Con chim khát tổ - Chương 18
Con chim khát tổ
Chương 18
Ngày đăng 27-12-2015
Tổng cộng 45 hồi
Đánh giá 8.7/10 với 53467 lượt xem
Người đại diện của Evan Duffield nói là anh ta sẽ không trả lời thêm bất kỳ một câu hỏi nào về Lula Landry nữa,” Robin báo với Strike ngay sáng hôm sau.
“Tôi có nói rõ là anh không phải là nhà báo, nhưng ông ta rất kiên quyết. Còn nhân viên của Guy Somé thì thô lỗ còn hơn cả đám tay chân của Freddie Bestigui. Cứ như tôi đang xin gặp Giáo hoàng không bằng.”
“Được rồi” Strike đáp. “Để tôi coi có nhờ được Bristow không.”
Hôm đó cũng là lần đầu tiên Robin thấy Strike mặc complet. Cô thấy hắn không khác gì một vận động viên bóng bầu dục đang trên đường đi lưu đấu quốc tế: to con bệ vệ, áo khoác và cà vạt sẫm màu khá bảnh tỏng. Strike đang quỳ xuống lục tung một cái thùng giấy mà hắn mang về từ nhà Charlotte. Robin quay mặt đi, cố tránh nhìn đống đồ đạc của hắn. Hai người vẫn tránh nhắc chuyện Strike đã dọn vô ở luôn trong văn phòng.
“À ha” hắn reo lên, sau khi tìm ra một cái bì thư màu xanh giữa đám thư từ riêng. Đó là thiệp mời dự sinh nhật thằng cháu của Strike. “Khỉ thật,” hắn buột miệng khi mở thư.
“Có chuyện gì vậy?”
“Trong này không ghi nó mấy tuổi cả,” Strike đáp, rồi giải thích “thiệp mời sinh nhật thằng cháu tôi.”
Robin khá tò mò về gia đình của Strike. Hắn chưa bao giờ nói gì với Robin về đám anh chị em rối rắm, người cha nổi tiếng và người mẹ có phần tai tiếng của mình. Vậy nên cô không dám hỏi thêm gì cả mà tiếp tục mở đám thư từ vớ vẩn.
Strike đứng dậy, đẩy cái thùng giấy vào một góc phòng và đi tới bàn Robin.
“Cái gì vậy?” hắn hỏi, chỉ tay vào bản photo một bài báo đặt trên bàn.
“Tôi giữ lại cho anh,” Robin rụt rè trả lời. “Anh tỏ ra quan tâm khi đọc được bài báo về Evan Duffield... Tôi nghĩ có khi anh cũng muốn đọc bài này, nếu anh chưa đọc.”
Tờ photo được cắt rất gọn gàng. Bài báo viết về nhà sản xuất phim Freddie Bestigui, từ tờEvening Standard hôm qua.
“Tuyệt vời; tôi sẽ mang theo đọc trên đường tới chỗ ăn trưa với vợ ông ta.”
“Sắp li dị rồi,” Robin nói thêm. “Trong bài báo có nói hết. Ông này có vẻ không may mắn trong tình cảm lắm.”
“Theo như Wardle thì ông ta cũng không phải là người dễ ưa gì.” Strike đáp.
“Làm sao mà anh nói chuyện được với bên cảnh sát?” Robin hỏi, không nhịn được nữa. Cô rất nóng lòng muốn biết cách thức và diễn biến điều tra.
“Qua một người bạn,” Strike đáp. “Tôi quen hồi ở Afghanistan, anh đó làm cảnh sát London kiêm lính dự bị.”
“Anh từng ở Afghanistan hả?”
“Ờ” Strike mặc áo khoác, răng cắn bài báo về Freddie Bestigui và thiệp mời sinh nhật thằng Jack vì bận tay.
“Anh làm gì ở Afghanistan vậy?”
“Đi điều tra một trường hợp Bị giết trong khi làm nhiệm vụ,” Strike đáp. “Tôi làm bên quân cảnh.”
“Ồ,” Robin buột miệng. Chuyện Strike làm lính quân cảnh không hề khớp với ấn tượng của Matthew về một tên bịp bợm vô dụng.
“Sao anh không làm nữa?”
“Bị thương,” Strike trả lời.
Hắn từng nói về vụ bị thương với Wilson rất trần trụi, nhưng hắn không thể nói thẳng như vậy với Robin. Hắn có thể tưởng tượng ra vẻ kinh ngạc trên gương mặt cô, mà hắn đang không cần thêm sự thương hại nào từ cô cả.
“Đừng quên gọi cho Peter Gillespie,” Robin nhắc với theo, khi Strike vừa bước ra khỏi cửa.
Strike đọc bài báo khi ngồi trên tàu điện đến ga Broad Street. Theo đó, Freddie Bestigui thừa kế tài sản từ người cha là ông trùm ngành vận tải. Rồi ông ta lại kiếm được thêm rất nhiều tiền bằng cách sản xuất những bộ phim có tính thương mại cao nhưng giới phê bình thì khinh ra mặt. Ông ta đang kiện hai tờ báo đưa tin rằng ông ta quấy rối một nhân viên nữ còn trẻ và sau đó bịt miệng cô ta bằng tiền. Những cáo buộc trên báo đều được rào trước đón sau với những từ như “được cho là”, “theo đó thì”, nhưng đều xoáy vào hành vi quấy rối tình dục có tính bạo lực, có khống chế bằng vũ lực. Nội dung các cáo buộc xuất phát từ “một nguồn rất gần gũi với người được cho là nạn nhân,” trong khi cô nhân viên thì đã từ chối kiện tụng hay phát biểu gì với báo chí. Chuyện Freddie đang làm thủ tục ly dị Tansy được nhắc đến ở đoạn cuối cùng. Trước khi kết thúc, bài báo nhắc lại rằng cặp vợ chồng không hạnh phúc này ở cùng một tòa nhà với Lula Landry trong đêm cô ta tự tử. Bài báo gợi cho người đọc một ấn tượng kỳ lạ, như thể chuyện nhà Bestigui hình như đã ảnh hưởng đến quyết định nhảy lầu của cô Landry.
