Đêm chủ nhật dài - Chương 05

Đêm chủ nhật dài - Chương 05

Đêm chủ nhật dài
Chương 05

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 14335 lượt xem

Barbara cứ xin lỗi mãi:
- Tôi thật đúng là con ngốc, ai lại đi gọi điện thoại cho cảnh sát thế chứ! Nhưng gọi mãi ông không trả lời. Mà sau cái chuyện kinh khủng kia của Roberts...
- Không sao đâu, cô chớ băn khoăn.
Cái đờ đẫn sinh ra sau tất cả những việc vừa rồi dần dần qua đi, đầu óc đã thấy bình tĩnh trở lại.
- Có lẽ tôi vừa ngủ thiếp đi. Có chuyện gì vậy?
- Ồ, có thể chuyện này chẳng đáng một đồng xu mẻ, nhưng vì ông yêu cầu nếu như tôi nhớ được Roberts còn đi lại với ai nữa thì phải cho ông biết...
- Vậy cô nhớ ra rồi chứ?
- Không, chưa đâu. Nhưng tôi nghĩ rằng ông nên hỏi Erny Sewell. Anh ta làm cho Roberts ngay từ khi mới mở cửa hàng và chắc là anh ta biết về Roberts rõ hơn bất kỳ ai trong thành phố. Hơn nữa chắc chắn Roberts thích kể về các chiến tích của mình, cho đàn ông hơn là cho những người đàn bà mới quen sơ sơ...
Khỉ thật! Đáng lẽ ra tôi phải nhớ ngay Sewell mới phải.
- Cám ơn cô đã nhắc. À mà cô có thể cho tôi biết thêm một điều này được không? Khi France gọi điện thoại về chiều hôm qua, cô ta gọi từ đâu? Cô có nhớ điện thoại viên nói rõ là gọi từ New Orleans hay chỉ nói chung chung là điện thoại liên thành phố?
Hầu hết những người quen của tôi trong các trường hợp này thể nào cũng hỏi lại... "Thế có chuyện gì vậy?". Nhưng Barbara Ryan không thuộc hạng người ấy. Cô đã làm việc ở chỗ tôi hơn một năm nay nhưng mãi đến bây giờ tôi mới thực sự biết rõ giá trị của cô.
- Tôi không dám nói chắc - Cô thư ký đáp - Tôi chỉ biết một điều là điện thoại gọi từ trạm tự động.
- Sao kia? Cô có chắc chắn như vậy không?
- Vâng. Đường dây đang rỗi và tôi nghe rất rõ cô điện thoại viên nhắc France phải bỏ mấy xu vào máy.
"Em vẫn còn trên giường...". Vậy cô ta nói dối như thế nhằm mục đích gì? Còn tiếng ốc ở gần đó? Hộp nhạc chăng?
- Vậy cô ta nhắc phải bỏ mấy xu?
- Hừm... 90 cent, theo chỗ tôi nhớ. Đúng, chẵn 90 cent. Lúc đó tôi đã nghĩ ngay tại sao không phải 1 đôla?
Tức là France đã gọi từ New Orleans. Hay ít ra thì không phải từ Carfaghen. Cái đầu u mê của tôi đã bắt đầu hé sáng, thậm chí còn hình thành một ý đồ nào đó nữa. Nhưng tôi còn thiếu sự giúp đỡ của một người thông minh và tháo vát. Người thích hợp nhất ư? Tất nhiên là George! Nhưng tôi không thể nhờ ông ta được. Với cương vị là luật sư, một nhân vật bị ràng buộc bởi những giới hạn của pháp luật thì dù tin chắc một trăm phần trăm là tôi vô tội đi nữa ông ta cũng không được phép tham gia vào mưu đồ của tôi, một mưu đồ không phải không đụng chạm tới pháp luật, hơn nữa lại còn nguy hiểm. George chỉ có thể khuyên tôi nên tìm đến cảnh sát mà thôi. Còn Barbara, nếu muốn, cô ta có thể giúp tôi được. Tất nhiên tôi sẽ cốgắng không để cô ta liên lụy quá mức trong vụ này...
- Barbara này - Tôi đành phải vòng vo tam quốc - Tôi chưa thể giải thích tất cả ngay bây giờ được, nhưng ngày mai Scanlon chắc chắn sẽ ra cho cô một lô câu hỏi. Cô cứ thật thà khai báo với ông ta thật tỉ mỉ. Có điều xin cô đừng nói là tôi đã yêu cầu. Cô hiểu chứ?
- Chà, những chuyện như vậy đâu có khó gì, tuy nhiên... Quả tình tôi chẳng hiểu ra sao cả. Nhưng mà tôi nghĩ là tôi làm được. Còn gì nữa không?
- Có thể Cảnh sát trưởng sẽ hỏi mọi thứ trong két của tôi có còn nguyên hay không. Cô cứ lập một bản danh sách và chuyển cho ông ta. Chỉ có vậy thôi. Ngàn lần cám ơn cô, Barbara!
