Dao kề gáy - Chương 18

Dao kề gáy - Chương 18

Người cầu hôn

Ngày đăng
Tổng cộng 31 hồi
Đánh giá 8.9/10 với 43805 lượt xem

Tôi không có ý định kể chi tiết việc Tòa án tiến hành dự thẩm về cái chết của Huân tước Edgware và cô Carlotta Adams. “Chết do ngẫu nhiên”: đó là kết luận của các thẩm phán về cái chết thứ hai. Việc dự thẩm về cái chết thứ nhất được hoãn đến sau khi tiến hành thẩm tra về nhân thân và khám nghiệm tử thi. Khám nghiệm các phủ tạng cho thấy nạn nhân từ trần từ một đến hai tiếng đồng hồ sau khi ăn tối, tức là trong khoảng thời gian từ mười đến mười một giờ, nhưng có lẽ gần với thời điểm mười giờ hơn.
Người ta giữ bí mật về việc Jane Wilkinson và Carlotta Adams đóng thay cho nhau. Báo chí công bố tin gã quản gia của Huân tước Edgware bỏ trốn và mọi người đều nghi gã là hung thủ. Người ta quy tội cho gã là bịa ra tất cả những chi tiết về việc bà vợ ông Huân tước đến tòa biệt thự mà không nhắc gì đến lời khai của cô thư ký Carroll. Trên tất cả các báo, những chi tiết về vụ án mạng chiếm nhiều cột báo nhưng lại không cung cấp cho độc giả được thông tin nào đáng kể.
Trong thời gian đó, thanh tra Japp lồng lộn lên, và thái độ biếng nhác của Poirot làm tôi rất bực. Tôi đã nghĩ anh bạn tôi già mất rồi và tôi thấy cần kích anh lên.
- Anh bạn ơi, thanh tra Japp đang làm tất cả mọi việc đấy.
- Thế thì tôi mừng.
- Tôi lại không lạc quan được như anh. Tôi thấy anh cần động đậy chân tay đi chứ!
- Tôi đang làm việc đấy thôi.
- Làm cái gì, Poirot?
- Tôi chờ.
- Chờ cái gì?
- Chờ con chó săn ngoạm con thú về cho tôi.
- Anh nói thế nghĩa là sao, Poirot?
- Tôi muốn nói đến ông Japp. Ông ta có những phương tiện tôi không có. Thế nào ông ta cũng sẽ đến đây báo cho hai chúng ta biết những khám phá mới của ông ta.
Thanh tra Japp quả là năng nổ, ông ta tiếp tục điều tra. Ông ta đã sang Paris và hai ngày sau ông ta đến gặp hai chúng tôi. Vẻ mặt mãn nguyện :
- Cuộc điều tra đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn. Nhưng nó đã tiến triển tốt.
- Chúc mừng ông bạn!
- Đúng thế. Tôi phát hiện ra là buổi tối hôm xảy ra án mạng, khoảng chín giờ, một phụ nữ tóc vàng đã gửi một chiếc va-li nhỏ vào chỗ gửi đồ của nhà ga Euston. Chúng tôi đưa chiếc va-li nhỏ của Carlotta Adams cho viên thừa lại xem và ông ta đã xác nhận.
- Euston! À phải rồi... Ga quan trọng nằm gần tòa biệt thự của Huân tước Edgware. Chắc cô ta vào đó để hóa trang trong nhà vệ sinh, rồi gửi lại va-li đồ hóa trang tại nhà ga. Đến lúc nào thì chiếc va-li ấy được lấy ra?
- Mười giờ rưỡi do chính người gửi.
Poirot gật đầu công nhận. Thanh tra Japp tiếp tục nói :
- Một khám phá nữa càng củng cố thêm giả thuyết của tôi về Carlotta Adams là hung thủ, là cô ta có mặt ở Lyons Corner, trong khu vực Strand, vào mười một giờ.
- Chà điều này đáng chú ý đấy! Nhưng làm sao ông biết?