Strike chưa bao giờ giao du với giới hay lui tới nhà hàng Cipriani. Khi đi trên phố Davies, trong ánh nắng ấm áp rọi trên lưng và thấp thoáng quanh những tòa nhà gạch đỏ, Strike tự dưng nghĩ rằng sẽ thật kỳ quặc nếu hắn tình cơ gặp con riêng của cha hắn ở Cipriani. Khả năng đó không hề nhỏ. Những nhà hàng như Cipriani là nơi đám con cái chính thức của Jonny Rokeby thường lui tới. Lần cuối cùng Strike có liên lạc với ba người trong số đó là lúc ở bệnh viện Selly Oak để tập vật lý trị liệu. Gabi và Danni cùng gửi hoa đến, Al có tới thăm một lần, cười rất to nhưng sợ không dám nhìn xuống chân hắn. Khi Al về rồi, Charlotte nhại lại giọng nói và vẻ mặt rúm ró của anh ta. Charlotte đúng là có tài bắt chước. Cô ta quá xinh, nên không ai nghĩ rằng cô ta còn có thể rất hài hước nữa. Nhưng Charlotte đúng là vui tính.
Nội thất của nhà hàng gợi phong vị rất Art Deco, với quầy bar và ghế gỗ bóng loáng mềm mại, khăn vải màu vàng nhạt phủ lên bàn tròn, bồi bàn cả nam lẫn nữ đều mặc áo jacket trắng, cổ đeo nơ. Strike nhận ra ngay thân chủ của mình giữa đám đông đang dùng bữa, tiếng trò chuyện xen tiếng dao nĩa chạm nhau lanh canh. Anh ta ngồi ở một bàn dành cho bốn người và đang nói chuyện với hai người đàn bà, thay vì chỉ một như Strike nghĩ. Cả hai đều có mái tóc nâu dài, bóng mượt. Trông bộ mặt thỏ của Bristow rất sốt sắng, như thể chỉ chực chiều chuộng hay mua vui cho hai người kia.
Ông luật sư đứng bật dậy chào Strike khi thấy hắn rồi giới thiệu ngay Tansy Bestigui. Bà ta chìa ra bàn tay gầy guộc, lạnh lùng, không cười. Ông ta giới thiệu tiếp em gái của Tansy là Ursula May, bà này còn không thèm đưa tay ra. Sau màn gọi đồ uống và chuyển thực đơn (Bristow tỏ ra rất hồi hộp, nói hơi nhiều) hai chị em quay qua nhìn Strike. Cái nhìn chằm chằm soi mói, dường như chỉ những người thuộc một tầng lớp nhất định mới có quyền nhìn như vậy.
Cả hai đều tinh tươm, đẹp đẽ như búp bê cỡ người thật vừa mới được lấy ra từ hộp xốp. Đúng y kiểu gái nhà giàu mảnh khảnh, mặc quần jeans bó sát nhìn như không có mông, gương mặt rám nắng hoàn hảo, trán sáng bóng. Mái tóc của cả hai đều sẫm màu, óng mượt, rẽ ngôi giữa. Đuôi tóc tỉa gọn sắc như có thước đo.
Khi Strike vừa ngẩng mặt lên khỏi tờ thực đơn, Tansy nói ngay, không rào đón:
“Anh có đúng là (bà ta kéo dài giọng) con trai của Jonny Rokeby không?”
“Kết quả xét nghiệm ADN nói vậy.” Hắn trả lời.
Bà ta có vẻ như không chắc là hắn đang đùa hay vô lễ thật. Hai con mắt màu sẫm kéo gần lại nhau, lớp Botox và mỡ độn vẫn không thể che giấu hết vẻ dằn dỗi trên gương mặt.
“Anh nghe đây, tôi đã nói với John rồi,” Bà ta lạnh lùng nói. “Tôi sẽ không công khai phát biểu gì nữa, anh rõ chưa? Tôi sẽ nói cho anh biết hôm đó tôi nghe thấy gì, vì tôi muốn anh chứng minh là tôi nói đúng, nhưng anh không được nói với ai chuyện tôi gặp anh.”
Cổ chiếc áo lụa mỏng manh của bà không cài nút, để lộ một lớp da phẳng màu kẹo sữa phủ quanh chỗ xương ức trồi lên, trông không gợi cảm mà lại hơi kỳ quái. Nhưng ngay dưới đó lại là cặp vú tròn căng nhô ra từ lồng ngực hẹp, như thể hôm đó bà ta mượn tạm hàng họ của một người bạn đầy đặn hơn. “Vậy thì chúng ta nên gặp ở chỗ kín đáo hơn,” Strike bình luận.
“Không, ở đây cũng được, vì ở đây không ai biết anh cả. Anh chẳng giống cha chút nào cả, phải không? Tôi có gặp ông ta ở nhà Elton hồi hè năm ngoái. Freddie cũng có biết ông ta. Anh có hay gặp Jonny không?”
“Có gặp hai lần.” Strike đáp.
“Ồ,” Tansy buột miệng.
Âm thanh cụt ngủn đó chứa cả sự ngạc nhiên lẫn khinh bỉ.
Bạn bè của Charlotte khá giống hai người này: tỉa tót, học trường xịn, mặc đồ hiệu, tất cả đều tỏ ra kinh hãi trước chuyện Charlotte cặp bồ với một gã dềnh dàng luộm thuộm như Strike. Hắn từng phải tiếp xúc với những người như vậy hàng mấy năm trời, cả trên điện thoại lẫn trong những cuộc gặp gỡ ở ngoài. Hắn còn nhớ cái kiểu ăn nói cảnh vẻ hay nuốt nguyên âm, những câu chuyện về mấy ông chồng làm môi giới chứng khoán, rồi cả cái điệu bộ cứng rắn nóng nảy mà Charlotte không bao giờ bắt chước được.
“Tôi thấy chị tôi không nên nói chuyện với anh chút nào,” Ursula đột ngột lên tiếng. Cứ như thể Strike là tên bồi bàn vừa tháo tạp dề tới ngồi cùng với họ. “Em nghĩ chị đang mắc sai lầm lớn, Tanz à.”
Bristow lên tiếng: “Ursula, Tansy chỉ...”
“Làm gì là quyền của tôi,” Tansy gằn giọng với em gái, như thể Bristow chưa hề lên tiếng hay chỗ ngồi của ông chỉ có không khí vậy. “Tôi chỉ nói những gì tôi nghe thấy, có vậy thôi. Không được ghi vào hồ sơ vụ án; John đồng ý rồi.”
Rõ là bà ta chỉ coi Strike như hạng tôi tới. Hắn thấy bực không chỉ vì giọng điệu của hai người, mà còn vì Bristow đã hứa hẹn trước chuyện không ghi chép.
Lời khai của Tansy liệu có ích gì nếu không được lưu lại làm chứng cứ trong hồ sơ?
