Giọt lệ quỷ - Chương 30

Giọt lệ quỷ - Chương 30

Giọt lệ quỷ
Chương 30

Ngày đăng
Tổng cộng 37 hồi
Đánh giá 9/10 với 33751 lượt xem

Chữ viết tay chính là thứ tồi tệ nhất chống lại tôi.
Bruno Hauptmann.
Nhắc tới bằng chứng trong phiên tòa xử hắn về tội bắt cóc em bé Lindbergh.
Viên đặc vụ vẫn còn đủ trẻ để thấy vui sướng trước ý tưởng được làm một nhân viên FBI. Vì thế, anh ta không phiền một chút nào khi bị phân công ca trực từ nửa đêm đến tám giờ sáng vào đêm Giao thừa ở Trung tâm An ninh của Cục điều tra trên tầng ba trụ sở chính.
Thêm một thực tế nữa là Louise, đặc vụ cùng làm việc với anh ta, cô nàng đang mặc chiếc sơ mi màu xanh bó chặt và chiếc váy ngắn màu đen, lại đang tán tỉnh anh ta nữa.
Chắc chắn là tán tỉnh rồi, anh ta xác định như vậy.
Thực ra, cô ấy đang nói chuyện về con mèo của mình. Nhưng ngôn ngữ cơ thể cô ấy thì nói rằng đây chính là tán tỉnh. Lại còn chiếc áo trong màu đen lộ rõ qua làn áo sơ mi nữa chứ. Đó cũng là một thông điệp.
Viên đặc vụ tiếp tục theo dõi mười màn hình thuộc trách nhiệm của mình. Ở bên trái anh ta, Louise cũng có mười cái khác. Chúng được kết nối với hơn sáu mươi caxnera an ninh đặt trong và quanh trụ sở. Hình ảnh trên các màn hình thay đổi cứ năm giây một lần theo thứ tự các camera.
Louise với áo trong màu đen đang gật đầu lơ đãng lúc anh ta nói về nhà của bố mẹ mình trên Vịnh Chesapeake. Điện thoại nội bộ bất chợt kêu inh tai.
Không thể là Sam hay Ralph được, chính anh ta và Louise vừa thay phiên cho hai đặc vụ ấy nửa tiếng trước; họ đều có thẻ ra vào tất cả các cổng và chỉ việc bước vào đây.
Viên đặc vụ bấm nút điện thoại nội bộ. "Vâng ?"
"Thanh tra Hardy, sở cảnh sát Đặc khu."
"Ai là Hardy ?", viên đặc vụ hỏi Louise.
Cô nhún vai và trở lại với màn hình của mình.
"Vâng ?"
Giọng nói lạo xạo, "Tôi làm việc với Margaret Lukas".
"Ồ, trong vụ xả súng ở Metro à ?"
"Đúng vậy"
Huyền thoại Margaret Lukas. Viên đặc vụ tuy chưa làm việc cho Cục được bao lâu, nhưng ngay cả anh ta cũng biết rằng một ngày nào đó, Lukas sẽ là nữ giám đốc đầu tiên của FBI. Anh ta bấm nút mở cửa, quay lại đối diện với khung cửa.
'Tôi giúp gì được anh ?"
"Tôi e là mình bị lạc", Hardy nói.
"Chuyện thường ấy mà." Anh ta mỉm cười. "Anh đi đâu nhỉ ?"
"Tôi đang cố tìm đường về phòng Thí nghiệm Tài liệu. Tôi bị lạc lúc đi lấy cà phê".
"Tài liệu à ? Trên tầng bảy. Rẽ trái. Không thể bỏ lỡ đâu."
"Cảm ơn anh."
"Cái gì đây ?", đột nhiên Louise nói "Này, cái gì đây ?"
Viên đặc vụ liếc nhìn cô trong lúc cô bấm nút dừng chiếc máy camera và chỉ vào một màn hình. Nó hiện lên cảnh một người đàn ông đang nằm ngửa cách không xa chỗ họ là mấy, trên đúng tầng này. Màn hình chỉ hiển thị đen trắng nhưng có cả vũng lớn thứ rõ ràng là máu đang chảy ra từ đầu anh ta.
"Ôi, Chúa ơi", cô lẩm bẩm và với tay lấy điện thoại. "Trông như Ralph."
Từ đằng sau lưng họ vang lên một tiếng bụp khe khẽ. Louise đột ngột co giật người và gầm gừ khi ngực áo sơ mi của cô biến mất trong một màn sương máu.
