Đợi chờ - Chương 05
Đợi chờ
Chương 05
Ngày đăng 29-12-2015
Tổng cộng 17 hồi
Đánh giá 8.7/10 với 14848 lượt xem
Bây giờ chúng tôi đang tập trung trong thư viện nơi Ned và Barley đã nói chuyện với nhau lần đầu tiên. Brock đã xếp đặt một màn ảnh, một cái máy chiếu và những chiếc ghế đặt theo hình bán nguyệt. Anh ta đã tính trong đầu mỗi cái ghế dành cho một người trong chúng tôi. Barley trầm tư, ngồi nghỉ một cách thoải mái ở hàng ghế đầu, giữa Bob và Clive, với vẻ thờ ơ của một vị khách đặc biệt được mời đến dự một buổi họp để phê bình một vở kịch trước khi cho lên sân khấu lần đầu. Đầu ông ta cuối xuống phía trước, nổi bật khi Brock bật công tắc của máy chiếu, và ngẩng lên một cách đột ngột khi hình ảnh đầu tiên hiện ra trên màn ảnh. Ned, ngồi bên tôi, im lặng, nhưng tôi cảm nhận được cường độ của sự kích thích của ông ta. Trên màn ảnh lần lượt hiện ra vài mươi khuôn mặt đàn ông, phần nhiều là các nhà bác học Liên Xô, mà sau những cuộc sưu tra tiên khởi, vội vã, trong các tủ phiếu lưu trữ ở Luân Đôn và ở Langley, đã được đánh giá là có liên quan đến các thông tin "chim xanh".
Có những hình xuất hiện trên màn ảnh nhiều lần, lần trước có râu, lần sau không có.
- Lão ta không có trong số đó, - Barley tuyên bố, sau khi việc trình chiếu vài mươi hình ảnh ấy trên màn ảnh chấm dứt. Nói xong, Barley đột ngột đưa bàn tay lên đầu như thể bị một con muỗi đốt.
Bob hỏi một cách nhã nhặn :
- Không một chút do dự sao, Barley? Không một chút nghi ngờ chứ?
- Không. - Barley đáp rồi lại trầm tư như trước.
Đến lượt Katia xuất hiện trên màn ảnh, nhưng Barley chưa biết cô ta. Bob đề cập đến vấn đề một cách vô cùng thận trọng. Quả thật ông ta là một tay chuyên nghiệp của Langley.
- Barley, bây giờ đến lượt hình ảnh đàn ông có đàn bà có, họ là những người đã có lui tới nơi cuộc triển lãm sách ở Matxcơva - Bob nói với một giọng rất ung dung - Những người mà ông có thể đã gặp trong những chuyến ông đi qua Nga, trong những cuộc tiếp tân hay triển lãm sách. Nếu ông nhận ra được một người nào, ông hãy nói ngay.
- Kìa, đó là Leonora! - Barley reo lên khi thấy trên màn ảnh một người đàn bà, hình dáng lực lưỡng, mông to như mông ngựa cái - Đó là bà mập cho mượn sách tại SK.
- SK? - Clive lập lại.
- Soyouzkniga. SK đặt mua và phân phối sách nước ngoài trong toàn cõi Liên Xô. Leni thật tuyệt vời.
- Ông biết họ của bà ta chứ?
- Zinovieva.
Bob mỉm cười. Chúng tôi đã ngầm giao ước với nhau: Bob sẽ mỉm cười mỗi khi Barley nói đúng.
Brock chiếu hình những người khác lên màn ảnh, Barley nhận ra được một số, và Bob mỉm cười. Nhưng khi ảnh Katia xuất hiện, lúc cô ta đi xuống các bậc tam cấp, mặc áo măng tô, tóc chảy ra phía sau và tay cầm cái túi lưới, Barley nói "Chiếu tiếp ảnh khác" như đối với những hình ảnh mà ông ta không nhận ra là của người nào. Bob tỏ vẻ bối rối và lo sợ.
- Không, ông hãy vui lòng nhìn kỹ ảnh này, - Bob nói với giọng hờn giận đến nỗi một đứa con nít cũng có thể nhận ra ảnh này tiềm ẩn một tầm quan trọng.
Bob ngừng lại... và chúng tôi ngừng thở.
Bob nói tiếp:
- Barley, thiếu phụ tóc đen có đôi mắt to kia làm việc trong nhà xuất bản Tháng Mười ở Matxcơva. Cô ta nói tiếng Anh rất giỏi, rất đúng như ông và Goethe. Chúng tôi biết cô ta là Redaktor, cô ta biên tập các tác phẩm Nga dịch sang tiếng Anh. Ông không nhận ra cô ta sao?
- Không. Rất tiếc! - Barley càu nhàu.
Clive hất đầu ra hiệu giao Barley cho tôi. Đến lượt ông chơi rồi đó. Chứng nhân đang ở trong tay ông. Hãy làm cho gã sợ.
Khi tôi khiển trách ai, tôi luôn luôn vận dụng một giọng nói làm cho người ta sợ. Tuy nhiên, tối hôm đó, khi một mình tôi gặp riêng Barley, tôi đã có một giọng nói che chở. Tôi không nói với Barley như với một kẻ có tội tầm thường, mà như với một người bạn mà tôi có ý khuyên phải đề phòng.
- Đây, việc như thế này đây, - Tôi nói, cố gắng tránh dùng danh từ pháp lý được chừng nào hay chừng ấy, - Đó là một cái thòng lọng mà người ta sắp quàng vào cổ của ông. Ông hãy cẩn thận. Hãy suy nghĩ cho kỹ.