Nói chuyện xong tôi trở vào ngay phòng ngủ. Tránh đi qua chiếc giường nơi France đang nằm, cố không để xê dịch một vật gì, tôi nhanh chóng mặc quần áo, lấy từ tủ ra một chiếc vali bằng da màu vàng có tên tôi. Xếp vào đó một bộ vét, vài cái áo sơ mi, đồ lót, bộ đồ cạo râu và bàn cạo điện. Tôi chợt nghĩ rằng nên đem theo cả tấm hình của France nữa. Nhưng chỉ có độc nhất một tấm chụp cái đầu kiều diễm của cô ta, đó là bức ảnh cưới. Vợ tôi rất kỵ chụp hình mà. Thôi được, ảnh cưới cũng xong. Nó nằm ngay trên chiếc bàn. Tôi quay người lại, vươn tay ra và không tin vào mắt mình nữa: bức ảnh đã biến mất.
Không có lẽ! Nó vẫn còn ở đây khi... Tôi chợt hiểu ra rằng chắc gì tôi đã nhớ được tôi nhìn thấy tấm hình lần cuối cùng vào lúc nào. Tôi biết là nó nằm trên bàn trang điểm, quen với nó như một cái gì đó bất di bất dịch. Tôi bắt đầu lục lọi các ngăn kéo, xem xét trong tủ ngăn ở buồng tắm. Tấm hình đã mất tăm. Thế mà tôi còn nhớ chắc là sau khi France đi New Orleans nó vẫn còn nằm đó!
Tôi tức mình chửi đổng, mất toi thời giờ một cách vô ích, chẳng việc gì mà cứ đứng đó gãi đầu, gãi tai như chàng ngốc nhà quê nữa. Song ví tôi còn một tấm copy nhỏ tôi sang lại từ bức ảnh cưới mà không cho vợ biết. Thôi thì copy cũng được.
Tôi đóng sập vali, khóa lại và vội bước ra hành lang. Trên đường, tôi vớ lấy bành tô, mũ và tắt hết đèn trong nhà.
Quẳng vali vào chiếc Chevrolet, đường phố cho đến tận cuối hàng cây vẫn tối tăm và vắng ngắt. Tôi cho xe lùi ra khỏi garage rồi đóng cửa lại. Tôi cứ nhắc đi nhắc lại trong bụng rằng phương sách duy nhất có thể được là tự nhiên tối đa trong mọi hành động. Nếu không, mưu đồ của tôi sẽ không tránh khỏi đổ bể.
Đêm hôm khuya khoắt nhưthế này thì việc xác minh xem có ai theo dõi không thật dễ ợt. Tất cả các xe của cảnh sát trong tỉnh đều mang một bảng số đặc biệt mà ở Carfaghen này ai ai cũng biết. Đến ngã cuối cùng trước khi tới đường Cleburn, tôi quẹo trái, đi về hướng tây cách trung tâm thành phố theo đường Taylor, sau đó, qua hai khối nhà nữa lại quẹo phải, theo đường Fulton để ra đường Cleburn vào đúng khu vực nơi có văn phòng của tôi. Hàng ngày tôi vẫn đi làm theo lộ trình như vậy.
Đưa xe vào bãi đậu nằm đối điện với văn phòng của tôi, tôi bước ra ngoài. Trước tiệm café Fuller có ba chiếc xe hơi nhưng không cái nào mang biển số cảnh sát. Tôi cắt ngang lòng đường và mở cửa vào văn phòng.
Tôi ngó quanh - ngoài đường không một bóng người. Kê sát gần cửa ra vào là một két sắt lớn, từ ngoài đường nhìn vào luôn luôn trông rõ. Tôi đến thẳng cái hộp sắt ấy, cố gắng không nhìn ra cửa sổ. Sau đó tôi quỳ xuống và xoay số trên dĩa khóa, cửa két mở ra. Mở tiếp cái tủ sắt nhỏ bên trong, tôi lôi từ đó ra một phong bì trắng. Trong phong bì có khoảng 18 ngàn đôla bằng giấy chuyển tiền 500 và 1000 đôla. Sau đó tôi khóa két, rút trong túi ra một điếu thuốc và ngồi xuống ghế châm lửa hút. Phần đầu kế hoạch của tôi như vậy là đã thành công.
Bên ngoài cửa sổ vẫn không một bóng người.
Khi tôi đánh chiếc Chevrolet lùi ra khỏi bãi để xe, thì từ góc đường Fulton nhô ra một chiếc xe cảnh sát và tiến về phía tôi. Máu trong người tôi như đông lại trong huyết quản. Nhưng trong xe chỉ có mỗi mình trung sĩ Cap Dits ở đội tuần đêm. Anh chàng chào tôi bằng một cái gật đầu rồi chạy xuôi theo đường Cleburn.
