Điệp viên 007 - Tử chiến với gã NO - Chương 05

Điệp viên 007 - Tử chiến với gã NO - Chương 05

SỐ LIỆU VÀ SỰ KIỆN

Ngày đăng
Tổng cộng 20 hồi
Đánh giá 8.8/10 với 19167 lượt xem

Sếp tao sẽ giết chết mày ... Sếp tao sẽ giết chết mày ... Sếp tao sẽ giết chết mày, đồ khốn kiếp.
Lời tru tréo của ả cứ dọng mãi trong đầu anh chàng. Âm vang cho đến sáng hôm sau. Giờ James đang ngồi ở lan can, dùng bữa điểm tâm thật tuyệt. Mắt dõi qua khu vườn um tùm của miền nhiệt đới về phía Kingston, cách đó năm dặm. Vâng, vụ án của Strangsway và Trueblood đã rõ rồi. Họ bị giết chết. Họ đang điều tra điều gì đó. Một điều vẫn còn nằm trong bí mật Đến cả Cục Phản gián còn chưa biết được. Bọn khốn kiếp kia muốn giết người diệt khẩu. Hẳn nhiên, chúng dư hiểu Cục Phản gián phái người đến đây điều tra vụ việc đột nhiên mất tích. Người ấy không ai khác hơn là 007. Chúng muốn có một tấm hình của anh chàng để dễ bề nhận dạng. Anh chàng sẽ lưu lại ở đâu? Làm gì? Có tìm thấy chút manh mối nào không? Và một khi 007 nắm được sự tình, chúng đâu có ngại gì mà không thủ tiêu. Hệt như bao nhiêu kẻ vô tội khác. Một vụ đụng xe trên đường, cộc choảng nhau bằng hàng nóng trong quán ăn, hoặc bất kỳ cái chết chừng như rất vô tình sẽ xảy ra. Tên cầm đầu vụ này là ai? Dù chưa biết rõ, nhưng dứt khoát nó là một thằng rất man rợ, khát máu. Giết người đối với nó chỉ là chuyện thường tình. Mà cách giết người của nó cũng thật hoàn hảo. Có thể Strangsway tìm thấy được điều gì rồi báo cáo sơ bộ về London. Và một kẻ nào đó rò rỉ thông tin. Kẻ thù nắm được, nhanh chóng ra tay. Không chừng một ngày nào đó, tử thần đến gõ cửa James, và Quarrel nữa. Láo thật. Nó có quyền gì thay mặt Thượng đế giũ sổ người khác. Chờ đấy con ạ. Để xem ai sẽ giũ sổ ai?
Đốt điếu thuốc Royal Blend đầu tiên trong ngày, anh chàng phà ra thật điệu nghệ. Vòng khói tròn bốc lên cao. Đầu óc cứ mãi miên man. Kẻ thù là ai? Thằng chó nào? Xét cho cùng, chỉ có một tên khả nghi nhất. Tên tạp chủng người Đức lai Hoa Julius No sở hữu đảo Crab Key, khai thác phân làm giàu. Nó tự nhận là bác sĩ. Chả biết có đúng thế hay chỉ là tên lang băm miệt vườn mắc chứng hoang tưởng? Loại người này anh chàng đã gặp quá nhiều. Tri thức quá kém cõi nhưng thừa gian xảo giết người. Thật lạ. Không hề có lý lịch nhân thân của nó. Thậm chí trong hồ sơ của đám FBI cũng không nốt. Chăng lẽ từ đất nẻ nó chun ra? Năm mạng người trong vụ chim cò không thể xem thường. Bất hạnh ngẫu nhiên ư? Anh chàng không tin. Kinh nghiệm thầm báo: Không có điều gì tự nhiên xuất hiện. Nhiều lúc cứ nghĩ đó là sự an bài của Thượng đế. Nhưng không. Đó là một âm mưu vô cùng thâm độc của một tổ chức, một cỗ máy giết người hoàn hảo đang khuất trong bóng tối.
