Con chim khát tổ - Chương 32

Con chim khát tổ - Chương 32

Con chim khát tổ
Chương 32

Ngày đăng
Tổng cộng 45 hồi
Đánh giá 9.7/10 với 53462 lượt xem

Hai ngày cuối tuần lại đến, ấm áp và trống trải. Strike ngồi bên cửa sổ, vừa hút thuốc vừa ngắm dòng người đi mua sắm dưới phố Denmark. Hắn để tập hồ sơ điều tra riêng trên đùi và bộ hồ sơ của cảnh sát trên bàn, viết ra tất cả những thông tin đã thu thập được.
Hắn nhìn tấm hình chụp mặt tiền tòa nhà số 18 buổi sáng hôm đó một lúc lâu. Strike nhận ra một điểm khác biệt rất nhỏ nhưng hắn thấy khá quan trọng khi so sánh mặt tiền tòa nhà lúc đó và ở thời điểm hiện tại. Thỉnh thoảng hắn chuyển sang làm việc trên máy tính, đầu tiên là tìm người đại diện của Deeby Macc rồi sau đó là kiểm tra giá cổ phiếu của công ty Albris. Cuốn sổ ghi chép đặt ngay bên cạnh, trang đang mở chi chít những câu mô tả vắn tắt và các câu hỏi bằng nét chữ sắc nhọn của Strike. Khi điện thoại di động đổ chuông, hắn cầm thẳng lên nghe mà không xem trước là ai gọi.
“À, anh Strike,” Peter Gillespie lên tiếng. “Hôm nay anh nghe máy, thật tử tế quá.”
“Ô, chào Peter,” Strike đáp. “Giờ ổng bắt anh làm luôn cả cuối tuần à?”
“Có nhiều người phải làm việc cả cuối tuần. Phải vậy thôi, gọi trong tuần anh đâu có trả lời trả vốn gì.”
“Dạo này tôi rất bận. Công việc nhiều.”
“Tôi hiểu. Nói vậy tức là anh sắp trả được tiền cho tụi tôi?”
“Tôi cũng mong vậy.”
“Anh cũng mong vậy?”
“Vâng,” Strike đáp. “Vài tuần tới tôi sẽ có đủ tiền trả anh một khoản.”
“Anh Strike. Thái độ của anh làm tôi kinh ngạc. Anh hứa sẽ trả ông Rokeby hàng tháng, mà giờ đây anh đã trả chậm tổng cộng là...”
“Tôi không thể trả bằng tiền mà mình chưa có. Nếu anh chịu đợi thêm, tôi sẽ trả hết. Thậm chí trả nguyên một cục.”
“Tôi e là không được. Trừ khi anh trả hết phần bị chậm...”
“Gillespie,” Strike nói, mắt nhìn bầu trời sáng rực ngoài cửa sổ, “tôi với anh đều hiểu rằng Jonny già sẽ không đi kiện thằng con-thương-binh-một-cẳng chỉ để lấy lại món tiền không bằng tiền mua xà bông cho tay quản gia nhà ông ta. Tôi sẽ trả hết, trả cả tiền lời nữa, chỉ trong vòng hai tháng tới, ổng tha hồ tộng hết đám tiền đó vô đít rồi đốt sạch nếu ổng muốn. Anh cứ nói với ổng như vậy, còn bây giờ anh biến quách cho tôi nhờ.”
Strike dập máy, để ý thấy lần này hắn đã không thực sự nổi nóng, nhưng vẫn có chút hả hê.
Hắn tiếp tục làm việc đến đêm khuya, ngồi ở chiếc ghế mà giờ đây hắn đã quen nghĩ là chỗ ngồi riêng của Robin. Trước khi nghỉ tay, hắn gạch chân ba lần dưới dòng chữ “Khách sạn Malmaison, Oxford” và khoanh vòng thật đậm quanh cái tên “J.P. Agyeman”.
