Một vụ đánh cắp tài liệu nguyên tử - Chương 02

Một vụ đánh cắp tài liệu nguyên tử - Chương 02

Xác chết vô thừa nhận ở Lăng Tô

Ngày đăng
Tổng cộng 14 hồi
Đánh giá 9.6/10 với 14453 lượt xem

Khác với mọi chủ nhật khác, chủ nhật này tiệm bán máy vô tuyến Trường Thanh ở đường Nguyễn văn Xâm lại đóng cửa im ỉm. Nhân viên của tiệm đột nhiên được ông chủ cho nghỉ lễ hàng năm. Mọi người không lấy làm ngạc nhiên. Từ lâu, ông Trường Thanh đã hứa sẽ cho toàn thể nghỉ luôn 15 ngày liền vì suốt năm họ phải làm việc cả ngày chủ nhật và ngày lễ. Dịp nghỉ này, ông Trường Thanh hẹn đến mùa mưa, mùa mà khách hàng thưa thớt.
Mọi người cám ơn ông chủ rối rít. Cô giữ két đã đi từ sáng sớm, cửa hàng ngày thường vui vẻ đông đúc bao nhiêu thì tối nay lại đìu hiu, cô quạnh bấy nhiêu. Nghe tiếng mưa rơi như xối ngoài đường, Trường Thanh cảm thấy sốt ruột. Liệu người đó có tới đúng hẹn không ? Người đó là một cán bộ do cơ quan gởi tới hoạt động. Trường Thanh, chủ một tiệm bán máy vô tuyến bình thường, lại là nhân viên của bộ máy gián điệp Sô Viết tại Sàigòn. Trường Thanh dong dỏng cao, long lanh cặp mắt sáng quắc. Thoạt nhìn thì cặp mắt có vẻ đôn hậu, nhưng nhìn lâu ai cũng phải nhận ra một tia lửa độc ác và phản bội.
Trường Thanh là một đảng viên cộng sản. Sau khi gia nhập Đảng ít lâu, y được tổ chức vào cơ quan do thám R.U. hoạt động ở Viễn Đông. Từ mấy năm nay, với số tiền của R.U., Trường Thanh mở tiệm buôn bán máy ra đi ô, đội lốt một nhà buôn hiền lành, thuần thục, ít phê bình, tôn trọng luật pháp. Y có nhiệm vụ phát triển tổ chức, lấy thêm nhân viên dưới quyền. Bộ máy đương chạy đều đột nhiên bị trục trặc. Sở Phản Gián Việt Nam phăng ra đầu mối, một số tiểu tổ của R.U. sa lưới. Nhanh chân, Trường Thanh thoát nạn, và từ đấy đến nay đành chôn chân một chỗ.
Sóng gió đã qua. Một bản mật điện của R.U. ra lệnh cho y hoạt động lại nhưng lần này không phải là việc lấy tin như thường lệ và không phải làm chỉ huy nữa. Người chỉ huy sẽ từ bên ngoài tới, trực tiếp với Trường Thanh. Dĩ nhiên, công tác phải thập phần hệ trọng nên R.U. mới chịu đưa cán bộ cao cấp vào. Theo lệnh, người đó sẽ tới gặp y tại đây. Tới vào khoảng chập tối. Nhưng trời đã tối từ nãy. Trận bão ban chiều giật phăng những cành cây ngô đồng trước cửa, vứt bừa bãi trên vệ đường. Mưa rào đã hết. Bầy trẻ con trong phố rủ nhau ra dưới máng kẽm bên cạnh té nước nô đùa. Rạp chiếu bóng thường trực ở góc đường rú lên một bài cha cha cha nóng bức.
Reng. Reng. Reng… Trường Thanh giật bắn người. Y tắt ngọn đèn nê ông ngoài cửa hàng, đoạn mở cửa. Một người trẻ tuổi cao lớn, đội mũ phớt, bận âu phục sang trọng, tay xách cặp da đen nặng chĩu lách vào. Trường Thanh nhìn vào tận mắt người lạ mặt :
-Có phải ông đến dạm bán cho tôi 4 cái máy thâu thanh hiệu Novak 8 đèn đấy không ?
Kô Băng - vâng, người lạ mặt đó là Kô Băng - đáp khô khan :
-Phải. Hãng tôi lại vừa về một tá máy Grundig và R.C.A. nữa. Ông muốn mua 3 cái hay 6 cái ?
Theo lệnh, người lạ mặt phải nói 2 mật hiệu cả thảy. Mật hiệu thứ nhất đã trao xong. Còn câu thứ hai.
Vẫn Trường Thanh hỏi trước :
-Xin lỗi, ông ở hãng nào tới, tôi sơ ý quên mất ? Hãng Tô xi ba hay hãng Tatwoong ?
