Những vụ án nổi tiếng thế giới - Chương 15
Kẻ hèn nhát
Ngày đăng 01-03-2016
Tổng cộng 21 hồi
Đánh giá 9.1/10 với 34180 lượt xem
Cảnh vật khô cằn hai bên đường vùn vụt lùi lại dưới ánh nắng chói chang. Nắng Mỹ chiếu trên bảng báo đây là vùng Medway. Xa xa chừng một kilômét thấp thoáng mấy ngôi nhà gỗ đầu tiên của Medway. Bầu trời đỏ rực cố níu vầng dương đang lặn nơi tận cùng thảo nguyên. Lề đường bên trái là trạm sửa xe bỏ hoang, bên phải có một quán rượu treo tấm bảng huênh hoang: "Bán bánh mỳ nhồi xúc xích nóng ngon nhất. Bán loại bia ngon nhất…"
Xe thắng gấp dừng lại bên vệ đường, người lái xe đưa cặp mắt hoảng hốt nhìn về quán rượu. Nhưng quán bỏ không từ lâu. Người đàn ông tuy biết thế, nhưng vẫn sợ. Bây giờ anh ta biết chắc không bị ai nhìn thấy, không thể có người nào đã nhìn thấy anh ta, anh ta mới hạ kính xe ngoái nhìn lại đoạn đường sau lưng. Chừng một trăm mét phía sau anh ta, thẳng vệt bánh xe xiết trên mặt đường có một khối tròn nhỏ nằm lăn bên mép đường. Khối tròn màu sáng. Bất động. Quanh nó một đám bụi đang lặng lẽ rơi xuống dưới ánh nắng chiều. Người đàn ông hít một hơi thật dài để trấn tĩnh lại. Không khí nóng tràn vào phổi không làm cho anh ta mát mẻ dễ chịu, trái lại càng làm anh vã mồ hôi. Áo sơ mi dán chặt vào ghế xe như thiêu đốt lưng anh. Đôi chân run bần bật sau những giây căng thẳng vừa rồi. Anh vẫn ngồi im không dám cựa quậy. Đầu óc rối tinh. Làm gì bây giờ? Xuống xe, nhào tới khối bất động kia, rồi làm gì tiếp? Lỡ nó chết rồi thì sao đây? Lúc đó sẽ nổ máy chạy trốn như một tên sát nhân chăng? Nhưng có thể nó vẫn còn sống, mình sẽ làm gì?
Người đàn ông có một quyết định thật đột ngột. Anh ta nổ máy, cài số lùi vội vã đến nỗi hộp số rít lên trèo trẹo và lùi xe một trăm mét tới chỗ khối tròn nhỏ. Tới sát bên nó, anh lấy hết can đảm nhìn xuống. Bé gái bận tấm áo màu hồng khá dơ dáy, chân đi dép cói. Bé nằm co tôm, mặt úp xuống đường đè lên hai cánh tay, trông như đang ngủ. Loáng thoáng nhìn thấy một mảng cổ và má nó nhợt nhạt. Hai chân bé co quắp, tay phải còn nắm chiếc quai giỏ. Người đàn ông đưa mắt nhìn quanh tìm chiếc giỏ, thấy nó bị văng khá xa. Một trái cam, một khúc bánh mì từ giỏ lăn ra ngoài. Giữa lòng đường có một chiếc mũ rơm bẹp dí đánh dấu nơi xảy ra tai nạn.
