Oan nghiệp - Chương 07

Oan nghiệp - Chương 07

Oan nghiệp
Chương 07

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 8.3/10 với 11269 lượt xem

Trung sĩ thám tử Hatchley là người cuối cùng đến dự phiên họp đã lên kế hoạch vào chiều thứ Năm, anh ta đến sau 5 giờ 15 một chút, người tỏa mùi rượu và thuốc lá, trông anh ta như thể bị ai kéo ra khỏi hàng rào. Banks, Annie Cabbot và các sĩ quan thám tử Rickerd, Jackman và Templeton đã đề tựu trong "phòng ván", căn phòng được gọi như thế là vì chung quanh có đóng pa-nô, có ván lát chân tường và có những bức tranh sơn dầu vẽ chân dung các chủ nhà máy xay đã quá cố. Một lớp bụi mỏng bay từ chỗ đang tu sửa đến tận cái bàn dài dùng dọn tiệc này, cái bàn mà thường khi sạch bóng lộn đến nổi người ta có thể soi gương được.
-- Xin lỗi, thưa ngài, - Hatchley lẩm bẩm nói, vừa ngồi vào chỗ.
Banks quay qua Annie Cabbot, cô vừa mới bắt đầu báo cáo kết quả cuộc điều tra vừa rồi ở trung tâm Thương mại Daleview. Ông nói:
-- Tiếp tục đi, Trung sĩ điều tra Cabbot. Bây giờ đầy đủ cả rồi.
-- Vâng, thưa ngài, không có gì nhiều để nói thêm. Charlie đến làm việc vào chiều Chủ nhật như thường lệ, hắn ghi tên vào sổ, và về nhà lúc nửa đêm. Colin Finch, người thay cho hắn phiên 12 giờ khuya đến 8 giờ sáng, cho biết anh ta chỉ gặp hắn vào lúc 4 giờ và 12 giờ đêm, cho nên anh ta biết hắn còn sống khi hắn rời khỏi trung tâm.
-- Anh chàng Finch này có nói gì nhiều không? - Banks hỏi.
-- Anh ta nói anh ta không biết rõ Charlie. Hai người là những con tàu gặp nhau trong đêm thôi. Lời anh ta nói thế, chứ không phải của tôi. Và anh ta không hay biết gì đến những chuyện bê bối xảy ra ở Daleview. Những người tôi đã nói chuyện ở đấy cũng không ai biết Charlie hết - cũng không ngạc nhiên, vì hắn thường làm việc vào những giờ mà mọi người đều đã về nhà - và không ai nói có sự cố gì xảy ra ở Trung tâm, cho nên hắn không có việc gì nhiều để làm.
-- Vậy thì cái chết của hắn có thể không liên quan gì đến công việc của hắn, phải không? - Banks hỏi.
-- Có thể như thế, - Annie đáp, vừa liếc mắt nhìn Hatchley. - Tóm lại, hắn đã có tiền án. Chắc có dính líu đến một số công ty làm ăn lem nhem. Nhưng có một chuyện kỳ lạ.
-- Chuyện gì thế?
Cô lấy trong cặp ra một phong bì, để lên bàn.
-- Một công ty hoạt động ở Daleview - Hệ thống Máy tính PKF - đã dọn hết hàng hóa đi khỏi vào tối Chủ nhật.
-- Chuyển đi gọn nhẹ à?
-- Không, thưa ngài. Chở tất cả lên xe, theo Colin Finch cho biết thì chuyển rất nhanh, không ai chú ý. Họ chuyển đi lúc nửa đêm, khi anh ta đổi phiên.
-- Không trả tiền thuê nhà à?
-- Khi họ đi, họ không nợ nần gì hết. Nhưng tôi nghĩ chắc trên thực tế, có nhiều chuyện lem nhem về tiền bạc.
-- Có thể, Banks nói. - Nhưng họ không làm điều gì sai trái chứ?
-- Không. Nhưng giờ chuyển hàng hấp dẫn đấy chứ, ông không nghĩ thế sao?
-- Đúng, có nghĩ. - Công ty PKF chuyển hàng hóa đi vào phiên gác đêm cuối cùng của Charlie Courage. Banks không thích thấy ông rơi vào sự sai lầm như các cảnh sát khác. - Tiếp tục đi.
-- Ngoài ra, Ian Bennett đã cho phép tôi toàn quyền hành động, và chìa khóa nằm trong phòng của ông Courage, cho nên tôi đã vội lục soát khắp công ty PKF.
-- Có tìm ra gì không?
-- Sạch bách. Rõ ràng chúng rất cẩn thận để khỏi bỏ sót lại cái gì hết. Ngoại trừ cái này. Tôi thấy nó vướng vào hệ thống lò sưởi. Chắc là nó rơi vào đấy. - Cô đưa cái phong bì lên và đổ đồ trong bì ra. Một cái hộp nhựa bị nứt, rộng quãng mỗi bề 12 phân, bề 14 phân rơi xuống trên mặt bàn láng bóng.
-- Hộp đĩa CD, - Banks nói. - Nếu đây là công ty kinh doanh máy tính, thì tôi nghĩ thế nào cô cũng tìm được thứ như thế này. Phần mềm và các thứ như thế.
-- Phải, - Annie đáp. - Có lẽ nó chưa cho ta biết thêm gì nhiều. Thực vậy, có lẽ ta chưa biết gì về công việc của công ty PKF, nhưng tôi rất cẩn thận khi lấy cái này để phòng có thể cần đến. Chúng ta có thể lấy dấu tay của kẻ có nó.
