Kẻ phụng sự thầm lặng - Chương 09
Quảng trường Grosvenor, Luân Đôn
Ngày đăng 09-01-2016
Tổng cộng 64 hồi
Đánh giá 9.7/10 với 63321 lượt xem
Bảy giờ 13 phút sáng thứ sáu
Những đường phố ở phía bắc khu Mayfair sang trọng mang đậm chất Mỹ. Nằm giữa những toà nhà uy nghiêm kiểu Georgia là Tổng hành dinh của phòng Thương mại Hoa kỳ, Câu lạc bộ Hoa Kỳ, Giáo hội Hoa Kỳ, Hội Ái Hữu Hoa Kỳ, và Hội phụ nữ Hoa Kỳ. Dọc phía bắc quảng trường Grosvenor là toà nhà của Hải quân Hoa Kỳ, ở phía Tây là Đại sứ quán Hoa Kỳ. Cao 9 tầng và trang trí bằng con chim đại bàng khổng lồ, đây là một trong những tổ chức ngoại giao lớn nhất của Hoa Kỳ trên thế giới và là nơi duy nhất trên mặt đất không do chính quyền liên bang sở hữu. Quận công Wesminster, người sở hữu phần lớn khu Mayfair, đã cho chính quyền Hoa Kỳ thuê khu vườn này với khoản tiền thuê danh nghĩa mỗi năm rất lớn. Rất ít khả năng Hoa Kỳ bị thu hồi đất ở khu Mayfair này trong tương lai gần, vì họp đồng thuê bất động sản sẽ chỉ hết hạn vào ngày Giáng sinh năm 2953.
58 người đàn ông và một phụ nữ từng làm đại sứ Mỹ tại đường James – trong số đó có năm người sau này làm Tổng thống – nhưng chỉ một người đến từ hàng ngũ ngoại giao chuyên nghiệp. Những người còn lại là những chính trị gia được bổ nhiệm và những người mới bước chân vào con đường ngoại giao, họ nổi tiếng về tiền bạc và những mối quan hệ hơn là khả năng ngoại giao. Những tên tuổi của họ nghe như là những tinh tú của xã hội cấp cao và sự phồn thịnh của Hoa Kỳ: Mellon, Kenedy, Harriam, Aldrich, Bruce, Whitney và Annenberg.
Đại sứ Mỹ ở Anh, hiện giờ là Robert Carlyle Halton, không phải là người sinh ra trong giới giàu có, được ít người Mỹ biết tên, dù đến giờ ông là người giàu nhất đảm nhận vị trí này và những mối quan hệ chính trị của ông là số một. Làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành công ty năng lượng Red Moutain có trụ sở ở Denver, Halton sở hữu số tài sản theo ước tính mới nhất, lên đến hơn 5 tỷ đô la Mỹ. Ông cũng tình cờ là bạn chí cốt của tổng thống Hoa Kỳ và là cố vấn chính trị lớn nhất của tổng thống. Tờ Bưu điện đã đăng tải một bài báo ngay sau khi ông được bổ nhiệm với lối viết không nhân nhượng rằng ông “đã thực hiện được kỳ công chính trị khác thường bằng cách đưa người bạn thân nhất của mình vào Nhà Trắng”. Khi được hỏi về tính chính xác của bài báo trong những cuộc điều trần, Halton cho biết ông chỉ mơ ước là mình có thể mang lại cho Tổng thống thêm nhiều tiền bạc hơn nữa, một nhận xét đã mang đến cho ông nhiều phiếu bầu của Đảng dân chủ.
Dù thực tế Robert Halton không còn trách nhiệm gì đối với đế quốc năng lượng toàn cầu, ông vẫn là người có thói quen dậy sớm và có lịch trình hàng ngày dày đặc còn khổ ải hơn những người tiền nhiệm. Vào sáng hôm đó, như thường lệ, ông rời dinh Winfield, dinh cơ chính thức của ông ở công viên Regent, vào thời điểm hoàn toàn không có công việc ngoại giao – 6 giờ 45 phút đến 7 giờ, ông liếc qua mấy tờ báo Luân Đôn ở bàn làm việc, nơi trông xuống quảng trường Grosvenor. Những trang báo đầy tin tức khốc liệt ở Irắc. Halton tin tưởng rằng người Anh,đã cắt giảm mạnh quân số ở Irắc, sẽ sớm tìm cách rút quân về hết, một đánh giá mà ông đã đề xuất với Tổng thống trong cuộc họp mới đây ở khu điền sản Owl Creek rộng lớn của Halton ở Aspen. Halton đã nói toạc ra hết trong cuộc gặp này. Ông hiếm xử sự như thế.
