Hãy đặt nàng lên tấm thảm hoa - Chương 02

Hãy đặt nàng lên tấm thảm hoa - Chương 02

Hãy đặt nàng lên tấm thảm hoa
Chương 02

Ngày đăng
Tổng cộng 7 hồi
Đánh giá 8.2/10 với 6662 lượt xem

Ngồi sau bàn làm việc, Brandon dương hai mắt, hầm hè nhìn tôi. Là sĩ quan trong ngành cảnh sát, tuổi đã vào quãng trên năm chục, nên con số vòng bụng của ông có nhiều triển vọng tăng nhanh hơn chức vụ. Ông có khổ người ngắn, tóc cứng màu bạc, đôi mắt lạnh lùng bao giờ cũng như những mũi kim sẵn sàng châm vào người khác.
Chúng tôi đang họp thành một bộ tứ, mỗi người một vẻ; Paula điềm tĩnh và thoải mái ngồi ở cuối phòng, Tim Mefflin im lặng, tựa lưng vào tường đưa mắt theo dõi mọi người. Tôi được ngồi ở ghế danh dự ngay trước bàn Brandon. Còn Brandon thì lẽ dĩ nhiên là đang ngồi ở chỗ vẫn thường ngồi làm việc. Căn phòng khá rộng, thoáng, tiện nghi. Mấy cái ghế bành có chỗ tựa lưng rộng rãi được kê trên tấm thảm xuất xứ từ miền châu Á. Trên tường có tới hai bức tranh phong cảnh của Van Gogh. Bàn làm việc của Brandon được đặt giữa hai cửa sổ nhìn xuống con đường rộng của khu giao dịch Orchid City.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi có mặt trong căn phòng này. Kỷ niệm về những lần trước đều đáng ghi vào trong nhật ký của những ngày không vui, vì tình cảm ngài Brandon dành cho tôi cũng ví như tình cảm của nhân dân Nhật đối với trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima vậy. Mấy ngón tay của Brandon đang bóp mạnh vào điếu xì gà: đấy là triệu chứng một cơn bão lòng muốn tìm cơ hội để thổ lộ.
- Được! Anh nói rằng nhận được lá thư này của Janet Crosby đã hơn một năm rồi... (Ông ta cúi đầu, thận trọng nhìn xuống lá thư đặt trên bàn, cứ như tờ giấy viết thư đã bị tẩm thuốc độc vậy).
- Đúng
- Anh để quên nó trong áo mưa tới ngày anh tặng áo cho người phục vụ. Chính người này đã báo cho anh biết về lá thư để quên, phải không?
- Đúng.
Ông ta cau mày, đưa điếu xì gà lên mũi ngửi rồi buông thõng một câu:
- Cách làm ăn của anh hay nhỉ!
- Ai cũng có một lần quên, thưa ngài. Tôi còn nhớ trong cái vụ Tetji do cảnh sát điều tra hồi ấy...
- Thôi, im đi! Việc đó không liên quan gì tới anh. Tôi đang nói tới cái thư của anh kia. Anh đã tới nhà Crosby để gặp cô Maureen, phải không?
- Phải! (Ông ta làm tôi bắt đầu khó chịu)
- Vì cô ta bận nên anh chưa gặp cô ta, thế là anh bắt đầu thò mũi của anh sâu hơn nữa vào chuyện gia đình người ta. Anh tìm cách liên lạc với con bé hầu phòng của cô Janet. Phải không?
- Tôi nghĩ rằng chuyện đó không có gì đáng ngài phải quan tâm.
- Hãy trả lời câu hỏi của tôi. Có đúng không?
- Đúng.
- Con bé kia yêu cầu 500 đôla, để nó hở ra cho anh những điều anh muốn biết. Rồi khi đứng rình căn nhà cô ta, anh thấy một người cao lớn đi chiếc Dodge màu xanh tới, vào nhà chừng 10 phút. Khi hắn đi rồi đến lượt anh mò vào, thì thấy cô ta đã chết. Đúng vậy không?
Tôi gật đầu, Brandon bóc tem điếu xì gà rồi nhìn xoáy vào tôi.
- Anh khai rằng chiếc Dodge kia là của bác sĩ Salzer phải không?
- Đúng thế. Tôi đã nhờ trung úy Mifflin kiểm tra lại số xe để xác định lại việc này.
Brandon lừ mắt, đưa qua phía Mifflin trong khi anh chàng vểnh mặt, chăm chú ngắm bức tường phía trước làm ra vẻ như không hề biết rằng xếp đang nhìn mình.
- Nửa giờ sau cú điện thoại của Malloy, anh đã nhận được tin báo của bác sĩ Salzer về chuyện ông ta bị mất chiếc xe đó, đúng không?
- Đúng vậy, thưa ngài - Mifflin điềm tĩnh trả lời.
Hai con mắt của Brandon chiếu về phía tôi:
- Anh nghe rõ đấy chứ?
- Rõ, thưa ông.
- Tốt. Vậy thì anh hãy cố nhớ lấy điều này: bác sĩ Salzer là một nhân vật đáng kính trọng của thành phố này. Và tôi sẽ không để yên cho những loại người như anh gây phiền hà cho ông ta đâu. Anh hiểu chứ?
Tôi thật không ngờ ông ta lại kết luận câu chuyện này đột ngột như thế, nên chỉ biết vừa gãi mũi vừa trả lời ấm ớ:
- Dạ, tôi đã hiểu được một phần.
Brandon thổi khói vào mặt tôi bảo:
- Này, tôi nói thẳng cho anh biết rằng, tôi không có một chút cảm tình nào với anh cả. Cả cái công ty của anh nữa. Nó có thể cũng có ích đấy, nhưng cũng có nhiều vấn đề đáng ngờ lắm. Còn anh ấy à, anh chỉ giỏi quấy rầy người khác thôi. (Ông ta lại ngả người xuống coi lá thư để trước mặt). Bây giờ cô Crosby đã chết, gia đình người ta là chỗ giầu có và danh giá, nếu anh muốn bới móc việc riêng của người ta thì đừng có hòng trông vào sự giúp đỡ của tôi. Còn món tiền 500 đôla của cô ấy gửi cho anh, anh không có quyền sử dụng nữa. Phải gửi về cho người thừa kế là cô Maureen, và để cho cô ta yên. Nếu cô ta cần có luật pháp giúp đỡ, thì đã có tôi đây. Chuyện này đối với anh, thế là hết. Nếu anh cứ muốn chõ mũi vào công việc của người khác thì liệu đấy. Tôi sẽ giành cho anh một chỗ đủ kín đáo để anh không còn quấy ai được nữa. Hiểu không?
Tôi nhoẻn một nụ cười và nghiêng người về phía Brandon.
- Dạ... ạ, tôi đã bắt đầu hiểu, thưa ngài.
Viên đại úy đỏ mặt tía tai, hai mắt tưởng chừng muốn phun ra lửa:
- Malloy, tôi cho anh biết trước những người dưới quyền tôi, họ cũng sẽ biết cách đối xử với cái loại người như anh. Một ngày nào đó, anh sẽ được ngồi yên trong một xó. Bây giờ, hãy để chuyện Salzer và Crosby lại, rồi cút đi cho khuất mắt ta!
Tôi từ từ đứng dậy, cố giữ giọng nói thật điềm tĩnh:
- Tôi không biết người được thừa kế gia tài Crosby đã chi cho cái gọi là "Hiệp hội tương trợ" của ông bao nhiêu tiền? Cả cái tổ chức thể thao của ông nữa, Salzer đã đút vào đấy bao nhiêu? Tôi hiểu tại sao cách đây hai năm, khi cô Maureen lái xe chẹt chết người, chính ông ta đã sốt sắng cho qua cái vụ đó đi. Còn Salzer, tại sao lão ta không có bằng bác sĩ y khoa mà lại có chữ ký trên tờ khai tử của ông Mac Donald Crosby nhỉ?
- Bước ra khỏi đây ngay! - Brandon gầm lên không nén được tức giận.
Tôi mở cửa, bảo Paula:
- Đi, Paula. Ở đây thiếu không khí trong sạch quá!
Mifflin theo gót chúng tôi tới đầu hành lang, nói nhỏ:
- Đợi một chút. Vào đây!
Anh ta mở phòng làm việc riêng cho chúng tôi vào. Paula theo tôi bước vào bên trong theo lời mời của Mifflin vì cả hai chúng tôi vẫn mến anh ta. Hơn nữa, anh ta còn có ích cho công việc của chúng tôi. Anh ta đóng cửa lại, đứng tựa vào tường, nói khẽ:
- Cậu nói với Brandon như thế, thật là dại dột quá. Sẽ phiền đấy, Vic ạ.