Thường thường, tôi để người ta ngồi nghe tôi nói, nhưng tôi đã để ý thấy Barley có vẻ thoải mái hơn khi người ta để cho ông được vận động, đi bách bộ, và vươn vai, duỗi tay, duỗi chân một cách tuỳ thích.
Tôi để ý đến vài chi tiết mà tôi đã bỏ sót không nhận thấy trong cuộc họp toàn thể.
Tôi để ý đến vẻ mặt trầm tư của Barley trong lúc ông ta nghe tôi khuyên nhủ, thỉnh thoảng ông ta nêu lên vài chi tiết, rồi quay lưng bỏ đi. Tôi thấy cái lưng của ông ta cũng có vẻ chống đối như gương mặt khép kín của ông ta.
Khi Barley đi trở lại phía tôi, ông ta không có vẻ mặt đê tiện của phần nhiều những kẻ mà tôi đã khuyên nhủ.
Tôi lại nghĩ đến hồ sơ của Barley. Biết bao hành vi không suy nghĩ, hầu như tự sát. Rất ít thận trọng. Một học bạ tồi tệ. Những nỗ lực để dành vài vòng hoa chiến thắng trong các cuộc đấu quyền Anh, để cuối cùng nằm trạm y tế nhà trường với một hàm răng gãy. Bị đuổi, sau khi đọc Epitre (thánh thư của các sứ đồ) trong tình trạng say rượu. "Thưa ông, hôm qua tôi đã uống quá chén. Tôi không cố ý làm như thế". Bị phạt roi và bị đuổi.
Ned cũng đã cho tôi tất cả các thông tin về cuộc đời của Barley, kể cả các thông tin mật, các khoản thu nhập, nhân tình, vợ con của ông ta. Chẳng có gì đặc biệt trong các tài liệu ấy. Chẳng có thành tích vẻ vang, cũng chẳng có những tội ác lớn. Nói tóm lại, chẳng có gì quan trọng.
Và đột nhiên, trước khi tôi nhận thức được, các vai trò đã đảo ngược. Barley đứng đó, trước mặt tôi, nhìn tôi với tất cả tầm cao của ông ta. Toán của tôi vẫn đợi trong thư viện, tôi nghe được những tiếng thì thầm, vì họ nôn nóng muốn biết kết quả. Bản văn về việc giữ gìn bí mật đã để sẵn trên bàn, nhưng Barley không nghiên cứu nó.
Tôi ngước mắt lên nhìn ông ta và hỏi:
- Ông có hỏi thêm gì tôi không? Ông có muốn tôi nói rõ thêm vài điều trước khi ký không?
Cuối cùng tôi đã lấy lại giọng nói nghiêm khắc vì phản ứng tự vệ. Mới đầu Barley tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi sau đó thích thú, như đây là một trò đùa vui.
- Vì sao? Ông có những câu trả lời khác mà ông muốn cho tôi sao?
- Đây là một việc khó gỡ ra được, - tôi nói với Barley một cách nghiêm nghị. - Dù không muốn, ông đã trở thành người biết được một điều tối mật mà ông không có thể xoá bỏ được. Ông biết điều bí mật ấy khá đủ để đưa một người đàn ông và chắc chắn cả người đàn bà đến chỗ bị treo cổ. Điều đó đặt ông vào một vị trí đặc biệt với những nghĩa vụ mà ông không thể thoái thác được.
Barley nhún vai, hất gánh nặng của ông ta xuống.
Ông ta tuyên bố:
- Tôi không đếm xỉa đến những gì tôi biết.
Có tiếng người gõ cửa.
Tôi dịu giọng lại để cố làm cho Barley hiểu thấu lòng ưu ái của tôi đối với ông ta:
- Vấn đề là chắc chắn họ sẽ muốn cho ông biết nhiều hơn nữa. Những gì mà ông đã biết rồi, có thể chỉ là bước đầu của những gì mà họ mong muốn thấy ông khám phá ra.
Barley ký. Không cần đọc. Thật là một thân chủ kỳ cục nhất trên đời, rất có thể ông ta sẽ ký bản án tử hình của mình mà không cần biết và chẳng cho đó là điều quan trọng. Người ta vẫn gõ cửa, nhưng tôi còn phải ký tên tôi với tư cách là nhân chứng.
- Cám ơn, - Barley nói với tôi.
- Về việc gì thế?
Tôi cất cây bút máy đắt tiền của tôi. Cuối cùng rồi ta cũng có một thân chủ, tôi tự nhủ, dương dương tự đắc, nhưng không vui, đúng vào lúc Clive và cả toán bước vào. Một thân chủ khó tính mà rốt cuộc ta cũng đã lấy được chữ ký.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy xấu hổ và lo âu một cách lạnh lùng. Tôi có cảm tưởng đã nhen nhúm một bếp lửa trong trại của chúng tôi, mà không thể biết trước nó sẽ cháy lan đến đâu và cũng không biết ai sẽ dập tắt nó.
Điều hay ho duy nhất của màn tiếp theo là nó ngắn ngủi. Tôi cảm thấy buồn cho Bob. Ông ta không phải là người xảo trá, và cũng không phải là người cuồng tín. Ông ta có vẻ bộc trực, điều đó theo chỗ tôi biết, chưa phải là một trọng tội, ngay cả trong giới mật vụ. Ông ta thuộc loại người có tính kiên cường như Ned, chứ không như Clive, và lề lối làm việc của ông ta hợp với lề lối của chúng tôi hơn là lề lối của Langley.
- Này Barley, về tính chất của các tài liệu mà Goethe đã gởi cho ông, ông không có một chút ý kiến nào cả sao? Đại khái nội dung thông điệp của ông ta là gì? - Bob hỏi một cách khéo léo và còn tặng thêm một nụ cười cởi mở.
