Mèo xiêm cọp thái - Chương 04

Mèo xiêm cọp thái - Chương 04

Đêm dài nhất ở Vọng Các

Ngày đăng
Tổng cộng 8 hồi
Đánh giá 9/10 với 15208 lượt xem

Ngồi trước cabin, Rôsita bâng khuâng ngắm suối tóc dài đen mượt xõa xuống dưới ngực, tủm tỉm cười 1 mình. Nàng tự biết mình đẹp. Thời gian trôi qua vẫn không làm nàng già đi, trái lại, từ ngày lấy chồng nàng bỗng trẻ lại, nhan sắc kiều diễm của nàng trở thành trái chín mọng nước, lủng lẳng trên cây 1 ngày nóng bức, làm mọi người đàn ông đi qua phải rệu nước miếng. Tuy ngày nào cũng tắm nắng trên boong tàu, da thịt nàng vẫn trắng muốt. Có lẽ vì nàng lai Tây ban nha. Gái lai thường đẹp. Lai Tây ban nha lại đẹp hơn lai giống khác. Vì người Tây ban nha có làn da trắng, sống mũi cao, cặp mắt đa tình nhất trời tây rất hợp với bờ vai tròn, đôi chân dài, và tâm hồn luôn luôn mơ mộng của người Phi luật tân.
Trước khi mặc áo, Rôsita cởi ra, ngắm trong gương lần nữa. Nàng vẫn có thói quen ngắm gương như vậy trước khi mở cửa phòng ra ngoài. Thói quen này, nàng có từ thời con gái, thời nàng còn là điều dưỡng viên tại bệnh viện Trung ương Mani, và là nữ điệp viên đắc lực của Sở Phản gián. Cũng như hồi còn con gái, trong người nàng thích mặc bikini màu trắng. Nàng nhớ buổi đầu tiên gặp Văn Bình, nàng cũng ngồi ngắm gương, kiêu hãnh trước sắc đẹp cân đối trời cho, và nàng cũng mặc bikini màu trắng. Buổi đầu tiên, xiết chặt chàng vào cơ thể nàng, mạch máu và các đường gân nàng đều chạy rần rật. Nhưng rồi chàng lại chạy theo người đàn bà khác. Luz (1).
Nàng đinh ninh quên được chàng, ngờ đâu nàng thấy càng xa càng nhớ.
Để rồi định mạng lại run rủi cho 2 người tái ngộ.
Rôsita vuôn vai đứng dậy. Nàng mặc áo dài trắng, may theo kiểu Phi, vai vuông, viền đăng ten. Cái áo này là 1 kỳ công của kỹ nghệ thời trang Phi, vì gấu nó thật cao như mini-jupe, và cổ áo được khoét sâu gần như ngực không mặc áo. Nhờ gấu áo thật cao, nàng đã có thể triển lãm được cặp giò thuôn thuôn, không chút mỡ thừa, không 1 vết tàn nhang hoặc thẹo nhỏ. Cổ chữ V rộng kinh khủng trên áo đã giúp nàng biểu diễn bộ ngực núi lửa, bộ ngực có thể đốt cháy rừng rậm băng tuyết Tây bá lợi á.
Rôsita nhìn đồng hồ tay.
Nàng dặn Văn Bình trở về du thuyền trước khi tối để đưa nàng lên thành phố. Nàng biết chàng có nhiều công việc, và là công việc tối mật, tối hệ, liên quan đến vận mạng hàng triệu người, song chàng vẫn dành thời giờ giải trí. Đêm thứ nhất này ở Vọng các, chàng đã dành riêng cho nàng. Đúng hơn, cho thần Tình ái. Chàng sẽ đưa nàng vào các hộp đêm, 2 người sẽ ăn món Mễ tây cơ tại Nipa Hut, tiệm ăn Mễ tây cơ ngon tuyệt trần, và độc đáo nhất trong khu Bangkapi : hai người sẽ ôm nhau nhảy dưới ánh đèn mờ như ánh trăng của khiêu vũ trường ngàn một đêm lẻ Alađin ở đường Patpong. Gần sáng, nàng mới chịu về khách sạn. Nàng sẽ ngủ luôn 1 giấc dài đến trưa mai. Rồi nàng sẽ sửa soạn, tận hưởng đêm thần tiên thứ hai trên đất Thái. Vì cả đêm thứ hai cũng được Văn Bình hứa dành riêng cho nàng. Và chàng sẽ  đưa nàng tới tiệm ăn nổi Kinaree Nava, tiệm ăn nổi duy nhất của thủ đô Vọng các, trong công viên Lumpini. Thực đơn Tàu và Thái ở đó, theo lời Văn Bình, sẽ không làm nàng chán. Nàng không thể chán vì sàn nhảy ở đó được trình bày rất đẹp. Nàng lại được thưởng thức âm nhạc kích động của 1 dàn nhạc nổi tiếng Phi luật tân … dàn nhạc quê hương.
Rôsita lại nhìn đồng hồ rồi lẩm bẩm :
-Quái lạ ! Tối rồi mà anh ấy vẫn chưa về !
Nàng bấm chuông gọi thuyền trưởng. Đúng 1 phút sau, thuyền trưởng đã tới cửa cabin. Dường như đoán được ý nghĩ của nữ chủ nhân, thuyền tưởng nói ngay :
-Thưa bà, tôi đã cho mở đèn sáng để ông Văn Bình nhận ra tàu dễ dàng. Vả lại, trời đang còn sáng. Độ nửa giờ nữa mới tối.
Rôsita hỏi, giọng lo lắng :
-Có thể lạc đường được không, ông Davak ?
Thuyền trưởng Davak mỉm cười :
-Thưa bà, người quê mùa chưa đến đất Thái lần nào như tôi cũng khó thể lạc đường, huống hồ ông Văn Bình. Tôi nghe nói ông Văn Bình ghé Vọng các lần này là lần thứ mấy chục. Ông ấy quen Vọng các còn hơn bà quen Mani nữa.
-Không hiểu sao tôi nóng ruột lắm, ông à !
-Thưa bà, phụ nữ bao giờ cũng vậy. Trong khi chờ ai, phụ nữ vẫn nóng ruột.
-Không phải thế. Tôi có … giác quan thứ sáu khá chính xác. Tôi linh tính là Văn Bình gặp chuyện nguy hiểm. Tôi sợ lắm. Dầu ông là nhân viên của chồng tôi, ông vẫn …
-Thưa bà, tôi đã nhận ông Văn Bình làm ân nhân và thầy võ. Dân giang hồ chúng tôi rất trọng tình sư đệ. Tôi có bổn phận phải giúp đỡ bà dẫu rằng mai kia về quê hương, tôi chắc chắn sẽ mất việc. Nếu bà muốn, tôi xin lên bờ để tìm ông.
Mắt Rôsita vụt sáng :
-Phải đấy, ông lấy canô đi tìm thử coi.
Thuyền trưởng cúi chào rồi lên boong. Còn lại 1 mình trong cabin trống trải, Rôsita ngồi phịch xuống cút sét, mân mê vạt áo dài trắng, cái áo dài nàng mặc cho chàng chiêm ngưỡng, cái áo dài mà chàng khen đẹp, tôn cao đường cong cân đối của nàng. Nàng nhớ chàng lạ lùng. Nhớ chàng quay quất tưởng như có thể chết được. Rồi như đứa trẻ nhớ mẹ, nàng ôm mặt khóc sùi sụt. Khóc được 1 lát, sực nghĩ ra nàng đứng dậy, mắt ráo hoảnh, miệng mím lại trong sự tức giận :
-Thôi phải rồi … Văn Bình không về vì còn bận thăm viếng người yêu cũ. Hừ, đi tới đâu, con bướm cũng la cà hút nhị. Mình không thể tha thứ được. Văn Bình … Văn Bình … anh là người đàn ông phụ bạc. Em phải giết chết người đàn bà dám yêu Văn Bình của em.
Rồi nàng thét lớn :
-Văn Bình, trời ơi !  Em yêu anh đứt ruột, anh biết không ?
Một tiếng nói cụt lủn, vẳng lên sau lưng :
-Biết.
Rôsita hoảng hồn quay lại. Tuy đang xúc cảm tột độ, nàng vẫn còn đủ trí sáng suốt để biết rằng người lạ không phải là Văn Bình. Người đàn ông vừa cất 1 tiếng cộc lốc, cũng không phải là kẻ xa lạ đối với nàng. Nàng đã nghe giọng nói ngọt ngào mà cương quyết, dịu dàng mà dấm dẳn đặc biệt này hằng ngày, hồi nàng còn sống trong lầu son gác tía ở Mani, trong sự nuông chiều độc nhất vô nhị của người chồng ngũ tuần tỉ phú và hào hoa phong nhã. Giọng nói ấy là của chồng nàng. Người chồng đại doanh gia mà Rôsita đinh ninh là đang tối mắt tối mũi về công chuyện làm ăn tại Tây bán cầu. Nàng buột miệng :
-Anh Pelam ! Trời ơi !
Pelam là tên chồng nàng. Đúng ra phải gọi là Pelambangkitô, 1 cái tên dài giằng dặc, như những con số dê rô phía sau tấm séc mà người đàn ông gần 50 tuổi ấy đã ký tặng nàng làm của hồi môn. Pelam, phải, người đứng trước mặt nàng, trên ngưỡng cửa cabin du thuyền Thiên thần, đang neo trên giòng sông Chao Phya của đất Thái xa xôi đích thị là Pelam.
Vẻ mã thượng thường ngày của Pelam biến đâu mất. Khuôn mặt bầu bĩnh của hắn toát ra sự lạnh lùng ghê gớm, sự lạnh lùng có thể biến ngoại vật thành tảng băng. Chạm phải nhỡn tuyến của chồng, Rôsita run rẩy. Nàng run không phải vì sợ. Dầu là phụ nữ, nàng ít khi biết sợ. Nàng run mà không hiểu tại sao lại run. Trời chiều trên sông Chao Phya chưa tan hết hơi nắng ban trưa, gió biển mát rợi từ phía nam thổi tới chỉ làm giảm được phần nào sức nóng oi ả. Vậy mà Rôsita lại có cảm giác là du thuyền Thiên thần đang đi ở Bắc cực.
Pelam từ từ bước lại phía vợ, hôn nhẹ lên trán. Hắn thường hôn nhẹ lên trán mỗi buổi sáng nàng tỉnh giấc, hoặc mỗi buổi chiều nàng về phòng riêng. Năm khi mười họa, hắn mới hôn môi nàng. Tuy vậy, mỗi khi hắn ôm nàng vào lòng, thân thể hắn đã tỏa ra những luồng điện nồng cháy chỉ ở thanh niên 25 tuổi mới có. Cái hôn trên trán hôm nay cũng lạnh ngắt. Rôsita rùng mình. Pelam dìu nàng xuống cút sét :
-Em mệt ư ?
Rôsita không đáp mà chỉ trân trân nhìn chồng. Xưa nay, hắn không bao giờ có thái độ kỳ quặc như thế. Nàng định hỏi chồng « Pelam, tại sao anh nói với em là anh qua Nam Mỹ mà lại có mặt ở Vọng các ? Pelam, tại sao anh lại biết em neo thuyền ở đây mà đến gặp ? Pelam, tại sao anh lại nhìn em bằng cặp mắt quái gở ? Pelam, … ? Pelam, … ? ». Song nàng chẳng nói gì hết.
