Đợi chờ - Chương 11

Đợi chờ - Chương 11

Đợi chờ
Chương 11

Ngày đăng
Tổng cộng 17 hồi
Đánh giá 8.5/10 với 14845 lượt xem

Những sự kiện của ba ngày tiếp theo sau đó, được nghiên cứu một cách tỉ mỉ như người ta nghiên cứu các vật còn lại của một chiếc phi cơ bị nạn, nhưng người ta đã không khám phá ra được những khiếm khuyết kỹ thuật.
Sau xì căng đan ở phi cảng, Barley không những đã nguôi giận mà còn vui vẻ là đàng khác. Ngồi trong xe, ông thường mỉm cười với chính mình.
Vừa mới về đến ngôi nhà Knightsbridge, nơi nhà Ned muốn ông nghỉ lại một đêm trước khi về nhà riêng của mình, Barley thả hành lý xuống trong tiền sảnh, ôm hôn Miss Coad và tặng cô ta một cái mũ trùm đầu bằng lông thú mà không ai, kể cả Wicklow nhớ đã thấy ông mua lúc nào và ở đâu.
Tôi lập tức lánh mặt, Clive đã gọi tôi lên tầng thứ mười hai để hỏi ý kiến tôi về thái độ của Scott Blair. Johnny ngồi nghe và không nói gì. Tôi kể lại cho hai người biết những gì tôi chứng kiến, không thêm cũng không bớt một điều gì. Cả hai đều lấy làm lạ về việc Barley đã chảy nước mắt.
Clive hỏi tôi:
- Quả thật ông có nói rằng, ông ta sẽ trở lại bên đó?
Ngay tối hôm đó, Ned ăn tối thân mật với Barley. Chưa phải là một cuộc phỏng vấn, mà chỉ là một cách đơn giản bớt sức ép của những gì đè nén trong người Barley. Băng ghi âm phát hiện có những lúc Barley đột ngột thay đổi tính khí và có những lúc tự phụ hơn thường lệ. Khi tôi đến gặp Ned và Barley để uống cà phê, Barley nói về Goethe một cách khách quan.
Goethe đã già đi nhiều, mất hết vẻ hoạt bát.
Goethe đã trở thành một người tàn tạ.
Goethe hình như đã thôi uống rượu.
Tối hôm ấy ông ta chỉ đề cập đến Katia một lần.
- Katia lo âu cho các con của bà ta hơn là cho bản thân mình, - Barley giải thích với chúng tôi. - Tất cả những bà mẹ đều như thế, không phải sao? Theo một nghĩa nào đó, hành động của bà ta đạt tới sự tuyệt đối của tình mẹ đối với con. Nedski, ông có thấy như thế không?
- Có, - Ned đáp. - Barley, không có gì đau đớn hơn là phải hy sinh con cái của chính mình.
- Nhưng Katia là một người đàn bà tuyệt vời. Đối với ai thích thấy ở một người đàn bà sức mạnh tinh thần của một Jeanne d’ Arc (1), thì Katia là lý tưởng. Và không ai có thể không thấy Katia là một người đàn bà xinh đẹp tuyệt trần.
Lúc mười một giờ, viện lý do mệt mỏi vì sự thay đổi múi giờ, Barley đòi đi ngủ.
- Dù sao thì chuyến đi của tôi cũng đáng công, phải không nào? - Barley còn nói thêm trước khi bước đi. Quyển sổ tay mới mà ông ta đã giao cho chúng ta, chắc ông đã có nhìn sơ qua một chút?
- Trong lúc này các đầu óc đều đang trải qua một đêm trắng, Ned đáp.
- Các chuyên viên là những người cuồng tín, - Barley mỉm cười nói. - Này Nedski, người ta phải xem lại một chút các thiết bị ghi âm ấy. Lưng của tôi đầy vết bầm vì các đai nịt của nó. À này, chú Bob ở đâu mà không thấy?
- Chú ấy gởi lời hỏi thăm ông đấy, - Ned đáp. - Lúc này, công việc đang được triển khai một cách gấp rút. Chú ấy hy vọng sẽ sớm gặp lại ông.
- Chú ấy cũng cùng đi công tác với Walt?
- Nếu tôi biết điều đó, tôi cũng không nói với ông.
Mọi người đều cười xòa.
