Điệp viên 007 - Chiến dịch sấm sét - Chương 05

Điệp viên 007 - Chiến dịch sấm sét - Chương 05

Tổ chức S.P.E.C.T.R.E

Ngày đăng
Tổng cộng 24 hồi
Đánh giá 9.5/10 với 28010 lượt xem

Đại lộ Haussmann buồn tẻ, dài ơi là dài, chạy từ đường St. Honoré cho tới nhà hát Opêra, nằm ngay trong quận 8, quận 9. Có lẽ nó là con đường tốt nhất ở Paris. Tuy chẳng giàu bằng đại lộ Iéna nhan nhản bọn người ngoại tộc nhập cư, Haussmann là trung tâm kinh tế, công nghiệp. Ấn tượng nhất là tòa lâu đài đồ sộ biểu tượng cho nền Đế Chế Đệ Nhị xây dựng từ hồi đầu thế kỷ.
Nơi đây bạn có thể tìm thấy văn phòng chính của các tập đoàn công nghiệp đến từ Lille, Lyons, Bordeaux, Clermont Ferrant, chi nhánh của các công ty hàng đầu chuyên doanh vải sợi, tơ nhân tạo, than đá, sắt thép, vận chuyển đường biển...
Nôm na một chút, bạn có thể hình dung nó như là Lombard hay Wall Street của Pari. Rồi lẫn lộn trong các công ty tiếng tăm ấy, bóng dáng của mấy nhà thờ, viện bảo tàng nhỏ, hiệp hội Shakespear của người Pháp là trụ sở của các tổ chức từ thiện.
Chẳng hạn như, ở số nhà 136 bis hiện ra một tấm bảng đồng bóng loáng nằm kín đáo với chữ F.I.R.C.O viết tắt của Hiệp hội Đoàn kết thế giới chống độc quyền.
Nếu bạn có hứng thú với nó, tò mò cũng được, muốn kiếm chút cháo cũng được, cứ việc bấm vào cái chuông sứ. Một gã gác dan người Pháp bước ra mở cửa. Lúc này, bạn phải cho biết lý do chính đáng. Còn ba cái chuyện bá vơ, tầm phào ấy à, xin miễn vào.
Rồi gã gác dan đưa bạn đi dọc theo hành lang đầy bụi qua một cánh cửa đôi to giáp với cái thang máy cũ kỹ, chỉ nhìn không đã phát sợ. Sau đó, bạn tới một căn phòng thật to, bẩn thỉu với năm, sáu gã nhân viên đang ngồi đánh máy, sắp xếp tài liệu sau mấy cái bàn rẻ tiền. Nhìn chung, nó chẳng khác gì mấy các văn phòng trong khu vực này.
Tinh mắt một chút, bạn thấy một điều quái lạ. Đám nhân viên ở đây toàn mấy thằng đực rựa, sàn sàn ở lứa tuổi ba mươi, bốn mươi.
Nếu có thắc mắc, một tay ngồi ngay cái bàn gần cửa có thể sẵn sàng giải đáp cho bạn. Quý ông cần gì? Tôn chỉ của Hiệp hội Đoàn kết à? Chúng tôi tồn tại để tiếp nối truyền thống của các tổ chức Kháng Chiến sau chiến tranh thế giới. Chúng tôi là một tổ chức phi chính phủ, phi chính trị. Ngân quỹ của chúng tôi? Chỉ là tiền đóng góp của các thành viên cùng chí hướng. Muốn biết thêm chi tiết, xin quý ông cứ tham khảo tài liệu ở đây. Xin lỗi, chúng tôi rất bận. Chúng tôi phải trả lời cho hàng triệu độc giả quan tâm đến F.I.R.C.O trên toàn thế giới. Xin chào. Vâng, thế đấy.
Khi bước ra cổng, bạn không khỏi khen thầm. Chà, một tổ chức làm ăn thật hiệu quả. Nhân viên bận túi bụi. Mà họ làm công việc gì? Chẳng rõ.
Sau khi rời khỏi cái viện điều dưỡng chết tiệt trở về Luân Đôn, anh chàng James ghé vào quán Lucien ở Brighton làm một bụng no nê với cái món Spaghetti Bolognese và Chianti. Nhịn ăn hai tuần, giờ anh chàng mới hiểu sống trên đời không ăn không phải là con người.
Còn cô nàng Patrica đang rong ruổi trên chiếc xe đạp ba bánh hướng thẳng về Downs.
