Đời ảo - Chương 09

Đời ảo - Chương 09

Đời ảo
Chương 09

Ngày đăng
Tổng cộng 27 hồi
Đánh giá 9.1/10 với 23836 lượt xem

Tôi tới nhà bố trong tâm trạng vui vẻ sau cuộc hẹn hò nho nhỏ với Alana Jennings đến mức tôi tưởng như mình đang mặc áo giáp. Giờ thì chẳng có gì ông nói hay làm có thể khiến tôi bận tâm được.
Vừa bước lên nền gỗ nứt nẻ của bậc thềm, tôi đã nghe tiếng họ cãi nhau - giọng the thé, oang oác nghèn nghẹn của bố tôi, càng lúc càng giống chim hơn, và giọng trả lời ầm ầm, trầm và âm vang của Antwoine. Tôi thấy họ trong phòng tắm ở tầng một, căn phòng tràn đầy hơi nước cuồn cuộn bốc lên từ máy hóa hơi. Bố tôi đang nằm sấp mặt xuống ghế dài, cả đống gối dưới đầu và ngực đỡ ông lên. Antwoine đang xoa bóp tấm lưng trần của ông bằng đôi bàn tay to bè, áo y tá xanh nhạt sũng nước. Anh ngước lên khi tôi mở cửa phòng.
“Chào Adam.”
“Thằng chó đẻ này đang cố giết tao,” bố rít lên.
“Đây là cách làm đờm trong phổi ông lỏng ra,” Antwoine nói. “Thứ của nợ đó đóng nhờn nhợt lại vì chỗ lông mao bị hỏng đấy.” Anh tiếp tục công việc, gây ra tiếng đập nhẹ. Lưng bố nhợt nhạt ốm yếu, trắng như tờ giấy, chùng và rũ xuống. Dường như không có tí cơ bắp nào. Tôi vẫn còn nhớ lưng bố từng trông như thế nào lúc tôi còn nhỏ: cơ bắp, gân guốc, trông đến phát sợ. Đây là da dẻ của một ông già, và tôi ước là mình chưa trông thấy.
“Thằng khốn này nói dối tao,” bố nói, giọng nghẹn đi vì đống gối. “Nó bảo tao chỉ đi tắm hơi thôi. Nó không nói nó sẽ đập tao nứt cả đống xương sườn chết tiệt. Chúa ạ, tao phải uống steroid, xương tao giòn tan, thằng da đen khốn kiếp!”
“Này bố,” tôi hét lên, “đủ rồi!”
“Tao không phải là con chó cái trong tù của mày, thằng da đen!”
Antwoine không phản ứng. Anh tiếp tục vỗ lên lưng bố tôi, đều đều và nhịp nhàng.
“Bố,” tôi nói, “người này to con và khỏe hơn bố nhiều. Con không nghĩ làm cậu ấy điên lên là hay đâu.”
Antwoine ngước lên nhìn tôi với đôi mắt ngái ngủ và thích thú. “Này, ngày nào trong tù tôi cũng phải xoay xở với bọn phân biệt chủng tộc Aryan Nation. Cứ tin tôi đi, một lão què lắm miệng chẳng là gì đâu.”
Tôi nhăn mặt.
“Thằng chó đẻ khốn kiếp!” bố rít lên. Tôi để ý thấy ông không dùng từ “thằng da đen” nữa.
Lúc sau, bố lại được đặt ngồi trước ti vi, nối với máy sục khí, ống thông vào mũi.
“Vụ này không nên cơm cháo gì cả,” ông nói, cáu kỉnh với cái ti vi. “Mày thấy đống đồ ăn cho thỏ nó cho tao chưa?”
“Chúng gọi là rau dưa hoa quả,” Antwoine nói. Anh ngồi trên ghế cách đó vài bước. “Tôi biết ông ấy thích ăn gì - tôi thấy trong chạn rồi. Thịt bò hầm của Dinty Moore trong hộp to, xúc xích Viên, xúc xích gan. Chà, tôi còn ở đây thì không đâu. Ông cần ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe, Frank ạ, tăng cường sức đề kháng cho ông. Ông bị cảm, ông sẽ mắc viêm phổi, phải vào bệnh viện, rồi tôi biết làm gì bây giờ? Ông sẽ không cần đến tôi khi ở trong bệnh viện.”
“Trời ạ.”
“Thêm nữa là không uống cô ca. Phải bỏ thứ của nợ đó đi. Ông cần nước, làm giảm nước nhầy đi, không có cafein. Ông cần kali, can xi vì dùng steroid.” Anh chọc chọc ngón tay trỏ vào lòng bàn tay, cứ như thể mình là huấn luyện viên cho nhà vô địch quyền anh thế giới hạng nặng vậy.
