Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 14

Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 14

Điệp viên giữa sa mạc lữa
Chương 14

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 58909 lượt xem

Sáng nay, Lê Nguyên Vũ từ nhà riêng lái xe đến thẳng Huỳnh Văn Trọng. Tối qua Trọng gọi điện thoại cần gặp anh trước bảy giờ. Trọng chờ Vũ trước cổng:
- Cha Dưỡng mời anh em mình lại chơi, bàn với chú một số việc để mười giờ bay sang Mỹ.
Trọng vừa báo tin vừa tự mở cửa xe vào ngồi cạnh Vũ.
- Đi Mỹ? Có việc gì vậy anh?
Xe quay lại hướng về phía chợ Bến Thành, Trọng chờ xe vào hàng ổn định mới trả lời:
- Đức Hồng y Spellmann mời cha Cao Văn Luận và cha Dưỡng sang gặp, chưa rõ chuyện chi. Đến đó cha sẽ nói rõ lý do thôi.
- Sau vụ ông Diệm bị giết hụt ở Ban-Mê-Thuột, bọn học trò anh có bàn tán gì không?
- Chung bọn học trò thì không. Nhưng chiều hôm kia đệ nhất tham vụ Cholorn tổ chức bữa ăn tối tại nhà riêng mời Colby phụ tá đại sứ Mỹ, trước khi y về nước nghỉ phép ba tháng. Cholorn mời tôi, thầy dạy mà, để tiện cho hắn ta chào tạm biệt...
Trong cuộc gặp gỡ, chúng có nói đến vụ ám sát ông Diệm. Đại ý có hai điểm, thứ nhất, sự kiện xảy ra giữa lúc Nhà Trắng đặt hy vọng vào ông Diệm khá cao, nên nhóm Mỹ ủng hộ ông Diệm ở đây lo sẽ có trở ngại về mặt viện trợ, khi số người không bằng lòng ông Diệm có cớ đánh giá lại con bài cưng nhất của CIA. Thứ hai, đại tá Lansdale, tích cực hơn ai hết, đã cùng với ông Nhu trực tiếp chỉ huy khai thác hung thủ, tìm bọn âm mưu là những ai trong số địch thủ của ông Diệm. Qua khai thác, chúng đã kết luận, đó là ý đồ của Pháp không phải Việt Cộng. Bằng cớ rõ ràng là trung tá Trần Đình Lan và đại úy Quách Sến cầm đầu Phòng 6 của Pháp trước đây, đã trốn khỏi Sài Gòn ngay sau vụ Ban-Mê-Thuột xảy ra. Ông Ngô Đình Nhu giận lắm, ông ta nghi giữa Trần Đình Lan và Mai Hữu Xuân có liên lạc với nhau trước đó nên quyết định cất chức Tổng giám đốc an ninh quân đội của Xuân, đuổi về Ban thanh tra Quốc phòng. Nếu có đủ chứng cứ, Xuân khó thoát chết với ông Nhu chuyến này. Cậu Cẩn ở ngoài Huế, có thể là được sự đồng ý của ông Nhu, quét một nhát mấy chục tay chân Pháp cũ Như Nguyễn Văn Yến quản lý khách sạn Morin của chánh mật thám Pháp, Trần Nguyên An nguyên thiếu tá chỉ huy trưởng lực lượng bổ sung Pháp mất tăm. Ngoài Khánh Hòa, ông Cẩn cho lính đập chết tay trưởng ty công an Nguyễn Văn Mạnh, kéo xác trên đường phố Nha Trang. Hành động quá mạnh của ông Cẩn khiến đại sứ Mỹ phải gặp ông Diệm can ngăn "tốp" bớt. Một số thân tín của Pháp còn đó sợ xanh mặt, kể cả số tướng tá bị ông Nhu đuổi khỏi các chức vụ trọng yếu. Đại tá Colby cho rằng, mọi công việc ông Nhu, cậu Cẩn làm vừa rồi, có sự đòng ý của đại tá Lansdale, một nhân vật trong số người Mỹ rất ghét Pháp.
Đến đây Trọng hỏi lại Vũ:
- Trong vụ này chú ở cạnh Tuyến chắc biết rõ hơn, vậy bọn nào ám sát ông Diệm?
Vũ suy nghĩ giây lát:
- Anh biết đấy, tuy danh nghĩa là phụ tá cho Tuyến, tôi chỉ được giao công tác bên Phong Trào thôi. Gần đây tôi có ghé lại chỗ Tuyến, được biết ông Cẩn cho ba người vào hợp tác với nhóm Tuyến khai thác hung thủ bắn ông Diệm. Hung thủ còn nhỏ tuổi, đâu chỉ ngoài hai mươi, gốc lính Cao Đài. Hắn thú nhận hết nhưng không hề biết tổ chức chủ mưu, chỉ có vài tên cũng là sĩ quan của ông Phạm Công Tắc sai làm. Anh Tuyến tin lời cung là đúng, vì chắc chắn bọn chủ mưu không dại gì lộ mặt trước một thanh niên nhỏ tuổi như vậy. Cứ vào hành động của hung thủ, họ suy luận cho là ý đồ của Pháp. Nếu là Việt cộng, khi họ đã làm thì ông Diệm khó mà thoát chết.
- Cũng chỉ là suy luận thôi sao?
- Thì chứng cớ đâu? Hung thủ còn nguyên đó, làm được gì hơn mà chẳng phải đoán mò.
Chắc chắn họ cũng tìm thấy số chứng cớ nào đó, nên ngay Colby, một sĩ quan CIA ngang hàng với Lansdale, cũng xác định là ý đồ của người Pháp nhưng thực hiện là do số người Việt tay chân cũ. Ông Ngô Đình Nhu ngay sau sự việc xảy ra đã ra lệnh bắt Trung tá Lan, nhưng hắn đã biến mất. Có tin Lan đã qua Nam Vang trước đó một ngày.
Câu chuyện ngừng lại, Vũ cho xe chạy vào cổng sau khu vực Bộ Tổng tham mưu. Từ ngày gặp nhau ở Sài Gòn, cả ba trở thành bạn tâm giao, họ thường gặp nhau, lúc tâm sự, khi bàn chính tình thời sự. Đã thành thân quen nên cha Dưỡng bỏ hẳn kiểu lễ nghi khách khí, nói với Vũ:
- Đức Hồng y Spellmann gửi cho cha Luận và tôi bức điện ngắn, mời chúng tôi qua Mỹ kịp dự lễ Phục Sinh. Nhưng cái chính là để bàn việc tiến hành mở trường Đại học Đà Lạt đã được đại học Michigan đỡ đầu. Cuối bức điện, Ngài nhấn mạnh, muốn chúng tôi tường trình để Ngài hiểu cự thể về tình hình chính phủ ông Diệm, sau vụ mưu sát vừa rồi. Có thể là bên đó có cái gì đưa đến sự bất lợi cho ông Diệm, mà Ngài là người ủng hộ rất mực Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (nên ngài) phải quan tâm. Mười giờ chúng tôi ra sân bay, tất nhiên là đi việc riêng không liên quan đến việc chính phủ. Tôi muốn thầy góp cho vài ý để tôi có thể trình bày với Đức Hồng y đầy đủ hơn. Tôi nhờ ông Trọng mời thầy đến gấp là vậy.
Vũ chậm rãi nhấp tách cà phê lấy cớ để suy nghĩ. Đúng vậy, vụ ám sát Diệm là tiếng chuông báo động. Chính phủ Sài Gòn chưa hẳn đã vững vàng như nhà cầm quyền Mỹ vội vàng rêu rao, đánh giá. Mối quan tâm của Spellmann cũng là mối quan tâm của Nhà Trắng. Vũ nói với chủ ý của anh:
- Thưa Cha, sau vụ Ban-Mê-Thuột ông Cố vấn tỏ ra hằn học, mạnh tay. Tuần rồi, ông đã ra lệnh đóng cửa tờ báo "Đường sống", tờ báo duy nhất của công giáo di cư, rút giấy phép vĩnh viễn, truy tố cha Vũ Đình Trác ra tòa. Bà con cho ông Nhu quả là cạn tàu, ráo máng.
Hàng vạn giáo dân vốn sống nơi ruộng chiêm Ninh Bình quen thuộc bị đẩy lên ở rải dọc đường 20, vùng rừng núi, đất đá hoang vu. Hàng vạn người đang dở sống dở chết với vài mảnh rẫy khoai mì, chưa cách gì giải quyết nổi. Giáo phận Phát Diệm di cư hầu hết vào trong này, mà Đức Giám Mục Từ cùng các Cha phải nằm tạm ở rẻo đất chua phèn trước đây của nhóm Bình Xuyên, chưa được phân vùng định cư cho toàn giáo phận. Cha Trác viết báo kêu gào mấy tháng liền không kết quả, cuối cùng Cha báo động bằng bài xã luận: "Các khu tạm cư, bà con giáo dân đang cầu nguyện cho ông Diệm lấy lại uy tín ban đầu", có nghĩa là Tổng thống đã mất uy tín với tập thể giáo dân di cư. Thái độ của ông Nhu tỏ ra thách đố. Theo tôi, ông đã đổ thêm dầu vào lửa. Vì người Pháp sẽ không bỏ lỡ cơ hội trước sự tức giận của gần nửa triệu giáo dân Bùi Phát bi bạc đãi mà không khoét sâu thêm mâu thuẫn. Không chỉ riêng ông Cố vấn ở đây, cả ngoài cậu Cẩn, đã mở chiến dịch thanh toán những người trước đây làm việc trung thành với quân đội Pháp, chụp cho họ cái mũ gián điệp bất kể đúng sai, hành động thiếu suy tính lợi hại, khi thực dân Pháp ở miền Nam này chưa phải đã yếu. Đây là vấn đề thứ nhất, tôi xin góp ý để Cha nghiên cứu.
Linh mục Dưỡng tỏ ra chăm chú nghe và đôi lúc gật đầu đồng tình, cuối cùng khi Vũ ngừng lại đốt thuốc, Cha ngước mắt nhìn anh:
- Còn vấn đề thứ hai?
- Vâng, vấn đề thứ hai là mối bận tâm nhất của anh em ông Diệm, lại thuộc về phía Mỹ. Thái độ của những người Mỹ ở đây, phải chăng là chủ trương của Hoa-Thịnh-Đốn? Ngay từ ngày Tổng thống về chấp chính, Hoa-Thịnh-Đốn gợi ý với Tổng thống đưa ông Phan Quang Đán vào chức vụ Phó tổng thống. Lên nắm chính quyền, Tổng thống nghe lời ông Nhu, cương quyết không chịu mời ông Đán cộng tác. Cho đến lúc này, ông Đán trở thành đối thủ, một đối thủ mạnh, được một phần người Mỹ ủng hộ, và phần còn lại không hề phản ứng, kể cả đại tá Lansdale. Ông Đán đã quy tụ được nhiều chính khách đương thời, số từ Bắc vào như Nghiêm Xuân Thiện, Đinh Xuân Quảng, miền Trung có Trần Văn Lý, Nguyễn Mạnh Huyền và nam phần thì toàn bộ nhóm "Tinh thần Caravelle" do Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu cầm đầu. Hiện nay tờ báo "Thời Luận" do Nghiêm Xuân Thiện đứng tên trở thành cơ quan ngôn luận của "khối Dân Chủ" mà ông Đán là đại diện, đang tấn công Tổng thống khá mạnh. Ông Nhu bất bình về Đán, nhưng mới đây đại tá Lansdale biết rõ ý định của ông Nhu, đã khuyến cáo không được dùng bạo lực. Khoảng ít tuần nữa, ông Lansdale sẽ rời Sài Gòn về nhận nhiệm vụ mới trong hàng chỉ huy cơ quan CIA tại Mỹ, đại tá Colby sau kỳ nghỉ phép sẽ qua Sài Gòn thay thế. Ông Lansdale đã thông báo với Tổng thống, và nhác nhở rằng Colby trước đây đã tán thành chế độ lưỡng đảng cầm quyền ở đây giống như Hoa Kỳ, và sẵn sàng ủng hộ ông Đán. Vì vậy ông Nhu đã không yên tâm trước thái độ của Hoa-Thịnh-Đốn, vừa trợ giúp tổng thống Diệm vừa đặt sẵn cái thòng lọng, không rõ lúc nào sẽ thòng vào cổ. Ông Nhu không võ đoán, nhận định của ông có cơ sở khi nhìn thấy sớm hơn hoàn cảnh của tổng thống Phi Magsaysay với con bài Marcos, bên cạnh tổng thống Đại Hàn Lý Thừa Vãn với nhân vật họ Pắc sau lưng. Đó là mối uy hiếp thứ hai đối với tổng thống Diệm. Xin cha lưu ý Đức Hồng y cũng là cách thăm dò, để qua đó Cha hiểu được có phải là sách lược của chính phủ Hoa Kỳ hay chỉ là ý đồ của nhóm người Mỹ ở đây thôi.
