Giết người trong mộng - Chương 23

Giết người trong mộng - Chương 23

AI LÀ THỦ PHẠM

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 19841 lượt xem

Giles và Gwenda không theo thanh tra và bác sĩ Kennedy dự phiên phỏng vấn lão Kimble. Bảy giờ tối hai người về tới nhà. Mặt mũi tái nhợt bệnh hoạn. Bác sĩ Kennedy dặn Giles: “Cho uống chút rượu, ăn xong đi ngủ. Cô ta bị sốc”.
“Khiếp quá Giles”, Gwenda nơi “khiếp thật. Bà đã hẹn gặp tên sát thủ, rồi còn tin tưởng hết mình – cuối cùng bị giết chết, như giết một con cừu”.
“Thôi đừng nhắc nữa, cưng. Vậy là, ta đã biết ai là thủ phạm”.
“Không, làm sao biết được. Thủ phạm không phải ngay trước mắt ta mà là trước kia cách nay mười tám năm. Chuyện như bịa… Cũng có thể là ngộ nhận”.
“À, không phải ngộ nhận”, Giles nói, “em lúc nào cũng cho là mình đúng”.
Để cảm thấy yên tâm, Giles tìm Marple tại Hill-side. Bữa đó bà ngồi chung với bà Cocker, mọi người chăm chú nhìn theo Gwenda, không muốn uống rượu vì nó gợi ra trong trí nàng những chuyện đi tàu biển, nàng chỉ uống rượu hâm nóng pha chanh. Bà Cocker nài ép nàng mới ngồi lại ăn món chả trứng.
Giles muốn bàn qua chuyện khác trước, Marple lại thích bàn chuyện hình sự gợi ra những đường đi nước bước cao siêu, Giles phải ngồi nghe.
“Khiếp thật chứ” bà nói “phải nói là một cú sốc, nhưng mà biết chuyện tôi già cả rồi đâu còn e sợ chết choc như các bạn đây – tôi chỉ cảm thấy đau đớn, nhức nhối. Phải nhìn nhận là không còn nghi ngờ gì nữa, tội nghiệp cho người đẹp Helen Halliday đã bị giết chết. Chúng ta đây ai cũng thấy thương tiếc”.
“Vậy theo như lời kể vừa rồi ta muốn tìm cho ra xác nạn nhân ở đâu?”. Giles nói. “Chắc còn nằm dưới hầm rượu?”.
“Không có đâu, ông Reed, hẳn ông còn nhớ lời kể của Edith Pagett ngay bữa sáng hôm sau vì bà cảm thấy bồn chồn khi nghe Lily kể lại mọi chuyện, đến nơi bà không tìm thấy dấu vết gì khả nghi – nhưng sẽ tìm thấy – nếu có kẻ muốn nhìn cho ra”.
“Rồi về sau như thế nào? Lái xe chạy đi cho nhào xuống biển hay sao?”.
“Không. Nghe đây các bạn, trước hết các bạn nhìn thấy cái gì đập vào mắt – tôi muốn hỏi Gwenda trước. Các bạn sẽ tìm thấy manh mối ngay tại cửa sổ phòng khách, từ đây nhìn ra không thấy biển. Từ đây các bạn bước đi xuống ra tới bãi cỏ - nhìn kỹ nơi đây cây cối mọc quanh um tùm. Mấy bậc tam cấp nguyên trước đây nay đã dời xuống cuối mé hàng hiên. Sao ai dời xuống đây?”.
Gwenda nhìn qua nhà nữ trinh thám, giờ nàng mới hiểu ra.
“Cô muốn nói là ngay chỗ đó”.
“Phải có lý do để xô dịch xuống đó, nhưng chưa phải là lý do chính đáng. Chỗ này đúng ra không nên bố trí lối đi xuống bãi cỏ. Còn ngay chỗ cuối, dưới mé hàng hiên nhìn ra chung quanh yên tĩnh – đứng từ cửa sổ nhìn ra mới thấy hết bên ngoài – cửa sổ phòng trẻ nằm trên tầng. Các bạn nhớ cho nếu bạn muốn đem chon xác nạn nhân phải cuốc đất lên, như vậy phải có lý do. Đó là vì sao phải dời mấy bậc tam cấp bước lên xuống từ chỗ phía trước phòng khách qua tới dưới mé hàng hiên. Tôi còn nhớ bác sĩ Kennedy kể lại hai ông bà Helen Halliday thích cái thú làm vườn, sửa sang lại nhiều chỗ. Thuê một lão làm vườn chỉ để sai vặt, nếu có bữa nhìn thấy chủ sửa sang lại, di chuyển mấy phiến đá tới chỗ khác, lão biết ngay do chính tay ông bà Halliday làm lấy. Như vậy xác chết có thể là tuốt dưới cuối dãy hàng hiên chớ không phải bên ngoài cửa sổ phòng khách”.