Lời quả quyết của Quarrel chẳng đã khẳng định thêm điều này? Hắn và cư dân ở đây cạch mặt cái hòn đảo tử thần Crab Key. Những người Cayman như Quarrel đâu phải là loại người chết nhát. Họ không dễ gì hù doạ. Trừ phi đó là sự tàn độc khủng khiếp. Tại sao tên No cố tạo ra nỗi ám ảnh này với cư dân địa phương? Nó có điều gì đó riêng tư. Không muốn ai xía vào vụ khai thác phân chim? Kể cũng lạ. Phân chim có gì quý báu. Chúng dùng phân chim để làm gì? Chế tạo bom? Vũ khí ư? Anh chàng đã quyết định gọi cho viên quyền Thống đốc vào lúc 10 giờ. Phải tìm ra lời giãi đáp thoả đáng về vụ này: phân chim, đảo Crab Key, tên No tạp chủng.
Đang suy nghĩ miên man, bỗng có tiếng gõ cửa. Anh chàng vội đứng lên mở. Quarrel bước vào. Trên má trái của hắn ta băng một miếng rõ to.
- Xin chào Đại tá. Ngài hẹn lúc 8 giờ 30.
- Vâng, vào một chút đi. Hôm nay, chúng ta rất bận. Ăn sáng chưa?
- Vâng. Cám ơn ngài. Cơm, cá muối và chút rượu rum.
- Sáng sớm làm gì nhiều thế?
Cũng bình thường thôi thưa ngài.
Khi hai người ngồi xuống ngoài lan can, James châm lửa mời hắn điếu thuốc.
- Nào, bắt đầu ngày hôm nay của chúng ta. Tôi phải đến Phủ Thống đốc rồi Viện Nghiên cứu của Jamaica. Có lẽ đến chiều mới xong. Hôm nay anh không đi với tôi nhưng có một việc phiền anh chút xíu.
- Vâng, thưa ngài. Ngài cứ dặn, tôi sẽ làm ngay.
- Chiếc xe của chúng ta không ổn. Nó đang bị theo dõi. Anh đi xuống Motta hoặc nơi nào đấy ghé vào cửa hàng cho thuê xe. Mướn một chiếc tốt nhất, mới nhất chỉ chạy chừng vài dặm. Chỉ mướn xe không mướn tài xế. Thời hạn thuê: một tháng. Nhớ không? Sau đó, đến bến cảng kiếm cho được hai gã có hình dáng gần giống chúng ta. Gã nào phải biết lái xe. Sắm quần áo cho họ giống loại chúng ta thường mặc. Nhớ cả nón luôn nhé. Bảo với họ, chúng ta muốn mang chiếc xe đến Montego vào sáng mai. Chổ đường Ocho Rios, gần thành phố của Tây Ban Nha. Rồi họ cứ bỏ xe ở ga ra của Levy. Xong, gọi diện cho Levy, nhờ hắn ta trông giùm.
Quarrel mỉm cười:
- Ngài tính lừa tên nào đó?
- Chính thế. Trả cho hai gã ấy mỗi gã 10 bảng. Cứ bảo tôi là một doanh nhân người Mỹ giàu có, có ý thích ngược đời. Khoái hai người đứng đắn lái chiếc Sunbeam đến Montego. Hẹn họ sáng mai đúng 6 giờ phải có mặt ở đây. Anh đến với chiếc xe mới thuê. Sau đó cho họ lái chiếc Sunbeam đi. Mui xe phải hạ kín. Rõ chưa?
- Vâng, thưa Đại tá.
- Còn một việc nữa. Căn nhà Beau Sesert ở cảng Morgan, có ai thuê chưa?
- Hình như chưa. Nó xa mấy điểm du lịch mà giá cho thuê cao quá.
- Anh đến hiệp hội Graham, xem coi chúng ta có thể thuê một tháng không? Hoặc một nhà gỗ gần đấy cũng được. Tiền bạc không thành vấn đề. Cứ bảo tôi là một doanh nhân Mỹ giàu có, ông James. Lấy chìa khoá và trả tiền thuê. Nếu họ muốn tôi xác nhận, cứ phôn cho tôi.
Đưa tay vào túi, anh chàng rút ra một xấp bạc dày. Xẻ nửa cọc giao cho Quarrel, anh chàng nói tiếp:
- Đây là 200 bảng. Cất kỹ đừng cho ai biết. Nếu cần thêm, cứ phôn cho tôi. Anh biết tôi ở đâu, đúng không nào?
- Vâng, thưa ngài.
