Ông cố vấn - Chương 15

Ông cố vấn - Chương 15

ĐÊM ĐEN

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 9.3/10 với 83939 lượt xem

Từ ngày về nước, Diệm và Nhu đều thống nhất chủ trương dùng Thiên chúa giáo làm một vũ khi chống Cộng, dùng hữu thần chống vô thần. Trong hội nghị Liên minh chống cộng châu Á họp ở Sài Gòn năm 1957, Diệm đã phát biểu: “Đừng quên vũ khí chân lý sẵn có trong kho tàng tôn giáo... Sử dụng vũ khí đó là một mục tiêu của Liên minh chống cộng Á châu”. Diệm rất sùng đạo, năng đi lễ nhà thờ, tin một cách mù quáng vào thần linh. Nhu duy tâm nhưng tỉnh táo hơn Diệm. Nhu tự nhận mình là catholique de coeur[1], rất ít đi lễ, xưng tội. Nhưng với “vũ khí tôn giáo”, cụ thể là Thiên chúa giáo, thì Nhu là người sử dụng rất triệt để.
Về mặt xây dựng quân đội, ưu tiên số 1 để lựa chọn vào các sư đoàn là người theo Thiên chúa giáo. Hơn 70% binh lính các sư đoàn 1, 2, 60 là người theo đạo Thiên chúa. Sư đoàn 7, sư đoàn con nuôi của tổng thống, binh lính theo đạo Thiên chúa chiếm tới 90%. Các binh lính những đơn vị biệt kích đều theo Thiên chúa giáo.
Toàn bộ lực lượng đặc biệt bảo vệ Phủ tổng thống là giáo dân đạo Thiên chúa, được tuyển lựa trong hàng ngũ Công giáo miền Bắc di cư. Đại tá Lê Quang Tung, chỉ huy lực lượng này là một giáo dân. Lực lượng đặc biệt được trang bị tốt, thiện chiến, qua nhiều lần thử thách tỏ ra là đáng tin cậy.
Một kế hoạch chống đảo chính đã được Nhu chuẩn bị từ khá lâu.
Trong khi trao đổi với Nhu, Hai Long tránh không đụng đến vấn đề này. Anh biết Nhu đã sắp sẵn những lá bài cuối cùng để sử dụng khi cần thiết. Đó là vấn đề sinh tử của chế độ, không thể để lộ cho người khác biết. Chừng nào Nhu đủ tin anh, chắc y sẽ nói ra.
Hằng ngày, anh bỏ những giờ đọc sách buổi sáng ở thư viện, đến buồng riêng của Nhu làm việc một cách rất cần mẫn. Sự tổng hợp, phân tích những báo cáo, và những ý kiến do anh đề xuất làm Nhu hài lòng. Chỉ sau một thời gian, Hài Long đã nắm được cụ thể và khá sâu nhiều mặt tình hình của chế độ. Biết căn phòng này được bảo vệ bằng những phương pháp đặc biệt, Hai Long không bao giờ sao chụp tài liệu; anh để lại toàn bộ những ghi chép của mình trước khi ra về. Nhưng anh đã in vào trí nhớ những điều sẽ phải ghi lại. Những gì cần kiểm tra lại sẽ được tiến hành vào sáng hôm sau. Tất cả vẫn bằng trí nhớ. Cũng may, có rất ít sai sót. Nhiều tài liệu đã được anh ghi lại không sai một dấu chấm hay dấu phẩy. Trong những văn bản cơ mật này, một dấu chấm, dấu phẩy đôi khi cũng rất quan trọng, vì nó có thể làm hiểu sai nội dung. Anh không cho phép mình phạm những sai lầm đó, vì biết những tài liệu sẽ được chuyển tới những cơ quan nghiên cứu chiến lược cấp trên, kể cả những đồng chí lãnh đạo của Đảng.
Đến tháng 9, Nhu bắt đầu bàn bạc với anh về kế hoạch chống đảo chính. Y không thể không bàn bạc khi anh tổng hợp các nguồn tin báo cáo về tình hình quân đội, trong đó có điểm đến thái độ của những nhân vật chỉ huy quan trọng, kể cả những nghi vấn do cơ quan an ninh, mật vụ đặt ra với một số tướng lĩnh.
Một người khôn ngoan như Nhu, lại rất giỏi về công tác tổ chức, không thể không nắm chặt quân đội, lực lượng chủ yếu bảo vệ chế độ mà cũng dễ dàng lật đổ chế độ. Nhu ra sức tuyên truyền thuyết “nhân vị” để liên kết các sĩ quan và binh lính với mình bằng một “lý tưởng” chống Cộng mới. Nhưng rất ít hiệu quả. Đám sĩ quan có học, được đào tạo ở Pháp, ở Mỹ, biết rõ đây là sự cóp nhặt của Emmanuel Mounier, lai tạp thêm với một chút chủ nghĩa xã hội không tưởng, lại nghe nhiều người phương Tây chế giễu, nên coi đây là một trò hề. Binh lính thì càng nghe tuyên truyền về chủ thuyết càng thấy khó hiểu, vì nó không bắt rễ trong đời sống hàng ngày của họ. Như chỉ còn trông vào sức mạnh của tín ngưỡng tôn giáo, cụ thể là đạo Thiên chúa. Nhu đào tạo và dựa vào nhũng sĩ quan theo Thiên chúa giáo, gạt những người theo đạo Phật. Nhu lại không tin những sĩ quan đã gắn bó với quân đội của thực dân Pháp. Những viên tướng như Hinh, bị gạt từ đầu, những tướng như Minh Lớn bị vô hiệu hóa, những người khác buộc phải dùng thì Nhu tỏ ra nghi kỵ. Hàng ngũ quân đội mở rộng, “chất Thiên chúa giáo” loãng dần. Và ngay trong số những người theo đạo Thiên chúa, Nhu lại không được lòng những người gốc miền Nam, vì cha cố của họ gắn với giáo hội Pháp, có những cha đã bị Nhu bắt giữ hoặc đầy ải đến những vùng giáo dân xa xôi. Ngay trong hàng ngũ giáo dân miền Bắc di cư, cũng có nhiều người bất bình, vì những người cha tinh thần của họ như cha Lê, cha Hoàng bị chế độ ruồng bỏ. Cuối cùng, Nhu chỉ còn tin vào những giáo dân gốc miền Trung, và nắm giữ các tướng lĩnh bằng ân sủng. Nhưng ân sủng thì không biết thế nào cho vừa. Những người khi ở cấp thấp thì ước mơ một cấp cao hơn, khi đã được đưa lên cấp cao thì chỉ sau một thời gian ngắn, đã tự thấy mình còn xứng đáng với một cấp cao hơn thế nữa. Đặc biệt, ai cũng e sợ tính hay nghi kỵ của Nhu. Những người thân cận của Nhu luôn luôn cảm thấy họ bị theo dõi, chỉ một sơ suất, họ có thể bị Nhu hiểu lầm, và như vậy là danh vọng, cơ đồ tan tành.