“Nếu muốn thì cứ đi mà làm thức ăn cho thỏ, nhưng tao không ăn đâu,” bố nói.
“Thế thì ông chỉ tự giết mình thôi. Ông tốn năng lượng để thở gấp mười lần người bình thường, vậy nên ông phải ăn, lấy sức lực, thêm chút cơ bắp, đại loại thế. Ông mà tiêu tùng khi tôi đang chăm sóc, tôi không chịu trách nhiệm đâu.”
“Làm như mày thực sự quan tâm vậy,” bố nói.
“Ông nghĩ tôi đến đây giúp ông chết à?”
“Tao nhìn thì có vẻ như thế đấy.”
“Nếu tôi muốn giết ông, sao tôi phải chậm rãi mà làm chứ?” Antwoine nói. “Trừ phi ông nghĩ tôi thấy chuyện này vui vẻ. Như là tôi thích chuyện chết tiệt này vậy.”
“Thật là bùng nổ ha?” tôi lên tiếng.
“Ồ này, xem cái đồng hồ trên tay cậu ấy kìa?” Antwoine đột nhiên nói. Tôi quên tháo chiếc Panerai ra. Có lẽ trong tiềm thức tôi nghĩ rằng nó thậm chí không bắt mắt anh ta hay bố tôi. “Cho tôi xem với nào.” Anh bước tới chỗ tôi, kinh ngạc xem nó. “Trời, cái đồng hồ này phải đáng giá năm ngàn đô la ấy chứ.” Anh ta đoán gần đúng giá rồi. Tôi thấy xấu hổ - nó nhiều hơn số tiền anh ta kiếm được trong hai tháng. “Đây là đồng hồ lặn của Ý hả?”
“Ờ,” tôi vội vã đáp.
“Ôi trời, mày đang giỡn tao đấy à,” bố tôi nói, giọng như cái bản lề kẹt gỉ. “Khốn kiếp, tao không tin nổi.” Giờ thì ông cũng trân trân nhìn cái đồng hồ của tôi. “Mày bỏ ra năm nghìn đô cho một cái đồng hồ chết tiệt? Đồ tồi! Mày biết tao phải mửa mật ra thế nào mới kiếm được năm nghìn đô khi tao đang cho mày đi học không? Mày bỏ ra chừng ấy cho một cái đồng hồ khốn kiếp?”
“Đó là tiền của con, bố à.” Rồi tôi yếu ớt nói thêm, “Đó là đầu tư.”
“Thôi đi, vì Chúa, mày nghĩ tao là thằng ngu à? Đầu tư gì chứ?”
“Bố à, là thế này, con vừa được thăng tiến lớn. Giờ con làm ở Hệ thống Trion và kiếm được gấp đôi mức lương làm ở Wyatt, thế được rồi chứ?”
Ông nhìn tôi buốt giá. “Chúng cho mày bao nhiêu tiền mà mày vứt đi năm nghìn chứ - Chúa ạ, tao nói không nổi nữa.”
“Họ trả cho con rất nhiều, bố ạ. Và nếu con muốn vứt tiền của mình đi, thì con sẽ vứt đi. Là con kiếm được cơ mà.”
“Mày kiếm được,” ông mỉa mai nhại lại. “Cứ tự nhiên nếu có bất cứ khi nào mày muốn trả lại tao số...” - ông lấy hơi - “Tao không biết tao đã đổ bao nhiêu vạn đô cho mày rồi nữa.”
Tôi suýt thì nói thẳng ra tôi đã bỏ bao nhiêu tiền cho ông, nhưng tôi ngừng lại kịp thời. Một thoáng thắng lợi không đáng. Thay vì thế tôi nói đi nói lại với mình rằng, đây không phải là bố của mày đâu. Đây chỉ là một phiên bản tranh biếm họa xấu xa của bố, được Hanna-Barbera chuyển thành hoạt hình, bị thuốc prednisone và cả tá chất biến đổi tinh thần làm méo mó không nhận ra nổi. Nhưng dĩ nhiên tôi biết điều đó không đúng lắm, và đây thật ra vẫn là cùng một lão già khốn nạn, chỉ có điều âm đã được vặn to lên vài nấc.