Tôi nhớ Johnny cũng đã có hỏi lần đầu như thế..., nhưng lần này ông đã gặp một câu trả lời thật bất ngờ.
- Làm sao tôi biết được? - Barley vặn lại, - Đến cả việc nhìn thấy các tài liệu ấy, tôi cũng không được phép. Ông từ chối không chịu đưa cho tôi xem mà!
- Ông có chắc chắn một cách tuyệt đối rằng Goethe đã không cho ông biết trước vài điều chỉ dẫn? Vài lời nói nhỏ riêng với ông, giữa tác giả và nhà xuất bản ấy mà, về những gì mà Goethe có thể gởi cho ông một ngày nào đó, nếu cả hai người, Goethe và ông, đều tôn trọng những lời đã hứa với nhau? Hay một điều gì đó mà ông có thể quên khi kể lại cuộc nói chuyện kéo dài rất lâu ở Peredelkino về vấn đề vũ trang và các kẻ thù tưởng tượng?
- Tôi đã nói với ông tất cả những gì tôi nhớ.
Cũng như Johnny trước đó, Bob liếc nhìn hồ sơ để trên đầu gối.
- Barley này, trong tám lần lưu lại ở Liên Xô trong bảy năm vừa qua, ông có liên lạc, dù chỉ một thời gian ngắn ngủi, với các người theo chủ nghĩa hoà bình, các người bất đồng ý kiến hay những tổ chức không chính thức không?
- Phải chăng đó là một trọng tội?
- Ông hãy vui lòng trả lời câu hỏi của Bob - Clive can thiệp.
Và trước sự ngạc nhiên của toàn thể, Barley nghe theo. Nhiều lúc Clive thiếu tế nhị đến nỗi Barley chẳng cần bực mình.
- Bob, như ông đã biết, người ta gặp đủ hạng người. Trong giới nhạc Jazz, hay giới nhà văn, trí thức, nhà báo, nghệ sĩ. Vì thế, đó là một câu hỏi mà tôi không thể trả lời được. Rất tiếc!
- Tôi có thể đặt thêm một câu hỏi nữa không. Vậy ông có liên lạc với các người theo chủ nghĩa hoà bình ở nước Anh không?
- Tôi không hề có một chút ý nghĩ nào, nói chi đến việc có liên lạc!
- Barley, ông có biết trong câu lạc bộ có vận động viên điền kinh, mà trong đó ông chơi giữa năm 1977 và 1980, có hai hội viên đã tham gia chiến dịch đòi tài giảm vũ khí hạt nhân?
Barley tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng rốt cuộc thích thú.
- Thật vậy sao? Và người ta có thể biết tên của hai vị ấy không?
- Ông có ngạc nhiên nếu tôi cho ông biết đó là Maxi Burns và Bert Wunderley?
Barley phá lên cười thật lớn, mọi người lấy làm thích thú, trừ Clive.
- Ôi, lạy Chúa! Bob, ông chớ chụp mũ "hoà bình chủ nghĩa" cho hai người ấy. Maxi là cộng sản đến tận chân răng kẽ tóc. Nó có thể làm cho nổ tung Quốc hội, nếu nó có một trái bom. Và Bert đã bắt tay với Maxi.
- Hình như hai anh chàng ấy đồng tình luyến ái?
-Pê đê như hải cẩu.
Đến đây Bob xếp hồ sơ của ông ta lại, tỏ vẻ nhẹ nhõm và liếc nhìn Clive một cái, ra hiệu rằng ông ta đã hỏi cung xong. Ned đề nghị Barley đi ra ngoài hóng gió một chút. Walter vội vã đi tới cửa và mở cửa ra. Chắc chắn do Ned đã yêu cầu, nếu không, Walter không bao giờ dám đi theo họ. Sau một lát do dự, Barley lấy một chai uýt-ky và một cái ly đút vào túi áo, cử chỉ mà theo tôi nghĩ là nhằm làm cho chúng tôi khó chịu. Trang bị đầy đủ những thứ cần dùng rồi, Barley đi theo hai người kia, để lại ba chúng tôi ngồi im lặng trong phòng.
- Ông đã đem những câu hỏi của Russell Sheriton mà hỏi Barley, phải không? - Tôi hỏi Bob một cách nhã nhặn.
- Harry, Russell giỏi hơn tôi nhiều. Nếu là ông ta, ông ta đã không hỏi những câu ngốc nghếch như tôi đâu - Bob trả lời với vẻ ganh ghét rõ rệt.
Những cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Langley là một điều bí mật ngay cả đối với những người trong cuộc. Nhưng ở giữa những cuộc vận động ngấm ngầm và những mưu mô thầm kín, tên của Sheriton thường được nhắc đến.
- Thế thì ai đã bật đèn xanh, để ông đặt những câu hỏi ấy? Bob, ai đã thảo ra những câu hỏi ấy?
- Có thể là Russell.
- Ông vừa nói Russell giỏi hơn thế mà.
- Có thể ông ta bị bắt buộc phải trấn an các cấp trên của ông ta. -Bob trả lời với vẻ lúng túng, rồi đốt ống điếu với một que diêm mà ông ta lắc lắc để tắt.
Trong công viên gần bờ đê, có một cây to bóng mát. Tôi thường ngồi dưới gốc cây ấy để nhìn bình minh thức dậy trên cảng, trong lúc sương đầu mùa thấm ướt chiếc áo choàng của tôi. Dưới gốc cây có một chiếc ghế dài. Barley ngồi giữa Ned và Walter. Sau này Barley có kể lại với tôi rằng, trước tiên ba người đã nói chuyện trong không khí êm dịu của một quán rượu, rồi sau đó đã đến ngồi dưới gốc cây này. Brock ngồi lại trong một chiếc xe thuê để canh chừng. Lúc đó mới năm giờ sáng.
