Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 06

Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 06

Điệp viên giữa sa mạc lữa
Chương 06

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 8.9/10 với 58918 lượt xem

Cô thư ký trẻ của Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị tiếp Lê Nguyên Vũ một cách khá lạnh nhạt. Liếc xéo qua tấm các đè dòng chữ: Lê Nguyên Vũ, công cán ủy viên Bộ Nội vụ, giọng cô vẫn không có gì tỏ ra đậm đà hơn:
- Ông cần gặp ông Giám đốc? Xin cho biết có công vụ gì ạ?
- Dạ, đến thăm hỏi bình thường thôi.
- Ồ! - Cô thư ký phác một cử chỉ thất vọng. - Nếu vậy tôi e khó có thể thỏa mãn yêu cầu của ông. Hằng ngày tôi đã phải từ chối hàng chục trường hợp xin đến thăm viếng bác sĩ Trần Kim Tuyến.
- Xin lỗi vì đã làm phiền cô - Vũ vẫn giữ một thái độ khiêm nhường - Cô cứ vào thưa lại với bác sĩ vì tôi là bạn cũ của bác sĩ từ hồi còn ở ngoài Hà Nội?
Câu nói đơn giản ấy khiên cô thư ký trẻ và kiêu kỳ thay đổi hẳn thái độ:
- Dạ, nếu vậy thì... xin mời ông qua phòng khách của bác sĩ chờ cho chút xíu, tôi xin vào thưa với ổng ngay.
Ngồi một mình trong căn phòng cực kỳ sang trọng, Lê Nguyên Vũ không khỏi mỉm cười vì sự sốt sắng đột ngột của cô thư ký. Hôm được cha Dưỡng báo tin: Bác sĩ Trần Kim Tuyến, hiện là phụ tá của Ngô Đình Nhu, bào đệ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, biết tin anh đã vào Sài Gòn, nhắn anh đến chơi có ý mời cộng tác - Vũ phải suy nghĩ kỹ. Tuyến mời anh đến chơi vì tình bạn cũ hay còn vì lý do nào khác? Chắc chắn Tuyến đã biết anh làm việc ở Bộ Nội vụ, mà Bộ Trưởng là người thuộc giáo phái Hòa Hảo, đương nhiên anh đã đứng ở thế đối lập với Diệm, một tình thế khá tế nhị buộc anh phải cân nhắc, tính toán... Nhiệm vụ trước mắt chưa cho phép anh "bập" ngay vào bọn Nhu - Tuyến, nhưng phải làm cách nào đứng chân ở nhóm Trần Văn Soái mà vẫn giữ được thế an toàn không bị Tuyến đặt dấu hỏi nghi ngờ.
Hồi ở Hà Nội, Vũ đã quen Trần Kim Tuyến. Tuyến học Y khoa, còn anh học Văn khoa. Tuyến ra bác sĩ trước anh một năm và kết bạn với Ngô Đình Nhu, lúc ấy làm ở Viễn Đông bác cổ. Qua quan hệ đó khi vào Nam, Ngô Đình Nhu dùng Tuyến làm phụ tá, cử phụ trách Sở nghiên cứu chính trị, thực chất là cơ quan mật vụ trá hình, dưới sự chí đạo trực tiếp của CIA.
Tuyến và Vũ thân nhau từ khi dùng tham gia "Hội bảo vệ hòa bình" ở Hà Nội, Tuyến biết cha Dưỡng coi Vũ như một người bạn tâm giao. Mà Vũ đã là người thân của cha Dưỡng thì cũng ít có nguy cơ bị Tuyến nghi ngờ anh vào làm ở Bộ Nôi vụ để trở thành đối thủ của Diệm. Tuy nhiên, trước con mắt của một trùm mật vụ mà đằng sau chắc chắn còn một tá cố vấn của CIA, Vũ sẽ từ chối sự mời mọc cộng tác của Tuyến như thế nào? Anh phải giải thích sao cho hợp tình hợp lý, để không có một vương vấn, nghi ngờ nào trong đầu óc Trần Kim Tuyến? ... Trong những tháng phải mở rộng quan hệ, giao dịch với các đầu mối trong hàng ngũ kẻ thù, anh đã gặp không ít tình huống phức tạp. Thái độ thích hợp nhất anh tự rút ra cho mình là trong trường hợp nào cũng đừng để sa vào thế bị động, luôn luôn tỏ ra thẳng thắn, minh bạch, rõ ràng. Một thái độ đàng hoàng như thế đã giúp anh vượt qua nhiều phút tưởng như sóng gió.
Tiếng nói líu ríu của cô thư ký và tiếng giày (chắc là của Tuyến) vang lên ở ngoài hành lang, đã cắt dòng suy tưởng của Vũ.
- Kính chào bác sĩ Giám đốc!
Anh đón Tuyến với thái độ thân mật, pha chút hài hước nửa đùa nửa thật mà xưa kia anh vẫn dùng với Tuyến. Vẫn tầm vóc nhỏ nhắn, dáng văn nhân, Tuyến cười ha hả, nắm tay Vũ kéo ngồi xuống sa-lông:
- Anh vẫn không bỏ được cái kiểu khách sáo ấy hay sao, hở Vũ?
Hắn gọi tên hầu phòng lấy la-ve, rồi tiếp:
- Cha Dượng báo tin anh đã vào, tôi nhờ cha nhắn anh, tôi dài cổ ra chờ, vậy mà mãi nay anh mới lại, tệ lắm đấy nhé!
- Biết anh làm gì, ở đâu, vừa rồi phải lên cha xin địa chỉ, vội đến trình diện!
Tuyến hoa tay ra hiệu cho tên bồi phòng đi ra, hắn tự tay rói la-ve ra ly:
- Cái gì mà trình diện, bỏ cái lối đó đi. Nào mời uống, hãy mừng cho chúng ta gặp lại.
Hắn đặt ly xuống bàn, với vẻ nghiêm túc:
- Anh biết đấy, ông Nhu với tôi quan hệ với nhau từ những ngày ở Hà Nội. Ngày cụ Diệm chuẩn bị về chấp chính, ông kéo tôi vào đây trước rồi giữ tôi làm phụ tá từ đó đến nay. Ông giao tôi phụ trách cơ quan tình báo, tôi học Y có biết gì nghề này đầu. Ông giải thích, cần ở sự tin cậy còn thì vừa làm vừa học mấy ông cố vấn CIA. Lúc đầu tôi kéo Phạm Việt Tuyển, bạn chúng mình đấy, nhưng vừa rồi ông Nhu lại đưa hắn qua giúp Kiều Công Cung xây dựng Tổng ủy công dân vụ. Tôi nhờ cha Dưỡng tìm anh là thế. Ông Nhu rất đè dặt khi sử dụng những người trong này, ổng sợ không dính với Pháp thì cũng dính với Việt Cộng.
Hắn đưa thuốc lá mời Vũ, nó tiếp, khá thân mật:
- Chúng mình cộng tác với nhau lâu hiểu nhau. Chúng ta không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, không chịu Pháp đô hộ, để rồi chán chường, đã một hồi buông xuôi kệ cho đời. Thật là may mắn, bây giờ cụ Diệm đá tìm được con đường mới, con đường dẫn tới thế giới tự do. Với thiện chí của Hoa Kỳ, một nước đứng đầu thế giới về sức mạnh của vũ khí và đô-la, viện trợ cho chúng ta tự bảo vệ, tự xây dựng phần nửa đất nước còn lại. Chúng ta, những người hiểu biết, có trình độ, đủ khả năng, hơn lúc nào hết phải nắm lấy thời cơ, đừng chờ mời mọc. Phải tự nguyện vây quanh cụ Diệm để làm nên lịch sử, đúng vậy không, anh Vũ?
