Cô gái có vết bầm trên mắt - Chương 01

Cô gái có vết bầm trên mắt - Chương 01

Cô gái có vết bầm trên mắt
Chương 01

Ngày đăng
Tổng cộng 21 hồi
Đánh giá 8.6/10 với 23970 lượt xem

Perry Mason ra hiệu cho cô thư ký lại gần và nói sẽ:
- Della, một cô tóc vàng với bên mắt tím bầm lúc nào cũng là một hình ảnh bất thường, trừ phi cô ta thuộc loại “quậy”. Cô ta có dáng như vậy không?
- Tôi không nghĩ thế, - Della Street đáp – rõ ràng cô ta có mối lo sợ ghê gớm về một chuyện gì đó... Cô ta có giọng nói thật hay, hình như là được sửa giọng.
- Đang ở phòng đọc sách à?
- Vâng.
- Ăn bận ra sao?
- Giày đen, chân không tất, áo măng tô lông thú. Gấu áo ngủ lòi ra ngoài. Thế thôi, không còn gì trên người nữa.
- Còn vết bầm?
- Trông mà phát ghê.
- Mắt phải hay trái?
- Mắt phải. Cô ta có mớ tóc vàng nhạt, mắt xanh to, mi dài. Chịu khó trang điểm, có thể rất xinh gái nếu mắt không có vết bầm. Theo mắt ông nhìn thì ông đoán cô ta 22 tuổi nhưng theo tôi ít ra cũng 26
- Cô ta tên gì?
- Diana Regia.
- Cái tên thật kỳ quặc
- Cô ta bảo tên cô ta đúng như thế.Dầu sao cô ta cũng đang ở tình trạng quá xúc động và hốt hoảng.
- Mắt có đỏ không?
- Tôi không để ý. Cô ta có dáng bồn chồn, lo lắng nhưng không phải loại phụ nữ mau nước mắt. Gặp trường hợp gay go, cô ta sử dụng trí óc nhiều hơn là nước mắt.
- Thôi được. Tôi sẽ gặp để hỏi lý do gì cô ta tìm đến tôi.
Ông mở cửa phòng đọc sách
Người phụ nữ trẻ tóc vàng vụt đứng lên, cao khoảng gần 1m60, nặng hơn 50 ký. Tay trái siết chặt vạt áo măng tô vào ngực. Vết bầm trên mắt tạo nên vẻ tương phản với những lọn tóc đẹp đẽ rủ trên đôi vai. Đầu trần.
Mason hỏi không cần giấu vẻ tò mò:
- Cô Regis? Xin mời cô ngồi xuống. Còn cô Della cô ngồi chỗ này... Cô Regis, đây là cô thư ký có nhiệm vụ ghi chép những lời trình bày của khách hàng, cô không thấy có điều gì bất tiện chứ? Nào tôi có thể giúp cô được gì?
Cô khách hàng nói nhanh, giọng xúc động nhưng không mất vẻ lịch sự:
- Thưa ông Mason, tôi đang ở tình trạng khó xử nhưng tôi sẵn sàng đối phó. Tôi đã suy nghĩ từ nửa đêm và quyết định phải làm một việc gì... về chuyện này.
Cô chỉ vào một bên mắt bị bầm.
- Tại sao cô không đến tìm tôi sớm hơn? – Mason hỏi.
- Tôi không có quần áo.
Luật sư cau mày. Cô gái cười như lạc điệu:
- Nếu ông có thì giờ, tôi xin trình bày thật chi tiết để ông rõ.
Mason nói với giọng lịch thiệp nhưng khá lạnh nhạt:
- Tôi đoán là ông xã đã tịch thu hết quần áo của cô sau một chuyện cãi lộn trong gia đình. Có thể cô bị nghi oan là lừa dối chồng cô và...
- Thưa ông Mason, hoàn toàn không phải thế. Tôi đã ly dị từ ba năm nay.
- Cô làm ở đài phát thanh?
- Thưa vâng. Nhưng làm sao ông biết?
- Giọng nói của cô.
- À!
- Quần áo của cô đâu?
- Tại nhà người chủ.
- Thật sao? Chuyện lạ lùng gì vậy?
- Mọi chuyện trong vụ này đều lạ lùng cả, - cô gái chua chát nói.
