Kẻ phụng sự thầm lặng - Chương 15

Kẻ phụng sự thầm lặng - Chương 15

Đảo Síp

Ngày đăng
Tổng cộng 64 hồi
Đánh giá 8.2/10 với 63212 lượt xem

0 giờ 15 phút sáng, thứ sáu
Giá trị của nguồn tin có thể biết được qua nơi ở được sắp xếp để gặp anh ta. Để lấy tin từ Wazir Al Zayyat, Văn phòng đã mua một biệt thự trắng muốt xinh đẹp trên bờ biển phía nam của đảo Síp, có hồ bơi và hàng hiên đầy bóng mát nhìn xuống biển Địa Trung Hải. Gabriel và Chiara đến trước mấy tiếng đồng hồ khi người đàn ông Ai Cập có mặt. Gabriel hy vọng có thời gian thư giãn nhưng Chiara, đi cùng với anh lần đầu tiên trong tuần, muốn nhân cơ hội này bàn về kế hoạch đám cưới. Đặt chỗ và hoa, lên danh sách khách mời và chọn nhạc – đây là những gì mà anh chàng điệp viên huyền thoại của Israel bàn trước khi đến gặp nguồn tin tình báo Ai Cập. Anh tự hỏi báo Haaretz và những báo khác sẽ viết gì về mình nếu họ biết được chuyện này.
Hơn hai giờ chiều, Gabriel thoáng nhìn thấy một chiếc Volkswagen đang lướt nhanh dọc bờ biển. Chiếc xe đi ngang qua toà biệt thự, biến mất ngay khúc cua rồi năm phút sau tiến đến từ phía đối diện. Lần này xe chạy chậm rồi rẽ vào lối đi. Gabriel nhìn Chiara. “Tốt hơn em nên đợi trên gác trong phòng ngủ”, anh nói. “Theo những gì anh biết về Wizar, thì sự có mặt của em sẽ gây ra sự khó xử”.
Chiara thu dọn giấy tờ, các tạp chí về đám cưới rồi biến mất. Gabriel đi vào nhà bếp mở một cái tủ. Bên trong có bộ điều khiển hệ thống thu âm đã lắp sẵn. Anh lắp một cái băng mới vào rồi nhấn nút để ghi âm, sau đó ra sảnh mở cửa trước khi Al Zayyat bước lên bậc thềm. Người đàn ông Ai Cập đứng im nhìn Gabriel đầy vẻ hoài nghi qua chiếc kính đeo mắt. Rồi nở một nụ cười sau hàng ria dày, anh ta chìa bàn tay như cái dùi cui về hướng Gabriel.
“Tôi nhờ ai mà có được hân hạnh này vậy, ông Allon?”.
“Có chuyện xảy ra ở Rome”, Gabriel nói. “Shimon yêu cầu tôi thế chỗ”.
Người đàn ông Ai Cập đẩy chiếc kính đeo mắt lên trán rồi săm soi Gabriel lần nữa, lần này rõ ràng lộ vẻ nghi ngờ. Mắt anh ta đen và sâu thẳm như không có đáy. Đó không phải là đôi mắt Gabriel muốn thấy ở phía bên kia của bàn thẩm vấn.
“Hay là có thể anh tự nguỵên đến đây gặp tôi”, anh chàng Ai Cập nói.
“Tại sao tôi phải làm thế Wazir?”.
“Bởi vì nếu những gì tôi đọc trên báo là có thật thì hiện giờ anh có chuyện riêng phải giải quyết trong vụ này”.
“Anh không nên tin mọi chuyện viết trên báo”.
“Ít ra là không phải báo Ai Cập”.
Al Zayyat bước theo Gabriel vào toà biệt thự rồi bước qua tủ rượu đầy vẻ sở hữu và mở nút chai Scotch. “Anh uống chung với tôi nhé?”, anh ta hỏi khi vẩy chai rượu về phía Gabriel.