- Rất đúng! Ngay từ ở Hà Nội, cha Dưỡng đã giải thích cho tôi rồi. Cả cha và tôi đều xác nhận đó là con đường tương lai sáng sủa nhất. - Vũ cố ý kết chặt Dưỡng vào với anh, làm mạnh thêm niềm tin trong lòng Tuyến, một con chiên ngoan đạo - Lúc đầu cha cũng hoang mang giao động, anh thấy đấy, hiệp định được ký, miền Bắc hoàn toàn vào tay Việt Minh, miền Nam vẫn là của Pháp, chạy đi đâu? Nhưng sau khi cha được các cha Dòng từ trong này ra tin cho biết, cụ Diệm sắp về, tôi cũng nôn nóng như cha, muốn vào gấp đóng góp được gì cho sự nghiệp chung.
- Tội nghiệp cha già, lúc này ông như trẻ ra, hăng say lao vào công việc huấn luyện cho mấy trường tâm lý chính trị. Còn anh, phải giúp tôi chứ?
Vũ giải thích:
- Anh biết anh Huỳnh Văn Trọng không? Bạn nhà tu của cha Dưỡng hồi xưa đấy. Tôi vừa đặt chân đến Sài Gòn, anh Trọng đã đón tôi nhất định kéo tôi vào Bộ Nội vụ cộng tác với ảnh, giao cho tôi chức Công cán ủy viên đặc trách chính trị. Chính vì sự nôn nóng chung, anh Trọng cũng như tôi, muốn được lao vào phục vụ cho chính quyền cụ Diệm. Chúng tôi quan niệm trong nội các liên hiệp, dù những Tổng trưởng thuộc phe này nhóm khác, nhưng tất cả đều dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng, mọi công việc của các bộ là công việc của chính phủ. Chúng tôi giữ đúng vị trí của một Đổng lý văn phòng, một Công cán ủy viên của Bộ, chứ không của cá nhân một Tổng trưởng nào, mà cũng không phải là thành viên của Hòa Hảo, hay Cao Đài, Bình Xuyên.
- Các anh đúng thôi - Tuyến không tỏ vẻ thắc mắc gì, ngược lại hắn vẫn giữ thái độ vui vẻ. - Anh Trọng? Phải, tôi có gặp một lân ở chỗ cha Dưỡng, chưa quen nhưng biết tiếng.
Trước kia ảnh từng làm Bộ trưởng Nội vụ. Gia đình đạo gốc, và cũng cảnh tu xuất như tôi, dòng dõi nhà quan, bạn học cùng dòng tu với cha Dượng. Tôi chỉ tiếc là không gặp các anh sớm, nhưng dù sao thì công việc của các Bộ cũng là công việc chung của chúng ta, tương lai các ghế trong nội các cũng là của chúng ta, các anh phải nắm lấy từ lúc này là đúng lắm.
Vũ thở ra nhẹ nhõm, coi như đã giải tỏa xong mối băn khoăn trong lòng. Tuy nhiên, anh cần thăm dò để thử lại cho chắc, gài Tuyến vào cái thế có lợi cho anh về sau, nếu hắn thành thực tiết lộ ý đồ của Diệm:
- Đã là công việc chung, tôi nghĩ, anh cần cho hai chúng tôi bên đó biết đường hướng cụ thể sắp tới ra sao? Theo tôi, nếu không kíp gỡ cái thế bí phe phái hiện nay, tình trạng còn bế tắc kéo dài. Trong khi đó, Việt Minh chắc họ chẳng chịu khoanh tay ngồi ngó chúng ta cứ lờ đi không thi hành các điều khoản của hiệp định đình chiến.
Tuyến không tỏ vẻ gì dè dặt:
- Đúng vậy, cụ Diệm đang tập trung vào hai công việc trước mắt: phải cương quyết thoát ra mọi ràng buộc của hiệp định Genève, đồng thời mở một chiến dịch, chúng ta có thể coi đây là một "cuộc cách mạng", xóa bỏ tệ nạn sứ quân, giải quyết dứt khoát các nhóm vũ trang phe phái, tiến tới tập trung quyền hành, thống nhất quân đội. Như anh thấy đó, ở miền Trung sau khi Pháp rút đi, phái bộ Mỹ giúp cậu Cẩn mở ngay cuộc tấn công diệt hết bọn Đại Việt và lực lượng Quốc dân đảng. Bộ tư lệnh Pháp thấy tay chân giãy chết cũng chỉ ngoảnh mặt làm ngơ, chịu phép. Ngoài đó đã phát động chiến dịch "tố cộng, diệt cộng", kịp đối phó với phong trào dân chúng nổi dậy đấu tranh đòi thi hành hiệp định. Nếu chậm ư, và không mạnh tay, bắn giết có, thủ tiêu có, bắt bỏ tù hàng loạt, thì đã lâm nguy rồi? Cái gương miền Trung làm cho cụ Diệm và cả ông Nhu bớt chủ quan. Chúng ta phải thừa nhận một thực tế, trong mười mấy triệu dân miền Nam, có ba bốn triệu giáo dân, tín đồ, các tông phái và giáo phái, không phải đều đứng trong hàng ngũ chống Việt Minh cộng sản như chúng ta lầm tưởng. Không đâu! Cứ nhìn cảnh tượng ở Huế, Đà Nẵng, rồi Nha Trang vừa rồi, từng đoàn người biểu tình, họ lao vào họng súng, không chịu dừng trước lửa đạn, còn ở Sài Gòn, ba bốn triệu dân trong cái thành phố thiếu ổn định này, bao nhiêu hướng về phía Việt Minh Chính bài học miền Trung giúp cụ Diệm thấy rõ vấn đề này. Cách duy nhất để chúng ta đứng vững, có thể tồn tại, là vận dụng sức mạnh của vũ khí, ngay cả với dân chúng không võ trang. Đúng như lời khuyến cáo của các cố vấn Mỹ: "Họ, ông già, bà già, phụ nữ, kể cả trẻ con, là Việt Minh cộng sản đấy. Họ không cần vũ trang súng đạn, nhưng họ thừa mạnh để bắt các ngài quỳ xuống như mười hai ngàn lính Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ, nếu các ngài không dám giết họ, một triệu, hai triệu, khi cần có thể nhiều hơn nữa, để bảo toàn chính cuộc sống của các ngài".
Trong phiên họp nội bộ vừa rồi, cụ Diệm vốn là con người trầm tĩnh, điềm đạm mà bất ngờ cụ đã la lên: "Khi cần Tân Thủy Hoàng đã mạnh dạn chôn sống hàng vạn học trò, để có được Vạn lý trường thành lịch sử ngăn chặn rợ Nhung, giữ vững hoàng thành quy giang sơn về một mối. Vì lý tưởng chống cộng sản, các ông cứ mạnh tay, tôi ra lệnh!"
Tuyến say sưa nói hùng hồn như một diễn giả đang thuyết trình. Hắn vẫn giữ nguyên cái tật nói nhiều như hồi còn sinh hoạt trong nhóm sinh viên hòa bình ở Hà Nội. Từ một sinh viên mới ra trường, ngay vào nghề tình báo, chỉ huy cả một cơ quan mật vụ bản xứ của CIA, đúng như Nhu nói với hắn là cần người tin cậy rồi vừa học vừa làm, nhưng rõ ràng hắn chưa học được gì ngay cả danh từ "cảnh giác". Vũ vừa chăm chú nghe vừa tự nghĩ là Tuyến vẫn tin anh như linh mục Dường tin anh. Anh hy vọng còn khai thác được ở hắn, ít ra cũng trong thời gian còn đài cho đến khi CIA đào tạo hắn trở thành một tên thực sự nguy hiểm!