Liếc nhìn xem Della có ghi kịp những lời đối thoại không, Mason nói:
- Cô kể lại từ đầu cho tôi biết. Trước tiên hãy nói về bản thân cô.
- Tôi không biết mặt cha tôi và khi 12 tuổi thì mẹ chết. Tôi tin một đứa trẻ dù mồ côi nhưng vẫn có thể thành đạt trong cuộc sống, miễn là phải chịu khó, nên tôi quyết định học tập không ngừng. Tôi mới chỉ hết chương trình sơ học nhưng không bỏ lỡ dịp nào để nâng cao trình độ học vấn: học lớp buổi tối, lớp hàm thụ trong thư viện thành phố. Tôi học ghi tốc ký, đánh máy, làm nghề thư ký, sau chuyển sang làm xướng ngôn viên của đài phát thanh. Một hôm, tôi nhận được một lá thư. Một ông Jason Bartsler nào đó nghe tôi nói trên đài, thấy thích giọng tôi. Trong thư nói nếu tôi muốn một chỗ làm lương hậu thì ông ta sẽ mời tôi làm “ một việc thật dễ dàng, ít vất vả”
- Cô trả lời ra sao?
Cô gái nhăn mặt;
- Chúng tôi, những xướng ngôn viên, thường nhận hàng tá thư thuộc loại đó. Lời lẽ có thay đổi nhưng ý đồ đều giống nhau. Tôi ném vào sọt giấy.
- Rồi sao nữa?
- Tôi nhận thêm lá thứ hai, sau đó ông ta gọi điện thẳng đến đài. Lời lẽ thật nhã nhặn cho tôi biết ông ta phải đọc rất nhiều nhưng thị lực ngày càng giảm nên cần có một người đọc cho nghe. Nghe tôi nói trên đài, ông ta rất thích không những giọng nói mà cả cách diễn tả thông minh làm nổi bật ý nghĩa của bài nói. Tóm lại, tôi nhận lời và khi tiếp kiến, tôi thấy ông ta là con người rất đàng hoàng.
- Thế ông ta làm nghề gì?
- Trong ngành khai thác mỏ. Khoảng 55,56 tuổi, thích hưởng lạc nhưng không phải theo chiều hướng xấu. Tóm lại, ông ta ...ông ta là con người rất dễ mến.
Mason ừ hữ gật đầu, cô gái lại nói tiếp:
- Một quan niệm ông ta tâm đắc nhất là dân Mỹ quá cả tin. Ông ta quả quyết chúng ta tin tưởng vào bất cứ điều gì người ta nói, nhưng khi thưc sự tỏ ra trái ngược hẳn lại thì chúng ta phàn nàn hết thảy mọi người, trừ bản thân chúng ta. Còn về chuyện đọc sách, tôi thấy quá ngạc nhiên.
- Ngạc nhiên vì sao? – Mason quan tâm hỏi.
- Ông ta lựa chọn cẩn thận những bài báo trong các tạp chí có số lượng xuất bản lớn, do những chuyên gia có tầm cỡ viết và ông ta bắt tôi phải đọc thật to lên.
- Thế có điều gì lạ lùng trong đó?
- Những bài báo đó được viết ra cách đây từ bốn đến 20 năm.
- Chà, thế thì lạ thật rồi!
- Không biết ông có hiểu ý tôi không, nên tôi đưa ra vài thí dụ minh họa. Trước chiến tranh, nhiều chuyên gia nói rằng ta sẽ đánh tan hải quân Nhật nhanh đến nỗi không kịp cho họ hô to lên hai chữ “Thiên hoàng”. Một ví dụ khác: trong thời kỳ cấm rượu, có những bộ óc sáng suốt đã viết và nhắc lại nhiều lần là dù sao nhất định cũng phải cấm rượu. Thí dụ nữa: hàng tá những nhà kinh tế học xác nhận trong vài năm gần đây, số nợ của công khố đã lên tới 30 tỉ, có nghĩa là Nhà nước bị sụp đổ và một trong 50 bang sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn. Tất cả những bài báo đó đều do những bộ óc kiệt xuất nhất trong nước biên soạn với một lập luận không thể nào bác bỏ.
Mason không che giấu vẻ lúng túng, ông hỏi:
- Ông ta bảo cô đọc những bài báo đó nhằm mục đích gì? Dầu sao không có một nhà báo nào lại dám tự phụ cho mình là nhà tiên tri. Thông thường họ chỉ tập hợp những sự kiện và từ đó rút ra kết luận thôi.