- Các ông hãy chọn một người khác đi, -Barley lặp lại một lần nữa - Tôi không phải là người đáng được các ông chọn.
- Không phải chúng tôi đã chọn ông. Chính Goethe đã chọn ông. Nếu chúng tôi tìm được cách gặp ông ta mà không qua trung gian của ông, chúng tôi sẽ không do dự mà làm ngay. Nhưng hình như Goethe đã say mê ông. Đã gần mười năm ông ta chờ đợi một người như ông.
- Ông ta đã chọn tôi chính là vì tôi không phải là một tên gián điệp - Barley nói - Vì tôi đã nói một thôi một hồi chẳng khác nào ca một đoạn ca cách mạng.
- Nhưng bây giờ ông cũng sẽ không phải là một điệp viên, - Ned nói. - Ông sẽ còn là một nhà xuất bản... nhà xuất bản in sách của ông ta. Tất cả những gì chúng tôi đòi hỏi ở ông, đó là ông hãy cộng tác với tác giả tập bản thảo đã gởi cho ông và cộng tác với cả chúng tôi nữa. Có điều gì không ổn đâu nào!
- Ông đã gặp một vận may đặc biệt, và ông lại rất có tài, - Walter nói thêm, - Bây giờ chúng tôi mới thấy ông rượu chè say sưa không phải là một điều kỳ lạ. Đã hai mươi năm người ta không được dùng tài nghệ của ông. Đây là một dịp may để ông trổ tài, thật là một dịp may hiếm có.
- Có thể ông sẽ thừa sức trả hết tất cả các khoản nợ nần, - Ned nói. - Ba tuần sửa soạn ở Luân Đôn trong khi chờ hộ chiếu, tiếp theo là một tuần tuyệt vời ở Matxcơva, và ông sẽ thoát khỏi khó khăn suốt đời.
Với bản tính thận trọng, Ned đã tránh dùng từ "huấn luyện" và thay thế vào đó là từ "sửa soạn".
Walter lại tấn công trở lại, khi thì kích thích, khi thì hơi tâng bốc quá đáng, nhưng Ned cứ để cho ông ta làm.
- Ned, không phải là vấn đề tiền bạc. Barley cao hơn thế nhiều. Mà đây là hành động vì tổ quốc. Có biết bao người không bao giờ có được một dịp may như thế. Họ mơ ước, họ làm đơn tình nguyện, nhưng không bao giờ được chọn. Sau đó, khi người ta đã làm xong nhiệm vụ, người ta có thể ung dung hưởng thụ những phần thưởng mà người ta biết rằng mình xứng đáng được hưởng.
Ned đã thấy đúng, vì Barley đã phì cười và nói với Walter:
- Thôi, ông hãy ngừng lại đi thì vừa.
Ned quay sang Barley nói :
- Cũng là một cử chỉ đẹp đối với tác giả của ông đấy. Ông cứu mạng ông ta. Nếu ông ta quyết định trao cho ông những bí mật quốc gia, ít ra ông cũng có thể giao lại cho các người có thẩm quyền. Ông tốt nghiệp ở Harrow, phải không? - Ned hỏi như thế chợt có một cảm hứng bất ngờ - Tôi đã có đọc được ở đâu đó rằng ông là sinh viên đại học Harrow?
- Tôi chỉ là học sinh, thế thôi. - Barley đáp. - Walter phá lên cười, và Barley cũng cuời theo vì phép lịch sự.
- Vì sao hai mươi năm trước, ông đã có thỉnh cầu được làm việc với chúng tôi? Ông có còn nhớ các lý do của ông lúc bấy giờ không? - Ned hỏi. - Một ý thức nào đó về bổn phận, đúng không?
- Lúc đó tôi không muốn làm việc trong công ty của bố tôi. Một bạn học của tôi đề nghị tôi làm nghề gõ đầu trẻ ở bậc tiểu học, và Lionel, người anh em họ của tôi, gợi ý tôi gia nhập ngành tình báo. Và các ông đã bác bỏ đơn thỉnh cầu của tôi.
- Đúng, nhưng ông sẽ không có hai lần cái may mắn ấy, - Ned đùa. như những người bạn cũ, ba người lặng lẽ nhìn các bờ đê. Một đoàn tàu thuỷ chặn ngang cửa biển, những dụng cụ đu đưa trước gió trông như những tràng hoa lấp lánh.
Walter nhìn đại dương, đột nhiên nói:
- Ông biết không? Tôi luôn luôn mơ tưởng một phép lạ thuộc loại ấy. Tôi tin là có Chúa. Tôi luôn luôn nghĩ rằng sớm muộn gì rồi cũng có một người như lão ta. Này ông bạn Barley, tôi xin hỏi thật ông: trình độ khoa học của ông tới đâu? Một con số không? Điều đó chẳng có gì lạ. Ông thuộc thế hệ chót những người theo nghề văn thuần tuý. Nếu tôi hỏi ông tỉ suất đốt cháy là gì, chắc chắn ông sẽ nghĩ tôi muốn nói về việc nướng một cái bánh.
- Chắc chắn là như vậy, - Barley thừa nhận và cười một cách miễn cưỡng .
- Và CI? Không có một chút ý niệm nào phải không?
- Tôi ghê tởm những chữ viết tắt chỉ có chữ cái đầu.
- Đó là chữ : Cercle d'Incertitude, ông biết chứ?
Barley không trả lời.
- Thôi được rồi. Grosse Salope, GS là gì?
Barley chỉ nhún vai.