- “Thú thật cũng tình cờ thôi. Như ông biết đấy, báo chí đã nói đến chiếc hộp nhỏ bằng vàng trên nắp có hai chữ viết tắt nạm bằng hồng ngọc. Một phóng viên đã dùng cái chi tiết ấy vào một bài báo nói về việc sử dụng ma túy trong giới nghệ sĩ sân khấu. Bài báo này đảng trong báo Phụ Nữ số Chủ Nhật. Khi nhắc đến chiếc hộp nhỏ bằng vàng, anh chàng nhà báo đã phác họa chân dung bi thảm về cô gái trẻ đang có triển vọng thành một nghệ sĩ lớn. Tác giả đặt câu hỏi cô gái ấy đã ở đâu trong buổi tôi cuối cùng và phải chăng nỗi tuyệt vọng đã đẩy cô đến hành vi tự kết liễu đời mình.
Thế là một trong những cô hầu bàn ở nhà hàng Lyons, khi đọc bài báo đó, đã nhớ lại là vào buổi tối hôm đó có thấy một khách hàng phụ nữ cầm trong tay chiếc hộp nhỏ đúng như thế, thậm chí cô hầu bàn ấy còn nhớ đã nhìn thấy cả hai chữ “C.A.” Mừng rỡ, cô này đem kể cho tất cả bè bạn nghe...
Một nhà báo trẻ đã phỏng vấn cô hầu bàn kia và trong số báo Tiếng kêu buổi tối số sắp tới, hai ông sẽ được đọc một bài báo vô cùng bi thảm: Những giờ phút cuối cùng của một nữ nghệ sĩ trẻ. - Sự chờ đợi lo âu... một chàng trai đã không đến chỗ hẹn. - Linh cảm của cô hầu bàn đã giúp cô thấy được nỗi đau khổ của một người phụ nữ... Ông biết cái thứ văn chương ngu xuẩn ấy chứ, ông Poirot?”
- Thế rồi sao?
- Chẳng là chúng tôi có quan hệ rất tốt với tòa soạn báo Tiếng kêu buổi tối nên họ cho chúng tôi biết tin tức ấy họ lấy ở đâu, bởi vì sau đấy họ lại đã chuyển sang một vụ khác. Tôi phóng đến tận Lyons, gặp cô hầu bàn... và thấy câu chuyện cô ta kế hoàn toàn thật. Tôi đưa ra một số tấm ảnh, trong đó có ảnh Carlotta Adams. Tuy cô ta không chỉ ra đúng tấm ảnh, nhưng cô ta nhớ rất kỹ những đặc điểm của cô nữ nghệ sĩ kia: tóc đen, mắt đen, trẻ, dáng người thon đẹp và ăn mặc hết sức lịch sự, đội một cái mũ rất mốt. Phụ nữ quan tâm nhìn mũ mà ít quan tâm nhìn khuôn mặt.
Poirot nhận xét :
- Khuôn mặt của Carlotta Adams rất khó nhớ, vì các nét trên đó vô cùng linh hoạt, liên tục biến đổi.
- “Ông nói đúng. Theo lời cô hầu bàn thì người khách hàng phụ nữ kia xách một chiếc va li nhỏ. Cô hầu bàn chú ý vì chưa bao giờ thấy một phụ nữ ăn mặc diện đến thế lại xách chiếc va li nhỏ. Người khách hàng phụ nữ đó lấy mấy món ăn nhẹ, và như thể đang chờ ai, cô ta luôn nhìn đồng hồ. Khi đưa hóa đơn tính tiền, cô hầu bàn nhìn thấy chiếc hộp nhỏ bằng vàng. Người khách hàng phụ nữ lấy chiếc hộp nhỏ đó trong xắc tay ra, đặt lên bàn, rồi mở nắp, sau lại đóng vào. Cô hầu bàn rất thích chiếc hộp nhỏ bằng vàng đó và ao ước có một chiếc như thế.
Người khách hàng phụ nữ - theo cách miêu tả thì rất giống Carlotta Adams, sau khi trả tiền còn nán lại một lúc. Mãi khi xem đồng hồ lần cuối cùng mới đi”.
Poirot cau mày, lẩm bẩm :
- Đấy là một cuộc hò hẹn... với một người, nhưng người này không đến. Sau đấy Carlotta Adams có gặp người đó không? Hay về nhà và gọi điện thoại cho người kia? Tôi rất muốn biết điều đó!