Linh mục Dưỡng không giấu giếm ý nghĩ của mình:
- Nếu không được thầy phân tích rõ ràng những sự việc rắc rối phức tạp, tôi quả không hiểu nổi mô tê chi. Đúng là những mối đe dọa đang đối đầu với ông Diệm. Ngoài hai vấn đề trên, tôi cần phải báo trình thêm gì nữa với đức Ngài để có lợi cho Tổng thống chúng ta?
- Thưa còn một vấn đề thứ ba, sự rạn nứt ngay trong nội bộ không kém phần nguy hiểm cho tổng thống. Điều này tùy Cha định liệu, có nên báo trình hay không? Lúc này chỉ có Đức Hồng y mới đủ sức nặng khuyến cáo được Tổng thống. Kể từ sau ngày Tổng thống nắm quyền nguyên thủ quốc gia, chính sách "gia đình trị" mà báo Thời Luận của nhóm ông Đán suốt sáu tháng liên tiếp vạch ra, đã thành sự thật. Ông Cẩn như một tổng thống ở miền Trung với những gia nhân nắm hết vai trò chủ chốt. Ông Nhu ở đây toàn quyền quyết định cả về mặt Chính phủ lẫn Quốc hội. Quanh ông toàn là "người thân quyến hoặc đàn em tin cậy. Hai ông bà Nhu đều lo cho thế lực của riêng mình, xây dựng quyền uy cá nhân bên ngoài ảnh hưởng của đảng Cần Lao, giành quyền độc chiếm thị trường dược phẩm ở toàn miền Nam, tổ chức mua bán ngoại tệ, kim cương, chiếm lại thi trường buôn thuốc phiện của Salvani trước đây. Cha nghĩ coi, đến một lúc nào đó, dù bí mật đến đâu cũng bị người ta phát hiện mà thôi. Vấn đề tự nó sẽ tác động vào thế lực đối đầu ngay từ bên trong. Không lâu, mối nguy hiểm sẽ đến với Tổng thống. Vụ mưu sát vừa qua chẳng đã báo hiệu rồi đó sao?
Linh mục Dưỡng lắng nghe đến xuất thần, cuối cùng lắc đầu thở dài:
- Đó là chúng ta chưa bàn đến hiểm họa cộng sản đã kề sát nách mình. Nếu không được thầy nói rõ cho biết, tôi mãi tin cái ảo tưởng này đến lúc nào. - Ông cao giọng hơn - Không đâu? Với Đức Hồng y, tôi không thể giấu ngài, đó là luật đạo. Tôi phải nói hết để ngài biết. Vậy theo ý thầy, sau những điều báo trình, tôi có nên xin ngài một sự giúp đỡ cụ thể nào không?
Vũ đặt tách cà phê sữa, vừa lau miệng vừa suy nghĩ giây lát mới trả lời:
- Có thể không nên yêu cầu cụ thể Cha ạ! Chủ yếu là chờ đợi Ngài tự ban cho ý kiến thì đúng hơn. Tôi nghĩ, thế nào Ngài cũng chỉ dạy chúng ta phải làm gì trước những phức tạp đó và cách thức giải quyết ra sao. Điều chủ yếu tôi đề nghị với Cha, trong chuyến đi này, là Cha hết sức chú ý thăm dò qua Đức Hồng Y để hiểu cho được chủ trương của Chính phủ Hoa Kỳ đối với Tổng thống nói riêng và miền Nam nói chung, nhờ đó chúng ta sẽ có phương hướng giúp cho Tổng thống giải quyết phần nào những khó khăn đang đối đầu.
- Tôi sẽ cố gắng. Nhờ thầy Vũ góp ý, tôi yên tâm có thể báo trình nhiều điều quan trọng lên Đức Hồng Y và tôi nhớ sẽ tìm hiểu cho được chủ trương của Hoa Kỳ như điều thầy nhắc nhở.
Linh mục đứng lên:
- Không dám làm mất nhiều thì giờ của hai vị. Phần tôi cũng phải thu xếp vài công việc trước khi ra sân bay, hẹn tái ngộ.
Họ cùng đi bên nhau ra tới hiên ngoài và chia tay.
2.
Từ buổi nhận nhau là đồng hương, Võ Văn Trưng tự coi mình có mối quan hệ bà con với Lê Nguyên Vũ, hàng tuần đích thân đến nhà, tâm sự. Sau đó, thường xuyên đưa Vũ đến giới thiệu với một số nhân vật trọng yếu trong Ban chấp hành Trung ương đảng Cần Lao, những đồng chí tâm huyết của Trưng, đã cùng nhau hoạt động từ thời kỳ bí mật mở đường cho Diệm về chấp chính. Nhân vật đầu tiên Vũ gặp là Hà Huy Liêm, giáo sư triết Đông phương trường đại học Sài Gòn. Hà Huy Liêm cùng với Võ Văn Trưng đứng tên chủ bút, chủ nhiệm tuần san Sinh Lực không phải là tờ báo chính thức của đảng Cần Lao nhưng có trên mười ủy viên Trung ương đảng, hạng tầm cỡ, kể cả Tổng bí thư Trần Chánh Thành, đứng ra chủ trương xuất bản. Chính đó là yếu tố mà Vũ quan tâm, nên chỉ qua lời mời của Võ Văn Trưng anh đã viết bài cộng tác. Liên tiếp năm bài của Vũ gửi đến, tòa soạn xếp in ở phần đầu trang trọng. Hà Huy Liêm người vốn có tính tự cao, cũng đã trực tiếp tìm gặp Vũ, hết lời tán thưởng và cùng với Trưng, cả hai năn nỉ anh cộng tác, phụ trách trưởng ban biên tập cho tờ báo. Với chủ ý tạo thời cơ từ trước, Vũ không khách khí, nhận lời.
Qua nhiều lần thăm dò Võ Văn Trưng, Vũ thấy khá rõ triệu chứng tan rã của đảng Cần Lao Nhân Vị do mâu thuẫn quyền hạn giữa anh em Nhu - Cẩn và Ban chấp hành Trung ương mà nhóm Trần Chánh Thành, Võ Văn Trưng là đại diện. Tuy nhiên, anh nghĩ cần phải nghiên cứu sâu sát hơn để đánh giá chính xác thực lực khả năng của họ hếu có đủ sức đối đầu với Nhu - Cẩn? Ý định ấy buộc anh phải gần gũi từng cá nhân trong bọn họ, nhằm tác động trong tập thể này, khoét sâu mâu thuẫn từ gốc chế độ tay sai của đế quốc Mỹ, tên thực dân kiểu mới. Tất nhiên Vũ đã tính đến trường hợp thất bại có thể gây khó khăn không ít cho vị trí của anh đã tạo được, nhưng không nguy hiểm đến an toàn chính trị vì anh chỉ cộng tác với số nhân vật lãnh đạo của đảng Cần Lao, mỗi người đều có thành tích chống cộng sản tích cực nhất, và chống đến hơi thở cuối cùng?
Võ Văn Trưng đã giúp Vũ hiểu rõ lý lịch, tâm tư của từng nhân vật trước khi đưa Vũ đến giới thiệu với những người tâm huyết của ông ta theo yêu cầu của anh.
Đã thông cảm nhau qua những bài đăng báo Sinh Lực, Vũ dễ dàng tạo được tình cảm thân mật ngay buổi tiếp xúc đầu tiên với từng nhân vật trong nhóm mà số đông vẫn đang nắm quyền trong tay, đặc biệt bộ trưởng Quốc phòng Trần Trung Dung, ủy viên thường vụ Trung ương Đảng. Ngoài ba mươi tuổi, Dung đã làm tri huyện Yên Mô thuộc tỉnh Ninh Bình. Dung vốn là bạn chơi bời của Nhu trong thời Pháp thuộc, hồi Nhu chỉ là viên chức bình thường của thư viện Hà Nội. Vào Sài Gòn, để đạt được vị trí bộ trưởng Quốc phòng, Dung đành xâm mình làm cháu rể của anh bạn năm xưa. Trong hoàn cảnh trớ trêu, Dung cam tâm làm gia nhân cho dòng họ Ngô Đình, vẫn không tránh nổi sự tủi nhục của một bộ trưởng Quốc phòng chỉ biết cúi đầu vâng lời chú, bác. Trước thái độ khinh khi của mọi người, Dung trở nên bất mãn thống Nhu, oán Diệm. Cơ hội giúp Trần Chánh Thành kéo Dung vè phía mình, khi chính Thành cũng không chịu đựng nổi cảnh quỳ gối tế sống bà mẹ Nhu ở Huế vừa rồi.
Cũng là một tri huyện cuối triều Bảo Đại, một trí thức đương thời, ít nhiều cũng đã từng sống bên cạnh những nhà chính trị cách mạng chân chính trong phong trào kháng chiến chống Pháp, Trần Chánh Thành lại càng thấm thía hơn. Hắn không chịu Ngô Đình Nhu ngay từ buổi đầu hợp tác, lại càng khinh Ngô Đình Cẩn quê mùa, ngu dốt. Chỉ vì Ngô Đình Diệm, Thành nhận làm một thành viên trong hàng lãnh đạo của đảng Cần Lao Nhân Vị, được đa số đề cử giữ chức Tổng bí thư. Với chủ trương đảng cầm quyền, Thành đã năng nổ hơn ai hết, củng cố tổ chức, phát triển đảng, tập họp lực lượng.
Chi trong vòng hai năm, đảng Cần Lao với gần một triệu đảng viên đã hậu thuẫn cho Diệm về chấp chính. Thành đã tự hào về công trạng của mình, tự hào về đảng Cần Lao, một đảng lớn mạnh đủ uy lực chế ngự hàng chục đảng chính trị quốc gia chống cộng ở miền Nam, đã giúp Diệm lật đổ Bảo Đại, giữ vững cái ghế thủ tướng trong giai đoạn bấp bênh nghiêng ngả, rồi đưa Diệm lên vi trí nguyên thủ quốc gia "hứa hẹn một tương lai vững chắc", như lời tuyên bố của hắn trong buổi họp nội bộ đảng ngày nào. Tham vọng của Trần Chánh Thành không che giấu được Nhu. Ý đồ lấy đảng cầm quyền đã bị Ngô Đình Nhu gạt bỏ. Sau khi ban hành hiến pháp, quyền hạn thu gọn vào tay một tồng thống, đảng Cần Lao chỉ còn là đồ trang trí. Nhu quẳng cho Thành chức Tổng bí thư đảng và bộ trưởng Thông tin, đặt hắn vào quỹ đạo của mình. Thành chỉ còn là thành viên trong nội các, chịu trách nhiệm trước thủ tướng. Với tới tổng thống và cố vấn tổng thống, con đường quá xa. Hết hy vọng dùng danh nghĩa đảng, chi phối anh em Nhu - Diệm. Thành oán hận, âm thầm quay về với số đồng chí tâm huyết của mình, mưu đồ chống Nhu..