- GS là hoả tiễn tối tân của Liên Xô : SS9. - Walter giải thích. - Nó đã được đem ra phô trương trong một cuộc diễu hành Mồng một tháng năm, thời chiến tranh lạnh xa xưa. Nó có kích thước khủng khiếp. Vấn đề là không biết nó có thể, chỉ một phát, phá huỷ ba hầm chứa hoả tiễn của Mỹ không. Có người cho rằng hoả tiễn SS9 để tàn phá các thành phố chứ không phải phá huỷ các hầm chứa hoả tiễn. Vì vậy họ đã bật đèn xanh cho chương trình hoả tiễn chống hoả tiễn. Tôi thấy hình như ông không nghe kịp nữa, phải không?
- Ông đã bỏ xa tôi từ đầu, - Barley nói.
- Nhưng lẽ tất nhiên ông ta sẽ học nhanh thôi, - Walter nói với Ned với vẻ thoả mãn. - Các nhà xuất bản luôn luôn có tài xoay xở để thoát khỏi vòng khó khăn một cách bình yên vô sự.
- Tất cả những gì người ta đòi hỏi ở ông là những thông tin - Ned nói. - Người ta không đòi hỏi ông chế tạo hoả tiễn, cũng không đòi hỏi ông bấm nút, mà chỉ yêu cầu ông giúp chúng tôi hiểu rõ đối phương hơn. Nếu ông chống vũ khí hạt nhân thì điều đó càng tốt. Và nếu đối phương tỏ ra là một người bạn, thì vấn đề là ở đâu?
- Tôi tin là chiến tranh lạnh đã chấm dứt rồi, - Barley nói.
Nghe Barley nói thế, Ned tỏ vẻ hốt hoảng một cách thật sự và càu nhàu:
- Ôi, lạy Chúa!
Walter không cần che giấu sự bất bình của mình.
- Tất cả những điều đó chỉ là những trò hề chính trị và những trò thân thiện lừa phỉnh, - Walter chỉ trích với vẻ khinh bỉ. Bây giờ chúng ta đang ở trung tâm của cuộc đối đầu, thế mà ông vừa nói rằng cuộc báo động đã chấm dứt, bởi vì một nhúm nhà lãnh đạo quốc gia cho rằng đã đến lúc bắt tay nhau một cách công khai và tống khứ vài món đồ chơi lỗi thời cho các nhà kinh doanh phế liệu. Liên Xô sụp đổ. Kinh tế khủng hoảng. Ông đừng có nói với tôi rằng đó là những lý do đủ để hạ khí giới. Mà đó là một lý do tốt để dò thám quân địch hai mươi lăm giờ trên hai mươi bốn.
- Thôi, được rồi. Chúng ta hãy tóm lược tình hình. -Ned nói. - Tôi sẽ nói thẳng thắn: Ông là một người bàng quan thụ động hay muốn đóng một vai tích cực?
Barley đang còn suy nghĩ câu trả lời thì Walter đã trả lời thay cho Barley với giọng khẳng định, bác bỏ mọi sự chối từ:
- Ông có bổn phận lựa chọn.
Barley từ từ đứng dậy và đưa bàn tay xoa bóp lưng, ngay ở trên thắt lưng, nơi hình như ông ta có một điểm đau đớn thường xuyên, có lẽ vì thế mà ông ta có dáng đi hơi nghiêng nghiêng.
Rồi xoay về phía Ned, Barley nói:
- Tôi đã cho ông biết trước, tôi không phải là người thích đáng để đương đầu với tình thế này, và ông đã sai lầm khi dùng tôi.
- Có bao giờ một người trong chúng ta là người thích đáng đâu. Vả lại các tình thế lúc bắt đầu luôn luôn sai lệch.
Barley đi băng qua bãi cỏ, vỗ vỗ các túi để tìm chìa khoá. Ông ta đi vào một con đường ngang. Đến trước một ngôi nhà hẹp, Barley mở cửa rồi đóng lại liền.
Đây là một người đàn bà tốt mà người ta không thể chê trách vào đâu được. Dẫu sao thì cũng luôn luôn có những người đàn bà tốt, tin tưởng họ có một nhiệm vụ đối với Barley, cũng như Hannah trước kia đối với tôi.
Bà ta nằm dài trên giường, mệt lử, có thể đã ngủ thiếp đi. Bà ta đã quét dọn sạch sẽ toàn thể căn hộ.
Barley sờ vai bà ta, nhưng bà ta không nhúc nhích, do đó ông biết bà ta không ngủ.
- Anh phải đến tòa đại sứ, - Barley giải thích. - Ở Luân Đôn, có những người muốn giết anh. anh phải đến đó và chuồn lẹ, nếu không, chúng sẽ rút lại giấy thông hành của anh.
Ông ta lôi cái vali ở dưới giường ra và xếp vào đấy các áo sơmi mà bà ta đã ủi cho ông.
- Anh đã nói lần này anh sẽ trở lại đấy nữa mà, - bà ta nhắc. - Rằng anh không còn có những nghĩa vụ đối với nước Anh. Anh đã làm xong nhiệm vụ của anh rồi mà.
- Họ đã lấy sẵn vé cho anh trong chuyến bay đầu tiên sắp tới. Anh không thể làm gì khác được. Chốc nữa sẽ có xe đến đón anh.
Barley đi vào phòng tắm lấy bàn chải răng và bộ đồ cạo râu. Ông ta nói tiếp:
- Họ đã đặt anh vào tình thế không thể làm khác được.
- Và em, em trở về nhà chồng em.
- Em cứ ở lại đây. Anh chỉ đi trong vài tuần. Sau đó, anh sẽ được yên ổn.