Nước Anh đang chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp đến. Tối Chủ nhật Strike lên giường khá sớm, bật chiếc TV nhỏ xem tin tức về những vụ nói hớ trong ngày, các màn cãi qua cãi lại, những lời hứa hẹn trước bầu cử của giới chính trị gia. Dường như bản tin nào hôm đó cũng ảm đạm. Công nợ của chính phủ Anh lớn đến độ dân thường không ai hiểu nổi. Sắp đến ngân sách sẽ bị cắt giảm hàng loạt, Đảng nào thắng cũng vậy. Thi thoảng, ngôn từ lắt léo của lãnh đạo các Đảng đang tranh cử lại khiến Strike nhớ đến mấy vị bác sĩ phẫu thuật lúc họ dặn dò rằng có thể hắn sẽ bị đau; mặc dù bản thân họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái đau ấy đến mức nào.
Sáng thứ Hai Strike đi đến chỗ hẹn ở quận Canning Town để gặp Marlene Higson, mẹ ruột của Lula Landry. Cũng khá rắc rối Strike mới sắp xếp được cuộc hẹn này. Alison, thư kí của Bristow đã đưa số điện thoại của Higson cho Robin. Strike đích thân gọi để xin cuộc hẹn. Ban đầu mặc dù hơi thất vọng vì Strike không phải là nhà báo, bà ta vẫn đồng ý gặp. Nhưng sau đó bà ta gọi điện lại cho văn phòng hai lần: đầu tiên để hỏi liệu Strike có chịu trả tiền vé tàu xe cho bà ta đi vào trung tâm London không, Robin trả lời là không. Sau đó bà ta gọi ngay lại, đùng đùng đòi hủy cuộc hẹn. Strike đích thân gọi lần thứ hai thuyết phục một hồi, bà ta đồng ý gặp tại quán bia ở gần nhà. Nhưng ngay sau đó Higson gọi lại cho Strike, để lại tin nhắn hủy cuộc hẹn, giọng có vẻ bực bội.
Strike gọi lần thứ ba. Hắn nói rằng điều tra đang đi vào giai đoạn cuối, sau đó tất cả các chứng cứ sẽ được công khai, lúc đó chắc chắn giới báo chí sẽ lại nhảy vào. Vậy nên nếu bà ta không muốn gặp thì hắn cũng thông cảm được, vì như vậy báo chí sẽ để bà ta yên. Ngay lập tức Marlene Higson đổi ý, muốn kể cho Strike tất cả những gì bà ta biết. Trước sự thống thiết của bà ta, Strike tỏ vẻ xuôi lòng và chấp nhận hẹn gặp ở vườn bia quán Ordance Arms vào sáng thứ Hai như đã hẹn trước.
Hôm đó hắn đi tàu ra quận Canning Town. Trạm tàu Canning Town nhỏ bé, có thể nhìn thấy được từ khu trung tâm tài chính Canary Wharf, nơi có những tòa nhà hào nhoáng sang trọng trông như phim khoa học viễn tưởng. Những tòa nhà đó sừng sững, to lớn như món nợ công khổng lồ của nước Anh, đứng từ xa không thể hình dung chúng lớn như thế nào. Nhưng chỉ đi bộ vài phút, Strike đã hoàn toàn bỏ lại sau lưng cái thế giới hào nhoáng đó. Quận Canning Town nhìn đâu cũng thấy nghèo nàn xập xệ, mặc dù nằm chen chúc ngay bên cạnh những dãy nhà ven sông, nơi có những căn hộ sang trọng hiện đại của giới nhà băng. Strike biết rõ Canning Town từ lâu bởi đây từng là chỗ của một người bạn trong giới giang hồ, cũng chính là người đã cung cấp cho hắn địa chỉ của Brett Fearney. Hắn đi dọc theo phố Barking, quay lưng về phía Canary Wharf, ngang qua một tòa nhà gần biển quảng cáo ghi chữ “kills 4 Communities” (Giết chóc vì cộng đồng), hắn hơi sững lại, trước khi nhận ra hẳn ai đó đã xóa mất chữ S trước chữ k- tấm biển quảng cáo đáng ra phải là “Skills 4 Communities” (Kĩ năng vì cộng đồng).