- Tôi biết nhưng lão ta làm tôi không nhịn được nữa.
- Tôi muốn ra hiệu cho anh mà không kịp. Ông ta không có chứng cứ nào để buộc tội anh, thì tại sao anh lại phun cả câu chuyện ra để làm gì?
- Biết vậy, nhưng tôi không đừng được. Không biết lão Salzer có liên hệ gì với Brandon?
Mifflin nhún vai: - Salzer là chỗ thân tình với... cảnh sát. Chà, cái bệnh viện an dưỡng của ông ta ấy, tôi thừa biết nó chỉ là cái bẫy làm tiền thôi, nhưng cũng chưa phát hiện được điều gì phạm pháp cả (Anh ta hạ giọng) với đồng lương đại úy cảnh sát, Brandon chẳng thể nào tậu được xe Cadillac đời mới như thế đâu. Còn cô Maureen Crosby thì cũng không phải vô cớ mà cứ bao đều đều tiền học phí cho lũ trẻ và tiền thuốc thang cho bà vợ của ông ta. Vừa rồi, thế là anh đã động tới hai nhân vật bảo hộ chính của gia đình Brandon rồi đó.
Qua thái độ ông ta nạt nộ tôi, tôi cũng đoán phải có nguyên cớ gì đây. Này Tim, có thật là Salzer điện thoại báo cho anh rằng lão bị mất xe không?
- Chính Salzer đã phôn cho tôi.
- Vậy anh sẽ làm gì về vụ án mạng vừa rồi? Bỏ qua chăng?
- Không đâu, chúng tôi sẽ tìm ra thủ phạm. Nhưng trước mắt chưa làm gì được Salzer đâu. Lão ta thừa tinh khôn để lẩn tránh mọi trách nhiệm.
- Đúng vậy.
- Còn việc Brandon đe dọa anh, chớ có coi thường. Không ít người đụng vào ông ta đã bị trả đũa ra trò đấy.
- Cám ơn, Tim, tôi sẽ coi chừng nhưng cũng biết cách tự vệ. Mifflin vừa xoa mũi, vừa nói:
- Không đơn giản thế đâu. Sự việc anh tự vệ dễ trở thành tội chống lại cơ quan chức năng. Thế cũng đủ để anh bị xơi đòn rồi.
Tôi vỗ vào cánh tay Tim và bảo:
- Cậu yên trí. Tớ đã có cách. Thôi nhé.
Mifflin gật đầu, mở cửa cho tôi và nói thêm.
- Tớ nhắc lại hãy cẩn thận đấy.
Cậu ta cẩn thận liếc nhìn hai phía hành lang xem có ai không, rồi mới ra hiệu cho chúng tôi đi ra. Tôi cùng Paula đi xuống cầu thang. Ở cửa ra vào, có hai gã to con, mặc thường phục đứng mỗi người một bên. Một gã có bộ tóc bù xù màu đỏ, da mặt nhăn nheo và tía. Gã kia người gầy, có vẻ hung tợn hơn. Cả hai nhìn chúng tôi chằm chằm. Khi tôi cùng Paula đi qua, tên tóc đỏ tia một tia nước bọt vào cái ống nhổ bằng đồng, đặt xa chúng tới năm mét.
Tiệm cà phê của Finnegan ở trong hẻm ngay đằng sau tòa nhà Orchid Building. Trước kia mọi người vẫn thường đậu xe ở đây. Mike Finnegan là chỗ quen biết từ lâu của tôi. Anh quan hệ rộng rãi với giới nhân viên nên không có một vụ áp phe nào có thể qua được mắt anh.
Cách đây vài năm, tôi có dịp can thiệp vào vụ xô xát giữa anh và ba tay da đen. Anh vẫn nghĩ rằng, nếu không có tôi hôm đó thì anh không còn sống cho tới hôm nay. Do đó lúc nào đối với tôi anh cũng tỏ lòng ơn huệ đặc biệt. Dường như mọi người quanh đây đều có thói quen gặp mặt nhau sau những giờ làm việc tại tiệm cà phê này. Bởi vậy, tôi ngưng chiếc Buick trước tiệm, rồi cùng Paula đi vào để tìm Kerman.
Đã hơn 11 giờ rồi, nên ở quầy rượu chỉ còn vài người. Tôi nhìn thấy ngay Kerman ngồi ở góc phòng, cầm tờ báo ngang tầm mũi, một chai rượu Scotch ở trên bàn. Anh chàng ngước mắt lên, ra hiệu vẫy chúng tôi lại. Khi qua phòng, tôi giơ tay chào Mike và anh ta cũng ngoác cái miệng rộng ra để cười và chào lại. Finnegan là loại người không thể nào đưa đi thi sắc đẹp được: người vạm vỡ, mặt sần sùi như là tác phẩm của sự kết hợp giữa đười ươi và người máy vậy. Nhưng anh được cái rất lanh lợi.
Kerman bắt đầu trêu chọc Paula. Cậu ta đứng dậy, ngả người chào trịnh trọng và nói:
- Cơn gió nào đã đưa các vị đến cái tiệm bình dân này vậy. Hình như quý bà đã để quên nụ cười ở trong két cùng đống hồ sơ rồi, phải không?
- Thôi đừng đùa nữa - tôi bảo Kerman - Sự việc đã tới hồi gay cấn rồi đấy. Cậu đã làm được những việc gì nào?
Vừa lúc đó Finnegan đi tới nghiêng mình chào.
- Chào Malloy, chào bà. Các vị dùng gì?
Tôi trả lời và nhìn Paula:
- Cho tôi một ly uýt ki. Cà phê nhé?... Một cà phê cho cô Bensiger (quay sang Kerman, tôi hỏi tiếp). Nào Kerman, kể công việc cậu đã làm đi.
- Tôi đã gặp Joan Parmetta. Tuyệt mĩ! Thế này này (cậu ta đưa hai tay vẽ những đường cong từ trên xuống dưới). Nếu cái tay phục vụ không chạy ra chạy vô liên hồi, thì tôi đã đặt được chuyện tình cảm với cô nàng rồi. - Anh chàng thở dài. Cái số tôi là như vậy, không hiểu tại sao tất cả các phụ nữ đều dễ mến tôi thế cơ chứ.
Paula chộp lấy cơ hội đế vào một câu:
- Vì anh thiếu thông minh. Ở cạnh anh, họ thấy khoái vì thấy mình hơn người.
Tôi vội can thiệp:
- Thôi, tôi không cần chú ý tới việc Parmetta có xinh đẹp hay không, mà chỉ muốn biết cô ta đã nói gì về Janet.
Kerman lừ mắt với Paula rồi nói:
- Cô ta rất ngạc nhiên khi hay tin Janet bị chết vì bệnh tim. Hai ngày trước đó, Janet vẫn chơi quần vợt và khiêu vũ. Với một người đau tim thì việc đó quả là lạ.
- Còn gì nữa không?
- Tôi hỏi cô ta về Sherrill. Anh chàng này hiện không còn ở thành phố, nên tôi không thể tìm gặp được. Theo Parmetta thì Janet mê anh ta như điếu đổ. Hai người không rời nhau một bước. Đùng một cái, trước ngày ông bố nhà Crosby qua đời khoảng một tuần, anh chàng kia không tới thăm Janet nữa và cuộc hôn nhân của hai người được bãi bỏ. Joan Parmetta có gặng hỏi Janet nhưng cô ta chỉ im lặng hoặc bảo rằng họ đã cãi nhau, nhưng vì sao, thì cô ta không nói.
- Sherrill là người thế nào?
Kerman nhún vai và kể lại:
- Theo Joan thì anh chàng cũng có mẽ đấy, nhưng không biết làm nghề gì và có tiền hay không, có nhà riêng ở đường Rossmore, tuy nhỏ nhưng xinh xắn. Có một cô hầu người Tàu trông nom. - (Kerman chụm môi hôn một cái vào không khí). Trông cũng được lắm! Tôi có hỏi cô nàng, nhưng cũng chẳng thu thập được mấy tin tức. Cô ta không biết bao giờ Sherrill về và bảo ông chủ phóng khoáng lắm, như chim ấy, biết được ông ấy bay ở đâu? Trong ga ra có một chiếc Cadillac chắc chắn như xe bọc thép vậy. Vườn tược, bể bơi tất cả đều rất xôm. Việc duy trì bảo quản ắt phải tốn khối của.