“Cảm ơn, nhưng tôi phải lái xe”, Gabriel đáp.
“Có vấn đề gì giữa người Do Thái các anh và rượu vậy?”.
“Nó khiến chúng tôi làm những chuyện ngớ ngẩn trong bóng đêm”.
“Chả có đặc vụ liên lạc nào không thèm uống rượu với người cung cấp thông tin đúng không?”. Al Zayyat tự rót cho mình một ly lớn rồi đậy nắp chai mà không vặn chặt lại. “Nhưng anh không phải là đặc vụ liên lạc mà, phải không Allon?”. Anh ta uống nửa ly whisky chỉ với một tợp. “Ông già thế nào rồi? Vẫn còn đứng vững chứ?”.
“Shamron vẫn khoẻ”, Gabriel nói. “Ông ấy gửi lời hỏi thăm anh”.
“Hy vọng ông ấy gửi nhiều lời hỏi thăm hơn”.
Gabriel nhìn chiếc cặp da nằm trong hình chữ nhật của ánh nắng chiếu trên ghế tràng kỷ bọc vải buồm. Al Zayyat ngồi cạnh mở khoá cặp. Thoả mãn với những gì bên trong, anh ta đóng cặp rồi nhìn Gabriel.
“Tôi biết ai bắt cóc con gái ông đại sứ”, anh ta nói. “Và tại sao họ làm thế. Anh muốn tôi bắt đầu từ đâu?”.
“Từ đầu”, Gabriel nói. “Để sắp xếp mọi thứ cho phù hợp”.
“Anh giống hệt Shamron”.
“Đúng, tôi có nghe thế”.
Người đàn ông Ai Cập liến nhìn chiếc cặp lần nữa “Đúng năm mươi ngàn phải không?”
“Anh có thể đếm nếu muốn”.
“Không cần thiết. Anh có muốn tôi ký biên nhận không?”
“Anh ký biên nhận khi lấy tiền”, Gabriel nói. “Và anh lấy tiền sau khi tôi nghe được thông tin”.
“Shimon luôn đưa tiền cho tôi trước”.
“Tôi không phải là Shimon”.
Gã Ai Cập nốc hết phần whisky còn lại. Gabriel rót đầy ly nữa rồi yêu cầu anh ta nói.
Gã Ai Cập nói, bắt đầu từ cái ngày trong tháng 9 năm 1970 khi Nasser qua đời và Phó tổng thống Anwar Sadat lên nắm quyền ở Ai Cập. Nasser xem những người Hồi giáo cấp tiến, đặc biệt là hội Ái hữu Hồi giáo, là mối đe doạ lớn đối với thể chế của ông và dùng những vụ bắt bớ, hành quyết, tra tấn hàng loạt để cầm chân họ. Sadat đã thử một cách tiếp cận khác.
“Sadat không có được uy tín và sự ủng hộ rộng rải như Nasser”, Al Zayyat nói. “Ông ta còn là người sùng đạo. Ông ta sợ những người ủng hộ Đảng cộng sản và những người ủng hộ Nasser hơn cả anh em Hồi giáo, và do đó ông ta trở thành kẻ làm đảo lộn cách tiếp cận của người Ai Cập đối với người Hồi giáo quá khích. Ông ta gọi những người ủng hộ Đảng cộng sản và những người ủng hộ Nasser là kẻ thù thể chế và để cho những người anh em Hồi giáo thoát khỏi lao tù”.