Hắn cảm thấy hoảng vì số tiền quá lớn. Bỏ chúng vào bên trong chiếc áo sơ mi xanh rối hắn gài nút cho đến tận cổ:
- Còn gì nữa không thưa ngài?
- Không. Cố gắng đừng để bị theo dõi. Gởi xe ở một nơi nào đó trong khu trung tâm rồi đi bộ đến mấy chổ ấy. Đặc biệt chú ý đám ngưởi Hoa, nhất là những tên sáp lại gần anh.
Nói xong anh chàng đứng dậy. Cả hai cùng bước tới cửa.
- Hẹn gặp anh 6 giờ 15 sáng mai. Rồi chúng ta đến bờ biển phía Bắc. Chắc chúng ta phải đóng ở đấy một khoảng thời gian rồi.
Quarrel gật đầu, vẻ mặt thoáng chút khó hiểu.
- Vâng, thưa Đại tá.
Vừa dứt lời, hắn bước nhanh ra cửa.
Nửa giờ sau, anh chàng lững thững bước xuống cầu thang. Vẫy một chiếc tắc xi, James chỉ hướng Phủ Thống đốc.
Chẳng thèm ký tên vào cuốn sổ đăng ký ở bàn tiếp tân, anh chàng ráng ngồi đợi trong phòng chờ. Kẻ thù vẫn lảng vảng đâu đây. Nó trong tối, anh chàng ngoài sáng. Không được phạm bất cứ một sai lầm nào, dù là nhỏ nhặt. Cố tạo ra vẻ không quan trọng càng ít bị chú ý. Mười lăm phút sau, A.D.C bước ra mời anh chàng vào phòng làm việc của viên Thống đốc ở lầu một.
Chà một căn phóng khá rộng, thoáng mát với mùi thuốc là nực nồng. Viên quyền Thống đốc trong bộ vét màu kem, cổ áo to qua khổ, tắt chếc cà vạt lốm đốm đen ngồi chễm chệ trên cái bàn bằng gỗ mun. Thật lạ. Chăng thấy thứ văn kiện giấy tờ chi cả. Chỉ vái tờ tạp chí Daily Gleaen hay Times Weekly nằm ngổn ngang bên cạnh chậu dâm bụt. Ông ta đã luống tuổi. Hơn sáu mươi cũng không chừng. Đôi mắt sáng, xanh thẫm trên gương mặt đỏ gay lộ vẻ nóng nảy. Hai bàn tay để hẳn trên bàn, ông ta chẳng cười mà cũng chẳng thèm đứng dậy:
- Xin chào ông ... James Bond. Xin cứ tự nhiên.
Bước tới cái ghế gấn bàn của ông ta, anh chàng ngồi xuống, chào lại:
- Xin chào ngài.
Chả nói thêm một câu, James ngồi yên đấy chờ đợi. Một chiến hữu ở Bộ Thuộc địa đã mách trước cho anh chàng. Cuộc đón tiếp này chẳng có gì thú vị. Thậm chí là vô cùng lãnh đạm. Ông ta sắp về hưu. Vị trí này bất quá là một giai đoạn chuyển tiếp. Bộ cất nhắc ông ta vào chức quyền Thống đốc chỉ nhằm thế chổ cho ngài Hugh Foot trong thời gian ngắn. Số là ngài Hugh hoạt động quá thành công, chuyển về Anh với chức vụ cao hơn. Còn ông ta thừa biết chẳng làm gì được như thế nên cứ tà tà. Trườc đây, ông ta đã từng làm Thống đốc ở Rhodesia. Vài tháng nữa, Bộ quyết định cho ông ta nghỉ hưu. Chả thiết gì cả. Ông ta cố kiếm chức giám đốc nào đấy ở London để dưỡng già. Còn những chuyện ở Jamaica, cứ làm thinh cho rảnh nợ. Vụ án của Strangsway là một thí dụ. Bằng mọi giá, ông ta cố lờ đi. Càng bới móc, càng nhọc công mà chẳng xơ múi được gì cả.
Viên quyền Thống đốc tằng hắng. Ổng thừa biết James thuộc loại khó nuốt.
- Ông cần gặp tôi?
Giọng anh chàng điềm tĩnh:
- Chỉ là công vụ thôi, thưa ngài. Tôi đến vì vụ án của Strangsway. Hẳn ngài nhận được thông tin từ Bộ trưởng.