- Hết chưa?
- Hết!
Tôi kể lại với Kerman những sự việc tôi đã gặp, chuyện cô Eudora Drew, cuộc họp gay cấn với Brandon. Kerman trợn mắt, há mồm nghe tôi nói quên cả ly rượu để trước mặt, tỏ vẻ thán phục bảo:
- Trời ơi! Vậy mà anh coi là chuyện thường? Bây giờ, chúng mình đành chịu bỏ cuộc hay sao?
- Tôi cũng chưa quyết định nên thế nào, nhưng phải trả lại tiền. Tuy vậy, trước tiên chúng ta phải rõ xem ai là người quản lý tài sản đã. Tôi dám cuộc rằng không phải là cô Maureen rồi. Có thể cô ta có thuê một người nào đó. Chúng ta cần phải biết, nội dung chúc thư ông già Crosby để lại, cô Janet có cho Eudora hưởng cái gì sau khi cô chết không. Nếu không, tại sao Eudora có vẻ rủng rỉnh thế? Tóm lại, chúng ta cần phải nắm được một số tài liệu và phải tiến hành thật khéo léo để Brandon không gây rắc rối cho chúng ta. Sau đó, tôi mới quyết định được là nên hay không nên tiếp tục công việc này.
Paula bảo:
- Nếu phải trả lại tiền thì thà chúng ta bỏ cuộc luôn cho nhẹ mình. Tội gì đi làm những việc không công.
- Kể thì đúng vậy. Nhưng tôi cảm thấy thích thú làm việc này. Vả lại, tôi không thích phải bắt buộc tuân lệnh của Brandon. - Tôi uống một ly rượu rồi uể oải đứng dậy. - Thôi, chúng ta nên về đi nằm một lát. Tôi cảm thấy cần phải làm một giấc đây.
Kerman ngáp và bảo:
- Tôi cũng có việc phải về nhà bây giờ.
- Sáng mai cậu phải có mặt tại đây đấy nhé.
- Rõ rồi, trừ phi tôi bị bọn chúng mang nấu cám. - Nhưng hãy đợi tôi một lát đã. Tôi muốn hỏi Finne điều này...
Tôi đi lại quầy rượu. Finnegan đang lau mấy cái ly. Mặc đôi uyên ương sắp sửa rời tiệm. Cô gái tóc vàng khoác tay bồ, nhìn thấy tôi, nháy mắt một cái ra vẻ tinh nghịch. Khi họ đã đi khỏi, tôi nói với Finnegan:
- Tớ đang bị một thằng theo đuôi: loại tủ đứng, tai mũi đều có thẹo hay đội mũ màu hồng nhạt và hút xì gà. Dáng người thiên về loại ác thú... Cậu có đoán ra ai không?
Finnegan vừa nghe tôi tả vừa tiếp tục lau cái bình đựng rượu, giơ nó ra chỗ sáng, nheo mắt lại ngắm nghía rồi đặt cẩn thận lên cái giá, trước khi trả lời:
- Tôi đoán chắc nó là Benny Dwan. Nếu miệng nó hôi mùi hành thì không có thể là ai khác.
- Tôi chưa đứng sát hắn bao giờ. Vậy Benny Dwan là ai?
Finne lại cầm một cái ly khác lên để lau, làm tôi thêm sốt ruột.
Không phải anh ta chủ tâm làm như vậy để hành người khác, mà điệu bộ kề cà đó đã thành thói quen của anh rồi.
- Hắn là một tay anh chị có hạng. Trước kia, chuyên kiếm tiền bằng nghề cờ bạc, đã bị tù 5 năm về tội ăn cướp có vũ khí. Hiện nay, không biết hắn làm gì cho Salzer.
- Hắn thì làm được việc gì nhỉ?
- Lau xe, làm vườn nói chung là mọi việc để ra vẻ lương thiện.
- Finne này, nếu đúng là Dwan thì nó sắp bị kết tội giết người đấy.
- Như vậy lại càng đúng với khả năng của hắn. Đúng, đúng... hắn thường ngậm xì gà, mũi và tai bên phải có thẹo. Đúng là Dwan rồi!
Tôi cảm thấy hơi xúc động, giơ tay bắt Finnegan để cám ơn rồi đi lại cuối phòng nơi Kerman và Laura vẫn đứng chờ tôi. Tôi báo tin cho hai người biết.
- Finnegan nhận ra tên bám theo tôi và giết Eudora Drew rồi. Tên hắn là Benny Dwan. Có tin này, đừng ngạc nhiên nhé: hắn làm cho Salzer!
Kerman toét miệng cười:
- Tôi phục tài lùng tin của anh đấy. Vậy, làm gì bây giờ?
- Chúng ta sẽ báo cho Mifflin biết. Để tôi phôn cho anh ta ngay bây giờ.
Mifflin đã rời sở cảnh sát về nhà. Tôi tra cuốn danh bạ điện thoại, tìm thấy số máy riêng của Mifflin. Có giọng nói ngái ngủ và tức giận ở bên kia đầu dây. Tôi vội nói:
- Malloy đây. Rất tiếc đã quấy rầy anh, Tim ạ. Nhưng vì tôi vừa tìm ra tên đứa giết cô Eudora Drew.
Giọng Tim dịu hẳn đi, đầy vẻ sốt sắng:
- Hay quá! Ai vậy? Tên nó là gì?
- Benny Dwan. Nghe đây, Tim: nó làm cho Salzer! Bởi vậy, nếu anh tới luôn chỗ an dưỡng đường của Salzer, anh có thể tóm được hắn ngay bây giờ đấy.
Đầu dây bên kia bỗng im lặng. Tôi gượng cười và đoán nét mặt thay đổi của Mifflin. Sau cùng, anh ta cũng nói được thành tiếng:
- Salier, hả?
- Đúng vậy, đúng là ông bạn thân của Brandon.
- Chắc không?
- Chắc chứ. Việc này sẽ rắc rối cho Salzer đấy. Nhưng ngoài Brandon ra thì có ai lo dùm cho Salzer làm gì.
- Phiền đấy. Tôi buộc phải nói cho Brandon biết việc này.
- Cũng được. Nhưng anh hãy nói thêm cho ông ta rằng tôi sẽ công bố việc này cho báo chí biết. Để ông ta hết đường ỉm chuyện này đi.
- Đừng làm vậy! - Mifflin hét vào máy - Brandon sẽ tức điên lên mất.
- Rất tiếc là tôi không nghe theo lời anh được. Tôi nhất định cho báo chí biết việc này, và nếu các anh không bắt tên Dwan ngay thì các anh sẽ bị mất mặt với họ đấy. Thôi nhé... chào Tim.
Tôi đặt máy xuống trong khi Mifflin vẫn cố nói thêm ở đầu dây bên kia. Paula cùng Kerman đứng gần điện thoại nghe tôi nói chuyện hỏi:
- Mifflin làm gì mà van xin dữ vậy?
- Hình như bọn họ đều sợ là mất lòng Salzer.
Tôi quay số tới tòa báo Herald xin nói chuyện với viên chủ bút. Tôi kể tóm tắt câu chuyện về Salzer cùng tên bộ hạ chỉ mất có hai phút. Tay chủ bút được tôi thông tin cho, cứ như mèo ngửi thấy hơi chuột. Tôi bảo ông ta:
- Brandon đã được Salzer đấm mõm. Rồi đây, ông đừng ngạc nhiên nếu thấy Brandon cố làm cho êm chuyện này đi.
- Cám ơn anh, Malloy, vì tin tức này. Anh cứ yên tâm đi. Tôi đã chờ đợi từ lâu những bằng chứng cụ thể để tấn công tên vô lại này. Lần này, tôi sẽ không để cho hắn thoát đâu.
Tôi đặt ống nghe xuống, nói với Paula và Kerman:
- Câu chuyện bắt đầu ầm ĩ làm cho Brandon đau đầu đấy. - Paula mỉm cười, còn Kerman thì ra vẻ đồng tình và bảo:
- Khoái thật!