Khi nghiên cứu tình hình tướng tá ngụy và qua trao đổi với Nhu, Hai Long nhận thấy số tướng tá còn được Nhu tin tưởng chỉ tính trên đầu ngón tay. Nhu chỉ còn tin vào Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, những người đã trực tiếp cứu nguy cho chế độ trong cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11, Tôn Thất Đính, quê ở Huế, người được nhiều ân sủng của gia đình họ Ngô, Lê Quang Tung, chỉ huy lực lượng đặc biệt bảo vệ dinh tổng thống, Huỳnh Văn Cao, chỉ huy quân đoàn 4, người đã có lần cử Trần Thiện Khiêm về cứu nguy khi nổ ra đảo chính. Còn tất cả những người khác đều bị ít nhiều nghi ngờ.
2.
Hai Long một lần nữa khẳng định với Nhu, đảo chính chỉ còn là vấn đề ngày giờ.
Nhu nói:
- Tôi cũng tin nhất định xảy ra đảo chính. Lần này, chúng ta không thụ động. Có đảo chính thì sẽ có phản đảo chính. Chúng nó đảo chính được thì ta mất hết cả. Ta phản đảo chính thành công thì ta còn tất cả. Sau đó phải triệt hạ không thương tiếc mọi mầm mống đảo chính. Tôi đã có chuẩn bị.
- Tôi cũng nghĩ như vậy.
- Người của Hiếu và Tung, như anh thấy, qua những báo cáo, không xâm nhập sâu được vào cánh đối lập. Nguồn tin tức duy nhất để thực hiện kế hoạch chống đảo chính chỉ còn trông cậy vào anh. - Nhu nhìn Hai Long với vẻ cầu khẩn chân thành - Bây giờ, không còn ai đáng tin cậy hơn chính chúng ta.
- Tôi sẽ làm hết khả năng của mình. Nhưng vẫn e không kịp thời báo với anh những cái đột biến. Anh vẫn cho bám sát Mai Hữu Xuân, Minh Lớn?
- Mai Hữu Xuân không tốt, nhưng lực lượng của hắn không đáng kể. Minh Lớn không có lực lượng trong tay và chưa thấy có động tĩnh về phía hắn. Hiện vẫn cho người bám sát.
- Bọn đảo chính lần này sẽ rất khôn ngoan vì chúng có những kinh nghiệm thất bại. Chúng biết anh đã đề phòng, chúng phải chuẩn bị hết sức bí mật.
- Chắc hẳn là thế.
- Trong lúc chưa phát hiện đích xác kẻ chủ mưu, tốt nhất cứ chuẩn bị thật kỹ về phía ta.
- Tất nhiên rồi!... (Nhu ngập ngừng) Với Lê Quang Tung và lực lượng đặc biệt, khi đảo chính nổ ra, Phủ tổng thống có thể cầm cự trong nửa ngày, hoặc một ngày. Nhưng Tung không có khả năng tự mình dập tắt đảo chính. Như lần trước, phải có lực lượng cứu viện.
- Chắc anh cũng đã chuẩn bị kỹ?
- Đã chuẩn bị một số lá bài. Sư đoàn 7, sư đoàn 5 khi tham chiến có khả năng dập tắt đảo chính. Binh lính các sư đoàn này rất trung thành với tổng thống. Điều quan trọng là người chỉ huy họ lật lại thế cờ. Số người này không nhiều.
- Anh tin vào ai?
- Tôn Thất Đính và Nguyễn Khánh. Nhưng Tôn Thất Đính có khả năng nhiều hơn.
Nhu nhìn Hai Long chăm chú như muốn hỏi ý kiến. Hai Long lặng thinh, nét mặt trầm ngâm. Nhu xoắn những đầu ngón tay rồi nói tiếp:
- Tôi nghĩ rằng tốt nhất là đưa những lực lượng thân tín của ta tham gia hàng ngũ bọn đảo chính, nửa chừng ta lật lại thế cờ. Cách đó là gọn nhất. Nhưng làm được việc này phải có khả năng đi trước hai, ba bước.
- Và phải có những lực lượng rất trung thành.
- Tất nhiên... tất nhiên.
Rồi Nhu bỗng hỏi:
- Anh tin hay không tin Đính?
- Đính từ trước tới giờ rất gắn bó với ta. Nhưng từ giờ trở đi, không nên đặt cả lòng tin vào mỗi mình Đính, vì mất Đính là mất hết.
- Thằng Đính tốt, tin được. - Nhu vẫn giữ ý kiến - Cũng chỉ có nó mới có khả năng thực hiện kế hoạch phản đảo chính kết quả vào giờ phút quyết định.
- Sử dụng Đính cách này là chơi dao hai lưỡi!
- Gia đình Đính ở cả Huế, nằm trong tay ta. Ta đã nuôi dưỡng Đính. Đính đã có lúc là bí thư quân ủy đảng Cần lao nhân vị. Cho tới nay, Đính chưa hề bộc lộ bất cứ sự bất mãn nào.