-Không. Tôi ở hãng Hoàng Định.
Trường Thanh bắt đầu yên tâm. Y nói :
-Chào đồng chí. Tôi là Trường Thanh.
Kô Băng hất hàm :
-Tôi biết. Tôi biết.
Trường Thanh dẫn Kô Băng vào nhà trong rồi trèo lên gác. Chiếc đồng hồ quả lắc trên tường điểm 8 tiếng. Kô Băng hỏi :
-Anh ở đây có một mình thôi chứ ?
Trường Thanh đáp, giọng kính nể :
-Thưa có một mình. Tôi biết đồng chí tới nên đã cho người làm nghỉ phép hết.
Kô Băng có vẻ không bằng lòng :
-Anh nên gọi tôi là Kô Băng, hoặc là anh tiện hơn. Đây có phải là Hà nội hay ở Mát scơ va (1) đâu mà gọi đồng chí ? Cái tinh thần cảnh giác của anh để đâu ?
Trường Thanh nín thinh. Kô Băng tiếp :
-Tôi muốn anh làm việc ngay bây giờ. Anh báo tin cho các cộng tác viên biết lập tức đi.
Trường Thanh hỏi, giọng lo lắng :
-Thưa, tình hình còn “động”. Chưa làm cái gì mạnh bạo được đâu. Nếu mình cựa quậy, họ sẽ bắt sạch. Vả lại,…
Kô Băng buông thõng :
-Không có vả lại gì hết. Tôi là thượng cấp của anh, anh phải tuân lệnh tôi. Nghe chưa ?
-Xin nghe.
-Anh là đảng viên cộng sản. Anh phải tuân lệnh Đảng. Tôi thay mặt Đảng đến đây giao công tác cho anh.
Miệng Trường Thanh khô hẳn lại, nhưng y cũng cố đáp :
-Xin vâng.
Kô Băng dằn từng tiếng một :
-Tôi cũng biết hoạt động ở đây không phải dễ. Lão Hoàng của họ cũng là tay cáo già trong làng Phản Gián chứ không là bọn do thám tập sự đâu. Nhưng có tôi, mọi việc đều trôi chảy. Việc này quan trọng lắm nên tôi mới đích thân tới đây. Bây giờ tôi cần hai người. Cần ngay bây giờ.
-Vâng. Tôi sẽ gọi ngay cho họ. Còn vấn đề chỗ ở của đồng chí. Dạ, mỗi khi tôi cần tiếp xúc thì sẽ tới đâu ?
Kô Băng ngắt lời :
-Tôi sẽ đến đây, hoặc tôi sẽ ra mật hiệu.
Trường Thanh nhắc ống nói tự động lên tai, còn tay thì quay dĩa số. Số điện thoại mà Trường Thanh gọi là của một khiêu vũ trường trên đường Trần Hưng Đạo.
***
Đèn chuyển sang màu đỏ tươi. Ban nhạc đánh một bài tăng gô quyến rũ. Phạm Đồng nhìn Thu Thủy, một vũ nữ có sắc đẹp mê hồn. Phạm Đồng không nói ra, nhưng cái nhìn muốn nói :
-Nhảy một bài với anh đi em.
Thu Thủy đứng dậy, chìa tay ra mời. Phạm Đồng dắt nàng ra sàn nhảy, giữa lúc ấy mấy cặp trai gái đã bắt đầu khiêu vũ. Phạm Đồng là khách quen của tiệm nhảy Thiên Đường. Tối nào cũng vậy, cứ tiệm nhảy mở cửa là chiếc xe Ford mới tinh hảo của y lại đỗ xịch trước cửa, nhả xuống một trang tuyệt sắc giai nhân : Thu Thủy.
Thu Thủy được nhiều người săn đón, nhưng thanh niên được nàng dành cảm tình đặc biệt là Phạm Đồng. Đồng có đủ điều kiện để chiều chuộng một vũ nữ : y chưa vợ, ăn tiêu rộng rãi, lại lúc nào cũng sẵn tiền. Đồng lại nhảy đẹp nữa, chả thế mà người ta gọi y là bằng cái tên rí rỏm là Đồng tăng gô. Gọi là Đồng tăng gô cũng không ngoa vì y thích mỗi cái bản tăng gô quay chậm, tuy y nhảy kiểu khác không phải là vụng về. Mỗi khi giàn nhạc chơi tăng gô là trên mặt pít nhất định phải có Phạm Đồng dính liền với Thu Thủy.
Vừa bước nhè nhẹ, Phạm Đồng vừa nói nhỏ bên tai Thu Thủy :
-Gớm, em cưng hôm nay lộng lẫy quá !
