Một vụ đánh cắp tài liệu nguyên tử - Chương 07

Một vụ đánh cắp tài liệu nguyên tử - Chương 07

Sợi giây thòng lọng

Ngày đăng
Tổng cộng 14 hồi
Đánh giá 9.7/10 với 14451 lượt xem

Còn năm phút nữa đến 11 giờ khuya. Còn năm phút nữa đến giờ Kinh Kong đặt làm kỳ hạn chót cho nàng trả lời bằng lòng hay từ chối. Từ lúc ở Vũng Tàu về, Như Luyến quyết định sẽ nhận lời. Việc chụp lại công thức prô péc gôn tuy khó nhưng đối với nàng không phải là bất khả. Nếu khéo léo, nếu giữ kín, nàng sẽ hoàn toàn thành công mà không ai biết. Nhưng còn năm phút nữa đến 11 giờ đêm, một mãnh lực ký lạ bắt nàng thay đổi ý kiến. Mãnh lực đó có lẽ là lương tri, là lòng yêu nước.
Như Luyến yêu chồng, nhưng nàng còn yêu nước nữa. Như Luyến lại là người suy nghĩ chín chắn, nhờ có số vốn học thức khá rộng. Thành ra sau hăm bốn tiếng đồng hồ bằng lòng, còn năm phút nữa đến giờ hẹn, nàng lại nẩy ra ý tưởng từ chối, mặc cho Kinh Kong muốn làm gì thì làm. Từng đọc qua nhiều sách, nàng đoán rõ được hậu quả của sự từ chối. Kinh Kong nói được tất sẽ làm được. Vả lại, những kẻ theo nghề gián điệp làm gì còn có tình cảm. Hắn sẽ tìm đủ mọi cách hại nàng. Hắn sẽ báo cho công an biết Túc Lăng xưa kia đã phản bội. công an sẽ phiền nàng nhưng lương tâm nàng sẽ không bị cắn rứt. Thà nàng chịu nhục còn hơn mang tiếng là con ắn cắp tài liệu tối mật của tổ quốc. Đoàn Trung sẽ xa nàng ! Đành vậy chứ sao ? Đã 5 năm nay, không tái giá nàng vẫn chịu được. Mất Đoàn Trung, nàng sẽ trống trải. May thay nàng còn thằng Lập. Nghĩ đến con, trái tim Như Luyến như ngừng đập. Biết đâu Kinh Kong lại chẳng bắt con nàng để chuộc ? Nhưng bắt nó không phải dễ. Từ sáng mai, nàng sẽ dặn u già theo sát thằng Lập từng bước. Nàng sẽ nhờ ban an ninh của Trung Tâm bảo vệ cho con. Thành phố Sàigòn, đâu phải Chicago hoặc thị trấn quốc tế Tangers mà bắt cóc ai cũng được ?
Nàng bắt đầu thấy yên dạ. Chuông đồng hồ dõng dạc điểm 11 tiếng boong boong. Kinh Kong dặn nàng mở cửa sổ và vặn đèn. Cánh tay nàng đột nhiên rắn chắc dị thường. Nàng đóng sầm cánh cửa. Kinh Kong đùng tưởng nàng chịu thua. Như Luyến sẽ gọi con Ziếc cô. Ziếc cô là tên tắt của chữ Ziếc cô ni om (1), một thứ kim khí bí mật mà ngày trước Túc Lăng đã góp công vào công cuộc tìm ra. Như Luyến dùng tiếng Ziếc cô để kỷ niệm kỳ công của chồng trong địa hạt khoa học. Nghe chủ gọi, con Ziếc cô ngoe nguẩy cái đuôi, tiến lại sát cửa, cào cào vào lá sách. Như Luyến dặn :
-Ziếc cô, Ziếc cô, nằm ở cửa phòng canh nhà, nghe không ?
Con chó khôn ngoan đạp xuống đất ba cái, tỏ dấu đã hiểu. Như Luyến yên tâm, quay vào phòng, kéo mền mỏng lên bụng con rồi trở người sang bên cố ngủ. Tiếng chuông điện thoại reo lên. Nàng nhấc ống nói và không cần đặt lên tai nghe, nàng vùi xuống nệm. Nàng thừa biết ai gọi cho nàng. Đoàn xe bò chở mía nặng chĩu lốc cốc qua cửa biêt thự. Đêm nào cũng như đêm nào, cứ đúng hai giờ là đoàn xe cục mịch lê qua nhà nàng. Trong đêm vắng, tiếng bánh xe bọc sắt nghiến trên đường nhựa như dội vào tâm can nàng. Nàng thấy yêu đời, và can đảm hơn.
Suốt đêm không có chuyện nào xảy ra cả. Thỉnh thoảng, con Ziếc cô lại gầm gừ tiến ra phía cổng, trong khi hai con khác túc trực đi đi lại quanh biệt thự. Nàng dậy sớm hơn mọi hôm. Tuy hình ảnh Kinh Kong ám ảnh tâm trí, đến gần sáng Như Luyến vẫn chợp mắt được một lát. Nàng đã quyết định chọi với Kinh Kong. Nàng nhất định không lùi bước. Lệ thường, sau khi dọn điểm tâm, u già ra mở thùng thư ngoài cổng. Như Luyến vẫn có thói quen đọc thư trước khi đi làm. U già lễ mễ mang vào cho nàng một chồng thư dầy cộm. Tuần nào nàng cũng có thư nhiều vì tuy về quê hương, nàng không quên gửi thư cho bạn bè ở ngoại quốc. Vừa uống cà phê, Như Luyến rọc từng cái thư một ra đọc. Vẫn những cái tên quen thuộc, vẫn những lời hỏi thăm thân mến. Đột nhiên, nàng để ý tới một phong thư nhỏ màu trắng, không có dán tem trên, cũng không có con dấu nhà dây thép. Trên bì chỉ vẻn vẹn một giòng chữ bằng những miếng báo cắt ra, dán vào :
Kính gửi bà Túc Lăng.
Tim Như Luyến đập thình thịch. Mở ra, nàng thấy ở bên trong một tấm giấy ảnh mỏng, màu trắng, bên trên in một bức thư ngắn. Bức thư là bút tích của chồng nàng. Bức thư như sau :
Thưa đồng chí,
Vạn bất đắc dĩ tôi mới phải viết thư lấy tiền. Chắc đồng chí đã biết từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ nhận một xu nào mặc dầu đồng chí khẩn khoản nhiều lần. Nhưng hiện nay tôi cần quá. Nhà tôi không may sinh đứa cháu đầu lòng lại bị khó khăn khiến chúng tôi tốn tiền thuốc quá nhiều. Mong đồng chí hiểu cho và như đã hứa trước qua người liên lạc, gửỉ cho tôi một ngàn đô la trong tuần này.