Phải nắn gân lão già an phận này một chút. Dù đến đây đơn độc nhưng ai chống lưng cho anh chàng? Ổng phải hiểu rõ điều này. 007 và Cục Phản gián chả phải là mấy thằng ranh con dễ bắt nạt.
- Vâng, tôi có nhận được. Vậy tôi có thể giúp gì cho ông nào? Nếu tôi nhớ không lầm, vụ đó kết thúc rồi kia mà.
- Kết thúc thế nào thưa ngài?
Giọng ông ta thẳng thừng:
- Strangsway rõ ràng trốn theo cô gái. ĐÀO NHIỆM VÌ TÌNH. Tóm tắt là như vậy. Vài đồng sự của ông không thể sống thiếu gái.
Chà, lão xách mé tới mình, anh chàng thầm nghĩ.
- Mê gái, lụy vì tình, luôn gây ra những tai tiếng lăng nhăng. Chả hiểu sao Chính phủ không có một ông James Bond nào không có máu hảo ngọt. Tôi cứ cầu mong Cục gởi đến một tay nào đấy có năng lực hơn. Chức vụ thanh tra địa phương chẳng phải là chuyện đùa. Tôi có khối tư liệu từ phía cảnh sát.
Chả thèm đếm xỉa vào những lời móc nghéo của lão, James mỉm cười:
- Vâng, xin ngài nhớ những gì ngài phát biểu hôm nay. Tôi sẽ chuyển chúng về Cục. Dĩ nhiên, sếp của tôi đem chuyện này làm việc vời các ngài Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao. Và một khi ngài hết nhiệm kỳ trở về Anh, tôi không dám chắc, thưa ngài là có gặp khó khăn gì không với Cục Phản gián? Chỉ có trời mới biết được. Còn Sở Cảnh sát của Jamaica có hiệu quả không? Chờ xét lại.
Lão quyền Thống đốc nhìn James nghi ngờ. Thằng ranh con thế mà gớm thiệt. Phải giữ mồm giữ miệng với hắn mới được.
- Ồ, đây chỉ là chuyện tầm phào ngoài lề thôi. Nếu cần trình bày quan điểm, tôi phải tự báo cáo với ngài Bộ trưởng. Trong thời gian ở đây, ông có cần gặp ai trong đám nhân viên của tôi?
- Tôi muốn nói chuyện với ông Trưởng ban phụ trách vấn đề thuộc địa.
- Tại sao vậy? Xin xỏ điều gì chăng?
Cái lão già chết tiệt. Chả làm nên trò trống gì, chỉ giỏi cái nước rộng họng, xách mé. Tỉnh bơ, James nói tiếp:
- Có vài sự cố trên đảo Crab Key. Khu bảo tồn chim bị phá hủy. Bộ Thuộc địa chuyển hồ sơ qua Cục Phản gián. Tôi có nhiệm vụ điều tra chuyện này.
Vẻ mặt lão già thư giãn:
- Được thôi. Chuyện này không thành vấn đề. Pleydell-Smith, Trưởng ban phụ trách thuộc địa sẽ gặp ông ngay lập tức. Còn vụ của Strangsway, chúng ta khép hồ sơ lại nhé? Chả cần phải bới móc ra làm gì.
Lão giơ tay lắc cái chuông bên cạnh. Vài phút sau, A.D.C bước vào.
- Ông James Bond muốn gặp Trưởng ban phụ trách thuộc địa. A.D.C, phiền anh đưa ông ta đến đấy. Tôi sẽ phôn cho Pleydell-Smith.
Lão đứng lên, bước qua bàn làm việc rồi giơ tay chào:
- Xin tạm biệt. Hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau. Đảo Crab Key à? Tôi chưa từng đến đó. Nhưng chuyến đi này chắc sẽ thú vị lắm.
Bắt tay lão, giọng anh chàng thản nhiên:
- Tôi cũng nghĩ thế. Xin chào.
Chờ anh chàng bước ra khỏi phòng, lão quyền Thống đốc lẩm bẩm:
- Thứ ngựa non háu đá.
Trở lại bàn, ngồi xuống, lão nhấc điện thoại lên, nói vài câu lấy lệ với tay Trưởng ban phụ trách thuộc địa. Gác phôn xong, lão lật nhanh tờ Times Weekly, dán mắt vào trang cổ phiếu.