"Ối", cô hổn hển. "Chuyện..
Một tiêng bụp khác. Viên đạn trúng vào sau gáy cô và cô đổ gục về phía trước.
Viên đặc vụ trẻ quay về phía ngưỡng cửa, giơ hai tay lên và kêu, "Không, không".
Hardy nói bằng giọng điềm tĩnh, "Bình tĩnh".
"Làm ơn !"
"Bình tĩnh", hắn ta nhắc lại. "Tôi chỉ có vài câu hỏi"
"Xin đừng giết tôi. Làm ơn..
"Nghe này", Hardy hỏi bằng giọng thản nhiên, "máy tính của cậu chạy chương trình Secure-Chek phải không ?".
"Tôi..."
"Tôi sẽ cho cậu sống nếu cậu trả lời tất cả những gì tôi hỏi"
"Vâng." Anh ta bắt đầu khóc. "Secure-Chek."
"Phiên bản nào ?"
"6.0."
"Và nếu cậu không đăng nhập theo đúng định kỳ thì Mã 42 sẽ hiện ra trên Hệ thống Inter-Gov ?"
"Đúng vậy... Ôi, nghe này, thưa ông." Anh ta liếc nhìn thi thể cô gái bên cạnh mình, nó vừa giật cục hai cái. Máu chảy tràn ra bảng điều khiển. "Ôi, Chúa ơi..."
Hardy chậm rãi hỏi, "Cậu đã bắt đầu phiên trực lúc nửa đêm phải không ?".
"Làm ơn, tôi.."
"Nửa đêm phải không ?", hắn lặp lại, như một giáo viên đang dạy dỗ bọn trẻ con.
Viên đặc vụ gật đầu.
"Thời điểm đăng nhập lần đầu của cậu là lúc nào ?"
Giờ thì anh ta đang khóc rất to. "Mười hai giờ hai mươi mốt."
"Lần đăng nhập tới là lúc nào ?"
"Một giờ bảy phút."
Hardy liếc nhìn đồng hồ treo tường rồi gật đầu.
Bằng giọng hoảng hốt, viên đặc vụ trẻ nói tiếp, "Vào ngày lễ chúng tôi áp dụng định kỳ giãn dần, vì thế sau lần đăng nhập thứ hai, chúng tôi...".
"Được rồi", Hardy đảm bảo với viên đặc vụ rồi bắn anh ta hai phát vào đầu trước khi ấn nút để mở cửa.
Người đàn ông không phải Thanh tra Len Hardy, một cái tên giả tưởng, mà thực tế là Edward Fielding, tiến bước đến cầu thang máy.
Hắn còn thời gian đến một giờ bảy phút trước khi còi báo động tự động bật lên.
Khá dư dả.
Cả tòa nhà gần như không có ai, nhưng hắn vẫn bước đi theo cách hắn biết cần phải thế. Với dáng vẻ không khẩn trương mà là có chủ đích. Để nếu hắn có vấp phải một trong vài đặc vụ còn ở lại đây, họ sẽ chỉ liếc nhìn thẻ ra vào của hắn và dựa vào phong thái mà quyết định để mặc hắn đi tiếp tới nơi nào hắn cần trong nhiệm vụ quan trọng của mình.
Hắn hít vào thật sâu mùi của phòng thí nghiệm, các văn phòng, nhà xác. Cảm thấy một niềm vui dào dạt khi có mặt ở đây: trung tâm vũ trụ của giới hành pháp. Các hành lang trong trụ sở FBI. Hắn nhớ lại hồi một năm trước, Digger cứ lẩm nhẩm không dứt về chuyện đi tới một bảo tàng nghệ thuật ở Hartford. Fielding đã đồng ý và tên điên ấy đã đứng hàng giờ trước một bức minh họa của Dore từ vở hài kịch Thần thánh: Dante và Virgil chuẩn bị xuống địa ngục. Đó chính là cảm xúc của Fielding lúc này, cứ như hắn đang trong chuyến hành trình vào thế giới ngầm.
Trong lúc đi qua những hành lang, hắn khẽ nói chuyện với các đồng đội của mình. Không, đặc vụ Lukas và Parker Kincaid và Tiến sĩ John Evans ạ... Không, động cơ của tôi chẳng phải là trả thù cho những quan điểm chính trị đã lỗi thời hay khủng bố. Cũng không phải để lột trần bất công xã hội. Càng không phải lòng tham. Hai mươi triệu ư ? Chúa ơi, tôi có thể đòi gấp mười lần như thế.