“Mày sống trong thế giới tưởng tượng,” bố tiếp tục nói, rồi thở mạnh. “Mày nghĩ chỉ cần mày mua một bộ comlê hai nghìn đô, giày năm trăm đô và đồng hồ năm nghìn đô là mày sẽ trở thành một đứa trong bọn chúng phải không?” Ông lại hít một hơi. “Được rồi, tao sẽ cho mày biết. Mày đang mặc bộ đồ Halloween chết tiệt, thế thôi. Mày đang hóa trang. Tao nói thế với mày vì mày là con tao và sẽ không ai khác nói thẳng vào mặt mày. Mày chẳng hơn gì con khỉ đột mặc vét tuxedo.”
“Thế nghĩa là sao?” tôi lẩm bẩm. Tôi để ý thấy Antwoine đã ý tứ bước ra khỏi phòng. Mặt tôi đỏ lựng lên.
Ông ấy chỉ là người bệnh thôi, tôi tự nhủ. Ông bị khí thũng ở giai đoạn cuối. Ông đang chết dần. Ông không biết mình đang nói gì đâu.
“Mày nghĩ sẽ có lúc mày trở thành một trong số chúng? Con ạ, mày thích nghĩ thế phải không? Mày nghĩ rằng chúng sẽ nhận mày và cho mày tham gia những câu lạc bộ kín, thịt con gái chúng và chơi pô lô với chúng.” Ông hít vào cả phổi không khí. “Nhưng chúng biết mày là ai và mày đến từ đâu, con trai ạ. Có thể chúng sẽ cho mày chơi trong hộp cát ít lâu, nhưng ngay khi mày bắt đầu quên mất mày thực ra là ai, mẹ kiếp, sẽ có người nhắc cho mày nhớ thôi.”
Tôi không thể nhịn thêm nữa. Ông đang làm tôi phát điên. “Thương trường không như thế đâu bố,” tôi kiên nhẫn nói. “Đó không phải một câu lạc bộ. Đây là chuyện kiếm tiền. Nếu bố giúp họ kiếm tiền, bố thỏa mãn một nhu cầu. Con ở chỗ đó vì họ cần con.”
“Ờ, chúng cần mày,” bố tôi nhại lại, nhả ra từng chữ, gật đầu. “Hay đấy. Chúng cần mày như kẻ muốn đi ị cần giấy vệ sinh thôi, mày hiểu chứ? Rồi một khi chúng lau đít xong, chúng xả nước. Tao bảo mày thế này, tất cả những gì chúng quan tâm là kẻ thắng, và chúng biết mày là đồ thua cuộc thôi, chúng sẽ không cho mày quên điều đó đi đâu.”
Tôi đảo mắt, lắc đầu và không nói gì. Một mạch máu đập ở thái dương.
Ông lại lấy hơi. “Và mày quá ngu xuẩn và tự mãn nên không biết được điều đó. Mày cứ sống trong cái thế giới tưởng tượng chết tiệt, y như mẹ của mày. Nó lúc nào cũng nghĩ mình quá tốt đối với tao, nhưng nó chẳng là cái đinh gì. Nó chỉ mơ tưởng. Và mày cũng chẳng là cái đinh gì. Mày đi học trường dự bị đại học hào nhoáng trong vài năm, và mày có bằng đại học vô dụng và đắt giá, nhưng mày vẫn chẳng là cái đinh gì.”
Ông thở sâu, và giọng dường như dịu đi đôi chút. “Tao bảo mày điều này vì tao không muốn mày bị xéo qua như cách mà chúng đã xéo qua tao, con ạ. Giống như cái trường dự bị đại học chết dẫm đó, cách mà lũ phụ huynh giàu có coi thường tao, như tao không phải trong bọn chúng. Mà, biết không, tao mất ít lâu mới nhận ra điều đó, nhưng chúng đã đúng. Tao không phải trong bọn chúng. Mày cũng vậy, và mày càng sớm đoán ra điều đó, mày càng khá khẩm hơn.”
“Khá khẩm như bố chứ gì,” tôi nói. Nó cứ trượt ra khỏi miệng.
Ông trừng trừng nhìn tôi, mắt sáng rực. “Ít nhất tao biết tao là ai,” ông nói. “Mẹ kiếp, mày chẳng biết mày là ai.”
28
Buổi sáng hôm sau là Chủ nhật, cơ hội duy nhất để tôi ngủ dậy muộn, vì vậy dĩ nhiên Arnold Meacham nhất định phải gặp tôi từ sớm. Tôi trả lời hòm thư hắn dùng hàng ngày, lấy tên “Donnie”, có nghĩa là tôi có điều để báo cáo. Hắn phản hồi lại ngay, bảo tôi đến bãi đỗ xe ở gần một nhà kho vật liệu xây dựng cụ thể vào đúng chín giờ sáng.