- Vậy là ông vẫn khư khư giữ cái giả thuyết rằng có một người đã đẩy Carlotta Adams đến chỗ gây án? Cái giả thuyết ấy không thể đứng vững. Chúng ta biết những gì đã xảy ra. Carlotta Adams nổi cơn thịnh nộ, không ghìm được đã giết chết Huân tước Edgware. Nhưng liền sau đấy cô ta trấn tĩnh lại được, đi đến ga Euston, lấy lại chiếc va li nhỏ rồi đến chỗ đã hẹn với một người nào đó. Vào đúng lúc ấy, diễn ra cái gọi là “phản tỉnh”. Nhớ lại hành động vừa rồi, cô ta hoảng sợ... Thêm vào đó, người hẹn gặp lại không đến, thế là cô ta hoàn toàn mất thăng bằng. Chắc chắn người bạn kia biết tối hôm đó Carlotta Adams có đến biệt thự của Huân tước Edgware trên đại lộ Regent Gate. Tin rằng tội ác của mình chắc chắn sẽ bị khám phá, cô ta tuyệt vọng. Nhìn chiếc hộp nhỏ bằng vàng cô thầm nghĩ chỉ dùng một liều thật mạnh, thế là xong. Theo tôi, câu chuyện diễn biến đúng như thế. Điều đó rõ ràng như cái mũi nằm giữa khuôn mặt vậy.
Poirot đưa tay lên sờ mũi.
Thanh tra Japp vẫn huyên thuyên :
- Tôi không hề thấy dấu vết “người thủ mưu nấp trong hậu trường” của ông, Poirot ạ. Hiện tôi chưa biết được mối quan hệ giữa Carlotta Adams với Huân tước Edgware, nhưng rồi tôi sẽ biết... Chỉ là vấn đề thời gian. Chuyến đi Paris của tôi không đạt được kết quả nào... nhưng tôi đã để lại đó hai trinh sát và tôi hy vọng họ sẽ tìm ra điều gì đó. Tất nhiên ông không tin, nhưng xin ông cho phép tôi nói với ông rằng, đầu ông là đầu con lừa! Thôi, tôi đi đây... ông có hạ lệnh gì cho tôi không, ông Poirot kính mến?
- Tôi không có lệnh nào cho ông, nhưng tôi có một gợi ý với ông...
- Gợi ý thế nào?
- Tôi muốn ông tìm chiếc xe taxi đã chở một hoặc hai người từ một địa điểm gần phố Covent Garden để đến đại lộ Regent Gate vào cái đêm xảy ra vụ án... vào khoảng mười một giờ kém hai mươi phút.
Mắt viên thanh tra cảnh sát bỗng sáng lên.
- Được! Đôi khi ông có những ý tưởng rất hay đấy.
Thanh tra Japp vừa ra khỏi nhà, Poirot đã đứng lên lấy bàn chải chải mũ rất mạnh.
- Hastings, đừng hỏi tôi gì hết.
Tôi nói :
- Ta đến đó vô ích! Tôi đã đoán được anh đang nghĩ gì rồi. Anh có tin là như thế thật không?
- Anh bạn ạ, cho tôi được góp ý với anh một câu: tôi rất không thích cái cà vạt của anh đang đeo.
- Cà vạt đẹp đấy chứ!
- Tôi đề nghị anh thay cái khác. Và hãy chải cái áo vét của anh đi.
- Anh đến yết kiến vua George hay sao?
- Không. Nhưng sáng nay tôi đọc báo thấy Công tước Merton đã về London. Tôi muốn đến yết kiến ông ấy.
- Để làm gì?
- Tôi muốn làm quen với nhà đại quý tộc đó.
Tôi chỉ moi được ở anh bạn có bấy nhiêu thôi.
Tại biệt thự Công tước Merton, một người hầu ra
hỏi chúng tôi có được hẹn trước không. Poirot trả lời không. Người hầu đỡ tấm danh thiếp đi vào nhà, lát sau ra nói, ngài Công tước rất tiếc là đang bận không tiếp hai chúng tôi được. Poirot ngồi ngay xuống một chiếc ghế gần đấy.
- Thôi được, tôi ngồi đây chờ cho đến lúc nào ngài rảnh. Dù phải chờ vài tiếng đồng hồ cũng không sao.
Hoàn toàn không cần đến mấy tiếng. Bởi cách tốt nhất để tống cổ một vị khách mình không muốn tiếp là tiếp anh ta cho thật nhanh. Ngay lập tức người hầu ra, mời Poirot vào gặp ngài Công tước.