Hiểm họa thực sự duy nhất là Scanlon. Thôi được... Tôi chậm rãi cho xe chạy theo đường Cleburn và ngoặt lên quảng trường Montrous đi về phía nhà mình. Sau ngã tư thứ hai tôi lại rẽ và chạy dọc theo đường phố song song với đường Cleburn. Ở khu ngoại vi phía tây Carfaghen tôi đổ ra đường lộ và một lần nữa liếc nhìn vào kiếng chiếu hậu: không có ai hết. Tôi thở phào nhẹ nhõm, ngoặt ra đường lộ và nhấn ga. Khi chạy qua tấm biển "Carfaghen xin đón chào" kim đồng hồ tốc độ của chiếc Chevrolet dao động quanh con số 110 dặm/ giờ.
Mặt trời đã mọc, đồng hồ chỉ 6 giờ 20 khi tôi đưa xe vào bãi đậu xe ở sân bay New Orleans. Nhìn vào gương tôi thấy dưới mắt hiện rõ những quầng thâm lớn. Nhưng đầu óc thì vẫn tình táo. Nhét chiếc phong bì đựng giấy chuyển tiền vào vali, tôi khóa cửa xe và xách vali vào kho giữ đồ của sân bay. Ở restaurant tôi gọi một ly café, đổi một vài đôla ra tiền kẽm, xách vali đi về phía buồng điện thoại tự động.  Tôi để vali sao cho lúc nào cũng thấy được nó.
Quay điện thoại liên tỉnh, tôi nhờ cô điện thoại viên gọi giúp tôi Erny Sewell. Số điện thoại của anh ta tôi không rõ, nhưng tôi biết rằng anh ta ở đường Springer, ngoại vi Carfaghen, trong một căn nhà nhỏ kiểu Rancho mua trả góp. Vợ Erny làm việc ở tòa thị chính, trong bộ phận thuế vụ. Còn bản thân Erny, một anh chàng nghiêm túc và chịu khó, khoảng 24 tuổi, thì trước đây đã từng phụ trách quầy đồ dùng thể thao trong cửa hàng bách hóa của Jenings, sau đó mới sang làm cho Roberts.
- Ai đấy? - Một giọng ngái ngủ vang lên - A, ông Warren, tôi nghe nhầm chăng, hay quả thực cô điện thoại viên đã nói rằng ông gọi từ New Orleans?
- Đúng đấy. - Tôi xác nhận - Chúng tôi tới đây từ hôm qua. Xin lỗi đã gọi anh lúc dở dang thế này.
- Có gì đâu. ông có biốt không, suốt ngày hôm nay tôi cứ định gọi điện cho ông. Sau đó tôi nghĩ nên gặp ông thì hơn.
- Có chuyện gì thì cứ nói!
- Vâng... - Trong giọng nói của Erny thấy có vẻ rụt rè. - Chuyện cái cửa hàng ấy mà. Tôi không muốn tỏ ra hấp tấp không đúng lúc vì Roberts thậm chí còn chưa được chôn cất, nhưng vì các thiết bị lẫn hàng hóa trong kho bất kỳ lúc nào cũng có thể bị một tay chạy hàng ở đâu tới mua rẻ mất. Thế nên tôi mới nghĩ bụng vì ông là chủ nhà nên tất nhiên ông muốn có một cửa hàng hoạt động ở đó hơn là để trống. Tổi cũng dành dụm đưực vài ngàn. Hơn nữa, nếu ông chịu nói đỡ cho vài tiếng với nhà băng... thì tôi bắt tay vào việc ngay. Ồ, với cái cửa hàng ấy sẽ đem lại một món thu nhập không nhỏ đâu.
- Anh muốn nói rằng trước đây nó thu nhập còn ít chăng? Thế mà tôi tưởng Roberts làm an không đến nỗi nào chứ, không phải à?
- Có thể, nhưng không hẳn. Bề ngoài thì công việc trôi chảy lắm. Và nếu cứ theo sổ sách thu chi thì quả tình Roberts thu được món lãi kha khá. Nhưng tôi không muốn nói dối chỉ để lừa lọc giành sự giúp đỡ của ông trong việc vay tiền nhà băng. Số là việc kinh doanh được thực hiện với một nhịp độ không đáng kể đến nỗi tiền lãi thu được chỉ vừa đủ trả tiền thuê nhà và trả lương cho tôi. Vậy mà triển vọng của nó lại rất thuận lợi! Nói cách khác, Roberts không hề quan tâm gì đến tiền đồ của cửa hàng. Và cũng không cho phép tôi thể hiện một chút sáng kiến nào. Trong kho của ông ta không bao giờ có hàng hóa đúng theo mùa, ông ta một mực không chịu đặt hàng và chỉ chịu làm việc đó khi bị sức ép mạnh mẽ của khách hàng mà thôi. Cuối cùng đến mức khách hàng phải bỏ chúng tôi mà sang với Jenings. Còn thế này nữa, Roberts không muốn nghe nói tới việc quảng cáo. Dù cố gắng đến mức nào đi nữa tôi vẫn không thể làm cho Roberts hiểu được một chân lý đơn giản và đã được kiểm chứng: Quảng cáo là động lực của thương mại.
Tôi nhớ tới khẩu Carabin đắt tiền của Roberts, 1.000 đôla tiền hội phí để gia nhập câu lạc bộ săn vịt, chiếc xe đua mốt mới nhất của anh ta.