Thu Thủy lả lơi :
-Em bao giờ chả thế !
-Chút nữa, về với anh nhé ?
-Cái anh này bao giờ cũng hay đòi hỏi thôi !
-Đâu mà đòi hỏi ? Thế có bằng lòng không để người ta chờ ?
Thu Thủy gật đầu. Đèn tắt, Phạm Đồng dìu Thu Thủy về chỗ cũ rồi vừa uống rượu vừa nói một giọng bình thản :
-Em vẫn thích hoa tai kim cương chứ ?
Thu Thủy trố mắt ngạc nhiên :
-Sao lại không thích ? Mỗi lần qua đường Tự Do, có bao giờ em không nài anh mua cho kỳ được. Em thich nhất cái đôi vòng tròn tròn ấy. Anh mua cho em nhé ?
-Anh sắp có tiền. Chóng ngoan, anh sẽ mua cho.
-Thật nhá.
Thu Thủy ôm tình nhân hôn chùn chụt lên má, lên tóc, lên trán.
Giữa khi đó, tiếng chuông điện thoại ở quầy rượu, gần bàn hai người, reo lên. Chủ tiệm nghe xong, đặt ống nói xuống, ngoắt một người bồi. Anh bồi cung kính đến trước mặt Phạm Đồng, nghiêng mình thi lễ :
-Thưa ông, có giây nói.
Phạm Đồng tái mặt. Thật ra, có giây nói là tin mừng, là có tiền. Từ mấy ngày nay, y vẫn đợi cái phút có tiền ấy. Nhưng không hiểu tại sao y lại thấy bồi hồi trong dạ.
Đầu giây kia là giọng nói ngọt ngào, dễ thương của chủ tiệm vô tuyến Trường Thanh :
-Alô. Phạm Đồng đấy ư ?
-Vâng. Phạm Đồng đây. Ai đó ?
-Tối nay có phim cao bồi hay lắm, anh định đi xem không ?
Nhận ra mật hiệu của Trường Thanh, Phạm Đồng đáp :
-Phim cao bồi ấy à ? Tôi không thích. Tôi thích xem phim tình cảm kia.
-Thế thì đợi đến mai vậy.
Phạm Đồng nghe tiếng ống nói đặt xuống ở bên kia đường giây. Câu « thế thì đợi đến mai vậy » là một ám hiệu nói rằng Phạm Đồng phải đến chỗ hẹn ngay tức khắc. Lòng Đồng tăng gô vui như hội. À, ra Sở lại vừa tìm ra việc làm cho y. Đồng không phải là hạng điệp viên bình thường chỉ làm cái việc theo dõi kẻ khả nghi, hoặc lượm vài ba mẩu tin dễ dãi, mà là nhân viên hành động. Lệ thường, người ta chỉ vời y một khi cần đến tay súng bá phát bá trúng và món đòn nhu đạo tàn sát.
Đồng ăn lương của R.U. tuy y không phải là đảng viên cộng sản. Y cần tiền để bao gái đẹp, cần tiền uống rượu, và ăn ngon mặc đẹp.
Đồng thuộc vào xã hội của những người không có tình cảm, không còn lương tri để phân biệt trắng đen, ngoại trừ cái trắng đen của xấp giấy bạc như bọn đoàn viên của Nghiệp đoàn Sát nhân mà Al Capone lập ra mấy chục năm trước bên Mỹ.
Chiếc xe Ford sơn màu trắng của y đang đậu trước cửa. Phạm Đồng mở cửa, nổ máy đoạn trước khi gài số cho xe chạy, liếc vào tấm kính xem có ai khả nghi chung quanh không. Không. Tịnh không một ai.
Trời mới mưa xong nên đường phố sạch sẽ, trơn bóng, trải một lớp ánh đèn nê ông sáng quắc. Cơn nóng ban chiều đã tản đi hết, nên dân chúng Sàigòn cảm thấy cần đi ngủ hơn là lang thang ngoài đường như y. Phạm Đồng nốc một hơi hết một góc tư chai rượu mạnh mà y vẫn cất trong hộc xe hơi phía trước. Đồng không hèn nhát. Y đã giết người nhiều lần rồi. Nhưng mỗi khi nhận công tác, y lại cần uống rượu. Và y thấy uống rượu vào, can đảm lại tăng lên.
Địa điểm gặp gỡ là một cái hẻm tối om gần Chợ Lớn mới. Như thường lệ, Phạm Đồng lái xe sát lề, đoạn tắt máy, bước xuống, trèo lên xe Peugeot sơn đen, bề ngoài cũ kỹ của Trường Thanh. Xe của Trường Thanh vẫn còn để máy chạy. Dưới ánh sáng của táp lô, nét mặt Trường Thanh có vẻ đăm chiêu và suy nghĩ. Trường Thanh không chào hỏi vồn vã như thường lệ. Xe chạy được một quãng, Phạm Đồng liền hỏi :
-Có việc cần gì thế ?
