Ông cố vấn - Chương 34

Ông cố vấn - Chương 34

PHÁl ĐOÀN CÔNG DU MỸ QUỐC

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 9.6/10 với 83892 lượt xem

Cụm tình báo A.22 đã cắm được khá sâu và vững chắc trong những cơ quan đầu não của chính quyền.
Với cương vị một nhà lãnh đạo phong trào Thiên chúa giáo, cố vấn đặc biệt của đương kim tổng thống, Hai Long đã triển khai rất rộng những quan hệ và ảnh hưởng của mình.
Hòe vừa là chủ nhiệm một tờ báo kinh tế, vừa là chánh sự vụ Tổng đoàn Công Kỹ nghệ gia, vừa là công cán ủy viên Phủ tổng thống, có điều kiện nắm khá đầy đủ các chương trình và kế hoạch tài chính, kinh tế của chính quyền cùng với diễn biến những sự kiện chính trị, quân sự lớn qua Phòng tổng thư ký phủ tổng thống.
Thắng là chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ báo, đồng thời là một ký giả có những quan hệ bạn bè rộng rãi trong bộ máy chính quyền, quân đội và các giáo phái ở miền Nam. Với Thắng và Hòe, cụm A.22 có hai tờ báo cùng với hai nghiệp đoàn ký giả công khai truyền bá những điều có lợi cho đường lối, chủ trương của cách mạng.
Ruật là phó tổng thư ký Liên minh dân tộc cách mạng dân chủ xã hội của Nguyễn Văn Hướng, lực lượng hậu thuẫn trực tiếp về chính trị cho Thiệu. Ruật nắm rất vững hoạt động của các đảng phái ở miền Nam Việt Nam.
Cụm cũng thu hút thêm một số cộng tác viên mới có địa vị cao trong chế độ.
Trọng là phụ tá của tổng thống, được trao nhiệm vụ đặc trách về chính trị, ngoại giao, và liên lạc với Tòa đại sứ Mỹ.
Cụm còn có thêm Đồng, em ruột của Hòe, là sĩ quan của ban thanh tra bộ Xây dựng nông thôn, nơi theo dõi công tác bình định. Đồng đã tham gia công tác từ lâu. Anh có một cương vị khá lợi hại. Tiếc là gần đây Đồng bị diều ra miền Trung.
Những diệp viên của Cụm A.22 đều có quan hệ rộng rãi trong bộ máy chính quyền, quân đội và những tổ chức chính trị, tôn giáo.
Điều khiến Hai Long suy nghĩ nhiều là do yêu cầu trực tiếp tham gia chiến đấu, qua 2 đợt tiến công vào thành phố đã xuất hiện dấu hiệu một đôi người trong lưới bị kẻ địch chú ý. Cách đối phó của anh là luôn nhắc nhở mọi người, nhất cử nhất động đều phải thận trọng, giữ vững nguyên tắc bí mật trong liên lạc, tiếp tục củng cố bình phong cho thật vững chắc.
Trung tâm khen ngợi lưới Hai Long về thành tích trong các đợt tổng tiến công, đồng thời chỉ thị cho anh nắm chắc tình hình hòa đàm ở Paris, tác động mạnh vào chính giới và dư luận Mỹ một cách có lợi cho ta, hối thúc Thiệu chấp nhận tham gia hòa đàm. Trung tâm trao cho anh thêm một nhiệm vụ mới: “Khẩn trương tìm cho được kế hoạch Bình định cấp tốc và kế hoạch Bình định năm 1968-1969 của Mỹ”.
Yêu cầu mới của Trung tâm khiến Hai Long lo lắng. Anh đã hiểu vì sao ta cần có sớm bản kế hoạch này. Hai đợt tổng tiến công trên toàn miền Nam đã giành được thắng lợi rất lớn là làm tan rã ý chí xâm lược của Mỹ, nhưng lực lượng của ta có thể cũng bị thiệt hại nhiều. Phần lớn những cơ sở của ta đều bị bộc lộ, địch đã nhìn thấy điều đó, và chúng quyết tâm lợi dụng cơ hội này để càn quét đánh phá ác liệt những cơ sở, những vùng căn cứ của ta, gây cho ta những khó khăn lâu dài về sau này, kể cả khi Mỹ đã rút quân.