Không, động cơ của tôi đơn giản chỉ là sự hoàn hảo.
Ý tưởng về một tội ác hoàn hảo chỉ là một cụm từ rập khuôn, đúng vậy. Nhưng Fielding đã học được một thứ rất thú vị khi hắn nghiên cứu bộ môn ngôn ngữ học, hòng tìm ra đúng những từ ngữ và cụm từ để dùng cho bức thư tống tiền. Trong một bài báo trên tờ Chuyên đề Ngôn ngữ học của Mỹ, một nhà triết học, chuyên gia ngôn ngữ, đã viết rằng mặc dù rất nhiều người viết nghiêm túc được cảnh báo phải tránh sai lầm này, nhưng những câu văn rập khuôn vẫn có giá trị, bởi chúng mô tả các sự thật cơ bản bằng thuật ngữ toàn dân dễ hiểu.
Tội ác hoàn hảo.
Chén Thánh của Fielding.
Sự hoàn hảo. Nó làm hắn say sưa. Sự hoàn hảo là tất cả: cách hắn là áo sơ mi và đánh bóng đôi giày hay tỉa tót tóc ở hai bên tai, cách hắn xây dựng các tội ác và cách chúng được thực hiện.
Nếu Fielding có năng khiếu với luật pháp thì chắc hắn đã trở thành luật sư và dành cả đời để tạo ra những bài bào chữa hoàn hảo cho các thân chủ phạm tội một cách rành rành. Nếu hắn ham thích không khí ngoài trời thì chắc hắn đã dạy mình mọi điều cần biết về môn leo núi và thực hiện những chuyến leo đơn thân độc mã hoàn hảo lên đỉnh Everest.
Nhưng những hoạt động kia lại không kích thích hắn.
Chỉ có tội ác.
Hắn cho rằng chỉ là sự may rủi khi sinh ra hoàn toàn bất bình thường. Giống như một số người bị hói và những con mèo có chân sáu ngón vậy. Và hắn xác định rằng chuyện đó chỉ là do tự nhiên, chứ không phải do môi trường. Bố mẹ hắn là những người đáng tin cậy và yêu thương hắn; ngờ nghệch là tội lỗi duy nhất của họ. Bố của Fielding là người bán bảo hiểm ở Hartford, mẹ hắn thì nội trợ. Hắn không hề bị thiếu thốn hay ngược đãi. Mặc dù vậy, từ thuở thiếu thời, hắn chỉ đơn giản tin rằng luật pháp không áp dụng với mình. Nó chẳng có nghĩa lý gì cả. Hắn từng dành nhiều giờ liền tự hỏi, tại sao một người phải trói buộc bản thân mình ? Sao không đi tới bất kỳ nơi nào mà ham muốn và trí óc dẫn lối ?
Dù mất tới vài năm, hắn mới học được điều này, nhưng Fielding được sinh ra với nhân cách tội phạm thuần túy, một kẻ rối loạn nhân cách xã hội điển hình.
Vậy là trong lúc học đại số, vi phân và sinh học ở trường Trung học St. Mary, chàng trai trẻ Fielding cũng đồng thời nghiên cứu khuynh hướng thật của mình.
Trong quá trình rèn luyện ấy, chuyện học tập của hắn cũng có lúc lên lúc xuống.
Fielding, phải vào trại cải tạo thanh thiếu niên vì đã phóng hỏa gã bạn trai của một cô gái mà hắn thích (đáng lẽ phải đỗ xe cách đó ba hay bốn dãy nhà).
Fielding, bị hai cảnh sát đánh gần chết vì đã tống tiền họ bằng những bức ảnh mấy người đàn ông đồng bóng thổi kèn cho họ trong xe tuần tra (đáng lẽ phải kiếm một tay đồng phạm khỏe mạnh).
Fielding, tống tiền thành công một nhà sản xuất thức ăn đóng hộp lớn bằng cách cho gia súc của họ ăn loại enzyme cho kết quả dương tính trong bài kiểm tra chất ngộ độc thực phẩm (mặc dù hắn không bao giờ đến lấy tiền bởi chẳng nghĩ được cách nào ôm đống tiền mặt ấy bỏ trốn).
Sống và học tập...