Sáng hôm sau, một ngày Chủ nhật, Clive gọi tôi đến văn phòng để hỏi tôi về việc đón tiếp Barley tối hôm qua, rồi bảo tôi bàn với Johnny về qui chế pháp lý của Barley: có thể coi ông ta là nhân viên của cơ quan không, và nếu coi như thế thì khi nhận tiền tài trợ của chúng ta, ông ấy đã từ bỏ một số quyền, như quyền có được một luật sư trong trường hợp có tranh tụng với chúng ta?
Tôi đã đáp: “Có, ông ấy đã từ bỏ quyền ấy”.
Chiều hôm ấy, trời nắng đẹp và Barley có vẻ nóng nảy, tôi lái xe đưa ông ta đến Maidenhead, ở đó chúng tôi đi dạo chơi trên con đường dùng để kéo thuyền của sông Tamise.
Tối Chủ nhật, chúng tôi ăn tối chung với nhau ở Knightsbridge. Barley có vẻ thư thái đến nỗi Ned quyết định rằng có thể để ông ta về Hampstead.
Căn hộ của ông ta ở trong một chung cư nằm gần đường East Heath Road, và trạm kiểm soát thường trực đặt ngay ở căn hộ tầng dưới, do một cặp vợ chồng, nhân viên rất đắc lực của cơ quan, ở. Vào lúc mười một giờ tối, cặp ấy báo cho chúng tôi biết Barley ở một mình trong căn hộ của ông ta, nhưng hình như ông ta đi lui đi tới trong phòng một cách nóng nảy. Họ cũng cho chúng tôi biết ông ta nói lảm nhảm một mình mãi.
Vào lúc một giờ sáng, Barley gọi điện thoại cho Anthena Grantham, con gái của ông ta.
- Con có khỏe không, con gái?
- Dạ khỏe.
Lúc 1 giờ 40, cặp ấy cho biết đèn đã tắt trong phòng của Barley. Nhẹ nhõm, cuối cùng Ned mới yên tâm đi ngủ, còn tôi đã ở trong căn phòng hẹp của tôi, nhưng vẫn thao thức không ngủ được. Những kỷ niệm về Hannah dồn dập trong đầu óc của tôi, lẫn lộn với các hình ảnh của Barley và ngôi nhà ở Knightsbridge. Tôi nhớ giọng nói của ông ta khi nói đến Katia và các đứa con của nàng, và tôi không ngớt so sánh thái độ ấy với thái độ của tôi lúc tôi cố chấp không chịu thú nhận rằng tôi đã yêu Hannah vào thời kỳ mà sự quan hệ ấy có thể phương hại đến sự nghiệp của tôi.
Sáng hôm sau, Barley đến văn phòng nhà xuất bản để làm việc, và chúng tôi đã hẹn với nhau rằng ông ta sẽ ghé lại ngôi nhà ở Knightsbridge vào buổi chiều trên đường trở về nhà, nếu có một số điểm cần phải làm rõ.
Nhưng chiều hôm ấy, Barley đã biến mất.
°
Theo các trinh sát viên mà Brock đã bố trí, Barley đã rời văn phòng của ông ta vào lúc 16 giờ 43, trước giờ một chút, tay cầm cái túi kèn saxo. Wicklow đang đánh máy một bản tường trình về chuyến đi Matxcơva trong một phòng ở phía sau nhà xuất bản Abercrombie and Blair. Anh không biết Barley đã rời văn phòng. Nhưng hai trinh sát viên đã theo dõi Barley đến Strand, rồi đến Soho. Ở đó ông ta lẩn vào một cái hộp đêm tồi tàn. Ông ở trong đó hai mươi phút, rồi đi với vẻ thận trọng, luôn luôn cầm cái túi kèn saxo trong tay. Ông ta vẫy một chiếc taxi, và một trong hai người trinh sát có thể nghe được ông ta nói số nhà nơi đến. Anh ta liên lạc với Brock. Brock gọi cho Ned ở Knightsbridge để nói với ông ta: “Xin ông để ý vị khách của ông đang trên đường đi đến gặp ông đấy!”
Cho đến lúc đó, chưa ai có lỗi, ngoại trừ hai trinh sát viên, vì không ai trong bọn họ có ý nghĩ ghi số chiếc xe taxi. Vào giờ đông xe, chặng đường từ Strand đến Knightsbridge có thể mất một thời gian vô tận. Cho nên mãi đến 19 giờ 30, Ned mới chịu thôi không chờ đợi nữa và trở về, băn khoăn nhưng còn chưa có gì đáng lo ngại.