Công tước Merton khoảng hai mươi bẩy tuổi, gầy và không bệ vệ chút nào. Tóc ngài có màu rất khó gọi là màu gì và hơi thưa ở thái dương. Môi mỏng và miệng có vẻ chua chát. Mắt mơ màng. Đấy chính là người nữ nghệ sĩ Jane Wilkinson quyết định thu phục. Ông ta tiếp chúng tôi lịch sự nhưng lạnh lùng, trên bàn có một bức thư viết dở.
Poirot nói :
- Chắc ngài Công tước có nghe thấy nói đến tên tôi?
- ...Tôi không nhớ có nghe thấy hay không.
- Tôi làm nghề nghiên cứu về tâm lý học tội phạm.
- Ông cần gặp tôi để làm gì?
Poirot đứng quay mặt về phía chủ nhà, quay lưng ra phía cửa sổ khiến mặt ông Công tước hướng ra phía ánh sáng.
- Tôi đang tiến hành một cuộc điều tra riêng tư về những hoàn cảnh liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến cái chết của Huân tước Edgware.
- Vậy ạ? Tôi không quen ông Huân tước Edgware.
- Nhưng hình như ngài có quen Huân tước phu nhân, bà Jane Wilkinson?
- Có.
- Ngài cũng biết bà Jane Wilkinson có lý do rất mạnh để mong chồng chết?
- Không.
- Ngài cho phép tôi hỏi một câu. Ngài có tính đến việc kết hôn với bà quả phụ của Huân tước Edgware, bà Jane Wilkinson không?
- Nếu tôi quyết định kết hôn, điều đó sẽ được đăng trên báo. Tôi coi câu ông hỏi là một câu xúc phạm. Xin chào!
Công tước Merton đứng dậy. Poirot bối rối lắp bắp nói :
- Tôi không ngờ đấy. Vậy xin lỗi ngài.
- Chào hai ông. - Công tước Merton nhắc lại.
Hai chúng tôi đi ra, ngượng chín người. Tôi bảo :
- Vậy là thất bại. Ông ta kiêu ngạo và hỗn hào quá! Tại sao anh muốn đến gặp ông ta kia chứ?
- Tôi muốn biết ông ta và bà Jane Wilkinson có định kết hôn với nhau thật không.
- Thì bà ta chẳng đã nói với chúng mình rồi hay sao?
- Đúng thế. Nhưng loại phụ nữ như bà ta thích gì nói nấy. Có thể bà ta tính sẽ lấy ông ấy nhưng ông ấy không biết.
- Dù sao thì ông ấy đã tống cổ anh.
- Ông ta trả lời tôi, tưởng tôi là nhà báo. Nhưng tôi đã biết được điều tôi muốn biết.
- Căn cứ vào đâu?
- Lúc chúng ta vào, ông ta đang viết bức thư.
- Đúng thế.
- Hồi tập sự trong cơ quan cảnh sát Bỉ, tôi đã tập được cách đọc ngược. Tôi sẽ đọc anh nghe ông ta viết những gì nhé?
Em yêu quý. Anh rất nóng lòng muốn được gặp em. Jane, thiên thần rực rỡ của anh, anh không biết nói thế nào để bầy tỏ hết lòng yêu mến của anh đối với em. Em đang đau khổ lắm phải không? Em vốn là người phụ nữ tinh tế và hào hiệp...
Tôi bực tức kêu lên :
- Poirot, ai lại làm như thế!
- Anh nói câu ngu ngốc, Hastings. Tại sao lại không làm kia chứ? Mà tôi cũng đã làm đấy thôi.
Tôi không nói gì, rất khó chịu thấy anh bạn làm trò lén lút như vậy. Rồi tôi nói :
- Đọc trộm bức thư đó hoàn toàn vô ích. Nếu anh bảo ông ta rằng Jane Wilkinson đã nhờ anh đến gặp Huân tước Edgware, hẳn ông Công tước này sẽ tiếp anh theo cách khác.
- Tôi không thể phản bội bà ta, khách hàng của tôi. Kể ra với người khác những chuyện riêng tư của khách hàng là trái với lương tâm nghề nghiệp.
- Vì bà ta sẽ lấy ông Công tước?
- Nhưng như thế không có nghĩa bà ta không giấu ông ta điều gì. Anh đừng quên tôi còn phải khám phá cho ra một hung thủ, và tôi có danh dự của một thám tử nữa đấy.
Tôi nói :
- Thôi được, mỗi người quan niệm một cách thế nào là danh dự.

Chương trước Chương sau