Hai Long đã hỏi Thiệu về kế hoạch bình định. Thiệu nói Mỹ chỉ mới làm xong dự thảo, và chưa chuyển cho mình. Anh trao nhiệm vụ cho Trọng tìm kiếm bản dự thảo ở tòa đại sứ Mỹ. Trọng trở về với về thất vọng.
- Tôi thăm dò biết bản dự thảo còn nằm ở chỗ Komer, phụ trách công tác bình định. Tôi lại chưa quen ai trong chỗ Komer. Anh Hai thử tính xem có cách chi để tôi tới chỗ Komer không?
- Việc này phải do chính Thiệu trao cho anh.
- Dạ, đúng như vậy đó.
Hai Long cũng không nghĩ ra cách nào để nói với Thiệu trao nhiệm vụ cho Trọng tới gặp Komer xin bản dự thảo này. Thiệu không quan tâm đến nó. Gần đây, Thiệu chỉ lo lắng về việc Mỹ và Mặt trận Giải phóng đã ngồi với nhau tại Paris, Mỹ sẽ đối xử với y ra sao.
- Đành chậm lại một chút vậy. Cả anh và tôi cùng nghĩ xem có cách nào không?
- Từ khi tôi vô phủ tổng thống đã 5 tháng. Ông Thiệu chưa chuyện trò riêng với tôi lần nào! Chỉ gặp ông trong những buổi họp chung với tất cả các phụ tá.
Tính Thiệu như vậy. Thiệu chỉ săn đón người nào khi có việc lợi cho y. Trường hợp Trọng không phải là đặc biệt. Nguyễn Văn Hướng, người đã xả thân làm đủ mọi việc đưa Thiệu lên ghế tổng thống, cũng than phiền là Thiệu lạnh nhạt với mình. Hòe cũng như vậy. Thiệu có ba phụ tá đặc trách là Nguyễn Cao Thăng, Uông Ngọc Thạch và Huỳnh Văn Trọng. Nhưng Thiệu chỉ gần gụi có Nguyễn Cao Thăng, vì Thăng là một tỷ phú. Thăng dựa vào Thiệu để làm giàu thêm, nhưng khi Thiệu cần, Thăng cũng có thể vãi tiền khắp nơi để được việc cho Thiệu. Sự có mặt của Hai Long ở kề cận bên Thiệu đã làm cho y không cần tới một số người vẫn giúp đỡ cho mình.
- Tôi tin rằng Thiệu đã tới lúc cần sự giúp đỡ của anh.
Hai Long mỉm cười nói với Trọng. Lời than phiền của Trọng vừa làm anh nảy ra trong đầu một kế hoạch mới.
2.
Hai Long vừa ngồi xuống ghế, Thiệu đã hỏi luôn:
- Anh có được tin cuộc mặc cả tay đôi ở Paris tới đâu rồi không?
- Đó là chuyện cơ mật giữa những người đại diện cho Johnson và Bắc Việt. Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn không biết gì hơn ngoài những tin tức của các hãng thông tấn.
- Nhưng còn các cha Mỹ?
- Gần đây chưa cha nào về Mỹ nên cũng không biết gì thêm.
- Tính cách sao đây, không lẽ cứ để mặc cho Mỹ và Cộng sản giải quyết số phận của mình?
- Đó là vấn đề tôi định bàn với anh sớm nay.
Thiệu nhìn Hai Long chờ đợi. Anh nói tiếp:
- Từ trước tới nay, ta quá trông chờ vào sức mạnh quân sự Mỹ để giải quyết mọi vấn đề, nên ta buông lơi nhiều mặt công tác quan trọng. Đối phương vừa đánh, vừa vận động chính trị, vừa tuyên truyền, nhưng ta chỉ biết đánh! Bây giờ Mỹ đã quyết định xuống thang chiến tranh, chỉ còn đánh cầm chừng, đợi ngày rút quân về nước. Hơn thế, họ còn phụ họa với đối phương công khai tuyên truyền tìm kiếm hòa bình. Bắc Việt ngồi với Mỹ giữa thủ đô Pháp, hàng tuần họp báo đả kích ta hiếu chiến, phản dân tộc. Không ai bênh vực ta, mà ta thì cứ lặng thinh!
- Đúng quá!
