Ông cố vấn - Chương 02

Ông cố vấn - Chương 02

TRẠI TÒA KHÂM

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 10/10 với 84172 lượt xem

Tòa nhà làm việc của viên khâm sứ Trung Kỳ thời Pháp thuộc nằm ở bờ nam sông Hương xinh đẹp.
Ngôi nhà chính hai tầng xây theo kiến trúc Pháp, vuông vức đường bệ và vững chắc, trong kháng chiến đã bị bộ đội ta đánh sập một nửa. Những dãy nhà trệt vẫn còn nguyên vẹn. Tòa Khâm cũ nay được dùng làm trại cải huấn cho những người kháng chiến bị bắt.
Vây quanh trại là Ty công an Thừa Thiên, trại lính Phan Đình Phùng, khách sạn Morin. Trước cửa trại là khu công viên nằm ở ven sông Hương, giáp với cầu Tràng Tiền in hình trên nền trời những đường lượn thon thả. Chợ Đông Ba ở ngay bờ sông bên kia, nổi bật lên với những mái nhà hình vòm.
Ngôi nhà lầu đã bị đánh sập một nửa dành cho trại trưởng và các ban cải tạo, tuyên huấn, hậu cần. Trại viên ở dãy nhà trệt, trong tòa nhà trước kia dùng làm Văn khố. Họ ở tập trung trong căn phòng lớn, với những chiếc giường cá nhân kê thành hàng theo kiểu trại lính. Những căn buồng nhỏ chung quanh phòng lớn, được ngăn thành nơi biệt giam.
Trưởng trại là Lê Văn Dư, một gã mặt mũi sáng sủa, có thể nói là điển trai, chơi bóng chuyền, bóng bàn giỏi mặc dù dôi chân vòng kiềng. Tuy vậy, Dư lại là một kẻ thất học. Hắn vốn là trung sĩ trong quân đội ngụy thời Pháp, được chọn làm trại trưởng vì có họ gần với ông Cậu. Dư tỏ ra mặc cảm trước những cán bộ kháng chiến. Đối với họ, hắn có phần vì nể, không đe nẹt, dọa dẫm. Ngược lại, hắn khinh ra mặt những tên “chuyển hướng” đã trở thành tay sai, sẵn sàng hạch lạc bọn chúng ở bất cứ nơi nào. Vì không biết gì về việc “cải huấn”, hắn giao toàn bộ cho Lê Vượng, trưởng ban cải tạo của trại.
Những cán bộ kháng chiến ở Thừa Thiên lâu năm đều biết Lê Vượng. Vượng hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, đã làm chánh văn phòng của tỉnh ủy Thừa Thiên. Một lần, Vượng bị bắt cùng với đồng chí phó bí thư tỉnh ủy trong một cuộc địch lùng càn. Ít ngày, Vượng trốn thoát. Nhưng rồi chẳng bao lâu, Vượng bị bắt lại cùng với khá đông cán bộ nhiều ngành của tỉnh. Người ta nói Vượng đã đầu hàng địch từ lần bị bắt trước, chúng ném Vượng về đánh phá cơ sở của ta. Ông Cậu rất tin dùng Vượng. Chính Vượng đã bày cho ông Cậu làm trò “cải huấn”.
Cách đây không lâu, Vượng đã móc nối được với Quý, cháu họ của y, đang công tác ở vùng tự do. Quý thường xuyên thông báo cho địch nơi tỉnh ủy đóng căn cứ, con đường cán bộ đi lấy gạo, nơi dân vẫn giấu gạo, thực phẩm để tiếp tế cho ta. Bọn công an Thừa Thiên đã lấy thuốc độc trộn vào gạo và thực phẩm. Chúng tổ chức những cuộc vây ráp, phục bắt cán bộ. Một lần Quý về, dẫn một toán công an địch đi vây bắt cơ quan tỉnh ủy đóng ở đèo Phước Tượng. Khi chạm nhau, đôi bên cùng nổ súng. Một tỉnh ủy viên của ta hy sinh. Nhưng chính tên Quý đã lại ta bắn chết. Bọn địch khiêng xác Quý cùng với xác đồng chí tỉnh ủy viên về Huế. Vượng đề nghị ông Cậu tổ chức lễ tế tên Quý, và truy tặng cháu hắn huân chương Bảo quốc để cổ vũ những người đã quay về chiến đấu cho “chính nghĩa quốc gia”. Buổi lễ được tiến hành trọng thể. Các quan chức trong tỉnh đều có mặt. Lê Vượng huy động cả trại Tòa Khâm tới dự lễ. Bọn chúng chặt xác đồng chí tỉnh ủy viên thành nhiều khúc, trộn với mùn cưa. Riêng cái đầu, chúng bọc giấy đỏ. Vượng bắt một trại viên bưng chiếc mâm, trên đặt cái đầu lâu, mang lên bàn thờ. Anh này sợ chết khiếp, đánh rơi cái đầu xuống đất, lăn cả vào chân quan khách. Lê Vượng thực sự bộc lộ bộ mặt từ đó.
Số phận những người đã rơi vào đây đều nằm trong tay Lê Vượng.
Nhìn bề ngoài, trại Tòa Khâm không có vẻ một nơi giam cầm. Bọn lính gác đều mặc thường phục, súng ngắn giấu trong người. Trại viên vẫn mặc quần áo của mình, hàng ngày chào cờ, học tập, đọc sách báo, chơi bóng bàn, bóng chuyền. Một số trại viên được phép ra phố. Có cả những trại viên ban ngày tới trại học tập, ban đêm lại trở về với gia đình.
Đến trại những ngày đầu, Hai Long cảm thấy không khí ở đây dễ chịu hơn nhiều so với trại biệt giam Vân Đồn. Anh nhớ lại những lời Hiếu quảng cáo về trại cải huấn. Mùa mưa ở Thừa Thiên sắp hết. Bầu trời đã sáng sủa. Cố đô Huế êm đềm, khác hẳn Sài Gòn lúc nào cũng náo nhiệt, sôi động. Tiếng chim ríu rít trên cành đón chào mùa xuân. Ngày xưa, thực dân Pháp đã đưa cụ Phan Bội Châu về đây an trí. Chẳng lẽ mình lại có những ngày nghỉ ngơi bên bờ sông Hương này ư...
Những người mới tới được xếp ở chung tại một khu riêng. Nhiều người quen biết nhau. Phần đông là cán bộ của hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam. Hai Long không gặp ai quen, vì anh chưa có dịp công tác ở miền Trung. Một đường dây vô hình đã gắn bó họ với nhau, vì họ đều cùng chung số phận đang chờ xét xử. Qua những câu chuyện trao đổi rì rầm, Hai Long bắt đầu hiểu những ngày sắp tới sẽ rất đen tối. Trại cải huấn chưa hẳn là trại giam. Nhưng nó là nơi chuyển tiếp cuối cùng đến những trại giam thực sự: Lao Thừa Phủ, Mang Cá, Chín Hầm.