Đại học cũng chẳng làm hắn thích thú mấy. Sinh viên ở Bennington có tiền nhưng chúng mở toang cửa phòng ký túc và trộm tiền của chúng không có chút thử thách nào. Thi thoảng hắn thích thú tấn công ác ý các nữ sinh cùng trường bởi việc cưỡng hiếp ai đó theo cái cách khiến cô ta chẳng hề nhận ra mình đang bị lạm dụng cũng khá là kích thích. Nhưng ham muốn của Fielding không nằm ở tình dục, mà ở chính bản thân trò chơi ấy, và đến năm thứ ba thì hắn đã tập trung vào cái mà hắn gọi là "những tội ác sạch sẽ", như các vụ cướp. Chứ không phải ''những tội ác bừa bãi" như cưỡng hiếp. Hắn chuyên tâm lấy bằng tâm lý của mình và mơ về chuyện thoát khỏi thế giới Ben & Jerry để tiến vào thế giới thực, nơi hắn được thực hành các mánh khóe của mình.
Trong mười năm tiếp theo, Fielding trở về quê nhà Connecticut và làm đúng như vậy: mài giũa lẫn thực hành. Chủ yếu là cướp bóc. Hắn tránh các tội ác liên quan đến kinh doanh như làm séc giả hay lừa đảo cổ phiếu vì sợ để lại dấu vết trên giấy tờ. Hắn tránh cả ma túy và cướp tàu xe vì chẳng thể làm một mình, mà Fielding thì không bao giờ gặp ai đáng tin cậy.
Hắn giết người lần đầu tiên vào năm hai mươi bảy tuổi.
Một cơ hội trời cho, một tội ác bốc đồng, rất không giống với bản tính của hắn. Hắn đang uống cappuccino tại một quán cà phê trong khu thương mại ngoài trời ở ngoại ô Hartford và rồi trông thấy một người phụ nữ bước ra khỏi cửa hiệu trang sức với một cái túi. Cách cô ta đi đứng có gì đó hơi hoảng sợ, cho thấy rằng cái túi kia chứa một thứ gì đó rất đắt tiền.
Hắn vào ô tô và đi theo cô ta. Trên một đoạn đường kéo dài vắng vẻ, hăn tăng tốc rồi bắt cô ta tấp vào te. Cô ta sợ hãi đẩy cái túi về phía hắn và cầu xin hắn tha cho cô ta.
Khi đứng đó bên cạnh chiếc Chevy của cô gái, Fielding chợt nhận ra mình không mang mặt nạ cũng chưa đổi biển số xe. Hắn tin răng tiềm thức của mình đã cố tình không làm những việc ấy bởi vì hắn muốn biết cảm giác khi giết người như thế nào. Fielding thò tay vào ngăn đựng găng, lôi ra một khẩu súng và trước cả khi cô gái kịp hét lên, hắn đã bắn cô ta hai phát.
Hắn trèo lại vào trong xe, lái về Juice và Java và gọi thêm một tách cappuccino khác. Khôi hài làm sao, hắn tư lự, rất nhiều tội phạm không bao giờ giết người. Chúng sợ vì chúng nghĩ mình sẽ dễ bị bắt hơn. Thực tế, nếu chúng dám giết người thì chúng càng có nhiều khả năng thoát tội hơn.
Tuy nhiên, cảnh sát cũng có những ngươi giỏi và hắn đã bị bắt vài lần. Hắn được thả trong tất cả các trường hợp, trừ một lần. Ở Florida, hắn bị tóm vì cướp có vũ trang và bằng chứng chống lại hắn quá mạnh. Nhưng hắn mời được luật sư giỏi, ông ta giúp hắn được khoan hồng với điều kiện Fielding phải đi trị liệu ở một bệnh viện tâm thần.
Hắn đã sợ chết khiếp khoảng thời gian mình phải chịu án nhưng hóa ra đó lại là hai năm tuyệt vời. Trong bệnh viện tâm thần Thành phố Dade, Fielding có thể nếm được mùi tội phạm. Hắn ngửi thấy mùi ấy. Rất nhiều, nếu không phải là hầu hết, bọn tội phạm có mặt ở đó vì luật sư của họ đã nhanh trí dùng bài biện hộ cho kẻ tâm thần. Những tên ngu đần phải vào tù, lũ khôn thì vào bệnh viện.
Sau hai năm và một lần xuất hiện gương mẫu trước Hội đồng xét duyệt y khoa, Fielding đã lại trở về Connecticut.
Việc đầu tiên hắn làm là kiếm công việc trợ lý ở một bệnh viện dành cho các tội phạm tâm thần tại Hartford.