-- Cô nghĩ là Công ty PKF này có thể làm ăn lem nhem hay sao?
Annie ngồi tựa lưng ra ghế. Banks nghĩ: Ngay khi ngồi trên ghế của phòng ván cứng ngắt, đau cả mông như thế này, mà trông cô ấy cũng thoải mái.
-- Tôi không biết, thưa ngài. Chỉ nghi ngại về thời gian họ dọn đi thôi, họ chuyển đi vào ngày cuối tuần, đúng vào lúc Courage mất tích. Ta cần phải điều tra công ty này để xem họ là ai, họ làm gì, ta mới biết rõ hơn. Có thể như thế mới giúp ta hiểu được tại sao Charlie bỗng giàu có lên như thế.
Banks gật đầu.
-- Cô nói đúng. Ngày mai, cô nên đi điều tra việc này. Và nếu cô đến gặp Vic Manson để nhờ tìm xem dấu tay là của ai thì chắc cũng không uổng công. Nếu kẻ nào làm việc cho công ty PKF mà có tiền án trong hồ sơ của chúng ta, như Charlie... - Ông nhìn ba vị sĩ quan điều tra ngồi ở cuối bàn. Họ có nhiệm vụ đi từng nhà để hỏi xem có ai thấy Charlie Courage sau buổi trưa Chủ nhật không?
Winsome Jackman nói trước tiên:
-- Thưa ngài, một người hàng xóm thấy ông ta đi làm vào lúc xế chiều ngày Chủ nhật, còn người đàn ông bên kia đường thì thấy ông ta mang sữa vào nhà khoảng 8 giờ sáng thứ Hai.
-- Có ai thấy nữa không?
Winsome lắc đầu. Kevin Templeton nói:
-- Cái bà ở số nhà 42, Bà Finlay, có thấy một chuyện đáng chú ý. Bà ta nói rằng bà thấy Charlie bước vào xe với hai người đàn ông vào lúc gần trưa ngày thứ Hai.
-- Có miêu tả hình dạng không?
-- Không có gì đáng chú ý, thưa ngài. - Templeton dùng ngón tay viết nguệch ngoạc lên lớp bụi trên bàn khi nói. - Một người cao trung bình, người kia cao hơn. Họ mặc quần jean và áo khoác da - màu nâu hay đen. Người cao đầu hơi sói; người kia tóc ngắn gọn gàng. Bà ta nói bà không nhìn rõ và bà cũng không để ý làm gì. Tôi hỏi bà ta có nghĩ là ông Courage bị ép buộc phải lên xe không, bà cho biết bà không nghĩ thế, nhưng có thể bà sai lầm.
Banks thở dài. Đấy chỉ là những lời khai chung chung của các nhân chứng. Dĩ nhiên nếu người ta không thấy gì hết thì làm sao mà khai được những điều quan trọng. Hầu hết mọi người đều ít để ý đến những việc xảy ra quanh mình; họ chỉ bận tâm về việc họ đi đâu, làm gì và nghĩ gì thôi.
-- Chiếc xe như thế nào?
-- Màu sáng. Có lẽ màu trắng. Bà ta chắc chắn như thế. Không sang trọng nhưng cũng đẹp, đuôi xe bóng loáng.
-- Được rồi, - Banks nói. - Còn thì giờ vào lúc nào? Chúng ta có thêm được chi tiết gì hay hơn nữa không?
-- Có một tí, thưa ngài. - Templeton đáp. - Bà ta nói chuyện xảy ra chắc không lâu sau 10 giờ, vì bà vừa mới bắt đầu nghe chương trình "Giờ của phụ nữ" trên đài, mà chương trình này bắt đầu lúc 10 giờ.
-- Lý thú đấy.
-- Có thể chuyến đi đã được tổ chức thu xếp trước hay không? - Annie góp ý. - Có thể đây là chuyến đi mà hắn chờ đợi. Có thể hắn nghĩ hắn sẽ đến nơi nào hay ho, có thể kiếm ra tiền nhiều hơn?
-- Có thể lắm. - Banks quay qua Hatchley. - Buổi chiều thâm nhập vào chốn xa hoa của anh có được gì không, Jim?
Hatchley cào một bên lỗ mũi phồng của anh. Anh ta đáp:
-- Xin báo cáo ông rõ: Charlie có hành động tinh ranh.
-- Nói tiếp đi.
Hatchley lấy cuốn sổ ghi chép ra. Nhân công đan nện búa nơi khu vực xây cất thêm. Hatchley cất cao giọng.
-- Theo Len Jackson, một người đồng nghiệp cũ của Charlie, thì hắn kiếm ra khá nhiều tiền, và việc kiếm ra tiền không phải ở Trung tâm Daleview.
-- Thế thì anh ta có biết hắn làm việc gì không?
-- Charlie không nói. Hắn không nói rõ nguyên nhân này cho ai biết. Thế nhưng, hắn cho biết hắn làm ra nhiều tiền và chẳng bao lâu nữa hắn sẽ được sống trong cảnh giàu có, chứ bấy lâu nay hắn chỉ sống qua ngày thôi.
-- Hấp dẫn. Nhưng hắn không nói làm gì mà chúng giàu à?
-- Không, thưa ngài. Charlie rất kín đáo về việc này. Hắn muốn cho bạn bè cũ biết hắn làm ăn khấm khá, nhưng hắn không muốn nói cho họ biết hắn làm gì. Tôi đoán chắc hắn sợ bị cạnh tranh.