- Nếu anh không hứa hẹn với em biết bao nhiêu điều, thì bây giờ sự việc đã đơn giản hơn. Anh hãy đọc lại các bức thư của anh, và hãy nhớ lại những gì anh đã nói với em.
Cúi xuống trên chiếc va li của mình, Barley tránh nhìn bà ta.
Bà ta nói:
- Anh hãy cố gắng đừng có làm như thế này với một người đàn bà khác.
Nói xong bà ta khóc nức nở.
Ned và toán của ông ta chỉ có ba tuần để tận lực huấn luyện Barley. Nhưng ông ta đã hướng dẫn công việc một cách tài tình. Mặc dù bản tính hay thay đổi ý kiến, cuối cùng Barley cũng trở nên vững vàng và ngày lên đường làm nhiệm vụ càng đến gần, lập trường của ông ta càng thêm kiên định.
Ned đã làm đẹp lòng Barley bằng cách tạo ra một không khí thân mật gia đình : những cuộc trò chuyện vui vẻ trong các bữa ăn, tinh thần cộng đồng, và những ván cờ mà ông già Palfrey chơi với Barley, làm cho Barley có cảm tưởng mình là thần đồng trong một gia đình.
- Ông hãy đến chơi với chúng tôi bất cứ lúc nào ông muốn, - Ned đã nói với tôi với một cái vỗ vai thân mật.
Do đó, tôi đã trở thành "ông bạn già Harry" của Barley. Baley cũng trở nên thân mật với tôi. Ông ta thường nói: "Harry, ông bạn già của tôi, chúng ta chơi một ván cờ đi!" hay "Harry, vì sao ông không ở lại ăn tối với chúng tôi?" hay "Harry, ly của ông đâu rồi?"v.v...
Ned ít khi mời Bob, và không bao giờ mời Clive. Ông ta muốn tránh mọi trường hợp có thể làm cho Barley nổi khùng.
Để cách ly Barley, Ned đã chọn một ngoôi nhà xinh đẹp tại khu Knightsbridge là nơi Barley không có ai quen biết. Clive cho rằng giá thuê ngôi nhà ấy quá đắt, nhưng sự chỉ trích của ông ta không đúng chỗ. Miss Coad, nữ quản gia của Sở, được giao nhiệm vụ coi sóc ngôi nhà ấy, sau khi tôi buộc cô ta ký bản cam kết giữ bí mật trong chiến dịch Chim Xanh. Phòng chơi của trẻ con được cải biến thành phòng hội họp, và được gắn đầy máy nghe lén cũng như tất cả các gian phòng khác rất tiện nghi và trang bị nội thất sang trọng.
- Đây là nơi trú ngụ phụ của ông trong suốt thời gian chiến dịch, - Ned nói với Barley trong lúc đưa ông ta đi xem các phòng, - Đây là phòng của ông.
Vì Barley và cả tôi nữa ít ngủ, chúng tôi chơi cờ trong lúc những người khác ngủ. Barley là một con người có tính xung động, thích tấn công đối phương, thường tỏ ra xuất sắc, nhưng tôi có tài tiên đoán mà ông ta không có, và tôi biết rõ các điểm yếu của ông ta hơn ông ta biết các điểm yếu của tôi. Nói cho cùng, tôi đã nghiên cứu hồ sơ của ông ta. Tuy nhiên, tôi còn nhớ một số ván cờ trong đó ông ta đoán được chiến thuật của tôi chỉ trong một nháy mắt. Và chỉ bằng ba hay bốn nước cờ, ông ta đã buộc tôi phải chịu thua.
- Harry, tôi đã lừa được ông rồi...
Ông ta cười, rồi đứng lên, đi bách bộ trong phòng và để cho tâm trí mông lung.
- Harry, ông có vợ không?
- Từ xa.
- Nghĩa là?
- Vợ tôi ở thôn quê. Tôi ở thành phố.
- Lâu chưa?
- Lâu lắm rồi.
- Ông có yêu vợ ông không?
- Ông bạn thân mến của tôi ơi, ông hỏi một câu hay nhỉ! Có yêu. Từ xa.
- Và bà ta, có yêu ông không?
- Tôi nghĩ là có. Lâu lắm rồi tôi không hỏi bà ta điều ấy.
- Mấy con?
- Một trai. Khoảng ba mươi tuổi.
- Thỉnh thoảng ông có thăm hỏi anh ta không?
- Có. Trong các dịp ma chay và cưới hỏi. Và hằng năm nó có gửi thiếp Noel cho tôi. Chúng tôi rất hợp ý nhau, theo cách của chúng tôi.
- Anh ta làm gì?
- Nó đã thử làm luật sư. Bây giờ nó làm giàu.
- Anh ta có được hạnh phúc không?
Tôi nổi giận. Hạnh phúc, ái tình, ý nghĩa và giá trị của những điều đó không liên quan gì đến ông ta. Nói cho cùng, ông ta chỉ là một Joe. Tôi, tôi có quyền tìm hiểu ông ta, chứ ông ta không có quyền tìm hiểu tôi. Thấy tôi nổi giận, ông ta đỏ mặt và tìm cách nói lảng sang chuyện khác.
"Không thể nói ông ấy là một người bướng bỉnh"- Candyman, chuyên viên nghiên cứu các sách mới xuất bản, báo cáo với Ned, -"Chắc chắn ông ấy không phải là một điệp viên bẩm sinh, nhưng ít ra ông ấy chịu nghe những gì người ta nói, và ông có một trí nhớ kinh khủng".
"Ông ta đúng là một người lịch sự" - Một nữ trinh sát có nhiệm vụ dạy cho Barley các điều sơ bộ về do thám, báo cáo - "Ông ta rất thông minh và có khiếu hài hước. Theo tôi, đó là những gì khá đầy đủ để trở thành một điệp viên giỏi".