Những người đến đây nói tới Chín Hầm với vẻ e ngại. Theo họ, những chuồng cọp ở Côn Đảo so với Chín Hầm còn là thiên đàng. Những hầm này đều nằm trong lòng đất ở một vùng đồi. Trừ những tên canh gác, không ai biết Chín Hầm ở đâu. Những ngăn xà lim chỉ rộng hơn chiếc áo quan một chút. Người bị giam trong xà lim không nhìn thấy ánh mặt trời. Họ hít thở khí trời qua một lỗ thông hơi. Chuột ở Chín Hầm quen khoét mắt và ăn thịt người chết. Ban đêm, chúng lao tới từng đàn, gặm chân những người ngủ quên. Địch đưa ai vào Chín Hầm có nghĩa là chúng định chôn sồng người đó.
Hai Long dần dần mới hiểu rõ con đường ra khỏi trại Tòa Khâm chỉ có thể là con đường phản bội, đầu hàng.
2.
Một người hom hem, nước da mai mái ngồi ở bên bàn; một chân gác trên ghế, miệng ngậm điếu thuốc lá sâu kèn, ngoảnh mặt ra nhìn khi Hai Long bước vào.
Y khua chân tìm chiếc dép dưới gầm bàn, rồi đứng dậy ra đón anh, mẩu thuốc lá sâu kèn trễ xuống một bên môi. Hắn cao và gầy, người hắn như bơi trong bộ quần áo rộng thùng thình không được sạch sẽ lắm. Hắn rít thêm một hơi rồi mới chịu vứt mẩu thuốc lá ướt đẫm nước bọt, nhoẻn miệng cười, chìa tay bắt tay Hai Long:
- Khỏe chớ?
Hàm răng hắn vàng khói thuốc.
Hai Long cầm bàn tay gầy guộc của hắn, có cảm giác như mình đang chạm tay thần chết. Lê Vượng là hắn, người đã nhân danh trưởng ban cải tạo mời anh sáng nay lên gặp.
Vượng đưa anh lại bàn, tiếp tục giọng thân mật, bề trên:
- Ngồi xuống đó. Cứ tự nhiên. Khỏe chớ? - Hán nhắc lại câu hỏi thăm chưa được trả lời.
- Cảm ơn ông, tôi vẫn thường.
- Thuốc đó!
Hân đẩy bao Bastos về phía anh, rồi rút từ túi áo ra một gói thuốc sợi màu nâu xỉn.
- Miềng quen thừ ni. Bastos nhiều người kêu nặng nhưng với miềng thì quá nhẹ.
Vượng lại cho một chân lên ghế, ngồi vê điếu thuốc lá sâu kèn. Người ta nói Vượng bắt chước ông Cậu, mời khách thuốc lá ngoại còn mình chỉ hút thuốc Cẩm Lệ vấn tay.
Cử chỉ của Vượng thân mật, xuề xòa. Hắn tiếp Hai Long như gặp một cán bộ dưới quyền đã công tác lâu năm với nhau hồi còn ở rừng. Cặp lông mày của hắn thưa và gần như trụi hết. Đôi hố mắt sâu thẳm, long lanh một cặp mắt tươi cười, thỉnh thoảng lại có một cái nhìn như xoáy vào tâm can anh. Những con mắt ấy như muốn nói: biết nhau rồi, đừng vờ vĩnh nữa!... Hai Long cảm thấy e ngại
- Miềng đã nghe ông Hiếu nói về anh. Hồ sơ nằm đó rồi. Ông Hiếu chưa tin anh. Nhưng miềng thì miềng tin. Anh em không tin nhau thì răng? Anh kém miềng mươi lăm tuổi nhưng cũng cùng một lứa với nhau thôn! Mươi, mười lăm năm kháng chiến cả. Anh là chi ủy viên, miềng là thường vụ tỉnh ủy, rứa cả...
Hai Long ngắt lời hắn:
- Ông đã coi hồ sơ của tôi. Tôi đã rời bỏ hàng ngũ Việt Minh từ năm 1952.
- Coi rồi! Coi rồi! Nhưng vẫn phải nói chuyện nhiều với nhau. Miềng e rằng anh chưa hiểu hết chính sách của ông Cậu. Nó hoàn toàn trái ngược với chính sách Việt cộng. Một đàng là vô nhân đạo, một dàng là nhân đạo. Cha anh bị bắn trong cải cách ruộng đất phải không?
- Cha tôi tự tử.
- Thì cũng rứa... Miềng nói tiếp. Một đàng là đóng cửa, một đàng là mở cửa. Một đàng là hận thù. Một đàng là hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù. Cộng sản dùng sông Bến Hải để chia cắt đất nước. Quốc gia chủ trương lấp sông Bến Hải để thống nhất hai miền. Không phân giai cấp, không phân giàu nghèo, bỏ qua quá khứ, đó là chính sách của ông Cậu. Ông Cậu nói: “Chính sách đã mở cửa, đừng ai đóng lại, đóng lại là có tội.” Hay lắm chớ! Vì có chính sách nhân đạo, khoan hòa như rứa, cán bộ kháng chiến mới lũ lượt kéo về, phải mở thành trường, thành lớp. Người mô trở về với Quốc gia, bên nớ chức chi, bên ni chức đó; là công chức cũ, trao chức vụ cũ; khả năng đến mô, quyền cao đến nớ. Ông Cậu chỉ cần anh em có thiện chí, từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản, giúp Quốc gia mời tiếp những người lầm đường trở về ... Rứa thôi! Rứa là anh em lại tự do. Anh coi trại thì biết, nằm giữa cố đô, “cải tạo” chi mà thoải mái, vui chơi! Ông Cậu cố tránh không đụng tới thân xác anh em, không để ai phải mất mát gì. Nhưng đối với những kẻ ngoan cố, nói mãi không nghe, thì cuối cùng cũng phải chấp pháp. Khi nớ chớ trách!
- Thưa ông, tôi đã rõ. Từ nhiều năm nay tôi đã sống bên phía Quốc gia.
