có một dáng vẻ tươi trẻ hơn nhiều. Cứ như là một thiếu nữ. Lối ăn mặc lại càng làm nàng trông giống trẻ con hơn; như muốn nhấn mạnh cái ấn tượng mà nàng gây ra nơi mọi người. Hẳn luật sư của nàng đã tư vấn điều đó - tạo một dáng vẻ càng non trẻ càng tốt.
Kỳ lạ thật, nhưng kể từ khi quyết định viết cuốn sách này, ông Jonathan có cái cảm tưởng là ông đã từng quen biết với người đàn bà đó. Ông chăm chú vào các bức ảnh trên bàn. Dĩ nhiên, cô này sao trông giống cô vợ trẻ của Ray Eldredge quá! Điều đó đã giải thích cái cảm giác quen biết làm ông bứt rứt. Tuy hai người trông không giống nhau, nhưng liệu thế giới này có quá nhỏ để họ có cùng quan hệ huyết thống?
Mắt ông dừng lại ở trang đánh máy đầu tiên: Lý lịch Nancy Harmon. Sanh tại California, lớn lên tại Ohio. Như vậy, chẳng thể có quan hệ họ hàng với Nancy Eldredge. Dorothy Prentiss vốn quen biết với bố mẹ Nancy ở Virginia.
Jonathan chợt nghĩ đến Dorothy Prentiss. Một thoáng vui thích lên vào tâm trí khi ông nghĩ đến bà cộng tác viên khá quyết rũ này của Ray. Ông thường ghé lại văn phòng địa ốc của Ray vào lúc 17 giờ, khi đi mua tờ Globe phát hành buổi chiều. Ray đã tư vấn để ông đầu tư chút đỉnh vào đất đai và công việc diễn ra rất thuận lợi. Phần ông, ông đã giúp Ray có một vai trò tích cực hơn trong cộng đồng và hai người đã nhanh chóng trở thành bạn thân.
Tuy vậy, Jonathan biết rằng mình đã nhiều lần ghé lại văn phòng Ray mà không vì một lý do cần thiết nào. Nói tóm lại, ông ghé lại đó chỉ để gặp nhau, để nói đủ chuyện trên đời. Ray thường nói: “Chà, bác đến kịp lúc để chúng ta lai rai vài ly khi chiều xuống”. Và anh không quên mời Dorothy cùng tham gia.
Trước đây, bà Emily vốn chuộng rượu Daiquiris. Dorothy thì chọn thứ cốc tay hợp với sở thích của ông Jonathan - Rob Roy với một lát chanh tươi, cả ba cùng ngồi trong văn phòng Ray, uống rượu và trò chuyện.
Jonathan thích cái lối nói chuyện dí dỏm của Dorothy. Bà ta xuất thân từ một gia đình kịch nghệ, theo cha mẹ đi lưu diễn nhiều nơi nên có nhiều kỷ niệm tuyệt vời để kể lại. Bà đã một thời mơ ước trở thành nghệ sĩ sân khấu, nhưng sau ba lần giữ vai phụ trong những vở kịch không mấy thành công, bà đi lấy chồng và sống tại Virginia. Sau khi chồng qua đời, bà đến Cape với ý định mở một cửa hàng trang trí nội thất và cuối cùng, bà quyết định làm việc với Ray. Theo lời Ray, thì Dorothy rất có khiếu kinh doanh; bà có thể nhận ra những ưu điểm của một ngôi nhà, tuy trông điêu tàn dột nát, nhưng nếu biết sửa sang thì có thể kinh doanh rất tốt.
Dạo sau này, Jonathan thường ấp ủ cái ý định mời Dorothy đi ăn tối. Những ngày cuối tuần xem chừng quá dài đối với ông và hôm chủ nhật vừa qua, ông đã hai lần đưa tay với điện thoại, định gọi Dorothy. Nhưng rồi ông dằn lại, ngại kết thân quá vội với một phụ nữ mà ông hầu như ngày nào cũng gặp. Hơn nữa, ông cảm thấy không mấy tin tưởng ở chính mình. Phải chăng đối với ông thì người đàn bà ấy hơi có nhiều cá tính? Bao nhiêu năm chung sống với một người đầy nữ tính như Emily hẳn sẽ không làm ông dễ thích nghi với một phụ nữ có cá tính cực kỳ độc lạp.
“Lạy Chúa, tôi đang nghĩ ngợi cái gì kỳ cục vậy nè?” ông Jonathan nhủ thầm. Sao sáng nay đầu óc ông ở đâu đâu! Tại sao ông dễ dàng xao lãng vụ án Harmon đến thế?
Bằng một thái độ dứt khoát, ông nhồi thuốc vào tẩu, châm lửa và hít một hơi dài. Ông cầm lấy tập hồ sơ, ngả lưng ra ghế. Bây giờ là lúc ông nghiên cứu tập tài liệu đầu tiên của chồng hồ sơ.
Một giờ mười lăm phút trôi qua. Chỉ còn tiếng tíc tắc của cái đồng hồ, tiếng rít của những loạt gió càng lúc càng dữ dội qua những hàng thông phía sau cửa sổ và thỉnh thoảng là tiếng làu nhàu tỏ vẻ hoài nghi của Jonathan. Rồi, ông ta cau mày, đặt xấp tài liệu xuống và chậm rãi đi ra bếp để pha ly cà phê. Qua những tài liệu vừa đọc, ông tin rằng có một điều gì đó đáng ngờ trong vụ án này... một điều gì đó ngấm ngầm ngăn trở không để cho những sự việc được khớp nhau một cách hợp lý.
Jonathan bước vào căn bếp ngăn nắp, bóng loáng. Ông nghĩ ngợi trong khi đổ nước vào ấm. Rồi ông đi ra cổng chính trong khi chờ nước sôi. Tờ Cape Cod Community News vừa được phát đặt ở dưới cổng. Cặp nách tờ báo, ông Jonathan trở vào nhà bếp, đổ một thìa cà phê bột vào tách, cho thêm nước sôi, quậy đều và uống một hớp trong khi đọc qua các tít lớn của tờ báo.
Lướt sang phần hai của tờ báo thì ông đã uống gần hết tách cà phê. Cầm cái tách trên tay, ông chăm chú nhìn hình vợ Ray Eldredge đăng trên báo.
Ngay khi khám phá ra sự thật, Jonathan phải đắn đo để chấp nhận hai sự việc không thể bác được: Dorothy Prentiss đã cố tình lừa dối ông khi quả quyết rằng dạo trước bà đã quen Nancy tại Virginia. Mặt khác, tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông hẳn phải tuân theo cái trực giác vốn có của một luật sư! Trong tiềm thức, ông vẫn biết rằng Nancy Harmon và Nancy Eldredge chỉ là một.

Chương trước Chương sau