Ngay sau đó, cả bốn người im lặng đọc thực đơn. Ursula là người đầu tiên đặt thực đơn xuống. Bà ta đã kịp uống hết một ly rượu, rót tiếp một ly nữa và liếc mắt nhìn quanh nhà hàng, vẻ bồn chồn. Bà thoáng dừng mắt ở một nhân vật hoàng tộc trẻ tuổi, tóc vàng óng rồi lảng mắt đi chỗ khác.
“Chỗ này hồi trước toàn là những nhân vật hay ho; kể cả vào buổi trưa. Cyprian thì chỉ muốn tới Wiltons, mà ở đó toàn mấy tay đóng bộ cứng nhắc...”
“Cyprian là chồng của bà à?” Strike hỏi.
Strike biết chắc hỏi như vậy không khác gì kim châm vào bà ta, vì hắn vừa vượt qua ranh giới vô hình giữa hai người. Rõ là bà ta nghĩ hắn đang tự cho mình quyền nói xen vào, chỉ vì hắn ngồi cùng bàn với họ. Bà ta khẽ cau mày. Bristow nhanh nhảu lên tiếng để lấp đi sự im lặng khó chịu.
“Đúng rồi, Ursula là vợ của Cyprian May, một trong những thành viên cấp cao của công ty.”
“Vậy nên tôi được giảm giá khi làm thủ tục ly dị,” Tansy nói thêm, khẽ cười chua chát.
“Và ông chồng cũ sẽ nổi điên lên nếu báo chí lại nhảy vào,” Ursula lên tiếng, đôi mắt sẫm màu nhìn chằm chằm vào mắt Strike. “Bên công ty vẫn còn đang cố dàn xếp điều khoản ly dị. Nếu ồn ào trở lại thì phần của Tansy sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh nên kín tiếng là hơn.”
Strike cười nhạt, quay lại phía Tansy:
“Như vậy bà cũng có quen biết Lula Landry, đúng không bà Bestigui? Em rể của bà là đồng nghiệp của John mà?”
“Nhưng không ai nhắc tới chuyện đó cả,” bà ta đáp, trông có vẻ bắt đầu phát chán.
Bồi bàn trở lại để ghi các món ăn. Sau khi anh ta đi khỏi, Strike rút cuốn sổ và cây viết ra.
“Anh làm gì vậy?” Tansy lớn giọng hỏi, vẻ hốt hoảng “Không được viết gì lại hết! John?” Bà ta quay qua phía Bristow, ông ta nhìn Strike vừa bối rối vừa có vẻ xin lỗi.
“Anh nghe mà khỏi ghi có được không hả Cormoran?”
“Không sao cả,” Strike nhẹ nhàng đáp, rút điện thoại ra đặt thế vào chỗ cuốn sổ và cây viết. “Bà Bestigui...”
“Anh gọi tôi là Tansy cũng được,” bà ta đáp, có ý đấu dịu sau khi phản đối cuốn sổ.
“Cảm ơn bà rất nhiều,” Strike nói tiếp, thoáng chút mỉa mai. “Bà quen biết Lula thế nào?”
“Không quen gì cả. Cô ta chỉ ở đó có ba tháng. Gặp nhau thì chào vậy thôi. Cô ta không ưa gì tụi tôi hết, vì tụi tôi không đủ sành điệu. Nói thật ở chung tòa nhà với cô ta rất là chán. Phóng viên ngày nào cũng chầu chực ngay trước cửa. Tôi đi tập thể dục cũng phải trang điểm.”
“Tôi tưởng trong tòa nhà có phòng gym?” Strike hỏi.
“Nhưng tôi tập Pilates với Lindsey Parr,” Tansy đáp, có vẻ bực tức. “Anh nói y hệt Freddie; lúc nào cũng càm ràm là tôi không dùng mấy thứ có sẵn trong nhà.”
“Freddie có thân với Lula không?”
“Gần như không quen biết, nhưng không phải là do lão ấy muốn vậy. Lão từng dụ Lula đóng phim; rất nhiều lần mời cô ta xuống nhà chơi. Cô ta không bao giờ nhận lời cả. Lão còn đi theo chân Lula tới tận nhà của Dickie Carbury dịp cuối tuần trước khi cô ta chết. Hôm đó tôi đi chơi với Ursula.”
“Tôi không hề biết chuyện đó,” Bristow lên tiếng, hơi hoảng hốt.
Strike để ý thấy Ursula nhếch mép cười với chị. Hắn có cảm giác như bà ta nãy giờ vẫn đang tìm cách nhìn Tansy đầy ẩn ý nhưng Tansy lờ hẳn đi.
“Thực ra sau đó tôi mới biết,” Tansy nói với Bristow. “Freddie cậy cục có được một vé mời dự tiệc từ Dickie. Hôm đó đủ mặt hết; Lula, Evan Duffield, Ciara Porter – nguyên một băng nghiệp ngập chuyên chường mặt lên báo ra vẻ sành điệu nọ kia. Freddie chắc hẳn lạc lõng lắm. Tuổi lão ta cũng không già hơn Dickie bao nhiêu, nhưng trông cứ như ông cụ,” bà ta hằn học nói thêm.
“Chồng bà có kể gì thêm về dịp cuối tuần đó không?”
“Không kể gì hết. Ba tuần sau đó tôi mới biết, do Dickie lỡ miệng nói ra. Tôi chắc là lão Freddie đi chỉ để o bế Lula.”
“Ý bà là,” Strike hỏi tiếp, “ông Bestigui quan tâm tới cô Lula theo kiểu kia, hay…?”
“À, tôi biết lão thích Lula quá đi chứ. Lão ta lúc nào cũng khoái gái da đen hơn gái tóc vàng. Nhưng có một thứ lão ta còn mê hơn nữa, là làm sao lôi kéo mấy đứa đang nổi đình nổi đám vào phim. Lão ta làm mấy tay đạo diễn tức điên vì suốt ngày cố chèo kéo cho được bọn này để báo chí chú ý. Tôi cá là lúc đó lão đang hi vọng nài được Lula ký hợp đồng với lão.” Tansy nói thêm, tỏ ra khôn ngoan bất ngờ, “Tôi chẳng lạ nếu lão đã sắp đặt sẵn cho cô ta với Deeby Macc. Cứ tưởng tượng bọn nhà báo sẽ phản ứng ra sao, hai người này trước giờ đã quá rùm beng rồi mà. Freddie rất có tài mấy chuyện đó. Lão ta ghét báo chí dòm ngó đời tư bao nhiêu thì thích báo chí chú ý vào phim của lão bấy nhiêu.”
“Ông nhà có quen Deeby Macc không?”