“Và thế là ông ta phạm sai lầm”, Al Zayyat giải thích. “Ông ta cho phép hội Ái hữu Hồi giáo hoạt động công khai, khuyến khích họ đưa tôn chỉ máu lửa của Hồi giáo ra nước ngoài, đặc biệt tới khu vực bờ Tây và dải Gaza mới bị chiếm đóng. Ông ta còn khuyến khích và tài trợ cho việc thành lập các tổ chức còn cấp tiến hơn cả hội Ái hũu Hồi giáo. Một trong số đó là al-Gamáa al- Islamiya hay tổ chức hồi giáo. Một tổ chức nữa là al-Jihad. Tháng 10 năm 1981, al-Jihad hạ bệ người đã giúp họ tồn tại, họ đã ám sát Sadat khi ông đứng trên lễ đài xem duyệt binh ở ngoại ô Cairo. Trong mắt người Hồi giáo, tội lỗi của Sadat thì nhiều nhưng không ai xuất sắc hơn ông khi đạt hoà ước với Israel. Trước khi bắn ông, tên ám sát Sadat, Trung uý Khaled Islambouli hét lên. “Tôi đã giết Pharaoh, và tôi không sợ chết”.
“Nhóm Gama’a và al Jihad tất nhiên hiện vẫn còn”. Al-Zayyat nói. “Mục tiêu của họ là phá huỷ chính quyền Mubarak, thay bằng một nước cộng hoà Hồi giáo rồi dùng Ai Cập là căn cứ cho các hoạt động dựng nên một cuộc thánh chiến toàn cầu chống lại phương Tây và Israel. Cả hai nhóm trên đều đã ký kết với al-Qeada và tuyên bố chiến tranh chống quân thập tự chinh và dân Do Thái, cả hai đều chính thức nằm dưới trướng của tổ chức do Osama Bin Laden cầm đầu. Những người Ai Cập đã chiếm hơn phân nửa quân số nòng cốt của al-Qeada, chiếm năm trong chín vị trí trong Hội đồng Shura đang nắm quyền. Và tất nhiên, cánh tay phải của Osama chính là Ayman al-Zayyat Zawahiri, lãnh đạo nhóm al-Jihad”.
“Vì thế Ai Cập không khác gì người Arập”, Gabriel nói. “Anh nghĩ mình có thể đạt được thoả hiệp với những tên khủng bố Hồi giáo bằng cách tài trợ cho chúng và khuyến khích chúng cũng như cơn thịnh nộ của chúng ra ngoài. Còn giờ chúng đang đe doạ huỷ hoại anh đấy”.
“Anh cũng làm vậy thôi, anh bạn. Đừng quên là Văn phòng và Shabak đã cung cấp tiền bạc và ủng hộ cho nhóm Hamas trong những ngày đầu vì anh nghĩ người Hồi giáo chính là đối trọng phù hợp cho những kẻ cánh tả cổ hủ của PLO”.
“Quan điểm được ghi nhận”, Gabriel nói. “Nhưng xin đừng nói với tôi là tôi phải trao cho anh 50.000 đô chỉ để cho tôi biết rằng al-Qeada có trách nhiệm trong vụ bắt cóc con gái ngài đại sứ Hoa Kỳ ở Luân Đôn. Tôi đã có thể tiết kiệm được khoản tiền đó bằng cách mở đài CNN lên xem. Họ có nhiều chuyên gia nói như vậy lắm”.
“Không phải chỉ là al-Qeada”, Al-Zayyat nói. Đây là một chiến dịch kết hợp, một sự pha trộn nhiều nguồn lực, nếu anh muốn biết”.
“Thế ai là đối tác kia?”.
Người đàn ông Ai Cập bước đến tủ rượu rót đầy ly. “Có những nhóm khác ngoài hai nhóm Gama’a và al-Jihad hình thành trong những năm 1970. Tổng cộng hơn 50 nhóm. Một số nhóm chỉ là sinh viên đại học không thể tổ chức thành một đội ngũ gắn kết. Những nhóm khác thì tốt. Rất tốt”. Anh ta uống cạn ly whisky. “Không may nhóm hình thành ở Đại học Minya là một trong những nhóm đó. Họ tự gọi mình là Thanh kiếm Allah”.