-- Đúng, - Banks đáp. - Thế thì tốt, ít ra nhờ việc điều tra này mà chúng ta biết là chúng ta đang đi đúng hướng, đã theo dõi được tông tích của hắn. Bây giờ chúng ta cần phải tìm cho ra công việc hắn đang làm và ai là người điều khiển công việc này. Công việc tìm ra manh mối này chắc cũng dễ thôi, phải không? - Ông lắc đầu. - Charlie, Charlie, lần này mày đừng hòng thoát khỏi, con đường mày đi quá rõ rồi.
-- Hắn không phải là tay đầu nậu, - Hatchley nói thêm. - Hắn chỉ biết kẻ trên hắn thôi, chứ không biết ai chủ trương công việc hắn đang làm.
Banks gật đầu nói:
-- Được rồi, bây giờ đã đến lúc ta sẽ biết.
Trở về văn phòng, Banks đóng cửa lại để khỏi ồn, rồi ông điện thoại cho Thanh tra Collaton ở Market Harborough, báo cho ông ta biết một số tin tức vừa thu thập được, vắn tắt gọn gàng, vì không có gì nhiều để báo cáo. Sau đó, ông xem như công việc trong ngày đã xong. Ông sắp xếp đồ đạc trên bàn cho ngăn nắp rồi khóa tủ, đi ra khỏi phòng. Annie Cabbot đang đi trước ông về phía cầu thang lầu. Nghe bước chân của ông, cô quay lại, hỏi:
-- Ồ, anh. Về nhà à?
-- Trừ phi cô muốn đi uống một ly hay cái gì đấy?
-- Không được, - cô đáp. - Cơn mưa khủng khiếp hồi chiều làm tôi ướt lạnh thấu xương. Bây giờ tôi chỉ muốn mua đồ về nhà ăn, rồi tắm nước nóng một trận và kiếm cuốn sách hay lên giường nằm đọc thôi.
-- Vậy khi khác nhé?
Cô mỉm cười, đẩy cửa.
-- Vâng, khi khác vậy.
°
° °
Có lẽ cô nên nhận lời mời của Banks đi uống một ly mới phải, Annie nghĩ thế khi cô đi qua khu chợ. Chỉ uống một ly, nói chuyện vui vài câu, có hại gì đâu mà sợ. Cô không nên làm mặt lạnh với ông như thế, và cũng không nên làm ra vẻ đàn ông đều đua nhau chạy theo cô như thế. Nhưng có nhiều chuyện cần phải tế nhị, lương tâm của cô bảo cô cần phải dè dặt, nên cô làm theo tiếng nói của lương tâm. Không phải lúc nào cô cũng làm theo tiếng nói của lương tâm; nếu cô đã làm theo tiếng nói của lương tâm thì đời cô đã không gặp nhiều cảnh éo le, và có lúc đã không gặp phải cảnh buồn phiền. Nhưng lần này, cô đã nghe; ít ra là bây giờ.
Cô cảm thấy lòng tự mãn khi đi ngoài trời, mưa đã ngưng, không khí buổi tối rất lạnh. Những ngọn đèn màu giăng qua phố chợ và ở ngã tư, người đi mua sắm đổ xô ra đường. Cô gặp may là các cửa hàng đều mở cửa bán khuya cho đến Giáng sinh, nếu không thì chắc cô không có gì ngoài hai củ cà rốt lâu đời mốc meo và vài củ khoai để ăn tối thôi. Có một cửa hàng Ấn Độ nằm ở Gallows View thường xuyên mở cửa, nhưng họ không có gì nhiều để lựa chọn; vả lại, đường đến đấy đã xa lại ngược chiều. Cô chỉ muốn cái gì dễ dàng, cái gì có thể nấu cho nhanh trong vòng nửa giờ thôi, khỏi phiền phức mệt nhọc.
Cuối cùng, chỉ còn may rủi chọn giữa món chả giò chay và cà ri Indonesia nữa thôi. Món chả giò thắng, chỉ vì cô có ở nhà chai rượu Chianti của vùng Sainsbury, rượu này mà uống với chả giò thì tuyệt. Cô cũng cần trứng, sữa, bánh ngũ cốc và bánh mì để ăn điểm tâm.
Khi cô đi giữa lối đi đông người trong cửa hàng, mắt nhìn vào nhiều thứ thực phẩm chế biến ăn liền dùng cho người ăn một mình, cô bỗng nhớ đến cuốn sách mà cô đã đọc cách đây nhiều năm - Cuốn này bố cô đã cho cô - cuốn sách nói đến chiến lược bí mật mà các siêu thị thường phải dùng để câu khách, khiến khách không muốn mua cũng phải mua. Trước hết là ánh sáng và âm nhạc êm dịu thôi miên khách mua hàng. Dĩ nhiên mùa này người ta cho chơi nhạc Giáng sinh, điệu nhạc vui nhộn, êm ái. Annie thường nghĩ rằng nếu cô nghe tiếng nhạc "fa-la-la-la-la" trỗi lên là cô muốn thét lên. Nhà sản xuất thực phẩm lại còn dùng màu sắc rực rỡ trên giấy gói hàng, cứ thấy những gói hàng sáng sủa ngay tầm mắt là khách cứ muốn đưa tay lên lấy. Cô không nhớ đầy đủ chi tiết, nhưng cô đã bị cuốn sách gây ấn tượng mạnh, và cô thường cảm thấy mình bị hàng hóa dụ dỗ mua chuộc khi ra khỏi siêu thị, vì cô đã mua hàng nhiều hơn ý định ban đầu. Cô thường làm như thế. Lần này là món kem sôcola lạnh. Không phải món này nằm ngay trước tầm mắt, mà cũng không phải kem được gói trong giấy màu đẹp đẽ, nhưng khi đi ngang qua cái tủ lạnh, thì hình như nó đã gọi cô: -- "Mua tôi đi! Mua tôi đi!", và thế là khi cô đứng nối đuôi chờ trả tiền, món kem ấy đã nằm yên trong giỏ mua hàng của cô.
