Mật mã DA VINCI - Chương 020
Mật mã DA VINCI
Chương 020
Ngày đăng 16-02-2016
Tổng cộng 105 hồi
Đánh giá 10/10 với 88526 lượt xem
Ra khỏi bóng tối, Langdon và Sophie len lén đi ngược hành lang vắng lặng, tiến về phía cầu thang thoát hiểm.
Vừa bước đi, Langdon vừa cảm thấy như đang cố làm một trò chơi ghép hình trong bóng tối. Khía cạnh mới nhất của bí ẩn này là một điều làm ông hoang mang sâu sắc: Tay đại uý Cảnh sát tư pháp đang cố tạo dựng chúng cớ để khép mình vào tội giết người.
"Cô có nghĩ", ông thì thầm, "rằng có thể Fache là người viết lời nhắn trên sàn đó không?".
Sophie thậm chí không ngoảnh mặt lại: "Không thể nào".
Langdon thì không chắc chắn như vậy: "Ông ta dường như cố ý chứng minh là tôi phạm tội. Có lẽ ông ta nghĩ viết tên tôi lên sàn sẽ giúp ông ta phá án chăng?".
"Thế còn dãy số Fibonacci? Hai chữ P.S.? Và cả bức ký họa Da Vinci và biểu tượng nữ thần nữa? Tất cả thảy là của ông tôi".
Langdon biết rằng cô ấy đúng. Tính biểu tượng của các đầu mối ăn khớp với nhau quá hoàn hảo hình sao năm cánh, bức ký họa Người Vitruvian của Da Vinci, nữ thần và cả cái dãy số Fibonacci ấy nữa. "Một bộ biểu tượng nhất quán" như cách gọi của các nhà nghiên cứu hình tượng minh họa. Tất cả kết nối với nhau chặt chẽ không cách chi gỡ ra nổi.
"Và chiều nay ông tôi đã gọi cho tôi", Sophie nói thêm. "Ông bảo ông cần nói với tôi một điều gì đó. Tôi chắc lời nhắn của ông tại bảo tàng Louvre là những nỗ lực tối hậu để nói cho tôi biết điều gì đó quan trọng, một điều mà ông tôi nghĩ ông có thể giúp tôi hiểu".
Langdon cau mày. Ôi, quỷ hà khắc! Ôi thánh yếu đuối! Ông ước mình có thể hiểu rõ lời nhắn đó, vừa vì lợi ích của Sophie vừa vì chính ông nữa. Sự thể rành là đã xấu đi kể từ khi ông nhìn thấy lần đầu tiên những từ ngữ khó hiểu đó. Cái kẻ đóng giả ông nhảy qua cửa sổ nhà vệ sinh sẽ chẳng khiến Fache mến mộ Langdon thêm chút nào. Cách nào đó, ông không tin rằng viên đại uý cảnh sát Pháp có thể thấy được nét hài hước trong việc đuổi bắt một bánh xà phòng.
"Lối vào không còn xa lắm đâu", Sophie nói.
"Liệu có khả năng những con số trong tin nhắn của ông cô chứa đựng chìa khoá để hiểu những dòng khác không?".
Langdon đã từng nghiên cứu một loạt văn bản viết tay của người Baconian, những văn tự có kí tự khắc trên bia đá, trong đó mã số nằm ở một số dòng nhất định là đầu mối để giải mã những dòng khác.
Cả tối nay tôi đã nghĩ về những con số đó. Những phép tính, thương số, kết quả. Tôi chẳng thấy được điều gì cả. Về mặt toán học mà nói, chúng được sắp xếp một cách ngẫu nhiên. Một chuỗi kí tự tào lao".
"Nhưng chúng là một phần của dãy số Fibonacci. Đó không thể là sự trùng hợp được".
"Đúng thế. Sử dụng dãy số Fibonacci là một cách khác để ông tôi thu hút sự chú ý của tôi - cũng như viết lời nhắn bằng tiếng Anh, hoặc sắp xếp thân thể mình theo tư thế hệl như cái tác phẩm nghệ thuật ưa thích của tôi, hoặc vẽ một hình sao năm cánh lên người mình. Tất cả chỉ để thu hút sự chú ý của tôi".