Vâng, một ngày sau đó, tại trụ sở của FIRCO, ban quản trị có cuộc họp khẩn cấp vào lúc 7 giờ tối. Dĩ nhiên, thành viên là mấy tay đến từ các nước khác nhau ở châu Âu. Đi bằng máy bay cũng có, xe lửa cũng có, đi riêng lẻ cũng có, họp thành nhóm cũng có, họ tất bật gặp nhau ở căn nhà số 136 bis đại lộ Haussmann. Một số đường hoàng bước qua cổng trước. Một đám thập thò, lén lút lẻn vào cửa sau. Nói thế thôi, đừng có xem thường nghe. Họ phân công nhau đi qua cổng theo giờ quy định. Hai tên gác dan chực sẵn ở hai lối ra vào trước, sau bên cạnh mấy cái camera làm việc liên tục.
Đúng 7 giờ tôi, hai mươi gã đàn ông, kẻ sải chân mạnh dạn, người dáo dác bước vào phòng họp ở lầu ba. Tên chủ tọa ngồi sẵn ở đấy từ bao giờ. Không có nghi thức rườm rà mở đầu cuộc họp, họp kín mà. Rình rang, phô trương chỉ làm bọn cớm để ý. Mỗi gã ngồi vào vị trí của mình theo mã số được đánh từ 1 đến 20 trên bàn. Mã số ấy vốn được quy ước vào cuộc họp lúc nửa đêm của ngày đầu tiên mỗi tháng. Uống rượu, hút thuốc luôn bị nghiêm cấm trong những giờ phút quyết định như thế này.
Ngay trước mặt tên chủ tọa có một chồng hồ sơ to. Hình như là chương trình nghị sự giả tạo của FIRCO. Hai mươi tên mà chả tên nào thèm liếc mắt về đống hồ sơ. Lưng họ thẳng lên, đôi mắt háo hức trông chờ điều quan trọng sắp diễn ra. Khuôn mặt một số tên lộ vẻ khúm núm, sợ sệt.
Bất cứ ai nhìn vào gã số 2, tên chủ tọa tháng này đều cảm thấy như bị thôi miên. Người gã toát ra một sức mạnh vô hình, rất khó giải thích. Loại người như thế, giỏi lắm trong cuộc đời, bạn chỉ gặp đôi ba lần. Vâng, dễ gì kiếm được thứ người hội đủ ba đức tính cơ bản trong số hàng tỉ tỉ dân cư trên thế giới. Vóc dáng bên ngoài thật ấn tượng, vẻ thư thái ẩn chứa một ý chí thép. Thứ đức tính cơ bản vốn có ở những nhà lãnh đạo kiệt xuất như Thành Cát Tư Hãn, Alexander đại đế, Napoleon. Loại người chỉ cần hô một tiếng hàng triệu triệu người lao vào lửa đỏ không tiếc máu xương.
Cái gã mang mã số 2 này cũng thế. Trong dòng người hỗn độn trán vỉa hè, khi gã đi ngang, mọi người đều phải quay đầu nhìn lại. Gã có ma thuật chăng? Điều này chả rõ. Nhưng người ta biết chắc một điều gã có một hấp lực rất ghê gớm. Mọi người chung quanh đều bị thôi miên, chinh phục. Hai mươi tên ngồi đây cũng đang lâm vào tình trạng như thế. Dù xuất thân từ những giai tầng khác nhau, nghề nghiệp fehác nhau, chủng tộc khác nhau, bọn chúng đều tôn thờ tên số 2, tên thủ lãnh tuyệt đối, như một vị thánh sống.
Lần theo gia phả, bạn có thể biết gã số 2 có cái tên cúng cơm là Ernst Stavro Blofeld, sinh ra ở Gdynia vào ngày 28 tháng Năm năm 1908. Cha hắn người Ý, mẹ người Hy Lạp. Sau khi trúng tuyển vào khoa Kinh tế Chính trị tại đại học Rome, hắn lại theo học ngành Kỹ thuật Vô tuyến ở viện Kỹ thuật Rome. Năm hai mươi lăm tuổi, hắn chấp nhận là một nhân viên quèn của ban điều phối thuộc bộ Bưu chính Viễn thông. Thật kỳ lạ. Hiếm ai có tài năng lại làm một việc như thế.
Nếu người ta hỏi, hắn chỉ giải thích hắn có hứng thú với tương lai phát triển viễn thông của thế giới. Cũng có lý. Lĩnh vực truyền thông ngày càng có vai trò quan trọng trên thế giới. Nắm được nó có nghĩa là nắm được trung tâm quyền lực. Nhờ vào việc theo dõi các bức điện tín tại Bưu điện trung tâm, hắn lao vào mua bán cổ phiếu ở thị trường chứng khoán tại Rome. Thỉnh thoảng hắn trúng quả, lại là những cú thật to.