Người trẻ tuổi này đã mấy làn ngắt lời mình, hắn sẵng giọng :
- Rứa chưa đủ! Ăn cơm Quốc gia đã phải mô là người quốc gia!... Bọn hắn sẽ nói chuyện với anh những cái cụ thể. Bữa ni, miềng chỉ yêu cầu anh sau học tập, phải có thái độ rõ ràng. Quốc gia mời về chứ không áp bức. Dân chủ, tùy anh em lựa: hoặc là chuyển hướng hoặc cứ theo Cộng sản, hoặc về với dân tộc hoặc quay về miền bắc, anh em cứ thực thà khai ra. Ai muốn tiếp tục theo Cộng sản, sẽ lập thành danh sách trả qua Bến Hải mà về...
Giọng nói của Vượng dần dần dịu lại. Hắn dã nhiều lần thành công với cách dỗ dành này. Đây mới chỉ là bước động viên riêng. Hắn vẫn theo đúng những kinh nghiệm đã làm trong những cuộc chỉnh huấn trước kia khi còn ở rừng.
- Thưa ông, ở trong kia tôi đã trình bày với ông Hiếu, e rằng có sự hiểu lầm.
- Nhiều chuyện ông Hiếu chưa biết mô! Tất cả các anh đều đã qua tay tui.
Hắn quay ra cửa, quát rất to:
- Cho xuống!
Thái độ của Vượng đột ngột thay đổi. Hai Long tự bảo phải chăng mình đã phạm sai lầm?.. Mình cần tự kiềm chế hơn. Phải cố tránh đừng khiêu khích chúng.
3.
Những người mới tới được đưa khỏi khu đặc biệt đến căn nhà dành cho trại viên. Ban cải huấn chia họ thành từng tổ để bắt đầu học tập. Mỗi tổ do một tên đã “chuyển hướng” điều khiển. Tên này ăn ở cùng với họ.
Nội dung học tập khá đơn giản. Tên tổ trưởng nhai lại một bài về “chính nghĩa quốc gia”, “chính sách khoan hồng, mở cửa” của chí sĩ Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Cẩn, do ban cải huấn soạn thảo. Sau đó, hắn yêu cầu mọi người thảo luận, so sánh những chủ trương, chính sách của Quốc gia với chủ trương chính sách của Cộng sản. Hắn luôn luôn nhắc nhở học viên phải kể rõ tội ác của Cộng sản. Những lời phát biểu đều được ghi vào biên bản nộp lên trên. Tên tổ trưởng không chịu để cho ai không phát biểu ý kiến.
Sau giờ học tập buổi chiều, học viên chơi bóng bàn, bóng chuyền hoặc đi dạo trên những con đường trong khu trại.
Ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam tiếp giáp với miền Bắc, thuộc quyền cai quản trực tiếp của Ngô Đình Cẩn, là nơi địch đánh phá phong trào cách mạng quyết liệt nhất. Chúng mở liên miên những chiến dịch “tố Cộng”, những cuộc vây ráp, truy lùng cán bộ ta. Chúng áp dụng những biện pháp triệt để nhất. Những người vợ có chồng đi tập kết hoặc hoạt động thoát ly buộc phải ký giấy ly hôn và lấy người phía “quốc gia” để cắt đứt mọi mối liên quan với cách mạng. Chúng tra tấn những người bị tình nghi là mưu sát Ngô Đình Diệm bằng cách treo họ trên đống lửa hồng...
Những người được đưa về trại Tòa Khâm, đối với chúng, thuộc loại những phần tử nguy hiểm nhất, là kết quả của những cuộc truy lùng thường là rất khó khăn. Khi bị bắt, họ chờ đợi những cực hình ghê gớm. Nhưng rồi họ được đưa về đây, sống giữa một khung cảnh mà từ lâu họ chỉ thấy trong những giấc mơ.
Không người Việt Nam nào, dù chưa hề đặt chân tới Huế, mà lại không mang sẵn trong tâm hồn một vài hình ảnh về cố đô. Những hình ảnh đó đã đi vào bài thơ, câu văn, điệu hò, tiếng hát. Những hình ảnh đó giờ đây diễn ra hằng ngày, hàng giờ trước mặt họ. Dòng sông Hương, thành cổ, Phu Văn Lâu, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, công viên tĩnh mịch bên bờ sông, chiếc nón bài thơ trắng lóa gắn liền với tà áo tím, áo trắng của những cô nữ sinh Huế, tiếng guốc khua giòn trên đường phố những lúc tan trường... Nhiều cái rất Huế đều có thể nhìn được từ trại Tòa Khâm. Bầu không khí này chứa đựng một thứ hương thầm mê hoặc. Cuộc dời bên trong và bên ngoài chỉ cách nhau một hàng rào thưa. Hàng rào ngăn cách sẽ không còn nữa, nếu họ chấp nhận cái được gọi bằng những từ không mấy xúc phạm: sự “chuyển hướng”.
Một buổi chiều trong khi đi dạo, Hai Long nhìn thấy một thiếu phụ cùng với đứa con nhỏ đi trên hè phố bên ngoài cổng trại. Người thiếu phụ có cặp mắt lo âu và dáng đi tất tưởi. Thằng nhỏ đen đủi, gày gò, vừa chạy theo vừa níu cánh tay mẹ. Đây chính là hình ảnh vợ con anh lúc này ở Sài Gòn! Trong lòng anh bỗng dội lên sự thương cảm. Anh vội quay đi, nhưng hình ảnh đó không chịu buông rời anh.
Thời gian học tập không kéo dài. Tiếp theo là bước phản tỉnh. Học viên, từng người, tới gặp ban cải huấn để viết kiểm điểm và trả lời những câu hỏi.
Nếu như trong học tập họ có thể phát biểu những lời chung chung cho qua đi, thì lần này họ phải viết, phải trả lời những vấn đề rất cụ thể. Một lời khai, một câu trả lời không ăn khớp với những điều chúng đã biết, sẽ làm chúng thay đổi ngay thái độ, trở thành thù địch thực sự.
Không còn những câu chuyện rôm rả quanh bàn báo, những tiếng cười trên sân bóng. Nét mặt người nào cũng lộ vẻ đăm chiêu hoặc lo âu, căng thẳng. Cái mà chúng gọi là “chuyển hướng” đã được cụ thể hóa: phải khai rõ tổ chức bí mật, những cơ sở của cách mạng, và cuối cùng, phải nhận lời cộng tác với chúng để cùng đánh phá cách mạng. Đã tới lúc phải lựa chọn dứt khoát giữa kiên trung và phản bội, giữa bất khuất và đầu hàng?