Lúc này đã có nhiều người ở đây - không phải ai cũng ngủ dậy muộn vào Chủ nhật - họ mua gỗ, gạch lát sàn, đồ điện, các túi hạt cỏ và phân bón. Tôi ngồi trong chiếc Audi đợi cả nửa tiếng đồng hồ.
Rồi một chiếc BMW 745i màu đen lùi vào chỗ trống bên cạnh tôi, nhìn hơi lạc lõng giữa các xe bán tải và xe SUV. Arnold Meacham mặc áo len đan xanh dương và trông như thể đang đi đâu đó chơi gôn. Hắn ra hiệu bảo tôi vào xe, tôi làm theo và đưa cho hắn một chiếc đĩa CD và một cặp tài liệu.
“Và ở đây có gì?” hắn hỏi.
“Danh sách nhân viên của Dự án AURORA,” tôi nói.
“Tất cả?”
“Tôi không biết. Chí ít cũng là một số người.”
“Sao không phải là tất cả?”
“Đây có bốn mươi bảy cái tên,” tôi nói. “Khởi đầu như thế cũng tươm tất.”
“Chúng ta cần danh sách đầy đủ.”
Tôi thở dài. “Tôi sẽ xem mình làm được gì.” Tôi dừng vài giây, do dự vừa không muốn nói cho gã này biết bất cứ thứ gì tôi không phải nói - tôi càng cho hắn biết nhiều, hắn càng lấn tới - vừa muốn khoe khoang tôi đã tiến xa như thế nào. “Tôi đã có mật khẩu của sếp tôi.” Cuối cùng tôi nói.
“Sếp nào? Lundgren à?”
“Nora Sommers.”
Hắn gật đầu. “Mày đã dùng phần mềm đó?”
“Không, là con Keyghost.”
“Mày sẽ làm gì với chúng?”
“Tìm trong đống thư điện tử lưu trữ. Có lẽ là vào lịch họp của bà ta và tìm hiểu xem bà ta gặp gỡ những ai.”
“Nhỏ nhặt quá,” Meacham nói. “Tao nghĩ đã tới lúc thâm nhập vào AURORA.”
“Giờ quá mạo hiểm,” tôi lắc đầu.
“Tại sao?”
Một người đẩy xe hàng đầy túi phân bón Scott màu xanh đi ngang qua cửa sổ xe Meacham. Bốn năm thằng nhóc chạy loăng quăng đằng sau anh ta. Meacham nhìn sang, bật cho cửa sổ kéo lên rồi quay lại tôi. “Tại sao?” hắn lặp lại.
“Thẻ vào cửa được làm riêng.”
“Trời ạ, bám theo ai đó, trộm một cái thẻ, thế nào cũng được. Tao phải quẳng mày vào lại khóa tập huấn cơ bản à?”
“Họ ghi nhận tất cả lượt vào cửa, và mỗi cổng đều có cửa xoay, vì vậy không thể cứ thế mà lẻn vào được.”
“Còn nhân viên quét dọn thì sao?”
“Cũng có máy quay truyền hình mạch kín ở từng cổng vào. Không dễ như vậy đâu. Ông không muốn tôi bị bắt, không phải lúc này chứ.”
Hắn đành nhân nhượng. “Trời, chỗ đó bảo mật ghê thật.”
“Chắc ông phải học được một hai mánh đấy.”
“Im mẹ đi,” hắn gắt. “Còn hồ sơ nhân sự thì sao?”
“Bên nhân sự cũng được bảo mật rất kỹ,” tôi nói.
“Chỗ đó không giống như AURORA. Nó hẳn phải tương đối dễ dàng. Lấy cho bọn tao hồ sơ nhân sự của bất cứ ai có liên hệ với AURORA về bất cứ mặt nào. Ít nhất là hồ sơ của những người trong danh sách này.” Hắn giơ đĩa CD lên.
“Tôi sẽ thử vào tuần tới.”
“Tối nay đi. Tối Chủ nhật rất hợp để thực hiện điều đó.”
“Ngày mai là ngày quan trọng. Chúng tôi sẽ thuyết trình trước Goddard.”
Hắn tỏ ra ghê tởm. “Cái gì chứ, mày quá bận rộn với công việc vỏ bọc à? Tao mong là mày chưa quên mày thực ra làm việc cho ai.”
“Tôi phải bắt kịp với mọi người. Điều đó quan trọng lắm.”
“Càng có lý do để mày làm việc tại văn phòng tối nay,” hắn nói, và quay chìa khóa khởi động xe.