Diana Regis bối rối cười:
- Tôi ngại rằng những lời giải thích không được rõ ràng, nhưng tôi không biết cách nào khác để ông hiểu được chuyện này. Nghĩa là ông Bartsler tin rằng đó là một cách thức lý tưởng nhất để ngăn ngừa trí óc ông ta khỏi sa vào những định kiến. Ông ta quả quyết biện pháp của ông ta là khả năng duy nhất để ngăn chặn một con người chộp nuốt tất cả những chuyện ba láp người ta đưa ra, dầu cho chúng có vẻ thật hợp lý.
- Trời đất! – Mason mỉm cười thừa nhận – Thật ra không phải dở, nhất là đối với một con người cố tình hoài nghi đến mức phi lý đó.
- Ông ta đã làm như vậy đó, lại còn quả quyết dân tộc Mỹ chỉ nên nghe những chuyện cổ tích, thần tiên thôi. Theo ông ta , chỉ cần người ta khuyên chúng ta nên làm như thế này hay thế kia, thế là chúng ta chui đầu vào bẫy ngay.
Mason có dáng càng lúc càng suy nghĩ. Cuối cùng ông nói:
- Tôi thật muốn làm quen với con người này. Bây giờ xin cho biết lý do cô đến gặp tôi.
- Chuyện do Carl Fretch gây ra và...
- Khoan đã, - ông ngắt lời – Chớ đặt cái cày trước con bò. Carl Fretch là ai?
- Con riêng của bà vợ kế ông ta. Một gã bại hoại hết mức nhưng lại cố ra vẻ đàng hoàng. Hắn muốn trở thành một diễn viên hài kịch lừng danh nhất của mọi thời đại. Hắn theo học những lớp về nghệ thuật sân khấu, suốt ngày chỉ nói về chuyện đó, nghĩ về chuyện đó. Mọi người trong nhà không ai từ chối hắn điều gì. Hắn có vẻ hào nhoáng bề ngoài để lừa gạt người khác, nhưng thực ra hắn là một tên thối tha nhất, ghê tởm nhất và đê tiện nhất trên đời này.
- Thế còn bà Bartsler ? – Mason hỏi dò.
- Một con điếm!
Lời cô nói là một nhận định, Mason rũ ra cười.
Diana Regis nói:
- Ồ, tôi hiểu ! Chắc ông cho tôi là quá khắt khe nhưng cứ nghĩ về những chuyện họ gây ra cho tôi...
- “Họ” là ai vậy? Trong nhà có những người nào?
- Frank Glenmore, Carl Fretch, ông bà Bartsler và bà quản gia, một bà già sống trong nhà này đã lâu lắm. Bà ta điếc, làm quần quật suốt ngày và...
- Frank Glenmore là ai vậy?
- Một nhân viên kỹ thuật về ngành mỏ. Ông ta khai thác mỏ thay cho những người không muốn tự mình mó tay vào và hưởng lương theo số tấn khai thác được. Ông ta gần như là cánh tay phải của ông Bartsler từ khi thị lực của ông này giảm. Ngoài ra ông ta còn hùn vốn trong một vài kinh doanh khác của ông Bartsler. Đó là một con người rất lịch thiệp, rất trung thực, không bao giờ chối từ lắng nghe ý kiến của cả hai phía. Tôi rất mến ông ta.
- Bao nhiêu tuổi?
- Ba mươi tám.
- Thế cô ở cùng với gia đình ông Bartsler hay chỉ ngày ngày đến làm việc thôi?
- Tôi được phân một phòng trong nhà vì thường xuyên ông Bartsler bảo tôi đọc trước khi ông ta đi ngủ. Tuy nhiên tôi vẫn giữ một căn hộ trong thành phố, ở chung với một cô bạn. Chúng tôi rất thân nhau. Tôi không muốn trả căn hộ này trước khi tin chắc mình tiếp tục làm việc lâu dài với ông Bartsler .
- Căn hộ ở đâu?
- Ở chung cư Palm Vista.
- Được . Bây giờ ta lại quay về Carl Fretch.