Bản phản tỉnh của Hai Long đã hai lần bị tên nhân viên ban cải huấn trả lại. Lần thứ hai, hắn bảo anh:
- Anh không biết điều! Viết lại lần nữa, nếu vẫn toàn những chuyện dông dài, chúng tôi sẽ có biện pháp. Tỉnh ủy, phó bí thư, rèn luyện như vậy mà vô đây còn chuyển, các anh sức mấy! Gặp Cầu Lửa rồi anh sẽ biết!
khai. Như vậy có nghĩa là, mặc dù có sự tố giác của tên hồi chánh, anh vẫn chưa bị lộ hoàn toàn tung tích. Nhưng còn cái điều chúng đã biết về anh, và đang buộc anh phải tự khai ra, là cái gì? Anh không được phép đi xa hơn những điều đã khai.
Hai Long ngồi một mình ở bàn đọc báo. Những chữ in nhảy múa trước mắt anh. Anh chưa biết viết gì thêm trong lần kiểm điểm thứ ba vào ngày mai. Nếu lần này, chúng vẫn không chấp nhận, anh sẽ bị coi là ngoan cố.
Một người lặng lẽ đi vào như một cái bóng. Ông ta mái tóc đã hoa râm, vẻ mặt lành hiền, lúc nào cũng tư lự. Anh đã nghe nói nhiều về người này. Đó là ông Đẩu, tỉnh ủy viên của Thừa Thiên ngày trước. Ông cùng bị bắt với Lê Vượng. Chúng đã đưa ông về giam tại Mang Cá. Gần đây, chúng đưa ông về trại Tòa Khâm. Trại viên xì xào: “Ông Đẩu chuyển hướng rồi!”. Mọi người né tránh ông. Hàng ngày, ông lủi thủi đi từ nhà lầu xuống khu biệt giam, rồi lại từ đó trở về nhà lầu. Nhìn con người này, đôi lúc Hai Long cảm thấy thương hại.
Ông Đẩu lẳng lặng ngồi xuống bên Hai Long, mở một tờ báo ra xem.
Ông Đẩu đưa mắt nhìn quanh rồi hỏi Hai Long bằng một giọng điềm đạm:
- Chắc anh đã nghe anh em nói nhiều về tôi?
- Anh em nói anh là tỉnh ủy viên của Thừa Thiên.
Ông Đẩu thở dài, rồi lại hỏi:
- Anh là thị ủy của Thái Bình phải không?
- Tôi đã khai với họ rồi.
- Họ đã nắm được một số tài liệu về thời kỳ hoạt động sau này của anh. Anh nên khai thêm về những gì họ đã biết, để tránh khỏi phải đưa vào biệt giam.
Qua cặp mắt của ông, Hai Long tin là người này muốn giúp đỡ mình.
- Anh có thể cho tôi biết cụ thể hơn không?
- Tôi không trực tiếp làm việc của anh, nên chỉ nghe được như vậy... Anh đã hay tin anh Mười cũng bị bắt chưa?
- Anh Mười bị bắt?
- Họ đưa anh Mười về cách đây gần một tháng. Anh không chịu khai gì, nên họ chuyển sang ty Công an để chấp pháp. Anh em ở đây thỉnh thoảng nhìn thấy anh ở bên ty.
Tin anh Mười bi bắt khiến Hai Long bàng hoàng. Anh Mười chính là người trực tiếp chỉ đạo công tác của Hai Long. Sau đợt làm việc lần cuối, Hai Long tưởng anh đã trở về căn cứ, không ngờ anh lại sa vào tay chúng.
Ông Đẩu buông tờ báo xuống bàn. Hai Long biết ông tới đây chỉ cốt để thông báo cho mình mấy điều đó. Nhìn vẻ mặt rầu rĩ của ông, anh hỏi với vẻ thông cảm:
- Anh buồn lắm phải không?
- Không phải là buồn... Tôi đã phạm một sai lầm không thể tha thứ được. Tưởng là khai báo cho xong, lợi dụng chính sách của họ, có điều kiện lại tiếp tục hoạt động... Họ không dừng lại cho mình lợi dụng đâu. Tôi đã thấy hết sức nhục nhã, ê chề. Hối bây giờ thì đã muộn. Chỉ còn cái chết để đền bù...
Một tuần sau đó, Hai Long bị đưa vào biệt giam.
4.
Những người bị giam riêng là những người không thành khẩn khai báo, hoặc không công nhận chính sách, tức là không chịu “chuyển hướng”.
Người ở biệt giam hoàn toàn tách với những sinh hoạt tập thể của trại. Bữa ăn có người đưa cơm riêng. Những lúc ra ngoài, họ không được quyền trao đổi với các trại viên khác. Trong phòng biệt giam không có giường. Phải nằm trên cạnh cửa hoặc một miếng ni-lông rải trên nền nhà.
Vào biệt giam rồi, họ vẫn tiếp tục bị truy hỏi. Cuộc truy hỏi với những người biệt giam ưu gay gắt hơn. Bọn nhân viên cải huấn luân phiên nhau quần tối ngày, không để cho đối tượng có thời giờ nghỉ ngơi, suy nghĩ. Xen kẽ, chúng đưa những người đã chuyển hướng, có quen biết đối tượng, tới rỉ rả khuyên giải, dỗ dành. Sau một thời gian truy ép, nếu không có kết quả, chúng sẽ chuyển họ tới nhà lao Thừa Phủ, Mang Cá hoặc Chín Hầm tùy theo tội trạng.
Sự ngăn cách giữa người biệt giam với trại viên chỉ nhằm làm rõ sự phân biệt đối xử giữa những người chấp nhận và không chấp nhận chuyển hướng. Người biệt giam sáng sáng vẫn được ra ngoài tập thể dục, nhưng phải tập riêng một mình. Trại viên vẫn có thể theo dõi những cuộc đối thoại trong phòng biệt giam vọng ra qua những khe cửa chớp. Một anh ở phòng biệt giam sáng nào cũng hát trọn hai bài Tiến quân ca và Chiến sĩ Việt Nam. Những việc làm như vậy được lơ đi, không bị cấm đoán hoặc trừng trị.
Một người đưa cơm làm Hai Long hết sức chú ý. Hai Long nhận ngay ra anh ta đã có lần làm nhiệm vụ liên lạc giữa mình với anh Mười. Những người đưa cơm cho người biệt giam và người đang bị tra hỏi bên ty Công an được bọn chúng chọn trong số trại viên đã qua học tập. Sao chúng lại trao cho anh ta làm công việc này? Chúng đã biết về anh ta đến đâu? Nếu do chúng sơ hở, thì đây là một cơ hội vô cùng may mắn giúp cho Hai Long liên lạc với anh Mười. Hai Long rất cần nhận được ở anh những chỉ thị mới. Nhưng nếu đây lại là một cái bẫy do chúng cài để làm bật ra mối quan hệ giữa anh với anh Mười? Anh thấy cần hết sức nhận trọng. Gặp nhau, hai người vẫn làm như hoàn toàn không quen biết.