Câu chuyện là như vậy: một mình trên xa lộ, người đàn ông này đã tông ngã một bé gái, và đang lo sợ tự hỏi nên làm gì sau khi gây tai nạn. Tuy đáng lẽ anh ta không được chần chừ đắn đo gì hết. Phải lập tức xuống xe, xem tình trạng đứa nhỏ, trấn an nó, kiếm bác sỹ cứu chữa nó vì bản thân anh ta không phải là thầy thuốc nên không thể xác định đứa nhỏ bị thương tổn nặng nhẹ thế nào. Trong trường hợp rủi ro nhất, đứa nhỏ đã chết, anh ta phải chạy thật lẹ vào thành phố cách đây một kilomet báo với cảnh sát. Nhưng người đàn ông này không làm thế. Anh ta sợ. Sợ không dám xuống xe, quan sát, sờ nắn, xợ biết rõ sự thật. Một cái gì đó trong đầu anh ta vừa báo động, vừa rỉ tai: Chẳng có chuyện gì xảy ra. Xe anh không thể cán lên bé gái này. Không, không thể có chuyện đó. Anh ta không muốn và không thể thấy lại cảnh đứa nhỏ chạy băng qua lộ, thân hình bé bỏng của nó bị hất tung…
Cảnh ấy quá tàn nhẫn, anh ta không muốn nhớ lại, không muốn coi đó là sự thật. Không thể xảy ra chuyện đó. Nhưng đứa nhỏ đang nằm kia. Một khối tròn nhỏ màu hồng đầy bụi, bất động một cách đáng sợ, nó nằm sờ sờ ngay trước mắt anh ta, không muốn nhìn vẫn cứ thấy. Anh rụt rè, rón rén mở cửa xe. Rồi lại đặt chân xuống, bước tới một bước, ngập ngừng, hơi cúi xuống, khẽ gọi. Tiếng nói của anh ta khiến anh hoảng hồn. Anh nhảy giật lùi chui vội vào xe nổ máy chạy như phát điên, không dám nhìn vào kính chiếu hậu. Nắng tắt hẳn. Những ánh đèn đầu tiên của thành phố nhìn người đàn ông lẩn vào đám đông vô danh. Anh ta vào quán nốc một bữa rượu ê hề chưa từng có trong đời. Lúc này là 8 giờ tối.
Y hệt nhiều thành phố khác của Hoa Kỳ, Medway cũng có một đài phát thanh địa phương, làm công việc chủ yếu là ca ngợi nhạc rock, bột giặt sinh học và xà bông vớ vẩn. Xướng ngôn viên duy nhất của đài là Ronald Green, một người dường như từng giây từng phút đều phải sống với tốc độ 100km/h. Bằng chất giọng cực kỳ nhiệt thành, anh ta nhai nhải với niềm tin tưởng không thay đổi tất cả các tựa đề bài hát cũng như mọi tin tức trong thành phố và mọi mặt hàng được quảng cáo. Vương quốc của anh là tầng trệt ngôi nhà cũ, nơi anh sống trong mối liên hệ mật thiết với một kỹ thuật viên có bộ thần kinh cũng luôn căng thẳng và một nữ thư ký chuyên trách thư từ và điện thoại. Trong phòng có hai chiếc bàn, một máy chạy băng, hai máy quay đĩa, bình nước tự động và Ronald Green ngồi trước chiếc micro. Đài phát từ 9 giờ sáng tới 7 giờ tối liên tục không nghỉ. Khi nào xướng ngôn viên đói bụng thì kỹ thuật viên mở đĩa nhạc trong một tiếng hoặc mười phút, thời gian ngốn hết ổ bánh mỳ kẹp thịt. Ronald 26 tuổi, hơi đần nhưng rất năng nổ, hàng loạt thành tích chinh phục nữ giới được móc lủng lẳng trên đầu anh ta dưới dạng những bức hình có lời đề tặng đàng hoàng.