- Tôi hiểu, Erny. Nhưng, vậy thì làm sao anh ta xoay sở được?
- Chính tôi cùng lấy làm lạ, thưa ông Warren. Nhưng tôi hoàn toàn chẳng hiểu gì hết. Roberts không bao giờ gặp khó khăn trong việc thanh toán, còn trong nhà băng thì trương mục của ông ta có những con số rất lớn. Kỳ thật đấy! Tôi chỉ biết một điều: nếu có ai chịu bắt tay vào làm ăn cho ra trò thì cái cửa hàng đồ dùng thể thao này sẽ làm cho nhà Jenings phá sản trong vòng hai ba tháng. Họ chẳng có ai hiểu biết tí gì về các kiểu súng săn và đồ dùng đánh cá cả.
- Vâng, vâng, tôi hiểu... Có nghĩa là anh cho rằng Roberts đã làm giả sổ sách kế toán hoặc có một nguồn thu nhập nào khác?
- Ồ, tôi không biết ông ta có bịp bợm gì trong sổ sách không, nhưng số tiền ông ta gửi vào nhà băng thì lớn hơn số tiền ông ta thu được trong việc bán đồ dùng thể thao rất nhiều...
- Tôi sẽ giúp anh vay tiền ở nhà băng, Erny ạ. Còn về người thân của Roberts thì thế nào? Đã có ai đến chưa?
- Vâng. Ông Scanlon cùng với tôi tối hôm qua đã đi xem xét cửa hàng và chúng tôi đã tìm thấy hai bức thư của anh trai ông Roberts, có ghi địa chỉ người gửi. Ông ấy ở Texas, thành phố Houston. Scanlon đã gửi cho ông ta một bức điện và hai giờ sau đã nhận được điện trả lời: ông anh yêu cầu chuyển thi hài em mình về Houston, nơi nhà Roberts có khu đất riêng trong nghĩa địa. Nhưng lúc này ông ấy không thể đến lấy đồ dùng riêng của Roberts cũng như trông coi cửa hàng được.
- Vậy anh có nhớ địa chỉ của ông ta không?
- Rat tiếc là không. Tôi chỉ nhớ ông ta tên là Clinton. Clinton Roberts.
- Chắc hôm nay cửa hàng đóng cửa?
- Vâng, tất nhiên rồi. Ông Scanlon nói rằng tốt nhất nên để như vậy cho tới khi ông Clinton Roberts đến. Tôi đã giao chìa khóa cho ông ta... Tức là cho Scanlon ấy.
- Tôi hiểu. À, Erny này, còn một chuyện nữa. Anh có biết tên những cô gái vẫn đi lại với Roberts không?
Dĩ nhiên lúc này Erny đang phát điên vì tò mò đây, nhưng anh ta vẫn đủ nhẫn nại không để lộ ra.
- Quả thật Roberts thì lắm bồ lắm! Ông chủ tôi quan tâm đám con gái hơn công việc của cửa hàng nhiều! Tôi đã thấy ông ta đi chơi vài bận với Carol Holiday và cô Ryan thư ký của ông đấy. Rồi Mage Carson và... à cả Doris Bently và Prentes. Còn nhiều cô khác nữa, dĩ nhiên. Có điều bây giờ tôi nhớ không hết.
"Doris... Doris Bently - thảo nào tôi nghe giọng nói quen quen! Trước đây cô ta làm việc cho France. Doris thường cầm máy mỗi khi tôi gọi điện cho cô vợ tương lai".
- Cám ơn, Erny! - Tôi mừng quá - Anh khỏi lo về khoản tiền nhé!
Lẫn vào đám hành khách máy bay, tôi lên xe buýt đi về trung tâm thành phố. Ngay ở trạm đầu tiên tôi xuống xe và gọi taxi bảo đưa tôi đến một khách sạn rẻ tiền gần trung tâm thành phố. Ở đó tôi đăng ký với tên James Vivers từ Oklahoma tới.
Căn phòng người ta dành cho tôi nằm trên lầu hai cửa sổ trông ra một ngõ hẻm chất đầy thùng rác và các hòm rỗng. Tôi yêu cầu đánh thức tôi lúc 9 giờ rưỡi. Sau đó, tôi cởi quần áo và lên giường nằm.
