Mai Hương và Lê Phong - Chương 08

Mai Hương và Lê Phong - Chương 08

Cái bóng theo hình

Ngày đăng
Tổng cộng 20 hồi
Đánh giá 8.3/10 với 19767 lượt xem

Cái tin nhà thiếu niên y khoa bác sĩ bất thình lình bị chết giữa lễ phát bằng làm cho dư luận khắp thành phố Hà Nội xôn xao lên. Theo các báo hàng ngày ra buổi trưa hôm đó thì bác sĩ Đoàn chết vì ngộ cảm. Một vài tờ báo đoán rộng rằng bác sĩ vì làm việc nhiều quá, ngoài bản luận án, bác sĩ Trần Thế Đoàn lại đang lưu tâm dự bị soạn những sách khảo sát về lịch sử y học cổ ở nước Tàu.
Báo nào cũng đăng, hoặc sơ lược, hoặc kỹ càng, một bài nói về đời riêng của bác sĩ Đoàn sau bài tường thuật cái chết đột nhiên ở trường Cao đẳng: báo nào cũng than tiếc một thiếu niên có tài, có chí, cái hy vọng rực rỡ của nền y học nước Nam.
Trong số đó cũng có tờ báo chịu dò xét, khi nói đến bác sĩ, có đả động đến hai tiếng "ám sát" và đặt một cái nghi vấn trong vụ này. Song bài đó chỉ là một đoạn ngắn, lời lẽ hồ đồ không dám quả quyết. Công chúng vì thế cũng chỉ theo các báo mà sửng sốt và phàn nàn cho số phận người chết, chứ không ai ngờ đến cái án mạng kỳ bí mà Lê Phong ra công điều tra.
Nhưng đến ba giờ chiều thì tình thế khác hẳn.
Ba giờ chiều là lúc báo "Thời Thế" phát hành.
Những đầu đề in rất to: "Bác sĩ Đoàn bị ám sát giữa cuộc phát bằng. - Tin chắc chắn của bản báo phóng viên". "Cuộc phỏng vấn vội vàng: những điều tuyên bố sau cùng của nhà thiếu niên bác sĩ", khiến cho ai đã cầm đến tờ báo cũng phảI kinh ngạc. Đến khi họ đọc những lời xét đoán rất chắc chắn, mà chính tay Lê Phong viết ra, thì ai cũng phải rùng mình, cho là một điều quái gở chưa hề xảy đến bao giờ. Người ta tin là sự thực hiển nhiên ngay, và biết rằng việc này chắc còn nhiều đoạn ly kỳ nữa.Báo "Thời Thế' lại được hoan nghênh thêm một bực nữa.
Những giấy đòi thêm báo ở các đại lý trong thành phố và sự hấp tấp của bọn trẻ bán báo, làm cho ban trị sự luôn bận rộn.
Trên tòa soạn, mọi người đều nói đến nhưng tiếng: "Đại thắng,kịch liệt" và dự bị bàn với ban trị sự cho in gấp đôi số báo hôm sau.
Trong lúc đó thì Lê Phong ngồi một mình ở phòng bên,lưng ngả lên chỗ đưa ghế bành, hai chân gác thương lên bàn,mặt ngửa nhìn lên trần, đôi mắt lim dim nhìn khói thuốc lá bay lên từ từ, mặt có vẻ đăm đăm như người đang lắng hết tinh thần để suy nghĩ. Anh ôn lại các việc xảy ra từ phút thứ nhất của câu chuyện án mạng. Từ lúc gặp bác sĩ Đoàn cho đến lúc anh gặp một người thiếu nữ tên là Mai Hương lần cuối cùng.
Bao nhiêu việc bí mật, rắc rối thêm mãi lên và kế tiếp nhau trong hơn nửa ngày? Thực từ xưa đến giờ, anh chưa thấy lúc nào tinh thần anh làm việc dữ dội đến thế, mà kết quả? Kết quả nào có gì đâu? Anh chỉ như người lạc vào một nơi mịt mù không biết phương hướng nào mà đưa bước.
Anh đã tự hỏi không biết đến lần thứ mấy mươi rằng người thiếu nữ kia là người thế nào? Đối với vụ án mạng này, cô ta có hẳn là một kẻ chủ mưu nguy hiểm không, hay chỉ là một kẻ đồng phạm?