Vũ còn chú ý nghiên cứu bọn quân nhân có chân trong nhóm như trung tá Nguyễn Văn Châu, giám đốc Nha nhân viên Quốc phòng, đều là tay chân thân tín của Trần Trung Dung, trung tá Nguyễn Ngọc Triệu bạn rất thân của đại tá Đỗ Mậu từ ngày còn hoạt động ở Trung phần, được tổng thống Diệm tin cậy giao chức chỉ huy trưởng lữ đoàn phòng vệ, quân số gồm hai trung đoàn đủ. Không riêng Đỗ Mậu, cả nhóm trông cậy vào thực lực này. Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, cùng với Mậu xuất thân từ binh chủng khố xanh của thực dân Pháp. Cả hai kết bạn suốt hai mươi năm cùng trong quân ngũ, coi nhau như ruột thịt, tâm đầu ý hợp, cùng hoạt động và theo phò Diệm thời kỳ bí mật. Ngày về nhận chức thủ tướng, Diệm phong quân hàm thiếu tướng cho Nghiêm, giao chỉ huy quân lực toàn Trung phần, sau này theo kế hoạch chia vùng, Nghiêm được cử làm Tư lệnh vùng I. Tuy được tổng thống Diệm tin cậy, nhưng không được lòng Cẩn, vì viên tướng này trước kia là đệ tứ ruột của Hòa thượng Thích Đôn Hậu, nhà sư già có uy tín đang nắm Hội Phật học tại Huế, lực lượng đối đầu với công giáo. Cẩn đẩy Nghiêm ra khỏi chức vị, trả về bộ Quốc phòng cùng với thư riêng viết cho Nhu. Trần Trung Dung đang tìm cách đỡ Nghiêm, nhưng Nhu đã kịp thời đưa ông ta làm chỉ huy trưởng quân trường Thủ đức.
Thân phận của các ủy viên chấp hành Trung ương là vậy. Nhưng Vũ tự hỏi, trên bảy chục đảng viên Cần Lao nắm quyền lãnh đạo đảng, một phần trong số họ còn nắm chức quyền, kể cả quân đội, tại sao lại nhẫn nhục vâng lời Nhu, Cẩn đến nỗi bảo gì làm nấy, không một ai phản đối? Chỉ riêng Đỗ Mậu, một lần dám to tiếng với Nhu? Võ Văn Trưng đã to nhỏ giải đáp điều anh thắc mắc: "Chỉ vì dám yêu cầu Tổng bí thư triệu tập đại hội toàn Đảng lần thứ hai, vận động đưa Nhu - Cẩn ra khỏi chính quyền mà năm ủy viên Trung ương đã nhận cái chết bất thường, bị tai nạn? Trừ Đỗ Mậu thoát khỏi. Hầu hết xanh mặt khiếp sợ!"
Gần đây đại tá Đỗ Mậu đã trở về Sài Gòn theo lệnh triệu hồi của tổng thống Diệm. Trên danh nghĩa, ông ta vẫn là ủy viên thường vụ Ban chấp hành Trung ương đảng Cần Lao dù đã bi đưa qua Pháp làm tùy viên quân sự sứ quán. Bề ngoài, một viên đại tá tùy viên sứ quán không là gì cả đối với hàng tướng tá, hàng bộ trưởng trong chính phủ Diệm đương thời. Chỉ riêng với nhóm "Tâm huyết" của Võ Văn Trưng, tin Mậu về là nguồn phấn khởi, là một thắng lợi đối với mọi người. Ngay cả Tổng bí thư Trần Chánh Thành hôm Mậu về nước cũng bỏ hết công việc, đích thân ra tận trường bay Tân Sơn Nhất đón người đồng chí thân thiết. Rõ ràng Mậu có uy tín cao trong tập đoàn Trung ương Cần Lao. Theo lời Võ Văn Trưng tâm sự với Vũ ngay sau ngày Mậu ra đi, người ta thấy rõ Ban chấp hành Trung ương đảng đã thành bốn cánh. Cánh ở Trung phần, cấp tốc bám chân Ngô Đình Cẩn tại Huế, hai cánh trong này bám Nhu, theo Thục. Cánh của Trưng, Thành còn lại không quá mười người, từng được tôn xưng sáng lập viên của đảng, có công mở đường cho Tổng thống về nắm chính quyền, tất cả nhất mực chỉ giữ lòng trung với Diệm, thề không luồn cúi trước Nhu, Cẩn. Nhưng thật đáng buồn, khi Diệm bị Nhu đặt trong lồng kính cách ly, nếu không chịu nhục cúi đầu trước Nhu, không còn đường nào đến gần được Diệm. Vì vậy, Mậu về đây đem theo về cho bọn họ một niềm hy vọng.
Khác với mọi người, Đỗ Mậu vừa là đồng hương, vừa là "đại ân nhân" của riêng Tổng thống và của chung gia đình Nhu - Diệm. Suốt nhiều năm, cố bà Ngô Đình Khả thường nhắc nhở con cháu trong nhà, nhớ cái thời Thượng Thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm bị Bảo Đại tát tai, lột chức đuổi ra khỏi triều đình Huế. Ở đời "giậu đổ bìm leo", viên tân Thượng Thư thay Diệm cùng với số quan lại vốn không ưa Diệm từ lâu, tung tin Diệm mưu phản, nhằm trừ hậu họa. Đỗ Mậu, hồi đó chỉ huy lực lượng lính khố xanh tại Huế, một mình cõng Diệm vượt sông, đưa ra Cửa Thuận gửi Diệm quá giang tàu buôn trốn vào Sài Gòn thoát chết. Nam Kỳ là đất thuộc địa, không thuộc quyền lực chế độ bảo hộ của Bảo Đại, Diệm được an toàn. Không chỉ vậy, Đỗ Mậu còn bí mật cấp dưỡng tiền bạc nuôi Diệm suốt thời kỳ tị nạn ở trong Nam. Ơn sâu đã lớn, sau này Mậu còn giúp Cẩn xây dựng đảng Cần Lao ở Trung phần, ủng hộ Diệm về chấp chính. Từ ngày về nước, Diệm dùng Mậu làm Tham mưu Biệt bộ, cả hai không rời nhau nửa bước, nhưng cái vẻ công thần, bướng bỉnh của Mậu đã làm Ngô Đình Nhu không thể chấp nhận được bèn đẩy Mậu qua Pháp. Từ đấy số ủy viên Trung ương Cần Lao thân tín của Mậu trở nên lạc lõng, bên ngoài tập đoàn tay chân tin cậy của Nhu, khi Nhu biến thành chủ nhân ông của đảng, đã quay mặt đi mặc cho rã đám, mạnh ai nấy bám để được Nhu ban ơn. Số tâm huyết của Mậu tuy vẫn tỏ ra trung thành với Diệm, nhưng không một ai đủ trọng lượng khuyến cáo Diệm, khi Diệm thu được quyền bính vào tay. Nhưng Trưng, Liêm, Toại, mỗi lần được Diệm tiếp chỉ còn xuống nước cầu xin cho Đỗ Mậu trở về. Với vẻ ngậm ngùi, Diệm hứa.
Đến nay, sau vụ thoát chết tại hội chợ Ban-Mê-Thuột, Diệm mất lòng tin ở những kẻ bao quanh, quyết định triệu Mậu về. Nhu, với chủ ý gạt bỏ Mai Hữu Xuân ra khỏi Tổng nha an ninh quân đội, đã chấp thuận đưa Mậu về thay thế. Diệm vui khi giữ đúng được lời hứa với ân nhân. Bọn Trưng còn vui hơn, khi Mậu không chỉ được về, mà còn được giao nắm quyền trọng yếu trong quân đội. Tất cả trông mong cái gạch nối giữa họ và Tổng thống, tạo lại thế ban đầu, bí mật củng cố lực lượng, quyết chống Nhu-Cẩn.
Võ Văn Trưng dành cho Vũ một sự tin cậy khá cao, tiết lộ về nhưng đồng chí tâm huyết của mình, không dè dặt.
Có cái thế của bộ trưởng Thông tin Trần Chánh Thành, báo Sinh Lực không bị kiểm duyệt, mạnh dạn tấn công Ngô Đình Cẩn, rồi cố vấn Nhu, trở thành tờ báo thứ hai sau tuần báo Thời Luận, đã dám công khai chống đối.
Bên ngoài không ai biết rõ Sinh Lực do nhóm Cần Lao chủ trương, họ gán cho cái tên "Nhóm Sinh Lực" ngang hàng với "Nhóm Thời Luận" của Phan Quang Đán. Lê Nguyên Vũ được coi là thành viên của nhóm, một thành viên trẻ nhất, so với Võ Văn Trưng, Hà Huy Liêm, Tôn Thất Toại (nguyên thượng thư triều đình Bảo Đại cùng thời với Diệm) cả ba đều vượt quá tuổi sáu mươi, tất cả đều là hàng đàn anh về tuổi tác nhưng đối xử với Vũ rất bình đẳng, ngang hàng, kể cả Đỗ Mậu sau này cũng vậy.
Vê đến Sài Gòn, Đỗ Mậu đã trình diện tổng thống Diệm, nhận chức tổng giám đốc an ninh quân đội. Không kịp nghỉ ngơi, Mậu cấp tốc mời "nhóm Sinh Lực" đến nhà mừng ngày tái ngộ. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên, Đỗ Mậu dành cho Vũ mối cảm tình đặc biệt.
Chỉ sau đó một tuần, Mậu điện thoại hẹn Vũ gặp nhau tại tòa báo Sinh Lực. Ông ta tâm sự với anh:
- Tổng thống vui mừng gặp lại tôi. Khi bàn việc giao trọng trách cho tôi nắm an ninh quân đội, ông Cụ nhận có nghi Mai Hữu Xuân trong vụ Ban-Mê-Thuột, căn dặn tôi phải thay thế số sĩ quan chủ chốt dưới quyền Xuân, củng cố tổ chức, hoạt động hiệu quả, thanh lọc hết tàn dư của thực dân Pháp.
- Hôm đó Tổng thống bảo tôi yết kiến ông Nhu, ông Cụ thực lòng chỉ muốn dĩ hòa vi quý. Phần tôi, vì sự nghiệp chung, tôi đã đến gặp ông Nhu cho ông Cụ vui lòng. Ông ta tỏ vẻ biết điều, bỏ hẳn thái độ kênh kiệu, gia trưởng, vui vẻ cởi mở hơn khi trao đổi tình hình với tôi. Cuối cùng, ông Nhu căn dặn tôi phải giúp Tổng thống nắm chắc sự trung thành của quân đội coi đó là cột sống của chế độ. Trong hàng ngũ hai trăm ngàn quân còn lẫn lộn số tướng tá tay chân của Pháp, họ còn trung thành gắn bó với chủ cũ!