Tuyến giữ Vũ ngồi lại chuyện trò khá lâu, thân mật và tình cảm. hắn đưa dịa chỉ nhà riêng và khi anh ra về, hắn đi theo ra mãi bên ngoài tiễn chân.
2.
Bộ Nội vụ, chiếm phần dưới dinh Norodom, dinh toàn quyền Đông Dương trước kia.
Diệm cải tên là dinh Độc Lập kể từ ngày hắn đưa ngụy quyền ra mắt. Phòng làm việc của Vũ sát ngay phòng tổng trưởng, hai phòng qua lại bằng cánh cửa khép hờ ít khi đóng chốt. Ngô Đình Diệm cùng tất cả văn phòng Phủ thủ tướng chiếm trọn tầng lầu trên. Buổi sáng, Vũ vừa vào phòng làm việc, Trọng đã theo chân vào:
- Ông Nhiệm đang chờ, dặn tôi mời chú qua có chút việc cần bàn.
- Chuyện gì đấy anh?
- Tổng trưởng Nguyễn Công Hầu muốn gặp chú hỏi ý kiến gì đó, liên can tới công việc của Bộ Canh nông.
- Vâng, tôi sang ngay.
Từ trước ngày Vũ nhận việc, Trọng đã nói qua cho anh biết về tên tổng trưởng này. Hắn là kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp tại Pháp, chuyên môn về sâu rầy phá lúa. Thời Pháp thuộc, chỉ là một công chức cần cù an phận, không quan tâm gì đến thời cuộc, nhưng rất mộ đạo khi trở thành tín đồ Hòa Hảo.
Huỳnh Văn Nhiệm thấy Vũ vào, đứng dậy bắt tay anh và giới thiệu Nguyễn Công Hầu:
- Đây là ông Tổng trưởng Bộ Canh nông, còn đây, ông Lê Nguyên Vũ, công cán ủy viên Bộ tôi.
Mặc dù lớn tuổi hơn Vũ gần gấp hai lần, Nguyễn Công Hầu vẫn giữ đúng tác phong một công chức thời Pháp, lịch sự, lễ độ:
- Hân hạnh được làm quen ông Vũ. - Hắn bắt tay và giữ tay Vũ khá lâu - ông Nhiệm tôi khâm phục ông và qụý mến ông lắm!
Hầu mời Vũ cùng ngồi sau phút chào hỏi xã giao. Nhiệm nói với Vũ:
- Báo tin mừng ông biết, Thủ tướng Diệm đã ký nghị định giao quyền tự trị cho khu Thánh địa. Tôi đã ra lệnh cho anh em tổ chức ngay cuộc kinh lý miền Tây, và nhân dịp về thăm Đức ông, tôi sẽ đích thân mang quà quý này về.
Hầu tỏ ra xúc động:
- Ông Vũ ạ, ông Tổng và mọi người đều vui mừng và không ngớt lời khen ngợi ông trước thành quả này. Chúng tôi tin rằng nhờ bản nghị định mà giải tỏa được mối hiềm khích đã có từ lâu giữa ông Tổng và Thánh địa.
Vũ với thái độ khiêm nhượng:
- Thưa, đây chỉ mới giành được thế hợp pháp trên giấy tờ, còn thực chất phải tự xây dựng khu Thánh địa thành vùng tự trị đúng nghĩa của nó, mạnh về quân sự, vững về kinh tế tự túc. Dựa vào đó, ông Tổng có đường quay về với khối tín đồ, có căn cứ an toàn khả dĩ tự vệ được lâu dài.
- Đúng là ý kiến của nhà mưu lược - Hầu không kiềm nổi lời tán thưởng - Thú thật với ông, trong chúng tôi có nhiều người buồn phiền về thái độ thờ ơ của ông Tồng đối với Đức ông và xa cách bà con trong đạo, đúng là một lỗi lầm rất lớn.
Hắn quay sang Nhiệm:
- Lúc này không lợi dụng thời cơ hàn gắn vết rạn nứt này thì chẳng còn cơ hội nào khác, phải không ông Tổng trưởng?
Nhiệm khẽ gật đầu:
- Dạ, chúng ta phải bàn kỹ với ông Tổng.
Câu chuyện tạm ngừng, cả ba uống trà hút thuốc, lát sau Hầu mới đi vào đề, nói với Vũ:
- Tôi qua đây chỉ vì gặp một việc khó, chưa biết giải quyết thế nào cho ổn, nên định nhờ ông giúp cho vài ý kiến.
Vũ im lặng chờ, Hầu kể lể:
- Gần đây, ông Diệm cho người về Long Xuyên mời Nguyễn Ngọc Thơ lên cộng tác, coi như một phụ tá chính trị. Cả hai tỏ ra tương đắc. Ông Thơ nguyên là Đốc phủ sứ, cựu hội đồng thuộc địa, một đại điền chủ và là một trong số nhân sĩ có tiếng ở miền Tây. Tôi nghe nói lại, có lần ông Thơ gợi ý nhắc khéo ông Diệm về vụ vua Quang Trung tuy chiếm được Thăng Long nhưng không mua chuộc nổi hết số nhân sĩ Bắc Hà. Ông Thơ cho rằng miền Nam chưa biết rõ ông Diệm là người thế nào, nhất là tầng lớp giàu tiền, lắm ruộng, nhiều đời thay phiên nhau làm chủ nông thôn, có thế, có thần. Nếu mua chuộc được tầng lớp này, ông Diệm dế dàng có hậu thuẫn. Sau đó, ông Thớ hiến kế: Trước hết ra lệnh thu hồi lại tất cả ruộng đất mà Việt Minh đã chia cho dân nghèo. Thực hiện việc này sẽ đem lại cho ông Diệm hai điều lợi: được lòng giới nhân sĩ, tức là lớp địa chủ trong Nam này lại vừa xóa đi cái ân huệ mà Việt Minh đã khắc ghi được trong lòng dân chúng. Sau đó tức thời ban hành một chính sách cải cách điền địa mới, cũng phân chia công điền công thổ, bớt một phần của địa chủ khuyến khích khai hoang... nhằm điều hòa quyền lợi cả hai bên, chủ ruộng và người làm ruộng. Ông Diệm chịu liền, ông mời tôi qua chỉ thị giao Bộ Canh nông làm văn kiện bắt buộc dân trả ruộng cho chủ ruộng, và chờ đợi ban hành chính sách phân phối ruộng đất mới, với lời hứa hẹn dân nghèo vẫn có ruộng cày, và ruộng được chia sẽ thuộc quyền sở hữu vĩnh viễn của họ...
Hầu dừng lại nhấp ly nước trà, lắc đầu nhè nhẹ, cười buồn rồi nói tiếp:
- Ông Vũ biết không? Hàng ngàn tín đồ Hòa Hảo chúng tôi hiện đang sống yên vui nhờ số ruộng đất của Việt Minh chia cho từ dạo ấy. Họ đã quên hẳn cảnh làm tá điền cho địa chủ và hiện đang làm chủ ruộng đất được chia. Chính họ đã góp lúa nuôi sống mấy chục ngàn lính của ông Tống suốt bảy tám năm rồi, bây giờ lấy lại được không? Thi hành lệnh của ông Diệm, chính tôi cắt đi nguồn sống của đạo hữu và của quân đội Hòa Hảo. Ông Tổng nghe tôi báo cáo chỉ biết la lối văng tục, nhưng để làm gì? Giải quyết việc này ra sao, chưa ai giúp tôi gỡ được thế bí. Nghĩ đến ông, tôi vội vàng sang, mong ông giúp ý.
