Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 21
Điệp viên giữa sa mạc lữa
Chương 21
Ngày đăng 29-12-2015
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 8.1/10 với 58922 lượt xem
Như đã bàn với Lê Nguyên Vũ tại Lái Thiêu, thiếu tướng Mai Hữu Xuân không chờ xong tang lễ đại tá Hoàng Thụy Năm, đã cử thiếu tá Thăng đi tìm thiếu tá Ngô Kim Long tùy viên thông dịch của đại tá Năm. Tướng Xuân tin chắc rằng, thiếu tá Long đã từng phục vụ dưới quyền ông, tình thầy trò còn đủ tin cậy, anh ta sẽ cung cấp cho ông đầu mối về hoạt động của đại tá Năm trong ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến. Tướng Xuân không quá ngạc nhiên khi nhận được tin bước đầu: Thiếu tá Long đã bị thuyên chuyển về quân đoàn 4 ở Cần Thơ, dưới quyền tướng Huỳnh Văn Cao mới được vài tuần. Càng tin tưởng hướng điều tra này là chính xác, tướng Xuân khuyên khích thiếu tá Thăng nhanh chóng bám sát mục tiêu.
May mắn thay, Thăng đã kịp gặp thiếu tá Long, trao đổi trọn một buổi chiều, nhưng ngay đêm đó Long đã chết. Ban an ninh Quân đoàn 4 báo về Sài Gòn, thiếu tá Long đã tự tử bằng chính khẩu súng của anh ta. Đạn xuyên thái dương, nguyên nhân do xung đột vợ con trong gia đình. Vừa nhận xác chồng về, vợ thiếu tá Long bèn khiếu oan với Tòa án đệ đơn lên Quốc hội, tới cả tổng thống, rằng chồng bà bị mưu sát! Báo chí được dịp tung tin. Trả lời phỏng vấn, vợ thiếu tá Long thuyết phục được dư luận: Chồng bà là người tu xuất gia đình gốc đạo, đức tin truyền đời, biết giữ điều răn Thiên Chúa nên không tự hủy mình, chuốc tội như vậy. Bài phóng sự giật gân chỉ lọt lưới kiểm duyệt một kỳ rồi im lặng.
Phần thiếu tá Thăng dù chỉ tiếp xúc với Long một buổi nhưng đã mang về cho thiếu tướng Xuân khá nhiều chứng cớ, đặc biệt là bức thư tay của thiếu tá Long kể lại chi tiết hai buổi gặp gỡ giữa đại tá Năm với trưởng phái đoàn Ba Lan thuộc ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến, cả hai trao đổi về việc cố vấn Ngô Đình Nhu sẵn sàng thương thảo với Hà Nội. Tướng Xuân rất bằng lòng với mình, chính ông ta đã tìm ra nguyên nhân đưa đại tá Năm đến cái chết. Tướng Xuân đã hoàn thành hồ sơ vụ án, nhưng quyết định không trình lên bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, mà tự tay giao hồ sơ cho Tổng giám đốc An ninh quân đội. Xuân nghĩ, nếu lộ ra, Xuân có cớ nói cần giao lại cơ quan đủ chức năng thẩm tra để kết luận. Nhưng tướng Xuân đã nói thẳng với đại tá Đỗ Mậu:
- Đại tá Hoàng Thụy Năm, sĩ quan cao cấp của quân lực Việt Nam Cộng hòa, lại là bạn từng chiến đấu chung chiến hào của tôi và cả của đại tá đã bị những người chúng ta "tôn thờ" giết chết. Hồ sơ này có đủ chứng cớ, đại tá Năm mất mạng vì đã cáo giác với CIA về âm mưu của tổng thống Diệm và cố vấn Nhu muốn bắt liên lạc với Cộng sản Hà Nội, chống Mỹ. Tôi quả không cam lòng về cái chết oan ức của một sĩ quan cao cấp, một chiến hữu thân thiết, chắc chắn đại tá cũng nghĩ vậy. Thời điểm này, chúng ta chẳng làm gì được dù đã tìm ra nguyên nhân, đã biết được thủ phạm là ai. Món nợ lương tâm, tạm gác?
Đỗ Mậu kể tỉ mỉ buổi gặp gỡ trao đổi với tướng Mai Hữu Xuân cho Vũ nghe, rồi ngồi chết lặng để nghe Vũ kể lại việc cố vấn Ngô Đình Nhu cử linh mục Bửu Dưỡng đại diện cho ông ta qua Paris gặp đại diện của Hà Nội. Đại sứ Lalouette làm môi giới, tất nhiên vì quyền lợi của Pháp nên khá tích cực. Đỗ Mậu nhảy nhổm, thét lên:
- Anh em Diệm đã phản bội chúng ta. Họ âm mưu bán đứng đất nước này cho Cộng sản. Thật bất nghĩa, bất nhân. Chẳng còn nghi ngờ chi nữa, chúng ta phải tự cứu thôi.