“Có ai dám chắc là ngay tại đó?”. Gwenda hỏi lại.
“Vì trong thư Lily Kimble có nhắc lại – bà nhớ xác chết nạn nhân không phải đem chon dưới hầm rượu và lúc đó người vú em Leonie nhìn ra cửa sổ thấy cái gì là lạ. Như vậy rõ rồi chứ gì? Từ chỗ cửa sổ buồng ngủ của bọn trẻ, bà vú em người Thụy Sĩ nhìn ra trong bong đêm thấy có người cuốc đất lên. Có thể bà đã nhận ra ngay là ai lúc đó”.
“Vậy sao không đi báo cho cảnh sát?”.
“Này các bạn, trong lúc đang thực hiện hành vi tội ác thì chưa có ai thắc mắc. Bà Halliday đã bỏ đi theo tình nhân – hỏi Leonie thì biết ngay, nhưng bà không nói rành tiếng Anh. Chuyện đã xong đâu vào đấy bà mới kể cho Lily nghe từ chỗ cửa sổ nhìn ra. Nghe xong Lily tò mò muốn biết có một vụ án vừa xảy ra trong đêm đó. Nhưng rồi Edith Pagett cho là Lily nói chuyện tầm phào, đến lượt bà vú em người Thụy Sĩ chịu nghe theo nên không đi trình báo cảnh sát vì sợ bị lien lụy. Người nước ngoài khi còn ở nơi đất khách quê người nghe nhắc đến cảnh sát họ sợ lắm. Bà trở về nước chắc là không bao giờ muốn nhắc lại chuyện cũ”.
Giles nói:
“Nếu bà còn sống, chắc là bà còn nhớ”.
Marple gật đầu “Chắc còn nhớ”.
Giles hỏi lại:
“Ta phải tính sao đây”.
Marple lên tiếng”
“Việc đó đã có cảnh sát lo”.
“Sáng ngày mai thanh tra Last sẽ tới đây”.
“Tôi phải kể lại cho ông ta nghe – chuyện mấy phiến đá tam cấp”.
“Còn tôi nữa, tôi đã nghe và thấy, chuyện xảy ra ở ngoài nhà trước đó?” Gwenda luống cuống nói.
“Có chứ, cô em khéo giữ mồm giữ miệng đấy. Khá lắm, thời cơ đã tới”.
Giles thong thả nói:
“Bà bị siết cổ chết ngoài nhà trước, thủ phạm kéo xác lên trên lầu đặt nằm trên giường. Kelvin Halliday bước vô, say ngất ngư, rồi bị kéo lên phòng ngủ trên lầu. Lúc tỉnh dậy ông tưởng mình đã giết vợ. Thủ phạm núp một nơi gần đó để mắt theo dõi. Chờ cho Kelvin đi tới nhà bác sĩ Kennedy, tên sát thủ kéo xác đi, và chỉ còn có chỗ giấu trong bụi cây ở dưới mé hàng hiên kia. Cho tới lúc mọi người đi ngủ hết, hắn đào lỗ chôn xác nạn nhân. Vậy là hắn đã có mặt tại chỗ ngay từ đầu, loanh quanh gần ngôi nhà hay có thể ở lại đó suốt đêm”.
Marple gật.
“Vậy là thủ phạm – luôn có mặt tại hiện trường. Tôi còn nhớ ông đã nhăc tới chi tiết đó mới là quan trọng. Giờ ta xét tới một trong ba nghi can thấy có nhiều điểm trùng hợp. Ta đưa ra Erskine trước. Chắc ông ta có mặt ngay trong đêm đó. Theo lời khai ông cùng Helen Halliady đi dạo ngoài biển, lúc đó khoảng chin giờ. Ông chào từ giã. Nhưng mà có thiệt ông nói ra câu đó? Hay là ông siết cổ bà cho chết?”.