Cô nghĩ có lẽ cô đã làm việc ở Eastvale hai tháng rồi, nên cô có thể nhận lời mời của Banks được. Chỉ có điều là làm thế thì quá sớm: quá sớm sau lần hai người tằng tịu nhau, và quá sớm sau ngày cô chuyển nhiệm sở. Nếu nói thật thì cô vẫn không tin ông ta. Uống vào hai ly là cô có thể mềm lòng, như lần cô làm việc với ông mới đây. Rồi cô sẽ đi đến đâu? Khi cô làm việc với ông ở ngoài địa phận Harkside và ngoài địa phận Eastvale thì cô ngủ với Banks còn được, chứ bây giờ hai người làm việc cùng trong một nhiệm sở, chuyện tằng tịu nhau sẽ rất khó coi.
Khi cô đang đứng nối đuôi để trả tiền, bỗng cô trông thấy một người quen, người mà cô không ngờ gặp lại, không gặp ở đây, không ở đâu hết. Con người mà cô không bao giờ muốn trông thấy lại. Hắn đi vào khu vực bán rượu vang và rượu mạnh. Điều cô biết chắc chắn là hắn không thấy cô. Hắn làm quái gì ở đây nhỉ? Annie cảm thấy toàn thân rịn mồ hôi và tim đập thình thịch.
-- Cả thảy năm bảng 72 xu, thưa cô, - người phụ nữ lùn mập nơi quầy tính tiền tươi cười nói với cô. Annie lục tìm trong ví lấy ra một tờ năm bảng và bốn đồng tiền loại hai mươi xu, vì tay run run, cô để rơi bốn đồng tiền xuống nền nhà. Cô lượm lên và đưa cho người đàn bà thu tiền.
-- Sao thế, cô em? Trông cô như vừa thấy ma vậy.
-- Thấy người đại loại như thế, - Annie lẩm bẩm nói, vội cất ví, xách thức ăn đi ra khỏi cửa hàng. Cô liền quay đầu nhìn lui. Hắn đang đứng trước khu bán rượu, nhìn các nhãn rượu và giá cả. Cô vẫn tin chắc là hắn không thấy cô.
Cô bước nhanh ra đường York Road, hít một hơi không khí trong lành vào phổi. Tim cô vẫn đập thình thịch, người run run. Hắn chính là Wayne Dalton, cô tin chắc như thế. Thanh tra điều tra Wayne Dalton. Một trong hai người đã đè cô nằm xuống cho thằng thứ ba hiếp cô cách đây hai năm.
°
° °
Banks nghĩ ông không nên mời Annie đi chơi như thế, mời một cách bốc đồng. Ông mong sao cô không lấy thế làm phiền lòng. Ông không muốn tỏ ra có hành động quấy phá cô, nhất là khi họ đang làm việc với nhau và nhất khi ông là cấp trên chỉ huy cô. Không nên làm thế để Annie khỏi lên án ông là có hành vi quấy rối tình dục, nhưng...
Nhờ thế mà hóa ra buổi tối lại hay hơn, vì có chuyện xảy ra ông cần đến. Ông làm một cái bánh xăng uých nhân phó mát với hành, vừa ăn vừa uống trà và vừa đọc sách dưới bếp. Con trai của ông, Brian, điện thoại cho ông lúc 9 giờ, sung sướng kể về chuyện thu băng đĩa CD của mình. Bỗng ông hỏi cậu ta có nghe ai nói đến Barry Clough không. Cậu ta không nghe, nhưng cậu nói sẽ hỏi trong số đồng nghiệp của mình có ai buôn bán làm ăn với gã không. Cậu lại còn nhắc Banks nhớ rằng phong trào nhạc rốc "Punk" này có đã lâu rồi, làm như thể Banks cần được nhắc lại cho nhớ không bằng.
Sau bữa ăn trưa với Emily Riddle, Banks cảm thấy cần phải nói chuyện với Tracy. Việc này sẽ giúp ông lấy lại quân bình trong tâm hồn. Sau khi đã nghe Emily nói chuyện hơn một giờ, ông ra về với ý nghĩ rất thiên lệch về các cô gái vị thành niên. Ông cần biết tất cả các cô không giống cô ta, nhất là cô con gái của ông.
Nhưng trong những hành động điên cuồng, và sau khi đã trải qua những chuyện không hay, Emily vẫn còn bình tĩnh, sáng suốt, nếu chuyện cô nói sẽ tiếp tục học thi bằng A để vào đại học là đáng tin. Giống Banks, Tracy đã phải làm việc cật lực mới có được vị trí như bây giờ. Cô thông minh, nhưng không phải là người không cần chăm chỉ. Càng chăm học, điểm cô càng cao. Emily thì hình như nghĩ rằng sự thành công trong cuộc đời là biết chọn lựa, biết phải làm cái gì, khi ấy công việc mới có kết quả tốt đẹp. Có lẽ làm thế mới hợp cho cô ta. Bây giờ ông đã biết rõ Emily, ông cảm thấy không thể nào không thích cô ta, nhưng cô ta là loại con gái làm cho ông lo lắng, loại con gái luôn làm cho tức giận. Ông cảm thấy rất lo cho ông Jimmy Riddle.