- Đính không có gì để bất mãn vì ta cứ tiếp tục đưa Đính lên. Nhưng từ bây giờ; Đính sẽ đứng trước một sự lựa chọn mới: để tiến bước trên con đường danh vọng, Đính sẽ chọn ta hay Mỹ...? Nhưng người ở nhà Quận công[2] có khả năng trả giá Đính cao hơn ta nhiều! Xin lỗi anh, nếu tôi đặt vấn đề có hơi bi quan.
- Nhu thần người ra một lúc, nét mặt già đi.
Hai Long giải thích thêm:
- Không phải tôi mất lòng tin vào tất cả mọi người. Tôi chỉ muốn khuyên anh chớ phó thác vận mệnh của chế độ vào tay một người.
- Nhưng “moi” đã đặt lòng tin hoàn toàn vào “toi”. - Nhu hỏi lại.
- Ở trường hợp tôi, có chỗ khác. Tôi chỉ là một người phụ tá bình thường của Đức cha Lê. Tôi đến với chế độ vì quyền lợi của giáo dân Phát Diệm, vì quyền lợi của giáo hội Việt Nam. Tôi không có hoài bão gì hơn ngoài một công trình nhỏ về học thuật mà tôi mong có sự giúp đỡ của anh khi tôi sắp hoàn tất. Vấn đề này được anh luôn luôn đích thân kiểm nghiệm... Còn trường hợp của Đính thì hoàn toàn khác. Và nếu tôi có phát biểu điều này, thì cũng chỉ là suy luận.
Nhu chăm chú lắng nghe, rồi nói rất nhanh:
- Mình rất thích phép biện chứng của Hegel. Mình không dễ tin ai hoàn toàn. Nhưng ở “toi” có sự tỉnh táo đến lạnh lùng! Mình hoan nghênh vấn đề “toi” vừa nêu ra. Không nên đặt tất cả vào một lá bài. Nhưng ngoài Đính là ai?
- Tôi không thể trả lời anh ngay điều đó. Từ trước tới giờ, tôi rất ít quan hệ với cánh tướng tá.
Nhu vứt mẩu thuốc lá vào cái gạt tàn, rồi đi đi lại lại trong căn phòng.
Hồi lâu, y dừng lại, hỏi Hai Long:
- Còn vấn đề gì chung quanh đảo chính nữa không?
- Anh phải đề phòng ngày quốc khánh 26 tháng 10. Bọn chủ mưu đảo chính có thể lợi dụng việc điều động những đơn vị duyệt binh nhân ngày đó để làm bậy.
Nhu mím chặt môi một lát rồi nói:
- Quốc khánh năm nay sẽ làm thật đơn giản, không có duyệt binh gì cả, “toi” tính sao?
- Nên như vậy...
Có tiếng gõ cửa.
Nhu quay ra với vẻ ngạc nhiên. Khi Nhu đã làm việc hay nói chuyện với ai, bao giờ ngoài cửa cũng bật đèn đỏ. Nếu không có việc thật khẩn cấp, không ai được quấy rầy. Trước đây, chỉ có một người hay phá lệ này là Lệ Xuân. Nhưng Lệ Xuân không còn ở nhà.
Nhu bước nhanh ra mở cửa.
Ngô Đình Diệm đứng bên ngoài, lặng lẽ đi vào.
- Cho mấy đứa nhỏ đi chưa? - Diệm hỏi.
- Chưa. Em muốn để các cháu ở nhà thêm vài ngày nữa.
- Cho chúng nó đi thôi!
Gần đây, Hai Long bàn với Nhu tình hình những ngày tới sẽ khẩn trương, nên cho ba con rời Sài Gòn. Nhu đã tính cho ba chị em Lệ Thủy về Đà Lạt, nơi Lệ Xuân đã xây dựng một biệt thự rất lớn. Chắc Ngô Đình Diệm đang lo về người nối dõi tông đường sau này.
- Dạ... - Nhu đáp.
- Sao tôi thấy nhà mình nó vắng vẻ quá?
Bộ mặt Diệm như người ngẩn ngơ. Nhu liếc nhìn anh rồi đáp:
- Nay mai các cháu đi nữa, nhà còn vắng vẻ hơn.
Diệm nhìn Hai Long chòng chọc rồi hỏi Nhu:
- Các chú đang bàn bạc gì với nhau?
- Chúng em đang trao đổi nên tổ chức kỷ niệm quốc khánh năm nay như thế nào. Em định xin ý kiến anh, sẽ làm thật đơn giản, không có duyệt binh như mọi năm...
Diệm bỗng cắt ngang:
- Người Mỹ có biết gì về Việt Nam?... Lúc nào họ cũng thích hai viện, thích phe đối lập. Ở nước họ, đảng Cộng sản chỉ có một nhúm. Ở ta, toàn dân hầu như là Cộng sản cả. Một viện, không có đối lập, còn đối phó chưa xong. Giờ lại muốn dựng lên hai viện, đưa người về dựng thêm đối lập để tiêu diệt chế độ à?... Loại Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu thì làm nên trò trống gì.
Nói xong, Diệm lững thững đi ra không đóng cửa.
Nhu và Hai Long nhìn nhau.
- Ông cụ lẩn thẩn mất rồi! - Nhu lẩm bẩm.
3.
Chỉ sau ít ngày mà Nhu gầy sọm, xanh xao hẳn đi, đôi môi thâm sì. Lần nào Hai Long gặp Nhu ở phòng làm việc, cũng thấy cái gạt tàn đầy mẩu thuốc lá. Không còn Lệ Xuân ở nhà kiềm chế, dạo này Nhu hút thả cửa. Tuy vậy, y vẫn luôn luôn tỏ ra năng động, tỉnh táo và không bối rối.
Nhu nhanh nhẹn rời bàn làm việc, ra bắt tay Hai Long, nhìn vẻ mặt có chiều khẩn trương của anh, hỏi ngay:
- Có tình hình gì mới?