Nguyễn Công Hầu đúng là hiện thân của lớp công chức còng lưng tận tụy của chế độ phong kiến thực dân, Vu nghĩ và cười thầm. Còn Nguyễn Ngọc Thơ, cũng là hiện thân của loại địa chủ gian manh. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, hắn đã trở thành tư sản mại bản và một tên hoạt đầu chính trị với túi tham không đáy. Phải chăng, nay hắn lại dựa vào Diệm để phục hồi quyền lợi hàng vạn mẫư ruộng đã nhiều đời gia đình hắn thay nhau chiếm hữu của dân. Diệm không phải không thấy được ý đồ của Thơ, nhưng cả hai cùng chung một mục đích, tuy quyền lợi có khác nhau. Về phần bọn Soái, không phải vì cuộc sống của dân nghèo, đạo hữu, mà chúng chỉ lo cho kho lúa thu ven thuế má của dân ngày mai trống rỗng. Vũ không bỏ lỡ cơ hội, anh phân tích:
- Theo tôi, rõ ràng ông Tổng trưởng và cả trung tướng Tư lệnh đang lâm vào cái thế "gậy ông đập lưng ông". Tục ngữ ta có câu: "Một người làm quan cả họ được nhờ", vậy mà các vị ra tham chính, nắm một phần nội các, nhưng đã làm gì để đem lợi lại cho tín đồ, đạo hữu. Họ đã không được nhờ, lại còn bị chính các ông cướp mất ruộng đất của họ. Chúng ta nghĩ coi, nếu làm theo ông Diệm, có phải chúng ta đã tự tách mình ra khỏi lực lượng đạo hữu không? Thâm ý của ông Diệm chính là cắt nguồn sống của mấy chục ngàn quân của ông Tổng, đúng như lời ông Tổng trưởng vừa nói!
Hầu nôn nóng:
- Quả đúng vậy? Nhưng chúng ta phải làm gì đây?
Vũ bình tĩnh gợi ý:
- Theo tôi, nhân danh thành viên của nội các, ông thử đặt lại vấn đề. Xưa kia mỗi vị vua lên ngôi thường xá thuế ba năm cho dân nghèo. Chưa biết vua xấu tốt ra làm sao, nhưng trước mắt tất cả dân vui mừng hoan hỷ. Nay Thủ tướng Diệm mới về nhậm chức mấy tháng mà vội đoạt lại ruộng đất của nông dân, bà con ta vừa thoát nạn chiến tranh đang lo ổn định đời sống, sẽ nghĩ gì về Thủ tướng. Ông Tổng trưởng đề nghị nghiên cứu lại, tôi tin là sẽ có nhiều thành viên của phe chúng ta tán thành. Vấn đề cứ thế kéo dài...
- Hay? - Hầu thốt lên thích thú - vừa không làm mất lòng ông Diệm, lại tạo được cái cớ để hoãn binh. Tôi sẽ làm theo đúng ý kiến của ông, thành thực cám ơn ông Vũ.
3.
Ban khánh tiết Bộ Nội vụ cùng với viên tỉnh trưởng Châu Đốc lo tổ chức đón tiếp phái đoàn liên Bộ của chính phủ, gồm cả bốn Bộ thuộc nhóm Trần Văn Soái về Thánh địa Hòa Hảo để chuyển giao cho Đức ông Huỳnh Công Bộ bản nghị định của Thủ tướng Diệm, trao quyền tự trị cho vùng cù lao này. Hàng vạn tín đồ khắp nơi kéo về đứng dọc hai bên đường, dài mười một cây số, từ bến đò Bình Thủy đến chợ Đình, nơi có đền thờ Đức thầy và là tư dinh của Đức ông. Đoàn xe của phái đoàn chạy chầm chậm giữa hai hàng người phất cờ nâu và cờ ba sọc đỏ.
Trong phòng khách lớn, ông Huỳnh Công Bộ và Ban tổng tri sự, khăn đóng áo dài, chào đón phái đoàn với niềm vui lộ ra ánh mắt. Huỳnh Văn Nhiễm trang trọng đọc bài diễn văn, trong nội dung nhấn mạnh vào công lao của Trần Văn Soái đã tranh đấu đòi được quyền lợi cho giáo phái. Cuối cùng là lời hứa xây dựng cho Thánh địa hai nhà chợ, trường học, bệnh xá, củng cố tổ chức và trang bị cho hai tiểu đoàn tự vệ. Để đáp lại, ông Bộ khen ngợi lòng trung thành của tướng Soái đối với đạo bằng công lao to lớn này.
Sau buổi lễ là bữa tiệc long trọng tổ chức thết đãi phái đoàn. Vũ được gặp gỡ nhiều nhân vật và chú ý đến kỹ sư Nguyễn Văn Ngọc, người gốc Bắc, chú của Thành Nam, kẻ thân tín của trưởng Phòng nhì Salvani đặt trong lòng giáo phái này. Tinh ranh, kín đáo, nghe nhiều, nói ít, Ngọc đúng là mẫu người của nghề nghiệp. Tuy nhiên hắn có vẻ không nghi ngờ gì anh, có lẽ do lời giới thiệu của Nhiệm - Hầu. Hắn khá cởi mở với anh. Cảm tình trong buổi gặp gỡ ban đầu này tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tiếp xúc sau này, theo chủ ý của anh.
Trên đường đi Cần Thơ, Nhiệm thì thầm với Vũ:
- Ông đã giúp chúng tôi giải quyết đưọrc mối xung khắc nặng nề xảy ra lầu nay và tưởng khó mà dung hòa. Một bên, đức ông thì thành kiến, bên này ông Tổng thì nóng nảy, tự kiêu. Đức ông và cả ban tổng trí sự đều hứa là sẽ đứng sau lưng ông Tổng, đúng là thành công mỹ mãn!
Trong hai ngày tiếp theo, cuộc kinh lý bốn tỉnh Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau diễn ra vui vẻ. Cả bốn tỉnh trưởng đều chẳng dám bướng bỉnh, đều hứa dành mọi dễ dàng cho các ban trị sự và đơn vị lính của Soái hoạt động trong phạm vi tỉnh mình. Nhưng khi trở về Cần Thơ, một tỉnh quan trọng đối với lực lượng của Trần Văn Soái, và cũng là tỉnh có vị trí chiến lược ở miền Tây đối với Diệm tình hình lại khác hẳn. Một nửa quân số của Soái đóng trong tỉnh này. Sát bên kia sông là tổng hành dinh Cái Vồn, có văn phòng tư lệnh, tham mưu và bốn phòng trực thuộc, tể chức theo quân đội Pháp. Nơi đây có đủ các kho quân khí, quân trang, lương thực; có trên hai ngàn quân đồn trú - lực lượng dự bị của Tổng tư lệnh. Từ bờ bắc sông Bassac dọc quốc lộ 4 đến An Hữu, Long An là vùng Pháp giao cho Soái trấn giữ, bảo vệ. Sau khi quân Pháp rút về Sài Gòn, giao quyền lại cho quằn đội Diệm, thì Soái vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ giữ gìn con đường lúa gạo này, trục giao thông chiến lược miền Tây Nam Bộ. Nhưng mới đây, Diệm đã đưa xuống thị xã Cần Thơ ba trung đoàn người Nùng, hai tiểu đoàn bảo an người Bắc, những đơn vị được coi là trung thành của Diệm. Đồng thời, Diệm đã thay hàng loạt, từ tỉnh trưởng đến các trưởng ty trong bộ máy hành chính, bằng những tay chân tin cậy của hắn. Nguyễn Ngọc Thơ lại giúp Diệm củng cố bộ máy hành chính mạnh ở Long Xuyên, quê hương của Thơ, tăng cường hơn hai ngàn quân mới tuyển mộ xuống trấn đóng ngay tại tỉnh ly. Trong chuyến đi này, Vũ đã nghe một viên chức người Bắc được Diệm cử xuống tiết lộ là vừa đây Ngô Đình Nhu đã mua được Nguyễn Giác Ngộ, một trong số ba tướng dưới quyền Soái, từ lâu đã ly khai đóng tại Chợ Mới Long Xuyên. Ngô có khoảng mười ngàn lính, một nửa được vũ trang đầy đủ.