- Có thể đấy là mối lo chính của ông Nhu, khi vẫn bị ám ảnh về vự mưu sát vừa qua. Tôi không đồng ý với ông ta. nhưng không nói ra, vì cả Tổng thống và ông Nhu đều nặng thành kiến, mặc cảm đối với Pháp. Quan điểm của ông Nhu đặt Pháp là kẻ thù trước mắt, vô hình chung đẩy lực lượng của Pháp đang hợp tác với ta về phía thù địch, mà quân đội thì hàng chỉ huy đều do Pháp đào tạo. Quả là sai lầm, trong khi mối đe dọa chính của miền Nam là cộng sản miền Bắc. Đối phó cộng sản, ông Nhu ỷ lại vào sức mạnh vũ khí, vào khủng bố và bạo lực,vẫn đi theo vết xe của quân đội Pháp. Theo tôi, phải rút lấy bài học quý giá của Việt cộng, họ đã thắng Pháp do sức mạnh của lòng dân.
Vũ so sánh Đỗ Mậu với bọn Trưng, Thành mà anh đã nhiều lần gặp gỡ trao đổi, Mậu quả là con người sắc nét hơn cả. Vũ chăm chú nghe, chủ ý của anh không làm cản trở dòng suy tư của Đỗ Mậu. Ông ta thay thuốc hút, rồi tiếp:
- Chúng tôi gồm số đảng viên tâm huyết đã ủng hộ ông Cụ trong những năm còn hoạt động bí mật. Hơn ai hết, chúng tôi lo cho tiền đồ của chế độ Cộng hòa được tạo dựng do công sức chung của mọi người, của đảng, bị chính ông Nhu, ông Cẩn lộng quyền. Trước sau đảng vẫn thiết tha với Tổng thống, với phần nửa nước tự do này, với sự sống còn của mỗi chúng ta và gia đình. Chúng ta, vâng, có cả ông nữa, phải tập hợp lại lực lượng, xây dựng đảng vững mạnh đủ sức tạo thời cơ xoay chuyển tình thế, giữ uy tín cho Tổng thống, bảo vệ chế độ Cộng hòa cách mạng quốc gia chân chính.
- Bây giờ chúng ta đã có những thuận lợi, không lúc nào hơn lúc này, phải khai thác triệt để những thuận lợi đó. Các ông bạn của chúng ta hy vọng nhiều ở tôi trong vị trí nắm Tổng nha an ninh quân đội. Từ vị trí này có khả năng xây dựng một lực lượng trung thành với sự nghiệp riêng của nhóm. Ông Võ Văn Trưng rất tin vào ông, một đồng chí trẻ đủ trình độ. Ông có thể giúp tôi trực tiếp củng cố Tổng nha an ninh.
- Tôi tự biết mình, nếu không được người có đầy đủ khả nàng, người tâm huyết giúp sức, tôi không thể làm được. Chỉ có vấn đề hiện làm tôi băn khoăn là để ông nhận một cấp nào trong quân đội cho thỏa đáng? Tôi có xin ý kiến các ông bạn của chúng mình, các ông ấy đều nói rằng, trừ hàng tướng ra, cấp nào cũng không so sánh được với ông, khi ông đã từng giữ phụ tá bộ trưởng Nội vụ, ủy viên chấp hành phong trào đô thành, và hiện nay đang là phụ tá bác sĩ Tuyến, dưới tay có quân nhân cao cấp phục vụ. Chỉ có quyết định của nhóm cử ông vào cộng tác với tôi thực hiện nhiệm vụ chủ yếu vì sự nghiệp của nhóm là hợp tình nhất. Phần tôi tất nhiên tôi không dám nghĩ đến trên dưới, quyền hạn đối với riêng ông. Tôi gặp ông hôm nay chỉ với mục đích đó.
Vũ xác nhận Đỗ Mậu đã có thái độ nghiêm túc đúng mực, đã rào đón rất kỹ khi đưa ra vấn đề mời anh cộng tác, cố ý hết sức tránh không để anh hiểu lầm có sự phân biệt đối xử dưới trên, cao thấp trong lời đề nghị vùa rồi. Ông ta đã khéo dựa vào mục đích sự nghiệp chung cửa nhóm "tâm huyết" trong đó có cả Vũ để anh không mặc cảm được, khó từ chối được. Vũ đánh giá Đỗ Mậu quả có kinh nghiệm sống, có kiến thức. Tất nhiên Vũ không thể một mình quyết định lúc này, anh phải thỉnh thị Trung tàm, đành rằng anh đã thấy bước thuận lợi của mình trong nhiệm vụ trên giao: phá tận gốc, phá từ trứng nước chế độ thực dân mới của Mỹ tại miền Nam. Đại tá Đỗ Mậu đúng là đối tượng cần thiết giúp anh hoàn thành nhiệm vụ. Ông ta rít từng hơi thuốc dài chờ đợi lời đáp ứng của Vũ. Sau một vài phút suy nghĩ, anh hỏi:
- Với ông Cố vấn, với anh Tuyến rồi với Nguyễn Thiệu, tôi phải làm sao đây, để họ sẵn lòng cho tôi qua giúp đại tá bây giờ?
Niềm vui lộ trên đôi mắt tinh nhanh của Mậu, ông ta mỉm cười thoải mái, khoát tay:
- Ông khỏi phải quan tâm, đích thân ông Thành và tôi sẽ đến trực tiếp điều đình với ông Tuyến. Khi ông ta vẫn là Chánh văn phòng của Trung ương đảng buộc phải chấp hành quyết định của đồng chí Tổng bí thư. Còn công việc bên "phong trào" dễ thôi, ông Thành sẽ cử người của chúng ta qua nắm lấy lực lượng này.
Đến đây vừa lúc Võ Văn Trưng và Hà Huy Liêm bước vào văn phòng tòa soạn. Giọng Trưng vui vẻ:
- Chúng tôi vừa họp Quốc hội xong, định ghé lại nhà đại tá, ngang qua thấy xe ở ngoài. Thì ra hai ông gặp nhau ở đây, lâu chưa?
Mậu thân mật bắt tay cả hai:
- Chúng tôi trao đổi lâu đấy. Muộn mất rồi hỉ! Chúng ta đừng về nhà nữa, cùng đến nhà hàng uống, ăn, nhảy cho bõ những ngày nhớ nhau.
Trưng đi lại bàn điện thoại, vừa quay số vừa giải thích:
- Tốt thôi. Phải báo cho bả nhà tôi, để chờ tội nghiệp. – Alô, bà phải không? Này, tôi không ăn tối ở nhà nghe! Không đâu, có ông Liêm, ông Mậu, ông Vũ cùng đi mà... Già rồi, bà đừng lo. Hà... hà...
Đại tá Mậu bước lại vỗ vai Trưng:
- Hai ông bà già còn ghen được là hạnh phúc nhất rồi đấy.
Cả bọn cùng cười, kéo nhau ra xe. Đường Nguyễn Thiện Thuật đã lên đèn, trời xẩm tối, cơn giông nổi gió lay động những tấm bảng quảng cáo treo lơ lửng dọc hiên, trời kéo mây, chưa mưa.
3.
Linh Phương điện thoại cho Vũ từ sáng, hẹn chiều đến thẳng văn phòng ở 62 Bà Lê Chân đón anh đi ăn bằng xe riêng của nàng. Linh Phương buộc anh dành trọn đêm thứ bảy và hết ngày chủ nhật cho nàng, trước khi chia tay qua Hương Cảng, tiếng nàng buồn buồn: "Chúng mình tạm biệt, sẽ xa nhau khá lâu đấy!" Nguyễn Văn Bửu, đại diện cơ quan kinh tài của Ngô Đình Cẩn, đã quyết định giao cho vợ chồng Sài Kinh Vĩ qua Hương Cảng mở văn phòng xuất nhập khẩu, đại diện cho Việt Nam giao dịch với toàn vùng Đông Nam Á. Đây là một vinh dự cho gia đình họ Sài ở Đà Nẵng, khi được cả Bửu lẫn Ngô Đình Cấn tin cậy giao cho trọng trách trên cả hai mặt: Thế chính trị và thu lợi tức không nhỏ. Từ lâu, Cẩn đã có ước mơ bung vòi bạch tuộc ra càng xa, hút càng mạnh. Nắm độc quyền xuất khẩu ba loại hàng hiếm không chỉ ở Á châu mà còn giá trị cao hơn đối với thị trường Âu-Mỹ, đó là trầm kỳ, hồng yến và quế thiên nhiên, chưa kể đến số nguyên liệu đặc sản hiếm, quí, nhưng trong mấy năm qua, vì thiếu sự hiện diện của tổ chức ở nước ngoài phải qua tay trung gian đã gây nhiều thiệt thòi, đôi khi, bị ép giá, Cẩn rất bực tức.
Đến nay, gặp được thuận lợi, chú ruột của Sài Kinh Vĩ ở Hương Cảng vốn là thương gia cỡ lớn, đã tạo được thế đứng trong giới tài phiệt lẫn trong chính quyền Hương Cảng, hứa hẹn giúp Cẩn mở văn phòng giao dịch riêng tại chỗ, nhưng với điều kiện phải sử dụng con cháu họ Sài. Cẩn tin cậy cha đẻ của Sài Kinh Vĩ, nên không cần nghĩ ngợi, cử Vĩ làm đại diện thường trực tại Hương Cảng. Được người chú giúp đỡ tậu mua cơ sở, sắp xếp đơn từ mọi việc không có gì khó khán, vợ chồng Sài Kinh Vĩ bàn giao cửa hàng tại Chợ Lớn cho em ruột là Sài Kinh Tông và cử Phù Ninh Đa lên làm Tổng kinh lý với hy vọng hoạt động sẽ tiến triển không ngừng vì Ninh Đa đã thành thạo công việc. Bửu, Cẩn rất yên tâm. Sài Kinh Vĩ đã đi Đà Nẵng trao đổi kế hoạch với Bửu, cuối cùng phải ra Huế để cậu Cẩn dặn dò. Trong khi chờ đợi lên đường, Linh Phương đã tìm đến Vũ.
Chiếc xe Mercedes đời mới nhất, đen bóng, tiến vào cổng trụ sở "Phong trào đô thị bộ", người gác bình thản ngó theo. Đúng giờ, Vũ cũng vừa từ trong hành lang đi ra, anh đã thấy Linh Phương nghiêng mình mở cửa phía trước, không nghe tiếng động cơ nhưng xe chưa tắt máy.
Sự giao dịch, quan hệ thường xuyên giữa Vũ với số chính khách và bạn bè quen thuộc khá đông, từ nhóm Võ Văn Trưng, linh mục Dưỡng, Huỳnh Văn Trọng đến ba phụ nữ thân thiết nhất, Bạch Hường (hiện là giáo sư trung học tư thục công giáo Trần Hưng Đạo), Linh Phương, tay chân thân tín của Nguyễn Văn Bửu, người nhà cố vấn Trung phần, Phù Ninh Đa bạn gái đặc biệt của thiếu tá CIA Conein... đã tạo cho Vũ cái vỏ bọc bầng thép, chính Trung tâm cũng đánh giá như vậy. Do đó, Vũ cố ý công khai tiếp xúc trước hàng trăm nhân viên mật vụ của Trần Kim Tuyến. Những buổi hẹn gặp nhất là đối với ba phụ nữ thường xuyên đưa đón ngay tại văn phòng 62 Bà Lê Chân đã quá quen thuộc đối với mọi người. Vũ tươi cười bước vào chỗ ngồi bên cạnh Linh Phương:
- Em tới rất đúng hẹn, canh giờ khá nhỉ?
Linh Phương với vẻ trách móc, không phải với Vũ mà với chính mình:
- Hẹn đón anh đúng sáu giờ chiều, em sợ kẹt xe phải đi sớm hơn, để rồi...hừ! Mắc cỡ đấy, anh biết hông? Đành ngồi chờ hai mươi phút ở đầu đường. Vậy chờ đợi là thế nào, anh hiểu chứ?