Tay Trưởng ban phụ trách vấn đề thuộc địa – Pleydell-Smith trông vẫn còn trẻ. Mái tóc xù xù, đôi mắt nâu sáng làm gương mặt gã hồn nhiên. Chà, một tay nghiện ống píp thứ thiệt. Ngồi nói chuyện với James chừng mươi phút, gã mồi thuốc hai, ba lần.
Vừa thấy mặt anh chàng, Pleydell-smith ngồi nhỏm dậy, nhanh nhẩu chạy tới bắt tay. Chỉ cho anh chàng chiếc ghế gần đó, gã đi tới đi lui trong phòng, dùng píp gãi gãi lên màng tang.
Giọng gã thân mật:
- James Bons à? Cái tên nghe quen quá. Để mình nhớ lại chút xem. Ồ, đúng rồi, cậu điều tra vụ kho tàng trên đảo. Bốn năm năm gì đó. Có một hôm, mình tìm thấy chồng hồ sơ về cậu nằm đâu đó trên bàn. Vụ án tuyệt vời. Thật hân hạnh. Mình không ngờ đấy. Cậu làm mọi thứ ở đây đảo lộn. Nhờ vụ đó, Kingston có chút tiếng tăm. Thiên hạ ngày nay chỉ biết lo nghĩ cho quyền lợi cá nhân, địa vị xã hội, quyền tự quyết. Miệng la to hét lớn đủ thứ mà chẳng làm nên trò trống gì cả. Nội cái điều khiển xe buýt cũng chả xong. Còn vấn đề sắc tộc ấy à, miễn bàn.
Vừa nói xong, hắn bước tới bàn làm việc, ngồi xuống đối diện với James, một chân gác lên tay ghế. Với tay lấy hộp thuốc, hắn bắt đầu nhồi cái tẩu:
- Xin cậu cứ tự nhiên. Mình có thể giúp gì nào? Mình dám cá, chuyện của cậu lý thú hơn nhiều mấy cái thứ quái quỷ nằm kia – Tay hắn quơ quơ về phía chồng công văn đang chờ giải quyết.
James mỉm cười. 5 năm rồi mà hồ sơ của anh chàng vẫn còn năm đâu đó trên bàn? Thật lạ. Xoáy vào chỗ hớ hênh của hắn, mình phải hỏi vài câu cho ra lẽ.
Ngồi thẳng người lên, James nghiêm giọng:
- Vâng. Tôi đến đây vì vụ của Strangsway. Nhưng trước hết, tôi muốn hỏi một câu. Với chừng ấy thời gian, hồ sơ vụ kho tàng vẫn còn nằm trên bàn? Ai đó yêu cầu ông lục lại hồ sơ? Nếu điều này có chút gì khó nói, ông có thể không cần trả lời. Nghe có vẻ phi lý thôi. Thật chẳng có gì quan trọng.
Pleydell-Smith nheo một mắt nhìn anh chàng:
- Mình biết do bản chất nghế nghiệp, đôi khi cậu quá dè dặt.
Rồi hắn ta ngó lên trần:
- Để nhớ lại xem. Vâng, có một hôm, mình tìm thấy nó trên bàn cô thư ký vừa mới tuyển. Cô ta đang sắp xếp lại tất cả hồ sơ. Thật là bề bộn. Rồi trong cái đống hỗn độn ấy, tình cờ mình gặp nó.
- Thế ư? Thật ngại quá. Chả hiểu sao, khi tôi vừa đặt chân đến đây, có nhiều kẻ muốn tiếp cận làm quen. Trở lại vấn đề chính, tôi muốn rõ vài điều. Ông biết gì về hòn đảo Crab Key? Gã người Hoa tự xưng là bác sĩ No, chủ nhân hòn đảo ấy? Vụ khai thác phân chim? Tất cả những chi tiết dù nhỏ nhặt nhất đều có giá trị.
Đột nhiên hắn cười nho nhỏ. Lấy cái tẩu ra khỏi miệng hắn vừa nói vừa nhồi nhồi mớ thuốc đang cháy dở với que diêm.
- Cậu đặt những câu hỏi hơi khó trả lời. Đó là cả một bộ phim nhiều tập ấy. Lúc đó mình còn làm ở Toà lãnh sự trước khi về Bộ Thuộc địa. Công việc đầu tiên của mình là ở Peru. Mình có nhiều mối quan hệ với đám người quản lý vụ làm ăn này: Companía Administrandoradel Guano. Những con người tốt bụng.