“Không, trừ khi có làm quen được sau khi tụi tôi chia tay. Trước khi Lula chết lão còn chưa gặp Macc bao giờ. Trời đất, lão nhắng cả lên khi nghe tin Macc chuẩn bị dọn vô ở đó. Chưa gì đã nói chuyện mời anh ta thử vai.”
“Thử vai gì?”
“Tôi không biết,” bà ta cấm cảu. “Bất kỳ vai gì. Macc có sức hút rất lớn; Freddie dễ gì bỏ qua cơ hội như vậy. Có khi lão ta còn viết sẵn một vai dành riêng cho Macc nếu anh ta quan tâm. Rồi lão sẽ chạy theo o bế anh ta. Rồi kiểu gì cũng khoe là có bà ngoại người da đen.” Giọng Tansy đầy khinh bỉ. “Khi gặp người nổi tiếng da đen lão ta luôn giở trò đó, cứ khoe khoang là có bà ngoại người Malay. Làm như kinh lắm.”
“Có đúng bà ngoại ông ta là người Malay thật không?” Strike hỏi.
Bà ta bật cười khẽ.
“Tôi không biết. Tôi đã bao giờ gặp ông bà của Freddie đâu? Lão Freddie già khú đế rồi. Tôi chỉ biết nếu có hơi tiền thì lão ta nói gì cũng được.”
“Vụ làm phim với cả Lula và Macc có đi đến đâu không?”
“À, chắc chắn là Lula rất khoái chí khi lão mời; hầu hết đám gái người mẫu đều thèm một cơ hội để chứng tỏ mình làm được gì đó hơn là chỉ nhìn vô camera mà. Nhưng cô ta chưa ký cọt gì cả, đúng không John?”
“Theo tôi biết thì chưa,” Bristow đáp. “Mặc dù… nhưng đó lại là chuyện khác,” ông ta hạ giọng lẩm bẩm, mấy nốt hồng đỏ lại lấm tấm trên mặt. Bristow ngập ngừng. Thấy Strike vẫn nhìn chăm chú ông ta liền nói tiếp:
“Vài tuần trước ông Bestigui có tới thăm mẹ tôi, không báo trước gì cả. Mẹ tôi đang rất ốm, và… tôi không muốn…”
Bristow nhìn Tansy, hết sức bối rối.
“Anh cứ nói, tôi không quan tâm,” bà ta nói, có vẻ không quan tâm thực sự.
Bristow chu miệng, khụt khịt mũi, đám răng thỏ tạm thời biến mất.
“Chuyện là, ông ta muốn nói chuyện với mẹ tôi để làm một bộ phim về cuộc đời của Lula. Ông ta cố tỏ ra tế nhị, chu đáo nọ kia. Muốn được gia đình tôi ủng hộ, muốn có được sự đồng ý chính thức, anh biết đó. Lula mới mất có ba tháng… Mẹ tôi đau khổ không tưởng được. Không may là lúc ông ta tới tôi không có ở nhà,” Bristow nói, ý là thường thì ông ta luôn ở bên canh chừng bà mẹ. “Thực ra tôi ước gì mình có mặt lúc đó. Tôi cũng muốn nghe ông ta trình bày thử. Ý tôi là, tôi chẳng thiết gì chuyện phim phiếc, nhưng nếu ông ta có thuê người tìm hiểu về cuộc đời Lula thì biết đâu ông ta lại biết thêm điều gì khác?”
“Điều gì kia?” Strike hỏi
“Tôi không biết. Chuyện về Lula khi còn nhỏ chẳng hạn? Trước khi nó về với nhà tôi.”
Bồi bàn mang món khai vị đặt trước mặt cả bốn người. Strike đợi cho anh ta đi hẳn, rồi hỏi Bristow tiếp:
“Ông có bao giờ nói chuyện với ông Bestigui chưa? Có bao giờ hỏi xem ông ta biết gì khác về Lula mà gia đình không biết chưa?”
“Việc đó rất khó,” Bristow trả lời. “Khi cậu Tony nghe tin, cậu gọi ngay cho ông Bestigui để phản đối việc ông ta quấy rầy mẹ tôi, theo như tôi biết hai người cãi nhau kịch liệt. Tôi nghĩ ông Bestigui không muốn gặp thêm người nào nữa trong gia đình tôi đâu. Tất nhiên ở đây cũng có cái mắc míu là công ty của tôi đang làm thủ tục ly dị cho Tansy. Thực ra cũng không có gì, vì công ty chỗ tôi là công ty hàng đầu về luật hôn nhân gia đình, Ursula lại là vợ của Cyprian, nên chuyện Tansy thuê tụi tôi cũng là tất nhiên… Nhưng tôi chắc ông Bestigui sẽ không niềm nở gì với gia đình tôi.”
Mặc dù tập trung vào ông luật sư nhưng Strike vẫn giữ tầm nhìn bao quát rất tốt. Ursula vừa nhếch mép cười với bà chị. Hắn tự hỏi không biết bà ta cười chuyện gì. Uống tới ly rượu thứ tư rồi thì tâm trạng vui vẻ lên cũng là phải thôi.
Strike ăn xong món khai vị, quay sang Tansy. Bà ta vẫn đang khều qua đẩy lại mớ đồ ăn còn y nguyên trên đĩa.
“Bà với ông nhà ở đó bao lâu thì Lula dọn vào?”
“Khoảng một năm.”
“Lúc cô ấy dọn vào có ai ở căn hộ tầng giữa không?”
“Có,” Tansy trả lời. “Hai vợ chồng người Mỹ và đứa con trai nhỏ ở đó được khoảng sáu tháng, nhưng không lâu sau khi Lula dọn tới thì họ về Mỹ. Sau đó bên công ty quản lý không tìm được ai muốn thuê cả. Khủng hoảng kinh tế mà, anh biết rồi đó. Nhà ở đó giá cắt cổ. Vậy là để trống cho tới khi hãng đĩa thuê cho Deeby Macc.”
Cả hai chị em chợt nhãng đi khi một người đàn bà đi ngang qua. Người này mặc áo khoác bằng len móc mà theo quan điểm thẩm mỹ của Strike là vô cùng dị hợm.
“Áo khoác Daumier-Cross,” Ursula lên tiếng, hai mắt nhíu lại trên ly rượu. “Nghe đâu đặt hàng phải đợi chừng sáu tháng kia…”
“Không phải, áo Pansy Marks-Dillon chứ,” Tansy nói. “Mặc vào là được xếp vào nhóm biết ăn mặc đẹp nhất ngay, nếu ông chồng có gia tài khoảng năm chục triệu bảng. Freddie giàu mà bần tiện nhất thế giới; tôi mua đồ mới toàn phải giấu giếm, hoặc giả bộ là đồ nhái. Nhiều khi lão ta chán không chịu được.”