Buồng của Hai Long chỉ tiếp giáp với một buồng biệt giam khác. Chiếc cửa thông giữa hai căn buồng nhỏ này trước đây, đã bị khóa lại. Hai Long đã làm quen ngay với người láng giềng. Anh tên là Hoàng, một cán bộ tình báo quân đội, phụ trách một lưới điệp báo ở Thừa Thiên, bị bắt cùng với cả lưới. Qua những buổi truy ép của chúng, Hai Long nhận rõ, anh đang ra sức bảo vệ những người cùng cộng tác với mình. Chúng hỏi anh nhiều lần về một người tên là Hòe. Trước sau, Hoàng chỉ nói Hòe vô tình tiết lộ một số tin tức cho anh, chứ hoàn toàn không biết anh là cán bộ tình báo. Hoàng kiên quyết từ chối trả lời ai là người trực tiếp chỉ đạo mình, điện đài giấu ở đâu... Nhiều lần bọn chúng dọa sẽ đưa anh đi Chín Hầm.
Hai Long và người làng xóm thường trao đổi qua lỗ khóa. Những câu chuyện của Hoàng giống như những lời trăn trối. Anh kể về gia cảnh, cho Hai Long biết địa chỉ của gia đình mình. Anh chỉ nhờ Hai Long giúp cho một việc, nếu có may mắn thoát được nơi đây. Anh giới thiệu Hòe, một nhân viên của sở tài chính Trung Việt, do một đồng chí của ta giác ngộ và thử thách trong công tác, bàn giao lại cho anh. Gần đây, anh đã được ủy nhiệm kết nạp Hòe vào Đảng. Khi bị bắt, Hòe rất kiên định. Anh đang tìm mọi cách cứu Hòa. Nhưng nếu Hòe thoát khỏi đây mà không còn liên lạc với Đảng thì sẽ là một sự thiệt thòi lớn cho anh. Hoàng tha thiết mong Hai Long sẽ tạo điều kiện cho Hòe tìm về với Đảng để tiếp tục công tác... Hai Long nhận lời Hoàng, không dám nói điều anh đang nghĩ: chắc gì mình đã ra khỏi đây!
Người đưa cơm đẩy cửa bước vào. Anh ta có một cử chỉ khác thường, là chạm nhẹ khuỷu tay cho cánh cửa khép lại. Anh ta ghé vào tai Hai long thì thầm:
- Quần áo cũ còn tốt, cố giữ mà mặc. Chú ý thời tiết nóng, lạnh thì khỏe thôi.
Hai Long nhận ra ngay đó là những lời của anh Mười.
Người đưa cơm ngoái đầu nhìn cánh cửa khép hờ, rồi lại ghé tai Hai Long nói tiếp:
- Sáng mai, giờ thể dục, ra chỗ hàng rào kẽm gai...
Trước khi quay ra, lần đầu, anh nhìn Hai Long mỉm cười.
Sáng hôm sau, trước tiếng còi tập thể dục, Hai Long đã có mặt bên hàng rào kẽm gai nhìn sang ty Công an. Anh đứng hít thở khí trời ban mai. Tiếng còi vừa dứt, từ phía nhà giam ty công an, một người cầm chiếc xô đi ra. Anh nhận ngay ra anh Mười. Đôi mắt anh đang
đăm đăm nhìn về bên này.
Hai Long nắm tay trái giơ lên mang tai làm dộng tác chào. Anh lại giơ nốt nắm tay phải lên mang tai bên kia, vặn người sang hai bên như đang tập thể dục. Anh Mười quay người, thủng thỉnh đi về phía vòi nước. Một tay anh bỗng vẫy nhẹ về phía sau, như để đáp lại lời chào của Hai long, và cũng nhắc anh đừng có khinh suất.
Hai Long cảm thấy vững dạ sau khi nhận được lời dặn dò của anh Mười, những chỉ thị chỉ riêng anh mới hiểu...
Hai Long hơi ngạc nhiên khi thấy mình vào biệt giam đã một tuần, vẫn chưa có người trên ban cải huấn xuống, trong lúc ở buồng bên, hết người này ra lại người kia vào.
Đầu tuần thứ hai, buổi sáng, cánh cửa buồng bật mở. Một người tầm thước, tóc cắt ngắn, mặt đỏ au bước vào. Đôi mắt sáng, dữ dằn, đảo đi đảo lại rất nhanh. Y khép cánh cửa, ném tập hồ sơ xuống nền nhà.
- Tôi là Cầu, ở ban cải huấn, bữa nay xuống làm việc.
Hắn vừa nói vừa ngồi xuống trước Hai Long.
Cầu Lửa đây, bữa trước tên nhân viên cải huấn đã nhắc tên hắn như nhắc tới một hung thần.
Cất tiếng, y nạt nộ ngay:
- Anh khai báo thế này thì ai mà chịu được! Hồ sơ của anh cả một tập rề rề ra đây. Anh cho chúng tôi là những thằng ngu chắc? Đừng hòng qua mắt chúng tôi. Những người ngoan cố bằng mấy anh, chúng tôi còn trị được. Nhiều người nhẹ không ưa, ưa nặng; rốt cuộc, cũng giống nhau tuốt. Mấy thằng đã có gan chui vào Chín Hầm chờ mục xương! Anh được học, được nghe chính sách đủ rồi. Anh khai báo tử tế thì cho anh ra khỏi đây, không thì sang an ninh...
Hắn như người lên cơn điên, càng nói càng quát.
Hai Long ngồi thu hai tay im lặng, chờ hắn hả hơi. Anh chăm chú lắng nghe xem may ra tên điên rồ này có để lộ ra điều gì.
Cầu Lửa đảo mắt về phía cửa, rồi rút nhanh từ tập hồ sơ ra một mẩu giấy, đẩy nhẹ tới trước mặt Hai Long
Trong lúc Cầu Lửa tiếp tục quát tháo, Hai Long tập trung tinh lực đọc mấy dòng chữ vắn tắt: “Bản khai ở Vân Đồn sưu tra khớp rồi, cứ giữ nguyên. Khai thêm về quan hệ với Pháp, với cánh Phát Diệm. Chuyển đi là chết đó!”.
Hai Long đẩy nhẹ mẩu giấy trả lại Cầu với cái nhìn biết ơn.
Cầu vo viên mẩu giấy, bỏ vào túi quần, miệng vẫn bô bô:
- Tôi cũng từ thằng quân báo Liên khu V mà ra đây, cũng Cộng sản nòi, nhưng ngấy hết rồi. Còn cái mẹ gì? Các ông ấy kéo tuốt ra miền Bắc, vứt mình lại xó rừng. Mình cũng phải sống chớ...