Đến 21 giờ, Ned cho báo động đỏ nội bộ, có nghĩa là không cho người Mỹ biết. Luôn luôn Ned tỏ ra bình tĩnh và phản ứng một cách có hiệu quả. Chắc chắn một cách vô ý thức, ông ta đã có chuẩn bị để đối phó với một tình huống thuộc loại ấy, vì theo Brock, ông ta đã có sẵn một kế hoạch. Ông không báo cho Clive biết. Sau này ông mới giải thích với tôi rằng trong tình huống ấy, cho Clive biết thì chẳng khác nào gửi một bức điện tín đến cho Langley(2).
Ned một mình lái xe chạy như bay đến Bloomsbury, nơi các “Lỗ tai của cơ quan” được đặt trong một dãy hầm dưới Russel Square. Kỹ thuật viên trưởng phụ trách việc sử dụng máy tại đó là bà Mary. Ned đưa cho bà ta một danh sách những người mà Barley năng tiếp xúc, và hỏi Mary có thể nghe lén điện thoại của các người ấy ngay lập tức được không?
Không, thật sự Mary không thể làm được điều đó. Bà ta nói:
- Ned, làm sai nguyên tắc một chút là một việc, nhưng nghe lén một cách bất hợp pháp mười hai dây điện thoại, lại là một việc khác. Ông biết rất rõ điều đó, phải không?
Ned gọi điện cho tôi ở Pimlio.
Theo nguyên tắc, các giấy cho phép nghe lén điện thoại phải do Bộ trưởng Nội vụ ký, hay Thứ trưởng ký khi Bộ trưởng vắng mặt. Nhưng đã có cách, vì ông Bộ trưởng đã cho phép cố vấn pháp luật ký giấy ấy trong trường hợp khẩn cấp và với điều kiện phải chứng minh hành vi của mình trong thời hạn hai mươi bốn giờ. Do đó, tôi viết ngày giấy phép, ký tên, tức tốc đem đến đưa cho Mary.
Chúng tôi chờ đợi.
Trong thời gian ấy tôi đã nghĩ đến điều gì? Barley đã tự tử chăng? Chắc chắn là không. Ông ta yêu đời, yêu những người thân thuộc. Còn lâu ông ta mới có ý nghĩ bỏ họ lại với số phận của họ.
Nhưng tôi nghĩ đến khả năng ông ta đào ngũ và trong lúc mơ mơ màng màng, tôi thấy Barley vỗ tay khi viên phi công hãng Aeroflot loan báo rằng máy bay vừa mới vào không phận Liên Xô.
Cũng trong thời gian đó, theo lệnh của Ned; Brock đã thuyết phục Sở Cảnh Sát tìm cho ra ngay lập tức người tài xế taxi đã chở một người cao lớn tay cầm một cái túi đựng kèn saxo, vào lúc 17 giờ 30 tại góc đường 01d Compton Street, để đưa ông ta đến Knightsbridge, nhưng chắc chắn nửa đường đã thay đổi lộ trình. Đến 22 giờ, Sở Cảnh Sát đã tìm ra người tài xế ấy. Mới đầu, taxi đã chạy về hướng Knightsbridge, nhưng đến Trafalgar Street, Barley đã bảo tài xế đưa ông ta đến Harley Street. Cuốc xe ấy giá ba đồng bảng Anh. Barley đã đưa cho tài xế một tờ năm đồng bảng, và nói với anh ta hãy giữ hết số tiền ấy.
Ned suy nghĩ rất nhanh: Andrew Goethe Macready, biệt danh là Andy, thổi kèn trong một ban nhạc Jazz, bạn thân của Barley, trước đây ba tuần đã vào viện dưỡng lão do các bà xơ trông nom, tại đường Harley Street.
Khi chúng tôi đến viện dưỡng lão, người ta cho chúng tôi biết Macready đang phải uống thuốc giảm đau. Barley đã ở lại với Macready một giờ, và hai người đã trao đổi được với nhau vài lời, Barley đã hỏi bà y tá trưởng trực đêm rằng ông có thể thổi cho ông già Andy nghe vài khúc nhạc mà ông ta thích nhất không. Barley đã chơi nhạc rất êm dịu trong mười phút mà bà y tá trưởng đã cho phép. Nhiều nữ tu đã tụ tập ngoài hành lang để nghe, và một bà trong số họ đã nhận ra đó là bản Blue and Sentimental của Basie. Barley đã để lại số điện thoại của ông ta và một tấm phiếu chi một trăm đồng bảng Anh. Và bà y tá trưởng đã nói với Barley rằng ông có thể trở lại bất cứ lúc nào cũng được.