Thái độ dứt khoát của đại tá Mậu đến tai toàn nhóm Tâm huyết ly khai rất nhanh, rồi từ đây vọng đến các nhân sĩ các chính trị gia đảng phái chống Cộng. Trong những cuộc bàn thảo nội bộ, người ta không còn tách rời cố vấn Nhu với tổng thống Diệm nữa mà gộp chung "Anh em ông Diệm". Uy tín Tổng thống Diệm lao xuống rất mau, một vài người châm biếm mỉa mai khi phải nhắc đến ông Diệm, bóp méo khẩu hiệu "Ngô tổng thống muôn năm" ra "Ngô tổng thống muốn nằm". Bác sĩ Trần Kim Tuyến chỉ huy Phủ đặc ủy tình báo, cái bóng quyền lực khủng khiếp của cố vấn Nhu, có lần cười buồn thú với Vũ:
- Cả năm rồi, tôi biến thành thuộc viên của Dương Văn Hiếu. Cố vấn Nhu chỉ gặp tôi dăm ba lần để sai vặt. Anh biết không? Công việc chính của tôi bây giờ là nhận nhiệm vụ của CIA theo dõi ngược lại vợ chồng Ngô Đình Nhu. Tôi làm tận tình đấy, để đánh đổi sự bảo đảm của trung tá Conein cho tính mạng của vợ con và của chính tôi. Còn một ngày ở cạnh ông Nhu, tính mạng tôi còn treo bằng sợi chỉ. Tôi hy vọng ông Nhu chấp nhận cho tôi ra nước ngoài. Lạy Chúa? Xin cho con được bằng an trong vòng tay của đức Mẹ nhân từ.
Rõ ràng Tuyến đã bị loại, bị rúng động trước những cái chết, nhất là cái chết của đại tá Hoàng Thụy Năm. Vũ nhớ lại trong đám tang Hoàng Thụy Năm, người ta làm đúng như lệnh của tổng thống, có xe kéo pháo đặt quan tài, quốc kỳ phủ linh cữu, đại diện các binh chủng, các tướng lãnh tham dự, nhưng tất cả không quan tâm đến tiếng loa phát bài điếu văn kích động căm thù Cộng sản noi gương tinh thần hy sinh vì Tổ quốc của cố đại tá mà người ta chỉ quan tâm lắng nghe tiếng thì thầm truyền miệng: "Anh em ông Diệm" muốn rửa hai bàn tay vấy máu, dù đã được bọc lớp nhung đen. Thành Minh sau khi nghe báo cáo của Vũ, về diễn biến trong nội bộ đảng Cần Lao Trung ương, trong hàng ngũ tướng lãnh quân lực Việt Nam cộng hòa, với vẻ trang trọng ông ngửa bàn tay dùng ngón tay cái bấm như kiểu Gia Cát Khổng Minh:
- "Lưu liên" chiếu "đại an", "Xích khẩu" xâm "Tiểu cát", đạt đến "không vong"...
Cả hai không nhin được cười, nhưng ngay sau đó Thành Minh lấy lại vẻ nghiêm nghị, nói chậm rãi:
- Chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội bằng vàng này, nhóm Đỗ Mậu, Võ Văn Trưng sẽ bén nhạy tận dụng khai thác vụ Nhu "ve vãn Hà Nội". Thật giả không cần biết, nhưng chứng cớ là có thật, tự nó tạo cơ hội cho nhóm Cần Lao ly khai quy tụ thêm lực lượng. Họ sẽ hè nhau giương lưỡi hái của tử thần trên đầu anh em Nhu-Diệm. Cậu nghĩ coi, nếu vài năm trước cuộc đảo chánh mà Nhu-Diệm xin hợp tác với Hà Nội để cùng chống Mỹ thì dù chưa thật sự giác ngộ quyền lợi dân tộc họ vẫn còn hy vọng tồn tại. Hồi đó, uy thế của anh em Diệm đang vững vàng, thực lực nắm được trong tay, đủ sức chế ngự bọn chống cộng của Mỹ, và thuyết phục lớp cơ hội nghe theo. Còn lúc này, Nhu-Diệm còn gì nhỉ? Mỹ nghi ngờ, đa số tướng lĩnh quay lưng, mà Nhu đưa ra kế hoạch "ve vãn Hà Nội " không khác nào tạo cớ hợp lý cho Mỹ thay ngựa, cho đối lập quyết tâm hơn. Nhu-Diệm không phải đi, mà là chạy, đang chạy cuống cuồng đến cửa huyệt đấy.
°
Đến cuối năm 1961 bác sĩ Trần Kim Tuyến giám đốc Sở nghiên cứu chính trị, tiền thân là cơ quan mật vụ, chỉ còn hữu danh vô quyền. Sau sáu năm nắm trong tay một tổ chức siêu quyền lực công cụ ghê gớm, bảo vệ chế độ trấn áp mọi phe phái đối lập. Hồi ấy Tuyến nắm toàn quyền điều phối ba hệ thống mật vụ hợp đồng rất chặt chẽ là Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của Dương Văn Hiếu, lực lượng cảnh sát đặc biệt của Trần Bá Thành, và các tiểu đoàn đặc nhiệm chống đảo chính của Lê Quang Tung. Nhưng từ sau chính biến Thi-Đông, Dương Văn Hiếu được Nhu nâng lên Phó Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia, nắm cả đoàn công tác đặc biệt miền Trung lẫn lực lượng cảnh sát đặc biệt. Hiếu nhận lệnh trực tiếp của cố vấn Nhu và giám đốc Tổng Nha Nguyễn Văn Y, mặc nhiên Tuyến mất quyền chi đạo. Lực lượng đặc biệt của đại tá Lê Quang Tung đã hợp thức hóa thành quân chính quy của Bộ quốc phòng, có sự viện trợ đặc cách của Bộ tư lệnh Mỹ tại Sài Gòn, cũng tự nhiên nằm ngoài ảnh hưởng của bác sĩ Tuyến. Chức năng của Lê Quang Tung đặc trách chống đảo chánh trong hệ thống tổ chức của bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần.