Câu nói chân tình để thú nhận sự cảm xúc nội tâm quả là khó thực hiện đối với bất cứ ai. Rõ ràng Linh Phương đã biểu lộ sự trung thực của lòng mình trước Vũ. Đột nhiên anh cảm thấy nao nao, nhưng Vũ cố ý tạo một giọng cười trêu chọc như tạt nước dập tắt ngọn lửa chưa kịp bùng lên:
- Em nói giống như chúng ta còn xa lạ lắm, kỳ cục quá thôi! Đến sớm, vào sớm có gì rắc rối đâu nhỉ?
Linh Phương phụng phịu quay mạnh tay lái quẹo xe sang phía đường Hai Bà Trưng, lướt đi như vòng quay của vũ nữ ballet di động bằng đầu ngón chân trên sân khấu, kèm theo giọng nói gay gắt:
- Đầu óc đặc sệt những vấn đề chính trị, anh chẳng còn hiểu biết gì ráo, vậy đó!
Vũ hiểu chứ? Anh không bị bất ngờ dù đây là lần đầu Linh Phương có lời nói nặng nề với anh, nhưng anh khẳng định nàng không có ý xúc phạm mà chỉ biểu hiện giận hờn. Vũ xác định, nét giận hờn, vẻ phụng phịu của Linh Phương chỉ để phát tiết sự dồn nén của tình yêu. Về tình yêu, Vũ lại thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm thực tế. Từ nhỏ đến trưởng thành chịu ảnh hưởng trong nếp sống gia đình nho giáo, Vũ quan niệm tình yêu phải là chuyên nhất, là chung thủy. Trong anh đã ấp ủ một mối tình duy nhất. Người anh yêu đã là vợ tương lai đang ở phía bên kia ranh giới chờ anh. Vũ giữ lời hứa, cũng quyết chờ. Đến ngày nào, tháng nào hay năm nào? Chưa biết được? Anh chỉ biết giữ lòng mình chung thủy. Với quan niệm về tình yêu đơn giản như vậy, Vũ bằng lòng để dứt khoát một bề yên phận, dành trọn trí tuệ, tư duy của anh cho nhiệm vụ cách mạng. Hoạt động từ trong lòng địch buộc anh phải giấu mình và giả dối với kẻ thù, nhưng tự anh không cho phép mình lừa dối những quần chúng tốt đã yêu anh, trung thực với anh, còn hơn nữa, đã gián tiếp cùng anh đối đầu với kẻ thù của dân tộc.
Vũ đã lặng thinh để đối lại vẻ hờn giận của Linh Phương, anh nghĩ, như thế còn tác dụng hơn cả ngàn lời giải thích lúc này. Chiếc xe lướt đi trong hàng xe cùng chiều rất ổn định, Vũ hiểu Linh Phương đã lấy lại bình tĩnh lâu rồi. Phía trước, trên sông Sài Gòn hàng tàu Hải quân đã mở đèn sáng rực soi rõ những bức rào lưới thép, những cọc sắt sơn trắng ngăn khu quân sự biệt lập ngay tại đầu đường. Cho xe vòng sang phải, dọc bờ sông, những bồn hoa đã đông người hóng gió, Linh Phương chợt thở dài, lên tiếng:
- Anh giận em à?
Vũ quay đầu nhìn thẳng vào mặt nàng, khuôn mặt nghiêng nghiêng nổi bật những nét thanh tú qua ánh đèn đường. Anh không trả lời, nhưng với sự nhạy cảm của Linh Phương, anh tin nàng hỏi để mà hỏi thôi, nàng hiểu anh hơn ai hết, chẳng bao giờ anh giận được.
Linh Phương cho xe dừng lại bên lề đường cạnh cửa vào nhà hàng Majestic. Cả hai rời xe, mặc cho người tài xế riêng của khách sạn theo thường lệ, lái xe đến chỗ đậu an toàn. Linh Phương chủ động nắm cánh tay Vũ, cả hai sóng bước qua một đoạn hè lát gạch. Nàng ghé đầu vào tai anh thì thầm:
- Em muốn chúng mình đến đây để nhớ lại ngày gặp anh, vậy mà đã ba năm rồi nhỉ?
- Gần ba năm thôi, một ngàn lẻ một ngày.
Linh Phương cười vui vẻ, kéo anh vào cửa hàng không quên dúi vào túi ngực người bồi mặc đồng phục viền đỏ đứng cúi đầu đón khách tờ giấy bạc gấp đôi. Vũ biết Linh Phương không thể tin được anh đã đếm đã nhớ từng ngày kể từ khi rời Hà Nội vào Nam. Nàng hiểu lầm con số trùng hợp với tên cuốn truyện nổi tiếng "Ngàn lẻ một đêm". Viên quản lý bận complé trắng, cổ thắt nơ đon đả bước đến trước Linh Phương, trinh trọng:
- Thưa bà, chúng tôi đã sẵn sàng dành phòng số 6 với hai phần ăn theo đơn đặt, như bà đã căn dặn.
- Cám ơn nhé.
Viên quản lý đi trước dẫn đường, thân mình hơi nghiêng nghiêng sang một bên, hướng hai người bước lên cầu thang trải thảm..
Trong phòng riêng, bàn ăn đặt sẵn gần phía cửa sổ trông ra sông Sài Gòn, có bộ sa-lon kê sát tường, bàn viết nhỏ và điện thoại, đủ tiện nghi cho khách trọ, phòng ngủ phía bên, sau cánh cửa khép hờ. Người bồi phục dịch ăn uống đã có mặt kính cẩn đưa rượu khai vị lên đặt trên bàn với những chiếc ly pha lê trong suốt. Cả hai ngồi đối diện, Linh Phương không chú ý người bồi đang rót rượu, nàng mỉm cười và chăm chú nhìn Vũ:
- Anh nhận thấy ở em eo gì khác. không?
Vũ ngắm nghía và không khỏi ngạc nhiên. Từ lúc gặp nhau, Linh Phương chỉ ngồi sau tay lái. Lâu nay, anh cũng ít chú ý đến cách thức ăn mặc của nàng, giờ ngó kỹ lại anh đã hiểu chủ tâm của nàng. Phụ nữ quả là tế nhị. Vũ ra vẻ nghiêm túc:
- Thưa cô Tư, không có gì khác cả. Vẫn là cô Tư Bình Xuyên ngày trước, với mái tóc đó với cặp mắt trong sáng đó, với chiếc áo dài dân tộc màu đỏ. Vâng có khác chăng ngày đó, cô Tư là mùa đông băng giá, hôm nay là cả một mùa xuân. Nhưng cô Tư Bình Xuyên trong tôi, duy nhất chỉ là một người.
Vũ cố che dấu cảm xúc đột ngột. Anh rất hiểu chủ ý của Linh Phương. Nàng muốn nhắc nhở lại ngày gặp anh lần đầu ở nơi đây mà chỉ với riêng anh, chứ không phải nàng muốn nhớ lại quãng đời tuyệt vọng xưa kia khi chính nàng đã cố gắng suốt ba năm qua, để quên đi, để xóa sạch dấu vết. Rõ ràng Linh Phương đã chịu xót xa với quá khứ để diễn lại một kỷ niệm ban đầu, kỷ niệm của một tình yêu đã đến với nàng, mối tình đơn phương. Càng suy nghĩ, Vũ càng thêm lúng túng, điều mà anh chưa hề gặp phải ngay cả khi cần xử thế, hay đối đáp với kẻ thù. Vũ đành im lặng. Linh Phương lắc đầu nhè nhẹ, thôi nhìn soi mói vào mắt anh, nàng hơi cúi mặt ngắm ly rượu khai vị, giọng nàng buồn bã:
- Từ nhỏ em chỉ biết yêu má, người má đau khổ trong cả cuộc sống và cả khi phải chết... để rồi trưởng thành... em đã biết thế nào là tình yêu, khi gặp anh tối hôm đó, và đã yêu anh!
Nàng lại lặng thinh, cầm ly rượu, Vũ cầm theo ly của mình, cả hai chạm nhẹ thành ly và cùng nhấp. Có thể với Linh Phương, nàng uống để chặn lại sự xúc động. Còn Vũ, anh tự giận mình không được tỉnh táo, để nhặm lẹ chuyển đổi đề tài lẫn khung cảnh bối rối này đi. Vũ nghiêng mạnh ly uống quá phần nửa, bỗng lóe lên trong óc một ý nghĩ chợt đến, giúp anh phân tích cái lúng túng của mình. Khi trong lòng không bị vướng mắc một điều gì, gặp trường hợp khó khăn nào anh cũng đủ sáng suốt để đối phó. Còn lúc này anh đã bị vướng mắc bới tình cảm có thật trong anh, anh không thể dối với lòng mình, đóng kịch với Linh Phương.
Chờ cho người bồi đặt thức ăn bước ra, Linh Phương vẫn với giọng buồn buồn tâm sự:
- Cách đây hai mươi tám năm, em đã ra đời trên bờ sông Hậu, cạnh chợ Mới Long Xuyên. Ba em là nhà giáo hiền lành, chân chất, biết tự trọng. Má em và má anh Bảy là chị em ruột, nhưng má em là út nên chênh lệch tuổi tác quá nhiều. Ba em chết bịnh khi em lên mười, má em quyết định ở vậy nuôi con. Ở đó, nhờ tiếng anh Bảy, cuộc sống của hai má con không bị khuấy động, em hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong vòng tay của bà con cho đến...
Linh Phương dừng lại bất ngờ ngước mắt nhìn Vũ, cặp mắt trong đen láy thật đẹp. Nàng cười nhẹ, cao giọng:
- Em làm anh buồn lắm phải hôn? Thôi em xin lỗi, xí xóa nhé, chúng mình ăn đi.
Với cử chỉ săn sóc quen thuộc, nàng rót rượu, tiếp đồ ăn cho Vũ, trong khi anh vẫn chăm chú nhìn Linh Phương bằng ánh mắt tha thiết cảm thương:
- Chính anh mới có lỗi, khi anh không biết cách gì chia xẻ nỗi buồn với em. Nỗi buồn mà anh nhận thấy em đã dũng cảm chế ngự được để mạnh dạn chuyển hướng cuộc sống. Anh trọng nể em đã có đủ nghị lực để sống tự lập. Quý mến em, một tâm hồn trong sáng, anh rất muốn nghe em kể tiếp chuyện về em, không phải vì tò mò mà chính vì em đã cho phép anh quan tâm đến em từ ngày đó.
- Anh hứa dành trọn cho em cả ngày mai nữa phải hôn? Thời gian còn đó, anh cứ ăn đã, em hứa và cũng đã có ý định sẽ nói nhiều với anh nữ đấy.
Không khí trở lại bình thường. Vú rất mừng, cắm cúi ăn:
- Nào chúng ta cùng ăn chứ?
Linh Phương như muốn làm vui lòng Vũ, nàng lấy thức ăn vào chén của mình, kể tiếp:
- Cuối năm 45, em được mười ba tuổi. Buổi trưa đó má em đi làm cỏ ruộng về, bị băng huyết. Làng xã đang chuyển vào cuộc sống sục sôi thời chiến. Đàn ông, thanh niên hăm hở lo tập võ chống giặc, tình hình hồi đó có lẽ đói kém, thiếu gạo ăn, thiếu thuốc men nên má em tuy được bà con giúp đỡ chạy chữa bằng thuốc lá của các thầy lang trong vùng cũng chi thoi thóp được một đêm rồi chết. Khi còn sống, má em không chịu bỏ căn nhà gỗ lợp lá của ba em để trở về quê ngoại. Bả muốn giữ kỷ niệm của người chồng trọn nghĩa kính yêu, một mình ở vậy nuôi con, dành cho em tất cả tình thương và no đủ. Em được đi học và chẳng phải đụng đến việc gì nặng nhọc, nên không ý thức được những khó khăn của cuộc sống, những phức tạp của con người và xã hội. Chỉ cần có má, và ước mơ tương lai ảo tưởng một vừng hồng.