Nhìn trên hiện trường, Vũ thấy cách bày binh bố trí của Diệm đã chia cắt và bao vây từng mảng lực lương của Soái. Quốc lộ 4 mà soái vẫn đinh ninh độc quyền kiểm soát, đã bị phân ra nhiều đoạn, chưa kể đến con đường sông Sài Gòn - Cần Thơ do Diệm hoàn toàn làm chủ? Thái độ lạnh nhạt đến khinh thường của viên tỉnh trưởng và các thuộc viên trong tòa tỉnh Cân Thơ đối với phái đoàn kinh lý, chứng tỏ thế của Soái đâ lu mờ, xác minh thêm một lần ý đồ của Diệm trước sau gì cũng diệt Soái.
Trong thị xã Cần Thơ năm sáu ngàn quân, vừa lính Nùng vừa lính Bảo an Bắc Việt trấn đóng và đi lại lúc nhúc trên các đường phố, súng trên vai như để sẵn sàng chiến đấu. Trong lúc đó Ban tham mưu của Soái với năm đại đội dưới tay, hoàn toàn bị cô lập trong mấy căn nhà im lìm, không dám xông xáo, nghênh ngang như ở nơi khác. Vũ tự hỏi, người dân Cân Thơ có băn khoăn gì cho số phận của lính "ông Năm", hay họ đang thấy hả dạ? Nhiệm kéo tay Vũ ra một góc vắng nói nhỏ:
- Tỉnh trưởng Cần Thơ có vẻ chống đối chúng ta, hắn tuyên bố thẳng là không giúp được gì ngoài lệnh của Thủ tướng Diệm bằng giấy trắng mực đen. ông công cán có ý kiến gì không?
Thấy vẻ tức giận của Nhiệm, Vũ khích thêm:
- Ông Tổng trưởng thấy đấy, với lực lượng mạnh như vậy, bọn chúng còn kiêng nể gì vài ba ngàn lính của ông Tổng bên Cái Vồn? Chỉ với quân số này, chúng thừa sức đánh qua sông, chiếm căn cứ của ông Tổng chẳng khó khăn gì. Như tôi đã nói trước, tại đây lại càng thấy rõ hơn ý đồ của ông Diệm. Khi trở về, ông Tổng trưởng phải báo cáo cho trung tướng biết mà đề phòng may ra còn kịp đối phó. Còn viên tỉnh trưởng này, ông Tổng trưởng cứ để đó cho tôi.
Nhiệm lo lắng quay vào. Vừa lúc tên tỉnh trưởng đi ra hành lang, Vũ ra theo, chặn hắn lại nói chuyện. Anh cười giả lẩ:
- Ông tỉnh trưởng có biết nghệ thuật cao cường của nhà quân sự là luôn luôn tạo được thế bất ngờ để tấn công quân địch không?
Thấy hắn còn ngơ ngác chưa hiểu ý anh, Vũ thấp giọng thì thầm:
- Thái độ vừa qua của ông coi như đã báo động cho Nhiệm biết ý định của Thủ tướng Diệm sẽ tấn công trước bọn Soái trong một ngày gần đây, rất gần, phải không nào? Theo tôi, Thủ tướng không bao giờ chỉ thị cho ông làm như vậy. Tôi rất rõ tính tình trầm tĩnh của Thủ tướng.
Tên tỉnh trưởng há miệng kinh ngạc, trố mắt thìn Vũ. Trước ngón đòn đột ngột, trong lúc không kịp suy nghĩ, hắn ngờ ngợ Vũ là người của Diệm. Hắn ngơ ngác hỏi:
- Ông công cán nói sao? Không lẽ tôi lại báo động cho chúng biết?
Vũ nghiêm giọng tấn công:
- Chỉ tinh ý một chút là thấy rõ, cần gì phải báo nhỉ? Trước thái độ khinh thường của ông, Nhiệm có thể tự hỏi, ông tỉnh trưởng dựa vào lý do gì để có thể lạnh nhạt với phái đoàn liên Bộ đi kiểm tra? Dựa vào thế Thủ tướng chăng? Chưa đủ! Chỉ nội nhật ngày mai thôi, Nhiệm về Bộ, ký lệnh cách chức ông. Thủ tướng sẽ chọn Nhiệm hay chọn ông ở lại tại chức? Thủ tướng chưa đến lúc hành động thẳng tay, còn giữ bí mật để tạo thế bất ngờ, "sét đánh không kịp bưng tai". Dù có thương ông cách mấy, Thủ tướng cũng buộc phải bỏ ông, để chiều lòng bọn Soái vì quyền lợi quốc gia. Vậy dựa vào Thủ tướng chưa đủ, phải có yếu tố gì đó khiến cho ông, một viên chức dưới quyền dám coi thường Nhiệm? Nhiệm phải đoán ra, có thể là Thủ tướng đã phát lệnh cho ông tiêu diệt Soái thì ông mới có thái độ chống đối ra mặt như vậy. Trong số họ, chẳng phải đều là ngu xuẩn hết, để không có kẻ suy luận ra điều đó.
Mồ hôi vã ra trên vừng trán quá thấp, hai bên má đầy thịt co giật, tên tỉnh trưởng mất hẳn vẻ kênh kiệu run như lên cơn sốt. Vũ không bỏ lỡ thời cơ, không để hắn lấy lại tinh thần, anh dồn tiếp:
- Tôi sợ, với loại anh chị võ biển như Năm Lửa, hắn rất ưa dùng thế "tiên hạ thủ vi cường". Sau khi nghe Nhiệm kể rõ về thái độ của ông, hắn cũng suy luận như tôi vừa suy luận. Thế là chính ông bị bất ngờ chứ không phải bọn chúng. Thua được tôi không dám đoán chắc thuộc về ai, nhưng ông, vâng chính ông, đã làm hỏng kế hoạch của Thủ tướng chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô hoàn hảo.
Với thái độ cầu cứu, bám víu của một kẻ sắp chết chìm, tên tỉnh trưởng nắm chặt tay Vũ kéo vào văn phòng riêng bên cạnh đó, vừa mời Vũ ngồi, hắn hào hển thưa:
- Dạ thưa ông công cán, đúng như lời ông. Thủ tướng sẽ mở chiến dịch Thoại Ngọc Hâu, nhưng đang trong giai đoạn chuẩn bị, chưa có lệnh, và chưa rõ lúc nào khởi sự. Nhưng với cách chuyển quân thế này, chưa thể một vài ngày tới mở màn được. Mà chậm chỉ vài ba ngày thì tôi đã bị mất chức hoặc nếu Soái đánh trước, tôi không lâm nguy về Soái cũng bị trừng tri vì quá dại dột. Nghe ông công cán chỉ dạy, tôi giật mình biết là phạm phải sai lầm lớn. Xin ông che chở tôi, tôi không dám quên ơn ông.