Xem xét lại toàn bộ sự phân công mới, Lê Nguyên Vũ xác nhận lời phàn nàn của bác sĩ Tuyến là đúng sự thật. Anh quan tâm đến hiện tượng phân hóa mỗi ngày thêm trầm trọng, giữa hai thế lực có lực lượng vũ trang tương đương. Một bên, Tổng nha An ninh quân đội có Nha An ninh, Quân khu Thủ đô cùng bốn quân khu địa phương, các đơn vị có lực lượng an ninh gọi là phòng hai quân báo. Bên kia gồm lực lượng của Nguyễn Văn Y, Dương Văn Hiếu và Lê Quang Tung. Cả hai tuy cùng danh nghĩa bảo vệ sự sống còn của chế độ, nhưng đang ngấm ngầm đối đầu nhau, chỉ có điều anh em ông Diệm chưa lường hết mối nguy hiểm này. Mới cách đây vài ba tháng đã xảy ra năm vụ giết người. Năm nhân viên của Dương Văn Hiếu xâm nhập vùng kiểm soát của An ninh quân khu Thủ đô đã bị sát hại. Thiếu tá Trần Văn Thăng học được cách làm của Hiếu, gài lên xác mỗi nạn nhân một bản án của Việt cộng.
Hiếu biết vậy nhưng dễ gì chứng minh, đành im lặng, vả lại Hiếu sợ Diệm-Nhu cho là bất lực về trật tự an ninh. Đại tá Đỗ Mậu cũng biết rõ vụ thanh toán là do sĩ quan thuộc quyền, nhưng không la rầy khiển trách mà chỉ im lặng, một cử chỉ ngầm khuyến khích.
Vũ nghĩ, hai đối thủ đã xắn tay áo hè nhau nhảy lên vũ đài. Đại tá Đỗ Mậu tỏ ra tự tin vì phía sau ông ngày càng có thêm tướng tá nắm các quân binh chủng. Kể tháng chứ không tính năm, bản danh sách được điền thêm tên những người tự nguyện tham gia "cách mạng". Căn biệt thự số 11 đường Gia Long, tư gia của Tổng giám đốc Nha an ninh quân đội Đỗ Mậu, lúc này là vị trí an toàn không thua dinh Độc lập. Mọi người coi đây là căn cứ chỉ huy đầu não, bộ tham mưu của lực lượng tâm huyết, ly khai chế độ Diệm-Nhu. Phía hướng ra sông có lực lượng an ninh hải quân án ngự, mặt sau biệt thự, thiếu tá Trần Văn Thăng cho từng nhóm an ninh quân khu thủ đô chia ô đóng chốt. Các chính khách tướng tá đến họp hành bí mật, rất yên tâm không bị mật vụ Ngô Đình Nhu nhòm ngó. Mọi di chuyển của đại tá Đỗ Mậu đều được bảo vệ tối đa, nhất là trong khu vực quanh văn phòng Tổng nha an ninh, từ các ngã tư dọc Hai Bà Trưng, rồi các ngã ba phía công binh xưởng Hải quân đều có bố trí quan sát thường trực. Chính năm thủ hạ của Dương Văn Hiếu đã mất mạng ở vùng này. Vũ có phần lo ngại, khi cả Trần Kim Tuyến lẫn Đỗ Mậu đều chủ quan khinh suất. theo anh an toàn của cả hai nhân vật này là nhờ CIA, đại tá Colby và trung tá Conein đã trực tiếp bảo vệ, nên Nhu chưa dám đụng tới.