"Hình sao năm cánh có ý nghĩa đối với cô?".
"Vâng. Tôi chưa có cơ hội để nói với ông, nhưng hình sao năm cánh là một kí hiệu đặc biệt giữa ông cháu tôi hồi tôi còn nhỏ. Chúng tôi thường chơi bài Taro để giải trí, và con bài hiệu do tôi rút bao giờ cũng nằm trong bộ sao năm cánh. Tôi dám chắc ông đã sắp bài cho nó ra như thế, nhưng những bộ sao năm cánh chỉ là trò đùa nho nhỏ của chúng tôi thôi".
Langdon cảm thấy rùng mình. Họ đã từng chơi bài Taro ư? Trò chơi bài này của người Ý thời trung cổ tự nó đã ẩn giấu quá nhiều những biểu tượng dị giáo đến nỗi Langdon đã dành toàn bộ một chương trong bản thảo mới của ông để viết về bài Taro. Hai mươi hai quân bài của trò chơi này có những cái tên như: "Nữ giáo hoàng, nữ hoàng và Ngôi sao". Thoạt kỳ thuỷ, bài Taro được bày tạo ra như là một phương cách bí mật để truyền đi những tư tưởng bị Nhà Thờ cấm đoán. Ngày nay, bí ẩn trên những quân bài Taro dược những bà thầy bói thời hiện đại lưu truyền.
Bộ bài hiệu Taro hợp với tính nữ thiêng liêng lò bộ sao năm cánh.
Langdon nghĩ, nhận ra rằng nếu Saunière sắp bài cho cô cháu gái như thế cho vui thì bộ sao năm cánh là trò đùa có nội dung thích hợp.
Họ đã đến cầu thang thoát hiểm, và Sophie thận trọng đẩy cửa. Không có chuông báo động nào kêu cả. Chỉ có những cánh cửa dẫn ra bên ngoài là có cài hệ thống báo động. Sophie dẫn Langdon xuống một cầu thang hẹp ngoằn ngoèo dẫn đến tầng trệt, mỗi lúc một rảo bước nhanh hơn.
"Khi nói về hình sao năm cánh", Langdon nói, vội vã theo sau cô, "Ông cô có đề cập đến việc thờ nữ thần hay bất cứ một phẫn uất nào đối với Nhà thờ Cơ đốc chính thống không?".
Sophie lắc đầu: "Tôi quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh toán học của nó - Tỷ lệ thần thánh PHI, dãy số Fibonacci, đại loại như thế.".
Langdon ngạc nhiên: "Ông cô dạy cô về số PHI à?".
"Tất nhiên. Tỷ lệ thần thánh đó". Vẻ mặt cô trở nên ngượng ngập. "Thực tế, ông thường hay nói đùa rằng nửa phần tôi là thần thánh… Ông biết đấy, đó là do những chữ cái trong tên tôi".
Langdon suy nghĩ trong chốc lát rồi lẩm nhẩm.
s-o-P-H-I-e.
Vừa đi xuống Langdon vừa tập trung ngẫm nghĩ lại số PHI.
Ông bắt đầu nhận ra rằng những đầu mối của Saunière có thực chất hơn ông tưởng lúc đầu.
Da Vinci… dãy số Fibonacci… hình sao năm cánh.
Không thể tin được, tất cả những điều này đều được kết nối bởi độc một khái niệm cơ bản của lịch sử nghệ thuật mà Langdon thường dành cả mấy tiết học để giảng về nó.
PHI
Ông cảm thấy như đột nhiên quay về đại học Harward, đứng trong giờ giảng Chữ nghĩa tượng trưng trong nghệ thuật của mình, viết con số ưa thích lên bảng đen.
1,618
Langdon quay mặt về phía đám đông sinh viên dầy hào hứng: "Ai có thể nói cho tôi biết con số này là gì?".
Một sinh viên chân dài chuyên ngành toán học ngồi ở phía sau giơ tay: "Đó là số PHI". Cậu ta dài giọng ph-i-i.
"Tốt lắm Stettner", Langdon nói, "xin giới thiệu PHI với tất cả".
"Đừng có nhầm lẫn với PI", Stettner thêm vào rồi cười toét. Như cánh toán học chúng tôi thích nói: "PHI hơn hẳn PI một con H".