Quán Ordance Arms ở ngay bên cạnh Công ty Trách nhiệm hữu hạn môi giới Cầm đồ Anh quốc. Quán khá rộng lớn, trần thấp, sơn màu be. Nội thất bên trong quán có vẻ gọn gàng, thực dụng. Ngoài một dãy đồng hồ bằng gỗ treo trên tường màu đất sét và tấm thảm lót sàn màu đỏ có hoa văn bầm tía, chủ quán chẳng màng trang trí vẽ vời gì nữa. Trong quán có hai bàn billiard loại lớn, một quầy bar khá dài ở vị trí trung tâm, chung quanh khá thoáng, tiện cho khách ra vô lấy đồ uống. Mười một giờ sáng, quán vắng tanh, vị khách duy nhất là một người đàn ông lớn tuổi nhỏ bé ngồi khuất trong góc và một cô phục vụ mặt mày tươi tắn, thân mật gọi ông khách là “Joey” và nhanh nhẹn chỉ lối ra vườn sau cho Strike.
Vườn bia thực ra là sân sau lót bê tông, trông vô cùng ảm đạm. Trong “vườn” có mấy thùng rác và một chiếc bàn gỗ duy nhất. Một người đàn bà ngồi trên ghế nhựa màu trắng bên cạnh bàn. Bà ta bắt chéo cặp giò múp míp, cầm điếu thuốc ngang mặt. Trên mấy bức tường cao bao quanh có gắn kẽm gai cuộn bảo vệ. Một cái túi ni lông bị vướng vào đó, bay sột soạt trong gió. Bên kia bức tường là một dãy nhà chung cư sừng sững, sơn vàng. Ban công khu chung cư treo đầy quần áo đồ đạc lếch thếch, nhìn đâu cũng thấy dơ dáy nghèo khổ.
“Bà Higson?”
“Chú em gọi tui là Marlene được rồi.”
Bà ta nhìn hắn từ đầu tới chân, ra vẻ sành sỏi, chậm rãi mỉm cười. Marlene mặc áo sát nách màu hồng bằng vải thun Lycra, khoác ngoài một chiếc ao thun dày liền mũ màu xám có khóa kéo, bên dưới mặc quần tất ôm sát hơi ngắn, để lộ một khúc cổ chân trắng nhợt. Đôi dép xỏ ngón bà mang trông dơ dơ nhưng các ngón tay đeo đầy nhẫn vàng. Tóc cũng nhuộm vàng, lộ vài phân chân tóc màu nâu đã ngả bạc, được cột túm lại phía sau bằng một cái cột tóc vải lùm xùm như khăn tắm đã ngả màu cháo lòng.
“Bà uống gì để tôi mua?”
“Nếu anh đã ép vậy thì cho một vại Carling.”
Cái kiểu bà ta uốn éo người về phía Strike, gạt vài sợi tóc xơ xác rũ xuống bọng mắt, và cả cách bà ta cầm điếu thuốc đều toát lên vẻ điệu đàng lố bịch. Có lẽ bà ta luôn cư xử như vậy trước mặt đàn ông. Strike thấy vừa mủi lòng vừa ghê tởm.
“Sốc hả?” Marlene Higson lên tiếng, sau khi Strike đem bia về lại bàn cho cả hai. “Hồi lúc tui đem cho nó đi cũng y vậy. Lúc đó tui đau lòng lắm chứ, nhưng mà nghĩ thôi thì để nó được sung sướng. Còn không tui làm sao đành lòng làm chuyện đó. Tui cứ nghĩ để nó có những thứ tui không có. Tui nghèo từ nhỏ. Hồi đó trong tay chẳng có gì, nhẵn như chùi.”
Bà ta nhìn đi chỗ khác, cầm điếu thuốc Rothman rít một hơi thật sâu, lúc đó trông miệng bà ta nhăn nhúm y hệt đít mèo.
“Tay Dez bồ tui cũng chẳng thiết gì nó... anh biết đó, nó là dân da màu, rõ ràng không phải con ảnh. Càng lớn da nó càng đen, chứ lúc mới sinh nó cũng như con nít da trắng thôi. Nhưng không đời nào tui đem nó đi cho, nếu tui không nghĩ làm vậy thì nó có cơ được sung sướng. Tui nghĩ nó cũng sẽ không nhớ gì tôi, tại lúc đó nó còn nhỏ quá. Tui làm vậy để tốt cho nó, rồi biết đâu sau này khi nó lớn lên nó sẽ đi tìm tui. Mơ ước vậy mà thành sự thật,” bà ta nói thêm, làm bộ xúc động mãnh liệt. “Nó đi tìm tôi thiệt.”