Một buổi chiều, sau giờ tan sở, đại tá Mậu giữ Vũ ngồi lại và cho anh biết, ông ta có hẹn tiếp một chính khách ở ngoài Trung vào, muốn Vũ về ăn cơm với ông rồi cùng dự gặp. Nhân vật này, theo ông Mậu, cả Nhu lẫn Cẩn đều coi là kẻ thù nguy hiểm, có ý chờ cơ hội loại trừ từ lâu nhưng vì uy tín, vì không có chứng cớ phạm pháp, nên họ chưa làm gì được. Đỗ Mậu kể thêm:
- Hồi tôi còn là Tư lệnh vùng duyên hải rồi bí thư tỉnh Đảng bộ Khánh Hòa của đảng Cần Lao Nhân Vị, ông ta là kẻ thù của chính phủ, của Nhu và Cần, mặc nhiên tôi đặt ông ta ở phía đối thủ của Đảng. Nay tình thế đã thay đổi rồi, ông ta thừa nhận chỉ chống gia đình họ Ngô, không chống chế độ quốc gia. Với quan điểm đó, ông ta trở thành bạn tốt của tôi, cũng là của chúng ta. Tháng vừa rồi cụ Hà Huy Liêm mời tôi cùng ra Qui Nhơn dự cuộc gặp mặt với cả chục nhân sĩ trí thức, tất cả đều là thành viên lãnh đạo của đảng Đại Việt miền Bắc, đảng Quốc Dân Quảng Đà. Hai đảng đã hợp nhất lấy đảng danh là Đại Việt Quốc Dân Đảng. Tình hình ngoài đó hoạt động rất mạnh, phát triển được vài nghìn đảng viên. Họ tin tôi, thông báo cho biết có vài trăm đảng viên là cấp sĩ quan chỉ huy trong quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nhân vật mà chúng ta đón tối nay chính là cụ Nguyễn Văn Lực, ngang tầm cỡ với Nhất Linh Nguyễn Trường Tam thuộc Trung ương Quốc dân Đảng, và là bạn thân thiết của cụ Nguyễn Xuân Chữ, lãnh tụ đảng Đại Việt. Thời Pháp, cụ Lực hoạt động ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Kiến An, danh tiếng rất nổi. Đã có vài ba năm cụ hợp tác với Ngô Đình Nhu. Hồi đó Quốc Dân Đảng phát triển mạnh ở vùng công giáo Bùi Chu, Phát Diệm, qua linh mục Nguyễn Văn Dũng, hiện nay là Chánh xứ nhà thờ Ba Ngôi, cụ Lực đã từng tích cực trong kế hoạch vận động cho Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh, lật đổ Bảo Đại. Nhưng khi anh em ông Diệm củng cố được quyền lực vững rồi, Ngô Đình Cẩn quay mặt tàn sát hết lực lượng Quốc dân Đảng ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, quét sạch chiến khu Ba Lòng của Đại Việt, cụ Lực thoát hiểm nhờ công lao quá lớn với chế độ nên cả ông Diệm lẫn ông Nhu kịp chặn tay Cẩn. Từ đó cụ Lực góp nhặt từng người tập họp lực lượng chờ thời, cụ tiên liệu những hành động bất nhân sẽ mất lòng dân, họ Ngô sớm muộn cũng nhận lấy luật gieo gió gặt bão. Có thể nói trong lực lượng chống Diệm, không ai kiên nhẫn, quyết liệt như cụ Lực. Cụ đã giới thiệu với tôi ba con trai của cụ hiện đang tại ngũ là đại úy Nguyễn Văn Tâm phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu, trung úy Nguyễn Văn Đính ở Ban tác chiến không quân, trung úy Nguyễn Văn Cử phi công chiến đấu. Rất giống cha, cả ba vừa trẻ vừa dũng cảm hơn người. Hôm nay cụ Lực gặp chúng ta chắc để bàn kế hoạch hành động, mà cụ rất tin sẽ thành công. Lát nữa cụ Lực lại, chúng ta sẽ nghe cụ trình bày, cụ đã nói trước rằng, cần phải có sự hợp đồng của chính tôi mới thực sự hoàn chỉnh kế hoạch.
Vũ như say như mê, khi lắng nghe Đỗ Mậu kể. Anh cảm thấy như được biểu dương công trình vận dụng trí tuệ suốt một năm dài anh quên ăn mất ngủ. Nghe như có một dòng chảy của thành quả công tác thấm vào tâm hồn theo từng diễn biến trong câu chuyện của vị đại tá. Cảm xúc này, anh nghĩ, chắc chỉ có được với những chiến sĩ tình báo chiến đấu trực diện ngay trong lòng địch.
Cả hai đang uống cà phê sau bữa ăn thì Nguyễn Văn Lực đến. Tuổi cổ lai hy, râu tóc dù đã bạc, nhưng cụ Lực còn đầy vẻ quắc thước, tráng kiện với nước da miền biển ửng nâu. Ông cụ thật đẹp lão giọng nói sang sảng mạnh hơi, thường có ở những người nóng nảy, tự tin:
- Anh em ngoài đó cử tôi vào trình bày công việc với đại tá..
Ông nhấn mạnh tiếng "đại tá", ngừng lại, nhìn qua Vũ vẻ ngần ngại. Đại tá Mậu mỉm cười vui vẻ:
- Xin cụ yên tâm, ông Vũ phụ tá của Tổng nha, cũng là bạn tâm huyết của anh em chúng tôi trong này.