“Xét cho cùng mọi chuyện đã trôi qua”, Gwenda la lên một tiếng. “Đã lâu lắm rồi. Ông đã từng thổ lộ có bao giờ được gần gũi Helen đâu”.
“Gwenda, em hãy nhìn lại cách ta đặt vấn đề, không thể chỉ dựa vô những gì người khác nói”.
“Nghe cô em nói thì tôi yên tâm”, Marple nói. “Bởi tôi còn thắc mắc vì sao hai bạn đây dễ tin những lời họ khai báo. Bởi tính tôi hay đa nghi, nhất là khi có một vụ án, tôi tự đặt ra cho mình một quy luật không nên tin mọi chuyện là có thật. Trừ khi đã được kiểm chứng. Cụ thể là bà Kimble đưa ra bằng chứng quần áo đem theo trong chiếc va li không phải là những món thường ngày Helen mặc. Không riêng gì bà Edith Pagett cho hay Lily đã kể lại chuyện đó, mà trong bức thư gửi cho bác sĩ Kennedy, chính Lily nhắc lại chuyện đó. Vậy là trước sau chỉ có một manh mối. Bác sĩ Kennedy kế lại chính Kelvin Halliday còn cho là bị vợ đầu độc, và trong tập nhật ký Kelvin Halliday còn xác nhận có chuyện đó. Vậy là được thêm một manh mối nữa, nó lạ lùng ở chỗ đó, có phải không? Tuy nhiên ta chưa vội đề cập tới chuyện đó”.
“Tôi muốn nêu ra những giả thiết cô đưa ra phần lớn dựa vào những lời khai – mà cô cho là có lý”
Giles nhìn theo chăm chăm.
Gwenda đã tỉnh lại, hớp một ngụm cà phê, nghiên người ra trước.
Giles lên tiếng:
“Ta kiểm tra lại ba nhân chứng kia đã khai ra như thế nào. Xét tới Erskine trước. Ông ta khai…”.
“Anh không ưa người này”, Gwenda nói. “Thôi đừng lãng phí thời gian, ông ta không có gì phải bàn. Không có chuyện ông ta giết Lily Kimble?”.
Giles thong thả nói:
“Ông kể lại đã gặp Helen trên chuyến tàu đi qua bên Ấn Độ, rồi sau đó hai người thương nhau, ông còn vợ con không thể nào bỏ bê được, hai người chấp nhận chia tay. Giả sử câu chuyện không phải là như vậy. Giả sử ông say mê bà đắm đuối, và bà không bỏ đi theo ông. Giả sử lúc đó ông dọa đòi giết bà nếu bà đem lòng thương yêu người khác”.
“Có thể lắm chứ”, Gwenda nói.
“Chuyện đó có gì lạ đâu, em còn nhớ bà vợ ông ta nói gì không. Em tưởng là vì ghen tuông, nhưng ngờ đâu có thiệt. Bởi trước đây bà đã trải qua những lúc gay cấn vì ông lăng nhăng với nhiều bà khác – hay là ông mắc chứng cuồng dâm”.
“Làm gì có chuyện đó”.
“Có đấy, mấy bà cũng mê ông ta. Ông Erskine này có vẻ khác thường. Thôi ta xét đến vụ ông này trước. Sauk hi Helen khước từ lời đính hôn với Fane trở về quê nhà gặp cha em định cư tại đó luôn. Bỗng đâu bà lại gặp Erskine nhân dịp ông này dắt vợ con đi nghỉ hè. Ông còn nói đến đây để nhìn lại Helen. Giả sử Erskine chính là người có mặt bên trong phòng khách với bà bữa hôm Lily lắng nghe – bà kể lể ông làm cho bà sợ hãi “Ông làm tôi sợ - lúc nào cũng lo sợ vì ông – chắc là ông điên rồi”.
“Bởi thế cho nên bà có ý định bỏ nhà đi về ở Norfolk không cho ai hay biết. Tức là cho tới ngày hai vợ chồng nhà Erskine rời khỏi Dillmouth. Nghe có lý. Giờ ta quay lại cái đêm kinh hoàng đó. Trước thời điểm này nhà Halliday sinh hoạt ra sao, việc này ta không hay biết”.
Marple húng hắng ho.