Pelam lẳng lặng ngồi xuống 1 bên. Như thường lệ, hắn hút xì gà Havan, xì gà của hắn thuộc loại đặc biệt, hút thơm kinh khủng, song nàng không ưa. Nàng bảo mùi xì gà làm hôi miệng. Hắn muốn vào phòng, hoặc muốn gặp nàng thì phải đánh răng, xúc miệng cẩn thận, và ném điếu xì gà ngoài cửa. Hắn mê xì gà không kém mê đàn bà tuyệt sắc, nhưng đã sẵn sàng tuân theo đòi hỏi của nàng. Vậy mà hôm nay Pelam vẫn nghênh ngang rón điếu xì gà lớn bằng thỏi xúc xích trong tay. Và dường nhưng để trêu ngươi, hắn còn nâng xì gà lên môi, trịnh trọng rít 1 hơi dài, thở khói khắp cabin như ống khói xe hỏa. Hút xong, hắn đặt bàn tay lên vai nàng, giọng êm ái ( 1 sự êm ái đầy chết chóc ) :
-Người yêu của mình chưa về ư ?
Rõ ràng là Pelam châm ngòi tấn công. Nhưng Rôsita đã lấy lại bình tĩnh. Có lẽ là vì Pelam dại dột, nhắc đến tên Văn Bình. Nàng yêu chàng, yêu chàng say sưa, yêu chàng hơn cả yêu chính bản thân nàng nữa nên lời nói của Pelam không làm nàng nao núng. Trái lại, nàng lại tăng thêm vẻ lì lợm. Nàng ngước nhìn chồng, giọng ráo hoảnh :
-Trước khi lên đường, em đã gọi điện thoại về xin phép anh, nhưng anh đi vắng.
-Phải, khi ấy tôi đi vắng.
-Vả lại, trước ngày về làm vợ anh, em đã giao điều kiện. Anh cũng đã thỏa thuận.
-Phải, mình đã tâm tình với anh là không bỏ được Văn Bình. Và anh nói là anh không cấm đoán em, miễn hồ em kín đáo. Muốn hẹn hò với người yêu, em nên xuống du thuyền, đi khỏi Mani.
-Vâng, em đã nghe lời anh. Em đã đi khỏi Mani. Tại sao anh lại giận em ?
Pelam phá lên cười. Tiếng cười rùng rợn như tiếng cười của lão phù thủy vừa trị ếm được con ma độc địa. Rôsita tỏ vẻ khó chịu :
-Tại sao anh cười ?
Pelam khoát tay :
-Anh cười vì thấy em ngu quá. Em quá ngu. Trên đời, không có thằng đàn ông nào lại nhắm mắt cho vợ đi ngủ với người khác, dẫu thằng đàn ông này đã gần 50 như anh, không còn đủ bản lãnh và sức lực để thỏa mãn đòi hỏi của cô vợ trẻ sung mãn và tham lam …
-Em rất ghét đàn ông nói tục.
-Dĩ nhiên, vì lòng em, tay chân em, da thịt em đang đầy ngập hơi hướng của thằng đàn ông khỏe mạnh, đẹp trai, và tài giỏi.
-Anh không có quyền nói xấu kẻ vắng mặt.
-Có quyền. Có quyền tuyệt đối, em biết không ? Vì trên giấy tờ anh được luật pháp công nhận : anh là chồng em.
Rôsita sẵng giọng :
-Nội đêm nay, em sẽ đánh điện cho luật sư, đưa đơn xin ra tòa ly dị.
Pelam vẫn cười, tiếng cười mỗi lúc 1 thêm rùng rợn :
-Ly dị hả ? Em muốn làm gì, tha hồ. Nhưng phút này đây, lát nữa đây, và đêm nay, ngày mai, em vẫn còn là vợ anh.
-Tôi sẽ từ giã tàu này ngay bây giờ.
-Dễ quá nhỉ ?
-Anh không được quyền vũ phu với đàn bà.
-Được quyền …, được quyền … khi nào cô cũng danh từ rỗng tuếch ấy. Tôi nhắc lại lần nữa : tôi có quyền. Bằng chứng là lát nữa tôi sẽ giết thằng nhân tình thô bỉ của cô.
Rôsita vụt đứng dậy như bị ong châm vào thịt :
-Anh nói thật hay nói đùa ?
Pelam gật gù :
-Đàn ông ngũ tuần ít khi nói đùa.
Rôsita giọng cương quyết :
-Vậy từ phút này đây, tôi và anh không còn liên hệ tình cảm gì với nhau nữa. Chào anh, tôi đi đây.
Nàng bước nhanh ra cửa cabin, song Pelam đã bước theo, nắm áo nàng, giật lại. Trong cơn níu kéo hoảng hốt, cái áo bằng ni lông mà nàng may với giá 1.000 pêsô, bị rách toạc. Giận dữ, nàng xô chồng ra. Nhưng Pelam đã khóa tay nàng, đẩy ngã xuống cút sét. Bản năng người nữ điệp viên thành thạo quyền thuật thức dậy trong lòng Rôsita. Không kịp suy nghĩ Pelam là chồng nàng, Rôsita dùng 1 thế phản đòn tuyệt kỹ của nhu đạo để quật Pelam ngã theo. Bị vợ đánh trả, Pelam không tỏ vẻ ngạc nhiên. Người ngạc nhiên là Rôsita vì khi bước về nhà chồng, nàng đinh ninh Pelam chỉ là tỉ phú, quanh năm ngụp lặn trong tiền bạc, không hề biết đến võ nghệ. Nàng không ngờ hắn lại tránh đỡ và phản công nhanh như tên bắn, và bay bướm như 1 võ sĩ dày công luyện tập.
Rôsita tưởng hắn trượt chân té xuống. Nàng không ngờ hắn vẫn đứng vững như bàn thạch, còn nàng thì nằm sóng soài trên nền tàu. Tuy bị đau ê ẩm, nàng vẫn lóp ngóp bò dậy, giọng đứt quãng :
-Té ra … anh giỏi võ !
Hắn rít hơi xì gà, cử chỉ khinh bạc :
-Phải, mãi đến bây giờ cô mới biết ư ? Thật tội nghiệp cô, vì cô chỉ biết 1 phần đời của người chồng hờ. Những chuyện xảy ra từ trước đến nay giữa cô và tôi chỉ là giả tạo, thằng Pelam không phải là chủ hãng kinh doanh chân chỉ hạt bột, mà là 1 tay giang hồ … Đúng hơn, 1 ông trùm buôn đồ quốc cấm. Từ trước đến nay, tôi ngậm miệng, mặc cô tha hồ tung hoành, vì cô chưa đụng chạm tới quyền lợi của tôi. Nhưng giờ đây, tôi phải xuống tay hành động. Tôi không tha thứ cô được nữa, vì cô toa rập với thằng chó săn Văn Bình để phá hoại công cuộc làm ăn của tôi.
-Ông không được hỗn.
-Hừ, mặt nạ của cả cô lẫn tôi đều rớt xuống rồi. Cô là con điếm, còn tôi là đứa ăn cướp. Người tám lạng, kẻ nửa cân. Mạng của cô chỉ là trò đùa đối với tôi. Khi cần, tôi chỉ phất tay áo là cô sẽ chết bẹp như con ruồi dưới gót giày vậy. Cô phải nói thật thì mới còn hy vọng sống : Văn Bình đã biết những gì về tôi, và về Dixon ?
Rôsita đưa bàn tay lên dụi mắt. Nàng nghe rõ từng tiếng một của Pelam song vẫn tưởng là lầm. Pelam vừa nhắc đến Dixon, người mà Văn Bình rượt theo từ nhiều ngày trên mặt biển. Chồng nàng dính líu đến hoạt động của Dixon ư ?
Nàng hỏi lại :
-Anh muốn tôi nói thật, nhưng nói thật về chuyện gì ?
Pelam nghiến răng :
-Về chuyến đi hiện tại của đại tá Văn Bình. Tôi là bạn của Dixon. Chắc chắn người yêu của cô đã nói cho cô biết Dixon là ai.
Rôsita im lặng. Thì ra Văn Bình bị lụy vì nàng. Nếu nàng không nằng nặc đòi Văn Bình mang nàng theo kỳ được thì đâu đến nỗi. Pelam đã lợi dụng nàng mà nàng không biết. Pelam lại nói :
-Tôi không thể chờ lâu hơn nữa. Yêu cầu cô thuật lại đầy đủ và thẳng thắn. Dầu sao cô cũng là người đẹp lừng lẫy ở Phi luật tân. Tôi vốn nhẹ tay với đàn bà, cô đừng buộc tôi phải trở thành vũ phu.
-Anh đánh tôi ?
-Nếu cô ngoan cố thì miễn cưỡng tôi phải dùng võ lực.
-Nghĩa là giữa anh và tôi, tình vợ chồng đã hết ? Chúng ta đã biến thành kẻ thù.
-Trời ơi, cô cũng nhắc đến tình vợ chồng nữa ư ? Từ ngày cô là vợ tôi đến giờ, cô đã yêu tôi khi nào đâu. Chẳng qua cô ham số tiền hồi môn khổng lồ. Cô nhận lời làm vợ tôi, nhưng lòng cô, thân thể cô lại hoàn toàn thuộc về người khác. Phải, cô nói đúng, tình vợ chồng giữa tôi và cô đã hết. Bắt đầu hết từ hôm nay …
Rôsita thở dài :
-Văn Bình chỉ cho tôi biết phần nào về Dixon. Không phải Văn Bình giấu tôi, nếu tôi hỏi, chắc chắn chàng sẽ nói. Song tôi không hỏi.
Pelam nghiến răng :
-Cô nói dối.
-Anh dùng lời lẽ nặng làm gì ? Hẳn anh còn nhớ tôi là nữ nhân viên Sở Phản gián Phi luật tân hồi nọ. Tôi đã quen với sự dọa nạt. Về vụ Dixon, thú thật với anh là tôi không biết. Nhưng nếu tôi biết rõ, tôi cũng không nói vì tôi chẳng dại gì cho kẻ thù biết đầy đủ chi tiết để đề phòng.
Pelam tiến lên, vung bàn tay xù xì ra, giọng dữ tợn :
-Tôi cho cô suy nghĩ 3 phút. Đúng 3 phút, không được thêm 1 giây đồng hồ nào. Sau 3 phút, cô phải trả lời, bằng không …
-Anh giở trò du côn ra bây giờ đi, còn đợi gì nữa. Vả lại, tình vợ chồng đã hết, chúng ta có thể thù tiếp nhau bằng quyền thuật được rồi.
Nàng bước tréo sang bên để thủ thế.