- Hôm qua Conein đến Bình An không gặp cha Hoàng, hắn nhờ tôi nhắn lại: Lực lượng Phát Diệm sẽ án binh bất động trong trường hợp các tướng lĩnh tiến hành đảo chính. Tôi hỏi hắn: bao giờ đảo chính sẽ nổ ra? Hắn bảo hắn không biết, vì đây là chuyện nội bộ giữa người Việt Nam với nhau.
- Nếu hắn không biết và coi là việc nội bộ thì hắn tới yêu cầu cha Hoàng án binh bất động làm gì?
- Chúng ta đều biết rõ Mỹ đứng sau lưng bọn đảo chính. Điều đáng chú ý qua cuộc gặp Conien ngày hôm qua, tôi thấy đảo chính sắp tới lúc bùng nổ.
- Mình cũng đã chờ đợi từ lâu.
Nhu làm ra vẻ bình tĩnh kéo Hai Long lại bàn rồi tự tay chế trà.
- Anh đã chuẩn bị giúp tôi những gì? - Nhu hỏi.
- Tôi đã sẵn sàng kế hoạch chính trị sát với kế hoạch chống đảo chính của anh. Có lực lượng chính trị tham gia đảo chính, ủng hộ đảo chính, và khi anh lật ngược thế cờ, là có lực lượng chính trị đả đảo bọn đảo chính ngay lập tức. Sẽ có sự phối hợp thật nhịp nhàng.
Đôi mắt Nhu bừng lên những tia sáng, nhưng nụ cười đã sớm tắt trên môi y chỉ để lộ nửa hàm răng.
- Chắc anh đã bàn bạc kỹ lưỡng với những lực lượng phản đảo chính? - Hai Long hỏi.
- Đã bàn đi bàn lại nhiều lần.
Nhu ngừng nói, trầm ngâm, nét mặt không vui.
Hai Long muốn hỏi Nhu về những lá bài dự trữ nhưng anh đã kịp kìm lại. Nhu là người nhận thức rất nhanh và quyết đoán. Nếu Nhu chưa nói ra thì chắc y còn những vướng mắc chưa giải quyết được. Vì vậy chưa nên dụng tới.
Nhu chậm rãi nói:
- Muốn chống đảo chính thành công, nhất định phải có hai lực lượng, một ở bên trong và một ở bên ngoài, để đặt quân đảo chính giữa hai làn đạn. Lê Quang Tung đã cam đoan với lực lượng hiện có, y sẽ bảo vệ được phủ tổng thống ít nhất trong một ngày, chờ viện binh tới. Như vậy không có gì đáng ngại về lực lượng trực tiếp bảo vệ phủ tổng thống. Vấn đề còn băn khoăn là lực lượng cứu viện từ bên ngoài. Anh đã nói với tôi, không nên chỉ dựa vào một mình Đính. Ý kiến đó rất đúng. Nhưng tôi không tìm được ai hơn Đính. Tổng thống đã điều Đính về làm tổng trấn Sài Gòn - Gia Định. Đó là một sự ủy thác, một vinh dự lớn đối với y. Tôi nghĩ rằng Đính sẽ xứng đáng vời lòng tin của tổng thống. Nhưng sauđó, xảy ra một sự việc. Bỗng dưng gần đây, Tôn Thất Đính và tướng Trần Văn Đôn cùng nhau mang tới trình tổng thống một bản kiến nghị. Họ đề nghị hủy bỏ lệnh thiết quân luật, và mở rộng thành phần chính phủ cho một số tướng lĩnh có uy tín tham gia vào những vị trí quan trọng... Cũng có thể đây chỉ là ý kiến của Đôn, vì Đôn thèm muốn một chức vị trong chính quyền. Còn Đính là một tướng trẻ xốc nổi, nghe Đôn xúi giục, bùi tai ký vào bản kiến nghị, tưởng làm như vậy là để góp phần giải quyết khó khăn. Tổng thống đã gọi hai người lên, bác bỏ tất cả những điều đề nghị, và phê bình họ là tham quyền vị. Gần đây, ông cụ hay nóng nảy. Sau đó, Đính cáo mệt và xin đi nghỉ ở Đà Lạt. Ông cụ và tôi buộc phải bố trí Trần Thiện Khiêm thay Đính.
- Anh có tin Khiêm không? - Hai Long hỏi.
- Khiêm không bằng Đính.
- Còn Đôn?
- Đôn ở Pháp về, nhưng là người biết điều, không nhiều tham vọng như Minh Lớn. Gần đây, Đôn mới được cất nhắc lên làm quyền tham mưu trưởng liên quân.
- Như vậy, kế hoạch phản đảo chính sẽ do Trần Thiện Khiêm thực hiện? - Hai Long hỏi lại.
- Không. Vẫn do Đính. Đính là người trực tiếp nhận kế hoạch. Đính vẫn chỉ huy vùng 3 chiến thuật. Nếu đảo chính nổ ra, trong một ngày Đính sẽ kịp đưa quân về.
- Ngoài Đính ra, còn ai là người biết kế hoạch này?
- chỉ có Tung và Đính được bàn về kế hoạch.
- Anh còn tin ai hơn Khiêm nữa không?
- Còn Nguyễn Khánh và Huỳnh Văn Cao, nhưng hai người này đều ở hơi xa, họ phải khẩn trương thì mới về kịp... Bây giờ không thể điều động, thuyên chuyển tướng tá được nữa, càng làm rối thêm. Thực ra, tôi vẫn hy vọng vào Đính... Tôi đã đề nghị với tổng thống, hay là chấp thuận mở rộng thành phần chính phủ, đưa một số người của mình vào tham gia và thêm một vài ghế tượng trưng để làm giảm nhẹ áp lực của Mỹ, nhưng ông cụ không nghe, ông cụ còn nổi nóng. Gần đây, ông cụ như người mắc bệnh tâm thần!...
Qua những câu nói nhát gừng của Nhu, Hai Long nhận thấy y đã dao động.
4.
Dinh Gia Long trở nên vắng vẻ sau ngày Lệ Xuân ra đi, nhất là từ khi ba đứa con của Nhu đã được đưa lên Đà Lạt.