“Để tui kể anh nghe chuyện này rất lạ,” bà ta tiếp tục thao thao, không thèm nghỉ lấy hơi. “Ngay một tuần trước khi nó gọi điện lần đầu cho tui, một anh bạn có hỏi tui ‘Cưng biết cưng giống ai không?’ Rồi ảnh nói tên nó. Tui chỉ nói ‘Dớ dẩn vừa thôi,’ nhưng ảnh lại nói tiếp, ‘Thiệt mà. Ngay con mắt, rồi hàng chân mày nữa, thấy chưa?”
Bà ta nhìn Strike, chờ đợi nhưng hắn không thể thốt ra tiếng nào. Gương mặt Nữ hoàng Nefertiti làm sao bà con gì với cái mớ xám xịt tai tái này.
“Nhìn ảnh tui hồi trẻ thì sẽ thấy,” bà ta nói tiếp, giọng hơi dỗi. “Cái chính là, tui cho đi để nó được sung sướng, vậy mà họ giao nó cho cái đám chó đẻ đó, vô phép anh tui nói vậy. Nếu biết trước tui đã giữ nó lại, tui có nói vậy với nó. Nghe tui nói vậy nó khóc luôn. Phải chi tui đừng bao giờ đem cho, để lại mà nuôi.
“Có chứ. Nó nói chuyện với tui hoài. Tâm sự nhiều lắm. Ông cha nuôi cũng tốt, Ngài Alec đó. Nghe kể cũng được. Nhưng bà mẹ ghê gớm lắm. À, vụ thuốc men. Uống thuốc liên tục. Thì kiểu mấy con mụ nhà giàu rảnh quá suốt ngày uống thuốc an thần. Anh thấy đó, Lula nói chuyện được với tui. Hai mẹ con quấn quít lắm. Ta nói, máu mủ ruột rà mà.
“Nó rất sợ không biết mụ già sẽ làm gì nếu biết nó đi tìm mẹ ruột. Nó lo lắm, sợ mụ ta lên cơn khi báo chí tìm ra tui, nhưng anh thấy đó, người nổi tiếng như nó thì rồi chuyện gì báo chí cũng biết, chẳng phải vậy sao? Trời ơi, báo chí bịa đâu ra đủ thứ chuyện. Nhứt là về tui. Giờ nghĩ lại tui còn muốn đi kiện.”
“Đang nói tới đâu rồi? À, bà mẹ nuôi nó. Tui nói với Lula, ‘Tại sao phải lo lắng hả cưng, bỏ luôn bà đó thì càng tốt chứ sao. Cứ kệ cho bả tức nếu bả không muốn hai mẹ con mình gặp nhau.’ Nhưng Lula là đứa có hiếu, thường xuyên thăm viếng bả, cho đúng bổn phận vậy mà.
“Nhưng dù sao thì nó cũng có cuộc sống riêng, tự do làm những việc nó muốn, không phải vậy sao? Nó còn có thằng Evan. Nói thiệt với anh, tui có nói là tui không chịu thằng đó,” Marlene Higson kể lể, làm bộ nghiêm nghị đứng đắn. “Gì chứ nghiện ngập thì tui biết quá rồi, nhiều đứa tan nát hết. Nhưng tui phải công nhận rằng thằng nhỏ coi vậy mà tốt tính. Tui phải công nhận vậy đó. Chuyện vừa rồi không dính gì đến Evan cả. Tui cam đoan luôn.”
“Bà gặp anh ta rồi à?”