Pelam « á » 1 tiếng ra vẻ khinh miệt, rồi đập bàn tay xòe rộng xuống đầu nàng. Hồi còn phục vụ trong ngành điệp báo, Rôsita đã thành thạo về cận chiến. Từ ngày gặp Văn Bình, nàng học thêm được nhiều thế võ lợi hại. Vì vậy, nàng không tỏ ra sợ sệt hoặc hoảng hốt trước phép đánh karatê đặc biệt của Pelam. Có lẽ hắn cũng biết nàng giỏi võ nên ngay từ phút lâm trận đầu tiên, hắn đã dùng độc thủ. Nhanh như cắt, nàng luồn qua nách hắn để tránh đòn, đồng thời nàng phát đòn, đánh trả vào gáy Pelam. Tuy đã lớn tuổi, Pelam vẫn không mất sự dẻo dai, mềm mại và mạnh mẽ của tuổi thanh niên. Nàng lẻn ra sau lưng hắn theo bí thuật Ninjitsu do Văn Bình truyền dạy. Hắn cũng tài giỏi không kém trong 1 thế quay người 1 vòng, tay và chân hắn cùng phóng ra 1 lượt. Rôsita vội vàng né tránh, nhưng sự lẹ làng của nàng còn thua sự lẹ làng của võ sĩ giang hồ, dầy dạn kinh nghiệm trận mạc như Pelam. Nàng trúng đòn vào bả vai, loạng choạng 1 giây rồi ngã chúi xuống sàn tàu.
Pelam cúi xuống, quật 2 cánh tay của nàng ra sau lưng rồi lấy dây dù trói lại. Hai chân nàng cũng bị trói còng queo. Hắn đứng nhìn nàng bằng vẻ mặt khoan khoái. Nàng nhổ nước miếng để biểu lộ sự ghê tởm. Pelam cười khanh khách :
-Cô định khinh tôi ư ?  Muộn rồi, cô ạ. Vả lại, tôi không cần. Tôi yêu cô thật đấy, nhưng vì an ninh bản thân, vì an ninh chung của tổ chức bắt buộc tôi phải xử tệ với cô. Cô đừng giận nhé ! Và nếu tôi có phải ném cô xuống sông Chao Phya cho cá ăn thịt thì chẳng qua cũng vì hoàn cảnh đòi hỏi.
Rôsita cúi gằm mặt. Nàng không thèm nhìn hắn nữa. Hắn cạn tàu ráo máng như vậy mà hay, vì nàng vẫn mong bị hắn ruồng rẫy để có thể tự do dành cuộc sống của nàng cho Văn Bình. Sự kết hôn với Pelam là 1 lầm lẫn tai hại. Nàng lấy hắn vì kính phục cử chỉ hào hoa của hắn. Nàng không ngờ đó chỉ là màn kịch. Nàng đinh ninh sản nghiệp khổng lồ của chồng sẽ giúp nàng mau quên được dĩ vãng. Đến khi bước lên xe hoa, nàng mới biết rằng cho tới tuổi già nàng vẫn không quên được dĩ vãng. Cho tới ngày thở hơi cuối cùng, nàng vẫn không quên được Văn Bình.
Pelam nhìn nàng 1 cách thản nhiên mặc dù nàng bị trói gô trên sàn tàu, giây ni lông cứa sâu vào da thịt. Tóc nàng xõa ra làm nổi bật gương mặt trái soan, có đôi mắt đen láy và cặp môi hình trái tim, không cần tô son cũng đỏ. Trong khi giằng kéo với Pelam, Rôsita đã bị rách gần hết cái áo trắng viền đăng ten. Nàng diện cái áo hợp thời trang tây phương này là để chờ Văn Bình. Giờ đây nó đã đứt tung, phần trên tuột xuống để lộ đồ lót mỏng dính và làn da trắng muốt phía sau.
Trước khi ra ngoài, Pelam đứng sững 1 phút. Hắn vừa nhìn thấy bộ ngực tròn trịa và ngon lành của nàng. Tuy là chồng nàng, chưa bao giờ hắn được ngắm nghía nàng tự do và thỏa thích cơ thể trắng trẻo ngồn ngộn của nàng. Nàng thường nói là sợ ánh đèn. Nàng thường viện cớ xấu hổ để đòi hắn tắt đèn, dẫu 1 ngọn đèn đêm 5 nến lù mù để ở đầu giường nàng cũng không ưa. Khi ấy hắn tưởng nàng sợ ánh đèn thật sự. Giờ đây, hắn mới hiểu được bề sâu thầm kín của nàng.
Pelam vội ngoảnh đi chỗ khác. Chần chừ thêm 1 vài giây nữa, hắn sẽ phải mềm lòng. Trong thâm tâm hắn vẫn yêu nàng. Dường như nàng nghe được tiếng đập rộn ràng của trái tim hắn, trái tim nổi tiếng là cứng rắn như kim khí, song nhiều khi cũng mềm nhũn như bông gòn. Nàng ngửng phắt đầu lên, vươn bộ ngực căng tròn ngồn ngộn ra. Mắt nàng, miệng nàng là hiện thân của sự thách thức và lôi cuốn. Pelam luống cuống, cái quẹt máy đã cháy lửa gần kề điếu xì gà mà hắn lại vụng về để tắt. Hắn định châm lửa lần nữa. Và lần này lửa cũng tắt trước khi lửa bén vào đầu điếu xì gà.
Pelam nhăn mặt ném điếu thuốc xuống đất. Giọng hắn rít lên ghê rợn :
-Hừ, cô Rôsita, cô định quyến rũ tôi !


Vốn bình tĩnh mà từ nãy đến giờ, từ khi rời công viên Phramane để về tàu Thiên thần, bỏ neo trên sông Chao Phya, Văn Bình lại lầm bầm luôn miệng. Nói gì, chàng cũng không biết. Tự nhiên, chàng nói 1 mình. Cách 1 vài phút, chàng lại phóng tầm mắt về phía nam thành phố, mặt lo lắng :
-Không khéo chậm mất !
Taxi Vọng các chạy len lỏi trên đường phố đông nghẹt liều mạng không kém taxi Đông kinh, vậy mà Văn Bình vẫn thấy tài xế quá thận trọng. Chàng nện gót giày xuống sàn xe :
-Mau lên. Mau lên.
Tài xế quay lại :
-Ông cần gì ạ ?
Chàng quát :
-Mau lên.
-Thưa, thế này là quá lắm rồi. Ngày thường, không bao giờ tôi dám chạy ẩu như vậy. Giờ này là giờ kẹt xe.
Không hiểu sao, Văn Bình lại buông ra 1 lời phê bình kém khôn ngoan :
-Anh lái xe dở ẹc.
Tài xế, 1 người Thái trung niên, da bánh mật, lông mày sâu róm, gân cổ nổi cuồn cuộn như cây đũa, bắp thịt căng phồng sau cái áo thun bằng hàng băn lông màu đen, hơi nhăn mặt khi nghe Văn Bình chê bai. Người Thái vốn nóng tính như lửa, nên hắn đáp lễ liền, không suy nghĩ, cũng như không chút nể nang :
-Ông đừng nói xạo. Tôi là 1 trong những tài xế lái giỏi nhất Vọng các. Ông muốn nhanh hơn thì tìm xe khác.
Biết mình lỡ lời, chàng bèn đấu dịu :
-Tôi nói chơi đấy. Anh giận tôi làm gì ?
Chàng đinh ninh gã tài xế sẽ dịu giọng trước vẻ mặt làm lành của chàng, song hắn lại làm già hơn trước :
-Thằng này không thích nói đùa.
Hắn thắng gấp, bố thắng kêu ken két. Chiếc taxi lạng sang phải rồi lạng sang trái trước khi chịu đứng lại. Phía sau, hàng chục tiếng chửi rủa vang lên, tiếp theo tiếng thắng ren rét dài bất tận. Quả hắn là tay lái xe  ẩu có hạng. Hắn vào lề mà không thèm mở đèn hiệu, không thèm giơ tay. Lẽ ra Văn Bình không nên chỉ trích hắn. Chàng vội cười ruồi :
-Ơ kìa, tại sao anh đậu lại ?
Hắn rút cái khăn lông vắt trên ghế ra lau trán :
-Mời ông xuống.
-Dầu sao tôi cũng đi được nửa đường rồi. Tôi lại đang có việc gấp. Lại còn vấn đề tiền xe …
-Không sao, tôi biếu ông.
Văn Bình bắt đầu nổi xung. Ngữ này chỉ nghe tiếng gió của cú atémi cũng đủ bất tỉnh, chứ đừng nói thật sự ăn đòn nữa. Song võ thuật của chàng được dành cho đại sự, không thể lúc nào cũng đem ra phô trương, nhất là để thỏa mãn sở thích cá nhân. Chàng bèn xuống nước :
-Thôi, tôi xin lỗi anh.
Trong đời, ít khi hoặc không bao giờ Văn Bình chịu xin lỗi mặc dù chàng là con người phục thiện. Nhưng lần này chàng đành phải bấm bụng xin lỗi người tài xế taxi Thái. Chàng lầm tưởng lời xin lỗi sẽ làm hắn nguôi giận. Trái lại, hắn lại hầm hầm nét mặt và văng tục ầm ỹ. Chàng quắc mắt ra lệnh :
-Im ngay. Im ngay đi. Nếu không, đừng trách.
Hắn rú lên cười sằng sặc :
-Im đi … im ngay đi. Anh chắc mẩm ăn gỏi được tôi, phải không? Còn lâu. Thằng này đã lưu lạc cả chục năm trong cõi giang hồ rồi mới quay về Vọng các làm nghề lái xe cho thiên hạ. Tử tế thì tử tế lại, còn như …
-Thì tôi vẫn luôn luôn tử tế với anh. Lúc lên xe, anh đòi bao nhiêu, tôi bằng lòng trả bấy nhiêu. Hơn thế nữa, tôi lại bằng lòng trả gấp 3, với điều kiện anh chạy nhanh hơn thường lệ. Anh lại đòi trả hết tiền bồi thường nếu xe bị đụng, tôi cũng bằng lòng ngay, không bàn cãi, hoặc kỳ kèo. Theo anh, như thế nào mới là tử tế ?
-Tử tế nghĩa là anh phải bước khỏi xe tôi.
Biết nán lại không được, Văn Bình đành mở cửa xe. Đã chậm thì chậm luôn thể. Song chàng mới rờ quả nắm cửa thì gã tài xế thét lớn :
-Ai cho phép anh mở ?
Gã tài xế điên chăng ? Nếu không điên, hắn phải là kẻ ăn sương chuyên nghiệp đội lốt tài xế. Loại người này không phải không có ở 1 thành phố đầy kẻ tứ chiếng giang hồ như Vọng các. Văn Bình đã xuống nước cùng cực, không thể xuống nước thêm nữa. Nghĩ vậy, chàng cứ tiếp tục mở cửa. Hắn cản tay chàng lại :
-Ô hay, anh định quịt tiền xe hả ?
Thật rầy rà ! Văn Bình đến đất Thái, đất có nhiều chùa chiền và sư sãi, đất của đạo Phật từ bi hỉ xả, nên chỉ muốn dĩ hòa vi quý, không ngờ lại phải biểu diễn quyền cước. Tuy nhiên, chàng cố dằn lòng bằng giọng nói ngọt ngào :
-Anh đòi bao nhiêu, tôi sẽ trả đủ.