Ngày lên đường càng đến gần, sự phục tùng của Barley càng tăng. Ngay cả khi tôi dẫn Christopher, kế toán viên của Sở đến gặp Barley, ông ta cũng không tỏ vẻ phản đối. Christopher đã phải bỏ ra năm ngày để kiểm tra sổ sách của nhà xuất bản Abercrombie and Blair.
- Ông bạn Chris của tôi ơi, người ta biết rõ rằng tất cả các nhà xuất bản nhỏ, kém thế lực, đều túng thiếu. Các nhà xuất bản lớn như Jumbo chỉ để cho chúng tôi những thứ văn chương chẳng ra gì - Barley nói.
Nhưng Ned và tôi, và cả Chris nữa, chúng tôi đâu có phải lo lắng cho những nhà xuất bản nhỏ kia. Điều quan tâm duy nhất của chúng tôi là chiến dịch đang được tiến hành, và mối ám ảnh của chúng tôi là xuất bản của Barley có thể bị phá sản nửa chừng và làm hỏng tất cả.
- Nhưng tôi đâu cần một cố vấn vô dụng. Tôi không thể trả lương cho một cố vấn vô dụng và các bà cô của tôi sẽ nổi giận nếu tôi tuyển một cố vấn vô dụng.
Sự thật, tôi đã dùng tiền để có được sự trợ lực của các bà cô của Barley. Tự xưng là một nhân vật quan trọng của Bộ Ngoại giao, tôi đã nói với phu nhân Pandora Weir-Scott, cô của Barley, rằng Nhà xuất bản Ambercrombie and Blair sắp được hưởng một món tiền tặng của Rockefeller như là tiền hoa hồng để phát triển các quan hệ văn hoá Anh-Xô. Nhưng xin bà giữ bí mật, đừng nói hở ra dù chỉ một tiếng, nếu không, số tiền ấy lập tức sẽ bị rút lại và trao cho một nhà xuất bản khác cũng xứng đáng được hưởng.
- Nhưng tôi là người xứng đáng hơn bất cứ người nào khác trong nghề này, ai ai cũng biết mà! - Phu nhân Pandora đã phán như thế.
Tôi đã lừa bà ta vào bẫy bằng cách hỏi bà ta:
- Tôi có thể nói chuyện này với cháu bà không?
- Đừng cho nó biết. Để tôi lo liệu. Nó chẳng biết gì về công việc của công ty, và ngay cả việc nói láo nó cũng không biết.
Thế là sự cần thiết phải có một vị thần bản mệnh phụ tá cho Barley trở nên khẩn cấp.
Ned đưa cho Barley xem một mảnh giấy cắt trong một tờ báo văn học số mới nhất và nói:
- Ông có đăng báo tuyển phụ tá đây: Nhà xuất bản kỳ cựu Anh Quốc cần tuyển người giỏi tiếng Nga làm cố vấn văn học viễn tưởng và kỹ thuật, tuổi từ 25 đến 45. Thư cho CV.
Chiều hôm sau, Leonard Carl Wicklow đến trình diện tại trụ sở Abercrombie ang Blair tại đường Norfolf Street. Leonard Carl Wicklow sinh năm 1964 o83 Brington, cử nhân ưu hạng, Học viện Ngôn ngữ Slaves và Đông Âu, Đại học Luân Đôn.
Tối hôm ấy tại Knighsbridge, trong lúc chúng tôi đang cùng nhau leo lên cầu thang để gặp Walter, Barley đã nói với Ned:
- Tôi không biết cái thằng vô dụng ấy nhe răng doạ nạt người khác hay che dấu những đòn hiểm độc dưới những vuốt ve mơn trớn bề ngoài.
- Cả hai môn ấy, nó đều giỏi cả, -Ned đáp.
Sau khi nghe Walter thuyết giảng về cục diện thế giới, Barley hỏi:
- Thế thì ai sẽ cứu vớt chúng ta, Walt?
- Nếu một điều gì đó có thể cứu vớt chúng ta, thì đó sẽ là tính tự cao tự đại, -Walter đáp, - Không một nhà lãnh đạo quốc gia nào muốn để hậu thế coi mình là một thằng khốn nạn đã huỷ diệt nước mình trong một buổi chiều. Và có thể là sự nhát gan nữa. Xin tạ ơn Chúa! Phần nhiều các chính trị gia của chúng ta không thích tự huỷ diệt một chút nào.
- Nếu không thì không có một hy vọng nào cả sao?
- Không có hy vọng nào đối với người không có đức tin, - Walter đáp với vẻ thích thú, vì đã hơn một lần ông ta nghiêm chỉnh tính chuyện đi tu thay vì vào làm việc trong cơ quan này.
- Được rồi, thế còn Goethe, ông ta định làm gì?
- Ồ, chắc chắn ông ta muốn cứu thế giới, cũng như tất cả chúng ta đều muốn làm điều đó.
- Nhưng bằng cách nào? Thông điệp của ông ta là gì?
- Nhiệm vụ của ông là khám phá điều đó, không phải sao?
- Cho đến bây giờ, Goethe đã cho chúng ta biết những gì rồi? Vì sao người ta không nói gì với tôi cả?
- Ông bạn của tôi ơi, đừng có ngây thơ đến như thế! - Walter kêu lên với vẻ bất bình.