Tracy không trả lời điện thoại. Chắc là vì đi chơi với Damon rồi. Ông để lại cho cô lời nhắn, không có gì cấp bách, chỉ nhắn cô gọi cho ông biết nếu cô về không quá trễ.
Để thay cho than bùn, Banks đốt lò sưởi bằng củi, mặc dù buổi tối trời không lạnh lắm, rồi ngồi vào chiếc ghế bành cũ ông đã mua trong cuộc bán đấu giá ở địa phương. Ông nghĩ những bức tường sơn xanh đã làm cho ông lo về mùa đông sẽ cảm thấy lạnh, thì bây giờ lại hóa ra trông thật đẹp, khi ông thấy ánh lửa chiếu lên lung linh nhảy múa trên đó. Mắt củi cháy nổ lép bép trong lò đưa ông về lại với thời niên thiếu, thời mà than đốt lò thường cháy nghe xèo xèo và nổ lung tung. Lúc ấy trong nhà không có gì làm cho ấm được vào mùa đông, nên bố ông phải dậy khi trời còn tối để đốt lửa lên. Thường thường khi Banks xuống nhà để ăn mứt và bánh mì trước khi đi học, thì trong phòng đã có lửa đốt lên cháy rực rồi, và lửa đã xua tan hầu hết hơi lạnh của đêm đông. Trong những năm sống nay đây mai đó giữa các chung cư ở Luân Đôn và ngôi nhà song lập ở Eastvale, ông không có than cũng không có củi, mà chỉ dùng ga hay dùng điện, cho nên những mùa đông ấy, ông đã lợi dụng không có than và không có củi mà xài sang.
Ông mở đĩa CD đầu tiên thu nhạc hòa tấu ở Carnegie Hall của Miles Davis, đĩa do Gil Evans và ban nhạc của ông ta trình bày, lấy cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của Kate Atkinson, cuốn sách ông mới đọc một nửa đang lật sấp để trên tay dựa của chiếc ghế bành, và đốt một điếu thuốc. Mặc dù ông định đi ngủ sớm, nhưng ông say sưa thưởng thức âm nhạc và ham đọc sách quá đến nỗi ông đã châm thêm củi vào lò sưởi và mở đĩa CD thứ hai. Đến 11 giờ 15, ông ngưng đọc sách một lát để lắng nghe đoạn nhạc du dương trong bản Concierto de Arenjuez của Rodrigo thì bỗng có tiếng chuông điện thoại reo.
Cứ nghĩ là Tracy gọi, ông vặn tắt máy hát, nhấc điện thoại lên nghe. Việc đầu tiên làm ông ngạc nhiên là ông nghe bên tai có tiếng nhạc gần đâu đó vang lên. Ông không nghe rõ nhạc gì, nhưng tiếng nhạc nghe như là một loại nhạc disco dâm dật cuồng loạn dùng khiêu vũ. Tiếp theo ông nghe giọng của sĩ quan thám tử Rickerd hét bên tai ông để át tiếng nhạc ồn ào.
-- Ngài đấy phải không?
-- Phải. - Banks thở dài. - Có chuyện gì vậy?
-- Xin lỗi quấy rầy ngài, thưa ngài, nhưng đêm nay tôi trực.
-- Tôi biết rồi. Có chuyện gì thế? Anh nói nhanh đi có được không? Mà anh phải hét to như thế sao?
-- Phải, tôi đang ở hộp đêm Bar None, thưa ngài. Ở đây rất ồn.
Quán Bar None là hộp đêm nổi tiếng nhất dành cho thanh niên ở Eastvale. Quán nằm dưới những tiệm buôn ở bên kia khu chợ, đối diện với trạm cảnh sát, quán thường mở cửa khoảng một giờ trước giờ các quán rượu đóng cửa, hộp đêm này đã thu hút những chàng trai đã quá say không thể lái xe đến Leeds hay Manchester được, ở hai nơi này có nhiều hộp đêm rất sang trọng.
-- Này, Banks nói - Nếu có chuyện đánh lộn hay gì đấy thì tôi không muốn biết đâu.
-- Không, thưa ngài, không có chuyện như thế.
-- Vậy thì sao? - Banks không nghe tiếp được mấy tiếng sau của Rickerd vì tiếng nhạc quá ồn ào đã làm át tiếng anh ta. - Anh nói họ vặn nhỏ âm nhạc xuống một chút có được không? - Ông hét lớn trong máy.
-- Có người chết rất kỳ lạ ở đây, - Rickerd nói.
-- Sao lại rất kỳ lạ là sao?
-- Phải, cô ta chết rồi, thưa ngài. Tôi cam đoan như thế. Có Thanh tra Jessup với tôi ở đây, thưa ngài. Và có cả những người ở đội xe cứu thương nữa. Xem như có ai đánh chết cô ta rất dã man.
Nếu Chris Jessup, thanh tra cảnh sát của ngành mặc sắc phục, cho rằng đây là vụ khá trầm trọng cần phải gọi Banks thì chắc có lẽ đây là vụ trầm trọng rồi. Ông hỏi:
-- Nạn nhân là ai thế?
-- Tốt hơn là ngài nên đến đây, thưa ngài... - Đến đây giọng anh ta lại không nghe được nữa. -tôi... không thể giải quyết...
-- Các anh có bao nhiêu người ở đấy cả thảy?