“Thiệt tình mà nói, tôi đã gặp lại Edith Pagett một lần nữa. Bà ấy còn nhớ bữa ăn tối hôm đó, hơi sớm, mới bảy giờ đã dọn ra bàn, ngài thiếu tá Halliday phải lo đi chơi sớm – có thể tới câu lạc bộ chơi golf gặp bạn bè, hay ở ngoài xóm đạo. Sau bữa ăn bà Halliday cũng đi khỏi nhà”.
“Đúng quá, theo như đã hẹn nhau trước, Helen gặp lại Erskine ngoài bãi biển. Qua bữa sau ông không còn ở đó nữa. Hay biết đâu ông ta chưa muốn về nhà, giục Helen bỏ đi theo ông. Bà quay trở lại đây để cùng ra đi với ông. Không hiểu sao chỉ vì một phút giây điên cuồng ông giơ tay siết cổ bà chết. Có thể ông hơi bị điên, ông muốn để cho Kelvin Halliday hiểu là chính ông đã giết bà ấy. Xong Erskine kéo xác đem đi chôn. Chắc cô còn nhớ, ông kể lại cho Gwenda là bữa đó ông về lại khách sạn rất khuya sau khi đi bộ một vòng Dillmouth”.
“Tôi lấy làm lạ”, Marple lên tiếng, “còn bà vợ ông ở đâu?”.
“Bà ấy đang điên tiết vì ghen”, Gwenda nói. “Chờ ông về nhà chửi cho một trận”.
“Chính tôi đã dựng lại một hiện trường mới. Việc đó phải vậy không?”
“Nhưng ông ta không thể giết Lily Kimble”, Gwenda nói. “Bởi ông đã quay về Northumberland. Thôi bỏ qua không bàn chuyện đó. Ta xét tới nghi can Walter Fane?”.
“Được. Anh chàng Walter Fane này mới là đau khổ. Được cái anh chàng này tử tế, dễ sai. Chính Marple đã đưa ra một bằng chứng có sức thuyết phục. Lúc nhỏ trong một cơn tức giận đòi giết người anh em của mình, mặc dù anh chàng này tính điềm đạm, biết nhường nhịn ấy mới lạ. Vậy mà có lúc Walter Fane đã yêu Helen Halliday, yêu say đắm lạ kỳ. Nàng không thèm ngó lại, anh chàng buồn tình bỏ đi qua bên xứ Ấn Độ. Nghĩ sao nàng viết thư cho hay sẽ qua bên đó chịu lấy anh chàng. Nàng lên đường. Lần này anh chàng hứng chịu thêm một vố đau nữa. Đến nơi nàng trở mặt khước từ. Trên chuyến tàu bỏ về nàng đã gặp và yêu một người khác. Trở lại quê nhà nàng chịu lấy Kelvin Halliday. Hay là Walter Fane nghi do Kelvin Halliday nên nàng bỏ rơi gã. Gã chán đời, ấp ủ mối căm hờn ghen tuông cuồng nộ đáp tàu trở về nước. Lúc trở về gã sống như một người hiền lành, bỏ qua chuyện cũ, gã sống lặng lẽ một mình trong ngôi nhà cũ. Nhưng Helen không thể nhầm lẫn được. Nàng để ý dò xét gã đang trù tính chuyện gì trong đầu. Hay là từ lâu nàng linh tính thấy có dấu hiệu gì đó không ổn ẩn giấu đằng sau cái vẻ bề ngoài điềm đạm của anh chàng Walter Fane này. Có bữa nàng nói ra, “Lúc nào tôi cũng thấy lo sợ vì ông”. Nàng âm thầm lo chuẩn bị tìm cách rời khỏi Dillmouth qua ở bên Norfolk. Sao vậy nhỉ?”. Bới nàng lo sợ vì Walter Fane.
“Giờ ta quay trở lại ngay cái đêm oan nghiệt đó. Chúng ta chưa vội đưa ra kết luận ngay, bởi Walter Fane làm gì ta chưa nắm được manh mối. Về mặt quan điểm, đối tượng Walter Fane có chỗ trùng hợp với giả thiết, chính gã có mặt “ngay tại hiện trường” đêm hôm đó từ trong ngôi nhà bước ra ngoài tẩu thoát chỉ trong vài phút là mất dạng. Gã có thể khai hôm đó nhức đầu lo ngủ sớm, hay là ngồi nhà một mình lo cho xong hết việc – việc gì đó cũng được. Như một tay sát thủ chuyên nghiệp chỉ mất vài phút là xong một vụ án mạng, và biết đâu gã là một trong ba nghi can không biết cách thu xếp quần áo vô va li. Hắn đâu có rành cách ăn mặt của phụ nữ lúc đi xa”.