Hai Long đi dọc hành lang không gặp một ai. Không khí oi ả của một buổi chiều tháng 10 không làm cho ngôi nhà bớt phần lạnh lẽo.
Đến phòng cuối cùng của dãy nhà, anh nhìn thấy De Jaegher ngồi một mình trong phòng. Đầu ông linh mục hói đến đỉnh, bóng láng, bộ mặt đầy đặn trông giống như một quả trứng được vẽ thành mặt người. Cặp kính tròn và nhỏ làm cho bộ mặt ông thêm ngộ nghĩnh. Ông linh mục ngồi ngây như một pho tượng.
De Jaegher đã ở sát bên Ngô Đình Diệm từ năm 1953, khi Diệm từ Mỹ qua Bỉ chuẩn bị trở về Nam Việt Nam cho đến nay. Ông là cha đỡ dầu, là cố vấn của tổng thống, nhưng điều quan trọng hơn, ông là một trùm tình báo của CIA. Hai Long đã chủ động làm quen với De Jaegher không lâu, sau khi anh lọt vào dinh Độc Lập. Điều hai bên cần đến nhau là những tình hình có liên quan đến chế độ Diệm. De Jaegher thích Hai Long vì thấy người phụ tá trẻ của cha Lê khét tiếng chống Cộng, là một giáo dân ngoan đạo, thực thà, nhưng đồng thời lại am hiểu tình hình chính trị và kinh tế, biết thưởng thức những câu đùa tế nhị khi ông vui miệng đưa ra những nhận xét hóm hỉnh về thuyết Nhân vị của ông cố vấn chính trị, cách nói năng bạt mạng của bà Nhu hay tính tình khác đời của ông tổng thống. De Jaegher rất quý Hai Long, không bỏ qua những dịp có thể chuyện trò với anh. Nhân viên phủ tổng thống nói De Jaegher và Hai Long lúc nào cũng cặp kè bên nhau như hình với bóng.
- Chào cha của con - Hai Long đánh tiếng.
- Chào con.
De Jaegher ngoảnh đầu nhìn ra thấy Hai Long, vẻ mặt vẫn lạnh lùng. Ông ta đang có điều gì bực dọc và hình như lúc này không muốn ai quấy rầy, kể cả Hai Long.
- Cha có thấy ông cố vấn đâu không?
- Tôi đoán là ông cố vấn xuống chỗ đại tá Lê Quang Tung.
Mặc dù không được mời, Hai Long cứ đi lại kéo ghế ngồi trước De Jaegher.
- Cha khuyến cáo tổng thống thế nào rồi? – Hai Long hỏi.
De Jaegher thở hắt ra rồi đáp:
- Khuyến cáo thế nào ông ấy cũng không nghe.
- Cha khuyến cáo tổng thống những gì?
- Dẹp Phật giáo là không được. Trót bắt sư sãi thì phải thả ngay ra. Trót ra lệnh giới nghiêm rồi thì phải rút đi...
- Cha vẫn mới chỉ nói có chừng đó thôi?
De Jaegher hơi ngập ngừng, nhưng rồi nói tiếp:
- Bớt gay gắt với Mỹ, và sang Pháp. Tôi sẽ giúp.
- Thế là không còn tổng thống? - Hai Long kêu lên - Ai sẽ thay?
De Jaegher giơ một ngón tay:
- Vấn đề thứ nhất bây giờ: Nhu rời khỏi chính quyền ngay lập tức! (giơ thêm một ngón tay) Vấn đề thứ hai: ông Diệm lựa chọn: tiếp tục làm hoặc nghỉ làm tổng thống.
- Thế còn gì nữa để chống Cộng?
- Có Mỹ là có chống Cộng. Không phải thiếu tổng thống Diệm là không chống Cộng được?
Thái độ De Jaegher bữa nay hoàn toàn khác lạ.
- Cha đã chứng kiến nhiều biến cố, - Hai Long nói - xin cha hãy chỉ cho con: tình hình sẽ ra sao? Chế độ Diệm và tương lai của nó?
- Tôi không giấu giếm gì! Ông Diệm biết rõ hơn ai hết thái độ và chính sách của Mỹ đối với ông ấy. Tin tức đầy rẫy.
- Chúng con nghe nhiều tin tức nên mới hỏi cha. Mong ở cha một sự giúp đỡ cho cộng đồng Công giáo Việt Nam, dù ông Diệm còn hay không còn.
- Ông chán ngán chính trị rồi sao?
- Với tình hình này thì không thể không chán ngán!
- Ông giáo sư Philippe khôn ngoan của tôi ơi! Cái chán chường nó sẽ không tha ông đâu! Nó sẽ còn bám ông lâu!
- Quỷ dữ nhiều quá! -Hai Long làm dấu thánh giá. - Nếu ông Diệm vẫn muốn ở ghế tổng thống, ông Nhu không chịu ra đi, thì rồi sẽ ra sao?
- Tôi không phải là tổng thống Mỹ để trả lời.
- Nhưng cha là người đỡ đầu ông Diệm, cha đã tạo dựng nên ông Diệm, cha là cố vấn của ông Diệm hơn chục năm nay, cha là người có trách nhiệm với ông Diệm?
- Tôi có trách nhiệm thực - De Jaegher nói dằn từng tiếng - nhưng tôi không có quyền năng gì đối với ông Diệm, cũng như không có quyền năng gì đối với tổng thống Mỹ.
- Cha đã từng nói với con, cha với ông Diệm là một, cha với Hồng y giáo chủ Spellman cũng là một.
- Ông giáo sư Philippe muốn buộc tội cả Hồng y giáo chủ Spellman và Jaegher của ông sao?
- Chúng con muốn biết rõ số mạng của con người Ngô Đình Diệm nằm trong vòng tay của Đức hồng y và của cha?
- “Hãy thức tỉnh!”. Ông hãy nhớ điều chúng ta đọc hàng ngày trong Kinh thánh. Tôi xem chừng ông thiếu tỉnh táo, bấn loạn tinh thần rồi đó!