Ở đó, hắn đã gặp một người đàn ông tên là David Hughes, một sinh vật gây tò mò. Fielding quyết định rằng có lẽ anh ta từng là một anh chàng khá tử tế cho đến khi đâm chết vợ trong một trận ghen tuông vào ngày Giáng sinh. Chuyện đâm chém vốn chẳng có gì đặc biệt nhưng điều thú vị là, sau khi bị chồng đâm mấy nhát thật sâu vào phổi, cô vợ tên Pamela liền chạy tới chỗ tủ quần áo, tìm được một khẩu súng và trước khi chết đã kịp bắn vào đầu Hughes một phát.
Xét về mặt thần kinh học mà nói, Fielding không biết chính xác điều gì đã xảy ra bên trong hộp sọ của Hughes, nhưng có lẽ hắn là người đầu tiên Hughes trông thấy khi anh ta tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật, chính điều đó đã tạo nên mối liên kết kỳ lạ giữa hai người. Hughes làm bất kỳ việc gì Fielding bảo. Lấy cà phê, dọn dẹp cho hắn, là áo sơ mi, nấu ăn. Mặc dù vậy, hóa ra Hughes không chỉ biết làm việc nhà. Fielding phát hiện ra điều này vào một đêm nọ, ngay sau khi y tá trực đêm Ruth Miller gạt tay Fiedling ra khỏi háng cô ta và nói, "Tôi sẽ tố cáo anh, đồ khốn".
Fielding lo lắng lẩm bẩm với Hughes, "Cái con Ruth Miller. Ai đó phải giết nó rồi mới phải".
Và Hughes đã nói, "Hừm, được".
"Cái gì ?" Fielding hỏi.
"Hừm, được."
"Anh giết cô ta cho tôi à ?"
"Ừm.Tôi... chắc rồi"
Fielding đưa anh ta đi dạo trên sân bệnh viện. Họ đã có một cuộc nói chuyện dài.
Ngày hôm sau, Hughes xuất hiện trong phòng ngủ của Fielding, người đầy máu, mang theo một mảnh kính vỡ và hỏi liệu anh ta có thể ăn ít xúp không.
Fielding vừa tắm rửa cho anh ta vừa nghĩ hắn đã hơi bất cẩn về thời gian và địa điểm của vụ án mạng, cả về chuyện thoát ra sau đó. Hắn quyết định rằng Hughes không đáng bị phí hoài trong những chuyện nhỏ nhặt thế này, nên đã bảo anh ta cách trốn khỏi bệnh viện và tới một nhà gỗ nhỏ gần đó. Fielding đã trả tiền thuê ngôi nhà để dan díu với vài bệnh nhân chậm phát triển vào các buối chiều.
Chính vào đêm đó, hắn đã quyết định người đàn ông kia sẽ được dùng vào việc gì.
Hartford, rồi đến Boston, rồi White Plains, rồi Philly. Những tội ác hoàn hảo.
Và giờ thì hắn đang ở Washington.
Thực hiện một tội ác sau này sẽ được gọi là hoàn hảo nhất, hắn xác định như vậy (mặc dù nghĩ lại rằng một nhà ngôn ngữ học như Parker Kincaid sẽ thấy bực mình vì từ bổ nghĩa không cần thiết ấy).
Trong sáu tháng qua, hắn đã dành gần mười tám tiếng mỗi ngày để lên kế hoạch cho vụ cướp. Từng bước phá vỡ rào cản an ninh của FBI, giả dạng là thanh tra trẻ Hardy của sở cảnh sát, phòng Nghiên cứu và Thống kê. (Hắn đã chọn đích danh cái tên ấy vì theo báo cáo các nghiên cứu về ấn tượng tâm lý về tên người thì "Leonard" không hề gây đe dọa và "Hardy" thường gợi lên hình ảnh một đồng đội trung thành.) Hắn xâm nhập phân cục Đặc khu Columbia trước tiên, bởi vì văn phòng này có thẩm quyền pháp lý đối với các tội ác nghiêm trọng của Đặc khu. Hắn đã quen được Ron Cohen, trưởng phân cục, và các trợ lý của ông ta. Hắn biết được khi nào thì SAC Cohen đi nghỉ và nhân viên cấp dưới nào trong đội ngũ đang được ưa thích của ông ta sẽ là "thủ lĩnh" trong một vụ án lớn chừng này. Tất nhiên đó sẽ là Margaret Lukas, người mà toàn bộ cuộc sống đã bị hắn xâm nhập không thương tiếc trong quá trình hắn lẩn vào trong Cục.