“Nghe lạ thật”, Gwenda nói, “gã ngồi trong văn phòng vào bữa đó. Tôi có cảm giác gã như là một ngôi nhà cửa đóng then cài tối om… và tôi còn nghĩ chuyện kinh dị hơn nữa – trong ngôi nhà có một xác chết”.
Nàng nhìn qua Marple.
“Cô nghe thấy lạ không?”, nàng hỏi lại.
“Không có gì lạ. Các bạn nói nghe có lý?”.
“Nào”, Gwenda nói, “ta xét tới Afflick. Anh chàng Jackie Afflick biết quá nhiều. Trước tiên bác sĩ Kennedy nhận định tay này có biểu hiện mang mặc cảm bị ngược đãi. Tức là người hắn không bình thường. Anh chàng tự khai về mình và Helen – ta biết ran gay, phải nói là những chuyện bịa đặt. Gã đâu cần thấy nàng đẹp chỗ nào, chỉ cần nhìn thấy nàng, gã say mê đắm đuối. Nàng chẳng yêu thương gì gã. Nàng chỉ thích có nhiều bồ bịch, theo cách nhận xét của Marple”.
“Đâu có, cưng ơi. Tôi có nói vậy đâu. Cô nàng không phải hạng người đó”.
“Hay là mắc chứng cuồng dâm, nghe đúng chưa. Thấy không, bà vừa dan díu với anh chàng Jackie Afflick chưa gì đã tính chuyện bỏ rơi. Gã đâu muốn. May có ông anh dàn xếp êm xuôi nhưng Jackie Afflick không tha đâu, gã không thể quên được. Về sau gã mất chỗ làm – gã cho là Walter Fane cho nghỉ việc ngang xương. Từ đó gã mang mặc cảm bị ngược đãi”.
“Đúng thế”, Giles nghe nói có lý. “Nếu vậy thì một lần nữa cũng có thêm bằng chứng buộc tội Fane – một bằng chứng đáng ghi nhận”.
Gwenda nói tiếp:
“Helen rời khỏi Dillmouth đi ra nước ngoài. Gã không quên chuyện xưa, nàng về lại quê cũ lấy chồng, ngày đó gã có đến thăm chúc mừng. Ban đầu gã tính về lại đây một lần thôi, về sau lại khai có về lại đó mấy lần. Mà này, Giles, anh còn nhớ không? Edith Pagett có nhắc lại một chi tiết “có một người lạ mặt ngồi trong chiếc xe đời mới”. Thấy chưa, gã đến nơi nhiều lần cho nên những người giúp việc mới bàn tán. Helen không thèm mời gã một bữa ăn – không cho gặp Kelvin. Hay là bà lo sợ gì gã. Hay là…”.
Giles chặn ngang.
“Coi chừng con dao hai lưỡi. Giả sử Helen có thương gã – là mối tình đầu, nàng vẫn giữ trọn mối tình đó. Biết đâu hai người đã dan díu với nhau không cho ai hay. Nhưng có thể gã muốn lôi kéo bà bỏ nhà ra đi, rồi ngay lúc đó bà đâm ra chán chường không muốn bỏ đi và rồi… và rồi gã giết bà. Cho đến hồi kết cuộc. Lily gửi thư kể lại cho bác sĩ Kennedy nghe chuyện bà nhìn thấy một chiếc xe ô tô đời mới đậu ngoài sân buổi tối hôm đó. Chiếc xe đó Jackie Afflick lái tới. Vì vậy Jackie Afflick có mặt tại hiện trường ngay đêm hôm đó”.
“Tất cả chỉ là ước đoán”, Giles nói. “Nhưng xem ra còn có lý. Còn mấy cái thư của Helen ta nên xét lại. Tôi đã suy nghĩ nát óc để tìm hiểu “những tình huống” như cô Marple nêu lên, có thể xui khiến bà viết những bức thư kia. Tôi thấy muốn chứng minh cho lý lẽ vừa nêu ta phải xác nhận là bà phải có người tình và bà đã tính chuyện bỏ đi theo ông. Ta thử rà soát lại ba nghi can đã nêu trên. Trước tiên là Erskine. Giả thiết ông này không tính chuyện bỏ vợ hay bỏ nhà ra đi, trong khi Helen muốn bỏ rơi Kelvin Halliday để chạy theo Erskine tới một nơi nào đó mà ông có thể lui tới với bà. Muốn cho bà Erskine khỏi nghi ngờ Helen viết hai cái thư giả vờ như trong lúc này bà đang ở nước ngoài với người khác. Như vậy là hoàn toàn khớp với ý đồ của bà muốn nêu ra một người mà không ai hay biết”.