- Con vẫn nhớ là khi Chúa sắp bị kẻ dữ đóng đinh trên cây Thánh giá cùng với bọn kẻ cướp, Chúa đã cầu Đức Chúa Trời tha tội cho những kẻ ấy. Con người Ngô Đình Diệm sẽ bị đối xử ra sao? Tinh thần con đang bấn loạn: Xin cha hãy cầu nguyện cho chúng con được bình an trong tâm hồn.
- Chúng ta, tất cả chúng ta đều là những kẻ lữ hành.
Hai Long vẫn kiên trì đóng tiếp vai kịch:
- Thưa cha, cha vẫn chưa giải đáp lời cầu xin của con!
- Người ta sẽ phá bỏ bằng hết, san bằng hết! - De Jaegher nhún vai, trán lấm tấm mồ hôi, vỗ nhẹ hai bàn tay xuống mặt bàn - Table rase! Table rase.[3]
Bầu không khí trong căn phòng trở nên nặng trĩu.
De Jaegher lại uống thêm một ngụm nước suối. Trong lúc nói chuyện, ông uống nước suối nhiều lần, như cố nuốt trôi một vật gì mắc nơi cổ họng. Ông ta đã thú nhận mình đang muốn xóa ván cờ để chơi tiếp ván khác, Hai Lòng nghĩ thầm.
De Jaegher lại nói:
- Không tài nào tách ông Diệm ra khỏi ông Nhu, một ông em quá kiêu ngạo!
- Thưa cha, nếu bây giờ chúng con cố tách ông Nhu ra khỏi chính quyền? Và đề ông xuất ngoại?
- Chúng ta đang ở tháng 10. Mọi việc đã an bài. Giờ sắp điểm!
5.
Chiều 30 tháng 10, Hai Long đến nhà thờ Bình An.
Nhà khách khá đông người, nhưng cha Hoàng không có mặt. Người phục vụ ở nhà thờ nói cha Tổng bận, xin lỗi không tiếp khách. Nhưng khách đã cất công xuống tới đây không chịu về ngay. Họ ngồi nán lại nói chuyện với nhau. Vẫn là những chuyện chung quanh cuộc đảo chính sắp nổ ra, đã quá quen thuộc với mọi người.
Hai Long đứng loanh quanh ở nhà khách một lát rồi lảng sang văn phòng.
Cha Hoàng mái tóc bạc trắng, đeo kính, đang ngồi viết chăm chú. Nghe tiếng động, cha Hoàng ngẩng đầu lên, nhìn thay anh, ông buông bút, bỏ kính, mỉm cười.
- Con muốn trình cha một ít tình hình về dinh Gia Long. - Hai Long nói.
- Ngồi xuống đã, rồi nói đi... Mình cũng sẽ có chuyện nói đây.
Hai Long nói vắn tắt về trạng thái bấn loạn của Diệm và cuộc nói chuyện với De Jaegher.
Cha Hoàng ngồi với nét mặt thản nhiên và như chỉ muốn anh nói cho chóng xong. Anh vừa ngừng lời, cha hỏi:
- Con cái ông Nhu còn ở dinh Gia Long không?
- Các cháu đã lên Đà Lạt.
- Mình cần nói với thầy hôm nay, phúc lộc nhà họ Ngô đã hết. Đối với tổng thống và ông cố vấn, giờ tận thế đã điểm.
Cha Hoàng đưa mắt ra hiệu cho Hai Long nhìn tờ giấy đang được viết dở trên mặt bàn:
- Mình đang thảo bản tuyên ngôn của các tôn giáo ủng hộ Hội đồng các tướng lĩnh cách mạng. Mình phải làm gấp trong đêm nay. Để tới ngày mai, e không kịp.
- Nghe nói cha không tiếp khách, con biết cha đang bận. Cơn chỉ vào gặp cha ít phút, không dám làm mất việc của cha.
- Mình cũng đang mong gặp thầy, chỉ để nói một câu: Nay mai đây, tổng bộ sẽ làm gì? Cần nghĩ ngay đi. Ngày mai lại xuống đây, chắc sẽ có nhiều chuyện hay...
Hai Long ra đến cổng nhà thờ thì thấy Mai Hữu Xuân ngồi trên một chiếc xe Jeep đi vào. Mai Hữu Xuân tươi cười giơ tay vẫy anh. Như vậy là mọi chuyện đã rõ ràng. Một ý nghĩ chợt nảy ra, anh vẫy tay đáp lại và nói:
- Bonne chance![4]
Xuân ngoái đầu lại, nói to:
- Merci, bonne chance![5]
6.
Hai Long tới dinh Gia Long khi trời xẩm tối.
Những hàng rào kẽm gai cơ động đã được xếp kín quanh dinh. Binh lính đội mũ sắt đứng phía sau, bộ mặt tối sầm sầm như chỉ còn đợi giờ nổ súng. Những người lính của Lê Quang Tung đã quen mặt anh, để anh đi qua khoảng cách chỉ vừa lọt một người giữa hai chiếc cự mã.
Qua khỏi hàng rào binh lính canh gác, không khí trong dinh vắng vẻ, lạnh lẽo đến rợn người. Dinh Gia Long với những cửa lớn, cửa nhỏ đóng kín, im lìm như một nhà mồ.
Viên sĩ quan nội thất vẻ mặt lo lắng nói với anh, Nhu đang ngồi ở phòng khách. Gần đây, anh tới gặp Nhu không cần phải báo trước.
Mở cửa phòng khách, mùi khói thuốc khét lẹt xộc vào mũi anh. Nhu ngồi một mình với tách cà phê đen đang hút thuốc. Nhìn ra thấy anh. Nhu nhếch mép cười:
- Hoàng Long!
Mặt Nhu hốc hác vì lo lắng và ít ngủ.
Ngồi xuống ghế, Hai Long nói ngay:
- Theo cha Hoàng, sẽ là ngày mai. Phía đảo chính đã thành lập Hội đồng các tướng lĩnh cách mạng.
- Chủ xướng là ai? - Nhu hỏi với vẻ bình tĩnh.