Lúc 7 giờ 10 phút, một thiếu nữ trẻ dong dỏng cao mặc bộ đồ thể thao và mang băng – đô bằng lông cừu xuất hiện ở cửa. Cô có bộ tóc đen dài, mắt xanh nhạt trên khuôn mặt ưa nhìn và thân hình thể thao mảnh dẻ. Không chờ xin phép bước vào, cô băng ngang căn phòng và ngồi lên tay ghế của Halton. Đó rõ ràng là một cử chỉ thân mật, một cử chỉ có thể làm những nhân viên Đại sứ quán phải nhướng mày nếu như tên cô thiếu nữ hấp dẫn này không phải là Elizabeth Halton. Cô hôn lên má ông đại sứ và vuốt ve mái tóc dày màu xám của ông.
Cô nói. “Chào cha. Có gì thú vị trên báo vậy?”.
Robert Halton kéo tờ Times lên. “Thị trưởng Luân Đôn lại giận cha rồi”.
“Chuyện gì làm Red Ken giận vậy?”
Quan hệ của Halton với ngài Thị trưởng cánh tả nổi tiếng của Luân Đôn đã trở nên vô cùng lạnh nhạt. Điều này không có gì ngạc nhiên, bởi ngài Thị trưởng đã bày tỏ sự cảm thông đối với những tên đánh bom tự sát của tổ chức Hamas và có lần đã công khai cảm thông một lãnh đạo khu Hồi giáo, người đã kêu gọi sát hại người Do Thái và những kẻ ngoại đạo khác.
“Ông ta nói việc bảo vệ an ninh cho chúng ta đang gây ra những ngưng trệ lớn đối với giao thông khắp khu Mayfair”, Robert Halton nói. “Ông ấy muốn chúng ta trả thuế cho việc tắc nghẽn giao thông, ông ấy đề nghị cha trả phí bằng quỹ của mình. Ông ấy tin chắc là cha phải trả số tiền đó”.
“Cha sẽ không làm thế”.
“Đó không phải là vấn đề”.
“Con sẽ nói chuyện với ông ấy nhé?”.
“Cha sẽ không làm thế với đối thủ tệ nhất của mình đâu”.
“Con có thể làm người khuyến dụ”.
“Ông ta không xứng đáng với con đâu, con yêu”.
Robert mỉm cười rồi vuốt má con gái mình. Hai người đã gần như sóng đôi kể từ khi vợ Halton mất cách đó 5 năm trong một vụ rơi máy bay tư nhân ở bắc Alaska – hai người không thể tách rời được đến nỗi Halton đã không chấp nhận việc Tổng thống đề nghị ông làm đại sứ ở Luân Đôn cho tới khi ông biết chắc là Elizabeth sẽ đi theo ông. Trong khi hầu hết các thiếu nữ muốn có cơ hội được sống ở Luân Đôn với cương vị con gái của ngài đại sứ Mỹ thì Elizabeth rất do dự khi rời Colorado. Cô là một trong những nhà giải phẫu cấp cứu được đánh giá cao ở Denver và đang bàn chuyện kết hôn với một nhà kinh doanh bất động sản giàu có. Cô đã từ chối trong nhiều tuần cho đến một buổi tối khi đang làm việc tại Trung tâm Y khoa Rose ở Denver, cô nhận được cú điện thoại của Nhà Trắng. Tổng thống nói. “Chú cần cha con ở Luân Đôn. Chú phải nói gì với con để khiến cha con đồng ý?”.
Ít ai có thể từ chối một yêu cầu như vậy. Elizabeth Halton đã thân thiết Tổng thống suốt từ khi cô còn bé. Cô đã chơi trượt tuyết với ông ở Aspen và săn nai với ông ở Montana. Cô đã được Tổng thống thết đãi vào ngày tốt nghiệp trường y và được ông an ủi vào ngày an táng mẹ mình. Tất nhiên là cô không thể từ chối đề nghị của ông, và khi đến Luân Đôn cô đã tự dấn thân vào những nhiệm vụ, cô cũng dùng sự quyết tâm và khéo léo của mình để đối mặt với mọi thách thức khác trong cuộc sống. Cô quản lý dinh Wìnied bằng bàn tay sắt và gần như lúc nào cũng theo cha trong các sự kiện chính thức và những phong trào xã hội quan trọng. Cô làm tình nguyện viên ở các bệnh viện Luân Đôn – đặc biệt là những bệnh viện cứu những cộng đồng dân nhập cư nghèo – và còn là người bảo vệ khéo léo cho chính sách nhập cư của Hoa Kỳ ở Irắc và cuộc chiến chống khủng bố. Cô được báo giới Luân Đôn yên mến trong khi họ ghét cha cô, mặc dù trong thực tế tờ Người bảo vệ đã công bố một sự thật ít người biết là Elizabeth, vì lí do an ninh, đã cố gắng giữ một bí mật. Tổng thống Hoa Kỳ chính là cha đỡ đầu của cô.
“Sao cha không để mấy tờ báo này xuống và ra ngoài chạy bộ với tụi con?”, cô vỗ nhẹ người cha. “Cha đang bắt đầu lên cân rồi đấy”.
“Cha sẽ uống cà phê với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc chín giờ. Con đừng quên là tối nay ta sẽ có bữa tiệc ở phố Downning”.
“Con nhớ mà”.