29
Đầu buổi tối hôm đó tôi lái xe tới trụ sở Trion. Bãi đỗ xe gần như trống không, ở đó có lẽ chỉ còn là bảo vệ, nhân viên ở các trung tâm 24/7 và vài người mê việc như tôi đang giả bộ lúc này. Tôi không nhận ra đại sứ tiền sảnh, một phụ nữ gốc Tây Ban Nha trông không có vẻ vui sướng vì phải ngồi ở đó lắm. Bà ta chẳng thèm nhìn tôi khi tôi đi vào, nhưng tôi vẫn chào, làm bộ như đang ưu tư, hay ngượng ngùng gì đó. Tôi tới lô của mình ngồi làm thật một lát, bảng tính doanh số Maestro theo từng khu vực họ gọi là EMEA, chia ra thành Châu Âu/Trung Đông/Châu Á. Đường đồ thị không tốt, nhưng Nora muốn tôi nắn bóp các con số để lôi ra bất cứ điểm khả quan nào tôi có thể tìm được.
Gần như cả tầng đều tối đen. Tôi thậm chí phải bật đèn ở khu của mình lên. Thật căng thẳng.
Meacham và Wyatt muốn có hồ sơ nhân sự của mọi người trong AURORA. Bọn chúng muốn biết quá trình công tác của từng người một, xem họ được tuyển từ những công ty nào và công việc trước của họ là gì. Đó là một cách hay để tìm hiểu AURORA rốt cuộc là như thế nào.
Nhưng đâu phải tôi có thể cứ thế ung dung đi vào bộ phận Nhân sự, mở vài ngăn kéo ra và giật lên bất cứ hồ sơ nào tôi thích. Bộ phận Nhân sự ở Trion khác với phần lớn các bộ phận khác trong công ty, thực sự áp dụng biện pháp an ninh ngăn ngừa. Dễ thấy nhất là không thể truy cập được vào máy tính của họ thông qua cơ sở dữ liệu chính của tập đoàn; chúng nằm trong mạng riêng biệt. Âu cũng phải thôi - hồ sơ nhân sự chứa đủ loại thông tin cá nhân như bản đánh giá hiệu quả công tác, giá trị tài khoản tiết kiệm cho nghỉ hưu hay quyền chọn cổ phiếu, đại loại thế. Có lẽ bộ phận Nhân sự sợ là phần đông nhân viên sẽ phát hiện ra rằng bộ máy điều hành cấp cao của Trion kiếm được nhiều hơn tất cả như thế nào và rồi náo loạn sẽ bùng nổ ở các khu làm việc theo lô.
Bộ phận Tài nguyên Nhân sự nằm ở tầng ba của Cánh E, cách bộ phận Tiếp thị Sản phẩm mới cả một quãng dài. Trên đường tới đó có nhiều cửa khóa, nhưng thẻ của tôi có lẽ cái nào cũng mở được.
Rồi tôi nhớ ra rằng đâu đó có ghi lại ai vào tại điểm nào, vào lúc nào. Thông tin được lưu trữ, không nhất thiết có nghĩa là ai đó sẽ xem hay lấy nó làm chuyện gì. Nhưng nếu sau này vạn nhất xảy ra rắc rối, thật không hay rằng một đêm Chủ nhật, vì lý do nào đó tôi lại đi từ bộ phận Sản phẩm mới tới bộ phận Nhân sự, rắc sau lưng mẩu vụn bánh mì điện tử suốt cả đường đi.
Vì vậy tôi ra khỏi tòa nhà, đi bằng thang máy xuống và ra bằng một cổng hậu. Mấy hệ thống an ninh này chỉ theo dõi lượt vào chứ không theo dõi lượt ra. Khi đi ra thì không phải dùng thẻ. Có lẽ đây là nguyên tắc an toàn cháy nổ gì đó, tôi chẳng biết. Nhưng như thế có nghĩa là tôi có thể rời khỏi tòa nhà mà không ai biết.
Lúc này ngoài trời đã tối. Tòa nhà Trion bừng lên, lớp vỏ crôm mài của nó sáng lấp lánh, các khung cửa kính thẫm màu xanh. Ngoài này khá yên tĩnh, chỉ thỉnh thoảng có tiếng ô tô vụt qua trên đường cao tốc.
Tôi đi sang Cánh E, nơi này dường như có nhiều chức năng hành chính - bộ phận Mua sắm Trung tâm, Quản lý Hệ thống, đại loại như thế - và tôi thấy ai đó đang bước ra khỏi cửa phục vụ.
“Này, giữ cửa cho tôi với!” tôi hét lên. Tôi vẫy thẻ Trion cho hắn xem, hắn nom như một lao công. “Cái thẻ chết tiệt này không hoạt động được.”