Nhưng ngủ quái thế nào được! Đành phải dậy cạo mặt, tắm rửa,... Tôi ngồi đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác chờ cho đến 9 giờ và sắp xếp lại những ý nghĩ trong đầu. Để dựng được một bức tranh hoàn chỉnh và mạch lạc thì ở nét bút cuối cùng chỉ còn thiếu chút xíu nữa trong những gì mà tôi cho rằng đã nắm bắt được. 10 giờ kém 15 tôi lấy phong bì đựng giấy chuyển tiền trong vali ra và đi vào trung tâm thành phố, và ở một ngân hàng tôi yêu cầu đổi chúng ra đôla. Ở đây người ta quen tôi và chỉ hỏi một cách nhã nhặn: "Ngài muốn lấy loại séc nào?". Khi biết rằng tôi muốn lấy tiền mặt thì họ chỉ nhìn tôi ngạc nhiên - các nhà kinh doanh nghiêm chỉnh đâu có lôi theo bị đựng tiền kè kè bên mình! Nhưng họ cũng chẳng đòi hỏi gì hết. Mỗi người có quyền điên theo cách của mình. Tất nhiên tôi cố gắng bịa ra một lý do nào đó như một hợp đồng đột xuất cần tới tiền mặt... Nhét tiền đầy các túi, tôi nhảy ra đường. Đồng hồ chỉ 10 giờ 10. Thời gian eo hẹp quá, phải vội mới được.
Thông thường tôi ăn sáng ở tiệm Fuller, thậm chí sau khi lấy France - cô nàng không bao giờ dậy trước 10 giờ. 9 giờ 15 tôi đến văn phòng. Malholand ăn sáng ở tiệm Fuller ít nhất là sáu lần trong một tuần và cũng vào khoảng thời gian như vậy. Thậm chí nếu cho rằng hôm nay tay phụ tá của Cảnh sát trưởng không đến ăn sáng thì thế nào hắn cũng hỏi xem có ai thấy tôi đến ăn ở tiệm Fuller không? Scanlon tất nhiên đã biết rằng trong thành phố không ai trông thấy tôi cả. Ông ta sẽ gọi đến văn phòng tôi, sau đó tìm tới nhà tôi rồi sẽ làm cho Sở Cảnh sát chìm ngập trong một biển những lời chửi rủa. Sau đó ông ta sẽ phái vài tay cảnh sát đến đường Cleburn để xem xe tôi có còn trong garage không. Sau khi thấy rằng nó không còn đó mà chỉ có chiếc Mercedes của France, mấy tay cảnh sát sẽ gọi cửa một lúc, sau đó họ phá cửa... Một giờ sau tất cả các đồn cảnh sát Hoa Kỳ từ Mexico tới Canada sẽ có đầy đủ đặc điểm nhận dạng của tôi và của chiếc Chevrolet. Một khi sự kiện ban đêm được thông báo ở Carfaghen thì Erny sẽ gọi điện cho Scanlon và báo rằng tôi đang ở New Orleans. Thậm chí nếu điều đó không xảy ra thì tới trưa, Scanlon, do đã rõ tôi gửi tiền ở nhà băng nào, sẽ được biết về việc đổi tiền và cảnh sát New Orleans phát hiện ở bãi để xe trong sân bay chiếc Chevrolet bị bỏ lại. Tôi còn có từ bốn đến năm tiếng đồng hồ nữa.
Tôi vào buồng điện thoại và hối hả lật những trang giấy đã ngả màu vàng trong cuốn danh bạ điện thoại.
Hãng bảo hiểm... Hãng hàng không... Hãng thám tử tư...
*

Lewis Norman, người đứng đầu hãng thám tử tư, Norman là một người có khuôn mặt xương xương vẻ trí thức, dáng điệu của ông làm người ta tin cậy. Ông ta có cái nhìn chăm chú và như thể kêu gọi người ta thổ lộ tất cả các bí mật mà họ biết. Ngả người trên ghế bành Norman trầm ngâm cầm cây bút đắt tiền và hỏi:
- Tôi có thể giúp ích gì cho ông, thưa ông?
- Warren. - Tôi chìa cho viên thám tử tấm danh thiếp của mình. - John Warren, Carfaghen, Alabama. Trước hết xin ông cho biết ông có đủ người để làm một việc rất gấp hay không? Hơn nữa xin ông lưu ý cho là họ phải chạy nhiều đấy.
- Có ba người, chưa kể tôi - Norman trả lời, không hỏi lôi thôi gì thêm. - Ngoài ra tôi còn có thể lấy được hai người nữa nếu cần. Nhưng một công việc như thế này, thưa ông ờ... ờ. Warren, đặc biệt như mất thời gian, thì cũng khá tốn kém đấy.
Điều đó tôi đã biết - Rút ra mười tờ 1.000 đôla, tôi xòe trước mặt Norman và đặt xuống bàn. - cần bao nhiêu người thì ông sẽ rõ hơn tôi. Nếu còn chưa đủ xin ông cứ nói. Tôi cần một số tin tức và cần ngay.
Rút trong ví ra tấm hình France, tôi đặt nó bên cạnh xấp tiền.
- Đây là vợ tôi. Cô ta đã ở New Orleans từ 30 tháng chạp cho tới ngày hôm qua. Tôi cần biết cô ta đã đi những đâu, gặp ai …
- Ông nói đến ngày hôm qua à? Nghĩa là bà nhà không còn ở đây nữa?
- Đúng vậy.
- Vâng, việc này không dễ đâu. - Norman nhăn nhó nói. - Nếu như vợ ông còn trong thành phố... Theo dõi ai đó là một chuyện, còn theo dấu vết đã mờ lại là chuyện khác.