“Chưa, nhưng có lần Lula điện cho Evan lúc đang ở chỗ tui. Tui có nghe hai đứa nó nói điện thoại với nhau, nghe dễ thương lắm. Không, tui không nghĩ gì xấu cho Evan cả. Rõ là không dính gì tới thằng nhỏ, có chứng cứ rồi còn gì. Tui không nghĩ gì xấu cho nó cả. Miễn là bỏ ma túy đi thì tui chịu hết. Tui có nói với Lula, ‘Dẫn nó tới đây cho mẹ xem có được không,’ nhưng Lula chẳng bao giờ dẫn Evan tới. Nó bận lắm. Tóc tai lôi thôi vậy chứ Evan trông bảnh lắm,” Marlene nói. “Anh nhìn hình cũng thấy đó.”
“Lula có kể gì với bà về mấy người hàng xóm không?”
“Ồ, tay Fred Beastigwee hả? Có, nó nói hết, nói là tay đó có mời đóng phim. Tui nói, tại sao không? Đóng cho vui mà. Nếu không thích thì vẫn có thêm được nửa triệu bỏ túi, chớ gì?”
Bà ta nheo đôi mắt đỏ ngầu; ngây ra trong giây lát khi nghĩ đến con số hấp dẫn khổng lồ mà xa vời như ảo ảnh vô tận. Chỉ nói đến món tiền đó cũng khiến Marlene mơ mộng lâng lâng.
“Lula có nói gì về Guy Somé không?”
“Có chứ, con bé quý Gee, ổng thương nó lắm. Nhưng tui thích mấy thứ hơi cổ điển chút. Đồ của Gee không hơp với gu của tui.”
Lúc bà ta chồm người ra trước để điệu đàng khảy điếu thuốc vào gạt tàn, mấy nếp gấp xuất hiện trên chiếc áo Lycra màu hồng chóe bó chặt lấy khúc mỡ bụng chỉ chực trào ra ngay lưng quần.
“‘Anh ấy như anh trai của con vậy’ Lula nói về Gee như vậy đó, rồi tui nói, cần gì anh nuôi, sao không đi tìm mấy thằng con của tui luôn? Nhưng nó không quan tâm mấy.”
“Mấy cậu con bà?”
“Ờ thì mấy đứa con khác của tui. Sau Lula tui sinh thêm hai đứa nữa, một đứa với Dez, một đứa với người khác. Bên Bảo trợ Xã hội đem tụi nó đi hết, nhưng tui nói với Lula, có tiền thì đi tìm được thôi, chỉ cần cho tui một ít, đôi ba ngàn bảng gì đó, rồi tui sẽ nhờ người đi tìm tụi nó, giữ kín với báo chí, để đó mình tui làm, nó không phải đụng gì tới. Nhưng nó chẳng mặn mà gì.” Marlene lặp lại.
“Bà có biết hai người này hiện giờ ở đâu không?”
“Hồi họ đem đi tụi nó còn nhỏ xíu, không biết bây giờ đã ở đâu rồi. Lúc đó tui gặp nhiều chuyện rắc rối. Tui cũng không giấu anh làm gì. Đời tui khổ lắm.”
Rồi bà ta kể lể dài dòng về cuộc đời “khổ lắm” đó của mình. Một chuỗi những cùng cực với những tay “chồng” vũ phu, nghiện ngập, dốt nát, trốn tránh trách nhiệm. Rồi sự túng bần và bản năng sống còn hoang dại xui khiến bà ta vứt bỏ con cái, vì việc nuôi dạy chúng đòi hỏi những kỹ năng mà bà ta chưa bao giờ có được.
“Vậy bây giờ bà không biết hai người con trai đang ở đâu?” Strike lặp lại, đúng hai mươi phút sau.
“Không, làm thế quái nào tui biết được?” Marlene đáp, sau một hồi kể lể bà ta trở nên cay cú hằn học. “Con nhỏ cũng không quan tâm gì. Nó đã có một thằng anh da trắng còn gì? Nó chỉ muốn đi kiếm ruột rà da đen thôi. Nó chỉ cần có vây.”
“Lula có hỏi gì bà về cha ruột không?”
“Có, tui biết gì nói hết. Ổng là sinh viên người châu Phi. Hồi đó, ổng thuê nhà trên gác, tui ở ngay tầng dưới, nhà trên đường Barking đây thôi. Ổng ở chung với hai người nữa. Chỗ đó giờ người ta đặt làm tiệm cá cược ở tầng dưới. Ổng đẹp trai lắm. Mấy lần tui đi chợ về có ra xách đồ giùm một tay.”