- Tôi không dám hỏi cha Tổng, chắc là chính cha cũng chưa biết. Nhưng khi về, tôi gặp Mai Hữu Xuân đi vào. Nhất định Xuân có dính dáng vào chuyện này. Đã có Hội đồng tướng lĩnh thì ít nhất cũng phải là một nhóm. Nhưng chúng không dại gì để lộ sớm kẻ cầm đầu.
- Anh thử đoán xem, hắn là ai? - Nhu gặng hỏi.
- Rất khó đoán. Lần này tín hiệu được phát ra từ Bạch ốc nên tất cả đều nhoi nhoi lên. Họ tranh nhau lao tới như một bầy quạ đói lao vào...
-... Một cái xác chết! - Nhu xen ngang, nụ cười châm biếm quen thuộc của y lúc này đượm màu cay đắng.
-... Lao vào một miếng mồi béo bở. - Hai Long nói tiếp - Chúng sẽ tranh nhau xem ai nhanh chân trước để cướp được mồi.
- An ninh vẫn báo cáo chưa thấy có dấu hiệu chuyển quân. Binh lính ở các nơi đều sẵn sàng, nhưng đó là do lệnh thiết quân luật. Ngày mai, theo chương trình, 11 giờ tổng thống sẽ tiếp đô đốc Felt. Đại sứ Cabot Lodge cũng sẽ có mặt.
- Đảo chính có thể nổ ra sau khi Felt vừa đi khỏi. Nếu chúng có lệnh điều binh, chỉ cần 2 tiếng đồng hồ, phiến quân sẽ có mặt quanh dinh tổng thống.
Nhu trầm ngâm, rồi nói:
- Lần này, chắc anh vẫn đúng. Mấy ngày hôm nay tôi linh cảm thấy có một cái gì khác khi gặp các tướng lĩnh. Họ cố làm ra bình thường. Nhưng nhìn con mắt của họ, tôi biết họ đang giấu mình một điều gì.
- Anh còn tin vào những ai?
- Đến giờ phút này thì không nhiều.
Nhu xòe một bàn tay, rồi vừa bẻ gập dần dần từng ngón vừa nói:
- Tung, Đính, Vĩ, thủ lĩnh Thanh niên cộng hòa, Hiếu và Đường vừa thay chân Trần Kim Tuyến. Thế là hết.
- Tôi muốn hỏi riêng lực lượng chống đảo chính?
- Chỉ có Tung và Đính.
- Nếu như Đính thay đổi?
- Đó là thảm họa. Nhưng cũng đã tính đến. Vào giờ phút đó, Tung sẽ là người thực hiện Bravo[6] I.
- Bravo? - Hai Long hỏi lại với vẻ ngạc nhiên.
Nhu cười bi đát:
- Bravo I, đó là tên mình đặt cho kế hoạch phản đảo chính.
- Anh dã tính đến trường hợp xấu nhất chưa? - Hai Long hỏi lại.
- Cầu Chúa cho trường hợp đó đừng xảy ra.
Hai Long suy nghĩ rồi nói:
- Mọi việc cần phải quyết định trong đêm nay. Để tới ngày mai là quá muộn!
- Tôi đã nói: anh chưa lần nào sai khi báo nguy cho tôi. Tôi sẽ cho thực hiện Bravo I ngay bây giờ. Tôi sẽ ra lệnh cho Đính. Nếu không liên lạc được với Đính thì đành phải đưa Tung đi. Anh ngồi chờ tôi trong vòng nửa tiếng được không?
- Được.
Nhu vùng đứng lên, nhanh nhẹn đi ra khỏi phòng.
7.
Hai Long đứng thơ thẩn ở hành lang chờ Nhu quay trở về.
Người lão bộc bưng mâm cơm từ buồng của Diệm đi ra. Hình ảnh ông già tóc lốm đốm bạc, lưng gù, mặc bộ quần áo ba ba xứ Huế, thái độ lúc nào cũng sợ sệt, đã quá quen thuộc với anh. Nghe nói ông lão là người cùng quê với Diệm ở Quảng Bình. Nhìn ông lão thấy rõ ông không sống vì mình mà sống vì chủ. Cái vui, cái buồn của chủ cũng là cái vui, cái buồn của ông. Bộ mặt ông lão rầu rĩ. Ông lão ngừng đi, cúi đầu chào Hai Long:
- Bẩm ông mới tới? Nếu ông chưa dùng cơm chiều để con dọn.
- Cảm ơn bác, tôi ăn rồi.
Trên mâm cơm, dĩa thịt gà, đĩa cá bống kho, một bát canh chua nấu theo kiểu miền Trung hầu như còn nguyên. Hai Long nhìn theo tới khi ông lão đi khuất. Có lẽ đây là người cuối cùng còn giữ được lòng trung thành đối với Diệm.
Nhu hấp tấp quay về, bộ mặt xanh xao lộ vẻ khẩn trương.
Hai người trở lại phòng khách.
- Anh giải quyết xong công việc chưa?
- Tôi gọi điện cho Đính rồi. Đính sợ nếu nổ sớm, về không kịp, đề nghị cho Tung thực hiện Bravo I, Đính sẽ về tiếp ứng. Trong đêm nay, Tung đưa lực lượng đặc biệt ra khỏi nội đô. Binh lính ở trại Cộng hòa sẽ cầm cự trong một thời gian ngắn chờ Tung và Đính đánh vào. Lực lượng của Tung thiện chiến nhưng chỉ có 6 đại đội trang bị toàn vũ khí nhẹ. Phải trông vào Đính... còn Nguyễn Khánh, Huỳnh Văn Cao, còn những lực lượng trung thành với tổng thống ở sư đoàn 5, sư đoàn 7 và một vài sư đoàn khác. Không lẽ tất cả đều theo phe đảo chính? Bây giờ chỉ còn đợi đến ngày mai xem sao.
- Anh đã trao đổi với ông cụ chưa?
Nhu lắc đầu nhè nhẹ:
- Cũng không giải quyết được gì!