Cụ Lực khẽ gật đầu, nói tiếp:
- Cám ơn hai vị. Đây là kế hoạch được toàn thể anh em chúng tôi đánh giá cao. Nhưng muốn thành công phải giữ được bí mật đến phút chót mới tạo được cú bất ngờ. Bằng không, nếu đối thủ phát hiện, không chỉ thất bại, mà tính mạng của nhiều người chắc là khó bảo toàn được. Như lần trước ra Qui Nhơn, đại tá đã tiếp xúc với các ông Nguyễn Xuân Chữ, Vũ Ngọc Các, Phan Xứng, Nguyễn Quốc Sủng, Phan Thành Giang, Trần Ngọc Ninh, Tạ Nguyên Minh, Nguyễn Mậu. Sau đó anh em đã bắt tay vào công cuộc vận động tập hợp lực lượng. Kết quả thật ngoài dự kiến của chúng tôi, đa số nhân sĩ trí thức miền Trung đều hăng hái hợp tác, vì không ai không căm hờn Ngô Đình Cẩn. Điều đáng mừng là các vị lãnh đạo Hội Phật Học Việt Nam cùng giới tăng ni phật tử, ở Huế, Nha Trang rất mạnh, đều tình nguyện hợp đồng hành động. Tại Huế, hai hòa thượng Thích Đôn Hậu chùa Diệu Đế, Thích Tịnh Khiết chùa Từ Đàm, các thượng tọa tên tuổi như Mật Nguyện chùa Linh Quang, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh là những thượng tọa trẻ đầy nhiệt huyết. Thượng tọa Thích Trí Thủ, hội trưởng Phật học Khánh Hòa có cả ngàn học trò trong tỉnh và rải khắp số tỉnh phía nam Trung Việt. Nói đến chống gia đình họ Ngô tàn bạo, tất cả hứa tham gia. Lực lượng chính trị, quần chúng đã khá mạnh. Chúng tôi còn đi vận động số con em là sĩ quan binh sĩ, đặt làm các đầu mối trong các đơn vị quân lực. Hy vọng có số đơn vị tình nguyện tham gia hành động.
Chúng tôi tin chắc, ít ra khi tình hình diễn biến thuận lợi, sẽ có những đơn vị cấp tiểu đoàn, cả trung đoàn án binh bất động, và khi thấy chiều hướng chúng ta thắng, họ theo ngay...
Căn phòng im ắng, chỉ nghe tiếng quạt máy rất nhỏ khi cụ Lực ngừng nói. Đỗ Mậu nâng tách trà nóng trao cho vị chính khách mà vẻ nồng nhiệt còn rạng rỡ trên gương mặt. Chỉ hớp một hớp nhỏ, cụ Lực đặt tách xuống, nhìn Đỗ Mậu:
- Còn tình hình trong Nam, lần trước đại tá thông báo đang mạnh dần theo thời gian, đặc biệt là lực lượng quân sự. Trước thắng lợi đó, chính tôi mạnh dạn dự tính sớm có một kế hoạch hành động quyết định. Con trai tôi, trung úy phi công Nguyễn Văn Cử, với vài người bạn phi công tâm huyết sẽ lợi dụng cơ hội đi oanh tạc vùng địch, bất ngờ chuyển hướng tấn công dinh Độc Lập, chỉ một phi đoàn đủ sức vùi hai anh em Diệm dưới làn bom. Lòng dân đã căm thù Ngô triều, và sẽ không còn ai tiếp tay bọn tôi tớ họ Ngô ngăn cản chúng ta dành quyền lãnh đạo quốc gia. Chúng ta sẽ lập một chính quyền quy tụ đủ nhân tài, chế độ sẽ đủ mạnh đập tan bọn Việt cộng ở trong Nam, tiến tới giải phóng miền Bắc, điều này chẳng khó khăn gì khi có Mỹ tận tình viện trợ.
Nguyễn Văn Lực nói một mạch không dứt. Sự quyết liệt thể hiện trên nét mặt ửng đỏ, sợi gân máu nổi rõ trên vừng trán, trên cần cổ còn chắc nịch. Ông, dưới đôi mắt tinh tường không mang kính, nhìn đại tá Mậu, rồi Vũ. Đón lấy ly cà phê nóng do Mậu kính trọng trao tận tay, ông nhấp một ngụm rồi tiếp:
- Thằng trung úy Cử con trai tôi đã từng học ở Mỹ, nay là phi công tổ trưởng một phi đội oanh tạc cơ vẫn thường đi thả bom vùng khu bốn Việt cộng. Có lần nó hỏi tôi, nếu có một phi vụ như thế, nó sẽ lợi dụng đổi hướng quay lại đổ hết bom xuống dinh Độc Lập thì có thanh toán được các ông Diệm, Nhu chăng? Tôi nghĩ ngay đó là giải pháp tốt nhất, nhanh nhất để cứu nguy cho chính thể cộng hòa. Đại tá, ông phụ tá nghĩ thế nào, bởi tôi không thông thạo việc quân sự, nên không dám nói chỉ một phi đội oanh tạc cơ của con tôi và bạn bè nó đủ để loại trừ anh em Diệm Nhu chưa? Bọn con tôi cũng có sẵn quyết tâm như tôi, và nếu cần hy sinh cho đại cuộc, chúng sẵn sàng. Đại tá có tin rằng chúng ta thành công được không?
Vũ cảm thấy hơi áy náy trước cách đặt vấn đề bộc trực, thẳng thắn, cụ thể đạt tới mục đích giết chết hai anh em Nhu Diệm, không chần chừ, không khoan nhượng, của vị chính khách già Nguyễn Văn Lực. Bởi vì lâu nay dù rất bất bình, đại tá Đỗ Mậu thường nhấc chuyện "trung quân" và không giấu giếm thái độ ân tình với cá nhân ông Diệm. Nếu như cụ Lực chỉ tính chuyện diệt Nhu và Cẩn thì có thể đoán chắc phản ứng thuận của ông Mậu. Nhưng đằng này kế hoạch ông Lực đưa ra đã không tha, tính sổ luôn cả ông Diệm...