Khi chúng tôi đi ra phía cửa phòng, bà y tá trưởng hỏi chúng tôi:
- Các ông không phải là người của Sở Cảnh Sát chứ?
- Không, lạy Chúa! Có ai làm cho bà tin là như thế?
Bà ta lắc đầu không trả lời, nhưng tôi tin là tôi đã biết những gì bà ta đã thấy ở Barley: một người đi trốn.
Chúng tôi cho xe chạy hết tốc lực trở về, và ngay khi còn trên xe, Ned đã gọi điện cho Brock, lệnh cho anh ta lập danh sách tất cả các câu lạc bộ, các phòng hòa nhạc, các tửu quán ở Luân Đôn và vùng phụ cận mà trong đó có chơi nhạc Jazz tối hôm ấy. Ned cũng yêu cầu anh ta gửi ngay đến các nơi tất cả các trinh sát viên mà anh ta có thể huy động được. Là một cố vấn pháp luật, tôi còn căn dặn thêm: Trong bất cứ trường hợp nào, Brock hay một người nào khác trong đám trinh sát viên, cũng ông được bắt giữ Barley, và cũng không được dùng vũ lực với ông ta. Barley đã từ bỏ một số quyền, nhưng ông ta đã không từ bỏ quyền được tự vệ, và ông ta là một tay võ sĩ đấy.
Chúng tôi đã chuẩn bị để chờ đợi lâu dài, thì Mary điện cho chúng tôi biết, lần này với lời lẽ ngọt ngào:
- Ned, theo tôi, ông phải đến đây mau lên mới được. Vài cái trứng của ông đã nở rồi.
Và chúng tôi đã lại lái xe với tốc độ trăm cây số giờ đến Russel Square.
Mary mời chúng tôi vào trong cái hang của bà ta. Pepsi, một phụ tá của bà ta đang đứng cạnh bà. Một cái máy thu băng đang quay trên bàn.
- Ai gọi vào giờ này thế? - Một giọng nói to và vang dội hỏi.
Tôi nhận ra ngay lập tức, đó là giọng của bà Pandora, cô của Barley, người mà tôi đã có lần mời ăn tối.
Một phút im lặng. Rồi giọng nói hòa nhã của Barley:
- Pan, cháu nghĩ là cháu quá mệt mỏi rồi, không còn đủ sức để làm việc cho công ty nữa. Cháu xin từ giã tất cả mọi người.
- Đừng có nói nhảm nhí, - bà Pandora đáp, - Lại một con bé ngu đần nào nữa đã cám dỗ mày phải không?
- Không, cô Pan ạ, cháu nói rất nghiêm chỉnh đấy. Lần này, cháu nói thật, không phải chuyện đùa đâu, và cháu muốn báo cho cô biết trước.
- Mày thì luôn luôn nghiêm chỉnh. Mày không gạt được ai đâu với cái vẻ ung dung của mày, cháu ạ.
- Sáng mai cháu sẽ nói chuyện với Guy.
Guy Solomons là công chứng viên của gia đình.
Wicklow có thể tiếp tục công việc một cách liên tục, khỏi bị gián đoạn.
Barley cúp máy.
Trên băng ghi âm, chúng tôi lại nghe chuông điện thoại reo. Và lại có tiếng của Barley:
- Reggie? Tối nay tớ sẽ làm một con bò. Cậu đến chứ?
Mary đưa cho chúng tôi một tấm phiếu, trên đó bà ta có viết: Reginald Cowan, tu sĩ và là nhạc công bộ gõ, làm việc cho các hội từ thiện của nhà thờ.
- Tôi không đến được, - Reggie đáp. - Tôi bận dạy giáo lý.
- Bỏ dạy một buổi có sao đâu.
- Không thể được, các nhóc con đã đến đó rồi.
- Reggie, người ta cần có cậu. Lão già Andy đang hấp hối.
- Cũng như tất cả chúng ta. Đó là số phận của chúng ta mà.
Cuộn băng đã gần hết thì chúng tôi nghe tiếng Brock, gọi từ đường dây trực tiếp, yêu cầu Ned về ngay lập tức. Một giờ trước các trinh sát viên đã tìm thấy Barley tại quán bar quen thuộc của ông ta ở Soho, tại đó ông ta đã uống năm ly uýt-ky trước khi đi đến quán Arche de Nóe trong King’s Cross.