Robert Halton gấp tờ báo lại rồi nhìn con gái một cách nghiêm trọng.
“Cha muốn con và bạn bè phải cẩn thận khi ra ngoài đấy. NCTC (Trung tâm chống khủng bố quốc gia) đã nâng mức báo động ở châu Âu hôm qua đấy”.
“Có gì đặc biệt không cha?”.
“Cũng chưa rõ. Có hoạt động tăng cường của các phần tử al-Qeada. Cũng là hoạt động như thường lệ nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua. Hãy cho một số lính thuỷ đánh bộ theo con để bảo vệ cho kỹ”.
“Lính thuỷ chỉ được bảo vệ Đại sứ quán. Nếu họ rời cơ quan, Cục tình báo Anh sẽ nổi cơn tam bành đấy. Con sẽ tập máy chạy bộ trong phòng tập này vậy”.
“Không có luật lệ nào chống lính thuỷ của Hoa Kỳ chạy trong công viên Hyde Park – ít ra là chưa có. Cha cho rằng nếu Red Ken có thể thì sẽ có luật này sớm thôi”, ông buông tờ báo lên bàn. “Lịch làm việc hôm nay của con thế nào?”.
“Một hội nghị về các vấn đề y tế châu Phi và buổi chiều có tiệc trà ở toà nhà Quốc hội”.
“Con vẫn vui vì ta đến Luân Đôn chứ?”.
“Con sẽ không đánh đổi công việc này với cả thế giới”, cô đứng dậy quay đầu hướng ra cửa. “Hãy chuyển lời hỏi thăm của con đến ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhé”.
“Đừng quên tiệc ở phố Downing nhé con”.
“Con sẽ không quên”.
Elizabeth rời văn phòng của cha mình và đi thang máy xuống cửa. Bốn người khác, mặc quần áo giống bộ đồ thể thao giữ ấm cô mặc, đều đã có mặt ở đó. Jack Hammond – Trưởng phòng Quan hệ công chúng của Đại sứ quán; Alex Baker – đặc vụ của FBI làm liên lạc về những vấn đề pháp luật; Paul Foreman từ quán; Chris Petty từ phòng an ninh thuộc Bộ Ngoại giao. Petty làm sĩ quan an ninh khu vực của Luân Đôn, có nghĩa là anh có trách nhiệm đối với sự an toàn của Đại sứ quán và các nhân viên đang làm việc trong đó. Hai trợ lý RSO(Sỹ quan phụ trách an ninh) của Petty đến một lúc sau. Những bộ quần áo thể thao màu xanh của họ không che giấu được thực tế là họ có nhiều quyền lực và được trang bị vũ khí đầy đủ.
Elizabeth hỏi. “Kevin đâu?”.
Kevin Barnett, Phó trưởng chi nhánh của CIA, hiếm khi vắng mặt trong lúc chạy buổi sáng khi anh có mặt ở thành phố này.
Chris Petty đáp. “Vẫn còn bận bịu trong văn phòng”.
“Có gì liên quan đến báo động của NCTC sao?”.
Petty mỉm cười.
“Làm sao cô biết chuyện đó?”.
“Tôi là con gái đại sứ, Chris”.
Alex Baker nhìn đồng hồ. “Ta chạy đi. Tôi có cuộc hẹn lúc chín giờ ở Cục tình báo Anh”.
Họ hướng ra ngoài, len qua cánh cổng ở bức tường phía bắc dành riêng cho nhân viên đại sứ quán. Một lúc sau, họ chạy bộ về phía Tây dọc theo phố Upper Brook, hướng đến công viên Hyde Park.
Chiếc xe tải nhỏ Ford Transit sơn màu xanh lá cây có dòng chữ bên hông: Nhà thầu các Công viên Hoàng gia Addison&Hodge Ltd. Chiếc xe không thuộc về Addison&Hodge nhưng được làm giả một cách tinh vi, giống y hệt một chiếc thứ hai đã có mặt bên trong công viên Hyde Park. Khi nhóm người Mỹ chạy dọc theo phố Upper Brook, người đàn ông sau lái im lặng quan sát họ, nhấn một nút trên điện thoại di động rồi đưa lên tai. Cuộc đối thoại của anh ta rất ngắn gọn và được mã hoá. Khi nói xong, anh ta nhét chiếc điện thoại vào túi áo đồng phục công nhân – cũng là đồ giả - rồi khởi động xe. Anh ta chạy vào công viên qua điểm chốt chặn rồi đến nơi có hàng cây phía bắc hồ Serpentine. Một tấm biển ghi CHỈ DÀNH CHO XE ƯU TIÊN và cảnh báo mức phạt nặng cho những kẻ vi phạm. Người đàn ông phía sau tay lái xuống xe, bắt đầu nhặt rác, cầu nguyện thì thầm một mình khi làm việc. Nhân danh Allah, đức từ tâm, nhân từ, … chủ nhân của ngày phán xét … hãy chỉ cho chúng con đường đến chiến thắng…