Nếu bạn cứ theo đại lộ Orchid về phía Bắc, rồi đi quanh khu Santa Rosa Estate, bạn sẽ thấy một con đường nhỏ dẫn tới những ụ cát và ngôi nhà bằng gỗ của tôi. Căn nhà chẳng có gì đặc biệt nhưng cách xa hẳn các ngôi nhà khác khiến tôi có thể vừa tắm vừa hát hò mà chẳng gây phiền lụy tới ai. Cách nhà tôi chừng một trăm mét là bãi biển Thái Bình Dương. Chung quanh nhà có những bụi gai dại mọc trên cát và một vài cây cọ đứng chụm lại với nhau thành một nửa vòng tròn. Địa điểm được cái yên tĩnh, vắng vẻ. Tuy vậy, vì đã sống quen năm năm rồi, tôi đâm ra gắn bó với phong cảnh ở đây và không muốn rời đi nơi khác nữa.
Sau khi rời khỏi tiệm của Finnegan, tôi lái chiếc Buick đi về nhà qua con đường hai bờ cát trắng. Còn hai mươi phút nữa là tới nửa đêm. Mặt trăng đêm nay tròn vành vạnh, soi sáng từng bụi cây, đụn cát. Mặt biển như một tấm gương mờ, lấp lánh. Không gian thật yên tĩnh. Tôi chỉ còn thiếu có mỗi một cô gái tóc vàng nữa ở bên mình để tạo được ra phong cảnh mơ mộng, thần tiên.
Tôi nghĩ thầm - ngày mai sẽ vất vả đây. Paula phải ra tòa thị chính từ sớm để xin được biết về những chúc thư của ông già Crosby và cô con gái Janet. Tôi muốn đi gặp lại cô y tá Gurney, nói chuyện với luật sư phụ trách tài sản của Maureen và tìm hiểu thêm về chàng người yêu cũ của Janet, Douglas Sherrill. Nếu những chúc thư không có điều gì nghi vấn, viên phụ trách tài sản của Mareen quản lý mọi việc bình thường, Sherrill là một chàng trai đứng đắn thì tôi sẽ mang trả lại 500 đôla và coi như công việc này kết thúc. Nhưng đấy chỉ là giả thiết "nếu". Tôi linh cảm thấy mọi việc sẽ không xảy ra như vậy và tôi đã không uổng công vì đã làm bao nhiêu việc.
Tôi ngưng chiếc Buick trước ga ra bằng gỗ rồi xuống xe để mở cửa. Đưa xe vào xong, tôi tắt máy. Trước khi châm điếu thuốc, tôi vô tình liếc vào tấm kính chiếu hậu. Hình như có một vật gì làm cho bụi cây ở gần đó rung động.
Tôi vội tắt lửa, ngồi im không cử động, căng mắt nhìn vào những bụi gai cách ga ra, nơi tôi để xe chừng năm mươi mét. Những cành cây nhỏ vẫn động đậy như có người đè chúng xuống, vạch chúng ra rồi khép chúng lại. Trời không gió. Cũng không thể có một con chim nào đủ lớn để có thể khua động bụi cây mạnh như thế. Chỉ có thể là có người đàn ông hay đàn bà đang núp ở đấy. Hắn đã vạch bụi cây ra để quan sát hoặc đã níu mấy cành nhỏ khi bị vấp ngã.
Tôi thấy không yên tâm. Ngồi trong bụi rậm chỉ là những kẻ đang có âm mưu. Paula đã nói nhiều lần với tôi rằng nơi đây quá vắng vẻ, mà cái nghề của tôi thường tạo ra cho mình nhiều kẻ thù. Hơn nữa, đã có lần, tính mạng tôi bị đe dọa.
Tôi cúi đầu, di điếu thuốc vào chỗ gạt tàn để dập tắt. Đúng là ở chỗ này bất lợi thật. Có thể xảy ra những cuộc chiến đấu ác liệt nơi đây mà chẳng ai hay biết. Tôi buồn rầu nghĩ tới khẩu 38 còn để lại trong ngăn tủ.
Đèn pha chiếc Buick đã tắt nên ga ra chìm trong bóng tối. Nếu quả có người định ám hại tôi, chắc hắn đang chờ tôi ra đóng cửa ga ra. Dưới ánh trăng, ở khoảng cách từ đây tới bụi rậm, tôi sẽ là một mục tiêu tuyệt hảo khó mà bắn trượt.
Nếu muốn tặng cho đối thủ của tôi một sự bất ngờ, phải hành động mau lẹ. Càng ngồi ở đây lâu bao nhiêu, hắn càng có nhiều thời gian để chuẩn bị. Còn nếu không ra khỏi ga ra, hắn sẽ bắn luôn vào xe để trục tôi ra - đấy là dự đoán, còn trong thâm tâm tôi lúc này, chỉ mong hắn không có súng.
Tôi khẽ mở cửa xe rồi nhẹ nhàng luồn ra ngoài. Chỗ tôi đang đứng có thể nhìn thấy rõ mồn một mọi vật chung quanh: các bụi cây, ánh nước biển, mấy cây cọ. Tôi chẳng dại gì mà phô người ra dưới ánh trăng sáng vằng vặc lúc này.
Tôi lùi lại phía sau lấy tay sờ, lần theo những tấm gỗ ở cuối ga ra đã bị Kerman húc vỡ vào một buổi tối, chúng tôi đi chơi về khuya. Tôi tỳ vai vào một chỗ gỗ nứt, làm cho nó bật hẳn ra rồi chui ra ngoài. Bây giờ chỉ còn một việc là làm cách nào bò từ ga ra tới ngôi nhà mà không để cho kẻ đang rình tôi hay biết. Một khi đã vào được trong phòng, có khẩu súng trong tay, tôi sẽ bắn một phát vu vơ về phía các bụi rậm. Như thế cũng đủ làm cho hắn nhụt trí rồi.
Nhưng cũng có thể, đối thủ của tôi chờ lâu không thấy tôi đã đoán ra được là hắn đã bị lộ. Cho nên hắn đang rình tôi, trên quãng đường từ ga ra đến căn nhà. Dù sao, thì tất cả những điều trên cũng chỉ là dự đoán của tôi mà thôi.
Tôi cúi gập người, bắt đầu bò từ từ về phía căn nhà, cố nép mình sau những bụi cây. Chừng nào còn những bụi cây này để lấp chỗ nấp thì tôi vẫn còn được an toàn. Nhưng bụi cây cuối cùng lại cách căn nhà chừng mười mét. Mười mét đất trống cách đối thủ bí mật của tôi chừng một trăm mét. Ở khoảng cách này thì có thể thử liều cũng được.
Tôi cầm vành mũ, lia vào bụi rậm ở phía bên để đánh lạc hướng đối phương, rồi bắt đầu cắm cổ chạy. Chạy trên đất cứng thật khác với việc chạy trên cát. Chân tôi bị ngập xuống cát, cố chạy nhanh mà không được. Tôi lảo đảo, bị ngã sấp nhiều lần, lại nhổm dậy chạy, lại ngã. Khi gần tới được một bụi cây thì tiếng nổ của một khẩu súng trường ở đâu đó vang lên trong đêm khuya. Tiếng đạn réo ngay trên đầu tôi. Nếu không có cái màn trò xiếc quăng mũ thì có lẽ tính mạng tôi đã đi tong rồi. Tôi nhảy vội vào một bụi rậm ở gần đó, lăn tròn mấy vòng. Lúc ngừng lại thấy mình nằm ngửa ngay trên vùng đất trống. Lại một tiếng súng nữa. Viên đạn ghim xuống đất, hất tung cát vào mặt tôi, rõ ràng tay súng không phải là loại tồi.