Thanh kiếm Allah…tất nhiên Gabriel biết cái tên này. Bất cứ ai làm việc trên chiến trường chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đều biết. Trong thời kỳ cuối thập niên 70, sau chuyến thăm lịch sử của Sadat đến Jerusalem, một nhóm sinh viên đại học, giáo sư và công chức từ thành phố Minya, phía bắc Ai Cập, đã tập hợp quanh một giáo sỹ Hồi giáo tên là Sheikh Tayyib Abdul Razzaq. Sheikh Tayyib thực hiện một chương trình đơn giản nhằm nắm quyền ở Ai Cập: đẩy mạnh khủng bố và đổ máu trong xã hội Ai Cập càng nhiều càng tốt để thể chế này sụp đổ dưới sức nặng của nó. Đầu thập niên 90, ông ta gần như thành công. Hân hoan vì triển vọng đó, vị lãnh tụ Hồi giáo này quyết định đưa cuộc vận động của mình ra toàn cầu, rất lâu trước khi ra đời tổ chức al-Qeada. Ông ta đã gửi phái viên đến châu Âu mở chi nhánh của tổ chức Thanh kiếm Allah trong những cộng đồng Hồi giáo đang thịnh và cử anh trai là nhà cố vấn thân cận nhất, Sheikh Abdullah Abdul Razzaq, đến ngoại ô Washington, tổ chức thánh chiến chống lại đất nước bảo trợ quan trọng nhất của chính quyền Ai Cập: nước Mỹ. Năm 1998, Sheikh Abdullah bị buộc tội âm mưu đánh bom Bộ Ngoại giao, toà nhà Capitol, và Tổng hành dinh FBI và bị kết án tù chung thân. Gần đây anh ta bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư. Giải phóng cho vị lãnh tụ Hồi giáo này trước khi chết là một trong những ưu tiên hàng đầu của tổ chức Thanh kiếm Allah.
“Trong một thời gian dài Al-Qeada rất muốn tấn công Luân Đôn thêm lần nữa”, Al Zayyat nói. “Và tất nhiên Sheikh Tayyib muốn đưa anh mình ở Mỹ về. Họ quuyết định tập hợp hai ưu tiên thành một vụ khủng bố lớn. Al-Qeada phụ trách những vụ đánh bom, còn tổ chức Thanh kiếm Allah và mạng lưới châu Âu lo chuyện bắt cóc con tin trong chiến dịch”.
“Anh có bằng chứng nào về sự dính líu của tổ chức Thanh kiếm Allah?”
“Anh đã có bằng chứng trong tay trong vài giây ở công viên Hyde Park”, người đàn ông Ai Cập nói. “Samir al-Masri, cựu sinh viên ngành kỹ thuật tại Đại học Minya, là thành viên tổ chức Thanh kiếm Allah và là một trong những tên khủng bố tài năng nhất của chúng”.
“Sẽ rất hữu ích, Wazir, nếu trước đây anh cho người Hà Lan biết lúc đó hắn đang sống thanh bình ở Tây Amsterdam”.
“Chúng tôi đâu có biết hắn ở Hà Lan, nếu không chúng tôi đã báo rồi”. Người đàn ông Ai Cập ngồi xuống chiếc ghế tràng kỹ cạnh chiếc cặp đựng tiền. “Samir al-Masri đã rời Ai Cập vài tháng sau khi người Mỹ tiến vào Irắc. Khi tình hình bạo loạn bắt đầu, hắn gia nhập Abu Musab al-Zarqawi và hoàn thiện thêm kỹ năng. Hình như hắn đã chuồn khỏi Irắc ngay trước khi Zarqawi chết và lên đường đi châu Âu qua Đamát. Nếu anh muốn buộc tội vì chuyện Samir al-Masri đang sống bình thản ở tây Amsterdam, thì hãy buộc tội người Xyri. Và tất nhiên người Hà Lan nữa. Chúa ơi, họ để cho ai cũng vào được đất nước mình”.
“Anh còn thông tin gì ngoài liên hệ của Samir?”.