Sáng nay Ronald có vẻ bị "lỏng ốc". Lỏng ốc là cụm từ kỹ thuật viên ưa dùng để chỉ trạng thái thiếu nhiệt tình cháy bỏng của Ronald, thứ nhiên liệu tối cần cho sức năng động của đài. Tuy thế buổi sáng vẫn qua đi không chút trục trặc nhỏ nào mặc dầu Ronald bị lỏng ốc. Sau đó nữ thư ký chuyển cho anh ta bản thông báo gửi tới qua điện thoại của quận trưởng cảnh sát Medway. Ông yêu cầu giúp một tay. Nhờ Ronald phát trên làn sóng, nếu cần thì mỗi giờ một lần, bản thông báo yêu cầu tìm kiếm bé gái 12 tuổi tên Cory Materson rời khỏi nhà bố mẹ từ bữa qua cho tới giờ vẫn chưa về. Ronald nhận lời. Chí ít cũng có thể giúp được bằng cách đó. Lâu nay bạn nghe đài thường nhờ anh ta tìm giúp chiếc xe mô-tô mất cắp, chiếc xe hơi hoặc con mèo lạc. Một bé gái mất tích là chuyện quan trọng hơn gấp bội. Với tinh thần trách nhiệm thật cao. Ronald miêu tả nhận dạng đứa nhỏ: chiều cao, màu mắt, quần áo. Sau lần phát thứ ba, tức ba giờ sau quận trưởng cảnh sát lại gọi điện nhờ giúp một việc khác. Xe tuần tra đã kiếm ra đứa nhỏ, bây giờ cần thông báo nhằm tìm ra người lái xe đã tông phải nó. Vì rõ ràng nó gặp tai nạn giao thông. Đang nằm trong bệnh viện trong tình trạng hôn mê tuy không có thương tích rõ rệt ngoài mấy vết bầm tím…
Quận trưởng muốn kêu gọi lương tâm người lái xe đó. Để biết chắc đó là một tai nạn chứ không phải một vụ tấn công. Ronald không mấy thích thú loại việc này. Nguyên tắc lâu nay của anh khi nói trên đài là tọa nên không khí vui tươi liên tục trong thính giả. Anh đã vi phạm nguyên tắc này khi thông báo tìm kiếm đứa nhỏ mất tích, giờ đây không muốn bi kịch hóa hơn nữa không khí với thông báo truy lùng kẻ gây tai nạn giao thông. Nhưng quận trưởng cảnh sát cố ép. Ronald đành đồng ý với điều kiện quận trưởng tự tay soạn thảo lời kêu gọi. Lúc trưa Ronald đọc trước micro bản tin dưới đây xen giữa hai đĩa nhạc: "Tôi ngỏ lời với người chạy xe hơi đã tông vào bé gái Cory Materson trong buổi chiều hoặc trong đêm qua. Hiển nhiên người đó đã hoảng sợ. Chúng tôi biết chắc người đó sợ đã giết chết đứa nhỏ. Cory không chết, nhưng các bác sỹ hết sức dè dật. Người đó nên tự thú. Lẩn tránh sẽ khiến cho cư dân thành phố chúng ta lảng vảng hình bóng một kẻ hèn nhát. Bố mẹ Cory không có khả năng chi trả phí tổn điều trị thuốc thang và sự chằm sóc vô cùng tốn kém cho đứa con của họ. Nhưng nếu người phạm lỗi tự thú và nhận trách nhiệm, hãng bảo hiểm sẽ chi trả. Tôi xin nhắc lại. Tôi xin nhắc lại…"
Không mệt mỏi, mỗi giờ một lần Ronald lặp lại lời thông báo. Vả lại dù không muốn cũng không được: ông chủ đài phát thanh trực tiếp gọi điện cho anh:
- Sáng tác cho tôi một bài thật lâm li thống thiết về đạo đức công dân, về danh dự, về đủ thứ… Tìm ra thằng cha cán người đó là màn quảng cáo tuyệt vời cho địa phương ta đấy.
Ronald Green bèn nặn ra một mẩu rất lâm li thống thiết về đạo đức của công dân, về danh dự, về đủ thứ… Kỹ thuật viên tạo một nền nhạc thật thảm cho bài văn, có thể làm rơi nước mắt tất cả các bà nội trợ của Medway. Đột nhiên… Lúc 17h56, Ronald không đọc quảng cáo, không lặp lại bản thông báo mà yêu cầu thính giả chú ý. Anh nói:
- Chào quý bà, chào quý ông. Buổi phát thanh của chúng tôi tới đây chấm dứt. Chấm dứt hoàn toàn, nhưng mong quý vị yên tâm, người ta sẽ có cách thích hợp để phục vụ quý vị trong một ngày gần đây. Rồi anh tới gặp quận trưởng cảnh sát, khai: "Chính tôi đã tông ngã đứa nhỏ”. Quận trưởng nhìn anh ta. Và nói:
- Cory đã khá hơn, sẽ qua khỏi thôi, Ronald.
Và kiểm tra lại mảnh chắn bảo hiểm đã nhặt được tại hiện trường, nó cũng là mảnh từ xe Ronald vỡ ra nhưng anh ta không hay biết. Trong cuộc sống thường nhật từ trước tới nay anh ta chẳng hề hay biết tí gì vì quen mồm nói mãi những điều không thay đổi bằng một giọng không thay đổi, như một cái máy. Tuy vậy, dù sao anh ta cũng đã nhận ra một điều… kẻ hèn nhát đáng khinh chính là anh ta.