Túc Lăng.
Như Luyến xây xẩm mặt mày như trúng gió độc. Hai bàn tay nàng đột nhiên lạnh ngắt, mắt nàng mờ đi rồi một giọt nước mắt trào ra trên má. Cũng may lúc đó thằng Lập đương ở trong phòng tắm với u già.
Nàng đã hiểu sở dỉ Túc Lăng dấn thân vào tội lỗi cũng vì con, vì vợ. Lần nàng sinh thằng Lập cũng là lần đầu tiên Túc Lăng dẫm lên nhân phẩm, ngửa tay nhận tiền của cộng sản. Nếu nàng không đẻ khó, không bắt chàng đưa vào một bệnh viện đắt tiền thì chàng đâu đến nỗi ? Cái can đảm hồi đêm đã biến đâu mất. Trong một giây đồng hồ, nàng trở lại trạng thái bị động như lúc gặp gỡ Kinh Kong lần đầu. Như Luyến cảm thấy hối hận. Tình thương Túc Lăng bỗng lớn hơn, rộng hơn, át cả hính dáng trung thành, khả ái của bác sĩ Đoàn Trung. Vì nàng, vì con mà Túc Lăng thiệt mạng. Nàng phải làm một cái gì cho hương hồn chàng khỏi tủi thân. Nhưng biết làm thế nào ? Ngoài cái hẹn 11 giờ đêm qua, Kinh Kong không còn dặn một hẹn nào khác nữa. Phong thư chỉ chứa đựng một lời cảnh cáo. Bây giờ Như Luyến mới thấy mình dại dột. Trước khi tiếp xúc với nàng, Kinh Kong đã có một kế hoạch hẳn hoi. Nàng chối cũng không được. Nếu đêm qua nàng chịu mở cửa và thắp đèn lên biết đâu chỉ nội hôm nay là công việc trôi chảy ? Trao tài liệu rồi, nàng sẽ được sống bình yên. Kinh Kong chả từng nói với nàng như thế ư ?
Kinh Kong không thể phiền nhiễu nàng nữa. Vì công thức prô péc gôn là cái bí mật nhất. Một khi đã nắm được cái bí mật nhất dại gì Kinh Kong chạy theo những cái tầm thường để bị lộ diện ?
Đến đây, nàng mới bớt lo ngại. Kinh Kong gứi tấm ảnh này cho nàng tất còn tìm tới nữa. Nhưng bao giờ y tới ?
Sáng hôm đó, Kô Băng không gọi giây nói cũng không đến biệt thự của nàng. Dầu hành động táo bạo, Kô Băng vẫn là tay gián điệp khôn ngoan, biết giữ thân mỗi khi cần tới. Y biết rõ Như Luyến không dám báo công an, nhưng biết đâu ? Còn Đoàn Trung, một gã si tình ? Còn u già, trước sự biến đổi đặc biệt trong tính tình cô chủ ?
Trên chiếc Peugeot từ Gia Định qua cầu Bình Lợi, Trường Thanh hỏi Kô Băng, giọng lo lắng :
-Liệu con bé có chịu nghe mình không, thưa đồng chí ?
Kô Băng cười gằn :
-Có chứ. Cô ả đã chui vào mạng nhện, càng đạp mạnh càng bị vây chặt lại. Anh đã chứng kiến cảnh con ruồi bị sa mạng nhện tất biết. Không phải tôi mới làm một vụ này lần đầu. Nhiều lần rồi. Mỗi lúc một tí, như người pha thuốc ấy. Đến khi ngấm rồi thì tha hồ…Cái thư sáng nay của ta sẽ làm cô ả thay đổi ý kiến.
Trường Thanh nhìn Kô Băng có vẻ thán phục :
-Đồng chí dùng điện thoại có phải nhanh việc hơn không ?
Kô Băng lắc đầu :
-Nhanh thì vẫn nhanh, nhưng nguy hiểm lắm. Như Luyến là nhân viên quan trọng, bên mình khi nào chả có người theo dõi. Biết đâu họ chả nghe trộm điện thoại.
-Tại sao trước kia, đồng chí lại nói chuyện với con bé bằng điện thoại ?
-Trước khác, giờ khác. Trước vì xuất kỳ bất ý. Giờ thì cá cắn câu rồi, phải thận trọng mới được.
Chiếc xe đến dốc cầu Bình Lợi, Kô Băng xuống xe tiến về lũ trẻ đứng bên vệ đường, đợi xe đi qua đế bán mía róc, soài và nem chua. Thấy Kô Băng, cả bọn đổ xô lại, mời mọc rối rít. Kô Băng xua tay, tỏ dấu không mua. Đôi mắt y để ý đến một đứa trẻ trạc bảy tuổi, nét mặt lanh lẹ, thông minh. Y vẫy thằng bé lại mua mấy cặp nem Thủ Đức, đoạn hỏi, giọng thân mật :
-Em bán hàng khá không ?
Đứa bé cung kính đáp :
-Thưa ông, ế lắm.
Kô Băng trả tiền xong, ném vào cái thúng đựng nem của đứa bé một tờ giấy hai chục mới tinh, miệng nói :
-Cho con đó.
Đứa bé há hốc mồm kinh ngạc. Chưa bao giờ nó gặp một ông khách tử tế đến thế. Nó độ chừng khách là người ngoại quốc vì Kô Băng cao lớn, lại nói tiếng lơ lớ. Nó liền hỏi :
-Cháu cảm ơn ông. Ông có muốn nhờ cháu làm việc gì không ?
Thằng bé thông minh thật. Kô Băng đoán không lầm. Kô Băng dúi vào tay đứa bé một cái phong bì nhỏ :
-Độ năm hay mười phút nữa, sẽ có một người đàn bà lái chiếc xe hơi thân trắng, mui đỏ, nho nhỏ từ Sàigòn tới. Cô ta trắng trẻo, và trông như đầm lai. Con đưa cho cô ta cái phong bì này. Nhớ đừng cho ai thấy nghe.