Tôi có trạng thái của một bà già sống độc thân đang ngồi nghe tiếng kẻ trộm cậy khóa cửa. Người đẫm mồ hôi, tôi vừa chửi thề vừa cố chạy, hai chân thục xuống cát không kém gì những cặp giò của con tê giác trước sự lùng sục của đám thợ săn. Tiếng nổ thứ ba vang dội. Tôi chợt thấy mu bàn tay rát bỏng như chạm vào miếng sắt nung đỏ. Viên đạn đã tuốt mất một mảng da. Tôi vội để người đổ xuống đất, nén chặt bàn tay bị thương vào người, lúng túng không phân biệt nổi chỗ nào là lá, là cành, là gai của đám bụi cây. Dù sao chăng nữa tôi vẫn phải cố tới được căn nhà. Tôi chưa mất hết can đảm, nhưng quả thật người tôi đẫm mồ hôi và máu, còn tim thì đập như trống làng. Tôi cố nhoài người trên cát, càng nhanh càng tốt, chú ý không gây ra tiếng động. Tôi đã tiến thêm được quãng mười lăm mét thì nghe thấy có tiếng cành cây gãy, ngay gần bên nên giật mình và cảm thấy tóc gáy đang từ từ đứng cả dậy. Tiếng động trong bụi rậm cách tôi có vài mét. Lại có tiếng cành khô gãy, rồi im lặng. Đúng là có kẻ lạ mặt đáng đứng ở phía trước tôi. Tuy nằm dán xuống mặt đất, nhưng tôi vẫn như nghe thấy từng hơi thở của hắn. Hành động tốt nhất của tôi bây giờ là nằm im và chờ đợi. Mỗi phút trôi qua tưởng một giờ. Có lẽ hắn cũng cảm thấy có người gần đâu đây, nên cũng chờ, mong sẽ phát hiện ra một tiếng động hay một dấu hiệu nào tố giác chỗ nấp của con mồi. Riêng tôi, tôi đã quyết định cứ nằm như thế, cho tới sáng, vả lại cũng không thể làm khác được. Một lát sau tôi nghe thấy tiếng bước chân hắn đi ra phía xa, từ bụi rậm này qua bụi cây khác để tìm tôi. Tôi từ từ ngẩng đầu lên, từng căng-ti-mét một cho tới khi có thể nhìn thấy những cảnh vật trước mặt. Dưới ánh trăng tôi đã nhận ra hắn: mũ hồng nhạt, vai to bè, mũi tai biến dạng, nghĩa là bộ mặt của Benny Dwan, kẻ đã xiết cổ Eudora Drew. Hắn đứng cách xa tôi chừng ba mươi mét, tay cầm khẩu Colt 45, quay lưng lại tôi. Ở khoảng cách này, nếu có súng, tôi sẽ hạ hắn dễ dàng như săn thỏ. Đáng tiếc là tôi không có vũ khí nên điều tôi mong ước lúc này là hắn sẽ bỏ đi.
Nhưng hắn cứ đứng đấy, rình mồi. Một lúc sau hắn quay lại, đi từ từ về phía tôi.
Biết không thể tránh được, tôi quyết định nhảy chồm vào hắn. Cả hai bàn tay, khối óc và đà nhảy của tôi đều nhằm vào khẩu súng. Những ngón tay tôi thít lại quanh cổ, còn vai tôi huých mạnh vào sườn hắn. Hắn kêu lên vì ngạc nhiên và sợ hãi. Tôi vặn cổ tay hắn, cướp lấy khẩu súng. Trong khoảnh khắc, lợi dụng được thế bất ngờ tôi đã làm chủ được tình thế. Nhưng khi khẩu súng vừa nằm trong tay tôi thì hắn đã trấn tĩnh lại và lập tức, tôi bị một cú đấm trúng gáy mạnh đến nỗi ngã dúi ngay vào bụi rậm. Tôi vẫn đủ bình tĩnh để nắm chặt lấy khẩu súng và giơ về phía hắn. Hắn không để tôi kịp bóp cò. Một cú đá làm khẩu súng văng khỏi tay tôi về phía bụi cây xa. Dù sao thì bây giờ tình thế vẫn khá hơn: cả tôi cả hắn đều tay không.
Dwan vượt qua bụi rậm nhảy về phía tôi, không dè bị một cành gai níu chân lại khiến hắn ngã sóng soài. Hắn khỏe hơn tôi và nhanh ra trò nên tôi nghĩ ngay rằng, nếu đánh nhau ở chỗ này thật bất lợi. Phải tìm cách ra chỗ nào rộng rãi để khi cần, có đường mà chạy. Hắn đã đứng dậy và xông vào tôi khi tôi vừa gỡ mình khỏi bụi cây gai. Tôi còn giữ nguyên cảm giác của hắn vừa rồi nên cố né không để hắn đánh trúng, thậm chí còn giáng được cho hắn một cú vào mũi. Nhưng hắn đã nắm được cổ áo tôi, kéo mặt tôi lại giáp với mặt hắn và xiết mạnh hai bên cổ áo lại. Ánh sáng trăng chiếu rõ mặt hắn và chỉ trong giây phút, tôi đủ nhận thấy ý định lạnh lùng, dã man hằn lên trên nét mặt của một con vật quyết định giết người.
Tôi thúc đầu gối lên. Nhưng vì đã dày dạn với việc đánh nhau nên hắn thừa kinh nghiệm, khẽ xoay người một chút là đầu gối của tôi chỉ gặp có cái bắp đùi. Tôi cố đấm hết sức vào hai bên sườn hắn. Hắn sẽ khẽ kêu ư ử, nhưng hai tay không ngừng dùng hai vạt áo của tôi để xiết chặt vào cổ tôi. Tôi hiểu rằng chỉ còn vài giây nữa thôi, chân tay tôi sẽ rời rã vì nghẹt thở và thế là hết. Tôi đành đi một nước cờ tuyệt vọng: cắm mạnh tất cả các ngón tay tôi về phía mặt hắn.
Hắn thét lên một tiếng rồi buông cổ tôi ra. Tôi hấp tấp tấn công bằng một loạt cú đấm, nhưng hình như hắn không thèm quan tâm mà cứ đứng ôm lấy mặt, thở hổn hển rồi ngã quỵ xuống. Tôi lùi lại một chút lấy đà, hơi cúi người xuống, rồi làm một quả đấm móc loại tuyệt hảo đúng vào cằm hắn. Dwan giơ hai tay lên trời như để lấy thăng bằng, ngã ngửa người ra phía sau, rên lên như con vật bị thương rồi nằm im không động đậy.
Tôi cúi xuống nhìn bộ mặt máu me đầm đìa của hắn. Tôi thực sự không muốn làm thế, nhưng vì đây là một trận đấu sống còn. Vả lại cũng may mắn là hắn không chết. Tôi lật Dwan nằm sấp lại, lấy dây lưng của mình để trói hai chân hắn rồi lại chạy vào trong nhà.
Tôi nghỉ mấy phút để đánh thức Mifflin và nói qua điện thoại:
- Mifflin, tốt rồi, tốt rồi! Dwan đang ở đây này!
- Sao? Dwan ở chỗ anh hả?
- Đúng vậy. Tới ngay đây với đám bộ sậu của cậu đi. Tôi mệt lắm rồi!
- Nhưng mà Brandon vừa bảo tôi rằng Dwan...
- Mặc kệ Brandon! Lại đây mà đón nó về, tên thủ phạm Benny Dwan ấy. Lẹ lên!
- Đừng nổi nóng như thế. Tớ tới ngay đây mà.
Vừa lúc tôi đặt ống nghe xuống, có tiếng súng nổ bên ngoài. Tôi nhảy vội về phía tủ để lấy súng. Khi tôi mở cửa ra ngoài, ánh trăng chiếu sáng cả khu vườn quanh nhà. Tôi đưa mắt kiểm soát dọc hành lang, không thấy bóng ai. Bất chợt có tiếng máy khởi động rồi một chiếc xe hơi vụt ra khỏi bóng những cây cọ, chạy mất hút về phía xa.
Tôi nắm cẩn thận khẩu súng trong tay, đi qua vườn tới các ụ cát.
Dwan vẫn nằm đấy nhưng đã lãnh một viên đạn vào đầu. Vết bắn gần làm cháy da bên tai có thẹo và vỡ một mảng sọ.
Hình dáng một con người độc ác khi đã chết, cũng giống như xác một người bình thường, hiền lành và vô hại.
Tôi mở cửa bước vào văn phòng Công ty. Trên cửa bằng kính có mấy chữ mạ vàng lớn: Universal Services và bên dưới có dòng chữ nhỏ hơn: Giám đốc Victor Malloy - tức là tôi. Mới tới phòng thứ nhất một cô gái tóc vàng đã cười vẻ ngượng nghịu và chào:
- Chào ông Malloy.
Đấy là cô nhân viên phụ trách văn thư. Hai cô gái khác, cũng tóc vàng, ngồi sau bàn máy chữ cũng tủm tỉm cất tiếng chào tôi. Cả ba đều vào quãng mười tám. Chỉ cần vỗ nhẹ vào lưng một cái, là họ cười như nắc nẻ, giọng cười vô tư của đám trẻ đang thời sung sức. Tôi ngắm nhìn những tài sản quí giá của mình rồi tuyên bố:
- Hôm nay đẹp trời quá!
Cô thứ nhất nhanh nhảu lên tiếng:
- Thưa ông, hôm nay cô Bensiger ra tòa thị chính, có lẽ về chậm một chút.
- Cám ơn Trixy. Tôi ngồi trong phòng giấy, bao giờ cô ấy về cô bảo tôi cần gặp nhé.