- Thời gian gần đây hắn tán tỉnh tôi. Hắn rủ tôi đi chơi, đi xem xi nê vào tối nào tôi được rảnh. Cho tới tối hôm qua, tôi luôn luôn từ chối, viện cớ bị nhức đầu, phải viết thư hay đại loại một lý do nào đó. Tôi cư xử với hắn thật nhã nhặn nhưng vẫn giữ một khoảng cách.
- Thế tại sao tối hôm qua cô lại thay đổi ý kiến?
- Lý do là vì mẹ hắn. Thái độ của tôi làm bà ta có vẻ bực mình. Bà ta cho tôi là một con nhãi đỏng đảnh, quá kiêu căng. Và suy nghĩ lại thì chuyện nhận lời ăn tối hay đi xem xi nê với hắn cũng không có gì là xấu. Cho nên tôi đã nhận lời.
- Rồi sao nữa?
- Khi đã ra ngoài, tất cả trở nên khó chịu. Lúc đầu hắn cũng làm cho tôi thích thật đấy, hắn cố tỏ ra là một người lịch thiệp, đúng với vai trò hắn tự tạo trong dịp này. Chúng tôi ăn tối ở khách sạn, Carl gọi rượu vang Pháp và tự tâng bốc mình bằng những lời lẽ huyênh hoang với một vẻ...
- Tay Carl này bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Trên hai mươi hai.
- Có tại ngũ không?
- Loại được miễn quân dịch suốt đời. Không ai biết lý do vì sao, còn tôi thì không dám hỏi. Chắc là ông bác sĩ của gia đình nhận thấy hắn bị chứng nhuyễn não.
- Sau khi ăn xong có chuyện gì xảy ra?
- Cũng bấy nhiêu chuyện đó nhưng có chút ít lệch lạc.
- Cô giải thích rõ xem.
- Tôi cố làm cho hắn hiểu tôi không ưa hắn, thế là hắn tự lột mặt nạ.
- Sao?
- Tôi tát cho hắn một cái và nhảy ra khỏi xe.
- Phản ứng của hắn thế nào?
- Hắn bỏ mặc tôi.
- Thế là cô phải đi bộ về nhà?
- Cũng không hoàn toàn như vậy. Tôi đi bộ hàng cây số, cuối cùng cũng có người cho tôi quá giang đến bến Taxi. Khi về đến nhà, tôi mới sực nhớ để quên cái xắc trong xe của Carl. Trong người không có một xu nào. Tôi bảo người lái xe chờ tôi vào nhà lấy tiền, anh ta càu nhàu. Ngay lúc đó, một chiếc Taxi khác cũng vừa tới và một bà to béo tuổi ngoài 60, thọt chân bước ra. Bà ta nghe lời qua tiếng lại liền cho tôi mượn vài đô la và đến trước cửa nhà bấm chuông không để tôi hỏi tên. Frank Glenmore ra mở cửa. Bà ta tự nhận là người đã gọi điện thoại đến trước và ông này đáp: “ À! Bà đến về vụ cái mỏ”, rồi để bà ta vào.
Thần kinh tôi quá căng thẳng nên quên cả cám ơn nhưng cũng còn nhớ đề nghị ông Frank Glenmore trả hộ tôi số tiền bà ta cho tôi vay. Sau đó tôi lên thẳng phòng và ông có biết tôi nhìn thấy gì không? Carl Fretch đang vênh váo như một con gà tây trong đó! Tôi cáu quá bảo hắn ra ngay khỏi buồng tôi. Hắn nhăn răng cười nhạo: “ Không , tôi cứ ở đây. Tôi cần nói chuyện với cô và khuyên cô nên nghe tôi nói”.
- Rồi sao nữa?
- Thế là tôi mắc phải một lỗi mà cho đến giờ tôi thấy vẫn còn ân hận. Tôi nắm ve áo vét, đẩy hắn ra cửa.
- Thế hắn hành động ra sao?
- Hắn gạt tay tôi ra và nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi không bao giờ quên cái nhìn đó – lạnh lùng, độc ác, có tính toán. Tôi không tưởng tượng nổi chuyện gì sẽ xảy ra nhưng trong ánh mắt hắn, có một cái gì làm tôi phát sợ - một sự độc ác vô bờ, một ý định chẳng lành. Hắn nói: “ Được, vì cô thích gây gổ hơn là thích vuốt ve thì mặc xác cô!” Sau đó hắn đấm một cú thật mạnh vào mặt tôi.