Langdon cười nhưng dường như không ai hiểu câu nói đùa đó.
Stettner buồn thiu.
"Số PHI này". Langdon tiếp tục, "một-phấy-sáu-một-tám, là một con số vô cùng quan trọng trong nghệ thuật. Ai có lhể nói cho tôi biết tại sao?".
Stettner cố chứng tỏ mình lần nữa: "Bởi vì nó rất đẹp phải không ạ?".
Mọi người cười rộ lên.
"Thực ra", Langdon nói, "Stettner lại một lần nữa nói đúng. Nói tóm lại, PHI được coi là con số đẹp nhất trong vũ trụ".
Tiếng cười đột ngột dứt hắn, và Stettner đắc chí.
Vừa lắp phim vào máy chiếu Slide, Langdon vừa giải thích rằng số PHI bắt nguồn từ dãy số Fibonacci - một cấp số nổi tiếng không chỉ vì tổng số những số hạng kề nhau sẽ bằng số hạng kế tiếp, mà còn bởi thương số của những số hạng kề nhau có một đặc tính kỳ lạ là đều suýt xoát số l,618 - PHI!
Mặc dù nguồn gốc toán học của số PHI có vẻ như huyền bí, Langdon giải thích, khía cạnh gây sửng sốt thực sự của PHI lại nằm ở vai trò của nó với tư cách là một nhân tố xây dựng mang tính nền tảng trong tự nhiên. Thực vật, động vật, và thậm chí cả con người đều có những thuộc tính về kích thước gắn chặt với tỉ số giữa PHI và 1 tới một dộ chính xác kỳ bí!
"Số PHI có mặt khắp nơi trong tự nhiên", Langdon vừa nói vừa tắt đèn, "rõ ràng điều đó vượt quá sự trùng hợp, và vì vậy nên người xưa cho rằng con số PHI hần là đã được tiền định bởi Đấng Sáng Thế. Các nhà khoa học buổi ban đầu đã tuyên bố một - phẩy - sáu - một - tám là Tỷ lệ thần thánh".
"Khoan", một cô gái ở hàng ghế đầu lên tiếng, "Tôi là sinh viên chuyên khoa sinh học và tôi chưa bao giờ thấy Tỷ lệ thần thánh này trong tự nhiên cả".
"Chưa à?", Langdon mỉm cười. "Bạn đã bao giờ nghiên cứu con cái và con đực trong xã hội của loài ong chưa?".
"Đương nhiên rồi. Sô ong cái luôn nhiều hơn số ong đực".
"Chính xác. Và bạn có biết rằng nếu bạn chia số ong cái cho số ong đực trong bất cứ một tổ ong nào trên thế giới, bạn luôn được cùng một số thương không?".
"Thầy đã làm rồi ạ?".
"Đúng vậy. Số PHI".
Cô gái há hốc miệng: "Không thể nào?".
"Hoàn toàn có thể!". Langdon quặc lại, rồi mỉm cười chiếu một hình vỏ ốc trên slide. "Bạn nhận ra cái này chứ?".
"Đó là một con ốc anh vũ", cô sinh viên sinh học nói. "Một loài nhuyễn thể có vỏ cứng, có thể đẩy không khí vào trong vỏ để điều chỉnh độ nổi hay chìm trong nước".
"Chính xác. Và bạn có thể đoán được tỉ số của mỗi đường kính vòng xoắn này với đường kính vòng xoắn kế tiếp không?".
Cô gái có vẻ phân vân khi quan sát những vòng tròn đồng tâm trên vỏ xoắn của con ốc anh vũ.
Langdon gật đầu: "PHI. Tỷ lệ thần thánh. Một-phẩy-sáu-một-tám trên một".
Trông cô gái đầy vẻ kinh ngạc.
Langdon chuyển sang tấm slide tiếp theo - bản chụp cận cảnh một đầu hạt hoa hướng dương: "Hạt hoa hướng dương có những vòng xoáy đối ngược nhau. Bạn có thể đoán được tỉ số giữa đường kính vòng tròn này với đường kính vòng trên kế tiếp không?".
"Là PHI?" Tất cả đồng thanh.