Chờ ống tẩu cháy đỏ, hắn quăng cái hộp quẹt lên bàn.
- Phần còn lại của câu chuyện, phải dựa vào tập hồ sơ. Hắn lắc cái chuông đặt bên cạnh. Vài phút sau, cánh của phía sau James mở ra.
- Cô Tano, mang cho tôi hồ sơ liên quan đến vụ mua bán của đảo Crab Key. Thêm hồ sơ về tay giám sát bị chết hôm trước Noen. Nếu tìm không ra, cứ hỏi cô Longfellow.
Cô thư ký dạ một tiếng nho nhỏ rồi khép cửa lại.
Xoay xoay người trên ghế, Pleydell-Smith bắt đầu kể:
- Mình có vài lời xơ lược về vụ phân chim. Thường người ta khai thác nguồn chất thải của hai giống chim: con Booby và Guany. Trên Crab Key, chỉ thấy loài Guany. Hình dáng chúng tương tự giống chim cốc xanh, cậu có thể thấy ở Anh. Chà, cái lũ Guany rất háu ăn. Chúng là cái máy nghiền cá thành phân chim. Cậu biết một lần nó ăn bao nhiêu con cá không? Tình cờ, người ta mổ bụng một con Guany, tìm thấy hơn 70 con cá trồng.
Lấy ống píp ra, hắn quơ quơ về phía anh chàng cố tạo chút ấn tượng.
- Một năm cả dân Peru chỉ dùng có bốn ngàn tấn cá. Còn đám Guany ở đó xơi cả thảy năm trăm ngàn tấn.
Bĩu môi, anh chàng làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Thật ư?
- Vâng. Mỗi ngày, một con trong số hàng trăm ngàn con Guany ăn hết nửa ký cá rồi thải ra hơn nửa trăm gram phân. Ngày này qua ngày kia, chúng tạo thành hòn đảo phân chim.
James cắt lời:
Tại sao chúng không thải phân xuống biển?
- Cũng chả hiểu. Có lẽ do bản năng. Chúng cứ thải phân trên đảo từ thuở Chúa sáng tạo ra muôn loài. Hàng triệu triệu tấn phân trên vùng Pescadores và nhiều đảo khác. Mãi đến năm 1850, người ta mới biết chúng là nguồn phân bón tự nhiên giàu chất ni trát và phốt phát nhất trên thế giới. Thế là thiên hạ xúm nhau lên tàu đến các hòn đảo phân chim khai thác chúng. Thời kỳ ấy được gọi là Saturnalia ở Peru. Nó kéo dài hơn hai mươi năm. Ở Klondyke cũng thế. Thiên hạ giành giựt, chém giết nhau trên đống phân, cướp bóc các chiếc tàu, bắn nhau loạn xạ, bán những tấm bản đồ giả về các hòn đảo phân chim. Bổng chốc có khối thằng giàu to.
- Người ta quan tâm đến đảo Crab Key từ khi nào?
Anh chàng muốn đi thẳng vào vấn đề. Cái tay này cứ cà kê dê ngỗng mãi mấy thứ phân chim.
- Đó là đảo phân chim duy nhất ở phía Bắc. Nó cũng từng được khai thác. Chả biết từ lúc nào, khoáng chất trong nước ở vùng biển này thua dòng chảy Humboldt nên thịt loại cá trồng cũng không bổ dưỡng cho lắm. Vì thế nguồn phân ở đây có chất lượng kém hơn. Người ta khai thác chúng cũng khi trồi khi sụt. Mãi cho đến khi ngành kinh doanh này bùng nổ, nhất là khi bọn người Đức phát minh ra phân hoá học, người ta đổ xô nhau tới Crab Key và các hòn đảo có nguồn phân chim chất lượng kém. Vào lúc này, Peru vào cuộc. Họ quốc hữu hoá ngành khai thác phân chim và bảo vệ giống Guany. Rồi sản lượng bắt đầu tăng lên trở lại. Sau một thời gian dùng thử phân hoá học, người ta thấy chúng làm cho đất bị thoái hoá, không thể nào so sánh với đám phân chim. Thê là giá cả của chất thải từ Guany tăng lên không ngừng. Riêng Peru thực hiện chính sách bảo hộ nền nông nghiệp của họ với đống phân chim trong nước. Nguồn cung cấp đột nhiên khan hiếm. Thế là thiên hạ tranh giành Crab Key.