Hắn để cửa cho tôi, không liếc tôi lấy một cái, và tôi bước ngay vào trong. Không bị ghi lại. Cứ theo hệ thống trung tâm thì tôi vẫn còn đang ngồi trên tầng ở lô của mình.
Tôi đi cầu thang bộ lên tầng ba. Cửa vào tầng ba không khóa. Đây cũng có lẽ là nguyên tắc an toàn cháy nổ gì đó: ở các tòa nhà cao trên một mức nhất định nào đó, bạn phải có thể đi từ tầng này sang tầng kia bằng thang bộ, phòng trường hợp khẩn cấp. Có lẽ có tầng đặt trạm đọc thẻ ngay trong lối ra thang bộ. Nhưng tầng ba thì không. Tôi bước thẳng vào khu vực tiếp tân bên ngoài bộ phận nhân sự.
Phòng đợi nhìn đúng kiểu bên nhân sự - cả đống đồ gỗ gụ đắt giá để nói rằng chúng tôi rất nghiêm túc và nơi đây người ta chăm lo về sự nghiệp của anh, và những cái ghế nhiều màu, trông thoải mái và chào đón. Chúng bảo rằng bất cứ khi nào bạn tới bộ phận nhân sự, bạn sẽ phải hạ mông ngồi đó lâu thật là lâu.
Tôi nhìn quanh tìm máy quay truyền hình mạch kín và không thấy cái nào. Cũng không phải tôi nghĩ sẽ có; nơi này đâu phải ngân hàng - hay dự án bí mật - nhưng tôi vẫn muốn đoán chắc. Hay ít nhất cũng là chắc chắn hết mức có thể.
Đèn hơi tối, khiến nơi này trông càng trang nghiêm. Hay là ma quái, tôi không biết nữa.
Tôi đứng đó vài giây, nghĩ ngợi. Không có lao công nào quanh đó để cho tôi vào trong; có lẽ họ sẽ tới vào tối muộn hoặc sáng sớm. Đấy hẳn là cách lọt vào tốt nhất. Thay vì thế, tôi đành phải dùng trò cũ thẻ-của-tôi-không-hoạt-động vậy, nó đã giúp tôi vào được tận đây rồi. Tôi quay ngược xuống thang bộ và ra tiền sảnh bằng lối hậu, một cô đại sứ tiền sảnh với mái tóc dày màu đỏ đồng đang ngồi đó xem tập chiếu lại của phim truyền hình Người độc thân qua một màn hình an ninh.
“Thế mà tôi cứ nghĩ mình là người duy nhất phải làm việc vào Chủ nhật chứ,” tôi nói với cô ta. Cô ta ngước lên, lịch sự cười rồi lại quay lại bộ phim. Tôi trông giống như thuộc về nơi này, tôi có thẻ cặp vào thắt lưng và tôi tới từ bên trong tòa nhà, nên hẳn là tôi có lý do để ở trong thật, phải không? Cô ta không phải mẫu người nói nhiều, nhưng như thế cũng tốt - cô ta chỉ muốn ở một mình để xem Người độc thân. Cô ta sẽ làm bất cứ cái gì để thoát được tôi.
“Này,” tôi nói. “Xin lỗi làm phiền chị, nhưng chị có máy chữa thẻ không? Không phải tôi muốn vào văn phòng của mình đâu, nhưng tôi buộc phải vào nếu không thì mất việc mất, thế mà cái máy đọc thẻ chết tiệt không cho tôi vào. Cứ như thể nó biết tôi lẽ ra nên ở nhà xem bóng bầu dục, chị biết đấy.”
Cô ta mỉm cười. Có lẽ là cô ta không quen bị nhân viên Trion để ý. “Tôi hiểu ý anh,” cô ta nói. “Nhưng xin lỗi anh, cô chữa thẻ mai mới tới cơ.”
“Ôi trời. Thế tôi làm thế nào vào được đây? Tôi không đợi đến mai được. Chết mất rồi.”
Cô ta gật đầu, nhấc tai nghe lên. “Stan,” cô ta nói. “Anh ra đây giúp chúng tôi được không?”
Stan, nhân viên bảo vệ, tới vài phút sau. Hắn khoảng năm mươi, nhỏ con, rắn chắc, ngăm đen với mái tóc đen bóng thấy rõ là giả, rìa là tóc thật đã ngả bạc. Tôi không bao giờ hiểu nổi tại sao lại chuốc phiền đội tóc giả làm gì nếu bạn không chịu thỉnh thoảng sửa sang một lần cho nó chí ít cũng hơi hơi giống thật. Chúng tôi đi thang máy lên tầng ba.