Nhưng chủ mưu hay đồng phạm, cô ta cũng là một tay lợI hại và táo tợn, ranh mãnh và ngạo nghễ, một người kỳ quái vừa làm cho anh tức giận vì những cử chỉ bí mật, vừa làm cho anh thầm mến vì cái duyên đằm thắm và vẻ óng ả lệ kiều . . .
"Lúc nào ta cũng gặp cô ta, chỉ gặp cô ta, làm gì cũng thế. . .
Đến đâu cũng thế, cô ta cũng đột nhiên hiện ra như để dò xét hoặc ngăn trở việc của ta làm. . . Thật là một cái bóng theo hình,mà là một cái bóng không thiếu vẻ diễm lệ: nếu cứ thế này mãi, nếu ta cứ phải mất thì giữ mãi về cái bóng lạ lùng ấy thì ta còn tâm trí nào mà theo đuổi bọn gian?"
Lê Phong tuy nghĩ vậy, nhưng trong tâm tưởng vẫn rõ rệt hình ảnh của người thiếu nữ, nhất là vì trước đó không đầy nửa giờ, lúc anh một mình dò xét trong trường Cao đẳng để tìm những dấu vết của hung thủ, anh lại thấy cả dấu vết của Mai Hương.
Lúc đó vào khoảng ba giờ rưỡi chiều. Lê Phong cho xe hơi đỗ ở trước trường Đại học. Cửa chính đóng, anh phải đi lốI cổng, do cửa sau lẻn vào giảng đường. Trong giảng đường vắng ngắt, ánh sáng yếu ớt trên và hai bên cửa kính cao mập mờ soi xuống. Lê Phong đến ngói trên một hàng ghế để tưởng lại cuộc lễ phát bằng.
Đó cũng là một lối làm việc riêng của Lê Phong. Khi nào lý trí không đủ sức suy đoán một việc gì, thì anh gọi đến sức tưởng tượng, đến trực giác, và đến cái tài đặc biệt mà anh gọi là cái “giác quan thứ sáu”của mình.
Câu anh tự hỏi lúc đó là: "Trong một nơi có mấy trăm công chúng, dưới ánh đèn sáng như lúc đang có lễ phát bằng ở đây,hung thủ làm thế nào mà giết được Đoàn?" Rồi anh hết sức nghĩ.
Cái không khí im lặng ở trong giảng đường rất tiện cho việc suy tưởng của Lê Phong.
Không đầy 5 phút đông hồ mà anh đã thấy nảy ra một tia sáng.
Lê Phong đứng dậy đi vào phía trong, đến bên cái ghế mà Trần Thế Đoàn ngồi lúc sáng, anh quỳ xuống đất rồi nhìn chăm chú xuống chân ghế để tìm một vật. Tìm quanh ghế không thấy, anh lại bò ra những chỗ gần đó, đếm từng viên gạch xem từng khe, lại lật cả mép cái thảm giải dưới đất: nghĩa là anh cẩn thận không bỏ qua cặp mắt luận lý một tý gì . Sau cùng, Lê Phong sẽ reo lên một tiếng vui mừng, vì anh đã thấy lấp loáng một vật nhỏ và dài như cái tăm nằm len dưới mép thảm.
Đó là thứ kim tiêm làm theo một kiểu đặc biệt, mũi kim rất nhọn, lòng kim cũng thông, nhưng chân kim không có cái mấu đồng để cắm vào ống thủy tinh như mọi chiếc kim thường.
Lê Phong đứng lên, cẩn trọng cầm lấy giữa mình kim ở hai đầu
ngón tay, ngắm nghía một lúc.
-Đây rồi, ta đoán đúng thực. Đây là khí cụ giết người? Ồ,quả thực chúng nó khôn khéo... Tính được cái mưu thần quái này phi người có học thức, người thông minh lắm, còn không ai nghĩ được ra.