Thằng bé gật đầu. Kô Băng tiếp :
-Bác đứng đợi con dưới cây si tít đàng xa kia, thấy chưa con ? Đưa thư xong, lại đây bác cho con một trăm đồng về đong gạo. Nhớ đừng cho bọn kia biết, nghe chưa ?
Bọn kia tức là lũ bạn nghèo khổ cùng tuổi, bán hàng vặt cho khách qua cầu. Thằng bé nắm chặt cái phong bì trong lòng bàn tay đoạn đi ra một góc đường đứng đợi. Nó chẳng cần bán nữa. Mẹ nó bị bán thân bất toại ở cái lều trên đường đi Thủ Dầu Một sẽ có tiền mua thuốc và sắm cho nó một đôi dép cao su vàng, đi cho đỡ bỏng chân. Lòng nó nóng ran lên vì sung sướng và hy vọng. Một lát sau, Như Luyến tới. Xe nàng đậu ở gần cuối dốc, đợi cho đoàn xe nhà binh ở Thủ Đức qua khỏi cầu. Thằng bé mời nàng mua nem. Nàng khoát tay một cách mỏi mệt :
-Cám ơn em, tôi không mua.
Trông trước trông sau không cớ ai, đứa bé nói nhanh :
-Có một ông sai con đưa cái này cho cô.
Rồi giả vờ đưa nem cho Như Luyến, nó đánh rơi cái phong bì nhỏ trên nệm xe, giữ sự ngơ ngác của nàng. Nó lại nhấc thùng nem lên đầu, miệng rao ròn rã : Ai mua nêm ơ ?
Trong phong bì, Như Luyến thấy có một mảnh giấy nhỏ, dán những chữ cắt trong báo cũng như bức thư không niêm gửi cho nàng hồi sáng sớm :
Đúng 9 giờ sáng hôm nay, trước tiệm Woong Sui, trong hẻm Eden, đường Tự Do. Đi từ đường Lê Lợi vào, đến rạp chiếu bóng thường trực mua một cái vé ban công, rồi quay sang đường hẻm về phía đường Nguyễn Huệ; trước khi dừng lại trước tiệm Woong Sui, lưng quay ra ngoài.
Nàng mừng rú lên. Một liều ba bảy cũng liều. Nàng sẽ trao tài liệu cho Kinh Kong, miễn hồ không bị hắn đưa ra nhiều điều kiện khó khăn.
Như Luyến không qua cầu Bình Lợi, rẽ sang bên trái, xuống dốc, quay về Sàigòn. Nàng không về nhà. Qua một tiệm uốn tóc gần hồ tắm, nàng dừng xe, bước vào, gọi dây nói cho Trung Tâm Thủ Đức. Một phút sau, nàng nghe tiếng nói quen thuộc của Đoàn Trung. Nghe nàng xin nghỉ vì khó ở, chàng không ngạc nhiên. Chàng cũng mong nàng nghỉ để lấy lại sức khỏe. Như Luyến nhìn đồng hồ tay. Còn 45 phút nữa, sớm chán. Nàng lái một vòng lên sân bay Tân Sơn Nhất để thở không khí mát lạnh buổi sáng. Xe của Như Luyến qua mặt chiếc Peugeot trong khi Kô Băng giả vờ đọc báo. Y nhìn qua kiếng chiếu hậu thấy đứa bé bán nem tất tả chạy tới. Trên miệng Kô Băng nở một nụ cười gớm ghiếc. Đứa bé thò đầu vào cửa xe, chào Kô Băng :
-Thưa ông, cháu đã đưa cái lúc nãy cho cô ấy rồi.
Kô Băng xoa đầu thằng bé, giọng vồn vã :
-Con ngoan quá, để bác thưởng cho con. À, con tên gì ?
Thằng bé nhanh nhẩu :
-Con tên Vĩnh.
Đương nhai kẹo, Trường Thanh xen vào :
-Tên Vĩnh nghe đẹp quá nhỉ ?
Vĩnh cười khoan khoái. Trường Thanh cho thằng Vĩnh một miếng súc cù là thơm phức, miệng nói :
-Ăn súc cù là không ?
Còn phải nói ? Có đứa bé nào mà không thích súc cù là ? Nhất là thằng Vĩnh từ nhỏ đến lớn mới được nhìn người ta ăn và lượm miếng giấy bạc bọc ngoài lên liếm đỡ thèm, chứ có bao giờ dám mua một thẻ. Nó run lên vì thèm :
-Thưa có.
Cầm lấy kẹo của Trường Thanh, nó đút vào miệng cắn một miếng lớn. Ngon quá, thơm quá ! Một miếng nữa ! Trường Thanh nói giọng thương hại :
-Tội nghiệp con quá. Đế bác cho con miếng nữa .
Thằng Vĩnh đề nghị :
-Thôi để con gói lại, mang về cho má con.
Kô Băng gạt đi :
-Nhỡ má con hỏi, con biết nói làm sao ? Thôi, ăn đi rồi mang trăm bạc cho má.
Vĩnh cho cả miếng súc cù là vào miệng nhai ngấu nghiến. Vị thơm thấm vào cuống họng và xuống đến dạ dầy vẫn còn thơm. Nó gập tư tờ giấy một trăm, nhét vào dưới đống nem, kính cẩn chào hai ông khách rộng rãi, triệu phú. Nó chẳng cần đợi khách trên cầu nữa. Hai tay nắm chặt quai thúng trên đầu, Vĩnh lon ton chạy về nhà. Vừa chạy nó vừa nghĩ đến đôi dép cao su đầu ngựa vàng mà nó thèm ước từ nửa năm nay, từ ngày má nó bị thần bệnh giữ riệt trong nhà. Phen này bọn thằng Liêu với con Đỏ trước cửa sẽ nhìn nó chảy nước miếng ! Lũ bạn hằng ngày chờ khách trên cầu Bình Lợi có đứa nào dám vung tiền mua dép cao su đâu ? Ha, ha, chỉ có một mình Vĩnh có. Trời Phật thương nó quá ! Má nó sẽ tha hồ sung sướng . Ngọn gió buổi sáng quạt mùi thơm cuống rạ và lá mía vào mũi nó. Sau bãi mía xanh um là cái lều chơ vơ của mẹ con nó. Vĩnh mồ côi cha, má nó buôn hàng chuyến, chẳng may bị tê chân rồi từ bấy đến nay nằm mọp trên chiếu. Nó đành buôn nem nuôi mẹ.
