Cô gái có vết bầm trên mắt - Chương 16

Cô gái có vết bầm trên mắt - Chương 16

Cô gái có vết bầm trên mắt
Chương 16

Ngày đăng
Tổng cộng 21 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 23983 lượt xem

Sau khi báo cho nhân viên thừa hành biết hai người sắp dự tiệc với bạn, Perry Mason và Della Street đến ngồi nơi tiền sảnh của một khách sạn nhỏ thường thấy nơi các quận ngoại thành. Luật sư lấy quyển vở mở ra cho Della cùng xem.
Câu chuyện kể bắt đầu năm năm trước. Mildred Danville gặp người tâm đầu ý hợp và diễn tả mọi nỗi niềm của một phụ nữ biết yêu, mong đợi một cuộc sống tốt đẹp. Mason lướt qua đoạn này mặc dù Della cứ muốn đọc từng dòng một.
Thế rồi đến một giai đoạn buồn đau, tuyệt vọng kéo dài từ tám đến mười ngày tóm tắt trong ba câu. Chỉ vào lúc ấy, Mildred Danville gặp Helen Bartesler và nhật ký kể tình bạn mở ra giữa hai người.
Helen Bartesler vừa mới mất một người chồng yêu thương và không có liên lạc gì với phía bên nhà chồng mà ông bố chồng coi cô ta như một tay mưu mẹo, kiếm tiền. Mildred lại chờ kết quả của mối tình đáng thương. Cả hai thường bàn định về tương lai của đứa bé sắp ra đời. Nếu đứa bé là con của Helen Bartsler thì người ta sẽ coi nó như con của một người anh hùng còn vì mẹ nó “không chồng mà chửa” thì cả đời nó mang vết nhơ là một đứa con hoang.
Hai người đàn bà liền quyết định đổi căn cước cho nhau. Cả hai đều cùng tuổi, cùng tóc vàng, cùng vóc người gần gần giống nhau. Đến ngày sinh, Mildred Danville mang giấy hôn thú của Helen Bartsler đi và người bác sĩ phụ sản chứng nhận khai sinh không bao giờ ngờ rằng đứa bé không phải là con của Robert và Helen Bartsler.
Lúc đầu Mildred nghĩ đến việc để cho người ta nuôi con nhưng số mệnh lại dẫn dắt khác đi. Hai người đàn bà cô đơn, thất vọng đều thương mến bé Robert không muốn rời.
Thế rồi mối quan hệ giữa Milderd và Helen càng ngày càng nặng nề. Mildred bắt đầu nhìn thấy Helen khác đi. Dần dần cô thấy người bạn gái chỉ là một kẻ lạnh lung, tính toán, ích kỷ, đầy hận thù, chỉ nhắm một mục đích là làm hại con người đã hạ nhục cô ta : Jason Bartsler. Đứa con của Mildred là một phương tiện trả thù của Helen và một ngày nào đó Helen cấm Mildred không được gặp con mình nữa.
Mildred đi hỏi kế một luật sư nhưng ông này trả lời không có cách gì cả. Mason ngừng đọc nói:
- Có lẽ ông này không tin và cho là cô ta bịa chuyện.
- Ông hãy đặt mình vào địa vị cô ta xem. Có phải Mildred cho đến lúc ấy đã có hành động như thế nào để không ai tin được điều ấy không.
Mason gật đầu rồi đề nghị:
- Bây giờ ta đọc đoạn cuối nhật ký. Có lẽ ở đây ta sẽ gặp một vài ý có liên quan đến việc đang xảy ra đây
- ồ, ông chủ…tôi rất muốn đọc hết cả quyển.
luật sư lắc đầu rồi lật nhanh các trang.
- Trung sĩ Holcomb có thể phản công không biết lúc nào. Trước hết ta phải xem những biến chuyển ngay trước vụ án đã.
- Có lẽ bắt đầu đoạn cô ta kể tại sao quen biết Diana để biết vì sao Diana lại gặp rắc rối.
- Hay đấy. – Mason tán thành – Xem nào, hai năm trước phải không?
Ông lật từng trang tìm ngày tháng.
- Đây rồi.
Mildred kể lại lần gặp gỡ đầu tiên và vẽ ra hình ảnh một người phụ nữ cùng kiệt, chán nản, trốn chạy một mối hiểm nguy trầm trọng. Một khoảng sau, cô ta nêu tên thật của Diana và nói về vụ chồng Diana bị ám sát. Mason kêu to:
- Trời ơi, tôi nhớ rồi. Người vợ bị nghi ngờ là thủ phạm.. Cô ta không bị bắt nhưng phải chịu thẩm vấn cả hàng chục lần. Chuyện đó xảy ra ở San Francisco và màn bí mật không được vén lên. Ồ! Nếu Holcomb biết được chuyện này thì cô Diana khốn khổ không có cách gì thoát được.