Tôi huyên thuyên với hắn mấy chuyện nghe phức tạp về hệ thống thẻ có cấp bậc riêng của bộ phận Nhân sự, nhưng hắn không quan tâm lắm. Hắn muốn nói chuyện thể thao, cái này thì tôi làm được, không khó gì. Hắn thất vọng với đội Denver Broncos, và tôi giả vờ như tôi cũng thế. Khi chúng tôi lên tới bộ phận Nhân sự, hắn lấy thẻ của mình ra, có lẽ nó sẽ cho phép hắn vào bất cứ đâu hắn làm việc trong phần này của tòa nhà. Hắn vẫy nó trước máy đọc thẻ. “Đừng làm việc quá sức nhé,” hắn nói.
“Cảm ơn ông anh,” tôi nói.
Hắn nhìn sang tôi. “Anh nên chữa cái thẻ đó đi.”
Và tôi vào trong.
30
Khi đã đi qua khu vực tiếp tân, bộ phận nhân sự trông giống như mọi văn phòng đáng nguyền rủa khác ở Trion, vẫn cùng một kiểu bài trí lô làm việc giống nhau. Đèn huỳnh quang trên đầu đã tắt, chỉ đèn khẩn cấp là còn bật. Theo những gì tôi thấy khi đi quanh, tất cả các khoang đều không người, các phòng cũng vậy. Không phải mất nhiều thời gian để tìm ra các bản ghi được lưu trữ ở đâu. Ở giữa tầng là những hồ sơ màu be xếp ngang, tạo thành những lối đi hình kẻ ô.
Tôi đã tính làm vụ gián điệp này hoàn toàn trực tuyến, nhưng không có mật mã của bộ phận Nhân sự thì chẳng làm gì được. Dù vậy khi đang ở đây, tôi nghĩ mình sẽ để lại một thiết bị ghi nhận phím gõ. Sau này tôi có thể quay lại lấy nó. Hãng Viễn thông Wyatt mới là kẻ chi trả cho mấy món đồ chơi đó chứ không phải tôi. Tôi tìm một khoang làm việc và cài đặt thiết bị.
Còn giờ, tôi phải cắm rễ xung quanh mấy ngăn hồ sơ, tìm hiểu về những người ở dự án AURORA. Và tôi phải hành động thật nhanh - càng ở đây lâu, tôi càng dễ bị bắt.
Câu hỏi là: chúng được sắp xếp như thế nào? Theo bảng chữ cái, theo tên? Theo số thứ tự của nhân viên? Càng nhìn vào nhãn của các ngăn hồ sơ, tôi càng nản chí. Gì chứ, chẳng lẽ tôi lại nghĩ là mình cứ thế lướt vào, kéo mở một cái cửa rồi lôi ra vài hồ sơ sáng giá sao? Có hàng dãy ngăn kéo tựa đề QUẢN LÝ PHÚC LỢI và LƯƠNG HƯU/TRỢ CẤP HÀNG NĂM/NGHỈ HƯU và HỒ SƠ NGHỈ VÌ ỐM ĐAU, NGHỈ HÀNG NĂM VÀ CÁC LOẠI KHÁC; rồi các ngăn tựa YÊU SÁCH VÀ BỒI THƯỜNG CHO CÔNG NHÂN VIÊN và YÊU SÁCH, TRANH CHẤP; một khu vực gọi là HỒ SƠ NHẬP CƯ VÀ NHẬP QUỐC TỊCH... và cứ thế cứ thế. Tê liệt cả đầu óc.
Chả biết tại sao một bài hát ngớ ngẩn từng một thời thịnh hành tự dưng vang lên trong đầu tôi - bài Đoàn người đang chạy, của Paul McCartney trong thời gian bất hạnh ở ban nhạc Wings. Một bài hát tôi thực sự căm ghét, nó tồi tệ hơn bất cứ bài gì của Celine Dion. Giai điệu khó chịu nhưng dễ nhớ, như bệnh viêm kết mạc vậy, và lời chẳng có nghĩa gì hết. “Một cái chuông đang reo lên tại quảng trường của ngôi làng, vì đám thỏ đang chạy!” Ừm, thôi được rồi.
Tôi thử một ngăn hồ sơ, và dĩ nhiên là nó bị khóa; ngăn nào cũng thế. Mỗi tủ hồ sơ có khóa ở trên đỉnh, và chúng phải có chung chìa khóa. Tôi tìm bàn của nhân viên hành chính, bài hát chết tiệt đó vẫn quanh quẩn trong đầu... “Vị quan tòa địa phương... nuôi lòng đố kỵ”... còn tôi thì vẫn tìm bàn của nhân viên hành chính, và hẳn rồi, chìa khóa cho đống hồ sơ đang ở đó, mắc vào vòng chìa khóa cắm trên một ngăn kéo không khóa ở phía trên dãy trung tâm. Chà, Meacham nói đúng; chìa khóa luôn luôn dễ tìm. Tôi chọn xem những hồ sơ nhân sự sắp xếp theo bảng chữ cái.