“Trông cô lúc nào cũng xinh đẹp mà,” Bristow lên tiếng, mặt ửng hồng.
“Còn anh thật tử tế,” Tansy đáp, giọng chán nản.
Người bồi bàn trở lại để dọn đĩa.
“Anh đang nói gì ấy nhỉ?” Bà ta hỏi Strike “À, vụ mấy căn hộ. Deeby Macc dọn vô… chỉ có điều chưa kịp tới nơi thì đã dọn ra lại. Freddie tức điên lên khi biết tin. Vì lão ta đã lỡ mua hoa hồng để sẵn trong đó. Khéo vẽ trò rẻ tiền.”
“Bà có quen biết gì với Derrick Wilson không?” Strike hỏi tiếp.
Bà ta chớp mắt.
“Ông ta làm bảo vệ; tôi quen kiểu gì? Thấy cũng được. Freddie hay nói là khá nhất trong đám đó.”
“Thật sao? Tại sao vậy?”
Bà ta nhún vai.
“Tôi không biết, anh đi mà hỏi Freddie. Chúc may mắn,” Bà ta nói thêm, cười khẩy. “Có mà trời sập thì lão mới chịu nói chuyện với anh,”
“Tansy,” Bristow lên tiếng, hơi nghiêng về phía bà ta. “Sao cô không kể lại cho Cormoran nghe là hôm đó cô nghe thấy gì?”
Strike ước gì Bristow đừng can thiệp.
“À,” Tansy đáp. “Lúc đó khoảng hai giờ sáng, tôi khát nước.”
Giọng bà ta không hề có cảm xúc. Strike để ý bà ta đã sửa lại câu chuyện, không còn giống với lời khai bên cảnh sát.
“Tôi đi vào nhà tắm. Khi tôi đi ra phòng khách, ngay trước phòng ngủ, tôi nghe có tiếng la hét. Cô ta nói ‘Muộn rồi. Đã xong hết rồi,’ và một người đàn ông nói, ‘Mày là con láo toét khốn nạn,’ rồi ông ta ném Lula xuống. Rồi tôi thấy cô ta rơi xuống.”
Tansy đưa tay ra hai bên, làm động tác giật giật, diễn tả lại tư thế rơi xuống của Lula.
Bristow đặt ly rượu xuống bàn, trông ông ta như sắp nôn. Món chính được mang ra. Ursula lại uống rượu. Tansy và Bristow đều không động đũa. Strike cầm nĩa lên bắt đầu ăn, cố không ngấu nghiến món rong biển puntarelle và cá cơm.
“Tôi la lên,” Tansy thầm thì. “Tôi không thể nhịn được, cứ la lên. Tôi chạy khỏi căn hộ, Freddie đang ngồi đó, tôi chạy xuống cầu thang. Tôi chỉ muốn nói với bảo vệ là trên lầu có người lạ, kêu họ lên bắt người đó đi.
“Wilson từ phòng sau chạy ào ra. Tôi kể hết với ông ta, ông ta chạy ngay ra đường để xem cô Lula, thay vì chạy lên cầu thang. Ngu quá sức. Biết đâu lúc đó ông ta chạy liền lên cầu thang thì đã bắt được tên đó rồi! Sau đó Freddie đi xuống và cố đưa tôi lên nhà lại, vì khi đó tôi mặc đồ sơ sài.
“Wilson quay trở vào nói là cô ta đã chết, rồi nhờ Freddie gọi cho cảnh sát. Freddie gần như kéo tôi lên lầu… lúc đó tôi bị kích động mạnh… rồi lão gọi 999 từ phòng khách nhà tôi. Rồi cảnh sát đến. Và không ai tin lời tôi cả.”
Bà ta nhấp một ngụm rượu, đặt ly xuống và khẽ nói:
“Nếu Freddie biết chuyện tôi đi gặp anh, lão sẽ nổi đóa.”
“Nhưng cô chắc chắn mà, phải không Tansy,” Bristow lại chen ngang, “chắc chắn là cô nghe thấy tiếng người đàn ông trên đó?”
“Đương nhiên rồi,” Tansy đáp. “Tôi vừa mới nói còn gì? Chắc chắn là trên đó có người.”
Điện thoại di động của Bristow đổ chuông.
“Xin phép,” ông ta lẩm bẩm. “Alison… hả?” ông ta trả lời điện thoại.
Strike nghe thấy giọng trầm của bà thư ký, nhưng không nghe rõ từng từ.
“Xin phép tôi đi ra ngoài một lát,” Bristow nói, trông có vẻ bối rối, rồi đứng dậy đi ra khỏi bàn.
Gương mặt mịn màng của cả hai chị em lộ vẻ thích thú đầy ác ý. Họ liếc nhìn nhau. Ursula đột ngột quay sang hỏi Strike:
“Anh gặp Alison chưa?”
“Chỉ gặp thoáng qua.”
“Anh có biết hai người đó cặp nhau không?”
“Có biết.”
“Thật tội nghiệp,” Tansy nói. “Cô ta cặp với John, nhưng lại thích mê Tony. Anh gặp Tony chưa?”
“Chưa.” Strike trả lời.
“Tony là một trong những thành viên cấp cao trong công ty, cũng là cậu của John, anh biết không?”
“Biết.”
“Rất phong độ. Đâu có thèm để mắt tới Alison. Nên chắc cô ta xài đỡ John vậy.”
Vụ thất tình đơn phương của Alison dường như khiến hai chị em rất thỏa mãn.
“Mấy người trong văn phòng có biết vụ này không?”
“Biết chứ,” Ursula hào hứng. “Cyprian nói cô ta thật không biết xấu hổ, cứ bám lấy Tony như con chó con.”
Có vẻ như Ursula không còn ác cảm với Strike nữa. Hắn chẳng ngạc nhiên gì. Hắn đã gặp nhiều người như vậy. Dường như ai cũng thích nói; rất ít ngoại lệ; vấn đề là làm sao để người ta nói. Một vài người, chẳng hạn như Ursula thì cứ rượu vào lời ra; có người thì thích được chú ý; cũng có người chỉ cần đứng gần người khác là nói. Một số người sẽ mở máy liên tục nếu rà trúng đài: chẳng hạn nói về sự vô tội của mình, hay tội lỗi của người khác; hay bộ sưu tập hộp bánh quy tiền chiến của mình; hay như quý bà Ursula May này là chuyện tình đơn phương của cô thư ký kém sắc.