Còn một thôi ngắn nữa thì đến nhà. Con chó Vện chạy ra đón, sủa gâu gâu. Con Vện thương nó, và nó cũng thương con Vện như anh em ruột. Hôm nay nó về sớm, tại sao con Vện lại biết mà đi đón ? Hay là ? Nó không nghĩ thêm được nữa. Đột nhiên nó nghe một tiếng động long trời lở đất từ trong đầu nó phát ra. Nó có cảm giác như trời đất vỡ tung từng mảnh, từng mảnh đen khủng khiếp. Mắt nó - cặp mắt luôn sáng quắc - mờ hẳn đi, nó chỉ thấy toàn một màu đen. Nó đứng lại, bụng đau như có hàng chục mũi kim lớn xuyên vào. Nó đứng không vững nữa. Cái đau trong bụng lớn dần ra. Mắt nó không thấy gì nữa hết. Thằng Vĩnh ngã vật trên nền ruộng khô đét, một tia máu đỏ trào ra bên mép. Ánh nắng mùa hạ dọi một lùm sáng qua mây xanh vào khuôn mặt kinh hoàng của thằng Vĩnh. Nó đã sang bên kia cõi thế với cha nó. Con Vện sủa rống lên đoạn há mõm cắn cái đuôi áo của chủ. Rồi nằm phục luôn bên cạnh thằng Vĩnh.
Trong khi đó, cách thằng Vĩnh ba trăm thước, trong chiếc xe hơi sơn đen, Kô Băng lúi húi tháo bộ râu mép. Y đã cải trang trước khi tới cầu Bình Lợi đợi Như Luyến và đem tiền ra nhử mồi thằng bé thơ ngây. Kô Băng hồi nãy đeo râu giả, đôi kính râm che gần hết khuôn mặt. Chiếc Peugeot của Trường Thanh cũng đeo số giả. Thằng bé ăn kẹo thuốc độc phải chết, hoặc giả có ai nghi ngờ cũng không thể nhớ ra người đàn ông cao cao, đeo kính đen, chân đi khập khiễng, có râu mép. Kô Băng không muốn người ngoài biết chuyện. Dẫu người ngoài đây chỉ là thằng bé con bán nem vô tội bảy tuổi đầu, cái tuổi mà phần đông con trẻ còn sống trong sự nuông chiều của cha mẹ.
Chiếc Peugeot đậu trước cửa một tiệm hớt tóc có máy lạnh sang trọng ở đường Ngô Đức Kế. Kô Băng xuống để chải lại mớ tóc. Y có thói quen của dân ăn chơi ở Ba lê không chịu chải tóc ở nhà mà là ngày ngày ra hiệu. Tiệm Bell là nơi hớt tóc vào bậc nhất nhì thị trấn Sàigòn. Đó là nơi hò hẹn của khách nhiều tiền. Trời còn sớm nên trong tiệm mới có một người khách cắt tóc. Kô Băng treo mũ vành mềm lên giá, ngồi ruỗi chân trên ghế xoay, cầm một tờ báo điện ảnh đọc, trong khi người thợ bận áo choàng trắng trịnh trọng cắt cắt, tỉa tỉa và tưới nước hoa lên bộ tóc mềm mại. Người khách đến cắt tóc sớm trong tiệm ngồi cạnh Kô Băng là một thanh niên trên hai mươi, tuy ngồi vẫn thấy cao như người Âu châu. Đó là Lê Diệp, nhân viên của Sở Mật Vụ Việt Nam, người được ông Hoàng cử ra để giúp sức cho Văn Bình. Lê Diệp khác Văn Bình ở chỗ trẻ hơn mười tuổi và gầy hơn. Chàng không phải là một thanh niên đẹp trai, ăn nói dễ thương, dáng điệu đĩ thõa mà các thiếu nữ tân tiến mới gặp đã bám lấy như đỉa đói. Mặt chàng dài ngoằng ra, cái mắt, cái mũi, cái miệng không xấu nhưng lại không đẹp. Cái miệng thì nhỏ, hàm răng thì đều, nhưng không toát ra một cảm giác khả ái.
Thoạt gặp, khó ai dám cho Lê Diệp là mạnh khỏe chứ đừng nói là giỏi võ nữa. Thật thế, bộ ngực mỏng dính như vậy trói gà cũng không chặt nữa là. Thế mà Lê Diệp lại là một trong những tay võ nghệ siêu quần của cơ quan Mật Vụ. Lê Diệp đánh kiếm rất gỉỏi. Chàng chưa chịu thua ai, trừ Văn Bình. Đến cái tài ném dao thì mới là tuyệt luân. Trước ngày gia nhập Sở Mật Vụ, Lê Diệp là tay giang hồ lang thang hết gánh xiếc này đến rạp hát khác, với nghề mọn ném dao.
Dao của chàng thì thôi đủ cỡ. Lớn bản có, nhỏ thó có, dài có, ngắn có nhưng một khi cất khỏi tay chàng là phải trúng đích. Cách xa mười thước, Lê Diệp có thể cắt nút chai rượu vang ra làm hai. Tài tình hơn là Lê Diệp ném được hai tay và thạo nhất tay trái. Lê Diệp vốn là kẻ thù của súng. Súng đối với chàng là võ khí kềnh càng, ít hiệu quả, lại gây ra tiếng động nữa. Vì vậy, đi đâu chàng cũng bỏ dao vào túi áo. Khác với Văn Bình mê gái, mê rượu, mê thuốc Salem, Lê Diệp lại dửng dưng trước sắc đẹp, không ưa rượu bằng nước ngọt côca côla, và chỉ thích hút xì gà, thứ to tướng mà ông Hoàng thường để hàng hộp lớn trên bàn làm việc. Đương mãi đi ngựa trong vườn rộng một biệt thự của Sở ở ngoại ô Phú Xuân, Lê Diệp được lệnh của ông Hoàng bảo phải gặp Văn Bình tức khắc. Từng phụ tá Văn Bình trong nhiều công tác nên được làm việc chàng thấy trong lòng khoan khoái. Lâu ngày không ném dao, hai tay thấy mỏi rời đi. Nhưng trước khi gặp Văn Bình, chàng cần vạc lại bộ râu nham nhở đã. Và như phần đông khách sang Sàigòn, Lê Diệp vào tiệm Bell. Cạo xong, Lê Diệp ngồi đọc nốt tờ báo buổi sáng trước khi từ giã cô thu ngân xinh xắn. Thì một chuyện bất thường xảy ra.