Luật sư lại chúi mũi vào đọc tiếp. Mildred kể lại chuyện Diana, cô bạn học cũ, đối với cô chỉ mong ước có một điều: quên và được quên. Mildred khuyên cô này nên đổi tên. Và vì Mildred là nghệ sĩ ở đài phát thanh nên nghĩ rằng Diana cũng có thể thành công về lĩnh vực này. Mildred khuyên Diana nên theo các khóa học rồi gặp dịp liền giới thiệu cho các bạn cô.
Mason ngưng đọc kêu lên;
- Đúng rồi, nếu Holcomb mà vớ được cuốn nhật ký này thì lão ta sẽ tung ra cho báo chí và Diana đến tiêu mất.
- Nhưng phía buộc tôi đâu có thể nhắc lại được chuyện ở San Francisco. – Della hỏi.
- Đâu có cần. Báo chí bàn tán cũng đủ cho cô ta bị kết án trước khi ra tòa.
- Bây giờ ông làm sao?
- Tôi sẽ tìm hiểu xem tại sao vết bầm của Diana lại đem kết quả là cái chết của Mildred?
- Ông chắc như thế sao?
- Tôi càng lúc càng có cảm giác như vậy.
Mason đọc nhanh vài trang nhưng không thấy gì lạ hết. Ông nhíu mày. Ngày 21 chỉ có câu khó hiểu này:
“ Người ta nói luật có ghi chín điểm về sự chiếm hữu mà tôi là ở điểm thứ mười”.
Quyển nhật ký chấm dứt ở đó.
Della Street nhìn Mason. Luật sư mở cặp lấy ra một phong bì lớn. Ông ghi tên, địa chỉ của Della, để quyển sổ vào, đóng dấu phong bì, dán tem rồi ném vào hộp thư trước cửa khách sạn.
- Xong rồi.
- Bây giờ ta làm gì nữa? – Della hỏi.
- Chúng ta trở về văn phòng cho ông Holcomb đến thăm. Nên để chấm dứt ngay từ bây giờ còn hơn là đợi đến tối bị dựng đầu dậy từ trên giường để lão khốn đó chìa tờ giấy lệnh tòa ra cho xem.
Hai người bước lên xe và Mason lái về hướng văn phòng. Bỗng ông lẩm bẩm:
- Trời, tôi chợt nghĩ ra chuyện gì đây…Á, à,à…
- Coi chừng! – Della kêu lên.
Mason lạng tay lái sang một bên vừa kịp tránh chiếc xe khác đi ngược chiều rồi đỗ sát vô vệ đường, tắt máy. Diana lo lắng nhìn ông.
- Ông mệt lắm à?
- Không, Della ạ nhưng tôi có giải đáp rồi.
- Giải đáp cái gì?
- Về tất cả vụ chó chết này. Đáng lẽ tôi phải biết ngay từ trước. Rõ ràng quá nên hóa ra không nhìn thấy.
- Sao thế?
- Này Della, ta hãy suy nghĩ một chút. Diana kể lại cho Mildred những chuyện xảy ra, chắc là cô ta phải nói thật sát sự thật…
Có tiếng còi hú cảnh sát làm cắt đứt lời giảng giải của Mason. Ông ngẩng đầu lên. Hai chiếc xe đen phóng đến, mỗi chiếc một bên. Della lẩm bẩm :
- ồ! ồ!
Một chiếc thuộc loại tuần tra còn chiếc kia là của Sở Cảnh sát. Người bước xuống khi xe ngừng là trung sĩ Holcomb dáng điệu hung hăng, theo sau là trung úy Tragg. Holcomb gầm lên:
- ông làm cái quái gì ở đây?
- Ông thấy rồi đó. Tôi đương bật diêm hút thuốc,- luật sư trả lời.
- À được rồi. Theo chúng tôi về Sở Cảnh sát.
- Ông có giấy bắt người không?
- Không cần.
- Tại sao?
- Ông phạm trọng tội.
- Trọng tội à? – Mason làm ra vẻ ngạc nhiên thực sự.
- Tội ăn trộm.
- Ồ, trung sĩ…- Mason cười to – Ông nên chịu khó tìm hiểu luật một chút.
- Đúng, tội ăn trộm. – Holcomb nghiêm giọng nói – Ông chớ tưởng là tôi kết tội vu vơ. Chúng tôi cho bắt người phu rác. Hắn kể rằng ông cho hắn 50 đola để hắn lén lút đưa cho ông cái sọt rác. Tôi nghĩ rằng vật mà ông tìm ở trong miếng bánh mì ấy.
- Như thế mà ông lại gọi là tội ăn trộm à?
- Rất đúng. Trộm với phương cách gian trá.
- Nhưng nhân viên của ông đã đưa miếng bánh cho người phu rác một cách có ý thức cơ mà.
- Trường hợp đó là bị lừa gạt.