Ursula nhìn Bristow ngoài cửa sổ. Ông ta đứng trên vỉa hè, nói rất nhiều vào điện thoại, thỉnh thoảng đi qua đi lại. Ursula có vẻ đã bắt đầu nóng máy, bà ta nói tiếp:
“Tôi biết thừ ông ta đang nói gì. Mấy người thừa kế của Conway Oates đang càm ràm vụ công ty xử lý di chúc. Conway Oates là tay tài phiệt người Mỹ, anh biết không? Cyprian và Tony đang đau đầu vụ đó, bắt John chạy đứ đừ để o bế họ. John lúc nào cũng nhận phần thiệt.”
Giọng bà ta nghe có vẻ cay độc hơn là thông cảm.
Bristow trở lại bàn, trông rất bối rối.
“Xin lỗi, Alison phải chuyển cho tôi vài tin nhắn,” ông ta phân trần.
Bồi bàn trở lại dọn đĩa. Strike là người duy nhất ăn sạch sẽ. Khi người bồi bàn đi xa, Strike lên tiếng:
“Bà Tansy, bên cảnh sát loại lời khai của bà vì họ nghĩ là bà không thể nghe được gì cả.”
“Nhưng họ sai, phải không?” bà ta sầm mặt ngắt lời Strike. “Tôi có nghe rõ ràng.”
“Mặc dù cửa sổ đã đóng chặt?”
“Cửa sổ mở,” bà ta nói, không nhìn thẳng vào mắt ai cả. “Hôm đó rất bí. Tôi mở cửa sổ khi đi rót nước.”
Strike chắc chắn nếu tiếp tục ép, bà ta sẽ không chịu trả lời gì nữa.
“Bên cảnh sát cũng có nói là bà dùng cocaine.”
Tansy hừ giọng, vẻ thiếu kiên nhẫn.
“Thôi được,” bà ta nói. “Lúc ăn tối tôi có xài một chút, được chưa? Cảnh sát phát hiện ra chỗ còn dư trong buồng tắm khi họ khám nhà. Tối hôm đó tụi tôi phải tiếp hai vợ chồng nhà Dunnes. Phát ngấy lên được. Ai nghe họ nói chuyện cũng phải làm vài tép mới sống nổi. Nhưng tôi không hề tưởng tượng ra tiếng nói trên lầu. Sự thật là có một người đàn ông trên đó, ông ta giết Lula. Chính ông ta giết Lula,” Tansy lặp lại, trừng mắt nhìn Strike.
“Bà nghĩ là sau đó ông ta đi đâu?”
“Làm sao tôi biết được? John trả tiền cho anh để anh điều tra kia mà. Ông ta lẻn ra bằng cách nào đó. Có thể là leo qua cửa sổ đằng sau. Có thể trốn trong thang máy. Cũng có thể đi ra từ dưới hầm đậu xe. Tôi làm sao biết ông ta trốn ra bằng cách nào, tôi chỉ biết ông ta có ở đó.”
“Tụi tôi tin cô mà,” Bristow vội vã đỡ lời. “Tụi tôi tin cô, Tansy à. Cormoran phải hỏi những câu như vậy để mà… hình dung hết sự việc hôm đó.”
“Cảnh sát cố chứng minh là tôi nói dối,” Tansy nói tiếp, lơ Bristow và nhìn thẳng vào Strike. “Họ tới quá trễ, thủ phạm đã đi mất rồi, nên đương nhiên là họ phải tìm cách bao che. Nếu không ở trong hoàn cảnh của tôi, suốt ngày phải đối mặt với báo chí, anh không thể nào hiểu được. Như sống trong địa ngục vậy. Tôi phải đi an dưỡng để tránh xa hết. Tôi không tin nổi là báo chí được phép làm những việc như vậy ở cái đất nước này; tất cả chỉ vì tôi nói thật, nực cười là ở chỗ đó. Đáng ra tôi ngậm miệng quách cho xong. Nếu biết trước vậy, tôi đã không nói gì hết.”
Bà ta xoay chiếc nhẫn kim cương quanh ngón tay.
“Khi Lula rớt xuống thì Freddie vẫn còn ngủ đúng không?” Strike hỏi tiếp.
“Đúng rồi.” bà ta trả lời.
Tansy đưa tay lên trán, làm như đang vuốt tóc. Người bồi bàn quay lại đem theo thực đơn tráng miệng. Strike không thể hỏi thêm gì cho tới khi tất cả đều đã gọi món. Cũng chỉ có Strike dùng món tráng miệng; bà người còn lại đều chỉ gọi cà phê.
“Vậy Freddie ra khỏi giường lúc nào?” hắn hỏi Tansy ngay khi người bồi bàn vừa đi khỏi.
“Ý anh là sao?”
“Bà nói ông ta còn nằm trong giường khi Lula rơi xuống, vậy ông ta tỉnh dậy khi nào?”
“Khi nghe tiếng tôi la hét,” bà ta trả lời, như thể câu hỏi quá thừa. “Tôi làm lão thức dậy còn gì?”
“Vậy ông ta phải di chuyển rất nhanh.”
“Tại sao?”
“Bà nói là: ‘Tôi chạy khỏi căn hộ, Freddie đang ngồi đó, tôi chạy xuống cầu thang.’ Vậy là Freddie đã có mặt trong phòng khách trước khi bà chạy xuống báo với Derrick?”
Tansy sựng lại vài giây.
“Đúng rồi,” bà ta nói, vuốt mái tóc hoàn hảo, tay che ngang mặt.
“Vậy là ông ta đang ngủ mà chỉ mất có mấy giây để ra ngồi tỉnh táo trong phòng khách? Bởi vì lúc nãy bà kể là bà bắt đầu la lên và chạy xuống ngay sau đó?”
Lại một thoáng lặng ngắt.
“À,” bà ta nói tiếp. “À… tôi không biết. Tôi nghĩ lúc đó tôi hét lên… có thể hét trong lúc bất động… có lẽ tôi đứng im một lúc… tôi quá sốc mà… rồi Freddie chạy ào ra từ phòng ngủ, rồi tôi mới chạy qua mặt lão.”
“Bà không dừng lại để kể vừa mới thấy gì à?”
“Tôi không nhớ.”
Bristow lại nhấp nhổm muốn nói chen. Strike đưa tay lên cản; nhưng Tansy đã kịp đổi đề tài, Strike đoán là bà ta đang tránh nói đến ông chồng.
“Tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện làm sao sát thủ lẻn vô được, chắc hẳn là hắn đã đi theo Lula ngay buổi sáng hôm đó, vì Derrick Wilson hay bỏ bàn trực để đi vệ sinh. Tôi nghĩ sau vụ này đáng ra phải đuổi thẳng Wilson. Tôi biết chắc ông ta hay chuồn ra phòng sau để ngủ. Tôi không biết làm cách nào sát thủ lại biết mật mã khóa, nhưng tôi chắc hắn đi theo đường đó.”
“Bây giờ bà có thể nhận ra giọng của người đó không? Giọng người la hét tối hôm đó ấy?”
“Chắc không,” bà ta nói. “Chỉ là giọng đàn ông thôi. Có thể là bất kỳ ai. Chẳng có gì đặc biệt. Sau đó tôi có nghĩ, Phải chăng là Duffield?” bà ta nói, vẫn nhìn chăm chú vào Strike, “bởi vì trước đó tôi từng nghe Duffield la hét trên lầu. Lần đó Wilson phải tống cổ nó ra còn nó thì cứ cố đá vào cửa nhà Lula. Tôi chẳng hiểu sao một cô gái xinh như vậy mà lại theo một thằng như Duffield,” bà ta bổ sung.
“Nhiều người thấy anh ta sexy mà,” Ursula thêm vào, tay rót nốt chỗ rượu trong chai vào ly, “nhưng tôi chẳng thấy hấp dẫn chỗ nào. Trông lôi thôi gớm ghiếc thì có.”
“Mà lại,” Tansy tiếp, vừa nói vừa xoay tròn chiếc nhẫn kim cương, “chẳng có tiền bạc gì.”
“Nhưng bà không nghĩ đó là giọng của Duffield?”
“À, như tôi nói đó, cũng có thể,” bà ta đáp, nhún nhẹ vai vẻ thiếu kiên nhẫn. “Nhưng anh ta có chứng cứ ngoại phạm còn gì? Nhiều người nói không hề thấy anh ta ở Kentigern Gardens đêm đó. Rồi cả chuyện anh ta ở nhà Ciara Porter còn gì? Con đĩ.” Tansy nói thêm, cười khẩy. “Bồ của bạn thân cũng chơi.”
“Họ ngủ với nhau à?” Strike hỏi
“Ơ, thế anh nghĩ gì?” Ursula bật cười, cứ như câu hỏi quá ngây thơ. “Tôi quá biết Ciara Porter, nó biểu diễn trong một chương trình từ thiện tôi làm. Vừa lầy vừa dốt.”
Cà phê và món tráng miệng kẹo bơ của Strike được mang ra.
“Xin lỗi anh, John, nhưng rõ là Lula không biết chọn bạn,” Tansy nói, nhấp cà phê espresso. “Ciara, rồi cả Bryony Radford. Mặc dù con đó chẳng phải bạn bè gì, nhưng nếu là tôi thì tôi không đời nào đi tin một đứa như vậy.”
“Bryony là ai vậy?” Strike giả vờ hỏi (hắn vẫn còn nhớ người này).
“Chuyên viên trang điểm, chém rất đẹp. Cũng là một đứa chẳng ra gì,” Ursula nói. “Tôi có thuê nó một lần, hồi đi dự tiệc của Tổ chức Gorbachev và sau đó gặp ai nó cũng nói…”
Ursula tự nhiên dừng bặt, đặt ly rượu xuống và cầm tách cà phê lên. Strike mặc dù thấy không có liên quan nhưng vẫn khá tò mò không biết Bryony đã nói gì. Hắn vừa định mở miệng thì Tansy cắt ngang.
“À rồi còn cái đứa gớm ghiếc mà Lula hay đưa về nhà nữa, John, anh nhớ không?”
Tansy nhìn Bristow, nhưng ông này có vẻ ngơ ngác.
“Anh nhớ không, cái con… da đen gớm ghiếc mà thỉnh thoảng Lula lại kéo về. Hình như là dân lang thang. Nó… hôi rình. Nó mà vừa từ thang máy ra là biết ngay. Lula còn cho nó xài bể bơi nữa. Tôi cứ tưởng bọn đen không biết bơi chứ?”
Bristow hấp háy mắt liên tục, mặt đỏ lựng.
“Chẳng biết Lula chơi gì với con đó,” Tansy nói. “Chắc anh phải nhớ chứ John. Nó mập ú. Rất lôi thôi. Trông hơi khùng khùng.”
“Tôi không…” Bristow lẩm bẩm.
“Có phải là Rochelle không?” Strike hỏi.
“À đúng rồi, chắc nó đó. Hôm đám tang nó cũng đi,” Tansy nói. “Tôi để ý thấy. Nó ngồi ngay đằng sau.”
“Bây giờ anh nghe đây,” bà ta giương cặp mắt sẫm màu nhìn thẳng vào Strike, “việc hôm nay không có gì chính thức cả. Không thể để Freddie biết tôi có gặp anh. Tôi sẽ không đụng chạm gì tới bọn báo chí nữa. Làm ơn tính tiền,” Bà ta nói như sủa vào người bồi bàn.
Khi hóa đơn được đem ra, bà ta đưa luôn cho Bristow mà không nói gì thêm.
Hai chị em Tansy chuẩn bị ra về. Cả hai hất mái tóc nâu bóng mượt ra sau, bắt đầu mặc những chiếc áo khoác đắt đỏ. Vừa lúc đó cánh cửa nhà hàng mở ra. Một người đàn ông cao gầy mặc comlet, khoảng chừng sáu mươi tuổi bước vào và đi thẳng tới bàn của bốn người. Tóc ông ta ngả bạc, trông rất quý phái, áo quần không chê vào đâu được. Đôi mắt xanh tái của ông ta toát lên một vẻ lạnh lùng khó tả. Ông ta bước đi nhanh nhẹn, dứt khoát.
“Thật là ngạc nhiên,” ông ta nhẹ nhàng cất tiếng khi tiến tới ngay giữa hai người đàn bà. Chỉ Strike nhìn thấy ông ta bước vào, cả ba người kia đều sốc và xem ra chẳng vui vẻ gì khi thấy ông ta. Tansy và Ursula sững sờ giây lát, Ursula vẫn đang rút chiếc kính râm ra khỏi túi.
Tansy hoàn hồn trước.
“Cyprian,” bà ta nói, đưa má cho ông ta hôn. “Ngạc nhiên vậy!”
“Cứ tưởng em đang đi mua sắm chứ Ursula?” ông ta nói, nhìn bà vợ trong khi hôn nhẹ xã giao lên má Tansy.