Hắn phì bọt mép, hơi men nồng nặc :
-Tùy anh, anh muốn trả bao nhiêu cũng được.
Mới đầu, Văn Bình tưởng hắn say rượu, nhưng khi quan sát tròng mắt và gan bàn tay, chàng biết hắn đang tỉnh. Có lẽ hắn cũng là bợm rượu như chàng. Dân uống rượu như hũ chìm trên thế giới không lấy gì làm đông nên Văn Bình càng có thêm lý do để nhân nhượng tột bực. Nhưng gã tài xế không muốn nhân nhượng, mà chỉ muốn khiêu khích. Văn Bình rút bóp phơi, chìa ra tờ bạc trăm. Một trăm bath, vị chi 5 đôla Mỹ. Không ai trả 1 cuốc xe ngắn tới một trăm. Chàng tin chắc gã tài xế sẽ toét miệng cười khoái trá khi thấy tờ bạc mới toanh, kêu loạt soạt trong tay chàng. Một lần nữa, chàng lại lầm. Không những hắn không cười, hắn còn dề môi :
-Một trăm hả ?
Văn Bình gật đầu :
-Một trăm chưa đủ ư ?
-Tùy anh đấy. Một trăm cũng được. Nhưng nếu tôi là anh thì tôi sẽ không quá kẹo như vậy.
-Hừ, tôi đã trả gấp 4, gấp 5 giá tiền phải trả.
-Danh dự con người không thể nào đo bằng tiền. Anh trả gấp 100 lần cũng còn thiếu. Lẽ ra tôi tước hết đồng hồ vàng, bút máy vàng trên người anh, và lấy luôn giấy tờ căn cước quăng xuống sông Chao Phya cho bõ ghét. May cho anh, hôm nay tôi còn chút nhân đạo trong máu nên tôi chỉ đòi bồi thường tượng trưng.
-Theo anh, tượng trưng là bao nhiêu ?
-Là cả cái bóp phơi của anh.
Bóp phơi của Văn Bình đựng trên 2.000 đôla. Hai ngàn chứ nhiều hơn nữa chàng cũng không tiếc, song chàng không thể nhân nhượng đến mức bị 1 tên du đãng miệt thị. Chàng phải cho hắn 1 bài học để lần sau hắn không dám xớ rớ, chấn lột du khách nữa. Chàng bèn lặng lẽ đút cái ví vào túi quần sau. Gã tài xế nhoài người tóm lấy cánh tay chàng. Chàng giật nhẹ tay hắn làm hắn ngã dúi xuống băng xe. Hắn nhỏm dậy với lưỡi dao nhọn hoắt trong tay. Nhưng mũi dao chưa kịp đâm tới thì Văn Bình đã chặn bắt, và bẻ cặp ngón tay cái của hắn nghe rắc 1 tiếng khô khan. Gã tài xế thét lên, mặt tái mét. Văn Bình bồi thêm cái tát trời giáng vào má. Lần này, hắn vập mặt vào táp lô xe hơi rồi nằm lịm luôn.
Chàng kéo hắn dậy, dựa hắn ngồi ngay ngắn vào ghế, rồi ấn đề ma rơ cho xe chạy. Khi Văn Bình đậu xe, tắt máy, nạn nhân mới tỉnh. Hắn nhìn Văn Bình bằng cặp mắt hiền khô, tưởng như trong cuộc đời hắn chưa khi nào biết nói nặng. Chàng vỗ nhẹ vai hắn rồi bước xuống xe.
Trời đã tối mịt.
Con đò quen thuộc đưa chàng xuôi giòng sông Chao Phya đến chỗ du thuyền Thiên Thần buông neo. Càng tới gần tàu, Văn Bình càng cảm thấy nhột nhạt bao tử. Giác quan thứ 6 đang ngầm báo chàng biết là tai nạn sắp xảy ra. Tuy nhiên, như chiếc xe hỏng thắng ở lưng chừng giốc, Văn Bình không thể ngừng lại được nữa. Mối tình nồng thắm với Rôsita giục chàng nhắm mặt tiến tới, bất chấp nguy hiểm. Quang cảnh du thuyền vẫn phẳng lặng, không thay đổi, y như hồi chiều. Đèn trên boong sáng quắc, thủy thủ tì tay vào lan can nhìn chung quanh, dáng điệu nhàn nhã. Văn Bình cười thầm :
-Mình chỉ hay báo động hoảng !
Gã thủy thủ đứng gác bên cầu thang gật đầu chào chàng. Chàng vẫy bàn tay chào trả rồi chạy như bay xuống cabin. Chàng hẹn về sớm. Như thế này là đã muộn. Có lẽ vì muộn vì chàng không giữ lời hứa nên Rôsita hờn mát, rút vào cabin nằm 1 mình. Chàng sửa soạn nụ cười thật tươi để tạ lỗi. Xưa nay, chưa người đàn bà nào cưỡng lại được nụ cười xí xóa xin bớt giận làm lành tuyệt diệu của chàng.
Lối đi vào cabin vắng tanh. Thủy thủ đã lên bộ. Số còn lại đang hóng mát trên boong. Hồi nãy, trước khi rời tàu, chàng hỏi viên thuyền trưởng thì được biết là y ở lại để điều khiển việc canh phòng. Tuy nhiên, nếu Văn Bình chịu khó tìm tòi 1 lát thì sẽ khám phá ra dấu vết khả nghi, và chàng sẽ giữ cẩn thận hơn nữa chứ không ngây thơ đút đầu vào cạm bẫy của Pelam, chồng hờ của Rôsita, tỉ phú Phi luật tân, bạn cùng chí hướng với trùm buôn lậu quốc tế Dixon.
Cửa cabin hé mở. Văn Bình hấp tấp đẩy vào, miệng kêu liên tục :
-Rôsita !
Không nghe nàng lên tiếng, chàng càng gọi lớn hơn, giọng tha thiết :
-Rôsita, anh đây mà !  Em đâu rồi ? Anh làm gì đâu mà em giận ? Mặc quần áo xong chưa ? Trên bộ vui như tết, Rôsita ạ !  Em trốn ở đâu kỹ thế ?
Trong cabin chỉ có 1 ngọn đèn lờ mờ.
Nhưng dầu ánh sáng lờ mờ, Văn Bình cũng nhận ra Rôsita bằng xương bằng thịt đang nằm còng queo trên nền tàu, chân bị trói gô, miệng nhét đầy giẻ. Thấy người yêu, Rôsita cố gắng quẫy mình song thân thể đau rừ nên nàng đành nằm ép 1 chỗ. Nàng rán kêu cũng không được. Pelam là tay thiện nghệ, chỉ cần 1 cái mù soa nhỏ tọng vào cuống họng cũng đủ bắt nàng im tiếng.
Nàng ngước nhìn Văn Bình, nước mắt chảy ròng ròng. Giây phút ấy, nàng cảm thấy yêu chàng đứt ruột. Nàng bỗng hối hận đã nhận lời làm vợ Pelam sau khi thất vọng với Văn Bình, và quáng mắt trước sản nghiệp kếch sù của tên gian hùng đội lốt tỉ phú lương thiện. Gian phòng trống rỗng làm Văn Bình chột dạ. Chàng đảo mắt nhìn tứ phía lần nữa, tay chân duỗi sẵn, để gặp biến cố có thể đáp ứng được ngay. Sau cùng, chàng mới nhìn thấy Rôsita. Chàng buột miệng :
-Em !
Chàng nhảy 3 bước lại chỗ nàng bị trói. Việc đầu tiên của chàng là lôi đống giẻ ra khỏi miệng nàng, và hỏi :
-Tại sao hả em ?
Rôsita không đáp mà chỉ chăm chú nhìn qua vai Văn Bình. Biết kẻ thù đang núp phía sau, chàng ngã lăn về bên trái, cuộn tròn 1 vòng rồi đứng dậy. Nhưng chàng đã tỏ ra khôn ngoan quá chậm trễ. Pelam đã bố trí chặt chẽ với 2 khẩu tiểu liên đen ngòm, họng chĩa về phía Văn Bình. Hai tên thủy thủ lạ mặt từ góc cabin tiến ra, ngoắt nòng súng, nói :
-Yêu cầu anh đứng dậy.
Chàng không có hy vọng cỏn con để đoạt súng. Loại tiểu liên Tiệp khắc này bắn rất nhạy, chàng chưa kịp đối phó thì 1 tràng đạn đã có thể bắn chàng nát bấy thân thể. Vả lại, đang còn khẩu súng thứ ba của Pelam. Văn Bình mới gặp Pelam trong ảnh. Bức ảnh bán thân to tướng, bệ vệ, treo giữa phòng khách trong tòa biệt thự ngàn một đêm lẻ của y tại trung tâm thành phố Mani. Khung ảnh toàn bằng vàng khối. Kiếng ảnh được chế tạo tại Saint Gobin trong suốt, mỏng dính nhưng súng bắn không vỡ. Chàng không thể bỏ qua được bức ảnh vì nó lớn gần bằng cái chiếu. Đôi mắt nghiêm nghị của Pelam từ trên tường nhìn xuống, chứng kiến những xen ôm hôn nồng nàn của Văn Bình và Rôsita. Lúc đó chàng nhăn mặt chỉ tay lên tường thì Rôsita cười rộ, bấm cái nút dưới bàn xa lông. Một bức riềm trắng từ từ chạy ra, che kín bức hình. Trong ảnh, Pelam có vẻ già, và hiền. Ở ngoài, bằng xương bằng thịt, những nét già và hiền ấy đã biến đâu mất. Pelam trước mặt chàng còn trẻ tuy tóc đã nhuộm muối tiêu. Mắt y, miệng y  toát ra sự dữ tợn và tàn nhẫn.
Văn Bình thốt lên :
-Ông Pelam !
Pelam nghiêng đầu :
-Vâng, Pelam là tôi. Anh chồng bị vợ cắm sừng lên đầu là tôi. Hân hạnh được biết ông. Nếu không có gì phiền phức, xin ông cho biết quý danh. Dầu ở trường hợp nào, tôi cũng vẫn giữ truyền thống hiếu khách. Người Phi chúng tôi hiếu khách với kẻ thù không đội trời chung.
Đứng trước đối phương, Văn Bình thản nhiên như không. Ngay cả khi súng chĩa vào ngực, sửa soạn nổ vang, chàng cũng phớt tỉnh vì chàng cho rằng con người có số, nếu đến số chết thì nằm trên giường cũng chết. Giới điệp báo quốc tế đã biết rõ đức tính có 1 không 2 của Văn Bình. Nhưng đêm nay, chàng lại mất bình tĩnh như kẻ mới bước chân vào nghề. Chàng nhìn từ Pelam qua Rôsita, mặt trắng bệch, tay chân luống cuống.