- Không, trái lại. – Mason vặn – Có một điều luật gọi là luật về vật vô thừa nhận được áp dụng trong trường hợp này. Về mặt pháp lý. Miếng bánh ấy được vứt đi là vật vô thừa nhận. Còn điều này nữa, thưa ông trung sĩ. Chớ nên quên rằng tôi là người đại diện hợp pháp của Diana Regis và Mildred Danville có để lại một lá thư dành cho khách hàng của tôi được quyền thừa kế của cải. Cô Regis có ý định xin tòa xác nhận bức thư ấy như là bản di chúc và xin được chứng nhận mình là kẻ thừa kế của người quá cố. Như thế thì tôi không những có quyền mà còn có bổn phận phải thi hành một vài biện pháp để bảo vệ và thực hiện.
- Chúng ta không nên nói chuyện án lệ nơi đây. – Viên trung sĩ cắt đứt với dáng ngán ngẩm – Ông hãy coi chừng đấy và…
Tragg chen vào, giọng nói dàn hòa:
- Này, ông Mason xác nhận là ông chỉ thi hành những biện pháp bảo vệ, thì chúng tôi chỉ mong được liếc nhìn qua cuốn nhật ký xem thử có đáng được coi là tang vật không.
- Tang vật mang danh nghĩa gì? – Mason ngắt lời.
- Tôi không biết.
- Như thế thì ông không có quyền ấy.
- Chớ có quá quắt, ông Mason. – Tragg khuyên.
- Tôi không định làm quá đâu, ông trung úy ạ. Nhưng tôi không hiểu tại sao quyển nhật ký lại có thể coi như là tang vật được. Nó đâu có thể nạp vào hồ sơ…À này…làm sao ông tìm được chúng tôi?
- Chúng tôi cho báo động bằng radio khắp nơi. – Tragg càu nhàu: - Chiếc xe radio thấy được xe ông và báo cáo về…
- Phát minh radio thật kỳ diệu, nhất là để dành cho cảnh sát .
- Thôi ngừng đùa đi. – Holcomb gầm lên – Quyển nhật ký đâu?
- Trung sĩ ạ, tôi không muốn nói dối, vì như thế là dấu một vật làm tang chứng.
- Được, được, ông ranh. Nó ở đâu?
- Ông chú giữ mất rồi.
- Chú, chú nào?
- Chú Sam. Quyển nhật ký được để vào phong bì, ném ngay vào thùng thư là xong. Nếu bây giờ ông muốn coi đó là tang vật thì cứ hỏi Bưu chính bảo họ trả lại.
Mặt Holcomb chuyển đủ màu sắc như cầu vồng. Mọi người lặng ngắt. Rồi viên trung sĩ bùng lên:
- Không được. Ông không thể làm thế được. Đó là…
- Không, ông ta nói thực đấy trung sĩ ạ. – Tragg chen vào.
- Sao ông biết? - Holcomb rống lên.
- Bởi vì đó là việc giản dị nhất, thông minh nhất và đồng thời cũng hiệu quả nhất, - viên trung úy cay đắng thừa nhận.
Giọng của Tragg là giọng của người chịu thua và Mason cũng hiểu như thế. Ông xoay khóa xe, mở máy.
- Ồ, thưa quý vị. Tôi không biết được gì nhiều hơn.
- Ông biết trong quyển nhật ký có gì không? – Holcomb hỏi.
- Tất nhiên là biết rồi.
- Biết gì?
- Thôi đừng nhọc công mà hỏi nữa. – Tragg nói – Cứ theo cách này thì anh không đi tới đâu hết. Thà là ta đi đến ông biện lý xem thử có cách nào buộc nhà Bưu chính đưa ta cái gói ấy không?
- Tôi, thì tôi đưa hắn về Sở cảnh sát … - Holcomb gầm lên dáng hung dữ.
- …Và rồi. – Mason tiếp giọng nhỏ nhẹ - Ông sẽ kể cho báo chí nghe cách thức một nhân viên của ông đưa lại cho tôi mẩu bánh mì ấy. Chà, thật là một cách quảng cáo hay cho cảnh sát . Thật có lợi cho Diana. Này ông trung sĩ, lần này tôi bất cần quy tắc, luật lệ gì ráo…Nếu ông muốn bắt tôi, nhất định tôi không phản đối gì đâu.
Trung úy Tragg đặt bàn tay lên vai Holcomb.
- Đi, trung sĩ. Ta đến ông biện lý.
Mason sang số cho xe chạy. Della nói:
- Trời, ông chủ, tôi đổ mồ hôi hột!
- Cô bé, từ lúc này cho đến khi về văn phòng, chớ hỏi gì tôi cả. Tôi có cảm giác là nếu chỉ vi phạm luật lệ đi đường thì cảnh sát sẽ bảo là tôi lái xe bậy bạ trong lúc say rượu. Chiếc xe radio đi theo sát ta kìa.

Chương trước Chương sau