Nhu đã tự mình quyết định không hỏi ý kiến của Diệm. Những lực lượng thân tín cuối cùng đã rời khỏi tay y.
Nhu khoanh tay trước ngực, dựa đầu vào thành ghế xa-lông, mắt lim dim.
Hai Long hiểu là giữa hai người không còn gì để bàn bạc. Nhu đã cháy túi trước khi canh bạc lớn bắt đầu.
Một người như Nhu không dễ tin vào lòng “hào hiệp” của Mỹ. Nhu tin vào chủ nghĩa thực dụng, vào sự gặp gỡ của những hoàn cảnh đã đưa anh em y lên địa vị những người cầm đầu một quốc gia. Mỹ cần những người chống Cộng ở Việt Nam. Anh em y, Diệm và Nhu, sẽ đáp ứng yêu cầu đó. Nhu đã đổ bao tâm huyết thi thố tài ba chứng tỏ ở miền Nam Việt Nam không có ai hơn anh em y để đương đầu với những lãnh tụ Cộng sản ở miền Bắc, những nhân vật với những kỳ tích tưởng như huyền thoại. Y không quên người Mỹ đã đưa anh em y lên cương vị hiện thời. Nhưng y rất có ý thức ở chỗ anh em y là những người như thế nào thì mới được Mỹ lựa chọn. Y cho rằng để hoàn thành sứ mệnh chống Cộng ở Việt Nam, phải có những chiến sĩ chống Cộng có bản lĩnh, có tư cách, những lãnh tụ quốc gia thực sự chứ không phải những tên bù nhìn. Mỹ phải coi anh em y như những người bạn đồng minh xứng đáng được tôn trọng, được tin cậy, chứ không phải những tên tay sai chỉ biết thực thi những mệnh lệnh mù quáng của tòa Bạch ốc. Anh em y cần phải làm cho họ sớm muộn thấy rõ điều đó. Người Mỹ rồi sẽ nhận ra họ đang làm một việc dại dột, tự mình chém vào tay mình. Đến lúc đó, quan hệ giữa anh em y với họ sẽ trở lại tốt đẹp như xưa. Và y cũng tin rằng với gần 10 năm chấp chính, với quyền hành nắm được trong tay, người Mỹ không dễ gì gạt anh em y...
Nhưng giờ đây, y đã hiểu những khả năng của y không quá lớn như y tưởng. Nhà Trắng với bộ máy CIA hiện đang có mặt ở Nam Việt Nam, nguy hiểm hơn nhiều, và càng nguy hiểm hơn nữa là người cầm đầu của nó không dễ gì nhận ra sai lầm. Ba năm trước, khi nổ ra cuộc đảo chính tháng 11, trừ binh đoàn dù, tất cả quân lực Việt Nam cộng hòa đều đứng về phía anh em y; đó không phải là do Chúa phù hộ, mà do khi đó tòa Bạch ốc vẫn coi anh em y là người của mình. Chỉ mới vài tháng sau khi người cầm đầu Nhà Trắng phát ra một tín hiệu gạt bỏ anh em y, lúc này hầu như chung quanh y chẳng còn ai! Y chỉ còn trông chờ vào một điều mà y không mấy tin: đó là lòng chung thủy của một số tướng tá được những ân sủng đặc biệt của gia đình họ Ngô. Không thể đặt cọc vào một điều như vậy trong cuộc chơi này! Nhưng ngoài ra không còn cái gì khác...
Nhu bỗng thu hai chân lên ghế xa-lông, chống cằm lên đôi cánh tay bó gối. Hình như làn gió mát buổi tối từ sông Sài Gòn thổi về khiến cho y cảm thấy lạnh. Hai Long chưa bao giờ thấy y ngồi trong tư thế này. Nhu giống như con chó sói tử thương nghiến răng chịu đựng không buông tiếng kêu rên.
Người lão bộc đi vào, liếc nhìn ông chủ, cặp mắt già nua thoáng lộ vẻ ngỡ ngàng. Ông lão lặng lẽ pha trà rồi rón rén đi ra.
Nhu buột miệng đọc một câu thơ tiếng Pháp:
- Tout est noir, tout est froi, rien ne luit...[7]
Lần đầu, Hai Long thấy Nhu bộc lộ một sự ngã lòng như vậy.
Nhu lại ngồi im lặng, rồi bỗng nhiên lẩm bẩm:
- Không biết rồi elle sẽ ra sao?
Đôi mắt nhìn xa xăm, Nhu nói tiếp như người trong mơ:
- Ở nhà ông cụ thường mắng bà ấy lộng ngôn. Nhưng mấy tuần qua ở Mỹ, không ngờ bà ấy làm được những việc như vậy! Cũng còn câu được, câu chưa. Nhưng nhìn chung thế là tốt... Không ai làm hơn bà ấy ở hoàn cảnh này. Trên đất Mỹ, một mình đương đầu đối đáp từng câu với tổng thống Mỹ?... Nhưng rồi sẽ ra sao? Thật là khổ cho elle!...
Mẩu thuốc lá dính trên môi Nhu đã tắt từ lâu, y không còn nhớ đến chuyện vứt nó đi hoặc thay bằng một điếu thuốc khác.
Nhìn Nhu trong tư thế và thần thái lúc này, Hai Long cảm thấy mình đang chứng kiến nhưng giờ tàn cuối cùng của chế độ Diệm - Nhu. Tấn thảm kịch của gia đình họ Ngô đã đến lúc kết thúc.
---
[1] Công giáo tại tâm
[2] Các nhân viên CIA ở tại khách sạn Duke, Sài Gòn.
[3] Phá bỏ hết! Phá bỏ hết!
[4] Chúc may mắn!
[5] Cảm ơn, chúc may mắn!
[6] Hoan hô.
[7] “Tất cả đều tối đen, tất cả đều lạnh giá, không còn gì le lói...”, một câu trong bài thơ “Người thuyền chài trên biển” của Victor Hugo (1802 – 1885), nhà thơ lớn của Pháp thế kỷ XIX.

Chương trước Chương sau