- Arche de Nóe? Anh có biết chắc không? Ở đâu mà tôi không biết?
- Tôi biết chắc, đó là một cái hộp đêm, chủ nhân là một người Antillais cao hơn hai mét. Barley thổi kèn trên sân khấu.
- Chỉ một mình ông ta sao?
- Cho tới lúc đó thì chỉ một mình.
- Hộp đêm thuộc loại nào?
- Ở đó người ta ăn, uống rượu nguyên chất. Sáu mươi bàn, một cái bục, tường gạch, gái điếm.
- Khách đã choán hết các bàn chưa?
- Mới hết hai phần ba, nhưng khách còn tiếp tục vào.
- Ông ta đã chơi những bài gì?
- Lover Man và những bản nhạc của Duke Ellington.
- Hộp đêm ấy có mấy cửa ra?
- Chỉ có một cửa ra.
- Gom ba người của chúng ta lại và bảo họ chiếm một bàn gần nơi cửa. Nếu ông ta đi ra, hãy bao vây ông ta lại, nhưng đừng đụng đến ông ta. Hãy gọi Ben Lugg và nói tôi lệnh cho anh ta lập tức đem taxi của anh ta đến Arche de Nóe, đợi trước cửa mà đừng rước khách. Anh ta sẽ biết anh ta phải làm gì.
Lugg là tài xế taxi làm việc cho cơ quan.
- Có cabin điện thoại trong hộp đêm ấy không?
- Có hai cái.
- Hãy sắp xếp thế nào để cả hai đều có người cho đến khi tôi tới nơi. Ông ta có thấy được anh không?
- Không.
- Hãy làm thế nào để ông ta tiếp tục không thấy được anh. Ở bên kia đường có gì?
- Một tiệm giặt ủi với mấy cái máy tự động.
- Đang mở cửa?
- Không.
- Hãy đợi tôi trước cửa tiệm ấy.
Ned quay về phía bà Mary và nói:
- Có hai cabin điện thoại trong quán Arche de Nóe tại King’s Cross. Bà hãy sắp xếp để làm cho hai cabin ấy ngừng hoạt động ngay lập tức. Nếu chủ hộp đêm có một đường dây riêng, cũng phải làm cho nó ngưng hoạt động ngay. Nếu ngoài đường có cabin điện thoại cũng phải cúp luôn. Không được chậm trễ.
Chúng tôi bỏ xe của cơ quan để đi taxi. Brock đợi chúng tôi trước cửa tiệm giặt ủi. Ben Lugg đậu xe dọc theo lề đường. Vé vào cửa hộp đêm giá năm bảng chín mươi lăm. Ned đi trước, tôi theo sau, đi ngang qua bàn các trinh sát viên, đi thẳng tới các bàn ở hàng đầu.
Không có ai khiêu vũ. Các nhạc công độc tấu tạm ngừng. Barley đang đứng thổi kèn một mình ở giữa bục, trước một cái ghế mạ vàng, được đệm một cách kín đáo bởi đàn contre-bass và bộ gõ. Ông ta còn mặc nguyên bộ comlê làm việc tại văn phòng, và hình như đã quên cởi áo vét. Ánh đèn màu xoay quanh trên trần nhà chiếu sáng từng lúc khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của ông ta, với vẻ nhìn chìm đắm vào khoảng hư không. Ông ta kéo dài các âm điệu, và tôi biết ông ta chơi một khúc nhạc cầu hồn cho Andy. Hai cô gái ngồi trên các ghế bỏ trống của các nhạc công, nhìn Barley với một vẻ khêu gợi. Một dãy bia lon cũng đang đợi ông ta chiếu cố. Lão khổng lồ Nóe vòng tay đứng một bên Barley, nghe ông ta thổi kèn. Nhạc khúc chấm dứt. Một cách trìu mến và thận trọng, Barley lau cái kèn saxophone của mình và để nó lại vào trong cái túi. Nóe không cho người ta được vỗ tay trong hộp đêm, nhưng có những tiếng “Bis, bis!”. Song Barley tảng lờ như không nghe. Ông ta uống hai lon bia, đưa tay lên chào và đi ra phía cửa. Chúng tôi đi theo ông ta bén gót đến tận ngoài đường, ở đó chiếc taxi của Ben Lugg đã chờ sẵn.