- Nếu việc đó đơn giản và dễ dàng thì đã chẳng phải nhờ đến ông, đúng thế chứ? Vậy các ông có nhận không?
- Tấm hình này đã chụp lâu chưa?
- Cách đây 18 tháng. Trong này cô ta rất giống.
- Vậy thì còn đỡ. Nhưng kết quả dĩ nhiên còn phụ thuộc vào những tin tức khởi điểm mà ông có thể cho chúng tôi hay.
Norman với tay kéo cuốn sổ ghi và mở nắp bút máy.
- Họ và tên - tôi bắt đầu. France Warren. Họ thời con gái là Kinnan. 27 tuổi, cao -1,70 m, nặng gần 55 kilô, tóc đen, mắt màu xanh xám. Luôn luôn chải chuốt, ăn mặc đúng mốt. Thậm chí ban ngày cũng ưa mặc đồ màu xám. Lúc đến New Orleans có mặc một chiếc măng tô lông, lúc về thì không còn nữa. Và cùng với nó là 7.000 đôla. Cô ấy dùng một chiếc Mercedes Benz 220, xanh da trời sẫm, đệm ngồi màu nước biển, bảng đăng ký bang Alabama. Nhưng rất có thể cô ta không sử dụng đến nó trong thành phố vì không thích lái xe trên đường phố đông người. Theo tôi cô ta dùngtaxi bởi vì không gì có thể bắt cô ấy đi xe buýt, còn đi bộ chỉ trong những trường hợp hạn hữu, có thể nói là không bao giờ đi bộ. Bất kỳ một tài xế taxi nào cũng chắc chắn sẽ nhớ mặt cô ta. Thứ nhất là vì có cặp giò đẹp, thứ hai là vì những người chi li quá mức về khoản hoa hồng như vậy họ chẳng quên nổi đâu. Bà Warren ở lại Devaur Hotel và rời khỏi đó hôm qua, lúc gần 7 giờ tối. Mục đích tới New Orleans - xem trận chung kết bóng chày cùng với bạn bè chúng tôi ở đây, là vợ chồng Dikinson, ở ngõ Stillwell, 2770. Cùng với bà Dikinson, cô ấy muốn đi xem một vài buổi hòa nhạc, dự vài buổi cocktail. Vợ tôi có gặp gia đình Dikinson không thì tôi không biết. Nếu như các ông tìm hiểu từ phía này tới thì xin đừng nhắc tên tôi. Một điều chắc chắn là cô ta có ở lại Devaur Hotel, tôi đã nói chuyện điện thoại với cô ta tối hôm mùng 2 và mùng 3 tháng giêng cũng buổi tối.
Norman ngắt lời tôi:
- Bà nhà gọi hay ông gọi?
- Tôi gọi. Cô ta thực sự có ở khách sạn.
- Tại sao ông lại bắt đầu nghi ngờ bà nhà?
Đành phải kể cho ông ta về việc vợ tôi gọi điện thoại từ trạm tự động bên ngoài, khi France cố làm cho tôi nghĩ là cô ta gọi từ khách sạn.
- Và còn tiền nong nữa. Không ai đủ sức đốt trong một tuần hết 7 ngàn đôla để đi xem một trận bóng chày và vài buổi hòa nhạc. Cho dù mua sắm đi nữa. Đây không phải là Paris. Và cuối cùng cái áo măng tô bỗng biến đi đằng nào?
- Ông đã đăng ký bảo hiểm nó chưa?
- Đã.
- Có thể bà nhà bị mất cắp. Hoặc bà ấy làm mất nhưng không dám cho ông hay. Nhưng xét về số tiền mà bà nhà đã tiêu ở thành phố chúng tôi thì tôi nghĩ rằng nó đã bị bán hoặc đem cầm. Tôi sẽ giao nhiệm vụ cho người của tôi đi kiểm tra tất cả các hiệu cầm đồ và đồ cũ, cũng như sẽ hỏi các thông báo rao vặt. Nhưng làm sao bà nhà có được 7 ngàn đôla? Vốn riêng của bà ta, theo tôi, không thể có số tiền đó, đúng vậy chứ?
Đành phải giải thích rằng France đã bán các cổ phần của mình và nói tên người thủ quỹ.
- Có nghĩa là tiền riêng của bà ấy? - Norman hỏi lại.
- Và ông muốn biết về chúng?
- Không phải tiền. Tôi muốn biết cô ta đã tiêu chúng vào đâu?
- Ông nghĩ rằng bà ấy có một người đàn ông khác?
- Cái đó đã hẳn. Không thể giải thích khác được tại sao cô ta lại giấu tôi cô ta đang ở đâu với ai! Tất nhiên cái món tiền tròn trĩnh ấy đã được giao vào bàn tay ai đó, âu yếm nhưng đã bấu được rồi thì có sét đánh cũng không chịu buông!