Chọn một cái tên từ danh sách AURORA - Yonah Oren - tôi nhìn dưới vần O. Không có ai. Tôi lại tìm tên khác - Sanjay Kumar - và cũng không thấy ai. Tôi thử Peter Daut: không có. Lạ thật. Để cho chắc chắn, tôi tìm các tên đó trong ngăn CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM, TAI NẠN. Vẫn không có. Với các hồ sơ lương hưu cũng vậy. Thực ra cho đến giờ thì tôi không tìm thấy gì ở bất cứ hồ sơ nào.
“Gã cai tù và Thủy thủ Sam...” Đúng là tra tấn bằng nước kiểu Trung Quốc mà[11] - lời bài hát nhạt phèo đó có nghĩa gì chứ? Liệu có ai hiểu nổi không?
Có một điều lạ lùng rằng ở nơi lẽ ra phải có các hồ sơ thì dường như lại có những khoảng trống nhỏ, những chỗ xếp lỏng, như thể là hồ sơ đã bị lấy đi. Hay chỉ do tôi tưởng tượng ra thôi? Lúc sắp bỏ cuộc đến nơi, tôi đi thêm một vòng quanh những dãy tủ hồ sơ, và rồi tôi để ý thấy một hốc tường - một phòng mở riêng biệt gần dãy ô tủ hồ sơ. Một tấm biển trước lối vào ghi rằng:
HỒ SƠ NHÂN SỰ MẬT -
CHỈ ĐƯỢC TIẾP CẬN KHI CÓ SỰ CHẤP THUẬN TRỰC TIẾP
TỪ JAMES SPERLING HOẶC LUCY CELANO.
Tôi bước vào hốc tường và nhẹ cả người khi thấy ở đây mọi thứ đơn giản hơn: các ngăn được xếp theo số phòng ban. James Sperling là giám đốc Nhân sự và Lucy Celano, như tôi biết, là trợ lý hành chính của ông ta. Tôi mất vài phút để tìm ra bàn của Lucy Celano, và có lẽ là thêm ba mươi giây để tìm chùm chìa khóa (ở ngăn tủ bên phải phía dưới).
Rồi tôi quay trở lại các tủ hồ sơ bị hạn chế và tìm ngăn tủ có số phòng ban, bao gồm cả dự án AURORA. Tôi mở khóa tủ hồ sơ và kéo nó ra. Một tiếng cạch như kim loại va chạm vang lên, như thể một bánh xe nhỏ nào đó đằng sau ngăn tủ vừa rơi xuống. Tôi tự hỏi không biết bao lâu mới có ai đó thực sự tìm vào các ngăn tủ này. Có phải họ hầu như làm việc với các hồ sơ trực tuyến, và giữ bản cứng chỉ vì lý do pháp lý và kiểm toán không?
Rồi tôi chứng kiến một điều thật kỳ quái: tất cả các hồ sơ của bộ phận AURORA đã biến mất. Tôi muốn nói là có khoảng trống khoảng hai hay ba gang tay giữa số trước và số sau. Ngăn tủ bị trống một nửa.
Các hồ sơ của AURORA không còn nữa.
Trong giây lát, tim tôi như ngừng đập. Tôi thấy nhẹ bỗng cả đầu.
Ở một góc xa tầm mắt, tôi thấy ánh sáng chói lòa bắt đầu chớp nháy. Đó là một trong những chiếc đèn xenon nhấp nháy báo khẩn cấp treo cao trên tường, gần trần nhà, ngay bên ngoài hốc tường. Vì chuyện quái quỷ gì chứ? Và vài giây sau, tiếng chuông báo động vang lên, to tới không tin nổi, khàn khàn những tiếng hoét, hoét.
Không biết làm sao tôi đã khởi động hệ thống phát hiện xâm nhập, chắc chắn là để bảo vệ những hồ sơ mật này.
Tiếng chuông báo động to tới mức bạn có lẽ sẽ nghe thấy nó xuyên suốt cả khu nhà.
Chú thích
[11] Hình thức tra tấn bằng cách nhỏ nước thẳng xuống đỉnh đầu trong thời gian dài làm nạn nhân hóa điên.

Chương trước Chương sau