Lê Phong mừng đến nỗi không nghĩ gì đến sự giữ gìn, lấy đèn bấm trong túi ra soi đầu mũi kim và nhận ra đó là thứ kim tiêm có đựng thuốc độc. "Một thứ thuốc độc ta phải phân chất mới biết rõ, nhưng quyết là một thứ thuốc gớm ghê... Thực chẳng còn thứ gươm đao nào, chẳng còn thứ súng đạn nào giết người nhậy hơn được. Sáng nay Đoàn chết, mà cả đến người bên cạnh cũng không ngờ... Cái kim bắn đến một cách bất thình lình thì ai để ý, mà thứ thuốc độc ghê gớm chắc thấm vừa mau vừa êm... nhưng sao Đoàn lại để rơi xuống? Sáng nay người ta chú ý có thấy Đoàn giẫy giụa gì đâu, một sự tình cờ chăng, hay mũi kim chỉ châm vào thịt một chút rồi rơi ngay
xuống.
Mắt Lê Phong soi mói nhìn vòng mấy lượt chung quanh chỗ chân anh đứng, bỗng thấy một mảnh giấy trắng cách đó ba,bốn thước, Lê Phong rùng mình, nghĩ đến mảnh giấy bí mật có những lời đe dọa anh.
Lê Phong vội vàng chạy nhặt lên coi, thì cả hai mặt đều không có chữ, nhưng để ý thì thấy trên mảnh giấy có những nét hằn xuống hình như có vết giày đàn bà! Lê Phong nhận thấy,nóng ran người lên lẩm bẩm nói:
- Mai Hương? Lại Mai Hương rồi? Mai Hương vừa ở trong này chắc cũng tìm như ta? Ồ! Thế thì quái lạ thực. Nếu không phải là một hung thủ tìm cách làm biến tang vật, thì còn là ai. . .Trời ơi! Trời ơi! Sao lại có người cả gan đến thế. Ngay lúc đó có tiếng động ở phía trong. Anh ngoắt quay lại thì thoáng thấy một tà áo hồng lọt vào cái khung cửa nách tối om. Lê Phong như người hóa dại nhảy vào phía đó rẽ qua lối tay phải, chạy qua một đường hẻm rồi ra cửa chính trường Đại học. Nhưng chợt nhớ cửa ấy khóa, anh quay ra sân, rẽ ra cổng. Ngoài cổng người thiếu nữ đang rảo chân bước về một con đường khuất và nhảy lên chiếc xe hơi "Nerva sport".
Lê Phong cho được máy xe mình chạy quanh được một vòng trở lại thì đã không thấy tăm hơi chiếc xe kia đâu.
Bây giờ, ở nhà báo, ngồi nghĩ lại, những việc xảy ra rất nhanh chóng ấy lại hiện đến trong trí Lê Phong rất rõ ràng. Lê Phong chắc hẳn rằng người thiếu nữ lúc nào cũng để mắt đến anh trong khi tìm kiếm trong giảng đường và thế nào cũng biết rằng anh đã lấy cái kim tiêm là thứ tang vật chắc chắn để buộc tội hung thủ.
Lê Phong kéo dài hai chân lại để xuống đất ngồi thẳng dậy rồi lấy phong bì gấp ở trong ví ra, anh mở phong bì lấy cái kim tiêm anh gói cẩn thận trong đó, rồi chăm chú ngắm lại một hồI lâu:
-Tối hôm nay về nhà phân chất thứ thuốc độc vào hạng nào: aconitine, strichine, strophantine hay là nọc rắn... Ta đọc sách còn thấy nói chất onahaine là thứ độc nhất, nguy hiểm nhất mà bọn Phi Châu vẫn dùng để ngâm tên.Lại còn những thứ nhựa cây ở thượng du của giống Mán nữa. Cả một bài dược tính cần phải khảo nghiệm để tìm ra một cái kết quả cỏn con... Bây giờ thì ta xét xem hung thủ dùng cách nào để máy hay bắn cái kim đến người bị giết.
Còn có nhiều cách, một cái súng loại nhỏ chế kiểu riêng mà cái kim này là đạn, một thứ ống "si đồng" rất tinh xảo, một thứ máy kỳ cục mà dễ giấu... hay là... hay là... ồ hay là...
Lê Phong chợt đứng phắt dậy, hai mắt sáng quắc, hai gò má ửng đỏ:
- Phải, hay là một thứ máy ảnh giả! Phải, một thứ máy ảnh? Máy ảnh thì giơ lên lúc nào mà chả được, ở đâu mà chả được? Rồi, tách một cái, lò so bật, cái kim bắn, hung thủ có thì giờ nhắm kỹ kẻ bị giết mà không cần phải giữ ý với ai. . .