- Tôi không nghĩ là ta đã vô kế khả thi, chỉ còn biết ngồi chờ số phận mình ngã ngũ ra sao. Thành bại của chiến tranh Việt Nam gắn liền với danh dự của nước Mỹ. Không lẽ nào ở nước Mỹ không còn ai ủng hộ ta! Johnson dù sao cũng là một kẻ thất thế, sắp khăn gói ra đi. Ta cần biết chính giới Mỹ hiện thời có những khuynh hướng nào, mỗi khuynh hướng do nhân vật nào cầm đầu, rồi đây ai sẽ thay thế Johnson.
- Cụ thể ta phải làm chi? - Thiệu hấp tấp hỏi.
- Tại sao tổng thống lại không cử một phái đoàn qua Mỹ để trực tiếp tìm hiểu tình hình tại chỗ, và chủ động tác động vào chính giới Mỹ một cách có lợi cho mình? Ta là đồng minh của Mỹ, một năm Mỹ cử qua ta bao nhiêu phái đoàn, sao tổng thống lại không tạo sự hiện diện của Việt Nam cộng hòa ngay tại nước Mỹ? Ta cũng phải có người của mình nói cho cả nước Mỹ nghe, chứ đâu cứ ngồi chờ ông Johnson đưa người sang huấn thị!
Thiệu im lặng, suy nghĩ rồi nói:
- Trước đây, Johnson cũng đã đề nghị ta cử một phái đoàn qua Mỹ, tiếc rằng hồi đó cha Tổng và anh đã không nhận lời đi giùm cho.
- Đi bây giờ cần hơn hồi đó.
- Mình nên lấy lý do gì?
- Muốn Johnson dễ chấp thuận, ta sẽ nói là cử một phái đoàn sang Hoa Kỳ để tham khảo ý kiến với các nhân vật trong chính quyền và các giới chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội để xây dựng Việt Nam cộng hòa trong giai đoạn chiến tranh và giai đoạn hậu chiến. Cách đặt vấn đề là như vậy, nhưng công việc thực sự của phái đoàn là thăm dò thái độ Mỹ đối với Việt Nam cộng hòa nói chung và tổng thống nói riêng, trong thời kỳ hiện nay cũng như sau bầu cử tổng thống Mỹ. Phái đoàn phải gồm những người có uy tín, trình độ, khôn lanh, và đặc biệt là hết lòng phò trợ tổng thống.
Đôi mắt Thiệu sáng lên. Thiệu đập rất mạnh nắm tay trái vào lòng bàn lay phài, thói quen khi Thiệu có điều gì thật ưng ý:
- Trúng phóc! Nhờ anh thành lập ngay cho một phái đoàn, đặt kế hoạch làm việc và chỉ đạo mọi hoạt động của phái đoàn. Anh tính ai có thể là trưởng phái đoàn.
- Trưởng phái đoàn cần là người có uy tín, trình độ, đã thực sự gắn bó với ta, và phải có cảm tình của người Mỹ. Không phải không tìm được người hội tụ cả ba điều kiện này, nhưng anh để tôi cân nhắc chút nữa rồi sẽ trả lời sau.
Buổi chiều, Hai Long trở lại nơi làm việc của Thiệu.
- Tôi tới trả lời anh về vấn đề chọn ai làm trưởng phái đoàn.
- Ai? - Thiệu sót sắng hỏi lại.
- Tôi đã cân nhắc, với công vụ này không ai hơn Bernard Trọng.
- Hả! Bernard Trọng, được quá!
- Ông Trọng là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm về chính trường, văn hóa cao, đã tốt nghiệt tú tài triết học và cử nhân luật khoa, đủ trình độ giao dịch với mọi giới. Ông Trọng lại có những quan hệ đặc biệt với người Mỹ. Và ông Trọng đã đặc biệt gắn bó với ta qua cuộc vận động bầu cử vừa rồi. Ông Trọng có thể hoàn thành sứ mệnh khó khăn mà anh trao phó.
- Vậy mà tôi không nghĩ ra!
- Cũng có một đôi người nói tổng thống bận quá nhiều việc nên hay quên... - Hai Long nhắc khéo.
- Rất trúng, rất trúng, anh giáo à. Bao việc dồn tới, đối phó bù đầu, quên cả anh em. Anh nói giùm Bernard Trọng thông cảm cho. Nhờ anh nhắc mà tôi sửa được khiếm khuyết này.