- Ông đã biết tất cả những gì ông phải biết, - Ned lập tức can thiệp với giọng quả quyết và giải hoà. - Ông là sứ giả. Người ta chuẩn bị cho ông làm vai trò ấy, và đó là những gì ông ta mong đợi ở ông. Ông ta đã cho chúng ta biết rằng mọi sự không êm xuôi ở Liên Xô. Ông ta đã phát hoạ bức tranh về sự thiếu tinh thần trách nhiệm ở tất cả các cấp, những sai lầm, thiếu khả năng, việc điều hành không hiệu quả. Có thể ông ta nói đúng, nhưng cũng có thể ông ta bịa đặt ra tất cả, chính ông ta hay một người nào khác. Dù sao thì đây cũng là một vấn đề hết sức khó khăn, làm cho người ta rất hoang mang.
- Nhưng chúng ta, chúng ta có tin những điều đó không? -Barley cố hỏi cho được.
- Tôi sẽ không trả lời câu hỏi đó.
- Vì sao?
- Vì khi bị hỏi cung, người nào cũng nói. Không có các anh hùng nữa. Ông sẽ nói, tôi sẽ nói, Walter sẽ nói, Goethe sẽ nói, thiếu phụ kia cũng sẽ nói, cho nên, nếu người ta nói với ông những gì người ta biết về chúng, người ta có thể làm hỏng các cơ may để do thám chúng. Người ta có biết được những điều bí mật xác thực liên quan đến chúng không? Nếu câu trả lời là không, lúc đó chúng sẽ biết rằng chúng ta thiếu logic tự biện, thiếu trang bị công thức, hay thiếu trạm địa phương tối mật để khám phá ra chúng. Và nếu câu trả lời là có, chúng sẽ có những phương pháp đối phó hữu hiệu để chúng ta không còn có thể do thám chúng nữa.
Barley và tôi chơi một ván cờ.
- Thế là ông nghĩ rằng hôn nhân chỉ có thể xuôi chèo mát mái khi người ta ở xa nhau, phải không? -Barley hỏi tôi, nối tiếp theo cuộc đàm đạo bị bỏ lửng hôm trước.
- Tôi tin chắc là như thế, tôi nhún vai trả lời, rồi tôi lập tức chuyển sang một đề tài ít có tính cách cá nhân hơn.
Tối hôm ấy là đêm chót của Barley ở trong ngôi nhà này. Miss Coad đã đãi một bữa tiệc cá hương. Bob mang đến một chai rượu uýt-ky loại hiếm, và hai chai rượu vang trắng. Nhưng cuộc vui ấy không làm cho Barley thoát khỏi tâm trạng trầm ngâm của ông ta. Chỉ có bài thuyết giảng mãnh liệt cuối cùng của Walter mới kéo Barley ra khỏi uể oải.
- Chìa khoá để giải điều bí ẩn này là cái lý do của nó. Đó là điều chúng ta tìm hiểu. Không phải nội dung mà là lý do. Vì sao? Nếu chúng ta thấy cái lý do ấy làm cho chúng ta có thể tin được, chúng ta sẽ có thể tin cậy ông ta và do đó có thể tin cậy những tài liệu của ông ta gửi cho chúng ta. Khởi đầu không phải là Thiên Chúa, cũng không phải là hành vi, cũng không phải là con rắn quái ác ấy. Vì sao Eve đã hái quả táo? Vì sầu muộn? Vì tò mò? Vì bị mua chuộc? Adam có thúc đẩy nàng làm chuyện đó không? Và nếu không thì một người nào khác? Quỷ sứ luôn luôn được dùng như một cái cớ để bào chữa cho đàn bà. Có phải nàng đã cho một người nao khác mượn tên? Nếu trả lời rằng : "Vì quả táo có sẵn ở đó", thì là một việc quá dễ dàng. Nhưng chắc chắn đó không phải là một lý do đủ đối với Goethe, cũng như đối với chúng ta, nói chi đối với các bạn đồng minh Hoa Kỳ của chúng ta đây, phải không Bobby?
Và vì chúng tôi phá lên cười, Walter nhắm mắt lại và nói tiếp giọng kẻ cả:
- Hãy lấy trường hợp của nàng Katia xinh đẹp làm thí dụ. Vì sao Goethe đã chọn cô ấy? Vì sao ông ta đặt sinh mạng người thiếu phụ vào vòng hiểm nguy? Và vì sao Katia chấp nhận? Chúng ta không biết được điều đó. Nhưng chúng ta phải biết. Chúng ta phải thu thập tất cả các thông tin về người thiếu phụ ấy, vì trong nghề của chúng tôi, người sứ giả mang thông điệp đến chính là thông điệp. Nếu Goethe thành thật, cái đầu của người thiếu phụ ấy đã kê lên máy chém. Đó là điều chắc chắn. Nếu Goethe giả dối, thì người thiếu phụ ấy chơi cái trò gì đây? Có phải các tài liệu ấy là do cô ta bịa đặt ra không? Quả thật cô ta có tiếp xúc với Goethe không? Hay với một người nào khác? Mà người đó là ai? Và rồi có cả ông nữa, ông Barley thân mến ạ - ông ta vừa nói vừa chĩa thẳng ngón tay trỏ về phía Barley -Có phải Goethe đã cho ông là một tên gián điệp? Có phải người ta đã nói cho Goethe biết ông là một tên gián điệp? Ông hãy làm như con kiến. Hãy chất vào lòng tất cả những gì mà ông thu lượm được. Và cầu xin Chúa phù hộ cho ông cũng như cho tất cả những người đã cùng ông đáp trên một chuyến tàu.
Sáng sớm tinh sương hôm sau, chỉ vài giờ trước khi lên đường, Barley mới được quyền đọc qua các tài liệu mà ông ta đã đòi hỏi được xem một cách khẩn thiết: Các quyển sổ tay của Goethe, sao y nguyên bản ở Langley và đóng dấu tuyệt mật, cho đến các tờ bìa bằng các-tông dày, có trang trí những hình vẽ của học sinh Liên Xô.