Một người lính thủy ngoại quốc say mềm từ ngoài cửa lắc lư bước vào. Say rượu buổi sáng quả là chuyện lạ. Trông thấy một cây thịt gần trăm cân loạng choạng bổ vào, ai cũng kinh sợ. Nếu hắn mất trí khôn, giơ bàn tay kếch sù lông lá kia túm đầu ai thì chẳng mấy chốc mà chết ngạt.
Gã lính thủy chẳng nói chẳng rằng buông mình phịch xuống một cái ghế xoay. Một người thợ bước đến, cung kính mời hắn cắt tóc. Hắn gật đầu. À ra hắn đến cắt tóc chứ có gây sự đâu mà mọi người lo ngại ? Đối với kẻ đã lênh đênh biển cả thì say sáng say chiều đâu có khác ? Lê Diệp không ưa đàn bà nhưng lại có cảm tình đặc biệt với cô bé giữ két. Và có lẽ cái cảm tình nồng nàn ấy mà tóc mọc chưa dài, râu chưa nham nhở Lê Diệp vẫn đến cắt, và đến rõ sớm, khi cửa hiệu chưa có khách. Yêu hay không chàng chưa biết, tuy nhiên chàng thấy trong long một sự đổi mới là lạ. Bàn tay búp măng, trắng như ngó sen của thiếu nữ kéo ngăn kéo, rút tiền lẻ ra, trả lại cho Lê Diệp. Chàng nhìn mãi không chán mắt. Bỗng cô bé đưa tay lên mồm, ra dấu kinh sợ. Thì ra gã lính thủy cũng biết cô này khá đẹp ! Hắn vùng đứng dậy như lò so, khệnh khạng đi lại két. Hắn đứng cạnh Lê Diệp, hai tay tì lên mặt két, nụ cười khả ố sặc mùi huýt ky, nở trên cặp môi dầy. Gã thủy thủ đưa cùi tay hích vào vai Lê Diệp một cai nhẹ. Lê Diệp thản nhiên, xích lui sang một bên. Được thể, gã thủy thủ bước chéo theo, rồi khuỳnh tay ra, như muốn gạt Lê Diệp vào tường. Không nhịn được nữa, Lê Diệp quắc mắt :
-Anh định gây sự phỏng ?
Gã say rượu cười hề hề :
-Gây sự à ? Thèm gây sự với thằng con nít.
Máu Lê Diệp sôi sùng sục và trào lên đôi mắt. Đột nhiên, cô giữ két xen vào :
-Thôi, nhịn đi anh. Hắn khỏe và có võ đấy.
Lời khuyên lơn của cô giữ két làm cho Lê Diệp giận thêm. Chàng hất hàm bảo tên lính thủy :
-Đánh trước đi xem sao ?
Gã mính thủy dơ hai tay lên khỏi đầu, cười ngất. Hắn có vẻ coi thường đối thủ quá. Mà khinh là phải vì Lê Diệp trông nhỏ xíu, lại gầy guộc, chỉ chịu được một cái tát nhẹ của tên khổng lồ là ngã ! Vừa cười, hắn vừa nắm lấy cổ chai huýt ky đầy ắp để trên bàn bên cạnh, cho vào miệng tu ừng ực. Loáng một cái hết một góc chai. Thấy hắn say sưa, Lê Diệp không muốn gây sự. Chàng vẫn có thói quen không bao giờ đấu sức với kẻ thù không còn trí khôn chống đỡ nữa. Nhưng tên lính thủy lại gây thêm chuyện khác. Còn nửa chai rượu, hắn dốc ngược đổ tung tóe lên quầy két bắn vào cái áo đắt tiền của cô thiếu nữ khả ái. Lê Diệp bèn nắm lấy tay hắn, miệng ôn tồn :
-Anh say quá rồi.
Hắn vùng mạnh một cái. Nếu là người khác thì cái vùng ấy đủ quật ngã xuống đất và gẫy tay chân, nhưng Lê Diệp là tay võ nghiệp siêu quần nên chỉ hơi lạng người sang bên. Liền khi đó, bàn tay to tướng của hắn từ phía hữu giáng xuống như cái búa tạ. Cô gái giữ két đưa tay ôm lấy miệng, hai mắt trợn tròn, lộ vẻ kinh sợ. Nhưng Lê Diệp thản nhiên như không. Đợi cho bàn tay của địch giáng xuống gần đầu, chàng mới thong thả lách khỏi trong khi đó sống tay phải của chàng đánh mạnh vào xương bả vai của hắn. Một lưỡi dao sáng loáng không biết rút từ bao giờ đã nằm gọn trong tay hắn. Mọi người trong tiệm hớt tóc đều nín hơi thở. Không ai dám xông vào can thiệp và trong khoảnh khắc, mọi người quên bẵng việc báo với cảnh sát.
Ngọn dao chuồi ra khỏi tay tên lính thủy. Mắt không rời lưỡi dao nhọn hoắt, Lê Diệp từ từ lùi bước nào thì tên lính thủy tiến lên một bước. Trên môi hắn vừa lộ một cái cười ghê tởm ướt đẫm mùi máu. Hắn quả là kẻ giết người không gớm tay. Mũi dao hắn đảo một vòng trên không rồi đâm vào cổ Lê Diệp. Cũng như hồi nãy, Lê Diệp không đỡ mà chỉ né tránh. Chân chàng ấn vào đầu gối địch. Thuận đà, cây thịt trăm cân đâm bổ về phía trước. Lê Diệp bật ra tiếng cười khanh khách. Tên lính thủy gầm lên như con thú bị đạn, và hoành thân đâm một nhát nữa vào tim Lê Diệp. Lê Diệp đợi lưỡi dao tới mới bắt lấy bàn tay của tên lính thủy không trượt một ly, đoạn bẻ vẹo đi. Tên lính thủy kêu “ái “ một tiếng rõ to, lưỡi dao rơi trên sàn gạch hoa kêu đánh “keng”. Lê Diệp phủi tay áo ra quầy két đứng nhìn tên lính thủy ôm tay ngồi phịch xuống ghế. Lê Diệp nói giọng khinh bỉ :
-Còn đợi gì mà không đi cho khuất mắt ! Lần này thì ta tha cho, lần sau thì gãy cả tay lẫn chân, nghe không ?