Ngay trước thời gian nổ ra chiến tranh, nước Ý chuẩn bị lực lượng quân đội. Nhu cầu đặt hàng súng đạn và các thông hàm ngoại giao chuyển qua văn phòng hắn tăng lên không ngừng. Hắn quyết định thay đổi chiến thuật. Vâng, những thứ này vô nghĩa với một nhân viên quèn như hắn nhưng lại vô giá với kẻ thù. Bước đầu có lọng cọng, càng về sau hắn càng chuyên nghiệp. Hắn phô tô tất cả các thông tin tuyệt mật, khẩn cấp rồi chuyển đổi thành mật mã do hắn nghĩ ra.
Thế là hắn xây dựng một mạng lưới tình báo gồm những chiến hữu làm việc ở các đại sứ quán, xí nghiệp sản xuất vũ khí. Những tên thuộc loại cò con nhưng lại rất được việc như một tên giải mã hạng xoàng ở đại sứ Anh, một tên thông dịch người Pháp, những thư ký riêng ở các tập đoàn kinh tế. Rồi hắn liên lạc với hội Hồng thập tự quốc tế xin nguồn tài trợ. Sau khi đặt tên cho mạng lưới hoạt động của hắn là TARTAR, hắn lén lút qua lại với một tên tùy viên quân sự người Đức. Chẳng bao lâu sau đó, hắn nhanh chóng tiếp cận với một đại diện AMT IV của Abwehr. Tiền bắt đầu chảy vào túi của hắn càng lúc càng nhiều. Thấy ngon ăn, hắn mở rộng địa bàn hoạt động. Khi thời điểm chiến tranh đến gần kề, hắn kiếm được khoảng hai trăm ngàn đô. Liên minh các tổ chức phản gián đánh hơi. Thế là họ vào cuộc.
Lúc này mạng lưới của hắn bắt đầu rò ri thông tin. Hắn quyết định kết thúc cuộc chơi thật ngoạn mục. Hắn thu hẹp dần dần tổ chức: đấm mõm một số, thủ tiêu một số. Rồi hắn chuyển hết tài khoản sang cổ phiếu Shell Bearer ở Amsterdam. Từ đó hắn chuyển sang tài khoản bảo mật của ngân hàng Diskonto tại Zurich. Trước khi dông mất, hắn cố tình thông báo với những tay chân trước kia thuộc đám Phòng Nhì của Ý đang đánh hơi, lùng sục. Rồi hắn trở về Gdynia, hủy hết giấy khai sinh, hồ sơ đăng ký tại nhà thờ rồi dùng hai ngàn đô mua một giấy thông hành mang quốc tịch Canada. Ngày hôm sau, hắn đón tàu đi Thụy Điển. Dừng lại Stockholm một thời gian nghe ngóng động tĩnh, hắn lại bay sang Thổ Nhĩ Kỳ với hộ chiếu quốc tịch Ý.
Sau khi chuyển hết tài khoản từ ngân hàng ở Thụy Sĩ sang ngân hàng Ottoman tại Istanbul, hắn ung dung vểnh râu xem thời cuộc, chờ đợi nước Ý thất thủ. Dùng tiền mua chuộc đám cán bộ, hắn hiển nhiên trở thành một nhân viên của đài phát thanh Ankara. Hắn tiếp tục mở một mạng lưới chuyên ăn cắp thông tin RAHIR tương tự như TARTAR trước kia. Hắn khôn ngoan chờ đợi thời cơ, tìm nơi có giá để bán thông tin.
Cho đến khi Rommel bị đá khỏi chiến trường tại châu Phi, hắn nhảy vào làm ăn với đồng minh. Ấy, khi chiến tranh kết thúc, hắn được nhận cả đống huân chương, huân công của Anh, Pháp, Hoa Kỳ. Với nửa triệu đô nằm trong ngân hàng Thụy Sĩ, với hộ chiếu quốc tịch Thụy Điển mang tên Serge Amstrong, hắn đáp cánh an toàn ở Nam Mỹ rồi tha hồ tận hưởng lạc thú của trần gian. Mấy năm sau đó, khi cảm thấy bình an vô sự tuyệt đối, hắn lại đổi tên trở về Ersnt Blofeld.