- Thành phần phái đoàn không cần nhiều người. Quý hồ tinh bất quý hồ đa! Miễn là đáp ứng được nhiệm vụ của tổng thống trao. Anh coi thời gian ở Mỹ của phái đoàn chừng bao lâu?
- Bao lâu cũng được. Hai tháng, ba tháng miễn là được việc và phải thông báo thường xuyên, kịp thời tin tức về nhà. Anh xem có thể cho thằng Xuân đi không? Nó là phụ tá đặc biệt về kinh tế, tài chính và phụ trách viện trợ kinh tế hậu chiến đó!
- Tôi xin lưu ý, có thể phái đoàn sẽ chừng bốn người.
Hai Long trở về nơi làm việc được một lát, thì vợ Thiệu cho người tới mời lên phòng khách của gia đình Thiệu dùng cà phê.
Bà tổng thống đón anh với nụ cười khả ái. Thiệu không có mặt trong phòng. Ly cà phê Buôn Ma Thuột thơm phức.
Vợ Thiệu nói với vẻ rụt rè:
- Trưa nay, em nghe anh Thiệu nói ông giáo đang lập danh sách phái đoàn qua Mỹ. Em muốn đề nghị ông giáo dàn xếp cho Nguyễn Duy Xuân vô đó. Em có chút việc riêng muốn nhờ Xuân ở Mỹ. Với ông giáo, em cũng coi như cha bề trên, không có chi giấu giếm. Em phải chạy một vài áp phe để kiếm chút đỉnh, nếu quân Mỹ rút thì ông Thiệu cũng rút lẹ, kẻo nước tới chưn, nhảy đâu kịp!
Biết vợ chồng Thiệu đã bàn với nhau, Hai Long vui vẻ:
- Tôi cũng đã tính đưa ông Xuân vô phái đoàn. Ông Xuân phụ trách kinh tế hậu chiến, nằm trong phái đoàn rất hợp. Chị cứ yên tâm. Còn nếu quân Mỹ có rút thì nước Mỹ và giáo hội Mỹ vẫn phải có trách nhiệm với Việt Nam cộng hòa, anh Thiệu chẳng vội vã gì mà phải từ bỏ ngay chức tổng thống.
3.
Hai Long lập xong danh sách phái đoàn.
Ngoài Trọng và Xuân, anh lấy thêm Vũ Ngọc Tuyến, chuyên viên về luật pháp của phủ tổng thống, phụ trách Viện nghiên cứu xã hội. Tuyến đã học ở Mỹ, đỗ tiến sĩ luật, được bầu làm hội viên danh dự của Đoàn luật gia Mỹ. Tuyến rất cảm ơn anh. Hai Long muốn nắm Tuyến, sử dụng Tuyến làm người liên lạc giữa mình với cha cố và giáo hội Mỹ. Trọng đề nghị đưa thêm một người bạn cũ làm thư ký cho phái đoàn. Đó là Nguyễn Bích Liên, công chức cao cấp thuộc bộ Ngoại giao. Thiệu đồng ý ngay với danh sách này.
Hai Long bảo với Trọng làm một bản phúc trình đề ra những dự kiến của mình trong cuộc công du, sẽ đưa Thiệu trước ngày phái đoàn lên đường. Qua bản phúc trình, Thiệu có thể hiểu về trình độ, nhãn quang chính trị, những biện pháp phong phú cũng như các mối quan hệ rộng rãi của Trọng trong chính giới Mỹ.
Hai Long cho người mời Tuyến tới, nói về nhiệm vụ của Tuyến trong phái đoàn. Tuyến rất phấn chấn, hứa sẽ hoàn thành tốt mọi việc mà anh ủy thác. Hai Long bàn thảo một ủy nhiệm thư, giới thiệu trưởng phái đoàn để đưa Thiệu ký.
Anh nói:
- Ủy nhiệm thư này phải có đầy đủ tính chất một văn thư ngoại giao của Nhà nước, đồng thời lại mang tính chất thư riêng của tổng thống thì mới có thể sử dụng rộng rãi với nhiều đối tượng khác nhau.
Tuyến mỉm cười:
- Xin chịu ông cố vấn.