Tên thủy thủ ngoại quốc ôm tay và vai gãy, lảo đảo ra ngoài. Y đã tỉnh rượu. Lê Diệp lượm cái mũ rơm vành to ấn vào đầu, mỉm miệng cười chào cô giữ két rồi từ tốn bước ra cửa. Ngồi trong ghé hớt tóc, Kô Băng theo dõi cuộc đánh lộn không thiếu chi tiết nhỏ nhặt nào.
Thiếu hai phút đúng chín giờ, Như Luyến vào hẻm Eden. Như đã dặn trong thư, Như Luyến đến trước tiệm Woong Sui đứng đợi. Tim nàng đập thình thịch, sợ bị người quen bắt gặp. Nhưng không, nàng khỏi lo vì giờ ấy trong hẻm Eden người ra vào như hội. Một người đàn ông mà nàng không quen đến đứng bên nàng, nói giọng nho nhỏ :
-Chào bà Như Luyến. Bà mua vé xi nê chưa ?
Như Luyến đáp :
-Rồi, mua vé ban công như các ông dặn hồi nãy.
Người lạ mặt nói :
-Bà đưa vé vào xem đi. Người ta đợi bà trong đó.
Như Luyến hỏi gặng :
-Đợi ở chỗ nào ?
Người lạ mặt không đáp, quay lưng đi thẳng ra đường Nguyễn Huệ. Như Luyến đứng thần người trước tấm cửa kiíh bóng loáng, như người vừa tỉnh mộng. Như cái máy, nàng rảo bước lại rạp chiếu bóng, đưa tấm vé thường trực cho người chà gác cửa. Người dẫn ghế chiếu đèn bấm đưa nàng tới một dãy ghế trống cao nhất. Chưa quen với bóng tối nên nàng chưa nhận ra được gì, ngoại trừ đoạn phim đang chiếu trên màn bạc. Đó là phim màu về chiến tranh, một loại phim có bắn giết, phi cơ thả bom, nghĩa là những cái nàng ghét. Kô Băng đã ngồi bên cạnh nàng lúc nào không biết. Đến khi quen với quang cảnh phòng tối, nàng mới nhận ra Kô Băng. Kô Băng nói nhỏ :
-Bà bằng lòng chưa ?
Như Luyến gật đầu. Kô Băng trao cho nàng một mảnh giấy, và dơ tay chỉ một cánh cửa có treo một bóng đèn đỏ. Như Luyến chợt hiểu. Kô Băng đứng dậy đi ra ngoài. Đợi y đi khuất, Như Luyến mới ra theo. Nàng mỏ cửa phòng rửa mặt, khép lại cẩn thận rồi mở tờ giấy gập tư ra đọc :
« Ba ngày nữa, tức là ngày thứ tư, đúng bảy giờ tối, bà lái xe từ nhà bà qua đường Lăng Ông, cầu Bông Đa Kao, rẽ đường Trần Quang Khải lên Yên Đổ, rồi rẽ xuống đường Công Lý, tới đường Lê Lợi đậu xe trước rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi mua vé vào xem. Ngồi trong đó đúng mười phút. Mang sẵn tài liệu trong mình. »
Như Luyến đọc nhẩm một hồi, cho từng chữ khắc sâu vào trong trí nhớ, đoạn đánh diêm đốt, ném tàn vào la va bô, vặn nước cho chảy mất hết. Tuy Kinh Kong không nói rõ sẽ gặp ở đâu, nàng có đủ thông minh để đoán rằng y sẽ cho người theo dõi từ lúc nàng rời khỏi biệt thự. Nếu nàng theo đúng lệnh, y sẽ xuất đầu lộ diện. Nhược bằng nàng báo với công an, Kinh Kong sẽ lẩn đi và kiếm cách trả thù. Nàng sợ hai tiếng đó quá. Vả lại, nàng đâu dại đến nỗi tố cáo với nhà chức trách.
Lê Diệp đội cái mũ cát kết viền vàng mới tinh lên đầu, miệng vui vẻ nói với Văn Bình :
-Trông có giống hệt xốp phơ không anh ?
Văn Bình gật đầu, tủm tỉm :
-Trông chẳng khác nào cả. Thôi, ta vào việc đi.
« Vào việc » tức là bắt đầu tấn kịch mới. Văn Bình đóng vai nhà bác học nguyên tử, còn Lê Diệp là anh tài xế trung thành. Nhà bác học Văn Thái vừa ở Đức quốc về được bổ nhiệm tới Trung Tâm Nguyên Tử Thủ Đức. Văn Thái được cử làm chủ sự phòng G7, tức là cơ quan mật mã của Trung Tâm, sát cạnh phòng tổng thư ký của Như Luyến.
Chiếc Mercedes tối tân của nhà bác học Văn Thái từ từ lái qua cổng canh gác cẩn mật và đậu trước văn phòng giám đốc. Viên giám đốc là người tin cẩn nên ông Hoàng đã cho biết trước Văn Thái chẳng phải là nhà bác học mà là Z.28 của Sở Mật Vụ. Đợi Văn Bình yên vị đâu dấy, viên giám đốc mới đóng chặt cửa phòng lại, rồi nói :
-Tôi đã nhận được chỉ thị về ông. Vậy ông cần gì tôi xin giúp hết sức.
Văn Bình mỉm cười. Ông Hoàng thu xếp chu đáo thật ! Đoạn chàng đáp :
-Xin ông đưa tôi giới thiệu với các nhân viên trong Trung Tâm.
Chàng đứng dậy. Viên giám đốc đưa chàng đến phòng G7. Sau khi tiếp xúc với nhân viên, chàng về văn phòng. Đó là căn phòng sát với phòng làm việc của Như Luyến. Từ tối hôm trước, Lê Diệp đã đặt một hệ thống chụp ảnh giấu trong tường. Nhất cử nhất động của Như Luyến đều được thu vào phim nhựa. Trước khi tới Trung Tâm, Văn Bình đã nghiên cứu kỹ các tấm ảnh chụp Như Luyến ngồi băn khoăn gọt bút chì bên đống hồ sơ bề bộn. Chàng thấy rõ lúc Như Luyến rụt rè mở cánh tủ đựng hồ sơ và mở khóa cái rương sắt đựng tài liệu tối mật. Chàng không còn nghi ngờ nữa. Quả Như Luyến đã đánh cắp tài liệu nguyên tử của Trung Tâm Thủ Đức. Hôm nay, chàng muốn đánh một ván bài quyết định. Chàng sẽ nói thẳng thừng với Như Luyến biết.