Sự thật là chàng mất bình tĩnh không phải vì sợ. Mà vì 1 cảm tưởng khác. Đây là lần đầu tiên chàng yêu 1 thiếu phụ có chồng, và bị chồng bắt quả tang. Vẫn biết nàng không yêu chồng, nhưng trên phương diện chính thức nàng là gái có chồng đàng hoàng. Tội ngoại tình là 1 trong những tội nặng về luân lý. Yêu Rôsita, Văn Bình chỉ nghĩ đến yêu chứ không nghĩa đến những hậu quả có thể xảy ra. Chàng không nghĩ rằng Rôsita ngày nay không phải là Rôsita hồi còn là nhân viên Sở Phản gián. Nếu khi ấy hạ độc thủ, Văn Bình sẽ nhắm mắt chịu đòn. Chàng quan niệm rằng người chồng bị cắm sừng có quyền trừng phạt. Văn Bình sẵn sàng chịu tội thay cho Rôsita. Vì thế trước câu hỏi đột ngột của Pelam, chàng đứng sững. Rôsita ngồi dậy, nắm áo Văn Bình :
-Đừng dấu nữa, vô ích anh ạ. Pelam đã biết hết.
Văn Bình quay lại :
-Biết hết sự giao du giữa anh và em ư ?
Rôsita đáp :
-Đó là chuyện dĩ nhiên. Pelam còn biết nhiều hơn thế nữa. Còn biết anh theo đuổi Dixon. Pelam đến đây vì chuyện ấy.
Đang bấn loạn tinh thần, Văn Bình vụt trở lại lì lợm nhờ câu nói của Rôsita. Nếu chồng nàng liên quan đến Dixon thì hoàn cảnh đã đổi khác. Vụ cắm sừng chỉ là phụ cuộc. Hồi nãy ở công viên Phramane, Lê Diệp đã tiết lộ là Pelam thân với Dixon, song Văn Bình không tin. Chàng cố hy vọng đó chỉ là tưởng tượng. Vì chàng không muốn Rôsita gặp sự thật quá đỗi phũ phàng.
Pelam gật gù :
-Người yêu của anh nói đúng. Tôi chờ anh trên tàu này không phải chỉ vì ghen tuông, mặc dù tôi có quyền ghen. Sự hiện diện của tôi còn có mục đích quan trọng hơn thế nữa.
Văn Bình hỏi :
-Anh muốn biết rõ tại sao tôi theo dõi Dixon trên Thái bình dương ư ?
-Phải.
-Anh đưa tôi gặp Dixon. Khi ấy tôi sẽ nói.
-Không được. Anh phải nói ngay ở đây.
-Tôi không chấp thuận.
-Rồi anh sẽ phải chấp thuận.
-Còn lâu.
-Chẳng lâu đâu. Tôi chỉ cần 2 phút. Sau 2 phút, anh sẽ thay đổi thái độ.
-Vậy anh hãy bắt đầu đi. Theo ý tôi, 2 phút hơi ít. Hút 1 hơi thuốc lá cũng đã mất 2 phút. Tôi xin đề nghị 2 giờ.
-Anh đừng riễu cợt nữa. Vì tôi e rằng lát nữa đây anh sẽ phải dở cười, dở mếu. Tôi nói là chỉ cần 2 phút tra tấn vì cô nhân tình của anh chỉ chịu được 2 phút tra tấn là giỏi nhất.
Nghe Pelam nói, Văn Bình lạnh người. Pelam đã cạn tình với vợ. Y không ngần ngại giết vợ để đạt mục đích. Y lại thấu rõ nỗi lòng yêu đương của Văn Bình đối với Rôsita. Y biết chàng có thể hy sinh mọi thứ, kể cả cuộc sống của chàng, để cứu nàng khỏi chết. Tuy nhiên, chàng vẫn phản đối lấy lệ :
-Dầu sao nàng cũng là vợ anh, từng sống chung với anh 1 thời gian. Con sâu, con kiến cũng không giết vợ. Anh là con người mà nỡ mang vợ ra tra tấn được ư ?
-Ha, ha … Nghe giọng nói đạo đức của anh, tôi tưởng tôi là con chiên ngoan đạo, còn anh là linh mục trên tòa giảng. Nàng là vợ tôi thật đấy, nhưng đó chỉ là bông hoa giấy được bày trong tủ kính. Mỗi khi nàng ôm tôi, nàng ngủ với tôi, nàng đã biến thành người đàn bà bằng ni lông, 1 búp bê tình dục, không có trái tim để phát ra luồng máu nóng đầy cuồng vọng, không có thần kinh hệ để ra lệnh cho các đường gân thớ thịt rung động. Thành ra tôi có vợ mà cũng như chưa có vợ. Riêng chuyện này cũng đủ cho tôi muốn hành hạ nàng. Huống hồ nàng lại hú hí thân mật với người khác. Tôi sẽ tra tấn nàng 1 cách khoan khoái và thỏa mãn, vì đây là cơ hội cho tôi trả thù. Không còn sự sung sướng nào bằng được trả thù với sự chứng kiến của thằng đàn ông mà nàng yêu.
-Nghĩa là anh đã quyết định chắc chắn ?
-Dĩ nhiên. Tôi trì hoãn là để chờ đợi thái độ của anh. Nếu anh còn thương nàng, tôi sẽ ra lệnh cho thuộc viên ngừng tay. Tôi không tra tấn bằng quay điện, bằng roi chì bọc cao su như các sở gián điệp vẫn làm. Tôi có 1 kỹ thuật tra tấn đặc biệt. Thân thể ngàn vàng của nàng sẽ dần dà mất đi từng mảng, từng khúc thịt. Người ta gọi hình thức tra tấn này là xử lăng trì. Nàng sẽ bị xẻo thịt từng miếng cho đến khi chết. Kinh nghiệm cho biết phải 1, 2 ngày người bị lăng trì mới chết được. Vì sau khi cắt 1 miếng thịt, tôi sẽ nghỉ ngơi 1 lát, có thể là vài giờ đồng hồ, lấy bông băng và thuốc cầm máu rịt lại vết thương, tiêm sinh tố K cho máu đông lại. Cứ như thế cuộc tra tấn được tiếp tục. Tiếp tục cho đến khi nàng đầu hàng. Đầu hàng vì không chịu nổi đau đớn. Chắc anh đã biết rằng đầu hàng trước thì thân thể còn được nguyên vẹn. Đến lúc mất tai, mất mũi rồi mới đầu hàng thì thật uổng. Nàng rất đẹp, phải không anh? Phải không, đại tá Văn Bình thân mến ?
-Phải. Anh không xứng đáng là đấng trượng phu vì thủ đoạn báo thù nhỏ nhen đối với người đàn bà không yêu anh.
-Văn Bình ơi, anh không chọc tức tôi được đâu. Thằng Pelam này khôn lắm. Anh nói đi, tôi bắt đầu sốt ruột rồi. Tại sao CIA lại ra lệnh cho anh bám sát du thuyền Bồng lai của Dixon ?
-Hừ, … không lẽ tôi lặn lội đi theo để ngắm cái cột buồm hoặc chân vịt của con tàu. Tất nhiên, tôi phải có mục đích rõ rệt. Nhưng tôi chẳng dại gì đánh đổi bí mật quan trọng này lấy 1 lời hứa xuông, chắc chắn là anh sẽ không tôn trọng.
-Nếu anh đòi bảo đảm, tôi xin chiều anh ngay.
Y ngoảnh sang bên, dặn 1 thuộc viên cầm tiểu liên :
-Đưa bà lên boong, gọi đò cho bà lên phố. Khi đò chạy rồi, mày xuống đây trình cho tao biết.
Rôsita rềnh rang chưa chưa chịu ra ngoài :
-Em không muốn vì em mà anh bị hỏng việc. Anh cứ giữ vững lập trường. Pelam  không dám tùng xẻo em đâu. Em biết. Vì y còn yêu em tha thiết, y không dám mó đến da thịt em, chứ đừng nói là cầm dao lóc từng miếng nữa.
Pelam chép miệng :
-Cô nói có lẽ đúng. Nhưng chỉ đúng với quá khứ. Tuy vẫn yêu cô, tôi không thể để ái tình trùm lấy bổn phận. Thú thật là trong thâm tâm tôi cầu mong cho Văn Bình chịu khai mọi việc để tôi có đủ lý do chính đáng để trả tự do cho cô. Thôi, cô lên bờ. Từ phút này trở đi, 2 ta sẽ trở thành người xa lạ. Đáng tiếc là hoàn cảnh éo le đã làm  ta xa nhau. Trong những ngày sống chung bên nhau, nếu có điều gì sơ xuất, xin cô tha lỗi cho tôi.
Giọng nói của tên trùm buôn lậu đội lốt doanh gia tỉ phú không còn dấm dẳn, chát chúa như trước nữa. Y nói với vẻ tiếc nuối và buồn bã thật sự. Rôsita chỉ Văn Bình rồi hỏi chồng cũ :
-Chừng nào anh tha ?
Pelam lắc đầu :
-Nếu tôi nói dối, tôi sẽ hứa đại là lát nữa sẽ trả tự do cho Văn Bình. Nhưng cô ơi, hiện giờ tôi rất thành thật. Thành thật hơn bao giờ hết, cô ạ. Thành thật vì đêm nay 2 ta phải vĩnh biệt. Cô chưa hề yêu tôi, nhưng ít ra đã có cảm tình nồng hậu với tôi. Tôi phải thành thật để đền đáp lại cảm tình nồng hậu ấy. Văn Bình chỉ có thể được trả tự do sau khi công việc của tôi được hoàn tất.
Rôsita nín lặng nhìn 2 người đàn ông đối diện nhau. Vẻ thù nghịch trên mặt họ đã tan biến mặc dù họ có thể ăn tươi, nuốt sống nhau ngay khi nàng rời cabin du thuyền. Nàng ngẫm nghĩ 1 phút rồi bước tới bên Pelam, hôn phớt lên trán y. Pelam đứng yên cho nàng hôn. Nhìn cặp mắt đờ đẫn của y, Văn Bình biết y còn yêu nàng tha thiết. Giá chàng không xía vào đời tư của 2 người thì Pelam chưa mất vợ.
Hôn chồng xong, Rôsita lùi lại hôn người yêu. Cũng như khi hôn Pelam, nàng giữ đúng sự âu yếm chừng mực, đồng đều, không bên nào khinh, cũng không bên nào trọng. Trước khi kiễng chân lên để hôn trán Văn Bình, nàng liếc chàng và nháy 1 bên mắt. Sợ chàng chưa hiểu, nàng còn nháy thêm lần nữa. Thật ra Văn Bình đã hiểu. Chàng phăng ra ý định của nàng khi nàng sửa soạn hôn trán chồng cũ. Ngày nọ, trong hàng ngũ Phản gián, nàng đã lừng danh nhờ quyền biến. Pelam là người đa mưu vậy mà Rôsita vẫn qua mặt.
Văn Bình dùng đuôi mắt để quan sát địa thế. Pelam, kẻ chủ chốt mà chàng phải chế ngự ngay trong giây đồng hồ đầu tiên, đang đứng đối diện chàng, gần như bị Rôsita che khuất. Hai bên chàng, trong khoảng cách 3 thước, là 2 tên thuộc viên trung thành của Pelam. Tuy chúng vẫn hườm súng, thái độ của chúng không còn khẩn trương như trước nữa. Văn Bình liếc thấy ngón tay của chúng đã rút ra khỏi cò. Nghĩa là chàng có thể đảo lộn tình hình trong chớp mắt. Nếu chàng xử sự thần tốc, chàng có hy vọng đánh ngã cả 3. Chàng sẽ kéo Rôsita chạy lên boong và 2 người sẽ nhảy ùm xuống sông Chao Phya. Trời tối, dầu đèn trên boong sáng quắc, họ cũng khó tìm ra. Ban ngày, dưới ánh nắng soi mói, nước sông đã nhuộm màu nâu, màu đất phù sa. Ban đêm, màu nâu sẫm lại thành màu mực tàu.