Hai Long cảm thấy nhẹ hẳn người khi Cầu đi ra hất cánh cửa đánh rầm. Thì ra chỗ mắc mứu của chúng đối với anh, chính là ở chỗ anh từ Pháp về, ở mối quan hệ với các cha cố Phát Diệm mà sau khi anh bị bắt, chắc chúg đã tiến hành điều tra. Nhưng cũng lại chính vì mối quan hệ của anh với cha Lê và cha Hoàng, nên chúng có phần gượng nhẹ. Không ngờ người giúp anh lối thoát khỏi biệt giam lại là Cầu, một kẻ được chúng coi như hung thần!
Lại có những tiếng cộc cộc ở cánh cửa.
Hai Long nhích người áp tai vào ổ khóa.
- Thằng Cầu này trước phá ta dữ lắm. Gần đây, có đỡ hơn. Bọn địch không tin hắn đâu.
- Thái độ y dữ dằn quá. - Hai Long nói cho qua.
- Lúc nào nó cũng vậy. Anh cố tìm cách mà thoát. Tôi thì chúng đưa tới nơi rồi.
Trong cuộc đấu tranh sinh tử này, mỗi con người là một thế giới đầy bí mật.
Mươi ngày sau, Hai Long được ra khỏi biệt giam.
Cũng sáng hôm đó, một chiếc xe bịt bùng ghé vào trước thềm nhà trại viên. Hai nhân viên an ninh nhảy xuống, mở cửa buồng Hoàng, bảo anh ra xe.
Tiếng Hoàng bình thản:
- Đi mô mà vội? Cũng cho chuẩn bị một chút xíu chớ. Đi mô? Mang Cá hay Chín Hầm?
Tên an ninh sẵng giọng:
- Đừng phách lối! Mần cho lẹ đi!
Nhiều trại viên xô ra cửa.
Hoàng giơ nắm tay lên mang tai chào mọi người theo kiểu Việt Minh, và nói “Vĩnh biệt các đồng chí!”.
5.
Một trại viên có người nhà từ Sài Gòn ra thăm. Chị vợ dẫn theo đứa con gái nhỏ.
Trong trại nhiều người biết Lựu, anh trại viên vừa có vợ ra thăm. Tên hướng dẫn học tập đã có vẻ khó chịu vì tính nói ngang của anh. Có những lần, câu nói của anh làm cho hắn đứng ngay cán tàng. Ai cũng tưởng chúng sẽ đưa anh vào biệt giam. Nhưng chúng vẫn để anh nhởn nhơ. Người ta nói Lựu là giao thông viên của một nhân vật quan trọng ở Sài Gòn, nên chúng cố dụ dỗ để tìm ra những cơ sở quan trọng của ta. Việc chúng cho vợ con anh ra thăm cũng nằm trong âm mưu này. Lựu được nhiều người có cảm tình vì anh nói hộ họ những điều họ không dám nói. Những ngày qua, mỗi lần lên gặp ban cải huấn về, mặt Lựu đỏ dừ. Có những lúc người ta nghe tiếng Lựu cãi trả nhân viên cải huấn từ trên gác vọng xuống.
Lựu bồng con, nét mặt tươi rói, đi chào mọi người và phân phát những trái cây vợ đem từ Sài Gòn ra. Người vợ tươi tỉnh sau khi gặp chồng và ngắm nhìn không khí của trại. Chắc chị tin rằng mình được đặc cách đến thăm chồng thế này, thì không bao lâu nữa anh sẽ được tha.
Những cặp mắt đổ dồn về đôi vợ chồng trẻ và đứa bé, không giấu được vẻ thèm thuồng.
Nhiều người đứng nhìn theo cạnh vợ chồng Lựu chia tay ở cổng trại. Họ bật cười khi thấy Lựu giơ cao nắm tay trái chào vợ ngay trước mặt tên lính gác.
- Thằng cha bao giờ cũng ngang!
Hết giờ tập thể dục sáng hôm sau, khi mọi người sắp giải tán, Lựu đứng ở giữa sân, tươi cười giơ cao nắm tay trái khá lâu trước những cặp mắt ngơ ngác. Không ai cười vì không muốn làm hại thêm anh với cái trò khiêu khích này.
Lúc 9 giờ sáng, từ phía nhà lầu vang lên những tiếng kêu la thất thanh. Mọi người đổ xô ra cửa. Có ai vừa lao từ cửa sồ căn phòng của ban cải huấn xuống đất. Lựu nằm trên mặt thềm, đầu vỡ toác, óc lòi ra, người đã mềm nhũn. Khi đó, họ mới hiểu nắm tay giơ cao của anh sáng nay là lời chào vĩnh biệt.
Ông Đẩu già sọm đi.
Một buổi tập thể dục, có người nhắc đến chuyện Lựu. Một trại viên tỏ vẻ thương tiếc.
- Chưa tới 30 tuổi đầu! Vợ con vừa mới ra thăm!
Một tên “chuyển hướng” nói:
- Dại thì chết thiệt thân!
- Đây không phải là vấn đề khôn dại. - ông Đẩu lần đầu lên tiếng giữa đám đông.
Giọng nói của ông nhỏ nhẹ, nhưng người ta cảm thấy trong ông đã có sự bùng nổ.
Tên “chuyển hướng” ngạc nhiên nhìn ông, hắn không chịu thua:
- Có chính sách rồi, chết như vậy tôi coi là ngu!.. Anh Đẩu đây, trước có công nhận chính sách đâu, giờ cũng đã công nhận.
Ông Đẩu vẫn điềm đạm:
- Đó là sai lầm của tôi. Tôi đã bị lừa dối. Tôi không có được dũng khí như đồng chí Lựu.
Mấy ngày sau, Lê Vượng đưa ông Đẩu vào biệt giam. Ở đây, hàng ngày ông tiếp tục than vãn về sai lầm không thể tha thứ được của mình. Chúng vội đưa ông Đẩu khỏi trại Tòa Khâm.
Lần này, chúng đưa thẳng ông vào Chín Hầm.
6.
Qua tìm hiểu, Hai Long đã biết Cầu Lửa trước đây đúng là quân báo của Liên khu V. Gặp nhau, Cầu đưa mắt kín đáo nhìn Hai Long. Có lúc đã quay đi, Cầu mới se sẽ gật đầu. Hai Long phân vân không hiểu trong trại có tổ chức của ta không, ít nhất là một tổ chức của những người trung kiên..? Có nên liên hệ với tổ chức này không trong khi nhiệm vụ của mình là phải náu thật kín, chờ dịp chui sâu và leo cao? Anh nghĩ sẽ không bộc lộ gì với Cầu, nếu Cầu chỉ là một người tốt hoạt động đơn độc.