Trong câu chuyện của Marlene Higson, mối tình đó đứng đắn chừng mực, đầy đủ phép tắc như thời Victoria. Trong mấy tháng đầu tiên hai người không làm gì xa xôi hơn mấy cái bắt tay.
“Rồi thì, tại ổng giúp tôi hoài đó, nên một bữa tui mời ổng vô nhà, để cảm ơn vậy thôi anh hiểu không. Tui không bao giờ có thành kiến với dân da đen. Với tui ai cũng bình đẳng. Mời vô nhà uống ly trà trà thôi không có gì hết, tui nói vậy đó. Rồi thì,” Marlene nói tiếp, cho sự thật phũ phàng giáng rầm xuống những tách trà đặt trên đám khăn lót đĩa xinh xinh vừa tưởng tượng ra, “sau đó tui có bầu.”
“Bà có nói với ông ấy không?”
“Có chứ, ổng hứa hẹn sẽ giúp đỡ, đứng ra gánh vác, để làm sao cho tui ổn thỏa. Lúc đó vừa nghỉ hè. Ổng nói là sẽ quay lại,” Marlene nói, giọng đầy khinh bỉ. “Nhưng cút thẳng một mạch. Thì cũng có gì mà lạ? Rồi tui biết làm gì hơn, không lẽ đi châu Phi kiếm ổng?”
“Nhưng tui cũng không hề hấn gì, không đau khổ mấy vì lúc đó tui cũng vừa quen Dez. Ảnh không ngại đứa nhỏ. Sau khi Joe bỏ đi thì tôi dọn vô ở chung với Dez.”
“Joe?”
“Tên ổng. Joe.”
Bà ta nói ra vẻ chắc chắn như đinh đóng cột nhưng Strike cảm thấy dường như bà ta đã lặp đi lặp lại cái tên bịa đó quá nhiều lần, thành thử lời nói cứ trơn tuồn tuột.
“Họ của ông ấy là gì?”
“Tui nhớ làm quái nào được. Anh hỏi giống y như Lula. Hơn hai mươi năm rồi còn gì. Mumumba,” Marlene Higson nói bừa, không chút bối rối. “Hay đại loại vậy.”
“Có phải là Agyeman không?”
“Không.”
“Owusu?”
“Tui nói rồi,” bà ta trở nên hung hăng, “Mumumba hay cái gì đại loại vậy.”
“Không phải Macdonald? Hay Wilson chẳng hạn?”
“Anh giỡn hả? Macdonald? Wilson? Từ Châu Phi?”
Strike kết luận mối tình của Higson chưa đến giai đoạn hai bên kịp biết họ tên đầy đủ của nhau.
“Lúc đó ông ấy là sinh viên à? Ông ấy học ở đâu vậy?”
“Đại học,” Marlene đáp.
“Trường nào, bà nhớ không?”
“Tui đếch biết. Xin điếu thuốc được không?” Bà ta nói thêm, giọng hơi dịu lại.
“Vâng, bà cứ tự nhiên.”
Marlene rút ra một cái bật lửa nhựa để châm thuốc rồi làm luôn vài hơi. Điếu thuốc miễn phí làm bà ta mềm mỏng lại một chút:
“Hình như có liên quan gì đó tới bảo tàng. Liên kết gì đó, đại loại vậy.”
“Liên kết với bảo tàng?”
“Ừa, tại tui nhớ ổng có nói ‘Thỉnh thoảng có thời gian rảnh rỗi tôi đi thăm bảo tàng.’” Bà ta giả giọng, cứ nghe theo đó thì người sinh viên từ Châu Phi này nói năng giống hệt một quý ông thượng lưu người Anh. Nói rồi, bà ta tủm tỉm cười, như thể đi bảo tàng là chuyện lạ lùng lố bịch lắm.
“Bà có nhớ là ông ấy hay đi bảo tàng nào không?”
“Bảo... bảo tàng Anh quốc hay đại loại như vậy,” bà ta đáp, rồi sau đó bực tức nói thêm, “Anh y hệt như Lula. Làm thế quái nào mà tui nhớ hết mấy chuyện như vậy?”