- Hình ảnh con sông Hậu hiền hòa, những kinh rạch ngang dọc với những chiếc xuồng ba lá, vườn cây trái quanh năm bốn mùa thay nhau đổi màu, ra quả. Trời và nước trải rộng tầm nhìn, quê hương và tình mẫu tử, mãi mãi đậm nét trong trí nhớ của em. Trong khung cảnh đó, ở tuổi mơ mộng đó, em đã thích đọc thơ, thuộc lòng hầu hết những câu hò dân gian mộc mạc. Thơ và mộng đã tắt biến trong em cùng lúc với cuộc đời má em phụt tắt. Có lẽ nghĩ đến đứa con duy nhất còn non dại phải bỏ lại dọc đường, má em quằn quại rên rỉ trọn một đêm, nuối tiếc mở mắt như để tìm em khi chết.
- Em được anh Bảy Viễn đưa về giao lại cho chị Bảy nuôi dưỡng. Chị Bảy không có con gái, càng thương yêu em hơn, nhưng dù có thương bao nhiêu, vẫn không thay thế được tình thương của má. Anh chị Bảy cho em học nội trú ở trường sơ áo trắng. Em không có đạo, nhưng thường xuyên học kinh, đi lễ, ảnh hưởng tôn giáo thấm dần vào tâm hồn ngây thơ, tin cậy quyền bính của thượng đế, số phận cuộc sống do tiền định, con người chỉ biết vâng phục. Em đã vâng phục anh Bảy giúp ảnh kéo về phe mình một tay anh chị. Thế là em lấy chồng năm 1949, người mà em không yêu và em cũng chẳng được yêu, em phải làm vợ. Đời em là vậy đó, về sau này thì anh đã biết rõ về em.
Vũ đã uống hết ly rượu thứ ba do chính Linh Phương vừa kể vừa châm đầy mỗi khi ly cạn. Tình thương cô gái dâng lên trong anh như men rượu bừng bừng bốc cháy. Anh chăm chú nghe, im lặng nghiền ngẫm nỗi day dứt khó tả trong tim mình. Linh Phương chớp chớp mắt nhìn Vũ, miệng nở một nụ cười, nỗi xót xa như phát ra âm thanh xoáy vào óc người chứng kiến. Tiếng nàng nghe như mơ hồ:
- Em chưa biết thế nào là tình yêu, để rồi hiểu được tình yêu, thật là bất ngờ, khi gặp anh. Em tự biết mình chẳng còn xứng đáng, dù có lúc đã thoáng đến trong em một chút hy vọng, vào cái ngày có tin Tư Hiểu không còn. Nhưng đó chỉ là ánh chớp chói lên khi lý trí không kềm được lòng mình mà thôi. Em tôn thờ một tình yêu vĩnh cửu, dù đó là tình yêu đơn phương và sẽ giữ gìn nó mãi mãi trong sáng. Em quyết định rất nhanh lời cầu hôn của anh Sài Kinh Vĩ. Lấy chồng!
Linh Phương vẫn giữ nụ cười trên môi, lơ đãng cầm ly rượu đã vơi, uống cạn. Nàng đặt ly xuống bàn nhưng vẫn giữ trong tay xoay xoay ngắm nghía, không phải để nhìn cái ly, mà chính nàng đang tập trung nhìn vào ý nghĩ của mình. Nàng thấp giọng, thì thầm:
- Em lấy chồng, để được yên ổn yêu anh. Em không yêu Vĩ, dù ảnh yêu em với cả tấm lòng bao dung trung thực.
Nàng bỏ chiếc ly, vòng hai cánh tay trước ngực, ngửng mặt nhìn Vũ, nhẹ lắc đầu:
- Khó mà hiểu được phải không anh?
Vũ rất hiểu. Anh tin nàng không dối lòng mình, không đóng kịch: tình yêu và quyền lợi không thể tính đến trong trường họp này. Cái chính là Linh Phương đã sống bằng nội tâm, bằng tư duy. Vật chất không có chỗ xen vào làm vẩn đục sự trong sáng của lòng nàng. Vũ vẫn im lặng nhìn Linh Phương không chớp mắt, trân trọng trước những ý tưởng tốt đẹp của nàng như trân trọng trước sự đau khổ của tang gia.
- Cuối ban trung học, em được học truyện Kiều. -giọng Linh Phương như chìm đắm vào kỷ niệm - Mê Kiều em thuộc rất nhiều đoạn, và khi rảnh rỗi, một mình em ngâm nga không chán. Chưa đủ trình độ thấu triệt văn chương của Nguyễn Du, chỉ hiểu nội dung cuộc đời Kiều để mà xót xa, thương cảm, để kính yêu sự trong sáng của tâm hồn Kiều khi từ chối trở lại với Kim Trọng, tôn thờ mối tình dầy công ôm ấp trọn cuộc đời mình.
Người bồi vào phòng, Linh Phương ngừng lại, khoát tay ra hiệu dọn bàn. Nàng đứng lên, chỉ sang bộ sa-lông cạnh đó, mời Vũ:
- Anh qua bên này, chúng mình ngồi uống nước.
Viên quản lý tự mình mang cà phê lên. Đây là cách phục vụ đặc biệt có lẽ nhà hàng chỉ dàng riêng cho khách quen vào hạng có quyền, có tiền. Cửa phòng mở, nhạc nhảy từ lầu trên vọng xuống. Chờ cả hai đi ra đóng cửa lại, Linh Phương trao ly cà phê mà tự nàng cho vào ba viên đường vuông theo thói quen uống vừa phải của Vũ. Giọng nàng trở lại bình thường:
- Anh ạ, em rất kính trọng nàng Kiều đã cương quyết, dứt khoát từ chối lời cầu khẩn của Kim Trọng, nhưng không quên săn sóc hạnh phúc cho chàng. Nàng năn nỉ em ruột mình thay thế, để mình được tôn thờ tình yêu, mối tình chung nhất. Em tôn trọng mối tình chung thủy của anh với người yêu kẹt lại miền Bắc, em thèm muốn được thay thế cô gái hạnh phúc ấy. Nhưng thời cuộc...biết đến bao giờ hạnh phúc mới tới với anh? Em yêu anh, nên càng thương anh hơn, anh tin không?
- Anh tin, rất tin nữa, Linh Phương ạ!
- Cám ơn anh. Như vầy là em đủ hạnh phúc lắm rồi. Khi người ta đau đớn, khóc được
là bớt đau. Khi giận tức, được gào thét lên là hết giận. Còn em, cố nén lại mái trong lòng mình, hôm nay được nói hết với anh, hết buồn sẽ vui thôi.
Nàng kéo tay Vũ đứng lên:
- Kể từ ngày đóng cửa các vũ trường, chúng ta chưa nhảy lại với nhau. Đêm nay em muốn được anh đưa vào, để nhớ lại ngày em được gặp anh.
Vũ dìu nàng theo thang lầu lên phòng khiêu vũ. Cảnh vật vẫn như xưa, chỉ thay đổi con người và dàn nhạc. Tổng thống Diệm đã ra lệnh đóng cửa hầu hết vũ trường, chỉ để lại vài địa điểm dành cho người ngoại quốc, người Mỹ chiếm đến chín mươi phần trăm số khách. Với người Việt vào được những nơi này phải là những tay vai vế, có quyền hành. Riêng Vũ, không chỉ được vào mà có thể bất cứ giờ nào, bằng tấm thẻ của cơ quan mật vụ Trần Kim Tuyến ký tên. Viên quản lý trịnh trọng dẫn đường đưa Vũ và Linh Phương vào tận phía trong, dành một bàn cho hai khách. Căn phòng rộng thênh thang nhưng đông đặc đầu người nhấp nhô trên hàng trăm lưng ghế dựa. Ánh đèn không sáng lắm, đứng gần nhau vẫn khó nhận mặt nhau. Bây giờ toàn là nhạc công người Việt, với những bản nhạc kiểu Mỹ, ầm ĩ, giật gân, mất hằn sự êm dịu cổ điển thời kỳ còn Pháp trước.
Chỉ trong một thoáng, người bồi đã đặt trên bàn Vũ chai champagne để nghiêng trong xô đá lạnh. Đích thân viên quản lý trịnh trọng đem hai chiếc ly chân cao tới và tự tay tháo lấy nút chai. Hắn thành thạo giữ cho tiếng nổ vừa đủ nghe, rót rượu ra ly ghé sát vào tai Vũ:
- Thưa ngài phụ tá, ông chủ tôi thành thật biết ơn ngài đã chiếu cố đến cửa hàng, sai tôi phải bồi tiếp. Ngài cần gì xin cứ gọi, tôi luôn có mặt tại quầy.
- Cám ơn anh, và tôi gửi lời chào ông chủ.
- Không dám. Tôi xin chuyển lời chào của ngài đến ổng.
Hắn đưa cả hai bàn tay đến gần ly rượu vừa châm đầy:
- Xin kính mời bà, xin kính mời ông dùng cho. Tôi được phép cáo lui.
Hắn cúi đầu rất kiểu cách và quay đi. Vài tên Mỹ bên cạnh nhìn theo viên quản lý, rồi tò mò nhìn Vũ và Linh Phương. Chúng mặc sơ mi kẻ sọc bỏ ngoài, nhưng chúng đều là cố vấn quân sự. Vũ lướt mắt nhìn qua một lượt, rồi ngắm nghía những cô gái Việt bận mi-ni giuýp, váy ngắn lộ nửa phần đùi, quá nhỏ bé bên cạnh những thân thể cao to của người Mỹ. Linh Phương nhấm nháp ly rượu ngọt. Vũ quay đầu nhìn nàng, nàng nhìn xuống mặt bàn, như lắng nghe tiếng nhạc. Bản nhạc cha-cha-cha ầm ĩ với nhịp trống, thỉnh thoảng vài nhạc công thét lên như trong phim người da đỏ. Ngoài "pít", các cặp nhảy không ôm nhau, thỉnh thoảng quay một vòng vẫn không lạc nhịp bốn. Không khí trong phòng xáo động hòa với xáo động của âm thanh khá mạnh. Linh Phương tự kéo ghế ngồi sát bên Vũ, nàng ghé đầu vào vai anh, có lẽ nàng muốn nói chuyện nhưng tiếng ồn kèn trống khó mà nghe được, nàng chưa nói lời nào.
Bản nhạc vừa dứt, trong phòng lắng xuống, nghe rõ tiếng xì xào đâu đó. Những vũ nữ không ngồi trên ghế mà ngồi trong lòng bọn Mỹ. Chúng ôm nhau và tự do hôn nhau trong bóng tối lờ mờ. Không còn chút gì phong thái của vũ trường ngày trước, nó đã biến thành hộp đêm. Vài tiếng cười của đàn bà trơ trẽn vang lên, có cả nhưng tiếng chửi tục tằn của cô gái nhảy nào đó bằng lời Việt rất chói tai, khó chịu. Bỗng Linh Phương xiết mạnh bàn tay Vũ thì thầm:
- Trước đây ba năm, những cảnh thế này, đôi khi còn hơn nữa em chẳng quan tâm và không thấy khó nhìn, khó nghe. Nhưng bây giờ em đã biết mắc cỡ và sợ hãi, tại sao vậy anh?