- Tôi sẽ nói với ông như một nhà chuyên môn. - Norman báo trước - bởi vậy xin ông đừng giận. Nếu như tin được tấm hình thì vợ ông chẳng việc gì phải mua nhân tình. Bởi thế, số tiền ấy đã được tiêu cho một cái gì đó khác kia. Thế ông có cho rằng bà ta đã gặp phải một vấp váp nghiêm trọng gì đó trong cuộc sống hay không? Một chuyện gì đó sinh ra cái cớ để săngta? (tống tiền)
- Không. Về điểm này tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì. Cô ấy chẳng còn là một con bé chanh cốm vớ vẩn đâu. Trước khi chúng tôi lấy nhau, cô ta đã là chủ một cửa hàng kha khá ở Carfaghen. Còn trước đó nữa, cô ấy cũng đã có một cửa hàng như vậy ở Miami.
- Bà nhà có bà con gì ở Carfaghen không?
- Không.
- Bạn bè? Tôi muốn nói là trước khi chuyển đến Carfaghen ấy.
- Không.
- Hừm... Thế bà nhà có bao giờ nói tại sao bà ấy lại phải xếp dọn công chuyện làm ăn ở Miami phồn vinh và mở lại nó ở một thành phố tỉnh lẻ, nơi mà bà ta thậm chí chẳng quen ai nữa không?
- Dĩ nhiên. Đó là vì chuyện ly hôn. Vợ tôi và người chồng trước của cô ta làm chủ một cửa hàng, lúc li dị họ bán nó đi và chia đôi số tiền đó.
Tôi kể lại cho tay thám tử nghe France quyết định đi dọc bờ biển thế nào, dừng lại nghỉ đêm ở Carfaghen thế nào và những triển vọng và khả năng ở Carfaghen đã lôi cuốn cô ta ra sao.
- Rõ rồi. - Norman gật đầu.
Tuy nhiên tôi thấy lời giải thích của tôi không làm ông ta thỏa mãn. Mà của đáng tội, cả tôi nữa cũng không tin lắm.
- Làm thế nào để liên lạc với ông ở New Orleans?
- Chẳng thế nào cả. Tôi chỉ ở đây có một ngày, thậm chí còn không thuê buồng ở khách sạn. Trưa nay tôi sẽ gọi điện thoại đến. Còn tiếp theo ông cứ gọi thẳng về vãn phòng của tôi ở Carfaghen. Nếu như tôi đi vắng thì tất cả mọi tin tức ông có thể báo cho thư ký của tôi là cô Barbara Ryan.
- Chúng tôi không muốn báo những tin tức có tính chất bí mật cho một người thứ ba - ông thám tử lắc đầu.
- Xin ông cứ coi là đã được chính tôi cho phép.
- Cần phải viết ra giấy, thưa ông! Ngoài ra làm thế nào để biết được tôi đang nói chuyện với ai? Bất kỳ người dàn bà nào ở đầu dây bên kia đều có thể nhận mình là Barbara Ryan, thư ký của ông được.
- Dĩ nhiên. Nhưng có thể phải thỏa thuận với nhau một mật khẩu hay mật mã gì đó chứ?
- Được. - Norman đồng ý và viết vài chữ vào cuốn sổ tay. Ký hiệu vụ này là B-511- Ông hãy lấy đó làm mật mã.
- Cám ơn.
Ngay tại đó, trên tấm giấy in sẵn tôi viết rằng cho phép hãng Norman thông báo tất cả các tin tức cho người thứ ba nếu người đó biết số hiệu B-511, rồi ký tên. Trong lúc ấy ông ta đã sử dụng điện thoại tối đa để ra các chỉ thị cần thiết cho người của mình trong việc tìm kiếm dấu vết của France ở New Orleans.
Từ biệt Norman, tôi ghé vào nhà băng gần nhất, đổi 20 đôla thành những đồng 25 và 10 cent bằng tiền kẽm rồi kêu taxi đến văn phòng công ty điện thoại thành phố. Tại đây sau khi hỏi mượn cuốn danh bạ điện thoại của Houston và Miami tôi xem lướt các hãng thám tử tư ở đó. Tất nhiên có thể giao toàn bộ sự vụ cho một cơ sở do thám tư nhân lớn nào đó, hoạt động trên qui mô toàn quốc, nhưng tôi nghĩ là nên tiến hành mỗi cuộc điều tra bằng chính lực lượng sở tại một cách riêng rẽ thì hay hơn.
Ở Miami tôi chọn hãng "Crossby Investigation", còn ở Houston thì tôi chấm một anh chàng Howard Keit nào đó.
Trước hết, tôi gọi điện thoại cho Miami và yêu cầu cho nói chuyện với ông Crossby. Sau khi đã giới thiệu tên họ và nghề nghiệp, tôi hỏi:
- Các ông có thể nhận một việc cần đến sự tham gia của hai người, được không?
- Được, thưa ông. - Ông ta trả lời ngắn gọn.
- Vậy thì tốt. Nửa giờ nữa tôi sẽ gửi theo đường máy bay một tấm séc mang tên ông. Tiền đặt trước 200 đôla, đủ chưa?
- Đủ, thưa ông Warren. Ông muốn biết gì?