Vũ liếc nhìn Đỗ Mậu, nét mặt khắc khổ và cương nghị của ông vẫn không để lộ chút phản ứng. Vũ thầm suy đoán, hay là Đỗ Mậu chỉ ân tình với Diệm khi quyền lực của Tổng thống còn gắn chặt với sự nghiệp chính trị của ông ta, đáng cho ông sống chết tận trung với ông Diệm. Còn nay sau bao nhiêu biến đổi, điều ấy đã trở thành xa lạ rồi.
Đại tá Mậu tỉnh táo im lặng, lát sau ông mới trả lời câu hỏi của ông Lực bằng một giọng sắc, gọn:
- Tôi tin, thưa cụ. Kế hoạch này có đủ điều kiện để tính đến. Một tấn bom cho mỗi phi đội, dinh Độc Lập tuổi tác gần 100 năm, xuống cấp vì già nua, phải sụp đổ thôi, có nhiều khả năng chôn vùi theo những người ở đó, thoát hiểm chỉ là việc hy hữu. Nhưng vấn đề thực hiện lại lệ thuộc vào những yếu tố khách quan không hoàn toàn chủ động được. Mà đã thiếu chủ động thì hiệu quả của kế hoạch lại dựa vào may rủi quá nhiều.
Dường như cảm thấy đại tá Mậu không mấy tin tưởng, Nguyễn Văn Lực nóng nẩy cắt lời:
- Xin đại tá phân giải cho nghe thế nào là may rủi quá nhiều?
- Dạ, theo tôi thì kế hoạch này phải hội đủ các yếu tố. Ví dụ: đột xuất có lệnh không tập căn cứ đích không trùng thời điểm có mặt ông Diệm, ông Nhu ở dinh. Phi đội oanh tạc dinh lúc đó chỉ tổ mua lấy tai họa. Ngoài ra phải tính toán đến mặt thông tin kỹ thuật, chẳng hạn nếu phòng tác chiến nhận ra phi đội chuyển hướng bay, tức khắc báo động, thì hệ thống phòng không túc trực 24/24 sẽ hoạt động... Có thể là nhờ yếu tố bất ngờ chiếc phi cơ đầu hành động kịp, nhưng loạt bom thả sau có chắc chắn đạt hiệu quả không? Chỉ vài trái bom trúng được mục tiêu, dinh Độc Lập không hề hấn gì nhiều, tính mạng anh em ông Diệm vô hại. Ngoài ra chúng ta còn phải bảo vệ an toàn cho các phi công đã làm tròn nhiệm vụ, và cuối cùng là kế hoạch đảo chánh phải kịp thời điểm, cũng phải bất ngờ mới mong giành được chính quyền, ổn định nhanh tình hình, như vậy người Mỹ ở đây mới chấp nhận được.
Nghe đại tá Mậu phân tích, Nguyễn Văn Lực đã vơi nhiều náo nức lúc đầu, ông ta im lặng hồi lâu rồi thở dài:
- Như vậy kế hoạch không thể sử dụng được?
Đại tá Mậu trầm ngâm giây lát, ông nhấp cà phê, và vẫn với giọng tỉnh táo:
- Kế hoạch vẫn sử dụng được thưa cụ, nhưng phải tính toán lại thật kỹ. Tôi có thể sẽ bàn với trung tá Nguyễn Cao Kỳ, và sau đó phải gặp trung úy Cử rồi chúng ta sẽ có quyết định sau.
Nét mặt cụ Lực lại ánh lên vẻ vui mừng, giọng nói có phần tươi vui:
- Vậy vẫn còn hy vọng. Thì ra ông Kỳ cũng là người thân tín của đại tá, hay quá?
- Hy vọng chứ thưa cụ. Chính vì chúng ta đã lôi kéo được trung tá Kỳ nên tôi rất tâm đắc về kế hoạch cụ gợi ý. Tinh thần vì nghĩa cử của cụ và các anh con trai anh dũng của cụ, chúng tôi rất khâm phục. Trong khi chờ đợi tiến hành kế hoạch, xin cụ cứ trở về ngoài ấy thông báo với các vị khác luôn sẵn sàng. Đích thân tôi sẽ liên lạc lại đại tá Trinquier đã trở về Paris chỉ sau năm ngày lưu lại Sài Gòn, thay vì một tuần như dự tính.
°
Phù Ninh Đa vui mừng nói với Vũ:
- Em đã thoát thêm một tai nạn!
Nhưng không vì vậy mà Ninh Đa chịu rời nhà anh nuôi trở lại Chợ Lớn.
- Em nhất định tị nạn ở đây cho đủ một tuần.