“Nhưng nếu bà bỏ chồng theo tình nhân thì tại sao hắn quay lại giết bà?”. Gwenda hỏi.
“Bởi nửa chừng bà đổi ý, thật ra bà đang còn thương nhớ chồng. Hắn nổi giận giơ tay siết cổ bà đến chết, vơ một mớ quần áo vô chiếc va li lập mưu bà ra đi để lại mấy cái thư từ biệt. Tới đây ta đã biết rõ hết đầu đuôi nội vụ”.
“Cách giải thích này cũng có thể gán cho Walter Fane. Nếu lỡ sa vô chuyện này thì sự nghiệp của anh chàng luật sư tỉnh lẻ coi như phá sản. Helen đến ở một nơi Fane có thể lui tới, giả sử lúc đó bà bỏ đi theo anh chàng nào đó ra nước ngoài ở. Mấy cái thư đã được sắp đặt trước, tới đây bà đổi ý theo như cách ta lập luận. Walter nổi cơn thịnh nộ giết bà”.
“Còn Jackie Afflick thì sao?”.
“Ta khó mà tìm ra cách lập luận mấy cái thư có liên quan tới gã, dù cho chuyên lăng nhăng này không ăn thua gì. Biết đâu Helen không lo sợ gã mà sợ vì cha của em – nên giả vờ bỏ đi ra nước ngoài cho xong – hay là vợ Afflick lúc đó còn tiền nên gã muốn bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh. À ra thế, ta có đủ cách suy diễn về mấy cái thư đó”.
“Marple, theo ý cô thì ai là nghi can số một?” Gwenda hỏi “Tôi không nghi cho Walter Fane đâu – nhưng mà…”.
Bà Cocker bước vào dọn bàn cà phê.
“Thưa bà như thế này”, bà kể lể. “Tôi quên mất. Cũng vì một bà bị chết oan mạng nên hai nhà Reed đây phải lao vào, nói thiệt ra không phải chuyện mình phải lo, nghe tôi kể đây. Để tôi nhớ, buổi chiều hôm đó ông Fane tới đây hỏi thăm bà. Ông đợi nửa giờ đinh ninh bà ở nhà chờ ông?”.
“Lạ thật nhỉ?” Gwenda nói. “Lúc đó mấy giờ?”.
“Trước hay sau bốn giờ gì đó. Lát sau có thêm một ông nữa tới ngồi trên chiếc xe ô tô màu vàng, đinh ninh bà ở nhà chờ, nói chắc chắn mà. Ông chờ được hai chục phút. Tôi tưởng bà quên vì đã mời khách tới nhà uống trà”.
“Không phải đâu?”. Gwenda nói. “Lạ thật”.
“Ta gọi máy tới nhà Fane đi”. Giles lên tiếng. “Giờ này chưa ngủ đâu”.
Nói xong quay số.
“A lô, có phải Fane ở đầu dây, Giles Reed đây. Tôi về nhà nghe nói ông có ghé hồi chiều. Sao? Ồ không, không. Chắc mà, không, lạ thật. Đúng thế, tôi cũng lấy làm lạ”.
Anh buông máy xuống.
“Chuyện này nghe lạ. Sáng nay có người gọi tới văn phòng. Nhắn tin lại chiều nay ghé lại đây gặp mình. Chuyện gấp lắm”.
Giles và Gwenda đưa mắt nhìn nhau. Chợt Gwenda lên tiếng:
“Ta gọi cho Afflick”.
Giles lại bước tới bàn điện thoại, tìm số gọi. Chờ một hồi mới nghe nói.
“Ông Afflick đấy hở? Tôi là Giles Reed đây. Tôi…”.
Đầu bên kia có người đang nói một hơi không nghỉ.
Tới đây anh mới nói được.