-- Thanh tra Jessup, tôi, với ba sĩ quan thám tử, thưa ngài.
-- Thế là đủ rồi đấy. Tôi tin chắc Thanh tra Jessup biết việc gì phải làm. Nói với ông ấy không cho ai ra về và canh giữ hiện trường cho cẩn mật. Chúng ta không để ai tới gần thi thể cho đến lúc tôi đến, kể cả nhân viên xe cứu thương. Hiểu chưa?
-- Hiểu, thưa ngài.
-- Tốt hơn hết là cho mời bác sĩ Burns đến. Phải mất một thời gian ông ấy mới đến đây được. - Banks định yêu cầu Rickerd cho mời đơn vị khám nghiệm hiện trường đến, nhưng ông lại thôi, đợi khi nào ông đến hiện trường rồi sẽ hay. Khi chưa biết rõ việc gì phải làm mà chi tiền của người đóng thuế là vô nghĩa. - Ông đã biết tên tuổi của nạn nhân chưa?
-- Rồi, thưa ngài. Cô ta có bằng lái xe và một thể xác nhận tuổi của hộp đêm cấp cho thanh niên. Có cả ảnh của cô ta trên thẻ.
-- Thế là tốt. Tên cô ta là gì, Rickerd?
-- Thưa ngài, Walker. Ruth Walker.
-- Cứt, - Banks nói. Tôi sẽ đến ngay.
Có thể đúng là Ruth Walker mà Banks đã nói ở Luân Đôn không? Nếu đúng thì cô ta đến làm quái gì ở một hộp đêm tại Eastvale này, trừ phi cô ta đến đây chơi với Emily Riddle? Và nếu Ruth chết thì Banks không ngạc nhiên khi thấy Emily cũng đang gặp cảnh rất bối rối.
Banks lấy gói thuốc lá, rồi lấy áo khoác da trên móc ở sau cửa. Trước khi ra đi, ông bước đến điện thoại, tính nhanh trong óc là nên gọi cho Jim Hatchley, sống ở Eastvale, hay Annie Cabbot, sống ở nơi xa phải lái xe một đoạn đường dài bằng ông. Ông quyết định gọi Annie. Nếu ông không thừa nhận việc ông quyết định gọi Annie là vì cô đẹp đẽ duyên dáng so với bộ mặt xấu xí của Hatchley thì quả là ông nói láo, nhưng ông không làm thế vì lòng ích kỷ. Annie mới đến Eastvale, cô cần làm việc để rút kinh nghiệm; cô lại có tham vọng, trong khi Hatchley thường càu nhàu vì bị lôi ra khỏi giường vào lúc nửa khuya; Hatchley có vợ và con nhỏ phải chăm sóc, còn Annie sống độc thân.
Rồi ông sẽ dùng lý lẽ để biện minh cho hành động này, Banks nghĩ, khi ông bấm điện thoại cho cô. Ông có thể biện minh cho việc gọi cô nếu cần, để cho những kẻ vô trách nhiệm im miệng, nhưng điều rõ ràng nhất là ông vẫn còn mê cô, và ông nghĩ bây giờ Sandra đã tuyên bố bà ta muốn ly dị để lấy chồng khác, thì ông có thể vượt qua những chướng ngại vật đã ngăn cách ông với Annie để nối lại tình cảm giữa hai người.
Nhưng việc này cứ để đấy tính sau, bây giờ ông phải đến xem Ruth Walker và Emily Riddle ra sao đã.
°
° °
Annie lái xe về nhà nhanh như gió, và khi đã vào trong ngôi nhà nhỏ rồi, cô khóa cửa lại, cài then, xích cửa, rồi kiểm soát phía sau nhà và tất cả các cửa sổ. Chỉ khi cô tin chắc nhà cửa bảo đảm rồi, cô mới rót ra một ly rượu vang lớn rồi ngồi xuống.
Cô nhận thấy tay mình vẫn còn run khi đưa ly lên uống một hớp rượu. Cô nghĩ cô như thế này là do chuyện ấy đã xảy ra cho cô. Thoạt tiên cô nhờ luật sư giúp đỡ, nhưng khi ông luật sư cho biết cô không thể làm gì được, thì chính nhờ nội lực của Annie đã giúp cô qua được cơn khủng hoảng của tâm hồn. Nhờ trầm tư, nhờ luyện tập Yoga và nhờ ăn chay mà cô dần dần bình phục trở lại. Cuộc sống ẩn dật ở thôn quê đã giúp cô trở lại bình thường: từ bỏ cuộc sống xô bồ ở thành phố lớn để về sống an bình ở chốn quê mùa tại Harkside.
Cô vẫn còn những giấc mơ hãi hùng mà cô đã trải qua ấy, cơn lo sợ đã nhập tâm, sự bất lực khi bị tấn công, rồi cô tỉnh dậy mồ hôi đầm đìa, miệng la hét, và cô vẫn còn thái độ bi quan vì cảm thấy mình ô uế không còn giá trị nữa. Nhưng không phải thường xuyên. Bây giờ thì cô đã chế ngự được những giấc mơ này rồi; cô biết chúng từ đâu đến, cô có thể đứng ở ngoài nhìn chung, tách mình ra khỏi những mặc cảm xấu xa, cô lập chúng như người ta cô lập một khối u. Thậm chí cô còn đi xa hơn nữa, đó là hai năm sau, cô tự nhiên gian díu tình ái với Banks, và cuộc gian díu này đã làm cho cô thỏa mãn, vui sướng, vui sướng là vì cô thấy mình vẫn còn khả năng làm tình. Cuối cùng, việc cô bị hãm hiếp không có gì đáng nói nữa, và việc đáng nói chăng là do sự lo sợ tầm thường, cổ lỗ sĩ của những người yêu nhau, chuyện cố hữu của cô.