-Cần lắm. Trường Thanh đáp. Hãy nhìn ra sau xem có bị theo dõi không ?
Phạm Đồng, ngồi lách sang một bên ở ghế trước, hai mắt nhìn qua ô cửa kính chữ nhật sau chiếc Peugeot. Phía sau còn tung tóe ánh đèn bin đinh 6 tầng của một khách sạn Hoa kiều. Một dãy xe xích lô gác càng ở phía trước. Không có ai đáng quan tâm cả. Chợt Phạm Đồng nhìn thấy một cặp đèn xe vừa ở ngã ba quẹo tới, và chạy từ từ. Đèn không sáng lắm nên y nhận rõ được mác xe : đó là một chiếc xe Đức hiệu Mercedes cực mạnh. Không biết có phải là xe của Họ hay không ?
Phạm Đồng nói nhanh :
-Có lẽ bị theo đấy. Thử rẽ sang bên trái xem sao.
Chiếc Peugeot quẹo sang bên trái. Xe Mercedes cũng quẹo theo. Trường Thanh đạp lút ga. Chiếc xe 7 mã lực rùng lên rồi chạy vút như tên. Lại rẽ sang bên phải. Lần này chiếc Mercedes quẹo trái. Trường Thanh lái ra Đồng Khánh, rồi vòng ra sau chợ An Đông. Chiếc xe Đức lúc nãy mất hút.
Phạm Đồng mới hoàn hồn :
-Chúng mình tự kỷ ám thị đấy. Nếu là là xe của Họ thì không lẽ lại mất hút như vậy ?
Trường Thanh rút khăn tay ra lau mồ hôi. Tuy là đảng viên cộng sản mà y thấy nghề này bạc bẽo quá ! Nếu không sợ bàn tay vô hình của R.U. , nếu có thể khước từ thì y không lao đầu vào công tác nguy hiểm này.
Chạy một quãng đường xa nữa, Trường Thanh mới nói :
-Sở ra lệnh cho anh nội đêm nay phải thủ tiêu AS 2.
Phạm Đồng giật mình như bị điện giật :
-Giết AS 2 sao ? Hắn ta là đồng chí trung thành, tại sao lại giết ?
Trường Thanh lắc đầu :
-Không, chúng mình lầm cả. Chính y đã bán chúng ta cho họ. Tôi cũng tin một cách khờ khạo như anh. Trung ương vừa phái đồng chí cao cấp về đây ra chỉ thị đó. Anh phải tìm đủ mọi cách giết y trong đêm nay. Kế hoạch thế này…
--------------
Một tiếng đồng hồ trước đó, Trường Thanh cũng sửng sốt như Phạm Đồng khi nghe nói đến thủ tiêu AS 2.
AS 2 là bí danh của một nhân viên hành động ăn lương của R.U. từ 3 năm nay. Suốt 3 năm phục vụ, y bao giờ cũng làm tròn bổn phận và hết mực trung thành. Là người tìm ra rồi phát triển vào tổ chức, Trường Thanh hiểu y hơn người nào hết.
Ngồi yên trong chiếc ghế bành bọc nỉ xanh, Kô Băng nói chậm rãi từng tiếng một :
-Lệnh thứ nhất mà anh phải thi hành là giết AS 2.
Trường Thanh bật lên như lò so :
-Thưa… có lẽ đồng chí lầm rồi. Y là một trong những cộng tác viên trung kiên nhất của ta kia mà !
Kô Băng hất hàm :
-Tại sao anh dám chắc AS 2 trung kiên nhất ?
Trường Thanh nói lắp bắp :
-Thưa…thưa…
Kô Băng gắt :
-Anh không phải thưa bẩm gì cả. Vô ích. Tôi ra lệnh cho anh xử tử y nội trong đêm nay. Nếu anh từ chối, tôi sẽ báo cáo về trung ương sự phản bội này.
Trường Thanh mặt tái như gà cắt tiết :
-Thưa đồng chí, tôi đâu dám cãi lệnh, nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Chính tôi giới thiệu AS 2 cho tổ chức. Cũng chính tôi điều khiển hắn. Hắn không thể là phần tử phản bội.
Kô Băng vẫn lạnh như nước đá :
-Anh có bằng cớ cụ thể không ?
Trường Thanh chống chế một cách tuyệt vọng :
-Bằng cớ cụ thể thì không, nhưng tôi biết. Tôi biết hắn không phải là kẻ phản bội.