Trixy khẽ gật đầu và liếc tôi một cái khiến tôi lập tức phải lẩm bẩm như cầu kinh để nhắc nhở mình rằng cô ta còn quá trẻ và hiện đang là nhân viên của công ty.
Tôi vào phòng riêng, đóng cửa lại. Đồng hồ chỉ mười giờ năm, chưa tới lúc ăn trưa. Nhưng tôi nghĩ rằng cái chai có bao giờ biết giờ giấc. Bởi vậy tôi tự rót cho mình một li, châm điếu thuốc, trước khi ngó qua đống thư từ và giấy tờ. Không có gì quan trọng, tôi đặt tất cả vào ngăn tủ dành cho Paula rồi gác cả hai chân lên bàn, nhắm mắt lại. Sau một đêm náo động như đêm qua, tôi cảm thấy người đau ê ẩm. Hình như có tiếng muỗi bay quanh đầu tôi lẫn với tiếng máy chữ của các cô gái ở phòng bên. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết!
Vào quãng mười một giờ kém hai mươi, giọng nói của Paula vang lên ở phòng đánh máy làm tôi choàng tỉnh giấc. Tôi vừa kịp rút hai chân trên bàn xuống và xếp gọn mấy lá thư lại thì Paula xuất hiện. Tôi vội vã làm vẻ tươi cười, tỉnh táo:
- Kìa Paula, vào đi. Anh đang chờ em.
Nàng ngồi xuống và nói từ tốn:
- Nếu anh cần ngủ tại phòng làm việc thì đừng có ngáy. Ảnh hưởng xấu tới các nhân viên.
- Thôi thì họ cũng đã bị ảnh hưởng thế mấy năm rồi - tôi vừa nói vừa cười. Tối qua, anh chỉ được ngủ có hai tiếng nên hôm nay mệt quá. Anh đang cần một vài lời úy lại dịu dàng đây.
Paula nhìn vào vết xước ở má tôi, hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Một cuộc gặp mặt không hẹn trước, thế thôi.
Nói đoạn, tôi kể cho nàng nghe việc Benny Dwan phục kích tôi ở nhà như thế nào.
- Hắn chết rồi sao? Ai giết?
- Chưa biết, nhưng cũng có thể đoán được... mười phút sau cú điện thoại anh gọi cho Mifflin, có hai tay cảnh sát tới: hai tay mặt dữ dằn mà chúng ta đã gặp ở sở cảnh sát, em còn nhớ không? Chúng có vẻ vui mừng hơn là ngạc nhiên, khi thấy Dwan đã chết. Thế là cho anh đủ hiểu: cái chết này khiến cho Salzer đỡ bận tâm. Nếu bị chất vấn, hắn chỉ việc trả lời hiện nay Dwan không làm cho hắn nữa, thế là xong! Tại sao Dwan lấy cắp xe của Salzer, hạ sát Eudora, phục kích để ám hại anh? Cảnh sát phải có nhiệm vụ điều tra cho rõ các sự việc này, nhưng anh tin rằng họ sẽ không làm.
- Anh đoán được người nào đã bắn Dwan hay sao?
- Đúng. Sau khi hai tên cớm đi khỏi, anh đã nhìn vết bánh xe của chúng để lại. Những hình ảnh quả trám giống hệt các vết xe để lại sau nhà. Như vậy là chúng đã tới đây rình anh sớm hơn cả tên Dwan. Chúng núp một chỗ, chứng kiến trận đấu giữa anh và Dwan, không ngờ tới cái màn Dwan bị trói gô trên cát. Rồi, trong lúc anh vào gọi điện thoại cho Mifflin, chính hai đứa này đã hóa kiếp cho Dwan.
Paula trợn tròn đôi mắt:
- Vậy là chính các nhân viên cảnh sát đã giết Dwan à?
- Em cứ đặt vị trí của mình vào bọn họ mà coi. Dwan can tội giết người. Trước tòa án, hắn không ngần ngại gì mà không phun ra tất cả những điều hắn biết về Salzer. Salzer lại là chỗ hẩu với Brandon. Cho nên để tránh phiền phức cho Salzer và rắc rối cho ngài sĩ quan cảnh sát, đơn giản nhất là tặng cho Dwan phát đạn vào đầu. Sự suy đoán của anh có thể là sai, nhưng anh không tin thế. Chúng ta cần phải dựa vào những sự việc này để tiến hành công việc sau này. Em đã đọc được những bản di chúc của nhà Crosby chưa?
- Janet không để lại di chúc gì cả. Còn theo di chúc của ông bố thì Janet được hưởng ba phần tư gia tài, một phần tư cho Maureen. Như vậy là ông bố tin yêu Janet hơn. Nếu Janet chết, Maureen được hưởng toàn bộ gia tài với điều kiện không được gây ra một việc gì tai tiếng. Nếu Maureen còn bị báo chí đưa tin về lối sống bừa bãi của mình thì toàn bộ gia tài này sẽ được tặng cho Trung tâm nghiên cứu khoa học của Orchid City. Còn Maureen chỉ được hưởng một món tiền là một ngàn đôla mỗi năm thôi. Hai luật sư phụ trách việc thi hành bản di chúc này là Glynn và Coppley.
- Những điều kiện của bản di chúc như thế khiến cho Maureen dễ bị đe dọa tống tiền, để khỏi bị tung tin xấu.
Một nghìn đô mỗi năm thật là quá ít ỏi đối với cô ta.
Paula nhún vai
- Ngoài xã hội có hàng đống con gái phải sống với số tiền còn ít hơn nhiều.
- Đúng vậy. Nhưng họ đâu phải con những nhà triệu phú?
- Còn chuyện Janet? Cô ta không để di chúc lại, vậy Eudora lấy tiền đâu mà ăn tiêu rộng rãi vậy?
Tôi ngắm nhìn Paula và vừa nói, vừa suy nghĩ:
- Chúng ta thử cho rằng Eudora biết chuyện Maureen phải đi cai ma túy. Maureen không muốn cô ta tiết lộ tin này nên phải tòi tiền ra. Vừa lúc ấy thì anh xuất hiện. Eudora liền điện thoại cho Maureen, hay một người trung gian, Salzer chẳng hạn - để đặt giá cao hơn. Salzer cử Dwan đến điều đình, không đồng ý được với nhau, Dwan khử luôn kẻ vòi tiền.
- Anh nói cũng có lý đấy, nhưng ấy là mình chỉ giả thiết thế thôi.
- Đúng vậy, nhưng giả thiết của anh cũng không tồi, phải không?
Ngừng một lát, tôi nói tiếp:
- Có lẽ anh phải đi gặp cô y tá Gurney một lần nữa. Cô ta không làm việc ban ngày. Em thử hỏi địa chỉ cô ta qua "Hiệp hội các y tá" coi. Phịa ra một câu chuyện nào đó để có cơ sở mà hỏi.
Paula đi ra ngoài. Tôi lợi dụng ngay thời cơ để hỏi thăm sức khỏe chai rượu uýt ki dấu ở hốc bàn, châm một điếu thuốc rồi tự đề ra chương trình làm việc trong ngày cho mình: "Trước tiên là cô y tá Gurney, sau đó tới hai ông luật sư Glynn và Coppley".
Mấy phút trôi qua, Paula trở lại đặt lên bàn tôi một mẩu giấy có ghi: "Cư xá 246, 3882, Hollywood Avenue" và bảo:
- Anh có biết Gurney cũng là y tá cho Salzer không?
- Không. - Tôi đẩy lùi ghế ra xa bàn - Chà, tất cả mọi việc đều đổ về đầu mối Salzer. Lạ thật!
Tôi đưa tập hồ sơ cho Paula, bảo:
- Em giải quyết những công việc này cho anh.
- Cám ơn sự tín nhiệm của giám đốc. Vậy anh vẫn theo đuổi việc đó à?
- Anh cũng chưa quyết định. Trưa nay, anh sẽ cho em biết. - Tôi cầm lấy cái mũ. Anh đi nhé.
Tôi mất nửa giờ để tới đại lộ Hollywood. Đã quá trưa, đường đông nghẹt xe cộ, nhưng tôi cũng không cần gì phải vội vàng.
Cư xá 3882 Hollywood Avenue là một căn nhà sáu tầng lầu, lối vào thiếu ánh sáng. Một hình bàn tay bằng kim loại chỉ vào cầu thang đi xuống tầng hầm với chữ: THƯỜNG TRỰC.