Thằng cha Wayne Dalton này làm quái gì ở Eastvale? Đấy là điều cô muốn biết. Phải chăng hắn có việc gì điều tra? Phải chăng hắn làm việc lại ở Ban tham mưu Phân đội miền Tây? Cô nghĩ cô không thể nào làm việc với hắn được, không thể được sau vụ xảy ra vừa rồi. Mới đây cô nghe hắn đã chuyển về trung ương. Có chắc hắn không tìm ra cô được không? Hắn đến để giày vò cô ư? Thực ra thì sáng hôm sau, cô đã khiếu nại với vị chỉ huy, nhưng không có bằng chứng gì cụ thể; chỉ có lời cô tố cáo ba thằng quỷ ấy thôi. Ông chỉ huy trưởng biết có chuyện như thế này xảy ra, và ông nghĩ ông không muốn chuyện như thế này loan truyền ra trong cơ quan của ông. Thật rất cảm ơn ông, cho nên Annie rời nhanh khỏi nhiệm sở, còn ba gã kia, sau khi bị cảnh cáo gay gắt, họ được khuyến khích lo mà xin thuyên chuyển đi chỗ khác.
Sau đó, khi ngồi trong bồn tắm, Annie nhớ lại bộ mặt đỏ gay, nhễ nhại mồ hôi của Wayne Dalton khi hắn giữ chặt cô, những sợi tóc màu vàng nhạt xõa xuống mũi khi hắn đứng đợi đến phiên hắn. Nhưng phiên hắn không bao giờ đến. Cô nhớ sau khi thoát được, cô đi hàng giờ ngoài đường, sầu muộn trong bồn tắm, y như bây giờ, lắng nghe ra đi ô, âm thanh của cuộc sống bình thường, và kỵ cọ thật mạnh lên cơ thể để tẩy hết những gì dơ bẩn ra. Quả là công việc mà đáng ra cô không nên làm. Công việc mà, đến phiên cô, cô đã khuyên những nạn nhân bị hiếp dâm không nên làm. Nhưng thật quá dễ khi nói: "Hãy làm như tôi nói, đừng như tôi làm". Lúc ấy, cô không suy nghĩ, cô chỉ mong thoát ra được, mong có cách để xóa hết những gì đã xảy ra, muốn trở lại lúc chưa xảy ra cái chuyện tày trời ấy. Điên, có lẽ thế, nhưng hoàn toàn có lý, cô nghĩ.
Khi cô đang còn ngồi trong bồn tắm, đang uống ly rượu vang thứ ba thì chuông điện thoại reo, khi ấy là 11 giờ 20 phút.
°
° °
Khi Banks đến nơi thì đã 12 giờ kém 5, ông đã lái xe với tốc độ vượt quá giới hạn cho phép, nhưng lái rất vững. Ông cho xe đậu ở khu chợ, gần bên chiếc xe cứu thương, rồi đi đến cửa hộp đêm. Thám tử Rickerd đã cử một sĩ quan cảnh sát mặc sắc phục đứng gác ở cổng vào, và còn căng ngang qua cửa một sợi bằng vải xanh trắng của cảnh sát. Banks hài lòng khi thấy thế. Khi ông bước xuống những bậc cấp bằng đá, ông lại hài lòng nữa khi nghe tiếng nhạc đã tắt và chỉ còn lại tiếng nói chuyện rì rào của những người đi chơi ở hộp đêm vang lên, họ bị giữ lại trong hộp đêm, ngồi ở các bàn nói chuyện với nhau.
-- Ở đây, thưa ngài.
Trong hộp đêm chỉ còn lại ánh đèn màu khiêu vũ quay cuồng uốn lượn trên sàn nhảy, trông rất kỳ lạ, ma quái, vì không có nhạc đệm và không có những người khiêu vũ quay cuồng. Banks trông thấy Rickerd và Jessup đang đứng trước cửa phòng vệ sinh nữ với nhân viên cứu thương, hai sĩ quan cảnh sát sắc phục và một thanh niên. Trước khi ông đến đấy thì có người níu tay áo ông lại.
-- Xin lỗi, ông có phải là người có thẩm quyền ở đây?
-- Cứ xem như thế, - Banks đáp. Người hỏi mặc quần jean, áo sơ mi trắng, tuổi chừng trên 20 một chút, gầy, mắt sáng nhưng đồng tử giãn ra. Không khí trong hộp đêm Bar None không nóng, nhưng mặt anh ta rịn mồ hôi.
-- Tại sao ông giữ chúng tôi lại đây? Bây giờ đã gần một giờ sáng rồi. Ông không thể giữ chúng tôi ở đây được.
-- Tôi vừa mới biết ở đây đã xảy ra một vụ án mạng rất nghiêm trọng, thưa ông, - Banks nói. - Tôi nghĩ tất cả mọi người ở đây không ai được phép ra về cho đến khi chúng tôi đã làm xong việc. - Ông thấy chàng trai còn nắm tay áo của mình, bèn giật ra.
-- Chuyện này thật quá nhục nhã. Tôi muốn về nhà.