- Cô ngã ra chứ?
- Tôi cảm thấy mắt nảy đom đóm rồi ngã khuỵu xuống đất. căn phòng như chao đảo. Còn Carl, hắn đứng ở ngưỡng cửa cười một cách cay độc và chế diễu.
Hắn nói : “ Lần sau cô sẽ bớt õng ẹo đi!” Sau đó hắn sập mạnh cửa bỏ đi.
- Rồi sao nữa?
- Tôi vừa giận giữ vừa lo ngại. Cái thằng ranh khốn nạn đó có cái gì làm tôi chết khiếp. Hơn nữa, một người phụ nữ vừa bị một thằng đàn ông đánh thì cảm thấy vô cùng nhục nhã. Tôi đứng lên đi vào buồng tắm, lấy gạc thấm nước lạnh chườm lên mắt. Sau đó tôi tự nhủ tắm nước nóng có lẽ khá hơn – hai chân tôi sưng phồng lên vì phải đi bộ nhiều. Sau nửa giờ, tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi mặc áo ngủ và bởi vì không nhớ đôi dép để dưới gầm giường nên tôi xỏ chân vào đôi giày đen và đúng lúc đó tôi sực nhớ Carl vẫn giữ cái xắc, điều này làm tôi phát cáu lên lần nữa.
- Sau đó?
- Tôi đến phòng bà Bartsler.
- Bà ta ngủ à?
- Không, bà đang ngồi nói chuyện với Carl. Bà ta đứng lên đi về phía tôi, dáng điệu thân thiện ở cái mức coi tôi như là một con bọ cạp hay con cá sấu không bằng. Bà ta nói: “Tôi nghĩ không biết phải có thái độ thế nào mới đúng với cô đây”. Tôi đáp: “Tôi cũng đang tự hỏi không biết nên có thái độ thế nào mới đúng với con bà đây. Tôi tưởng Carl ít ra cũng có một chút gì là của một người hào hoa phong nhã, nhưng không ngờ dưới cái vẻ hào nhoáng bên ngoài, hắn chỉ là một tên vô lạihay là một tên du đãng mà thôi”.
- Thái độ bà ta ra sao khi nghe cô nói như vậy?
- Rất dữ. Bà ta quắc mắt nhìn tôi, hỏi: “Cô muốn nói gì thế? “
Tôi kể cho bà ta nghe chuyện hắn tán tỉnh và đánh tôi. Bà ta cho tôi là đồ nói điêu và bảo tôi bị Carl bắt quả tang ăn cắp và chính tôi định đánh con bà để giằng lại vật ăn cắp.
- Ăn cắp? – Mason thốt lên.
- Vâng, đúng điều đó, ăn cắp! Ông có biết hắn làm gì không? Hắn mang cái xắc vào phòng mẹ hắn sau khi nhét một món đồ trang sức mà bà ta kêu mất từ buổi sáng. Tôi nghĩ hắn đã có âm mưu từ trước, hắn quyết định vu cáo tôi vì tôi không nhượng bộ hắn.
- Chàng trai này có nhiều hứa hẹn đấy!
Cô gái cười chua chát:
- Bị cái vố này tôi choáng váng không nói nên lời. Sau đó Carl tuyên bố với một dáng điệu rất kịch: “ Măng, con nghĩ trước khi đuổi đi, mẹ con mình phải khám xét phòng cô ta”.
- Sau đó thì sao?
- Carl và bà mẹ đi vào phòng tôi và bà Bartsler đẩy tôi ra, đóng sập mạnh cửa không cho tôi vào.
- Rồi sao?
- Tôi chạy xuống dưới nhà. Tôi muốn gặp ông Bartsler nhưng ông chủ đang có khách. Tôi khoác vội vào người chiếc áo măng tô lấy trong tủ áo rồi vào phòng đọc sách ngồi chờ người khách ra về. Bỗng một cánh cửa mở, tôi nhìn thấy cái bà thọt chân hồi nãy cho tôi mượn tiền. Không muốn để cho bà ta nhìn thấy mắt tôi bị tím bầm, tôi núp vội trong tủ áo. Tôi chờ năm hay mười phút và nghĩ không có ai nên bước ra đúng lúc ông Bartsler và ông Glenmore tiễn chân bà khách. Không biết làm thế nào, tôi len lén đi dần ra cửa không để ai nhìn thấy và đến tận ngoài đường. Tôi đi qua đi lại suy nghĩ tình trạng của mình và cuối cùng tôi tự nhủ khôn ngoan nhất là nên gọi điện cho Mildred Danville – cô bạn ở chung căn hộ - bảo cô mang xe của tôi đến đón tôi. Nhưng thật không may, trong người tôi không có tiền để gọi điện thoại, đành cuốc bộ về nhà – cứ như tôi đi bộ chưa đủ ấy! Tôi lê gót gần ba cây số nhưng thật công cốc, vì Mildred đi vắng. Một buổi tối thật kinh khủng!