Hai người cùng trao đổi, thảo thành một bức thư bằng tiếng Anh, với nội dung như sau:
“Sài Gòn, ngày 29 tháng 8 năm 1968
Thưa quý vị,
Tôi trân trọng giới thiệu cùng quý vị ông HUỲNH VĂN TRỌNG, phụ tá đặc trách của tôi, người được tôi ủy thác và trao quyền tiếp xúc với các tổ chức chính quyền và tư nhân Mỹ quan tâm tới chương trình phát triển, nghiên cứu xã hội và kinh tế hậu chiến tại VIỆT NAM CỘNG HÒA. Ông HUỲNH VĂN TRỌNG sẽ cung cấp cho quý vị những tin tức, tài liệu liên quan tới chương trình trên đây. Ông sẽ thảo luận với quý vị về triển vọng tiếp nhận sự giúp đỡ của quý vị đối với chương trình này.
Tôi hy vọng rằng quý vị sẽ vui lòng hợp tác với ông HUỲNH VĂN TRỌNG và nhờ đó những mối liên lạc tốt đẹp sẵn có giữa quý vị và dân tộc chúng tôi sẽ nảy nở thêm ngõ hầu phục vụ cho quyền lợi chung của hai quốc gia chúng ta.
Chân thành kính chào quý vị.
NGUYỄN VĂN THIỆU
(Ký tên và đóng dấu)
Hai Long bảo Tuyến:
- Anh đưa trình ủy nhiệm thư này cho tổng thống, nói do anh thảo, và xin chữ ký. Nếu tổng thống có hỏi gì thì anh trả lời như chúng ta đã thống nhất. Trường hợp tổng thống đắn đo, hỏi tôi đã coi chưa, thì anh mới nói, tôi đã coi kỹ rồi và đồng ý. Tôi không muốn nói thư này do tôi và anh cùng thảo, vì như vậy có vẻ như làm áp lực với tổng thống.
Tuyến mang lá thư lên chỗ làm việc của Thiệu, hồi lâu mới quay xuống, tươi cười nói:
- Ông cố vấn biết trước mọi chuyện. Tôi trình thư nói do mình thảo, tổng thống đọc xong. hồi lâu không chịu ký, rồi hỏi: “Ông cố vấn coi chưa”. Tôi thưa: “Đã coi rất kỹ", bấy giờ tổng thống mới kêu người đánh máy và ký.
Anh cầm lá thư ủy nhiệm đã có chữ ký của Thiệu và dấu triện hai con rồng, ráng kìm nỗi hân hoan trước mặt Tuyến.
Anh vội đi tìm Trọng. Anh trao cho Trọng lá thư, chờ Trọng đọc xong rồi nói:
- Ủy nhiệm thư này sẽ giúp anh tới Tòa đại sứ, tới chỗ Komer lấy được mọi thứ mà chúng ta cần.
- Và ở trên đất Mỹ có lẽ cũng như vậy. - Trọng hào hứng tiếp lời anh.
Với tờ ủy nhiệm thư của Thiệu, Trọng được Tòa đại sứ Mỹ đón tiếp rất nhiệt tình, và hết lòng phục vụ cho chuyến công du của anh.
Trọng mang về bản dự thảo Kế hoạch Bình định 1968-1969, chương trình Phượng hoàng[1] của Komer, chương trình Phượng hoàng 1968, chương trình xây dựng nông thôn 1969 và kế hoạch bình định cấp tốc.
Hai Long tin rằng với chuyến đi Mỹ của Trọng, anh sẽ có một bản báo cáo xác thực và phong phú về tình hình chính trị ở Mỹ đối với chiến tranh Việt Nam và cuộc hòa đàm ở Paris.
Thư ủy nhiệm của Thiệu còn giúp Trọng lấy được thêm nhiều giấy tờ giới thiệu của những nhân vật quan trọng trong Tòa đại sứ Mỹ, của Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ với nhiều cơ quan chính quyền, những nhân vật quân sự, dân sự Mỹ ở Washington mà Trọng cần tiếp xúc.
Hai Long cũng nhân danh phong trào Thiên chúa giáo ở Nam Việt Nam, cố vấn đặc biệt của tổng thống Thiệu, viết thư giới thiệu Trọng với những bạn bè của mình ở Mỹ.
Hai Long nói với Trọng đưa Thiệu xem bản dự thảo Kế hoạch bình định và một số giấy tờ giới thiệu để nâng cao vị trí của anh trước con mắt Thiệu.