“Tụi em đi ăn trưa luôn, Cyps à,” bà ta nói ngay nhưng mặt bắt đầu tái. Strike cảm thấy không khí chung quanh ám đặc lại.
Người đàn ông lớn tuổi liếc mắt về phía Strike rồi đảo sang Bristow.
“Tôi cứ tưởng Tony làm vụ li dị cho chị, đúng không Tansy?” ông ta hỏi.
“Đúng vậy,” Tansy đáp. “Hôm nay không có dính gì tới công việc cả, Cyps. Chỉ là ăn uống xã giao thôi.”
Ông ta mỉm cười lạnh lùng.
“Vậy để tôi đưa hai quý cô về,” ông ta nói.
Hai người nhanh chóng chào Bristow, không đá động gì đến Strike và đi theo chồng Ursula ra cửa. Khi cánh cửa đóng lại, Strike quay sang hỏi Bristow:
“Chuyện gì vậy?”
“Người đó là Cyprian,” Bristow đáp. Ông ta lập cập rút thẻ tín dụng ra đặt trên hóa đơn. “Cyprian May. Chồng của Ursula. Thành viên cấp cao bên công ty. Ông ta sẽ không hài lòng nếu biết Tansy đi gặp anh. Tôi không biết làm sao ông ta biết được mình ở đây. Chắc là hỏi Alison.”
“Tại sao ông ta không muốn Tansy nói chuyện với tôi?”
“Tansy là chị vợ của ông ấy,” Bristow vừa nói vừa mặc áo khoác. “Ông ta sợ Tansy lại nói gì bậy bạ lần nữa. Kiểu gì tôi cũng sẽ bị rủa một trận cái tội năn nỉ Tansy gặp anh. Chắc giờ này ông ta đang gọi cho ông cậu tôi để càm ràm.”
Strike để ý thấy tay Bristow vẫn còn run.
Bristow ra về trong chiếc taxi do nhà hàng gọi giúp. Strike đi bộ ra khỏi Cipriani, vừa đi vừa tháo lỏng cà vạt, mải suy nghĩ đến suýt chút nữa thì bị một chiếc xe đằng sau đâm vào khi băng qua phố Grosvenor. Chiếc xe bấm còi inh tai, làm hắn giật cả mình.
Sau cú lay tỉnh kịp thời đó, Strike đi thẳng tới bức tường phai màu cạnh hiệu làm đẹp Elizabeth Arden Red Door Spa. Hắn tựa lưng vào tường, châm thuốc và rút điện thoại di động ra. Vừa nghe vừa tua nhanh đoạn ghi âm, hắn canh tới đoạn Tansy mô tả những việc xảy ra trước khi Lula rơi xuống.
… ngay trước phòng ngủ, tôi nghe có tiếng la hét. Cô ta nói “Muộn rồi. Đã xong hết rồi,” và một người đàn ông nói, “Mày là con láo toét khốn nạn,” rồi ông ta ném Lula xuống. Rồi tôi thấy cô ta rơi xuống.
Strike nghe được cả tiếng ly rượu của Bristow đặt xuống mặt bàn. Hắn tua ngược và nghe lại.
… nói “Muộn rồi. Đã xong hết rồi,” và một người đàn ông nói, “Mày là con láo toét khốn nạn,” rồi ông ta ném Lula xuống. Rồi tôi thấy cô ta rơi xuống.
Hắn nhớ lại điệu bộ của Tansy diễn tả cánh tay Landry buông xuống và vẻ kinh hoàng trên gương mặt lạnh như băng của bà ta. Bỏ điện thoại vào túi, hắn rút sổ ra ghi chép.
Strike đã gặp rất nhiều người nói dối. Hắn có thể ngửi ra ngay. Hắn biết rõ Tansy là một trong số đó. Rõ ràng bà ta không thể nghe thấy gì từ trong căn hộ. Từ đó cảnh sát kết luận hôm đó bà ta không nghe được gì cả. Thế nhưng, ngược hẳn với suy nghĩ trước đó của Strike và mặc cho tất cả bằng chứng đến lúc này đều cho thấy Lula Landry tự tử, hắn lại có cảm giác Tansy thực sự tin là bà ta có nghe tiếng cãi nhau trước khi Landry rơi xuống. Đó là phần nói thật duy nhất trong câu chuyện của bà ta, chút sự thật ít ỏi le lói giữa những lời bịa đặt.
Strike đứng thẳng người dậy, tiếp tục đi về phía đông dọc theo phố Grosvenor, lần này để ý xe cộ hơn, nhưng trong đầu vẫn nghĩ tới vẻ mặt, giọng nói và kiểu cách của Tansy khi mô tả những giây cuối cùng của Lula Landry.
Tại sao bà ta nói thật chỗ quan trọng nhất, nhưng tại bao quanh đó bằng những lời dối trá? Tại sao bà ta nói dối chuyện đang làm gì khi nghe thấy tiếng hét? Strike nhớ đến câu nói của nhà tâm lý học Alfred Alder: “Không có lý do gì để nói dối, trừ khi sự thật cũng đáng sợ không kém.” Hôm nay Tansy chịu đến Cipriani, coi như nỗ lực cuối cùng để tìm một người chịu tin lời bà ta, nhưng cùng lúc phải tin luôn những sự dối trá đi kèm.
Hắn đi nhanh, không để ý đến chân phải đang nhức nhối. Cuối cùng hắn nhận ra mình vừa mới đi dọc hết phố Maddox và tới phố Regent. Mái hiên màu đỏ của cửa hàng đồ chơi Hamleys vẫy gọi từ xa. Strike sực nhớ hắn định mua quà sinh nhật cho cháu trên đường về.
Strike bước vào, lơ đãng lướt qua cái thế giới sặc sỡ, đầy tiếng cót két và đèn chớp nháy liên tục chung quanh. Cứ vậy hắn đi từ tầng này đến tầng khác, không để ý cả những tiếng rì rì, vo ve của mấy chiếc máy bay đồ chơi đang lơ lửng và những con lợn máy liên tục ụt ịt chạy qua dưới chân. Cuối cùng, sau hai mươi phút, hắn tới gian hàng búp bê quân đội Hoàng gia. Hắn đứng đó, lặng yên, nhìn chăm chăm vào hàng ngũ lính hải quân và lính nhảy dù, nhưng hình như chỉ nhìn mà không thấy gì cả. Hắn còn không nghe cả tiếng thì thầm của mấy vị phụ huynh đứng gần đó. Họ đang cố đẩy mấy đứa trẻ con đi vòng qua người đàn ông to lớn đang mải nhìn vào hư vô, không dám lên tiếng nhờ hắn đứng nhích qua một bên.