Từ ngày Hai Long ra khỏi biệt giam, bọn cải huấn chưa hỏi han gì thêm.
Một buổi chiều, anh từ phòng tập thể đi về phía nhà lầu, định dạo chơi một lát trên con đường chạy dọc theo công viên. Có người rảo bước phía sau. Khi người đó đi ngang, anh nhận ra Cầu. Cầu hơi gật đầu. Họ cùng sánh bước như tình cờ đi chung một đường. Cầu nói rất nhanh:
- Biết nhau cả rồi. Có muốn tếch không?
Nhiều lần nhìn dãy Trường Sơn xanh ngắt in hình trên nền trời phía tây, Hai Long đã có ý nghĩ đó. Từ đây lên núi không xa. Tới đó, thế nào cũng tìm được căn cứ của ta. Nhưng anh đã gạt ý định bỏ trốn. Đã trốn đi thì không thể trở về hoạt động hợp pháp, là bỏ nhiệm vụ giữa chừng, mặc dù anh đang ở vào một tình thế khó khăn.
Cầu tiếp tục nói:
- Chẳng có chính sách hòa hợp mẹ gì đâu! Một là phải theo nó để hại dân phản nước, hai là ngồi tù. Hồ sơ của anh có trôi, thì sau đây anh cũng bị tống vào Lao Thừa Phủ hay Mang Cá. Chế độ này kị Pháp, kị cha cố di cư chẳng kém gì Việt cộng. Tới lúc vào tù rồi, muốn chuồn không dễ! Mình đang chuẩn bị. Ta vào Đà Nẵng rồi tuốt lên quân khu.
- Anh có giúp tôi nhắn tin cho anh Mười được không?
- Gặp anh Mười rất khó. Tôi chỉ là thằng cải huấn, bọn chúng chưa tin.
- Tôi phải ở lại. Tôi không bao giở quên ơn anh.
- Ơn huệ cái mẹ gì! Tôi chỉ lo anh chết rũ trong tù.
- Anh cần hết sức cẩn thận...
Cầu đi vượt lên, rồi rẽ vào ngôi nhà lầu.
Hai Long cảm thấy Cầu xốc nổi và thiếu tiền trọng. Anh bắt đầu lo cho Cầu.
Ít ngày sau, Cầu không còn xuất hiện ở trại Tòa Khâm. Có tin Cầu bị bắt. Một vài người chuyển hướng nữa cũng biến khỏi trại. Kế hoạch bỏ trốn của Cầu vỡ lở vì có người phản.
Chuyện Cầu tiếp tục rì rầm trong trại. Nụ cười và dáng diệu thân mật, cởi mở giả tạo của Lê Vượng biến mất. Dưới cặp lông mày trụi, đôi hố mắt hắn sâu thêm, tối sầm, nhộn nhạo những vẩn đục thâm độc, giận dữ và lo lắng. Ngọn lửa phản kháng vẫn âm ỉ trong khu biệt giam nằm giữa trại cải huấn, đôi lúc lại bùng lên với những người như Lựu, như ông Đẩu. Nhưng lần này, nó lan tới hàng ngũ bọn chuyển hướng, đã được Vượng coi như những tay chân đắc lực. Vụ Cầu Lửa đe dọa tiêu hủy thành tích của hắn từ xưa tới nay, và đang làm hắn mất mặt với cấp trên.
Trại viên âm thầm hỉ hả. Kế hoạch của Cầu tuy không thành nhưng cũng đã nói hộ họ một phần tâm tư, họ chỉ là những người bề ngoài nhẫn nhục, chịu đựng sự đàn áp của bạo lực, chứ không phải là những kẻ cam tâm đầu hàng, phản bội.
Hai Long rất xúc động khi biết tin Cầu và các bạn bị bắt. Anh không thể không nhận rằng Cầu khá khôn ngoan mới đánh lừa được một tên cáo già như Vượng. Ngoài anh ra, chắc Cầu còn giúp đỡ được một số người khác. Nhưng anh càng nghĩ Cầu chỉ hành động một cách tự phát. Phải tìm một con đường khác. Việc anh thoát khỏi đây sẽ trở thành vô nghĩa nếu anh không còn điều kiện để tiếp tục công tác.
Suốt mấy ngày, hình ảnh Cầu cứ lởn vởn trong đầu óc anh. Anh rất thương Cầu, và vẫn chưa nghĩ ra cách làm sao thoát khỏi cuộc sống tù đày.
Đêm đó, Hai Long nằm trằn trọc. Huế vốn ít ồn ào, đêm khuya lại càng yên tĩnh. Anh chợt nghe có tiếng chân rón rén bên ngoài. Bọn canh gác đi tuần tra ban đêm không quan tâm gì tới giấc ngủ của người bị giam giữ. Không ai dám đi lại ở đây vào giờ nây, trừ bọn mật vụ. Nhưng tại sao chúng phải lén lút? Đây là nhà của chúng. Những tiếng chân bước rất đáng ngờ.
Tiếng chân bỗng ngừng. Hai Long không tin mình đã nghe lầm. Anh tiếp tục lắng nghe. Từ khi có còi ngủ, gian phòng tập thể đã tắt điện tối om. Tiếng ngáy của những người nằm chung quanh vang lên đều đều. Chỉ trong chốc lát, anh lại nghe tiếng chân rón rén, lần này ở ngay phía cửa phòng, gần nơi anh nằm. Anh thoáng nghe thấy cả đôi tiếng người xì xào. Trong trường hợp này, tốt nhất nên vờ như ngủ say, cũng giống như mọi người, xem chúng làm trò gì.
Có tiếng vặn quả đấm nhè nhẹ ở ổ khóa cửa ra vào. Ban đêm, cửa buồng chỉ khép để trại viên tiện xuống khu nhà vệ sinh không phải gọi người gác. Kẻ địch rất chú ý làm cho trại Tòa Khâm ít có vẻ là một nơi giam cầm.
Một luồng ánh sáng mờ mờ từ ngoài hành lang lọt vào. Hai bóng đen nối nhau lẻn vào, qua cánh cửa vừa được mở. Hai Long cố giữ nhịp thở đều đều. Đôi mắt anh giương to, theo dõi từng cử chỉ của chúng. Bọn chúng mò vô đây làm gì?
Gian phòng trở lại tối như bưng. Chúng đã khép cánh cửa lại. Tuy nhiên, anh không nghe tiếng động ở ổ khóa. Chúng chỉ khép hờ cánh cửa, cốt để che ánh sáng. Hai Long vận dụng hết tinh lực, nhưng anh không còn nhìn thấy gì vì bọn chúng đều mặc quần áo sẫm màu.