- Không có gì lạ cả, đó là bản chất tốt của em. Bản chất khó thay đổi, nhưng thói quen rất dễ thay đổi theo môi trường sống mà chúng ta chịu ảnh hưởng. Các cô vũ nữ kia cũng vậy, chắc chắn buổi đầu cũng biết e lệ mắc cỡ đấy, nhưng khi họ quen với sinh hoạt kiểu này thì họ sẽ thích nghi và quên dần quá khứ.
Người bồi đến bên bàn Vũ, hắn châm đầy hai ly rượu, cử chỉ trân trọng quá đáng nhưng thành thạo, rõ ràng Vũ được viên quản lý vũ trường chú ý phục vụ. Vũ ghé tai người bồi nói nhỏ:
- Tôi yêu cầu hai bản tango và valse, sau đây khoảng 30 hoặc 40 phút, tôi phải về sớm bận công chuyện không ở lâu được.
- Xin tuân lệnh ngài!
Hán nói xong quay đi ngay. Nhạc nổi lên âm thanh như tăng thêm cho phù lợp với bản khiêu vũ mới. Kiểu nhảy twist, swing và cha cha cha từ các câu lạc bộ riêng của người Mỹ đã tràn ra bên ngoài, nhất là các buổi khiêu vũ trong nhà riêng, trở lên phổ biến gần năm nay. Không khí trong phòng vừa lắng xuống được mươi phút, như bị vỡ vụn ra đột ngột, sàn nhảy như trong cơn gió xoáy, những thần hình nhấp nhô quay cuồng hỗn loạn. Linh Phượng cảm thấy chóng mặt. Nàng nghiêng đầu tựa vào vai Vũ:
- Em tự nhiên thấy nhàm chán dù em mê khiêu vũ. Tất cả đã thay đổi, phải không anh?
- Đúng thôi em, sự vật đều phải đổi thay mà. Nhưng đây mới là ngoại cảnh, cái chính là, trong em đã đổi thay về quan niệm sống. Anh rất mừng, vì em đã trở lại với bản chất vốn có của mình. Ông cha ta đánh giá về cây sen quả là chính xác, đánh giá thông qua quá trình thử thách thực tế. Bông sen sống trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn.
Linh Phương nhẹ lắc đầu:
- Ví với anh thì đúng đấy. Anh sống tự tin giữa xã hội đầy rẫy cám dỗ, vẫn giữ được "bông trắng, nhị vàng". Còn em, đã hèn nhát chấp nhận số phận mặc để cho người tàn phá thể xác tâm hồn, nếu không gặp anh.... Chắc em tự để chìm dần trong vũng lầy...
- Không? Dù không gặp anh, em vẫn không bị vấy bùn. Chính em đã biết cưỡng lại số phận, dũng cảm tự vùng lên thoát khỏi vũng xoáy đó. Rõ ràng en đủ nghị lực, lý trí làm chủ mình và giữ tâm hồn trong sáng. Cách đây không lâu, hồi còn làm phụ tá cho tổng trưởng Nội vụ, anh qua gặp Lại Văn Sang ở Tổng nha cảnh sát trong lúc hắn đang tra tấn một cô gái theo hiệp định đình chiến Genève ở vùng Việt cộng trở về với gia đình bị Sang bắt. Cô gái đã chửi Sang là con người thối rữa, tay sai ngoại quốc, tàn sát đồng bào. Sang đã cho bọn lính hiếp cô ta. Sau đó hắn cười gằn hỏi cô gái: "Bây giờ mày đã trở thành hạng thối rữa rồi đấy, mày chẳng còn tự hào là một thiếu nữ trong trắng nữa chứ?" Cô gái trợn trừng nhìn hắn, giọng nói bình tĩnh rõ ràng: "Mày lầm đấy, tao luôn tự hào là người phụ nữ trong trắng dù mày đã làm nhục tao". Anh bỏ ra ngoài phòng, Sang chạy theo anh. Cảnh vừa rồi đã làm cho chính hắn hoảng hốt hay tỉnh ngộ? Giọng hắn hổn hển: "Ông phụ tá chắc ít thấy những việc tương tự. Chúng tôi thì quen quá rồi và cũng quá ngán bọn Cộng sản, dù chỉ là đứa con gái đáng tuổi con tôi?" Em ạ, tiếng nói của cô gái Việt cộng ám ảnh anh từ đó cho đến nay, và trong thâm tâm anh phải xác nhận một điều, sau những suy nghĩ day dứt, con người đó vẫn mãi mãi trong trắng! Chỉ những kẻ có tâm hồn thối rữa thì cuộc đời mới đen tối thôi. Qua những thử thách, cũng như vàng dù thử lửa, vẫn là vàng, có quyền tự hào là vàng thiệt.
Linh Phương xúc động, tiếng nàng như thổn thức:
- Em không dám so sánh với cô gái Việt cộng anh vừa kể, nhưng mấy năm được gần gũi anh, em cảm thấy chính anh đã giơ tay đỡ em ra khỏi vùng lầy. Và cũng chính anh giúp em đủ nghị lực tạo lại cuộc sống... Em biết ơn anh, anh Vũ ạ!
Bản nhạc chấm dứt, không khí ầm ĩ bỗng lặng xuống đột ngột. Linh Phương ngồi thẳng lên, tự tay rót rượu đầy hai chiếc ly đã cạn. Nàng đưa ly rượu cho Vũ, nàng uống bạo hơn, giọng nàng trở nên sôi nổi:
- Một lần xe hư bất ngờ, em bỏ đi bộ một quãng dài. Từ lâu em cố tránh lang thang trong những khu vực quen thuộc, những đường phố đã ghi dấu cuộc đời bất hạnh của em. Lần đó, em quên hẳn không nghĩ đến, mãi khi đi qua căn biệt thự mà em đã sống những tháng đầu làm vợ Tư Hiểu, mới nhận ra thì quá muộn. Quá khứ tàn bạo bỗng chốc hiện lên làm em xây xám mặt mày, ngã xuống vệ đường ngất lim. Sau tai nạn đó, em đâm căm thù tất cả, quyết tâm xa rời Sài Gòn, khi có cơ hội. Em rất sợ khi nhìn thấy những bến Vân Đồn, cầu chữ Y, cả Chợ Lớn lẫn trường sơ áo trắng, hoặc phải đối diện với những bộ mặt nham nhở, độc ác. Em nuôi ý nghĩ tách rời mình ra khỏi quá khứ tàn nhẫn, đau buồn. Cho đến ngày gặp anh, rồi cả Ninh Đa, nguồn an ủi làm em lãng quên dần. Bây giờ em có cơ hội rời bỏ Sài Gòn, thì ngược lại, Sài Gòn đang níu kéo, một người yêu, một người em thương, còn đây, vấn vương khó dứt... em sợ phải xa Ninh Đa và cả anh nữa.
Bản tango đúng theo yêu cầu của Vũ bắt đầu. Anh đưa Linh Phương ra sàn nhảy. Nàng hoàn toàn thụ động mặc cho Vũ dìu đi theo sóng nhạc, như muốn được gởi gắm, như muốn được chở che, tin cậy trọn vẹn vào Vũ. Trong khi ấy Vũ suy nghĩ đến sự chuyển biến trong tâm hồn Linh Phương, nhân sinh quan mới đang nhen lên trong nàng. Cũng như Ninh Đa, Linh Phương đã nhận chân được cuộc sống với bề trái của nó, giúp nàng sớm thức tỉnh bản năng tự vệ. Nếu được giáo dục chính trị, được dìu dắt kịp thời, Linh Phương sẽ rất mau giác ngộ cách mạng. Vũ đã tính đến vị trí tương lai của nàng ở Hương Cảng, một thành phố thương mại quốc tế giao dịch rộng rãi, anh rất muốn sử dụng văn phòng đại diện của Cẩn tại đó làm hộp thơ móc xích liên lạc với Trung tâm khi cần đến. Tất nhiên Vũ phải báo cáo để Trung tâm nghiên cứu..
- Anh săn sóc Ninh Đa giùm em. Nếu quả nhớ không chịu nổi, em sẽ đưa nó qua ở luôn với em đấy.
Tiếng Linh Phương thì thầm bên tai. Vũ xúc động trước tình cảm thắm thiết giữa hai cô gái:
- Anh coi Ninh Đa là đứa em gái, dĩ nhiên vắng em, anh phải dành nhiều thì giờ cho cô bé. Em yên tâm, khỏi dọa người ta nữa.
Linh Phương cấu nhẹ trên vai Vũ, cười khúc khích. Nàng đã trở lại vui vẻ như quên hẳn thái độ rầu rĩ vừa rồi. Bản nhạc quen thuộc, những bước đi thành thạo của nàng. Vũ có cảm tưởng đang lướt đi theo cái bóng của chính nàng trên sàn khiêu vũ, thân thể Linh Phương nhẹ bỗng trong vòng tay anh.
- Tài và sắc của Ninh Đa đã làm say mê nhiều cậu công tử con nhà tỷ phú trong Chợ Lớn, anh đã biết chưa? Em trai Mã Tuyên đến cầu hôn, Ninh Đa không chịu. Nó nói, chưa có ý kiến của anh Vũ nó thì chưa dám nhận hứa hẹn gì. Ngay cả với em, nó cũng đem anh ra để đe nữa, nào: "như thế này anh sẽ giận, như thế kia anh sẽ đánh đòn..." ghê chưa? Nó coi anh là tất cả, nó thú nhận sẵn sàng chết vì anh em mình. Nó vẫn tin anh là anh họ của em.
- Ninh Đa tin là đúng thôi em ạ, tình anh em trong sáng giữa chúng ta không gì thay đổi được. Nhận nhiệm vụ làm anh, tất nhiên anh phải lo giúp Ninh Đa được hạnh phúc trong cuộc sống riêng và cả cuộc sống lứa đôi sau này.
Linh Phương dừng bước, ngước mắt nhìn soi vào mặt Vũ, giọng run lên: - Không lẽ anh chỉ dành cho em tình thương anh em thôi ư?
Vũ kéo sát Linh Phương vào mình, tiếp tục dìu nàng theo nhịp bước, anh cúi đầu ghé sát tai nàng thì thầm:
- Cứu giúp Ninh Đa, công em nhiều nhứt. Ninh Đa kính yêu chúng ta do sự trong sáng của mối quan hệ tình cảm, không vì vật chất tiền bạc. Chúng ta không được phép làm vẩn đục tâm hồn Ninh Đa. Anh yêu em, lại càng thương em hơn nên phải có bổn phận bảo vệ hạnh phúc của vợ chồng em và hạnh phúc của Ninh Đa. Coi nhẹ lý trí, vượt qua bổn phận đó, cả em và anh sẽ mất hết. Em hiểu chứ?
Linh Phương lặng thinh, nàng dựa sát vào Vũ một cách buông thả. Tới lúc bản nhạc chấm dứt, nàng nán tại chỗ, nói vào tai Vũ, giọng xót xa tuy hàm ý nhận chịu:
- Em hiểu!
4.
Hơn bảy giờ tối, Trọng mời tới thăm Vũ tại nhà riêng, báo tin có thư của cha Dưỡng gửi về cho Vũ, do cha Luận nhờ Trọng mang lại. Cả hai ngồi tại phòng khách vừa pha trà uống vừa đọc thư chung.
"Washington ngày 18 tháng 4 năm 1957
Thầy Vũ thân ái!