Giờ đây, hắn đang ngước nhìn từng gương mặt hơi cúi xuống của hai mươi gã ngồi quanh. Bọn chúng không dám nhìn thẳng vào vị thần linh quyền uy có cặp mắt cú vọ. Chúng biểu lộ lòng trung thành tuyệt đối, sai đâu làm đó, không chút nghi ngờ, tranh cãi.
Thời gian trôi qua, đôi mắt chả chút quầng thâm của Blofeld vẫn tinh anh như thuở nào. Không có dáng vẻ ăn chơi trác táng, bịnh hoạn, lão hóa trên gương mặt trắng trẻo, to ngang, dịu dàng bên dưới mái tóc xoăn đen hớt cao. Cái cằm hơi nọng xuống vẫn toát ra vẻ cương quyết, quả cảm. Chỉ có cái miệng bên dưới chiếc mũi to bè là mang dáng dấp của một triết gia. Đôi môi mỏng dính, hơi cong cớn một chút thường nhếch nụ cười thâm hiểm, độc ác, giả tạo.
Còn thân hình của hắn thật ấn tượng: 140 ký có dư. Ấy, hồi còn trẻ hắn từng tham gia vào giải cử tạ nghiệp dư với những cơ bắp cuồn cuộn, săn chắc. Những năm gần đây, ít có thời gian tập luyện, cơ bắp chảy nhão, gã phát phì. Vòng bụng càng lúc càng lớn. Để che giấu khuyết điểm này, hắn thường mặc quần thụng đáy, bộ vét may cắt rất khéo. Bàn tay, bàn chân hắn thon dài, thật thẳng. Thường khi nói chuyện, hắn vung tay, múa chân dữ lắm. Không hút thuốc, không uống rượu, không quan hệ tình dục, không ăn uống quá độ. Những cái “không” của hắn làm mọi người quen biết lấy làm ngạc nhiên.
Còn hai mươi tên đang bình tĩnh chờ nghe hắn nói sàn sàn ở lứa tuổi ba mươi, bốn mươi với thân hình vạm vỡ. Đôi mắt chúng rất sắc sảo. Hệt như bọn chó sói hay đám chim ưng đi rình mồi trong đêm tối. Chỉ trừ có hai tên có học thức: Kotze, một nhà vật lý người Phần Lan từng bán những thông tin bí mật để kiếm chút cháo lúc tuổi già ở Thụy Sĩ; Maslov, một chuyên viên điện tử người Hà Lan, giám đốc cơ quan nghiên cứu vô tuyến của Philips AG, xin nghỉ hưu vào năm 1956 rồi đột nhiên biến mất.
Mười tám tên còn lại thuộc sáu nhóm chủng tộc khác nhau, là thành viên của sáu đám găng tơ khủng khiếp nhất trên thế giới. Ba tên người Sicil là thủ lãnh hàng đầu của mạng lưới mafia Unione Siciliano, ba tên người đảo Corse đến từ Union Corse, một tổ chức tội phạm mafia hung hãn ở Pháp, ba tên khác là cựu thành viên của SMERSH, ba tên là những thủ lãnh còn sót lại trong tổ chức Sonderdients của Gestapô, ba tên khát máu chuyên tra tấn, hành hình trong lực lượng cảnh sát của Yugoslav, ba tên thuộc người thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ, là thành viên trước đây của RAHIR, nay đổi tên thành CRYSTAL, điều hành đường dây buôn lậu ma túy ở Trung Đông qua cửa khẩu của Beirut.
Vâng, mỗi tên một vẻ nhưng chúng cùng giống nhau một điểm: bản chất tội phạm bẩm sinh. Chúng không hề biết chùn tay, kỹ thuật giết người chuyên nghiệp, biết giữ bí mật tuyệt đối là những cái trời ban cho bọn găng tơ. Mỗi tên đều có hộ chiếu hợp lệ của những quốc gia giàu có trên thế giới, không chút vết tích trong hồ sơ lưu trữ của Interpol và đám cớm địa phương. Từ những băng nhóm tội phạm mang tính cục bộ, chúng hội tụ về đây, tổ chức S.P.E.C.T.R.E như mấy dòng nước bẩn đổ về công cái. Một tổ chức khát máu chuyên trách các vụ bắt cóc, tống tiền, thủ tiêu, khủng bố, ăn cắp thông tin, đâm thuê, chém mướn.
S.P.E.C.T.R.E làm mưa làm gió khắp châu Âu với mục tiêu duy nhất: Tiền, Vàng, Tiền. Và dĩ nhiên tên đầu sỏ, kẻ sáng lập ra nó không ai khác hơn là Ernst Stavro Blofeld.

Chương trước Chương sau