Hắn cắm trại trong các phòng họp, ghi chép một lượng số liệu tội phạm khổng lồ cho các bản báo cáo tưởng tượng của mình, rồi đi qua đi lại máy bán hàng tự động và các phòng vệ sinh, liếc qua những bản ghi nhớ nội bộ của FBI, sổ điện thoại cùng sách hướng dẫn tài liệu thẻ căn cước và các quy trình. Trong lúc ở nhà và nơi trú ẩn tại Gravesend, hắn dành thời gian lùng sục trên Internet, học về các cơ quan Chính phủ, quy trình của cảnh sát lẫn các hệ thống an ninh (và đúng rồi, Parker ạ, cả các phương ngữ tiếng nước ngoài nữa).
Fielding đã gọi hàng trăm cuốc cho các nhà thiết kế nội thất làm việc ở trụ sở FBI, gọi tới cả cơ quan GSA, các cựu nhân viên, các nhà thầu bên ngoài và chuyên gia an ninh, hỏi những câu ngây ngô, nói chuyện về các buổi hội họp nhân viên giả, tranh cãi về những hóa đơn tưởng tượng. Thường thì hắn sẽ rút ra được vài thông tin quan trọng, chẳng hạn như sơ đồ của tòa nhà trụ sở, số lượng nhân viên trong các kỳ nghỉ lễ, lối ra vào. Hắn tìm hiểu tên hãng và các vị trí đặt chung chung của camera an ninh trong trụ sở. Số lượng và các trạm gác bảo vệ. Lần hệ thống liên lạc.
Hắn dành một tháng trời để tìm kẻ đứng mũi chịu sào hoàn hảo: Gilbert Havel, một tên vô công rồi nghề không có tiền sự, cũng chẳng có quá khứ lưu trữ trong hồ sơ. Một kẻ đủ ngây thơ để tin rằng ai đó thông minh như Fielding lại cần tới đồng phạm. Một kẻ dễ dàng bị giết.
Đó là một công việc cam go. Nhưng sự hoàn hảo đòi hỏi phải nhẫn nại.
Và rồi sáng hôm nay, Digger đã bắn tung cả địa ngục tại Metro và Fielding xuất hiện ở ngưỡng cửa Cục điều tra, háo hức được giúp đỡ nhưng cũng bất mãn đúng kiểu khi chỉ làm chân gỗ trong cuộc điều tra. Các đặc vụ khác sẽ kiểm tra chéo, thậm chí đến hai lần, giấy ủy nhiệm của hắn, gọi tới trụ sở cảnh sát. Nhưng Margaret Lukas, một góa phụ không con cái tội nghiệp, thì khác. Bởi vì hắn là Len Hardy, cũng sắp trở thành kẻ góa vợ chẳng hề có con cái, cùng chịu chung nỗi đau như cô trong suốt năm năm qua.
Tất nhiên, cô sẽ chấp nhận hắn vào đội mà không hề suy xét.
Họ cũng chẳng bao giờ đoán được điều gì ở hắn.
Y như hắn dự liệu.
Bởi vì Edward Fielding biết rằng chiến đấu với tội ác giờ đây đã trở thành lãnh địa của những nhà khoa học. Thậm chí cả các nhà tâm lý lập hồ sơ tội phạm cũng sử dụng công thức để phân loại con mồi của họ. Thế nhưng, bản thân tên hung thủ, một con người, lại thường bị bỏ qua. Ôi, hắn biết các đặc vụ một khi đã tin rằng nghi phạm chính đã chết sẽ tập trung cao độ vào bức thư tống tiền, cùng ngôn ngữ trong đó, nét chữ viết tay, các bằng chứng để lại, những chương trình máy tính lẫn các thiết bị xa hoa của họ đến nỗi chẳng bao giờ thấy được tên đầu trò đang đứng cách họ chưa đầy một mét theo đúng nghĩa đen.
Hắn đã tới thang máy. Buồng thang máy đến và hắn bước vào trong. Tuy nhiên, hắn không bấm nút tầng bảy để tới phòng Thí nghiệm Tài liệu mà bấm nút 1B.
Buồng thang máy bắt đầu hạ xuống.
Phòng Vật chứng của FBI là kho lưu trữ bằng chứng pháp lý lớn nhất trong cả nước.