Tôi vào thang máy, ấn nút lên lầu hai. Qua một hành lang dài, hai bên có những cánh cửa cáu bẩn, đóng kín, tôi đi tới căn hộ 246 ở cuối hành lang, bên phải. Tôi ấn ngón tay cái vào nút chuông, rồi châm một điếu thuốc, nghĩ thầm: "Không biết cô y tá có chịu tiếp mình không đây".
Tôi đợi mấy phút thì nghe tiếng chân, rồi mở cửa. Không mặc bộ đồ y tá, Gurney càng xinh hơn. Cái áo khoác mặc nhà dài tới mắt cá chân. Vậy mà tôi vẫn nhìn thấy đầu gối của cô để trần, chân đi đất. Cô nhìn tôi, tươi cười:
- Ôi, chào anh. Anh có vào không?
- Rất lấy làm sung sướng!
Cô đứng tránh sang bên, cho tôi vào phòng khách và hỏi:
- Anh làm thế nào để tìm được địa chỉ của tôi?
Anh làm tôi ngạc nhiên quá.
- Vậy hả? - Tôi đặt mũ xuống ghế. - Tôi vẫn thấy cô thở bình thường. - Cô nàng cười lớn:
- Em đã nhìn thấy anh tới qua cửa sổ rồi, nên bây giờ đã bình tĩnh lại. Sao anh lại tìm được địa chỉ của em?
- Anh hỏi qua "Hiệp hội y tá". Em sửa soạn ngủ trưa đấy à?
- Vâng. Nhưng đừng vì thế mà anh vội về nhé.
- Không đâu. Em cứ ngủ đi. Anh sẽ ngồi ở đầu giường, cầm tay em và ngắm nghía.
Cô nàng lắc đầu, cười:
- Cái tiết mục đó không có trong chương trình ngày hôm nay đâu. Anh lại đây có việc gì hay chỉ để thăm hỏi xã giao em thôi?
Tôi tựa người sâu vào ghế bành, bảo:
- Cả hai. Nhưng thăm em là chính. Anh không dùng uýt ki đâu. Cả đêm qua anh không ngủ.
- Cặp với ai vậy?
- Đâu phải thế, đừng nghi anh như vậy.
Tôi đỡ lấy uýt ki từ tay nàng, giơ lên chúc sức khỏe rồi tợp luôn một ngụm. Cô ngồi xuống ghế dài, vạt áo khoác tụt xuống hai bên đùi làm tôi tỉnh cả người. Cô khép vạt áo lại, bảo:
- Em không ngờ gặp lại anh. Em nghĩ anh cũng chỉ là loại đàn ông được chăng hay chớ thôi.
- Nghĩ về anh thế hả? Không đâu, anh thuộc loại si cỡ lớn đấy.
- Đàn ông các anh mà... - giọng cô đổi qua chán chường. Khi cảm giác mới đã qua đi... Rượu được không?
- Tuyệt!
Tôi duỗi chân và cố ghìm tiếng ngáp. Lúc này, nếu được bỏ vào một cái hang chuột có lẽ tôi cũng làm được một giấc ngon lành.
- Em còn phải làm cho cô Crosby bao lâu nữa?
Tôi đã ra vẻ hỏi một cách vô tình, nhưng vừa nghe, cô ta đã nhìn tôi dò xét rồi trả lời ỡm ờ:
- Người y tá không bao giờ được tiết lộ việc gì liên quan tới người bệnh cả.
- Trừ phi có lý do xác đáng. Anh hỏi thật nhé: em có muốn đổi nghề hay không? Anh có thể giới thiệu cho em một chỗ làm.
- Lẽ dĩ nhiên là em muốn. Em chán việc này quá rồi. Gọi là việc cho ra vẻ chứ thật ra chỉ ngồi không.
- Tại sao lại buồn vậy?
Cô vừa mở miệng định nói nhưng lại ngừng lại rồi hỏi:
- Anh định giới thiệu em ở đâu? Người ta cần một nữ y tá à?
- Anh có một tay bạn có tiền, khỏe lắm, nhưng vẫn ước ao có một nữ y tá để được chăm sóc. Nhất là y tá đẹp. Nếu em muốn, anh sẽ giới thiệu cho em.
Cô nghĩ ngợi một lát rồi lắc đầu:
- Không được. Em muốn quá, nhưng không được.
- Sao vậy?
- Em đã ký giao kèo với bác sĩ Salzer. Ông ta điều hành một trung tâm an dưỡng ở Foothill Boulewvard. Anh có nghe tiếng ông ta không?
Tôi gật đầu:
- Salzer, bác sĩ chăm sóc Maureen phải không?
- Cứ cho là phải đi vì thật ra ông ta chưa hề gặp Maureen.
- Vậy ai săn sóc cô ta, một nhân viên của ông ta chăng?
- Chẳng có ai cả.
- Lạ nhỉ. Sao vậy?
- Em thấy anh đã hỏi em cả đống câu hỏi rồi đấy nhé.
Tôi cười xòa:
- Tính anh hơi tò mò... Vậy Maureen không cần tới bác sĩ hay sao?
- Gurney nhìn tôi bảo:
- Em nói thật với anh thôi đấy nhé. Em cũng chưa bao giờ gặp Maureen.
- Tôi phun mất cả nửa ngụm uýt ki ra sàn vì bị sặc.
- Trời! Thế thì anh làm sao mà hiểu nổi!
- Thật đấy. Y tá Flemming không bao giờ để em vào phòng Maureen. Công việc của em là đánh lạc hướng chú ý của những người khách tới nhà. Nhưng cũng chẳng có ai tới cả thành thử em chẳng có việc gì để làm. Em buồn quá nên cũng cần tâm sự. Anh không được hở việc này ra với ai đấy nhé.
- Anh có ai thân thiết đâu mà hở! Vậy buổi tối em ngủ ở đâu?
- Ở nhà Crosby. Để trả lời điện thoại. Nhưng cũng chẳng có ai gọi bao giờ.
- Anh đoán thế nào cũng có lần em nhìn trộm vào phòng Maureen.
- Không thể được, vì phòng bao giờ cũng khóa. Em có cảm tưởng, Maureen không có ở nhà này.
- Lại thế nữa. Vậy cô ta ở đâu?
- Nếu Flemming nói thật thì cô ta hiện ở tại viện an dưỡng của bác sĩ Salzer.
- Vậy Flemming nói gì?
- Cô Maureen ở trong nhà an dưỡng thì việc gì phải bầy ra nhiều trò thế? Nào y tá, nào phòng bệnh của Maureen?
- Nếu biết, em đã nói cho anh nghe rồi. - Cô cạn ly rượu. - Lạ thật, chúng mình gặp nhau, lại cứ phải nói chuyện về Maureen Crosby, hết cả thời giờ.
- Đâu có hết. - Tôi lại gần cô. - Vậy em có lý do gì để thôi làm việc cho Salzer không?
- Theo giao kèo, em còn phải làm cho ông ta hai năm nữa.
- Ông ta thế nào? Anh nghe đồn rằng ông ta là một tay đại bịp, phải không?
Cô đánh khẽ một cái, trúng vào đầu gối mình và cả bàn tay tôi nữa, và trả lời:
- Đối với em thì ông ta không có điều gì đáng trách. Còn đối với bệnh nhân, họ có thể trả tiền nặng một chút, nhưng chẳng ai kêu ca, vì toàn là những tay giầu sụ.
- Em có thể bằng cách nào biết được Maureen có ở đó hay không? - Lần này thì bàn tay tôi bị một cú đánh thật mạnh làm đùi cô cũng bị rát:
- Lại Maureen!
Tôi xoa tay bảo: - Em đề phòng dữ quá!
Cô nói nghiêm trang:
- Người phụ nữ đẹp nào cũng tự ái và muốn dành trọn sự chú ý về phía mình.
Vừa lúc đó, có tiếng chuông ngoài cửa. Tôi vội nói:
- Đừng mở, đừng mở! Lần này anh sẽ không nhắc Maureen nữa.
- Thôi đi, đừng quấy. Người đưa bánh đó mà. Chẳng lẽ em phải nhịn đói để chiều lòng anh sao?