Vũ đã thành công. Anh đã tính trước đến hai điều thuận lợi: một là thái độ kín đáo của anh, của một người Bắc di cư, có vẻ là người của Diệm chứ không thể là tín đồ Hòa Hảo hay tay chân của Soái. Hai, anh đã suy đoán trên cơ sở thực tế đúng như tên tỉnh trưởng đã được biết về ý đồ của Diệm. Vũ an ủi hắn:
- Tôi đảm bảo với ông, còn tôi trong Bộ Nội vụ thì Nhiệm không thể cách chức ông được Nhưng ngay từ lúc này ông phải sửa lại thái độ sai lầm vừa rồi, vuốt ve Nhiệm cùng đại diện bốn Bộ tùy tòng, để xóa đi những ấn tượng nghi ngờ. Mặt khác, ông phải thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, hiện là Tổng tư lệnh quân đội quốc gia, chuẩn bị chu đáo hướng đánh của phía ông. Lực lượng Cần Thơ coi như được công đầu nếu chiếm gọn sào huyệt của Soái và cá nhân ông, - Vũ cười cười thái độ tỏ ra vui vẻ - bước thang danh vọng đã đặt ở sát chân ông đó!
Tên tỉnh trưởng trở nên rạng rỡ. Hắn đứng dậy mở khóa tủ sắt lấy ra một cặp bìa trịnh trọng đem lại mở ra được trước mặt Vũ:
- Tôi nhớ ơn ông công cán trọn đời. Nếu không có ông, tôi tin rằng với lầm lỗi vừa qua, Nhiệm chắc chắn sẽ đuổi tôi ra khỏi tòa tỉnh này, đúng như ông nói. Vì quyền lợi quốc gia, cụ Thủ tướng không thể bênh tôi được. Tôi hứa sẽ lập công trong chuyến này để chuộc lỗi. Đây ông công cán xem...
Hắn giở từng trang văn kiện:
- Lệnh của Thủ tướng giao cho tôi hướng tấn công phối hợp với toàn chiến dịch, còn tập này là phó bản chiến dịch "Thoại Ngọc Hầu" do đại tá Dương Văn Minh và ngài Nguyễn Ngọc Thơ chỉ huy, đánh địch cả hai mặt quân sự và chính trị. Phần cuối cùng là các phương án vạch ra để chỉ huy trưởng liên quân tại Cần Thơ mà Thủ tướng giao cho tôi lãnh đạo để tấn công vào sào huyệt Cái Vồn, cùng với cánh quân Long Xuyên dồn địch thành nhiều mảng, bao vây, tiêu diệt, chặn đường chúng chạy vào Đồng Tháp...
Vũ tranh thủ lướt qua từng đoạn, nắm vững những vấn đề chính trong tài liệu. Chẳng bao lâu anh đã gập lại, trao trả cho hắn:
- So sánh thì lực và thế của ta mạnh hơn đích quá rõ ràng. Giừ được bí mật hướng tấn công chính và bất ngờ, chiến dịch mau kết thúc thôi.
Tên tỉnh trưởng cất bản tài liệu tuyệt mật vào tủ sắt rồi quay lại, vắn trịnh trọng:
- Vừa rồi ông Thơ có ghé Cần Thơ nói Thủ tướng đòi hỏi chỉ trong phạm vi một tuần lễ phải giải quyết xong. Kéo dài vừa bị mang tiếng là có nội chiến, vừa tạo cớ để Pháp và Việt Minh can thiệp thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy mà Thủ tướng chủ trương tập trung mạnh, đánh mau, ổn định tình hình sớm hơn, để đưa ra chiến dịch "tố cộng, diệt cộng", tần công phong trào đòi thi hành hiệp định đình chiến đã bắt đầu có ở một số nơi. Vì vậy, chủ trương của "chiến dịch Thoại Ngọc Hầư" nhắm vào mục tiêu chính là Việt Minh cộng sản – hắn đưa bàn tay lên trán vỗ nhè nhẹ, như để nhớ lại trong tập tài liệu vừa cho Vũ xem - vâng, thủ Tướng đã nhấn mạnh: "... Phải tranh thủ tiễu trừ gọn, mau bọn phiến loạn để hướng vào nhiệm vụ chính, tiến thẳng vào các vùng căn cứ cũ của Việt Minh. Chúng ta chớ nương tay đối với chúng, mà phải đào tận gốc, bứng tận rễ "... Mới tuần qua, chúng tôi được Thủ tướng triệu tập về Sài Gòn để huấn thị. Viên quận trưởng Điện Bàn tỉnh Quảng Nam là Trần Quốc Thái, đã báo cáo những kinh nghiệm mà hắn thu lượm được trong chiến dịch "tố cộng, diệt cộng". Theo hắn nói, chỉ một đêm, một mình hắn đã phải giết bốn mươi tên Việt Minh bằng dao găm, chặn đứng cuộc biểu tình tiến công vào quận ly. Cụ Thủ tướng nghe đã đập mạnh nắm tay xuống bàn, dằn giọng: "Chúng ta muốn sống muốn đứng vững, phải mạnh tay. Chỉ có thể nói chuyện với Việt Minh cộng sản bằng vũ khí..." Thưa ông công cán, đúng vậy đó. Chúng tôi không ngán bọn phiến loạn Soái Cụt dù chúng được vũ trang hùng hậu, mà sợ lớp dân chúng tay không đấy.
Tên tỉnh trưởng nheo mắt lắc đầu, rồi chăm chăm nhìn Vũ như muốn được nhận thấy ở anh một thái độ đồng tình. Vũ hiểu là hắn đang cố gắng làm vừa lòng anh. Hắn muốn nói ra những điều tối mật, để tự chứng minh hắn thuộc loại tay chân tin cậy của Diệm. Vũ đứng lên vỗ nhẹ vai hắn:
- Đúng vậy, bọn phiến loạn không đủ làm cho ta lo. Mối lo của ta chính là Việt Minh kia.
Thôi nhé, ông có thể yên tâm, tôi phải ra với Nhiệm.
Hắn xun xoe:
- Thưa lòng công cán, ông Nhiệm đã không bằng lòng về thái độ của tôi vừa rồi...
Vũ chặn lại, mách nước:
- Việc đó theo tôi ông tỉnh trưởng phải đóng kịch lại cho khéo. Ông ra mời Nhiệm vào phòng riêng để phân trần, lấy cớ là tai mắt của Thủ tướng ở đây không ít, nếu công khai thiên về phe ông Soái, chưa kịp giúp được gì mà đã mất chức rồi. Sau đó ông hứa sẽ kín đáo ủng hộ. Tôi tin, Nhiệm sẽ không buồn ông, ngược lại sẽ thông cảm ông hơn.
Tên tỉnh trưởng nắm chặt tay Vũ lắc lắc:
- Thành thật biết ơn ông công cán, tôi xin làm theo lời ông dạy.
Tỉnh trưởng Cần Thơ quả không thiếu khôn ngoan gây lại được cảm tình với Nhiệm. Trong bữa tiệc chiêu đãi, Nhiệm tỏ ra vui vẻ, ăn uống và nói năng cởi mở nhiều. Rồi trong buổi tiễn đưa, có phần lưu luyến.
Đoàn xe xuống phà. Vũ rời xe bước ra phía trước mũi, nhìn khúc sông mênh mông. Dòng nước mang phù sa màu mớ chảy về xuôi. Anh lại nhớ đến sông Hồng. Nhớ Hà Nội, các đồng chí... Nhớ sông Mã và mẹ ở quê nhà! ... Vũ biết là phải luôn luôn tỉnh táo, nhưng cũng không tránh khỏi những phút nao nao như lúc này. Anh quay lại khi Huỳnh Văn Trọng bước đến đứng sát bên anh, thì thào:
- Chú thuyết phục thế nào mà tên tỉnh trưởng quay ngược một trăm tám mươi độ, từ láo xược trở nên dễ dạy như thế?
Vũ mỉm cười đáp với ý định đã có sẵn:
- Lẽ phải chỉ có một, ai biết điều cũng phải khuất phục trước lẽ phải. Viên tỉnh trưởng cũng là người biết điều đó, tôi chỉ bàn chuyện phải trái với hắn thôi.