Banks chồm người tới trước sát vào mặt anh ta, ngửi mùi bia, cá và khoai rán trong hơi thở của hắn, ông bèn nói nhỏ:
-- Này, cậu cả, đến ngồi với các bạn cậu và yên lặng đi, cậu nói thêm một tiếng nữa là tôi mời Đội bài trừ ma túy đến, họ sẽ dần cậu một trận nên thân đấy. Hiểu chưa?
Chàng trai có vẻ như muốn chống đối, nhưng nghĩ tốt hơn là im lặng, anh ta quay về bàn ngồi với các bạn. Banks đi đến gặp Rickerd và Jessup. Một nhân viên cứu thương nhìn ông, từ từ lắc đầu. Annie Cabbot chưa đến. Khi ông gọi cô, cô có vẻ như quá căng thẳng, ông phân vân không biết có phải ông đã đánh thức cô dậy không.
-- Ở đây, thưa ngài, - Rickerd lên tiếng, mặt anh ta rầu rĩ, đưa tay chỉ phòng vệ sinh nữ. - Không đẹp mắt chút nào hết. - Các người đã căng ngang trước cửa một dãi băng vải nữa, tạo thành một hiện trường bên trong riêng biệt. Việc này rất có ích, vì chỉ người nào có phép đặc biệt mới được vào hiện trường. Những nơi xảy ra án mạng vẫn không ai được vào để khỏi làm mất dấu vết.
-- Anh ta là ai thế? - Banks ra dấu chỉ người thanh niên đứng bên cạnh Rickerd.
-- Anh ta đã phát hiện ra nạn nhân, thưa ngài.
-- Tốt. Hãy canh chừng anh ta. Tôi sẽ nói chuyện với anh ta. Anh đã gọi bác sĩ Burns chưa?
-- Rồi, thưa ngài. Ông ấy nói ông sẽ đến ngay.
Banks quay qua Thanh tra Jessup:
-- Chris, chuyện xảy ra như thế nào?
-- Có điện thoại gọi đến lúc 11 giờ 6 phút. Anh chàng ông vừa thấy đấy gọi đến. Tên là Darren Hirst. Anh ta đi với cô gái. Cô ta vào toa lét và không đi ra. Anh ta lo sợ, leo vào xem và gọi chúng tôi.
Banks mang găng tay nhựa vào rồi lòn dưới sợi băng vải để đi vào.
Phòng vệ sinh nữ nhỏ so với kích cỡ của hộp đêm. Sàn nhà lát gạch men, có ba buồng, hai chậu rửa dưới một tấm gương soi dài. Chiếc máy bán bao cao su thường thấy khắp nơi treo tường, loại máy bán những thứ có mùi thơm và có màu sắc - như loại của các hãng Lager & Lime, Rhubarb & Custard, Curry & Chips. Cửa ở các buồng vệ sinh bằng ván mỏng manh. Trên cửa một buồng có ai viết nguệch ngoạc bằng son môi hàng chữ: "Cindy Bú Cu Đen".
-- Buồng này, thưa ngài, - Rickerd nói, đưa tay chỉ vào buồng cuối cùng.
-- Buồng có khóa không?
-- Dạ có, thưa ngài.
-- Làm sao anh mở ra được?
Rickerd lấy kính đeo mắt xuống, dùng khăn mù soa trắng lau hai mắt kính. Đây là thói quen của anh ta từ lâu. - Mở từ buồng bên cạnh, thưa ngài. Tôi đứng trên chỗ ngồi của cầu vệ sinh, chồm người qua vách ngăn rồi dùng cái đùi để hất móc cửa. Cửa mở rất dễ. Rất may là cửa mở ra phía ngoài.
-- Đây là sự bí mật về việc mở cửa phòng toa lét đóng kín, - Banks lẩm bẩm nói, ông nghĩ Rickerd quả có tài sáng kiến nhiều thứ không như ông nghĩ.
-- Tôi không làm xáo trộn cái gì không cần thiết, thưa ngài. Chỉ để biết cô ta là ai và chắc đã chết chưa thôi. Thanh tra Jessup đã kiểm tra, còn những người khác giữ không cho ai ra khỏi đây.
-- Thế là tốt rồi. Các anh làm thế là tốt. - Ông đưa đầu ngón tay kéo cánh cửa về phía mình, cẩn thận để khỏi làm xáo trộn hiện trường đã rối rắm rồi.
-- Ông không tin nổi chuyện này, thưa ngài, - Rickerd nói. - Tôi chưa bao giờ thấy vụ nào như thế này.
Banks cũng không.
Thi thể cô gái nằm chèn như con cua giữa hai bức vách, lưng cong lên khoảng nửa mét trên cầu vệ sinh, hai đầu gối cà sát vào bức vách, còn hai vai thì áp vào bức bên kia, cổ cong lại hết cỡ. Một dòng máu chảy ra từ lỗ mũi, trên mặt và đầu, có nhiều chỗ bầm tím. Những mảnh gương vỡ và bột trắng nằm rải rác trên nền nhà giữa các thứ trong xách tay văng ra. Banks biết mắt người chết không có biểu cảm, nhưng cặp mắt cô gái lộ vẻ khủng khiếp và đau đớn, như thể cô ta nhìn thấy tử thần. Mặt cô ta bầm đen, do máu tụ lại, và hai khoé môi hếch lên theo dáng một nụ cười toe toét.
Nhưng điều khủng khiếp nhất, điều đã làm cho hai tai ông kêu vù vù và hai đầu gối mềm nhũn gần té nhào xuống, đến nỗi ông phải níu vào trụ cửa cho vững, là thi thể không phải của Ruth Walker, mà là của Emily Riddle.

Chương trước Chương sau