Nó hoạt động suốt ngày đêm và thường chỉ có một hai nhân viên giúp các đặc vụ nhập vật chứng vào hệ thống, đôi khi giúp họ mang những đồ quá nặng vào khu vực tủ chứa hay lái những chiếc ô tô, xe tải bị trưng dụng, thậm chí cả toa xe moóc vào trong nhà kho nối liền với phòng này.
Mặc dù vậy, đêm nay sẽ có ba đặc vụ trực, quyết định này được cả phó giám đốc lẫn Margaret Lukas đưa ra. Đó là vì giá trị của vật chứng đặc biệt ngay lúc này đang nằm trong hầm.
Nhưng vì hôm nay là ngày lễ, nên hai người đàn ông và cả người phụ nữ đều ăn mặc khá thoải mái. Họ đang đi thơ thẩn ở phía bên kia của cửa đăng nhập, cùng uống cà phê và nói chuyện về bóng rổ. Hai người đàn ông quay lưng vào cửa sổ.
"Tôi thích Rodman", một trong hai nam nhân viên nói.
"Ôi thôi đi", người kia đáp lại.
"Chào", Edward Fielding nói khi tiến đến cửa sổ.
"Chào, anh nghe chuyện xảy ra với gã ở công viên Mall chưa ?", người phụ nữ hỏi hắn.
"Chưa", Fielding nói và bắn vào đầu cô ta.
Hai người kia chết trong lúc đưa tay rút súng. Chỉ có một người lôi được khẩu Sig-Sauer ra khỏi bao.
Fielding với tay qua cửa sổ, tự mở cho mình vào.
Hắn đếm được tám chiếc camera an ninh gắn trên cửa sổ, các giá và két sắt. Nhưng chúng chỉ chuyển hình ảnh ghi được tới phòng An ninh ở tầng ba, nơi chẳng còn ai sống sót để chứng kiến tội ác hoàn hảo diễn ra.
Fielding lấy chùm chìa khóa trên thắt lưng của người phụ nữ đã chết và mở cửa hầm. Đó là một phòng rộng, khoảng sáu nhân chín mét, nơi các đặc vụ cất trữ ma túy cùng tiền mặt thu được từ các vụ cướp. Trong những tháng ngày nghiên cứu về trộm cắp của mình, Fielding biết được rằng các công tố viên buộc phải trưng ra trước bồi thẩm đoàn số tiền mặt thực tế đã thu được, chẳng hạn trong một vụ án ma túy hay bắt cóc. Đó là lý do các đặc vụ sẽ phải mang khoản tiền chuộc về đây. Lý do khác là điều mà hắn đã đoán dược: Một người bị hắn đọc vị tâm lý như Thị trưởng Kennedy sẽ muốn giữ khoản tiền mặt sẵn có phòng khi Digger liên lạc với ông và đòi lấy tiền.
Và thế là nó ở đây, số tiền ấy.
Hoàn hảo...
Hai chiếc túi vải to màu xanh. Mỗi túi có treo một nhãn màu đỏ. VẬT CHỨNG LIÊN BANG. KHÔNG THÁO BỎ.
Hắn nhìn đồng hồ rồi dự đoán rằng mình có hai mươi phút trước khi Cage cùng Kincaid và các đặc vụ khác trở về từ công viên Mall sau vụ đấu súng với Digger.
Khá dư dả thời gian. Chừng nào hắn còn hành động mau lẹ.
Fielding mở chiếc túi, nó không hề bị khóa, và đổ chỗ tiền ra sàn nhà. Chiếc túi đã bị cài nhiều thiết bị định vị, đúng như hắn đã biết. Cả các tờ giấy gói tiền nữa, cái mẹo không ngờ này hắn học được của Tobe Geller. Hắn tự hỏi từng tờ đô la một có bị can thiệp theo cách nào đó không. Nhưng rồi nghĩ là không; Geller chẳng nói gì về chuyện ấy cả. Tuy nhiên, để cho chắc ăn Fielding vẫn thò tay vào túi và lấy ra dụng cụ nhỏ màu bạc: Một chiếc máy dò có thể quét được những tín hiệu nhỏ nhất trên bất kỳ tần số nào, từ ánh sáng quang học cho đến tia hồng ngoại và các tần số radio. Hắn rà thiết bị qua đống tiền, chỉ để đề phòng kỹ thuật viên của Cục đã nhét được một thứ phát tín hiệu nào đó vào trong từng tờ một. Nhưng chẳng có tín hiệu.