Tôi phải viết gấp thư này gửi về thầy sau một tuần lễ có mặt ở Washington. Tôi hiểu thầy không khỏi sốt ruột trông tin, trong khi tôi gặp chuyện bất ngờ không về cùng với cha Luận. Nguyên là, có phái đoàn các cha dòng Đa Minh Phi Luật Tân ghé Hoa Kỳ, các vị đều là bạn tu cũ, rủ tôi đi hành hương Rome sau đó qua Pháp dự họp ở tỉnh dòng Lyon. Ngày họp cũng chẳng còn bao xa, tôi nhận lời đi cùng các vị, chờ họp luôn. Thầy tính coi, có về Sài Gòn cũng chỉ ít ngày rồi lại đi, thêm vất vả.
Trước hết tôi cảm ơn thầy đã giúp tôi số ý bổ sung cho bản trình bày của tôi trong những buổi tiếp xúc với đức Hồng y Spellmann, nhờ đó được Ngài quan tâm cách riêng. Ngài vui vẻ cho rằng chúng tôi đã giúp Ngài hiểu rõ tình hình Sài Gòn và những diễn biến phức tạp bên ngoài cũng như nội bộ Chính phủ, trong khi nhiều người Mỹ ở bên đó chưa thấy hết, hoặc thấy sai lạc thực tế. Ngài hứa hẹn sẽ vận động Nhà Trắng chính thức mời tổng thống Diệm qua điều trần trước Quốc hội để giải tỏa những bất lợi đó.
Ngài giải thích những điều chúng tôi còn băn khoãn, cũng có ý thông qua chúng tôi chuyển đến tổng thống Diệm. Ông Diệm phải tỏ ra hiểu biết đường lối của chính phủ Hoa Kỳ đang giữ vai trò lãnh đạo thế giới tự do chống hiểm họa Cộng sản trong đó có cả Việt Nam cộng hòa. Chính phủ Mỹ đang đổ đô-la, vũ khí và khi cần, có thể cả sinh mạng công dân Mỹ, cho sự sống còn của miền Nam Việt Nam, cho sự lớn mạnh của chính phủ Sài Gòn, để biến mảnh đất này trở thành một tiền dồn chống cộng, bảo vệ chung cho một vùng chiến lược từ Miến Điện, Thái Lan, Đông Dương, Phi Luật Tân, Nam Dương, Đài Loan và Nam Hàn. Việt Nam cộng hòa đã được chính phủ Hoa Kỳ giải thoát khỏi sự ràng buộc của hiệp định Geneve sẽ hoàn toàn tự do gia nhập khối liên minh quân sự, từ đó làm tròn nhiệm vụ một mắt xích trong số mắt xích liên hoàn do Mỹ tạo lập. Kết luận, Ngài nhấn mạnh, tổng thống Diệm phải ý thức được quyền lợi của chính phủ ông trong đó có riêng ông ta, phải gắn liền với quyền lợi của thế giới tự do trong đó có Hoa kỳ.
Sau đó, Ngài mời cha Joseph Học đến gặp chúng tôi. Đó là linh mục người Việt du học, được trung tâm CIA mời giữ chức giám đốc Cơ quan nghiên cứu chính trị xã hội đặc trách ba nước Đông Dương. Theo yêu cầu của Đức Hồng Y, cha Học trình bày cho chúng tôi biết đề án xây dựng miền Nam Việt Nam của chính phủ Mỹ. Quả là vĩ đại, chúng tôi không thể hình dung nổi đối với một nước tiểu nhược nghèo nàn như miền Nam ta, mà lại là hiện thực. Mỹ phải đầu tư hàng chục tỷ đô-la, và chỉ trong thời gian không đầy mười năm tới sẽ biến nơi đây thành vị trí quan trọng về mặt quân sự, cả về mặt kinh tế. Tôi chỉ xin nêu lên ít nét điển hình để thấy rõ, trên cả chục sân bay được xây dựng từ Đông Hà đến Cà Mau, trong dó có hai sân bay lớn hiện đại: Tân Sơn Nhất, Biên Hòa có sức chứa và khả năng sử dụng hàng ngàn máy bay phản lực siêu âm tối tân và máy bay khổng lồ chiến lược. Hai hải cảng vào hàng quốc tế Đà Nẵng và Sài Gòn đón nhận các tàu cỡ lớn. Đặc biệt căn cứ hải quân Cam Ranh giúp cho hạm đội Bảy của Hoa Kỳ phối hợp với hải quân Việt Nam bảo đảm an minh tuyệt đối bờ biển nước ta và cả khu vực Thái Bình Dương.
Một hệ thống vệ tinh viễn thông đủ khả năng thu nhận và truyền tin khắp thế giới tự do.
Những con đường huyết mạch có tính chiến lược được tân tạo hiện đại thay thế những mạch giao thông cũ kỹ thời Pháp. Xa lộ Biên Hòa, đường 15 Vũng Tàu, đường 20 Đà Lạt, đường 4 miền Tây, dường số 1 sẽ là cột sống cho những con đường nối các tuyến với cao nguyên về đồng bằng ra biển, với hàng trăm chiếc cầu lớn. Tất cả cần phải đồng bộ với lực lượng hải quân, không quân Việt Nam đang trưởng thành, không thua kém các nước tiên tiến bao nhiêu. Phương tiện quốc phòng, vũ khí chiến tranh hiện đại nhất sẽ chảy sang miền Nam nước ta trong những tháng gần đây, giúp chúng ta đủ sức mạnh, việc đè bẹp cộng sản miền Bắc là điều tất yếu
Thầy Vũ thân mến! Cha Học đã tiết lộ với chúng tôi, Việt Nam Cộng hòa không thể tách ra khỏi quỹ đạo của Thế giới tự do, cụ thể là của Mỹ, nếu muốn tồn tại trước hiểm họa Cộng sản. Cuối cùng cha Joseph Học tâm sự rằng chúng ta rất may mắn được chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ một Tổng thống Thiên chúa giáo, một chính phủ mà đa số là con chiên của giáo hội, gồm những người tích cực nhất trong sự nghiệp chống chủ nghĩa Cộng sản vô thần. Giáo hội Việt nam cũng như Hoa Kỳ rất yên tâm. Nhưng nếu tổng thống Ngô Đình Diệm không đủ khả năng lại thiếu trung thực trước thiện chí của người bạn đồng minh, không hoàn thành được nhiệm vụ chung toàn cuộc, thì vì quyền lợi của Mỹ và của thế giới tự do, họ phải sử dụng người thay thế....
Đến đây tôi ghi lại nguyên vân lời cha Joseph Học nói nhỏ với hai chúng tôi: "Chúng ta không phải lo lắng nhiều, khi Chính phủ Hòa Kỳ cần phải gạt bỏ tổng thống Diệm, đưa nhột nhân vật khác ra thay thế, do sự bất lực của chính ông ta, hoặc vì sự lộng hành của gia đình ông ta, làm hại đến sự nghiệp chung của Mỹ. Điều chủ yếu là bất cứ một chính quyền nào miễn là được Nhà Trắng ủng hộ, trong chế độ Cộng Hòa Việt Nam, con đường mở ra cho tương lai của giáo hội chúng ta trong giai đoạn này, vẫn luôn lớn mạnh và tràn đầy ánh sáng".
Thầy Vũ thân mến. Tôi rất muốn trao đổi với thầy một số vấn dề, mà trong thư chưa tiện nói ra, đành hẹn ngày tôi trở về gần đây.
Chúc thầy và gửi chúc tới ông Trọng, cả hai vị luôn được bằng an trong Chúa và Đức mẹ.
Thân ái
Bửu Dưỡng "
Trọng tỏ ra chăm chú nghe Vũ đọc thư của Cha Dưỡng. Với chủ ý, anh đọc chậm, đôi lúc lặp lại vài đoạn, như để hiểu sâu thêm ý tứ của người viết. Đọc xong, cả hai ngồi im hút thuốc và nhấp trà. Sau ít phút, Vũ gợi ý:
- Anh có ý kiến gì về nội dung bức thư?
Trọng lắc lắc đầu, dựa người sát lưng ghế, nhìn Vũ:
- Tôi không bị bất ngờ, cũng chẳng ngạc nhiên. Đọc báo chí phương Tây, họ phê phán Mỹ với chủ nghĩa thực dụng. Các nước Cộng sản kết án Mỹ là sen đầm quốc tế với chủ trương xâm chiếm thị trường, cả hai bên đều lên án Mỹ và gặp nhau ở chỗ chung nhất. Có thể Cha Dưỡng hiểu theo suy nghĩ của riêng Cha, tôi nghĩ khác. Mỹ bỏ tiền giúp ông Diệm, giúp chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chống cộng, không phải vì quyền lợi của ông Diệm, của chính phủ. Việt Nam, lại càng không phải của nhân dân miền Nam, mà là quyền lợi của chính Mỹ, mệnh danh Thế giới tự do đối đầu hiểm họa Cộng sản. Tôi hiểu đơn giản, Mỹ là người chủ bỏ vốn mở cửa hàng, thuê ông Diệm làm quản lý. Mỹ phải kiểm soát thu chi, lợi tức, để đánh giá khả năng quán xuyến của ông Diệm. Nếu cửa hàng phát đạt, người quản lý sẽ được chủ khen và giữ chân lâu dài. Còn bất tài, làm cho cửa hàng thua lỗ, chủ Mỹ phải tìm quản lý mới.
Đó là điều tất yếu nhưng Vũ lại bất ngờ về nhận thức nhạy bén của Trọng, người anh nuôi mà Vũ đã từng ngày xây dựng. Rõ ràng Trọng đã tiến bộ, dù anh chỉ mới phát biểu vài ý đơn giản cũng chứng tỏ được quan điểm chính trị đúng đắn của anh. Nội dung bức thư của Cha Dưỡng không chỉ giúp Vũ một số điều bổ sung vào bản báo cáo về ý đồ của Mỹ trong giai đoạn này mà còn giáo dục được Trọng củng cố ý thức cách mạng dân tộc, Vũ định dựa vào đó trao đổi sâu hơn với Trọng, thì điện thoại reo, anh buộc phải đứng dậy cầm máy:
- A lô! Tôi ghe đây!... Anh Tuyến hả, vâng Vũ đây...
Vũ vừa chăm chú nghe vừa ngước nhìn đòng hồ treo tường: 9 giờ 20 phút. Anh chi lắng nghe một chiều khá lâu.
- Vâng, tôi lại ngay..
Vũ đặt ống nghe vào máy.
- Anh Tuyến cần gặp tôi gấp. Một vụ giết người, có thể là mưu sát gây lộn xộn sao đó ở xứ đạo Tân Sa Châu.
- Ai vậy chú?
- Linh mục chánh xứ Tân Sa Châu Mai Ngọc Khuê. Anh Tuyến chỉ cho biết qua loa. Ông ta bị chết ở gần cây xăng đường Công Lý cách nhà thờ chưa đầy một cây số. Giáo dân phát hiện đưa về nhà thờ làm ầm lên. Ảnh nhờ tôi đến dàn xếp với nhóm "Phong trào" ở đấy, tránh chuyện lộn xộn.
Trọng ngạc nhiên:
- Sao lại phải "phong trào"? Cảnh sát đâu?
Vũ cười:
- Anh nên biết, Cảnh sát mà đụng đến chuyện bất bình của bà con giáo dân là đổ dầu vào lửa. Lúc này đúng là lúc cần đến "Phong trào cách mạng Quốc gia" thì mới êm được. Chỉ có bác sĩ Tuyến là hiểu được điều đó. Vội quá, để lúc khác tôi giải thích anh nghe. Anh về trước ớ i. Mai tô i đếtl.
Vũ tự tắt đèn, khóa cửa và lên xe của mình, theo sau xe Trọng một quãng ngắn. Vũ cho xe quẹo phải, lao đi.

Chương trước Chương sau