Nghĩ đoạn, chàng thực hành.
Bất thần, chàng xô Rôsita ngã chúi tới trước. Nàng loạng choạng rơi vào lòng Pelam. Hai chân của Văn Bình được phóng ra đồng loạt. Cước pháp của chàng đã đạt tới trình độ tinh vi nên 2 nạn nhân tránh không kịp, phương chi những ngọn cước đã được tung quá nhanh như thể tứ chi chàng là các bộ phận người máy điều khiển, nhanh đến nỗi khi khẩu súng bị rớt xuống sàn tàu, bắp tay và 1 bên hông bị tê dại, nạn nhân mới biết bị tấn công. Phải là cao thủ mới phóng được một lúc 2 ngọn cước sang tả và hữu. Vì như vậy, 2 chân sẽ xoạc ra, toàn thân phải nhảy vút lên thinh không. Điểm tuyệt vời của Văn Bình là khi hạ mình xuống thì đầu chàng bổ về phía trước, 2 bàn tay đã xòe rộng, chặt vào đầu Pelam.
Pelam bị Rôsita che mắt nên hơi luống cuống. Tuy nhiên, hắn vẫn tránh được độc thủ của Văn Bình. Y lạng người sang bên rồi lăn tròn trên mặt đất. Bản tâm của Văn Bình là đánh y trọng thương ngay trong thế mở đầu. Y không bị hề hấn gì nên Văn Bình hơi chột dạ. Pelam phải là võ sĩ có nhiều công phu tập luyện. Chàng phải áp dụng những miếng đòn lợi hại mới mong triệt hạ được y chóng vánh.
Nhưng chàng không thể lưu lại trên du thuyền Thiên thần được nữa. Nhân viên của Pelam đều được võ trang súng lớn. Chúng lại đông đảo. Chàng thì mãnh hổ nan địch quần hồ, lại vướng Rôsita. Vì vậy chàng không tiếp tục tấn công Pelam mà chỉ nghĩ đến thoát thân. Cửa cabin được khóa chặt. Không thấy chìa khóa. Văn Bình đành xử dụng đôi vai rắn chắc như bê tông. Tuy chàng không kịp lùi lại phía sau, hít 1 hơi dài để lấy trớn như thường lệ, chàng vẫn húc tung được cánh cửa sắt kiên cố. Biết trước ý định của chàng nên Rôsita đã chờ sẵn. Cánh cửa vừa bật ra, nàng đã phi thân nhảy ra ngoài. Nhờ được tập dượt võ nghệ, nàng nhảy khá cao, và đáp xuống nhẹ như lướt 1 bước tăng gô trên sàn gỗ vũ trường. Ngay trước mặt nàng là cầu thang bằng nhôm dẫn lên boong du thuyền. Rôsita đặt chân lên bậc thứ nhất thì 2 thủy thủ không biết núp ở đâu hùng hục chạy tới. Giá chúng được võ trang tiểu liên, khi ấy Văn Bình cũng không thể khoanh tay đầu hàng ngoan ngoãn, huống hồ chúng chỉ tấn công bằng 2 tay không. Chàng trườn tới, dùng 1 thế nhu đạo diễm tuyệt ghé vai nâng bổng tên thủy thủ thứ nhất lên, quay tròn 1 vòng trước khi ném cây thịt nặng nề vào giữa mặt tên thứ hai đang hăm hở lao vào vòng chiến. Cây thịt nặng gần 1 tạ mà Văn Bình đỡ lên gọn ghẽ, nhẹ nhàng như thể đối phương là con nhái bén. Nhưng đến khi chàng ném cây thịt xuống thì 1 tạ thịt biến thành 10 tạ thịt do công phu luyện công của chàng biến nhẹ thành nặng, biến mềm thành cứng. Kỹ thuật này chàng học được trong những ngày róc tóc đi tu tại ngôi chùa cổ gần Thát luông, Vạn tượng sau chuyến công tác bi thảm tại Hồng kông (2). Từ ngày nắm được bí quyết của Thần ảo công, phối hợp với Ninjitsu, Văn Bình dường như trở thành võ sĩ vô địch.
Vì là võ sĩ vô địch, sau hàng trăm trận đụng độ, chưa hề gặp đối thủ đồng cân đồng lạng, hoặc nếu thua thì chỉ thua sát nút, điệp viên Z.28 bắt đầu kém vui. Chàng nhận thấy địch quá tồi tệ nên mắc phải bệnh khinh thường, 1 tâm bệnh nhiều khi có lợi, mà cũng nhiều khi có hại, khả dĩ xô chàng vào cõi chết 1 cách khờ dại và oan uổng.
Hơn 1 lần, ông Hoàng đã bảo chàng :
-Võ nghệ của anh mỗi ngày 1 tinh vi, anh lại siêng năng bồi bổ, và thu thập kinh nghiệm thực tế nên chẳng bao lâu nữa anh sẽ đạt mức siêu quần bạt tụy. Đó là 1 điều mừng lớn cho Sở, và cả cho tôi nữa. Nhưng ngược lại, đó cũng là 1 điều lo sợ lớn.
Nghe ông tổng giám đốc nhắc đến chữ « sợ », chàng liền tỏ vẻ sửng sốt :
-Giỏi võ mà ông lại lo sợ thay cho tôi ư ?
Ông Hoàng gật đầu, và đáp, giọng hơi buồn :
-Thật vậy, nếu anh chưa học xong bộ Thần ảo công, anh đã là võ sĩ nhất nhì ở Đông nam Á rồi. Thêm bộ Thần ảo công, anh đã tiến 1 quãng đường dài, người khác phải mất cả chục năm cũng không theo kịp. Anh trở thành 1 võ sĩ không đối thủ. Phàm làm võ sĩ bao giờ cũng thắng, không bao giờ thua, dễ bị chết hơn là võ sĩ vừa thắng vừa thua. Vì có thua mới chịu tìm hiểu khuyết điểm của mình mà sửa chữa. Vì có thua mới thận trọng mỗi khi thượng đài với địch. Thượng đài ngoài đời để tranh giải vô địch võ thuật, người ta thường vờn nhau 1 hồi cho dãn gân dãn cốt, và để lôi cuốn khán giả vì khán giả sẽ la ó nếu 2 võ sĩ mới bắt đầu giao đấu, chưa xong hiệp thứ nhất thì 1 đã lăn chiêng trên đài.
Thượng đài trong nghề điệp báo xung kích hoàn toàn khác với thượng đài ngoài đời. Vì ở đây, thời gian tính là yếu tố quan trọng bậc nhất. Cuộc giao đấu cần được rút ngắn đến mức tối đa. Lệ thường chỉ đánh 1 đòn là đối phương phải hôn mê bất tỉnh, hoặc tử thương. Võ sĩ quá giỏi như anh, tin chắc giỏi hơn kẻ thù, muốn ra tay lúc nào cũng được nên thường sơ hở, đôi khi lại cố tình sơ hở để dụ địch đánh thế hiểm cho đỡ buồn. Chẳng may gặp kẻ địch tấn công nhanh hơn là mất mạng.
Văn Bình cười rộ :
-Ồ, tưởng gì, nếu chỉ có thế thì xin ông yên tâm. Tôi hứa với ông là không khi nào khinh địch.
Ông tổng giám đốc lặng thinh, mặt cúi xuống đống hồ sơ. Văn Bình tưởng ông chịu thua, nhưng nếu chàng đến gần, chàng sẽ nhìn thấy mắt ông hơi đỏ. Không hiểu sao từ ngày Văn Bình tu xuất, ông lại lo lắng, lo lắng nhiều đến nỗi ông già thêm 10 tuổi, trên đầu ông không còn sợi tóc nào màu xám tro nữa. Văn Bình cho là ông già quá yêu chàng nên sinh ra lẩm cẩm. Chàng đem chuyện bàn với Triệu Dung, đinh ninh được bạn về hùa. Không ngờ Triệu Dung lại nghiêm mặt :
-Đúng, ông cụ đã lo lắng rất đúng. Anh cần gia tăng thận trọng hơn trước. Dạo này tôi nhận thấy anh khinh địch quá đáng. Khinh địch làm tôi lắm lúc sợ đứng tim.
Văn Bình cười rộ rồi bỏ đi. Chàng cho rằng các nhân viên cao cấp của Sở đều ăn phải đũa của ông tổng giám đốc khật khùng. Chàng không thể ngờ được sự thật đã xảy ra đúng như ông tổng giám đốc khật khùng dự liệu.
Và hôm ấy chàng suýt mất mạng.
Suýt mất mạng trong 1 cuộc giao đấu tại phòng tập của Sở dưới hầm công ty Điện tử, đại lộ Nguyễn Huệ. Một phái đoàn Đại Hàn gồm các huấn luyện viên cận vệ của Sở Tình báo ghé thăm để trao đổi kinh nghiệm võ thuật với các võ sĩ điệp viên dưới quyền điều khiển của ông Hoàng. Nhiều cuộc biểu diễn và đấu giao hữu được tổ chức, và Văn Bình được mời dự, nhân dịp từ hải ngoại về.
Tại cuộc biểu diễn cuối cùng trước ngày về nước, viên trưởng đoàn huấn luyện Đại hàn đã làm cử tọa mê say về những thế karatê chém gỗ, gạch và ngói dễ dàng như dao đâm vào bơ. Kể ra Sàigòn không thiếu gì võ sĩ karatê cừ khôi có thể chặt vật cứng bằng sống bàn tay, song viên trưởng đoàn huấn luyện đã chém nát 1 lúc 2 chồng ngói dày, 1 gang tay gạch men, và 1 phiến gỗ lim kiên cố, 1 thành tích mà ít người đạt nổi.
Ngoại trừ Văn Bình.
Chàng lạnh lùng nhìn ra sân khi người thông dịch nói lại bằng tiếng Việt rằng những đòn karatê của viên trưởng đoàn được coi là độc nhất vô nhị, từ nhiều năm nay không ai dám đưa người ra cho ông ta đấm thử. Vì đấm nhẹ nhất cũng làm lục phủ ngũ tạng nát bấy. Chàng từ từ quay lại :
-Tôi sẵn sàng đứng ra cho ông trưởng đoàn tập rượt.