Giờ thì anh chỉ còn theo dõi chúng bằng đôi tai. Chắc bọn này định lấy trộm một đồ vật của trại viên? Hai Long chỉ có vài bộ quần áo và cuốn Kinh thánh. Tất cả đều nằm trong cái túi nhỏ, anh đang gối ở đầu giường.
Chúng di chuyển hết sức êm nhẹ. Anh không nghe tiếng bước chân, mà chỉ mơ hồ cảm thấy chúng đang tới gần mình, qua hơi thở của chúng. Hình như bọn chúng cũng đang hồi hộp.
Bất thần, một bàn tay quờ vào ngực anh. Hai Long chưa kịp lên tiếng, thì hai bàn tay đã siết chặt cổ anh. Đồng thời, hai chân anh cũng bị một người thứ hai giữ chân. Một ý nghĩ lóe lên! Mình đang rơi vào một tình thế cực kỳ hiểm nghèo. Chỉ trong giây phút, đôi bàn tay này sẽ là sợi dây thòng lọng kết thúc cuộc đời mình!
Cánh tay phải anh đã bị một cái đầu gối đè chặt xuống giường. Chỉ còn cánh tay trái được chúng bỏ quên. Anh dùng hết sức bình sinh, phóng một quả đấm vào đúng bộ mặt đang phả xuống một luồng hơi nóng hổi. Anh sẽ thành công hoặc thất bại với đòn quật lại này. Anh hy vọng, vì mình thuận tay trái. Một tiếng “rắc” khô khan vang lên. Đôi bàn tay đang siết cổ anh bỗng lơi ra. Không bỏ qua giây phút quý báu, anh vặn người phóng tiếp một quả đấm thứ hai vào sườn bóng đen. Hai Long ú ớ rồi gào lên hai tiếng thật to:
- Có trộm!
Những đòn giáng trả cộng với tiếng anh kêu, đã làm cho hai bóng đen hốt hoảng vùng chạy ra ngoài. Hai Long bật người ngồi dậy. Anh còn kịp nhìn thấy một tên ôm bụng, người cong như con tôm, lao qua cửa. Nhưng ánh sáng vụt tắt. Bọn chúng đã khép cửa lại như cũ. Ngoài hai tên vừa rồi, chắc còn một tên thứ ba. Những bước chân xa dần bên ngoài.
Hai Long thở dồn dập. Mồ hôi vã ra đầy người. Những đốt xương ngón tay trái đau đớn, tê dại.
Một số người nằm trong buồng chợt tỉnh, xôn xao:
- Trộm đâu?
- Bật đèn lên!
Có tiếng bật công tắc. Nhưng căn phòng vẫn tối om.
- Tại sao điện lại hỏng nhỉ?
- Ai vừa kêu đấy?
- Tôi... Hai Long đây. - Hai Long đã trở lại bình thường, và chợt hiểu ra..., anh bình tĩnh nói tiếp - Xin lỗi tôi làm các anh mất giấc ngủ. Vừa rồi tôi bị bóng đè...
- Mình nghe có tiếng gì vỡ? - Một người hỏi.
- Không có gì đâu! Mình nằm mơ thấy một con chó rất lớn lao lại cắn mình, mình thoi liền hai quả. Có lẽ mình đấm vào tường, tay mình đau tê dại đi đây.
Có tiếng phì cười.
- Ở nhà ông có mơ như thế không? - Một người hỏi - Nếu đêm nào ông cũng mơ như thế làm sao bà ấy dám ngủ chung với ông...
Một số người vẫn ngáy đều đều.
Hai Long biết trong tình hình này sẽ phải thức hết đêm. Biết đâu những người khách không mời nguy hiểm và dại dột kia sẽ còn quay trở lại? Thì ra chúng vẫn chưa bắt được hết những người bạn của Cầu Lửa! Vừa rồi họ đã đến tìm anh để “trả thù”! Anh xoa những đốt xương ngón tay, thấy chúng bắt đầu sưng lên. Anh nhè nhẹ thở dài. Có quá nhiều chuyện mà anh không thể nào dự kiến trước sẽ còn xảy ra như việc trớ trêu vừa rồi...
Ngày hôm sau, Hai Long bỏ dở bữa cơm chiều. Sáng nay, anh quan sát kỹ nhà ăn, thấy một bàn để trống một ghế. Bữa chiều, bàn ăn này vẫn vắng một người. Anh quay về nhà.
Bước tới cửa, Hai Long đã nhìn thấy ngay một người nằm ở góc phòng. Thoáng nhìn thấy anh, người đó vội đưa tay lên che cằm, và trở mình quay mặt vào tường, bàn tay vẫn không rời má bên phải.
Hai Long rảo bước đi lại, ngồi xuống mép giường bên cạnh anh ta.
Hai Long nhẹ nhàng hỏi:
- Anh bệnh à?
Người đỏ miễn cưỡng quay lại. Mắt anh ta bạc đi. Hai Long nhận thấy môi bên phải anh ta sưng vều. Anh ta thều thào trả lời:
- Tôi bị đau răng.
Hai Long nở một nụ cười hiền lành hỏi tiếp:
- Anh đau lâu chưa?
Và làm như vô tình đặt nhẹ bàn tay lên bụng anh ta. Cả người anh ta bỗng co rúm khiến Hai Long vội rút tay lại.
- Tôi cũng đau đây.
Hai Long giơ bàn tay trái tím bầm.
Anh ta liếc nhìn bàn tay, rồi lại nhìn Hai Long chăm chăm, như cố để tìm hiểu xem người này muốn gì. Mặt anh ta chỗ đỏ, chỗ tái. Thái độ không lộ vẻ gì thiếu thiện chí của Hai Long dường như làm cho anh ta bớt lo lắng. Đôi mắt đỡ dại đi, nhưng vẻ mặt anh ta vẫn có chiều hết sức phân vân.
Hai Long nói dịu dàng:
- Nếu đêm qua tôi không lanh trí thì các bạn phiền rồi! Đừng làm cho việc đã lỡ, càng rối thêm... Tôi là người có đạo, không khi nào có bụng dạ làm điều ác. Kẻ ác rồi sẽ có ngày bị Chúa trừng phạt.
Những người đi ăn cơm từ nhà ăn lẻ tẻ kéo về. Hai Long nắm lấy bàn tay của anh ta, và nhận thấy anh siết chặt tay mình.
- Chúc anh chóng lành bệnh.
Hai Long buông tay anh, đứng lên rời khỏi phòng.

Chương trước Chương sau