“Đền al Zayyat-Hijrah”.
“Là sao?”
“Ông chủ tế ở đó chính là sinh viên tốt nghiệp trường al-Azhar ở Cairo và là thành viên tổ chức Thanh kiếm Allah”.
“Thế vẫn chưa đủ”.
“Cuộc bàn luận này chỉ có tính lý thuyết”, Al Zayyat nói. “Trong 24 tiếng nữa anh sẽ có bằng chứng Tổ chức Thanh kiếm Allah đứng đằng sau vụ này. Đó là khi chúng yêu cầu đổi Elizabeth Halton lấy Sheikh Abdullah”.
“Sao anh có thể chắc chắn về thời gian đến thế?”.
“Thanh kiếm Allah đã thực hiện một số vụ bắt cóc ở Ai Cập. Thế giới bên ngoài hầu như không nghe gì về chúng. Phương pháp hoạt động của chúng lúc nào cũng giống nhau. Chúng chờ một tuần trước khi đưa ra yêu cầu. Và nếu chúng định thời hạn cuối cùng để giết cô gái đó, chúng sẽ làm khi đồng hồ chỉ 12 giờ. Sẽ không có kéo dài hay trì hoãn”.
“Người Mỹ sẽ không bao giờ thả Sheikh Abdullah”.
“Nếu không, Thanh kiếm Allah và al-Qeada sẽ gửi cô con gái đỡ đầu của ngài Tổng thống Mỹ về quê nhà trong một cái bao – hay nói chính xác là những gì còn lại của cô ấy. Họ sẽ giết cô ta y hệt như cách đã bắt cóc. Với thật nhiều máu”.
“Anh đã kể cho người Mỹ về chuyện này chưa?”.
Al Zayyat lắc đầu.
“Sao không chứ?”.
“Lệnh từ cấp trên thôi”, Al Zayyat nói. “Vị lãnh đạo không biết sợ của chúng tôi e rằng những kẻ bảo trợ của ông ấy ở Washington sẽ nổi giận khi phát hiện ra âm mưu bắt cóc con gái ngài đại sứ xuất phát từ Ai Cập. Ông ấy đang trì hoãn ngày đã định càng lâu càng tốt. Đồng thời, ông ấy chỉ đạp cho SSI và các cơ quan an ninh khác tập trung thật nhiều thông tin tình báo”.
“Ai là người chủ mưu?”
“Đó là một nhân vật khá quan trọng”.
“Zawahiri?”.
Người đàn ông Ai Cập gật đầu.
“Nhưng chắc chắn có người nào đó giữa ông ta và những kẻ thực hiện”, Gabriel nói. “Người nào đó, ví dụ như Khaled Sheikh Mohammad. Người nào đó cho tàu hoả chạy đúng giờ”.
“Có”, Al Zayyat đưa ly whisky ra ánh sáng, anh ta ngắm nhìn màu sắc ly rượu một lúc, rồi mới nói. “Còn nếu phải mạo hiểm để đoán về nhận diện của người đó, tôi phải nói gần như chắc chắn đấy là công việc của Sphinx”.
“Ai là Sphinx?”
“Chúng tôi không biết chắc người đó là ai, nhưng chúng tôi biết công việc của hắn ta rất rõ. Ai cũng biết hắn ta đã giết hơn một ngàn người Ai Cập – khách du lịch, bộ trưởng và những người bạn giàu có của chính quyền. Chúng tôi cho rằng hắn được giáo dục cao và có nhiều mối quan hệ. Chúng tôi tin tưởng rằng hắn có nhiều đặc vụ có ảnh hưởng và nhiều điệp viện ở cấp cao nhất trong xã hội và chính quyền Ai Cập, bao gồm cả bên trong cơ quan của tôi. Hắn ta hoạt động thông qua những thành phần được thanh lọc như Samir. Chúng tôi chưa bao giờ tiếp cận được hắn”.