Võ thuật của viên trưởng đoàn chưa thuộc hạng đồng cân đồng lạng với Văn Bình. Chẳng qua ông ta chỉ thạo 1 môn chém gỗ, chặt ngói. Nếu chàng dùng Thần ảo công ngay trong phút giao đấu đầu tiên, không coi thường đối phương 1 cách quá đáng thì cuộc tranh tài đã được kết thúc nhanh chóng và êm ả. Chàng chỉ dùng nội công thông thường của quyền Thiếu lâm để chịu đòn. Chàng không ngờ được đối phương là võ sĩ đặc biệt chuyên về khí quyền, bộ môn lạ lùng của 1 phái võ hùng cứ trong nhiều thế kỷ ở Hoa Bắc, sau vì nội loạn đã lưu lạc sang Cao ly. Đặc điểm của quyền này là đánh vào khí đạo. Trên thân thể con người, ngoài hệ thống tuần hoàn ở khắp nơi, còn có các đường giây thần kinh, và sau hết là đường khí đạo. Hệ thống khí đạo gồm nhiều huyệt khác nhau, bị đánh trúng huyệt vào những giờ giấc định sẵn nạn nhân có thể gục chết ngay tại chỗ tuy ngoài da không có thương tích. Hoặc nạn nhân bị điên. Nhiều võ sĩ thượng đài, chưa đấu xong 1 hiệp đã ngã lăn xuống sàn, cơ thể mềm nhũn, võ công hoàn toàn bị tiêu diệt chỉ vì 1 đòn nhẹ vào đan điền. Không phải Văn Bình không biết điều ấy. Đối với chàng thì khí quyền là món ăn hàng ngày, chẳng có gì đáng làm sửng sốt. Vì bản thân chàng cũng là 1 tinh hoa về khí quyền. Song chàng lại không biết là viên trưởng đoàn huấn luyện Đại Hàn sợ không thắng được chàng nên đã thi thố độc thủ với miếng đòn sơ kiến. May là đêm hôm trước chàng về phòng ngủ sớm hơn thường lệ. Vì giấc ngủ được điều hòa và đầy đủ nên sức lực chàng rồi rào, thần khí chàng vẫn sáng suốt.
Đường quyền vừa phóng ra, Văn Bình đánh hơi lập tức thấy nguy hiểm. Chàng liền vội vã né tránh. Tuy vậy, chàng cũng bị tối tăm mặt mũi rồi lảo đảo như người say rượu sau miếng atémi đánh vào đan điền. Nếu chàng không phăng ra kịp thời thì võ công của chàng đã tiêu tan, chàng phải tập rượt 3, 4 năm nữa mới mong hồi phục. Vì khí quyền và phép vận công kị nhau như nước với lửa. Võ sĩ đang vận nội công biến da thịt thành sắt, mà bị đòn khí quyền thì da thịt bỗng mềm xèo ra như bún, nội công bị hóa giải như đám cháy bị vòi nước dập tắt.
Viên trưởng đoàn bước lên 1 bộ để phóng đòn thứ nhì, đinh ninh sẽ triệt hạ được chàng điệp viên bách chiến bách thắng. Nhưng Văn Bình đã kịp thời tỉnh ngộ, và xử dụng Thần ảo công để đối phó. Khí quyền của đối phương trở thành vô ích, cũng vô ích như múc nước sông đổ xuống biển. Viên tưởng đoàn vận dụng hết sức lực mà Văn Bình vẫn trơ như đá, vững như đồng. Đến phát atémi thứ ba thì chàng hút luôn bàn tay của đối phương vào bụng rồi thở phì ra. Viên trưởng đoàn bị bắn lộn vào tường, ngã lăn chiêng, gẫy 2 xương sườn, và 3 cái răng.
Dầu sao buổi giao đấu này cũng là bài học để đời đối với Văn Bình vì sau đó chàng phải vào bệnh xá của Sở điều trị đúng 1 tuần. Rồi chàng phải xin phép ông Hoàng lên cao nguyên nghỉ ngơi trong 2 tháng. Nghỉ ngơi ở đây không có nghĩa là cặp kè những cô gái có cặp chân dài và bộ ngực cứng nhọn khiêu khích. Trong quá khứ, Văn Bình thường nghỉ ngơi như vậy nên ông Hoàng hạn chế thời gian đi phép. Nhưng lần ấy, ông Hoàng lại thúc giục chàng và cũng không buồn cử người theo dõi chàng từng giờ, từng phút như trước. Vì hơn ai hết, ông tổng giám đốc biết chàng cần lánh xa đô thành bụi bặm, ồn ào, lánh xa nữ sắc để luyện lại võ công đã bị tổn thương trong cuộc giao đấu với viên trưởng đoàn huấn luyện Đại Hàn.
Lời căn dặn của ông Hoàng, và nhất là hình ảnh của cuộc so tài luôn luôn sôi đọng trong lòng Văn Bình. Nhiều khi chàng cũng quên, quên vô tình hoặc quên cố ý. Hôm nay, trên du thuyền Thiên thần, vì sự sống của chàng, đặc biệt là sự sống ngàn vàng của giai nhân Rôsita, chàng đã dùng ngay Thần ảo công để đánh gục 2 tên thủy thủ le te chạy tới. Cả 2 đều nằm mọp trên sàn tàu, máu me lênh láng. Văn Bình dìu Rôsita lên cầu thang.
Trên boong tàu sơn trắng, mạ kền bóng loáng, bọn thuộc hạ của Pelam đang chờ sẵn. Những thủy thủ Mã lai và Phi có thiện cảm với chàng đều bị bắt nhốt từ trước nên Văn Bình chỉ gặp toàn mặt lạ. Nói cho đúng thì cả bọn thủy thủ ùa tới cũng không có hy vọng chế ngự được chàng vì trông cách thủ thế và tấn công của chúng chàng biết chúng chỉ là hạng xoàng, ti toe vài ba miếng võ đủ đe dọa đàn bà và con nít. Cho dẫu chúng là tay chơi chuyên nghiệp, chàng cũng coi như cỏ rác. Chàng chỉ cần tóm 1 đứa, nâng lên làm mộc là trong khoảnh khắc quét gọn được toàn bọn. Tuy nhiên, chàng lại vướng Rôsita 1 bên. Nàng cũng giỏi võ nghệ, nhưng khốn nỗi trong khi luống cuống trèo cầu thang lên boong, nàng bị té ngã, trẹo mắt cá chân. Gãy chân tuy đau nhưng còn đỡ khổ hơn sái mắt cá vì nàng đi đứng không nổi, bắt buộc phải ngồi xuống. Nàng nghiến răng chịu đau, 2 tay dùng làm nạng để bò lết trên boong.
Bọn thủy thủ chia làm 2 toán, toán vây kín chàng, toán chạy tới bắt giữ Rôsita. Chàng hét lên tiếng « kiai », cả bọn bị dạt ra như đứng trước ngọn cuồng phong. Có đứa ngã lăn xuống sàn tàu bất tỉnh. Văn Bình cúi xuống, xốc Rôsita lên vai, phi thân chạy ra mạn tàu. Một tên thủy thủ dại dột nắm áo chàng bị chàng giẫy 1 cái lộn 2 vòng xuống tầng dưới, gẫy xương sống. Tên thứ hai mới bén mảng tới gần Rôsita đã ăn 1 cái đá trời giáng vào bụng, nhăn nhó ngồi bệt xuống. Khi ấy Pelam đã ló đầu lên khỏi cầu thang. Khẩu súng lăm lăm trong tay.
Văn Bình ôm Rôsita nhào xuống giòng sông Chao Phya. Đèn trên boong đã tắt. Có lẽ nhân viên của Pelam không muốn để đèn sáng, sợ công an tuần tiễu trên bờ nhìn thấy. Đoàng … đoàng … Pelam bắn 2 phát liên tiếp. Nhưng viên đạn không trúng mục phiêu mặc dù hắn là thợ săn nổi tiếng. Văn Bình đã ôm Rôsita lao xuống giòng nước đen ngòm. Bọn thủy thủ đua nhau nhảy theo. Văn Bình ngoi lên, hét vào tai Rôsita :
-Đừng sợ. Em cứ ôm chặt lấy anh.
Nếu không có Rôsita, chàng đã lặn luôn 1 mạch vào bờ. Về tài lặn dưới nước, chàng ăn đứt nhiều người. Đua về tài bơi, chàng cũng khó thua. Nhưng chàng lại không dám ngụp xuống sợ Rôsita ngạt thở. Vết thương ở mắt cá chân làm đường gân chân nàng co rúm. Nàng phải là người có thừa can đảm mới không hé miệng rên la. Bất đắc dĩ chàng phải ngoi lên, bơi 1 tay, còn 1 tay ôm ngang eo Rôsita. Dường như chàng ôm nàng quá chặt nên nàng cựa quậy, chàng phải buông ra cho nàng níu lấy vai chàng.
Hai ngọn đèn pha từ mạn tàu bắt đầu chiếu xuống sông. Loại đèn 3 ngàn nến này có thể khám phá ra 1 con cá nhỏ đang bơi lượn dưới nước ban đêm. Chàng thấy người đứng lố nhố, vây quanh Pelam, giờ đây vừa đổi khẩu tiểu liên lấy khẩu súng bắn mũi lao bằng hơi ép, thường dùng trong các cuộc săn cá dưới biển. Bắn trúng, mũi lao sẽ xuyên qua người. Tiếng động của mũi lao từ nòng súng vọt ra lại được thu nhỏ tới mức tối đa, người lạ ở chung quanh khó thể nghe được. Pelam đã tỏ ra thận trọng. Nhưng y thận trọng không cần thiết vì du thuyền Thiên thần buông neo tại khúc sông vắng, ở xa trung tâm dân cư và tàu buôn. Giá y bắn súng đại liên nữa cũng chẳng ai nghe tiếng, và nếu nghe tiếng thì cũng chẳng ai để ý. Văn Bình nhoài người để ra khỏi vùng sáng của 2 ngọn đèn pha luân phiên nhau quét trên mặt sông phẳng lặng. Đột nhiên có tiếng kêu lớn :
-Thấy rồi. Nó đây rồi.
Văn Bình vội hụp xuống, và kéo Rôsita theo. Nàng đã mệt nhoài, chắc chắn sẽ sặc nước, nhưng nếu chàng trù trừ, Pelam sẽ tặng ngay 1 mũi lao hơi ép. Hai lùm đèn pha cùng chập vào nhau. Khúc sông sáng rực như ban ngày. Tiếng Pelam oang oang :
-Đâu ? Có thấy nó đâu ?
Văn Bình trồi lên và đụng phải 1 gã thủy thủ. Hắn cũng vừa nhận ra chàng nên lập tức quay người lại, miệng kêu cứu. Văn Bình tống mạnh vào miệng hắn, Tiếng kêu cứu của hắn bị mắc nghẽn, đồng thời chàng giáng atémi vào giữa mắt. Bị đánh 2 đòn hiểm cùng một lúc, gã thủy thủ bất hạnh nằm ngửa tênh hênh dưới ánh đèn vừa chiếu tới, rồi từ từ chìm xuống nước. Văn Bình đã hạ được tên thủy thủ đầu tiên trên sông. Song cả chục tên khác đang nườm nượp bơi về phía chàng. Du thuyền Thiên thần mỗi lúc 1 xa. Văn Bình tiếp tục bơi thật nhanh hầu dụ đối phương xuống quãng tối, ở xa tàu, để chàng dễ bề hành động. Và tốt nhất là chàng có thể bơi vào bờ. Trên cạn, sức chàng có thể quật ngã toàn bọn, dầu chúng mang theo khí giới đầy đủ. Bỗng nhiên, 1 bên vai chàng nhẹ hẳn. Hốt hoảng, chàng quay lại. Rôsita đã buông tay, chơi vơi trên giòng nước chảy xiết. Nàng bị mệt mỏi đến độ không còn gân cốt để bám lấy chàng nữa. Chàng nắm áo nàng giật về phía chàng. Rôsita đã biến thành khối thịt vô tri giác. Chàng điểm nhẹ vào mê huyệt gần màng tang cho nàng tỉnh dậy, miệng gọi rối rít :
-Em, em, Rôsita ?