“Bà không bao giờ gặp lại ông ấy nữa sau khi ông ấy về nước nghỉ hè?”
“Không.” Bà ta đáp. “Mà tui cũng không mong gì.” Bà ta nốc bia, nói tiếp. “Chắc chết đâu rồi.”
“Tại sao bà lại nói vậy?”
“Châu Phi mà, đúng không?” Bà ta đáp thản nhiên. “Chắc là bị trúng đạn chết? Hay chết đói. Hay gì nữa. Châu Phi mà, anh biết đó.”
Đúng là Strike từng biết Châu Phi. Hắn nhớ đến những con đường nhung nhúc người ở Nairobi, quang cảnh rừng mưa nhiệt đới của Angola nhìn từ trên máy bay, những ngọn cây phủ đầy sương mù và cảnh đẹp hút hồn hiện ra khi máy bay đổi hướng: một thác nước chảy đổ xuống triền núi xanh mướt. Rồi cả người đàn bà dân tộc Masai ngồi trên thùng giấy cho con bú trong khi hắn tỉ mỉ đặt câu hỏi điều tra về cáo buộc hiếp dâm còn Tracey cầm máy quay phim đứng ngay bên cạnh.
“Lula có cố gắng đi tìm cha ruột không?”
“Có, nó có cố tìm thiệt.” Marlene hờ hững đáp.
“Tìm như thế nào?”
“Nó tìm trong giấy tờ bên trường Đại học,” Marlene đáp.
“Nhưng nếu bà không nhớ ông ấy học trường nào...”
“Tui không biết, hình như Lula kiếm ra trường của ổng, nhưng mà không kiếm ra ổng đâu. Chắc tui không nhớ chính xác tên ổng, tui cũng không biết nữa. Lula cữ lẵng nhẵng hỏi suốt: trông ổng ra sao, ổng học cái gì. Tui trả lời là ổng cao, người gầy gầy, đáng ra nó phải mừng vì lỗ tai nó giống tui, chứ tai voi như ổng thì còn lâu mới làm người mẫu người miếc gì được.”
“Lula có hay nói gì về bạn bè của cô ấy không?”
“Có chứ. Có một con ranh người da đen, Raquelle hay cái quỷ gì đó. Đeo theo Lula như đỉa hút máu. Giờ cũng ngon lành chán. Có đủ áo quần rồi vòng vèo rồi những gì gì nữa. Tui chỉ nói với Lula một lần, ‘Mẹ khoái một cái áo khoác mới.’ Nhưng tui không có xin xỏ gì, anh thấy đó. Con Requelle thì hở ra là xin.”
Bà ta hừ mũi, uống cạn ly bia.
“Bà gặp Rochelle bao giờ chưa?”
“Hóa ra tên vậy hả? Ừ, có gặp một lần. Nó ngồi sẵn trong xe khi tài xế tới đón Lula ở chỗ tui. Ra vẻ bà lớn, nhìn tui bằng nửa con mắt chớ. Giờ thì chắc tiếc lắm. Cái đồ la liếm.
“Rồi cả con Ciara Porter.” Marlene kể tiếp, giọng còn khinh bỉ hơn, “chơi luôn bồ của Lula ngay trong đêm đó. Con đĩ ranh khốn nạn.”
“Bà có quen biết Ciara Porter không?”
“Tui thấy trên báo. Evan đi tới nhà nó, không phải vậy sao? Sau khi gây gổ với Lula. Đi thẳng tới nhà Ciara. Quá đáng mà.”
Marlene càng nói thì Strike càng thấy rõ là Lula chưa bao giờ để bà mẹ ruột gặp bạn bè của mình. Trừ lần nhìn thấy Rochelle chớp nhoáng, Marlene chỉ biết về họ qua mớ thông tin trên báo chí mà bà ta ắt hẳn đã đọc ngấu nghiến.