Viên giám đốc gõ cửa phòng làm việc của Như Luyến. Bên trong có tiếng :
-Cứ vào.
Tuy nét mặt mỏi mệt, cách trang điểm cẩu thả của Như Luyến vẫn không giảm vẻ đẹp thường ngày. Có lẽ càng mỏi mệt, càng cẩu thả, nàng còn đẹp hơn nữa.
Viên giám đốc chỉ Văn Bình, giới thiệu :
-Trân trọng giới thiệu đây là bà Như Luyến, còn đây là bác sĩ Văn Thái, phụ trách phòng G7.
Như Luyến đứng dậy, nghiêng mình chào. Biết công việc của mình đến đây là hết, viên giám đốc cáo từ. Ngồi một mình trong văn phòng với Như Luyến, Văn Bình ngửi thấy mùi nước hoa quyện mùi da thịt thơm ngát của nàng. Thảo nào Đoàn Trung chết mê chết mệt ! Văn Bình nói :
-Thưa bà, tôi muốn nói với bà một câu chuyện quan trọng. Tôi không phải là Văn Thái mà là sĩ quan cao cấp của Sở Mật Vụ.
Như Luyến bật nảy như lò so, mắt mở rộng trong sự kinh ngạc :
-Thưa, ông là …
-Vâng, tôi là trung tá của cơ quan mật vụ.
Chỉ trong một giây đồng hồ sau, nàng lấy lại bình tĩnh :
-Thưa, Sở Mật Vụ cần tôi có việc gì ạ ?
Văn Bình thản nhiên châm thuốc lá hút :
-Thưa bà, tôi có được phép hút không ?
Như Luyến gật đầu. Văn Bình nói :
-Tôi đến đây vì một việc quan trọng, không những cho riêng bà mà còn cho cả quốc gia, cả thế giới nữa. Sở dĩ tôi phải đội lốt nhà bác họcVăn Thái vì tôi tin tưởng Trung Tâm này có tai mắt của địch.
-Tai mắt của địch ? Dạ, của ai, thưa ông ?
-Của những người đã tìm cách bắt bà trao tài liệu cho họ !
Như Luyến che miệng suýt kêu lên một tiếng. Văn Bình cảm thấy vào đề một cách tàn nhẫn quá, nhưng thời gian gấp rút, chàng không được phép từ tốn ngọt ngào. Văn Bình nói giọng nhỏ nhẹ :
-Chúng tôi hiểu bà lắm. Chúng tôi biết đích xác bà đã lấy một số tài liệu không quan trọng của Trung Tâm trao cho gián điệp Nga. Nhưng bà bị cưỡng bách chứ thâm tâm bà không muốn.
Mặt Như Luyến tái mét. Mắt nàng nhìn đăm đăm vào khoảng không. Nàng buột miệng chống chế :
-Thưa ông…
Văn Bình gạt đi :
-Chúng tôi biết bà đã trao cho họ bản tài liệu về những vật liệu mà Trung Tâm mua dùng để thí nghiệm trong tháng trước.
Vừa nói chàng vừa dò phản ứng của Như Luyến. Mặt nàng đã tái lại tái thêm. Bàn tay nàng dựa vào thành ghế bỗng run lên lẩy bẩy như người sốt rét.
-Tuy nhiên - Văn Bình nói tiếp – bà không thông đồng với địch, bà là người vô tội. Ở trong trường hợp bà, chúng tôi mới đích thân đến đề nghị với bà. Bà hãy hợp tác với chúng tôi.
Như Luyến bật hỏi như trong cơn mơ :
-Hợp tác ? Hợp tác thế nào, thưa ông ?
Văn Bình đáp chậm rãi :
-Bà cho chúng tôi biết ai đã tiếp xúc với bà và bà trao tài liệu cho ai ?
Như Luyến lắc đầu :
-Tôi lấy danh dự thề rằng tôi không biết họ là ai cả. Tôi mới gặp lần đầu.
Văn Bình vặn tay kêu đánh “cắc” :
-Bà chưa nói tôi cũng biết. Một vụ quan trọng như vậy không lẽ họ lại cho người quen bà đến tiếp xúc. Song le…
Như Luyến xua tay ngắt lời :
-Không, tôi sợ lắm. Người đó dặn tôi kỹ càng rồi, nếu tôi phản họ, họ sẽ khủng bố tôi, sẽ giết tôi và con tôi.
Nhìn thẳng vào mắt Như Luyến, Văn Bình nói :
-Bà yên tâm. Họ sẽ không tài nào biết được đâu. Vì muốn bảo vệ bà nên tôi đã đội lốt một nhà bác học đến đây. Nếu bà chịu cộng tác, tôi sẽ bố trí cho bà lấy tài liệu được dễ dàng. Bà vừa có tài liệu trao cho họ, lại vừa khỏi mang tội phản bội tổ quốc. Bà có biết trao tài liệu mật cho địch là phạm tội gì không ?
Như Luyến ôm đầu khóc. Văn Bình nói tiếp, giọng sắc như dao cạo :
-Tội tử hình, bà biết rồi chứ ? Cộng tác với chúng tôi, bà khỏi lo lại còn làm tròn bổn phận đối với quốc gia nữa. Bà bằng lòng không ?
Như Luyến lắc đầu. Như không quan tâm đến sự từ chối của nàng, Văn Bình tiếp :
-Gấp lắm rồi, tôi muốn bà quyết định ngay cho. Tôi hẹn bà đến sau bữa cơm trưa. Bà cần gặp tôi thì cửa văn phòng tôi bao giờ cũng mở để đón bà.
Nói xong, Văn Bình thản nhiên quay ra, đóng cửa đánh rầm. Trong phòng, Như Luyến nức nở khóc một mình.
Từng có kinh nghiệm trong những vụ “săng ta “ tương tự, Văn Bình đã đoán chắc sự việc sẽ xảy ra. Trong cuộc giáp mặt đầu tiên, Như Luyến tất nhiên ngập ngừng vì lời địch đe dọa còn đậm nét trong óc. Phải cho nàng thời giờ suy nghĩ. Là người có kiến thức rộng, biết cân nhắc lợi hại, Như Luyến sẽ nhận ra con đường phải theo.
Bữa cơm trưa, Văn Bình dặn mang tới văn phòng. Chàng không muốn ra câu lạc bộ sợ chạm trán với Đoàn Trung. Ba giờ chiều, Như Luyến gõ cửa bước vào phòng G7. Nét mặt của nàng có vẻ rắn rỏi, cương quyết hơn hồi sáng. Văn Bình rót cho nàng một ly huýt ky nhỏ, đoạn bưng tận tay, miệng nói :
-Mời bà nhấp một chút cho khỏe người.