Trọng cũng cười theo, không hỏi thêm, bắt qua chuyện khác. Vũ biết anh ta tuy hỏi nhưng chẳng mấy quan tâm đến việc đó. Trọng vẫn vậy là người nhiều tình cảm, có thiện chí, chỉ tiếc là chưa được ai hướng dẫn, để cứ buông xuôi theo cuộc sống tùy thời. Vũ đã có ý định, nếu được phép của Trung tâm anh sẽ cảm hóa Trọng. Vũ tin, nếu Trọng được giác ngộ cách mạng, sẽ trở thành người có tác dụng không ít.
Phà đã cặp bờ. Phái đoàn ghé thăm Tổng hành dinh Cái Vồn, nhưng Soái ở Sài Gòn, không có mặt. Vũ một mình đi vòng quanh căn cứ và qua tiếp xúc đã làm quen được một số sĩ quan đàn em dưới Soái. Trên đường về đến tòa tỉnh Long Xuyên, điểm cuối cùng của chương trình kinh lý, Nhiệm được đón tiếp khá thân thiện. Vũ thấy rõ cái nham hiểm của Nguyễn Ngọc Thơ, có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tỉnh này. Còn Nhiệm thì tỏ ra hân hoan trước cảnh đón tiếp nồng nhiệt. Y quả là nông cạn!
Mười ngày dành cho cuộc thanh tra sáu tỉnh đã chấm dứt. Ngồi trên xe, Vũ nghĩ đến Sài Gòn đang chuyển biến từng ngày, mà không khỏi sốt ruột. Anh muốn mau trở về, dù đoàn xe đang lao với tốc độ trăm cây số giờ. Nhìn quãng đường tráng nhựa thẳng tắp như tấm băng chuyền cuốn vào gầm xe, tải theo hai bên đường những người đi bộ, những xe đạp, đôi lúc cả trâu bò, Vũ nghĩ đến xã hội đang nằm trong tay kẻ thù, cũng quay cuồng cuốn hút đồng bào ta vào cái guồng máy điên loạn của đế quốc. Chúng đang âm mưu tập họp những nanh vuốt, những nọc độc tấn công vào nhân dân miền Nam, mà Vũ là một trong những nhân chứng, đã nhìn thấy tận mắt hành động của chúng từ lúc vừa mới manh nha.
Tại dinh Norodom, Ngô Đình Diệm dành trọn buổi sáng họp với hai Quốc vụ khanh Trần Văn Soái và Nguyễn Thành Phương. Cả ba ngồi đối diện trước khay trà ướp sen. Diệm tự tay pha, rói từng chung trà nhỏ mời hai viên tướng.
Thói quen đá thành cố tật, Diệm không nhìn thẳng vào mặt người đối thoại, hai cùi tay dựa trên thành ghế xa-lông, bàn tay nọ úp lên trên bàn tay kia, xoa nhẹ. Cúi đầu chăm chú nhìn như để kiểm soát công việc của hai bàn tay máy động, Diệm chậm rãi, nhỏ nhẹ:
- Tôi với hai ông đều là người có đạo, tuy mỗi đạo khác nhau, nhưng chúng ta cùng chung chí hướng, quyết không đội trời chung với Việt Minh cộng sản. Tôi rất mừng được cả hai ông thực lòng cộng tác. Chúng ta phải thừa nhận đương đầu với Việt Minh không phải là việc dễ, bằng cớ là Pháp đã bị thảm bại. Có điều chưa hẳn Pháp bị thua Việt Minh vì yếu sức, mà chính vì không biết tranh thủ lòng dân. Sai lầm của Pháp, của những chính phủ Việt Nam trong Liên hiệp Pháp trước đây, là xua dân chạy theo Việt Minh, nguyên nhân chủ yếu đưa đến thất bại. Nhiệm vụ của ta, phải kịp thời sửa lại. Phải lôi kéo dân chúng về với ta. Phải làm sao để dân thấy ta có chính nghĩa. Phải bảo vệ quyền lợi tính mạng cho dân, không gieo rắc thêm tai họa lên đầu họ. Ở trong thành phố này, người ta đã chán ngấy nạn sòng bạc, nạn gái điếm, nạn cướp bóc do lính của ông Viễn gây ra. Bao nhiêu người đã tan cửa nát nhà. Tôi suy nghĩ mãi, chưa biết giải quyết cách nào cho vui lòng ông Viễn lại được lòng dân. Kéo dài thêm, ta lại đi theo vết xe đổ của những kẻ đi trước. Tôi mời hai ông đến, nhờ hai ông giúp ý cho tôi.
Diệm vừa dứt lời, Nguyễn Thành Phương đã xun xoe hưởng ứng:
- Thưa cụ Thủ tướng, cứ theo thiển ý của tôi nên trệu tập nội các khẩn cấp, đưa vấn đề này ra giải thích. Sau đó cụ ra quyết định cho ông Viễn thi hành. Cần phải dẹp ngay ba cái sòng bạc, nhà điếm đó đi là vừa, dân phàn nàn nhiều quá rồi.
Khác với Phương, Soái ngồi im suy nghĩ. Tuy vô học, nhưng nham hiểm chẳng thua ái, Soái tỏ ra thận trọng. Soái nhớ câu chuyện từ ngày còn lái xe chở khách. Để thu ngắn thời gian trong chuyến xe chạy đường dài, một hành khách đã kể chuyện ba con cáo đói, luận bàn thương xót con mồi trước khi ăn thịt. Lúc này nghe Diệm giải thích nào "vì chính nghĩa", nào "để được lòng dân", cần dẹp các sòng bạc ở Đại thế giới và các "động" ở khu giải trí Bình Khang, Soái thấy con cáo tinh ranh đã bịp hai con bạn thương mồi bỏ đi, để một mình nó độc chiếm. Có thể Diệm bịp được Phương, còn Soái quyết chẳng chịu bị lừa. Sau vài phút ngẫm nghĩ, Soái lựa lời:
- Như lời Thủ tướng vừa nói, tôi thấy quả Thủ tướng có tình có lý đối với ông Bảy. Việc này tôi xin đề nghị Thủ tướng nên bàn thẳng với ông Bảy thì thỏa đáng hơn.
Diệm mỉm cười, giơ bàn tay có những ngón ngắn mập chỉ vào khay nước:
- Mời hai ông dùng trà.
Diệm vừa nhấp trà vừa suy nghĩ. Lát sau nói tiếp:
- Tôi thật khó xử. Nếu chỉ dùng lệnh của chính phủ buộc ông Viễn phải chấp hành, có phần dễ đấy. Nhưng tôi lại muốn ông Viễn nghĩ đến quyền lợi của đại cuộc để tự mình xử lý mới tốt. Vì thế, tôi mới có ý định mời hai ông, vốn là bạn thân, bạn lâu năm của ông Viễn - Diệm nhấn mạnh hai tiếng "bạn thân", và tủm tỉm cười - đại diện cho chính phủ đến để bàn với ông Viễn, như thế tiện nói với nhau hơn.
Phương lại một lần nữa tỏ ra sốt sắng:.
- Chúng tôi sẵn sàng nhận chỉ thị của cụ Thủ tướng đi gặp ông Bảy để bàn về việc này.
Theo tôi nghĩ, ông Bảy từ lâu đã được tiếng là người biết phải trái, lẽ đâu cố chấp?
Soái ngơ ngác ngó sững Nguyễn Thành Phương như muốn xác định mối nghi ngờ đã có trong lòng mình. Phương đã quay lưng lại với Viễn rồi sao? Soái nghĩ, nếu không có cách đỡ cho Viễn, thì ít ra cũng nên giữ được thái độ vô hại đối với người bạn đồng phe, ở đây Phương đã đứng về phía Diệm. Soái băn khoăn và im lặng.