Strike đi mua thêm đồ uống, rồi nghe Marlene mô tả lại nỗi kinh hoàng và cú sốc khi nghe tin (do một người hàng xóm chạy xộc vào nhà báo ngay sáng sớm ngày 8 tháng Giêng) rằng con gái bà ta vừa ngã từ ban công xuống mặt đường chết ngay tại chỗ. Strike cẩn thận hỏi dò thì biết được thêm là hai tháng trước đó Lula không hề gặp bà mẹ ruột. Rồi bà ta tuôn một tràng chửi rủa cách gia đình nhận nuôi của Lula đối xử với mình sau đó.
“Họ không muốn có tui ở đó, nhứt là ông cậu khốn nạn của nó. Anh gặp ổng rồi chứ? Tony Landry đó? Tui gọi cho ổng hỏi về đám tang, nhưng toàn bị ổng dọa. Vậy đó. Dọa nạt đủ kiểu. Tui nói với ổng ‘Tui là mẹ nó, tui có quyền tới đó.’ Rồi ổng nói lại là tui không phải mẹ nó, mà mụ già hâm kia mới là mẹ nó, phu nhơn Bristow đó. Ngộ ghê hả, tui nói với ổng, tui nhớ là có rặn đẻ nó ra kia mà, nói vô phép anh nhưng đúng thế chứ gì nữa? Rồi ổng nói là tui đang gây rắc rối vì tui nói chuyện với báo chí. Nhưng tụi nó tới tận nhà tìm tui mà.” Bà ta giận dữ kể với Strike, chỉ tay dứt khoát về phía dãy chung cư bên cạnh. “Báo chí tới tìm tui. Vì tui kể chuyện của chính tui. Đương nhiên là tui kể rồi.”
“Tui không muốn làm lớn chuyện, nhứt là ở đám tang, tui không muốn phá cái gì hết, nhưng đừng có hòng đuổi tui đi. Tui có dự đám tang, ngồi ghế sau. Con khốn Rochelle cũng có ở đó, nhìn tui như thứ rác rưởi gì vậy. Nhưng sau đó thì không ai làm gì tui hết.
“Họ có được cái họ muốn rồi, cái gia đình khốn nạn đó. Tui chẳng được cái quái gì. Chẳng có cái khỉ khô gì cả. Lula có linh thiêng chắc nó buồn lắm, tui biết chắc vậy. Hẳn nó muốn để lại cho tui gì đó. Không phải,” Marlene nói, ra vẻ tự trọng “là tui quan tâm gì tới tiền nong. Với tui tiền bạc không là gì hết. Không có gì thay thế được con gái tui, mười triệu hay hai chục triệu cũng vậy.
“Nhưng nói thiệt với anh, Lula mà có linh thiêng chắc nó điên lắm nếu biết tui không được xu nào,” bà ta nói tiếp. “Cả đống tiền vậy mà; không ai tin chuyện tui trắng tay cả. Tiền nhà thì không trả nổi trong khi con gái ruột vừa chết đi để lại tiền triệu. Nhưng anh thấy đó. Cứ vậy nên người giàu mới giàu hoài, đúng không? Họ không cần tiền, nhưng có thêm chút đỉnh thì vẫn không chê. Tui không biết làm sao tay Landry cạn tàu ráo máng đó thảnh thơi ngủ ngon được, nhưng thôi, đó là việc của lão.”
“Lula có hứa hẹn để lại gì cho bà không? Cô ấy có bao giờ nhắc tới di chúc không?”
Gương mặt Marlene đột nhiên trở nên tươi tỉnh, khấp khởi hy vọng.
“Có chứ, nó nói sẽ lo hết cho tui mà. Đúng vậy, nó nói là sẽ lo cho tui ổn thỏa. Anh nghĩ tui có nên nói lại vụ đó với ai không? Nói rõ ra như vậy đó?”
“Tôi không nghĩ làm vậy sẽ thay đổi được chuyện gì, trừ khi cô ấy làm sẵn di chúc trong đó có nhắc tới bà.” Strike đáp.
Mặt bà ta xịu ngay xuống, sưng sỉa trở lại.
“Chắc đám đó đốt quách cái di chúc rồi, đồ khốn nạn. Dám lắm. Đám đó cùng một giuộc mà. Tui không tin nổi có gì lọt qua khỏi tay ông cậu già dịch đó.”

Chương trước Chương sau