Kô Băng dằn từng tiếng một, cặp mắt quắc ra lửa, nhìn vào mặt Trường Thanh:
-Tôi muốn dân chủ với anh nhưng không thể dân chủ được mãi. Anh nên nhớ cái nghề này không phải là một nghề tình cảm. Anh tin, anh biết là một chuyện, còn bằng cớ là chuyện khác. Anh là cá nhân, làm sao có nhiều mắt, nhiều tai, nhiều bàn tay bằng Sở được ? Một cơ quan khác của ta ở đây đã tìm đủ tài liệu chúng tỏ AS 2 là gián điệp đôi. Mấy tháng trước, vì hắn hai lòng nên một phần tổ chức bị bại lộ. Theo kỷ luật, đúng ra một khi nhân viên phản bội, kẻ giới thiệu cũng bị trừng phạt. Anh đã bảo trợ cho AS 2. Anh có biết nếu AS 2 bị xử tử, anh sẽ ra thế nào không ?
Trường Thanh run lên như bị sốt rét :
-Thưa biết.
Kô Băng cười nhạt, hút một hơi thuốc lá và nói từ từ như muốn kéo dài cái giây phút hãi hùng ấy mãi :
-Trên nguyên tắc là như vậy, nhưng Đảng xét anh là một đảng viên trung thành nên muốn tạo cơ hội cho anh đái tội lập công. Bây giờ anh còn thắc mắc gì về việc trừng phạt AS 2 nữa hay không ?
Trường Thanh lắc đầu :
-Thưa không. Tôi xin thi hành ngay tức khắc.
Trường Thanh thở một cái rõ dài như muốn trút hết làn khí độc đương ép ngực y. Thì ra Đảng khoan hồng thật ! Đảng biết người biết của thật ! Lúc nãy y còn nghi ngờ về việc AS 2 phản bội, phút này y đã tin chắc trăm phần trăm. Vì AS 2 là tổ chức bị bại lộ. Cũng vì AS 2 mà y suýt mất mạng. Lòng Trường Thanh đột nhiên nhẹ nhõm, thơ thới. Y sửa soạn lái xe đi gặp Phạm Đồng.
Kô Băng vẫn ngồi im trong chiếc ghế bành. Nét mặt người gián điệp Nga không thay đổi tuy trong lòng tràn trề vui sướng. Cái kế mà y nghĩ ra từ mấy tuần trước khi đặt chân xuống Sàigòn không ngờ lại hợp lý đến thế. Nếu Trường Thanh khôn hơn chút nữa, y sẽ không chịu cho đầu vào bẫy. Nếu y chịu khó nhớ đến khuôn mặt, khổ cao, vóc người của AS 2 nhỉ ?
AS 2 mà hình ảnh được cất kỹ trong tủ sắt của sở R.U. ở Mạc tư khoa không may lại giống Kô Băng gần như hai giọt nước. Giống nhất là dáng đi điềm đạm, vóc người cao lực lưỡng, đôi vai đầy, cái bụng thót, đôi chân dài, lẳn của người chạy đua. Mặt thì hơi khác, khác ở chỗ đôi mắt một mí hỏ hơn, đần độn hơn, ở cái miệng rộng toác, và cái mũi dèn dẹt. Nhưng chỉ giống khổ người là được. Kô Băng có cần gì y phải giống cả mắt, cả mồm, cả mũi đâu ?
Trước khi xuống tàu Hokan Maru ở bến Hoành Tân, Kô Băng mất một đêm thảo kế hoạch. Thuyền trưởng Sa tô đa, kẻ ham tiền, kẻ thứ nhất biết y nhập lậu vào Sàigòn cần phải thủ tiêu để trừ hậu hoạn. Song le, sớm hay muộn, người ta sẽ khám phá ra sự biệt tích của một thủy thủ mới nhập tàu Hokan Maru. Nếu thi thể Sa tô đa được tìm ra thì không phải công an tư pháp cũng có thể biết rõ viên thuyền trưởng bị thủy thủ Ma Tê giết. Ma Tê là tên mà Kô Băng ghi vào danh sách thủy thủ của tàu Hokan Maru. Biết được Ma Tê là sát nhân, sở công an Sàigòn sẽ huy động bộ máy ruồng bắt. Công việc mà Kô Băng lãnh nhiệm vụ thi hành sẽ bị chận đứng lại. Chỉ còn một cách, đó là giết luôn gã thủy thủ Ma Tê. Lần đầu tiên khi cầm tới tấm ảnh toàn thân của AS 2, Kô Băng đã nảy ra ý định tàn nhẫn này.