"Tuyệt". Bây giờ Langdon chiếu nhanh tất cả các tấm slide các đường trôn ốc trên quả thông, cách sắp xếp lá trên những nhánh cây các vạch trên bụng côn trùng, tất cá đều tuân theo Tỷ lệ thần thánh đến mức kinh ngạc.
"Thật kỳ lạ", ai đó reo lên.
"Phải", một người khác nói, "nhưng cái đó có liên quan gì đến nghệ thuật?".
"Aha", Langdon reo lên, "rất vui vì bạn đã hỏi điều đó". Ông chiếu một tấm slide khác - một tấm giấy da vàng nhạt có hình người đàn ông khoả thân nổi tiếng của Leonardo Da Vinci Người Vitruvian được đặt tên theo Marcus Vitruvius, kiến trúc sư lỗi lạc người La mã, người đã đánh giá rất cao Tỷ lệ thần thánh trong một cuốn sách của ông mang tên Kiến trúc.
Không ai hiểu cấu trúc thần thánh của con người hơn Da Vinci Thực tế Da Vinci đã khai quật các ngôi mộ để đo đạc chính xác tỉ lệ các cấu trúc xương trong cơ thể con người. Ông là người đầu tiên chứng minh rằng cơ thể con người, nói một cách chính xác theo nghĩa đen, được làm bằng các khối mà tỉ lệ giữa chúng luôn luôn là PHI".
Mọi người trong giảng đường đều nhìn ông với vẻ ngờ vực.
"Không tin tôi phải không?". Langdon thách thức. "Lần tới các bạn tắm vòi hoa sen, hãy thử đo mình bằng thước dây xem".
Hai cầu thủ bóng đá cười khúc khích.
"Không chỉ hai bạn vận động viên kia đâu", Langdon phản ứng lại ngay. "Mà là tất cả các bạn. Nào các chàng trai, cô gái.
Thử nhé. Hãy đo khoảng cách từ đỉnh đầu các bạn cho đến khi chạm đất. Rồi chia nó cho khoảng cách từ rốn các bạn đến mặt đất. Hãy đoán xem con số mà các bạn đạt được".
"Không phải số PHI!" Một trong hai gã vận động viên thốt lên, không tin.
"Là số PHI", Langdon đáp lại, "một-phẩy-một-sáu-một-tám.
Cần một ví dụ khác nữa không? Hãy đo khoảng cách từ vai đến các đầu ngón tay, rồi chia nó cho khoảng cách từ khuỷu tay đến các đầu ngón tay. Lại một số PHI nữa. Một ví dụ khác nhé? Hãy chia khoảng cách từ đầu gối đến mặt đất cho khoảng cách từ hông đến mặt đất. Một số PHI nữa. Lòng bàn tay.
Ngón chân cái. Các dốt sống. PHI. PHI. PHI. Các bạn của tôi ơi, mỗi người trong các bạn đều là một minh chứng sống cho Tỷ lệ thần thánh".
Ngay cả trong bóng tối, Langdon cũng có thể nhìn thấy tất cả bọn họ sững sờ. Ông cảm thấy một sự ấm nóng quen thuộc trong lòng. Đây chính là lí do tại sao ông dạy học. "Các bạn của tôi như các bạn đã thấy, bên dưới sự hỗn độn của thế giới, vẫn có một trật tự. Khi người xưa phát hiện ra số PHI, họ chắc chắn rằng họ đã tình cờ tìm thấy yếu tố cơ bản mà Chúa Trới dùng để tạo nên thế giới này, và họ tôn thờ tự nhiên vì lí do đó. Và người ta có thể hiểu tại sao trong tự nhiên rõ ràng có bàn tay của Chúa Trời, và cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại những tôn giáo vô thần thờ Mẹ Đất. Nhiều người trong chúng ta tôn vinh tự nhiên theo cách mà những tín đồ ngoại giáo vẫn làm, mà thậm chí không biết thế. Ngày mồng một tháng năm là một thí dụ điển hình, ngày lễ tôn vinh mùa xuân… Trái Đất hồi sinh để ban tặng sự hào phóng của mình. Ngay từ buổi sơ khai, người ta đã viết về phép thuật bí ẩn cố hữu nơi Tỷ lệ thần thánh. Con người chỉ đơn giản hoạt động theo những quy luật của tự nhiên, và bởi vì nghệ thuật chính là nỗ lực của con người để bắt chước cho được vẻ đẹp từ bàn tay Đấng Sáng Thế, các bạn có thể tướng tượng rằng chúng ta sẽ được tận mắt thấy rất nhiều bằng chứng về Tỷ lệ thần thánh trong nghệ thuật học kỳ này".