Nàng nhìn Vũ, cười lí lắc nhưng ánh mắt đượm buồn. Vũ không từ chối, anh nghĩ, có thể Ninh Đa chưa hết hồi hộp vụ Trinquier sang Sài Gòn tìm nàng. Cuộc đời thiếu nữ của nàng đã trải qua đắng cay lặng lẽ trong vòng tay của hai sĩ quan tình báo Trinquier, rồi Conein. Đến với Vũ, nàng có cảm giác được che chở, cảm thông, không phải run sợ trước một tương lai mơ hồ, bất định. Ninh Đa nhớ hoài lời Vũ khuyên giải nàng: "..Cả đến kẻ quyền cao chức trọng, những mệnh phụ phu nhân giàu sang thế lực, còn tự nguyện phục vụ hết mình cho Pháp, rồi nay cho Mỹ mà không thấy sỉ nhục, thì trách chi em? Một em gái nông thôn như em, suy nghĩ nông cạn, ngây thơ chưa hiểu việc đời, hoàn cảnh lại đẩy đưa bắt buộc..." Nhận Vũ làm anh nuôi, Ninh Đa học được bao điều mới lạ ở Vũ, nàng trở nên tự tin, khôn ngoan, bản lĩnh trước Conein và cả Trinquier, khiến cả hai không thể tiếp tục cư xử với nàng như một thứ trò chơi. Nhất là Trinquier, trước kia từng coi nàng như gái hầu phòng, sai vặt, khi cần để mua vui, nay hắn nhận ra Ninh Đa đã khác xưa nhiều, buộc hắn giữ chừng mực của người biết liêm sỉ.
Ninh Đa không hề quan tâm Trinquier thành thực hay chỉ xã giao, khi hắn khuyên nàng xuất cảnh sang Pháp định cư. Hắn giải thích, bọn tai to mặt lớn giàu sang ở đây còn muốn chạy vạy lo lót tìm đường xuất ngoại, họ có đủ mà vẫn bỏ hết để đi. Phần Ninh Đa chẳng có gì vướng mắc, Trinquier hứa bảo lãnh, giúp cho ăn học thêm, kiếm cho việc làm, tương lai chắc chắn. Ninh Đa lắc đầu hắn huơ tay nói nàng cứ nghĩ đã. Nàng đành nói lời chối từ dứt khoát, cũng không quên cám ơn về sự quan tâm của hắn. Trinquier tỏ ra rất ngạc nhiên. Hắn nói với Ninh Đa, là mới hai ngày trước đây hắn đã từ chối bảo lãnh xuất ngoại cho một gia đình cộng sự viên cũ từng ân huệ với nhau sang định cư ở Pháp. Thế mà Ninh Đa... Trinquier nhìn nàng, khẽ lắc đầu với vẻ chấp nhận, tự hiểu là không thể buộc nàng thay đổi ý kiến. Chiều hôm đó, Trinquier mời Ninh Đa, cả trung tá Conein dự một bữa tiệc chia tay tại nhà hàng Continental cạnh trụ sở quốc hội.
Ba người ngồi quanh bàn ăn trải khăn tráng muốt, dưới ánh nến lung linh, giữa một không khí đầy vẻ quí tộc kiểu Pháp. Nhạc valse cổ điển dìu dặt. Conein vẫn đầy vẻ kính nể vị chỉ huy cũ, tuy vậy tình bạn thắm thiết của hơn 20 năm chung sống cạnh nhau ở Việt Nam, cả hai trong quân đội Pháp, từ thời kỳ Đồng Minh chống phát xít Nhật tại Đông Dương, đem lại cho họ thái độ cởi mở, bình đẳng. Họ chuyện trò tự nhiên không có vẻ gì dè dặt cả với Ninh Đa. Trinquier cố ý giải thích chuyến thăm lại Việt Nam, nhấn mạnh đến tình cảm lưu luyến và không nói gì công việc mà chiều hôm qua hắn đã lỡ lời nói với Ninh Đa. Hắn nhắc những người Pháp, bạn của hắn đã từng có phân nửa cuộc đời ở Việt Nam, riêng cha con Trinquier cộng được đủ năm mươi năm phục vụ ở Việt Nam.
Bao nhiêu là kỷ niệm gắn liền với đất nước đáng yêu này. Có lúc thở dài, vẻ buồn bã thực sự, hắn nhìn vào mắt Ninh Đa:
- Nhưng không còn ai quan tâm, cần sự có mặt của tôi, xa lạ tất cả rồi? Kể cả những người quen thân cũ của tôi như Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân... đều là những sĩ quan do Pháp đào tạo nay Mỹ hóa hết. Các nhân vật chính trị cũng đã từng là cộng sự của Pháp như Nguyễn Ngọc Huy, Trần Văn Tuyên, Hoàng Cơ Bình... đã thay đổi nhiều không phải về tuổi tác mà về chính kiến.