“Hắn ta có thể lên kế hoạch cho vụ nào như vụ này từ Ai Cập không?”.
“Hoàn toàn không thể”, Al Zayyat nói. “Có thể hắn đang ở châu Âu. Thực ra, tôi rất muốn đánh cược một khoản tiền lớn là hán đang có mặt ở đó. Thanh kiếm Allah rất kín tiếng ở Ai Cập”.
“Thế Kheikh Tayyib đâu?”.
“Một nơi hắn đã ở trong 15 năm qua là dưới lòng đất. Hắn di chuyển giữa những nơi trú ẩn ở thượng Ai Cập và những thành phố ốc đảo ở sa mạc phía Tây. Chúng tôi còn nghĩ rằng hắn di chuyển ra vào Libi và Xuđăng”.
“Tìm hắn đi”, Gabriel nói.
“Elizabeth Halton sẽ chết trước khi chúng tôi tìm được tên lãnh tụ Hồi giáo này”.
“Hãy bắt đầu bắt giữ những thành viên hoạt động của tổ chức Thanh kiếm Allah rồi đưa chúng ra thẩm vấn kín. Đó là chuyên môn của anh mà, phải không Wazir? Thẩm vấn kín những phần tử Hồi giáo qua khích”.
“Hãy để cho người không có tội ném hòn đá đầu tiên”, Al Zayyat đáp. “Hãy tin tôi, Allon, chúng tôi đá cánh cửa sập xuống khi chúng tôi nói nhưng Sphinx biết chúng tôi sẽ làm. Không ai ở Ai Cập biết cô gái ấy ở đâu. Tôi cho là cả Sheikh Tayyib cũng không biết chi tiết chiến dịch này. Có lẽ anh chỉ tìm thấy cô ấy khi cô ấy đã mất cùng với cái chết của Samir al-Masri. Thanh kiếm Allah rất giỏi giấu người”.
“Có người biết chứ”, Gabriel nói. “Phải có người biết”.
“Sphinx biết. Tìm Sphinx đi rồi anh sẽ tìm thấy cô gái”, anh chàng Ai Cập đặt tay lên tay cằm chiếc cặp. “Thế tôi lấy 50.000 đô la được chưa?”.
“Tôi muốn có mọi thông tin anh biết về Thanh kiếm Allah”, Gabriel nói. “Hồ sơ, danh sách thành viên, các tổ chức mặt trận đã biết ở châu Âu. Tên, địa chỉ, số điện thoại”.
“Tất cả nằm trong chiếc va li của tôi trong cốp xe”, người đàn ông Ai Cập nói. “Nhưng anh phải trả tiền cho những thông tin đó”.
Gabriel thở dài. “Bao nhiêu, Wazir?”.
“50.000 nữa”.
“Tôi không có ngay 50.000 đâu”.
Người đàn ông Ai Cập nói. “Tôi sẽ sử dụng giấy nợ”, anh ta nói. “Tôi biết anh giỏi chuyện này mà”.
Chiếc cặp Smasonite mà Wazir al Zayyat lấy ra từ cốp chiếc xe Volkswagen anh ta thuê chứa thông tin của một trong những tổ chức khủng bố bạo lực nhất thế giới và do đó có giá hời là 50.000 đô la. Khi người đàn ông Ai Cập đi khỏi, Gabriel mở thư mục các thành viên Thanh kiếm Allah rồi bắt đầu đọc. Năm phút sau anh tìm thấy một cái tên rất quen. Anh sao lại file này rồi kiểm tra tấm ảnh. Tấm ảnh có ngày tháng và chất lượng xấu; dù vậy, Gabriel có thể nói đó cũng là người đàn ông anh đã gặp một tuần trước ở Amsterdam. Người đàn ông ấy đã nói với anh. Tôi là người anh đang tìm trong đống hồ sơ của Solomon Rosner. Và tôi đến để giúp anh.

Chương trước Chương sau