Hơn một nửa giờ nữa trôi qua, Langdon cho đám sinh viên xem những slide về các tác phẩm nghệ thuật của Michelangelo, Albrecht, Dyrer, Da Vinci và nhiều người khác, để minh chứng sự áp dụng triệt để và đầy chủ ý của mỗi nghệ sĩ đối với Tỷ lệ thần thánh trong bố cục mỗi tác phẩm của mình. Langdon cũng chỉ rõ PHI trong các kích thước kiến trúc của đền Parthenon Hi lạp, của các Kim tự tháp Ai cập, và thậm chí của cả toà nhà trụ sở của Liên hợp quốc tại New York. PHI cũng xuất hiện trong cấu trúc tổ chức của các bản sonate của Mozart, bản giao hướng số 5 của Beethoven, cũng như các tác phẩm của Bartók, Debussy và Schubert. Số PHI, Langdon nói với sinh viên, thậm chí còn được Stradivarius sử dụng để tính toán vị trí chính xác của những khe hình chữ, khi ông tạo ra những cây đàn viôlông nổi tiếng của mình.
"Để khép lại". Langdon vừa nói vừa bước về phía chiếc bảng, "chúng ta quay trở về với các biểu tượng". Ông vẽ năm đường giao nhau, tạo nên một ngôi sao năm cánh: "Đây là một trong những hình ảnh đầy quyền năng nhất mà các bạn sẽ thấy trong học kỳ này. Bình thường nó được biết đến như là một hình sao năm cánh - hay pentacle như lổ tiên ta đã gọi - biểu tượng này được nhiều nền văn hoá coi là linh thiêng và huyền bí. Có ai có thể nói cho tôi biết vì sao lại thế không?".
Stettner, anh sinh viên khoa toán đó, lại giơ tay: "Bởi vì nếu thầy vẽ một hình sao năm cánh, các đường thẳng sẽ tự chia nó thành những đoạn theo Tỷ lệ thần thánh".
Langdon gật đầu đầy tự hào với chàng sinh viên: "Rất tốt.
Đúng thế, tỉ lệ giữa các đoạn thẳng trong hình sao năm cánh, tât cả đều bằng PHI, khiến cho biểu tượng này trở thành biểu hiện rối hậu của Tỷ lệ thần thánh. Vì lí do này, hình sao năm cánh luôn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp và sự hoàn hảo gắn với các nữ thần và tính nữ linh thiêng".
Các cô gái trong lớp mỉm cười rạng rỡ.
"Các bạn, xin lưu ý một điểm. Hôm nay chúng ta mới chỉ đụng đến Da Vinci một chút thôi, nhưng rồi chúng ta sẽ còn tiếp xúc với ông nhiều hơn nữa trong học kỳ này. Leonardo là một người say mê những phong cách cổ xưa của các nữ thần, về điều này chúng ta có rất nhiều tài liệu. Ngày mai tôi sẽ cho các bạn xem bức bích hoạ Bữa ăn tối cuối cùng của ông, đó là một trong những biểu hiện kỳ diệu nhất sự tôn kính dối với tính nữ thiêng liêng mà các bạn sẽ có dịp được chiêm ngưỡng".
"Thầy đang nói đùa bọn em, phải không ạ?" Ai đó lên tiếng.
"Em nghĩ Bữa ăn tối cuối cùng là về Chúa Jesus?".
Langdon nháy mắt: "Có những biểu tượng lẩn khuất ở những chỗ mà bạn không thể tướng tượng nổi".
"Đi nào", Sophie thì thầm. "Có chuyện gì thế? Chúng ta đã gần tới đích rồi. Nhanh lên?".
Langdon ngước nhìn lên, ông cảm thấy như mình vừa quay trở lại từ một nơi xa xăm trong tiềm thức. Ông nhận ra là mình đang đứng đực ra trên cầu thang, sững lại bởi một phát hiện đột ngột.