- Đến nhà Mo, - Barley vừa nói vừa buông mình ngồi xuống băng sau.
Ông ta lấy ra một chai dẹt rượu uýt-ky và đang vặn nắp chai thì chợt thấy chúng tôi.
- Harry, xin chào. Thế nào, tình yêu nhưng ở xa nhau vẫn luôn luôn tốt đẹp chứ?
- Tuyệt vời, cám ơn!
- “Đến nhà Mo” là đến đâu thế? - Ned vừa hỏi vừa ngồi xuống cạnh Barley, trong lúc tôi ngồi vào một ghế phụ.
- Tufnell Park. Dưới Falmauth Arms.
- Âm hưởng có tốt không?
- Hảo hạng.
Điều làm cho tôi lo ngại, không phải là cái vẻ vui vẻ giả dối của Barley, mà là cái vẻ xa vắng và nét nhìn đâu đâu, cũng như cái lối ẩn núp của ông ta vào trong bộ áo giáp nhã nhặn của người Ănglê.
Mo là một bà tóc hung, khoảng năm mươi tuổi. Bà ta ôm hôn Barley một cách nồng nhiệt. Barley thổi một điệu nhạc blues, và tôi dám tin bà ta muốn Barley ở lại với bà suốt đêm. Nhưng Barley không bao giờ ở lại lâu một nơi, và thế là chúng tôi lại đi đến một tiệm bánh có dàn nhạc ở Islington, ở đó Barley cũng lại độc tấu kèn saxo. Ben Lugg cũng vào nghe và uống một chén trà. Anh ta trước kia là một đấu thủ quyền Anh, bây giờ còn khoe các trận đấu của anh ngày trước. Từ Islington, chúng tôi qua sông Tamise để đến Elephant và Castle nghe một nhóm người da đen ca hát và uống rượu trong một bãi đậu xe ô tô buýt. Đã 4 giờ 15 sáng, nhưng Barley không có vẻ gì là muốn về để đi ngủ cả, mà cùng uống rượu với nhóm người ấy. Khi chúng tôi dịu dàng lôi được ông ta ra xe của Ben, hai cô gái không biết từ đâu hiện ra, đã ngồi mỗi cô một bên Barley ở băng sau.
- Thôi đủ rồi, hai cô xuống xe đi! - Ben bảo họ trong lúc Ned và tôi đứng đợi trên lề đường.
- Hai cô cứ ngồi đó đi! - Barley nói.
- Này hai con gà mái tơ, đây không phải xe của hai cô mà là xe của hai ông kia, - Ben vừa nói vừa chỉ chúng tôi. - Vậy hai cô hãy ngoan ngoãn cút đi cho mau.
Thình lình Barley vung tay đấm một cú vào đầu Ben, nhưng anh ta đã gạt được cú đấm ấy như đuổi một con ruồi, và luôn tay lôi Barley một cách dịu dàng ra khỏi xe, giao ông ta cho Ned.
Rồi Ben trở lại xe, cầm tay lôi hai cô gái kia ra.
- Hay là tất cả chúng ta đi dạo chơi một vòng để hóng gió trong lành? - Ned đề nghị trong lúc Ben cho mỗi cô gái mười đồng bảng để tống khứ họ đi.
- Ý kiến hay đấy, - Barley nói.
Chúng tôi kéo nhau chậm rãi đi dọc theo bờ sông, các trinh sát viên của Brock đi đoạn hậu. Trời đã rạng sáng.
- Tôi lấy làm buồn, - Barley nói với Ned. - Nhưng dù sao, tôi cũng không làm gì quá nghiêm trọng! Phải không Nedski?
- Theo chỗ tôi biết thì không, - Ned đáp.
- Tôi chỉ muốn đi thổi kèn saxo chơi một chút thôi, - Barley giải thích. - Này Harry, ông có thích âm nhạc không? Một thằng trong đám bạn của tôi chơi đàn pianô cho bồ của nó nghe qua điện thoại đấy. Và nó nói như thế rất tốt.
- Ngày mai chúng tôi sẽ đi Mỹ, - Ned nói. - Chúng tôi đã quyết định mời ông đi cùng với chúng tôi.
Chú thích:
(1) Jeanne d’ Arc (1412 - 1431): Nữ anh hùng đã đánh đuổi quân Anh để giải phóng nước Pháp.
(2) Langley: Trung tâm đầu não của CIA (Mỹ) - ND.

Chương trước Chương sau