Phải, có khó khăn gì ? Sa tô đa bị Ma Tê giết. Giết xong, Ma Tê trốn lên bộ. Đêm đó, sau nhiều phút bị lương tâm con người vò xé, Ma Tê hối hận và tuyệt vọng, đã kê họng súng vào miệng lảy cò. Ngay khi đó, công an sẽ đổ xô lại, và ít ra sẽ nhận diện được tên thủy thủ sát nhân Ma Tê với cái bóp phơi đầy giấy tờ căn cước.
Ma Tê chết, Kô Băng sẽ thảnh thơi hoạt động. Hy sinh AS 2 không phải là chuyện đáng tiếc. AS 2 chết thay cho y. AS 2 lại là bóng ma luôn luôn hăm dọa Trường Thanh nữa. Sau khi thấy Đảng khoan hồng đối với mình, y sẽ trung thành thêm lên và hoạt động thêm tin tưởng.
Một mũi tên giết một lúc hai con chim, Kô Băng còn ngần ngại gì mà không bắn ra ?
Viên giám đốc R.U. ở Viễn Đông cũng tán thành kế hoạch của Kô Băng. Vả lại, một khi Kô Băng đề nghị, thượng cấp bao giờ cũng đồng ý. Kô Băng là tài hoa của Sở. Dẫu vô tội và trung thành, một khi Kô Băng đòi giết, AS 2 cũng phải chết.
***
-Lầu 3 nghe !
-Tôi lên tầng thứ 5.
Trần Đào nghe cả hai câu nói cùng một lúc. Là người giữ thang máy cho một khách sạn lớn ở đường Tự Do, mạch máu của hòn ngọc Viễn Đông, Trần Đào đã nghe quen tai những tiếng lên, xuống lầu 3, lầu 4…
Trần Đào mới 20 tuổi. Hồi còn đi học, y nuôi giấc mơ sẽ thành nhà học giả. Đậu bằng tiểu học, y lên thủ đô tiếp tục lớp trên. Xa nhà, thui thủi một mình, Đào chỉ biết bầu bạn với ngọn đèn đêm và chồng sách đầy rẫy chữ số và công thức toán lý hóa.
Bỗng một hôm, một tờ truyền đơn được chuồi vào cặp sách của Đào. Giọng văn viết thật cảm động. Đào sợ quá định vất đi nhưng không hiểu tại sao lại cất dưới đáy rương. Cái thứ hai lại đến. Rồi cái thứ ba, thứ tư…
Một buổi trưa nắng, mật thám Tây ập tới căn phòng cậu học sinh chất phác. Trần Đào bị bắt về tội tuyên truyền và tàng trữ tài liệu phiến loạn. Đào bị đưa ra tòa lãnh án. Vào tù, y gặp những cán bộ cộng sản thực thụ. Đào được tổ chức. Mãn án, Đào trở nên một người khác, một thanh niên hy sinh mù quáng cho Đảng, tuy Đào không ưa chính trị, tuy Đào chỉ muốn tiếp tục con đường học vấn.
Đảng ra lệnh cho y bỏ học mặc dầu cha mẹ y vẫn tiếp tục gởi tiền hàng tháng. Y xung vào ban hành động. Nhờ vóc người cao và thân hình lực lưỡng, không có vụ nào là không có bàn tay của Trần Đào dúng vào. Mỗi lần xong công tác, y lại được khen thưởng. Trường Thanh đã nhiều lần cam kết sẽ mang y sang Nga học nghề bác sĩ. Và chỉ mấy tháng nữa y sẽ từ giã miền Nam lênh đênh trên bể khơi… Nhưng trong khi chờ đợi, y phải tạm đóng vai một gã bồi đần độn, giữ thang máy ở khách sạn này.
Cho đên nay…
Thang máy dừng lại ở tầng lầu 6, tầng cao chót. Người khách cuối cùng đã ra. Lệ thường, mỗi khi lên tầng 6 là Trần Đào chạy về cái phòng xép mà khách sạn dành cho bồi. Trong đó có giường ngủ độc thân của Trần Đào và ở đầu giường có một tấm ảnh to bằng góc tư tờ nhật báo, ảnh của một cô gái quê thùy mị mà y hứa sẽ lấy làm vợ một mai khi công thành danh toại.
Trần Đào nhắm mắt lại, ghé bức ảnh tô màu sát vào đôi môi mấp máy. Y đứng yên như vậy lâu lắm, tưởng chừng lâu lắm, tưởng chừng người chung thủy đang đứng uyển chuyển bên cạnh với chiếc áo dài trắng thướt tha, đôi guốc cao gót cũng sơn trắng, với bàn tay thon thon như nặn và với một bộ ngực vừa vặn, ngập ngừng như trái thơm chín mọng.
Một giọng nói quen thuộc thốt bên tai :
-Đào ? Đào ?