Nàng vẫn không đáp lại. Hồi nãy, trong khi lặn sâu xuống nước, nàng đã uống nhiều nước mà chàng không để ý. Nếu tình trạng này kéo dài mấy phút nữa, nàng sẽ ngạt thở mà chết. Chàng bèn bơi bằng 2 chân, dùng 2 cánh tay nâng nàng lên khỏi mặt nước, đồng thời bóp huyệt gần đốt xương cụt. Phàm người bị thắt cổ lè lưỡi tím ngắt, hoặc chết đuối bụng trương phình nước, phép điểm huyệt tinh vi này có thể làm hồi sinh. Thân thể nàng còn nóng hổi, Văn Bình lại là kỳ tài về khoa hồi sinh nên chỉ sau 1 tích tắc đồng hồ nàng đã sống lại. Chàng lại gọi :
-Rôsita, em đã tỉnh hoàn toàn chưa ?
Nàng lúng búng ho rồi thều thào :
-Rồi, em mệt quá.
Chàng luồn bàn tay dưới nách nàng, giữ cho đầu nàng ở trên mặt nước :
-Em ráng lên chút nữa. Sắp đến bờ rồi.
Nàng lại ho :
-Không thoát được đâu. Pelam lừa anh xuôi giòng nước rồi dùng ca nô rượt theo. Trên ca nô có súng bắn hơi ép rất lợi hại.
Văn Bình sợ lạnh người. Nếu nàng nói đúng, chàng khó có hy vọng thoát khỏi vòng vây, trừ phi bỏ nàng lại. Mà bỏ nàng là điều chàng không thể chấp nhận, phần vì nhiệm vụ, phần vì tình yêu tha thiết. Không bỏ nàng lại để trốn 1 mình thì chàng phải chết. Nhưng thà chết … chứ chàng không thể mang tiếng ích kỷ và đê hèn.
Tiếng Rôsita lại cất lên :
-Văn Bình ơi, anh trốn đi.
Chàng lắc đầu :
-Không được.
-Lạy anh, anh nên nghe em. Pelam không dám giết em đâu. Vì hắn còn yêu em. Hắn chỉ giữ em thôi. Nhưng nếu anh bị bắt, hắn sẽ không tha.
Văn Bình không có thời giờ đôi co với Rôsita nữa. Một cơn gió mạnh từ xa thổi tới làm mặt nước cuộn sóng, nhồi nàng chìm nghỉm. Chàng vội kéo nàng lên rồi xải tay bơi thật nhanh vào bờ, khi ấy chỉ còn cách 30, 40 thước. Họa vô đơn chí, chàng đang loay hoay với những đợt sóng mỗi lúc một mạnh khiến Rôsita đã mệt lại mệt thêm thì ca nô của Pelam chạy tới đã mở đèn sáng rực giòng sông. Tiếng động cơ rầm rầm xé tan màn im lặng. Trong chớp mắt, ca nô đã đến gần. Văn Bình nghe rõ tiếng của Pelam :
-Thong thả … không cần bắn. Hắn không chạy đâu thoát. Cứ lại gần nữa, gần thêm nữa. Chiếu đèn pha vào mặt cho hắn chóa mắt.
Phút này, Văn Bình mới nghiệm thấy Rôsita nói đúng. Gã gian hùng tỉ phú đang còn nặng lòng vì nàng. Y phải đích thân điều khiển cuộc rượt bắt vì sợ đàn em làm nàng bị thương. Tuy nhiên, còn nước còn tát, Văn Bình không phải hạng người đầu hàng dễ dàng. Chàng co chân đạp mạnh để thoát khỏi lùm sáng đèn pha soi mói của ca nô. Nhưng Rôsita đeo cứng lấy chàng như tảng đá khiến chàng quay tròn như chong chóng. Chàng bèn cắp Rôsita vào nách, liều mạng ngụp xuống. Chàng tin tưởng vào tài kuatsu của mình có thể hồi sinh nàng sau khi tới bờ. Nhưng chàng không ngờ rằng khi ấy nàng lại nghĩ khác. Nàng mệt tưởng như sắp đứt hơi thở, trái tim nàng muốn ngừng đập song thần trí nàng vẫn tỉnh, có lẽ còn sáng suốt hơn ngày thường nữa. Nàng cảm thấy yêu Văn Bình lạ lùng, và có thể chết được vì chàng. Thật ra, nàng sẵn sàng chết cho chàng sống. Pelam sẽ băm vằm Văn Bình ra hàng trăm mảnh. Y thù chàng vì công việc thì ít, mà vì ghen tuông thì nhiều. Hồi còn ở Mani, y đã biết nàng có tình riêng với Văn Bình. Y nói 1 cách cao thượng là không cấm đoán nàng yêu. Giờ đây nàng biết là y hờn mát. Khi nói như vậy, y hơi nhăn mặt, luồng mắt sáng lên pha máu đỏ, cánh mũi run run. Y đã rắp tâm thanh toán Văn Bình từ lâu mà nàng vẫn khờ khạo cả tin vào tinh thần mã thượng của gã chồng hờ.
Ánh đèn ca nô múa nhảy trên mặt sông gợn sóng. Rôsita vừa có 1 quyết định dứt khoát. Nàng sẽ buông tay ra khỏi tay Văn Bình, và mặc cho chìm xuống đáy sông. Nếu trời còn tựa thì bọn đàn em của Pelam sẽ vớt nàng kịp thời, và trong khi ấy Văn Bình có hy vọng thoát hiểm. Cũng có thể nàng bị nước cuốn đi, và nàng sẽ mất mạng. Trước sau gì cũng 1 lần chết, nàng nghĩ vậy rồi đột ngột buông tay ra. Khối nặng đè trên vai Văn Bình đã tan biến. Văn Bình hiểu ngay nguyên nhân nhưng chàng không tài nào ngăn cản nàng được nữa. Quên cả nguy hiểm gần kề với chiếc ca nô chiếu đèn pha sáng lòa đang rẽ sóng phăng phăng chạy tới, chàng kêu thất thanh :
-Rôsita !
Nàng đã ở ngoài tầm tay của chàng. Ánh đèn rực rỡ làm chàng quáng mắt. Chàng nghe tiếng của Pelam :
-Quăng câu liêm xuống móc hắn lên.
Hoảng hồn, chàng  quẫy mình lặn xuống. Một loạt móc sắt được phóng xuống, chỉ cách chàng trong gang tấc. Khi chàng trồi lên thì đã ở phía đuôi ca nô. Bọn thuộc hạ của Pelam đều tập trung đằng mũi nên không nhìn thấy chàng. Chàng lại nghe Pelam gắt :
-Tìm được hắn chưa ? Tụi bay đúng là đồ ăn hại. Hàng chục cặp mắt, súng ống trong tay mà để hắn chạy thoát.
Bên trái, 1 tiếng reo mừng rỡ cất lên :
-May quá, thấy rồi !
« Thấy » ở đây là thấy Rôsita. Nàng đang vùng vẫy giữa giòng nước chảy xiết, sắp sửa bị xoáy xuống đáy sông thì 2 tên thủy thủ thiện nghệ đã bơi kịp tới, choàng ngay cái phao lên người nàng rồi dìu về ca nô. Chân vịt ca nô quay mạnh kêu ầm ầm, suýt nữa nghiến đứt bàn tay của Văn Bình. Chàng bám lấy mạn thuyền máy, lặng lẽ theo dõi những việc xảy ra trên boong. Tiếng Pelam :
-Có bị nguy không ?
Tiếng người đáp :
-Thưa ông, không. Bà đang còn thở. Chỉ bị uống 1 bụng nước mà thôi. Hai, ba phút nữa là tỉnh. Bây giờ xin phép ông cho khiêng bà xuống cabin ấm hơn. Trên này gió lộng quá.
Lại tiếng Pelam :
-Bọn bay cố gắng lên, tao sẽ có thưởng. Khi nào bà tỉnh dậy thì kêu tao ngay, nghe chưa !
Ca nô quay vòng tròn trên sông. Pelam dán mắt vào ống viễn kính, giọng bực bội :
-Quái, có lẽ hắn là ma ! Vừa thấy đó mà hắn đã lỉnh đâu mất ?
Văn Bình mỉm cười 1 mình. Chàng đang ở dưới chân y mà y không biết. Nhưng nụ cười kiêu hãnh vội tắt trên môi điệp viên Z.28 vì Pelam « à » 1 tiếng rồi nói tiếp :
-Thôi, tao biết rồi. Hắn chỉ quanh quẩn đâu đây thôi. Tắt máy đi.
Văn Bình đã đọc thấu tư tưởng của trùm gian hùng Pelam. Sau khi ca nô tắt máy, y sẽ sai nhân viên giỏi thủy chiến nhảy xuống nước tìm kiếm. Lần này, chắc chắn chúng sẽ phăng ra chàng. Chàng phải rời xa khu vực hoạt động của ca nô trước khi Pelam trở tay. Giờ đây chàng đã có thể ra đi 1 mình vì Rôsita đã được an toàn. Nghĩ đoạn, Văn Bình nhịn thở cho toàn thân từ từ chìm xuống. Cứ thế chàng lặn ngược giòng về phía thành phố. Cách thuyền máy 1 quãng khá xa, chàng mới xuất đầu lộ diện. Ngoại ô Vọng các đã bị bóng đêm che kín. Du thuyền Thiên Thần nằm ngoan ngoãn trong ánh đèn mờ mờ. Xa xa là chiếc ca nô vô tích sự.
Văn Bình lóp ngóp trèo lên bờ, quần áo ướt sũng nước. Chàng phải tìm nơi an toàn, kiếm quần áo khô để thay, và nhất là uống ly 1 huýt ky cho ấm bụng. Chàng khựng người, sực nhớ đến cái hẹn định mệnh với cô gái Thái. Chậc 1 tiếng nhỏ, chàng rẽ vào bóng cây dày đặc. Đêm nay, chàng sẽ không được ngủ. Vì đêm nay nhiều chuyện quan trọng sẽ xảy ra.
Vì đêm nay là đêm dài nhất của đại tá điệp báo Văn Bình Z.28 tại Vọng các.
Chú thích:
(1) muốn hiểu cuộc gặp gỡ nồng nàn đầu tiên giữa Rôsita và Văn Bình tại Mani, xin đọc « Tử chiến ngoài khơi » ( 2 cuốn ) đã xuất bản tháng 12 – 1967.
(2) xin đọc Bí mật Hồng kông và Tia sáng giết người, đã xuất bản.

Chương trước Chương sau