Bản phúc trình của Trọng đưa cho Thiệu, gồm 4 phần:
1. Nhận định về lập trường hòa đàm của Hoa Kỳ.
2. Theo dõi chính sách hòa đàm của Hoa Kỳ.
3. Vấn đề tác động tới nhà cầm quyền và cử tri Hoa Kỳ.
4. Lập trường hòa đàm của Việt Nam cộng hòa.
Trọng đã nêu lên sự nhận định, đánh giá, phân tích lập trường, đường lối của Mỹ từ trước tới nay đối với chiến tranh Việt Nam, dẫn tới cuộc hòa đàm Paris, dựa trên cơ sở theo dõi lâu dài của anh, những cuộc tiếp xúc trực tiếp với nhiều yếu nhân trong chính giới Hoa Kỳ, và mối quan hệ chặt chẽ với Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Anh đề ra những biện pháp cụ thể, phân loại những nhân vật cần được theo dõi với tên và chức vụ của từng người, và những việc cần làm để tác động một cách có lợi cho Việt Nam cộng hòa đối với họ. Anh đề nghị một kế hoạch lâu dài, dược tiến hành bằng những hình thức chính thức và bán chính thức, có sự hỗ trợ của cơ quan tình báo trung ương theo chỉ thị của tổng thống.
Nội dung bản phúc trình của Trọng không hạn chế trong nhiệm vụ của chuyến công du lần này. Nó đã mang lại cho Thiệu nhưng ấn tượng tốt về anh. Thiệu bắt đầu nhìn Trọng với cặp mắt trọng nể hơn.
4.
Thiệu nhờ người chọn ngày lành tháng tốt và giờ hoàng đạo cho phái đoàn lên đường. Xem cung cách của vợ chồng Thiệu, Hai Long nhận thấy cả hai người đều đặt kỳ vọng vào chuyến công du. Ngoài mục đích chính trị và kinh tế, vợ chồng Thiệu còn trao cho Xuân cả nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở đề phòng khi cần, có thể chuồn ra nước ngoài. Ngày được chọn là mồng 7 tháng 9 năm 1968.
Thiệu yêu cầu Hai Long tổ chức một cuộc gặp mặt để trao nhiệm vụ trước khi phái đoàn lên đường. Công việc của phái đoàn là điều tra, thăm dò, nên mọi hoạt động của nó đều được tiến hành lặng lẽ. Thiệu bàn với Hai Long, ngoài Thiệu và anh, cùng với phái đoàn, chỉ mời cha Nhuận và anh của Thiệu là Kiểu, vừa từ Đài Loan về. Hai Long đề nghị nên mời thêm cha Hoàng. Giấy mời cha Hoàng do cả Thiệu và Hai Long cùng ký. Thiệu phân công Hai Long là người điều khiển cuộc họp.
Đúng 8 giờ sáng ngày 4 tháng 9, phái đoàn và những người được mời đều có mặt tại phòng họp riêng của tổng thống. Hai Long ngồi ở ghế chủ tọa. Anh mở đầu bằng những lời không theo nghi thức:
- Cuộc họp mặt này bề ngoài là lý, bề trong là tình. Chúng ta đang họp tại phòng hội riêng của tổng thống theo tinh thần “đào viên kết nghĩa”, có sự chứng giám của Chúa mà đại diện là những vị linh mục thân thiết nhất của tổng thống...
Anh phác qua một vài nét về tình hình trong và ngoài nước, rồi nói tiếp:
- Với tinh thần đặc biệt của cuộc họp này, tôi có thể nói thẳng là thế nước của Việt Nam cộng hòa đang chông chênh, ngôi vị của tổng thống có phần nghiêng ngửa, trách nhiệm của chúng ta đối với vận mệnh quốc gia, đối với việc phò trợ tổng thống lúc này rất nặng nề. Hội nghị này là hội nghị đồng tâm, mỗi người chúng ta đều phải dốc lòng, dốc sức hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng đối với đất nước và với đương kim tổng thống. Người đi cầu viện cần yên tâm, vững lòng lo tròn nghĩa vụ của một Lê Lai liều mình cứu Chúa, của một Mạc Đĩnh Chi đem chuông đi đánh nước người. Người ở nhà chu toàn sứ mệnh trị quốc yên dân, bình thiên hạ. Còn gia đình của những người đi sứ, kẻ tại triều là tôi, xin gánh vác hết.