“Nhưng mà chúng tôi không… không… chắc mà… không có chuyện đó đâu. Phải, vâng, ông tất bật cả ngày. Tôi không ngờ. Đúng thế, mà nghe này, ai gọi vậy? Ông hay bà? Không, không phải tôi. Không – không, tôi hiểu. À, chuyện lạ thật”.
Anh gác máy bước lại chỗ bàn.
“Vậy là rõ”, anh nói, “có một anh chàng mạo nhận là anh gọi cho Afflick hẹn chiều tới nhà. Chuyện gấp lắm – có một món tiền lớn”.
Hai người ngồi nhìn qua lại.
“Chỉ có thể một trong hai tên đó”. Gwenda nói. “Anh hiểu chưa, Giles. Một trong hai tên đó đã giết Helen, giả vờ tới đây để lánh mặt”.
“Không có chuyện đó đâu, cưng”. Marple nói xen vô.
“Dạ không hẳn là vậy, mà lấy cớ đi khỏi chỗ văn phòng. Ý tôi muốn nói, một bên có sao nói vậy còn một giả vờ đánh lừa. Tên đó gọi cho người kia hỏi cho biết có tới đây – giả vờ nghi cho anh chàng này – cho nên không đoán ra là ai. Vấn đề đã rõ chỉ có một trong hai tên này. Fane hay là Afflick. Tôi nghi có thể là – Jackie Afflick”.
“Tôi cho là Walter Fane”, Giles nói.
Hai vợ chồng nhìn qua Marple.
“Ta xét tới một nghi can khác nữa”, bà nói.
“Erskine chớ còn ai?”.
Giles thong thả bước tới chỗ bàn điện thoại.
“Anh tính làm gì đó?”. Gwenda hỏi.
“Gọi đường dài tới Northumberland”.
“Ôi, Giles, anh đừng có tưởng…”.
“Tôi muốn biết ngay. Nếu ông ta có ở đấy – thì không thể nào ra tay giết Lily hồi chiều này. Bởi giờ đó làm sao còn chuyến bay của hãng tư nhân hay hãng nào khác nữa”.
Mọi người lặng lẽ ngồi xuống nghe điện thoại gọi tới.
Giles đưa tay nhấc máy.
“Ông muốn liên lạc với ngài thiếu ta Erskine. Đây ông nghe máy”.
Giles luống cuống đằng hắng lấy giọng.
“Er... Erskine? Giles Reed đây! Phải, Reed”.
Anh nhìn Gwenda như muốn cầu cứu, “Ta nói thế nào đây?”.
Gwenda đứng dậy đỡ lấy máy.
“Ngài thiếu tá Erskine? Tôi là vợ Reed đây. Chúng tôi nghe nói có một ngôi nhà Linscott Brake. Có phải là… ông hay biết ngôi nhà đó không? Nghe nói gần chỗ ông ở?”.
Erskine lên tiếng:
“Linscott Brake nào? Không, không nghe ai nói. Nằm trong vùng nào?”.
“Chữ mờ đọc không rõ”, Gwenda nói. “Trên tờ đánh máy đưa tới. Cách thị trấn Daith hai chục cây số, nên chúng tôi tưởng…”.
“Tôi xin chịu. Tôi chưa nghe nói. Nhà ai ở đó?”
“À – nhà vắng chủ. Mà không sao, thật ra chúng tôi cũng đang có nhà rồi. Xin lỗi đã làm phiền ông, ông còn lo công việc”.
“Không sao. Tôi chỉ lo lu bu công việc ở nhà. Vợ tôi đi vắng, tôi phải làm thay việc nhà. Tôi không thạo việc, chỉ thích làm vườn”.
“Tôi cũng thích làm vườn. Chắc vợ ông chẳng đau ốm gì?”.
“À không, bà đi thăm người nhà, mai về”.
“Cám ơn, xin lỗi đã làm phiền ông”.
Nàng đặt máy xuống.
“Erskine nằm ngoài danh sách”, nàng mừng rỡ nói. “Vợ đi vắng ông ở nhà làm thay việc nhà. Vậy còn lại hai nghi can kia mà thôi, phải vậy không Marple?”.
Marple đang nghĩ ngợi.
“Không chắc vậy đâu, các bạn”. bà nói. “Bởi các bạn chưa nắm vững vấn đề. Này, các bạn – nói thiệt tôi chưa hiểu sao. Giá mà tôi nghĩ ra được cách đối phó…”.

Chương trước Chương sau