- Sau đó cô làm gì?
- Tôi có thể đánh thức bà quản lý mượn chiếc chìa khóa chung nhưng bà ta lại là con người có đầu óc hẹp hòi. Mắt tôi mỗi lúc một sưng còn người thì ăn mặc thật hở hang cho nên tôi không dám gọi. Tôi nản quá sức. Tôi đi ra ga xe buýt và ngồi trên chiếc ghế dài trong phòng chờ. Có một người cho tôi mượn 500 xu và tôi liên tục gọi điện về nhà nhưng không ai trả lời. Tôi cảm thấy như mình bị bỏ rơi, mọi người ai cũng nhìn tôi dò xét. Thưa ông Mason, tôi được nghe nói về ông, nhưng phải suy nghĩ hàng giờ mới đi đến quyết định gặp ông. Tôi không chịu đựng được nữa rồi...Và tôi đã ở đây. Tôi có muốn cũng không thể nào làm được chuyện gì ngu hơn. Người ta đang nghi ngờ tôi là con ăn cắp mà tôi lại chạy trốn và...và...
- Này Della, - Mason hỏi – chúng ta thu xếp sao đây?
- Tôi cho cô ấy mượn y phục trong khi chờ cô ấy lấy lại quần áo, - Della Street đáp rồi quay sang hỏi Diana Regis:
- Cô có đói không?
- Có ... cả ông và chị đều tử tế quá. Tôi nghĩ...
Bất chợt cô gái gục trên ghế ngã xuống đất, ngất xỉu.
Mason vụt nhanh đến bên cô ta. Cùng với Della Street, ông nhấc cô gái lên ghế dựa và nhìn cô thư ký với vẻ bực dọc:
- Dầu sao tôi không làm loại việc như thế này. Tôi chỉ nhận những vụ giết người thôi. Nhưng Della, vì cô cứ năn nỉ...
- Tôi có nói lời nào đâu, - cô thư ký mỉm cười cãi lại.
- Ừ đúng, cô chưa nói gì. – ông thừa nhận.
Diana Regis cựa quậy trên ghế rồi bỗng mở mắt:
- Ồ ! Thật chán cho tôi. – Cô ngượng nghịu nói – Tôi... Tôi cảm thấy khó chịu quá.
- Bây giờ chắc cô đỡ rồi. – Mason an ủi cô gái – Một ly cà phê nóng sẽ làm cô tỉnh táo ngay. Nhưng trong khi chờ đợi, cô uống trước vài giọt rượu đã.
Ông đến một ngăn sách rút ra một quyển dày cộp và lấy trong hốc tường một chai uytxki và một cái ly, rót nửa ly đưa cho cô gái. Diana nhìn ông tỏ vẻ cám ơn rồi uống cạn. Mason lại cất chai và ly vào chỗ cũ rồi để quyển sách ra ngoài.
- Sao , cô thấy khá chưa?
- Khá rồi! Tôi chưa ăn gì và... Hơn nữa tôi mệt mỏi quá. Nhận một cú đấm vào mặt khiến tôi không còn tin tưởng vào bản thân mình nữa. Thưa ông Mason, tôi rất ân hận đã bị ngất đi. Xin ông buộc họ phải trả lại tôi quần áo và tôi không muốn họ vu cho tôi là kẻ ăn cắp... Thưa ông Mason, tôi không thể nhận một lời buộc tội như vậy.
- Della, phiền cô cho cô ấy mượn quần áo và cho ăn một chút gì. – Perry Mason nói – Một vài giờ nằm ngủ sẽ làm cho cô ấy hết mệt. Còn tôi, tôi đi có việc.
Rồi ông nháy mắt với cô thư ký!

Chương sau