Ôi, quỷ hà khắc! Ôi thánh yếu đuối (O, Draconian devil! Oh, lame saint!)
Sophie ngoái nhìn ông.
Nó không thể chỉ đơn giản như thế, Langdon nghĩ.
Nhưng ông biết tất nhiên nó là như thế.
Nơi đây, trong lòng viện bảo tàng Louvre… với hình ảnh PHI và Da Vinci xoáy lộn trong tâm trí, đùng một cái Robert Langdon bất ngờ đã giải được mật mã của Saunière.
"O, Draconian devil!" ông nói, "Oh, lame Saint! Đó là loại mật mã đơn giản nhất!".
Sophie dừng lại ở vài bậc cầu thang bên dưới Langdon, cô nhìn lên không hiểu. "Một loại mật mã". Cô đã nghĩ đi nghĩ lại những từ ngữ đó cả tối nay rồi và chẳng thấy ở đó một mật mã nào cả. Nhất là một loại mật mã đơn giản.
"Chính cô đã nói điều này". Giọng Langdon vang lên, phấn khích. "Dãy số Fibonacci chỉ có ý nghĩa trong trật tự đúng của nó. Nếu không, nó chỉ là một trò toán học tào lao".
Sophie chẳng hiểu Langdon đang nói gì. Dãy số Fibonacci? Cô chắc chắn rằng nó chẳng nhằm gì khác ngoài việc kéo Bộ phận giải mật mã vào cuộc đêm nay. Nó có một mục đích khác chăng?
Cô thọc tay vào túi và lôi ra một bản in, xem xét lại dòng tin nhắn của ông cô.
13-3-2-21-1-1-8-5
O, Draconian devil!
Oh, lame Saint!
Những con số này thì sao?
"Dãy số Fibonacci bên trên đó là một đầu mối", Langdon vừa nói vừa cầm lấy bản in. "Những con số này ám chỉ cách giải mã phần còn lại của tin nhắn. Ông ấy đã viết nó lộn xộn để nói với chúng ta rằng hãy áp dụng cách tương tự cho phần bên dưới. O, Draconian devil! Oh, lame Saint! ư? Những dòng chữ này chẳng có ý nghĩa gì cả. Đơn giản chúng chỉ là những chũ cái viết lộn xộn thôi".
Sophie chỉ cần một thoáng để lĩnh hội hàm ý của Langdon, và dường như nó đơn giản đến tức cười. "Ông nghĩ tin nhắn này là… une anagramme?"(1) cô liếc nhìn ông: "Giống trò chơi đảo chữ cái trên báo".
Langdon có thể thấy sự nghi ngờ trên mặt của Sophỉe và tất nhiên ông hiểu điều đó. It người nhận biết được rằng anagram, mặc dù là một trò giải trí nhàm chán của thời hiện đại, lại có một lịch sử phong phú về biểu tượng linh thiêng.
Những giáo lý huyền bí của người Do thái được viết ra hầu hết dựa trên cách đảo chữ cái - sắp xếp lại các âm tiết trong các từ tiếng Hêbrơ sẽ tạo ra những ý nghĩa mới. Trong suốt thời kỳ Phục hưng, các vua Pháp tin chắc rằng anagram nắm giữ một quyền năng ma thuật đến nỗi họ đã bổ nhiệm những chuyên gia anagram trong hoàng gia để giúp họ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn bằng cách phân tích các từ ngữ trong những tài liệu quan trọng. Người La Mã đã thực sự gọi việc nghiên cứu anagram là một ars magna "nghệ thuật vĩ đại".
Langdon ngước nhìn Sophie, bốn mắt giao nhau: "Ý của ông cô nằm ngay trước mắt chúng ta, ông ấy để lại cho chúng ta quá đủ đầu mối để hiểu rõ nó".
Không nói một lời nào nữa, Langdon rút từ trong túi ra một cây bút và sắp xếp lại các chữ cái ở mỗi dòng.
O, Draconian devil!
Oh, lame Saint! là một trò đảo chữ hoàn hảo của…
Leonardo Da Vinci!
The Mona Lisa!
Chú thích:
(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: một trò đảo chữ.