Những người có mặt, kể cả Thiệu, đều bỡ ngỡ trước không khí này, và lộ vẻ xúc động.
Hai Long hướng về cha Hoàng:
- Xin cha cầu nguyện cho tổng thống tai qua nạn khỏi và phái đoàn đi sứ thành công.
Cha Hoàng đứng dậy dọc kinh cầu nguyện. Vẻ mặt thành kính cùng với giọng trầm và vang của ông linh mục có tuổi tạo nên một bầu không khí trang nghiêm.
Hai Long quay về phía Trọng:
- Đề nghị ông trưởng phái đoàn báo cáo để tổng thống nghe công việc chuẩn bị của đoàn.
Trọng đứng lên, thu hút mọi người bằng dáng vẻ của một nhà chính khách già dặn, phong thái lễ độ, kín đáo, tự tin. Biết mình được chăm chú lắng nghe, anh báo cáo ngắn gọn mọi công tác chuẩn bị của từng người trong phái đoàn đã hoàn tất. Anh nhấn mạnh vào nhiệt tình của Tòa đại sứ Mỹ từ việc cung cấp đầy đủ tài liệu, cấp cả những thư giới thiệu đoàn vượt qua quy tắc ngoại giao, đến việc tạo điều kiện cho phái đoàn lên đường sớm nhất theo đúng ngày giờ mà ta yêu cầu. Theo lời dặn của Hai Long, Trọng đưa ra hàng loạt giấy tờ giới thiệu, những thư riêng của nhiều nhân vật quan trọng trong tòa đại sứ Mỹ và Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Hoa Kỳ, khiến cho nhiều người trố mắt vì ngạc nhiên. Anh kết thúc:
- Tôi xin thay mặt đoàn cam kết tuân theo lời dặn dò của ông cố vấn, hết sức cùng nhau chung lưng đấu cật, dốc lòng phò trợ tổng thống, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà tổng thống đã trao phó.
Thiệu cũng bị cuốn theo không khí cuộc họp, nói với giọng xúc động:
- Việc tổ chức phái đoàn qua Mỹ này là do sáng kiến của ông cố vấn. Tôi đã ủy thác ông cố vấn lo tổ chức và chỉ đạo đoàn. Cha đã cầu nguyện cho tôi và cho đoàn hoàn thành sứ mạng lịch sử. Ông cố vấn đã nói rõ tinh thần chuyến đi sứ lần này của quý vị. Tôi chỉ có vài lời nhắc nhở quý vị về nhiệm vụ. Các vị ráng nghiên cứu, tiếp xúc, hội thảo sao cho đạt được yêu cầu Mỹ viện trợ kinh tế hậu chiến cho Việt Nam cộng hòa, Mỹ viện trợ cho chương trình xây dựng nông thôn sau khi đã bàn giao lại cho Việt Nam, và Mỹ viện trợ cho Việt Nam cộng hòa thành lập Viện nghiên cứu xã hội như ở Mỹ...
Khi cuộc họp đã kết thúc, Thiệu giữ Trọng lại dặn thêm phải hết sức kín đáo tìm hiểu sự thật nội tình Mỹ đối với chiến tranh Việt Nam, thái độ của Johnson và chính phủ Mỹ đối với chính phủ Việt Nam cộng hòa và cá nhân mình, tìm hiểu cho được ai là người sẽ thay thế Johnson ở Nhà Trắng, và tha thiết yêu cầu Mỹ viện trợ mạnh về quốc phòng cho Việt Nam sau khi rút quân.
Thiệu thân mật nói với Hai Long:
- Anh dặn kỹ thằng Tuyến nhà anh cẩn thận về lối chơi chữ của bọn Mỹ ngoại giao, và níu áo mấy cha cố Mỹ cho chắc.
Cha Hoàng lần đầu trực tiếp chứng kiến một buổi làm việc của Hai Long ở Phủ Đầu Rồng, tỏ vẻ hài lòng về vai trò của anh. Sau cuộc họp này, cha Nhuận kể lại, Thiệu đã thú nhận với ông: “Gần đây con lo lắng nhiều, nhưng thái độ trầm tĩnh, lạc quan của ông cố vấn và khí thế của phái đoàn làm cho tâm hồn con trở lại bằng an”.
---
[1] Phoenix

Chương trước Chương sau