Fielding ném dụng cụ cảm biến đi, hắn chẳng còn cần tới nó nữa, và lôi ra một ba lô bằng lụa từ dưới áo sơ mi. Hắn đã tự mình khâu nó bằng vải may dù. Hắn bắt đầu nhét tiền vào trong túi.
Hắn đòi hai mươi triệu vì đó là con số đáng tin cho một âm mưu cỡ này và cũng để tạo chút tin tưởng cho động cơ trả thù một sự kiện lớn như chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, Fielding chỉ có thể mang nổi bốn triệu, món tiền có trọng lượng tương đương với ba mươi hai cân. Vốn không phải dân thể thao, hắn đã phải tập tành sáu tuần ở một câu lạc bộ thể dục tại Bethesda, Maryland sau khi tới đây để có đủ sức khỏe mang vác chỗ tiền ấy.
Tất nhiên, các tờ một trăm đô la rất dễ bị lần theo (giờ đây việc đó trở nên dễ dàng hơn nhờ có máy quét và máy tính). Nhưng Fielding đã cân nhắc tình huống đó. Ở Brazil, nơi hắn sắp tới trong mấy ngày nữa, bốn triệu đô la tiền mặt dễ bị lần theo kia sẽ biến thành chỗ vàng trị giá ba triệu hai trăm ngàn đô. Sau đó nó sẽ lại biến thành ba triệu hai trăm ngàn euro và đô la Mỹ không thể lần theo.
Trong vòng vài năm tới nó sẽ lại dễ dàng nở ra thành bốn triệu và còn hơn thế nữa, nhờ vào nền công nghiệp ký quỹ cùng tỷ lệ lãi suất.
Fielding chẳng hề thấy hối tiếc khi bỏ lại chỗ tiền thừa. Tội ác không được liên quan đến lòng tham, mà phải là mánh khóe.
Hắn nhét đủ tiền vào túi và quăng nó lên vai.
Bước ra hành lang, hơi lảo đảo vì sức nặng mình phải mang, hắn tiến đến thang máy.
Nghĩ bụng: Hắn sẽ phải giết bảo vệ ở cửa trước, cũng như bất kỳ ai trong đội vẫn còn lưu lại đây. Tobe Geller đã về nhà. Nhưng Lukas vẫn còn trong tòa nhà. Chắc chắn cô ta sẽ phải chết. Trong những trường hợp khác, giết cô ta sẽ không thành vấn đề, hắn đã rất cẩn thận che giấu thân phận và nơi ở. Nhưng các đặc vụ giỏi hơn hắn tưởng. Chúa ơi, họ thực sự đã tìm được nơi trú ẩn của hắn ở Gravesend... Việc đó khiến Fielding cảm thấy vô cùng lo lắng. Hắn chẳng bao giờ ngờ tới họ sẽ tìm ra được. Rất may, Gilbert Havel đã tới đó một số lần nên khi hàng xóm nhìn thấy bức ảnh Havel mà cảnh sát đưa thì sẽ cho rằng gã ta mới chính là người thuê nơi đó, càng củng cố niềm tin của các đặc vụ rằng Havel là đầu sỏ của tội ác này.
Lại còn suýt thì tìm ra địa điểm tấn công thứ ba là tàu Ritzy Lady nữa... Hắn đã hoảng hồn khi ngồi trong phòng thí nghiệm, nhìn máy tính ráp các mảnh tro của tập giấy ghi chú trong nhà trú ẩn. Hắn đã chờ đến đúng thời điểm rồi buột mồm, "Rite ! Có lẽ là Ritz-Carlton ?". Và ngay khi họ nghe thấy điều đó, lời giải đã được khắc vào đá. Họ không thể nghĩ ra bất kỳ khả năng nào khác.
Đó là cách giải các câu đố, phải không nào, Parker ?
Thế còn anh ta thì sao ?
Ồ, anh ta quá thông minh, là một mối hiểm họa quá lớn nếu được tiếp tục sống.
Trong lúc đi lại chậm rãi trên hành lang vắng lặng, Fielding nhận ra rằng nếu hắn là một tội phạm hoàn hảo thì Kincaid lại chính là một thanh tra hoàn hảo.
Điều gì sẽ xảy ra khi hai thái cực hoàn hảo đối chọi nhau ?
Nhưng đây chỉ là một câu hỏi tu từ, không phải câu đố, và hắn chẳng muốn phí thời gian để trả lời. Hắn đã đến thang máy và bấm nút đi lên.

Chương trước Chương sau