Trần Đào mở choàng hai mắt. Trường Thanh không biết đứng tự bao giờ bên cạnh. Trần Đào hai mắt lộ vẻ sợ hãi :
-Em xin lỗi đồng chí.
Trường Thanh vỗ vai y cười xòa :
-Em đâu có gì mà xin lỗi ? Ai chả có lúc mềm lòng như vậy ?
Trần Đào cất tấm ảnh lên bàn, miệng hỏi :
-Anh đến báo tin mừng cho em phải không ?
Trường Thanh gật đầu :
-Phải, anh đến báo tin mừng cho em đây. Thay quần áo đi theo anh ngay bây giờ.
Trần Đào hỏi thêm :
-Thế nào ? Em được đưa sang Nga học bác sĩ à, thưa đồng chí ?
Trường Thanh vẫn cười :
-Ừ, trung ương chấp nhận đơn của em rồi. Mặc áo đi mau.
Trần Đào vội cởi chiếc áo trắng cò phù hiệu khách sạn vứt lên giường, đoạn khoác chiếc áo sơ mi rằn ri lên mình. Trường Thanh nói :
-Em xuống nói với ông quản lý xin thôi ngay có được không ?
Trần Đào đáp vui vẻ :
-Thưa đồng chí, được chứ ! Em có nói với ông ta em sắp về tỉnh lấy vợ. Ông ấy dặn hễ khi nào có người nhà lên thì ông ấy cho thôi ngay.
-Được, anh chờ em ở góc đường Tự Do – Ngô Đức Kế. Nhớ mang cả quần áo đi nghe không ? Không được lưu lại một dấu vết gì đấy. Công an tóm được một chiếc tất, hoặc một mẩu giấy sẽ phăng ra em thì hết cả đi với đứng. Nhớ chưa ?
-Em xin nhớ.
Trường Thanh đi ra phía cầu thang, xuống bộ chứ không ra thang máy.
Trái tim Trần Đào đập mạnh. Cái ngày mà y mong đợi từ bao năm nay đã đến. Đảng đã thưởng công cho y. Thì ra y thôi học, y nhận cái chân gác thang máy này có phải thiệt thòi, dại dột đâu.
15 phút sau, Trần Đào xách va li nhẹ nhàng rời khỏi khách sạn. Chiếc Peugeot sơn đen của Trường Thanh đóng cửa kêu sầm một tiếng. Ngồi trên ghế sau đợi y là Phạm Đồng, gã ăn chơi khét tiếng của các tiệm nhảy, sòng me.
Phạm Đồng cười hỏi Trần Đào :
-Chào chú Đào, có thú không ?
Đào đáp :
-Cám ơn đồng chí, em đâu dám mong gì hơn nữa.
Thấy xe chạy qua cầu Tân Thuận sang Phú Xuân, Trần Đào nhìn Phạm Đồng lộ vẻ ngạc nhiên :
-Đi đâu thế này, các đồng chí ?
Ngồi trước vô lăng, Trường Thanh bình thản đáp :
-Ngốc lắm. Xuống Nhà Bè đón tàu ngầm chứ còn đi đâu nữa ? Chú tưởng máy bay đến đón chú Tân Sơn Nhất à ?
Nói xong, Trường Thanh cười ngất. Trần Đào cũng cười theo. Cái vui của y tràn lên như sóng bể. Nhưng sóng vui của chàng thanh niên yêu đời kia không được lâu. Qua cầu Phú Xuân, qua cái lô cốt sơn trắng bên cạnh một cây cầu xi măng, Trường Thanh cho xe chạy chậm lại, trong khi đó Phạm Đồng cho tay sang bên cửa quay kính lên kín mít. Tiếng ra đi ô trong xe bắt đầu nổi lên. Trường Thanh ghét nghe nhạc jazz, tại sao lại chọn bài nhạc ầm ỹ này ? Linh tính con người báo cho Trần Đào một cái gì khác lạ. Bỗng nhiên, y thấy tóc gáy dựng lên một cách khó hiểu. Trần Đào run lên như cầy sấy, cố thu mình vào một góc xe mong sao cho nhỏ lại.
Phạm Đồng cười khà khà một cách độc ác :
-À ra mày cũng biết sợ nữa kia à ?
Trần Đào ấp úng :
-Thưa, thưa…em không hiểu sao cả. Tại sao, thưa các anh ? …Em sợ quá…
Phạm Đồng quát lên :
-Còn vờ mãi. Mày liên lạc với ai bên Phản Gián của địch ?
Đôi mắt Trần Đào như muốn lòi hẳn ra ngoài mặt. Hắn ngạc nhiên một cách kỳ dị như đương sống một giấc mơ dưới âm phủ :
-Em có liên lạc với ai đâu ?