Như Luyến uống một hơi hết sạch. Văn Bình châm thuốc Salem mời nàng hút. Gần Văn Bình, nàng bỗng cảm thấy ấm áp hơn, yên tĩnh hơn. Văn Bình nói :
-Tôi biết trước thế nào bà cũng nhận lời nên đã cất sẵn một chai rượu hảo hạng để uống mừng;
Như Luyến đáp, giọng vẫn chưa hết lo sợ :
-Cám ơn nhã ý của ông. Tôi vẫn thấy lo lo thế nào ấy.
-Bà yên tâm. Tôi sẽ lo liệu chu đáo hết. Đúng hẹn, bà cứ lấy tài liệu trao cho họ.
-Ông không sợ họ cướp mất hay sao ?
Văn Bình cười xòa :
-Chắc bà không lạ rằng tài liệu về công thức prô péc gôn gồm hai phần cả thảy. Phần đầu được cất trong phòng bà, còn phần hai trong két sắt của văn phòng bác sĩ Đoàn Trung. Nếu bà biết, chắc họ cũng biết vì tôi tin chắc họ có một cộng tác viên bí mật ở đây.
Như Luyến sửng sốt :
-Họ có người trong Trung Tâm à ?
Văn Bình bình thản đáp :
-Đó là chuyện dĩ nhiên. Bây giờ quay lại câu chuyện tài liệu, tôi đề nghị bà lần gặp đầu tiên chỉ trao phần tài liệu do bà cất giữ và hẹn lần khác sẽ trao nốt. Họ sẽ không thể nghi bà vì họ dư biết lấy phần thứ hai rất khó.
-Thưa vâng.
-Tôi muốn hỏi bà một chi tiết nữa. Lần đầu địch gọi điện thoại cho bà đến gặp ở Gia Định. Lần sau họ vào tận nhà bà phải không ?
-Thưa phải.
-Còn sau lần gặp ngoài Cấp, địch hẹn nếu bà ưng thuận thì mở cửa và bật đèn sáng phải không ?
-Thưa phải. Điều đó có gì quan hệ không vậy, thưa ông ?
-Không. Tôi hỏi cho rõ đấy thôi.
Bắt sang chuyện khác, Văn Bình hỏi :
-Còn chuyện này nữa. Biết phật lòng bà, tôi cũng hỏi. Xin bà thể tình cho. Bà có thể cho biết họ « săng ta » bà như thế nào ?
-Tại sao ông dám chắc người ta « săng ta » tôi ?
-Tại sao không biết ? Bà là người yêu nước, không lẽ bà làm gián điệp cho họ ? Chỉ còn một giả thuyết : bà bị địch « săng ta » . Vả lại, đây không còn là giả thuyết nữa, mà là sự thật. Nếu tôi không lầm, địch đã dựa vào một vài hành động của bác sĩ Túc Lăng để « săng ta » bà.
Đến đây, Như Luyến lộ vẻ kinh ngạc khác thường. Nàng không ngờ cơ quan mật vụ lại biết lòng nàng vanh vách như vậy. Kinh Kong đã như ma xó rồi, trung tá mật vụ này còn biết tường tận hơn nữa. Nàng buột miệng kêu lên :
-Túc Lăng ? Nhà tôi ư ?
Gật đầu, Văn Bình đáp :
-Vâng, ông nhà ta. Lúc ông bị tai nạn, ông có để lại cho bà một lá thư. Lá thư đó viết ra sao, tôi tưởng bà còn nhớ hết. Đồng thời, bác sĩ Túc Lăng còn viết một bức thư nữa cho nhà chức trách công an Mỹ, trong thư thuật lại những điều đã tiết lộ với bà. Vì vậy, công an Mỹ đã biết rõ hành động của bác sĩ Túc Lăng và kế hoạch đe dọa của cộng sản. Tuy nhận được thư vĩnh biệt của bác sĩ Túc Lăng, công an Mỹ vẫn không hành động, phần vì trọng tài của bác sĩ, phần vì trọng bà và bảo vệ tương lai cho cháu Lập.
Ngừng một phút như đợi lời nói của mình ngấm vào tâm tư Như Luyến, chàng nói tiếp :
-Địch bắt bà lấy tài liệu nếu không sẽ làm phiền bà về những bút tích của bác sĩ Túc Lăng phải không ?
Như Luyến gật đầu. Văn Bình nói :
-Vi bà muốn bảo vệ thanh danh của bác sĩ Túc Lăng nên bà chịu nghe lời họ. Bây giờ bà đã biết chính phủ Mỹ rõ việc ấy mà không nói ra. Bây giờ không còn lý do tình cảm nào ràng buộc bà với sự lo ngại ấy nữa.
Ngẫm nghĩ một lát, Như Luyến nói :
-Các ông đã biết cả, tôi tưởng có giấu nữa cũng vô ích. Ông làm thế nào tôi cũng xin vâng, tuy nhiên tôi chỉ cam kết một điều, nếu các ông để cho địch biết, tôi sẽ không nghe lời được nữa. Con tôi là điều tôi quý nhất. Họ đe dọa bắt cóc và giết con tôi nếu tôi báo với nhà chức trách. Tôi không thể sống nếu giọt máu duy nhất của tôi có mệnh hệ nào. Nếu ông thỏa thuận như vậy, tôi mới sẵn sàng cộng tác.
Văn Bình nói :
-Tôi xin thỏa thuận.
Như Luyến chào chàng, mở cửa bước ra.
Nhìn theo bóng nàng khuất sau làn kiíh đục, Văn Bình bâng khuâng trong dạ. Nếu Như Luyến biết chàng nói dối nhỉ ? Nếu nàng khám phá ra công an Mỹ chỉ biết Túc Lăng bán tài liệu cho Nga Sô nhưng không biết Túc Lăng viết lại một bức thư thú tội với nàng ? Nếu nàng biết Văn Bình không ngần ngại dùng bất cứ phương pháp nào để nhử mồi Kinh Kong, dẫu đó là phương pháp nàng không ưa thích ?
Văn Bình tợp một hơi huýt ky, đoạN đội mũ lên đầu ra ngoài sân tìm « xốp phơ » Lê Diệp.
------------
(1) zirconium.

Chương trước Chương sau