Rồi Trinquier kể, đã đến vấn an các giám mục Công giáo Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi... Giới quân sự giới chính trị, rồi tôn giáo đều nói lên một điều chế độ Việt Nam Cộng hòa đang suy yếu dần, vì chính phủ ông Diệm độc tài gia đình trị, đàn áp mọi thế lực đối lập rất tàn bạo, diệt những người đã có công chống cộng sản, thực hiện chính sách chuyên chế còn hơn Cộng sản Hà Nội. Anh em ông Diệm đã đánh mất lòng tin trong dân chúng, Việt cộng dành lại dân, hoạt động mạnh khắp nơi, miền Nam bất ổn không lẽ người Mỹ không nhận ra chính quyền Diệm đang suy yếu? Mới đây tổng thống Kennedy lại tiếp tục khen ngợi chính quyền Sài Gòn chống cộng hữu hiệu, được lòng dân, đề cao uy tín cá nhân tổng thống Diệm, tăng thêm viện trợ. Trong khi dư luận bên ngoài mong muốn có một giải pháp hòa bình cho Việt Nam, một điểm nóng, đang báo hiệu sẽ bùng nổ chiến tranh khu vực. Tổng thống De Gaulle từng gợi ý với tổng thống Mỹ, nhưng Mỹ chỉ chấp nhận giải pháp hòa bình trong thế mạnh. Không lẽ bằng thế mạnh của chính nước Mỹ? Chứ còn chính quyền miền Nam này mạnh hay yếu Trinquier, Conein đã thấy rõ rồi. Hay chờ? Đến bao giờ, đến khi chiến tranh nổ ra chăng? Conein nhắc lại việc cũ, thời kỳ còn dưới quyền Trinquier phục vụ trong đoàn quân viễn chinh của Pháp ở Đông Dương, chính Conein đã có lần hỏi Trinquier tương tự như vậy, với chính phủ Bảo Đại bất lực, không được lòng dân, được giải thích tìm được người tin cậy là khó, thay đổi sớm chiều càng khó hơn nhiều, đối phương chỉ chờ có vậy để quật ngã. Tổng thống Kennedy duy trì tình trạng trong cái thế cần giải quyết tình hình Cuba, Lào nên không muốn xáo trộn ở Việt Nam. Giai đoạn đó anh em Diệm lún sâu vào sai lầm. Conein xác nhận, Diệm đã mất sự ủng hộ của quân đội, đẩy các thế lực chính trị, đảng phái, cả tôn giáo vào thế chống đối, anh em ông Diệm quay hướng đối đầu với phe đối lập, cơ hội cho Việt Cộng dành dân mở rộng kiểm soát nông thôn. Conein xác nhận những gì Trinquier đã biết là đúng. Nhưng Conein phân tích, sức mạnh của quân đội Sài Gòn còn đó, đảng phái chính trị, tôn giáo, quyết tâm chống Cộng, tất cả tin vào thiện chí của Mỹ, bảo vệ miền Nam Việt Nam. Hà Nội chưa làm gì được. Trinquier tỏ ra không nghi ngờ, nhưng biết rằng, anh em Ngô Đình Diệm không còn thực quyền, không còn là con chủ bài của Mỹ nữa.
Sau bữa ăn, đến lúc chia tay, Trinquier mới đề nghị Ninh Đa sáng mai tới đón đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất. Nàng phải vui vẻ nhận lời, vì quá bất chợt không tìm ra cớ gì từ chối.
°
Nghe Ninh Đa thuật lại đầy đủ câu chuyện trao đổi giữa Trinquier và Conein trong bữa
ăn tối, Vũ cảm thấy vui vì Ninh Đa thoát được khỏi Trinquier và vì những tin tức mới. Tuy nhiên, Vũ khuyên nàng nên đi tiễn Trinquier. Sáng hôm sau, đúng hẹn, Ninh Đa đã lái xe đón Trinquier tại khách sạn. Trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, nàng phải dừng xe cả gần 10 phút tại ngã tư đầu đường Ngô Đình Khôi - Võ Tánh nhường đoàn xe quân đội gần chục chiếc chở thương binh từ hướng Tây Ninh về. Nàng nghe trong đám đông chờ đợi có tiếng bàn tán: "Đêm qua Việt Cộng tràn ngập căn cứ một trung đoàn quốc gia ở Dầu Tiếng". Trinquier tỏ ra chú ý lắng nghe. Khi xe chạy tiếp, Trinquier bỗng nói, như nói với chính mình: "Diệm Nhu bây giờ không còn quyền tự quyết". Ninh Đa nghe rõ, nhưng không hiểu hết ý, im lặng. Mãi lúc cùng ngồi trong phòng đợi, Ninh Đa mới hỏi lại. Trinquier không dè dặt, giải thích:
- Anh qua Việt Nam cốt để xác minh một việc có liên hệ đến chính phủ Sài Gòn. Cố vấn Ngô Đình Nhu yêu cầu Pháp đứng trung gian giúp cho Sài Gòn thương lượng với Hà Nội nhằm tiến tới giải pháp hòa bình theo tinh thần hiệp định Genève 1954. Nếu chỉ có thế Pháp không mấy quan tâm, lần này Nhu đơn phương cam kết sẵn sàng bắt tay Hà Nội chống Mỹ can thiệp, Pháp đã chú ý. Nhưng chỉ trong mấy ngày nghiên cứu tình hình, anh nhận thấy chính quyền của ông Diệm không còn đủ quyền quyết định vận mệnh của chế độ, chế độ đó đã nằm trong tay Mỹ. Qua cách nói của Conein, em hiểu chứ, người Mỹ không cho phép anh em ông Diệm lộng hành như vậy.
Trinquier cắt ngang. Hắn nhắc lại lời khuyên Ninh Đa đi Pháp định cư và tỏ hy vọng nếu đối ý nàng sớm biên thư báo tin, hắn bảo lãnh, giúp đỡ hết lòng. Cuối cùng, trước phút chia tay, Trinquier nói với thêm Ninh Đa cần cẩn trọng vì tình hình miền Nam không lâu sẽ biến động, bất ổn, và lặp lại lời khuyên với giọng da diết:
- Bất cứ khi nào Ninh Đa quyết định xuất cảnh, viết thư báo với tôi.