Phạm Đồng vẫn quát :
-Sắp chết đến nơi rồi mà còn già họng. Khai ra thì mày được chết yên ổn hơn. Nhược bằng mày …
Đến phút đó, Trần Đào mới biết mình sẽ bị giết. Trong một phần mười giây đồng hồ, một cảm giác tiếc nuối và hối hận bừng dậy như tia nắng ấm một ngày mưa rét. Trần Đào biện hộ :
-Em bao giờ cũng trung thành với Đảng. Nếu em nói dối, trời tru đất diệt em đi.
Phạm Đồng không thèm nói lại. Trường Thanh cũng im thin thít. Tiếng Trần Đào tha thiết hơn :
-Anh Trường Thanh ơi. Tại sao lúc nãy anh đánh lừa em bảo rằng xuống Nhà Bè đón tàu ngầm ? Anh rủ em vào Đảng, bây giờ anh lại đem em đi giết, nhưng em có phản Đảng đâu mà giết. Các anh tha cho em đi, rồi bảo gì em cũng làm. Nếu em nói dối, trời tru đất diệt em đi.
Trường Thanh nói giọng ráo hoảnh :
-Tao không muốn nhiều lời nữa. Mày liên lạc với ai, nói ra ?
Đột nhiên giọng nói của Trần Đào rắn lại :
-Tôi không liên lạc với ai cả. Các anh bảo tôi phản bội thì thử hỏi đã có bằng cớ nào chưa ? Thử đưa ra xem ?
Khốn nạn ! Đến Trường Thanh cũng không biết Trần Đào phản bội ra sao nữa là… Trần Đào còn muốn nói nữa. Hắn đến lúc liều rồi, nhưng bàn tay võ sĩ của Phạm Đồng đã giáng một cái vào đầu hắn. Giáng vừa đủ làm cho cái thân hình cao thước bảy của Trần Đào gập xuống và ngất đi.
Trường Thanh đã hãm xe lại bên vệ đường. Phạm Đồng lôt quần áo Trần Đào ra rồi mặc bộ âu phục tét gan mới tinh của thủy thủ Ma Tê vào người. Từ cái sì líp, chiếc áo lót đến cái đồng hồ cũng đều mang nhãn hiệu Nhật Bản. Trường Thanh bỏ vào túi sau Trần Đào cái bóp phơi đầy ứ giấy tờ của thủy thủ Ma Tê, trong đó có hơn một chục tấm ảnh gái đĩ khỏa thân. Kô Băng muốn mọi người phỉ nhổ tên thủy thủ chơi bời và dâm đãng. Xong xuôi, chiếc Peugeot quay đầu lái về Khánh Hội. Nhưng khi qua cầu Tân Thuận, Trường Thanh lại rẽ sang bên trái đi Lăng Tô. Rừng điện của những quán ăn đón gió Lăng Tô đập vào mắt hai người. Trận mưa hồi chiều dâng nước sông gần ngập sân các quán cất trên cọc. Một giãy xe hơi đắt tiền đã đậu từ bao giờ. Một bản nhạc êm ái từ một cái quán ăn ở đầu đường vẳng lại.
Trường Thanh ấn ga chạy qua đoạn rẽ vào một bãi trống gần đấy. Y tắt hết đèn, hãm phanh cho xe chạy vào sát bờ sông. Trên xe, Phạm Đồng rút ống hãm thanh bằng cao su tối tân cắm vào khẩu Browning cỡ 7.65. Họng súng đút sâu vào miệng Trần Đào rồi y thản nhiên bóp cò một cái.
Bụp ! Viên đạn mà đầu chì đã được cưa sẵn soi lên óc, phá tung cả miệng, mũi và đôi mắt.
Nhìn xác chết một cách lạnh lùng, Phạm Đồng rút mù xoa ra lau súng đoạn nhét súng vào tay phải của Trần Đào sau khi cầm ngón tay trỏ của nạn nhân ấn mấy cái thật mạnh vào cò.
Nhiệm vụ của Trường Thanh và Phạm Đồng đêm nay đã hết. Ngày mai, vũ nữ Thu Thủy sẽ có một đôi bông tai nhận hột soàn óng ánh. Thủy thủ sát nhân đã chết. Và gã bồi thang máy, tức đảng viên R.U. số AS 2 đã chết.
Bốn án mạng cực kỳ bí mật xảy ra luôn một đêm tại thủ đô Sàigòn với ba tử thi và với một sát nhân : Kô Băng.
Nicôlai Kô Băng của sở R.U. Sô Viết ở Viễn Đông.
------------------------------------
(1) tức là Mạc tư khoa.

Chương trước Chương sau