Lê Phong nghĩ đến những cái chóp magnésium trong lễ phát bằng, nghĩ đến bọn thợ xoay quanh bác sĩ Đoàn và nghĩ đến cái máy ảnh xinh nhỏ ở trong tay người thiếu nữ kỳ dị.
Những tia sáng ấy vụt đến trong trí Lê Phong cùng một lúc bao nhiêu cử chỉ của Mai Hương cùng hiện ra. .. Mai Hương người thiếu nữ lạ lùng, người thiếu nữ khả nghi, người thiếu nữ giết người!
Lê Phong đập tay xuống bàn:
- Một trăm chứng cớ rành rành ra đấy! Phải, cô em quỷ quyệt đến thế nào cũng không thể chối được. Mà chính ta,chính tay ta sẽ bắt cho bằng được cô em! Bây giờ phải làm việc cho có thứ tự. Ta chưa rõ cái cớ chính của vụ ám sát, nhưng ta sẽ biết . . . vì hiện nay. . .
Chợt nghĩ ra, Lê Phong chạy sang phòng bên hỏi Văn Bình:
- Văn Bình? Anh đã cho người cầm tờ giấy của tôi cho cô Lý Tuyết Loan rồi chứ?
- Rồi.
- Mà anh đã dặn kỹ đừng cho ai biết chứ?
- Kỹ thế nào?
- Không. Nhưng sao bảy giờ cô ta chưa đến?
- Tôi hẹn cô ta bảy giờ đến tôi hỏi có việc cần. Sao anh không đến tận nhà cô Loan?
- Đến rồi nhưng cô ta đi vắng. Đến nữa, sợ họ nghi. Nhà ấy có một thằng nhỏ tôi đã dò biết được thái độ của nó.
Lê Phong kể lại câu chuyện gặp thằng nhỏ ở nhà số 99 đường Huế, rồi tiếp:
- Nhưng chỉ có điều tôi lấy làm lạ rằng sao nó mắc mưu tôi sớm thế. Một tên đồ đảng của tụi giết người cần phải ranh mãnh hơn nhiều.
Bỗng có người bảo Lê Phong:
- Thưa ông có người hỏi ông.
- Ai đấy?
Một người đàn bà.
- Cô Tuyết Loan rồi? Được, mời người ấy lên sang buồng bên.
Rồi Lê Phong dặn Văn Bình:
- Tôi muốn nói chuyện riêng với Lý Tuyết Loan. Trong khi ấy, ai hỏi anh cũng bảo tôi đi vắng nhé.
Lê Phong đóng cửa ngang lại, ngồi vào bàn giấy, quay lưng ra cửa sổ và quay mặt ra phía cửa vào. Sau mặt kính phủ lần ren, bóng một người đàn bà đứng ngoài như chờ đợi. Lê Phong lấy sẵn bút giấy ghi chép và đặt vào cái phong bì cái kim tiêm bên lọ mực, rồi cất tiếng nói:
-Mời cô vào?
Cửa mở, Lê Phong sửng sốt đứng phắt dậy. Vì người bước vào không phải là Lý Tuyết Loan, mà chính là Mai Hương.
Lê Phong bất giác nắm chặt tay lại, mắt nhìn người thiếu nữ trừng trừng.
Anh không kịp hiểu, kịp đoán xem cô ta sao lại đến đây.
Anh không đời nào lại ngờ rằng cô dám táo tợn đến thế. Anh đứng lặng ra đó, đợi xem cô ta giở những trò gì ra. Nhưng thiếu nữ không có vẻ nhanh nhẹn tinh quái như mọi lần. Cô ta lấm lét nhìn quanh quẩn trong nhà, mặt có sắc lo sợ, cử chỉ bối rối.
Lúc gặp đôi mắt thù hằn của Lê Phong thì cô vội nhìn xuống, se sẽ khép cửa lại, rụt rè tiến lại gần bàn.
Lê Phong chợt xẵng tiếng hỏi:
-Cô Mai Hương?
Thì Mai Hương hơi giật mình ngửng lên:
-Vâng. Tôi . . .
Rồi nói nhanh:
- Thưa ông, ông hẳn không đợi đến việc tôi vào đây...Nhưng xin ông cho tôi nói. Tôi sợ lắm... Hiện giờ tôi đang bị người ta theo đuổi. Những kẻ thù ghê gớm toan hại tôi...