- Thế à?
Vừa nói đến đây, Pleydell-Smith dừng lại một chút. Tay lần kiếm cái hộp quẹt, hắn mồi cái tẩu lần nữa.
- Ngay khi chiến tranh vừa nổ ra, tay người Hoa láu cá, lưu manh ấy liền nghĩ ra cách làm giàu từ việc khai thác phân chim ở đảo Crab Key. Giá cả thị trường lúc ấy vào khoảng 50 đô một tấn tại Atlantic. Gã đề nghị mua Crab Key với giá mười ngàn bảng. Rồi gã vận chuyển công nhân đến đây làm việc ngày đêm. Chà, gã kiếm cũng được bộn bạc. Mỗi tháng một chuyến tàu từ châu Âu hay Antwerp đến chở chúng đi. Sau đó, để giảm giá thành sản xuất, gã dùng thêm máy gạn, máy nghiền. Còn đám công nhân ấy à, gã bóc lột tối đa. Những năm gần đây, giá thị trường chỉ còn 38 hay 40 đô gì đấy một tấn ở Antweep. Dĩ nhiên, gã hạ tiền thuê nhân công xuống. Rồi Crab Key trở thành nơi lao động khổ sai. Gã cấm không cho ai rời khỏi đảo. Rồi người ta bắt đầu đồn đãi nhau mấy câu chuyện liên quan đến cách cai trị hà khắc của gã. Dĩ nhiên, Crab Key thuộc sở hữu tư nhân. Chả ai dư hơi xía vào chuyện nội bộ của nó.
Anh chàng thấy có điểm cần làm rõ:
- Thật sự Crab Key đem lại tiền cho tên No?
- Guany là giống chim có giá trị nhất trên thế giới. Sau khi trừ hết chi phí, một cặp chim mang đến cho chủ nó hai đô la một năm. Mỗi con chim mái đẻ trung bình ba trứng, một cặp chim đáng giá 15 đô. Nhân con số này cho một trăm ngàn chim trên Crab Key, số tiền lên đến một triệu rưỡi đô. Con số không nhỏ phải không nào? Chưa kể gã dùng máy móc để tăng năng suất. Cậu thấy không, một miếng đất nhỏ xíu với chừng ấy tài sản.
Chừng nhớ ra chuyện gì, hắn lắc cái chuông nhỏ.
- Sao chồng hồ sơ nảy giờ không thấy tới? Rồi cậu sẽ tìm thấy những chi tiết thú vị trong đó.
Cánh cửa phòng mở ra phía sau James.
Giọng Pleydell-Smith càu nhàu:
- Mấy tập hồ sơ đâu, cô Tano?
- Xin lỗi sếp. Tôi không tìm ra chúng.
- Cô nói giỡn à? Không tìm ra chúng? Lần cuối cùng ai mượn chúng?
- Thưa, ngài Strangsway.
- Không phải thế. Tôi nhìn thấy ông ta mang chúng trở lại đây. Chuyện gì xảy ra thế?
Ả cố giữ giọng bình tĩnh:
- Tôi không biết, thưa sếp. Chỉ có cái bìa, còn tài liệu bên trong không có.
Quay người lại, anh chàng nhìn vào ả thư ký. Mỉm cười, anh chàng xoay lưng lại. Chuyện đã rõ mười mươi. Mấy chồng hồ sơ đang ở đâu? Tại sao hồ sơ của 007 cách đây 5 năm lại năm lăn lóc trên bàn của ả? James dư sức biết điều này. Hèn gì, mới vừa đặt chân xuống sân bay, con ả trơ trẽn Annabel xáp tới làm quen. Tai mắt của kẻ thù có mặt ngay trong cái phủ Thống đốc. Nó tiết lộ thông tin ra ngoài. Giống như tên No xảo quyệt, con ả mặt dày Annabel Chung, ả thư ký Tano với dáng vẻ nhu mì, Bẽn lẽn, đôi mắt đằng sau cặp kính cận là một ả người Hoa. Trùng hợp ư? Không hề!

Chương trước Chương sau