- Các tin tức có tính chất riêng tư của một trong số những nữ nhân viên của tôi, trước đây đã từng sống ở Miami.
Tôi nói tên họ thời con gái của France và tất cả những đặc điểm cần thiết về ngoại hình cùng với những điều tương tự.
... Sinh năm 1937 tại Orlando và tốt nghiệp trung học tại đó. Sau theo học hai năm tại College Miami. Ít ra thì cô ta cũng ghi trong lý lịch của mình như vậy. Năm 1953 bắt đầu làm nghề bán hàng tại quầy quần áo may sẵn trong cửa hàng của Burden, sau đó thành người phụ trách phòng quảng cáo. Năm 1955 lấy một người tên là Leon Doupré, hình như phó giám đốc cửa hàng quần áo may sẵn Lerner, nếu tôi không nhầm. Ít lâu sau họ tự mình mở một cửa hàng ở đường Flagler. Năm 1958 ly dị. “Tôi cho rằng như vậy là đủ để bắt tay vào việc thu nhập tin tức tỉ mỉ hơn và chủ yếu là chính xác hơn. Trước hết tôi cần biết cô ta có gặp chuyện gì không hay không? Cô ta đã được phép chính thức cho li dị chưa? Và hiện nay anh chồng Doupré đó đang ở đâu? Cuối cùng nếu có thể, rà lại xem đã có lúc nào cô ta quan hệ gần gũi với một người đàn ông tên là Dan Roberts không? - Tôi kết luận sau khi đã mô tả lại nhận dạng của Roberts. - ông có nhận làm việc này không?
- Theo các tin tức khởi điểm như vậy, thưa ông, thì nhiệm vụ không khó khăn gì. Chúng tôi có bao nhiêu thời gian và làm thế nào để báo tin và gửi hóa đơn thanh toán cho ông được? Bằng thư?
- Không. Hãy đánh điện tín cho tôi về văn phòng ở Carfaghen. Vào 7 giờ chiều mai hoặc muộn hơn một chút.
- Xin ông hãy yên tâm, chúng tôi sẽ hoàn thành mọi việc một cách tốt nhất.
Tôi bỏ máy, sau đó lại quay số điện thoại liên tỉnh và xin nói chuyện với Houston. Nhưng Keit đang bận, phải chờ mất mấy phút. Cuối cùng, sau khi đã báo cho Keit họ tên và địa chỉ, tôi thỏa thuận với anh ta về cách trả tiền theo những điều kiện như đối với Crossby - yêu cầu thu lượm tài liệu về Roberts.
- Tôi không rõ ở đó anh sống chỗ nào... Nhưng anh ta có một người anh hiện đang cư ngụ tại thành phố của các ông, tên là Clinton Roberts. Cái tên đó có lẽ có trong danh bạ điện thoại.
- Được rồi. - Keit trả lời bằng một giọng trầm khàn đặc khói thuốc. - Mà ông muốn biết những gì?
- Đã làm việc ở đâu? Có lôi thôi gì với cảnh sát không? Tại sao rời bỏ Houston? Có kẻ thù không? Có lúc nào sống ở Florida không, dù là ngắn ngày? Điện cho tôi tới văn phòng ở Carfaghen không muộn hơn trưa mai, tất nhiên nếu như ông đủ sức. Ông không phản đối chứ?
- Không. Chúng tôi sẽ bắt tay vào việc luôn từ bây giờ.
Bỏ ống nghe, tôi ra khỏi buồng điện thoại và lại đến một nhà băng nữa, nhà băng thứ ba. Ở đó tôi ghi hai tờ séc, mua hai phong bì thư chuyển máy bay, dán lên đó thật nhiều tem và đóng dấu "khẩn". Bỏ các tấm séc vào, các phong bì, ghi địa chỉ của Crossby và Keit rồi bỏ vào thùng thư. Sau đó tôi kêu taxi ra chợ bán xe hơi đang bị cảnh sát thu giữ. Không lựa chọn lâu la, tôi chấm ngay một chiếc "Oldsmobil" đã cũ nhưng còn chắc chắn, làm giấy tờ mang tên Oliver Twist ở New Orleans, trả tiền và đánh xe ra một trong những bãi để xe ở trung tâm thành phố, cách khách sạn không xa. Tôi gọi taxi về khách sạn, thanh toán xong xuôi ở đó, tôi xách vali ra đường rồi vác nó theo đi trên vỉa hè đông đúc vào giờ ăn trưa, ra bãi để chiếc xe Oldsmobil rồi bỏ vali lên giá hành lý.
Đồng hồ đã chỉ 2 giờ 15, còn ở lại New Orleans sẽ rất nguy hiểm. Bất cứ lúc nào các đội tuần tra tăng cường của cảnh sát đều có thể xuất hiện tại các bãi để xe hơi, xe buýt, taxi, ở các sân bay và các nhà ga, lưới bẫy sẽ sập xuống và không chừng tôi lại kẹt trong đó. Gần như chạy, tôi lao về phía trạm điện thoại và gọi Norman.

Chương trước Chương sau