Cô đi ra phòng ngoài. Tôi tranh thủ ngả lưng một lát trên đi văng. Những điều tôi vừa nghe và đã thấy họp với nhau thành một dấu hỏi to tướng, nhẩy múa trong đầu tôi: cái vườn hoang với bọn coi vườn đánh bạc, tay tài xế ngồi không, người quản gia phì phèo điếu thuốc. Tất cả nói lên sự vắng mặt của Maureen ở Crestways. Vậy cô ta ở đâu? Trong viện an dưỡng của Salzer chăng? Nếu vậy, các luật sư Glynn và Coppley phải rõ. Nếu hai người này giúp tôi giải quyết công việc, chắc Brandon sẽ không dám ngăn cản tôi, vì họ là những người có uy tín ở California, có những chi nhánh dịch vụ về pháp luật ở San Franscisco Hollywood, New York và cả London nữa. Tôi nhắm mắt lại, mơ tưởng một ngày nào, ngành cảnh sát sẽ không có những kẻ như Brandon, mà chỉ có những người lương thiện như Mifflin. Như vậy, công việc của tôi sẽ dễ dàng biết bao nhiêu.
Tôi chợt nhận thấy Gurney ra ngoài đã lâu chưa vào. Chẳng lẽ mất nhiều thời gian thế để nhận có một vài cái bánh? Cũng không nghe thấy tiếng cô nói. Tôi lo ngại, đặt ly rượu xuống bàn đứng dậy đi ra phòng ngoài. Cửa ra vào chỉ khép hờ. Tôi ngó ra hành lang, không có bóng người. Cánh cửa trước phòng Gurney vẫn đóng im ỉm. Tôi ngó vào phòng tắm, quay lại phòng khách, ngồi xuống rồi lại đứng lên. Cái tủ lạnh hết thời gian máy nghỉ, lại tiếp tục làm việc cũng làm tôi giật mình. Tôi lên tiếng gọi, không ai trả lời. Vào phòng ngủ, tôi cúi nhìn cả xuống gậm giường. Ra phòng bếp, vẫn chẳng gặp ai. Vậy là Gurney đã ra ngoài. Nhưng cô đi đâu mà chỉ mặc có cái áo khoác trong nhà, chân còn để trần như vậy? Bất chợt hình ảnh của Edora Drew cùng cái khăn quàng thít chặt quanh cổ hiện nhanh trong tâm trí, làm tôi rùng mình. Tôi mở cửa ra hành lang, nhìn xuống đất. Không có gì, không có vết máu! Tôi nhìn sang cánh cửa đối diện, đi tới nhấn ngón tay vào chuông. Cánh cửa mở ngay sau đó như thể người phụ nữ đã đứng sẵn ở đấy chờ tôi: một người quãng năm chục tuổi, người ngắn, béo phì, đôi mắt xanh hơi lồi có vẻ tinh ma một cách kỳ dị. Bà ta cười với tôi như muốn khoe những chiếc răng hàm trên vừa to vừa thô, vừa trắng như xương người chết chắc chắn là của giả một trăm phần trăm. Bà mặc loại váy đắt tiền và cầm trên tay một cái túi bằng giấy.
Lời chào của bà làm tôi giật bắn mình vì không ngờ gặp phải một hình thù quái dị như thế.
- Xin lỗi vì đã phiền bà. Có phải phòng cô Gurney ở đây không?
- Tôi chỉ tay lại phía sau.
Bà ta cho bàn tay vào trong túi lấy một trái mận, đưa lên ngắm nhìn, bỏ tọt vào mồm rồi cất giọng khàn khàn.
- Đúng rồi. Cô ta ở đó.
Nói xong, bà lại đưa tay lên miệng, lấy cái hột mận ra, bỏ vào túi.
- Bà có thấy cô ta ở đâu không?
- Ai cơ?
- Cô Gurney. Tôi vừa bấm chuông phòng cô ta. Không có ai trả lời mà cửa lại mở. Hay là cô ta qua bên bà?
- Bên tôi? Sao lại bên tôi? Có lẽ cô ta trong phòng tắm.
- Tôi đã coi rồi, nhưng không thấy.
Lại một trái mận nữa bị tống vào mồm. Bà vừa nhai vừa nhận xét:
- Thật là tự nhiên quá đáng!
- Tôi đã gõ cửa trước khi nhìn vào.
- Tôi đã thấy sốt ruột.
- Tôi hiểu, tôi hiểu. Nếu tôi là anh tôi cũng thế. Anh có ăn mận không?
- Tôi không ăn mận bao giờ. Thôi, cám ơn bà vì đã phiền bà quá lâu.
- Anh định đi đâu?
- Tôi xuống nhà hỏi người thường trực.
Bà ta nhìn tôi nhận xét và gật đầu:
- Phải đấy. Có thật là anh không thích ăn mận không?
Không để mất thêm thời giờ nói chuyện ngớ ngẩn với bà ta nữa, tôi quay vào phòng thang máy, ấn nút xuống tầng hầm. Một cầu thang nhỏ bụi bẩn dẫn tới căn phòng có đề hai chữ THƯỜNG TRỰC ở cửa. Tôi gõ cửa. Một ông già, cổ xương xẩu, mặc cái quần không rõ là mầu gì, xuất hiện ở bậc cửa, nhìn tôi với đôi mắt mệt mỏi, lờ đờ vì men rượu. Ông ta nhìn tôi cứ như nhìn một bức tường hay cái ghế vậy. Một tiếng khô khốc thoát khỏi cổ họng ông ta:
- Gì?
Tôi thấy cần phải làm cho ông tỉnh lại, nên tóm lấy ngực áo ông vừa lắc vừa bắt chước thái độ của mấy tay cảnh sát điều tra hay dọa nạt:
- Này ông già, nghe đây. Có chuyện gì mờ ám tại phòng 246 hả?
Ông già đáng thương cố nuốt cho trôi lượng không khí trong mồm xuống dưới bụng. Cái cục yết hầu ở cổ của ông hết chạy lên rồi lại chạy xuống. Có lúc tôi đã nghĩ sẽ ngừng luôn ở đáy cổ ông không ngoi lên được nữa. Ông hấp háy mắt hỏi lại:
- Hộ 246 hả. Có việc gì vậy?
- Tôi đang hỏi ông về việc đó. Cửa mở mà không có ai ở trong nhà. Nhiệm vụ của ông phải biết tại sao thế chứ?
- Cô Gurney ở trên đó cơ mà. Vào giờ này bao giờ cô ấy cũng có mặt ở nhà.
- Nhưng hôm nay không phải như vậy. Nào, ông cùng lên với tôi coi.
Ông già đi theo tôi ngoan ngoãn như một con cừu non theo mẹ. Ông nói như than vãn:
- Cô Gurney là một người phụ nữ đứng đắn. Cảnh sát cần gặp cô ta có việc gì?
- Có lẽ cô ấy đi ra ngoài và quên đóng cửa.
- Ông có trông thấy cô ấy đi ra ngoài không?
- Phòng tôi trông ra cửa ra vào, vậy mà tôi có thấy cô ấy đi đâu.
Tôi cùng ông ta lại đi dọc hành lang, vào các phòng trong nhà. Vẫn không thấy cô Gurney đâu cả. Đầu óc tôi như bị tê liệt vì thấy mình bất lực trước mọi hiện tượng thật là vô lý. Tôi nhìn vào bức tường phía trước, chỉ vào cánh cửa hỏi:
- Người đàn bà béo mập hay ăn mận ở phòng này là ai?
Cục yết hầu của ông già tưởng chừng như bị tụt luôn xuống bụng.
Ông ta trợn mắt nhìn tôi, rồi lại nhìn vào con số 248 trên cánh cửa.
- Đàn bà nào thưa ông?
- Trong phòng này.
Ông ta lắc đầu:
- Không có ai cả. Phòng này còn trống, chưa ai thuê.
Tôi cảm thấy như có dòng điện chạy dọc theo cột sống, vội tới nhấn chuông và xoắn nắm cửa. Không có ai trả lời.
Ông già thường trực lấy chiếc chìa khóa riêng cho vào lỗ khóa, rồi cùng tôi vào trong, nhìn tất cả các phòng, không có ai. Cánh cửa sổ phòng tắm mở toang. Phía ngoài, ngay sát cửa sổ là chiếc cầu thang dùng khi cấp cứu, dựa vào bên hông tòa nhà, phía đường Skyline Avenue. Một người đàn ông khỏe mạnh có thể vác trên vai dễ dàng một nạn nhân bất tỉnh từ trên tầng lầu cao xuống một chiếc xe hơi chờ sẵn ở chân thang.
Tôi nhoài người ra ngoài cửa sổ nhìn xuống đường. Ở một đoạn rẽ của cầu thang, có một vật nhỏ làm tôi chú ý: Cái hạt mận!

Chương trước Chương sau