Diệm bỗng cất tiếng cười "hình hịch", liếc xéo vào mặt Soái, rồi cúi đầu kiểm soát hai bàn tay:
- Ông Phương nòi vậy thôi chớ tôi thấy ông Viễn... khác hai ông nhiều mặt. Như tôi đã nói, hai ông là người có tín ngưỡng, quyết một sống một chết với chủ nghĩa vô thần. Chúng ta có lý tưởng chống cộng sản tới cùng. Ông Viễn vốn không theo một tôn giáo nào, lại là người đã từng cộng tác với Việt Minh mấy năm trước đây, giả như Việt Minh thắng, chiếm trọn miền Nam, ông Viễn vẫn còn đường sống nhờ tình bạn cũ xưa che chở. Tôi tự hỏi, vì sự nghiệp chung của đất nước, ông Viễn có chịu hy sinh mỗi ngày một triệu đồng lợi tức thu được ở các sòng bạc, các khu chứa gái, tiệm hút hay không? Trong khi đó ba bốn triệu dân của thành phố này đã căm hờn tai họa tứ đổ tường tàn phá cuộc sống của bao nhiêu gia đình trong số họ?
Diệm ngừng lại. Thành Phương liên tục rít những hơi thuốc dài, hắn khẽ mỉm cười lắc đầu rồi lại bình thản ngó theo khói thuốc vồng lên. Ngược lại, Soái bồn chồn, nóng nảy. Hắn nhìn phần vòng tròn của chiếc bàn xa-lông cỡ lớn, tưởng tượng ra vành móng ngựa tòa án, nơi Viễn gục đầu nghe Diệm luận tội, mà bản án thì đã định sẵn rồi? Vẫn cái giọng đều đều, Diệm tiếp:
- Hai ông nghĩ kỹ đi! Chính quyền của chúng ta, nếu không thực thi được cái gì khác trước, không bảo đảm được cuộc sống hạnh phúc của dân, không đem lại quyền lợi trước mắt cho họ... thì chẳng khác gì các chính quyền của người Pháp trước kia mà dân họ đã chán ghét và căm thù. Họ sẽ chứa chấp Việt Minh, tiếp tay với Việt Minh, đồng tình diệt chúng ta. Trong khi đó, tất cả chúng ta hiện đang trông vào ông Viễn, với năm ngàn công an Bình Xuyên, năm ngàn lính tự vệ toàn là bọn vô học, không biết nghiệp vụ, ngược lại chỉ lo cướp đoạt, làm tiền, trở nên đui mù trước cảnh ra vào thành phố của bọn Việt Minh. Chính quyền này còn có cớ tồn tại, mạng sống của chúng ta và gia đình còn được an toàn, cần phải cương quyết thay ngay toàn bộ lực lượng công an cảnh sát, có đủ khả năng bảo vệ chính quyền và an ninh thành phố. Cả vấn đè này nữa, ông Viễn có vui lòng không? Nếu như ông ta không chịu mất không một triệu đồng lợi tức hàng ngày, không chịu giao ngành công an cho Chính phủ, chúng ta phải làm sao đây? Chịu bó tay chờ chết chăng? Việt Minh chắc chắn không bỏ lỡ thời cơ!
Diệm ngưng lại, hơi ngước mắt lên nhìn cả hai người một thoáng và mỉm cười. Nguyễn Thành Phương nhúc nhích hai bên vai, hèm giọng theo thói quen mỗi. khi hắn định nói gì:
- Cụ Thủ tướng đã nhìn xa thấy rộng, giảng giải đúng quá. Tình trạng này mà còn kéo dài quả là nguy hiểm. Chúng tôi xin cố gắng bàn phải trái với ông Viễn.
Diệm khẽ hất hàm:
- Nếu ông ta vẫn không chịu?
Phương im lặng. Soái bồn chồn nghĩ thầm, phải chăng cả Diệm lẫn Phương đang sắp xếp đẩy mình vào cái thế bất nghĩa với Viễn và theo phe chúng? Soái kiên nhẫn ngậm miệng chờ. Có lẽ thấy cả hai không có phản ứng, Diệm thở dài não nuột, biểu lộ sự trách cứ:
- Chính tôi cũng tự hỏi mình, nếu ông Viễn khăng khăng không chịu đặt quyền lợi sống còn của miền Nam này trên quyền lợi cá nhân của ông ta, tôi sẽ tính sao? Tôi tin toàn nội các chính phủ, quân đội quốc gia, lực lượng của phía các ông, cả triệu đồng bào di cư Bắc Việt bỏ Việt Minh trốn vào đây... nhất định không vì cá nhân ông Viễn để nhắm mắt buông xuôi chờ cộng sản vào giết hại. Tình cảm giữa ông Viễn và tôi buộc tôi phải cân nhắc. Cả hai ông cũng cần cân nhắc như tôi. Đến lúc chính phủ, quân đội, quyết hy sinh ông Viễn vì sự nghiệp chung, hai ông và tôi không thể vị tình riêng đứng về phía ông Viễn. Tôi thiết nghĩ, hai ông nên giúp ông Viễn ngay từ lúc này, để ông ta thấy được vấn đề sớm hơn, tự mình giải quyết chớ để trăm ngàn quân đội chính phủ ra tay. Tới lúc đó, cả ba chúng ta chỉ còn đứng ngó, vô phương cứu giúp.
Tới đây, Diệm coi như đã giải thích đầy đủ trước khi giao nhiệm vụ cho hai Quốc vụ khanh. Hắn chẳng cần, nếu trong hai tướng kia còn có người nào thắc mắc hoặc âm thềm chống đối. Hắn đứng lên, giơ tay cho Soái rồi cho Phương bắt, nhưng không quên nhắc khéo:
- Tôi chờ tin thắng lợi của hai ông chiều mai, có thể bằng điện thoại.
Sau khi lạnh lùng từ giã Nguyễn Thành Phương, Trần Văn Soái ngả mình trong xe trên đường trở về nhà. Hắn đã thấy rõ ý đồ của Diệm, muốn gián tiếp buộc cả hai lực lượng Soái - Phương phải án binh bất động, để tự do diệt Viễn. Với gần trăm ngàn binh sĩ dưới quyền, hàng chục tướng tá tốt nghiệp ở các quân trường bên Pháp đang quay đầu thờ chủ mới, cùng hàng triệu đô Diệm đang có trong tay, rõ ràng Viễn không phải là đối thủ đương đầu được. Số phận của Viễn đã đến ngày cáo chung!
Soái chợt nghĩ đến thân phận mình, mồ hôi vã ra trên vầng trán đã có nhiều vết nhăn. Phải, cả hắn, cả Phương, lúc này cũng không còn đủ cân lượng để nói bằng sức mạnh nếu Diệm gom luôn tất cả chung vào số phận với Viễn. Hay là "ai chết mặc ai, hãy lo lấy phận mình"? Soái lắc đầu nghĩ đến nụ cười khinh miệt của Diệm, đến câu dặn cuối cùng của hắn: "Chờ tin thắng lợi bằng điện thoại". Chắc chắn hắn không dừng lại khi đã diệt xong Viễn, cũng như hắn đã ra lệnh cho mình và Phương thi hành mà không cần chờ kết quả. Nét mặt bình thản, hân hoan của Nguyễn Thành Phương vừa rồi hiện tiếp lên. Soái cảm thấy lạnh buốt ở sống lưng. Phải chăng Phương đã bị những đồng đô-la khuất phục?

Chương trước Chương sau