Lê Phong ngắt lời:
- Cô cô lại có kẻ thù!
- Vâng. . . Ông không tin ư ? Nhưng thực thế, vừa rồi qua đây lúc sắp bước vào, tôi thấy bóng mấy người...
Lê Phong lại ngắt lời:
- Nhưng người nào?
- Thưa ông... (người thiếu nữ vừa nói vừa tự tiện ngồi xuống ghế) nói ra thì dài quá, mà lúc này tôi bối rối lo sợ lắm. . . Ông cho phép... Tôi xin kể đầu đuôi ông nghe sau... ông đừng hỏi tôi vội.
Lê Phong nhìn người thiếu nữ từ đầu đến chân, dáng người thanh thanh, nhưng không kém phần rắn rỏi, cô mặc một cái áo màu hồng phớt, kiểu mới, giản dị nhưng trang nhã,cô đeo một cái vòng vàng có đính mấy điểm ngọc xanh. Hai bàn tay trắng và mềm, ngón nhỏ muốt nhè nhẹ đặt lên mép bàn và hơi run lên vì cảm động quá. Khuôn mặt thì cực kỳ thanh tú,tươi tắn, trẻ trung, và có một vẻ mặt cao quý khác thường.
Nước da nhỏ đánh phấn khéo đến nỗi màu đào trên hai gò má.Lê Phong không biết là màu của phấn hay chính màu của da.
Cô ta thường trông xuống luôn. Dưới đôi mày cong, hàng lông mi uốn dài thường chỉ trên đôi mắt trong đen và sắc sảo.
Lê Phong ngắm mãi cái nhan sắc tuyệt vời ấy và kinh ngạc tự bảo mình rằng: con người như thế lại có thể là một người gian ác được ư.
-Thưa ông Lê Phong. . .
Lời nói dịu dàng của Mai Hương làm Lê Phong như sực tỉnh lại.
- Thưa ông Lê Phong. . . có lẽ những việc xảy ra hôm nay mà trong lúc đó ông cũng thấy có tôi, đã làm cho ông tưởng là ngườI kỳ quặc lắm. Nhưng đó vì ông chưa hiểu... sẽ có dịp tôi xin nói rõ cho ông biết mọi điều... Còn bây giờ thì chưa thế được... tôi hiện giờ đương còn có trăm nghìn cái lo, cái sợ, quanh mình toàn thấy những sự kinh khủng, không biết rồi chính tính mệnh tôi có toàn vẹn được. . .
Lê Phong bỗng hỏi một câu đột nhiên:
-Lúc nãy ở trường Cao đẳng, cô cũng lo sợ thế phải không ?
- ông muốn hỏi lúc ông tìm được cái kim tiêm ư?
- Phải, lúc chiều. Mà cô cũng biết tôi nhặt được cái kim hung thủ dùng để giết người .
Mai Hương liền thưa:
- Vâng, vì tôi thấy ông chăm chú xem, rồi bỏ vào trong một cái phong bì nhỏ.
- Thế cô có biết cái kim ấy ở đâu mà đến không?
- ông vừa nói là của hung thủ dùng để giết người?
- Mà hung thủ (Lê Phong trông thẳng vào mặt người thiếu
nữ). Cô có biết là ai không ?
Mai Hương se sẽ thưa:
- Sao ông lại đem câu ấy hỏi tôi?
Lê Phong nghĩ thầm: "Có, có lẽ nào nó giả vờ khéo được đến thế ?
Rồi anh lại nói tiếp:
- Là một người cầm máy ảnh. Phải, cái máy ảnh ấy chính là thứ máy bí hiểm tinh xảo, dùng để bắn cái kim tiêm trong có thuốc độc... Cô hiểu chưa?
Người thiếu nữ lắc đầu thở dài ra ý không thể hiểu được.Lê Phong cố ý rình xem trong đôi mắt kia có vẻ hốt hoảng nào không, nhưng lúc đó chỉ thấy hình như thoáng qua thứ ánh lửa vui vẻ... Cô ta mỉm cười và nói:
- Ồ! ông đoán tài nhỉ. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu sao ông lại đem việc ấy hỏi tôi...

Chương trước Chương sau